Tin nông nghiệp ngày 24 tháng 7 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 24 tháng 7 năm 2019

Bấp bênh cây lúa

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Nông dân các tỉnh ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa hè thu năm 2019, tuy nhiên giá lúa năm nay không cao và tiêu thụ khó khăn nên nông dân không lời nhiều. Chuyển đổi cây trồng trên đất lúa nhằm tăng thu nhập cho nông dân đang là vấn đề cấp bách đặt ra.

Chuyển đổi trồng màu hiệu quả hơn cây lúa

Hiệu quả quá thấp

Trên cánh đồng lúa rộng 1,7ha của gia đình đang thu hoạch, ông Đoàn Ngọc Anh, ngụ xã Tân Thành A, huyện biên giới Tân Hồng (Đồng Tháp) thở dài khi 3 tháng cực nhọc canh tác, cuối cùng hiệu quả mang lại chẳng bao nhiêu. Ông than: “Hiện nay, thương lái mua lúa tươi loại thường chỉ khoảng 4.300 - 5.300 đồng/kg tùy loại giống, dù giá có tăng so với tháng trước nhưng vẫn còn rất thấp. Ngoài ra, thời tiết vụ này không thuận lợi nên năng suất lúa không cao. Tính ra nông dân lời không nhiều”. Bà Trịnh Mỹ Lệ (cùng ngụ xã Tân Thành A) cũng tỏ ra ngao ngán khi sản xuất lúa càng lúc khó khăn hơn. “Vụ đông xuân 2019 vừa rồi giá lúa cũng không cao, chỉ 4.600 - 5.200 đồng/kg tùy loại giống, nên nông dân lời ít. Nhiều hộ hy vọng vụ hè thu này tình hình sẽ cải thiện, không ngờ giá còn tệ hơn…”, bà Lệ bộc bạch.

Ở An Giang, nhiều nông dân và cả chính quyền địa phương cũng băn khoăn trước sự bấp bênh của cây lúa. UBND huyện đầu nguồn An Phú cho hay, toàn huyện sản xuất khoảng 13.000ha lúa hè thu và nông dân đã thu hoạch 50% diện tích; dự kiến đầu tháng 8-2019 sẽ dứt điểm. Thống kê sơ bộ của các xã cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, qua 2 vụ lúa đông xuân và hè thu, nông dân khi thu hoạch xong thì trả nợ vật tư, công lao động… chẳng còn dư được gì. Trong khi hàng ngày, hàng tháng, từng gia đình biết bao nhiêu việc cần chi tiêu; từ đó đẩy nhiều hộ vào cảnh “ăn trước trả sau”.

Theo Cục Trồng trọt, vụ hè thu 2019 các tỉnh ĐBSCL xuống giống hơn 1,56 triệu ha, giảm 42.000ha so cùng kỳ; năng suất ước 5,6 tấn /ha, sản lượng hơn 8,7 triệu tấn, giảm 20.000 tấn so vụ hè thu 2018. Thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2019 đạt 3,39 triệu tấn, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch đạt 1,46 tỷ USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước; giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 429 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ. Do ảnh hưởng của xuất khẩu gạo khó khăn, giá giảm, khiến giá lúa giảm theo và nông dân canh tác không hiệu quả như mong muốn.

Giảm lúa, tăng rau màu và cây ăn trái

Bộ NN-PTNT cho biết, sẽ làm việc với Bộ Công thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam… để có giải pháp tháo gỡ về tình hình tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL. Đối với vụ lúa thu đông 2019 sắp tới, Bộ NN-PTNT đưa ra 2 phương án sản xuất ở ĐBSCL. Phương án 1, như kế hoạch ban đầu thì diện tích lúa thu đông 2019 là 750.000ha, tăng 9.380ha so với thu đông 2018; sản lượng ước đạt 4 triệu tấn, tăng 129.000 tấn. Phương án 2, do lúa đông xuân và hè thu năm 2019 đều gặp giá thấp, tiêu thụ chậm; vì vậy vụ thu đông 2019 giảm xuống 700.000ha, sản lượng ước đạt 3,8 triệu tấn, giảm 137.000 tấn so với vụ thu đông 2018.

Trong 2 phương án này, nhiều địa phương ủng hộ việc giảm diện tích trồng lúa bởi hiệu quả thấp và dễ gặp rủi ro. Nhất là bài học của vụ thu đông 2018 khi lũ về sớm đã làm ngập hàng ngàn ha lúa thu đông, gây thiệt hại hơn 2.000ha ở vùng đầu nguồn. Bộ NN-PTNT cho rằng, quan điểm là sản xuất vụ thu đông ở những vùng an toàn đối với lũ, hệ thống đê bao, cống đập đảm bảo. Thời vụ kết thúc xuống giống chậm nhất vào ngày 20-8 và tối đa là 30-8 để không ảnh hưởng vụ đông xuân 2019- 2020.

Ông Lê Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú (An Giang) tiết lộ: “Dù ngành chuyên môn dự báo khả năng lũ năm 2019 không cao, tuy nhiên huyện không khuyến cáo nông dân sản xuất nhiều lúa thu đông. Nếu như năm trước toàn huyện canh tác hơn 7.400ha vụ thu đông thì năm nay diện tích được vận động kéo giảm xuống càng nhiều càng tốt, do hiệu quả cây lúa thấp nên không thể kêu dân làm lúa mãi. UBND huyện yêu cầu ngành nông nghiệp tăng cường hỗ trợ kỹ thuật, giúp bà con chuyển đổi đất lúa sang trồng rau màu như ớt, đậu nành, bắp và nuôi thủy sản mùa lũ nhằm gia tăng thu nhập”. Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhìn nhận, trong tình cảnh giá thấp thì khó khuyến cáo người dân tăng diện tích lúa thu đông 2019. Do đó, nếu trường hợp áp dụng phương án giảm sản xuất lúa thu đông thì sẽ thực hiện xả lũ khoảng 30.000ha và chuyển đổi khoảng 10.000ha sang trồng các loại cây con khác có hiệu quả kinh tế cao hơn lúa…

Trong vụ hè thu 2019, các tỉnh ĐBSCL đã chuyển đổi hơn 66.800ha đất lúa sang trồng rau màu, cây ăn trái và nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao hơn lúa. Ở nhiều nơi, nông dân trồng bắp cho lợi nhuận 80 triệu đồng/ha/vụ, trồng ớt lời 50 triệu đồng/ha/vụ, trồng dưa hấu lời 70 triệu đồng/ha/vụ, rau màu lời 88 triệu đồng/ha/vụ… trong khi lúa chỉ lời khoảng 5,5 triệu đồng/ha/vụ. Tính ra việc chuyển đổi mang lại hiệu quả cao hơn lúa từ 8 đến 14,7 lần. Ngoài ra, còn làm đa dạng hóa sản phẩm, tiết kiệm nước tưới, giúp cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh...

Tuy nhiên, cái khó là hệ thống thủy lợi chưa đầu tư đồng bộ, một số cây trồng chuyển đổi có lợi thế cạnh tranh yếu do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, cơ giới hóa khó khăn, giá thành sản xuất cao, chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa chưa mạnh. Đặc biệt là thiếu liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chưa tập trung thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, do đó đầu ra chưa ổn định… Đây là những vấn đề cần tập trung tháo gỡ nhằm giúp nông dân chuyển đổi sản xuất hiệu quả và bền vững.

HUỲNH LỢI

Độc đáo máy xới dây xích cải tiến

Nguồn tin:  Sở NN&PTNT An Giang

Xới đều và bằng phẳng, máy dễ dàng xới trên vùng đất lún ngập nước, rơm hay rạ được san bằng sau khi xới, đó là tính năng ưu việt của chiếc máy xới dây xích do một thợ cơ khí ở An Giang sáng tạo nhằm giúp nông dân giảm chi phí vệ sinh đồng ruộng, tăng hiệu quả sản xuất, góp phần cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Ở xã Bình Chánh huyện Châu Phú tỉnh An Giang, nói đến anh Huỳnh Thanh Phương biệt danh là Hai Khương ai cũng biết đến tài năng sáng tạo bởi trong 25 năm bền bỉ với nghề thợ cơ khí, Hai Khương có nhiều sáng chế độc đáo trên lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chiếc máy xới dây xích cải tiến được xem là giải pháp hữu dụng giúp nông dân đẩy nhanh tiến độ cày ải, tiết kiệm chi phí vệ sinh đồng ruộng trước và sau thu hoạch. Anh Huỳnh Thanh Phương, nhà sáng chế máy nông nghiệp cho biết: “Đồng này sản xuất vụ 3 rồi nên chạy bánh lồng nó phá đất nó lún xuống hoài nên mình cải tiến máy chạy bằng dây xích cho nó nằm trên mặt đất không bị phá đất lún, đất giữ bằng hoài không bị mắc lầy. Tôi cũng suy nghĩ một hai vụ rồi chế ra máy này”.

Với hình dáng và thiết kế độc đáo, máy xới dây xích gồm một động cơ máy ISUZU 80 mã lực, sử dụng nhiên liệu dầu DIESEL, kết cấu máy có 4 số tới, giàng xới chiều rộng 2,3m, lắp thêm bánh dây xích từ chiếc máy cắt lúa 70. Độc đáo hơn là động cơ máy hoạt động được đặt phía trước để tiết kiệm nguyên liệu và giữ cân bằng khi máy đang hoạt động cày ải, xới đất trên đồng ruộng.

Tính ưu việt của máy xới dây xích cải tiến là xới nhanh, hiệu quả cao trên những vùng đất lún, ngập nước, có thể điều chỉnh xới nhanh chậm theo ý muốn, đặc biệt bên dưới anh Phương còn chế thêm lược đẩy rơm, rạ nằm sát đất, và trang đều mặt ruộng sau khi xới.“Máy này ở phía sau tôi có chế thêm đồ lược rạ, hai nửa là trang đất ra bằng, giàng xới mình bề ngang cũng bự nên trang đất bằng hơn. Tôi lắp đặt hộp số xe vô là 4 tầng số xới mình muốn đất nhuyễn như thế nào thì chạy theo ý muốn thí dụ như đất rạ nhiều thì tăng thêm số nửa hoặc thay qua số khác vừa ý mình luôn. Nó ít ăn dầu như máy cày, đất bằng và không bị phá”.Anh Phương cho biết thêm.

Sau thời gian ứng dụng thực tế trên đồng ruộng, máy xới dây xích cải tiến chiếm nhiều ưu thế, nông dân ở tỉnh thành ưa chuộng về kiểu dáng cũng như tính tiện ích vì vừa tiết kiệm được chi phí đầu tư so với mua một máy cày cỡ lớn, vả lại máy hoạt động với hiệu suất rất nhanh thay thế cho nhiều loại máy xới tay, tốn nhiều thời gian trong quá trình cải tạo đất. Ước tính mỗi giờ máy xới dây xích cải tiến có thể cày xới khoảng 7 công đất mà chỉ tốn chỉ 1 lít dầu, trong khi nông dân dùng máy cày thì chi phí tăng rất nhiều. Nhận xét về ưu điểm của chiếc máy độc đáo anh Huỳnh Thanh Kha, nông dân xã Bình Chánh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang nói: “Xưởng cơ khí Hai Khương sản xuất ra máy này chạy rất tuyệt vời, vô đất lún, lầy gì máy cũng có thể chạy được một ngày khoảng 7 đến 8 chục công đất mà chạy sát ranh, đẹp lắm. Đất lún chạy đẹp nửa, đất bằng mà mau luôn không bị lật, xới nhuyễn đất mà sâu thấy làm đạt và hiệu quả lắm chạy một công 1 lít dầu nhẹ chi phí”.

Trong điều kiện nhà nước khuyến khích nông dân cơ giới hóa thì chiếc máy xới dây xích cải tiến của anh Huỳnh Thanh Phương được xem là giải pháp khả dụng vừa giúp cho người dân giảm được chi phí đầu tư vốn khi sử dụng dịch vụ cơ giới hóa trong khâu vệ sinh đồng ruộng; vừa năng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên diện rộng, góp phần nâng cao thu nhập nhà nông.

Bảo Phong

Bình Định: Diêm dân Phước Thuận bỏ hoang ruộng muối

Nguồn tin:  Báo Bình Định

Thời điểm này đang là chính vụ sản xuất muối, nhưng trên cánh đồng muối thôn Diêm Vân (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) chỉ lác đác vài ba người ra đồng. Ông Lê Văn Trương, Trưởng thôn Diêm Vân, cho biết hiện diêm dân trong thôn chỉ sản xuất 3,6 ha ruộng muối, còn lại hơn 20 ha bỏ hoang.

Cả cánh đồng muối thôn Diêm Vân hiện chỉ còn 6 hộ làm muối với diện tích 3,6 ha.

Ông Nguyễn Văn Tùng, diêm dân xóm 1, thôn Diêm Vân, chia sẻ: “Năm nay trời nắng to làm muối rất thuận lợi, nhưng nhiều người không còn mặn mà với nghề. Thời điểm này, giá muối đất chỉ còn 800 đồng/kg, muối sạch trải bạt 1.200 đồng/kg, giảm tới 30% so với cùng kỳ các năm trước, nên ai cũng nản. Hai vợ chồng tôi làm muối, ra đồng từ 6 giờ sáng đến 5 - 6 giờ chiều mới về, nhưng mỗi ngày thu nhập chưa đến 200 nghìn đồng, không đủ chi phí cho cuộc sống gia đình”.

Ông Phạm Cảnh Nhàn trước đây từng đi đầu trong việc sản xuất muối sạch bằng phương pháp trải bạt ở thôn Diêm Vân, nay phải bỏ nghề để đi làm bảo vệ. “Làm muối cực khổ vô cùng nhưng thu nhập rất thấp. Gia đình tôi có 3.250 m2 ruộng muối nhưng 2 năm nay phải bỏ ruộng hoang. Cũng chua xót lắm, nhưng đành chấp nhận do không có nhân công và đầu ra của hạt muối quá khó khăn. Tôi đang làm bảo vệ tại một DN ở Khu kinh tế Nhơn Hội với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng, tuy không phải là cao nhưng vẫn hơn thu nhập từ làm muối”, ông Nhàn bộc bạch.

Những diêm dân còn bám trụ với nghề cũng vô cùng vất vả. Như gia đình ông Mai Xuân Hùng, vẫn “sống chết” cùng hơn 1.200 m2 ruộng muối. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi như hiện nay, cứ 4 ngày thì gia đình ông Hùng thu hoạch được cả tấn muối, nhưng không có DN bao tiêu sản phẩm nên đành phải tự đưa muối đi bán lẻ ở các chợ, hoặc mang đi đổi lúa ở các vùng nông thôn....

Để gỡ khó cho nghề muối ở thôn Diêm Vân, Trưởng thôn Lê Văn Trương mong muốn: “Bên cạnh chính sách hỗ trợ bạt và chuyển giao công nghệ sản xuất muối sạch, các DN cần quan tâm liên doanh, liên kết với diêm dân để ký kết hợp đồng tiêu thụ muối với giá hợp lý. Cùng với đó, Nhà nước cũng quan tâm tạo điều kiện cho diêm dân vay vốn để đầu tư máy móc, thiết bị cơ giới trong khâu thu hoạch, quy hoạch lại đồng muối. Có như vậy thì diêm dân mới yên tâm bám trụ với nghề”.

N. QUÝ

Tăng thêm thu nhập từ trồng xen bạc hà trong vườn cây ăn trái

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Nhiều nhà vườn ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang trồng xen bạc hà trong vườn cây đã mang lại hiệu quả kinh tế.

Thu nhập từ cây bạc hà giúp ông Đông có thêm điều kiện đầu tư cho vườn cây ăn trái.

Bạc hà là loại rất dễ trồng, phù hợp với mọi loại đất, trồng một lần nếu chăm sóc tốt có thể thu hoạch quanh năm. Theo ông Đinh Văn Đông, ở huyện Phụng Hiệp, gia đình ông có 5 công vườn trồng cam. Để tăng thêm thu nhập, đã trồng xen thêm cây bạc bà với diện tích khoảng 500m. Bạc hà sau 2 tháng trồng sẽ cho thu hoạch, mỗi đợt thu hoạch cách nhau 15 ngày, những lúc rộ, mỗi lần thu hoạch từ 500-600kg, còn lúc bình thường từ 150-200kg. Hiện nay, thương lái thu mua bạc hà với giá 4.000-5.000 đồng/kg, bình quân mỗi tháng trừ hết chi phí cho thu nhập hơn 3 triệu đồng. Năm vừa qua, gia đình ông thu về gần 30 triệu đồng từ cây bạc hà.

Tin, ảnh: DUY KHÁNH

Tân Châu (Tây Ninh): Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Trước thực trạng cây khoai mì trên địa bàn Tân Châu, tỉnh Tây Ninh bị bệnh khảm lá nặng, chưa khống chế được, nông dân cần nghiên cứu lựa chọn một số loại cây trồng để trồng xen canh với nhau.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Châu, nhiều gia đình đã mạnh dạn chủ động chuyển đổi sang các loại cây ăn quả như bưởi, chuối, mít, sầu riêng… bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế khả quan, giúp nền nông nghiệp trên địa bàn được đa dạng, phong phú và phát triển bền vững hơn.

Ngoài việc lựa chọn chuyển sang trồng các loại cây ăn quả lâu năm, có giá trị kinh tế cao thì hiện nay, người dân cũng lựa chọn một số loại cây trồng ngắn ngày như bắp, khoai lang… để luân canh sản xuất. Trước mắt, người dân đã thu được lợi nhuận cao hơn so với việc đầu tư sản xuất cây khoai mì như trước đây.

Thu hoạch khoai lang.

Điển hình như hộ ông Lê Hoài Thanh (ngụ tại xã Tân Đông). Ông Thanh đã chuyển đổi sang trồng khoai lang với tổng diện tích lên đến 60 ha. Sau thời gian 5 tháng kể từ ngày xuống giống, ông Thanh đã thu hoạch phần diện tích trên 20 ha, năng suất khoai lang bình quân thu được 25 tấn/ha, với giá thương lái thu mua tại ruộng là 10.000 đến 10.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 70 triệu đồng, ông Thanh thu lợi nhuận trên 180 triệu đồng.

Ông Thanh cho biết thêm, cây khoai lang rất dễ trồng, ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ sau 5 tháng trồng là đã cho thu hoạch; đồng thời cây khoai lang có khả năng thích nghi rộng, trồng được trên nhiều loại đất khác nhau, do vậy, nếu phát triển trồng khoai lang trên vùng đất Tân Châu có thể xem là một hướng đi mới phù hợp để người dân thực hiện.

Theo ông Thanh, trước thực trạng cây khoai mì trên địa bàn đang bị bệnh khảm lá nặng, chưa khống chế được, nông dân cần nghiên cứu lựa chọn một số loại cây trồng để trồng luân canh với nhau, cụ thể như gia đình ông đã chọn cây khoai lang để trồng luân canh với cây khoai mì, nhằm hạn chế sâu bệnh, cải tạo đất trồng, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững hơn.

Thanh Phương-Chí Thành

Bệnh khảm lá, sâu keo ‘tấn công’ bắp, khoai mì

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Thời gian qua, bệnh khảm lá trên cây khoai mì và sâu keo mùa thu gây hại cho cây bắp đã xuất hiện và gây thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh khu vực Đông Nam Bộ. Tại BR-VT, các loại dịch hại này cũng đã xuất hiện và gây thiệt hại cho nông dân.

Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân không trồng giống mì HLS-11 do chưa nằm trong danh mục cho phép và dễ nhiễm bệnh khảm lá. Trong ảnh: Nông dân xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ thu hoạch khoai mì.

Ông Trần Thám (ấp Tân Giao, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức) đang trồng 1ha bắp. Từ giữa tháng 6/2019, vườn bắp của ông bị sâu keo mùa thu “tấn công”. Ông Thám cho biết: “Sau nhiều năm trồng bắp, đây là lần đầu tiên tôi thấy loại sâu này. Nó ăn lá khiến cây bắp chậm phát triển, nhiều cây bị chết. Ngay sau khi phát hiện, tôi báo cho trạm bảo vệ thực vật (BVTV) của huyện. Cơ quan chức năng đã khuyến cáo tôi phun, xịt một số loài thuốc và bước đầu cho hiệu quả. Lượng cây bị sâu phá hoại trong vườn giảm nhiều so với trước”.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức, từ đầu tháng 6 đến nay đã có 12ha bắp bị sâu keo mùa thu phá hoại. Sau khi thực hiện một số quy trình phòng trừ theo khuyến cáo của Cục BVTV, diện tích bắp bị ảnh hưởng giảm, còn khoảng 6ha tập trung tại một số xã như Đá Bạc, Láng Lớn.

Dịch sâu keo mùa thu là loại dịch bệnh lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, đã gây thiệt hại lớn cho nông dân, nhất là tại các tỉnh miền Nam. Riêng BR-VT, từ giữa tháng 6 đến nay, đã có 15ha bắp bị sâu keo mùa thu phá hoại. Cơ quan chức năng đã tiến hành hướng dẫn nông dân phun xịt các loại hóa chất được Cục BVTV cho phép sử dụng tạm thời để chống bệnh sâu keo mùa thu như Bacillus Thuringiensis, Sphinetoram… Tuy nhiên, do đây là loại bệnh mới, chưa có thuốc đặc trị nên Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh khuyến cáo, nông dân cần chủ động hơn trong việc phòng dịch. “Người trồng bắp nên thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đặc biệt trong giai đoạn bắp có 3-6 lá để phát hiện ổ trứng, ngắt tiêu hủy; sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn bắp để diệt sâu non; thường xuyên làm sạch cỏ dại xung quanh vườn trồng bắp để hạn chế nơi trú ẩn của sâu”, ông Nguyễn Chí Đức, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh gợi ý một số giải pháp.

Từ cuối năm 2018, dịch bệnh khảm lá đã tấn công, gây hại trên hơn 133ha khoai mì trên toàn tỉnh, gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho nông dân. Nhờ các biện pháp xử lý kịp thời, toàn bộ diện tích nhiễm bệnh đã được xử lý, khống chế. Tuy nhiên, cuối tháng 6/2019, loại dịch bệnh này tiếp tục xuất hiện và gây hại trở lại. Đến nay, toàn tỉnh đã có 30ha khoai mì nhiễm bệnh khảm lá tại xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc.

Ông Đào Minh Toàn, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Xuyên Mộc cho biết, sau khi phát hiện dịch bệnh, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản và đề nghị chủ vườn nhổ bỏ, tiêu hủy 20ha theo quy trình hướng dẫn của Cục BVTV. Do đó, đến nay BR-VT chỉ còn 10ha khoai mì nhiễm bệnh khảm lá với mức độ gây hại rất nhẹ, từ 1-3%. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục thực hiện các biện pháp xử lý sinh học, hóa học theo quy định.

Sâu keo mùa thu hại bắp.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết, ngoài nhổ bỏ, tiêu hủy khi phát hiện khoai mì mắc bệnh, chi cục còn hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa như phun thuốc trừ bọ phấn trắng (trung gian mang mầm bệnh) ở những vùng có nguy cơ nhiễm bệnh; phối hợp với chính quyền địa phương quản lý tình hình buôn bán, sử dụng giống mì, không vận chuyển thân lá mì ra khỏi nơi nhiễm bệnh; kiểm soát việc vận chuyển thân lá mì trên địa bàn tỉnh cũng như vận chuyển từ tỉnh khác đến; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn để nông dân trồng cũng như người buôn bán giống mì ở địa phương nắm rõ tác hại của bệnh khảm lá mì và các biện pháp phòng chống; tuyên truyền cho nông dân biết và không trồng giống HL-S11 (đây là giống nhiễm bệnh khảm lá và là giống chưa được công nhận), khuyến cáo sử dụng các giống ít nhiễm bệnh như KM94, KM140...

Sâu keo mùa thu (Spodoptera frugiperda) là loại sâu hại mới, xâm nhập vào Việt Nam từ tháng 4/2019. Đây là loài sâu hại có khả năng di trú rất xa, vòng đời ngắn, có nhiều lứa và thời gian các lứa sâu đan xen nhau nên khó cho công tác phòng, chống. Tại Việt Nam, sâu keo mùa thu đã gây hại khoảng 15.000ha và dự báo trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát sinh gây hại cây bắp trên diện rộng, nguy cơ giảm năng suất và sản lượng nếu không được phòng, chống kịp thời.

Dịch khảm lá trên cây mì và sâu keo mùa thu gây hại bắp chỉ mới xuất hiện và gây hại ở mức độ nhẹ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đây vẫn là những loại dịch bệnh có nguy cơ lan rộng, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp. Do đó, Sở NN-PTNT khuyến cáo bà con nông dân không chủ quan, lơ là; đồng thời chủ động làm theo các hướng dẫn của cơ quan chức năng trong phòng, chống dịch để giảm thiểu thiệt hại. Riêng với loại dịch bệnh mới là sâu keo mùa thu, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đang thực hiện các mô hình theo dõi tính kháng, chống chịu bệnh trên giống bắp biến đổi gen DK6919S, từ đó giúp nông dân tìm ra loại bắp ít mắc bệnh, năng suất cao để canh tác.

Bài, ảnh: QUANG VINH

Giá lúa ở mức thấp, nông dân không có lãi

Nguồn tin: Báo Long An

Hiện nay, lúa Hè Thu (HT) đang trong giai đoạn thu hoạch. Tuy nhiên, giá lúa trên thị trường hiện rất thấp khiến nông dân lo lắng. Đây không phải là lần đầu tiên nông dân “kêu cứu”, nhưng việc lệ thuộc quá nhiều vào thương lái và sản xuất không có đầu ra ổn định đã đẩy họ vào tình thế vô cùng khó khăn.

Giá lúa Hè Thu giảm mạnh

Đến nay, toàn tỉnh Long An gieo sạ 221.695ha lúa HT 2019, đạt 100,04% kế hoạch (221.600ha), trong đó thu hoạch 70.808ha, năng suất khô ước đạt 46,4 tạ/ha và sản lượng 328.586 tấn. Hiện nay, giá lúa giảm mạnh nên hầu như nông dân không có lãi trong vụ này.

Huyện Vĩnh Hưng đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ lúa HT 2019. Đến nay, toàn huyện thu hoạch được trên 12.700ha (diện tích gieo sạ 28.700ha). Những ngày qua, đi đến đâu cũng nghe nông dân than lỗ vì giá lúa quá thấp. Ông Nguyễn Minh Tiến (xã Vĩnh Thuận) nói: “Với mức giá này, nông dân lỗ là cái chắc! Người làm nhiều thì lỗ nhiều, người làm ít thì lỗ ít. Chuyện nông dân bỏ ruộng phiêu bạt xứ người ngày càng nhiều, bởi chi phí vật tư nông nghiệp tăng đều qua từng vụ, mà giá lúa cứ “lẹt đẹt” như vậy sao sống nổi!”.

Giá lúa vụ Hè Thu giảm mạnh, nông dân không có lãi

“Gia đình tôi sản xuất hơn 5ha lúa IR50404 nhưng vừa qua chỉ bán được giá 4.100 đồng/kg nên không có lãi. Giờ chỉ mong Nhà nước có chính sách giúp cho giá lúa tăng lên để nông dân ổn định sản xuất” - ông Tiến nói thêm. Còn anh Lê Văn Toản, ngụ cùng địa phương với ông Tiến, cho biết: “Mấy năm nay, người dân chăn nuôi hay trồng trọt đều gặp khó khăn. Nuôi heo thì bị dịch tả, còn trồng lúa thì bị rớt giá. Hiện giá các loại lúa được thương lái thu mua tại ruộng chỉ dao động ở mức 3.900-5.500 đồng/kg, tùy loại giống. Với giá lúa đang ở mức thấp như hiện nay, nông dân vô cùng lo lắng. Biết rằng không có lợi nhuận hoặc lỗ vốn nhưng nông dân cũng phải bấm bụng bán lúa, vì lúa đến tuổi thu hoạch buộc phải bán. Đồng thời, mùa này, mưa gió thất thường, khi lúa chín phải tranh thủ cắt, nếu không lúa đổ ngã lại tăng thêm chi phí thì càng lỗ nặng hơn”.

Vụ HT 2019, huyện Tân Hưng gieo sạ trên 37.000ha. Đến nay, nông dân thu hoạch trên 25.600ha. Theo ông Trần Thanh Tâm (xã Vĩnh Châu A), giá lúa ở thời điểm hiện tại đang ở mức thấp, chỉ từ 4.000-4.200 đồng/kg đối với lúa thường và từ 4.400-4.800 đồng/kg đối với giống hạt dài. Bên cạnh đó, nhiều diện tích nông dân gieo sạ sớm, năng suất không cao, dao động từ 5-6 tấn/ha lúa tươi, chỉ có một số ít diện tích đạt trên 6,5 tấn/ha. Như vậy, trừ chi phí thì mỗi hécta trong vụ này, nông dân chỉ lợi nhuận từ 5-7 triệu đồng, nếu như đất thuê thì từ huề vốn đến thua lỗ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho hay: “Thời gian qua, ngành tăng cường liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Nhưng hiện nay, tình hình tiêu thụ lúa trên địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn. Số lượng thương lái tham gia thu mua lúa ít và chần chờ trong việc mua lúa của nông dân. Hiện tỉnh có 20 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo trực tiếp và 4 chi nhánh công ty xuất khẩu gạo có kho, cơ sở xay xát đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó có 2 doanh nghiệp được xuất khẩu gạo trực tiếp sang Trung Quốc. Hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiếp tục duy trì đầu tư vùng nguyên liệu, hợp đồng bao tiêu sản phẩm để tạo nguồn hàng ổn định, nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu.

Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức cho biết: “Để tránh tình trạng lúa rớt giá, giảm thu nhập của nông dân, thời gian tới, tỉnh tập trung đa dạng sản xuất các mặt hàng gạo và sản phẩm chế biến từ gạo cho nhiều phân khúc thị trường khác nhau. Qua đó, từng bước giảm lúa Thu Đông và duy trì lúa 2 vụ chất lượng cao, chủ động thủy lợi để ứng dụng cơ giới hóa và kỹ thuật cao; đồng thời, giảm giá thành sản xuất”.

Nông dân chủ động chăm sóc lúa Thu Đông

Chủ động chăm sóc lúa Thu Đông

Sau khi thu hoạch xong lúa HT 2019, nhiều địa phương chủ động sản xuất lúa Thu Đông (lúa vụ 3). Đến nay, toàn tỉnh gieo sạ 22.552ha lúa Thu Đông 2019, đạt 47,8% kế hoạch (47.200ha), tập trung ở các huyện: Tân Thạnh, Tân Hưng, Cần Đước, Thạnh Hóa, Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường. Theo các nhà khoa học, canh tác lúa vụ 3 thường bán được giá cao và dễ bán hơn vụ HT. Tuy nhiên, hiện nay, do điều kiện thời tiết thay đổi bất thường, thiên tai và dịch hại thường xảy ra, thêm vào đó, do thời gian này trùng với mùa nước lũ dâng cao hàng năm nên thường đe dọa đến lúa trong vùng đê bao. Để giảm bớt rủi ro do thời tiết cũng như dịch hại trong vụ 3, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Ngành nông nghiệp cùng các địa phương luôn quan tâm, theo dõi sát tình hình sản xuất và diễn biến của thời tiết, mưa, lũ để kịp thời có các khuyến cáo, hỗ trợ người dân chủ động sản xuất; có các chỉ đạo kịp thời và kiểm tra, thúc đẩy các địa phương thực hiện tốt công tác thủy lợi và chú ý gia cố hệ thống đê bao để bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp, nhất là trong vụ lúa Thu Đông. Các địa phương quan tâm hỗ trợ, vận động nông dân kịp thời gia cố, tôn cao các đoạn đê bao, bờ bao thấp, xung yếu, đề phòng tình trạng ngập lũ, sạt lở đất và chủ động tiêu thoát nước cho ruộng lúa.

Bên cạnh đó, để sản xuất lúa Thu Đông hiệu quả, nông dân cần tập trung làm đất (trục, cày hay xới); không nên sử dụng lại giống trong vụ HT vừa qua, vì lúa tự để giống của nông dân trong vụ này thường lẫn rất nhiều “lúa lẫn” của vụ trước đó, cộng với lẫn cỏ do nông dân không thể xử lý triệt để trong vụ HT và mang mầm bệnh nhiều. Mặt khác, do thời tiết bất lợi nên nông dân chọn những loại giống lúa ngắn ngày, có khả năng kháng rầy và thích nghi với điều kiện môi trường cao. Trong quá trình phát triển của cây lúa, nông dân nên chú ý áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại theo hướng dẫn, khuyến cáo của các nhà quản lý nông nghiệp địa phương và phun thuốc khi thật sự cần thiết; bảo đảm nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách) và thực hiện chương trình “1 phải, 5 giảm” (phải sử dụng giống xác nhận, giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm giá thành sản xuất và giảm thất thoát sau thu hoạch)./.

Vụ lúa Hè Thu 2019, toàn tỉnh có 25 doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết xây dựng 94 cánh đồng lớn với diện tích thực hiện 7.714,4ha, 2.677 hộ đăng ký tham gia. Đến nay, thu hoạch 1.526,4ha, thu mua 997ha, năng suất ước đạt 45 tạ/ha, sản lượng ước đạt 6.868 tấn, giá thu mua lúa OM các loại từ 4.500-5.000 đồng/kg (cao hơn thị trường từ 100-200 đồng/kg).

Hiện giá lúa tươi tại ruộng như sau: IR50404 từ 4.000 - 4.100 đồng/kg; OM các loại (OM 4900, OM 6976,…) từ 4.200 - 4.800 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 5.000 - 5.300 đồng/kg, tăng 300 - 500 đồng/kg so với tuần trước; ST 24 từ 5.200 - 5.300 đồng/kg và nếp từ 5.200 - 5.500 đồng/kg.

Huỳnh Phong

Giống lúa chủ lực cho ĐBSCL: Bộ giống lúa ST đặc sản gạo thơm

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Trong suốt gần 30 năm qua các giống lúa ST lần lượt ra đời không ngừng được nghiên cứu chọn tạo. Từ thực nghiệm trên đồng ruộng, mở rộng vùng trồng, qua đó tích lũy các ưu điểm…

Sau 25 năm dòng lúa ST ra đời, năm 2017 giống lúa thơm đặc sản ST24 tạo nên kỳ tích ngoạn mục, đạt giải Gạo ngon Top 3 thế giới tại Macao (Trung Quốc, do The Rice Trader (Tổ chức thương mại gạo) vinh danh và giải Nhất gạo ST24 hữu cơ tại Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ III – Long An năm 2018.

Cánh đồng lúa thơm vào mùa chín rộ. Ảnh: DMH.

Chuỗi sự kiện đánh dấu thành quả miệt mài sáng tạo của Anh hùng Lao động Hồ Quang Cua cùng đồng sự nhóm cán bộ nghiên cứu khoa học nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng, đã lai tạo ra bộ giống lúa thơm đặc sản ST nổi tiếng. Nông dân vùng ĐBSCL và cả nước biết đến với phẩm chất gạo ST cơm thơm ngon vào hàng bậc nhất.

Bước tiến ST24

Trên vùng đất mặn ven biển bán đảo Cà Mau, nói đến lúa gạo Sóc Trăng hầu như nông dân nào cũng nghe biết tới danh tiếng lúa thơm ST. Từ năm 1992 giống lúa ST đầu tiên ra đời, đã thành công vang dội với mô hình luân canh tôm – lúa thông minh ở vùng nước lợ, từng được các chuyên gia nông nghiệp thế giới công nhận độc nhất trên thế giới.

Trong suốt gần 30 năm qua các giống lúa ST lần lượt ra đời không ngừng được nghiên cứu chọn tạo. Từ thực nghiệm trên đồng ruộng, mở rộng vùng trồng, qua đó tích lũy các ưu điểm đã được thị trường người tiêu dùng ưa chuộng về phẩm chất, nâng cao năng suất và tính chống chịu thời tiết, sâu bệnh…

Đánh dấu thành quả đạt được trong bộ giống lúa ST, Bộ NN-PTNT công nhận chính thức các giống lúa ST3, ST5 và ST24 (vào tháng 3/2019) thuộc bộ giống lúa quốc gia.

ST24 là giống lúa thơm cao sản, thời gian sinh trưởng ngắn ngày (100 - 105 ngày), cao cây (100 - 110cm), bông to, hạt dài, gạo trắng, thơm, cơm ngon, ngọt. Đây là giống có tính ổn định cao trong SX, khả năng thích nghi rộng ở nhiều vùng miền, nhất là thích nghi trong điều kiện vùng đất mặn ven biển. Tính chống chịu kháng đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông tốt. Một yếu tố tiên quyết giúp nông dân đảm bảo phẩm chất hạt gạo đạt điều kiện an toàn thực phẩm, giảm chi phí SX vì không cần phun thuốc BVTV trong giai đoạn lúa trổ cong trái me.

Theo nhóm tác giả chọn tạo giống lúa, ST24 là kết quả đạt được trong mục đích rút ngắn chu kỳ sinh trưởng trong SX cho vụ Mùa và vụ ĐX dưới 100 ngày. Đáp ứng trong thời gian nước ngọt trên đồng ngắn để dự phòng thời tiết thay đổi theo chu kỳ ngắn, tăng khả năng thích ứng biến đổi khí hậu và tránh rủi ro trong SX. Về mặt này khắc chế được nhược điểm trên trong năm 2015 (gặp lúc thời tiết khô hạn, các giống lúa trước đó là ST5, ST22 không thu hoạch được).

Trong vụ lúa ĐX 2018 - 2019 ở Sóc Trăng và một số tỉnh vùng ven biển ĐBSCL, nhu cầu đặt hàng lúa thơm của thương lái và doanh nghiệp tăng lên ước tính lượng lúa giống cung cấp mở rộng vùng canh tác ST24 trên 40.000 - 50.000ha.

Mô hình lúa-tôm ở Sóc Trăng. Ảnh: ST.

Tiếp tục chọn tạo thêm những giống mới đa dạng trong bộ giống lúa ST có chu kỳ sinh trưởng ngắn, đa dạng sản phẩm gạo hạt ngắn, mềm cơm, thơm nhẹ, tỉnh Sóc Trăng có thêm 3 giống mới ST21, ST23, ST25 đang được Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Nam bộ khảo nghiệm SX thử trên 6 điểm thuộc các tiểu vùng ĐBSCL.

Trong đó, theo mô hình tôm-lúa thông minh trồng lúa hữu cơ ST24 tại Sóc Trăng, gạo hữu cơ ST24 (đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế theo tiêu chuẩn USDA và châu Âu) giá trị cao, giá 80.000 đồng/kg hiện SX chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đây là một sản phẩm được xem điển hình trong quá trình SX và xuất khẩu coi trọng sức khỏe người tiêu dùng và “sức khỏe” môi trường.

Để mở rộng thị trường

Bộ giống lúa đặc sản ST, với ST24 ngắn ngày, cao sản có ý nghĩa đóng góp lớn lao vào thị trường gạo ngon thế giới (trong khi so với các giống lúa mùa Thái Lan có thời gian sinh trưởng dài ngày), có thể mở rộng vùng trồng lúa trên phạm vi rộng, gia tăng sản lượng gạo thơm đặc sản của Việt Nam.

Ở các tỉnh ven biển ĐBSCL tiềm năng SX trên vùng nuôi tôm luân canh lúa còn rất lớn, có thể mở rộng hơn 160.000ha. Đặc biệt với ưu điểm người nuôi tôm đang chuyển sang sử dụng chế phẩm vi sinh để SX ra sản phẩm tôm đạt tiêu chuẩn ATTP, gạo sạch hữu cơ ST24 sẽ có thêm cơ hội vững chân trên thị trường.

Từ hơn 10 năm qua định vị mô hình trồng lúa ST trong ao tôm ở huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng hiệu quả, hiện nay tỉnh Cà Mau có vùng lúa-tôm, đặc biệt là nhiều vùng có chân ruộng nước sâu, giống lúa ST có dạng hình cao cây, cứng cây, chịu độ mặn phù hợp.

Ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) trong vụ HT lúa ST canh tác hàng ngàn ha thu hoạch đạt chất lượng tốt, thương lái bao tiêu dễ dàng, chứng thực hiệu quả kinh tế cho vùng trồng lúa mang lại giá trị tăng cao ở vùng lợ ven biển.

Tuy nhiên nếu muốn mở cửa thị trường cho các giống lúa thơm đặc sản lại còn một câu chuyện khác. Đơn cử từ khi ST24 “lên hương” thị trường gần như mặc định là giống lúa có phẩm chất gạo ngon cơm nhất và giá đắt, cao nhất trong khi thị trường nội địa gạo cao cấp chưa hình thành ổn định. Nông dân SX lúa thơm ST không muốn doanh nghiệp bao tiêu theo giá thị trường mà ấn định giá sàn 6.000 đồng/kg trở lên.

Thêm nữa, khi một giống mới nào đó hút hàng lập tức theo sau đó có tình trạng “hàng giả” lấy lúa thịt bán giống, tỷ lệ lẫn tăng cao, chất lượng gạo mùi thơm giảm. Doanh nghiệp không mặn mà mở rộng đầu tư bao tiêu… Đó là thực trạng chung ảnh hưởng đến tiến trình chọn tạo ra giống lúa thật tốt, muốn xây dựng thương hiệu gạo ngon Việt Nam nhưng vẫn còn trắc trở.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA): Năm 2018, Việt Nam là 1 trong 3 cường quốc XK gạo lớn nhất thế giới. Ấn tượng mạnh mẽ trong 3 năm qua (2016 - 2018), sản lượng gạo thơm chất lượng cao không ngừng tăng lên đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu, tạo dựng nền tảng gia tăng giá trị hạt gạo. Gạo trắng cấp thấp và trung bình XK giảm mạnh từ 30,8% xuống còn 11,9%. Gạo trắng cấp cao có biểu hiện giảm nhẹ 27,8% còn 24,3%. Trong khi xu hướng gạo ngon, thơm, đặc sản, gạo Japonica tăng nhanh từ 22,7% lên 29,4%.

HỮU ĐỨC

Phát triển bền vững vùng trồng cây ăn trái tập trung

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

TP Cần Thơ đã hình thành được nhiều vùng trồng cây ăn trái tập trung, tạo thuận lợi trong chăm sóc, quản lý dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều quận, huyện đã xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nhiều loại cây ăn trái, như: nhãn hiệu tập thể cam xoàn, nhãn Ido, phường Thới An, quận Ô Môn; dâu Hạ Châu, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, sầu riêng Tân Thới, huyện Phong Điền... từ đó giúp nâng cao giá trị, thương hiệu trái cây tại địa phương.

Thương lái thu mua sầu riêng của nhà vườn ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.

Cây ăn trái giá trị cao

Tổng diện tích trồng cây ăn trái của TP Cần Thơ hơn 18.466ha, tăng hơn 556ha so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thu hoạch trái cây trong 6 tháng đầu năm 2019 của thành phố là 65.641 tấn, đạt 65,64% kế hoạch năm. Hiện hầu hết các chủng loại cây ăn trái ngon của miền Nam đều được trồng tại Cần Thơ, như: Vú sữa, sầu riêng, nhãn, măng cụt, xoài, cam, bưởi, chuối, thanh long, mít,… Thời gian qua, ngành nông nghiệp cùng các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động cung cấp thông tin, tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ về vốn, giống cây trồng và kết nối cung-cầu nhằm giúp người dân trồng cây ăn trái đạt hiệu quả. Đặc biệt, ngành nông nghiệp đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân sản xuất theo các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, nhất là theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tăng cường liên kết, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm, cấp mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng tốt cho cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đến nay, toàn thành phố có hơn 101ha cây ăn trái của 110 hộ dân tại các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác đã được chứng nhận VietGAP, với các loại cây ăn trái: Xoài cát Hòa Lộc, nhãn, vú sữa, mít, cam, sầu riêng…

Huyện Phong Điền là địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất TP Cần Thơ, với tổng diện tích trên 7.400ha, trong đó có nhiều loại cây ăn trái ngon giúp mang lại giá trị kinh tế cao như: Sầu riêng, vú sữa, nhãn, dâu Hạ Châu… Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng sản lượng trái cây thu hoạch tại huyện Phong Điền đạt 54.656 tấn, đạt 63,5% kế hoạch, tăng 18,8% so với cùng kỳ.

Theo khảo sát, đánh giá của ngành nông nghiệp hiện nhiều diện tích trồng cây ăn trái ngon, đặc sản tại thành phố có thể giúp nhà vườn có thu nhập từ 200-700 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Nông dân cũng xây dựng được 31 mô hình vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch sinh thái, lợi nhuận cao gấp 1,5-2 lần so với chuyên canh cây ăn trái.

Hướng đến sản xuất bền vững

Dù mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng nhiều loại cây ăn trái vẫn được đánh giá là dễ gặp cảnh rộ mùa rớt giá, nhất là khi các khâu chế biến và bảo quản sản phẩm còn hạn chế, nông dân còn sản xuất tự phát, chưa có sự gắn kết chặt với các nhà tiêu thụ. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng nông dân chạy theo trồng loại cây ăn trái đang hút hàng rồi thời gian sau lại chặt bỏ để chuyển sang trồng loại cây ăn trái khác và loay hoay trong cái vòng lẩn quẩn này. Trong khi đó, trồng cây ăn trái cũng dễ đối mặt với các rủi ro về dịch hại và thiên tai do hạ tầng thủy lợi chưa đồng bộ và việc phát triển trồng cây ăn trái xen lẫn với các khu vực trồng lúa và các loại cây trồng vật nuôi khác. Giá thành sản xuất nhiều loại trái cây ở nước ta cũng được đánh giá còn ở mức cao, chất lượng chưa đồng đều và ổn định do sản xuất còn manh mún nhỏ lẻ.

Hiện nay, TP Cần Thơ đã hình thành được nhiều vùng trồng cây ăn trái tập trung như: vùng trồng xoài 2.112ha tại Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ), Tân Phú, Phú Thứ (quận Cái Răng); vùng vú sữa hơn 645ha tại xã Giai Xuân (huyện Phong Điền) và phường Thới An Đông (quận Bình Thủy); vùng trồng nhãn hơn 515ha tại các phường Thường Thạnh, Phú Thứ (quận Cái Răng), Tân Lộc (quận Thốt Nốt); vùng dâu Hạ Châu hơn 440ha tại xã Nhơn Ái (huyện Phong Điền)...

Để phát triển sản xuất trái cây bền vững, ngành chức năng cần quy hoạch, tổ chức sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ trái cây theo chuỗi giá trị từng mặt hàng, với sự gắn chặt giữa các bên liên quan. Thúc đẩy hình thành các vùng chuyên canh sản xuất để thuận lợi trong công tác thủy lợi và có điều kiện đẩy mạnh cơ giới, áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, thu hoạch và quản lý sâu bệnh để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm giá thành sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: Những tháng đầu năm nay, nhìn chung sản phẩm trái cây của nông dân có giá cả đầu ra tương đối tốt, không gặp cảnh trúng mùa rớt giá. Song, do phần lớn nông dân trồng cây ăn trái đều chưa có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp và các nhà tiêu thụ nên rất khó đảm bảo giá cả đầu ra về lâu dài. Điều này đòi hỏi huyện và các ngành chức năng thành phố cần tiếp tục hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất theo các tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường gắn với việc phải có hợp đồng bao tiêu ổn định của doanh nghiệp. Trong bối cảnh gia tăng diện tích, sản lượng cây ăn trái và một loại cây ăn trái thường được tập trung thu hoạch rộ trong một thời gian mùa vụ khá ngắn, đòi hỏi lượng hàng cần tiêu thụ rất lớn, nông dân phải chú ý tăng cường liên kết trong khâu tiêu thụ, chế biến và bảo quản sản phẩm.

Cây trồng chủ lực là lúa, những năm gần đây nông dân tại nhiều xã trên địa bàn huyện Cờ Đỏ cũng nâng cao thu nhập nhờ đẩy mạnh phát triển trồng các loại cây ăn trái, nhất là trồng xoài, nhãn, mãng cầu xiêm và chuối phục vụ xuất khẩu. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ Bùi Văn Kiệt, việc chuyển đổi từ lúa và vườn cây tạp kém hiệu quả sang chuyên canh trồng cây ăn trái tại huyện Cờ Đỏ khá nhiều. Đến nay, huyện có hơn 3.000ha cây ăn trái, trong đó Thới Hưng là xã trồng cây ăn trái nhiều nhất, với 2.600ha. Để thúc đẩy liên kết sản xuất và phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái, huyện Cờ Đỏ đang tiến hành xây dựng các chương trình, đề án về phát triển kinh tế tập thể và kinh tế vườn hỗ trợ đồng bộ cho nông dân làm vườn.

Bài, ảnh: Khánh Trung

An Giang: Cây có múi trên đất Bình Thành

Nguồn tin: Báo An Giang

Là người đầu tiên chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái ở xã Bình Thành (Thoại Sơn, tỉnh An Giang), ông Lê Phước An (sinh năm 1967, ấp Nam Huề) cho thấy mình đang đi đúng hướng và tạo được dấu ấn với vườn cây ăn trái trĩu quả, căng mọng oằn mình giữa những cánh đồng.

Đến thăm vườn cam và quýt đường của ông Phước An, chúng tôi càng thêm thán phục ý chí và sự cần cù của bà con nông dân. Một năm trước, khi chúng tôi đến thăm, vườn cam bắt đầu cho trái chiến. Khi đó, ông An mới chuyển sang làm vườn, không biết hiệu quả sẽ như thế nào? Nói là vậy, nhưng trong đôi mắt của lão nông tri điền ấy vẫn sáng lên niềm tin mãnh liệt dành cho vườn cây của mình.

“Trước đây, tôi sản xuất lúa trên diện tích 4,5ha, thu nhập 3 vụ lúa hàng năm đạt hiệu quả chưa cao, lợi nhuận bấp bênh. Năm 2016, được sự khuyến khích của Hội Nông dân, cán bộ khuyến nông xã, tôi mạnh dạn chuyển đổi sản xuất từ lúa sang trồng cam sành, quýt đường. Ba năm qua, tôi chuyển đổi hết 4,5ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng 2 giống cây ăn trái này. Cam, quýt đường đến năm thứ 3 bắt đầu cho trái, kết quả ban đầu rất khả quan. Đợt thu hoạch đầu tiên, tôi thu được khoảng 100 tấn trái. Giá cam, quýt đường được thương lái thu mua tại vườn 30.000 đồng/kg, tôi thu về khoảng 3 tỷ đồng, trừ chi phí, tôi còn lời hơn 1 tỷ đồng. Đó là tính giá bình quân, còn thực chất giá cam, quýt đường luôn ở mức cao trong những tháng mùa khô (khoảng 42.000 - 43.000 đồng/kg), thấp nhất khoảng 25.000 đồng/kg” - ông An phấn khởi.

Vườn cam, quýt ứng dụng công nghệ phun tưới tự động

Xã Bình Thành hiện có diện tích trồng hoa màu và cây ăn trái khoảng 70ha, gồm: cam, quýt, dưa lưới, dưa leo, xoài, mãng cầu xiêm… Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thành Lê Văn Hải cho biết, hàng tháng ngành nông nghiệp đều tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - công nghệ như: công nghệ tưới nhỏ giọt, cách chăm sóc đất và hướng dẫn sử dụng phân, thuốc có hiệu quả cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, chúng tôi còn thường xuyên đến thăm vườn để kịp thời phát hiện những biểu hiện lạ trên vườn cam, quýt để hỗ trợ thêm về kỹ thuật trồng, phòng bệnh cho vườn cây của ông An. Ngoài ra, ông An còn nuôi 200 con gà thả vườn, 1.500 con cá tai tượng, 1.000 con cá rô phi xen giữa các liếp trong vườn nhằm tăng thêm thu nhập. Hiện nay, có thể xem đây là mô hình chuyển đổi cây ăn trái hiệu quả trên địa bàn xã, mang lại lợi nhuận cao cho người nông dân.

Theo gia đình ông An, cam sành có thể trồng trên nhiều loại đất, nhiều kiểu khí hậu khác nhau. Lưu ý là cần cung cấp đủ nước cho cây trong mùa khô, lúc trái đang lớn và lúc trái sắp chín. Tương tự các loại cây có múi khác như: bưởi, chanh, trái cam sành, quýt đường… thường gặp các loại sâu bệnh như: sâu vẽ bùa, sâu đục thân… Vì vậy, người trồng cần thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện và xử lý. Cây vào độ thu hoạch kéo dài từ 10-15 ngày. Gia đình phải thuê thêm nhân công để thu hoạch kịp tiến độ, việc này góp phần tạo thêm thu nhập thời vụ cho lao động địa phương. Trung bình, 1 lao động được trả công khoảng 250.000 đồng/ngày. Vào vụ thu hoạch, gia đình ông An mướn thêm khoảng 12 lao động phục vụ việc thu hoạch trái. Hiện, vườn cây của ông An đang áp dụng công nghệ phun tưới tự động theo công nghệ Israel; việc tưới phun này vừa tiết kiệm nhân công, vừa tiết kiệm nước mà hiệu quả cũng được nâng lên. Bằng việc sử dụng hệ thống tưới là có thể tưới cho cả một diện tích 4,5ha, bất kể ngày hay đêm và có thể điều chỉnh mức độ tưới theo ý muốn, chỉ bằng một vài thao tác nhẹ nhàng.

Dù hiệu quả bước đầu là vậy nhưng ông Lê Phước An vẫn rất khiêm tốn cho rằng, thời gian vẫn còn quá ngắn để đánh giá hiệu quả kinh tế từ mô hình đang thực hiện. “Trong xu thế hội nhập kinh tế, tôi còn nhiều việc phải thực hiện cho mô hình sản xuất của mình. Tôi mong ngành chức năng ủng hộ và tạo điều kiện để cây cam sành và quýt đường giữ vững và nâng cao vị thế sản phẩm trong tiến trình đổi mới. Tôi dự định sẽ trồng thêm 5ha cam, quýt trong thời gian tới. Ngoài ra, còn vận động thêm người thân và nhân dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển” - ông An chia sẻ.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN

Những nhà vườn thu lãi tiền tỷ

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Những năm qua, khi giá cà phê lao dốc khiến người nông dân Tây Nguyên gặp rất nhiều khó khăn, thế nhưng đối với những hộ trồng xen canh các loại cây ăn quả trong vườn cà phê thì thu nhập vẫn ổn định.

Không chỉ vậy, nhờ có cây che bóng nên vườn cà phê phát triển bền vững. Việc trồng xen canh là xu hướng tất yếu đối với người trồng cà phê.

Từ những hiểu biết sâu sắc cả về nông nghiệp lẫn thị trường, anh Cao Văn Quang (phường Phù Đổng, TP Pleiku, Gia Lai) đã có được những thành công bước đầu từ vườn cây xen canh của mình.

Cà phê + bơ thu tiền tỷ

Năm 2015, anh Cao Văn Quang mua 9ha đất ở thôn Kênh Xim (xã Chư Pơng, huyện Chư Sê, Gia Lai). Lúc này, cả 9ha đang là vườn tiêu già cỗi, nhiều diện tích bị nhiễm bệnh và đã bị chết.

Xen canh bơ trong vườn cà phê giúp thu nhập ổn định.

Phá bỏ toàn bộ vườn hồ tiêu trên, anh Quang đầu tư trồng mới 9.000 gốc cà phê chất lượng cao. Anh Quang cho biết: Giống cà phê được đặt mua từ Viện KHKT Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên. Đây là giống mới cho năng suất và chất lượng hạt cao. Quá trình trồng, anh hướng dẫn nhân công làm đúng quy trình kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra nấm bệnh hại, kiểm tra dinh dưỡng trong đất. Chính vì vậy mà cây cà phê xanh mướt, quả lớn đồng đều, không bị sâu hại hay bị thiếu dinh dưỡng...

Năm đầu thu bói, vườn cà phê cho năng suất 2 tấn nhân/ha, thu vụ thứ hai đạt 4 tấn nhân/ha. Dự kiến khi vườn cây vào kinh doanh chính thức, năng suất sẽ đạt từ 5 - 7 tấn nhân/ha - con số mà không nhiều nhà vườn cà phê ở Tây Nguyên dám nghĩ tới.

Cùng lúc với trồng cà phê, anh Quang còn xen canh 300 cây bơ Booth, 400 cây bơ Trịnh Mười. Năm 2018, vườn bơ cho thu bói với năng suất đạt 20 - 30kg mỗi cây. Năm nay - theo anh Quang là mất mùa bơ, nhưng vườn cây của anh vẫn đạt 40kg mỗi cây. Với giá bơ hiện tại từ 60.000 - 70.000 đồng/kg tại vườn, và với năng suất như trên, 700 gốc bơ của anh Quang cho thu về sít soát 2 tỷ đồng vụ này.

Ngoài xe canh cây bơ, anh Quang còn trồng xen cây mít Thái và sầu riêng (500 cây sầu riêng mới trồng năm 2018). Riêng 300 cây mít Thái đã cho thu bói từ năm 2018, đạt 5 - 7kg mỗi cây. Dự kiến năm nay, năng suất mít sẽ đạt 25 - 30kg/cây, với giá bán tại vườn khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Anh Quang cho biết: Xen canh cây ăn quả như mít, sầu riêng, bơ trong vườn cà phê, xem như là cây chắn gió cho cà phê, nhưng lại cho thu nhập cao. Cái lợi nữa là tiết kiệm được công chăm sóc, chi phí phân bón. Về mặt thị trường, xen canh đem lại sự an toàn cho chủ vườn khi cây này mất giá thì cây kia lại được...

Sầu riêng “bén duyên” cùng na Thái

Không chỉ dừng lại ở trang trại 9ha trên, anh Quang còn đầu tư mua thêm 3ha khác ở thôn Nông Trường (xã Ia Glai, huyện Chư Sê). Thời điểm anh mua 3ha này đang là cà phê tuổi kinh doanh. Anh mạnh dạn phá bỏ và thay vào đó là vườn hồ tiêu. Cái rủi cho anh là đúng vào thời điểm cây tiêu bị bệnh ở khắp Tây Nguyên, anh lại phá tiêu, bán trụ và xoay sang trồng cây ăn quả.

Trồng xen na Thái trong vườn cà phê.

Năm 2017, anh Quang xuống giống 600 cây sầu riêng. Đến tháng 5/2018, anh trồng xen 1.000 cây na Thái trong vườn sầu riêng. Theo anh Quang thì na Thái chỉ có 12 tháng là ra hoa, hiện đã cho thu bói từ 5 - 10 quả mỗi cây. Tuy nhiên hiện anh đang hãm na bằng cách vặt bớt quả non, không cho đậu quả nhiều để tập trung dinh dưỡng nuôi cây. Na Thái thu mỗi năm 2 vụ: Vụ 1 từ tháng 5 - tháng 6 dương lịch, vụ 2 từ tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau. Nếu chăm sóc tốt, cân bằng được dinh dưỡng, năng suất sẽ đạt khoảng 20 tấn quả/ha.

Với cách chăm sóc bài bản, khoa học, dự tính đến năm 2020, với năng suất bình quân 30 quả mỗi cây, 1.000 gốc na của anh sẽ thu về khoảng 20 tấn quả. Cũng theo anh Quang thì hiện giá na Thái bán tại vườn là 70.000 đồng/kg, còn nếu được chứng nhận hữu cơ, giá bán ra ngoài sẽ là 130.000 đồng/kg.

Cả 2 vườn, anh Quang đang lo cho 10 nhân công thường xuyên và 40 nhân công hợp đồng thời vụ. Theo anh Quang thì trồng xen canh có nhiều cái lợi như tiết kiệm được nước tưới, phân bón, công chăm sóc; tránh được rủi ro do biến động của giá cả thị trường... Tuy nhiên chủ vườn phải biết xen canh cây gì với cây gì cho phù hợp, chống "đá" nhau giữa các loại cây xen canh. Hơn nữa, nông dân phải có sự am hiểu sâu sắc, phải có kỹ thuật cao trong khâu chăm sóc, làm sao phải đảm bảo dinh dưỡng cho từng loại cây trồng...

Không chỉ dừng lại ở việc xen canh cây ăn quả trong vườn cà phê, anh Cao Văn Quang còn nuôi tham vọng là hướng tới chuỗi giá trị mô hình trái cây + cà phê sạch theo mô hình Organic, mang đến hiệu quả kinh tế cao; liên kết với các nông trại khác trên địa bàn, hướng đến chăm sóc trái cây sạch, có xuất xứ nguồn gốc và chỉ dẫn địa lý, đảm bảo xuất khẩu sang những thị trường khó tính nhất.

Ngoài ra, sẽ tiến hành xây dựng nhà máy chế biến và trung tâm kiểm tra dinh dưỡng của trái cây, kiểm tra dư lượng kim loại trong trái cây, tiếp theo là phân loại và xuất khẩu.

"Kế hoạch xây dựng nhà máy công nghệ cao này, dự tính sẽ tiến hành vào năm 2020 - 2021", anh Quang cho hay.

LAM GIANG – ĐÌNH THUNG

Mít Thái tăng giá trở lại

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Theo nhiều nhà vườn trồng mít Thái trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang sau thời gian rớt giá, hiện mít Thái đã tăng giá trở lại. Điều đáng mừng là thương lái thu mua giảm mỗi loại 1kg. Cụ thể, loại 1 trên 8kg/trái, giá 38.000 đồng/kg; loại 2 từ 6-8kg/trái, giá 17.000 đồng/kg; loại 3, từ 4-6kg/trái, giá 10.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá mít Thái tăng do đang mùa nghịch, sản lượng ít.

Huyện Châu Thành hiện có gần 5.000ha mít Thái, trong đó trên 50% diện tích đang cho trái.

VĂN XUÂN

Lạng Sơn: Vùng na được mùa kép

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Những ngày này, người dân ở 2 huyện Chi Lăng và Hữu Lũng (Lạng Sơn) đang tất bật thu hoạch na. Năm nay, bà con trồng na nơi đây rất phấn khởi bởi na vừa được mùa, lại được giá. Đây là năm thứ tư liên tiếp vùng na trúng mùa, được giá.

Cây na đã có mặt trên đất Lạng Sơn từ hơn 40 năm nay. Na là cây trồng thích hợp phát triển ở vùng đất khô cằn trên vách núi, sườn núi, đỉnh núi đá vôi ở hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi nên cây na ở nơi đây sinh trưởng và phát triển tốt. Người dân gọi vui na là “cây làm giàu”, bởi nó đem lại giá trị kinh tế cao, giúp họ có cuộc sống ổn định hơn.

Hiện, diện tích trồng na của toàn huyện Chi Lăng khoảng 1.200 ha, phân bố tại thị trấn Đồng Mỏ, thị trấn Chi Lăng, xã Chi Lăng, Quang Lang và Mai Sao; trong đó có 162 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Riêng xã Chi Lăng có tới 132 ha na sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 5 ha sản xuất theo GlobalGAP. Diện tích trồng na của huyện Hữu Lũng những năm gần đây tăng mạnh, đạt khoảng 1.315 ha, trong đó có 25 ha đang được triển khai trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm nay, na được mùa, tổng sản lượng ước đạt 30.000-32.000 tấn quả, mang lại giá trị kinh tế khoảng trên 100 tỷ đồng.

Anh Lành Văn Sĩ, thôn Đồng Đĩnh, xã Chi Lăng cho biết: Năm nay, na được mùa, chất lượng quả cũng đồng đều, đẹp mã. Gia đình tôi có khoảng 1.000 gốc na, hiện đầu vụ na loại 1 bán với giá từ 60.000 - 80.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 45.000 - 55.000 đồng/kg, trung bình mỗi cây na cho thu hoạch từ 20 – 30 kg, thu hoạch hết chắc cũng được trên 1,5 tấn, thu về khoảng 150 triệu đồng/vụ na. Nếu như những năm trước đây, một số gia đình thường bán “vo” cả vườn na cho thương lái, thì trong vòng 2 năm trở lại đây, các nhà vườn ít bán mà tự tuyển lựa, thu hái và đưa ra thị trường, tuy mất công nhưng lợi nhuận lại cao hơn.

Niềm vui na được mùa được giá

Na của 2 huyện Chi Lăng và Hữu Lũng nổi tiếng với đặc trưng là vị ngọt, hương thơm hấp dẫn, quả tròn, mắt to, thịt dày, kẽ mắt trắng, da xanh non… Bởi thế mà khi vào vụ, rất nhiều thương lái trong nước và người Trung Quốc đến tận vườn thu mua. Bên cạnh việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, na Chi Lăng và Hữu Lũng còn được đưa vào bày bán tại một số siêu thị lớn như Saigon Co.opmart, Fivimart, chuỗi siêu thị Vinmart, hệ thống siêu thị Big C Thăng Long… Năm 2011, sản phẩm na Chi Lăng và Hữu Lũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận được bảo hộ, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Na Chi Lăng”; được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập “Đặc sản Na Chi Lăng” và ngay sau đó lọt vào top 50 loại trái cây nổi tiếng Việt Nam theo Bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam. Năm 2017, sản phẩm na Lạng Sơn đã được tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.

Hoàng Văn Hương

Yên Bái: Nuôi gà đen - hướng thoát nghèo của người dân Trạm Tấu

Nguồn tin: Báo Yên Bái

Năm 2018, toàn huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái có khoảng 6.000 con gà đen, đến nay tăng lên gần 16.000 con, với trên 800 hộ chăn nuôi, trong đó có nhiều hộ nuôi từ 500 – 1.000 con/lứa. Chu kỳ nuôi ngắn, sẵn thích nghi điều kiện khí hậu vùng cao nên việc tập trung chăn nuôi gà đen ở Trạm Tấu không chỉ để bảo tồn giống gà bản địa mà còn góp phần giúp bà con nông dân dễ áp dụng để thoát nghèo.

Nuôi gà đen - hướng đi mới của người dân Trạm Tấu .

Văn Tuấn – Hoài Văn

Phát triển nghề nuôi ong trên cao nguyên đá

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Trên vùng cao nguyên đá Hà Giang, cây bạc hà có sức sống mãnh liệt đến lạ kỳ. Người dân nơi đây đã mở rộng diện tích trồng bạc hà để phát triển nghề nuôi ong.

Đến nay tỉnh Hà Giang có 32.300 tổ ong.

Đến nay tổng đàn ong của tỉnh Hà Giang là hơn 32.300 tổ, tập trung chủ yếu tại 4 huyện: Đồng Văn Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ, với 2.816 hộ nuôi. Cùng với đó, tỉnh này cũng có 11 doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến mật ong, 79 tổ hợp tác, nhóm sở thích.

Năm 2015, nhận thấy nguồn hoa bạc hà tại nhiều thôn của xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn diện tích lớn, anh Thào Mý Sử đã nung nấu ý tưởng phát triển kinh tế từ nuôi ong lấy mật. Dồn vốn liếng bao năm tích cóp anh Sử mua 110 đàn ong và đặt tại thôn Lũng Táo.

Anh Sử chia sẻ, năm đầu tiên chỉ một mình vật lộn chăm đàn ong, lại chưa có kinh nghiệm nên mùa mật đầu tiên, hầu như không thu được gì.

Không nản chí, anh tích cực mày mò học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật từ những người đi trước; tham gia các lớp tập huấn về nuôi ong bạc hà. Nhờ vậy đàn ong dần cho hiệu quả kinh tế. Đến nay, anh Sử duy trì từ 130 - 150 đàn ong. Với sự phát triển ổn định của đàn ong, mỗi năm anh Sử thu về trên 300 lít mật, đem lại thu nhập trên 130 triệu đồng.

Mật ong bạc hà là một trong những sản phẩm nông sản nổi tiếng của Hà Giang. Mật bạc hà thường đặc sánh, màu từ vàng đỏ đến vàng chanh, khác biệt so với hầu hết các loại mật ong khác ở nước ta. Mật ong hoa được khai thác từ mật của cây hoa bạc hà, loại cây trước đây mọc dại nay được mở rộng diện tích trồng.

Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang cho biết, tùy từng địa ương, cây hoa bạc hà lại nở rộ vào những dịp khác nhau. Tại huyện Đồng Văn từ tháng 9 đến tháng 12; huyện Mèo Vạc, từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau; huyện Yên Minh từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau và huyện Quản Bạ từ tháng 9 đến tháng 3 năm sau. Đến nay toàn tỉnh có 5.056ha diện tích cây bạc hà...

Các sản phẩm chế biến từ mật ong bạc hà của HTX Tuấn Dũng được thị trường ưa chuộng. Huyện Mèo Vạc xác định, phát triển nghề nuôi ong bạc hà là một trong những nội dung trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Vụ ong 2018 - 2019, toàn huyện có khoảng 12.000 đàn ong, cho tổng sản lượng mật khoảng 72.000 lít.

HTX Tuấn Dũng là đơn vị làm đầu mối sản xuất, cung ứng giống, tiêu thụ sản phẩm và là hạt nhân tạo liên kết trong chuỗi sản xuất tiêu thụ sản phẩm mật ong bạc hà của huyện Mèo Vạc. HTX được đăng ký chất lượng, bảo hộ tem, nhãn sản phẩm. Bình quân mỗi vụ HTX có sản lượng mật chế biến và tiêu thụ khoảng 15.000 lít.

Anh Thèn Văn Hải, Giám đốc HTX cho biết, HTX có đội ngũ cộng tác viên kỹ thuật lành nghề, làm chủ quy trình công nghệ và có kinh nghiệm trong các khâu nhân giống, chăm sóc, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm từ mật ong được HTX quan tâm đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Hiện HTX đầu tư dây chuyền hạ thủy phần, nâng cao chất lượng mật ong; chế biến các sản phẩm: Mật ong bạc hà, phấn hoa bạc hà, mật ong bạc hà ngâm tinh bột nghệ, sữa ong chúa.

Khuyến khích nghề nuôi ong phát triển, tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ đồng hành cùng các tổ chức, cá nhân. Trong đó thực hiện hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho các hộ vay vốn chăn nuôi ong nội Apis Cerana theo Nghị quyết số 29 ngày 77/12/2018; hỗ trợ 3 triệu đồng/ha để người dân phát triển cây bạc hà.

Thực hiện chính sách này, trong các năm 2018, 2019, tỉnh đã hỗ trợ gần 8 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi ong và hỗ trợ mở rộng diện tích trồng hơn 1.000ha cây bạc hà. Dự kiến đến hết năm 2019, tỉnh sẽ hỗ trợ mở rộng hơn 1.100ha diện tích cây bạc hà tại các địa phương.

Từ chính sách hỗ trợ, nhiều tổ chức, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư phát triển ngành chăn nuôi ong theo hình thức sản xuất hàng hóa. Đã có một số tổ chức, cá nhân có trên 1.000 tổ như: HTX Phong Hưởng, huyện Đồng Văn; Cty Trường Anh, huyện Đồng Văn; Cty Tuấn Dũng, huyện Mèo Vạc… góp phần tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm mật ong bạc hà, nâng cao giá trị ngành chăn nuôi ong ở địa phương.

ĐÀO THANH

Đồng Nai: Dịch tả heo châu Phi lan rộng

Nguồn tin: Báo Đồng Nai

Theo Chi cục Chăn nuôi – thú y, đến nay đã có gần 950 hộ chăn nuôi heo thuộc 81 xã của 11/11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có dịch tả heo châu Phi với hơn 108 ngàn con heo đã bị tiêu hủy. Ổ dịch mới nhất xuất hiện tại 1 trại heo sinh sản thuộc xã Bàu Sen (TP.Long Khánh).

Đã có hơn 108 ngàn con heo đã bị tiêu hủy vì dịch tả heo châu Phi. Trong ảnh: Lực lượng chức năng huyện Trảng Bom tiêu hủy heo bị dịch (Ảnh: tư liệu)

So sánh số liệu trong 3 tháng dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại Đồng Nai (từ ngày 17-4 đến ngày 20-7) cho thấy, điều đáng báo động là tốc độ lây lan, phát sinh ổ dịch trên địa bàn tỉnh trong vài tuần gần đây rất nhanh. Cụ thể, chỉ tính riêng 3 tuần đầu tháng 7, toàn tỉnh phát sinh thêm ổ dịch ở 644 hộ chăn nuôi thuộc 50 xã với số lượng heo bị tiêu hủy trên 57,3 ngàn con.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – thú y tỉnh cho biết, hiện dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện ở các trang trại lớn và nguy cơ sẽ tiếp tục lan rộng trong thời gian tới. Toàn tỉnh tuy có khoảng 1,7 ngàn trang trại chăn nuôi, nhưng số lượng trang trại nuôi chuồng lạnh rất ít, điều kiện để thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học đúng nghĩa còn khó khăn.

Mặt khác, cũng theo ông Quang, do đang trong giai đoạn mùa mưa, việc thực hiện tiêu độc, khử trùng phòng dịch buổi sáng, thì buổi chiều mưa lớn làm mất hiệu quả. Vì vậy, chăn nuôi an toàn sinh học vẫn là giải pháp cứu cánh trong phòng dịch tả heo châu Phi. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần nâng sức đề kháng cho vật nuôi bằng thức ăn, các chất đề kháng bổ sung...

Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn về một số biện pháp khẩn cấp để quản lý giết mổ, tiêu thụ sản phẩm từ heo trong vùng dịch tả, thì heo chỉ được cấp giấy kiểm dịch đưa đi tiêu thụ khi có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả heo châu Phi.

Hiện tất cả xét nghiệm dịch tả heo châu Phi của 11 tỉnh, thành phía Nam đều do Chi cục Thú y vùng VI (TP. Hồ Chí Minh) thực hiện. Trung tâm này đang quá tải do dịch lan nhanh, lượng mẫu xét nghiệm quá lớn. Đây không chỉ là khó khăn của người chăn nuôi, mà việc xử lý ổ dịch tại nhiều địa phương cũng bị chậm trễ do phải chờ đợi kết quả xét nghiệm lâu.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh cho biết, Đồng Nai sẽ kiến nghị lên Cục Thú y bố trí thêm đơn vị có chức năng xét nghiệm về dịch tả heo châu Phi; gỡ khó cho các địa phương về tình trạng quá tải như hiện nay.

Bình Nguyên

Ninh Thuận: Giá dê, cừu tăng mạnh

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Từ đầu năm đến nay, giá dê, cừu liên tục tăng mạnh. Theo nhận định của giới chăn nuôi trong tỉnh Ninh Thuận, đà tăng giá vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới.

Hiện nay, dê hơi được các thương lái thu mua với giá từ 83.000 - 132.000 đồng/kg. Cụ thể: Dê đực trọng lượng trên 30kg/con có giá 132.000 đồng/kg; dê đực trọng lượng từ 20-30kg/con, giá khoảng

120.000 đồng/kg; dê cái tơ giá 110.000 đồng/kg, dê sinh sản giá từ 80.000 - 85.000 đồng/kg. Giá cừu hơi dao động ở mức 70.000 - 115.000/kg. Cụ thể: Cừu đực trọng lượng trên 30 kg/con, giá 115.000 đồng/kg; cừu đực dưới 30 kg, giá 110 ngàn đồng/kg; cừu cái dao động ở mức 70.000 - 90.000 đồng/kg. So với thời điểm trước tết, giá dê, cừu hơi hiện đã tăng 25.000 - 30.000 đồng/kg. Hiện nay, bên cạnh chăn thả ngoài tự nhiên, hộ nuôi dê, cừu đã chủ động thay đổi phương thức nuôi, áp dụng mô hình vỗ béo rút ngắn thời gian xuất chuồng còn 4 - 6 tháng thay vì trên 8 tháng như trước đây. Do vậy, với mức giá như trên, người chăn nuôi có lãi lớn.

Dê, cừu liên tục tăng giá, hộ chăn nuôi có thu nhập cao.

Ông Nguyễn Xuân Đoài, chủ Cơ sở kinh doanh dê, cừu Triệu Tín ở thôn Thuận Hòa, xã Phước Thuận (Ninh Phước), cho biết: Nguyên nhân dê, cừu được giá do nhu cầu sử dụng thịt dê, cừu tăng mạnh ở cả thị trường trong và ngoài tỉnh trong khi nguồn cung lại khan hiếm. Theo nhận định của ông Nguyễn Xuân Đoài, trong thời gian tới giá dê, cừu còn có khả năng tăng thêm, đây là cơ hội để cho các hộ nuôi tái đàn, mở rộng sản xuất, tạo thêm thu nhập.

Ngọc Diệp

Diễn đàn phát triển chăn nuôi giống bò thịt sẽ diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh

Nguồn tin: Khuyến Nông TP HCM

Nhằm tạo điều kiện gặp gỡ giữa 4 nhà “nhà nông, nhà quản lý, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp”, qua đó sẽ trao đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất nông nghiệp nói chung và lĩnh vực chăn nuôi bò thịt nói riêng. Đồng thời, giới thiệu các giống bò thịt, các loại thức ăn và công nghệ chăn nuôi mới, phù hợp, góp phần tăng năng suất sản xuất cho nông dân nuôi bò tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và các tỉnh thành lân cận,… Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM sẽ tổ chức Diễn đàn phát triển chăn nuôi giống bò thịt.

Chủ trì Diễn đàn sẽ do Sở Nông nghiệp và PTNT Thành phố, Hội Chăn nuôi Việt Nam (văn phòng phía Nam), Phân viện Chăn nuôi Nam bộ cùng phối hợp thông qua các nội dung Diễn đàn về tổng quan ngành chăn nuôi, đánh giá chương trình bò thịt, Giới thiệu về các giống bò thịt; Giới thiệu về thức ăn và công nghệ chăn nuôi; Đánh giá hiệu quả kinh tế chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại.

Dự kiến thời gian tổ chức Diễn đàn sẽ được thực hiện trong khuôn khổ Hội chợ - Triển lãm Giống và Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM, lần VII năm 2019 vào ngày 16/8/2019 tại Hội trường Trung tâm Công nghệ sinh học, số 2374 Quốc Lộ 1, Phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, TP.HCM.

M.Hiếu

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop