Tin nông nghiệp ngày 23 tháng 8 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 23 tháng 8 năm 2019

Chuyển đổi cây trồng và bài học cung cầu

Nguồn tin:  Báo Vĩnh Long

Câu chuyện của ngành nông nghiệp của nhiều tỉnh - thành ĐBSCL luôn được “xới đi xới lại” thời gian qua là việc chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa kém hiệu quả.

Từ đây, cứ vài ba năm nổi lên một cây được nông dân chọn trồng nhiều. Và gần nhất là chuyện về cây mít Thái (còn gọi mít siêu sớm). Nhưng dường như vấn đề không chỉ xoay quanh việc tăng diện tích, mà được quan tâm và lo ngại hơn hết vẫn là đầu ra sản phẩm.

Các thống kê cho thấy diện tích trồng mít Thái ở ĐBSCL hiện đã hơn 60.000ha, tăng gấp đôi so năm ngoái. Nguyên nhân chỉ vì lợi nhuận hấp dẫn.

Theo tính toán, nếu trồng lúa thu nhập chỉ 30- 35 triệu đ/ha, thì mít Thái, với giá có thời điểm đến hơn 60.000 đ/kg, mỗi hecta mỗi năm cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Gấp 30 lần, hỏi sao nông dân không bỏ lúa trồng mít!?

Thế rồi một vài hộ trồng bán được sản phẩm, kéo theo những hộ lân cận, địa phương khác trồng theo, trở thành “phong trào” mà yếu tố đầu ra lâu dài và ổn định gần như không được quan tâm.

Điều này, nông dân cũng có những lý giải riêng của họ, là bởi khi trồng lúa không lời, thậm chí có vụ thua lỗ thì ai dám trồng tiếp.

Có nông dân cho rằng, 20 năm qua giá lúa vẫn vậy, trong khi giá vật tư đầu vào thì tăng vùn vụt. Song, hạn chế của nông dân là vẫn làm theo phong trào, tự phát mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng và đầu ra ổn định.

Thực tế đã chứng minh, bài học về cây cam sành năm 2015, thanh long năm 2018… là điển hình, khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách tự phát đều đi đến kết cục là “cung vượt cầu” dẫn đến “thừa hàng, dội chợ”.

Trở lại trường hợp cây mít Thái để thấy sự tương đồng. Không thể phủ nhận lợi thế cây trồng này. Tuy nhiên, giá mít tăng mạnh thời gian qua không yếu tố nào đảm bảo sẽ kéo dài bởi phần lớn rất ít hợp đồng tiêu thụ ổn định.

Do vậy, không riêng cây mít mà với nhiều loại cây trồng khác cũng vậy, để phát triển bền vững thì cần sự thay đổi về tư duy sản xuất.

Thay vì phát triển manh mún, tự phát thì nông dân phải kết nối với nhau và liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để đảm bảo đầu ra.

Và góc độ nhà quản lý, cũng phải thay đổi mặt quản lý, xuất khẩu, tổ chức sản xuất mỗi ngành hàng một cách có hệ thống, chuỗi giá trị từ khâu tìm, mở thị trường rồi về tổ chức lại cho nông dân kết hợp với nhau sản xuất theo quy trình, đặc biệt chiến lược sản xuất dài hạn mới mong sản xuất hướng bền vững.

HOÀNG MINH

Hà Nội: Hơn 2.800 trang trại có tổng doanh thu khoảng 5.700 tỷ đồng

Nguồn tin:  Báo Hà Nội Mới

Theo Sở NN& PTNT Hà Nội, đến nay, toàn thành phố có hơn 2.800 trang trại các loại, trong đó: 70 trang trại trồng trọt, gần 2.000 trang trại chăn nuôi, hơn 400 trang trại nuôi trồng thủy sản và khoảng 300 trang trại tổng hợp. Tổng quỹ đất các trang trại đang sử dụng khoảng 4.600ha với gần 10.000 lao động. Tổng doanh thu hằng năm của các trang trại khoảng 5.700 tỷ đồng, riêng các trang trại chăn nuôi đạt 4.600 tỷ đồng...

Nhìn chung, các chủ trang trại đã quan tâm đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đưa vào nuôi các giống chất lượng, năng suất cao (tôm càng xanh, cá chim trắng, cá rô đơn tính…); áp dụng công nghệ mới trong trồng hoa, rau màu (phát triển nhà lưới, nhà kính, thủy canh, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu vi sinh...), góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân...

Sơn Tùng

Sẵn sàng xuất khẩu sầu riêng

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Nông dân Lâm Ðồng đã chuẩn bị mọi điều kiện, trong đó có chất lượng sản phẩm, liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu, gắn tem truy xuất nguồn gốc để đảm bảo tiêu chuẩn cho sản phẩm sầu riêng sẵn sàng xuất khẩu.

Nông dân trồng sầu riêng công nghệ cao đảm bảo chất lượng để sẵn sàng xuất khẩu.

Mở cửa thị trường

Những năm gần đây, do giá sầu riêng tăng mạnh nên bà con nông dân trong tỉnh rầm rộ chuyển sang đầu tư loại cây này. So với cây công nghiệp truyền thống khác như: cà phê, hồ tiêu, chè,… thì sầu riêng đang mang lại giá trị kinh tế rất cao cho người nông dân. Ðây có lẽ là nguyên nhân chính khiến nông dân đang đổ xô vào trồng sầu riêng. Do đó, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ trở thành nhu cầu cấp thiết nhất.

