Tin nông nghiệp ngày 25 tháng 9 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 25 tháng 9 năm 2019

Phát triển nông nghiệp hữu cơ: Mở hướng mới cho nông nghiệp Việt Nam

Nguồn tin:  Hà Nội Mới

Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đã xây dựng thành công mô hình nông nghiệp hữu cơ, với không ít mặt hàng được người tiêu dùng đón nhận và xuất khẩu tới một số nước. Tuy nhiên, để có một nền nông nghiệp hữu cơ vẫn là câu chuyện dài bởi nhiều nguyên nhân như: Nguồn vốn đầu tư lớn, chưa có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, sản phẩm hữu cơ bị đánh đồng với các sản phẩm nông nghiệp thông thường khác... Vậy đâu là giải pháp để phát triển nông nghiệp hữu cơ, mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp Việt Nam?

Chăm sóc rau hữu cơ tại trang trại Hoa Viên, xã Yên Trung (huyện Thạch Thất). Ảnh: Thái Hiền

Thách thức từ sản xuất đến tiêu thụ

Nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng thành công mô hình nông nghiệp hữu cơ, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, được người tiêu dùng đón nhận như: Rau hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn - Hà Nội), cam Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang), thịt lợn hữu cơ Bảo Châu (huyện Sóc Sơn - Hà Nội)…

Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp hữu cơ trong bối cảnh hiện tại phải giải quyết hàng loạt vấn đề. Bà Trương Kim Hoa - chủ trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất) có diện tích 10ha trồng rau và chăn nuôi theo hướng hữu cơ cho biết, Phát triển nông nghiệp hữu cơ cũng đồng nghĩa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bởi quy trình sản xuất khắt khe, cần có thời gian để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Trong khi đó, Việt Nam chưa có quy chuẩn cụ thể về sản xuất nông nghiệp hữu cơ nên người sản xuất vẫn phải tự mày mò. Khâu tiêu thụ càng phức tạp hơn vì trên thị trường đã có hiện tượng trà trộn giữa sản phẩm hữu cơ với các sản phẩm khác, thậm chí cả những sản phẩm không an toàn, khiến người tiêu dùng mất niềm tin.

Theo ông Trần Mạnh Chiến - Giám đốc chuỗi thực phẩm sạch Bác Tôm: Chi phí cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao gấp 5-6 lần so với các phương pháp thông thường, sản lượng không cao, nhưng giá cả thì chưa tương xứng do phải cạnh tranh gay gắt với các mặt hàng khác trên thị trường.

Về những khó khăn, thách thức trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Viện trưởng Viện Công nghệ xanh Mai Quang Vinh cho rằng: Thực tế, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam mới dừng lại ở dạng mô hình, quy mô nhỏ lẻ và đang gặp khó khăn để chuyển đổi sang quy mô hàng hóa. Nguyên nhân là do tỷ lệ diện tích đất sản xuất hữu cơ trong tổng diện tích đất canh tác thấp chỉ đạt 0,7%, trong khi bình quân thế giới là 4,1%.

Mặt khác, ngoài một số ít doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ thì phần lớn nông dân thiếu thông tin về quy trình sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên gặp nhiều vấn đề trong thực hành sản xuất hữu cơ.

Cùng chung quan điểm, bà Trần Thị Loan - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững - Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ khó nhân rộng do vốn đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu khá lớn. Các sản phẩm hữu cơ chưa đa dạng và chất lượng không đồng đều, một số sản phẩm đã được xuất khẩu nhưng ở dạng thô nên giá trị còn thấp.

Hoàn thiện hệ thốngcác tiêu chuẩn

Hiện tại, Bộ NN&PTNT đang lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà sản xuất để hoàn thiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước phát triển nông nghiệp hữu cơ trên thế giới.

Để đạt mục tiêu này, ông Thân Dỹ Ngữ - Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Thành kiến nghị: Cùng với việc hình thành vùng sản xuất quy mô lớn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong thu mua nguyên liệu, Bộ NN& PTNT cần phối hợp với các bộ, ngành ban hành tiêu chuẩn cụ thể về sản xuất nông nghiệp hữu cơ để doanh nghiệp, người dân áp dụng vào thực tiễn sản xuất theo một quy trình thống nhất. Đặc biệt, cần có cơ chế ưu đãi về vốn vay cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Về vấn đề thị trường, theo ông Nguyễn Văn Chữ - Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green: Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và phát triển thị trường nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam cũng như xuất khẩu. Đồng thời, minh bạch hóa thị trường sản xuất hữu cơ, xử lý nghiêm những trường hợp trà trộn sản phẩm gây mất niềm tin cho người tiêu dùng.

Với mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ NN& PTNT đang phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; hệ thống các tiêu chuẩn để hướng dẫn nông dân phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ từ sản xuất đến tiêu thụ; đồng thời có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tham gia phát triển nông nghiệp hữu cơ... Dự kiến trong quý IV-2019 sẽ hoàn chỉnh để trình Thủ trướng Chính phủ phê duyệt.

Với Hà Nội, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ, để phát triển nông nghiệp hữu cơ, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 196/KH-UBND ngày 18-10-2018 về nâng cao năng lực chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2019-2020.

Theo đó, Hà Nội xây dựng 5 đến 10 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy trình kỹ thuật tiên tiến, có sự kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn. 100% số hộ dân trong vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ của thành phố được tập huấn về kỹ thuật, kỹ năng, nhận thức hiểu biết về tiêu chuẩn, tiêu chí nông nghiệp hữu cơ...

Để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ cần nhiều thời gian, kinh phí. Vì vậy, cùng với việc ban hành chính sách, các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, người dân về sản xuất hữu cơ. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích các cửa hàng, siêu thị thu mua sản phẩm bảo đảm đầu ra cho nông nghiệp hữu cơ phát triển ổn định.

NGỌC QUỲNH

Hiện đại hoá ngành Nông nghiệp: Hiệu quả bước đầu

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh

Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của Chính phủ, những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã tập trung khai thác tối đa nguồn lực, tiềm năng, lợi thế cho sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững. Qua đó, đã đạt những thành tựu quan trọng, thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống người dân.

Trồng rau trong nhà lưới theo công nghệ thủy canh tại Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 188 (TX Đông Triều).

Ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp hiện được xem là yếu tố then chốt, tác động đến sự phát triển, tính cạnh tranh của sản phẩm. Những năm qua tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng KHCN, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hiệu quả lao động. Tỉnh đã linh hoạt thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với triển khai có hiệu quả Đề án “Tỉnh Quảng Ninh - Mỗi xã, phường một sản phẩm” (chương trình OCOP). Qua đó, tập trung nhân rộng mô hình sản xuất, xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN mới; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù địa phương, phát triển vùng sản xuất nông sản tập trung áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Quảng Ninh cũng đã tập trung nguồn vốn từ ngân sách để ưu tiên hỗ trợ ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp. Điển hình như trong lĩnh vực trồng trọt, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có lợi thế của tỉnh; ưu tiên, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, cơ giới hóa để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích đất , đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.

Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã chủ động ứng dụng KHCN để nâng cao chất lượng sản phẩm, như mô hình trồng rau thủy canh của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 188 (TX Đông Triều); Công ty CP Đầu tư Song Hành (TX Quảng Yên)... Các mô hình này tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất không sử dụng hóa chất, phân hóa học, thuốc trừ sâu, đem đến chất lượng rau an toàn, giá trị kinh tế cao hơn. Một số vùng trồng trọt trong tỉnh đã thực hiện quy trình VietGAP đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, như na, vải thiều Đông Triều, vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí). Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản vùng I (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT) đã cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 10ha na tại xã Việt Dân, 10ha vải thiều tại xã Bình Khê (TX Đông Triều); 10ha vải chín sớm phường Phương Nam (TP Uông Bí).

Trong lĩnh vực chăn nuôi, hướng sản xuất là chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang mô hình trang trại, gia trại công nghiệp và công nghệ cao, đa dạng hóa các sản phẩm; đối tượng vật nuôi chủ lực, thứ tự ưu tiên là lợn, gà, bò thịt, bò sữa. Trong lĩnh vực thuỷ sản, tỉnh tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực, đặc biệt nuôi trồng hải sản trên biển, bền vững, gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời tổ chức lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường.

Nuôi tôm thương phẩm tại huyện Đầm Hà của Công ty CP Thủy sản Việt - Úc. Ảnh: Mạnh Trường

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã triển khai 2 dự án, đề án lớn trong lĩnh vực giống thủy sản, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, là: Dự án hạ tầng Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn; Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà. Trong đó, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh được khởi động từ năm 2018, trên cơ sở nâng cấp dự án sản xuất giống, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính tại xã Tân Lập và xã Đầm Hà, của Tập đoàn Việt - Úc, đã đi vào vận hành, xuất xưởng hàng triệu con tôm giống thẻ chân trắng, đáp ứng nhu cầu con giống chất lượng cao tại chỗ phục vụ người nuôi tôm trong tỉnh.

Đến nay, nhiều lĩnh vực ứng dụng KHCN vào sản xuất đạt hiệu quả cao, như: Nuôi tôm siêu thâm canh bằng hệ thống nuôi tôm tuần hoàn trong nhà; sản xuất giống hoa lan cao cấp bằng công nghệ invitro và kiểm soát môi trường tự động của Đài Loan; sản xuất rau, quả bằng công nghệ Israel tạo sản phẩm đạt tiêu chuẩn cung cấp trong hệ thống BigC, Vinmart, Lotte...

Theo ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT: Hiện đại hoá ngành Nông nghiệp, Quảng Ninh đang đi đúng hướng, bước đầu đạt được hiệu quả. Đây là tiền đề để tỉnh nâng tỷ trọng, giá trị kinh tế, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và giàu có, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Đề án tái cơ cấu ngành, Sở sẽ tham mưu cho tỉnh tiếp tục ban hành những cơ chế, chính sách khuyến khích và tập trung nguồn lực đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, tìm kiếm công nghệ phù hợp với nhu cầu; mở rộng liên kết hóa sản xuất và xã hội hóa đầu tư, để nông nghiệp thực sự thay đổi cả về chất và lượng.

Nguyễn Thanh

Nước lũ về ĐBSCL có nhích lên, nhưng ở mức rất thấp

Nguồn tin:  Báo Cần Thơ

Theo Ủy hội Sông Mekong, nước lũ thượng nguồn sông Mekong đổ về ĐBSCL có nhích lên trong những ngày gần đây, tuy nhiên mực nước vẫn thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm. Cụ thể, ở trạm Tân Châu, mực nước được ghi nhận vào sáng 22-9-2019 đạt 3,38m và dự báo đến ngày 25-9-2019 đạt 3,46m. Mực nước hiện tại thấp hơn trung bình nhiều năm được ghi nhận tại thời điểm ngày 22-9 là 3,73m, đồng thời thấp hơn rất nhiều so với mực nước để đạt lũ là 4,5m. Còn ở trạm Châu Đốc, mực nước ghi nhận vào sáng 22-9-2019 đạt 2,92m và dự báo đến ngày 25-9-2019 đạt 2,99m, thấp hơn trung bình nhiều năm ghi nhận tại thời điểm ngày 22-9 là 3,23 mét và thấp hơn so với mực nước để đạt lũ là 4m... Lượng phù sa, nguồn lợi thủy sản từ sông Mekong mang về ĐBSCL thấp hơn nhiều so với những năm trước.

Huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) tăng cường nạo vét kênh, rạch, khai thông dòng chảy, hạn chế ngập úng khi nước thượng nguồn đổ về kết hợp triều cường dâng cao. Ảnh H.Văn

Tại TP Cần Thơ, Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN), hiện nước thượng nguồn đổ về thành phố thấp hơn so với trung bình nhiều năm. TP Cần Thơ chịu tác động từ các đợt thủy triều vào những ngày Rằm và cuối tháng âm lịch. Dự báo, ngày 30-9-2019, mực nước trên sông Hậu sẽ lên cao do triều, từ 1,9m đến 1,95m, cao hơn báo động III (1,9m) là 0,05m. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố yêu cầu các quận, huyện rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao ở vùng có nguy cơ bị ngập do triều; tăng cường gia cố, tôn cao các đoạn đê, bờ bao thấp, yếu, có nguy cơ xảy ra tràn vỡ, sạt lở trong mùa nước nổi để đảm bảo an toàn sản xuất, thu hoạch lúa Thu Đông, vườn cây ăn trái; tăng cường công tác tiếp nhận thông tin và dự báo đến nông dân những diễn biến của tình hình khí tượng, thủy văn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; tăng cường công tác chống ngập úng đô thị, hạn chế thiệt hại do thiên tai, triều cường gây ra; rà soát các phương án “bốn tại chỗ” để đảm bảo an toàn ứng phó khi sự cố xấu xảy ra; tổ chức trực ban 24/24 giờ trong các đợt triều cường, mưa lớn để theo dõi, nắm chắc mọi tình hình có liên quan đến công tác PCTT-TKCN trên địa bàn quản lý; lực lượng công an tích cực tuần tra, kiểm soát, điều tiết giao thông tại các tuyến đường bị ngập sâu, khu vực ngã ba, ngã tư nhằm hạn chế ùn tắc giao thông khi triều cường lên cao...

H.VĂN

Nhiều mô hình làm ăn trong lũ

Nguồn tin:  Báo An Giang

Khác với những mùa lũ 1996, 1997, 2000, năm nay lũ về ĐBSCL làm nhiều người dân vui mừng. Ngoài rửa sạch đồng ruộng, lũ còn mang theo nhiều tôm, cá, giúp người nghèo có thu nhập ổn định từ việc khai thác lợi thế của lũ. Nhiều hộ đã tổ chức sản xuất trong lũ, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Từ đánh cá bắt tự nhiên...

Những ngày qua, gia đình ông Lê Văn Năm (ấp Phú Quý, xã Phú Lộc, TX. Tân Châu) luôn tất bật với công việc đánh bắt cá mùa lũ. Công cụ để đánh bắt cá của ông năm nay là những tay lưới và 15 cái dớn (dân trong vùng còn gọi là đại đường ven). Với những công cụ này, bình quân mỗi đêm, gia đình ông Năm có thu nhập từ 500.000 - 700.000 đồng, góp phần đáng kể vào việc cải thiện đời sống trong lũ. “Năm nay lũ về muộn nhưng đầu mùa cá, tôm rất nhiều. Dân làm nghề câu lưới rất phấn khởi. Hiện nay, các mặt hàng cá trắng như: cá linh, cá dãnh, hột mít, mè vinh, tôm chạy rất nhiều, từ đó người làm nghề câu, lưới, lọp, lờ có thu nhập cao và ổn định” - ông Năm chia sẻ.

Nhờ có lũ, người làm nghề đặt lợp bắt cá lóc có cuộc sống ổn định

Không chỉ gia đình ông Năm mà có trên 30.000 hộ dân trong tỉnh, chuyên sống với nghề câu, lưới rất phấn khởi, bởi lũ năm nay được xem là “lũ đẹp”. “Lũ đẹp” bởi nước dưới sông rất đục, phù sa nhiều, từ đó bồi đắp đồng ruộng rất tốt, hứa hẹn vụ đông xuân tới, nông dân ĐBSCL sẽ trúng mùa. “Lũ đẹp” là bởi mực nước trên 2 triền sông Tiền và sông Hậu vừa vượt mức báo động 1, không gây ngập úng hay phá vỡ hạ tầng giao thông như những năm 1996, 1997 và 2000.

Những hộ đặt dớn rất phấn khởi vì tôm, tép trong lũ rất nhiều

Tranh thủ lúc ông Năm ngồi uống trà trong đêm khuya, chờ đến giờ thăm lưới, tôi hỏi ông những người chuyên mưu sinh trong lũ, dựa vào đâu để hoạch định việc tổ chức sản xuất, chuẩn bị ngư cụ để đánh bắt, ông Năm liền nói, bằng kinh nghiệm dân gian. Theo đó, ông Năm theo dõi các tổ ong ruồi đóng trên cây tre, cây xoài trong vườn. Năm nay, thấy đa phần các tổ ong đóng ở vị trí cao, nên ông chắc một điều năm nay lũ không nhỏ. Ngoài theo dõi các tổ ong, hiện tượng kiến bò vào nhà nhiều cũng dự báo sẽ có lũ. Từ kinh nghiệm này, ông Năm chuẩn bị phương tiện, công cụ đánh bắt cá, tôm để cải thiện đời sống trong lũ.

… đến tổ chức sản xuất trong lũ

Chung sống với lũ, tổ chức sản xuất trong lũ, tận dụng lợi thế của lũ để mưu sinh, làm giàu là một tập quán đã có từ lâu ở An Giang. Từ tập quán này, vào những năm 1996, 1997, An Giang đã có chủ trương tổ chức sản xuất trong lũ, tận dụng lợi thế của lũ để cải thiện đời sống người dân. Từ cách nghĩ này, tỉnh đã chủ trương cho hộ nghèo vay vốn, tổ chức sản xuất trong lũ như: trồng rau nhút, bầu, bí, ớt, khổ hoa, cải ngọt, cải xanh… cung cấp cho các chợ đầu mối, chợ làng, chợ xã trong và ngoài tỉnh, nâng cao thu nhập nông hộ. Đối với hộ nghèo không có phương tiện, công cụ mưu sinh thì nhà nước cho xuồng, lưới để đánh bắt cá mùa lũ, cải thiện đời sống. Ngân hàng bám sát chủ trương của từng địa phương trong tổ chức sản xuất vụ 3, trồng hoa màu trong mùa nước nổi để hỗ trợ vốn cho bà con. Với cách làm này, ngay trong những tháng mùa lũ, hàng trăm ngàn người dân nghèo trong tỉnh đã có cuộc sống ổn định. Và hơn 20 năm qua, hàng năm dù lũ có về hay không, việc tổ chức sản xuất vụ 3 đã trở thành tập quán, góp phần cải thiện đời sống hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho hộ khá, làm giàu chính đáng cho những cơ sở, doanh nghiệp có sử dụng lao động nông nhàn trong mùa lũ.

Thu hoạch cá lóc trong lũ

“Vốn phục vụ cho sản xuất là một việc rất cần thiết với chúng tôi. Những năm gần đây, từ chương trình tín dụng phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn, tín dụng cho người nghèo, nhiều nông hộ đã được hỗ trợ vốn với lãi suất thấp để sản xuất trong lũ, nhờ đó người dân vùng nông thôn đã bám đất, giữ làng, phát triển sản xuất, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất của mình…” - ông Nguyễn Văn Dứt, Giám đốc HTXNN Tân Phú A1 (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) chia sẻ.

Những ngày này, đi qua các địa phương đầu nguồn như An Phú, Tân Châu hay các huyện ở hạ lưu như: Chợ Mới, Phú Tân, Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn… nơi đâu cũng thấy bà con tất bật với công việc trong lũ. Người thì đi đặt lươn, giăng câu, bủa lưới bắt cá; người thì trồng nấm rơm, cà, ớt, bầu, bí để bán có giá. Năm nay, bệnh dịch tả heo Châu Phi xuất hiện trên địa bàn cả nước nên các mặt hàng cá đồng có giá rất cao. Hiện cá linh đến 70.000 đồng/kg, cá mè vinh, cá dãnh từ 50.000/kg trở lên. Điều này đã giúp cho nhiều hộ nghèo trong tỉnh có đời sống ổn định trong lũ.

MINH HIỂN

Xác lập kỷ lục quả bí ngô lớn nhất Việt Nam nặng 126,6 kg

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Ngày 23/9, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục quả bí ngô lớn nhất Việt Nam nặng 126,6 kg thuộc về Công ty TNHH Trang trại Langbiang (Langbiang Farm).

Bằng xác lập kỷ lục quả bí ngô lớn nhất Việt Nam

Quả bí ngô nặng nhất Việt Nam đã chính thức được công nhận bởi Tổ chức Kỉ lục Việt Nam hiện đang được trưng bày tại Green Box Cafe, địa chỉ số 42 Xô Viết Nghệ Tĩnh -TP Đà Lạt để phục vụ khách du lịch đến chiêm ngưỡng.

Trước đó, đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã làm việc với Langbiang tiến hành đo đạt quả bí ngô ngay tại trang trại này.

Đại diện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cùng chủ nhân Langbiang Farm – ông Trần Huy Đường cân quả bí ngay tại vườn

Bên cạnh quả bí ngô khổng lồ nặng 126,6 kg, trang trại còn có nhiều quả bí ngô có trọng lượng từ 97 -105kg. Hiện một số quả bí ngô đã thu hoạch đang được sắp đặt trưng bày tại địa điểm trên cho khách tham quan miễn phí.

AN NHIÊN

Trồng đậu nành rau lời cao

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Với 15 công đất trồng đậu nành rau, ông Nguyễn Văn Tư (ấp Hòa Thạnh, xã Nguyễn Văn Thảnh- Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) thu hoạch được 1,2 tấn/công- năng suất tương đối cao so các hộ trồng đậu nành rau trong xã.

Đậu nành rau được ông Nguyễn Văn Tư đóng kiện đưa lên xe tải chuẩn bị giao hàng cho công ty.

Đây là vụ đầu tiên ông Tư trồng đậu nành rau theo hợp đồng với một công ty tại tỉnh An Giang. Hiện, trái đậu nành rau được bao tiêu với giá 10.500 đ/kg. Sau khi công ty nhận hàng đem về và phân tích mẫu, nếu hàng đạt chuẩn (không nhiễm chất cấm), trái đẹp, công ty sẽ thưởng thêm 250 đ/kg. Nếu hàng không đạt chất lượng thì công ty sẽ mua với giá rẻ thậm chí là không mua.

Theo ông Tư, trồng đậu nành rau chỉ 65 ngày là thu hoạch, so với trồng lúa, mô hình này đang đem lại lợi nhuận khá- khoảng 4 triệu đồng/công, hộ trồng lâu năm có kinh nghiệm có thể lời đến 5 triệu đồng/công.

Mô hình đậu nành rau đang được nông dân xã Nguyễn Văn Thảnh trồng theo hướng an toàn, trong đó chú trọng sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu hữu cơ và sinh học. Lợi ích của mô hình là giúp cải tạo đất bạc màu, tập dần cho nông dân thói quen trồng rau sạch nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe cho người dân. Đồng thời, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

Để thu hoạch được 5 công đậu nành rau, ông Tư cần đến cả trăm lao động/ngày. Hiện, giá nhân công vác đậu nành rau là 300.000 đ/ngày, còn nhân công chặt cây và hái trái được trả 2.500 đ/kg trái, người làm chậm cũng được trả công 180.000 đ/ngày, cá biệt có người làm giỏi được trả 600.000 đ/ngày công.

Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Thảnh Nguyễn Ngọc Tuân, mô hình trồng đậu nành rau được triển khai từ vụ lúa Đông Xuân 2019, bước đầu chỉ có 5 hộ nông dân ký hợp đồng xuống giống gần 5ha, đến nay đã có 11 hộ tham gia với diện tích 11,5ha.

Hiện, địa phương đang khuyến khích nông dân chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng đậu nành rau, song sẽ không chuyển đổi ồ ạt mà chuyển đổi từ từ với lịch xuống giống và thu hoạch theo định hướng của địa phương để tránh tình trạng thiếu hụt nhân công lao động khi vào vụ.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

Người dân thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhờ thảo quả

Nguồn tin: VOV

Trong thời gian qua, cây thảo quả đã mang lại thu nhập cho nhiều nông dân huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Là một trong những địa phương có diện tích và sản lượng lớn nhất tỉnh Hà Giang, trong thời gian qua, cây thảo quả đã mang lại thu nhập cho nhiều nông dân huyện Hoàng Su Phì hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Với mục tiêu nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm, đưa quả thảo quả vươn ra các thị trường ngoài tỉnh, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, trong 2 năm qua, huyện Hoàng Su Phì đã tập trung xây dựng thành công Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Thảo quả Hoàng Su Phì.

Đến hết năm 2018 toàn huyện Hoàng Su Phì có trên 2.100 ha cây thảo quả; chiếm gần 1/5 tổng diện tích toàn tỉnh. Trong đó có khoảng 1.500 ha cây cho thu hoạch với sản lượng ước đạt khoảng 840 tấn quả tươi.

Đến hết năm 2018 toàn huyện Hoàng Su Phì có trên 2.100 ha cây thảo quả.

Tuy nhiên, qua đánh giá cho thấy, sự phát triển cây thảo quả hiện nay thiếu sự kiểm soát về quy mô và không có định hướng về giống. Nguyên nhân dẫn đến hạn chế ngoài sự quan tâm chưa thỏa đáng với công tác quy hoạch thì công tác xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm cũng chưa được đầu tư đúng mức. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ không ổn định, chủ yếu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc do đó chưa khai thác được giá trị thực của sản phẩm.

Ông Triệu Sơn An – PCT UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: "Cây thảo quả có đặc tính ưa ẩm, thuận tiện phát triển dưới tán rừng nên chúng tôi gắn với bảo vệ phát triển rừng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ định hướng phát triển theo từng vùng.”

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, địa phương đã đề xuất với Hội đồng khoa học tỉnh cho triển khai Đề tài xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Thảo quả Hoàng Su Phì. Sau hơn 2 năm triển khai với nhiều bước như: Khảo sát, đánh giá hiện trạng sản xuất và kinh doanh thảo quả, xác định quy trình kỹ thuật sản xuất. Phân tích tính chất và chất lượng của các sản phẩm; tổ chức đăng ký nhãn hiệu, xây dựng Bộ tiêu chí chứng nhận. Thiết kế mẫu nhãn hiệu “Thảo quả Hoàng Su Phì”.

Với việc xây dựng thành công Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Thảo quả Hoàng Su Phì là hướng đi tất yếu, mở ra triển vọng phát triển mới cho cây Thảo quả.

Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN đã cấp quyền quản lý và khai thác Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Thảo quả Hoàng Su Phì.

Ông Vương Văn Thắng – Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hoàng Su Phì khẳng định: "Việc xây dựng thành công chứng nhận cho sản phẩm thảo quả Hoàng Su Phì mở ra hướng phát triển mới cho huyện qua đó góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập người nông dân là tiền đề tạo mối liên kết kết nối với các doanh nghiệp.”.

Là một trong những người tiêu dùng thường xuyên sử dụng sản phẩm thảo quả, bà Phần Thị Thành ở Tổ 5 phường Nguyễn Trãi, thành phố Hà Giang cho biết, thời gian trước đây, sản phẩm bà dùng chủ yếu là những sản phẩm thô sơ được người dân thu hái sau đó bán quả tươi.

Hiện nay với việc huyện Hoàng Su Phì xây dựng thành công Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Thảo quả với bao bì, tem nhãn đẹp đã giúp bà yên tâm hơn đồng thời có thể sử dụng làm quà cho nhiều người cùng sử dụng.

Bà Phần Thị Thành chia sẻ: "Các mặt hàng nông sản bây giờ người dân rất chú trọng quan tâm vấn đề xuất sứ nguồn gốc, giúp người tiêu dùng tin tưởng và quan tâm nhiều hơn".

Với việc xây dựng thành công Nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Thảo quả Hoàng Su Phì là hướng đi tất yếu, mở ra triển vọng phát triển mới cho cây Thảo quả. Qua đó không chỉ góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân. Từ việc được cấp Nhãn hiệu chứng nhận sẽ là tiền đề để tạo ra các liên kết theo chuỗi giá trị giữa những người sản xuất với các doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm để kết nối với thị trường./.

CTV Hoàng Anh/VOV-Tây Bắc

Bền vững sản xuất lúa - tôm

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Những năm gần đây, nông dân xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) thực hiện rất hiệu quả mô hình tôm - lúa nhờ sự đầu tư hiệu quả hệ thống thuỷ lợi với 4 trạm bơm, các kênh thuỷ lợi được nạo vét thường xuyên, qua đó chủ động được nước phục vụ tốt cho sản xuất.

Nhờ vậy, vụ lúa vừa qua, vào thời điểm mưa lớn kéo dài, trong khi tại nhiều địa phương khác lúa bị ngập úng nhưng nông dân Lý Văn Lâm không bị thiệt hại nào đáng kể, năng suất lúa trung bình đạt 5,2 tấn/ha.

Khẳng định hiệu quả

Từng được coi là ấp khó khăn nhất xã với việc trồng lúa 2 vụ không hiệu quả, nhưng từ khi chuyển sang sản xuất lúa - tôm, đời sống kinh tế nông dân ấp Ông Muộn ngày càng khấm khá hơn.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Văn Lâm Mạc Ngọc Truyền tự hào: “Nhờ lúa - tôm mà nông dân ấp Ông Muộn giờ khá lên, những căn nhà tường khang trang mới cất này phần lớn là của thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp và thuỷ sản Ông Muộn. Nông dân trước còn e ngại nhưng giờ rất quyết tâm thực hiện mô hình này”.

Nông dân ấp Ông Muộn gieo sạ vụ lúa trên đất nuôi tôm.

Trước đây khi làm lúa 2 vụ năng suất thấp, thêm vào đó là canh tác theo kiểu “tự sản, tự tiêu” nên giá cả đầu ra không ổn định, lại bị thương lái ép giá nhưng giờ đã khác.

Ông Nguyễn Thanh Hợp, ấp Ông Muộn, phấn khởi cho biết: “Vụ lúa vừa rồi của tôi tính trung bình cũng đạt gần 6 tấn/ha, đầu ra rất ổn định vì có HTX thu mua, không bị ép giá như trước đây. Nhờ có hệ thống thuỷ lợi khép kín nên mình chủ động được nước, vụ này mới xuống giống và tình hình thấy rất khả quan, mạ đang phát triển tốt”.

Nói về hình thức canh tác một vụ lúa một vụ tôm, ông Hợp hào hứng: “Mô hình này cả tôm và lúa đều cho hiệu quả tốt. Lúa trồng trên đất nuôi tôm được thu mua giá cao hơn so với vùng chuyên lúa, đặc biệt là lúa rất ít sâu bệnh nên chi phí sản xuất, phân bón thấp, lợi nhuận cao hơn”.

“Mô hình lúa - tôm được người dân rất ủng hộ nên họ tuân thủ tốt lịch thời vụ do ngành chức năng khuyến cáo cũng như kỹ thuật rửa mặn nhằm đảm bảo đủ điều kiện xuống giống vụ lúa”, ông Mạc Ngọc Truyền cho biết.

Phó chủ tịch UBND xã Lý Văn Lâm Trần Quyết Toán thông tin: “Những năm gần đây, nhờ được đầu tư 4 trạm bơm nên nông dân chủ động được nguồn nước, đợt mưa lớn vừa qua chỉ có vài héc-ta bị ngập nhưng thiệt hại không đáng kể. Nông dân đang gieo sạ lúa trên đất nuôi tôm, dự kiến đến cuối tháng 9 sẽ đạt 100% diện tích theo kế hoạch với 180 ha”.

Phát huy kinh tế tập thể

Để đẩy mạnh hiệu quả sản xuất, xã Lý Văn Lâm phát triển mạnh kinh tế tập thể với việc thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Lý Văn Lâm và HTX Dịch vụ nông nghiệp và thuỷ sản Ông Muộn. Đây là những đơn vị bao tiêu sản phẩm cũng như chủ động tìm thị trường tiêu thụ cho thành viên HTX và các thành viên liên kết sản xuất.

Dù chỉ được thành lập hơn 1 năm, nhưng HTX Dịch vụ nông nghiệp và thuỷ sản Ông Muộn đã phát huy hiệu quả với việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cả trong và ngoài tỉnh.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp và thuỷ sản Ông Muộn Nguyễn Văn Tiếp cho biết: “Hiện HTX có 7 thành viên chính thức và trên 20 thành viên liên kết, đảm bảo bao tiêu đầu ra sản phẩm lúa cho nông dân tham gia chuỗi liên kết. Chúng tôi xây dựng thương hiệu gạo sạch của HTX nhằm nâng cao giá trị sản phẩm khi bán đến tay người tiêu dùng. Hiện tại, thương hiệu gạo của HTX cũng đã được giới thiệu và bán đến thị trường TP Hồ Chí Minh, khách hàng đánh giá rất cao. Chúng tôi đang tiếp tục cải tiến mẫu mã, đầu tư trang thiết bị hiện đại để đóng gói và bảo quản sản phẩm tốt hơn, hy vọng thời gian tới thị trường tiêu thụ sẽ mở rộng hơn”.

Hiện tại, HTX Dịch vụ nông nghiệp và thuỷ sản Ông Muộn đã đầu tư máy gặt với mục tiêu không chỉ phục vụ cho thành viên HTX mà cả nông dân trên địa bàn xã.

“Hiện chúng tôi tiếp tục củng cố và hỗ trợ các HTX trên địa bàn xã hoạt động thuận lợi, hiệu quả hơn. Khuyến khích nông dân canh tác lúa đạt chuẩn VietGAP, đặc biệt là khu vực quy hoạch sản xuất lúa - tôm. Ngoài hệ thống thuỷ lợi thì tăng cường phối hợp mở các lớp tập huấn kỹ thuật giúp nông dân có kiến thức trong việc nuôi tôm cũng như trồng lúa sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường hiện nay”, ông Trần Quyết Toán thông tin thêm./.

Đặng Duẩn

Trồng điên điển… cạn

Nguồn tin: Báo An Giang

Cây điên điển hiện nay không còn là hình ảnh riêng có của mùa nước nổi, mà đã xuất hiện quanh năm nhờ được người dân trồng để tạo thu nhập phụ. Khác lạ nữa là không phải loại điên điển nào cũng lệ thuộc trong nước mới sống khỏe. Với mục đích cho năng suất cao, các hộ trồng đã phát triển những giống điên điển ưa sống trên cạn làm “cây kinh tế”, chỉ siêng hái bông hàng ngày đã có nguồn thu nhập khá cao và ổn định.

Ông Võ Văn Chiến ở xã Phú Bình (Phú Tân, tỉnh An Giang) làm 25 công ruộng. Tận dụng đất bờ đê, 2 năm nay ông trồng thêm cây điên điển. Ông Chiến chia sẻ: “Ban đầu trồng chơi, hái được bao nhiêu thì bán đổi tiền chợ, sau thấy được giá nên có chỗ nào đất trống tôi đều trồng hết. Loại này mà có đầu ra ổn định thì nông dân có thể phát triển, hiện tại chỉ bán trung gian qua bạn hàng, nhưng có bao nhiêu đều được mua hết”.

Điên điển ông Chiến trồng là giống Đài Loan chia sẻ từ các hộ trồng lâu năm ở xã Khánh Hòa (Châu Phú), cây vốn ưa đất cạn, ẩm và sinh trưởng rất khỏe, không tốn công chăm sóc. Bông được hái mỗi ngày nên cây ít phát sinh sâu bệnh. Thời điểm cho bông thu hoạch, cây trổ nụ chi chít từ cành đến ngọn, mỗi ngày hái được khoảng 10kg. Chỉ riêng 100m đê trồng điên điển gần nhà, ông đã bỏ túi gần 200.000 đồng/ngày.

Ông Chiến còn nói vui, ai làm rẫy mà lười chăm sóc thì cứ chọn điên điển mà trồng, chỉ cực công hái từ khuya đến sáng, còn lại bỏ mặc cây sống tự nhiên nhờ mưa nắng, chuyện trúng hay thất không phải lo. Điên điển Đài Loan đặc trưng bông màu vàng tươi rất đẹp, mùi thơm, kể cả bông còn búp cũng có vị ngọt, chứ không nhẫn như giống điên điển Thái hoặc điên điển truyền thống.

Giá bông điên điển thu mua tại chỗ dao động từ 15.000-20.000 đồng/kg, mỗi ngày gia đình ông huy động hết thành viên hái từ tờ mờ sáng gom được hơn 20kg, gọi là thu nhập phụ nhưng dư sức lo bữa ăn hàng ngày lẫn tiết kiệm. Cùng cách làm như ông Chiến, trong vùng có khoảng 20 hộ trồng điên điển ở bờ đê, xen trong vườn cây ăn trái, lấy ngắn nuôi dài.

Điên điển được trồng quanh năm đem lại thu nhập phụ ổn định cho nông dân

Ở ấp Hòa Bình 2, xã Hòa Lạc (Phú Tân) có khoảng 50 hộ trồng điên điển. Tại vùng này, điên điển trồng quy mô hơn để thu hoạch quanh năm, cây mọc cao hơn 2m, muốn hái phải dùng thang hoặc móc kéo ngọn xuống. Dù vất vả khâu thu hoạch nhưng diện tích điên điển được người dân trồng ngày càng nhiều để thay thế cho lúa kém hiệu quả hoặc những nơi diện tích nhỏ, cá biệt có hộ đã gắn bó với cây điên điển đến chục năm.

Với những hộ trồng diện tích lớn, cao điểm những lúc hút hàng, bông điên điển có thể cho thu nhập gần 1 triệu đồng/ngày. Từ 23 giờ, cả xóm nhộn nhịp chong đèn hái bông để kịp giao cho bạn hàng vào sáng sớm.

Nhờ chịu khó, bông điên điển giúp gia đình anh Võ Văn Quang có “đồng ra, đồng vào” liên tục, lo cho con ăn học và trang trải sinh hoạt. Khoảng 4 công đất được chia nhỏ trồng các tháng khác nhau. Bông hái kéo dài 3-4 tháng rồi ngưng, lại tiếp tục hái ở khu vực khác. Một năm, anh chỉ tốn chi phí nhỏ bón phân dưỡng lá cho cây. Theo anh Quang, giá điên điển ngoài chợ mùa nào cũng cao, bởi được ưa chuộng mua chế biến thành các món ngon, đặc biệt là ăn kèm lẩu, đổ bánh xèo, chiên giòn với tép, cá. thời điểm giá thấp nhất còn 10.000 đồng/kg vẫn có thể kiếm được 150.000-200.000 đồng/ngày cho gia đình.

Ngụ cùng xã Hòa Lạc, hộ anh Lê Văn Võ vừa làm ruộng, vừa nuôi bò vỗ béo. Xen với đất trồng cỏ, anh gieo thêm điên điển để lúc rảnh rỗi kiếm thêm tiền. Hướng mắt về đám điên điển đang sai bông, anh Võ cho biết: “Ngày nào hái không kịp là bông nở kín hết, ai thấy cũng ham. Cứ để cây mọc tự nhiên rồi thu hoạch, chứ đâu tốn công chăm sóc. Mà người mua còn chuộng bởi nó là loại rau dại và sạch, hoàn toàn không cần tới phân, thuốc, càng hái sạch bông cây càng trổ sai những đợt sau. Điên điển bây giờ phải trồng, chứ loại tự nhiên không còn phổ biến nữa, mà nhiều giống lạ lắm, gặp nước nó lại không phát triển tốt bằng chỗ trên cạn, nơi đất xốp mềm”.

Với cách tăng thu nhập này, len lỏi giữa những vườn cây ăn trái, trên đồng ruộng, đất bờ rào, bông điên điển hiện hữu quanh năm, còn những ai bất chợt thèm mùi vị bông điên điển cũng được thỏa lòng bởi mùa nào cũng có.

MỸ HẠNH

Ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao lợi thế cạnh tranh vườn cây đặc sản vùng ngập lũ

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang

Huyện Cái Bè nằm ở đầu nguồn sông Tiền (tỉnh Tiền Giang) có trên 17.000 ha vườn với sản lượng mỗi năm đạt trên 283.000 tấn các loại. Đây cũng là địa phương có tiềm năng lớn về kinh tế vườn đang được đầu tư khai thác nhằm giúp nông dân cụ thể hóa chủ trương "chung sống với lũ" với nhiều trái cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, hướng đến xuất khẩu như xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, cam xoàn, cam sành,... mang lại giá trị kinh tế lớn.

Xoài cát Hòa Lộc có xuất xứ từ xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè đã được cấp chỉ dẫn địa lý, là một trong những loại trái cây đặc sản nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang, được xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ và đưa lên phục vụ khách hạng thương gia trên các chuyến bay của Vietnam Airlines. Đây là nỗ lực xúc tiến thương mại, quảng bá cho những loại trái cây đặc sản có tiềm lực xuất khẩu lớn của địa phương, tạo thuận lợi thâm nhập mạnh mẽ vào các thị trường xuất khẩu khó tính nhưng hiệu quả cao. Toàn tỉnh hiện có trên 1.500 ha xoài cát Hòa Lộc, trong đó huyện Cái Bè chiếm khoảng 50% diện tích.

Huyện cũng đã thành lập được Hợp tác xã Xoài cát Hòa Lộc tại xã Hòa Hưng thu hút 114 hộ xã viên, diện tích canh tác 68 ha đạt chứng nhận VietGAP. Năm 2019, dự kiến mở rộng thêm 30 ha VietGAP, nâng tổng diện tích xoài cát Hòa Lộc VietGAP lên 100 ha. Để phát huy hơn nữa tiềm năng kinh tế vườn cây ăn trái đặc sản, giúp nông dân an tâm ổn định đời sống theo hướng "chung sống với lũ", huyện Cái Bè quan tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, khuyến cáo bà con quy hoạch vườn cây theo hướng chuyên canh, chọn giống tốt và ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, sản lượng, chất lượng cây ăn trái; thực hiện quy trình canh tác VietGAP, GlobalGAP đạt vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc thời kỳ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0... Nhiều đề tài, đề án, dự án chuyển giao khoa học nông nghiệp trên lĩnh vực kinh tế vườn đang được triển khai hiệu quả.

Điển hình như Đề án chuyển đổi giống xoài cát Hòa Lộc - bưởi lông Cổ Cò giai đoạn 2016 - 2020. Trong khuôn khổ Đề án, năm 2016, huyện triển khai hỗ trợ giống xoài cát Hòa Lộc cho 103 hộ nông dân ở các xã vùng chỉ dẫn địa lý với tổng diện tích 42,65 ha và số lượng cây giống gần 11.000 cây. Năm 2017, hỗ trợ giống xây dựng vùng nguyên liệu bưởi lông Cổ Cò ở 3 xã: Đông Hòa Hiệp, An Thái Trung, Mỹ Lợi A trên tổng diện tích 59,9 ha và 19.168 cây giống với 138 hộ nông dân hưởng lợi. Năm 2018, tiếp tục hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu bưởi lông Cổ Cò và giống xoài cát Hòa Lộc cho nông dân các vùng chỉ dẫn địa lý.

Huyện Cái Bè còn thực hiện Dự án "Hỗ trợ phát triển nhãn Idor liên kết theo chuỗi giá trị tại huyện Cái Bè" ở địa bàn 2 xã Hòa Khánh và Hậu Thành với tổng diện tích 23,5 ha, 4.471 cây giống và 61 hộ dân. Vườn cây đang phát triển tốt, hứa hẹn cho nhà vườn những vụ mùa bội thu. Việc đầu tư khoa học công nghệ mạnh mẽ tạo ra động lực mới cho ngành trồng cây ăn trái đặc sản vùng lũ đầu nguồn sông Tiền phát triển, giúp diện mạo nông nghiệp - nông dân - nông thôn thay đổi theo hướng hiện đại. Hiện nay, các loại cây ăn trái chủ lực đặc sản ở huyện Cái Bè đều cho thu nhập cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa năng suất cao. Đơn cử như mít Thái cho lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng/ha/năm, xoài cho lợi nhuận gần 690 triệu đồng/ha/năm, bưởi da xanh cho lợi nhuận 630 triệu đồng/ha/năm...

Kinh tế phát triển, mà chủ lực là kinh tế vườn đã tạo động lực cho huyện triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Toàn huyện Cái Bè có 24 xã thì đã có 10 xã đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới. Năm 2019, phấn đấu ra mắt thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới - trong đó có xã Hòa Hưng, quê hương cây xoài cát Hòa Lộc nổi tiếng.

Minh Trí

Giá thanh long ruột trắng tăng cao, nhà vườn phấn khởi

Nguồn tin: VOV

Sau thời gian rớt giá thê thảm, hiện nay, giá thanh long ruột trắng ở tỉnh Tiền Giang tăng đến hơn 15.000 đồng/kg, tăng gấp 3 lần so với tuần trước.

Với mức giá này, nhà vườn có lãi hơn 5.000 đồng/kg. Theo các doanh nghiệp kinh doanh trái thanh long, giá thanh long ruột trắng tăng cao là do nhu cầu xuất khẩu trái cây này hút hàng, nhất là thị trường Trung quốc.

Vườn thanh long tại tỉnh Tiền Giang tươi tốt đón nhận mùa bội thu.

Một số tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trái thanh long theo tiêu chuẩn VietGap đã xuất khẩu mạnh sang các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật, EU… Trong khi giá thanh long ruột trắng tăng cao thì thanh long ruột đỏ lại “dậm chân tại chỗ”. Với mức giá khoảng 20.000 đồng/kg, người trồng cây thanh long ruột đỏ không có lãi.

Nhà vườn huyện Chợ Gạo, Tiền Giang thu hoạch trái thanh long ruột trắng bán giá cao

Tỉnh Tiền Giang hiện có gần 8.000 ha cây thanh long; trong đó huyện Chợ Gạo dẫn đầu diện tích cây ăn quả này. Ngoài trái thanh long ruột trắng, ruột đỏ, nông dân địa phương còn nhân rộng diện tích cây thanh long cho trái ruột vàng, ruột tím…

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Lào Cai: Trồng thanh long ruột đỏ trên đất vườn rừng cho thu nhập cao

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Sau 5 năm trồng, với diện tích 2ha, đến nay gia đình anh Trần Văn Hòa ở xã Minh Tân, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai có thu nhập bình quân xấp xỉ 300 triệu đồng/năm từ cây thanh long ruột đỏ.

Nói về 5 năm trước, khi đó gia đình anh Hòa có diện tích đất vườn rừng trồng keo tai tượng. Không hiểu sao khi đưa cây keo lai vào trồng, 2 năm đầu cây sinh trưởng rất tốt, sang năm thứ 3 thì cây đổ gãy, chết khô, cây chết hàng loạt, cả diện tích khoảng 2 ha chặt bán chưa đầy 20 triệu đồng. Có lẽ vùng đất Minh Tân này không phù hợp cho cây keo.

Muốn phát triển kinh tế vườn rừng thì phải đột phá, thời điểm khoảng 2013-2014, ông Trần Văn Hiện, bố đẻ của anh Hòa, có người anh em họ hàng ở tận Bình Thuận, thủ phủ của cây thanh long, qua liên hệ trao đổi với nhau, ông Hiện quyết định cho người em trai anh Hòa vào Bình Thuận để học hỏi kinh nghiệm làm ăn và đưa giống thanh long về quê. Sau 2 năm tích lũy kinh nghiệm, cây thanh long ruột đỏ đã được đưa về Lào Cai. Với cây giống tiêu chuẩn có được, cộng với việc triển khai thiết kế vườn, kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long được áp dụng triệt để theo kỹ thuật học hỏi nên mọi việc đều diễn ra tốt đẹp.

Nhờ tâm huyết của ông Hiện và các con, đặc biệt là anh Trần Văn Hòa - một thanh niên trẻ năng nổ và chịu khó, sau hơn 1 năm trồng, tin vui đã đến khi cây thanh long ruột đỏ đã cho thu hoạch, quả to và rất ngọt. Được đà phát triển, sau 5 năm, diện tích trồng thanh long đã phát triển lên khoảng 3,3 ha, năng suất hiện khoảng trên 20 tấn/ha/năm.

Anh Hòa chia sẻ: Thanh long trồng ở đây rất thơm ngon, khách mua chủ yếu từ Bảo Yên vào thu mua tại vườn, giá bán bình quân khoảng 25.000 đồng/kg, vào ngày rằm, mùng 1 giá bán từ 28.000- 30.000 đồng/kg, cao hơn thanh long từ nơi khác. Lượng quả hiện tại không đủ bán cho thương lái.

Anh Trần Văn Hòa thu hoạch thanh long bán cho thương lái

Bước sang tuổi 30, là thanh niên tiêu biểu tại vùng quê miền núi Bảo Yên này, ngoài làm kinh tế vườn rừng, anh Hòa còn là Trưởng bản Minh Hải, thành viên tổ bảo vệ rừng. Tuy công việc rất nhiều nhưng với sức trẻ cùng với lòng nhiệt huyết, anh Hòa đều hoàn thành tốt việc công cũng như việc tư. Mô hình thanh long của anh cũng là một mô hình tiêu biểu của địa phương và đang góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới mà Minh Tân sẽ về đích cuối năm 2019 này. Thời gian tới, anh Hòa cùng gia đình dự định mở rộng diện tích trồng thanh long lên 5 ha và ấp ủ xây dựng thương hiệu cho cây thanh long ở Minh Tân.

Phạm Hữu Hân - Trường CĐ Công nghệ và Nông lâm Phú Thọ

Phát triển bền vững cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Hiện nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang gặp rất nhiều thách thức do tác động biến đổi khí hậu (BĐKH) như xâm nhập mặn, thiếu phù sa, sạt lở đất… gây thiệt hại đến sản xuất lúa và cây ăn trái của vùng. Do đó, để có các giải pháp ứng phó với BĐKH cho cây lúa và cây ăn trái vùng ĐBSCL, ngày 21-9, tại Tiền Giang, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp UBND tỉnh tổ chức Hội thảo chuyên đề: “Các giải pháp kinh tế, kỹ thuật để phát triển bền vững cây ăn trái và lúa thích ứng với BĐKH vùng ĐBSCL” (gọi tắt là Hội thảo).

ĐBSCL đang rất cần những giải pháp phát triển bền vững cây lúa thích ứng với BĐKH. Ảnh: H. NGHỊ

Hội thảo có sự tham dự của Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Xuân Định; lãnh đạo các sở, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, nông dân, trang trại, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh. Hội thảo không chỉ nhận diện những tác động của BĐKH đối với đời sống người dân, sản xuất nông nghiệp, trong đó có sản xuất lúa và cây ăn trái, mà còn thảo luận, bàn bạc đưa ra nhiều giải pháp phát triển cây trồng thích ứng với BĐKH.

Người trồng cây ăn trái ở vùng ĐBSCL đang rất cần những giải pháp phát triển bền vững cây trồng thích ứng với BĐKH. Ảnh: H. NGHỊ

NHỮNG TÁC ĐỘNG CỦA BĐKH

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Định cho biết, vùng ĐBSCL có dân số 17,8 triệu người, diện tích trên 4 triệu ha, trong đó có trên 2,4 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và gần 811 ngàn ha đất nuôi trồng thủy sản. Vùng ĐBSCL được xem là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam, cung cấp hơn 50% sản lượng gạo (trong đó đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu); đồng thời, cung cấp hơn 70% lượng thủy sản và hơn 36% lượng trái cây cho cả nước. Tuy nhiên, vùng ĐBSCL hiện đang gặp thách thức rất lớn do tác động của BĐKH.

Theo dự báo, vùng ĐBSCL là một trong 3 vùng đồng bằng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất về BĐKH trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, tình trạng được mùa rớt giá, sản xuất kém bền vững do quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; trình độ sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao của nông dân chưa được chú trọng; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn lỏng lẻo… là những tồn tại, hạn chế trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa, cây ăn trái nói riêng của vùng ĐBSCL hiện nay.

Thực tế trong những năm qua, hiện tượng và tác động của BĐKH xuất hiện tại khu vực ĐBSCL như hạn hán, bão lụt… với tần suất ngày càng nhiều, không theo quy luật đã gây những tổn thất to lớn cho con người, đất đai và cây trồng. Dưới sự tác động của BĐKH toàn cầu đã làm thời tiết thay đổi, nắng nóng kéo dài và mùa mưa đến muộn hơn; đồng thời, việc hoạt động thủy điện ở lưu vực thượng nguồn dẫn đến dòng chảy ở hạ lưu bị hạn chế nên gây ra khô hạn ở các dòng sông thuộc ĐBSCL.

Từ đó, nước mặn theo các dòng sông xâm nhập sâu vào vùng đất liền ngày một trầm trọng dẫn đến nguồn nước sinh hoạt và nguồn nước sử dụng trong nông nghiệp bị thiếu hụt, tình trạng xâm nhập mặn ngày càng tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa, cây ăn trái nói riêng. Bên cạnh đó, lũ lụt ở ĐBSCL trong thời gian dài không xuất hiện, nhưng năm 2018 đã xuất hiện trở lại gây ngập úng và làm thiệt hại nặng một số vườn cây ăn trái không có hệ thống đê bao hoặc chưa được gia cố, tu bổ hằng năm…

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, năm 2016, vùng ĐBSCL đã hứng chịu một đợt hạn, mặn khốc liệt nhất trong lịch sử của vùng, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa, cây ăn trái nói riêng. Nguồn nước nhiễm mặn đã xâm nhập đến hầu hết các vùng trồng cây ăn trái tập trung của các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng... với hơn 9.400 ha cây ăn trái bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau.

Tiền Giang hiện có gần 80.000 ha trồng cây ăn trái, sản lượng hằng năm đạt hơn 1,4 triệu tấn; diện tích trồng lúa trên 200.000 ha, sản lượng 1,2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của Tiền Giang nói chung và sản xuất lúa, cây ăn trái nói riêng vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro trước diễn biến bất lợi của thời tiết, thủy văn… Do đó, tại Hội thảo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Cao Văn Hóa đã đưa ra những định hướng thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của Tiền Giang dựa trên cơ sở tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, có sức cạnh tranh cao theo hướng phát huy lợi thế so sánh của từng sản phẩm, phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng, thích ứng BĐKH; thực hiện liên kết vùng; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất… Trong đó, tỉnh tập trung phát triển ngành hàng trái cây thành ngành hàng chiến lược theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao và ngành hàng lúa gạo trở thành ngành hàng xuất khẩu bền vững.

Đối với tỉnh Tiền Giang, qua kết quả theo dõi tình hình xâm nhập mặn của Trạm Mỹ Tho, trong 6 năm (từ năm 2010 đến 2015), mức độ xâm nhập mặn trên sông Tiền của các tháng trong năm, giữa các năm đều khác nhau, tùy thuộc mùa mưa kết thúc sớm hay muộn và sự xuất hiện cường độ của gió chướng, mực nước đầu nguồn sông Tiền. Có thể nói, tháng 3 và tháng 4 hằng năm là 2 tháng có mức độ xâm nhập mặn cao nhất. Độ mặn năm 2016 trên sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre) ở mức cao nên đã chảy sang sông Tiền, gây ảnh hưởng đến vùng trồng sầu riêng của huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang).

ỨNG PHÓ NHƯ THẾ NÀO?

Để ứng phó với tình hình xâm nhập mặn, nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL đã công bố thiên tai xâm nhập mặn nhằm tìm kiếm các biện pháp hỗ trợ và phòng, chống xâm nhập mặn, bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Một số giải pháp đã được các chuyên gia, nhà khoa học khuyến cáo cho nông dân áp dụng để bảo vệ vườn cây ăn trái, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra cho các vườn cây ăn trái như: Củng cố chắc chắn hệ thống đê bao của mỗi vườn cây ăn trái để tránh nước mặn xâm nhập; dự trữ nước ngọt trong mương hoặc trong những túi ni lông dày, để tưới cho cây trong những tháng nước mặn; hạn chế tối đa việc tưới nước nhiễm mặn cho cây trồng khi độ mặn ≥ 2‰; tiến hành tỉa cành, tạo tán, tỉa bớt hoa và trái (trong giai đoạn những tháng nước mặn) để giảm bốc thoát hơi nước và nhu cầu cần nước của cây; không nên xử lý cây ra hoa trong giai đoạn nguồn nước tưới không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây khi đậu trái và phát triển trái; ủ gốc, giữ ẩm cho cây trồng bằng rơm rạ, lục bình, cỏ khô…

Nhằm giúp nông dân có thể lựa chọn, phát triển cây trồng phù hợp, thích ứng với BĐKH ở vùng ĐBSCL, các chuyên gia, nhà khoa học đã phân nhóm khả năng chịu mặn của một số giống cây ăn trái như: Nhóm cây mẫn cảm với mặn (bơ, chuối, nhãn, đu đủ, chanh dây, sầu riêng, chôm chôm, bòn bon, măng cụt); nhóm cây chịu mặn trung bình (sơ ri, ca cao, cây có múi, ổi, khóm, vú sữa); nhóm cây chống chịu khá với mặn (mít, xoài, mãng cầu Xiêm, mãng cầu); nhóm cây chống chịu tốt với mặn (dừa, sapô, me). Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày hướng cải thiện chất lượng trái thanh long trồng tại Tiền Giang bằng cách tiếp cận hệ thống tích hợp về chuỗi canh tác bền vững với các chế phẩm phân bón hữu cơ, sinh học, cải tạo đất, canh tác hữu cơ, bảo quản nông sản…

VĂN THẢO

Nuôi nhím thương phẩm cho hiệu quả kinh tế cao

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Là hộ nuôi nhím đầu tiên tại khu phố Lễ Xuyên, phường Đồng Nguyên, thị xã Từ Sơn, bác Nguyễn Ngọc Tuấn là ví dụ điển hình của việc chăn nuôi động vật hoang dã thành công. Mô hình của bác không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà còn giúp các hộ xung quanh có động lực phát huy tinh thần sáng tạo để nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Ấn tượng đầu tiên khi gặp bác Tuấn là một cựu chiến binh với mái tóc điểm sương và làn da rám nắng. Ở tuổi của bác người ta chỉ muốn nghỉ ngơi nhưng bác đã không làm vậy, sức khỏe còn tốt cộng thêm sự chăm chỉ, bản lĩnh của một người quân nhân, bác muốn làm gì đó để cải thiện kinh tế gia đình và tránh sự buồn chán của tuổi già.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ bên cạnh khu chuồng trại, với chén nước chè đặc ấm nóng, bác bắt đầu chia sẻ về mô hình nuôi nhím của mình với đôi mắt chứa đầy niềm vui và sự tự hào.

Trong một lần tìm hiểu về các mô hình chăn nuôi phù hợp với hộ gia đình, tình cờ bác biết đến mô hình nuôi nhím. Nhận thấy đây là một mô hình mới, chưa có ai làm, có triển vọng nên bác bắt đầu nghiên cứu kĩ hơn, tìm hiểu các địa chỉ cung cấp giống uy tín. Năm 2010, bác nhập 4 cá thể nhím tại trại giống ở Ba Vì về nuôi sau khi được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Ninh cấp phép về việc nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã. Bác Tuấn cho biết nuôi nhím rất dễ và nhàn nhã bởi nhím là loài động vật hoang dã và quý hiếm, chiếm ít diện tích chuồng nuôi. Nhím là loại ăn tạp nên không kén thức ăn, chủ yếu ăn rau, củ, quả và các sản phẩm nông nghiệp như: cám, gạo, bắp, khoai lang... Thức ăn dễ tìm, khâu chăm sóc và theo dõi cũng không khó, ít bị dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp. Nếu được chăm sóc tốt, cho ăn đầy đủ, vệ sinh chuồng sạch sẽ... nhím rất mau lớn và sinh sản nhiều. Để nhím có sức đề kháng, tăng trưởng nhanh, tránh được bệnh tật, bác sử dụng thêm men vi sinh trộn với thức ăn để cho nhím ăn hàng ngày. Nhờ đó tỷ lệ chết trong quá trình nuôi cũng giảm, chất lượng thịt nhím thơm ngon hơn, lông mượt mà và nhanh lớn hơn.

Bác Tuấn dẫn chúng tôi đi thăm chuồng nuôi nhím của gia đình

Với kinh nghiệm chăn nuôi tích lũy qua bao năm, từ 4 cá thể nhím ban đầu, đến nay trang trại nhà bác Tuấn đã có đến 200 cá thể, trong đó có 40 cặp nhím sinh sản. Khi nhím được 10 tháng tuổi trọng lượng đạt khoảng 10 kg/con, đây là lúc xuất bán hợp lý nhất, giá bán sẽ dao động từ 230.000 - 250.000 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, bác Tuấn thu về khoảng 300 – 400 triệu đồng/năm.

Được biết thịt nhím rất thơm ngon bổ dưỡng, Tất cả các bộ phận của nhím đều có thể dùng để chữa bệnh được. Nhím là loài có tính hàn, do đó có tác dụng giải nhiệt, tăng chất bổ dưỡng, lông nhím có thể chữa các loại bệnh như: tổ đỉa, eczema; dạ dày nhím chữa bệnh đau dạ dày; nội tạng nhím có thể giải cảm, giải nhiệt….

Nuôi nhím đơn giản, hiệu quả là vậy tuy nhiên bác Tuấn cho biết mô hình nhím chưa phổ biến là do gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Thịt nhím chưa phải là loại thức ăn phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày. Hiện nay thị trường tiêu thụ chính của bác là khu vực Hà Nội và một số địa phương lân cận. Với những hộ đang nuôi nhím ở xung quanh, bác đều phải bao tiêu, giúp đỡ họ trong quá trình tiếp cận thị trường. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của mình trong thời gian qua, bác đã nhận được rất nhiều bằng khen của các cấp, các ngành về thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào phát triển VAC cũng như là tấm gương về sản xuất kinh doanh giỏi của thị xã Từ Sơn.

Có thể thấy thành công từ mô hình nuôi nhím thương phẩm của bác Nguyễn Ngọc Tuấn là tiền đề cho các hộ trong và ngoài địa phương học tập, phát huy tinh thần lao động, sáng tạo, góp phần cải thiện kinh tế gia đình và mở ra hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của thị xã Từ Sơn.

Đào Ngọc Ánh - Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh

Sóc Trăng: Chuyển giao bò giống đến hộ chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Ngày 20-9, tại UBND xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng), Ban Quản lý Dự án (BQLDA) Phát triển chăn nuôi bò tỉnh phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Châu Thành tổ chức lễ chuyển giao bò giống cho hộ dân trên địa bàn xã. Đến dự có đại diện lãnh đạo Sở NN-PTNT, lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện, UBND xã và hộ dân nhận chuyển giao bò.

Dịp này, BQLDA tổ chức chuyển giao 25 con bò cái sinh sản cho 5 hộ với giống bò lai Sindhi, lai Brahman. Đây là những giống bò có tầm vóc to lớn, ngoại hình đẹp, yếm phát triển, trọng lượng bê sơ sinh từ 20kg đến 30kg và trong 6 tháng nuôi trọng lượng đạt 120kg - 150kg, khi trưởng thành đạt đến 450kg - 550kg con đực và 350kg - 400kg con cái.

Hộ dân nhận bò do BQLDA Phát triển chăn nuôi bò tỉnh chuyển giao.

Đối với giống bò lai Brahman, ưu điểm là năng suất thịt cao hơn một số giống bò, kháng ve, ký sinh trùng đường máu, không mắc các bệnh về mắt, móng. Đồng thời, thích nghi cao với điều kiện nhiệt đới, khô hạn, khả năng sinh sản, sản xuất vẫn duy trì ở nhiệt độ cao, thời tiết khắc nghiệt cũng như vùng đồng cỏ khô hạn khi mà các giống bò khác bị giảm năng suất, việc đầu tư chăm sóc ở mức tối thiểu…

Việc chuyển giao bò giống cho hộ chăn nuôi nhằm phối hợp tốt công tác chuyển giao bò giống để thực hiện mô hình chăn nuôi bò thịt tại xã Hồ Đắc Kiện đạt hiệu quả dự án đã triển khai trên địa bàn xã, nhân rộng mô hình chăn nuôi bò đến hộ chăn nuôi, thay thế dần đàn bò kém chất lượng, năng suất bằng các giống bò có tầm vóc to lớn, đem đến nguồn thu nhập tốt hơn cho hộ chăn nuôi…

Thúy Liễu

Hòa Phát bán trứng gà nhiều nhất miền Bắc

Nguồn tin: VnExpress

Hòa Phát, doanh nghiệp đứng đầu thị phần thép xây dựng, cũng dẫn đầu sản lượng trứng gà ở miền Bắc khi mỗi ngày cung ứng 450.000 quả.

Theo thông tin từ Hòa Phát, đến ngày 15/9, sản lượng trứng gà của Công ty Gia cầm Hòa Phát đạt quy mô 450.000 quả mỗi ngày. Nếu hoàn thành giai đoạn 2 dự án chăn nuôi gia cầm, Hòa Phát dự kiến cung ứng gần 1 triệu trứng gà mỗi ngày.

Số trứng có nguồn gốc từ giống Hyline Brown, nhập khẩu từ trang trại Anh, Australia. Gà giống hướng trứng (gà chuyên để lấy trứng) được nhập về khi một ngày tuổi và nuôi theo mô hình công nghệ cao tại trại giống.

Hòa Phát, doanh nghiệp đứng đầu về thị phần thép xây dựng, bắt đầu tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp từ đầu năm 2015, khởi đầu với mảng chăn nuôi và thức ăn gia súc. Sau đó, công ty này mở rộng hoạt động sang mảng gia cầm. Hiện tại công ty bán trứng cho các đại lý tại Hà Nội, các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ. Ngoài ra, công ty còn bán gà giống cho các trang trại.

Trước đó, trong báo cáo thường niên năm 2018, Hòa Phát cho biết đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 trại thương phẩm tại Phú Thọ với quy mô 600.000 gà đẻ trứng. Tính đến hết năm, công ty đã cung cấp ra thị trường 20 triệu trứng gà. Giai đoạn 2, số trứng cung ứng có thể lên tới 300 triệu mỗi năm (tương đương một triệu quả mỗi ngày).

Minh Sơn

Hợp tác xã Mật ong Phương Di Ia Grai: Nuôi ong chuẩn VietGAP

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Để đưa ra thị trường sản phẩm mật ong đảm bảo uy tín, chất lượng nhất, Hợp tác xã (HTX) Mật ong Phương Di Ia Grai (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, Gia Lai) là đơn vị tiên phong áp dụng chuẩn VietGAP trong quy trình nuôi và khai thác 7.500 đàn ong mật. Đây cũng là bước đi cần thiết nhằm tăng sức cạnh tranh, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Mật ong Phương Di Gia Lai: Từng bước vươn ra "biển lớn"

Ia Grai là địa bàn có lợi thế tự nhiên để phát triển vùng nguyên liệu ngành nuôi ong mật, khai thác các loại mật ong hoa cà phê, cao su, hoa rừng tự nhiên với sản lượng mật xuất thô ra thị trường ước khoảng 1.000 tấn/năm. Đây cũng là địa bàn khai thác chính của HTX Mật ong Phương Di Ia Grai. Với lợi thế vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng mật khai thác được kiểm soát nghiêm ngặt, vấn đề lớn nhất của HTX là làm thế nào để gia tăng giá trị sản phẩm, khẳng định chất lượng và vị thế riêng trong bối cảnh thị trường mật ong cạnh tranh quyết liệt như hiện nay. “Khi đưa các sản phẩm mật ong Phương Di tham gia các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại hoặc kết nối cung cầu, câu hỏi chúng tôi thường gặp là sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn nào, chất lượng có gì khác biệt, có hồ sơ chứng nhận chất lượng sản phẩm hay không. Điều này thôi thúc chúng tôi phải tạo sự khác biệt cho sản phẩm, khẳng định được uy tín, chất lượng để mở rộng thị trường nội địa lẫn xuất khẩu”-chị Trần Thị Hoàng Anh-Giám đốc HTX Mật ong Phương Di Ia Grai-khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên (bìa trái) tham quan gian hàng trưng bày của HTX Mật ong Phương Di Ia Grai tại một hội nghị xúc tiến thương mại. Ảnh: S.C

Để tạo dựng niềm tin từ đối tác, khách hàng cũng như chứng minh, cam kết về chất lượng, bên cạnh việc đưa các sản phẩm đi kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng từ các trung tâm, đơn vị chức năng uy tín, dán tem QR truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, trong tháng 8-2019, HTX Mật ong Phương Di Ia Grai còn là đơn vị tiên phong mời Công ty TNHH Tư vấn chứng nhận và công bố chất lượng VITEST (Đà Nẵng) lên trực tiếp khảo sát, đánh giá vùng sản xuất nguyên liệu nuôi ong; tổ chức đào tạo nhận thức về VietGAP, hướng dẫn ghi chép hồ sơ, lưu trữ hồ sơ, đánh giá nội bộ, tư vấn hoàn thiện quy trình nuôi và khai thác ong mật theo chuẩn VietGAP cho đội ngũ trên 20 thành viên.

Anh Lâm Quốc Sơn-thành viên HTX, người có 6 năm theo nghề nuôi ong-chia sẻ: “Hiện tại, tôi đang quản lý hơn 200 đàn ong. Khi được đào tạo về thực hành nuôi ong theo quy trình VietGAP, tôi được hướng dẫn cụ thể các quy định về dụng cụ, kho bãi, bảo hộ, quy trình nuôi dưỡng, chăm sóc đàn ong, khai thác đàn ong bài bản hơn, khoa học hơn. Thực hành theo quy trình này không khó, ngược lại còn góp phần gia tăng chất lượng và giá trị sản phẩm”.

Dưới góc độ Chi cục Quản lý chất lượng nông-Lâm và thủy sản, ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng-nhận định: “Chúng tôi đánh giá cao cách làm của HTX Mật ong Phương Di Ia Grai trong việc tích cực phát triển sản phẩm, kết nối cung cầu nhằm phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu riêng cho mật ong. Do đó, Chi cục đã đề xuất Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ đơn vị chi phí đánh giá và cấp giấy chứng nhận quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Đây cũng là một trong 6 đơn vị mà Chi cục đã hỗ trợ kinh phí trong năm nay để xây dựng chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo chuẩn VietGAP. Phải làm được chứng nhận này thì mới tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại, hỗ trợ đơn vị đứng vững trên thị trường”.

SƠN CA

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop