Yên Bái: Giữ vững ‘thương hiệu’ chè Shan tuyết Suối Giàng
Nguồn tin: Báo Yên Bái
Chè Shan tuyết ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) đã có mặt ở các thị trường “khó tính” như: Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan, Đức... Sản phẩm đã được Hiệp hội Chè Việt Nam vinh danh “Thương hiệu chè Việt”.
Theo ông Sổng A Nủ - Chủ tịch UBND xã Suối Giàng: "Hiện nay, toàn xã có 674 ha chè, trong đó có 472 ha chè kinh doanh tập trung ở 4 thôn là Pang Cáng, Bản Mới, Giàng A, Giàng B. Trong đó có 400 cây chè Shan tuyết cổ thụ đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường công nhận là Cây Di sản Việt Nam”. Nét đặc trưng của búp chè Shan tuyết Suối Giàng là bọc một lớp phấn trắng mờ như tuyết, thời điểm thu hoạch từ tháng 3 đến hết tháng 10 hàng năm, cao điểm là từ tháng 6 đến tháng 8, thu hái hai lứa/tháng”.
Để có được những búp chè non "một tôm, hai lá”, nhiều khi người dân phải trèo lên cành cao của cây chè cổ thụ, thời điểm hái chè thích hợp nhất là vào buổi sáng sớm khi những lớp sương còn đọng lại. Chè hái về rồi vẫn phải chọn kỹ để thải loại những búp chè bị sâu, không quá già, sau đó mới sao.
Lửa sao chè phải giữ thật đều và luôn điều chỉnh nhiệt cho phù hợp, khi vò chè phải thật khéo để những búp chè săn lại để chè sao khô có thể thấy búp chè to, màu trắng xám, đây là một trong những khác biệt khiến chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng giữ vững được thương hiệu.
Chè Shan tuyết Suối Giàng không chỉ sạch mà còn ngon nổi tiếng và đã có mặt ở các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan, Đức... và các nước trong khu vực đặc biệt là các nước vùng Trung Đông. Tuy nhiên, có lúc vì lợi nhuận đã xuất hiện tình trạng "nhái” thương hiệu chè Suối Giàng.
Để giữ vững thương hiệu, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành đăng ký nhãn hiệu "Chè Suối Giàng - Yên Bái” để hướng tới sự phát triển lâu dài, bền vững.
Huyện Văn Chấn cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền xã xây dựng hệ thống văn bản quy định sử dụng và kiểm soát chất lượng sản phẩm chè mang nhãn hiệu Suối Giàng - Yên Bái từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến và bảo quản sản phẩm.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý vùng nguyên liệu chè, xã Suối Giàng đã thành lập Hợp tác xã Sản xuất chè hữu cơ gồm 18 tổ với 417 hộ trồng chè. Nhờ đó, các sản phẩm chè hiện nay đang được quản lý, điều phối khá tốt; các hộ trồng chè sản xuất ra sản phẩm chè búp tươi có chất lượng cao, điều tiết nguồn nguyên liệu phù hợp cho các cơ sở chế biến, bảo đảm chất lượng và giá thành sản phẩm.
Hiện nay, sản lượng chè búp tươi của xã thu hoạch đạt trên 650 tấn, sản phẩm chè chế biến trên địa bàn xã chiếm 75% là chè xanh, chủ yếu phục vụ thị trường trong nước và một phần nhỏ xuất khẩu; 25% sản phẩm là chè vàng phục vụ xuất khẩu. Với giá thu mua chè búp tươi bình quân 20.000 đồng/kg, giá trị sản xuất hàng năm của xã đạt trên 13 tỷ đồng, sản phẩm chè khô ngon đặc biệt có giá giao động từ 2,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng/kg còn lại giá bình quân 400.000 đồng/kg.
Là sản phẩm đặc trưng, xã Suối Giàng đề nghị cần tiếp tục có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, phát triển vùng nguyên liệu, thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị và thương hiệu chè Shan tuyết Suối Giàng.
Hồng Duyên
Xây dựng mã vùng trồng cho cây ăn quả: Còn nhiều thách thức. Kỳ 2: Ðẩy mạnh cấp mã số vùng trồng cho cây ăn quả: Bằng cách nào?
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Kỳ 2: Ðẩy mạnh cấp mã số vùng trồng cho cây ăn quả: Bằng cách nào?
Việc cấp mã vùng trồng là hồ sơ hàng hóa cần thiết để thực hiện truy xuất nguồn gốc khi cần. Và sẽ là bước tiến quan trọng cần phải làm để nhiều loại trái cây Đắk Lắk nói riêng và của Việt Nam nói chung có thể bước chân vào các thị trường khó tính.
Bắt đầu từ khâu sản xuất
Bộ NN-PTNT cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 989.000 ha cây ăn quả; năng suất bình quân đạt hơn 10 tấn/ha, sản lượng quả đạt 9 triệu tấn/năm. Hạn chế lớn nhất của việc phát triển cây ăn quả ở Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng là quy mô nhỏ lẻ, phân tán, khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất, kiểm soát chất lượng và tiêu thụ sản phẩm.
Do đó, để phát triển cây ăn quả bền vững và có sản phẩm tốt xuất khẩu thì việc trước tiên cần làm là các địa phương rà soát, quy hoạch vùng trồng cây ăn quả, vùng xuất khẩu để cấp mã số vùng trồng; giám sát việc tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm tại các vùng trồng đã được cấp mã số xuất khẩu; đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa người nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu và các cơ quan nghiên cứu khoa học, tạo sự chặt chẽ, hiệu quả và bền vững; ban hành chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản để có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu nông sản...
Vườn bơ của HTX bơ nông nghiệp Thắng Lợi (huyện Krông Năng).
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, trong thời gian tới, thị trường Trung Quốc sẽ bắt đầu khó tính và sẽ nâng mức kiểm dịch thực vật lên mức cao. Nếu chúng ta không chuẩn bị ngay bây giờ, từ khâu tổ chức sản xuất, canh tác bền vững thì thị trường xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn. Phía tỉnh Đắk Lắk cần có một nghị quyết về việc phát triển cây ăn quả bền vững để có vùng cây ăn quả tập trung, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường nhập khẩu. Ngành Nông nghiệp cần đưa ra quy trình chuẩn để tập huấn, tuyên truyền cho nông dân thực hiện. Cũng cần quan tâm đến vấn đề quản lý sau khi đã được cấp mã số vùng trồng. Chi cục phải phối hợp chặt chẽ với địa phương để giám sát quá trình sản xuất bảo đảm chất lượng của từng mã số được cấp.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Cây ăn quả Đắk Lắk, hiện tại Hội Cây ăn quả đưa ra những tiêu chí sản xuất theo quy trình chuẩn để cho ra một sản phẩm chất lượng đồng đều và mẫu mã đẹp nhằm đáp ứng theo nhu cầu và thị hiếu của thương lái Trung Quốc. Để đáp ứng yêu cầu về xây dựng mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc thì Hội đã đưa ra tiêu chí là kết nạp hội viên, hướng dẫn quy trình sản xuất theo VietGAP và GlobalGAP, bắt đầu làm chỉ dẫn địa lý, làm mã cốt, mã vạch, chỉ dẫn thương hiệu để trước mắt đưa trái sầu riêng của Đắk Lắk sớm đến với thị trường Trung Quốc và quốc tế.
Chú trọng xây dựng thương hiệu
Bộ NN-PTNT nhận định, xuất khẩu hàng rau quả trong những tháng cuối năm 2019 tiếp tục gặp nhiều khó khăn vì kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn; nhiều thị trường tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường khắt khe. Do đó, vấn đề đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý cho trái cây đặc sản vùng miền, trong đó có trái bơ, sầu riêng của Đắk Lắk là rất cấp bách.
Theo Hội Cây ăn quả Đắk Lắk, có đến 95% lượng sầu riêng Việt Nam là xuất sang thị trường Trung Quốc, chính vì vậy phải định hướng sản xuất cho nông dân và đưa ra chuỗi liên kết để giúp cho bà con nông dân có quy trình sản xuất tốt, an toàn và đạt hiệu quả cao trên vườn cây, tiến tới xây dựng thương hiệu cho vùng trái cây, đặc biệt là cây sầu riêng.
Thương lái thu mua sầu riêng ở xã Ea Kênh (huyện Krông Pắc).
Điều rất đáng mừng là vừa qua, có một đối tác ở Trung Quốc sang tìm hiểu thực tế sản phẩm sầu riêng ở Đắk Lắk và đánh giá rất cao vì sản phẩm sầu riêng họ được thưởng thức ở đây chất lượng tốt hơn rất nhiều so với sầu riêng bán ở Trung Quốc. Khi trao đổi về vấn đề giá sầu riêng gặp khó do chính sách nhập khẩu chính ngạch của Trung Quốc thì đối tác này cho rằng đó chỉ là vấn đề chính sách của nhà nước, trên thực tế các tỉnh ở Trung Quốc cũng có thể xin một số chủ trương nhập khẩu trực tiếp.
Tuy nhiên, với sản lượng sầu riêng cả nước tới 400 - 500 nghìn tấn (năm 2018) thì các kênh này chỉ mới là kênh nhỏ. Nhưng dù sao đây cũng là bước khởi đầu để chúng ta đường đường chính chính xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, giảm bớt áp lực tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân. Và Hội Cây ăn quả Đắk Lắk sẽ là cầu nối liên kết với các đối tác lớn, thương lái, công ty ở Việt Nam tạo ra một chuỗi lên kết giúp cho việc phát triển sầu riêng được ổn định hơn, tránh đi vào con đường chặt - trồng của tiêu, cà phê trước đây. Hội cũng mong muốn trong thời gian tới sẽ nhận được sự hỗ trợ của chính quyền các huyện, xã để cùng bà con nông dân làm tốt khâu sản xuất và liên kết. Nhà nước hỗ trợ kịp thời việc xây dựng thương hiệu cho trái cây của Đắk Lắk, trong đó có sầu riêng để cung cấp đầy đủ những chứng từ quan trọng về chất lượng, truy xuất, mẫu mã và thương hiệu theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Bộ NN-PTNT cho biết, hiện Bộ đang đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để mở cửa thị trường cho các sản phẩm rau quả. Mặt khác, phổ biến, hướng dẫn doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trái cây các quy định của Trung Quốc về tăng cường quản lý chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc đối với hàng hóa nhập khẩu... nhằm nâng cao ý thức về tiếp cận thị trường và tổ chức sản xuất nông sản xuất khẩu phù hợp với những quy định và nhu cầu nhập khẩu của thị trường này.
Bộ NN-PTNT yêu cầu các địa phương tổ chức tốt và xây dựng vùng sản xuất trái cây theo đặc thù và lợi thế của địa phương. Đặc biệt chú trọng áp dụng các quy trình sản xuất tốt nhằm bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm để đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu. Mục tiêu đến năm 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt trên 4,5 tỷ USD, trong đó trái cây chiếm hơn 3,6 tỷ USD.
Minh Thuận
Mô hình nuôi chim yến hiệu quả kinh tế cao nhưng còn nhiều bất cập
Nguồn tin: VOV
Tại ĐBSCL, hầu hết mô hình chăn nuôi chim yến là tự phát. Nhiều công trình nuôi chim yến cao tầng không có giấy phép xây dựng, ngoài vùng quy hoạch...
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, mô hình nuôi chim yến thương mại phát triển từ năm 2004. Đến nay, cả nước có 42/63 tỉnh, thành có mô hình nuôi chim yến với gần 9.000 nhà yến. Các khu vực có mô hình chăn nuôi nhiều nhất là ĐBSCL, Đông Nam bộ, Duyên hải miền Trung…
Do nhu cầu xuất khẩu gia tăng nên giá trị tổ yến tăng cao từ 1.500-2.000 USD/kg tổ yến. Mỗi năm, sản phẩm tổ yến được đưa đi xuất khẩu, thu về khoản ngoại tệ khoảng 100 - 25 triệu USD/năm.
"Lâu đài" nuôi chim yến của ông Trần Văn Kết, nguyên Chủ tịch UBND Tp. Mỹ Tho, là một trong những nhà yến "khủng" nhất tỉnh Tiền Giang.
Đối với vùng ĐBSCL, mô hình nuôi chim yến phát triển nhiều tại các tỉnh: Tiền Giang, Bạc Liêu, An Giang, Kiên Giang, Bến Tre. Hầu hết các mô hình chăn nuôi này mang tính tự phát, không theo quy hoạch. Nhiều công trình nuôi chim yến cao tầng nhưng không có giấy phép xây dựng, ngoài vùng quy hoạch; nuôi trong khu đông dân cư, gây tiếng ồn, làm ô nhiễm môi trường, có nguy cơ lây lan dịch bệnh…
Để chấn chỉnh tình trạng này, hiện nay, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang hoàn chỉnh “khung” pháp lý về việc chăn nuôi chim yến, trong đó quy định cụ thể vùng nuôi, kèm theo các quy định cụ thể ràng buộc các tổ chức, cá nhân khi đầu tư xây nhà nuôi yến phải đảm bảo các điều kiện cần thiết, nhất là yếu tố về môi trường.
UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu tạm thời ngừng phát triển mới, mở rộng nuôi chim yến tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung và các công trình công cộng trên địa bàn. Riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, tạm thời cấm xây dựng mới nhà nuôi chim yến trong khu vực nội ô thành phố, thị xã./.
Nhật Trường/VOV-ĐBSCL
Đông Nam bộ: Đủ nguồn thịt heo cho nhu cầu Tết Nguyên đán Canh Tý
Nguồn tin: Báo Công Thương
Do dịch tả heo châu Phi lan rộng đã ảnh hưởng lớn đến nguồn cung thịt heo trên thị trường, nhất là dịp cuối năm nay. Tuy nhiên, tại Đông Nam bộ, ngành Công Thương và các doanh nghiệp (DN) chủ lực đã cam kết đủ nguồn thịt heo để phục vụ cho nhu cầu cuối năm và dịp tết sắp đến.
Tại TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Phương Đông - Phó giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, dịp cuối năm năm nay thị trường có sự khác biệt lớn ở mặt hàng thịt heo, do dịch tả heo Châu Phi kéo dài làm hụt nguồn cung. Nhu cầu tiêu thụ thịt heo của thị trường thành phố bình quân khoảng 10.000 con heo/ngày, dịp cận Tết Nguyên đán tăng khoảng gấp rưỡi so với ngày thường, trong đó 80% sản lượng do các tỉnh thành cung cấp. Hiện tại, ngành Công Thương thành phố và các DN sản xuất, phân phối chủ lực đã có kế hoạch, sản xuất và dự trữ đủ lượng thịt heo cho mùa vụ kinh doanh cuối năm và Tết Nguyên đán sắp đến.
Cùng với sự chuẩn bị của các DN, chương trình bình ổn thị trường năm 2019-Tết Canh Tý năm 2020 của thành phố với 10 nhóm hàng thiết yếu, lượng hàng bình ổn thị trường chiếm từ 25- 30% nhu cầu thị trường; các tháng Tết, lượng hàng bình ổn chiếm từ 30- 40% nhu cầu thị trường. Riêng nguồn cung thịt heo bình ổn thị trường, các DN có kế hoạch chuẩn bị 4.091 tấn/tháng, chiếm 21% thị phần nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố. Trong đó, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn chuẩn bị khoảng 200 tấn/tháng; Vissan 1.315 tấn/tháng; Saigon Co.op cung ứng 1.510 tấn/tháng; BigC 31 tấn/tháng; Công ty C.P Việt Nam 225 tấn/tháng; Công ty San Hà 700 tấn/tháng và Công ty Anh Hoàng Thy 60 tấn/tháng
Toàn bộ hịt heo bán tại hệ thống siêu thị của Saigon Co.op từ Công ty Vissan đều in dấu an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi cung cấp cho người tiêu dùng
Tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước… cũng đã có kế hoạch chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng thịt heo cung ứng dịp cuối năm. Trong đó tại Đồng Nai, các sở ngành đang rà soát tình hình thực tế, có phương án tái đàn heo phù hợp cho dịp Tết và sẽ có thêm các phương án hạn chế rủi ro trước tình hình dịch bệnh phức tạp, kiểm soát các cơ sở giết mổ, giới thiệu các đơn vị chăn nuôi, giết mổ đủ điều kiện an toàn tham gia hệ thống bán hàng bình ổn giá... Còn ở Bình Phước, theo dự báo của tỉnh này, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng cao nên thiếu hụt thịt heo có thể xảy ra. Tuy nhiên, để ổn định sản xuất và cân đối thị trường thịt heo, ngoài tái đàn theo quy định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tăng cường phối hợp các sở, ngành, DN chăn nuôi vận động nông dân chuyển sang nuôi và tiêu thụ gia cầm để tránh đẩy giá lên quá cao, gây mất cân đối cung - cầu.
Về phía các DN, Đại diện Công ty Vissan cho hay, Vissan đang có kế hoạch dự trữ 3.600 tấn thịt heo trong thời gian 45 ngày và sẽ nhập khẩu thịt nếu có biến động lớn. Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn sẽ cung ứng cho thị trường bằng cách xuất chuồng heo dưới tuổi (từ 80 - 90kg/con), tập trung phát triển nguồn heo giống, hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn.
Trong khi đó, Công ty C.P Việt Nam cũng cam kết cung ứng đủ nguồn thịt heo vào dịp cuối năm; đồng thời triển khai biện pháp kỹ thuật, xuất chuồng sớm, tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng thịt heo nếu thị trường xảy ra biến động về nguồn cung và giá bán.
Hiện giá heo hơi tại khu vực miền Nam đang có chiều hướng giảm, mức giảm trung bình 5.000 đồng/kg và ở mức từ 56.000 - 62.000 đồng/kg. Theo các chủ trang trại chăn nuôi heo, giá heo hơi sắp tới sẽ còn giảm và khó xẩy ra tình trạng khan hàng sốt giá vào dịp cuối năm. Nguyên nhân là do dịch tả heo châu Phi đang dần được kiểm soát, nhiều trang trại đã có kế hoạch tái đàn, cùng với những phương án điều tiết thị trường của ngành Công Thương và ngành nông nghiệp trong việc tổ chức sản xuất, trữ hàng, tìm nguồn thực phẩm khác thay thế thịt heo.
Trần Thế
Hiếu Giang tổng hợp