Khi sản phẩm sầu riêng sản xuất ra nhiều, thị trường trong nước không thể tiêu thụ hết thì con đường xuất khẩu là cứu cánh cho không chỉ thương lái mà còn cả những người nông dân. Tuy nhiên, xuất khẩu không phải lúc nào cũng thuận lợi và dễ dàng. Bà Phạm Thị Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Long Thủy (Thôn 6, xã Lộc An, Bảo Lâm) cho biết: Bình quân mỗi năm công ty xuất khẩu qua Trung Quốc 500 tấn sầu riêng, góp phần hỗ trợ nông dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng phát triển có hiệu quả cây sầu riêng. Hiện nay, việc xuất khẩu trái sầu riêng Việt Nam qua Trung Quốc chưa thực hiện được bằng đường chính ngạch, nên công ty thường xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc đang thắt chặt việc nhập khẩu sầu riêng sang đường tiểu ngạch, nên vừa qua công ty bị tắc nghẽn 10 container sầu riêng tại cửa khẩu Lào Cai. Vì những lý do trên mà công ty cùng 200 hộ dân trên địa bàn các huyện liên kết cùng công ty gặp khó khăn về vấn đề không xuất được sản phẩm. Sản phẩm của bà con đang trong thời kỳ thu hái mà không xuất được thì thật sự rất khó khăn đối với các hộ nông dân và công ty. Không chỉ công ty mà nhiều hộ nông dân mong muốn Sở Công thương Lâm Đồng có kiến nghị với Bộ Công thương để Trung Quốc cấp quota cho Việt Nam xuất khẩu trái sầu riêng vào thị trường này bằng đường chính ngạch.

Theo Sở Công thương Lâm Đồng, Trung Quốc đã không còn là thị trường dễ tính như quan niệm lâu nay của nhiều doanh nghiệp. Các hoạt động thương mại biên giới qua các đường mòn, lối mở, cửa khẩu phụ… sẽ ngày càng bị siết chặt và đi vào chính quy, nề nếp. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu phải sớm thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng, giao dịch xuất khẩu và cách thức, quan điểm tiếp cận thị trường theo hướng chính quy để không đánh mất thị trường Trung Quốc.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hường, Trưởng phòng Quản lý Đầu tư và Hợp tác quốc tế - Sở Công thương tỉnh cho biết, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã và đang phối hợp với phía Trung Quốc ưu tiên triển khai các thủ tục đánh giá rủi ro dịch bệnh, mở cửa thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng quả sầu riêng. Bộ Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan thúc đẩy phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ công việc liên quan. Các địa phương cần chủ động nắm bắt thông tin và phổ biến cho các hộ sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nông sản trong địa bàn tỉnh để biết được những yêu cầu về chất lượng hàng hóa, kiểm nghiệm kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, cửa khẩu được phép xuất khẩu hoa quả… từ đó, từng bước chính quy hóa hoạt động sản xuất và kinh doanh nông sản, góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông sản bền vững sang thị trường Trung Quốc.

Ðảm bảo hàng đạt chuẩn để xuất khẩu

Lâu nay, sản xuất sầu riêng của Đạ Huoai vẫn ở quy mô gia đình, thiếu tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Bởi vậy, mỗi khi đến mùa vụ, vẫn có tình trạng tư thương ép giá, chất lượng sản phẩm trái sầu riêng chưa đồng đều.

Trung tâm Nông nghiệp Đạ Huoai đã phối hợp với công ty tư vấn để hoàn tất hồ sơ cấp giấy chứng nhận VietGAP cho các THT, HTX, đảm bảo cấp trước thời điểm thu hoạch sầu riêng để nâng cao hiệu quả trong sản xuất sầu riêng trên địa bàn huyện. Tổng diện tích đăng ký hỗ trợ VietGAP năm 2019 là 204,72 ha/172 hộ sản xuất sầu riêng kinh doanh đề nghị hỗ trợ. Bên cạnh đó, huyện cũng đã triển khai hướng dẫn cho các xã, thị trấn đăng ký nhu cầu hỗ trợ, sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sầu riêng Đạ Huoai năm 2019. Kết quả triển khai có 224 hộ tham gia đăng ký 316,22 ha sầu riêng kinh doanh, số lượng tem đăng ký là 1 triệu cái tem...

Trước những yêu cầu từ thực tiễn, huyện Đạ Huoai đã xây dựng được nhãn hiệu độc quyền “Sầu riêng Đạ Huoai”, qua đó huyện khuyến khích người dân trồng và chăm sóc sầu riêng theo hướng công nghệ cao, VietGAP, có tem truy xuất nguồn gốc, để từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường và đặc biệt là nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng sầu riêng.

Theo UBND huyện, sản xuất sầu riêng công nghệ cao ở Đạ Huoai bắt đầu phát triển từ năm 2014. Hiện toàn huyện có 327 ha sầu riêng công nghệ cao, trong đó có 327 ha ứng dụng công nghệ tưới phun mưa tự động; đã có 3 mô hình (1,7 ha) áp dụng đồng bộ công nghệ tưới phun tự động kết hợp bón phân và phòng trừ sâu bệnh tự động điều khiển bằng Smartphone...

Ông Nguyễn Văn Tám, thôn Phước Trung (xã Phước Lộc) có 5 ha sầu riêng, trong đó có 1 ha ứng dụng theo hướng công nghệ cao vào sản xuất. Qua đó, ông đã áp dụng những kỹ thuật tiên tiến từ khâu chọn giống đến đầu tư hệ thống tưới nước, tưới phân và sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông hy vọng sản phẩm của mình sẽ được thị trường đón nhận và xa hơn là được xuất khẩu để không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình mà giá trị trái sầu riêng còn được khẳng định trên thị trường quốc tế.

Ông Phạm Quang Chiến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Huoai cho biết: Hiện nay huyện Đạ Huoai có khoảng 3.400 ha, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là 1.830 ha, năng suất bình quân năm 2019 là 12 tấn/ha, sản lượng đạt trên 21.700 tấn.

Sau hơn 3 năm được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai”, đến nay toàn huyện có 228 hộ với diện tích 325 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng 2019 khoảng 5.000 tấn. Trong đó có 3.200 tấn có gắn tem truy xuất nguồn gốc điện tử và được UBND huyện cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” cho sản phẩm. “Không ngẫu nhiên mà vùng sầu riêng ở Đạ Huoai được đánh giá là thơm ngon. Đạ Huoai đang từng bước hoàn thiện sản phẩm sầu riêng của mình về chất lượng thông qua việc sản xuất sầu riêng công nghệ cao, xây dựng vùng nguyên liệu, xây dựng sầu riêng VietGAP có tem truy xuất nguồn gốc để đảm bảo rằng sầu riêng của mình chắc chắn sẽ được xuất khẩu bằng con đường chính ngạch qua thị trường Trung Quốc”, ông Chiến cho biết thêm.

HOÀNG YÊN- HOÀNG SA

Huyện Long Mỹ (Hậu Giang): Liên kết bao tiêu chanh không hạt

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Ông Lê Hữu Phước, Bí thư Huyện ủy Long Mỹ vừa có buổi làm việc với đại diện Công ty TNHH MTV The Fruit Republic (Hà Lan) có trụ sở tại thành phố Cần Thơ về việc quy hoạch và tìm chuỗi liên kết bao tiêu cho chanh không hạt.

Tại buổi làm việc, đại diện công ty đã giới thiệu sơ lược về các sản phẩm mà công ty bao tiêu. Đồng thời, trao đổi các hình thức bao tiêu cho nông dân, như: giá cả, kích cỡ chanh, phân loại, diện tích đất trồng, khảo sát vườn... chia sẻ về kinh nghiệm tổ chức để duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu, kỹ thuật cải tạo đất trồng chanh xen canh cây khóm. Theo đó, công ty yêu cầu những diện tích trồng chanh phải liền kề, với 200ha và không được trồng xen với cây lâu năm.

Về phía huyện Long Mỹ, ông Lê Hữu Phước cho biết, do hiện nay người dân còn trồng tự phát nên cần phải tập trung canh tác để liên kết với công ty và tìm đầu ra ổn định. Ông yêu cầu ngành nông nghiệp và địa phương vận động người dân chuyển đổi hình thành vùng nguyên liệu theo khu vực tập trung để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc bao tiêu và triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Hiện toàn huyện Long Mỹ có khoảng 21ha chanh không hạt, tập trung chủ yếu tại xã Vĩnh Viễn A.

MINH TIẾN

12 hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ trái thanh long an toàn

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận cho biết, toàn huyện có 22 hợp tác xã (HTX) hoạt động trên các lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp; trong số đó có 12 HTX thanh long liên kết sản xuất tiêu thụ trái thanh long an toàn với diện tích 402 ha. Theo đó, HTX thanh long Thuận Tiến có các hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp trong nước để xuất thanh long đi châu Âu 100 tấn/năm. HTX thanh long sạch Hòa Lệ liên kết với Công ty TNHH Màu xanh Vĩnh Cửu xuất thanh long đi Mỹ với sản lượng 120 tấn/tháng; từ tháng 3/2018 còn liên kết với Công ty THHH Giasaka Nhật Bản tiêu thụ thanh long vào thị trường Nhật với sản lượng 30 tấn/tháng.

Ngoài ra, thanh long còn được chế biến thành rượu vang bằng công nghệ hiện đại tại HTX thanh long Hàm Đức, sản lượng trung bình 75.000 lít/năm và đang tiếp tục mở rộng quy mô, nâng chất lượng và sản lượng chế biến nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng…

T.Duyên

Đồng Tháp: Xây dựng 6 điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Ngày 20/8, nguồn tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Tháp cho biết, đã xây dựng thêm 6 điểm thực hành sản xuất xoài rải vụ theo hướng an toàn và 6 mô hình canh tác xoài rải vụ đủ điều kiện an toàn ở huyện Cao Lãnh và TP.Cao Lãnh với tổng diện tích hơn 416ha, đến nay nâng tổng diện tích sản xuất rải vụ cả tỉnh đạt 6.300ha.

Nhà vườn ở huyện Cao Lãnh ngày càng quan tâm đến sản xuất xoài theo hướng an toàn

Các địa phương cũng nhân rộng mô hình bao trái xoài trên 85% diện tích, thành lập 8 hợp tác xã, 29 tổ hợp tác sản xuất xoài liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cho nhà máy và công ty. Hàng năm, các công ty, nhà máy đã cung cấp ra thị trường từ 6.000 – 7.000 tấn xoài tươi và xoài chế biến.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác chứng nhận GAP đủ điều kiện xuất khẩu xoài sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Newzealand, Trung Quốc, Nga và Mỹ thông qua các doanh nghiệp ở TP.HCM và Hà Nội.

Dũng Chinh

Trồng rau trong nhà lưới - hướng đi mới, hiệu quả cao

Nguồn tin: Báo Long An

Thực hiện đề án "Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An phấn đấu có 1.000ha. Để đạt mục tiêu này, huyện triển khai thực hiện mô hình trồng rau trong nhà lưới, được nông dân áp dụng hiệu quả.

Trồng rau trong nhà lưới mang lại hiệu quả cao

Toàn huyện hiện có 1.800ha chuyên canh rau màu. Sau 2 năm thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, huyện chuyển đổi thành công 850ha trồng rau theo mô hình rau sạch, an toàn. Một trong những mô hình trồng rau sạch hiện nay được nông dân trên địa bàn huyện áp dụng hiệu quả là trồng trong nhà màng, nhà lưới với chi phí lắp đặt từ 80.000 - 100.000/m2. Trồng rau trong nhà lưới giúp giảm tác động của thời tiết, bảo vệ rau khỏi côn trùng phá hoại. Ngoài ra, việc sử dụng hệ thống phun tưới tự động trong nhà lưới còn giúp giảm công lao động. Toàn huyện hiện có 25 hợp tác xã sản xuất rau, trong đó có 6 hợp tác xã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Đây là đầu mối thu mua, tiêu thụ rau sạch, an toàn cung ứng ra thị trường.

Phấn đấu đến năm 2020, Cần Giuộc có 1.000ha sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 10% diện tích trồng rau trong nhà lưới, nhà màng. Để thực hiện mục tiêu này, ngoài nguồn ngân sách hỗ trợ nông dân về tập huấn kỹ thuật, cho vay vốn ưu đãi, nguồn quỹ từ các đoàn thể, huyện còn huy động doanh nghiệp tài trợ lắp đặt, cung cấp nhà lưới cho nông dân theo hình thức trả chậm, trả góp, xây tặng nhà lưới miễn phí cho hộ nghèo.

Trồng rau trong nhà lưới đang tạo bước ngoặt quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất rau sạch, an toàn là giải pháp ưu việt, tạo hướng đi mới cho vùng rau chuyên canh của huyện. Mô hình này không những tạo ra rau đẹp, chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân mà còn thay đổi tập quán sản xuất tự phát, manh mún, tránh được nhiều rủi ro, thiệt hại, đáp ứng nhu cầu về rau sạch của người tiêu dùng./.

Thành Phát

Gắn sản xuất với tiêu thụ rau an toàn

Nguồn tin: Báo Hà Nội Mới

Hà Nội hiện đã có các mô hình trồng rau an toàn công nghệ cao, với mức đầu tư ban đầu khá lớn. Song, để mang lại hiệu quả, điều cốt yếu trong sản xuất rau an toàn là phải gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm...

Hiện nay, việc chăm sóc rau tại khu ruộng đã được đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới khá bài bản ở thôn Yên Quán (xã Tân Phú, huyện Quốc Oai). Bà Đỗ Thị Tẹo, một người dân địa phương cho biết, nhiều năm nay, người dân xã Tân Phú đã tận dụng vùng đất bãi ven sông để trồng các loại rau màu, nhưng chủ yếu là những cây trồng theo mùa vụ, không có cây đặc sản. Vì thế, tình trạng “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa” vẫn thường xuyên diễn ra.

“Người trồng rau xanh cũng nhìn ra hạn chế này, nhưng khó khắc phục. Vì thế, từ khi huyện Quốc Oai đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới trồng rau an toàn theo hướng công nghệ cao tại địa phương gắn với tiêu thụ sản phẩm, bản thân tôi và người dân nơi đây rất phấn khởi làm theo”, bà Đỗ Thị Tẹo cho hay.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Sắc cho biết: Theo quy hoạch, huyện Quốc Oai có 65ha trồng rau an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Ngay từ khi tổ chức sản xuất, huyện đã phối hợp với các bên liên quan tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm, nên nông dân tham gia mô hình sản xuất rau công nghệ cao rất yên tâm.

Được huyện Thanh Trì hỗ trợ, Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát ở xã Yên Mỹ cũng đã ứng dụng thành công quy trình sản xuất rau sạch theo công nghệ tiên tiến của Israel.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát cho biết, trên diện tích 2.600m2, đơn vị đã đầu tư dây chuyền công nghệ cao trồng rau xà lách, cải ngọt… và sản phẩm bắt đầu cho thu hoạch. Từ khi bắt tay vào sản xuất, đơn vị đã liên kết với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát, giới thiệu để đưa rau tiêu thụ tại các siêu thị, nhà hàng lớn và một số hãng hàng không…

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, toàn thành phố có hơn 12.000ha trồng rau xanh. Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể về diện tích, nhưng tỷ lệ sản xuất rau an toàn công nghệ cao của Hà Nội vẫn khiêm tốn, bởi mô hình này chi phí đầu tư ban đầu rất lớn; trong khi sản phẩm cuối cùng là rau tươi sử dụng trong ngày, nếu như đầu ra sản phẩm gặp khó khăn, thì nguy cơ bị thua lỗ cao…

Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao, Sở NN&PTNT Hà Nội đang nghiên cứu và tiếp tục hỗ trợ thực hiện một số mô hình áp dụng công nghệ cao, tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, quản trị cho nông dân.

Cùng với đó, Sở phối hợp với các địa phương chú trọng đẩy mạnh hình thành chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất - tiêu thụ rau, như: Phát triển các quầy bán rau an toàn tại các chợ, siêu thị; duy trì và xây dựng một số chợ quy mô nhỏ để thuận tiện cho việc tiêu thụ rau an toàn ở các vùng sản xuất quy mô lớn nằm xa chợ đầu mối.

Sở NN&PTNT cũng tiếp tục phối hợp với sở, ngành liên quan tổ chức phát triển mạng lưới tiêu thụ rau an toàn theo các hình thức: Quầy rau an toàn tại các khu dân cư (tùy theo quy mô của khu dân cư có thể bố trí từ 1 đến 3 cửa hàng rau an toàn/khu); hỗ trợ mở quầy bán rau an toàn tại các chợ (chủ yếu là khu vực nội thành) song hành cùng các siêu thị…, qua đó gián tiếp thúc đẩy các mô hình sản xuất rau an toàn công nghệ cao ngày càng phát triển.

Bạch Thanh

Phú Yên: Mía khô héo do nắng hạn, nguy cơ phá vỡ vùng nguyên liệu

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Mía trồng ở vùng gò đồi xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) bị khô héo do nắng hạn kéo dài - Ảnh: HOÀI NAM

Nắng hạn gay gắt thời gian qua làm cho nhiều diện tích mía ở các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh khô héo. Người trồng mía thiệt hại nặng, còn nhà máy đường lo lắng vụ đến sản lượng mía nhập về nhà máy sẽ giảm.

Nhiều năm qua, cây mía góp phần trong xóa đói, giảm nghèo ở các huyện miền núi Phú Yên. Thế mà nay, nông dân và cả nhà máy lại gặp khó bởi nắng hạn kéo dài.

