Tin nông nghiệp ngày 24 tháng 02 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 24 tháng 02 năm 2016

Táo ngọt trên đất Yên Phú

 

Nguồn tin: Báo Tuyên Quang

 

Xã Yên Phú (Hàm Yên - Tuyên Quang) không chỉ nổi tiếng với những loại quả ngon như thanh long ruột đỏ, cam sành mà gần đây còn được nhiều người biết đến với giống táo ngọt. Cây táo đã góp phần đáng kể giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu hiệu quả.

 

 

Bà Đặng Thị Tuyết ở thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên) thu hoạch táo của gia đình.

 

Giáp Tết Nguyên đán cũng chính là lúc người dân Yên Phú bước vào vụ thu hoạch táo. Theo thông tin từ những nhà vườn, táo năm nay được mùa nên sản lượng khá, dù mới bước vào vụ thu hoạch nhưng có hộ đã thu được vài chục triệu đồng. Bà Đặng Thị Tuyết ở thôn 1A Thống Nhất vui vẻ cho biết, năm nay táo được mùa nên mới đầu vụ gia đình bà đã thu hoạch trên tấn quả, đem lại trên 20 triệu đồng. Việc thu hoạch táo kéo dài đến tận tháng 3 nên hứa hẹn đem lại nguồn thu lớn. Bà Tuyết cho biết thêm, những năm trước với trên 2 ha táo mỗi năm đã đem lại thu nhập trên 200 triệu đồng cho gia đình.

 

Gia đình chị Trần Thị Cảnh cùng thôn với bà Tuyết cũng có hơn 2 sào táo, mỗi năm đem lại thu nhập 30 đến 40 triệu đồng. Chị Cảnh cho biết, so với những loại cây trồng khác cây táo rất phù hợp với thổ nhưỡng nên năng suất cao, chất lượng tốt, nhiều hộ trong thôn chị đã thực sự thoát nghèo, làm giàu hiệu quả nhờ trồng loại cây này.

 

Tại các vườn của Tổ hợp tác trồng táo Động Tiên thời điểm này toàn bộ diện tích táo cũng bắt đầu vào vụ thu hoạch. Tổ hợp tác được thành lập từ năm 2013 với mục đích là tập hợp và thu hút người dân trồng táo trên địa bàn, tăng cường trao đổi kỹ thuật trồng và chăm sóc táo. Đồng thời đề cao công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các thành viên trong tổ. Hiện nay, 7 thành viên trong tổ duy trì trên 3 ha táo, mỗi năm cung cấp ra thị trường trên 40 tấn quả tươi. Thu nhập bình quân của các thành viên đạt từ 100 đến 150 triệu đồng trong mỗi vụ sản xuất.

 

Theo UBND xã Yên Phú, cây táo được đưa vào trồng gần 10 năm nay với diện tích nhỏ lẻ. Gần đây thấy hiệu quả của loại cây này, người dân trong xã đã mở rộng diện tích, hình thành nên vùng chuyên canh táo. Toàn xã hiện có trên 60 ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Làng Chiềng, 1A Thống Nhất, 1B Thống Nhất và thôn 3 Thống Nhất. Bên cạnh việc mở rộng diện tích, chất lượng giống cũng được nông dân ở đây lựa chọn kỹ. Hiện Yên Phú đang duy trì 3 giống táo chính, bao gồm: Táo đại đường, táo Đài Loan, táo xuân 21... Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì đây đều là những giống táo có năng suất và chất lượng vượt trội.

 

Chị Nguyễn Thị Ngân, ở thành phố Hà Giang cho biết, chị hay thuê xe xuống thu mua táo ở Yên Phú về Hà Giang bán. Do táo to và ngọt nên được khách hàng rất ưa chuộng. Còn anh Nguyễn Quang Sơn, một khách du lịch đến từ Hà Nội cho biết, có lần đi qua Yên Phú mua táo về cho cả nhà ăn đều khen tấm tắc. Anh mong muốn loại quả ngon này sẽ có mặt ở các siêu thị ở Hà Nội để người dân thủ đô được thưởng thức.

 

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng táo đã giúp hàng trăm hộ dân ở xã Yên Phú tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng chí Phan Văn Kiểm, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, trong thời gian tới, Yên Phú có chủ trương khuyến khích người dân mở rộng diện tích, đồng thời gắn với nâng cao chất lượng của sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị của táo Yên Phú trên thị trường.

 

Mạnh Tùng

 

Cây ăn quả đặc sản Hà Nội: Có thương hiệu vẫn khó tiêu thụ

 

Nguồn tin: Hà Nội Mới

 

Sau 4 năm triển khai đề án phát triển cây ăn quả giá trị cao, Hà Nội đã và đang hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, từng bước xây dựng thương hiệu cây ăn quả Thủ đô.

 

 

Thu hoạch nhãn chín muộn tại nhà ông Trần Văn Bảy (xã Song Phương, huyện Hoài Đức). Ảnh: Thái Hiền

 

Nhiều nông dân đã thành triệu phú

 

Dù cuối vụ thu hoạch cam Canh, bưởi Diễn nhưng xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) từ đầu làng đến cuối xóm ở đâu không khí cũng rôm rả, mọi câu chuyện của người dân đều xoay quanh cây bưởi Diễn được giá; nhiều gia đình trồng cây bưởi Diễn trở thành triệu phú. Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng cho biết: Cây bưởi Diễn "bén duyên" đất Nam Phương Tiến cách đây vài năm và thực sự trở thành cây làm giàu cho nông dân.

 

Trước đây, người dân địa phương trồng sắn, lúa, thu nhập bấp bênh, sau khi dồn điền, đổi thửa đã hình thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh trồng bưởi Diễn cho thu nhập cao, từ 300 đến 500 triệu đồng/ha. Nhận thấy hiệu quả từ cách chuyển dịch cơ cấu cây trồng của Nam Phương Tiến, nhiều xã lân cận đã làm theo, tích cực mở rộng diện tích trồng cây ăn quả đặc sản với quy mô hàng chục héc ta. Hiện nay, bưởi Diễn trở thành cây trồng chủ lực trong chiến lược chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Chương Mỹ.

 

Phát triển cây ăn quả đặc sản là một trong nhiều giải pháp góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân ngoại thành. Tại các huyện Quốc Oai, Hoài Đức, bằng sự nỗ lực của người dân và sự hỗ trợ của thành phố, diện tích trồng cây bưởi Diễn, nhãn chín muộn ngày càng mở rộng, hiện nay đã đạt hơn 400ha. Ông Trần Văn Bảy, thôn Ba Lương, xã Song Phương (Hoài Đức) cho biết, được chính quyền địa phương tạo điều kiện về đất đai, gia đình đã trồng hơn 2.000 cây nhãn chín muộn đã cho thu hoạch vụ thứ ba. Do chín muộn hơn nhãn thường nên giá bán nhãn chín muộn luôn cao, dao động 35.000 - 40.000 đồng/kg, tính trung bình cho thu nhập 700 - 800 triệu đồng/ha, lãi gấp 8 - 10 lần trồng lúa. Mới đây sản phẩm nhãn chín muộn Hoài Đức đã được Bộ NN&PTNT gửi mẫu phân tích để xuất khẩu sang Mỹ.

 

Tiêu thụ nông sản vẫn khó khăn

 

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng là bốn cây ăn quả chủ lực nằm trong đề án phát triển cây ăn quả đặc sản Hà Nội, diện tích chuyên canh trồng bưởi Diễn khoảng 2.710 ha tập trung tại các huyện Chương Mỹ, Phúc Thọ, Quốc Oai, Hoài Đức… Đi đôi với mở rộng diện tích trồng cây ăn quả đặc sản, ngành nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương xây dựng và duy trì được 3 nhãn hiệu "Bưởi Quế Dương", "Bưởi Phúc Thọ", "Bưởi Chương Mỹ" và nhãn hiệu cam Canh Kim An (Thanh Oai).

 

Hà Nội đã xây dựng 31 mô hình điểm có chỉ dẫn địa lý và đăng ký bảo hộ thương hiệu về cây ăn quả đặc sản tập trung gồm: Vùng trồng bưởi Diễn ở các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức; nhãn chín muộn Quốc Oai, Hoài Đức; chuối cấy mô Gia Lâm, Đông Anh; cam Canh Thanh Oai và Thường Tín. Ngoài ra, thành phố đang xây dựng vườn cây ăn quả đầu dòng quy mô sản xuất 150.000 cây giống chất lượng cao và trồng trình diễn một số giống cây ăn quả đặc sản. Hà Nội cũng vừa ký kết với đối tác Nhật Bản để xuất khẩu trái cây đặc sản.

 

Chất lượng trái cây đặc sản Hà Nội đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu và các địa phương trong nước, tuy nhiên vì nhiều lý do khâu tiêu thụ vẫn gặp khó khăn. Các sản phẩm đã có nhãn hiệu, thương hiệu nhưng chưa xuất hiện nhiều trong siêu thị, nhà hàng trên địa bàn thành phố. Phần lớn nông dân tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ thuận mua, vừa bán, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm.

 

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, để cây ăn quả phát triển bền vững, cùng với việc hướng dẫn quy trình kỹ thuật, quản lý, chỉ đạo sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ, cần tăng cường công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các chính sách đặc thù hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm cây ăn quả đặc sản.

 

Thực hiện đề án phát triển cây ăn quả giá trị cao, đến nay Hà Nội đã mở rộng diện tích trồng cây ăn quả đặc sản được 16.400ha. Trong đó, tập trung phát triển các cây chủ lực như: Bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, cam Canh, nhãn chất lượng cao, chuối nuôi cấy mô và phấn đấu đến năm 2020, diện tích cây ăn quả Hà Nội đạt 18.000ha, năng suất quả tăng 7 - 10%.

 

Đỗ Minh

 

Vú sữa Nâu Bách Thảo thay thế dần vú sữa Lò Rèn?

 

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

 

Giờ đây, nhiều vườn trồng chuyên canh vú sữa Lò Rèn ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành ngày nào đã chuyển dần sang trồng xen canh một số giống vú sữa khác. Loại vú sữa được thay thế tất nhiên không bằng loại vú sữa đặc sản của huyện Châu Thành nói riêng và của tỉnh Tiền Giang nói chung, nhưng thực tế, nhiều hộ nông dân buộc phải chuyển đổi hoặc xen canh vì không còn phương án nào tốt hơn.

 

 

ông Huỳnh Văn Dũng chăm sóc vú sữa Nâu Bách Thảo, phía sau là cây vú sữa Lò Rèn già cỗi.

 

Vú sữa Nâu Bách Thảo “lấn sân”?

 

Trước đây, gia đình ông Huỳnh Văn Dũng, ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Kim trồng 5 công vú sữa Lò Rèn. Sau một thời gian cho trái, cây bắt đầu lão hóa, rồi chết và đốn bỏ dần, hơn 30 gốc giờ chỉ còn lại 3 gốc. Thấy vậy, ông tìm mua hơn 40 gốc vú sữa Nâu Bách Thảo về trồng xen ở những gốc vú sữa Lò Rèn đã đốn bỏ.

 

Hiện vú sữa Nâu Bách Thảo của ông được 1,5 năm tuổi và bắt đầu cho trái. Tham quan một vòng khu vườn, ông Dũng cho biết, trước đây khu vườn này chỉ trồng chuyên canh vú sữa Lò Rèn, phong trào trồng ngày một nhiều, phạm vi trồng cũng mở rộng, đầu ra sản phẩm bấp bênh, cây chết dần…

 

Thấy vậy, gia đình mới chuyển sang trồng vú sữa Nâu Bách Thảo và xen thêm cam dây để lấy ngắn nuôi dài. Cây vú sữa Nâu Bách Thảo dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và đầu ra cũng tương đối thuận lợi nên nhiều hộ dân ở đây bắt đầu ưa chuộng giống vú sữa này.

 

Sắp tới, gia đình ông Dũng sẽ tiếp tục đốn bỏ những cây vú sữa Lò Rèn còn lại và thay thế bằng những cây vú sữa Nâu Bách Thảo. Nếu thấy có giá, ông sẽ “đốn” luôn cam dây để chuyển sang trồng chuyên canh loại vú sữa Nâu Bách Thảo.

 

Tương tự, sau một thời gian trồng nhiều loại cây, trong đó có vú sữa Lò Rèn không hiệu quả, gia đình ông Nguyễn Văn Hải, ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Kim quyết định đốn sạch vườn và cải tạo lại liếp để trồng chuyên canh vú sữa Nâu Bách Thảo.

 

Đến nay, vườn vú sữa của ông đã được 9 năm tuổi và đang trong thời kỳ cho trái rất sung. Vụ vừa rồi, gia đình ông bán được trên 80 triệu đồng, nhưng đối với ông đó là thất mùa, bởi những năm trước, gia đình bán trên 120 triệu đồng/mùa.

 

Ông Hải khoe: “Gia đình tôi trồng chuyên canh vú sữa Nâu Bách Thảo, bởi loại cây này mới xuất hiện những năm gần đây, trái đẹp, giá tương đối cao. Đến nay, vườn của tôi có tuổi đời cao nhất trong những người trồng vú sữa Nâu Bách Thảo ở Vĩnh Kim”.

 

Theo những hộ trồng vú sữa Nâu Bách Thảo, nếu cây cho trái sớm vào tháng 9 (Âl) thì giá vú sữa có thể lên 45.000 - 50.000 đồng/trái (loại 400 g/trái), còn nếu thu hoạch vào tháng 10 (Âl) trùng với thời điểm thu hoạch vú sữa Lò Rèn thì giá khoảng 28.000 - 30.000 đồng/kg (loại 3 trái/kg)…

 

50% diện tích vú sữa Lò Rèn đã được thay thế

 

Làm sao để giữ lại vú sữa Lò Rèn đặc sản? Làm sao để nông dân không chuyển đổi sang trồng những giống vú sữa khác trên vùng đất Vĩnh Kim? Đó là những trăn trở từ các ngành chuyên môn. Hiện tại, chúng ta cũng đưa ra nhiều giải pháp nhưng khi áp dụng vào thực tế thì hiệu quả chưa cao.

 

Anh Lê Quang Nhựt, cán bộ phụ trách nông nghiệp UBND xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành cho biết, diện tích trồng vú sữa trên địa bàn xã hiện nay khoảng 216,43 ha, trong đó vú sữa Nâu Bách Thảo chiếm khoảng 50% diện tích và được người dân trồng rải rác khắp các ấp trong xã như: Vĩnh Phú, Vĩnh Thới, Vĩnh Bình... Loại vú sữa này xuất hiện trên đất Vĩnh Kim khoảng 4 năm nay.

 

Nguyên nhân loại cây này xuất hiện là do nhiều diện tích vú sữa Lò Rèn bị bệnh, già cỗi và khi trồng lại thì cây không phát triển; mức độ lão hóa của những cây trồng mới rất nhanh nên nhiều nông dân đã thay dần sang giống vú sữa Nâu Bách Thảo, bởi vú sữa Nâu Bách Thảo thích hợp để trồng trên vùng đất mà cây vú sữa Lò Rèn trước kia bị nhiễm bệnh, lão hóa hay chết.

 

Ngoài ra, cây cũng có nhiều đặc tính vượt trội nên nhiều người rất thích. Đầu ra của vú sữa Nâu Bách Thảo cũng dễ dàng và được thị trường ưa chuộng.

 

Theo một số tài liệu nghiên cứu của Sở Khoa học và Công nghệ thì vú sữa Nâu Bách Thảo có nguồn gốc từ xã Kim Sơn, huyện Châu Thành. Hiện nay, giống vú sữa này đang được nhân rộng tại 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre.

 

Nguyên nhân do trái chín sớm hơn giống vú sữa Lò Rèn khoảng 1 tháng, giá bán trái cao, trái có màu sắc đẹp và được khách hàng ưa chuộng vào các dịp lễ, tết. Tuy nhiên, giống vú sữa này không được trồng phổ biến như vú sữa Lò Rèn do chất lượng trái kém hơn.

 

Ngoài ra, một nghiên cứu sâu về giống vú sữa Nâu Bách Thảo cho thấy, cây sinh trưởng mạnh với mức độ phân cành nhánh trung bình. Lá rất to, hình trứng, mặt trên có màu xanh, không bóng, mặt dưới lá màu nâu nhạt và phiến lá hơi cong.

 

Trái to 350 - 400g, dạng tròn, hơi dẹp hai đầu; khi chín thì trái chuyển từ xanh sang nâu tím bắt đầu từ đỉnh trái đến giữa trái và đến cuống trái; vỏ trái dày từ 1,0 - 1,1cm, có từ 6 - 8hạt/trái; thịt trái màu trắng, có vệt tím gần vỏ quả, thịt trái hơi mềm, vị ngọt thanh, độ brix từ 14 - 15% và béo ít; tỷ lệ phần thịt ăn được khá cao, từ 40 - 45%.

 

Cây ra hoa rộ từ tháng 3 - 4 (DL). Từ khi ra hoa đến thu hoạch khoảng 8 tháng, cây có khả năng đậu trái khá (1 - 2 trái/chùm). Cây cho năng suất khá cao, khoảng 300 - 350 kg/cây/năm đối với cây 20 năm tuổi.

 

SĨ NGUYÊN

 

Hậu Giang: Thu nhập cao từ mô hình trồng ổi lê xen canh cây có múi

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Theo nhiều hộ dân trồng ổi lê Đài Loan cho biết, ổi lê Đài Loan rất dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, ít sâu bệnh và nhẹ công chăm sóc, tỷ lệ đậu trái và cho năng suất cao. Trung bình 100 gốc ổi trồng xen canh cây có múi, từ khi trồng đến khi thu hoạch trái chỉ mất khoảng 7 tháng. Khi cho trái sẽ thu hoạch quanh năm, trung bình 4 ngày cho thu hoạch khoảng 50 - 60kg, với giá bán hiện nay từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Tính ra mỗi tháng, 100 gốc ổi sẽ cho thu nhập từ 2,5 - 3 triệu đồng. Đây là mô hình lấy ngắn nuôi dài, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho nhiều nông hộ.

 

TRÚC DUY

 

Châu Thành (Đồng Tháp): Nhãn Idor tăng giá

 

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

 

Sau thời gian xuống thấp, giá nhãn Idor trên địa bàn huyện Châu Thành (Đồng Tháp) đã tăng trở lại. Hiện thương lái đến tận vườn mua với giá 27 ngàn đồng/kg nhãn loại 1 và trên 20 ngàn đồng/kg nhãn loại 2. Cao hơn 10 ngàn đồng so với thời điểm cận Tết Nguyên đán. Nguyên nhân do nhãn đang được thị trường Trung Quốc thu mua trở lại sau đợt thời tiết lạnh vừa qua.

 

Trong khi đó, giá nhãn tiêu da bò lại tiếp tục sụt giảm, hiện dao động từ 3.000 – 5.000 đồng/kg. Mặc dù trong năm 2015, nhà vườn trồng nhãn da bò đã áp dụng quy trình phòng trị bệnh chổi rồng thành công với tỷ lệ ra hoa đậu trái từ 60 - 70%, nhưng hiện nay với mức giá này, nhà vườn không có lãi nên không đầu tư tái sản xuất, nguy cơ bùng phát bệnh chổi rồng trở lại là rất cao.

 

Được biết, toàn huyện Châu Thành có trên 6.000 ha nhãn trong đó nhãn Idor chiếm khoảng 40%.

 

Thanh Dự - Đăng Phúc

 

Đồng Nai: Phát triển ca cao cần theo dự án

 

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

 

Trong khi các loại nông sản khác, như: cà phê, cao su… xuất khẩu mất giá liên tục thì niên vụ 2015 - 2016, giá hạt ca cao đạt mức kỷ lục từ trước đến nay do cung chưa đủ cầu. Rộ vụ thu hoạch, giá hạt ca cao có giảm nhẹ nhưng hiện lại khôi phục ở mức cao: 70 ngàn đồng/kg.

 

Hiện thị trường đang xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua ca cao. Tuy nhiên, với dự án phát triển cánh đồng lớn cho cây ca cao, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp (DN) đang được xây dựng ngày càng bền chặt để cùng phát triển cây ca cao thành cây “vàng” làm giàu cho nông dân.

 

* Cạnh tranh thiếu lành mạnh

 

Ông Đặng Trường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), chia sẻ: “DN đã thực hiện dự án liên kết với nông dân để phát triển cây ca cao cả chục năm qua. Khó khăn lớn nhất trong dự án là sự phân chia đồng đều trách nhiệm giữa nông dân và DN”.

 

 

Phơi ca cao tại Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán).

 

Theo ông Khanh, liên kết giữa DN và nông dân vẫn rất dễ bị phá vỡ khi xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua ca cao. Cụ thể, Trọng Đức ký kết hợp đồng bao tiêu và có chính sách đầu tư giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân và bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định. Nhưng khi có DN bên ngoài “nhảy” vào, trả giá cao hơn để cạnh tranh thu mua, nông dân sẵn sàng phá vỡ liên kết. Vì chỉ mua đứt bán đoạn nên khi gặp cảnh ca cao dội chợ, rớt giá, họ không thu mua nữa, bỏ rơi nông dân.

 

Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh này đã và đang gây khó khăn rất lớn cho DN đầu tư dự án chế biến ca cao tại địa phương. “DN kiến nghị cần có một quy chế chặt chẽ, có tính ràng buộc và quy định trách nhiệm rõ hơn cho từng đối tượng tham gia liên kết. Trong đó, cần phát huy vai trò là cầu nối giữa DN và nông dân của hợp tác xã. Và để làm được như vậy, hợp tác xã cần phải thay đổi về chất với đội ngũ được đào tạo để nâng cao năng lực hoạt động”- ông Khanh nhấn mạnh.

 

Cũng từng gặp cảnh khó khăn trên khi đầu tư cho nông dân phát triển cây ca cao nhưng ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH ca cao Nguyên Lộc (TX.Long Khánh) lại không lo ngại nhiều về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh này. Ông Lộc phân tích, vài năm trước tình trạng thu mua chụp giựt trên thị trường ca cao vẫn xảy ra. Nhưng chính nông dân cũng nhận thấy cái “lợi bất cập hại” của tình trạng thu mua chụp giựt này nên không vì lợi ích trước mắt mà phá vỡ hợp đồng với DN bao tiêu. Bản thân DN cũng tự nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc tổ chức tốt hơn khâu thu mua với quan điểm cùng chia sẻ lợi nhuận với nông dân.

 

* Chia sẻ lợi ích với nông dân

 

Ông Lộc cho biết thêm: “Tôi đang cung cấp nguyên liệu cho Tập đoàn Puratos Grand-Place Việt Nam. Tập đoàn này đã đầu tư nhà máy chế biến tại Việt Nam chứ không đơn thuần làm kinh doanh nên đang tiếp tục triển khai dự án đầu tư hàng triệu USD để phát triển cây ca cao vào năm 2016. Từ niên vụ 2015 - 2016, tập đoàn đã triển khai thêm chính sách chia sẻ lợi nhuận với nông dân bằng cách tính thêm điểm thưởng cho nông dân theo hàng quý”.

 

Tổ chức tốt khâu thu mua, chia sẻ lợi nhuận sản xuất, kinh doanh cho nông dân để phát triển mối liên kết bền vững là hướng đi DN đang thực hiện để phát triển cây ca cao theo hướng bền vững.

 

Ông Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc Hợp tác xã ca cao Thống Nhất (huyện Thống Nhất), nhận xét: “Dự án cánh đồng lớn cây ca cao đang triển khai trên địa bàn Đồng Nai được nông dân rất ủng hộ. Vì Công ty TNHH cao cao Trọng Đức đang phát triển theo hướng đầu tư chế biến sâu và hiện đã có sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản. Theo đó, công ty có giá bao tiêu sản phẩm cho nông dân cao và sẽ tiếp tục điều chỉnh giá lên theo thị trường”.

 

Theo ông Phước, tuy có tình trạng nông dân phá vỡ hợp đồng với DN bán ca cao ra ngoài nhưng chỉ là số ít. Nguyên nhân cũng không phải chỉ là lỗi của phía nông dân mà do khâu tổ chức thu mua của tổ hợp tác, hợp tác xã tại địa phương chưa tốt. Ở đây, khâu tuyên truyền, vận động nông dân cũng cần được quan tâm hơn, minh bạch hoạt động của hợp tác xã để xã viên hiểu và ủng hộ.

 

Bình Nguyên

 

Cây trôm trên vùng đất đồi Sông Phan (Bình Thuận)

 

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

 

Mạnh dạn lựa chọn cây trôm trồng trên vùng đất đồi khô hạn ở thôn Tân Hòa, xã Sông Phan (Hàm Tân, Bình Thuận), gia đình ông Nguyễn Hữu Viên (43 tuổi) đã tìm hướng phát triển kinh tế mới khá hay. Cách làm của ông đã phủ xanh đất trống đồi trọc, bước đầu mang lại tín hiệu vui cho vùng đất còn nhiều khó khăn này.

 

 

Gia đình ông Viên đã tìm hướng phát triển cây trồng mới ở vùng đất đồi còn nhiều khô khăn.

 

Những ngày này về xã miền núi Sông Phan, chúng tôi ghi nhận có nhiều đổi khác. Từ khi quốc lộ 55, đoạn qua địa bàn xã đi vào hoạt động, đã góp phần thay đổi đáng kể về nhiều mặt. Tình hình kinh tế, đời sống văn hóa xã hội của người dân xã miền núi nơi đây được nâng cao phần nào, những mô hình kinh tế mới cũng dần được hình thành.

 

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Viên, ở thôn Tân Hòa, mới biết sự mạnh dạn trong việc lựa chọn giống cây trồng mới trên vùng đất đồi khô hạn. Trước đây trên diện tích hơn 2 ha đất đồi, gia đình ông Viên chỉ sản xuất hoa màu ngắn ngày, nguồn thu bấp bệnh, thậm chí có mùa mất trắng do thời tiết nắng hạn. Bao năm sản xuất, nhưng hiệu quả kinh tế chẳng bao nhiêu.

 

Từ khi địa phương hướng dẫn chuyển đổi một số cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, ông Viên quyết định chọn cây trôm để trồng. “Nhờ nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác mủ trôm, năm 2011, tôi mua 1.000 cây giống về trồng trên diện tích đất đồi hơn 2 ha. Khi đưa cây trôm vào trồng ở vùng đất đồi cũng khá lo lắng, vì trước giờ địa phương chưa ai trồng loại cây này. Nhưng với quyết tâm, chịu khó học hỏi, cố gắng chăm sóc. Qua từng năm cây trôm sinh trưởng và phát triển tốt, đến nay cây trôm được 5 năm tuổi và đang được khai thác mủ lần đầu tiên”, ông Nguyễn Hữu Viên cho biết.

 

Qua kinh nghiệm thực tế, ông Viên tiết lộ, trôm là loại cây chịu hạn tốt, lại dễ trồng, phù hợp trên vùng đất đồi khô hạn, vốn đầu tư và công chăm sóc không nhiều, chi phí đầu tư hàng năm không đáng kể, lượng phân bón cho cây trôm ít hơn nhiều so với các cây trồng hoa màu khác. Trung bình 1.000m2 trồng khoảng 50 cây, khoảng cách mỗi cây 4m, hàng cách hàng cũng 4m. Khi trồng đến năm thứ 5 bắt đầu khai thác mủ là tốt nhất. Cây trôm được khai thác mủ bằng cách lần lượt đục vào vỏ cây nhiều lỗ vuông hoặc tròn ở các vị trí khác nhau từ gốc cây trở lên. Sau đó, từ các lỗ bị đục tiết ra nhựa (còn gọi mủ), quy trình lấy mủ quay vòng từ 1 - 2 ngày, thời gian lấy mủ kết thúc sau khi các lỗ tiết nhựa từ thân cây tự lành trở lại.

 

“Để đảm bảo lượng mủ trôm khai thác trắng, sạch không bị ố vàng, tôi áp dụng cách khai thác mủ theo hướng an toàn. Trên diện tích 1.000 cây, trong đó chọn những cây lớn để khai thác theo quy trình kín (hướng sạch an toàn). Tức mỗi cây trôm khi đục lỗ xong, gắn hủ nhựa bên dưới để mủ tiết ra chảy vào hủ. Xung quanh vết đục lỗ dùng bạt ni lông bao kín từ trên xuống dưới. Trong quá trình cây tiết ra mủ không bị bụi bặm bám, mưa không thấm vào trong. Cứ sau một ngày đêm cây cho mủ, sau đó được thu hoạch, mang phơi trên các tấm tôn sạch, mủ khô trắng đảm bảo”, ông Viên chia sẻ.

 

Đến thời điểm này lượng mủ trôm sạch ông Viên thu được hơn 150kg. Ưu điểm cách khai thác mủ trôm sạch, chỉ tốn tiền đầu tư bạt ni lông, hủ nhựa ban đầu, sau đó dùng được vài năm. Cách làm này mủ trôm không bị vàng, không tốn công để làm sạch sau khi thu hoạch. Được các cơ sở chế biến mủ trôm thu mua với giá cao hơn cách khai thác mủ trôm thông thường. Hiện giá mủ trôm sạch, đảm bảo chất lượng đang được các cơ sở chế biến mủ trôm thu mua với giá cao ổn định. Đây là điều thuận lợi để ông chú trọng đầu tư và khai thác mủ yên tâm, phát triển mô hình. Với cách lựa chọn cây trôm trồng trên vùng đất đồi còn nhiều khó khăn, ông Viên đã tìm ra hướng phát triển mới cho gia đình.

 

“Hiện xã Sông Phan có hơn 5 ha đất đồi được chuyển đổi trồng cây trôm, bước đầu đi vào khai thác mủ. Theo chủ trương của địa phương, đối với những vùng đất đồi sản xuất hoa màu kém hiệu quả, đang khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi, lựa chọn các cây trồng mới phù hợp. Cách làm này sẽ phát huy lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân xã miền núi” - ông Kiều Văn Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Sông Phan cho biết.

 

Nguyên Chân

 

Bà Rịa Vũng Tàu: Giá hồ tiêu tiếp tục lao dốc

 

Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu

 

 

Ông Trần Thanh Bình (ấp Nhân Hòa, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) thu hoạch tiêu. Ảnh: BÙI HƯƠNG

 

Hiện nay, nông dân các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc (Bà Rịa Vũng Tàu) đang thu hoạch hồ tiêu. So với thời điểm tháng 12-2015, giá hạt tiêu đã giảm 12.000 đến 22.000đồng/kg.

 

Sản lượng giảm

 

Gia đình ông Trần Thanh Bình (ấp Nhân Hòa, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) có 1ha tiêu. Ông Bình cho biết, với hơn 1.000 gốc tiêu Vĩnh Linh, năm ngoái ông thu về hơn 2 tấn hạt. Với giá bán 160.000 đồng/kg tiêu khô, sau khi trừ chi phí, ông lãi khoảng 190 triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay, tiêu chín chậm, sản lượng tiêu chỉ bằng 2/3 so với vụ tiêu năm ngoái.

 

Ông Dương Văn Tỵ (ấp Nhân Tâm, xã Xuyên Mộc) có kinh nghiệm trồng tiêu gần 20 năm nay cũng cho biết, vụ tiêu năm nay, 800 gốc tiêu của gia đình ông ước tính chỉ đạt khoảng 3 tạ/sào, giảm một nửa so với năm trước.

 

Xuyên Mộc là một trong những địa phương có diện tích trồng tiêu lớn trên địa bàn tỉnh với hơn 3.500ha. Hiện nay, người dân trồng tiêu tại các xã Xuyên Mộc, Hòa Hiệp đang tập trung thu hoạch với năng suất bình quân 2 - 3 tấn/ha.

 

Gía rớt mạnh

 

Theo các hộ trồng tiêu, hiện tại, tiêu đen khô có giá 150.000 - 160.000 đồng/kg, giảm 12.000 - 22.000 đồng/kg so với tháng 12 năm ngoái. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, người trồng vẫn có lãi khoảng 200 - 350 triệu đồng/ha.

 

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá hạt tiêu ở nước ta có xu hướng giảm từ tháng 6-2015 đến nay. Nếu như hồi tháng 6-2015, giá hạt tiêu bình quân là 200.000 đồng/kg, thì đến tháng 10 và 11 giảm xuống chỉ còn 187.000 đồng/kg. Đầu tháng 12-2015, giá còn 172.000 đồng/kg. Hiện tại, hồ tiêu đen có giá ở mức 150.000 - 170.000 đồng/kg.

 

Ông Lê Quý Thịnh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức cho biết, ngành nông nghiệp luôn khuyến cáo bà con nông dân trên địa bàn khi trồng tiêu phải lựa chọn đất, nguồn nước phù hợp, không trồng đại trà và phải lấy hiệu quả làm chính, tránh tình trạng trồng ồ ạt và phải hướng đến sản xuất tiêu an toàn để đảm bảo trong xuất khẩu. Theo quy hoạch, đến năm 2020, diện tích hồ tiêu ở BR-VT giữ ổn định ở mức 8.300ha. Trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Đức và huyện Xuyên Mộc với khoảng 6.100ha, còn lại là ở TP. Bà Rịa, huyện Tân Thành và huyện Đất Đỏ. Cũng theo quy hoạch, đến năm 2020, sản lượng tiêu cả tỉnh ước đạt vào khoảng 16.800 tấn, trong đó, sản lượng tiêu xuất khẩu 16.200 tấn. Nhưng thực tế, theo Sở NN-PTNT, đến cuối năm 2015, diện tích trồng tiêu của tỉnh đã đạt 10.172ha, vượt gần 2.000ha so với quy hoạch.

 

BÙI HƯƠNG

 

Hành tăm cây trồng chống biến đổi khí hậu thu trên 200 triệu đồng/ha

 

Nguồn tin: Báo Nghệ An

 

Đến thời điểm này, những hộ nông dân trồng hành tăm ở Nghi Lộc (Nghệ An) đang trong quá trình thu hoạch đợt 1. Theo nhiều nông dân cho biết, vụ đông năm nay người dân trồng hành tăm được mùa, thu gần 200 triệu đồng/ha.

 

 

Bà con tranh thủ thời tiết nắng ấm thu hoạch hành tăm.

 

Vụ đông năm nay, huyện Nghi Lộc sản xuất 147 ha cây hành tăm, tập trung chủ yếu ở các xã Nghi Kiều, Nghi Lâm và Nghi Thuận. Theo tính toán của bà con nông dân, với giá bán từ 30 đến 50 ngàn đồng/kg hành tăm, mỗi sào hành tăm cho thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng. Mỗi héc ta cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

 

 

Bà con làm sạch hành tăm trước khi nhập cho thương lái.

 

Hành tăm là loại cây dễ trồng, không đòi hỏi chi phí nhiều về giống, phân bón, công chăm sóc đơn giản. Ngoài ra, trồng hành tăm đang được coi là mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, do đặc thù hành tăm là cây có thể trồng trên chân đất cao, dễ thoát nước và không chủ động thoát nước, tận dụng được diện tích đất không hiệu quả trong sản xuất lương thực ở trên địa bàn Nghi Lộc./.

 

Hồng Vinh - Đài Nghi Lộc

 

Mô hình trồng hồ tiêu ôm cây tràm ở Hậu Giang

 

Nguồn tin: Nhân Dân

 

 

Ông Dương Thanh Bình, ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ chăm sóc vườn tiêu trồng dưới gốc tràm vùng đất phèn mặn.

 

Trồng tiêu ôm cây tràm đang được xem là mô hình sáng tạo, hiệu quả trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất phèn mặn ở tỉnh Hậu Giang. Việc sử dụng thân của cây tràm sống làm trụ để dây hồ tiêu leo bám, ngoài việc giúp bà con nông dân cải tạo vườn tạp, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích, còn góp phần phát triển diện tích rừng tràm ở địa phương.

 

Mô hình chuyển đổi hiệu quả

 

Trở lại vùng đất phèn huyện Long Mỹ (Hậu Giang) sau những ngày vui Xuân, đón Tết, đâu đâu cũng nghe bà con nông dân râm ran bàn tính chuyện làm ăn, đặc biệt là cây hồ tiêu trồng ôm cây tràm. Mô hình cây hồ tiêu ôm cây tràm cho hiệu quả kinh tế cao. Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà ông Dương Thanh Bình ở ấp 1, xã Vĩnh Viễn, là người đầu tiên đưa cây hồ tiêu bén rễ ở vùng đất phèn này. Ông Bình kể rằng, trước đây vùng này đất bị nhiễm phèn nặng lắm, chỉ trồng được cây tràm, mía, khóm (dứa), còn lúa thì làm được một vụ vào mùa mưa, nhưng hiệu quả thấp. Ông từng trồng sầu riêng, rồi nhãn, vú sữa, cam, nhưng không hiệu quả… phải đốn bỏ. Trong lúc chưa biết chọn cây gì để chuyển đổi, ông nghe đứa con đi chơi ở Ba Hồ (Kiên Giang) về, kể mô hình trồng tiêu bên gốc tràm tốt dữ lắm, hiệu quả kinh tế cũng cao. Thế là ông đi tham quan học hỏi cách trồng.

 

Năm 2010, tận dụng số cây tràm hơn một năm tuổi sẵn có và một nọc tiêu của gia đình trồng để ăn sau nhà, ông Bình bắt đầu chiết ra trồng thử nghiệm 80 nọc tiêu. Do chưa có kinh nghiệm, nên chỉ có phân nửa số nọc tiêu phát triển tốt. Nhưng cũng từ số nọc tiêu này, ông lấy giống nhân rộng từ từ lên một nghìn nọc tiêu. Hiện, số nọc tiêu của ông được 2 đến 3 năm tuổi và cho thu hoạch. Năm 2015, ông thu được 800kg tiêu khô (1kg tiêu khô bằng 3kg tiêu tươi), bán với giá 220 nghìn đồng/kg. Theo ông Bình, một nọc tiêu từ 5 đến 6 năm tuổi có thể thu hoạch từ 4 đến 5kg tiêu khô và trên nữa thì thu hoạch từ 6 đến 7kg tiêu khô. Thông thường một nọc tiêu có thể thu hoạch trên 20 năm, khi đó ta còn có thêm nguồn thu từ cây tràm.

 

Nói về kỹ thuật, ông Bình chia sẻ: Trước tiên là trồng cây tràm hơn một năm tuổi phải đào sâu từ 5 đến 7 tấc, tiếp giáp với mặt nước, sau đó dùng vôi bột rải lên gốc tràm để hạ độ phèn trước khi đặt dây tiêu, với mật độ từ 1,5 đến 2m một nọc tiêu và chỉ sử dụng phân chuồng. Với kỹ thuật này, tràm và tiêu không cạnh tranh dinh dưỡng với nhau, quá trình sinh trưởng của tràm và tiêu đều bảo đảm.

 

Sau khi trồng, cần bón nhiều phân chuồng và phân hữu cơ. Liều lượng bón sẽ tăng theo sự phát triển của cây nhằm tạo độ tơi xốp, có nhiều dinh dưỡng cho tiêu phát triển. Phân hữu cơ có tác dụng tạo môi trường sống cho nhiều sinh vật đối kháng làm giảm nấm bệnh cho tiêu… “Nói chung, trồng tiêu rất dễ, nhẹ công chăm sóc. Nếu dây tiêu phát triển tốt, đúng sức từ 7 năm tuổi trở lên thì hiệu quả một công tiêu bằng 40 công lúa !” - ông Bình so sánh và cho biết chi phí cho một nọc tiêu từ khi trồng đến cho thu hoạch (3 năm), bao gồm bầu tiêu giống (6 nghìn đồng), cây tràm (20 nghìn đồng), tiền công lên liếp, phân bón… khoảng 100 nghìn đồng. Sau ba năm, một nọc tiêu cho thu hoạch khoảng 1 đến 2 kg tiêu khô, đủ lấy lại vốn. Có thể nói, mô hình này phù hợp với hộ nghèo, ít đất sản xuất, chỉ cần một đến hai công đất trồng tiêu, thì chẳng những có cơ hội thoát nghèo mà còn có thể làm giàu!

 

Khuyến khích nhân rộng

 

Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Long Mỹ Lê Hồng Việt nhìn nhận: Qua theo dõi, mô hình trồng tiêu trên gốc tràm ở vùng đất phèn được đánh giá thật sự có hiệu quả. Có thể dùng nhiều loại cây để làm nọc tiêu, nhưng chỉ sau vài năm thì nọc sẽ bị gãy đổ hoặc chết, còn đầu tư trụ xi-măng thì rất tốn kém. Trong khi đó, tràm là loại cây lâu năm, có nhiều lớp vỏ, giữ nước tốt, vì thế làm nọc tiêu sẽ không lo bị ảnh hưởng. Ngoài ra, tán tràm còn giúp dây tiêu hạn chế được ảnh hưởng của thời tiết bất lợi. Điều khá thú vị là các vườn tiêu đều phát triển tốt, năng suất khá cao, ít bị sâu bệnh. Qua tìm hiểu thấy rằng, từ bộ rễ của cây tràm tiết ra một số chất diệt được các nấm bệnh trên cây tiêu. Đây thật sự là mô hình giảm nghèo hiệu quả, cần nhân rộng. Thực tế đã có nhiều bà con mạnh dạn chuyển đổi, đến nay qua thống kê sơ bộ toàn huyện Long Mỹ đã có hơn 10 ha trồng tiêu bên gốc tràm.

 

Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hậu Giang Nguyễn Vĩnh Phúc, năm 2009, diện tích tràm của huyện Long Mỹ là 431 ha, hiện nay chỉ còn 226 ha. Nguyên nhân diện tích rừng giảm là do trồng tràm cho thu nhập thấp nên người dân đã chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Việc trồng tiêu ôm cây tràm được xem là mô hình hay, vừa giúp địa phương phát triển diện tích, tăng độ che phủ của rừng tràm, vừa giúp bà con tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.

 

Ở tỉnh Hậu Giang có hơn 50 nghìn ha đất nhiễm phèn, tập trung ở các huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy và TP Vị Thanh. Đất phèn rất khó sản xuất cây trồng, nhưng việc nông dân dùng cây tràm sống làm trụ để trồng hồ tiêu mang hiệu quả kinh tế cao là cách làm sáng tạo. Mặc dù hiện nay diện tích còn ít so với các loại cây trồng khác, nhưng hồ tiêu hứa hẹn sẽ mang đến thu nhập khá cho người dân ở vùng đất phèn này. Đây thật sự là một mô hình làm ăn mới cần được các ngành có liên quan nghiên cứu và nhân rộng ở từng địa phương có điều kiện thích hợp, trên cơ sở có quy hoạch phát triển phù hợp, theo hướng sản xuất hồ tiêu hữu cơ và bền vững.

 

Giám đốc Sở NN và PTNT Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng cho biết: Để nhân rộng mô hình này, trước tiên các huyện có đất bị nhiễm phèn cần tuyên truyền vận động bà con chuyển đổi, trên cơ sở tổ chức cho bà con tham quan thực tế mô hình trồng tràm - tiêu. Song song đó, để hỗ trợ bà con cải tạo vườn tạp chuyển sang mô hình này thì có thể lồng ghép vào Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2014 - 2016 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh. Trong đề án này, người dân sẽ được hỗ trợ vay 70% tổng nhu cầu vốn cho mô hình sản xuất và được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% lãi suất trong hai năm đầu. Mặt khác, trong chủ trương tái cơ cấu ngành lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh cũng đã có chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm xây dựng các mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp, trong đó chú trọng mô hình tràm - tiêu để nhân rộng ở các địa phương có đất phèn.

 

PHÙNG VĂN DŨNG

 

Hành tím Vĩnh Châu sẽ được bao tiêu giá sàn đảm bảo nông dân có lãi trên 2000 đ/kg

 

Nguồn tin: Đài PT-TH Sóc Trăng

 

Lãnh đạo Sở NN&PTNT và lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng dự cuộc họp thỏa thuận ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm củ hành tím Vĩnh Châu, giữa công ty T16 Việt nam với đại diện doanh nghiệp mua bán hành tím, hợp tác xã hành tím Vĩnh Châu.

 

 

Hội nghị thỏa thuận ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm củ hành tím Vĩnh Châu.

 

Công ty T16 Việt nam là doanh nghiệp liên kết với Trường Đại Học Cần Thơ về ứng dụng kỹ thuật canh tác hành tím và rau màu khác bằng phân hữu cơ vi sinh và công ty đảm bảo thu mua sản phẩm nông dân trồng được. Đối với hành tím Vĩnh Châu sẽ được bao tiêu giá sàn đảm bảo nông dân có lãi trên 2000 đ/kg, ngoài ra khi giá thị trường tăng cao hơn giá sàn, công ty sẽ thu mua cao hơn 500 đ/kg; Trước mắt từ nay đến hết tháng 3/2016, công ty sẽ xuất khẩu 3.000 tấn hành, tiêu thụ ở thị trường trong nước khoảng 2.000 tấn. Từ tháng 4 trở đi, tùy vào lượng hành tím còn lại, công ty sẽ tiếp tục ký kết hợp đồng với doanh nghiệp địa phương và hợp tác xã để tiêu thụ đến cuối năm.

 

Hiện nay, công ty T16 đã ký kết hợp đồng với HTX hành tím Vĩnh Châu để trồng cà chua thân leo, ớt và cam kết sẽ tiêu thụ toàn bộ sản phẩm nông dân canh tác với giá sàn đảm bảo có lợi cho người trồng./.

 

Văn Hòa

 

Hoài Nhơn (Bình Định): Hỗ trợ nông dân phát triển bền vững cây tiêu

 

Nguồn tin: Báo Bình Địn

 

Từ cuối năm 2012 đến nay, giá tiêu liên tục ổn định và ngày càng tăng, kéo theo phong trào trồng tiêu tự phát ở Hoài Nhơn (Bình Định) phát triển mạnh. Nhằm hạn chế những tổn thất về kinh tế cho người trồng tiêu do dịch bệnh gây ra, các ngành chức năng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp phát triển cây tiêu theo hướng bền vững.

 

 

Cán bộ khuyến nông huyện Hoài Nhơn (Bình Định) tham quan mô hình trồng tiêu sử dụng phân hữu cơ vi sinh Trichomix-DT cho năng suất cao của hộ ông Bùi Văn Trai ở thôn Giao Hội 2, Hoài Tân.

 

Theo số liệu thống kê của Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, đến cuối năm 2015, trên địa bàn huyện đã có gần 100 ha hồ tiêu, trong đó có trên 50 ha đã cho thu hoạch. Cây tiêu có khả năng thích ứng với nhiều vùng đất, nhưng yêu cầu kỹ thuật chăm sóc khá cao, vốn đầu tư lớn. Trong khi những vườn tiêu mới ở địa phương phát triển nhanh theo lối tự phát, chưa có sự đầu tư nhiều về kỹ thuật, nên năng suất còn thấp, bình quân mới chỉ đạt 680 kg/ha (khoảng 1.300 - 1.500 trụ tiêu).

 

Theo kỹ sư Mạch Đình Đồng, chuyên viên Trạm Khuyến nông Hoài Nhơn, bắt nhịp với xu hướng phát triển cây tiêu, những năm qua, các ngành chức năng của huyện và tỉnh đã quan tâm triển khai các mô hình trình diễn để chuyển giao kỹ thuật; tổ chức hội thảo về quản lý dịch bệnh tổng hợp trên cây tiêu, qua đó giúp cho người trồng tiêu nắm vững kỹ thuật, phương pháp trồng và chăm sóc cây hồ tiêu bền vững, tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí đầu tư.

 

Ông Bùi Văn Trai, chủ hộ trồng tiêu ở thôn Giao Hội 2, xã Hoài Tân, cho biết: “Nhờ áp dụng các tiến bộ KHKT từ các mô hình, hội thảo về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây tiêu; đặc biệt là phương pháp sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Trichomix-DT, men Trichoderma cộng với phân chuồng đã giúp cho vườn tiêu của tôi luôn phát triển xanh tốt, ít sâu bệnh, giảm được 60% lượng phân hóa học và 40% chi phí đầu tư. Nhờ vậy liên tiếp trong 2 năm gần đây tui đã thu trên 200 triệu đồng lợi nhuận/1 ha tiêu 8 năm tuổi”.

 

Với giá tiêu liên tục tăng như hiện nay đã “kích thích” nhiều hộ mạnh dạn đầu tư tiền tỉ để có những vườn tiêu cả ngàn trụ, như hộ ông Nguyễn Văn Lâm (2.500 trụ), ông Hoàng Thiết (1.800 trụ), ông Nguyễn Văn Lọc (1.000 trụ) cùng ở xã Hoài Thanh; anh Bùi Văn Cường ở Hoài Tân (1.200 trụ), anh Nguyễn Văn Hoàng ở thị trấn Bồng Sơn (800 trụ), ông Nguyễn Tán ở xã Hoài Hảo (1.200 trụ)…

 

Cùng với sự đầu tư hỗ trợ kỹ thuật của ngành chức năng của huyện và tỉnh, các hộ trồng tiêu ở Hoài Nhơn đã thành lập các chi hội trồng tiêu để giúp nhau cùng phát triển. Hiện toàn huyện có 5 chi hội trồng tiêu ở các xã Hoài Hảo, Hoài Phú, Hoài Tân, Hoài Thanh và Hoài Thanh Tây. Anh Trần Ngọc Công, Chi hội trưởng Chi hội trồng tiêu xã Hoài Tân, chia sẻ: “Để phát triển cây tiêu theo hướng bền vững, năm 2014 chi hội trồng tiêu của xã được thành lập với 35 hội viên tham gia. Hiện nay toàn chi hội có 32 vườn tiêu với trên 7.000 trụ đang phát triển xanh tốt, mức lãi ròng từ cây tiêu đã đạt từ 30 - 40 triệu đồng/100 trụ/năm”.

 

Bà Nguyễn Thị Thao, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoài Thanh, cho biết: “Qua theo dõi, mấy năm gần đây giá tiêu liên tục tăng giúp cho nhiều bà con trồng tiêu địa phương có thu nhập hàng năm từ 50 - 70 chục triệu đồng/vụ, đã góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến cáo bà con nông dân không nên trồng tiêu quá ồ ạt và cũng không nên trồng diện tích quá lớn trong một hộ, để tránh những rủi ro sau này”.

 

Để từng bước đưa cây tiêu trở thành cây kinh tế mũi nhọn của địa phương, huyện Hoài Nhơn đã chỉ đạo các ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương khẩn trương quy hoạch lại những vùng có tiềm năng, lợi thế để quản lý và cân đối nhu cầu có lợi cho nông dân. Đặc biệt là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, phát triển cây tiêu một cách lâu dài, kết hợp giữa đầu tư sản xuất, chế biến, thu mua, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm để tạo nền tảng phát triển cây tiêu bền vững.

 

BẢO SƯƠNG - ÁNH NGUYỆT

 

Các địa phương gồng mình chống hạn, mặn

 

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

 

Đến thời điểm này, theo thống kê sơ bộ, hạn hán và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại khoảng 150.000 tỉ đồng cho các tỉnh ĐBSCL.

 

Gồng mình chống hạn hán, xâm nhập mặn

 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, năm nay, do nhiệt độ trung bình ở các tỉnh phía nam cao hơn trung bình nhiều năm từ 1 - 1,5oC, lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30 - 50%, vì vậy, khả năng xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ sẽ ở mức kỷ lục.

 

Ngay từ tháng 2, mặn đã duy trì ở mức cao và nghiêm trọng. Trên sông Tiền, sông Hậu, độ mặn là trên 45 phần nghìn, có thể xâm nhập sâu tới 70km tính từ cửa sông, thậm chí có nơi lên đến 85km. Độ mặn sẽ tăng cao, kéo dài đến đầu tháng 5. Nếu không có mưa, tình trạng xâm nhập mặn sẽ kéo dài tới tháng 6, thậm chí qua tháng 7.

 

Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam dự báo, nguy cơ xâm nhập mặn không chỉ đe dọa 300.000 ha lúa Đông Xuân, mà còn ảnh hưởng đến các vườn cây ăn trái tại nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL.

 

Hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra với quy mô lớn đã khiến người dân ở vùng ĐBSCL thiệt hại nặng nề trong trồng trọt, sản xuất… Theo VTV, đến thời điểm này, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại khoảng 150.000 tỉ đồng cho các tỉnh ĐBSCL.

 

Chẳng hạn, tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 700 ha lúa bị chết vì thiếu nước ngọt, tập trung ở các xã ven biển, cuối nguồn thuộc huyện Gò Công Đông như: Tân Phước, Kiểng Phước, Gia Thuận, thị trấn Vàm Láng, Phước Trung… Ngoài ra, còn có hàng nghìn ha lúa Đông Xuân ở các huyện Gò Công Tây, thị xã Gò Công có nguy cơ giảm năng suất do hạn, mặn.

 

Còn tại tỉnh Kiên Giang, lãnh đạo tỉnh cho biết, đã có 57.899 ha lúa trên đất nuôi tôm bị ảnh hưởng hạn, mặn, trong đó gần 30.000 ha bị thiệt hại.

 

Các tuyến kênh rạch lớn ở Kiên Giang như sông Cái Lớn hiện nay đã xâm nhập sâu vào 3 - 4km. Một số sông như Rạch Giá-Long Xuyên, Rạch Giá-Hà Tiên, kênh Cái Sắn thì mặn đã xâm nhập sâu.

 

Các tỉnh khác ở ĐBSCL cũng đang khốn đốn vì mặn xâm nhập: Khoảng 32.000 ha lúa Thu Đông muộn ở Cà Mau và Bạc Liêu bị nhiễm mặn. Tại Bến Tre cũng có khoảng 4.000 ha lúa Đông Xuân bị thiệt hại do hạn, mặn.

 

Các huyện Trần Đề, Mỹ Xuyên, Long Phú, Kế Sách của tỉnh Sóc Trăng là những địa phương có diện tích lúa bị nhiễm mặn nhiều nhất, với hàng chục nghìn ha bị ảnh hưởng, trong đó có gần 1.000 ha bị thiệt hại hoàn toàn.

 

Quyết liệt cứu lúa

 

Tại hội nghị phòng, chống hạn và xâm nhập mặn các tỉnh ĐBSCL do Bộ NN&PTNT tổ chức vừa diễn ra tại TP. Cần Thơ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL là rất nghiêm trọng và hậu quả của nó rất lớn, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, thủy sản, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

 

Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn vốn cho các tỉnh ĐBSCL chống hạn, xâm nhập mặn, trong đó những nơi cần thiết thì xây dựng ngay trạm cấp nước, khoan giếng… để giải quyết nguồn nước cho dân.

 

Cùng với Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, xem công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

 

Nhờ tập trung thực hiện khẩn cấp, quyết liệt các giải pháp nêu trên, đến thời điểm hiện nay, gần 30.000 ha lúa Đông Xuân năm 2015 - 2016 ở khu vực ngọt hóa Gò Công (Tiền Giang) đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng đã cơ bản an toàn.

 

Để làm được điều đó, Tiền Giang đã chủ động sử dụng nguồn ngân sách hơn 4 tỉ đồng, đầu tư 16 thuyền với 32 máy bơm, công suất mỗi máy 1.000 m3/giờ để bơm nước ngọt bổ cập vùng dự án ngọt hóa Gò Công; mua máy bơm và xây dựng trạm bơm dã chiến chống hạn, cứu lúa.

 

Còn tại Sóc Trăng, những ngày này, ngành nông nghiệp đang bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn, thường xuyên kiểm tra độ mặn ở các cống, trong hệ thống kênh, rạch để kịp thời hướng dẫn nông dân xử lý mặn cứu lúa, chủ động lấy nước bơm tưới ruộng đồng; đồng thời tích cực chỉ đạo khoanh lại các vùng đã bị ảnh hưởng.

 

Trong thời gian tới, Sóc Trăng sẽ tiến hành quy hoạch lại cơ cấu sản xuất, cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Tỉnh Kiên Giang đã kịp thời chỉ đạo đóng hệ thống cống ven biển Tây; đắp 82 đập ngăn mặn kinh phí gần 20 tỉ đồng, tiến hành nạo vét kênh mương.

 

Ngành nông nghiệp Kiên Giang cũng đã triển khai một lúc nhiều hạng mục công trình chống hạn mặn kết hợp với thay đổi lịch thời vụ xuống giống sao cho phù hợp và bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân và ven biển, hải đảo; đồng thời cũng đã xuất ngân sách hỗ trợ người dân mua lu, bồn chứa nước sinh hoạt, có kế hoạch trữ nước từ ban đầu.

 

Mực nước các sông ở Trung Bộ sụt giảm nghiêm trọng

 

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do chịu tác động của hiện tượng El Nino, mùa khô năm 2016, dòng chảy trên các sông, suối ở Nam Trung Bộ sẽ giảm dần và có khả năng thiếu hụt hơn.

 

Lượng nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi trên toàn tỉnh Bình Thuận chỉ còn 111,3 triệu/216,5 triệu m3, đạt 51,4% dung tích thiết kế. Mực nước tại 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chỉ còn 63,49/192,21 triệu m3, đạt 33% tổng dung tích thiết kế. Ngoài ra, lượng nước chứa tại hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) hiện ở mức 137,33/165 triệu m3.

 

Từ đầu năm đến nay, lượng mưa ở khu vực Nam Trung Bộ thiếu hụt 30 đến 50%; lượng dòng chảy, khu vực Trung Bộ thiếu hụt 20 đến 60%, có nơi đến hơn 80% (Khánh Hòa) so với trung bình nhiều năm.

 

Hiện mực nước tại Sông Ba và các suối trên địa bàn huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đều đạt thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 30 đến 50%. Cụ thể, tại hồ Ia Mlah, lưu lượng dòng chảy chỉ đạt 2,1 m3/s. Đối với hồ Ia Dreh, mực nước hiện chỉ đạt ở cao trình 183,7m, tương ứng đạt 28,89% dung tích thiết kế, còn thiếu 3.780.321m3 nước...

 

Đặc biệt, tại Quảng Nam, một số công trình thủy điện phải ngừng phát điện để giữ nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất trong thời gian tới.

 

Trước đó, do thiếu nước, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị thủy điện A Vương dừng phát điện từ ngày 8/12/2015 đến hết tháng 1/2016 để tích nước. Tuy nhiên, do đến hết tháng 1, mực nước về hồ vẫn thiếu đến 19m nước, tỉnh Quảng Nam phải tiếp tục đề nghị dừng các tổ máy đến hết tháng 2. Đến thời điểm này, hồ chứa A Vương cũng chỉ tích được 65% dung tích hồ.

 

Hồ thủy điện Sông Tranh 2 là một trong hai hồ thủy điện trong toàn quốc tích đủ nước đến cao trình mực nước dâng bình thường. Tuy nhiên, thủy điện Sông Tranh 2 vẫn phải xả nước cầm chừng để giữ nước cho hạ du.

 

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, hiện các hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh đang thiếu hụt nước nghiêm trọng, khó bảo đảm cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp nếu không có mưa tiểu mãn và mưa bổ sung trong tháng 7, tháng 8 tới đây.

 

Anh Kiên (tổng hợp)

 

Đồng Tháp: Giá nấm rơm ổn định cao

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

 

Sau Tết Nguyên đán, đa số các mặt hàng hoa màu đều giảm giá, riêng mặt hàng nấm rơm vẫn ổn định giá cao. Theo nhiều nông dân trồng nấm rơm, vụ đông xuân này thời tiết khá thuận lợi cùng với nguyên liệu rơm và meo nấm tốt, nhờ vậy mà đa số nông dân chất nấm rơm đều trúng mùa.

 

 

Thu hoạch nấm rơm

 

Bình quân 1.000m2 cho thu hoạch trên 1 tấn nấm. Giá nấm rơm bán cho thương lái tại ruộng, nấm loại 1 dao động từ 42.000 - 45.000 đồng/kg và nấm Mê cô từ 30.000 - 32.000 đồng/kg, so với thời điểm trước Tết tăng khoảng 5.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí mỗi 1.000m2, nông dân thu lợi nhuận trên 10 triệu đồng.

 

Vụ đông xuân này, nông dân huyện Lai Vung (Đồng Tháp) xuống giống được 224ha diện tích nấm rơm, tập trung ở các xã: Vĩnh Thới, Tân Hòa, Định Hòa, Phong Hòa và Hòa Long. Đến thời điểm này, nông dân sẽ thu hoạch được 200ha. Dự kiến, đến cuối tháng 2/2016 nông dân thu hoạch dứt điểm các diện tích nấm rơm còn lại.

 

Nguyên Hãn

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop