Cấp mã số, xây dựng diện tích sản xuất nông nghiệp theo VietGAP, Global GAP
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành vùng ĐBSCL ứng dụng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, an toàn thực phẩm (ATTP) và đáp ứng thị trường xuất khẩu…
Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ tiến bộ được mở rộng sản xuất trên địa bàn TP Cần Thơ.
Đầu năm 2019 đến nay, TP Cần Thơ đã cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP đối với sản phẩm nông sản, thủy sản cho 61 cơ sở; cấp 154 giấy xác nhận kiến thức ATTP cho cá nhân, cơ sở sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông lâm thủy sản… Bên cạnh đó, TP Cần Thơ còn có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP.Trong đó lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với 173,7ha, rau có trên 10ha, cây ăn trái (cam, xoài, nhãn, vú sữa…) gần 230ha và trên 100ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Các mô hình này tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo ATTP… Ở tỉnh Sóc Trăng hoạt động cấp mã số (code), hình thành mô hình vườn cây ăn trái đặc sản an toàn theo VietGAP, hữu cơ đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc từ thị trường xuất khẩu cũng được quan tâm thực hiện. Gần 8 tháng năm 2019, địa phương tiếp tục cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu bưởi, 3 mã code vùng trồng cho xoài, 3 mã code vùng trồng cho cây nhãn và 4 mã code vùng trồng cho cây vú sữa. Bên cạnh đó xây dựng 2 Hợp tác xã đạt chứng nhận VietGAP cây bưởi và vú sữa, với khoảng 70-80ha; mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây ăn trái được thực hiện với diện tích trên 265ha, gồm các loại cây trồng, như: cam sành, cam xoàn, nhãn tiêu da bò, mãng cầu gai, xoài cát chu, bưởi da xanh, vú sữa… Để nỗ lực giải quyết khó khăn trong tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, các địa phương trong khu vực ĐBSCL tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp hợp tác sản xuất, bao tiêu sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu…
Tin, ảnh: H.VĂN
Lạc Dương (Lâm Đồng): Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao bình quân đạt 290 triệu đồng/ha
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, toàn huyện hiện có 800 ha sản xuất nông nghiệp trong nhà kính (tăng 570 ha so với năm 2015). Trong đó, diện tích sản xuất được cấp chứng nhận VietGAP khoảng 200 ha; 7 ha đạt chứng nhận Global GAP; 6 ha đạt chứng nhận Organic; 3 ha trồng rau thủy canh; nông nghiệp thông minh ứng dụng IoT, điều chỉnh ánh sáng nhiệt độ, độ ẩm, pH khoảng 30 ha,...
Lạc Dương đang phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao bình quân đạt 290 triệu đồng/ha (tăng 110 triệu đồng so với năm 2015). Cụ thể, doanh thu sản xuất trong nhà kính, nhà lưới đối với hoa đạt khoảng 800 triệu đồng/ha, rau đạt khoảng 500 triệu đồng/ha. Đối với sản xuất rau ngoài trời, doanh thu đạt khoảng 150 - 200 triệu đồng/ha. Doanh thu từ cà phê đạt khoảng 110 triệu đồng/ha.
VIỆT QUỲNH
Lâm Đồng: Tìm lại thương hiệu cho cây dứa Cayen trên đất D’ran
Nguồn tin: Khuyến Nông VN
Cây dứa Cayen với ưu thế sinh trưởng và phát triển tốt trên địa hình đồi dốc, đã được trồng tại thị trấn D’ran (huyệnĐơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) từ rất lâu. Hiện nay, dứa Cayen của thị trấn D’ran đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền, làm gia tăng hiệu quả kinh tế, nông dân càng có niềm tin gắn bó lâu dài với loại trái cây đặc sản này.
Dứa Cayen một thời gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ người dân của thị trấn D’ran nói riêng và nhân dân huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) nói chung. Nhìn từ xa những vạt dứa nằm cheo leo trên sườn đồi cùng người nông dân tần tảo được xem là hình ảnh thân quen của người dân thị trấn D’ran. Theo các nhà nghiên cứu, cây dứa Cayen phù hợp với điều kiện đất đai ở Đơn Dương, có ưu điểm vượt trội so với nhiều giống dứa khác, như: trái lớn, thưa mắt, quả đều và đẹp, độ ngọt cao, màu sắc vàng óng, hương thơm, ít tốn công đầu tư chăm sóc, phù hợp trên tất cả mọi địa hình đất, cho năng suất bình quân cao hơn nhiều so với các vùng dứa khác trong cả nước nhưng chất lượng được cho là thơm ngon vào loại bậc nhất.
Chất đất ở thị trấn D’ran rất phù hợp cho cây dứa sinh trưởng và phát triển
Khi chúng tôi đến vườn nhà anh Nguyễn Văn Quý - hiện đang sinh sống tại tổ dân phố Phú Thuận 3, thị trấn D’ran, đúng vào mùa thu hoạch rộ dứa Cayen. Anh Quý là một người đã trồng dứa Cayen hàng chục năm, anh chia sẻ: “Từ khi lớn lên, gia đình tôi đã gắn bó cuộc đời mình với cây dứa. Mặc dù có giai đoạn, cây dứa không còn đem lại giá trị cao nhưng gia đình tôi vẫn cố bám trụ với loại cây trồng đặc sản này. Ông trời không phụ lòng người, mấy năm gần đây, giá trái dứa đặc biệt tăng cao, với diện tích 3 ha trồng dứa, sản lượng 25 - 30 tấn mỗi vụ, gia đình tôi thu về 210 triệu đồng”.
Chất đất ở D’ran rất phù hợp cho cây dứa sinh trưởng và phát triển, dứa ở đây có độ đường vượt hẳn dứa nơi khác; nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, khối lượng quả đạt từ 2 - 2,5 kg/quả. Hiện nay, nguồn cung dứa không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường do được dùng làm thực phẩm chế biến, nước ép trái cây. Tuy nhiên trên địa bàn thị trấn D’ran chưa có doanh nghiệp hoặc tổ chức đứng ra sản xuất, tiêu thụ dứa, chỉ có các cá nhân sản xuất thuộc cá thể quy mô nhỏ, thị trường chủ yếu bán lẻ ở chợ và khách vãng lai, vì vậy giá cả cũng bấp bênh, chưa ổn định. Để đưa nhãn hiệu của cây dứa Cayen tại D’ran đi xa hơn, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân thì chúng ta cần nâng cao uy tín thương hiệu, từng bước mở rộng diện tích, tiến đến quy hoạch vùng nguyên liệu cho chế biến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Bích Tới - Khuyến nông viên thị trấn D’ran
Phát triển vùng chuyên canh lúa Jasmine và Japonica
Nguồn tin: Báo An Giang
Trung tâm Khuyến nông An Giang vừa tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch “Vùng chuyên canh lúa Jasmine và Japonica giai đoạn 2019-2020”. Tham dự có các sở, ban, ngành; phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố; đại diện các công ty sản xuất, chế biến lúa, gạo…
Theo đó, kế hoạch sẽ được triển khai ở các huyện: Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới, Tịnh Biên, Tri Tôn. Quy mô: xây dựng 9 vùng sản xuất (6 vùng sản xuất Jasmine và 3 vùng sản xuất Japonnia) với tổng diện tích 225ha (25ha/vùng), tổng kinh phí thực hiện trên 8,8 tỷ đồng. Qua đó nhằm hình thành vùng nguyên liệu sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiến tiến, "1 phải, 5 giảm", "3 giảm, 3 tăng"… đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp tiêu thụ. Đồng thời, nâng cao giá trị lúa, gạo và tăng lợi nhuận tối thiểu 30% so với giá thành sản xuất, góp phần xây dựng thương hiệu lúa, gạo An Giang…
ĐỨC TOÀN
Lào Cai: Nhân giống thành công cây hồi tại Mường Khương
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Sau gần 1 năm thực hiện nghiên cứu khoa học, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai) đã nhân giống thành công cây hồi từ cây hồi mẹ trồng trên đất Mường Khương.
Từ tháng 9/2018, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Khương đã thu hái hạt và tổ chức thử nghiệm gieo ươm 1.500 bầu giống cây hồi lấy hạt từ 42 cây hồi mẹ tại 3 thôn: Sín Chải B (xã Tả Ngải Chồ), Sín Chải, Na Pên (thị trấn Mường Khương).
Thu hoạch hạt hồi để sản xuất cây giống.
Quá trình nghiên cứu tại vườn ươm, theo công thức thí nghiệm che sáng và hỗn hợp ruột bầu, qua các lần đo theo dõi, cây giống sinh trưởng, phát triển tốt. Sau 11 tháng gieo ươm, hiện tại cây giống đạt chiều cao trung bình trên 30 cm, đường kính gốc đạt 0,55 cm, đủ tiêu chuẩn xuất vườn. Dự định, trong tháng 9/2019 sẽ đưa cây giống ra trồng tại một số xã vùng cao, vùng quy hoạch trồng hồi của huyện như Tả Ngải Chồ, Cao Sơn, La Pan Tẩn, thị trấn Mường Khương...
Song song với khảo nghiệm nhân giống, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Khương đã triển khai gieo ươm 1,5 vạn cây hồi giống, đến nay đủ tiêu chuẩn xuất vườn. Theo dự kiến, vụ trồng rừng năm nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Khương sẽ trồng 5 ha cây hồi từ nguồn giống gieo ươm thành công tại địa phương.
Theo ông Lục Thượng Đại, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ cho biết: Việc nhân thành công giống cây hồi tại Mường Khương sẽ giúp địa phương chủ động nguồn giống, phục vụ công tác trồng rừng phòng hộ và rừng sản xuất, đáp ứng nhu cầu giống cây lâm nghiệp cho bà con trên địa bàn huyện và các huyện lân cận. Đồng thời, việc nhân giống hồi thành công cũng giúp người trồng rừng tiết kiệm chi phí bằng 1/3 so với mua cây hồi giống từ Lạng Sơn, đỡ tốn công vận chuyển, cây giống khi đem trồng ngoài thực địa có tỷ lệ sống cao.
Đóng bầu, gieo ươm hạt giống cây hồi.
Kiểm tra, đánh giá kết quả gieo ươm.
Được biết, cây hồi đang là cây lâm nghiệp được ngành nông nghiệp tỉnh, huyện Mường Khương khuyến khích nhân rộng, bởi đây là cây trồng có tác dụng phòng hộ, giá trị kinh tế cao (dược liệu). Đây cũng là cây lâm nghiệp được người dân Mường Khương trồng hiệu quả, có thu nhập khá từ hơn chục năm nay, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số ở một số xã vùng cao trong huyện.
THANH NAM
Làm giàu từ trồng rau muống nước
Nguồn tin: Khuyến Nông TP.HCM
Huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh là một trong những vùng sản xuất rau tươi cho thành phố, trong đó có rau muống nước Nhị Bình. Nhờ nguồn nước ngọt quanh năm nằm ven sông Sài Gòn thuận lợi cho việc chuyển đổi trồng tại đây. Để nâng cao ý thức cho người trồng rau muống nước sản xuất đúng quy trình VietGAP tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từ năm 2016, Sở Nông nghiệp và PTNT TP. HCM đã xây dựng cánh đồng rau muống nước VietGAP tại 2 xã Bình Mỹ- Củ Chi và xã Nhị Bình – Hóc Môn với mục tiêu đến năm 2020 là 420ha, trong đó xã Nhị Bình là 100ha (giao cho Trung tâm Khuyến nông chủ trì triển khai đạt 60ha rau muống nước VietGAP).
Đến nay, toàn huyện Hóc Môn có hơn 700 ha rau muống nước, trong đó có 97 ha rau tại xã Nhị Bình đạt tiêu chuẩn VietGAP với 90 hộ sản xuất. Thành lập 01 tổ hợp tác rau muống nước xã Nhị Bình. Sản lượng rau muống VietGAP đạt 1940 tấn/tháng, bình quân 64 tấn rau/ngày, doanh thu 320 triệu đồng/ngày, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm được 5 tấn rau/ngày. Số lượng còn lại khá lớn bán chợ đầu mối Tân Xuân và các tỉnh lân cận. Trồng rau muống nước không chỉ là phương kế sinh nhai của hơn trăm gia đình khi đến TP. HCM lập nghiệp mà trong số đó đã vươn lên làm giàu, cho thu nhập ổn định. Điển hình có Anh Phạm Văn Cộng (1967), quê ở xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, ĐT: 0978772050).
Anh Phạm Văn Cộng tham gia phát biểu tại Hội nghị đánh giá kết quả xây dựng cánh đồng rau muống VietGAP tại xã Nhị Bình.
Anh cho biết: trước đây gia đình ở quê cũng làm nông nhưng cuộc sống không ổn định, không nói là rất khó khăn. Năm 2001, gia đình khăn gói vào Sài Gòn lập nghiệp khi được người hàng xóm đã đi trước đó chỉ dẫn và giúp đỡ. Lúc đầu cũng chưa biết làm gì thì người hàng xóm tốt bụng đã dạy cho nghề trồng rau muống nước. Tôi mua một chân ruộng rau muống (10.000m2) ở Phường Thạnh Lộc, quận 12 để phát triển sản xuất. Sau 3 năm (2004) thì ruộng nhà bị giải tỏa, gia đình về Nhị Bình mướn 7.000 m2 để sản xuất rau muống từ đó đến nay.
Về chuyện sản xuất, anh nói: trước đây tôi làm theo kiểu truyền thống nông dân, làm theo kinh nghiệm, chỉ biết đến lợi nhuận, không biết đến quy trình sản xuất sao cho an toàn, phun xịt thuốc không đúng cách, sử dụng thuốc không nhãn mác…. mà không quan tâm đến sản phẩm có an toàn hay không. Từ năm 2016, được sự động viên của Khuyến nông, của UBND xã Nhị Bình, của Tổ trưởng Tổ dân phố Ấp 1, tôi hưởng ứng việc sản xuất rau muống theo quy trình VietGAP. Với lại bản thân cũng nhận thấy cách làm cũ nay đã bị nhiều người tiêu dùng tẩy chay nên tình nguyện tham gia. Lúc đầu tôi được hỗ trợ cho đi học kỹ thuật, đến nay đã 04 lần học với những nội dung xoay quanh về rau muống nước và vừa rồi thì đạt giấy chứng nhận VietGAP do cơ quan chuyên môn cấp. Ngoài ra, tôi còn được hỗ trợ một phần thuốc BVTV sinh học để sử dụng trên rau. Qua đó giúp chúng tôi nâng cao nhận thức trong sản xuất, đặc biệt là cách sử dụng thuốc BVTV, phân bón, ghi chép nhật ký đồng ruộng để tạo ra sản phẩm an toàn.
Ruộng rau muống nước VietGAP của Ông Cộng đang cho thu hoạch.
Anh chia sẻ, rau muống là cây ngắn ngày, khi áp dụng theo VietGAP phải có ghi chép đồng ruộng vào sổ nhật ký, đánh dấu những khu vực phun thuốc bằng biển báo để cách ly đủ ngày. Là loại rau ăn lá nên anh thường cắt rau vào buổi sáng sớm hoặc ban đêm để rau được tươi. Sau khi thu hoạch, rau muống được chuyển về địa điểm sơ chế, loại bỏ bớt lá già và xếp gọn trong các khay rồi vận chuyển đến nơi thu mua. Hiện mỗi ngày, gia đình anh thu hoạch khoảng 1 tấn rau muống, một phần bán cho HTX Mai Hoa (700kg/ngày) với giá ký hợp đồng 5.300 đồng/kg, một phần cho các thương lái ở chợ đầu mối Tân Xuân (1.000 bó/ngày, mỗi bó 300gram với giá 2.000 đồng/bó). Đến nay tôi sản xuất VietGAP đã 02 năm, giá mướn 7.000m2 đất là khoảng 35 triệu/năm. Một năm sản xuất được khoảng 14-15 đợt rau, mỗi đợt khoảng 1,6 – 1,7 tấn/1.000m2, sau khi trừ chi phí (cũng không nhiều vì rau muống là cây lưu gốc) nên lãi cao, thu khoảng 4 triệu/ngày.
Anh nói: Cái được lớn nhất mà khi nông dân tham gia trồng rau muống theo quy trình VietGAP trước tiên là sức khỏe người sản xuất được đảm bảo, bởi do làm đúng quy trình khuyến cáo không phun xịt phân thuốc bừa bãi, sau đó là an tâm sản phẩm của mình khi đến tay người tiêu dùng an toàn, không lo ngay ngáy như trước đây. Tôi nghĩ đây sẽ là hướng đi tất yếu khi nhu cầu người tiêu dùng ngày càng khắc khe về vệ sinh an toàn thực phẩm. Làm VietGAP cũng có khó khăn như lúc đầu không quen việc ghi chép sổ sách để theo dõi nhưng giờ thì ổn rồi và việc tiêu thụ sản phẩm rau muống VietGAP cũng còn khó khăn, chủ yếu tiêu thụ ở chợ đầu mối, chỉ khoảng 20% sản lượng được HTX, công ty thu mua; giá bán rau muống VietGAP cũng bằng, có khi thấp hơn rau thông thường nên người nông dân chưa an tâm để tiếp tục sản xuất. Tôi nghĩ các cấp ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn trong việc sản xuất theo VietGAP, mặt khác đẩy mạnh việc kết nối tiêu thụ rau ổn định cho bà con.
Sau 18 năm bén duyên với trồng rau muống nước kinh tế gia đình chúng tôi ổn định có nhà cửa khang trang, 500m2 đất ở Nhị Bình và mới mua thêm căn nhà 3 tấm hơn 2 tỷ ở Bình Dương. Không chỉ vậy, gia đình người con trai cả cũng theo nghề này với diện tích sản xuất hơn 1 ha và cũng có của ăn của để. Tôi rất vui, cuộc sống gia đình đổi đời đều nhờ vào nghề này. Ngoài làm giàu cho bản thân, ông còn hướng dẫn, vận động bàn con sản xuất rau muống trong vùng tham gia sản xuất theo VietGAP. Với những kết quả mang lại, Ông Cộng được bà con sản xuất rau muống tin tưởng bầu làm Tổ trưởng Tổ sản xuất rau Ấp 1.
Vân Tâm - (Phòng TTTT – Trung tâm Khuyến nông Tp.HCM)
Phát triển cây hồ tiêu, thách thức và triển vọng. Bài 1: Người trồng tiêu lao đao
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Niên vụ hồ tiêu 2018 - 2019 tiếp tục là một năm khó khăn đối với người trồng hồ tiêu ở Quảng Trị khi giá cả liên tục giảm và đang ở mức thấp kỉ lục trong khoảng 10 năm qua. Tiêu rớt giá, tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp khiến người dân lâm vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì nặng” đối với loại cây vốn một thời được ví như “vàng đen” này.
Nhiều diện tích hồ tiêu ở các địa phương đang trong tình trạng vàng lá
Chật vật đối phó với sâu bệnh và tiêu rớt giá
Tranh thủ kiểm tra vườn tiêu với phần lớn diện tích bị vàng lá, anh Nguyễn Ngọc Hải, Tổ trưởng Tổ trồng tiêu thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ ngậm ngùi nói: “Thời gian qua ảnh hưởng của nắng nóng, hạn hán kéo dài nên cây tiêu có hiện tượng héo, chết chậm, một số diện tích bị rệp sáp phá hoại làm ảnh hưởng đến kinh tế của người trồng tiêu. Giờ chúng tôi chỉ có cách chờ mưa xuống, tiến hành vệ sinh vườn tiêu và tiếp tục chăm cây cho vụ mới. Vụ vừa rồi gia đình tôi cố gắng huy động người thu hái được chừng nào thì đem phơi khô cất lại, chờ lúc nào tiêu lên giá thì bán chứ bán thời điểm này quá lỗ”. Xã Cam Chính hiện có hơn 164 ha hồ tiêu, trong đó diện tích tiêu kinh doanh hơn 146 ha.
Vụ tiêu năm nay, năng suất bình quân đạt 11 tạ/ha, tăng so với năm 2018 là 6 tạ/ha, sản lượng 160,82 tấn, tăng 88,72 tấn so với năm 2018. Năng suất cải thiện hơn năm ngoái, tuy nhiên tình hình sâu bệnh trên cây tiêu diễn biến phức tạp. Tại vườn tiêu tập trung 7,5 ha ở Cồn Trữa được trồng từ năm 2016, hầu hết diện tích cây bị bệnh tuyến trùng rễ gây hại, cây bị vàng lá. Để khắc phục và hạn chế bệnh lây lan gây hại, xã chuẩn bị triển khai cho người dân xử lí đồng loạt vườn tiêu bị bệnh bằng thuốc Nocaph. Gắn bó với cây tiêu hàng chục năm nay, ông Trần Văn Vinh, ở thôn Liêm Công Tây, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh không khỏi xót xa khi nhìn vườn tiêu bị vàng lá, rụng đốt do bệnh tuyến trùng hoành hành. Vườn tiêu của gia đình ông có khoảng 400 cây, trong đó lẫn cả tiêu cũ trồng từ trên 10 năm và số tiêu mới trồng khoảng 3 - 4 năm.
Ông Vinh cho biết: “Người trồng tiêu lao đao vì sâu bệnh gây hại liên tục, vào cuối năm ngoái thì đối phó với tình trạng cây tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm, năm nay thì hạn hán kéo dài, thiếu nước nên tiêu vàng lá hàng loạt. Đối với gia đình tôi, may ra còn có số tiêu mới 4 năm tuổi trồng theo mô hình của dự án hỗ trợ là còn phát triển tạm ổn, giờ cố gắng chăm sóc để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh. Giá tiêu xuống thấp khiến người trồng tiêu cũng lơ là chăm sóc vườn cây”. Tại xã Vĩnh Thành có hơn 123 ha diện tích hồ tiêu, trong đó diện tích cho thu hoạch là 87,8 ha. Để đối phó với tình hình hạn hán, một số hộ trồng tiêu chịu khó đào giếng để lấy nước tưới vườn cây, tuy nhiên phần lớn đều chăm sóc cầm chừng, thậm chí nhiều hộ còn bỏ bê việc thu hái bởi giá bán không bù được tiền công thuê người hái. Một cân hạt tiêu khô thời điểm hiện nay có giá dao động chỉ từ 45.000 - 48.000 đồng, trong khi đó, vào khoảng năm 2015, giá hồ tiêu đạt đỉnh điểm lên đến 230.000 đồng/kg tại vườn.
Nguyên nhân của tình trạng hồ tiêu liên tục rớt giá trong những năm gần đây được nhận định là do “cung” nhiều hơn “cầu”. Tình trạng này bắt nguồn từ việc diện tích trồng hồ tiêu cả nước phát triển vô cùng “nóng” trong giai đoạn từ năm 2013 - 2018, trong vòng 5 năm, diện tích hồ tiêu cả nước đã tăng gấp 3 lần so với trước đó.
Loay hoay với bài toán chất lượng
Theo đánh giá của giới chuyên môn, tiêu Quảng Trị nổi tiếng với hương vị thơm và cay, tuy nhiên việc áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế, dẫn đến năng suất và sản lượng còn khá thấp so với tiềm năng. Đơn cử, cùng một giống tiêu nhưng ở các vùng như Tây Nguyên, Bình Phước năng suất cao gấp 1,5-2 lần so với sản xuất tại Quảng Trị. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi để mở rộng phát triển diện tích hồ tiêu thì vẫn tồn tại không ít khó khăn đối với người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh.
Đối với chu kì sinh trưởng của cây tiêu, thời gian ra hoa và đậu trái thường vào cuối tháng 11, 12 hằng năm, thời gian này trùng với thời tiết mưa, rét nên khả năng đậu quả cũng bị hạn chế. Thời gian qua tình hình sâu bệnh thường xuyên xảy ra, các loại bệnh hại chủ yếu trên cây tiêu là bệnh tuyến trùng hại rễ, bệnh chết nhanh chết chậm (thối gốc rễ), thán thư, xoắn lá, rệp sáp… Trong đó nặng nhất là bệnh thối gốc, rễ do nấm phytopthra gây hại. Việc người dân phát triển diện tích hồ tiêu trong khi chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về khoa học kĩ thuật đã tạo điều kiện cho sâu bệnh gây hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng. Một khó khăn nữa là hiện tại, hầu hết các giống tiêu đang trồng là giống tiêu Vĩnh Linh, chất lượng cao, năng suất trung bình chiếm tỉ lệ 80%.
Tuy nhiên các giống tiêu đã tồn tại lâu trên địa bàn, không được phục tráng nên phần lớn đã bị thoái hóa. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, diện tích hồ tiêu đến thời điểm hiện nay là 1.305 ha, trong đó vườn tiêu già cỗi chiếm từ 30- 40%, năng suất thấp. Các vườn tiêu cũ không cải tạo được, cũng không thể phá bỏ để trồng mới vì việc cải tạo đất cần nhiều thời gian và chi phí lớn. Do vậy đối với những vườn tiêu cũ, tỉ lệ cây dễ bị nhiễm bệnh tương đối cao. Năm 2018, diện tích tiêu đưa vào kinh doanh trên địa bàn huyện Vĩnh Linh là 1.085 ha và sản lượng 727 tấn, giảm 653 tấn so với năm 2017, đạt 61,9% so kế hoạch do năng suất chỉ đạt 6,7 tạ/ha.
Hiện nay không riêng gì đối với Quảng Trị mà cả nước chưa có vườn ươm giống chuẩn, giống hiện tại chủ yếu được tuyển lựa qua quá trình canh tác của địa phương cho nên có hàng chục loại giống, lai tạp khác nhau, làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt tiêu. Mặt khác, việc quản lí các giống tiêu trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do người trồng tiêu quen với việc tự lấy giống tiêu trên các vườn tiêu cũ để trồng mới. Đối với những vườn tiêu trồng mới, người dân cũng đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ bởi thời điểm đầu tư thì giá hồ tiêu lên cao nhưng với giá như hiện nay không thể bù chi phí chăm sóc, thu hoạch chứ chưa nói đến chuyện có lãi.
Bà Lê Thị Thúy Kiều, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh chia sẻ thêm: “Phát triển bền vững cây hồ tiêu trên địa bàn huyện Vĩnh Linh nói riêng và các địa phương trong tỉnh nói chung vẫn còn nhiều rào cản, trong đó phải kể đến việc chưa xây dựng được nhiều mô hình sản xuất tiêu sạch, tiêu bền vững, đảm bảo chứng nhận VietGAP và GlobalGAP nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Bởi so với hồ tiêu trồng đại trà thì giá tiêu sạch luôn được bao tiêu ở mức cao hơn, nhiều nơi cá biệt cao hơn từ 2 - 3 lần. Nông dân cũng an tâm hơn về vấn đề đầu ra cho sản phẩm”.
Nhiều khó khăn mà ngành sản xuất hồ tiêu đang đối mặt đang đòi hỏi cần có những giải pháp vừa để hỗ trợ kịp thời người nông dân, vừa để duy trì sản xuất bền vững, nâng cao giá trị của sản phẩm hồ tiêu.
Thanh Trúc- Lê An
Phát triển cây hồ tiêu, thách thức và triển vọng. Bài 2: Hướng đến một nền sản xuất hồ tiêu bền vững
Nguồn tin: Báo Quảng Trị
Được thành lập từ tháng 6/2017 với 279 hộ nông dân trồng tiêu trên địa bàn 4 xã gồm Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa, Vĩnh Nam và Vĩnh Kim, hiện tổng diện tích trồng tiêu của Hợp tác xã sản xuất kinh doanh (HTX SXKD) Hồ tiêu Vĩnh Linh là hơn 500 ha.
Nhiều người trồng tiêu chọn giải pháp phơi khô tích trữ chờ tiêu lên giá mới bán
Tăng cường liên kết và sản xuất theo hướng hữu cơ
Ngay từ khi thành lập, HTX đã xác định mục tiêu là sẽ liên kết, hợp tác sản xuất hồ tiêu theo hướng sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với thị trường hướng đến không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu đến các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Mỹ… Trước mắt HTX đẩy mạnh cải tạo các vườn hồ tiêu của các xã viên theo hướng sạch, sử dụng phân xanh, phân chuồng ủ hoai, phân hữu cơ vi sinh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học để phòng trừ sâu bệnh, sản xuất theo đúng quy trình chuẩn để tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm hạt tiêu, hướng đến tạo ra dòng sản phẩm tiêu khô cao cấp, có chứng nhận an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Anh Nguyễn Tấn Thủy, thành viên của HTX cho biết: “Tham gia vào HTX, chúng tôi được hướng dẫn tận tình, cụ thể quy trình sản xuất tiêu sạch từ cách chăm sóc, bón phân đến phòng trừ sâu bệnh… nên cây tiêu phát triển rất tốt. Vụ thu hoạch tiêu năm nay với 1.000 gốc tiêu tôi thu được hơn 3,5 tấn tiêu hạt, năng suất bình quân mỗi gốc hơn 3,5 kg. Mặc dù giá hồ tiêu xuống thấp nhưng nhờ có sự hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời của HTX nên tôi vẫn có lãi. Chúng tôi cũng xác định giá tiêu tăng giảm theo chu kì nên hi vọng trong những vụ tới giá tiêu sẽ tăng trở lại”.
Vụ thu hoạch tiêu năm 2019 năng suất bình quân của HTX đạt từ 1,6 - 1,7 tấn/ha. Theo Giám đốc HTX SXKD Hồ tiêu Vĩnh Linh Lê Tấn Tửu, HTX hiện đang tích cực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm tiêu hạt thông qua các hội chợ, các đợt xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Năm 2018 cũng đánh dấu bước ngoặt quan trọng của ngành sản xuất hồ tiêu Quảng Trị khi có hơn 18 tấn tiêu hữu cơ của người dân xã Gio An, Gio Linh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài thông qua Công ty Organics More Co., Ltd. Tất cả số tiêu này được công ty thu mua với giá 78.000 đồng/ kg, cao hơn 18.000 - 20.000 đồng/kg so với giá thị trường tại cùng thời điểm, đáp ứng tiêu chuẩn EC834/2007 của châu Âu và tiêu chuẩn NOP USDA của Bộ Nông nghiệp Hoa Kì được thực hiện bởi tổ chức đánh giá độc lập Châu Âu Control Union. Gio An là địa phương có diện tích trồng hồ tiêu khá lớn, tuy nhiên do chủ yếu trồng theo cách truyền thống nên năng suất không cao, thường xuyên bị sâu bệnh gây hại.
Giữa năm 2016, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An Lê Phước Hiếu kết nối được với ông Hoàng Vũ Sơn, Giám đốc Công ty Organics More Co.,Ltd và mời ông trực tiếp ra tận nơi khảo sát năng suất và chất lượng hạt tiêu của địa phương. Sau khi khảo sát, Công ty Organics More Co.,Ltd và UBND xã Gio An đã tiến hành thực hiện thí điểm sản xuất và quản lí sản xuất tiêu theo phương pháp hữu cơ tại 134/900 hộ trồng hồ tiêu của xã với tổng diện tích 64 ha; sau khi đánh giá lại có 62,6 ha được đưa vào quản lí sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Anh Hiếu chia sẻ, để sản xuất tiêu hữu cơ, người trồng tiêu phải tuân thủ đúng quy trình mà phía công ty đưa ra. Theo đó, các hộ trồng hữu cơ được chia thành 3 nhóm gồm: Nhóm 1 là những hộ trồng tiêu có diện tích lớn, tập trung và cây tiêu phát triển tốt, năng suất cao; nhóm 2 là những hộ dân có diện tích và năng suất tiêu trung bình; nhóm 3 là các hộ dân có diện tích trồng tiêu ít nhưng có khả năng phát triển diện tích, năng suất tiêu trung bình. Tham gia sản xuất tiêu hữu cơ, các hộ dân được tập huấn, hướng dẫn việc tuân thủ tuyệt đối quy trình kĩ thuật như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, các chất biến đổi gen; không sử dụng dụng cụ, bình phun từ canh tác truyền thống cho canh tác hữu cơ...
Năm 2019, xã tiếp tục xúc tiến với phía đối tác để đưa hạt tiêu của địa phương “xuất ngoại” nhằm mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Tìm hướng phát triển hiệu quả cho cây hồ tiêu
Trong bối cảnh việc trồng, tiêu thụ hồ tiêu đang gặp nhiều khó khăn, các cơ quan chức năng của tỉnh đang thực hiện nhiều biện pháp để giúp người trồng tiêu vượt qua khó khăn, trong đó chú trọng vào việc cơ cấu lại diện tích canh tác, áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật và hướng đến sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Hữu Tâm cho biết, thời gian qua các cơ quan chuyên môn đã đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ kĩ thuật như mô hình quản lí dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây hồ tiêu; mô hình sử dụng chế phẩm sinh học chức năng MT1, SH1, Bồ đề 688X2, chế phẩm Tricoderma sp; người trồng tiêu ở các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh đã tự nghiên cứu, áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm, tự động cho cây tiêu kết hợp với bón phân; ngoài ra, một số giải pháp thiết kế vườn chắn gió bão, thoát nước mùa mưa đã được quan tâm. Đã có một số mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao như tưới tiết kiệm, sản xuất tiêu hữu cơ, ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ với tổng diện tích hơn 100 ha. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của các tổ chức, dự án và sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong công tác thu hoạch, sơ chế, bảo quản và quảng bá thương hiệu, sản phẩm tiêu đen, tiêu trắng, tiêu ngũ sắc Quảng Trị đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới và được ghi nhận về chất lượng tại Mỹ, châu Âu....
“Hiện nay, hồ tiêu Quảng Trị đang được thị trường Mỹ và các nước châu Âu, đặc biệt là Pháp đánh giá cao. Tỉnh Quảng Trị cũng đã hợp tác với Tập đoàn Noble House Spice (Mỹ) để xuất khẩu hồ tiêu sang thị trường Mỹ. Đánh giá hồ tiêu Quảng Trị, bà Heidi Kuhn, Giám đốc tổ chức ROP cho rằng, hồ tiêu Quảng Trị là loại tiêu tốt nhất thế giới. Như vậy có thể thấy tiềm năng phát triển của cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất lớn”, ông Tâm thông tin.
Tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 diện tích hồ tiêu đạt 2.500 - 2.700 ha, đến năm 2025 đạt 3.000 ha; năng suất đạt 2 - 2,5 tấn/ha, sản lượng từ 5.000 - 6.000 tấn. Để đảm bảo phát triển bền vững cây hồ tiêu trong giai đoạn tới, giảm thiểu rủi ro cho người sản xuất, cần quy hoạch lại vùng trồng, xác định những vùng thực sự phù hợp với cây hồ tiêu, với những vùng không đảm bảo, đặc biệt là vùng có mực nước ngầm cao dễ gây ra ngập úng trong mùa mưa thì không nên trồng cây hồ tiêu mà chuyển sang trồng các cây trồng khác.
Quy hoạch hệ thống thoát nước theo từng vùng để thuận lợi cho việc quản lí tình trạng úng nước vào mùa mưa, hạn chế lây lan dịch bệnh từ vườn này sang vườn khác thông qua đường nước. Chọn lựa, xây dựng các vườn đầu dòng có chất lượng nhằm cung ứng giống sạch bệnh đảm bảo cho trồng mới trên địa bàn tỉnh; thử nghiệm các giống tiêu mới để tuyển chọn các giống phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng tại địa phương, có chất lượng cao để đưa vào cơ cấu giống. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hữu cơ vào trồng cây hồ tiêu để tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tăng cường khuyến cáo sử dụng các chế phẩm sinh học, nấm đối kháng để quản lí dịch bệnh, nâng cao sức đề kháng cho cây; chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, không để tồn dư hóa chất độc hại trên sản phẩm. Huy động các nguồn lực, tập trung xây dựng chuỗi giá trị sản xuất hồ tiêu bền vững, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, sơ chế, chế biến sâu và tiêu thụ để phát huy tiềm năng lợi thế, nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho nông dân.
Thiết lập kênh thông tin thị trường vật tư phân bón và sản phẩm hồ tiêu để giúp nông dân chủ động hơn trong đầu tư sản xuất. Đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hồ tiêu Quảng Trị không chỉ trong nước mà mở rộng ra thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường tiềm năng.
Lê An - Thanh Trúc
Thử nghiệm sản xuất giống lúa chịu mặn
Nguồn tin: Báo Đồng Khởi
Ngày 20-8-2019, tại trại lúa giống xã Mỹ Nhơn (Ba Tri, tỉnh Bến Tre), Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao đồng bằng sông Cửu Long tổ chức hội thảo thử nghiệm sản xuất giống lúa chịu mặn tại Bến Tre.
Các đại biểu thăm đồng và đánh giá chất lượng lúa trình diễn.
Trong vụ Hè Thu 2019, Trung tâm Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh đã trình diễn 14 loại giống lúa, trên tổng diện tích 4.000m2. Ruộng trình diễn bố trí tuần tự, cấy theo băng, cấy 1 tép/bụi; đầu vụ phun thuốc cỏ tiền nảy mầm, sau cấy làm cỏ bằng tay. Giai đoạn 35 - 45 ngày tuổi bệnh vàng lá xuất hiện rải rác trên giống nhẹ từ cấp 1 đến cấp 3 (OM 20, OM 138, OM 359, Hatri 190, Hatri 170). Bệnh đạo ôn xuất hiện từ cấp 1 đến cấp 3 trên các giống: Hatri 170, OM 20, OM 108, OM 11735, Ha tri 194.
Qua thực tế đi thăm đồng, đại biểu nhận xét, các giống lúa mới lai tạo có khả năng chịu mặn, chịu gió, chịu phèn tốt, hạt to gồm 4 loại giống là OM 348, Hatri 190, 194 và MLA 1. Các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 95 - 100 ngày, cây cao 85 - 95cm thích hợp điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
Tại hội thảo, các diễn giả chia sẻ những đặc tính trội của giống lúa mới; trao đổi về khả năng ứng dụng giống lúa mới với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.
Được biết, thử nghiệm sản xuất và trình diễn giống lúa chịu mặn tại Bến Tre thuộc đề tài “Nghiên cứu tạo, chọn giống lúa chống chịu mặn thích nghi với biến đổi khí hậu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long” do GS.TS Nguyễn Thị Lang - Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao đồng bằng sông Cửu Long và TS. Bùi Hữu Thuận - Trường Đại học Cửu Long làm chủ đề tài. Các giống lúa mới đã trình diễn tại nhiều tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tin, ảnh: Ph.Hân
Triển vọng từ trồng cây dược liệu ở Hưng Yên
Nguồn tin: Báo Hưng Yên
Thời gian gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã chuyển đổi từ đất cấy lúa, trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao...
Xã Tân Quang (Văn Lâm) từ lâu nổi tiếng là vùng đất có truyền thống trồng các loại cây dược liệu. Hiện nay, cả xã có trên 56ha trồng cây dược liệu, tập trung ở thôn Nghĩa Trai, Tăng Bảo... Với lợi thế thổ nhưỡng phù hợp, người dân có kinh nghiệm, kiến thức nên những năm gần đây, diện tích cây dược liệu trên địa bàn xã ngày càng được mở rộng và tập trung vào những loại cây cho giá trị kinh tế cao như cúc chi, địa liền, hoắc hương, kinh giới, tía tô, mã đề...
Nông dân thu hoạch cây tía tô ở xã Tân Quang (Văn Lâm)
Dừng chân tại cánh đồng thôn Nghĩa Trai, mùi thơm của những loại cây dược liệu toả ra trong không khí khiến bất cứ ai đi qua đều cảm thấy dễ chịu và thích thú. Ông Nguyễn Văn Chính vừa khẩn trương thu hoạch các loại cây kinh giới, tía tô vừa cho biết: “Hiện nay, gia đình tôi có 7 sào ruộng chuyên canh cây dược liệu 2 vụ/năm. Đầu năm tôi thường trồng 3 sào cây kinh giới, tía tô đều là những loại cây trồng ngắn ngày, nhanh cho thu hoạch. Các bộ phận của cây như thân, lá, hoa đều có thể phơi khô, xuất bán, trung bình 1 sào trồng cây kinh giới cho thu từ 1,3 - 1,5 tạ khô; hoặc từ 2,5 - 3 tạ khô đối với tía tô. Năm nay, giá bán kinh giới, tía tô khô khá cao, khoảng 30.000 đồng/kg. Từ tháng 7 âm lịch, tôi trồng toàn bộ 7 sào cây cúc chi đến tháng 11 sẽ cho thu hoạch. Trung bình 1 sào có thể cho thu 80kg cúc chi thành phẩm bán với giá từ 400.000 - 800.000 đồng/kg. Từ 7 sào trồng cây dược liệu, mỗi năm gia đình tôi cho thu khoảng 200 triệu đồng”.
Không chỉ gia đình ông Chính, nghề trồng cây dược liệu đã làm giàu cho hàng trăm hộ dân trong xã Tân Quang. Theo tính toán của các hộ dân, trung bình 1 sào trồng dược liệu có thể cho thu lãi thấp nhất là 10 triệu đồng/năm, thậm chí lên đến 30 - 40 triệu đồng/năm...
Ông Đào Quang Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Hiện nay, huyện Văn Lâm có 120 - 130ha trồng cây dược liệu với các loại như: cúc chi, hoài sơn, ngưu tất, cốt khí, kinh giới, tía tô, đinh lăng... Những năm qua, huyện đã đầu tư hỗ trợ phát triển vùng sản xuất cây dược liệu tại nhiều xã trên địa bàn. Trong đó, các mô hình trồng cây dược liệu ở xã Tân Quang, trồng đinh lăng ở xã Việt Hưng, trồng lạc đen ở xã Minh Hải... đã bước đầu thành công và mở ra triển vọng mới. Thời gian tới, huyện tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu, đồng thời xây dựng mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Trên địa bàn huyện có Công ty TNHH Traphaco Hưng Yên, HTX sản xuất, dịch vụ tổng hợp Hoa Thiên Phú... chuyên thu mua dược liệu của người dân nên đầu ra rất ổn định.
Ông Nguyễn Duy Quý ở thôn Đoàn Thượng, xã Bảo Khê là một trong những người đầu tiên ở thành phố Hưng Yên trồng loại cây dược liệu cà gai leo. Từ 6 sào cà gai leo ban đầu, cuối năm 2017 ông đã thành lập HTX Đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Minh Châu chuyên sản xuất, chế biến cây dược liệu.
Ông Quý cho biết: Hiện nay, HTX đã trồng trên 10ha cây cà gai leo. Đây là loại cây có thời gian sinh trưởng ngắn, từ khi xuống giống đến khi thu hoạch lứa đầu chỉ mất khoảng 6 tháng. Các lứa tiếp theo thu hoạch cách nhau khoảng 4 tháng. Cây cà gai leo cũng rất dễ thu hoạch, khi đến kỳ, người trồng chỉ cần dùng máy cắt sát gốc, đem cả thân, cành, lá vào máy xén nhỏ và phơi khô là tiêu thụ được. Các gốc cà gai leo vừa được cắt chỉ cần chăm bón, tưới nước thì cây sẽ mọc lên rất nhanh. Mỗi cây cà gai leo cho thu hoạch trong vòng 4 - 5 năm, sau đó mới phải phá bỏ gốc để trồng mới lại.
Trung bình, 1 sào cà gai leo có thể cho thu hoạch 3,4 - 3,6 tạ khô/năm. Nếu xuất thô cho công ty dược liệu sẽ có giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Ngoài ra, HTX còn sản xuất trà túi lọc, cao cà gai leo. Sắp tới, HTX còn nghiên cứu sản xuất trà thực phẩm chức năng cà gai leo dạng viên nang... Mô hình này mỗi năm mang lại thu nhập khoảng 1 tỷ đồng cho HTX, trừ mọi chi phí cho thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng.
Không chỉ tạo nguồn dược liệu quý, HTX còn tạo việc làm cho 7 lao động thường xuyên và 12 - 15 lao động thời vụ với mức lương ổn định 3 - 4 triệu đồng/người/tháng…
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, toàn tỉnh có gần 850ha cây dược liệu, được trồng nhiều nhất ở các huyện: Khoái Châu, Văn Lâm, Kim Động... Với hiệu quả kinh tế vượt trội từ trồng cây dược liệu, nhiều hộ dân trong tỉnh đang muốn mở rộng sản xuất để tăng thu nhập, đưa các loại dược liệu trở thành cây trồng chủ lực của gia đình. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc tiêu thụ sản phẩm. Để giải bài toán đầu ra cho dược liệu, hiện một số địa phương đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Hương Giang
Không tái đàn lợn trong thời điểm dịch bệnh
Nguồn tin: Báo Hưng Yên
Đến ngày 16.8, toàn tỉnh Hưng Yên đã có 87 xã, phường, thị trấn công bố hết bệnh dịch tả lợn Châu Phi, đặc biệt, gần đây giá lợn hơi có xu hướng tăng, do vậy, nhiều hộ chăn nuôi đang có ý định tái đàn. Tuy nhiên, ngành chuyên môn khuyến cáo, người dân cần cẩn trọng, không nên tái đàn trong thời điểm hiện tại.
Sản lượng thịt lợn giảm khiến giá thịt lợn thời gian gần đây tăng mạnh
Ảnh: Quầy hàng kinh doanh thịt lợn tại chợ Phố Hiến (thành phố Hưng Yên)
Trong vòng hơn 6 tháng qua, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã ảnh hưởng lớn tới ngành chăn nuôi trong tỉnh. Tính đến nay, dịch bệnh đã xảy ra tại 775 thôn, 156 xã, phường, thị trấn của 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với số lượng lợn phải tiêu hủy là trên 188,6 nghìn con, tương đương với trọng lượng khoảng 10,7 nghìn tấn. Điều này đã khiến cho tổng đàn lợn của tỉnh 6 tháng đầu năm giảm, chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, việc người dân e ngại dịch bệnh, hạn chế sử dụng thịt lợn đã khiến giá lợn giảm mạnh, có thời điểm xuống chỉ còn 25-30 nghìn đồng/1kg, tương đương với mỗi kg lợn hơi xuất chuồng, người chăn nuôi bị thiệt hại từ 10 - 15 nghìn đồng.
Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, giá lợn hơi trung bình tại các địa phương đã nâng lên mặt bằng chung khoảng 45 - 50 nghìn đồng/kg. Nguyên nhân được cho là do số lượng lợn trong dân không còn nhiều, gây thiếu hụt nguồn cung, trong khi đó với sự vào cuộc tuyên truyền của các cấp, ngành, địa phương, người tiêu dùng đã tăng cường tiêu thụ thịt lợn trở lại. Theo dự báo của ngành chức năng, giá thịt lợn từ nay đến cuối năm nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng.
Từ tháng 7.2019 đến nay, số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy trên địa bàn tỉnh đã giảm hẳn, số lượng lợn tiêu hủy bình quân từ 80 – 100 con/ngày. Ông Trần Văn Hiển ở xã Nhân La (Kim Động) cho biết: Bệnh dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng tạm lắng, cùng giá lợn hơi phục hồi và duy trì ở mức cao, nên gia đình tôi đang có ý định tái đàn để phục vụ thị trường cuối năm. Tuy nhiên, cán bộ thú y xã khuyến cáo chưa nên tái đàn đến khi bệnh dịch hoàn toàn được khống chế.
Mong muốn tái đàn là tâm lý chung của nhiều người chăn nuôi thời điểm này. Tuy nhiên, trong thời điểm trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều xã, phường, thị trấn có bệnh dịch tả lợn Châu Phi, trong đó có một số địa phương sau khi đã khống chế dịch thành công nhưng nay dịch bệnh lại bùng phát trở lại, việc tái đàn lợn có thể sẽ khiến cho bệnh dịch tả lợn Châu Phi tái phát. Đồng chí Nguyễn Quang Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: Thời điểm tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay, người chăn nuôi có thể tạm thời chuyển hướng sang chăn nuôi các vật nuôi khác. Đặc biệt, không nên nôn nóng tái đàn lợn vào thời điểm này do mầm bệnh, nguồn virus của bệnh dịch tả lợn Châu Phi có khả năng sinh tồn cao, việc vận chuyển lợn từ nơi này sang nơi khác có thể dẫn tới nguy cơ tái phát ổ dịch nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt. Những trường hợp người dân tự ý tái đàn lợn khi chưa có sự cho phép của ngành chức năng và các địa phương sẽ bị xử lý vi phạm đồng thời khi lợn bị ốm, tái phát bệnh dịch tả lợn Châu Phi phải tiêu hủy sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh.
Trong thời điểm bệnh dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp như hiện nay, các ngành chức năng của tỉnh cần phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thống kê tổng đàn lợn hiện có. Tuyên truyền đến các hộ chủ trương, chính sách, các quy định của Nhà nước về kiểm dịch, chăn nuôi an toàn sinh học, phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, nghiêm cấm việc tái đàn lợn tại các xã, thị trấn đang xảy ra dịch bệnh. Tuyên truyền, vận động người chăn nuôi không nên tái đàn lợn trong giai đoạn hiện nay đối với các xã, thị trấn chưa xảy ra dịch.
Phạm Đăng
Không để bùng phát dịch cúm gia cầm
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Mới đây, trên địa bàn phường Long Hòa, quận Bình Thủy (Cần Thơ) vừa xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 trên đàn gà với hơn 1.500 con phải tiêu hủy. Ngay sau khi nhận được tin báo đàn gà tại một hộ chăn nuôi ở địa phương này bị cúm, chết, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với dịch cúm gia cầm A/H5N1. Sau đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ đã tiến hành tiêu hủy đàn gia cầm trên theo quy định, tổ chức tiêu độc sát trùng khu vực lân cận và tiêm phòng để ngừa dịch bệnh lây lan...
Đàn gà nuôi của hộ dân tại quận Bình Thủy được chăm sóc, tiêm phòng, bảo dưỡng tốt nhằm tránh bệnh cúm gia cầm xâm nhập.
Nguy cơ mới trên đàn gia cầm
TP Cần Thơ có tổng đàn gia cầm 1.899.530 con, trong đó đàn gà 562.360 con, phần còn lại chủ yếu là vịt. Bệnh cúm gia cầm A/H5N1 đã xuất hiện trên địa bàn TP Cần Thơ tạo nên nỗi lo cho ngành thú y cùng người chăn nuôi.
Anh Nguyễn Văn Hải, ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Hằng năm vào mùa này, thời tiết nắng nóng, mưa, lạnh xuất hiện bất thường nên dịch cúm gia cầm thường hay xảy ra. Do đó, nuôi gà vịt trong thời gian này phải hết sức cẩn trọng, phòng ngừa. Từ khi nghe thông tin ổ dịch cúm gia cầm xuất hiện ở quận Bình Thủy, bà con nuôi gà, vịt đều lo và có ý thức phòng ngừa. Gia đình tôi có trên 500 con gà, vịt nên trong mùa này tôi cảnh giác dịch bệnh rất cao và tiêm phòng, ngừa bệnh theo đúng hướng dẫn của ngành thú y địa phương”.
Hiện nay tình trạng mua bán gà, vịt dọc theo quốc lộ 91B, đoạn gần cầu Bà Bộ thuộc quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy vẫn còn diễn ra. Việc mua bán này rất có khả năng phát tán dịch cúm gia cầm, bởi gia cầm chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc... Bà Trần Thị Thanh, ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, cho biết: “Ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra và tiêu hủy gia cầm tại các điểm mua bán trái phép trong khu vực đô thị. Nhưng hiện nay nhiều người vẫn nuôi nhốt, bán gà, vịt tại khu vực gần cầu Bà Bộ, đồng thời gia cầm bày bán cũng không được ngành chức năng xác định nguồn gốc và chứng nhận là gia cầm sạch bệnh. Nếu người dân mua nhầm gia cầm bị bệnh về ăn thì hậu quả khó lường, có khả năng lây bệnh rất cao. Do đó, chúng tôi rất mong chính quyền địa phương, ngành chức năng quận Ninh Kiều, Bình Thủy và TP Cần Thơ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng mua bán gia cầm không đúng quy định, chưa qua kiểm dịch tại khu vực này, nhằm ngăn ngừa dịch cúm gia cầm có thể phát tán...”.
Nỗ lực ngăn chặn dịch bùng phát
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, ổ dịch xuất hiện cuối tháng 7 ở quận Bình Thủy đã được xử lý dứt điểm trong phạm vi bùng phát bệnh và các khu vực lân cận. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của cán bộ thú y thì hằng năm các vụ thu hoạch lúa, mùa nước nổi, người dân có thói quen nuôi vịt chạy đồng, nếu các đàn vịt được thả trôi nổi không kiểm soát sẽ là nguy cơ xảy ra các ổ dịch bệnh gia cầm bùng phát trên diện rộng… Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ cho biết, mặc dù ổ dịch gia cầm ở Bình Thủy đã được khống chế, nhưng ngành chăn nuôi và thú y thành phố không thể lơ là trong công tác giám sát, tích cực phòng chống dịch bệnh. Đối với đàn nuôi mới, đàn hết hạn miễn dịch trên địa bàn thành phố sẽ sớm được tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm. Mặt khác, tăng cường giám sát ổ dịch và vùng lân cận, theo dõi chặt tình hình chăn nuôi trên địa bàn…
Tại tất cả 9 quận, huyện TP Cần Thơ, công tác phòng chống dịch cúm gia cầm cũng được thực hiện thường xuyên và nghiêm túc. Khi có ổ dịch xảy ra, ngành thú y thông báo đến Sở Y tế, ngành nông nghiệp tại địa bàn xảy ra dịch bệnh và cùng phối hợp tiêu độc, sát trùng ổ dịch và khu vực xung quanh; tiêm phòng bao vây ổ dịch cho đàn gia cầm khỏe mạnh tại địa phương và các khu vực lân cận; giám sát tình hình dịch bệnh, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ… Bà Trần Thị Nhung Em, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Ngoài các hoạt động tiêm phòng vắc-xin ngăn ngừa dịch cúm trên đàn gia cầm, ngành nông nghiệp huyện Cờ Đỏ còn chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở giám sát tình hình chăn nuôi, dịch bệnh và báo cáo hằng ngày về Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện; hướng dẫn người dân vệ sinh, tiêu độc tại chuồng trại chăn nuôi, nhất là khi bệnh dịch tả heo châu Phi, bệnh cúm gia cầm xuất hiện trên địa bàn TP Cần Thơ…”.
Vịt chạy đồng có nguy cơ lây lan bệnh cúm rất cao nếu không được tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Để chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm và ngăn ngừa dịch bệnh lây sang người, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm gia cầm năm 2019 trên địa bàn thành phố. Đồng thời yêu cầu các đơn vị trực thuộc phối hợp các địa phương thực hiện nghiêm Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 19-2-2019 và Công văn số 2489/UBND-KT ngày 8-8-2019 của UBND thành phố về tập trung thực hiện công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Trong đó, tiếp tục rà soát, tổ chức tiêm phòng cho đàn gia cầm trên địa bàn thành phố theo Kế hoạch số 449/KH-SNN&PTNT ngày 21-2-2019 của Sở NN&PTNT; thực hiện tháng vệ sinh, phun thuốc sát trùng tiêu độc trước các thời điểm có nguy cơ cao phát sinh dịch cúm gia cầm ở quận, huyện (nơi có mật độ chăn nuôi cao, nơi có ổ dịch cũ...); hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi và tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng bảo vệ đàn vật nuôi; chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành mầm bệnh cúm gia cầm để cảnh báo cộng đồng và có cơ sở triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp giấu bệnh, không báo cáo kịp thời dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây hậu quả nghiêm trọng...
Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Kế hoạch này đã được triển khai đến tất cả các địa phương, ngành chuyên môn và sở cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được đề ra trong kế hoạch. Đây là hoạt động góp phần bảo vệ tốt đàn gia cầm, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra và ngăn chặn dịch cúm lây sang người…”.l
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thành phố khuyến cáo người dân khi phát hiện đàn gia cầm có biểu hiện bất thường cần báo ngay cho ngành chức năng để kịp thời xử lý, không giấu dịch. Địa phương chủ động giám sát dịch bệnh cúm gia cầm trên địa bàn, nhất là những khu vực từng xảy ra dịch bệnh, khu vực có nguy cơ cao nhằm ngăn chặn, xử lý dịch bệnh xuất hiện; phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y tiêm phòng bệnh cúm gia cầm, vệ sinh tiêu độc thử trùng môi trường chăn nuôi và hướng dẫn phòng chống dịch bệnh trên tất cả các hộ chăn nuôi gia cầm…
Bài, ảnh: HÀ VĂN
Hiếu Giang tổng hợp