Nghệ An: Nhộn nhịp mùa trồng mía bên sông Lam
Nguồn tin: Báo Nghệ An
Thời điểm này bà con vùng ven sông Lam các huyện Anh Sơn, Con Cuông (Nghệ An) đang tích cực triển khai vụ mía mới, thu hoạch đến đâu triển khai trồng đến đó.
Ông Phan Văn Hòa, Giám đốc nguyên liệu, Nhà máy đường sông Lam cho biết thêm: Tính đến thời điểm này, vùng nguyên liệu đã trồng lại được 78 ha/300 ha mía, trồng mới 75 ha/400 ha. Năm nay, nhà máy có chính sách đầu tư mạnh hơn cho vùng nguyên liệu. Trong ảnh: Bà con bản Boong, xã Lạng Khê, Con Cuông vận chuyển vật tư ra đồng trồng mía.
Để chủ động khâu giống, nhà máy đã mua 1000/4000 tấn giống mía mới loại NK 92-11, QĐ 93-59 ở Viện nghiên cứu giống miền nam với giá vận1,6 triệu đồng/tấn, chuyển về tận ruộng. Nhà máy cho vay không lãi suất 1 năm và hỗ trợ tiền vận chuyển mía giống.
Năm nay xã Lạng Khê, Con Cuông chủ yếu trồng giống mới NK 92-11 với diện tích 20 ha.
Giống mía NK 92-11 có năng suất cao và không bị trổ cờ.
Người dân xã Lạng Khê, Con Cuông trồng mía đúng với quy trình kỹ thuật.
Mía trồng xong được tưới để giữ độ ẩm
Từ 1.200 ha mía, niên vụ 2016 - 2017 vùng nguyên liệu của nhà máy dự kiến sẽ tăng lên 1.600 ha mía. Trong ảnh: Nông dân xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn năm nay trồng mới 50 ha chủ yếu giống mới NK 92-11
Văn Trường
Bình Phước: Liên kết trồng tiêu sạch vì lợi ích môi trường và sức khỏe cộng đồng
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Dự án phát triển sản xuất chuỗi cung ứng hồ tiêu bền vững do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổ chức Phát triển Hà Lan Rainforest Allance (R.A), Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam liên kết thực hiện từ tháng 5-2013. Theo đó, Công ty Nedspice và các hộ trồng tiêu ký kết hợp đồng mua bán sau khi thu hoạch vụ mùa. Sau 3 năm triển khai, dự án đã mang lại nguồn lợi cho doanh nghiệp và nông dân, đồng thời thay đổi tư duy, phương thức sản xuất của người trồng tiêu vì lợi ích lâu dài bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng...
Với mục đích giúp nông dân tạo ra sản phẩm tiêu sạch, an toàn, bảo vệ môi trường sống, đến năm 2015 dự án đã thành lập được 24 câu lạc bộ (CLB) phát triển tiêu bền vững, với 540 thành viên tham gia ở 3 huyện trồng tiêu trọng điểm Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp (Bình Phước) và được cấp chứng chỉ R.A trong năm 2015. Mô hình sẽ mở rộng theo mùa vụ từng năm.
Lợi ích của sản xuất hồ tiêu sạch
Tại hội nghị tổng kết Dự án phát triển sản xuất chuỗi cung ứng tiêu sạch bền vững năm 2015, ông Lê Thanh Hùng, Giám đốc phụ trách thu mua của Công ty TNHH Nedspice Việt Nam khẳng định: “Sau gần 3 năm triển khai, các thành viên tham gia dự án đã thay đổi tư duy sản xuất, từ lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang hữu cơ hóa chăm sóc hồ tiêu theo 10 nguyên tắc của Tổ chức R.A vì nền nông nghiệp xanh, sạch bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và chính bản thân người trồng tiêu. Theo đó, người trồng tiêu đã đặt mục đích vì chất lượng nông sản, không chạy theo năng suất để làm ra sản phẩm sạch bền vững. Đây cũng chính là phương thức sản xuất nông nghiệp xanh theo nhu cầu thị trường của Chính phủ về tái cơ cấu nông nghiệp.
Nhà nông Lộc Ninh chăm sóc vườn tiêu theo tiêu chuẩn R.A - Ảnh tư liệu
Anh Trịnh Văn Ân, thành viên CLB phát triển tiêu bền vững, ấp 4, xã Lộc An (Lộc Ninh) chia sẻ: “Tham gia CLB được tập huấn và sinh hoạt hằng tháng có chuyên gia của Công ty Nedspice hướng dẫn nông dân, tôi mới thấy được giá trị đích thực của quy trình sản xuất tiêu sạch, trong đó quan trọng nhất là bảo đảm xanh, sạch môi trường và sức khỏe người trồng mà năng suất tiêu vẫn cao, tuổi thọ cây bền lâu”. Anh Bùi Quốc Hải ở CLB phát triển tiêu bền vững ấp Phước Tín, xã Hưng Phước (Bù Đốp) cho biết: “Tham gia mô hình, người trồng tiêu được tập huấn áp dụng 10 nguyên tắc tiêu chuẩn canh tác tiêu bền vững của Tổ chức R.A về hệ thống quản lý, môi trường và xã hội bảo tồn hệ sinh thái, nguồn nước; đối xử công bằng và điều kiện làm việc tốt, bảo đảm sức khỏe cho người lao động; quản lý mùa vụ tốt”. Anh Nguyễn Văn Tiến ở CLB xã Lộc Thiện (Lộc Ninh) nói: “Cảm ơn dự án đã cho nông dân hiểu thế nào là sản xuất nông nghiệp bền vững. Trước đây, tôi cũng như nhiều người trồng tiêu ở Lộc Thiện khi giá cao thì lạm dụng bón phân, xịt thuốc hóa học để tăng năng suất. Hậu quả là chỉ sau 1 - 2 vụ thu hoạch, nhiều vườn tiêu bị xóa sổ vì bệnh chết nhanh, chết chậm. Giờ được tập huấn chăm sóc hồ tiêu theo hữu cơ hóa nên tiêu chết rất ít...”.
Ban chủ nhiệm các CLB phát triển tiêu bền vững Hớn Quản cho biết, hiện nhiều người trồng tiêu muốn vào CLB nên kiến nghị mở rộng mô hình sản xuất chuỗi cung ứng tiêu sạch bền vững. Hiện Hớn Quản có 4 CLB (thành lập năm 2015) với 80 thành viên tham gia.
Thưởng thêm cho sản phẩm loại A
Mùa thu hoạch hồ tiêu 2013 - 2014, Công ty Nedspice thu mua đạt 400 tấn tiêu sạch của 9 CLB, 2 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp. Năm thứ 2 liên tiếp (2014 - 2015), công ty thu mua đạt 900 tấn/1.000 tấn chỉ tiêu theo hợp đồng ký kết 2 bên (doanh nghiệp và nông dân) của 24 CLB, với khoảng 700 ha hồ tiêu kinh doanh ở 3 huyện Hớn Quản, Lộc Ninh và Bù Đốp.
Thu hoạch hồ tiêu của một hộ thuộc CLB phát triển tiêu bền vững xã Lộc An (Lộc Ninh)
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra chéo ở 3 huyện đã có 17/540 thành viên bị loại ra khỏi chương trình vì quy trình sản xuất không đúng 10 tiêu chí của dự án, trong đó chủ yếu vi phạm không ghi chép sổ (sổ ghi chép là cơ sở doanh nghiệp nhập khẩu đánh giá quy trình sản xuất sạch của người trồng tiêu - PV). Vi phạm quy định bảo vệ môi trường xanh như lạm dụng phun thuốc bảo vệ thực vật không theo “4 đúng”, dùng thuốc diệt cỏ hóa học thay cho làm cỏ bằng tay; nọc tiêu bằng gỗ thay nọc cây sống; nuôi thú hoang dã...
Mùa thu hoạch hồ tiêu năm 2014 - 2015, vẫn còn 40% sản phẩm trong chương trình bán cho Nedspice tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là chất hoạt carbendazim (hoạt chất mà Mỹ, EU nghiêm cấm trong sản phẩm hồ tiêu). Kinh nghiệm 3 năm liên kết sản xuất chuỗi cung ứng tiêu bền vững, năm 2016, Nedspice dự kiến thu mua 1.500 tấn tiêu trong chương trình hợp tác, diện tích hồ tiêu trong chương trình quản lý khoảng 1.000 ha. Theo đó, dự án sẽ tăng cường phổ biến và cập nhật thường xuyên chính sách (giá), thông tin thị trường cho thành viên tham gia; bảo đảm 90% thành viên tham gia bán tiêu cho công ty, trong đó 80% sản lượng đạt loại A; tăng cường tập huấn, chú trọng tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo lịch thời vụ, nâng cao nhận thức cho người trồng tiêu và CLB về nhận biết hoạt chất cấm, tình hình dư lượng bảo vệ thực vật trong sản phẩm hồ tiêu.
Công ty khuyến khích nông dân sản xuất tiêu sạch bằng cách cộng thêm 3.000 - 5.000 đồng/kg cho sản phẩm loại A nhưng nếu test 1 mẻ mà dính dư lượng thuốc bảo vệ thực vật thì các mẻ bán trước cho công ty cũng không đạt (quy định này để đảm bảo nông dân không lấy hàng ngoài, không đạt chất lượng trà trộn vào tiêu của chương trình). Tuy nhiên, với hàng không đạt chất lượng an toàn, công ty vẫn mua nhưng không được cộng tiền.
Ngoài ra, Nedspice còn có chính sách khuyến khích nông dân đăng ký số lượng bán cho công ty, nếu đạt trên 80% sản lượng trong năm 2016 sẽ thưởng 3.000 đồng/kg. Nếu nông dân đăng ký mà không đủ sản lượng bán thì không được thưởng.
10 nguyên tắc cho hộ sản xuất tiêu bền vững THEO chứng chỉ R.A
1. Hệ thống quản lý môi trường và xã hội.
2. Bảo tồn hệ sinh thái.
3. Bảo vệ động vật hoang dã.
4. Bảo tồn nguồn nước.
5. Đối xử công bằng và điều kiện làm việc tốt cho người lao động.
6. An toàn sức khỏe nghề nghiệp.
7. Quan hệ cộng đồng.
8. Quản lý mùa vụ tổng hợp.
9. Bảo tồn và quản lý đất đai.
10. Quản lý rác thải tổng hợp.
P . HÀ
Thoát nghèo nhờ trồng màu
Nguồn tin: Trà Vinh
Gia đình chị Thạch Oanh Tha (ấp Nô Lựa B, xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) là một trong những hộ khó khăn trong ấp trước đây, nhờ chí thú làm ăn và biết chọn cây trồng phù hợp trong từng thời điểm để thực hiện xen canh trên đất 01 vụ lúa + 02 vụ màu, qua đó, mỗi vụ sản xuất (cây màu) gia đình thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng/1.000m2, góp phần giúp gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên khá giả chỉ với 0,8ha đất canh tác.
Chị Thạch Oanh Tha thu hoạch cà tím vụ đông-xuân 2015 - 2016
Trong vụ màu đông-xuân 2015 - 2016, do điều kiện diện tích đất gò, xa nguồn nước nên gia đình chị Thạch Oanh Tha quyết định chuyển đổi sang trồng màu. Chị Oanh Tha cho biết: Gia đình dành 0,3ha đất để trồng cá tím, diện tích còn lại trồng bắp giống do Công ty Giống cây trồng miền Nam bao tiêu sản phẩm. Giá cà tím năm nay tương đối cao do trồng sớm, với giá bán dao động 5.000 - 7.000 đồng/kg, đến nay gia đình đã thu hoạch được hơn 02 tháng (tương đương 9,2 tấn cà tím), sau khi trừ chi phí cho thu nhập khoảng 45 triệu đồng. Cây cà tím rất dễ trồng và thích nghi với nhiều vùng đất, tuy nhiên muốn trồng có giá bán cao phải xuống giống sớm, để tránh đụng chợ hàng nông sản dịp tết. Từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 03 tháng, nếu cây cà tím được chăm sóc tốt và ít sâu bệnh sẽ cho thời gian thu hoạch kéo dài từ 02 - 2,5 tháng/vụ.
Trong trồng màu, nông dân thường gặp cảnh “được mùa, mất giá” hay vào mùa thuận (vụ màu mùa khô, còn gọi là màu đông-xuân) do có nhiều diện tích sản xuất lúa chuyển sang trồng màu (thích ứng với điều kiện khô hạn, sản xuất lúa gặp khó) lại là thời điểm giá luôn bấp bênh. Để sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao trên cây màu, cũng theo chị Thạch Oanh Tha: Nếu so với vụ cà tím năm 2014 - 2015, thì giá cà tím năm nay tăng lên gấp đôi. Nhờ thường xuyên theo dõi tình hình sản xuất của người dân và thị trường, từ đó đã tích lũy kinh nghiệm của bản thân để chọn ra những cây màu trồng mang lại hiệu quả kinh tế. Thời điểm chọn xuống giống cây màu tốt nhất nên sau khi thu hoạch xong vụ lúa thu-đông mùa (khoảng đầu tháng 11 hàng năm), lúc này nền đất còn ẩm phù hợp cho cây giống phát triển.
Bên cạnh cây cà tím, gia đình chị Thạch Oanh Tha còn kết hợp trồng các loại cây màu có tính ổn định về đầu ra như bắp giống. Với giá bao tiêu 6.300 đồng/kg, trừ chi phí cho thu nhập 2,5 triệu đồng/1.000m2, nếu so với các cây màu khác thì nông dân trồng bắp giống an tâm hơn về đầu ra và còn được hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư trả chậm vật tư nông nghiệp…
Thiết nghĩ để giúp nông dân trong sản xuất cây màu có hiệu quả cao, cần có định hướng trong phát triển sản xuất, liên kết theo vùng và địa phương, tránh việc sản xuất những gì thị trường đã có, nên sản xuất những loại cây gì mà thị trường cần. Có như vậy mới tránh được tình trạng đầu ra hàng nông sản bấp bênh.
HỮU HUỆ
Bình Thuận: Tăng cường bảo vệ thực vật trong điều kiện thời tiết bất lợi
Nguồn tin: Báo Bình Thuận
Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Bình Thuận cho biết, đơn vị đang thực hiện chỉ đạo của Cục BVTV mới đây, về việc tăng cường công tác BVTV trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Phần lớn diện tích thanh long đang vào mùa chong đèn
Theo đó, Chi cục đã chỉ đạo các Trạm BVTV phải thường xuyên giám sát đồng ruộng, nắm chắc diễn biến và xu hướng phát triển của sinh vật gây hại; chủ động dự báo, hướng dẫn và tham mưu kịp thời với chính quyền các cấp chỉ đạo phòng trừ kịp thời. Đặc biệt đối với cây lúa, các vùng có nguy cơ dịch bệnh cao, các địa phương phải theo dõi sát diễn biến sâu bệnh trên đồng ruộng, tình hình rầy vào đèn và rầy nâu trên đồng. Nếu mật số rầy nâu trên 3 con/tép, tiến hành phòng trừ kịp thời bằng các loại thuốc trừ rầy. Đồng thời, phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”, không để cháy rầy cục bộ, đặc biệt lưu ý những ruộng lúa sạ dày và bón dư đạm.
Riêng với bệnh đốm nâu trên cây thanh long, đề nghị các Trạm BVTV tiếp tục theo dõi sát diễn biến bệnh trên vườn. Tuyên truyền, phổ biến quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long (quy trình sửa đổi, bổ sung) của Cục BVTV cho người dân. Mặt khác, hiện nay thời tiết đã vào mùa khô, là điều kiện thích hợp đối với việc vệ sinh vườn, cắt tỉa cành, quả bị bệnh và tiến hành ủ bằng chế phẩm BIO-ADB để giảm áp lực bệnh trong vụ mùa sắp tới (mùa mưa năm 2016). Tuyệt đối không để cành, trái bị bệnh hại nặng (vết bệnh cũ) trong vườn thanh long vì đây là nguồn lây lan quan trọng cho vụ kế tiếp.
Theo cục BVTV, trong thời gian tới, hiện tượng El-Nino tiếp tục kéo dài, gây khô hạn, sẽ ảnh hưởng tới các vùng sản xuất. Không chỉ ảnh hưởng tới kế hoạch gieo cấy, thời vụ, cơ cấu giống, sinh trưởng phát triển của cây trồng vụ Đông Xuân 2015 – 2016 mà một số sinh vật gây hại có thể bùng phát và diễn biến phức tạp, khó lường. Qua đó, gây khó khăn cho công tác dự báo, hướng dẫn và chỉ đạo phòng chống như chuột, bọ trĩ, sâu đục thân, ngộ độc hữu cơ ...
Tại Bình Thuận, hiện rầy nâu tuổi 3 - 4 gây hại trên lúa giai đoạn đẻ nhánh – đòng trổ với diện tích nhiễm nhẹ 233 ha, phân bố ở huyện Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh, tăng 138 ha so với tuần trước và giảm 1.483 ha so với cùng kỳ năm 2015. Bệnh đạo ôn lá gây hại giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ, với diện tích 553 ha; tăng 153 ha so với tuần trước và giảm 704 ha so với cùng kỳ năm 2015, phân bố toàn vùng trồng lúa.
Riêng cây Thanh long, hiện tổng diện tích nhiễm bệnh đốm nâu là 1.219 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ, tăng 198 ha so với tuần trước và giảm 2.590 ha so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, diện tích nhiễm bệnh ở huyện Hàm Thuận Bắc 495 ha; Hàm Thuận Nam 510 ha và Bắc Bình 172 ha.
K.H
Bình Phước: Nông dân chuẩn bị cho vụ điều bội thu
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Những năm gần đây, giá hạt điều thô liên tiếp tăng, nông dân trồng điều rất phấn khởi. Vụ điều 2015 - 2016, theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết diện tích điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước đều rụng lá và ra bông không đều, bông thưa. Để đảm bảo một mùa vụ bội thu, nông dân đã tìm nhiều cách tác động vào cây điều trong giai đoạn ra bông.
Gia đình ông Láng chủ động phun thuốc dưỡng lá, đậu trái cho điều
Ông Lê Ngọc Láng ở xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) đã mua phân bón lá trộn với thuốc đậu trái và thuốc phòng trừ sâu bệnh phun cho điều. Đây là giải pháp “3 trong 1” giúp điều ra bông, đậu trái nhiều hơn, đồng thời phòng trừ sâu bệnh cho cây. Với thời tiết như hiện nay, theo kinh nghiệm của ông Láng khi phun hỗn hợp ba loại thuốc trên, nông dân nên phun vào sáng sớm hoặc chiều muộn để không làm thối bông điều hoặc cháy lá non. Ngoài chăm sóc cho điều ra bông và đậu trái, ông Láng và nhiều nhà nông trong tỉnh đang tất bật phát cỏ, thổi sạch lá trong vườn để chuẩn bị thu hoạch.
N.S
Lào Cai: Bảo vệ cây trồng ngày tuyết rơi
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Sáng 24/1, thị trấn Sa Pa, Bản Khoang (Sa Pa), Ngải Thầu, Y Tý, Trung Lèng Hồ (Bát Xát), Pha Long, La Pan Tẩn (Mường Khương) bắt đầu xuất hiện băng tuyết, nhiệt độ các xã vùng thấp cũng đã giảm sâu. Nông dân các địa phương đã chủ động nhiều biện pháp để bảo vệ cây trồng.
Băng tuyết xuất hiện tại xã La Pan Tẩn (Mường Khương - Lào Cai).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương đang tập trung, khẩn trương thực hiện Công điện khẩn của UBND tỉnh Lào Cai về phòng, chống rét đậm, rét hại, băng tuyết trên địa bàn. Theo đó, người dân đã chủ động dùng bạt, ni lông che chắn cho cây trồng. Tại những xã vùng thấp, người dân không gieo mạ, cấy lúa vào thời điểm này do nhiệt độ xuống thấp, đồng thời chủ động dùng ni lông che phủ ruộng mạ để giữ ấm, bảo vệ cây mạ non.
Đối với các gia đình đầu tư hệ thống nhà lưới để trồng rau, hoa, người dân đã chủ động kéo lưới để tránh sương muối, băng, tuyết; thắp đèn chiếu sáng, giữ ấm để đảm bảo sự sinh trưởng bình thường của cây.
Nông dân huyện Bát Xát sử dụng ni lông giữ ấm cho ruộng mạ.
Các địa phương có tuyết rơi dày như: Y Tý và Ngải Thầu (Bát Xát), khu vực Ô Quý Hồ, Bản Khoang (Sa Pa), chính quyền chỉ đạo người dân ngay sau khi tuyết ngừng rơi khẩn trương tiến hành gạt tuyết ra khỏi gốc cây, tránh để lâu làm chết mầm cây, ảnh hưởng đến các vụ sản xuất tiếp theo.
THÚY PHƯỢNG
Ngành nông nghiệp chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại diện rộng
Nguồn tin: Báo Quảng Ninh
Theo Đài Khí tượng thủy văn Quảng Ninh, ngày 24/1, không khí lạnh rất mạnh tiếp tục ảnh hưởng đến thời tiết Quảng Ninh gây mưa nhỏ. Trời rét hại. Nhiệt độ toàn tỉnh giảm sâu dưới 10 độ C, có nơi nhiệt độ giảm xuống chỉ còn 4 độ C. Đây là đợt rét kéo dài và giảm sâu nhất từ đầu mùa đến nay gây bất lợi đối với sản xuất nông nghiệp. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp đã chủ động, tích cực triển khai các biện pháp ứng phó với đợt rét đậm, rét hại nhằm giảm tối đa thiệt hại đối với sản xuất.
Người dân chủ động nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc trong đợt rét đậm, rét hại
Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Ngành nông nghiệp đã có Công điện khẩn số 01 ngày 18/1/2016 về phòng chống đói, rét cho gia súc trong vụ Đông Xuân 2016. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra tới từng xã, thôn, khe, bản tại 14/14 địa phương để kiểm tra, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi trong điều kiện nhiệt độ giảm sâu.
Qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều thực hiện nghiêm túc Chỉ đạo của UBND tỉnh và của ngành Nông nghiệp, chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc người dân thực hiện các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng và vật nuôi. Đặc biệt quan tâm chỉ đạo, vận động, hướng dẫn đồng bào tại những nơi thường xảy ra tình trạng trâu, bò bị chết rét trong những năm trước đây trên địa bàn Hải Hà, Bình Liêu.
Trước đó, bộ phận chuyên môn của ngành nông nghiệp cũng đã tập huấn cho bà con cách dự trữ thức ăn cho gia súc như xây các cây rơm, trồng cỏ, ủ chua thức ăn… để chủ động đủ nguồn thức ăn cho gia súc trong thời tiết giá lạnh.
Thắp bóng điện sưởi ấm cho đàn gia súc nuôi
Đợt rét đậm, rét hại này cũng trùng với thời điểm nông dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang gieo cấy trà lúa xuân chính vụ và xuống giống nhiều loại cây màu. Ngành Nông nghiệp cũng đã hướng dẫn bà con che phủ bạt, ni lông, rắc tro giữ ấm cho mạ để đảm bảo có mạ gieo cấy sau khi đợt rét đậm, rét hại kết thúc. Đồng thời khuyến cáo bà con nông dân không ra đồng gieo cấy khi nhiệt độ dưới 15 độ C; không bón thúc đạm, gieo hạt giống nếu nhiệt độ dưới 18 độ C.
Kỹ thuật phòng chống rét cho gia súc:
- Sửa chữa chuồng trại, che chắn gió lạnh, giữ khô nền chuồng, kín, ấm và vệ sinh. Dùng các tấm bạt dứa, nilon, phên... che phủ chuồng trại. Dùng chăn bông, bao tải gai... làm áo khoác giữ ấm cho trâu, bò.
- Chuẩn bị đủ thức ăn dự trữ: rơm, cỏ khô, cám... đảm bảo bình quân 5 - 7kg rơm, rạ hoặc cỏ khô/trâu, bò/ngày trong thời gian giá rét.
- Khi nhiệt độ dưới 12°C không cho trâu, bò làm việc, chăn thả ngoài đồng, bãi. Cho trâu, bò ăn thêm cám, ngô, cháo loãng và uống nước ấm có pha thêm muối.
- Đốt lửa chống rét cho trâu bò, tuy nhiên cần đặt khay lửa ở cuối chuồng để khói không tạt vào mặt trâu bò vằ đặt tránh xa chất độn chuồng, bạt che để tránh phòng bén lửa gây cháy.
- Vệ sinh chuồng trại hàng ngày. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng, phòng chống dịch bệnh phát sinh.
Kỹ thuật phòng chống rét cho cây trồng:
- Đối với mạ xuân chính vụ: Nhiệt độ xuống dưới 13 độ, cần tưới đủ ẩm, giữ mực nước trong ruộng 2 - 3cm, rắc tro bếp một lớp mỏng (5 kg/sào mạ) lên bề mặt luống mạ và dùng nilong trắng trùm kín cho mạ. Sauk hi hết đợt rét, nhiệt độ ngoài trời trên 15 độ, phải dỡ bỏ nilon ra ngày để chuẩn bị cấy cho kịp thời vụ.
- Đối với rau màu: bón phân cho rau màu cân đối, tưới đủ nước cho rau màu; đặc biệt trong thời tiết rét đậm, cần bón nhiều Kali có tác dụng làm giảm độ nhớt trong chất nguyên sinh của tế bào, giúp cho quá trình hoạt động sinh lý, sinh hóa trong cây được thuận lợi, hoạt động mạnh, cây hút được nước, dinh dưỡng tăng khả năng chống rét.
Phương Thúy
Bình Định: Nông dân Phù Mỹ điêu đứng vì dưa hấu bị “điếc”
Nguồn tin: Báo Bình Định
Vụ dưa hấu Đông Xuân này, hàng chục hộ nông dân trồng dưa trên địa bàn huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đứng ngồi không yên vì mua phải hạt giống kém chất lượng, không nẩy mầm. Về phía đơn vị cung ứng giống, thay vì phối hợp với đại lý giống và bà con nông dân để có biện pháp giải quyết, thì lại tìm cách thoái thác trách nhiệm...
Hạt dưa không nảy mầm
Vụ Đông Xuân năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Hồng, ở thôn Hòa Ninh, xã Mỹ An, sản xuất 9 sào dưa hấu (4.500m2). Ông mua hạt dưa giống ở một đại lý tại thị trấn Bình Dương. Theo giới thiệu của chủ đại lý, nhiều năm nay, hạt giống dưa hấu lai F1 TN 386 Hắc Mỹ Nhân của Công ty Trang Nông được người trồng dưa rất tín nhiệm vì khả năng kháng sâu bệnh tốt, đặc ruột, năng suất cao. Tin ở đại lý, ông mua tất cả 9 gói hạt giống dưa hấu (giá 240 ngàn đồng/gói) với tổng số tiền hơn 2 triệu đồng. Trước khi xuống giống, ông tuân thủ chặt chẽ quy trình ngâm ủ giống; thường thì ủ khoảng 2 ngày là hạt giống bắt đầu nẩy mầm, nhưng ông chờ mãi đến 4 - 5 ngày vẫn không thấy hạt giống nẩy mầm.
Nông dân và chủ đại lý buôn bán hạt giống dưa hấu Trang Nông bức xúc vì đơn vị cung cấp hạt giống thiếu trách nhiệm.
“Trong 9 bì hạt giống, chỉ một vài hạt nẩy mầm, nhưng rất yếu, chưa kịp trồng mà mầm đã tàn lụi. Cứ tưởng quy trình ngâm ủ của mình không đúng, tôi hỏi thăm một số anh em trồng dưa ở địa phương thì được biết họ cũng trong tình trạng hạt giống dưa bị “điếc” y chang như tôi. Tôi đã đến đại lý để khiếu nại và yêu cầu công ty cung cấp giống có trách nhiệm giải quyết, nhưng đến nay (ngày 21.1) đã 1 tháng trôi qua mà chưa thấy có động tĩnh gì - ông Nguyễn Văn Hồng bức xúc.
Tương tự ông Hồng, nông dân Huỳnh Văn Tín, ở đội 4 thôn Mỹ Phú Đông, xã Mỹ Lợi, cho biết thêm: Tôi trồng dưa hấu đã nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ lâm vào tình cảnh “dở khóc, dở mếu” như năm nay. Mấy năm trước, tôi cũng dùng giống dưa của Công ty Trang Nông, chỉ sau 2 đêm ngâm ủ là mầm lên ào ào, tỉ lệ nảy mầm trên 90%. Còn năm nay, tôi mua 4 bì hạt giống về ngâm ủ, đợi mãi tới 5 - 6 ngày mà không thấy mầm đâu, đành phải mua giống khác để thay thế. Mất tiền mua giống đã đành, bực hơn là đại lý và công ty giống chỉ qua chỉ lại, rất thiếu trách nhiệm.
Để xác minh vụ việc, PV Báo Bình Định đã tìm đến đại lý cung cấp giống cây trồng Hùng Dũng - ở thôn Dương Liễu Tây, thị trấn Bình Dương, nơi cung cấp hạt giống dưa hấu lai F1 TN 386 Hắc Mỹ Nhân của Công ty Trang Nông. Ông Nguyễn Hùng Dũng, chủ đại lý, cho biết: “Vụ Đông Xuân này, đại lý đã cung cấp cho nông dân tất cả 50 bì giống dưa hấu để sản xuất trên diện tích trên 2 ha. Toàn bộ 50 bì giống này tôi lấy của Công ty Trang Nông vào tháng 7.2015, trên bao bì có ghi ngày sản xuất là 15.1.2015, thời hạn sử dụng 2 năm. Như vậy, thời gian sử dụng hạt giống phải đến 15.1.2017 mới hết hạn. Tuy nhiên, qua ngâm ủ, tất cả các bì giống này đều không nẩy mầm. Sau khi được khách hàng phản ánh, tôi đã nhiều lần điện thoại cho Công ty Trang Nông để phối hợp giải quyết, song đơn vị này chỉ đến ông Huỳnh Văn Muộn, là nhân viên bán hàng của công ty. Khi tôi liên lạc với ông Muộn thì ông này trả lời vòng vo, rồi lại chỉ vào công ty. Cứ vậy nên bà con nông dân vô cùng bức xúc trước sự vô trách nhiệm của đơn vị cung ứng giống”.
Thoái thác trách nhiệm
PV thử liên lạc qua điện thoại với ông Huỳnh Văn Muộn, ông này lại đổ thừa trách nhiệm cho chủ đại lý buôn bán hạt giống. Theo ông Muộn, để đảm bảo nẩy mầm, hạt giống phải được bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào. Nhiệt độ bảo quản hạt giống phải ở mức từ 20 - 23oC. Ông Muộn còn cho rằng chủ đại lý buôn bán hạt giống đã bảo quản sai quy định và tự ý ghim hạt giống để bán kiếm lời mà không báo với công ty, nên khi xảy ra sự cố công ty không có trách nhiệm.
Vỏ gói bao bì hạt giống dưa hấu lai F1 TN 386 Hắc Mỹ Nhân kém chất lượng của Công ty TNHH - TM Trang Nông.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hùng Dũng, chủ đại lý cung ứng hạt giống dưa hấu cho rằng, việc đổ trách nhiệm cho đại lý là hoàn toàn sai. Về quy trình bảo quản hạt giống ông vẫn đảm bảo, các loại giống cây trồng khác cùng nơi bảo quản với hạt dưa hấu vẫn nảy mầm bình thường. Ngoài ra, Công ty Trang Nông cho rằng ông tự ý ghim hàng để bán là không thể chấp nhận, vì thời hạn sử dụng ghi trên bao bì này vẫn còn!
Bức xúc trước sự thiếu trách nhiệm của đại diện Công ty Trang Nông, ông Nguyễn Hùng Dũng đã làm đơn khiếu nại đến Sở NN&PTNT (đơn vị quản lý nhà nước trên lĩnh vực giống cây trồng). Trao đổi với PV Báo Bình Định, ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (đơn vị được Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ kiểm tra làm rõ vụ việc giống dưa hấu kém chất lượng), cho biết, sau khi xác minh vụ việc với nông dân và chủ đại lý buôn bán giống, vấn đề hạt giống dưa hấu lai F1 TN 386 Hắc Mỹ Nhân không nảy mầm là hoàn toàn đúng sự thật. Chi cục đã có biên bản làm việc với nông dân và chủ đại lý cung ứng giống, đồng thời thu hồi một số lượng giống để đưa đi kiểm định chất lượng.
“Hiện nay, Chi cục đã có văn bản mời lãnh đạo Công ty TNHH - TM Trang Nông có địa chỉ tại số 2E-2F Lê Quang Sung, P2, Q6, TP Hồ Chí Minh đến làm việc. Nếu trong thời gian tới, Công ty Trang Nông không hợp tác giải quyết thì chi cục sẽ hướng dẫn bà con nông dân khởi kiện đơn vị này ra tòa” - ông Phát cho biết.
PV Báo Bình Định sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc và thông tin đến bạn đọc.
NGUYỄN HÂN
800 tấn xoài Suối Lớn ra Bắc
Nguồn tin: Đại Đoàn Kết
Hợp tác xã xoài Suối Lớn, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, dịp Tết Bính Thân 2016 sẽ cung cấp cho thị trường miền Bắc hơn 800 tấn xoài. Giá xoài xuất đi miền Bắc đã ký với thương lái là 15.000 đồng/kg.
Hơn 800 tấn xoài Suối Lớn phục vụ Tết miền Bắc.
Hiện Hợp tác xã xoài Suối Lớn đã ký được hợp đồng với 1 đối tác trong nước để xuất khẩu xoài sang Nhật Bản; giá xoài xuất khẩu là 16.500 đồng/kg.
Để vào thị trường Nhật Bản, xoài phải đạt tiêu chuẩn VietGap, ngoài ra, từ khi xoài ra hoa đến khi thu hoạch (khoảng 4 tháng), người dân không được phun thuốc trị nấm bệnh có chứa hoạt chất Carbendazym, bởi đây là hoạt chất mà Nhật Bản cấm sử dụng.
H.H
Lại chuyện dưa hấu rớt giá
Nguồn tin: Báo Ninh Thuận
Giá dưa hấu liên tục rớt giá, nhiều trà dưa thu hoạch xong phải ủ bạt, “mỏi mòn” chờ đợi thương lái đến mua với giá rẻ như “bèo”. Vụ dưa hấu năm nay, nông dân Ninh Sơn (Ninh Thuận) đang lao đao vì ồ ạt đổ xô tăng diện tích lên hàng trăm ha.
Hai vụ dưa trước, mặc dù chỉ đầu tư hơn 3ha, nhưng gia đình anh Nguyễn Ngọc (thị trấn Tân Sơn, Ninh Sơn) vẫn thu về trên trăm triệu đồng nhờ dưa được giá, được mùa. Vụ dưa năm nay, anh Ngọc “mạnh dạn” vay thêm ngân hàng hơn 500 triệu đồng để thuê đất trên địa bàn xã Phước Hòa (Bác Ái) đầu tư trồng hơn 7ha dưa hấu (giống dưa dài 386). Với vẻ mặt ngao ngán, anh Ngọc cho biết: Tôi vừa thu bán xong hơn 3,5ha trà dưa trước Tết cho thương lái Quảng Ngãi, năng suất dưa cũng đạt gần 35 tấn/ha, nhưng giá bán chỉ 2.900 đồng/kg (dưa loại 1), còn dưa dạt chỉ hơn 1.000 đồng, trà dưa này tôi đã lỗ gần 100 triệu đồng. Hiện vẫn còn gần 4ha dưa bán Tết và sau Tết, nhưng với tình trạng giá cả liên tục rớt thế này thì chắc xong vụ phải lỗ thêm vài trăm triệu nữa.
Thương lái thu mua dưa của nông dân thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn, Ninh Sơn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, vụ dưa hấu năm nay trên địa bàn xã Phước Hòa có hàng chục người dân ở Ninh Sơn lên thuê đất trồng dưa với diện tích hàng trăm ha.
Được biết, thực tế, đầu vụ dưa vẫn có một số nông dân bán được giá trên 4.000 đồng/kg nên cũng vừa thu đủ vốn, chỉ lỗ ít công chăm sóc. Nhưng chỉ sau đó khoảng 1 tuần thì giá dưa liên tục “lao dốc không phanh”, khiến nhiều nông dân trở tay không kịp. Chị Nguyễn Thị Tám, thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn, ủ rũ: “Thấy giá dưa liên tục rớt, gia đình cũng lo lắng, nhưng không ngờ lại thê thảm thế này, giờ thương lái trả dưới 2.000 đồng/kg cũng phải bán, nếu không dưa đã đến độ chín, tiếp tục để sẽ bị thối và giá rớt tiếp nữa thì càng chết”. Được biết, năm nay, gia đình chị Tám vay ngân hàng 50 triệu đồng, bớt đi 4 sào lúa để đầu tư trồng dưa, khi dưa bắt đầu giai đoạn cho trái thì trúng đợt mưa trái mùa làm giảm năng suất, 4 sào dưa nhà chị chỉ đạt hơn 10 tấn, sau khi bán cho thương lái, gia đình chị lỗ hơn 30 triệu đồng.
Theo thương lái Nguyễn Thị Bình, ở thị trấn Tân Sơn, người chuyên đi dưa xuất khẩu sang Trung Quốc, cho biết: Giá dưa năm nay rớt không chỉ làm nông dân lao đao mà nhiều thương lái cũng méo mặt vì phải bỏ tiền đã đặt cọc trước, bởi hiện nay, thị trường dưa đang bị ứ đọng, không ai dại gì lao vào thu mua với giá đầu vụ sẽ càng thua lỗ nặng.
Mặc dù đã được khuyến cáo, tuyên truyền nhưng vụ dưa Tết năm nay, nông dân huyện Ninh Sơn vẫn tự phát mở rộng diện tích lên gấp nhiều lần so với kế hoạch. Điển hình như tại xã Lương Sơn, theo kế hoạch, xã chỉ khuyến cáo trồng khoảng 60ha, thế nhưng qua thực tế khảo sát, chỉ tính riêng diện tích dưa trên địa bàn xã đã hơn 230ha, chưa kể một số hộ dân thuê đất tại các xã lân cận khu vực huyện Bác Ái để trồng. Hiện nay, ngoài các trà dưa đang thu hoạch rộ thì còn rất nhiều diện tích dưa đang chuẩn bị vào thu hoạch bán dịp Tết Nguyên đán Bính Thân và sau Tết. Nhiều nông dân vẫn đang thấp thỏm, lo lắng và hy vọng giá dưa có thể đột biến trong những ngày tới…
Nguyễn Sơn
Bảo Yên (Lào Cai): Năng suất đại táo đạt 5,4 tấn/ha
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Tháng 1/2016, cây đại táo tại Bảo Yên cho thu hoạch vụ đầu tiên. Năng suất ước đạt khoảng 5,4 tấn/ha.
Dự án phát triển cây đại táo theo hướng VietGAP do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai thực hiện, được triển khai từ tháng 10/2014 trên quy mô 15 ha tại xã Bảo Hà với 46 hộ dân tham gia. Người dân được hỗ trợ cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây.
Đại táo cho quả sai, đều cành.
Đến nay, diện tích đại táo trồng cuối năm 2014 và đầu năm 2015 đều đã ra quả và cho thu hoạch vụ đầu tiên. Theo đánh giá, cây đại táo sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp khí hậu và thổ nhưỡng, ra quả sai; quả to, giòn, ngọt.
Cuối tháng 1/2016, các hộ trồng đại táo đã bắt đầu thu hoạch và bán ra thị trường với giá 30.000 đồng/kg.
THÚY PHƯỢNG
1.200 trái xoài chưng Tết giá 360 triệu đồng
Nguồn tin: VnExpress
Một nông dân miền Tây tạo chữ tự nhiên trên trái xoài phục vụ chưng Tết đã được bao tiêu với giá cao.
Các chữ có được do xử lý kỷ thuật bao trái. Ảnh: Cửu Long
Bộ chữ mà ông Huỳnh Thanh Khoa ở thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp tạo trên trái xoài gồm: Phước Lộc Thọ, Xuân Mới Phát Tài, Vạn Sự Như Ý…
Đây là năm đầu tiên, nên ông Khoa mới chỉ sản xuất 1.200 trái có chữ cho một công ty bao tiêu trọn gói với giá 300.000 đồng mỗi trái, gấp hàng chục lần so với xoài thường.
Mỗi trái xoài có chữ khi thu hoạch có trọng lượng 0,6 - 1,3kg được bán với giá 300.000 đồng. Ảnh: Cửu Long
“Sản phẩm này được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nên hoàn toàn là chữ tự nhiên, có được do xử lý kỹ thuật bao trái chứ không hề có hóa chất, phẩm màu can thiệp”, ông Khoa nói và cho biết mỗi trái xoài được “in” chữ sau khi thu hoạch sẽ đảm bảo thời gian chưng từ 2 đến 3 tuần.
Trước ông Khoa, nhiều năm qua, nông dân các tỉnh miền Tây đã tạo ra nhiều sản phẩm lạ, độc đáo, được tiêu thụ mạnh với giá cao như bưởi hồ lô Tài Lộc, dưa hấu thỏi vàng, dưa hấu có bản đồ Việt Nam... và mới đây có thêm sản phẩm dừa tươi in chìm bằng những chữ thư pháp: Tài, Lộc Thọ, Phúc, 2016, Bính Thân… do nông dân Huỳnh Thanh Tâm (29 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) làm ra. Giá mỗi trái là 300.000 đồng, trong khi giá dừa xiêm tươi bình thường bán tại vườn chỉ khoảng 5.000 đồng.
Cửu Long
Bình Thuận: Tăng cường bảo vệ thực vật trong điều kiện thời tiết bất lợi
Nguồn tin: Báo Bình Thuận
Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Bình Thuận cho biết, đơn vị đang thực hiện chỉ đạo của Cục BVTV mới đây, về việc tăng cường công tác BVTV trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Phần lớn diện tích thanh long đang vào mùa chong đèn
Theo đó, Chi cục đã chỉ đạo các Trạm BVTV phải thường xuyên giám sát đồng ruộng, nắm chắc diễn biến và xu hướng phát triển của sinh vật gây hại; chủ động dự báo, hướng dẫn và tham mưu kịp thời với chính quyền các cấp chỉ đạo phòng trừ kịp thời. Đặc biệt đối với cây lúa, các vùng có nguy cơ dịch bệnh cao, các địa phương phải theo dõi sát diễn biến sâu bệnh trên đồng ruộng, tình hình rầy vào đèn và rầy nâu trên đồng. Nếu mật số rầy nâu trên 3 con/tép, tiến hành phòng trừ kịp thời bằng các loại thuốc trừ rầy. Đồng thời, phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”, không để cháy rầy cục bộ, đặc biệt lưu ý những ruộng lúa sạ dày và bón dư đạm.
Riêng với bệnh đốm nâu trên cây thanh long, đề nghị các Trạm BVTV tiếp tục theo dõi sát diễn biến bệnh trên vườn. Tuyên truyền, phổ biến quy trình kỹ thuật phòng chống bệnh đốm nâu hại thanh long (quy trình sửa đổi, bổ sung) của Cục BVTV cho người dân. Mặt khác, hiện nay thời tiết đã vào mùa khô, là điều kiện thích hợp đối với việc vệ sinh vườn, cắt tỉa cành, quả bị bệnh và tiến hành ủ bằng chế phẩm BIO-ADB để giảm áp lực bệnh trong vụ mùa sắp tới (mùa mưa năm 2016). Tuyệt đối không để cành, trái bị bệnh hại nặng (vết bệnh cũ) trong vườn thanh long vì đây là nguồn lây lan quan trọng cho vụ kế tiếp.
Theo cục BVTV, trong thời gian tới, hiện tượng El-Nino tiếp tục kéo dài, gây khô hạn, sẽ ảnh hưởng tới các vùng sản xuất. Không chỉ ảnh hưởng tới kế hoạch gieo cấy, thời vụ, cơ cấu giống, sinh trưởng phát triển của cây trồng vụ Đông Xuân 2015 – 2016 mà một số sinh vật gây hại có thể bùng phát và diễn biến phức tạp, khó lường. Qua đó, gây khó khăn cho công tác dự báo, hướng dẫn và chỉ đạo phòng chống như chuột, bọ trĩ, sâu đục thân, ngộ độc hữu cơ...
Tại Bình Thuận, hiện rầy nâu tuổi 3 - 4 gây hại trên lúa giai đoạn đẻ nhánh – đòng trổ với diện tích nhiễm nhẹ 233 ha, phân bố ở huyện Hàm Thuận Bắc và Tánh Linh, tăng 138 ha so với tuần trước và giảm 1.483 ha so với cùng kỳ năm 2015. Bệnh đạo ôn lá gây hại giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ, với diện tích 553 ha; tăng 153 ha so với tuần trước và giảm 704 ha so với cùng kỳ năm 2015, phân bố toàn vùng trồng lúa.
Riêng cây Thanh long, hiện tổng diện tích nhiễm bệnh đốm nâu là 1.219 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ, tăng 198 ha so với tuần trước và giảm 2.590 ha so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, diện tích nhiễm bệnh ở huyện Hàm Thuận Bắc 495 ha; Hàm Thuận Nam 510 ha và Bắc Bình 172 ha.
K.H
Vĩnh Linh trồng thanh công thanh long ruột đỏ
Nguồn tin: Báo Quảng Trị,
Là một địa phương có thế mạnh về đất đỏ ba dan phù hợp với các loại cây trồng lâu năm, trong đó có cây ăn quả, những năm qua, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã đầu tư trồng thử nghiệm nhiều loại cây trồng mới như xoài, nhãn, vải thiều, thanh long ruột đỏ... nhằm tìm ra những loại cây phù hợp đưa lại giá trị kinh tế cao, khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh từ đất đai. Trong đó cây thanh long ruột đỏ là một trong những loại cây trồng mới được các hộ nông dân đưa vào trồng thử nghiệm cho hiệu quả kinh tế khá cao.
Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ ở Vĩnh Linh
Người đi đầu trong việc đưa cây thanh long ruột đỏ về trồng thử nghiệm tại huyện Vĩnh Linh là anh Nguyễn Văn Quang ở tại thôn Tân Thủy (xã Vĩnh Thủy). Đầu tháng 3/2014, được sự hỗ trợ của Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện, gia đình anh Quang bắt đầu thực hiện dự án trồng cây thanh long ruột đỏ trên diện tích 3.500m2 với 300 trụ. Sau hơn 1 năm, cây thanh long ruột đỏ đã tỏ ra thích nghi rất tốt với điều kiện khí hậu cũng như thổ nhưỡng ở đây, sinh trưởng và phát triển ổn định, tỷ lệ đậu quả từ 80 đến 90%. Với ưu điểm dễ trồng, chăm sóc, ít sâu bệnh, được thị trường ưa chuộng, giá cả luôn giữ ở mức ổn định từ 20 - 30 ngàn đồng/kg, thời điểm vào các dịp lễ, tết từ 50 - 70 ngàn đồng/kg, sản lượng bình quân khoảng 120 - 150 kg/lứa. Như vậy với 300 trụ trồng thanh long ruột đỏ dự kiến sẽ mang lại nguồn thu cho gia đình anh hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Theo anh Quang, cây thanh long ruột đỏ thích hợp với nhiều loại đất, trong đó thích hợp và phát triển tốt hơn cả là ở vùng đất đỏ ba dan. So với cây thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ dễ trồng hơn, ít sâu bệnh, thời gian ra hoa dài hơn và sớm hơn 2 - 3 tháng, ra hoa nhiều đợt trong năm, kéo dài từ tháng 2 - tháng 10 âm lịch, tỷ lệ đậu quả cao. Sau khi ra hoa khoảng 1 tháng thì quả chín, mỗi trụ trồng cây thanh long cho khoảng 5 - 7kg quả. So với các loại cây ăn trái khác, thanh long ruột đỏ đang chiếm ưu thế về năng suất và giá trị kinh tế mà nó mang lại. Hiện thanh long ruột đỏ rất được người tiêu dùng ưa chuộng nên bán rất chạy, sản phẩm không đủ đáp ứng cho nhu cầu của người tiêu dùng.
Riêng về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long, theo anh Quang cho biết, thanh long vốn thuộc họ xương rồng, không kén chọn đất đai, kỹ thuật chăm sóc không khó. Để cây thanh long phát triển tốt và cho trái đạt hiệu quả cao đòi hỏi cây thanh long phải được trồng trên trụ. Trụ trồng thanh long thích hợp nhất là trụ bằng xi măng, dài khoảng 2 - 2,2 mét, ngang 1 tấc, chôn trụ xuống khoảng 50cm, phần còn lại của trụcao từ 1,5 - 1,7m, trụ cách trụ từ 2,5 – 3m, khoảng cách này giúp cho người trồng bón phân và thu hoạch trái được dễdàng. Mỗi trụ xi măng trồng 4 hom thanh long xung quanh. Sau khi trồng thanh long nên tưới nước định kỳ 1 - 2 ngày 1 lần, do thanh long là loại cây không cần nhiều nước nên chú ý tưới trên thân cây, hạn chế tưới vào gốc vì sẽ làm úng gốc. Anh Quang còn lưu ý, để cây thanh long không mất dinh dưỡng, tuổi thọ cao và chất lượng trái đáp ứng yêu cầu khách hàng, cần tránh để quá nhiều trái trên cây. Khi trái chín không neo trái, phải thu hoạch đúng ngày, nếu để trái quá chín rất dễ bị nứt và quan trọng làtrái chín nhưng tia trái phải còn xanh. Ngoài ra, trong quá trình chăm sóc cây thanh long, người trồng cần thường xuyên cắt tỉa bỏ những nhánh thanh long già, không còn khả năng cho trái để cây tập trung nuôi dưỡng các nhánh khỏe mạnh.
Được biết thanh long ruột đỏ là loại cây trồng lâu năm, có tuổi thọ bình quân khoảng trên 20 năm. Chi phí ban đầu không nhiều lắm, khoảng trên dưới 100 triệu đồng/ha gồm chi phí đúc trụ, mua giống và vật tư phân bón nên việc mở rộng diện tích cây thanh long ruột đỏ là không khó. Hiện tại, nhu cầu tiêu thụ thanh long ruột đỏ trên thị trường khá mạnh và ổn định. Anh Quang cho biết thêm, vừa qua dự án “Chuyển giao mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ” của gia đình đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện Vĩnh Linh xếp loại xuất sắc. Như vậy, cùng với các loại cây trồng lâu năm khác như hồ tiêu, cao su, cây ăn quả... thì hiện nay cây thanh long ruột đỏ đang mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho các hộ gia đình ở huyện Vĩnh Linh. Do đó, trong thời gian tới, huyện Vĩnh Linh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình cây thanh long ruột đỏ trên địa bàn các xã có điều kiện về đất đai chưa canh tác, nhất là ở vùng gò đồi, đất hoang hóa, bạc màu hoặc thực hiện cải tạo vườn tạp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo nguồn thu nhập cao và ổn định cho nông dân. Đồng thời phối hợp với các đơn vi ̣liên quan như Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trồng cây thanh long ruột đỏ để không chỉ cho năng suất sản lượng cao mà còn tạo ra sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.
THỤC QUYÊN
Trái cây Hà Nội rục rịch tăng giá
Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị
Cuối tuần này trùng vào dịp Rằm tháng Chạp năm Ất Mùi, nên một số trái cây đặc sản của Hà Nội đã rục rịch tăng giá cả ở siêu thị và thị trường tự do.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào những ngày Rằm và mồng Một hàng tháng người Hà Nội đều lựa chọn cho các loại trái cây là đặc sản của Hà Nội và các tỉnh thành khác để thờ.
Rằm tháng Chạp, 2 loại trái cây đặc sản của Hà Nội là cam Canh và bưởi Diễn trên thị trường và tại các hệ thống siêu thị Big C, Co.opmart đều đã nâng giá bán.
Cam canh, bưởi Diễn tại thị trường tự do tăng giá.
Cụ thể, tại các chợ bán lẻ, cam canh có giá từ 70.000 – 80.000 đồng/kg, tăng 5.000 - 10.000 đồng/kg loại ngon. Bưởi diễn 35.000 – 45.000 đồng/quả, tăng 5.000 đồng/quả.
Theo một số tiểu thương chia sẻ, những gia đình nào có vốn đặt hàng với nhà vườn mua cam Canh, bưởi Diễn từ sớm, bây giờ chỉ đến hái thì bán còn ổn định giá, nếu không giá bán lẻ tại các nhà vườn đã rục rịch tăng.
Bưởi Diễn tại Big C tăng giá bán 8.000 đồng/kg.
Cam Canh cũng tăng giá 8.000 đồng/kg. Cam Mỹ giảm giá 34.000 đồng/kg.
Tại Big C, một tuần trước cam canh có giá 39.900 đồng/kg, cuối tuần này bán ở mức 47.900 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg. Bưởi diễn cuối tuần trước bán ở mức 42.000 đồng/kg, cuối tuần này bán ở mức 49.900 đồng/kg, tăng gần 8.000 đồng/kg.
Tại Co.opmart, trước kia luôn bán cam canh dưới mức giá ngoài thị trường tự do khoảng từ trên 50.000 – 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên những ngày gần đây siêu thị này đã tăng giá lên 75.000 đồng/kg. Nhằm tri ân khách hàng trong 2 ngày 23 - 24/1, siêu thị Co.opmart đã giảm giá 15.000 đồng/kg còn 60.000 đồng/kg. Riêng bưởi Diễn tại Co.opmart vẫn giữ giá so với tuần trước là 42.000 đồng/quả.
Cam Canh tại Co.opmart tuy đã giảm 15.000 đồng/kg, nhưng vẫn bán ở mức 60.000 đồng/kg.
Các loại trái cây “nội” khác đều được siêu thị giữ giá bán so với trước, một số trái cây nhập ngoại còn được giảm giá sâu, như: Cam sành Hàm Yên gần 20.000 đồng/kg, ổi Thanh Hà gần 16.000 đồng/kg. Cam Mỹ giảm giá từ 83.900 xuống còn 49.900, giảm 34.000 đồng/kg so với trước đó./.
Bích Hời
Chưa Tết đã khóc ròng vì giá dưa hấu rẻ mạt
Nguồn tin: Người Lao Động
Dù dưa hấu loại đẹp nhất được người dân chào giá từ 1.300 - 1.500 đồng/kg nhưng thương lái thu mua với số lượng rất hạn chế
Theo những người dân trồng dưa hấu tại huyện Đức Linh – nơi có diện tích dưa hấu lớn nhất tỉnh Bình Thuận, chưa có năm nào giá của loại trái này lại rớt giá thê thảm như năm nay. Hiện tại, dù dưa hấu loại đẹp nhất được người dân chào giá từ 1.300 - 1.500 đồng/kg, loại hàng dạt thì khoảng vài trăm đồng/kg, nhưng thương lái đến thu mua với số lượng rất hạn chế.
Hàng trăm tấn dưa hấu được người dân chất đống trên đường chờ bán nhưng không ai hỏi mua.
Chị Nguyễn Thị Hồng Phương (ngụ thị trấn Võ Xu, huyện Đức Linh), nghẹn ngào, cho biết: “Mọi năm, cho dù giá dưa hấu có rẻ mấy đi chăng nữa thì vẫn được thương lái đến tận vườn thu mua. Thế nhưng, vụ dưa Tết năm nay, bà con rất được mùa nhưng giá cả thì lại rớt thê thảm. Trong khi đó, thương lái họ không thèm đến vườn thu mua nên bà con phải tổ chức thu hoạch rồi chuyên trở lên trên đường chờ thương lái đến”.
Cùng hoàn cảnh trên, 35 tấn dưa hấu của gia đình anh Hoàng Ngọc Quân (ngụ thi trấn Võ Xu) đã được thu hoạch chất thành núi trên đường chờ thương lái tới ngả giá. Tuy nhiên, đã 4 ngày qua, dù nhiều thương lái đến nhưng rồi bỏ đi biệt tăm. “Gia đình tôi thuê 1ha đất để trồng dưa Tết với giá 20 triệu đồng, cộng với khoảng 60 triệu đồng bỏ ra để đầu tư. Thế mà đã 3 ngày qua, 35 tấn dưa hấu của tôi chưa bán được trái nào” – ông Quân than thở.
Chị Phương không cầm được nước mắt khi nhìn đống dưa của gia đình chào mãi mà không thương lái nào mua.
Dù vậy, theo ghi nhận, cả tuần nay có rất ít hộ dân bán được hàng cho thương lái. Họ nào bán được thì giá rẻ mạt gần như cho. Điển hình ông Trần Quang Minh (thôn 9, thị trấn Võ Xu) bán được ½ trong số 35 tấn dưa với giá chỉ 1.000 đồng/kg.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân giá dưa hậu phục vụ dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 rớt giá thê thảm là do hiện tại phía bạn hàng Trung Quốc đã ngừng thu mua. Bà Phạm Thị Kim Cúc (thương lái ngụ TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), chia sẻ: “Hiện tại dưa hấu không thể xuất đi Trung Quốc nên chúng tôi chỉ thu mua lượng hàng hạn chế để xuất bán đi ở thị trường trong nước”.
Dù gía rẻ nhưng nông dân vẫn phải thu hoạch vì sợ dưa hấu sẽ bị hư hỏng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Nghị, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đức Linh xác nhận có chuyện xuất hiện hiện tượng “cò dưa”, dẫn đến giá cả bị các đối tượng này chi phối. Bên cạnh đó, theo thông kê, toàn tỉnh Bình Thuận đang có khoảng trên 200ha dưa hấu trồng phục vụ dịp tết Nguyên đán nên lượng dưa khá nhiều, dẫn đến “cung vượt cầu”.
Minh Hải