Hàng chục triệu tấn phụ phẩm nông sản đang bị lãng phí
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Sáng 20-9, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo về chính sách nâng cao chất lượng hàng nông thuỷ sản và thực phẩm chế biến.
Phụ phẩm nông sản đang bị lãng phí
Các tài liệu tại hội thảo cho thấy, nhìn chung, ngành chế biến nông sản của Việt Nam còn khá nhiều hạn chế. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến trong chuỗi giá trị, khâu chế biến chỉ sử dụng 5-10% sản lượng nông sản sản xuất ra. Việc chế biến chủ yếu là thủ công, ít nhà máy hiện đại; chưa có nhiều mô hình gắn kết giữa chế biến với vùng sản xuất.
Các sản phẩm chế biến cũng chưa đa dạng, chủ yểu là các sản phẩm đơn giản như bún, miến, rau quả sấy khô, nước ép… Tỷ lệ chế biến cà phê, một mặt hàng mà Việt Nam là nhà sản xuất vào tốp đầu thế giới, cũng chỉ khoảng 10% và hầu hết là cà phê bột, cà phê tan. Đầu tư cho công nghiệp chế biến chưa tương xứng với tốc độ phát triển của nông nghiệp. Hệ số đổi mới thiết bị trong những năm qua mới chỉ ở mức 7%/năm (bằng 1/2 đến 1/3 mức tối thiểu của các nước khác); điều khoảng 5%, chè 5%, cá tra 10% và cao nhất là tôm, khoảng 40%. Trình độ công nghệ chế biến nhiều mặt hàng nông sản trên 90% là mức độ trung bình và lạc hậu.
Một chi tiết đáng lưu ý khác là việc sản xuất phế, phụ phẩm còn rất hạn chế, chưa khai thác hết tiềm năng. Ví dụ trong sản xuất lúa gạo, với sản lượng trên 40 triệu tấn lúa/ năm, sẽ có khoảng 40 triệu tấn rơm, 8 triệu tấn trấu và 4 triệu tấn cám có thể tạo ra nhiều giá trị gia tăng ngoài gạo như dầu cám, thức ăn chăn nuôi, củi trấu, giá thể nấm…
Trong sản xuất đường, mỗi năm phát sinh 1 triệu tấn bã mía có thể dùng làm nguyên liệu phát điện và 600.000 tấn rỉ mật có thể sản xuất nhiên liệu sinh học. Ngành chế biến điều mỗi năm có khoảng 400.000 tấn vỏ thô có thể chế biến ra dầu vỏ điều, song mới sử dụng được rất ít.
Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiệu quả hoạt động ngành này còn thấp được các đại biểu chỉ ra tại hội thảo là nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Có tới 55,63% chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực này có trình độ học vấn từ trung cấp trở xuống, trong đó 43,3 chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn từ sơ cấp và phổ thông các cấp.
Về lực lượng lao động, có 75% lực lượng lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Việc thực hiện chưa đầy đủ các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động đã làm giảm chất lượng lao động trong khu vực này. Do đó, việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại cũng gặp nhiều khó khăn…
ANH PHƯƠNG
Doanh nghiệp cao su lao đao vì cây chết, giá mủ giảm sâu
Nguồn tin: VOV
Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 96.000ha cây cao su, trong đó có 75% diện tích kinh doanh, cho sản lượng 111.000 tấn.
Hơn 12.000ha cao su chết và kém phát triển, hàng loạt doanh nghiệp lao đao vì giá mủ giảm sâu, là vấn đề nổi bật được nêu ra tại buổi làm việc với đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương về vấn đề phát triển cao su tại tỉnh tại tỉnh, tổ chức sáng nay (19/9).
Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 96.000ha cây cao su, trong đó có 75% diện tích kinh doanh, cho sản lượng 111.000 tấn. Trong giai đoạn 2008-2011, tỉnh triển khai dự án chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cao su và thực tế đã trồng được 25.000ha. Tuy nhiên, hơn 12.000ha trồng trên đất rừng nghèo đã chết hoặc kém phát triển.
Hơn 12.000ha cao su trồng trên đất rừng nghèo bị chết và kém phát triển cần được chuyển đổi sang mục tiêu khác.
Đồng thời, việc giá mủ cao su giảm sâu liên tục trong nhiều năm khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, có nguy cơ phá sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến 43.000 lao động.
Tỉnh Gia Lai đang đề nghị Chính phủ có cơ chế về cơ cấu lại nợ vay để doanh nghiệp tái canh cây cao su. Tỉnh cũng đang xem xét giảm diện tích xuống còn khoảng 88.000ha; kiến nghị trung ương có cơ chế, chính sách để chuyển đổi diện tích 12.000ha sang mục tiêu khác do cao su ở diện tích này bị chết và kém phát triển.
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, thị trường cao su khó có những thay đổi lớn trong tương lai gần. Trong khi đó, đang có nhiều đối tượng cây trồng vượt trội về hiệu quả. Bởi vậy, Gia Lai cần rà soát, tái cơ cấu ngành cao su.
“Những diện tích cao su trong quá trình tái canh mà có đầy đủ nguồn nước, có điều kiện để phát triển các khu công nghiệp thì cũng đề nghị rà soát lại để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Nhiều cây trồng hiện nay cho năng, sản lượng, doanh thu trên một ha đạt 400-500 triệu đồng khi trồng cây ăn trái, rau quả, còn có những ha ví dụ sầu riêng vào thời điểm giá cao đạt tới tỷ rưỡi, hai tỷ. Đấy là những vấn đề phải xem xét và kể cả quy hoạch cho nông thôn mới, đô thị và gắn với xây dựng các khu công nghiệp" - ông Nguyễn Văn Tiến cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tiến, cao su vẫn là cây trồng chủ lực, sản phẩm quốc gia, là cây nông lâm nghiệp lưỡng dụng. Do đó, tỉnh Gia Lai cần nhanh chóng rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cao su đến 2030; tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp để đề xuất Chính phủ, các bộ ngành xem xét, có chính sách phù hợp./.
Công Bắc/VOV-Tây Nguyên
Chư Pah: Hướng đến thương hiệu sầu riêng sạch
Nguồn tin: Báo Gia Lai
Sầu riêng vốn là loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Do đó, huyện Chư Pah (Gia Lai) đã thành lập tổ liên kết trồng sầu riêng sạch ở xã Hòa Phú nhằm tăng giá trị cho cây trồng và hướng đến xây dựng thương hiệu. Bước đầu, các hộ tham gia tổ liên kết đã có thu nhập ổn định.
Vài năm trở lại đây, khi cà phê không còn là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao như trước, một số hộ dân ở xã Hòa Phú đã trồng xen canh sầu riêng trong vườn cà phê. Từ những vụ thu hoạch đầu tiên, thấy cây sầu riêng cho quả sai, năng suất cao, chất lượng quả ngon và được thị trường ưa chuộng, nhiều hộ bắt đầu chuyển đổi một phần diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng sầu riêng hoặc trồng xen. Bà Nguyễn Thị Hồng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phú-cho biết: Nhận thấy sầu riêng Hòa Phú có thể xây dựng thương hiệu đặc sản, tháng 1-2019, Hội Nông dân xã đã vận động các hộ tham gia vào Tổ hội nghề nghiệp trồng và chăm sóc sầu riêng làng Bới (thường gọi là Tổ liên kết trồng sầu riêng sạch). Bước đầu, Tổ liên kết trồng sầu riêng sạch đã thu hút được 10 hộ ở làng Bới tham gia, chủ yếu là trồng xen trong vườn cà phê. Hộ nhiều trồng xen hơn 200 cây, hộ ít cũng vài chục cây, chủ yếu là giống sầu riêng Ri 6, sầu riêng Thái và sầu riêng sữa. Đây là những loại sầu riêng rất phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, đang được thị trường ưa chuộng, giá bán lại cao. Từ đầu vụ mới năm nay, nhiều hộ đã trồng thêm, nâng diện tích trồng xen của tổ liên kết lên hơn 15 ha.
Vườn sầu riêng xen canh của chị Nguyễn Thị Nhơn (làng Bới, xã Hòa Phú, huyện Chư Pah) cho thu nhập bình quân 500-700 triệu đồng/năm. Ảnh: V.T
Theo bà Hồng, trung bình 1 ha cà phê các hộ trồng xen được 300 cây sầu riêng. Với giá bán khoảng 60-65 ngàn đồng/kg như hiện nay, mỗi cây sầu riêng cho thu khoảng 2-3 triệu đồng/năm. Như vậy, 1 ha trồng xen có thể mang về nguồn thu từ 600 triệu đồng đến 900 triệu đồng, sau khi trừ chi phí chăm sóc các hộ còn lãi khoảng 400-700 triệu đồng. So với các loại cây trồng khác, cây sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Do đó, nhiều người dân đã tự chuyển đổi trồng xen sầu riêng để tăng thu nhập cho gia đình.
Chị Nguyễn Thị Nhơn-Tổ phó Tổ liên kết trồng sầu riêng sạch làng Bới-cho hay, năm 2010 gia đình chị mạnh dạn trồng gần 200 cây sầu riêng trong vườn cà phê, hiện đã có thu nhập ổn định 500-700 triệu đồng/năm. “Từ khi tham gia vào Tổ liên kết trồng sầu riêng sạch, tôi luôn tuân thủ quy trình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, dùng các loại phân bón, thuốc phòng trừ sâu sinh học, đảm bảo cho ra nguồn hàng sạch từ sản xuất đến thu hoạch. Nhờ đó, sầu riêng ít bị sâu bệnh, cho quả rất sai, mỗi quả đạt trọng lượng từ 3 kg đến 7 kg. Từ đầu vụ thu hoạch đến nay, thương lái đến thu mua ổn định và cao hơn thị trường 5-10 ngàn đồng/kg. Hiện tại, sầu riêng đang vào cuối vụ thu hoạch, ước tính sản lượng đạt khoảng 12 tấn, mang về nguồn thu hơn 700 triệu đồng”-chị Nhơn phấn khởi nói.
Theo thống kê sơ bộ, xã Hòa Phú hiện có khoảng 5.300 cây sầu riêng trồng xen canh cà phê, trong đó khoảng 1.200 cây của các hộ tham gia vào tổ liên kết. Bà Lê Thị Ánh Dương-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chư Pah cho biết: “Vừa qua có một doanh nghiệp đến tìm hiểu về quy trình sản xuất của người dân, sau đó đặt vấn đề cung ứng giống và cam kết thu mua sản phẩm để chế biến và xuất khẩu. Đây thực sự là tin vui cho các thành viên trong tổ liên kết, đồng thời là cơ hội tốt để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sầu riêng sạch Hòa Phú, qua đó góp phần nâng cao giá trị cây trồng, tăng thu nhập cho bà con nông dân, từng bước chuyển đổi cây trồng một cách hợp lý và hiệu quả”.
VŨ THẢO
Thu tiền tỷ mỗi năm nhờ trồng nhãn lồng trên đất pha cát ở Đắk Lắk
Nguồn tin: VOV
Nhờ chuyển đổi trồng giống nhãn lồng Hưng Yên, một số hộ dân tại xã Ea Pil và Cư Prao của huyện M'Drắk, tỉnh Đắk Lắk đã thu được tiền tỷ mỗi năm.
Cũng như bao hộ dân ở vùng đất nghèo thôn 3, xã Ea Pil, huyện M'Drắk, trong nhiều năm, ông Phạm Đình Thướng chỉ quen với sắn, mía, đậu bắp. Quanh năm lao động quần quật mà cứ hết vụ thu hoạch là gia đình hết tiền.
Thấm cảnh túng thiếu quẩn quanh, năm 2014, ông quyết định chuyển toàn bộ 3 ha đất sản xuất của gia đình sang trồng nhãn lồng Hưng Yên, sau khi tham khảo một số vườn cây trong và ngoài huyện. Toàn bộ vườn nhãn được lắp đặt hệ thống tưới cố định bán tự động, đảm bảo cây sinh trưởng tốt trong cả mùa khô nóng đặc thù của địa phương.
Sau khi chi 230 triệu đồng đầu tư cùng nhiều mồ hôi công sức của 3 năm kiến thiết cơ bản, nhãn lồng Hưng Yên trên vùng đất cát nghèo M’Drắk đã cho hiệu quả cao hơn mong đợi.
"Một ha nhãn ở đây tôi trồng khoảng 620 cây. Mỗi cây trong vụ này đạt khoảng 30 kg, như vậy tổng 1 ha thì đạt khoảng trên 20 tấn. Nếu 20 tấn này nhân với giá 25.000-30.000 nghìn đồng thì mỗi ha phải cho thu trên dưới 500 triệu đồng”, ông Thướng cho biết.
Mỗi ha nhãn có thể cho thu 450-500 triệu đồng/năm.
Gia đình ông Đỗ Văn Đức ở thôn 4, xã Ea Pil, huyện M'Drắk cũng là nông hộ giàu lên nhờ trồng nhãn lồng. Ông Đức cho biết, 4 năm trước, ông chỉ trồng thử nghiệm vài chục gốc nhãn. Khi thấy cây phát triển xanh tốt, hợp với đất đai thổ nhưỡng trong vùng nên mạnh dạn đầu tư vốn chuyển đổi toàn bộ hơn 3 ha mía sang trồng 2.000 cây nhãn. Đến nay, vườn nhãn cho thu đều đặn.
"Trồng nhãn trên đất pha cát thì hợp, cây cần nước tưới nhưng không nhiều, tuy nhiên phải lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt để đảm bảo độ ẩm cho cây phát triển ra hoa đậu quả tốt. Nếu vào năm 2017-2018, các loại cây trồng khác chỉ thu vài ba chục triệu/ha thì trồng nhãn phải 500 triệu/ha/mỗi năm. Nói chung hiệu quả của nhãn thời điểm này thì phải gấp 9-10 lần so với các loại cây trồng ngắn ngày khác trên cùng một đơn vị diện tích", ông Đỗ Văn Đức chia sẻ.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M'Drắk, toàn huyện hiện có khoảng 1.100 ha cây ăn quả, gồm vải thiều, sầu riêng, bơ, cam quýt và nhãn. Trong đó, cây nhãn chiếm tỷ lệ lớn nhất với khoảng 350ha, tập trung chủ yếu ở hai xã Ea Pil và Cư Prao.
Ngành nông nghiệp Đắk Lắk định hướng người dân phát triển nhãn sạch theo tiêu chuẩn Vietgrap.
Ông Nguyễn Thế Thập - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện M'Drắk cho biết, sau 5 năm triển khai, bước đầu cây nhãn cho thấy hiệu quả vượt trội so với các loại cây trồng khác. Để phát triển cây nhãn ổn định, đơn vị đã và đang hỗ trợ nông dân hai xã Ea Pil và Cư Prao thành lập hợp tác xã sản xuất nhãn sạch theo tiêu chuẩn VietGap và đã có 30 hộ tham gia
"Để phát triển cây nhãn bền vững cho người dân ở địa phương, chúng tôi đã thành lập tổ liên kết và hợp tác xã để hỗ trợ họ, bằng cách hướng dẫn họ mua các giống cây đầu dòng đạt chuẩn, chăm sác theo tiêu chuẩn Vietgrap. Khi có được sản phẩm như cam kết, chúng tôi tìm kiếm các doanh nghiệp nhập trái cây uy tín để ký hợp đồng thu mua hỗ trợ đầu ra cho ổn định cho người nông dân", ông Nguyễn Thế Thập nói.
Trong bối cảnh giá cả các mặt hàng nông sản ở Đắk Lắk như: cao su, cà phê, hồ tiêu, mía đang giảm mạnh và khá bấp bênh, thì sự phát triển đa dạng của các loại cây ăn trái ở địa phương đang cho thấy những điểm sáng. Việc ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị cũng giúp ngành cây ăn trái ở tỉnh dần đi vào bài bản, phù hợp với từng vùng canh tác và yêu cầu của thị trường, giúp sản xuất được bền vững và nâng cao hiệu quả kinh tế./.
Tuấn Long/VOV-Tây Nguyên
Phù Cát (Bình Định): Đàn bò lai chiếm 97% tổng đàn
Nguồn tin: Báo Bình Định
Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển trồng trọt, đưa các tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất tăng năng suất cây trồng, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) đã tích cực khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi bò nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế về đất đai, tạo việc làm tăng thu nhập.
Toàn huyện hiện có tổng đàn bò hơn 55.320 con, tăng hơn 3.000 con so với năm trước. Nhiều xã có tổng đàn bò từ trên 5.000 con như: Cát Trinh, Cát Tường, Cát Hiệp, Cát Hanh. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn huyện đã phối giống lai tạo gần 6.126 con, nên tỷ lệ đàn bò lai của huyện đã tăng lên chiếm 97% tổng đàn, tăng 4% so năm trước. Người chăn nuôi cũng đã chú trọng đến khâu thức ăn, chăm sóc, nuôi dưỡng; tăng cường thức ăn tinh, và trồng cỏ để có thức ăn xanh thường xuyên.
Chăn nuôi đã từng bước trở thành ngành sản xuất chính, nên không chỉ ở những vùng có điều kiện đất đai như Cát Lâm, Cát Hiệp, Cát Sơn… mà ngay cả những vùng diện tích đất canh tác ít như ở xã Cát Nhơn, với diện tích canh tác bình quân chưa tới 500 m2/nhân khẩu, chỉ trồng lúa và hoa màu phụ với thu nhập không cao. Nhưng mấy năm gần đây nhờ phong trào nuôi bò vỗ béo - bò lai đã giúp cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo.
THẾ HÀ
Hưng Yên: Trứng, con giống gia cầm tăng giá mạnh
Nguồn tin: Báo Hưng Yên
Sau một thời gian dài giảm giá sâu và khó tiêu thụ, những ngày qua, giá trứng và con giống gia cầm liên tục đạt ở mức cao.
Trang trại chăn nuôi của gia đình anh Đoàn Văn Nhất ở thôn Triều Dương, xã Hải Triều (Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) cung cấp tra thị trường trên 1 vạn con gà giống mỗi tháng
Những ngày này, cơ sở sản xuất con giống gia cầm Thuận Tuyết ở xã Dị Chế thường xuyên có hàng trăm khách hàng đến mua con giống các loại. Chị Tuyết, chủ cơ sở cho biết: “Thời điểm này, khách hàng chủ yếu chọn mua các giống gà như gà lai Đông Tảo, gà lông màu và vịt. Dù giá bán có cao hơn thời điểm trước tháng 7 âm lịch từ 30 – 50% nhưng vẫn rất đông khách đặt mua”.
“Hiện tại, gà lai Đông Tảo bóc trứng bán “xô” cả gà mái và gà trống giá bán trung bình 11.000 đồng/con; gà lai Đông Tảo loại 1 tháng tuổi có giá bán từ 50.000 – 58.000 đồng/con; vịt bóc trứng các loại có giá bán từ 18.000 – 25.000 đồng/con; ngan giống bóc trứng có giá từ 20.000 – 28.000 đồng/con… Giá bán con giống thay đổi theo từng ngày, từng phiên”, chị Tuyết cho biết thêm.
Sau một thời gian dài bù lỗ vì giá trứng và con giống gia cầm lao dốc, thời gian này này anh Đoàn Văn Nhất ở thôn Triều Dương, xã Hải Triều (Tiên Lữ) rất phấn khởi vì giá trứng và con giống tăng cao. Trang trại của gia đình anh Nhất thường xuyên duy trì 7.000 con gà mái và khoảng 200 con gà trống. Bình quân mỗi tháng, trang trại cung cấp trên 1 vạn con gà giống ra thị trường. Anh Nhất cho biết: “Từ sau Tết Nguyên đán 2019, giá trứng và con gà giống mất giá, có thời điểm “chạm đáy” còn 6.000 đồng/con gà và 2.800 đồng/quả trứng ấp nở. Từ giữa tháng 7 âm lịch đến nay, giá bán trứng và gà giống tăng cao. Hiện gà mới nở tôi xuất bán với giá 13.000 đồng/con và 5.500 đồng/quả trứng”.
“Chỉ mong giá trứng và con giống ổn định từ giờ đến cuối năm để những người chăn nuôi như chúng tôi gỡ lại vốn và tiếp tục có tiền để tái đầu tư...”, anh Nhất tâm sự.
Hợp tác xã chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo (Khoái Châu) có 16 thành viên, trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 2 vạn con gà giống Đông Tảo. Khách hàng tìm đến Hợp tác xã mua con giống không chỉ các hộ chăn nuôi trong tỉnh mà còn từ các tỉnh, thành phố lân cận như Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh… Thậm chí, Hợp tác xã còn cung cấp con giống cho khách hàng ở các tỉnh miền Nam.
Anh Lê Quang Thắng, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo cho biết: “Thời điểm này, giá con gà giống tăng từ 15 – 20% so với nửa đầu năm, khách đến mua cũng đông hơn. Hiện con gà Đông Tảo mới nở được các thành viên Hợp tác xã bán với giá 70.000 đồng/con (trước là 50.000 đồng/con), gà Đông Tảo một tháng tuổi có giá 170.000 đồng/con (trước đó có giá 130.000 đồng/con”.
Theo chủ các trang trại chăn nuôi và thương lái trên địa bàn tỉnh, nguyên nhân khiến trứng và con giống gia cầm tăng giá trong thời gian qua một phần do thời tiết nắng nóng nên năng suất gia cầm đẻ trứng giảm; mặt khác do thời gian trứng giảm giá kéo dài nên nhiều chủ trang trại đã chủ động giảm đàn; bên cạnh đó đây là thời điểm nhu cầu mua con giống về nuôi phục vụ thị trường Tết Nguyên đán của người chăn nuôi tăng cao…
Hiện nay, toàn tỉnh Hưng Yên có trên 10 triệu con gia cầm, trong đó số gia cầm sinh sản là 2,3 triệu con. Theo khuyến cáo của Phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mặc dù những ngày này giá xuất bán trứng và con giống gia cầm, đặc biệt là gà đang có dấu hiệu tăng cao song người chăn nuôi toàn tỉnh cần thận trọng. Hoạt động chăn nuôi phải dựa vào nhu cầu thực tế của thị trường trong tỉnh, trong nước. Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi lựa chọn giống gia cầm cho sản phẩm thịt chất lượng cao, chú trọng thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn về phòng, chống dịch bệnh; tăng cường các biện pháp vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học…
Dương Miền
Doanh nghiệp liên kết với nông dân trong chuỗi chăn nuôi an toàn
Nguồn tin: VOV
Trước nguy cơ thiếu nguồn cung thịt lợn, Bộ NN&PTNT khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân trong chuỗi chăn nuôi an toàn.
Trước nguy cơ thiếu nguồn cung thịt lợn vào những tháng cuối năm cùng với nỗ lực ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã và đang tăng cường hướng dẫn việc tái đàn cũng như khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân trong chuỗi chăn nuôi an toàn ở nhiều địa phương.
Nếu như năm 2016, cả nước có gần 2.147 trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học thì đến năm 2018, số trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học tăng lên trên 2.500 trang trại, chiếm tỷ lệ 25,6% số trang trại chăn nuôi lợn của cả nước với tổng đầu con trên 2,82 triệu con, chiếm tỷ lệ 9,9%.
Nuôi lợn an toàn sinh học giúp hạn chế việc bệnh tật, lây lan diện rộng.
Trên thực tế nhiều mô hình và kinh nghiệm chăn nuôi an toàn sinh học đã được triển khai thời gian qua với nhiều phương thức đa dạng và phong phú nhưng do lo ngại dịch tiếp tục bùng phát nhiều địa phương vẫn e dè trong việc tái đàn.
Với 15 mô hình chăn nuôi an toàn sinh học ở 6 xã của 5 huyện trong tỉnh Thừa Thiên Huế, trong khi các địa phương xung quanh đã ghi nhận dịch bùng phát thì đàn lợn gần 1.000 con của Tập đoàn Quế Lâm vẫn đảm bảo an toàn, và chuẩn bị tái đàn lứa thứ 3 phục vụ thực phẩm dịp Tết sắp tới.
Bà Phạm Thị Vượng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học của Tập đoàn Quế lâm cho biết, chăn nuôi lợn hữu cơ có ứng dụng công nghệ vi sinh lợn hoàn toàn được "nuôi khô", không nước tắm, rửa chuồng cho lợn nên nếu lợn có mắc bệnh thì việc khu trú dịch rất dễ, không để dịch lây lan. Tập đoàn đã tái đàn thành công tại những tỉnh như: Vĩnh Phúc, Sơn La, Thái nguyên là những nơi đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi. Sắp tới, cùng với địa phương Tập đoàn sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình này.
Theo bà Phạm Thị Vượng, nếu bà con muốn tái đàn thì mỗi hộ chăn nuôi, gia trại phải tìm nguyên nhân lợn mắc bệnh. "Cái khó nhất nếu như bà con nuôi khô nghĩa là nuôi trên đệm lót sinh học thì việc tái đàn, khu trú dịch dễ hơn. Còn nếu chăn nuôi không an toàn sinh học hoặc thả rông ra môi trường thì phải kiểm soát bài bản thì mới tái đàn an toàn. Tức là bên cạnh khử trùng chuồng trại thì phải khử trùng những vùng đệm. Trước khi tái đàn có thể chúng ta xử lý bằng các hóa chất", bà Vượng nói.
Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi lưu ý, cùng với làm tốt việc kiểm soát nguồn dịch bệnh vào khu chăn nuôi, biện pháp kỹ thuật quan trọng trong tái đàn đó là ứng dụng chăn nuôi an toàn sinh học với sử dụng các chế phẩm vi sinh. Qua nghiên cứu các mô hình thí điểm ở các địa phương, việc sử dụng chế phẩm vi sinh probiotic trong thức ăn chăn nuôi có thể hạn chế được bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng số lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy trong tháng 8 đã giảm 20% so với tháng 7, và giảm gần 50% so với tháng 5.
Ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định: "Sử dụng các chế phẩm vi sinh giúp chúng ta không phải dùng hóa chất hay không dùng kháng sinh. Qua đó giảm giá thành, đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo môi trường tốt cho vi sinh phát triển nhất là những vi sinh vật có lợi trong các chế phẩm vi sinh. Tôi cho rằng phải tuyên truyền cho người chăn nuôi đó là các cán bộ khuyến nông ở cơ sở, các doanh nghiệp chăn nuôi an toàn và cung cấp chế phẩm. Đây là chủ trương của Bộ, theo đó khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất chế phẩm vi sinh trong nước".
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng Bộ vẫn giữ quyết tâm phấn đấu giữ vững mục tiêu tăng trưởng và 12 chỉ tiêu mà Chính phủ giao. Bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có vắc xin đặc trị nên tỷ lệ chết cao, tổng đàn lợn cả nước đến nay đã giảm khoảng 7%. Mặc dù vậy, việc thiếu hụt nguồn thịt lợn cuối năm không đáng lo ngại bởi có thể bù đắp bằng các loại thực phẩm khác như: gia cầm, thủy sản, đại gia súc…
Liên quan đến tái đàn chăn nuôi đáp ứng nguồn cung thực phẩm và ngăn chặn lây lan dịch tả lợn châu Phi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định: Việc tái đàn lợn là có thể nếu các địa phương bảo đảm an toàn sinh học, nhưng phải giám sát rất chặt chẽ và hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn sinh học.
Vấn đề dịch tả lợn Châu Phi phải xác định song hành lâu dài vì chưa có thuốc chữa nhưng nếu có lựa chọn đúng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học và tái cơ cấu ngành hợp lý thì hoàn toàn có thể khắc phục và hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ: "Dịch tả lợn châu Phi rất nguy hiểm lây truyền qua vi rút chưa có vắc xin nên không chủ quan phòng chống dịch tả lợn châu Phi vẫn phải duy trì và tăng cường trong từ nay đến cuối năm để đảm bảo sản lượng thịt và đảm bảo chỉ số tiêu dùng CPI của xã hội. Tôi tin chắc chắn rằng với sự phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học nhân rộng ở những tỉnh, thành trong cả nước thì lượng thực phẩm cung cấp trong dịp Tết sắp tới sẽ đáp ứng được cơ bản nhu cầu của xã hội và CPI cũng sẽ được đảm bảo".
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng số lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy trong tháng 8 đã giảm 20% so với tháng 7, và giảm gần 50% so với tháng 5. Đây là kết quả khả quan về việc đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học thời gian qua trong ngăn chặn và thích ứng với bệnh dịch tả lợn châu Phi./.
Minh Long/VOV1
Tổng kết Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Sóc Trăng
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Sóc Trăng
Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức hội nghị tổng kết dự án. Đến dự có lãnh đạo Tổ chức Heifer Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Dự án Phát triển chăn nuôi bò sữa tại tỉnh Sóc Trăng là một cam kết hợp tác giữa Heifer Việt Nam và UBND tỉnh Sóc Trăng. Theo thống kê, đàn bò sữa toàn tỉnh có 9.462 con, tập trung tại 4 huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Châu Thành và TP. Sóc Trăng; sản lượng sữa bình quân 26 tấn/ngày, lượng sữa bò tươi được tiêu thụ tại Hợp tác xã Evergrowth 22 tấn/ngày với giá trung bình 12.000 đồng/kg và tại điểm thu mua của Vinamilk 4 tấn/ngày với giá trung bình 13.000 đồng/kg (đây là số lượng sữa chưa bao gồm người dân giữ lại cho bê uống). Về hiệu quả kinh tế, gần 5 năm thực hiện dự án, thu nhập bình quân của hộ gần 132 triệu đồng/hộ/năm, so với mới bắt đầu dự án thu nhập tại hộ là 43 triệu đồng/hộ/năm và số hộ có mức thu nhập hơn 114 triệu đồng/hộ/năm trở lên có 46%. Riêng diện tích trồng cỏ cho bò ăn tại hộ tăng hơn 65% và tỷ lệ hộ dân có đầy đủ phương tiện nghe nhìn, trang thiết bị phục vụ đời sống, đi lại đạt 38%. Đồng thời, dự án cũng tác động tích cực về mặt xã hội như: Con của hộ dân đi học đầy đủ (đạt gần 100%) và hơn 99% chị em phụ nữ tham gia quyết định chi tiêu gia đình, giáo dục con, phân công lao động… Bên cạnh đó, dự án góp phần nâng cao kiến thức cho nông hộ trong bảo vệ môi trường, giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai hay biến đổi khí hậu xảy ra…
Trao giấy khen cho các cá nhân thực hiện tốt dự án
Mục tiêu khi kết thúc dự án sẽ có 8.000 hộ dân được cải thiện thu nhập, tiến đến ổn định kinh tế bền vững thông qua việc tham gia các hoạt động trong chuỗi giá trị bò sữa.
THÚY LIỄU
Hiếu Giang tổng hợp