Tin nông nghiệp ngày 25 tháng 02 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 25 tháng 02 năm 2016

Lục Nam, Tân Yên (Bắc Giang): Nông dân thu nhập từ 70-100 triệu đồng/ha dứa Queen

 

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

 

Vụ xuân năm nay, huyện Lục Nam (Bắc Giang) có 400 ha dứa Queen, tăng 50 ha so với năm ngoái, tập trung ở các xã: Tam Dị, Đông Hưng, Bảo Sơn, Bảo Đài, Nghĩa Phương.

 

 

Nông dân xã Việt Lập thu hoạch dứa.

 

Sản phẩm được Hợp tác xã dứa Bảo Sơn chủ động liên kết với doanh nghiệp tìm đầu ra ổn định, vụ trước được giá nên diện tích cây trồng này được mở rộng.

 

Hiện dứa phát triển tốt và bắt đầu cho thu hoạch, dự kiến cuối tháng 3 đầu tháng 4 sẽ thu hoạch rộ; năng suất ước đạt 16 tấn/ha. Hiện giá bán dao động từ 5 - 6 nghìn đồng/kg, tiêu thụ thuận lợi, nông dân thu nhập khoảng 70 - 100 triệu đồng/ha.

 

* Nông dân xã Việt Lập (Tân Yên) đang thu hoạch dứa Queen, năng suất ước đạt 25 tấn/ha. Mô hình trồng dứa do Trạm Khuyến nông huyện Tân Yên triển khai với tổng diện tích 5 ha.

 

Tham gia mô hình, bà con nông dân được hỗ trợ 60% giá giống, 40% vật tư, phân bón, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đặc biệt là phương pháp xử lý ra quả trái vụ. Công ty cổ phần Chế biến nông sản xuất khẩu Vifoco ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Với giá thu mua 5,5 nghìn đồng/kg, bà con thu lãi gần 100 triệu đồng/ha.

 

Hoàng Phương - Thanh Tâm

 

Bình Thuận: Giá thanh long tăng nhẹ sau Tết

 

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

 

Thời điểm sau Tết, theo các nhà vườn trồng thanh long tại huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) cho biết giá thanh long vẫn đang giữ ở mức từ 14.000 – 15.000 đồng/kg, hàng đẹp có giá khoảng 17.000 đồng/kg. Mặc dù vậy, thời điểm hiện nay rất ít nhà vườn có thanh long để bán.

 

 

Một doanh nghiệp tranh thủ thu mua hàng vào ngày mồng 1 Tết

 

Theo một công ty thu mua thanh long lớn ở Hàm Thuận Nam, những ngày này phải đóng cửa vì không có hàng mua. Nhiều nhà vườn chỉ cắt rải rác với số lượng ít. “Mọi năm vào thời điểm này hàng rất nhiều, nhưng năm nay lại rất ít vì nhiều vườn không chong điện”, một người chuyên thu mua thanh long cho biết. Cô Huỳnh Thị Mười nhà ở xã Hàm Minh cho hay: mới vừa bán được khoảng 1 tấn thanh long với giá 14.000 đồng/kg vào tuần trước. Khoảng 20 ngày nữa mới có đợt hàng tiếp theo. “Thị trường thanh long gần đây giá cả vô chừng lắm, không ổn định như lúc trước, có khi giá xuống chỉ vài nghìn/kg, có lúc giá tăng cao không biết được”, cô Mười cho biết.

 

Theo các nhà vườn, trước tết khoảng 2 tuần, giá thanh long xuống thấp chỉ có 6.000 – 7.000 đồng/kg, sau đó giá đội lên từ 15.000 – 17.000 đồng/kg vào các ngày cận Ttết nên nhiều nhà vườn phấn khởi. Có hộ neo trái chờ ngày mồng 1 Tết cắt bán để được giá cao. Tuy nhiên, họ cho hay, mùa chong điện phải tính toán kỹ, nếu không sẽ không đủ chi phí đầu tư. Ghi nhận tại huyện Hàm Thuận Nam, mặc dù đang vào vụ chong điện nhưng thời điểm này số diện tích thanh long chong điện khá ít, do một phần sợ giá thấp bán lỗ. Được biết có nhiều nhà vườn đang xu hướng rao bán rẫy thanh long, các vựa thanh long cũng lần lượt cho thuê lại hoặc đóng cửa. Đôi vợ chồng trẻ Thơ, Thọ ở thị trấn Thuận Nam đang tìm người cho thuê lại rẫy thanh long mấy hôm nay. Do không đủ sức để đầu tư. “Mùa này, nhà em có khoảng 400 trụ chong đèn, nhưng năng suất không được cao, thời điểm bán giá lại quá thấp, nên tính chi phí không đủ. Vợ chồng tôi quyết định bán hoặc cho thuê lại để vào TPHCM làm”, Thơ cho biết. Sau gần 2 năm về làm ăn, liên tục các đợt thu hoạch đều trúng đợt thanh long rớt giá, trong khi tiền lãi vay ngân hàng mua đất đầu tư hàng tháng phải trả, vợ chồng Thơ không đủ sức để tiếp tục gắn với cây thanh long. Tương tự trường hợp Thơ, anh Văn Son đang rao bán rẫy thanh long ở xã Hàm Minh từ năm ngoái đến năm nay vẫn chưa bán được. “Do xu hướng người bán rẫy thanh long nhiều, nên giá rất thấp, để thì không đủ sức làm, đành để cho cỏ mọc”, anh Son cho biết.

 

Thị trường thanh long vẫn đang biến động về giá trong thời gian tới. Vì thế, các nhà vườn cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định mở rộng hoặc đầu tư thêm diện tích để hướng tới sự phát triển bền vững.

 

Khánh Ngọc

 

Vì đâu vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim có nguy cơ bị "xóa sổ"

 

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

 

Là cây ăn trái đặc sản có vùng trồng tập trung lớn bậc nhất cả nước, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã tạo nên thương hiệu nổi tiếng xa gần. Trải qua không ít thăng trầm và giờ đây vùng chuyên canh cây ăn trái đặc sản này đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”.

 

 

Vú sữa Lò Rèn nổi tiếng ngon nhưng gặp khó trong việc tiêu thụ.

 

1. Khởi đầu…

 

Theo các vị cao niên, ngay từ thời Pháp thuộc, vú sữa Lò Rèn ở vùng Vĩnh Kim (Tiền Giang) đã được nhiều nơi biết đến. Theo lời kể của ông Trương Hồng Sơn (84 tuổi, ở Vĩnh Kim), người có nhiều năm tìm hiểu về cây trồng này, ngay từ lúc nhỏ ông đã thấy người ta trồng vú sữa Lò Rèn.

 

Lúc đầu, chỉ vài người trồng và trồng để ăn, biếu tặng. Sau đó thấy nhu cầu tiêu thụ vú sữa Lò Rèn ngày càng tăng cao nên người dân bắt đầu trồng nhiều hơn và chủ yếu trồng ven các kinh, rạch.

 

Cũng theo ông Sơn, ngay từ đầu bén rễ, cây vú sữa Lò Rèn đã cho thấy rất thích hợp với thổ nhưỡng của vùng đất Vĩnh Kim. Cây trồng phát triển rất tốt, cho trái bóng, vỏ mỏng, thịt ngọt thanh. Từ đó, diện tích trồng vú sữa Lò Rèn tăng nhanh và dần xuất hiện ngày càng nhiều vườn chuyên canh. Người trồng vú sữa Lò Rèn khi ấy ai nấy cũng khá, giàu hay ít nhất cuộc sống cũng ổn định.

 

Còn theo một số nhà vườn trồng vú sữa Lò Rèn cố cựu, ngay từ trước giải phóng, mỗi khi đến mùa vú sữa, vùng Chợ Giữa Vĩnh Kim nhộn nhịp suốt ngày đêm. Trong vườn, nông dân hái vú sữa mang ra chợ, còn thương lái “đánh xe” về Vĩnh Kim mua vú sữa vận chuyển lên Sài Gòn bán. Thời đó, dân Sài Gòn “mê” vú sữa Lò Rèn “như điếu đổ”, chủ yếu dùng để ăn, làm quà biếu hay chưng tết, thể hiện sự sang trọng. Chính vì thế, vú sữa Lò Rèn đã được đưa vào thơ ca, văn phú.

 

2. Khẳng định vị thế…

 

Sau giải phóng, cây vú sữa đã trải qua những thăng trầm do phong trào “hợp tác hóa”, ảnh hưởng của tình trạng thiếu lương thực. Mãi đến thập niên 1990, cây trồng này mới phát triển trở lại do Nhà nước có chủ trương phát triển kinh tế vườn. Khi đó, người dân bắt đầu đẩy mạnh chuyển đổi cây lúa, lên vườn trồng vú sữa.

 

Và không chỉ tập trung ở vùng Vĩnh Kim, cây đặc sản này đã phát triển mạnh sang các vùng lân cận với diện tích lên đến vài ngàn ha. Với lợi thế phát triển và diện tích vùng trồng tập trung lớn, vú sữa Lò Rèn được tỉnh xác định là 1 trong 7 loại cây ăn trái chủ lực có lợi thế cạnh tranh.

 

Từ đó, các ngành, các cấp xúc tiến các giải pháp hỗ trợ, phát triển cây trồng này ở khu vực phía Nam Quốc lộ 1A của huyện Châu Thành và huyện Cai Lậy. Cụ thể, năm 2005 vú sữa Lò Rèn được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa.

 

Nhằm tổ chức lại sản xuất, đưa trái vú sữa Lò Rèn xâm nhập vào thị trường cấp cao, năm 2006 Hợp tác xã Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được thành lập. Tiếp đó, năm 2007 Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Chương trình Hỗ trợ phát triển toàn diện cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim với mục tiêu nhằm phát triển vùng chuyên canh vú sữa của tỉnh, nâng cao năng suất, chất lượng, sản lượng theo tiêu chuẩn an toàn, tăng sức cạnh tranh trái cây đặc sản này trên thị trường trong và ngoài nước.

 

Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ Hợp tác xã Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim xây dựng thành công mô hình sản xuất vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, sau đó mở rộng mô hình đạt tiêu chuẩn trên lên đến 52 ha. Nhà đóng gói vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cũng được tổ chức của Hoa Kỳ chứng nhận đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường này.

 

Trước đó, năm 2008 UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Phát triển cây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim huyện Châu Thành và Cai Lậy đến năm 2015”. Qua các nỗ lực trên, thương hiệu vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã được thị trường trong và ngoài nước biết đến. Nhiều công ty, tập đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu, hợp đồng mua vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP xuất khẩu sang Nga, Đức, Hà Lan…

 

Về phía huyện Châu Thành, năm 2011 Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết 10 về việc phát triển cây vú sữa trên địa bàn huyện đến năm 2015. Thực hiện chủ trương trên, huyện và xã đã hỗ trợ, khuyến khích người dân cải tạo, trồng mới cũng như phòng trừ bệnh vú sữa; xúc tiến mô hình thí điểm 40 ha vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim ở xã Phú Phong (trồng mới, thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP, quản lý bệnh khô cành, thối rễ).

 

3. …và khả năng mai một

 

Bất chấp nỗ lực của các cấp, các ngành để phát triển vùng chuyên canh vú sữa nói chung và vú sữa Lò Rèn nói riêng, những năm gần đây, diện tích cây trồng này ngày càng bị thu hẹp dần. Nguyên nhân là do cây bị suy kiệt và chết rất nhanh; cây kém phát triển, thậm chí không phát triển trên nền đất cũ; cây dễ bị nhiễm bệnh, dễ gãy đổ khi có thiên tai; giá vú sữa bấp bênh.

 

Lý giải thêm về điều này, ông Huỳnh Hữu Hòa, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết:

 

“Trước đây, nhà vườn trồng vú sữa ít bón phân và không xử lý như bây giờ nên cây vú sữa sống rất lâu, cho năng suất kéo dài, hiệu quả kinh tế khá tốt. Cộng với lúc đó, các loại cây ăn trái khác chưa phát triển mạnh nên cây vú sữa được cho là lựa chọn tốt nhất đối với những nông dân muốn tìm cây trồng để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

 

Những năm trở lại đây, người dân khai thác quá mức khả năng cho trái của cây, bón chủ yếu phân vô cơ… làm cho cây suy kiệt nhanh, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, lây lan nhanh đã gây thiệt hại đáng kể cho nông hộ. Dù các ngành chức năng đã triển khai các biện pháp phòng, chống, song do nhiều nguyên nhân nên hiệu quả đạt được rất hạn chế. Cùng với đó, những năm qua, các loại cây ăn trái khác phát triển rất mạnh, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao nên nhà vườn có nhiều sự lựa chọn hơn”.

 

Dù có nhiều năm gắn bó với cây vú sữa nhưng trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Hòa, xã Kim Sơn cũng đành phá bỏ dần những cây có biểu hiện bị bệnh, cây kém hiệu quả. “Những năm gần đây, tuổi thọ của cây vú sữa, nhất là vú sữa Lò Rèn ngày càng giảm, cây suy kiệt nhanh. Trồng vú sữa giờ “ăn” chỉ được vài năm là suy kiệt nên hiệu quả lâu dài không bằng so với trồng sầu riêng, sa pô…” - ông Nguyễn Văn Hòa bày tỏ.

 

Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành, năm 2013 diện tích vú sữa trong toàn huyện trên 3.429 ha (tập trung ở 12 xã phía Nam Quốc lộ 1A) thì đến năm 2014 giảm xuống còn khoảng 2.474 ha (diện tích vú sữa Lò Rèn trên 2.000 ha). Số diện tích vú sữa giảm chủ yếu là do cây bị chết hoặc nông dân chuyển sang cây trồng khác. Qua nỗ lực của các ngành, các cấp trong khuyến khích người dân cải tạo, trồng mới, đến nay diện tích vú sữa trên toàn huyện có gần 2.600 ha (tăng 115 ha).

 

“Những năm qua, các ngành, các cấp có nhiều nỗ lực, triển khai nhiều giải pháp củng cố phát triển vùng chuyên canh vú sữa Lò Rèn thông qua các dự án, chương trình, đề án, mô hình. Các mô hình khi triển khai đạt kết quả rất tốt. Tuy nhiên, sau khi kết thúc, các mô hình không thể duy trì và nhân rộng được do đầu ra khó khăn. Trong khi cây vú sữa có xu hướng suy kiệt ngày càng nhanh hơn, cây trồng lại cũng không phát triển do mầm bệnh lưu tồn trong đất, trong khi việc phòng trị khó khăn, đòi hỏi phải làm đồng loạt trong thời gian dài nên nhiều nhà vườn ngán ngại trồng lại” - ông Huỳnh Hữu Hòa cho biết.

 

Từ thực trạng trên, vùng trồng tập trung cây vú sữa nói chung và vú sữa Lò Rèn nói riêng ở huyện Châu Thành (chiếm phần lớn diện tích vú sữa trong tỉnh) đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”.

 

TÂN PHÚ

 

Hạn hán tiếp tục đe dọa mất mùa cà phê

 

Nguồn tin: Báo Công Thương

 

Theo dự báo, từ nay đến cuối tháng 5/2016, dòng chảy trên các sông miền Trung và khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm dần. Dòng chảy trên các sông ở Bắc Trung bộ khả năng thấp hơn mức trung bình nhiều năm tới 50 - 70%; Trung và Nam Trung bộ còn có khả năng thấp hơn mức trung bình nhiều năm tới 60 - 80%, có nơi trên 80%.

 

 

Trong khi đó ở Tây Nguyên, từ tháng 1 - 4/2016, dòng chảy thấp hơn khoảng 60 - 80% và khoảng 30 - 50% trong tháng 5 - 6/2016. Tình trạng khô hạn, thiếu nước xâm nhập mặn có khả năng xảy ra sớm trên diện rộng và khốc liệt tương đương hoặc hơn so với năm 2015.

 

Do tác động của El Nino, nhiệt độ trung bình trong các tháng nửa đầu năm 2016 tiếp tục có xu hướng cao hơn mức trung bình nhiều năm. Rét đậm, rét hại ở miền Bắc không kéo dài và nắng nóng xuất hiện sớm hơn so với mức trung bình nhiều năm ở Tây Bắc, Trung bộ và Nam bộ.

 

Trong các tháng 1 - 2/2016, nguồn dòng chảy tại Hà Nội hạ lưu sông Hồng có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 15 - 20%. Mực nước thấp nhất tại trạm Hà Nội có thể xuống mức 0,4 - 0,6m vào tháng 2 - 3/2016. Ở các tháng tiếp theo, dòng chảy trên các sông suối giảm dần và có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Nguy cơ thiếu nước cục bộ sẽ rất cao, vùng núi và trung du phía Bắc có diễn biến nghiêm trọng hơn vùng đồng bằng.

 

Tình hình hạn hán trên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất cà phê vối ở Tây Nguyên - là loại cà phê cần nhiều nước. Đồng thời hiện tượng tuyết rơi vừa qua ở phía Bắc có khả năng gây mất mùa cà phê Arabica ở Sơn La, Điện Biên, Quảng Trị.

 

L.V.T

 

Đắk Lắk: Giá mía đường tăng

 

Nguồn tin: Đại Đoàn Kết

 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk các nhà máy đường đã thu mua giá mía cây từ 860 đến 935 đồng/kg mía (với 10 trữ đường), tăng từ 210 đến 286 đồng/kg mía cây so với niên vụ năm 2015.

 

Tại huyện M’Đrắk, trong vài năm trở lại đây, đồng bào các dân tộc đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư chuyển đổi đất trồng màu kém hiệu quả, đất hoang hóa sang trồng mía.

 

Đặc biệt, người dân còn chuyển hàng ngàn ha đất xám bạc màu, đất gò đồi sang trồng mía mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, diện tích trồng mía của huyện đã tăng lên 6.100ha; trong đó, tập trung nhiều nhất ở xã vùng sâu Ea Pin, Cư Prao. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa mỗi năm thu lãi từ trồng mía hàng chục triệu đồng.

 

Theo đánh giá của Sở NN & PTNT, năng suất mía năm nay đạt từ 70 đến 90 tấn mía cây/ha, nhiều gia đình thâm canh tốt đạt từ 100 tấn mía cây/ha trở lên. Đắk Lắk có tổng diện tích mía gần 12.000ha; trong đó tập trung nhiều nhất là huyện M’Đrắk và Ea Kar.

 

V.Ly

 

Mất mùa mì do khô hạn

 

Nguồn tin: Báo Bình Phước

 

Anh Nguyễn Minh Thế (35 tuổi), ngụ xã Tân Thành, TX. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước vừa là nông dân trồng mì vừa là thương lái thu mua mì 10 năm nay cho biết: So với mọi năm, vụ thu hoạch mì năm nay mất mùa, năng suất chỉ đạt khoảng 25 tấn/ha mì tươi, giảm 5 tấn/ha so với vụ mùa năm trước. Nguyên nhân do năm 2015 lượng mưa ít và mưa muộn khiến cây mì sinh trưởng, phát triển chậm, một số chết khi mới xuống giống không có nước. Mặt khác do giá mì xuống thấp khiến nhiều hộ nông dân không mặn mà chăm sóc dẫn đến năng suất kém.

 

 

Vụ mì năm nay mất mùa do khô hạn

 

Hiện giá mì tươi mua tại vườn dao động từ 1.000 đến 1.200 đồng/kg, so với vụ mùa năm trước giảm từ 300 đến 400 đồng/kg; giá mì khô dao động từ 3.000 đến 3.200 đồng/kg, giảm từ 200 đến 300 đồng/kg so với vụ mùa năm trước. Anh Thế cho rằng, theo giá hiện tại, nhà nông nào đầu tư, chăm sóc tốt mới có lãi, nếu không thì huề hoặc lỗ. Anh Thế nhẩm tính: Để có 1 ha mì thu hoạch, nông dân phải đầu tư khoảng 25 triệu đồng, như thuê đất, cày, phân bón, thuê nhân công trồng, chăm sóc, thu hoạch. Với giá mì hiện tại thì thu nhập 1 ha cũng tương đương với tiền chi phí. Hiện nay dù giá mì xuống thấp nhưng rất dễ tiêu thụ do phần lớn nông dân đang chờ lên giá nên lượng hàng khan hiếm. Gia đình anh Thế còn khoảng 3.000 tấn mì chưa thu hoạch để chờ lên giá.

 

V. Thuyên

 

Ba Vì (Hà Nội): Thành công với chương trình trồng cây bí

 

Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị

 

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển cây vụ Đông có năng suất, chất lượng cao, vụ Đông 2015 - 2016, Phòng Kinh tế huyện Ba Vì (Hà Nội) đã chọn HTX Phú Nghĩa, xã Phú Đông đưa cây bí xanh và bí đỏ F1 vào gieo trồng với quy mô lớn.

 

Toàn HTX có 225 hộ nông dân tham gia vào chương trình này, với tổng diện tích gieo trồng 14,56ha. Qua khảo sát thực tế, 2 loại cây trồng này khá phù hợp với đặc điểm đồng đất của địa phương. Mặt khác, chi phí đầu tư thấp nên việc trồng bí xanh, bí đỏ F1 cũng khá thuận lợi đối với người nông dân nơi đây. Hơn nữa, trước đây đã có một số hộ gieo trồng 2 loại cây này, nhưng là xuất phát từ nhu cầu sử dụng trong gia đình chứ chưa có định hướng quy hoạch thâm canh theo hướng hàng hóa.

 

 

Bí xanh được trồng trong vụ Đông 2015 - 2016 tại xã Phú Đông.

 

Thời gian gieo trồng cây bí xanh và bí đỏ từ cuối tháng 9 - thời điểm sau thu hoạch vụ mùa, trồng càng sớm vào dịp đầu tháng càng tốt. Phương pháp gieo trồng khá đơn giản, làm đất tối thiểu, trồng theo quy trình kỹ thuật, làm rãnh, để luống rộng khoảng 3m, trồng theo hàng, cây cách cây từ 50 - 60cm... Khi thu hoạch, bình quân 1kg bí xanh có giá khoảng 7.000 đồng, bí đỏ giá 6.000 đồng, năng suất từ 250 - 300 kg/sào, tương đương từ 1,8 - 2 triệu đồng/sào. Hộ trồng nhiều nhất là 3 sào, cho thu khoảng gần 6 triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng ngô và khoai lang. Bí xanh và bí đỏ được người tiêu dùng luôn đánh giá là một loại rau quả thương phẩm sạch, ngon và bổ mát.

 

Theo ông Chu Văn Ngãi - Chủ nhiệm HTX Phú Đông: Chương trình trồng cây bí được triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế tốt đối với người nông dân, góp phần nâng cao thu nhập và giá trị canh tác trên cùng một diện tích. Tuy nhiên, để chương trình này ngày càng mở rộng diện tích, bà con nông dân yên tâm gắn bó và phát triển trồng cây bí xanh, bí đỏ được lâu dài, rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền TP. Cụ thể là việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, cũng như có cơ chế hỗ trợ sản xuất, giới thiệu thị trường tiêu thụ sản phẩm khi cây bí xanh và bí đỏ trở thành cây trồng chủ lực của địa phương. Đây không chỉ là nguyện vọng của bà con nông dân mà còn là của cả chính quyền địa phương nhằm từng bước hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đặc biệt trong đó là tiêu chí về nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn như Ba Vì.

 

Hồng Lịch

 

Giải pháp cứu “vựa lúa” quốc gia

 

Nguồn tin: VOV

 

Các chuyên gia và nhà quản lý cho rằng, cần tầm nhìn dài hạn để phòng hạn hán, chống xâm nhập mặn ở ĐBSCL để cứu “vựa lúa” quốc gia.

 

Hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang “hoành hành”, gây những tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của hàng triệu hộ dân trong khu vực trọng điểm sản xuất nông nghiệp ĐBSCL.

 

Chính vì thế, những giải pháp ngắn hạn và “tầm nhìn tương lai” đang được đặt ra và từng bước thực hiện để đảm bảo cho sản xuất ở khu vực trọng điểm này thích nghi với điều kiện bất lợi của thiên nhiên và những tác động tiêu cực của con người gây ra.

 

Trước những tác hại nghiêm trọng của tình hình xâm nhập mặn đang ngày càng gay gắt, tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo đóng các đập ngăn mặn sớm hơn cùng kỳ 1 tháng để tập trung ngăn mặn, trữ ngọt. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn bộ diện tích lúa với 18 ngàn ha ở các địa phương trong tỉnh đã bị ảnh hưởng. Trong đó, khoảng 13 ngàn ha bị thiệt hại 75%. Khô hạn và xâm nhập mặn ngày càng sâu cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến vùng nuôi tôm của tỉnh.

 

Bên cạnh đó, khô hạn gay gắt, nước bốc hơi nhanh nên mức nước ngọt hiện nay dưới chân rừng tràm ở tỉnh Cà Mau đã thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,3 mét. Từ đó, dẫn đến nguy cơ nhiễm mặn và cháy rừng tràm ở mức độ cao; gây lo ngại trong việc bảo vệ rừng tràm rộng lớn, đặc biệt ở khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ.

 

 

Xâm nhập mặn ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt và phòng chống cháy rừng trên địa bàn Cà Mau

 

Trước tình hình này, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, giải pháp trước mắt trong phòng chống hạn, mặn của địa phương là tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống hạn mặn cho người dân; đồng thời, ngành chức năng cũng tích cực cập nhật diễn biến thời tiết; tập huấn, hướng dẫn chuyển giao công nghệ kỹ thuật trong sản xuất mô hình lúa tôm phù hợp với điều kiện thực tế; hướng dẫn lịch thời vụ và bố trí cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với điều kiện nguồn nước của từng vùng.

 

Về lâu dài, lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiến nghị hỗ trợ đầu tư nạo vét các tuyến kênh chứa nước trong mùa mưa ở khu vực rừng U Minh Hạ; đầu tư hệ thống hồ chứa nước ngọt phục vụ nước sinh hoạt cho dân và kết hợp phục vụ phòng cháy rừng; nâng cấp các đập xung quanh rừng tràm; đồng thời kiến nghị xem xét hỗ trợ địa phương dự án đầu tư dẫn nước ngọt từ vùng Nam sông Hậu về Cà Mau để hạn chế tối đa tình trạng khoan nước ngầm ở vùng đất bị nhiễm mặn.

 

Hiện tình trạng hạn, mặn đã và đang tác động trực tiếp đến đến sản xuất và sinh hoạt của hàng triệu hộ dân vùng ĐBSCL. Ông Nguyễn Phong Quang - Phó ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết đây là vấn đề hết sức quan trọng, ảnh hưởng đến an ninh lương thực cả nước và chính trị rất lớn. Do vậy việc phòng chống hạn, mặn cho vùng này hiện là vấn đề sống còn, cần phải có những giải pháp quyết liệt và kịp thời.

 

 

Người dân vùng Tứ giác Long Xuyên trồng hoa màu nhưng nguồn nước trong thời điểm này hạn chế

 

Theo thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, Chính phủ đã đồng ý bố trí 1.000 tỷ đồng cho các dự án phòng chống, ứng phó thiên tai. Dự kiến trong tháng 3 tới, Bộ sẽ trình Chính phủ thông qua gói kinh phí 2.300 tỷ đồng phục vụ cho các dự án về phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, khu vực ĐBSCL có 46 công trình, dự án được đầu tư từ nguồn vốn này.

 

Trước nhu cầu nguồn vốn lớn để làm cống ngăn mặn trên nhiều cửa sông lớn và đặc biệt là “hạ tầng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế thích ứng với điều kiện mới”, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng đây là những công trình cấp bách.

 

Thứ trưởng đề nghị Chính phủ sớm phân bổ, thông báo nguồn vốn 2300 tỷ và giao cho địa phương để chủ động thực hiện.

 

Dự báo xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam bộ có khả năng tiếp tục sâu hơn và cao hơn cùng kỳ mùa khô năm 2015 và trung bình nhiều năm. Từ cuối tháng 2 này mặn có khả năng duy trì ở mức cao, nghiêm trọng. Trên sông Tiền, sông Hậu độ mặn trên 4g/l có thể xâm nhập sâu khoảng 50 - 70km tính từ cửa sông, có thời kỳ trên 70km.

 

Chính vì thế, việc nhanh chóng hoàn thiện hệ thống thủy lợi sẽ góp phần rất lớn trong phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Bên cạnh đó, về lâu dài, các bộ ngành trung ương và địa phương cần có giải pháp tầm nhìn tương lai để ứng phó và thích ứng bền vững với tình trạng hạn và xâm nhập mặn sẽ ngày càng khốc liệt, gay gắt hơn./.

 

Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL

 

Khi mì được mùa, được giá

 

Nguồn tin: Báo Gia Lai

 

Những ngày sau Tết, nông dân xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang, Gia Lai) tất bật thu hoạch mì. Vụ này, giá mì tăng, sản lượng đạt cao nên người dân có lãi.

 

Theo thống kê của xã Kon Chiêng, toàn xã có hơn 600 ha đất trồng mì, nằm rải rác ở tất cả 9 làng. Là hộ có diện tích mì nhiều nhất xã, ông Rưm (làng Ktu) cho biết, nhà ông có diện tích trồng mì là 7 ha, năng suất đạt 20 tấn tươi/ha. So với nơi khác, cây mì nhà ông cho củ to, tinh bột nhiều nhờ ông đầu tư chăm sóc đến nơi đến chốn và chọn giống tốt. “Ruộng mì nhà tôi đã thu hoạch gần xong. Với giá bán 1,4 triệu đồng/tấn tươi, gia đình tôi thu được khoảng 30 triệu đồng/ha, trừ chi phí công, phân bón và phí vận chuyển đưa mì ra xã Kon Thụp (huyện Mang Yang) bán vẫn lãi khoảng 20 triệu đồng/ha. 7 ha mì nhà tôi thu được trên 140 triệu đồng”-ông Rưm nói.

 

 

Nông dân vui mừng vì mì được mùa, được giá. Ảnh: H.T

 

Với 2 ha mì, năng suất đạt khoảng 18 tấn tươi/ha, gia đình ông Bút (làng Hya) vui vì có thể lãi hơn 30 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Bút không vội bán mì tươi mà lại chọn cách làm sạch vỏ, phơi khô để bán được giá hơn. Ngược lại, nhiều hộ dân ở các làng Deng, Đak Ó, Ktu… bán ngay mì tươi, thuê xe độ tới rẫy, nhổ xong, bỏ mì lên xe chở ra Kon Thụp bán hoặc bán nguyên đám với mức giá bình quân 18 - 20 triệu đồng/ha.

 

Trao đổi với P.V, ông Diol-Chủ tịch Hội Nông dân xã Kon Chiêng, cho biết: “Những năm qua, cây mì vẫn là sản phẩm nông nghiệp cho thu nhập khá bền vững của nông dân xã Kon Chiêng. So với các loại cây trồng khác thì cây mì vẫn là loại cây gắn bó với nông dân nghèo, bởi vốn đầu tư thấp hơn so với các cây trồng khác. Hơn nữa, cây mì lại là cây dễ trồng, ít sâu bệnh. Song không vì thế mà nông dân ồ ạt chuyển đổi sang trồng mì, nhất là khi thấy giá mì cao. Chúng tôi luôn khuyến cáo với nông dân là phải đa dạng hóa các loại cây trồng; chỉ nên trồng mì ở những diện tích đất không phù hợp, bởi loại cây trồng này ảnh hưởng lớn đến độ phì nhiêu của đất nông nghiệp và giá cả thì thường ít ổn định”.

 

Hà Tây

 

Năm 2016: Cà Mau thực hiện mô hình cánh đồng lớn với 3.000 ha

 

Nguồn tin: CTV Cà Mau

 

Theo kế hoạch, trong năm 2016, tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lớn với quy mô gần 3.000 ha.

 

Trong đó, mô hình cánh đồng lớn triển khai ở loại hình thâm canh lúa cao sản với quy mô diện tích khoảng 1.500 ha; lúa – tôm khoảng 900 ha. Đặc biệt năm nay tỉnh sẽ triển khai thí điểm mô hình cánh đồng lớn ở loại hình nuôi tôm quảng canh cải tiến với diện tích 200 ha và cánh đồng lớn đậu xanh diện tích khoảng 300 ha.

 

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, mặc dù năm 2015 có nhiều bất lợi đối với việc sản xuất nông nghiệp nhưng vào thời điểm cuối vụ thu hoạch, các trà lúa trong cánh đồng lớn đều cho năng suất khá cao, tăng bình quân từ 0,4 đến 0,6 tấn/ha, chi phí sản xuất giảm gần 1 triệu đồng/ha và lợi nhuận tăng từ 2 triệu đồng/ha trở lên so với thời điểm trước khi triển khai thực hiện mô hình. Tuy nhiên, hạn chế đã qua của mô hình cánh đồng lớn là việc tìm kiếm doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ lúa chưa thực hiện được, một số doanh nghiệp kinh doanh vật tư nông nghiệp chưa quan tâm tham gia mô hình nên nông dân mua vật tư còn phải chịu giá cao. Vấn đề nêu trên sẽ được ngành chức năng, chính quyền địa phương tập trung giải quyết dứt điểm để việc triển khai mô hình cánh đồng lớn trong năm 2016 đạt hiệu quả cao./.

 

PV: Quách Mến

 

Diễn Châu (Nghệ An): Nông dân phải nhổ lạc non

 

Nguồn tin: Báo Nghệ An

 

Những ngày vừa qua, nông dân Diễn Thịnh (Diễn Châu, Nghệ An) đã phải ra đồng nhổ lạc non do lạc gặp rét không phát triển được, mặt dù lạc đã phát triển được khoảng hơn 10cm.

 

 

Nông dân Diễn Thịnh ra đồng nhổ lạc non vì lạc gặp rét, rễ không phát triển được.

 

Tại cánh đồng của HTX Nam Thịnh và Đông Thịnh, nông dân đang ra đồng phải ra dỡ bỏ màng nilon cày đất để gieo lại. Một số đông các hộ không mua được lạc giống đành để liều vậy hoặc gieo dấm, trỉa xen ngô, đậu...

 

 

Nông dân phải ra đồng làm đất và gieo trỉa lại lạc.

 

Chị Lê Thị Thanh - Trưởng ban Thống kê xã Diễn Thịnh cho biết sau khi UBND xã và các xóm nghiệm thu thực tế trên đồng, số diện tích lạc bị chết trên 70%, chiếm trên 200 ha (bằng 50% tổng diện tích canh tác lạc của toàn xã); số diện tích lạc bị chết từ 30 - 70%, chiếm 144 ha (bằng 36% tổng diện tích canh tác lạc toàn xã).

 

Tổng kinh phí được ngân sách nhà nước hỗ trợ cho nông dân toàn xã về giống và vật tư cho diện tích lạc bị mất lên tới 533 triệu đồng./.

 

Trần Cảnh Yên (Diễn Châu)

 

Huyện Lắk (Đắk Lắk): Diện tích khoai lang tăng đột biến

 

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

 

Vụ đông xuân 2015 - 2016, huyện Lắk (Đắk Lắk) có kế hoạch gieo trồng 150 ha khoai lang nhưng đến nay bà con nông dân đã xuống giống hơn 500 ha, vượt 233% so với kế hoạch. Tập trung chủ yếu ở các xã Ea Rbin 180 ha, Buôn Triết 150 ha, Buôn Tría 76 ha…

 

 

Ông Nguyễn Huy Phát, Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (phải) tham quan ruộng khoai lang của một hộ dân ở xã Buôn Triết

 

Sở dĩ diện tích khoai lang tăng đột biến do những năm gần đây, giá khoai lang luôn ở mức cao so với các loại cây trồng khác nên nông dân chạy đua theo phong trào, một số hộ tự mở rộng diện tích bằng cách thuê thêm đất để gieo trồng khiến nguồn giống tại địa phương không cung ứng đủ, phải mua giống trôi nổi trên thị trường, đẩy nguy cơ dịch bệnh tăng cao... Hiện tại, khoai lang vẫn là cây trồng mới của địa phương, chủ yếu bán cho thương lái nên Phòng NN-PTNT huyện khuyến cáo bà con nông dân không nên trồng ồ ạt mà chỉ nên hạn chế ở diện tích nhỏ, trồng ở vùng đất thích hợp, lựa chọn những giống khoai có chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng.

 

Thanh Hường

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop