Huyện Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu): Cây khoai mì bị "thất sủng"
Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu
Vài năm trở lại đây, khi giá khoai mì ngày càng giảm (chỉ còn khoảng 800 đồng/kg) và đất trồng mì ngày càng cho năng suất thấp, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã chuyển sang trồng các loại cây khác như đậu phộng, mãng cầu, nhãn, xoài… Việc chuyển đổi này bước đầu giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế, cao gấp 2 đến 3 lần trên cùng một diện tích so với trồng khoai mì trước đây.
Với 1ha diện tích trồng mãng cầu, ông Trần Văn Lâm (ấp Tân Hòa, xã Long Tân) thu nhập khoảng 50 triệu đồng/vụ, cao gấp 3 lần so với lúc trồng mì.
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Duy Thanh (ấp Mỹ Hòa, xã Long Mỹ) tại ruộng đậu phộng vừa mới gieo trồng hơn 1 tháng của gia đình. Lúc này, ông cùng vợ tranh thủ tưới nước cho gần 2ha đậu phộng. Ông Thanh cho biết, ông bắt đầu chuyển từ trồng khoai mì sang trồng đậu phộng vào năm 2014. Thời điểm đó, giá khoai mì giảm liên tục, từ năm 2011 - 2013, hầu như vụ mì nào ông cũng lỗ từ 2 - 3 triệu đồng, may mắn mới được một vài vụ hoàn vốn. Được sự vận động và hỗ trợ của địa phương, ông đã chuyển 2ha đất trồng mì sang trồng đậu phộng. Hơn 2 năm canh tác, ông nhận thấy cây đậu phộng phù hợp với điều kiện đất tại địa phương và cho năng suất cao.“Trồng đậu phộng chỉ sau trong 3 tháng cho thu hoạch, chi phí ít, giá cả lại ổn định, sau mỗi vụ tôi có lãi từ 10 - 12 triệu đồng. Hiện tôi đang trồng xen canh thêm 150 gốc nhãn xuồng vì loại cây này đang được ưa chuộng trên thị trường”, ông Thanh nói.
Theo ông Lê Quang Vinh, cán bộ nông nghiệp xã Long Mỹ, do giá trị cây khoai mì ngày càng giảm, UBND xã đã vận động bà con chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao. Từ diện tích 120ha đất trồng khoai mì trên toàn xã, đã có hơn 40ha chuyển sang trồng đậu phộng, nhãn, xoài Úc. Để việc sản xuất của bà con đạt kết quả, địa phương thường xuyên tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách trồng xen canh vừa tiết kiệm chi phí, lại tránh lãng phí đất và cho năng suất cao, góp phần ổn định cuộc sống.
Cũng là địa phương có diện tích đất trồng khoai mì tương đối lớn trên địa bàn huyện Đất Đỏ, những năm gần đây, xã Long Tân đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ông Ngô Trường Sơn, cán bộ nông nghiệp xã Long Tân cho biết, vùng đất Long Tân rất thích hợp cho cây mãng cầu phát triển. Năm 2014, địa phương đã phối hợp với ngành nông nghiệp huyện xây dựng dự án quy hoạch vùng chuyên canh cây mãng cầu tại khu vực Gò Bà Canh với diện tích 50ha. Đến nay, đã có gần 30ha mãng cầu được trồng tại khu vực này. Ông Trần Văn Lâm (ấp Tân Hòa, xã Long Tân) cho biết, trong những ngày này, cả gia đình ông đang bận rộn với việc chăm sóc 1ha mãng cầu trái vụ được chuyển từ đất trồng khoai mì sang. Đến nay, cây mãng cầu đã cho thu hoạch. Mỗi vụ, ông Lâm thu khoảng 50 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, ông lãi hơn 20 triệu đồng. “Trồng mãng cầu thu hoạch được 2 vụ/năm. So với bắp và khoai mì, mãng cầu cho lợi nhuận gấp 3 lần”, ông Lâm chia sẻ.
Ông Đặng Văn Tư, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đất Đỏ cho biết, lúa và khoai mì là 2 cây trồng chủ lực của huyện. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thu nhập từ cây khoai mì rất thấp. Do vậy, ngành nông nghiệp huyện đã khuyến khích bà con chuyển từ trồng khoai mì sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn như đậu phộng, mãng cầu, nhãn, xoài Úc... Sau hơn 2 năm thực hiện, từ hơn 1.100ha trồng khoai mì đầu năm 2014, đến nay đã có hơn 100ha được chuyển sang trồng các loại cây khác, trong đó có 10ha nhãn, 3ha xoài, 43ha mãng cầu, 5ha đậu phộng, gần 50ha luân canh hoa, rau, đậu phộng. “Trong thời gian tới, trên cơ sở đánh giá hiệu quả các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngành nông nghiệp huyện sẽ nhân rộng những mô hình hiệu quả để diện tích gieo trồng được tập trung hơn, tránh việc sản xuất nhỏ lẻ có thể sẽ khiến nông dân gặp khó khăn trong đầu tư cũng như tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm”, ông Đặng Văn Tư cho biết thêm.
NGÔ THANH
Tây Ninh: Trên 160ha mì ở Tân Châu bị nhện đỏ tấn công
Nguồn tin: Báo Tây Ninh
Hiện nay trên địa bàn huyện có trên 160ha mì bị nhện đỏ tấn công, với mức độ trung bình từ 15 - 20%.
Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tân Châu (Tây Ninh) kiểm tra diện tích cây mì bị nhện đỏ tấn công ở xã Tân Hưng.
Vụ Đông xuân 2015 - 2016 huyện Tân Châu (Tây Ninh) đã xuống giống được trên 10.500 ha mì, tăng trên 17% so cùng kỳ. Hiện nay thời tiết đang mùa nắng nóng, cây mì bị nhiều loại dịch bệnh tấn công như: nhện đỏ, rệp sáp bột hồng, thối cổ rễ, cháy lá vi khuẩn… Đây là những loại dịch bệnh làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây mì nếu không có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Đáng báo động là hiện nay trên địa bàn huyện có trên 160ha mì bị nhện đỏ tấn công với mức độ trung bình từ 15 - 20%. Xã Tân Hưng là địa phương có số diện tích mì bị nhện đỏ tấn công ở mức độ cao với 50ha mì nhiễm bệnh, trong đó có 3ha bị nhiễm với mật độ 70 - 80%, 8ha bị nhiễm mật độ 30%; xã Thạnh Đông cũng có 80ha bị nhiễm, trong đó 30 ha bị nhiễm 50% và 50ha bị nhiễm gần 10%; xã Tân Phú cũng có 30ha bị nhiễm với mức độ nhẹ hơn, từ 2 - 5%.
Ông Nguyễn Hữu Phong, cán bộ Trạm bảo vệ thực vật Tân Châu cho biết, nhện đỏ xuất hiện rất nhiều bởi thời tiết nắng nóng và khô. Khi cây mì bị nhện đỏ tấn công, lá sẽ chuyển từ màu xanh sang màu vàng xám hay màu đồng và sẽ khô rụng lá hoàn toàn nếu không được phòng trừ kịp thời.
Để phòng trừ nhện đỏ, ngoài các biện pháp sinh học như thả thiên địch, dùng thuốc hóa học, ông Phong khuyến cáo nông dân có thể sử dụng một số thuốc như Nissoruw 5EC; Comite 73EC để phun xịt và áp dụng kỹ thuật chọn giống, cách trồng luân canh với cây trồng khác, trồng thưa…
Biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay vẫn là phải tưới nước thường xuyên và tưới đủ nước để cây mì có sức hồi phục khi mùa mưa đến.
Chí Thành
Bến Tre: Không nôn nóng xuống giống vụ Hè Thu
Nguồn tin: Báo Đồng Khởi
Anh Nguyễn Văn Tuấn ở xã Phú Sơn (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) bỏ cây giống chết do nước mặn, lấy mụn dừa trở lại để tiếp tục làm cây giống. Ảnh: H. Vũ
Từ tháng 1-2016 đến nay, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng có nơi trên 5%o. Sau gần 3 tháng mặn xâm nhập sâu, nắng nóng kéo dài gây thiệt hại ước tính trên 250 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Khánh Hoan - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay: Trong nội đồng tại các vị trí cống đầu mối, mặn vẫn ở mức rất cao. Tại cống đập Ba Lai - Ba Tri, độ mặn đo được 3,8%o từ ngày 14 đến 15-3-2016; tại cống Cây Da - Ba Tri, độ mặn đo được 3,3%o từ ngày 11 đến 15-3-2016; tại cống Sơn Đốc - Giồng Trôm, độ mặn đo được 7,7%o vào ngày 14-3-2016. Ngày 19-3-2016, độ mặn tiếp tục tăng trở lại.
Mới đây, các chuyên gia về biến đổi khí hậu và chống ngập nước của Trường Đại học Cần Thơ đã có khuyến cáo rằng, người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chưa nên xuống giống vụ lúa Hè Thu tới khi thấy mực nước trên sông dâng lên chút ít. Và vụ Hè Thu tới chỉ xuống giống an toàn khi có lượng mưa vừa đủ trên đồng ruộng.
Các chuyên gia này cho hay, từ nay đến nửa đầu tháng 4-2016, khả năng mực nước trên sông Cửu Long sẽ tăng cao chút ít - đó là nước do Trung Quốc xả đập thủy điện. Tuy nhiên, lượng nước này sẽ nhanh chóng chảy vào các vùng trũng và thấm rất nhanh vào lòng đất vì các vùng này vốn đã ở trong tình trạng thiếu nước từ mấy tháng qua. Trong khi đó, theo dự báo thời tiết của Đài Khí tượng thủy văn Trung ương, mùa khô năm nay khả năng sẽ kéo dài cho đến tháng 6. Nếu bà con xuống giống và sau đó không có mưa thì cây mạ sẽ không thể sống được.
Trong khi đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Văn Mãi cũng đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương phải cố gắng theo sát và khuyến cáo bà con không nên nôn nóng xuống giống vụ Hè Thu với hy vọng “gỡ gạc” lại thiệt hại vụ Đông Xuân. “Chỉ nên xuống giống khi có khuyến cáo của ngành chức năng và càng không nên xuống giống ở các khu vực đã được khuyến cáo rằng không an toàn khi canh tác cây lúa nữa” - ông Phan Văn Mãi nói trong buổi làm việc tại huyện Giồng Trôm vào ngày 11-3-2016.
Trước tình trạng nắng hạn kéo dài, nước mặn xâm nhập sâu với độ mặn ngày càng cao, ông Nguyễn Khánh Hoan cho biết: Các ngành có liên quan đang đắp đập tạm ngăn mặn tại rạch Tre Bông để bảo vệ vườn cây ăn trái ở xã Tiên Thủy, xã Quới Thành (Châu Thành). Ban Quản lý Dự án RADCC đang hoàn tất thủ tục để mua 698 bồn nhựa chứa nước (có thể tích 2m3) cho hộ nghèo ở các huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tiếp tục thi công nâng công suất Nhà máy nước Ngãi Đăng (Mỏ Cày Nam) từ 10m3/h lên 20m3/h; lắp đặt đường ống dẫn nước ngọt từ Nhà máy nước Thành Thới A đến xã An Thới - Mỏ Cày Nam (đã thi công được 1,5km/3km; nâng công suất Nhà máy nước Tân Mỹ (Ba Tri) từ 330m3/h lên 440m3/h; Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre tiếp tục thực hiện phương án dùng xe bồn chở nước cho các bệnh viện, khu công nghiệp, doanh nghiệp… Các hộ dân tiếp tục khoan giếng, đào giếng hoặc chở nước ngọt từ thượng nguồn.
Để khắc phục hậu quả do hạn mặn kéo dài, xâm nhập sâu và phòng, chống hạn mặn, bà Phan Thị Thu Sương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay: Trước mắt, Sở đã đề xuất, kiến nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ thiệt hại do xâm nhập mặn cho người dân Bến Tre về hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất trong vùng bị thiệt hại; hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư nâng cấp các công trình thủy lợi, ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ trồng trọt, chăn nuôi và sinh hoạt của người dân. Còn về lâu dài, tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí để đầu tư một số dự án ngăn mặn, trữ ngọt: Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre - Dự án Jica (gồm các cống: Thủ Cửu, Giao Hòa, Bến Tre, Bến Rớ, Tân Phú, Cái Quao, Vàm Nước Trong, Vàm Thom); Dự án Nam Bến Tre bổ sung thêm các cống (Giồng Luông, Cái Hàn, Cái Lân, Vàm Mơn); xây dựng hệ thống cấp nước thô cho 4 huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú và Chợ Lách.
H. Vũ - M. Phương
ĐBSCL: Lúa gạo và rau màu tăng giá
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Những ngày gần đây, giá nhiều loại rau màu ở các tỉnh ĐBSCL tăng rất mạnh. Chiều 21-3, ông Nguyễn Cao Miên, Giám đốc HTX Rau củ quả Tân Bình (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long), cho biết: “Giá bắp cải đang được thương lái săn lùng mua tại ruộng, giá từ 10.000 - 14.000 đồng/kg (tùy loại), dưa leo cũng từ 10.000 - 12.000 đồng/kg… cao gần gấp đôi so thời điểm đầu năm 2016.
Với giá này, nông dân trồng bắp cải có lợi nhuận 20 - 25 triệu đồng/công, cao gấp nhiều lần so trồng lúa”. Theo ông Miên, giá nhiều loại rau màu tăng mạnh do hiện nay vùng ĐBSCL và những vùng khác ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên và miền Trung đang gặp hạn, mặn xâm nhập sâu nên thiếu nước ngọt để tưới và diện tích trồng rau màu bị thu hẹp. Trong khi đó, hiện các huyện như Bình Tân, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long); Lai Vung, Lấp Vò (Đồng Tháp); Chợ Mới, Phú Tân (An Giang)… nằm gần sông Tiền, sông Hậu nên có được nguồn nước ngọt ổn định. Vì thế, nông dân tận dụng lợi thế này để phát triển rau màu vào mùa hạn, đem lại thu nhập cao.
Nông dân Vĩnh Long trúng giá bắp cải.
Tương tự, giá lúa gạo hiện cũng đang tăng từng ngày. Ông Nguyễn Văn Phương, thương lái mua lúa gạo ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), cho biết: “Hiện lúa tươi loại thường mua tại ruộng có giá 5.000 đồng/kg; lúa tươi hạt dài 5.400 đồng/kg; lúa thơm 5.600 - 5.700 đồng/kg… Dù giá đang tăng nhưng sản lượng lúa đông xuân không nhiều, nhất là chất lượng lúa vụ này không bằng vụ trước bởi ảnh hưởng của hạn, mặn”. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo cả nước trong 2 tháng đầu năm 2016 đạt trên 856.000 tấn gạo (cao hơn cùng kỳ gần 102%), trị giá FOB gần 348 triệu USD. Việc tăng số lượng xuất khẩu chủ yếu từ các hợp đồng của năm 2015 chuyển sang.
Do lúa tăng giá nên nhiều nông dân ĐBSCL đang tranh thủ xuống giống vụ hè thu, dù Bộ NN-PTNT đã cảnh báo ở những vùng bị xâm nhập mặn trên 3‰ tuyệt đối không sạ lúa vào lúc này mà phải chờ mưa xuống để giảm độ mặn; những vùng nhiễm mặn dưới 3‰ có thể xuống giống nhưng phải sử dụng giống chịu mặn, ngắn ngày… Theo dự báo, nếu hạn, mặn kéo dài đến tháng 6-2016 thì vụ hè thu này toàn vùng ĐBSCL sẽ có khoảng 500.000ha lúa bị ảnh hưởng. Vì vậy, người dân cần theo dõi kỹ diễn biến thời tiết tránh gieo sạ ào ạt nhằm giảm thiểu nguy cơ bị thiệt hại…
HUỲNH LỢI
Thoát nghèo từ trồng chuối
Nguồn tin: Nông Nghiệp VN
Vài năm trở lại đây, cây chuối đã trở thành nguồn kinh tế chủ lực của nông dân xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang.
Nông dân ấp Kênh Năm thu hoạch chuối
Cây trồng này không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững mà còn cho thu nhập ổn định, lợi nhuận cao gấp 2 đến 3 lần cây lúa.
Với vườn chuối hơn 2 ha, gia đình ông Nguyễn Văn Khanh, ấp Kênh Năm, xã An Minh Bắc thoát nghèo vươn lên và có cuộc sống ổn định, có điều kiện lo cho các con ăn học.
Theo ông, từ khi chuyển sang trồng chuối, không chỉ cho thu nhập cao gấp 2 lần cây lúa mà cây trồng này giúp ông có nguồn thu nhập triệt để trên cùng diện tích, trên bờ là cây chuối dưới mương thả nuôi cá. Với cách làm này mỗi năm ông thu hoạch ròng trên 150 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Khanh cho biết: “Trồng lúa bây giờ năng suất không bằng trồng chuối, trồng chuối có thu nhập quanh năm, trên bờ là chuối dưới nước là cá. Cây chuối mỗi tháng cho thu hoạch 2 đến 3 lần, một năm thu hoạch hơn 100 triệu”.
Gia đình ông Lê Quang Oai, ấp Kênh Năm, xã An Minh Bắc đã mạnh dạn chuyển sang 2 ha đất lúa và tận dụng đất bờ bao trồng chuối. Cứ mỗi tháng 3 đợt ông thu hoạch gần 2.000 nải, với giá bán thị trường dao động từ 3.000 đến 4.000 đồng/nải tại vườn cộng với bắp chuối bình quân thu lợi nhuận hơn 6 triệu đồng/tháng.
Như vậy mỗi năm ông Oai thu nhập trên 65 triệu đồng từ cây chuối, cộng với lợi nhuận từ cây lúa và chăn nuôi, gia đình thu nhập ròng hơn 150 triệu đồng.
Ông Lê Quang Oai cho biết: “Cây chuối cho hiệu quả cao hơn cây lúa, ít rủi ro hơn, trồng nhẹ chi phí, nhẹ công chăm sóc, không dùng thuốc trừ sâu, phân thì cũng ít nên hiệu quả kinh tế cao, giá cả ổn định. Bây giờ thương lái vô mua bao nhiêu mua cũng hết, không đủ bán. Nắng hạn thì trái chuối hơi nhỏ lại nên khoảng 1 tháng tưới 1 - 2 lần, đến mùa mưa chuối tốt um. Tui mong muốn các ngành chức năng bao tiêu sản phẩm chuối và có giải pháp ngăn nước mặn xâm nhập vườn chuối".
Theo nhiều nông dân, những bờ xáng cao ráo rất phù hợp để cây chuối phát triển. Chuối rất dễ trồng và nhanh cho thu hoạch. Khoảng 8 tháng sau khi trồng thì cây chuối bắt đầu trổ buồng và vài tháng sau đó thì đã thu hoạch lứa đầu tiên. Vốn đầu tư cho trồng chuối ít, chủ yếu là tiền thuê mướn đắp bờ. Giống chuối đã có sẵn ở địa phương.
Với đặc thù cây chuối chịu hạn tốt và trong điều kiện nắng hạn, xâm nhập mặn hiện nay ở vùng đệm U Minh Thượng thì chuối đã trở thành cây trồng phù hợp nhất với nguồn thu nhập ổn định.
Ông Danh Nhạc, Trưởng ấp Kênh Năm, đại biểu HĐND xã An Minh Bắc đánh giá về hiệu quả của cây chuối như sau: “Nhìn chung trồng chuối khâu chăm sóc rất thuận tiện và chi phí cũng nhẹ hơn, chỉ trồng năm đầu, qua năm thứ 2 về sau cho thu hoạch 7, 8 năm, 10 năm chuối mới sùng. Từ năm thứ nhất trở lên chuối đạt chất lượng cao lắm. Bình quân mỗi một năm nông dân đốn từ 2 đến 3 lần. Bình quân 1ha thu hoạch từ 5 đến 7 triệu đồng/hộ, còn bắp chuối thu nhập riêng nữa.
Những người trồng chuối cho biết, hiện tại chuối rất dễ bán. Cứ tới chu kỳ đốn chuối thì thương lái đưa phương tiện đến nơi để thu mua. Hiện nay chỉ tính riêng ấp Kênh Năm có đến 140ha chuối và toàn vùng đệm U Minh Thượng diện tích chuối đã tăng lên hơn 1.000ha.
Để cây chuối phát triển bền vững và ổn định về giá, ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang và chính quyền địa phương cần quy hoạch lại diện tích sản xuất chuối, làm sao vừa giữ được diện tích trồng vừa tránh điệp khúc “được mùa mất giá”, “cung vượt cầu”..
TRUNG HẬU
Thanh trà miền Tây mất mùa, giá tăng gấp 3
Nguồn tin: Người Lao Động
Năm nay, do ảnh hưởng của thời tiết nên thanh trà đậu trái rất ít, sản lượng sụt giảm nhiều, thiếu hụt nguồn cung nên giá tăng cao.
Ông Bùi Văn Hiệp (ngụ xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Mấy ngày qua, tôi đi thu mua trái thanh trà ở thị xã Bình Minh nhưng chỉ thu mua mỗi ngày chừng 200kg, đủ giao cho mấy mối bán dọc quốc lộ 54 và đường dẫn cầu Cần Thơ. Năm rồi, mỗi ngày tôi thu mua hơn 1 tấn”.
Cây thanh trà chỉ đậu vài trái, nhà vườn thất thu sản lượng.
Ở miền Tây, thanh trà là loại trái được trồng duy nhất ở thị xã Bình Minh. Ở địa phương này, có khoảng 3 - 4 hộ trồng đại trà mỗi vườn từ 20 - 30 công, còn lại được trồng rải rác. Mùa thu hoạch thanh trà thường vào thời điểm sau Tết.
Do bị sương muối nên thanh trà đậu trái ít.
Hộ ông Lê Ngọc Quận (ngụ ấp Đông Hưng 2, xã Đông Thành) là một trong những hộ trồng nhiều cây thanh trà với khoảng 30 công, gồm 2 loại: thanh trà chua và thanh trà ngọt.
Tuy mất mùa nhưng giá thanh trà cao gấp 3 so với năm rồi.
“Mấy năm trước, toàn bộ 30 công, nhà tôi thu hoạch được gần 50 tấn trái thanh trà. Nhưng năm nay, nếu thu hoạch tới cuối vụ ước chỉ khoảng còn 2 tấn trái thanh trà trái chua. Riêng thanh trà ngọt có khoảng 200 cây thì năm nay chỉ có được không tới 1 kg trái”, ông Quận than thở.
Thanh trà ngọt có trái và lá dài hơn thanh trà chua nhưng năm nay cũng mất mùa, cả vườn chỉ có vài trái ngọt.
Do thiếu nguồn cung nên hiện giá thanh trà tại vườn từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, cao gấp 3 so với năm rồi. Tại những điểm bán lẻ, thanh trà bán với giá từ 60.000 - 70.000 đồng/kg.
Theo ông Quận, năm nay do thời tiết thất thường, bị sương muối nên dù cây thanh trà ra nhiều bông nhưng tỉ lệ đậu trái rất thấp. Đi dọc các ấp Đông Hưng 2, nhiều hộ trồng thanh trà hàng chục năm đành phải ngậm ngùi vì cây đậu trái rất ít hoặc không ra trái. Điển hình như hộ của ông Trương Văn Vẹn, có 20 công thanh trà trên 30 năm nhưng cũng thu hoạch chỉ có vài trăm kg.
Hái cả ngày chỉ được khoảng vài trăm kg thanh trà
Chị Đặng Thị Hồng Ánh, một thương lái, nói: “Năm ngoái một vườn thu hoạch phải cần gần 20 nhân công, năm nay chỉ thuê 3 người. Số lượng trái ít quá nên nhiều mối ở TPHCM kêu tôi giao nhưng không có bán. Riêng đối với thanh trà ngọt lịm thì hầu như không có vườn nào có”.
Ca Linh
Châu Thành (Hậu Giang): Có 13 mô hình phun tưới nước tự động vườn cây ăn trái
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Thông tin từ ngành chức năng huyện Châu Thành (Hậu Giang), trên địa bàn huyện có 13 mô hình phun tưới nước tự động cho vườn cây ăn trái với diện tích khoảng 10ha. Đây là mô hình tưới tiết kiệm nước, giảm được nhân công lao động, chi phí đầu tư, nhất là lượng phân bón cho cây trồng, rất phù hợp với tình hình hạn, xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu như hiện nay. Mô hình này được các nhà vườn và ngành chức năng đánh giá là mang lại hiệu quả khá cao, tuy nhiên chi phí đầu tư cho mỗi mô hình khá lớn nên còn khó nhân rộng ra các nhà vườn trong huyện.
H.TÂM