Tin nông nghiệp ngày 24 tháng 9 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 24 tháng 9 năm 2019

Trồng rau, hoa dùng nhà kính: công nghệ cao hay hóa chất?

Nguồn tin:  Tuổi Trẻ

Một số nông dân ở Đà Lạt mới đây đã quyết định tháo dỡ toàn bộ nhà kính kiên cố đang trồng dâu tây với lý do: 'Không muốn canh tác kiểu hóa chất nữa'. Câu chuyện dỡ bỏ nhà kính đã tạo ra những cuộc tranh luận.

Người dân đi lại giữa khu nhà kính bát ngát thuộc làng hoa Thái Phiên (Đà Lạt) - Ảnh: MAI VINH

Ở Đà Lạt và vùng nông nghiệp lân cận, nơi nào có trồng rau, hoa thì nơi đó có nhà kính (màng nilông). Đến nay chỉ riêng Đà Lạt có hơn 5.000ha, nếu tính rộng ra các khu nông nghiệp lân cận thuộc vùng nông sản Đà Lạt thì có khoảng 10.000ha nhà kính.

Trồng rau, hoa gì cũng dựng nhà kính

Những vùng nông nghiệp có mật độ nhà kính lớn nhất là Phước Thành, Vạn Thành và Thái Phiên. Nếu đứng ở một quả đồi nào đó, có thể thấy nhà kính phủ trắng tại những khu vực này tạo thành một vành đai bao lấy vùng dân cư nằm ở trung tâm Đà Lạt.

Thái Phiên là nơi trồng hoa lớn nhất Đà Lạt. Gần như toàn bộ đất nông nghiệp ở đây đã phủ trắng nhà kính. Đi vào làng hoa Thái Phiên, sau khi đi qua khu vực nhà ở có từ trước kia, chúng tôi bị bao bọc tứ phía là nhà kính. Nhà kính dọc triền dốc, dọc suối Cam Ly và ken cứng tới mức nếu không phải người dân tại khu vực này khó mà biết được đường dẫn vào những khu nhà lồng này nằm ở đâu.

Bà Phạm Thị Nở là nông dân sống lâu năm ở làng hoa Thái Phiên. Đã quá quen không gian quánh đặc phân, thuốc nhưng bà vẫn phẩy tay liên tục trước mũi.

Bà nói: "Sống ở trong vùng toàn nhà kính mới thấy khổ thế nào. Tôi gần như chịu hết xiết rồi. Anh ngồi ở đây đi rồi thấy, hơi nóng cứ hầm hập phát ra kéo theo mùi phân, thuốc muốn ngợp thở. Chạy xe ra khỏi nhà khoảng 1km thì thấy đỡ hơn. Mưa nửa tiếng thôi là ngập tanh bành chỗ này".

Nhà kính áp sát đường ray xe lửa, di tích đường sắt Đà Lạt - Phan Rang - Ảnh: MAI VINH

Làng hoa Vạn Thành có lượng nhà kính ít hơn và cũng ít ngột ngạt hơn nhờ có khoảng thở được tạo ra bởi những vườn rau canh tác ngoài trời.

"Nhà kính mọc lên nhanh nhất trong 4 năm trở lại đây. Giá nhà kính rẻ nên ai trồng rau, hoa gì cũng dựng nhà kính. Có nhà kính thì không lo nắng mưa, rau và hoa có năng suất cao nhưng mấy năm nay ở đây trưa nóng hầm hập", ông Hồ Thanh Hoàng (50 tuổi, nông dân làng hoa Vạn Thành, phường 5) than thở.

Không có nhà kính, hoa không đủ chuẩn

Ông Hoàng cảm nhận được sự độc hại mà ông đối mặt mỗi ngày nhưng khi chúng tôi gợi ý dỡ bỏ nhà kính, ông lắc đầu: "Quen rồi. Với lại hoa bây giờ cần to đẹp kiểu công nghiệp, mình không trồng trong nhà kính thì không đủ chuẩn và không bán được cho ai".

Nếu như năm 2004 đến 2010, khi Đà Lạt bắt đầu sản xuất nông nghiệp có dùng nhà kính, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân chỉ đạt 70 triệu đồng/ha/năm thì đến năm 2019, giá trị này đã là 170 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Thanh Minh - tổng thư ký Hiệp hội Cây trồng Việt Nam - nhìn nhận người nông dân Đà Lạt có cuộc sống ổn định, nông sản Đà Lạt có chỗ đứng có công rất lớn của nhà kính trong 15 năm qua.

Ổn định, an toàn là lý do khiến mỗi khi khởi sự làm nông, người Đà Lạt nghĩ ngay đến việc đầu tư nhà kính. Ông Minh nói: "Gần như tất cả các loại cây đều trồng trong nhà kính". Ông Minh nhìn nhận sản xuất rau, hoa trong nhà kính thực chất là công nghiệp chứ không còn là nông nghiệp.

Ông nói: "Đã là công nghiệp thì tác động đến môi sinh không hề nhỏ. Do đó, phải quản lý hoạt động sản xuất nông nghiệp sử dụng nhà kính như quản lý công nghiệp. Những dự án 'công nghiệp nhà kính' phải có đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai".

Ông LÊ QUANG TRUNG (giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng)” “Nhà kính ồ ạt xây dựng như hiện nay ảnh hưởng xấu đáng kể đến không gian đô thị Đà Lạt. Nông nghiệp ứng dụng nhà kính không bền vững và phù hợp trong tiến trình tăng trưởng xanh và xây dựng đô thị xanh.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long - nguyên viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, là người đang thực hiện nghiên cứu về hệ sinh thái Đà Lạt và các vùng liên quan - cho biết ông và các cộng sự đã ghi nhận được nhiệt độ trung bình ở những khu vực nhiều nhà kính tăng lên 1 - 1,50C, biên độ nhiệt giãn thêm 30C. Sự thay đổi nhiệt độ này tác động lên khí hậu chung của Đà Lạt.

Những năm gần đây, hiện tượng ngập cục bộ ở các vùng nông nghiệp lớn, ở khu vực hạ lưu suối Cam Ly thường xuyên xuất hiện. Tiến sĩ Lâm Ngọc Tuấn (Đại học Đà Lạt) lý giải: "Có nguyên nhân rất lớn từ việc gia tăng ồ ạt diện tích sản xuất nông nghiệp trong nhà kính tại Đà Lạt, nhất là vùng nông nghiệp dọc hai bên suối Cam Ly.

Về lý thuyết thì những vùng đất có nhà kính hệ số thấm nước bằng không. Có nghĩa mưa đổ xuống thì rơi trên những tấm nilông và đổ ào ào ra suối. Nước không có thấm vô đất giọt nào hết.

Mưa to vậy nhưng bên trong nhà kính đất vẫn khô, kiểu như mình mặc áo mưa đi dưới trời mưa vậy. Lượng nước không thấm được đổ ra suối trong thời gian ngắn khiến nước dâng cao đột ngột tạo lũ với tốc độ chảy mạnh". 54% Là diện tích nông nghiệp của TP Đà Lạt đã phủ trắng nhà kính. (Số liệu từ Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng)

Ông Phan Thanh Sang (chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt): Rất cần nhà kính nhưng không phải nhà kính hiện nay. Ngành hoa của Đà Lạt rất cần nhà kính nhưng không phải loại nhà kính và cách sử dụng như hiện nay. Loại nhà kính như hiện tại không đúng tiêu chuẩn công nghệ cao, đa số chỉ là những lớp màng nilông có công dụng che mưa, chắn côn trùng và quanh năm phủ trên đất thành một không gian kín, nóng… Trong khi đó, nhà kính công nghệ cao phải có những thiết bị đi kèm như cảm biến nhiệt độ, độ ẩm và có thể mở đóng tương thích với thời tiết và sự phát triển của cây trồng. Loại nhà kính đúng chuẩn như thế này không gây nhiều tác động tiêu cực như đa số nhà kính đang sử dụng ở Đà Lạt. Ngoài ra, nông dân Đà Lạt đang sử dụng nhà kính tràn lan, mật độ quá lớn khiến những tác động tiêu cực bộc lộ rõ ràng. Cần mau chóng có quy chuẩn về nhà kính, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước thì phải có quy hoạch, tránh để hoạt động nông nghiệp có sử dụng nhà kính làm hỏng cảnh quan Đà Lạt và xung đột lợi ích với ngành du lịch.

Ông Nguyễn Hồng Sơn (giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam): Cần có giải pháp công nghệ. Việc lựa chọn hệ thống canh tác trong nhà lưới, nhà kính hay sản xuất ngoài trời phụ thuộc vào đối tượng cây trồng, điều kiện đất đai, thời tiết, khí hậu của từng vùng và mục đích của hoạt động sản xuất, khả năng đầu tư của người dân. Xu hướng phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao ở hầu hết các nước đều gắn với nhà kính, nhà lưới. Tuy nhiên, cần có giải pháp công nghệ và quy mô ứng dụng phù hợp để vừa phát triển sản xuất, vừa bảo vệ môi trường. Mô hình canh tác trong nhà lưới, nhà kính đã được phổ biến, nhân rộng ở nhiều địa phương nhưng có những vùng, những cây trồng phù hợp và cũng có những nơi không phù hợp. Do đó, nông dân cần có đầy đủ thông tin, kiến thức và kinh nghiệm để lựa chọn hình thức canh tác phù hợp cho mình, chứ không phải dễ dàng chạy theo phong trào hay tẩy chay nhà lưới, nhà kính.

Ông Trần Đăng Khoa (giám đốc Công ty nông nghiệp Khánh Linh): Không phải mọi loại cây trồng đều cần đưa vào nhà kính. Nhiều nơi người ta làm nhà lưới, nhà kính chủ yếu để che mưa và ngăn côn trùng. Trong khi nhà kính là tạo ra một không gian mà ở đó con người có thể kiểm soát được các yếu tố về môi trường như độ ẩm, nhiệt độ, gió, nồng độ khí CO2, phân bón... để tự động điều chỉnh theo yêu cầu cây trồng như phun sương, quạt gió, bón phân, phun khí CO2... Phải áp dụng tới mức đó thì mới đem lại hiệu quả cao cho nông nghiệp. Để đầu tư được hệ thống như vậy tại Việt Nam phải cần vốn 500-700 triệu đồng/1.000m2, trong khi mức đầu tư nhà kính của Việt Nam chỉ dao động khoảng 200 triệu đồng/1.000m2 thì không thể có nông nghiệp công nghệ cao đúng nghĩa. Vì vậy, không nhất thiết phải trồng trong nhà kính mới đem lại hiệu quả mà cần phải xem xét đến hiệu quả kinh tế của từng loại cây trồng. Nếu đã xác định làm nông nghiệp công nghệ cao thì đầu tư bài bản, không thì có thể trồng ngoài trời để tránh lãng phí không cần thiết. (M.VINH - C.TUỆ - T.MẠNH ghi)

Lâm Đồng không còn khuyến khích dựng nhà kính

Ông Nguyễn Văn Sơn - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng - cho biết nhà kính mang lại nhiều lợi ích, nhưng cái chưa được là cơ quan chức năng đã không quản lý để xuất hiện những tác động tiêu cực.

"Hiện nay tỉnh Lâm Đồng không khuyến khích mở rộng nhà kính, bắt đầu có những chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thân thiện môi trường và kết hợp với du lịch.

Chúng tôi cũng đã có kế hoạch khắc phục những tác động tiêu cực do những vùng nông nghiệp dùng nhà kính mật độ cao gây ra như trồng cây xen với nhà kính, làm hồ dự trữ nước nội vùng (nhằm tăng hệ số thấm), giãn các khu nhà kính ra xa khu vực ao hồ, sông suối. Sắp tới ngành sẽ có kiến nghị quy hoạch toàn diện vùng nông nghiệp có nhà kính..." - ông Sơn nói.

MAI VINH

Tháo gỡ khó khăn cho các vùng rau an toàn

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Thời gian qua, năng suất, chất lượng và sản lượng rau an toàn của Hà Nội đã tăng rõ rệt. Tuy nhiên, do sản xuất còn manh mún đã gây khó khăn trong công tác quản lý đầu vào và chất lượng sản phẩm; nông dân cũng gặp khó trong khâu tiêu thụ sản phẩm, giá thành chưa tương xứng với chi phí sản xuất...

Các vùng rau an toàn đang gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ. Ảnh: Quỳnh Dung

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, hiện nay toàn thành phố có hơn 5.000ha rau an toàn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hơn 300ha rau đạt tiêu chuẩn VietGAP và hàng trăm héc ta trồng rau hữu cơ. Hiệu quả kinh tế từ trồng rau an toàn trung bình đạt 400-600 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với cấy lúa. Ở các vùng trồng được che phủ ni lông, trồng trong nhà lưới hoặc trồng rau trái vụ có giá trị sản xuất đạt 1 tỷ đồng/ha/năm, cao hơn trồng rau theo phương pháp truyền thống 10-20%.

Để quản lý chất lượng rau an toàn, hằng năm, Chi cục đều mở lớp tập huấn nâng cao trình độ cho người dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc sinh học. Đến nay, tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học đạt khoảng 60%. Ngoài ra, mỗi năm, Chi cục đều lấy 300-1.000 mẫu rau xét nghiệm, kết quả, chỉ có khoảng 1-2% mẫu vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất rau an toàn còn gặp một số khó khăn. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết: Mặc dù thành phố có chính sách đầu tư hạ tầng cho các vùng rau an toàn tập trung nhưng chưa phát huy hiệu quả sau đầu tư; quản lý sản xuất rau an toàn còn bất cập do số hộ trồng rau xanh quá lớn (hơn 200.000 hộ). Ngoài ra, trên địa bàn thành phố vẫn còn khoảng 7.000ha rau chưa được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Không chỉ khó khăn ở khâu sản xuất, đầu ra cho sản phẩm cũng còn gian nan. Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Hà cho hay: Toàn huyện có tổng diện tích sản xuất 2.700ha, trong đó, 800ha sản xuất rau an toàn tập trung ở các xã: Vân Nội, Tiên Dương, Nam Hồng, Bắc Hồng… với sản lượng 20.000 tấn rau an toàn/năm. Tuy nhiên, người dân mới tiêu thụ được khoảng 30% tại các cửa hàng, siêu thị, bếp ăn tập thể… Số còn lại bán qua thương lái hoặc chợ đầu mối với giá như rau thường.

Mặc dù còn những khó khăn nhất định, nhưng thành phố vẫn đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, duy trì 5.100ha trồng rau an toàn, hiệu quả kinh tế đạt từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm; đồng thời, phát triển thêm 3.000-4.000ha rau được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; bảo đảm 100% sản phẩm rau xanh được truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm... Để đạt mục tiêu này, theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, thời gian tới, Chi cục tiếp tục chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh theo hướng giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như: Che phủ ni lông, nhà lưới trồng rau trái vụ, sử dụng bẫy dẫn dụ côn trùng; phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn truy xuất nguồn gốc đến từng hộ gắn với hệ thống bảo đảm có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh và người tiêu dùng. Ngoài ra, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm; tuyên truyền vận động người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng đúng cách, đúng thời gian cách ly để sản phẩm bảo đảm chất lượng khi đưa ra thị trường.

Ở góc độ của người sản xuất, theo ông Hoàng Văn Khảm, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Rau, quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), để các vùng rau an toàn phát triển ổn định, các sở, ngành tham mưu cho thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội như: Chợ đầu mối, chợ bán buôn, chợ bán lẻ, bố trí điểm bán hàng, hỗ trợ tiền thuê cửa hàng rau an toàn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân… nhằm đẩy mạnh khâu tiêu thụ.

NGỌC QUỲNH

Nông dân Hưng Yên trồng nấm sạch: ‘Một vốn, bốn lời’

Nguồn tin: Báo Hưng Yên

Những năm gần đây, nhờ tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có như mùn cưa, rơm, rạ… nhiều địa phương trong tỉnh phát triển mô hình trồng nấm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn.

Anh Nguyễn Văn Tổng ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) đang thu hoạch nấm sò

Dẫn chúng tôi tham quan khu lán trại trồng nấm sạch ngay trên thửa đất của gia đình, anh Nguyễn Văn Tổng ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) cho biết, hiện cơ sở sản xuất của anh có 4 lán sản xuất với sức chứa 7.000 bịch nấm các loại, mỗi năm cung cấp ra thị trường 8 tấn nấm sò, 4 tạ nấm linh chi khô… Với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg nấm sò, 500.000 đồng/kg nấm linh chi, mỗi năm mang lại cho gia đình thu nhập khoảng 300 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí.

Anh Tổng chia sẻ: “Ðể chất lượng nấm đạt tiêu chuẩn, các khâu sản xuất phải được tiến hành theo quy trình khép kín và “sạch từ đầu vào cho tới đầu ra”. Mỗi bịch nấm được làm từ bông tự nhiên và mùn cưa, nước sử dụng để tưới nấm là nước tinh khiết, có thể uống được. Tất cả các nguyên liệu đều được chọn lọc, vệ sinh kỹ càng, không sử dụng thuốc trừ sâu, chất bảo quản hay bị tác động bằng hóa học. Ngoài ra, người trồng nấm phải thường xuyên trông coi để lán trại tuyệt đối không có côn trùng, đồng thời không bị ảnh hưởng bởi tác động từ các yếu tố thời tiết, nhiệt độ...”.

Nhận thấy địa phương có những điều kiện tự nhiên phù hợp với nghề trồng nấm, năm 2010, ông Nguyễn Quốc Chữ ở thị trấn Vương (Tiên Lữ) đầu tư trồng 2.000 bịch nấm mộc nhĩ, kết quả có lãi. Dần dần, ông mở rộng diện tích lên 1ha, trồng các loại nấm mộc nhĩ, nấm hoàng đế, nấm sò, nấm rơm, nấm linh chi… Đầu năm 2018, ông Chữ quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) nấm Thành Yên xã Trung Dũng (Tiên Lữ) gồm 13 thành viên.

Mô hình trồng nấm của gia đình ông Nguyễn Quốc Chữ (Tiên Lữ)

Tuy HTX mới đi vào sản xuất thời gian không lâu nhưng hiệu quả kinh tế đã rất rõ rệt. Trung bình một năm, HTX cung cấp ra thị trường 15 tấn mộc nhĩ, 10 tấn nấm sò, 5 tấn nấm hoàng đế, 1,5 tấn nấm linh chi khô, 10 tấn nấm mỡ, nấm rơm… Giá bán các loại nấm dao động từ 30.000 đồng - 800.000 đồng/kg. Bên cạnh sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, HTX còn cung cấp giống nấm cho nhiều trại nấm trong tỉnh và các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Hải Phòng...

Hiện nay, HTX nấm Thành Yên xã Trung Dũng còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập 120.000 đồng/ngày, góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.

Anh Đoàn Ngọc Hảo, thành viên HTX nấm Thành Yên chia sẻ: Trồng nấm cho thu lợi nhuận gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa bởi nấm là cây dễ tính, ít sâu bệnh và không đòi hỏi nhiều công sức chăm sóc, vốn đầu tư không cao, thời gian sản xuất rất ngắn, nhanh cho thu hoạch nên thường xuyên quay vòng vốn. Điều đặc biệt là trồng nấm có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu rất phong phú ở vùng nông thôn, đó là rơm, rạ và mùn cưa. Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ nấm rất rộng. Nấm sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó, thậm chí có thời điểm “cháy hàng”.

Để phát triển các mô hình trồng nấm, trong năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hưng Yên tiếp tục triển khai thêm 2 mô hình: trồng nấm mộc nhĩ ở xã Phú Thịnh (Kim Động) và trồng nấm sò ở xã Lạc Đạo (Văn Lâm) với quy mô 75 tấn nguyên liệu/mô hình. Các hộ tham gia mô hình đều được hỗ trợ 50% giống, 50% vật tư phục vụ trồng nấm.

Ông Nguyên Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Những năm gần đây, các mô hình trồng nấm hiệu quả trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều, bước đầu có những mô hình đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, mở ra hướng làm giàu cho nhiều địa phương, tạo việc làm cho nhiều lao động. Để nghề nấm phát triển bền vững, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị dinh dưỡng của nấm, đồng thời khuyến khích các hộ mạnh dạn đầu tư sản xuất và liên kết với nhau. Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên sẽ tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn về kĩ thuật sản xuất nấm để giới thiệu tới người dân về nghề trồng nấm…

Dương Miền

Bình Thuận: Phổ biến kiến thức ‘Kinh nghiệm chăm sóc thanh long trái vụ’

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Ngày 20/9, tại xã Hồng Thái (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận), Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật đã tổ chức hội thảo phổ biến kiến thức “Kinh nghiệm chăm sóc thanh long trái vụ” cho các hộ dân trồng thanh long trên địa bàn xã Hồng Thái.

Tại hội thảo, nông dân được các đơn vị, doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón, tưới nước, chăm sóc thanh long; phổ biến một số kiến thức về quản lý, kỹ thuật chăm sóc thanh long trái vụ. Ngoài ra, trao đổi, thảo luận kinh nghiệm chăm sóc thanh long trái vụ từ thực tiễn sản xuất.

Cụ thể, theo chia sẻ của kỹ sư Trần Minh Tân- Nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, kinh nghiệm cho một vụ điện thanh long thành công là: ở lứa điện đầu tiên, nên chong thời gian vừa đủ, không nên thắp quá dài và không cần phải chú ý đến thời tiết khí hậu nhiều. Khi mắc bóng và dây điện, theo hướng vuông góc với mặt trời để nụ ra đều quanh trụ. Từ pha chong đèn lần 2 trở đi, phải chú ý đến thời tiết. Đồng thời, kiểm tra độ sáng và an toàn của bóng điện. Lưu ý đặc biệt là phải có kế hoạch lấy được 2 lứa chồi vào tháng 10 và tháng 1 âm lịch để cho mùa điện năm sau…

K.Hằng

Giá bò tăng cao

Nguồn tin: VnExpress

Giá bò hơi trong nước tăng 10-30%, còn bò nhập khẩu cũng tăng 5-10%.

Dịch tả heo châu Phi hoành hành tại 63 tỉnh thành khiến người tiêu dùng giảm sử dụng thịt heo, chuyển sang bò, gà. Do đó, giá bò hơi nhập khẩu và trong nước đồng loạt tăng cao.

Tại các tỉnh Bến Tre, An Giang giá bò hơi đang ở mức 78.000 - 85.000 đồng một kg, tăng 10 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái (60.000 - 65.000 đồng)

Ông Châu, người nuôi bò ở An Giang cho biết, nếu năm trước giá bò hơi chỉ ở mức 60.000 đồng một kg thì nay được thương lái tăng thu mua với giá 78.000 - 85.000 đồng. Đây cũng là mức giá cao nhất trong 5 năm qua. Theo ông Châu, thông thường với mức giá hơi 70.000 đồng một kg, mỗi con bò nông dân đã có lãi vài triệu đồng sau một năm nuôi.

Cũng cho biết bán 8 con bò cho lãi hơn 100 triệu đồng, ông Hiền ở Bến Tre đang tăng đàn để bán trong thời gian tới. Ông Hiền cũng cho biết, trước đây, nuôi bò lãi không cao nhưng nay với mức giá này thì nông dân có hiệu quả kinh tế.

"Hiện nay, số lượng người nuôi giảm mạnh qua các năm nên bò càng trở nên khan hiếm. Dự báo giá còn tăng khi lượng tiêu thụ thịt bò cao", ông Hiền nói và cho hay, nguyên nhân khiến giá bò hơi tăng là vì nguồn cung ít trong khi nhu cầu thay thế thịt heo tăng cao. Mặt khác, các đơn vị nhập khẩu thịt bò nguyên con từ Australia giảm do giá bò tăng 5-10% trong 6 tháng đầu năm.

Ông Trương Kiến Thọ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang cho biết, hiện nhiều hộ nuôi bò ở các huyện: Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Châu Thành cũng phấn khởi vì bò hơi đang được thương lái mua giá cao. Thương lái tìm đến chuồng mua với giá từ 78.000 đến 85.000 đồng một kg.

"Tính đến tháng 6, An Giang có 22.355 hộ nuôi bò, với 70.100 con. Hiện, không chỉ giá bò hơi tăng mà bò giống cũng lên ở mức 100.000 đồng một kg", ông Thọ nói và cho rằng, dù mức giá bò hơi đang tăng cao, tuy nhiên, nông dân nên tính toán kỹ khi tái đàn. Vì nếu nuôi ồ ạt nguy cơ giá sẽ giảm mạnh.

Không chỉ giá bò hơi trong nước tăng cao, giá bò nhập khẩu nguyên con từ nước ngoài cũng tăng 5-10%.

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản cho biết, 8 tháng đầu năm lượng bò Australia của công ty giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do giá nhập khẩu tăng. Hiện giá bò hơi Australia được công ty ông nhập về ở mức 72.000 - 75.000 đồng một kg, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Phú cũng cho rằng, vì giá sản phẩm thịt bò nhập khẩu tăng nên bò hơi trong nước cũng tăng theo. Tuy nhiên, theo ông, chăn nuôi bò ở Việt Nam còn nhỏ lẻ và manh mún, chất lượng thiếu ổn định nên đầu ra cũng biến động thất thường. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến giá cả sản phẩm chăn nuôi.

Thi Hà

Nuôi heo đang gặp ‘bão’

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế

Nếu ai nhìn thấy con đường bê tông mới cứng, to đẹp vắt qua những tán rừng keo tràm vùng cát Quảng Vinh (Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) hẳn sẽ nghĩ đến sự đổi thay. Nhưng giữa khung cảnh tưởng chừng tươi mới ấy, những con người hàng ngày vẫn đang vật vã với việc tìm lối đi cho sản phẩm chăn nuôi.

Vì con heo nhiều người dân ở Quảng Vinh rơi vào cảnh nợ nần

“Lên... heo, xuống cũng... heo”

Nhằm đánh thức tiềm năng của vùng cát nội đồng có diện tích áng chừng 3.000 ha phân bổ ở 3 xã Quảng Thái, Quảng Lợi và Quảng Vinh, huyện Quảng Điền có chủ trương phát triển kinh tế trang trại trên số diện tích này. Dẫn số liệu từ năm 2015 để thấy rằng chủ trương này đã thành công. Thời điểm đó, trong tổng số 83 trang trại có đến 28 trang trại có giá trị sản lượng hàng hóa từ 500 triệu – 1 tỷ đồng/năm. Và mật độ trang trại rú cát tại Quảng Vinh chiếm phần lớn.

Tại Quảng Vinh, người ta nói nhiều đến con heo và những trang trại tiền tỷ. Năm 2015 trở về trước, nuôi heo như là xu hướng chủ lực của những trang trại đứng chân ở vùng rú cát này. Họ bắt đầu cuộc làm ăn với hàng tỉ đồng đổ vào vùng rú với ước mong “biến cát thành tiền”. Nhiều chủ trang trại đã thành công sau đó trong sự thèm muốn của các hộ dân khác xen lẫn niềm tự hào của chính quyền địa phương. Và rồi những trang trại khác tại Quảng Lợi, Quảng Thái mọc lên nhân rộng những mô hình. “Thành công chứ, đặc biệt là chăn nuôi heo. Nhờ con heo, nhiều người tậu nhà to, mua ô tô đẹp”, ông Hồ Tịnh Ân, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Vinh nói.

Những trảng cát tưởng chừng phỏng chân người trở thành khu trang trại ăn nên làm ra. Từ chăn nuôi heo nái, heo thịt theo phương pháp công nghiệp đến nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, tất cả hầu như thành công. Những cái tên như: Nguyễn Thuận, Trần Vĩnh Cườm, Ái Hiệp… xuất hiện nhiều trên những trang báo là điển hình của nông dân sản xuất giỏi, biết chớp thời cơ, đầu tư đúng hướng.

Vì thua lỗ, một gia trại chăn nuôi tại rú cát Quảng Vinh phải “bỏ của chạy lấy người”

Bây giờ, vẫn những con người ấy tiếp tục “cuộc chơi”. Nhưng hôm nay, rú cát Quảnng Vinh đang một màu bạc thếch, dài hun hút; keo tràm khô cháy giữa thiên nhiên khắc nghiệt, người nuôi heo đang loay hoay, quẫn trí. “Ít lắm anh ơi, người nuôi chừ như bỏ heo luôn rồi. Trước đây, dọc theo con đường này hàng chục chiếc xe tải thu mua heo qua lại nhưng chừ hung lắm ngày một chuyến”, bà bán nước ven đường thở dài, cùng với đó những nhu yếu phẩm, vật dụng phục vụ chăn nuôi bà bày bán cũng phủ một màu bụi mù.

Rất dễ nhận thấy những trang trại, gia trại ở rú cát Quảng Vinh không một bóng người, những tấm bạt rách bươm cùng cánh cổng gỉ sắt. Đường sá thông thương, chỉ có điều thời con heo đang xuống, người nuôi “bỏ của chạy lấy người”.

Ông Trần Thuận dù nhẵn mặt với cánh nhà báo nhưng giờ lại ngại tiếp xúc. Sự ngại ngùng không phải vì sợ lây lan dịch bệnh trên bước chân người mà ngại vì sợ bị hỏi về… con heo. “Anh hỏi cọng lông heo có còn trong chuồng không thì hợp lý hơn về quy mô tổng đàn”, ông cười buồn, rồi hồi ức về năm tháng hoàng kim của những chủ trang trại. Chính con heo giúp họ vươn tới giấc mơ làm giàu, và cũng vì heo đẩy họ rơi vào cảnh nợ nần.

“Ngoài những công ty lớn, từ năm 2016 đến nay, trang trại của những người nuôi heo tại đây liên tục thua lỗ, có người bán nhà, bán xe tái đầu từ vẫn không gỡ được. Thị trường bấp bênh, giá thịt sụt giảm; dịch bệnh liên miên khiến người nuôi điêu đứng. Lứa này lỗ tái đàn lứa khác vẫn lỗ, cụt vốn đầu tư thì chỉ còn cách bỏ luôn con heo. Tôi không cần kể tên, anh cứ dạo một vòng vùng rú cát này sẽ thấy trang trại bỏ hoang rất nhiều”, ông Thuận lý giải.

Thông tin từ Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Vinh Hồ Tịnh Ân cho thấy, có lẽ sẽ rất lâu nữa vùng rú cát Quảng Vinh mới trở lại thuở ban đầu. “Tổng đàn bây giờ giảm đến 80%. Vì dịch bệnh các giống heo nái bị thải loại, đực giống cũng chết. Người nuôi cũng không có vốn đầu tư dẫn đến nhiều trang trại bỏ hoang”, ông Ân cho biết.

Nhiều trang trại không một bóng người

Phải liên kết sản xuất và ứng dụng công nghệ

Trang trại bỏ hoang, người nuôi đứt vốn nhưng những khoản nợ ngân hàng thì vẫn còn đó, chỉ một cái nhẩm tính sơ sơ của Phó Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện Quảng Điền Phan Văn Lự khiến ai cũng phải giật mình.

“Muốn đầu tư một gia trại 100 con heo thịt thì riêng tiền chuồng trại từ 2 - 3 triệu đồng/con. Nuôi đến lúc xuất chuồng mất 350 triệu đồng tiền thức ăn/100 con, chưa kể tiền thuốc men, nhân công chăm sóc. Như vậy, mỗi lứa heo 100 con mất phải đầu tư gần 500 triệu đồng. Thất bát một lứa còn dễ xoay xở, chứ 2 lứa trở lên mà thua lỗ thì e có nước bán nhà trả nợ”, ông Lự nói.

Về vùng rú cát Quảng Vinh thời điểm này, câu chuyện những khoản nợ ngân hàng chồng chất, ít thì trăm triệu đồng, nhiều lên đến tiền tỉ khiến ai cũng phải ngậm ngùi. Khoảng 3 năm trước, ông H.C. là một trong những hộ dân dốc hết vốn liếng đầu tư vào con heo, ông bỏ ra 2 tỷ đồng để đầu tư chuồng trại, 60 con heo nái ngoại. Năm 2017, chăn nuôi thua lỗ ông vẫn tiếp tục tái đàn. Năm 2018, thịt heo trượt giá. Năm 2019 dịch tả heo châu Phi bùng phát khiến ông C. trắng tay. “Nợ ngân hàng bây giờ chưa trả được. Chăn nuôi heo đang xuống dốc tui chuyển sang đầu tư nuôi gà nhưng xoay xở nguồn vốn rất khó khăn”, ông C. thở dài.

Hiện nay, ngoài trang trại chăn nuôi quy mô lớn của Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, toàn xã Quảng Vinh có khoảng 30 trang trại, gia trại của các hộ dân nhưng hình như có hộ nào cũng nợ.

“Muốn nuôi heo quy mô lớn phải vay ngân hàng, nếu thuận lợi với cái đà phát triển bình thường vài năm họ sẽ trả được nợ, nhưng không ngờ vài năm trở lại đây gặp khó khăn nên người nuôi trở thành con nợ. Có những hộ may mắn áp dụng mô hình chăn nuôi tổng hợp, con heo không phải chủ lực thì ít lỗ. Bây giờ, một số hộ vẫn duy trì đàn heo nhưng phập phồng như ngồi trên đống lửa. Ngân hàng cần khoanh nợ, không tính lãi suất, nếu không thì các trang trại sẽ phá sản”, ông Hồ Tịnh Ân chia sẻ.

Thị trường bấp bênh, dịch bệnh lây lan khiến người nuôi điêu đứng. Cơ quan chức năng đang có những biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người nuôi thay đổi tư duy sản xuất bằng những phương pháp mới, áp dụng công nghệ, hạn chế tái đàn trong mùa dịch bệnh, nhưng nói như ông Phan Văn Lự, nuôi heo giờ như canh bạc với trời. Lúc trượt giá nếu khuyến cáo người dân hạn chế thả nuôi đến lúc tăng giá dân không có heo để bán lại “khó ăn khó nói”.

Theo ông Lự, không chỉ riêng vùng rú cát Quảng Vinh, tại Quảng Điền, kinh tế trang trại vẫn là hướng đầu tư mũi nhọn, chỉ có điều quy trình chăn nuôi sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn, định hướng cho người dân liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đảm bảo đầu ra, ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi để hạn chế dịch bệnh. “Toàn huyện đã có 3 hộ dân liên kết sản xuất với Công ty CP Chăn nuôi CP với quy mô 1.000 con/hộ. Chúng tôi đang khuyến khích hướng đi này. Người dân cần áp dụng phương thức nuôi công nghệ cao, sản xuất giống phù hợp, kết hợp trồng trọt. Bây giờ, huyện có chủ trương không giao đất mà ai muốn đầu tư cần phải kế hoạch và quy trình phù hợp được thẩm định mới cho phép đầu tư chăn nuôi, điều này sẽ hạn chế việc lãng phí đất đai và rủi ro”, ông Lự thông tin.

Rú cát Quảng Vinh đang gặp “bão tố”, những trang trại hàng trăm triệu đồng chơ vơ giữa tán keo tràm. Chấp nhận theo đuôi con heo, người nuôi còn phải đi trên con đường gập ghềnh trăm lối. Thế mới nói, nếu muốn làm ăn lớn cần phải tính toán kỹ, một chút may mắn và nhất là phải tuân thủ quy trình kỹ thuật, ứng dụng được công nghệ cao mới có thể hy vọng đời sẽ sang trang.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

Quảng Ninh: Giảm thiểu sử dụng phao xốp trong hoạt động nuôi trồng thủy sản

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh

Nhằm hạn chế, giảm thiểu các chất thải rắn phát sinh trong hoạt động nuôi trồng thủy sản và xây dựng các công trình nổi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, UBND tỉnh đã ban hành công văn số 6419/UBND-MT về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản và xây dựng các công trình nổi trên địa bàn tỉnh.

Ảnh minh họa

Theo đó UBND tỉnh yêu cầu: UBND các địa phương chủ động tổ chức rà soát, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân đang có hoạt động sản suất, kinh doanh, dịch vụ, sinh sống trên biển, trên sông có sử dụng các phao xốp trong nuôi trồng thủy sản và xây dựng các công trình nổi; chủ động hướng dẫn, đôn đốc và yêu cầu các tổ chức cá nhân khẩn trương chuyển đổi thay thế phao xốp bằng các vật liệu bền vững đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật về vật liệu, thân thiện với môi trường như các phi nhựa, nhựa HDPE, chất liệu composite, thời gian hoàn thành trước ngày 31/12/2019. Trường hợp sử dụng phao xốp bắt buộc phải phủ lớp sơn LINE-X® lên bề mặt để tăng độ bền của phao xốp, chống chịu va đập, nén, kéo trong quá trình sử dụng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đôn đốc các sở, ban,ngành và các địa phương có liên quan triển khai khẩn trương thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 4760/UBND-NLN1 ngày 3/7/2017 về việc hạn chế sử dụng vật liệu phao xốp, vật liệu trong nuôi trồng thủy sản làm ảnh hưởng đến môi trường trên địa bàn tỉnh, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 30/9/2019; đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Bộ Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh đảm bảo theo đúng kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1350/QĐ-UBND ngày 29/3/2019.

Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Ban Quản lý khu kinh tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư, chủ trương đầu tư trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, xây dựng các công trình nổi cần rà soát, làm rõ và yêu cầu các tổ chức, cá nhân sử dụng các vật liệu bền vững, đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật về vật liệu, thân thiện với môi trường, có phủ lớp sơn LINE- X® lên bề mặt để tăng độ bền trong quá trình sử dụng theo đúng quy định hiện hành.

Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản và xây dựng các công trình nổi trên địa bàn tỉnh đảm bảo theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định hiện hành; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc (nếu có) trong quá trình thực hiện và đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các nội dung có liên quan theo quy định.

Ban Quản lý vịnh Hạ Long chủ động rà soát, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 4306/UBND-MT ngày 13/11/2006 về việc sử dụng phao nổi cho các công trình trên Vịnh, báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 30/9/2019.

Vũ Đức

Lào Cai có 45 loài động vật hoang dã nằm trong Sách đỏ Việt Nam

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Sáng 12/8, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo “Giới thiệu và tham vấn ý kiến phần mềm cơ sở dữ liệu về nguồn gen và tri thức truyền thống tỉnh Lào Cai” năm 2019.

Dự hội thảo có hơn 30 đại biểu đến từ các sở, ngành, đơn vị có liên quan và 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, Ban Tổ chức đã thông tin về kết quả điều tra, khảo sát nguồn gen sinh học trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Theo đó, đến thời điểm này, nhóm điều tra khảo sát đã phát hiện trên địa bàn tỉnh có 6 nhóm cây trồng chủ yếu, trong đó chiếm tỷ lệ cao nhất là nhóm cây rau (40,26%) và thấp nhất là nhóm cây ăn quả (0,42%); địa phương có nguồn gen cây trồng phong phú nhất là huyện Bắc Hà, chiếm 38,86% nguồn gen cây trồng toàn tỉnh, kế đến là huyện Văn Bàn, chiếm 38,58%. Về nguồn gen cây lâm nghiệp, đã ghi nhận có 2.705 loài, trong đó có 272 loài đặc hữu, 115 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Nhóm khảo sát cũng đã tổng hợp được 1.282 cây thuốc thuộc 186 loài khác nhau.

Về nguồn gen động vật, đã phát hiện 3 ngành động vật hoang dã, thuộc 6 lớp, 30 bộ, 111 họ, 385 giống, 668 loài. Điều đáng báo động là trong 668 loài động vật được phát hiện trên địa bàn tỉnh thì có 45 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam…

Cần quan tâm hơn nữa công tác cứu hộ động vật hoang dã.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận, đóng góp ý kiến để sớm hoàn thiện phần mềm cơ sở dữ liệu về nguồn gen và tri thức truyền thống của tỉnh Lào Cai. Phần mềm này được kỳ vọng sẽ tăng cường năng lực quản lý, tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo tồn đa dạng sinh học…

Cũng tại hội thảo, các đại biểu còn được nghe đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) giới thiệu một số văn bản mới liên quan lĩnh vực quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học.

PHẠM KHÁNH

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop