Nghệ An: Hàng vạn cây đinh lăng chết yểu
Nguồn tin: Báo Nghệ An
Hàng vạn cây đinh lăng từ dự án của tổ chức Oxfam tài trợ cho 17 hộ dân ở 2 bản là Tân Hương và bản Tờ xã Yên Khê (Con Cuông, Nghệ An) đã bị chết yểu. Dự án thất bại hoàn toàn.
17 hộ dân tham gia trồng cây đinh lăng theo Dự án tăng cường tiếp cận thông tin thị trường (MIS) và thúc đẩy các sáng kiến thích ứng biến đổi khí hậu trong các ngành hàng nông nghiệp tại Nghệ An. Dự án này do tổ chức nước ngoài Oxfam hỗ trợ. Sau khi bắt đầu trồng vào tháng 8/2015 đến thời điểm này biển chỉ dẫn mô hình vẫn còn nhưng cây đinh lăng đã chết 90%.
Ông Lô Văn Duyệt (phải) ở bản Tân Hương cho biết, ngoài 2.100 cây đinh lăng giống được Oxfam hỗ trợ gia đình ông còn trồng thêm 3.000 cây, với số tiền đầu tư 21 triệu đồng nhưng đến nay chẳng còn cây nào sống được.
Chỉ còn rất ít đinh lăng còn tươi bộ rễ, còn lại cây giống đã thành củi khô.
Ông Lô Văn Tý (bản Tân Hương) là người tiên phong tham gia dự án với việc trồng hơn 1 vạn cây đinh lăng. Gia đình cũng đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng vườn ươm, cải tạo diện tích trồng cam chuyển sang trồng đinh lăng nhưng hiện tại chỉ còn chưa đầy 10% số cây sống sót.
Theo các hộ dân tham gia dự án, cây đinh lăng sau khi triển khai trồng đã phát triển rất tốt nhưng do gặp phải đợt "siêu" rét hồi tháng 1 bên cạnh đó cây bị tác động bởi sương muối và mưa axít nên phần lớn cây bị chết, số còn lại cũng không thể phục hồi.
Khu vườn này từng được ông Lô Văn Tý, ở bản Tân Hương trồng cam sau đó được chuyển trồng đinh lăng nhưng bao nhiêu hy vọng đều đổ bể khi cây trồng chết hàng loạt.
Những bầu đinh lăng giống từng thu hút sự quan tâm của người dân thì nay nằm lăn lóc.
Đinh lăng giống được người dân mua với giá 7.000 đồng/cây. Theo dự án, sau 3 năm bán cả cây và gốc sẽ thu lại 200 nghìn/cây. Trên 1 ha có thể trồng hơn 2,7 vạn cây, tính ra cho nguồn thu 5,4 tỷ/ha và đây dường như là một hướng làm giàu vô cùng hấp dẫn. Tuy nhiên có vẻ như "ông trời" không "cho" dễ dàng như vậy. Tất cả đinh lăng của 17 hộ dân đều chết gần hết do thời tiết.
Tuy vậy ông Lô Văn Tý và các hộ dân khác cho biết vẫn quyết theo cây trồng này nếu tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của UBND huyện Con Cuông cũng như các đơn vị liên quan.
Tuấn - Vân - Tuân
Nuôi cá luồn lúa hiệu quả cao ở Yên Hồng (Nam Định)
Nguồn tin: Báo Nam Định
Xã Yên Hồng là địa phương thuộc vùng trũng của huyện Ý Yên (Nam Định) nên có nhiều diện tích chỉ cấy được lúa một mùa. Sau dồn điền đổi thửa, Đảng ủy, UBND xã đã quy hoạch chuyển đổi 43,2ha diện tích ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển mô hình cá luồn lúa hiệu quả kinh tế hơn hẳn.
Chăm sóc ruộng lúa tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Nam, đội 6, thôn Hoàng Nghị, xã Yên Hồng.
Mô hình nuôi cá kết hợp với trồng lúa đang là một hướng đi mang tính bền vững của các hộ nuôi thủy sản vùng đồng trũng. Toàn xã hiện có 54 hộ thực hiện mô hình nuôi cá luồn lúa. Theo các cán bộ thủy sản, với mô hình này, cá và lúa hỗ trợ nhau tạo thành một hệ sinh thái khép kín, hạn chế được việc sử dụng phân bón hóa học nên an toàn cho con người và môi trường. Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại, và thải phân làm tốt lúa, góp phần hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu. Để thực hiện thành công mô hình nuôi cá kết hợp với trồng lúa, tiếp tục nhân rộng mô hình này, xã Yên Hồng chỉ đạo Ban Nông nghiệp xã, các đoàn thể, HTX ưu tiên tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật chọn con giống, thời điểm thả cá giống, chọn giống lúa thích hợp, kỹ thuật nuôi cá bằng chế phẩm sinh học và phương pháp phòng bệnh cho cá trong thời điểm giao mùa, đảm bảo chất lượng năng suất cá và lúa… Ruộng thực hiện mô hình này được cải tạo, thiết kế phù hợp với phần mương nước để nuôi dưỡng cá trong thời gian lúa mới cấy. Diện tích mương chiếm khoảng 20 - 30% diện tích ruộng và được đào cách bờ 0,5m để tránh đất từ trên bờ rơi xuống mương. Mỗi ruộng cần phải có một cống thoát nước để chủ động điều tiết việc cấp và thoát nước, tháo nước cho ruộng lúa sạ, cấy lúa khi sử dụng thuốc trừ sâu và khi thu hoạch. Cá giống được thả trước xuống mương ngay từ đầu vụ sản xuất. Sau khi lúa đẻ nhánh xong dâng nước cho ngập nền ruộng khoảng 20cm và cho cá lên ruộng kiếm mồi. Những giống cá được chọn thực hiện mô hình là những loại cá truyền thống ăn thức ăn tự nhiên như cá trắm, cá chép, cá mè, cá trôi… Ruộng nuôi cá sau mỗi vụ thu hoạch lại được các hộ nuôi tháo cạn nước, dọn sạch cây cỏ, bón vôi khử trùng, diệt khuẩn, khử chua. Theo những hộ thực hiện mô hình nuôi cá kết hợp trồng lúa hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất này gấp 10 lần so với cấy lúa như trước kia do không tốn nhiều chi phí thức ăn, công chăm sóc cá, lúa. Ông Nguyễn Văn Nam ở đội 6 thôn Hoàng Nghị là một trong những người thực hiện phương thức nuôi cá luồn lúa đầu tiên của xã với diện tích 6,12ha. Vay được vốn ngân hàng, ông tập trung đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, con giống theo đúng hướng dẫn kỹ thuật và không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức. Trên 10 năm thực hiện mô hình này, mỗi năm trung bình ông thu lãi được hơn 90 triệu đồng tiền cá và hơn 6 triệu đồng tiền từ lúa. Để đạt được những thành công trên, ông luôn chú trọng ngay từ khâu cải tạo đồng ruộng. Bờ ruộng được đắp cao lên để giữ nước, có mương bao quanh ruộng và ao chứa để làm nơi ương dưỡng cá giống, chứa cá khi chuyển vụ hoặc khi sử dụng hóa chất để phòng trị bệnh cho lúa. Cuối năm vừa qua, ông bắt đầu thí điểm ngâm mầm lúa để nuôi vỗ cá vào thời điểm chuẩn bị bán. Ông Nam cho biết: “Trong mầm lúa có nhiều vitamin do đó cho cá ăn mầm lúa ủ là biện pháp tốt để cá tăng trọng nhanh, mau lớn, tăng khả năng đề kháng bệnh cho cá”. Mầm lúa vừa là thức ăn trực tiếp vừa là nguồn bổ sung vitamin cho cá, có thể phối trộn với thức ăn tổng hợp cho cá, giúp cá phát triển tốt. Sau khi thí điểm phương pháp cho ăn này, cá tăng trọng nhanh, vì thế ông sẽ tiếp tục sử dụng phương pháp này vào những vụ nuôi tiếp theo. Gia đình bà Trịnh Thị Loan ở cùng thôn cũng là hộ nuôi đạt được giá trị kinh tế cao từ mô hình cá luồn lúa. Gia đình bà có 5,4ha, sau mỗi vụ, bà thu hoạch được khoảng 3 - 4 tấn cá và 1 tấn lúa, lãi suất từ 100 triệu đồng trở lên. Bà Loan cho biết từ ngày thực hiện mô hình nuôi cá kết hợp trồng lúa đã giúp hạn chế được số lượng côn trùng hại lúa, cỏ dại, ốc bươu vàng và các bệnh trên cây lúa do cá sử dụng nguồn thức ăn sẵn có trên đồng ruộng. Ngoài ra bà Loan còn dành diện tích 7.200m2 để trồng cỏ làm thức ăn cho cá. Chính vì vậy nên chất lượng thịt cá ngon, được khách hàng tín nhiệm. Bà Loan luôn thực hiện đúng hướng dẫn của các cán bộ chuyên môn về chuẩn bị ruộng, đào rãnh quanh khu vực trồng lúa, cách chăm sóc đàn cá. Hệ thống bờ, cống cũng được kiểm tra hằng ngày để kịp thời khắc phục cấp thoát nước. Mỗi khi phải phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa bà đều phải tháo nước trên ruộng lúa đưa cá xuống mương. Sau một năm, đàn cá được thu hoạch toàn bộ sau đó hệ thống ruộng đồng lại được cải tạo để chuẩn bị cho vụ nuôi năm sau.
Để khai thác hiệu quả hơn nữa vùng chuyển đổi sản xuất, thời gian tới Đảng ủy, UBND xã Yên Hồng tiếp tục khuyến khích người dân phát triển mô hình nuôi cá kết hợp trồng lúa, phấn đấu đạt hiệu quả cao trong vụ nuôi năm 2016./.
Thanh Hoa
Làm giàu từ khoai lang
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Tận dụng diện tích lúa bị bỏ hoang do thiếu nước vụ đông xuân tại một số xã trên địa bàn huyện, anh Trần Quốc Tuấn (thôn Yên Thành 2, xã Đắk Nuê, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) tiến hành thuê đất để trồng khoai lang.
Bắt đầu trồng khoai lang Nhật từ năm 2013 với diện tích 3 sào, anh Tuấn đầu tư cả tiền giống, phân bón và mua dầu bơm nước hết gần 6 triệu đồng/sào. Sau khi thu hoạch, với 3 sào anh đã thu lãi được gần 10 triệu đồng/vụ. Nhận thấy được giá trị của khoai lang Nhật hơn hẳn việc trồng lúa và trồng ngô lai, sang năm thứ hai anh Tuấn nhân rộng diện tích trồng khoai lang Nhật với diện tích hơn 5ha và tiếp tục thu lãi cao. Vụ đông xuân năm 2015 – 2016, anh đã tiến hành trồng 10ha khoai lang Nhật tại xã Bông Krang (huyện Lắk). Hiện nay 10ha trồng khoai lang Nhật của anh Tuấn đã cho củ và phát triển rất tốt, thương lái đến mua tận vườn với giá hơn 7.000 đồng/kg. Anh Tuấn cho biết, sau khi trừ chi phí anh lãi gần 25 triệu đồng/ha, với 10ha năm nay anh lãi gần 250 triệu đồng.
Anh Trần Quốc Tuấn đang thăm ruộng khoai lang tại xã Bông Krang (huyện Lắk).
Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh Tuấn còn động viên nhiều bà con nông dân tích cực chuyển từ trồng lúa và ngô vụ đông xuân sang trồng khoai lang Nhật. Anh Phạm Lê Hà, một người dân tại xã Bông Krang, sau khi được anh Tuấn hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất cũng mạnh dạn trồng 3 sào khoai lang Nhật. Anh Hà cho biết: ‘‘Khi trồng khoai lang Nhật, tôi cũng phân vân lắm do chưa có kinh nghiệm, hơn nữa chi phí trồng khoai lang lại khá cao. Nhưng khi được anh Tuấn tích cực hướng dẫn cách trồng và chăm sóc, lại có thương lái đến mùa tận vườn, tôi rất yên tâm’’.
Tuy nhiên, do khoai lang Nhật chỉ trồng được một vụ trong năm, kỹ thuật chăm sóc khá khó, hơn nữa chi phí lại khá cao nên nhiều bà con nông dân tại địa phương vẫn chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa nước sang cây khoai lang Nhật vào vụ đông xuân mà chủ yếu là cho thuê đất để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
H’Yur Je
Nông dân lo lắng bệnh lạ trên mía
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Niên vụ mía 2016, nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang xuống giống được 7.800ha, đến nay mía từ 4 - 5 tháng tuổi. Tuy nhiên, khoảng một tuần qua, hàng trăm hộ dân trồng mía ở xã Tân Phước Hưng vô cùng lo lắng, bởi tình trạng mía sào lá, đốm đỏ, khả năng ảnh hưởng đến năng suất.
Nhiều nông dân lo lắng về bệnh phát sinh trên cây mía, có khả năng ảnh hưởng đến năng suất. Ảnh: DUY KHÁNH
Trong những ngày qua, anh Lương Văn Tính, ở ấp Mỹ Phú, xã Tân Phước Hưng hết sức lo lắng cho 5 công mía của gia đình. Bởi diện tích mía đã hơn 5 tháng tuổi của gia đình bỗng dưng bị bệnh với biểu hiện lá bị đốm đỏ, cháy khô ở phần đuôi lá. Hiện gia đình đã tiến hành phun nhiều loại thuốc, nhưng tình trạng cũng không khả quan. Anh Tính cho biết: “Trong đợt xâm nhập mặn vừa rồi, diện tích mía của gia đình nằm trong bờ bao nên không bị ảnh hưởng bởi nước mặn, nhưng không hiểu vì sao mía bị bệnh như thế. Ở đây nhiều nông dân có kinh nghiệm cũng không biết là bệnh gì, mía bị đỏ từ lá già cho tới lá non. Ở đây rất nhiều diện tích đã bị nhiễm, trong đó giống ROC 16 chiếm đến 99%”.
Theo thống kê, xã Tân Phước Hưng có diện tích mía trên 2.300ha, trong đó đã có khoảng 1.055ha mía bị nhiễm bệnh. Và đa phần những diện tích mía bị bệnh đều là giống ROC 16, các giống K không bị ảnh hưởng. Ông Phan Hồng Phước, Chủ tịch UBND xã Tân Phước Hưng, cho hay: “Bệnh này chỉ xuất hiện khoảng một tuần nay, nhưng mức độ bệnh phát sinh rất nhanh. Chỉ một vài hộ ban đầu, thì sau một vài ngày cả cánh đồng đó đều bị. Những diện tích bị nặng, lá mía bị cháy vàng, đuôi lá bị khô lại. Hiện xã cũng đã chỉ đạo cho bộ phận khuyến nông tiến hành điều tra cập nhật thường xuyên diện tích mía bị bệnh, bên cạnh đó báo cáo với ngành nông nghiệp huyện để có hướng giúp cho người dân.
Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp huyện đã khảo sát và có kết luận ban đầu là mía bị bệnh gỉ sắt tấn công. Một trong những loại bệnh rất ít xuất hiện ở Phụng Hiệp trong nhiều năm trở lại đây. Ông Nguyễn Thế Tự, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Bệnh gỉ sắt là một trong những bệnh rất ít xuất hiện trong những năm gần đây, nhưng năm nay lại xuất hiện ở xã Tân Phước Hưng với diện tích nhiễm bệnh khá lớn. Nguyên nhân dẫn đến bệnh là do nắng nóng kéo dài, cây mía thiếu nước nên phát sinh bệnh, thời tiết càng nắng nóng thì bệnh càng lây lan ngày một nhiều hơn. Hiện nay, điều mà người dân có thể làm là tiến hành phun những loại thuốc đặc trị theo phương thức 4 đúng. Đồng thời có biện pháp tưới để cây mía giữ được độ ẩm cần thiết”.
Điều mà nông dân trồng mía lo lắng nhất hiện nay là bệnh phát sinh rất nhanh. Chỉ một vài hộ ban đầu, bệnh đã phát sinh ra trên diện tích rộng. Và trước thực trạng này, mía thất thu năng suất là điều khó tránh khỏi.
THANH DUY - LÊ ĐĨNH
Mường Khương (Lào Cai): Sụt giảm 80% sản lượng chè búp tươi vì khô hạn
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Hiện tượng khô hạn đang khiến huyện Mường Khương (Lào Cai) bị sụt giảm tới 80% sản lượng chè vụ xuân, vụ chè có giá bán sản phẩm cao nhất trong năm.
Tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện Mường Khương mới thu hoạch được khoảng 50 tấn chè búp tươi, trong khi cùng kỳ năm 2015 con số này là hơn 300 tấn. Với đặc thù xa nguồn nước, việc khắc phục khô hạn bằng biện pháp tưới là rất khó khăn hoặc có chi phí cao.
Bà con xã Lùng Vai thu hoạch vụ chè xuân.
Giá chè búp xuân đầu vụ là 8.000 đồng/kg, hiện đã giảm từ 1.000 đến 1.500 đồng/kg, chè chính vụ (hè thu) tại Mường Khương trong những năm qua ổn định mức giá từ 5.500 đến 6.500 đồng/kg. Công ty TNHH một thành viên chè Thanh Bình thu mua đến 90% tổng sản lượng chè của toàn huyện.
Huyện Mường Khương hiện đang dẫn đầu toàn tỉnh về diện tích chè hàng hóa với trên 2.000 ha.
CAO CƯỜNG
Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận): Diện tích cây mía giảm khoảng 700ha
Nguồn tin: Báo Bình Thuận
Phòng Nông nghiệp & PTNT Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) cho biết, vụ mía 2015 - 2016, tổng diện tích mía trồng toàn huyện chỉ đạt 20ha tập trung tại xã Thuận Minh, giảm gần 200ha so với vụ mía 2014 - 2015. Thống kê từ năm 2011 - 2014, toàn huyện giảm khoảng 700ha mía. Nguyên nhân tổng diện tích mía của huyện giảm mạnh chủ yếu là do sâu bệnh hoành hành, giá mía thu mua đầu vào Nhà máy đường thuộc Công ty TNHH MK Sugar Việt Nam giảm. Bên cạnh đó, các chính sách như: bao tiêu chữ đường, phân lịch đốn chặt, chính sách thu mua mía cháy… chưa được các nhà máy đường chú trọng quan tâm. Trong khi đó, các chi phí sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí nhân công trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển đều tăng. Do đó, người dân trồng mía bị thua lỗ nặng nên đã chủ động chuyển sang trồng một số loại cây trồng khác với hi vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến tháng 3/2015, Nhà máy đường của Công ty TNHH MK Sugar Việt Nam đóng tại thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc cũng đã ngưng hoạt động.
Nông dân thu hoạch mía
Để bà con không quay lưng với cây mía, ngành nông nghiệp cần tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, giảm giá thành cho cây mía. Qua đó tránh tình trạng vùng mía nguyên liệu thu hẹp dần theo từng năm, dẫn đến hệ lụy thiếu nguyên liệu đầu vào ở các nhà máy đường trong những niên vụ tiếp theo.
T.HÀ
Ưu tiên phát triển cây mè
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp
Với đặc tính chịu hạn tốt, dễ trồng, đặc biệt lợi nhuận khá hấp dẫn nên những năm gần đây, mè là một trong những đối tượng cây màu được nông dân ở Đồng Tháp ưu tiên lựa chọn luân canh trên nền đất lúa.
Cây mè mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân
Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, việc chuyên canh lúa trên một nền đất nhiều năm sẽ làm cho đất bị thoái hóa, cạn kiệt nguồn dinh dưỡng, mầm bệnh, sâu hại tồn tại lâu trong đất làm giảm năng suất lúa, ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái. Do đó, để canh tác lúa hiệu quả, nhà nông cần trồng xen canh 2 vụ lúa - một vụ màu. Và cây mè được nông dân trồng xen canh với lúa.
Nhiều nông dân cho biết, luân canh cây mè trên nền đất lúa mang lại lợi nhuận cao gấp 3 lần trồng lúa, bình quân 1ha mè lãi từ 45 - 48 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Le ngụ xã Phong Hòa, huyện Lai Vung cho biết: “Mấy năm trước trồng khoai lang tím Nhật gia đình có khi lỗ từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Năm nay được một số anh em tư vấn, tôi mạnh dạn chuyển sang trồng mè. So với khoai lang, lúa thì mè nhẹ chi phí đầu tư nhưng năng suất rất cao, trung bình mỗi công (1.300m2) năng suất đạt từ 190 – 200kg, với giá bán 40 ngàn/kg như vụ vừa rồi thì 3 công mè, gia đình tôi có lãi trên 20 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa”.
Đánh giá về những tiềm năng và ưu thế khi phát triển cây mè trên nền đất lúa, Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ - giảng viên Trường Đại học Cần Thơ phân tích, sản xuất luân canh giữa lúa và mè, nhất là trong vụ hè thu, không chỉ giúp nông dân gia tăng lợi nhuận ngay trong vụ sản xuất mà còn có tác dụng hỗ trợ tốt cho các vụ sản xuất lúa sau. Theo bà con nông dân trồng mè ở TP.Cần Thơ, ruộng lúa sau khi trồng mè sạ lúa lại sẽ rất trúng và ít sâu bệnh hơn so với sản xuất lúa liên tục 3 vụ trong năm do các mầm sâu bệnh bị tiêu diệt. Ngoài ra, cây mè cũng là loại cây trồng giúp tiết kiệm nước, thích ứng tốt với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong vụ sản xuất hè thu hằng năm. Hạt mè sau khi thu hoạch và phơi khô, bảo quản được trong một thời gian rất dài. Nhờ vậy có thể trữ hàng lại để chờ giá, hạn chế được áp lực bán ra khi bước vào mùa thu hoạch rộ. Hơn nữa, đầu ra của cây mè cũng đang rộng mở do sản xuất dầu ăn và các loại bánh kẹo...
Bên cạnh những ưu điểm nổi bật thì tình hình sản xuất mè trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long đang vướng một số khó khăn. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Bảo Vệ cho rằng: Hiện nay, nhiều nông dân trồng mè chưa an tâm do giá cả thường xuyên biến động theo chiều hướng bất lợi cho nông dân khi bước vào thu hoạch rộ. Bên cạnh đó, nông dân cũng chưa được hỗ trợ về giống, vẫn còn sử dụng nguồn giống trôi nổi ngoài thị trường, chất lượng chưa ổn định. Do đó, thời gian qua nông dân vẫn chưa khai thác hiệu quả kinh tế tối đa mà cây trồng này mang lại.
Thông tin về kế hoạch phát triển cây mè tại Đồng Tháp trong thời gian tới, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, mè là một trong những cây trồng cạn được tỉnh Đồng Tháp ưu tiên đưa vào canh tác, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Cây mè cho thu nhập kinh tế ổn định hơn cây bắp lai và cây đậu nành. Thời gian qua, Sở đã phối hợp với Viện nghiên cứu Dầu và Cây có dầu, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đề tài nghiên cứu “Tuyển chọn và phát triển giống mè có năng suất cao, chất lượng tốt phù hợp nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở tỉnh Đồng Tháp”. Hiện đề tài đã được nghiệm thu. Sắp tới, ngành nông nghiệp sẽ đưa các giống mè triển vọng này thực hiện mô hình thí điểm và nhân rộng cho bà con nông dân.
Mỹ Lý
Đắk Lắk: Tiêu được mùa... trượt giá!
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Trái với niên vụ trước, hồ tiêu năm nay tuy có được mùa hơn một chút nhưng lại đang trên đà rớt giá mạnh ngay từ đầu vụ thu hoạch khiến người dân thấp thỏm lo âu.
Lo lắng bao trùm!
Những ngày này, người dân trồng tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang vào vụ thu hoạch rộ. Dọc đường về các xã Ea Bhốk, Ea Ning (huyện Cư Kuin) đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh người dân tất bật thu hoạch tiêu. Ông Lê Văn Ngọc, thôn 24, xã Ea Ning cho biết, gia đình ông có 1 ha tiêu nhưng mới có 400 trụ (hơn 3 sào) cho thu hoạch, sản lượng ước đạt hơn 3 tấn nhân, tăng hơn 1 tấn so với niên vụ trước. Vụ tiêu này thời tiết nắng hạn nên ít dịch bệnh, theo đó công chăm sóc cũng ít, chất lượng tiêu được nâng cao hơn, nhưng do giá giảm mạnh nên thu nhập chỉ ngang với mọi năm. Tương tự, gia đình bà Hồ Thị Minh, cùng thôn 24 có hơn 1 ha tiêu cho hay, năm nay vườn tiêu của bà có 6 sào cho thu hoạch, so với năm trước, sản lượng tiêu thu được nhiều hơn, nhưng giá tiêu lại giảm từng ngày, cách đây 1 tuần thương lái đến thu mua tận nhà giá trên dưới 150.000 đồng/kg (tùy vào độ zem) thì nay chỉ còn 135.000 - 140.000 đồng/kg, giảm 60.000 - 70.000 đồng/kg so với năm trước nên bà đang có kế hoạch găm hàng với mong muốn giá tiêu sẽ tăng trở lại vào cuối vụ. Trên thực tế, năm nay không phải vườn tiêu nào cũng được mùa, như hộ bà Triệu Thị Châu, thôn 3, xã Cư Suê (Cư M’gar) có 1 ha tiêu xen canh trong cà phê, sản lượng năm nay thu về chỉ đạt gần 2 tấn, giảm hơn 1 tấn so với niên vụ 2014 - 2015. Do giá nhân công cao, giá tiêu giảm… nên khoản lợi nhuận của gia đình theo đó cũng bị sụt giảm.
Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) hướng dẫn ông Lê Văn Ngọc, thôn 24, xã Ea Ning chăm sóc tiêu theo hướng bền vững.
Ông Phạm Quang Mười, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar cho biết, hồ tiêu cũng giống như cà phê, năm trước được mùa thì năm sau mất mùa nhưng điều lo lắng nhất với cây tiêu hiện nay chưa phải là giá cả mà là nguy cơ dịch bệnh. Ước tính trên địa bàn huyện có khoảng 2.800 ha tiêu, trong đó diện tích trồng thuần là 1.500 ha, đến nay cơ bản bà con đã thu hoạch xong tiêu (giống Vĩnh Linh) còn các loại tiêu khác đang bước vào thu hoạch rộ.
Lợi thế phát triển theo hướng bền vững
Với mức giá dao động trên dưới 135.000 đồng/kg tiêu hạt như hiện nay, sau khi trừ chi phí, nhà vườn vẫn có lãi, nhưng ai cũng lo ngại là hồ tiêu đang có chiều hướng tiếp tục trượt giá trong thời gian tới, liệu hộ trồng tiêu còn có lãi nữa không (?). Trên thực tế, diện tích hồ tiêu thời gian gần đây tăng mạnh khiến nguồn cung tăng cao, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ trên thị trường quốc tế tăng chậm. Đặc biệt, tình trạng suy thoái, bạc màu đất do lối canh tác xô bồ, triệt hạ cả vành đai cây che bóng cho tiêu khiến hiện tượng đất bị trôi rữa, lại thêm hạn hán ngày càng diễn biến phức tạp đang đe dọa sự phát triển ổn định của loại cây này. Do đó, phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững đang được các địa phương chú trọng thực hiện. Ông Hồ Sỹ Nguyên, Quyền Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin cho hay, trong tổng số 3.426 ha tiêu trên địa bàn thì có 2.294 ha trồng thuần còn 1.132 ha trồng xen đông đặc trong vườn cây lâu năm. Trong đó, diện tích kinh doanh vào khoảng 2.045 ha, năng suất bình quân đạt 3,5 tấn/ha. Để nâng cao năng suất, chất lượng cũng như giá trị hồ tiêu, hằng năm huyện đều triển khai các chương trình phát triển cây tiêu theo hướng bền vững cho bà con nông dân. Trong đó, chú trọng việc cân đối các trụ sống và trụ xi măng trong các vườn cây để tạo môi trường sinh thái bền vững cho cây trồng. Hiện tại, huyện đã hoàn thiện hồ sơ xây dựng thương hiệu hồ tiêu Cư Kuin gửi Cục Sở hữu trí tuệ chờ công nhận.
Nông dân xã Ea Ning thu hoạch hồ tiêu.
Ông Nguyễn Huy Phát, Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết, Đắk Lắk hiện có khoảng 16.100 ha tiêu, chiếm 36,7% diện tích hồ tiêu vùng Tây Nguyên và 18,8% của cả nước, nhưng năng suất bình quân chỉ đạt trên 3 tấn/ha, thấp hơn bình quân vùng (3,14 tấn/ha), sản lượng chỉ đứng thứ 2 cả nước (sau Gia Lai). Tuy nhiên, giá thành sản xuất hồ tiêu tại Đắk Lắk lại thấp hơn so với các tỉnh khác là một trong những lợi thế lớn để thúc đẩy cây tiêu địa phương phát triển theo hướng bền vững. Hằng năm, Chi cục đều triển khai phát động chiến dịch phòng chống bệnh chết nhanh chết chậm, thành lập các tổ chỉ đạo phòng chống dịch bệnh, xây dựng mô hình phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững tại các vùng trọng điểm của tỉnh. Dự kiến, năm nay đơn vị sẽ phát động chiến dịch phòng chống bệnh chết nhanh chết chậm vào tháng 4 trên toàn tỉnh, trong đó chú trọng các vùng trọng điểm như Cư Kuin, Cư M’gar, Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ...
Thanh Hường
Ứng dụng mô hình “2 lúa + 1 màu”
Nguồn tin: Báo An Giang
Nông dân Chau Chhuôn (ấp An Lợi, xã Châu Lăng, Tri Tôn, An Giang) vừa thu hoạch 1,5 công dưa gang được trên 3 tấn trái và bán 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lời trên 18 triệu đồng. Ông Chhuôn ứng dụng “2 lúa + 1 màu” thành công, mô hình thích ứng điều kiện khô hạn, nhưng vẫn nâng cao giá trị sản xuất.
Chuyển đổi cây trồng thích hợp
Đất ông Chhuôn thuộc vùng 3 vụ và có trạm bơm điện phục vụ nhưng sản xuất không thuận lợi, do vị trí gò cao và gần triền đồi Latina. Vụ đông xuân, ông phải bơm chuyền thêm để có nước phục vụ sản xuất nên tốn thêm chi phí, song năng suất vẫn không đạt. Ông chia sẻ: “Trồng lúa không có hiệu quả, năng suất không bằng ai, còn thay đổi cũng chưa biết trồng cây gì”. Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức, ông quyết định trồng màu và chọn dưa gang làm thử nghiệm. “Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Tri Tôn thường xuyên thăm ruộng, hướng dẫn thêm nên tôi thấy yên tâm” – ông Chhuôn nói.
Bà Neáng Rinh (vợ ông Chhuôn) bán dưa gang mùa khô
Vậy là chọn dưa giống mới, năng suất cao, ông Chhuôn gieo trồng toàn bộ 1,5 công đất gò. Dựa vào địa hình, nếu xung quanh bơm nước thì cũng thấm chút đỉnh, nhưng không đến nỗi gây thiệt hại, bởi dưa gang ít có nhu cầu nước tưới. Đặc biệt, loại này cũng ít “mẫn cảm” thuốc bảo vệ thực vật, khả năng thích ứng trong mọi tình huống, cây vẫn sinh trưởng tốt. “Chăm sóc dưa gang nhẹ hơn so với nhiều loại hoa màu khác, chưa thấy phát sinh sâu bệnh gì đáng kể. Nhờ vậy, ít tốn công lao động, chi phí đầu tư rất thấp” – ông phấn khởi. Thời vụ trồng dưa gang chênh lệch không nhiều so với lúa, đảm bảo quy trình vận hành sản xuất toàn vùng.
Hơn một tháng qua, đám ruộng dưa gang của ông Chhuôn thu hoạch đều đều, trung bình mỗi ngày khoảng 100kg, trái loại 1 (4 – 5kg) chiếm phần lớn, năng suất đạt rất khả quan. “Trái bự thấy ham lắm, bán cho bạn hàng từ 7.000 đồng/kg, còn bán lẻ cho khách đi đường được 8.000 – 10.000 đồng/kg, tùy theo loại trái lớn hoặc nhỏ” – ông khoe. Đám ruộng dưa gang kết thúc thu hoạch, ông Chau Chhuôn và vợ rất đỗi mừng, rồi cả xóm cũng vui lây. Tên tuổi “ông Chhuôn trồng dưa gang” cả ấp An Lợi được nhiều người biết, nhất là đối với đồng bào Khmer ở phum Phnom Pi, Rò Leng, Mằng Rò...
Ứng dụng cây đậu xen canh
Ngoài việc chăm chút 1,5 công đất ruộng trên, ông Chhuôn cho hay, 10 công đất dưới đồng bằng cũng đang thử nghiệm cây đậu xanh, đậu phộng… để xen canh “2 lúa + 1 màu”. Đây là công việc ứng dụng vào thực tiễn sản xuất sau lớp tập huấn “Gieo trồng đa dạng – thu hoạch an toàn thích ứng biến đổi khí hậu”, do Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường đại học Cần Thơ) và Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức. Lớp học tiến hành khoảng 90 ngày, với sự tham gia của đông đảo nông dân người Kinh và đồng bào Khmer, mở ra triển vọng mới đối với vùng 3 vụ miền núi.
Cách nay khoảng 5 năm, ông Chhuôn đã tham gia chương trình “Khuyến nông có sự tham gia – PAEX”, do Trung tâm Khuyến nông An Giang triển khai. Vì vậy, ông được tiếp cận tài liệu khoa học- kỹ thuật và tăng khả năng ứng dụng, nhất là kiến thức ngày càng nâng cao hơn. Ông bảo: “Nhờ được tập huấn, mình mới nắm được kỹ thuật, rồi ứng dụng trước. Khi thành công, bà con mới tham khảo, góp ý kiến thêm”. Ông Chhuôn đã áp dụng các biện pháp canh tác, chọn giống lúa thích hợp vùng đất và từng vụ sản xuất. Vụ đông xuân năm nay, cây lúa của ông Chhuôn đạt trên 7 tấn/héc-ta, bán được 5.500 đồng/kg.
Được chuyển giao cách làm mới, ông Chhuôn kỳ vọng vào sự thành công sẽ giúp đồng bào Khmer sản xuất trong điều kiện khô hạn hiện nay. Theo ông, lợi ích thứ nhất là cây đậu có nhu cầu nước tưới ít, nên đưa vô trồng vụ xuân hè sẽ không gặp trở ngại khâu nước tưới; lợi ích thứ hai là sau thu hoạch, rễ cây đậu tạo ra chất mùn làm đất xốp, cung ứng thêm dinh dưỡng cho cây lúa phát triển. “Những năm trước đây, tôi có sản xuất thử nghiệm rồi, kết quả đạt theo yêu cầu. Hiệu quả 2 lúa + 1 màu tốt hơn 3 vụ lúa trong một năm” – ông Chhuôn bộc bạch.
Nông dân Chau Chhuôn (63 tuổi), là thành viên Câu lạc bộ Khuyến nông xã Châu Lăng, từng được xét chọn “Nông dân giỏi” cấp tỉnh nhiều năm liền. Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều hoạt động chương trình “Cùng nông dân ra đồng” của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời.
ÁNH NGUYÊN
Hàng trăm ha chuối trổ buồng chết khô, nông dân Bản Lầu lao đao
Nguồn tin: Nhân Dân
Chuối đang trổ buồng ở xã Bản Lầu (Mường Khương - Lào Cai) bị chết khô do rét và hạn hán kéo dài.
Trong khi giá chuối xuất khẩu tăng cao, hơn 10 nghìn đồng/kg quả tươi, những tưởng người nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số Mông, Dao ở xã biên giới Bản Lầu mừng vui thì trái lại, họ đau xót nhìn hàng trăm ha chuối đang trổ buồng nhưng chết khô, không cho thu hoạch, vì rét hại và hạn hán kéo dài
Chưa từng thấy chuối chết khô
Chiều 22-3, chúng tôi cùng Chủ tịch UBND xã Bản Lầu Dương Hồng Trung đến thôn Cốc Phương là thôn xa nhất trong số bảy thôn giáp biên giới Việt- Trung, của xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai mục sở thị hàng chục ha chuối đang trổ buồng nhưng bị chết khô, không cho thu hoạch. Những cây chuối mập mạp, buồng quả non được quấn bằng bao ni-lon để tránh rét, sương muối, nắng gắt nhưng lá cây héo khô, thân cây thối đen, rục xuống. “Chuối khô quắt hết lá, thân ruột bị thối đen, quả không thể lớn tròn cạnh được nữa, chỉ còn nước chặt bỏ để ủ làm phân xanh bón cây thôi”- Chủ đồi chuối hơn 8 ha là Thào Thắng, buồn bã thốt ra lời.
Thào Thắng kể: “Mình vét hết tiền nhà và vay mượn ngân hàng huyện được 900 triệu đồng, đổ hết vào trồng 14 nghìn gốc chuối (tương đương khoảng 8ha). Không quản công sức, phân bón chăm sóc, chuối tươi tốt, trổ buồng dài, quả đẹp, bất ngờ rét hại, rồi đến hạn hán kéo dài, làm cho quắt lá, thối ruột cây, chuối “chết đứng” hết cả. Giờ thì trắng tay rồi!”. Nếu không bị thiên tai thì với giá chuối bán tại vườn hiện giờ là 3,5 nhân dân tệ/kg (khoảng 11 nghìn đồng) thì mỗi cây chuối cho một buồng, khoảng 20kg, với 14 nghìn gốc chuối chắc chắn Thào Thắng có trong tay gần ba tỷ đồng. Thế nhưng “miếng ăn gần đến miệng” đã bị thiên tai cướp trắng, chưa kể nợ nần chồng chất.
Nông dân Bản Lầu chặt bỏ cây chuối bị thối hỏng, thu dọn lá khô để thúc mầm chuối phát triển trong vụ mới.
Ông Thào Minh, năm nay đã hơn 70 tuổi, là một trong những người có công đưa cây chuối mô vào trồng ở vùng này, mở hướng xóa đói giảm nghèo cho bà con người Mông, Dao “hạ sơn” từ vùng núi cao, khô khát Dìn Chin, Tả Gia Khâu của huyện Mường Khương xuống đây lập nghiệp, nói: “Ở vùng cao, rét và hạn hán thì gặp nhiều rồi, nhưng chưa bao giờ thấy cây chuối bị chết khô như năm nay. Thời tiết ngày càng khắc nghiệt, khó làm ăn quá”.
Cũng hoàn cảnh như Thào Thắng, hàng trăm hộ đồng bào người Mông, Dao ở bảy thôn giáp biên của xã Bản Lầu thất thu vì chuối vào mùa trổ buồng thì gặp rét và sau đó hạn hán kéo dài làm chết khô hết cả. Có thể kể đến, như nhà Thào Minh chết khô 10 nghìn gốc, Vàng Phổng chết 15 nghìn gốc, nặng nhất là nhà Thào Dìn được mệnh danh là vua chuối, bị chết khô 30 nghìn gốc, thiệt hại hơn năm tỷ đồng… Toàn xã Bản Lầu có hơn 500 ha chuối thì bị chết khô, mất trắng hơn 300ha, thiệt hại khoảng 12 tỷ đồng.
Nỗ lực cứu chuối, hy vọng vụ sau
Người dân chặt bỏ chuối non để ủ phân xanh bón cây.
UBND tỉnh Lào Cai xác định khắc phục thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống người dân là nhiệm vụ trọng tâm trong quý II-2016. Đối với vùng cao, vùng sâu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chính quyền địa phương tập trung thực hiện các biện pháp thâm canh tối đa, nhằm “cứu” thảo quả hồi sinh sau rét hại. Ông Dương Hồng Trung, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu cho biết: Trước hết, xã chỉ đạo người dân rà soát, cây chuối nào còn một đến hai lá còn xanh thì để lại nhằm tận thu quả, dù giá bán có thể thấp hơn. Đối với diện tích bị chết khô lá, thối ruột cây hoàn toàn thì khẩn trương chặt bỏ để nuôi mầm cây cho vụ mới. Ông Trung lý giải: Tuy cây chuối bị chết khô, không còn khả năng cho quả nhưng phần gốc (củ) vẫn có khả năng hồi sinh để mọc lên cây mới. Biện pháp phù hợp lúc này là hướng dẫn, đôn đốc bà con nông dân phát dọn, thu gom thân cây chuối bị chết khô, dọn vệ sinh gốc, sau đó bón thúc bằng phân bón phù hợp để kích thích củ chuối ra mầm cây mới. Lứa cây mới này, chăm bón tốt sẽ cho thu hoạch quả với năng suất và chất lượng tối đa nhất, trong chu trình sinh trưởng của cây chuối, so với 2 đến 3 vụ tiếp theo (mà không phải trồng lại).
Theo chỉ đạo của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, bà con nông dân Bản Lầu đang tập trung nhân lực phát dọn thực bì, thu gom thân cây, lá chuối bị chết khô và bón thúc mầm để hồi sinh diện tích chuối bị thiệt hại sau rét và hạn hán kéo dài. Xã Bản Lầu đã tín chấp với Chi nhánh sản xuất phân bón NPK thuộc Công ty Apatít Việt Nam cung ứng phân bón trả chậm, hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất. Trong khi UBND tỉnh Lào Cai có chính sách hỗ trợ vật nuôi và cây trồng bị thiệt hại do rét hại đối với nông dân ở các huyện Sa Pa, Bát Xát, thiết nghĩ cũng nên hỗ trợ nông dân Bản Lầu bị thiệt hại do rét và hạn hán kéo dài, để đồng bào ổn định sản xuất và đời sống.
QUỐC HỒNG
Lai Vung (Đồng Tháp): Nắng nóng, cam quýt tăng giá
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp
Mặc dù mới bước vào đầu mùa nắng nóng nhưng với nhu cầu sử dụng cam, chanh, quýt khá lớn từ thị trường nên những ngày gần đây giá các mặt hàng này có chiều hướng tăng mạnh trở lại.
Trong đợt tăng giá lần này, có thể nói cam xoàn là loại nông sản giữ mốc giá cao nhất. Hiện tại, cam xoàn loại I, nông dân bán tại vườn giá 40 ngàn đồng/kg.
Thời tiết nắng nóng quýt đường hút hàng
Ông Nguyễn Hữu Hạnh - một nhà vườn ở xã Tân Hòa, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết: “Hiện nay, phần lớn vườn cam xoàn ở Lai Vung đều đứt lứa, nông dân đang tập trung chăm sóc cho vụ cam mới bắt đầu thu hoạch vào khoảng tháng 7 âm lịch. Phần lớn lượng cam còn lại ở các vườn hiện nay là cam đậu trái lén, sản lượng rất thấp chỉ bằng 1/10 so với chính vụ. Tháng trước, gia đình tôi bán hơn 1 tấn cam giá chỉ 32 ngàn đồng/kg, nhưng nay giá tăng lên 40 ngàn đồng/kg. Ngoài vườn còn khoảng vài trăm ký cam, gia đình tôi định chờ cho giá tăng tiếp rồi mới bán”.
Nhiều nhà vườn cho biết, rất ngại xử lý cam xoàn cho trái nghịch vụ vì chi phí đầu tư cao, rủi ro nhiều, sản lượng không cao bằng chính vụ. Do đó, các chủ vườn có diện tích trồng cam lớn thường tập trung cho cam ra trái vào vụ thuận nhằm hạn chế rủi ro.
Ông Đoàn Văn Tèo ngụ xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung cho biết: mặc dù năm nay vườn cam của ông cho trái vụ đầu nhưng ông vẫn quyết định cho trái vào vụ nghịch. Ước tính diện tích hơn 2.000m2, vườn cam nhà ông có thể đạt sản lượng hơn 6 tấn. Với mức giá như như hiện nay thì sẽ cho lợi nhuận kha khá.
Bên cạnh cam xoàn trúng giá thì quýt đường cũng không thua kém. Nhờ rải vụ thuận lợi nên hầu như vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, quýt đường cũng “sẵn sàng” đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện tại, quýt đường được thương lái mua tại vườn của nhà vườn giá khoảng 23 - 25 ngàn đồng/kg, tăng từ 5 - 9 ngàn đồng/kg so tuần trước.
Theo ông Tống Văn Phong - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Lai Vung cho biết, qua Tết Nguyên đán, nhiều nhà vườn trồng quýt hồng “xả hàng” để chuẩn bị cho vụ mùa mới nên sản phẩm quýt đường rất khó tiêu thụ. Khoảng một tuần trở lại đây do không phải cạnh tranh với quýt hồng và nhu cầu của thị trường tăng nên giá quýt đường cũng tăng mạnh trở lại. Nhà vườn ở Lai Vung đang kỳ vọng thị trường Hà Nội và miền Trung sẽ tiêu thụ mạnh trở lại.
Ông Phong cũng cho biết, hiện một số nhà vườn trồng quýt đường ở Lai Vung cũng đang sản xuất theo chuẩn GlobalGAP để tiếp cận với những phân khúc khách hàng cao cấp hơn.
Mùa nóng cũng là thời điểm sản phẩm chanh “lên ngôi”, hiện tại chanh giấy nông dân bán tại vườn khoảng 20 - 25 ngàn đồng/kg, tăng gấp 5 lần so với thời điểm chính vụ. Giá chanh núm cũng tăng nhẹ khoảng 5 - 6 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều nhà vườn trồng chanh cho biết, mặc dù giá chanh có tăng nhưng so với cùng thời điểm năm ngoái thì vẫn còn thấp. Nhà vườn hi vọng giá chanh sẽ được cải thiện hơn vào những tháng sắp tới.
Mỹ Lý
Thu nhập tiền tỷ từ vườn cam, quýt trái vụ
Nguồn tin: Báo Đắk Nông
Đầu năm 2008, trong một dịp đi chơi ở tỉnh Bến Tre, thấy nông dân ở đây giàu có nhờ trồng cam, quýt nên chị Trần Thị Yến ở thôn Phú Xuân, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa, Đắk Nông) đã tự tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật canh tác và tiến hành chuyển đổi 2 ha cà phê sang trồng thử cam, quýt.
Khi thấy gia đình chị chuyển từ cây cà phê sang trồng cam, quýt, nhiều người đã khuyên can, cho rằng làm như vậy là đang “tự sát”. Theo chị Yến, trong 3 năm đầu, cuộc sống của gia đình hết sức vất vả bởi chi phí chăm sóc cho loại cây trồng này đã tiêu tốn số tiền lên đến hơn 2 tỷ đồng. Khi đó, cả gia đình như ngồi trên đống lửa vì chưa nhìn thấy hiệu quả kinh tế đâu, mà tiền đầu tư thì khá lớn. Mãi đến năm 2011, vườn cam ra trái và cho những “quả ngọt” đầu tiên, thu nhập 800 triệu đồng.
Sau những vụ mùa thành công, gia đình chị Yến tiếp tục đẩu tư 3 tỷ đồng mở rộng vườn cam, quýt 7ha. Để có giá bán cao, thị trường đầu ra ổn định, gia đình chị đã tập trung sản xuất cho cam, quýt trái vụ. Bởi theo chị Yến thì kỹ thuật để cho cam quýt ra hoa, kết trái trái vụ khá đơn giản nhưng cho hiệu quả kinh tế cao.
Cụ thể, vào mùa mưa người trồng chỉ việc trải bạt không cho nước mưa ngấm xuống đất; còn vào mùa khô cứ tăng cường tưới nước cho cây thì chu kỳ ra hoa, kết trái của cây sẽ bị đảo ngược theo ý muốn của người trồng. Chỉ tính riêng mùa thu hoạch trái vụ năm nay, sản lượng cam, quýt của gia đình chị Yến ước tính trên 150 tấn. Với giá bán thị trường trên 30 ngàn đồng/kg thì gia đình chị cũng đã có nguồn thu nhập gần 5 tỷ đồng.
Mô hình đã giải quyết việc làm cho 20 lao động thường xuyên
Chị Yến phấn khởi nói: “Từ nhiều năm nay, vườn cam của gia đình năm nào cũng xuất bán cả trăm tấn, nhưng chưa bao giờ phải lo lắng về đầu ra vì đây là cam, quýt trái vụ nên trên thị trường rất khan hiếm. Ngoài thương lái đến đặt hàng, gia đình tôi còn tìm kiếm bạn hàng ở khắp mọi miền đất nước. Hiện nay khách hàng đã vươn xa tới các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Qua thực tế cho thấy, vườn cam, quýt của gia đình tôi chẳng thấm tháp là bao so với nhu cầu thị trường. Vì vậy, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình lên khoảng 9 ha”.
Ngoài việc mang lại tiền tỷ cho gia đình chị Yến, vườn cam, quýt cũng đã tạo công ăn, việc làm thường xuyên và ổn định cho khoảng 20 lao động với mức lương ổn định 4,5 triệu đồng/tháng.
Trao đổi về mô hình trồng cam, quýt trái vụ của chị Yến, ông Nguyễn Thái Ban, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia cho biết: “Đây là một trong những mô hình tiêu biểu của địa phương trong quá trình thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Việc gia đình chị Yến mạnh dạn đưa giống cây cam, quýt vào trồng trái vụ đã khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế của địa phương để làm giàu chính đáng. Sự thành công của mô hình cũng mở ra một hướng đi mới, hứa hẹn nhiều triển vọng cho nông dân trên địa bàn học tập, phát triển kinh tế”.
Phan Tuấn
Giá thanh long tăng mạnh
Nguồn tin: Báo Ấp Bắc
Thanh long trên địa bàn huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang những ngày gần đây được thương lái thu mua với mức giá khá cao. Ngày 22-3, thương lái thu mua thanh long ruột đỏ với giá 37.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với tháng trước; thanh long ruột trắng đang ở mức giá 16.000 đồng/kg, tăng 6.000 đồng/kg. Với giá trên, sau khi trừ hết các khoản chi phí, nông dân huyện Tân Phước thu được lợi nhuận khá lớn.
Người dân huyện Tân Phước đang chăm sóc thanh long.
Cây thanh long chỉ xuất hiện ở huyện Tân Phước trong vòng 5 năm gần đây, nhưng diện tích trồng liên tục tăng nhanh. Năm 2014, diện tích thanh long của huyện là 81 ha, đến năm 2015 đạt trên 262 ha và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
CAO THẮNG
Gian nan xuất khẩu trái cây
Nguồn tin: Hà Nội Mới
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, những tháng đầu năm 2016, xuất khẩu trái cây đã có nhiều tín hiệu lạc quan: Australia vừa cho phép nhập khẩu 28 tấn quả vải từ Việt Nam; New Zealand đang kiểm tra quy trình trồng chôm chôm và xem xét nhập khẩu loại trái cây này...
Thanh long - một trong những mặt hàng trái cây có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây từ Australia, Nga... cũng đang hoàn tất thủ tục nhập khẩu trái cây Việt Nam. Tuy nhiên, chặng đường chinh phục thị trường thế giới của trái cây Việt Nam vẫn còn nhiều gian nan.
Theo bà Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, khó khăn lớn nhất hiện nay của xuất khẩu trái cây là vượt qua các hàng rào kỹ thuật. Hiện có hai hàng rào kỹ thuật mà các nước trên thế giới đang áp dụng, đó là vấn đề kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Những hàng rào kỹ thuật này không chỉ giúp bảo hộ sản xuất, bảo vệ người tiêu dùng và gìn giữ môi trường sinh thái trong nước, mà còn giúp đối phó các rào cản của các nước khác trong thương mại quốc tế đang ngày càng hiện đại và tinh vi. Thực tế xuất khẩu đã cho thấy, nhiều nông sản và trái cây của nước ta đã bị từ chối nhập hoặc trả lại do vi phạm những quy định, tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho biết: Nông dân không ngại thay đổi phương thức sản xuất nhưng cần có những doanh nghiệp, đơn vị đứng ra hướng dẫn và liên kết cùng sản xuất. Việc sản xuất theo những tiêu chuẩn quốc tế phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Hiện đa phần nông dân vẫn sản xuất theo hướng tự phát, tự học hỏi chứ chưa được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất bài bản.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Để vượt qua những rào cản kỹ thuật dứt khoát các địa phương cần tổ chức lại cách sản xuất đối với mặt hàng trái cây. Ngoài những phương thức thâm canh theo tiêu chuẩn thì việc chế biến và bảo quản trái cây sau thu hoạch cũng cần được đặc biệt chú ý vì vấn đề này ở nước ta còn lạc hậu so với các nước trong khu vực. Sự liên kết giữa nông dân với nông dân và nông dân với doanh nghiệp còn lỏng lẻo, từ đó làm mất thế cạnh tranh.
Tuy nhiên, việc áp dụng tiêu chuẩn an toàn cũng là một trong số khó khăn hàng đầu cho nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng như xuất khẩu trái cây Việt Nam thâm nhập các thị trường lớn trên thế giới trong đó có EU. Ông Chu Thanh Khơi, Giám đốc Công ty Chế biến thực phẩm xuất khẩu Tân Bình cho biết: Nhà nước cần có những chính sách cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, đồng thời có những giải pháp mang tính lâu dài để ngành trái cây phát triển.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn (nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn) cho rằng, các doanh nghiệp nên chấp hành nghiêm các cam kết quốc tế, thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng hoặc công bố hợp quy, hợp chuẩn các loại hàng hóa, xây dựng thương hiệu mạnh về các loại rau quả sạch, an toàn, kiểm soát tốt quy trình nội bộ về sản xuất, chế biến; thường xuyên theo dõi kịp thời các thông tin có liên quan từ các nước nhập khẩu cũng như từ cơ quan bảo vệ thực vật trong nước; tổ chức đầu tư vùng nguyên liệu trọng điểm (hợp đồng với nhà vườn, cung ứng và giám sát thực hiện đúng quy trình về sử dụng giống, vật tư nông nghiệp, thời gian thu hoạch, truy nguyên nguồn gốc).
Ngoài ra, để sản xuất trái cây cho hiệu quả cao nhất cũng như để mặt hàng này xuất khẩu được thuận lợi, các doanh nghiệp cũng cần liên kết chặt chẽ với nông dân để ký kết hợp đồng, giám sát chất lượng từ khâu sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm trái cây... Riêng trang trại, vườn trại phải nhanh chóng thay đổi thói quen sản xuất, thích nghi với điều kiện sản xuất mới cùng với doanh nghiệp xây dựng được chuỗi sản xuất, xuất khẩu. Có như vậy, trái cây Việt Nam mới có thể tiến ra thị trường thế giới một cách vững chắc.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 40 loại rau quả đã được xuất khẩu sang 40 nước và vùng lãnh thổ.
Dự báo xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2016 có thể đạt 2 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 1,49 tỷ USD năm 2015 nhờ vào sự mở cửa của 3 thị trường khó tính gồm Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ.
Đỗ Minh