Mía khô héo

Tại xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân), nhiều diện tích mía trồng ở vùng gò đồi khô héo, còn mía trồng ven sông thì không phát triển. Ông Bùi Văn Dũng ở xã Xuân Sơn Bắc, nói: Tôi trồng 2 sào mía ở vùng gò đồi, nắng hạn khô trắng lá, sắp đến cày phá bỏ. Chưa năm nào tôi thấy nắng hạn làm cho mía khô héo chết nhiều như năm nay.

Còn bà Phan Thị Nhung ở xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) chia sẻ: Tôi trồng mía soi dọc theo sông Cái (sông Kỳ Lộ), nắng hạn làm mía chết quá nhiều, bụi mía nào còn lại có màu xanh thì cao không quá đầu gối. Mấy năm trước tháng này mía đã cao 3m...

Thời gian đến, việc trồng mía cần tập trung thâm canh cây trồng với kỹ thuật tưới tiết kiệm nước, tưới nhỏ giọt; đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất từ khâu làm đất, trồng, bón phân, chăm sóc và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác thâm canh cây mía. ThS Nguyễn Trọng Lực, Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên

Vùng gò đồi từ xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây, Ea Ly (huyện Sông Hinh), những rẫy mía khô héo trải dài. Ông Trương Văn Hùng ở xã Đức Bình Tây cho biết: Chưa năm nào tôi thấy nắng hạn như năm nay. Nắng nóng khắc nghiệt làm cho cây mía khô lá và chết cháy. Vùng này có đám mía nhổ lên khô tận rễ.

Sơn Hòa là “thủ phủ” cây mía và mía là cây trồng chủ lực của người dân miền núi, nhưng nắng hạn làm cho cánh đồng mía xã Sơn Nguyên, Sơn Hà, Sơn Phước khô trắng. Ông Nguyễn Long ở xã Sơn Nguyên cho hay: Nắng hạn làm cho mía chết hàng loạt và người trồng mía đang rất lo lắng. Bởi bình quân 1ha mía trồng mới, đầu tư cày bừa, giống, phân hết 30 triệu đồng; còn mía lưu gốc thì công cuốc cỏ, bón phân đợt 1 hết 7 triệu đồng. Đến thời điểm này, mía tơ chết héo, mía lưu gốc rễ nhiều có sức hơn nhưng bụi nào bụi nấy giống như bụi sả. Khả năng vụ mới vùng này, nông dân không có mía bán cho nhà máy.

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Huyện Sơn Hòa có gần 13.000ha mía, phần lớn diện tích nhờ vào nước trời. Thế nhưng thời gian qua, không có mưa, nắng như đổ lửa, mía chết trải dài ở hầu hết các cánh đồng mía trong huyện. Nhiều chân ruộng, tỉ lệ cây chết đến 70%. Thời điểm này nếu có mưa cũng không thể cứu vớt được, vì cây mía kiệt sức.

Nhà máy chia sẻ gánh nặng với nông dân

Theo thống kê sơ bộ từ các địa phương, riêng vùng nguyên liệu mía của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, diện tích mía khô héo đã lên đến gần 2.000ha. Đây là những diện tích không chủ động được nước tưới. Trung bình 1ha mía, nhà máy đầu tư trước cho nông dân 10 triệu đồng. Nay mía chết, nông dân lo lắng không có tiền trả nợ.

Ông Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cho biết: Nắng nóng diễn ra từ đầu vụ, có nông dân thu hoạch mía xong muốn đầu tư trồng lại nhưng nắng hạn không thể xuống giống cây trồng. Vì vậy vụ ép đến, lượng mía nhập về nhà máy dự kiến giảm 50% so với các niên vụ trước đây. Trước tình hình nắng hạn, nông dân gặp khó thì nhà máy chia sẻ gánh nặng với nông dân. Theo đó nhà máy có chính sách hỗ trợ cho nông dân.

Vùng nguyên liệu mía quy hoạch cho Công ty CP Mía đường Tuy Hòa là 6.000ha trên địa bàn các huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Tuy An… Tuy nhiên, nắng nóng vừa qua làm cho 1.000ha bị khô hạn, diện tích còn lại bị nắng hạn đe dọa. Theo Công ty CP Mía đường Tuy Hòa, để ổn định vùng nguyên liệu mía, thời gian đến, công ty đưa chính sách đầu tư là tăng suất đầu tư trồng mới, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh để nông dân có thêm lợi nhuận. Đồng thời, công ty thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân trong việc mua giống chất lượng cao, hỗ trợ phân vi sinh, phân NPK, từ đó bớt gánh nặng cho nông dân.

ThS Nguyễn Trọng Lực (Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên) cho biết: Phần lớn diện tích trồng mía ở Phú Yên nằm trên đồi cao, canh tác chỉ dựa vào nước trời, trong khi biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, lượng mưa thấp ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng mía. Ở những vùng có điều kiện thuận lợi, người dân áp dụng biện pháp thâm canh như phân bón, tưới nước để tăng năng suất nhưng người dân canh tác theo tập quán sản xuất truyền thống nên năng suất chưa cao.

Thống kê của Sở NN-PTNT, niên vụ mía 2019-2020, nông dân trong tỉnh trồng trên 23.600ha, nắng hạn làm cho 2/3 diện tích mía bị khô do không có nguồn nước tưới.

Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam tiếp tục có chính sách ưu đãi cho người trồng mía trong vùng nguyên liệu nhà máy về giống, phân bón, đồng thời hỗ trợ đầu tư để mua sắm dụng cụ nông nghiệp nhưng không tính lãi như: Máy bơm nước, giếng khoan, hệ thống tưới nhỏ giọt… Hy vọng niên vụ 2020-2021, diện tích mía vùng nguyên liệu sẽ phục hồi.

Ông Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam

MẠNH LÊ TRÂM

Tìm lại thị trường cho hồ tiêu Việt Nam

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Chiếm 70% thị phần thế giới, nhưng hồ tiêu Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu thô, giá trị ngày càng sụt giảm. Cần chuyển biến mạnh về công tác quy hoạch và nâng giá trị sản phẩm này.

Nửa đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu được 180.276 tấn với giá trị đạt 463,3 triệu USD - Ảnh: VGP/Đỗ Hương Vỡ quy hoạch

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ năm 2010 đến nay, diện tích hồ tiêu nước ta tăng rất nhanh, năm 2010 cả nước có 51,3 ngàn ha, năm 2014 là 85,6 ngàn ha, đến hết 2017 theo số liệu của các tỉnh là 151,9 ngàn ha, tăng 196% so với năm 2010, tăng 22% so với năm 2016 và vượt định hướng phát triển trên 100 ngàn ha.

Các địa phương đua nhau phát triển hồ tiêu bởi những năm trước đây sản phẩm này rất được giá, lại dễ trồng. Tuy nhiên, việc phát triển nóng đã đi kèm với hệ lụy giảm chất lượng rõ rệt. Nếu như năm 2016, giá trị xuất khẩu hồ tiêu đạt 176,6 nghìn tấn, tăng 34,3% về khối lượng và tăng 12,9% về giá trị so với năm 2015 thì những năm sau đó đến nay, giá trị xuất khẩu giảm dần.

Đến năm 2017 giá trị hồ tiêu xuất khẩu ước đạt 1,11 tỷ USD, giảm 21% so với năm 2016; năm 2018, xuất khẩu hồ tiêu đạt 758,8 triệu USD, giảm 32,1%. Nửa đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu được 180.276 tấn với giá trị đạt 463,3 triệu USD, tăng 34,1% về lượng, song lại giảm gần 1% về giá trị so với cùng kỳ 2018.

Chi phí sản xuất hạt tiêu năm 2018 của Việt Nam tăng ít nhất 10% so với năm 2017. Trong khi giá bán hạt tiêu lại giảm trên 30%, gây khó khăn rất lớn cho người trồng tiêu.

Điểm đáng chú ý là, cơ cấu sản phẩm hồ tiêu chế biến chưa hợp lý. Tiêu trắng (tiêu sọ) có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 10 - 15% tổng sản lượng. Hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp.

Về năng suất, 5 năm trước đây, hạt tiêu Việt Nam dẫn đầu thế giới về năng suất và sản lượng. Nhưng trong thời gian hai năm trở lại đây, nhiều quốc gia như Brazil, Ấn Độ, Indonesia trở thành đối thủ cạnh tranh với Việt Nam về sản lượng cũng như chất lượng. Trong đó, đáng quan tâm nhất là hạt tiêu Brazil có chất lượng tốt hơn với 80% lượng bán ra thị trường thế giới đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Bộ NN&PTNT nhận định: Sản xuất hồ tiêu của Việt Nam được đánh giá chưa bền vững chủ yếu do diện tích trồng hồ tiêu ở nhiều vùng tăng nhanh, đặc biệt là ở các vùng không phù hợp, thâm canh quá cao trong giai đoạn giá tốt; công tác giống còn nhiều hạn chế, trong đó có việc nghiên cứu, chọn tạo giống mới, sản xuất giống hồ tiêu sạch bệnh, công tác bình tuyển và công nhận cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng chưa được các tỉnh quan tâm thực hiện.

Bên cạnh đó, sản xuất theo hướng GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa toàn diện; tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu hồ tiêu còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của ngành hồ tiêu.

Cần nâng giảm tỷ lệ tiêu hạt và nâng tiêu bột để thu về giá trị cao hơn - Ảnh: VGP/ Đỗ Hương

“Siết” quy hoạch, tìm hướng phát triển mới

Theo Cục Xuất nhập khẩu, thời gian tới, giải pháp quan trọng để ngành hồ tiêu phát triển bền vững là phải chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng tỷ lệ tiêu trắng xuất khẩu đạt 30-40%, tiêu bột đạt 20% vào năm 2030; đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị trường yêu cầu chất lượng cao như sản phẩm tiêu hữu cơ, tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu…

Cùng với đó các địa phương cần nỗ lực tuyên truyền vận động người dân thực hiện đúng quy hoạch phát triển cây hồ tiêu của Bộ NN&PTNT đã khuyến cáo. Đồng thời các địa phương phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất cung ứng giống tiêu trên địa bàn. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất kinh doanh các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh, đảm bảo phân bón được sản xuất theo đúng quy trình công nghệ. Không ngừng nâng cao năng lực nhận thức cho nông dân về tầm quan trọng của cây giống, phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh thông qua công tác khuyến nông, tập huấn, xây dựng mô hình…

Đứng từ góc độ đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng: Việc mà toàn ngành hồ tiêu phải làm còn là thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trồng hồ tiêu, tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững; tăng cường kiểm soát chất lượng, nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời kiểm soát chặt chẽ quá trình chế biến, bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nhiều mô hình liên kết sản xuất như câu lạc bộ, hợp tác xã sản xuất hồ tiêu giỏi hình thành ở nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp gắn với người sản xuất trong chuỗi sản xuất - thương mại mang lại hiệu quả như Công ty Nedspice liên kết với nông dân trồng tiêu ở Bình Phước hướng dẫn sản xuất theo hướng an toàn và tiêu thụ sản phẩm. Các công ty Phúc Sinh, Simexco Đắk Lắk, KSS, Olam, Harris Freeman, Intimex ngoài việc đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu chủ động còn liên kết với nông dân thông qua các tổ chức như Hội Hồ tiêu ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Hội hồ tiêu Chư Sê, Chư Pưh, Lộc Ninh, Đăk Song, Sơn Thành, Phú Quốc để xây dựng, quảng bá thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ đã góp phần nâng cao sức cạnh tranh hồ tiêu trong nước và xuất khẩu.

Về mặt thị trường, cần tăng cường xúc tiến, mở rộng thị trường, tăng thị phần hồ tiêu Việt Nam chất lượng cao vào các thị trường Đông Bắc Á, Mỹ, EU.

Hiệp hội gia vị Mỹ, Đức, châu Âu cũng đã khuyến nghị, trong xu hướng nguồn cung quá lớn, nếu Việt Nam chỉ hướng đến sản xuất hồ tiêu để ăn thì đó là một sự lãng phí. Hồ tiêu làm mỹ phẩm, nước hoa, làm nguyên liệu thứ cấp cho các ngành khác phải là con đường cần tính đến bởi nhu cầu này trên toàn cầu là rất lớn.

Đỗ Hương

Giá lúa cánh đồng mẫu lớn cao hơn 500 đ/kg

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Hiện bà con nông dân huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long thu hoạch dứt điểm 11.908ha lúa Hè Thu, ước năng suất bình quân 6,16 tấn/ha.

Vụ Hè Thu năm nay, giá lúa duy trì ở mức thấp. Thương lái mua tại ruộng đối với lúa IR50404 từ 4.000- 4.100 đ/kg; lúa hạt dài OM 5451 giá từ 4.300- 4.400 đ/kg.

Vụ Hè Thu 2019, nông dân trong huyện tiếp tục sản xuất lúa cánh đồng mẫu với tổng số 3.500ha, trong đó ở xã Tân An Luông: 450ha, Hiếu Phụng: 350ha, Hiếu Nhơn: 600ha, Trung Hiếu: 700ha, Trung Hiệp: 400ha, Trung Ngãi: 400ha, Trung An: 600ha. Giá lúa thương lái thu mua tại ruộng cao hơn lúa sản xuất ngoài mô hình 500 đ/kg.

Hiện nông dân trong huyện đã xuống giống vụ Thu Đông với 8.239ha, đạt 73% kế hoạch, lúa giai đoạn mạ 5.605ha, đòng- trổ 2.633ha

ĐÀO NHIỄN

Huyện Vị Thủy (Hậu Giang): Ra mắt mô hình ‘Tổ hợp tác nuôi bò và trùn quế’

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Hội Nông dân Việt Nam huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang vừa phối hợp với Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Thuận Tây tổ chức ra mắt mô hình “Tổ hợp tác nuôi bò và nuôi trùn quế” tại ấp 4, xã Vĩnh Thuận Tây. Mô hình có 6 thành viên, do ông Nguyễn Văn Than làm tổ trưởng. Tổ hợp tác thực hiện mô hình chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế, có diện tích khoảng 80ha, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, tự chủ tài chính, tự trang trải các chi phí hoạt động, chịu trách nhiệm bằng tài sản của tổ và các tổ viên. Thông qua hoạt động mô hình nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, xây dựng phong trào kinh tế hợp tác phát triển mang tính bền vững, đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới.

YẾN DUY

Làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Nhờ nhạy bén, chủ động trong làm ăn mà ông Nguyễn Sâm (SN 1956) ở thôn Tân Lợi 1, xã Ea Uy, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp đem lại hiệu quả cao.

Năm 1983, ông Sâm từ Quảng Ngãi lên xã Ea Uy lập nghiệp. Trong thời gian sinh sống tại đây, ông được tín nhiệm bầu làm nhiều chức vụ như Phó Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp xã, Chủ tịch HĐND xã Ea Uy… Năm 2015, ông Sâm về hưu và bắt đầu xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp. Ông Sâm chia sẻ: “Nhận thấy mô hình trang trại chăn nuôi tại địa phương còn ít, trong khi đó nguồn thức ăn chăn nuôi lớn, lại cần ít nhân lực nên tôi quyết định mở trang trại chăn nuôi bò, dê, gà, vịt để phát triển kinh tế”.

Trang trại nuôi dê của gia đình ông Nguyễn Sâm (thôn Tân Lợi 1, xã Ea Uy).

Thực hiện ý tưởng của mình, ông mạnh dạn đầu tư 1 tỷ đồng xây dựng 4 chuồng trại chăn nuôi với tổng diện tích hơn 100 m2 để nuôi 40 con dê giống, 13 con bò lai, 200 con gà và 100 con vịt. Ông Sâm cho biết, khó khăn nhất trong chăn nuôi dê, bò là tìm nguồn thức ăn thường xuyên. Thế nên, để bảo đảm nguồn thức ăn cho bò, đặc biệt là vào mùa khô, ông đã chuyển đổi 8 sào đất sang trồng cỏ. Trong khi đó, dê chỉ ăn lá nên ông thường xuyên tìm kiếm, liên hệ với các chủ vườn cây ăn quả để tìm các loại lá như keo, mít, bông gòn… làm thức ăn cho dê.

Trung bình cứ 4 tháng dê sinh sản 1 lần, có thời gian đàn dê của gia đình ông lên đến 80 con. Số dê thịt được thương lái tìm đến đặt mua với giá ổn định 130.000 đồng/kg, dê giống thì giá cao hơn. Đối với gà, vịt, trung bình 4 tháng ông xuất bán 1 lứa với giá ổn định hơn 65 nghìn đồng/kg gà, 50.000 đồng/kg vịt cho các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, ông còn tận dụng được nguồn phân thu được từ chăn nuôi gia súc, gia cầm để bón cho 2 ha cà phê của gia đình và bán cho người dân địa phương tăng thêm thu nhập.

Mô hình chăn nuôi gà của gia đình ông Nguyễn Sâm (thôn Tân Lợi 1 xã Ea Uy).

Trong thời buổi chăn nuôi đang gặp khá nhiều khó khăn nhưng trang trại của ông Sâm vẫn phát triển tốt và cho thu nhập ổn định. Mỗi năm chỉ tính riêng chăn nuôi, gia đình ông thu lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. Nhiều năm liền ông Nguyễn Sâm được vinh danh là hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Krông Pắc.

Thùy Dung

Phú Yên: Nông dân tận thu lúa khô héo làm thức ăn cho bò

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, đợt nắng hạn gay gắt kéo dài nhiều tháng qua làm hơn 6.030ha lúa hè thu thiếu nước, tập trung tại các huyện Tuy An, Đông Hòa và Tây Hòa.

Trong đó, diện tích đang bị thiệt hại hơn 4.810ha và có 1.260ha khô héo, mất trắng vì không có khả năng bơm tưới... Chỉ tính riêng tại xã Hòa Thịnh có gần 600ha lúa khô héo, nông dân các địa phương tận dụng cắt lúa hè thu khô héo về làm thức ăn cho bò.

Trước tình hình nắng hạn gay gắt, UBND tỉnh đã có báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan Trung ương xem xét hỗ trợ 16,7 tỉ đồng để triển khai chống hạn khôi phục sản xuất vụ hè thu năm 2019, như lắp đặt nhiều trạm bơm dã chiến, tận dụng tối đa những vị trí có nguồn nước bơm chống hạn.

LÊ TRÂM

Vinamilk xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cùng với Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh vừa ký thỏa thuận hợp tác “Xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh để xuất khẩu giai đoạn từ năm 2019-2022”.

Lễ ký thỏa thuận hợp tác “Xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh để xuất khẩu giai đoạn từ năm 2019-2022”

Sự hợp tác này hướng đến mục tiêu xây dựng thành công vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam và Tổ chức Thú y thế giới (OIE), cũng như đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu. Từ đó, bảo đảm phát triển chăn nuôi bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và đáp ứng yêu cầu của quốc tế về xuất khẩu.

Dự kiến, đến tháng 12/2022 sẽ hoàn thiện hồ sơ đề nghị OIE đánh giá, công nhận vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh cho huyện Bến Cầu (Tây Ninh). Khi được xây dựng thành công, đây sẽ là hình mẫu để tiếp tục nhân rộng ở Tây Ninh và nghiên cứu xây dựng đối với các địa phương có ngành chăn nuôi bò sữa.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với đàn bò sữa để đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sữa từ Việt Nam sang các nước là rất quan trọng, kể cả đối với mục tiêu phục vụ cho người tiêu dùng trong nước.

Việc xây dựng thành công vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh theo đề án này sẽ tạo tiền đề cho địa phương tiếp tục xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn, không chỉ cho đàn bò sữa mà còn cho các loại gia súc, gia cầm ở Tây Ninh. Đồng thời, xây dựng ý thức của người chăn nuôi, cơ quan chuyên môn để thúc đẩy xây dựng thêm nhiều cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh trên cả nước, tiến tới đề xuất với OIE công nhận.

Trong quá trình xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, Cục Thú y sẽ đóng vai trò là cơ quan quản lý, đưa ra các hướng dẫn cụ thể về việc thiết kế và thực hiện các quy trình an toàn sinh học, giám sát dịch bệnh, quản lý thông tin, truy xuất nguồn gốc theo đúng tiêu chuẩn của OIE, yêu cầu của châu Âu và các nước khác…

Về phía tỉnh Tây Ninh, Sở NN&PTNT sẽ chịu trách nhiệm tham mưu để UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp tổ chức xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên gia súc. Đồng thời, triển khai các công tác kiểm tra, giám sát, củng cố mạng lưới thú y cơ sở nhằm thực hiện giám sát, phòng chống dịch bệnh; hỗ trợ việc tiêm phòng và công tác giám sát phòng chống dịch bệnh; tổ chức thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi trong vùng về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung, nhất là các bệnh trên bò sữa…

Vinamilk hiện có hệ thống 12 trang trại bò sữa công nghệ cao trên cả nước và tất cả đều đạt chứng nhận là các cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định của Bộ NN&PTNT. Với vai trò là doanh nghiệp tiên phong trong phát triển chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại Việt Nam, cùng kinh nghiệm và nguồn lực về con người, công nghệ… Vinamilk sẽ phối hợp cùng địa phương trong các công tác chuyên môn và hướng dẫn hộ chăn nuôi, từng bước xây dựng vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh xung quanh trang trại được OIE công nhận.

Tại huyện Bến Cầu, Vinamilk có 1 trang trại bò sữa theo chuẩn Global GAP có quy mô lên đến 8.000 con bò, bê sữa, được ứng dụng công nghệ 4.0 hiện đại. Bên cạnh việc ký hợp đồng thu mua bắp, cỏ làm thức ăn cho bò, thu mua sữa từ các nông hộ hợp tác, Vinamilk đã tích cực phối hợp với các hộ dân chăn nuôi bò sữa có hợp tác với công ty để thực hiện công tác đảm bảo về an toàn dịch bệnh. Đây là tiền đề thuận lợi để nhân rộng ra các vùng đệm lân cận và hướng đến xây dựng vùng an toàn dịch bệnh tại huyện Bến Cầu.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành nghiên cứu và phát triển của Vinamilk cho biết, công ty sẽ tích cực phối hợp với địa phương và cơ quan nhà nước trong việc xây dựng vùng nguyên liệu an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế để đưa sản phẩm sữa xuất khẩu đi nhiều quốc gia trên thế giới.

Vinamilk xác định việc xây dựng vùng đệm xung quanh đạt an toàn dịch bệnh cũng là rất cần thiết để giảm thiểu nguy cơ xâm nhiễm các loại mầm bệnh từ bên ngoài vào bên trong trang trại và chuỗi sản xuất của công ty. Vì vậy, có thể nói các vùng chăn nuôi bò sữa an toàn dịch bệnh được xây dựng và công nhận sẽ mang đến lợi ích chung cho tất cả các bên, hướng đến sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam.

Hệ thống các trang trại bò sữa trên khắp cả nước và đang tiếp tục được mở rộng của Vinamilk được định hướng sẽ là các hạt nhân để xây dựng thành vùng an toàn dịch bệnh tại nhiều địa phương, hướng đến mở rộng vùng nguyên liệu sữa tươi đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam, cung cấp sản phẩm sữa chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Minh Thi

Hiếu Giang tổng hợp

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop