Cà Mau: Hơn 20.000 ha lúa - tôm bị thiệt hại do El Nino và xâm nhập mặn
Nguồn tin: Báo Cà Mau
Đến nay, nắng nóng và xâm nhập mặn đã gây thiệt hại hơn 20.000 ha trong tổng số diện tích hơn 35.000 ha lúa gieo cấy trên vùng đất nuôi tôm tại Cà Mau, ước tính thiệt hại ban đầu trên 15 tỷ đồng. Diện tích sản xuất lúa - tôm bị thiệt hại nặng nhất tập trung ở các huyện: U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình. Ngoài ra, toàn tỉnh có hơn 10.000 ha diện tích lúa đông xuân bị thiệt hại do nắng nóng và xâm nhập mặn.
Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Cà Mau Nguyễn Long Hoai cho biết: “Mặc dù mới chỉ bắt đầu chịu ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nhưng tại Cà Mau, tình hình khô hạn diễn ra khá gay gắt. Công tác PCCCR đang ở cấp 3, cấp nguy hiểm. Nước ở các kinh cấp 2, cấp 3 đều cạn. Riêng kinh cấp 1 mực nước chỉ còn khoảng 1 m, việc lưu thông hàng hoá gặp rất nhiều khó khăn".
Theo báo cáo và nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Cà Mau, hiện tượng El Nino sẽ còn tiếp tục kéo dài trong vài tháng tới. Ngoài ra, những ngày tới sẽ tiếp tục có đợt triều cường mới do cường độ không khí lạnh di chuyển, vì vậy, người dân cần cẩn thận trong bao ví đê bao để hạn chế thấp nhất thiệt hại.
Do khô hạn kéo dài nên tình hình xâm nhập mặn cũng diễn ra gay gắt và ngày càng nghiêm trọng. Hiện ngành chức năng đã đo được độ mặn sâu vào nội đồng từ 2%o - 3%o. Đặc biệt, tại các cống, đập như: Đá Bạc, Bảy Ghe, Công Nghiệp, Dớn Hàng Gòn, Bà Mụ… độ mặn đo được từ 5%o - 10%o, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của người dân khu vực huyện Trần Văn Thời và U Minh./.
HNH
Long An: Trên 10.500ha lúa ảnh hưởng xâm nhập mặn
Nguồn tin: Báo Long An
Đến thời điểm hiện nay, thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra trên địa bàn tỉnh Long An ước tổng diện tích thiệt hại khoảng 3.272ha, giá trị 16,8 tỉ đồng (huyện Cần Đước, Cần Giuộc). Ngoài ra có khả năng 10.500ha sẽ bị thiếu nước tại các huyện Thủ Thừa, Bến Lức, Tân Trụ.
Đo độ mặn tại các cống
Qua khảo sát tại huyện Thủ Thừa, nắng hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn xuất hiện sớm, xâm nhập mặn sâu trên diện rộng, kéo dài đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất: Diện tích lúa có nguy cơ thiệt hại do ảnh hưởng thiếu nước và xâm nhập mặn khoảng 4.326ha; diện tích cây chanh ảnh hưởng do thiếu nước và xâm nhập mặn 408ha và cây thanh long là 53,9ha.
Tại huyện Tân Trụ, diện tích gieo sạ lúa Đông Xuân 2015 - 2016 là 5.879ha, trong đó có 787ha lúa vụ Đông Xuân sớm đang trong thời kỳ thu hoạch, còn lại 5.092ha Đông Xuân chính vụ từ 30 - 45 ngày tuổi có khả năng bị thiếu nước.
Một số khu vực nước không đến được do xa kênh rạch và sâu trong nội đồng như một phần các xã: Tân Phước Tây, Bình Trinh Đông, Đức Tân, Bình Lãng, Nhựt Ninh và thị trấn Tân Trụ, với tổng diện tích khoảng 565ha và diện tích bị thiệt hại mất trắng do người dân bỏ không sản xuất gần 60ha. Dự báo trong thời gian tới, diện tích lúa bị nhiễm bệnh, mất trắng sẽ tăng nhanh nếu như nguồn nước thiếu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được chỉ đạo: “Xâm nhập mặn có thể gây ảnh hưởng nặng nề nhất là huyện Tân Trụ, Thủ Thừa. Giải pháp trước mắt là ngành Nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với địa phương, thường xuyên kiểm tra chất lượng nước để điều tiết nước kịp thời, phục vụ sản xuất; rà soát tổng diện tích thiệt hại, dự toán khoản kinh phí để có hướng hỗ trợ cho nông dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cần rà soát hệ thống kênh, mương nội đồng để chuẩn bị nước tưới cho vụ mùa sắp tới; tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân về lịch thời vụ trong vụ mùa tới, sử dụng giống chịu mặn để nông dân sản xuất hiệu quả.
Ngành Nông nghiệp cần phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhà khoa học nghiên cứu giống lúa chịu mặn, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào trong tưới tiêu để sử dụng nước tưới phù hợp, hiệu quả”./.
Lê Huỳnh
An Giang: Sôi động thị trường rau, củ đầu năm
Nguồn tin: Báo An Giang
Giá rau, củ trong những ngày đầu năm tăng, giảm liên tục khiến thị trường trở nên sôi động. Bốn mặt hàng mang tính đại diện cho sự sôi động đó là cải tùa xại, cải dún, bắp cải và xà lách.
Lên xuống bất thường
Có thể nói, chưa bao giờ thị trường rau, củ trong nước sôi động như hiện nay. Sôi động bởi giá cả lên xuống bất thường, thị trường ngày càng chịu sự tác động mạnh mẽ của quy luật cung - cầu. Rau giờ đây không chỉ tiêu thụ trong nước, mà còn xuất sang Lào, Campuchia. Đặc biệt, sự “đổ bộ” của nông sản Trung Quốc, chủ yếu là hành tây, cải đỏ, khoai tây, xu hào, tỏi… đã làm cho giá cả thị trường rau của Đà lạt lẫn rau xanh trong tỉnh An Giang dao động hàng ngày, biến động trong một biên độ lớn. Đối với thị trường rau xanh, nông dân An Giang không còn “một mình một chợ” như trước, mà nay đã có sự can thiệp mạnh mẽ từ các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước. “Người Nhật đón đầu Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bằng một động thái chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp một cách ngoạn mục. Các tập đoàn điện tử lớn của Nhật như Panasonic, Toshiba, Sharp đã chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp với sản phẩm rau sạch, mong muốn cung cấp rau sạch cho người dân nước Nhật, trên 80 triệu dân Việt Nam lẫn các nước trên thế giới. Họ đã vào Đà Lạt lập “làng thần kỳ”, trồng rau để phục vụ người tiêu dùng Việt Nam. Thị trường rau, củ hiện nay đang chịu sự tác động lớn từ nhiều phía. Giá rau bây giờ dao động gần giống như giá chứng khoán” – ông Trần Mạnh Hà (xã Vĩnh Trường, An Phú) thông tin.
Sản xuất rau theo phương pháp hội nhập
Minh chứng cho điều này là mặt hàng cải tùa xại. Trong năm, cải tùa xại có giá từ 2.000 – 3.000 đồng/kg (tại nhà vườn). Song, vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua, giá mặt hàng này lên đến 11.000 đồng/kg (ngày 15-2-2016), nay đang ở mức 9.000 đồng/kg. Cải dún, trước Tết chỉ có 2.500 – 3.000 đồng/kg, trong Tết lên đến 5.000 – 6.000 đồng/kg, nay đang ở mức 3.000 đồng/kg. Riêng khoai tây, cải đỏ, su hào, hành tây, tỏi… thị trường trong nước đang bị sự tác động mạnh của các loại nông sản Trung Quốc nên giá cũng tăng, giảm bất thường.
Cung - cầu quyết định
Là một người trồng rau trên 20 năm, bà Lê Thị Liền (xã Bình Thạnh, Châu Thành) luôn trăn trở cho nghề nghiệp của mình. Bà lo lắng, trong 1 năm nữa, khi TPP đã có hiệu lực, gia đình bà không biết có còn sống được với nghề trồng rau không khi người tiêu dùng đang hướng đến rau sạch, an toàn, độ tươi ngon cao… Thế mạnh của gia đình bà là trồng bắp cải, cung cấp cho thị trường TP. Long Xuyên. Vài năm gần đây, thế mạnh này ngày càng bị suy yếu vì gặp phải đối thủ cạnh tranh là bắp cải từ “làng thần kỳ” của người Nhật ở Đà Lạt. “Nhà nông hiện rất lo bởi giá cả lên xuống bất thường. Chúng tôi cập nhật tình hình không kịp nên việc tổ chức sản xuất vẫn theo “lối cũ”, tư duy cũ. Nghĩa là chỉ biết trồng, còn chuyện giá lên xuống thế nào là do thương lái quyết định. Vì vậy, đa phần người trồng rau dễ bị thua lỗ ” – bà Liền bộc bạch.
Giá rau, củ dao động trong một biên độ lớn, điều đó nghĩa là sẽ có người lời, kẻ lỗ nhưng thực tế cho thấy, đa phần người trồng rau trong tỉnh đều giảm lợi nhuận, còn thương lái thì thắng lớn. Cái lo nhất hiện nay là giá bán ngày càng “tiệm cận” với giá thành sản xuất. Nguyên nhân do các tập đoàn kinh tế lớn cũng đầu tư trồng rau, ưu thế từ công nghệ đến việc chi phối thị trường đang thuộc về họ. Hiện tại, giá rau, củ trên thị trường chịu sự chi phối rất lớn từ cung – cầu. Tại chợ đầu mối rau, củ Kiến An (gần phà Thuận Giang), hôm nào nhà vườn mang nhiều cải bắp, bầu, bí ra bán thì ngày đó giá của những mặt hàng này từ bằng đến giảm so với ngày trước. Hôm nào hút hàng thì giá sẽ tăng. Nhà nông bây giờ đang “tù mù” về giá, vì không biết hôm nay có bao nhiêu người mang sản phẩm cùng loại của gia đình mình trồng đến chợ. Giá mua rau, củ hiện vẫn do thương lái, chủ vựa quyết định. Và nếu mãi sản xuất theo lối “tư duy cũ” thì một ngày không xa, sự sôi động của thị trường không còn ý nghĩa đối với nhà nông, vì họ luôn biết trước đáp số là thua lỗ.
“Đã là thị trường thì phải chịu tác động bởi quy luật cung - cầu nhưng ở đây, tôi muốn đề cập đến vấn đề vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước. Cần phải sản xuất rau, củ theo tín hiệu, độ mở của thị trường. Trong từng thời điểm cần lập kế hoạch sản xuất, vận động nông dân đi vào con đường làm ăn hợp tác để có đủ thông tin, điều tiết sản xuất, tránh tình trạng “cung nhiều, cầu ít” như hiện nay” – ông Dương Văn Ten (xã Kiến An, Chợ Mới) kiến nghị.
MINH HIỂN
Khép lại vụ hoa, mở ra vụ ớt
Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi
Vụ hoa Tết đã khép lại. Giờ đây nông dân lại bắt tay vào chăm lo mùa ớt mới. Đất không nghỉ dưới đôi bàn tay chuyên cần của con người. Hy vọng năm Bính Thân ở "làng ớt, làng hoa" Quảng Ngãi luôn được mùa, được giá.
Vụ hoa "tươi "
Đầu năm Bính Thân, làng hoa Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) tĩnh lặng chứ không rộn ràng như những ngày cận Tết. Ông Nguyễn Mậu Hùng, thôn Hải Môn, xã Nghĩa Hiệp cho biết: "Vụ hoa Tết vừa rồi nhà mình thu được hơn 50 triệu đồng. Trừ chi phí, còn lãi khoảng 30 triệu. Trồng hoa Tết vất vả, nhưng thu nhập cao hơn trồng rau màu khác. Trên các cánh đồng hoa ở Nghĩa Hiệp, sau vài ngày nghỉ Tết, nông dân đã ra đồng dọn dẹp các chậu, ảng trồng hoa, chuẩn bị đất trồng các loại rau màu vụ xuân.
Nông dân Nghĩa Hiệp tập trung chăm sóc vụ ớt.
Vụ hoa vừa qua người trồng hoa xã Nghĩa Hiệp thu được khoảng 10 tỷ đồng tiền lãi. "Cả xã có khoảng 420 hộ trồng hoa cúc; 30 hộ trồng mai, hoa hồng và các loại cây cảnh khác. Sau khi trừ chi phí mỗi hộ thu tiền lãi từ trồng hoa bình quân 25 triệu đồng", - ông Trần Văn An- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp cho biết. Khi hoa vừa chớm ra nụ đã có bạn hàng từ các tỉnh, thành khác về đặt cọc mua để vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ. "Nhìn chung, thu nhập từ trồng hoa cúc là khoản thu lớn nhất trong năm của gia đình tôi. Mỗi chậu cúc thu lãi khoảng 100.000 đồng, nói thật chẳng có cây gì lãi bằng cả" - ông Nguyễn Đổng, thôn Hải Môn cho biết.
Tại làng hoa Nghĩa Hà (TP. Quảng Ngãi) giống hoa lay ơn là cây truyền thống. Cứ độ rằm tháng 10 là người trồng xuống giống. Năm nào thời tiết thuận lợi, hoa nở đúng Tết, giá bán cao, mỗi sào trồng hoa lay ơn thu lãi vài chục triệu đồng. Ông Nguyễn Minh, thôn Sung Túc, xã Nghĩa Hà vụ hoa Tết trồng 3 sào, một số hoa nở muộn nhưng giá bán vẫn đạt khoảng 30.000 đồng - 45.000 đồng/10 bông, trừ chi phí còn lãi khoảng 60 triệu đồng. "Nói thật, nếu nở đúng dịp Tết thì chẳng có cây trồng nào thu lãi cao bằng cây hoa lay ơn" - ông Nguyễn Minh cho biết.
Hứa hẹn vụ ớt được mùa, được giá
Ở làng hoa Nghĩa Hiệp và Nghĩa Hà, khi kết thúc vụ hoa, nhà nhà chuyển sang chăm sóc cây ớt. Với người dân xã Nghĩa Hà, khi trồng hoa lay ơn một thời gian, nông dân tiếp tục trồng xen cây ớt vào. Vì thế, khi thu hoạch hoa lay ơn xong là dọn cỏ, bỏ phân, thúc cây ớt phát triển. Hiện giờ ớt đang vào thời kỳ trổ hoa và bắt đầu cho quả.
Theo những chủ vườn này thì khoảng cuối tháng Giêng là ớt cho thu hoạch. "Cây hoa lay ơn tán lá chiếm diện tích đất rất ít. Vì thế, khi trồng hoa thường trồng xen ớt vào. Nhổ hoa bán Tết xong sẽ trả lại khoảng trống cho ớt phát triển. Làm như vậy thì trên cùng diện tích có thể tăng thu nhập nhờ có hai loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao" - bà Huỳnh Thị Luyến, thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà cho biết. Hiện tại một số diện tích ớt trồng sớm ở Nghĩa Hiệp đã cho thu hoạch. Giá bán đầu vụ 15.000 đồng/kg cũng là niềm vui với người trồng ớt. Ông Nguyễn Cẩn, thôn Thế Bình, xã Nghĩa Hiệp cho biết: "Nhà trồng 5 sào ớt. Mỗi sào dự kiến thu khoảng 1,5 tấn quả. Giá bán như hiện tại thì mỗi sào ớt thu hơn 20 triệu đồng. Trừ chi phí còn lãi cũng được 15 triệu/sào".
Nông dân hy vọng ở cây ớt sẽ cho thu nhập khá trong năm Bính Thân bởi hai năm vừa rồi giá ớt khá cao. Có thời điểm lên đến hơn 30.000 đồng/kg. Diện tích trồng ớt ở xã Nghĩa Hiệp tăng đột biến từ 20ha năm 2015 nay tăng lên 80ha. Ông Trần Văn An- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiệp băn khoăn: "Xã không khuyến khích bà con tăng diện tích trồng ớt bởi khâu tiêu thụ chưa ổn định. Thế nhưng giá ớt cao, nông dân tự chuyển đổi cây trồng khác sang cây ớt. Mong sao thị trường đừng bấp bênh, để người trồng ớt có lãi".
THANH NHỊ
Đổ nợ vì trồng gừng
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Hiện không ít người dân trồng gừng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang lâm vào cảnh khó khăn và đứng trước nguy cơ đổ nợ vì bán không được giá.
Hiện thương lái vào thu mua gừng của người dân với giá khoảng 5.000 đồng/kg.
Theo những người dân trồng gừng trên địa bàn tỉnh, hiện các thương lái vào tận vườn thu mua với giá 5.000 đồng/kg gừng tốt, còn gừng xấu thì mua dao động từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, giảm xuống rất nhiều lần so với mọi năm. Với mức giá thu mua như hiện nay làm cho nhiều bà con nông dân trồng gừng đứng ngồi không yên.
Lo lắng cho gần 5 công gừng còn nằm ngoài ruộng, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhi, ở ấp 1, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, chia sẻ: “Nhìn ruộng gừng héo hắt, tàn lụi mà lòng chua xót. Trong tết, giá gừng thấp nên gia đình tôi thấy tiếc không bán. Không ngờ giá gừng càng lúc càng sụt, muốn bán cũng không có thương lái vào hỏi mua”. Để trồng 5 công gừng, chị Tuyết Nhi phải đầu tư trên 50 triệu đồng, nhưng vẫn chưa bán được và đang trông chờ thương lái. Còn nói đến chuyện ngồi chợ bán lẻ thì chị chưa bao giờ nghĩ đến, vì số lượng quá lớn.
Từ lâu, trồng gừng luôn được xem là một trong những mô hình sản xuất cho thu nhập khá cao, vì thế, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã hình thành nên những vùng chuyên trồng gừng như: Phụng Hiệp, Long Mỹ... và không ít hộ dân đã phất lên làm giàu. Trước lợi nhuận đáng kể, vài năm trở lại đây, người dân càng có xu hướng tăng diện tích trồng gừng theo phong trào, phó mặc trước những lời khuyến cáo của ngành chức năng về loài cây có giá cả bấp bênh và đầu ra không ổn định này. Đang thâm vốn nặng, ông Lý Văn Tính, ở ấp 8, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Cây gừng là loại dễ trồng, chỉ cần lên luống cao, thoát nước tốt và am hiểu một chút về đặc tính của cây là trồng được. Thế nên, tôi trồng khá nhiều và bán chỉ với giá 5.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí, lỗ khoảng 2 triệu đồng/công”. Với ông Tính, lỗ thì cũng đành, nhưng mấy vụ tới không biết trồng cây gì để cải thiện kinh tế gia đình, bởi vì một khi đất đã trồng gừng thì khó mà trồng cây khác tốt được.
Cùng cảnh ngộ với ông Tính là trường hợp của ông Huỳnh Văn Của, ở ấp Phương An, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp. Theo ông Của, trước đây, gia đình ông chỉ chuyên trồng mía, nhưng nhiều năm liền mía rớt giá, thấy không có lợi nhuận nên chuyển sang trồng gừng. Do thất thu mấy mùa mía, vốn liếng thiếu hụt nên ông đi hỏi mượn tiền về cải tạo lại đất để trồng gừng. Nhắc đến cây gừng thì ông Của buồn rầu, tâm sự: “Đúng là nghèo còn mắc cái eo, tôi cứ tưởng năm nay trồng gừng sẽ cải thiện lại phần nào cuộc sống. Vậy mà gừng rớt giá dưới 5.000 đồng/kg, trong khi đó còn trông chờ thương lái thu mua đến mỏi mòn. Mặc dù giá gừng thấp, nhưng buộc chúng tôi phải bán, vì gừng để lâu dưới đất sẽ bị hao hụt nhiều. Điều quan trọng là không có tiền cho gia đình sinh hoạt hàng ngày và đóng lãi hàng tháng…”. Theo ông Của, trên thực tế, nếu giá gừng nhích lên chút đỉnh nữa sẽ không đến nỗi lỗ như hiện tại. Hiện tại, không chỉ có ông lâm vào tình trạng thua lỗ, mà những người trồng gừng lân cận đang đối mặt với sự đổ nợ, nhất là phải mướn đất trồng gừng.
Ông Nguyễn Thế Tự, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, nhận định: “Năm nay, thời tiết trồng gừng tương đối thuận lợi, nhưng do bà con trồng theo phong trào dẫn đến thu hoạch đồng loạt làm cho cung vượt cầu. Với lại thị trường cho cây gừng không ổn định, kéo theo giá cả sụt giảm, dẫn đến tình trạng thua lỗ. Để tránh nhiều rủi ro, người dân không nên trồng gừng đại trà với quy mô lớn và tự phát. Quan trọng là áp dụng đúng khoa học kỹ thuật canh tác để giữ vững sản lượng. Ngoài ra, người dân có thể trồng xen canh trên liếp vườn, lấy ngắn nuôi dài để tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích canh tác”.
Gừng là loại cây chưa được quy hoạch, nhưng được người dân trồng hầu hết trên địa bàn tỉnh, tập trung nhiều nhất ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Long Mỹ. Trong đó, hiện diện tích trồng gừng ở huyện Phụng Hiệp khoảng 62ha, tăng 9ha; còn ở thị xã Long Mỹ diện tích trồng trên 30ha, tăng khoảng 5ha, so với cùng kỳ năm trước.
CHÍ CÔNG
Thương lái "săn" tìm mua trái cau
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Gần đây tại nhiều địa phương ở ĐBSCL đã có nhiều thương lái đến tận nhà người dân "săn" tìm mua cau và thu mua cả trái cau còn non.
Hiện tại, trái cau được một số vựa đầu mối thu mua ở mức 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên mức giá này còn thấp hơn nhiều so với mức giá thu mua cao kỷ lục trong năm 2015 là trên dưới 70.000 đồng/kg. Tại nhiều địa phương ở TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận như: Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp… hằng ngày có rất nhiều thương lái chạy xe gắn máy tìm đến tận nhà dân kiếm mua cau và họ thu mua cả trái cau còn non với giá rẻ chỉ ở mức 5.000 - 7.000 đồng/kg. Trái cau được thu mua chủ yếu để cung cấp cho các đầu mối xuất khẩu sang Trung Quốc. Thu mua cau dễ kiếm lời nhưng cũng dễ gặp rủi ro khi các đầu mối đột ngột ngưng "ăn hàng", tiểu thương sẽ không biết đem hàng đi bán ở đâu…
Khánh Trung
Nhiều tỉnh ĐBSCL bị nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Chiều 23-2, ông Nguyễn Văn Được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh này vừa công bố thiên tai do mặn xâm nhập cấp độ 2 dựa trên kết quả kiểm tra nguồn nước tại huyện Tân Trụ và Thủ Thừa mới đây.
Lúa ở Sóc Trăng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn
Kết quả kiểm tra cho thấy, độ mặn 4 g/l trên sông Vàm Cỏ Tây đã vượt sâu khoảng 78km và trên sông Vàm Cỏ Đông đã vượt sâu khoảng 72km. Mặn xâm nhập làm gần 4.000 ha lúa, hoa màu trên toàn tỉnh bị thiệt hại, giảm năng suất. Ước tính, nếu thời gian tới không có mưa thì độ mặn sẽ còn tăng cao hơn và kéo dài đến tháng 6, tháng 7. Dự báo sẽ có gần 10.000 ha lúa và hoa màu tại các huyện Thủ Thừa, Tân Trụ và Bến Lức bị thiếu nước trong thời gian tới. Tại Sóc Trăng, đến nay có gần 5.800 ha lúa ở các huyện Long Phú, Kế Sách, Trần Đề… bị thiệt hại do hạn, mặn khiến nông dân mất trắng khoảng 40 tỷ đồng... Hiện nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng khoảng 65km, cao hơn nhiều so với những năm trước.
Sở NN-PTNT Sóc Trăng trình UBND tỉnh công bố thiên tai do hạn, mặn; đồng thời đẩy mạnh các giải pháp tổng lực phòng chống, nhằm giảm thiểu thiệt hại. Trong khi đó, tỉnh Bến Tre và Kiên Giang cũng đã công bố bị thiên tai hạn, mặn. Hiện hầu hết các xã ở Bến Tre đã bị nước mặn bao vây. Ngoài 4.000ha lúa bị mất trắng, nhiều diện tích vườn cây đặc sản và hoa kiểng đang bị đe dọa.
UBND tỉnh Tiền Giang cũng vừa công bố thiên tai xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, cấp độ 1. Đến thời điểm này, Tiền Giang có gần 1.000 ha lúa mất trắng, hơn 10.000ha lúa đang bị đe dọa, nguy cơ thiệt hại rất lớn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các thành ủy, tỉnh ủy ở ĐBSCL ra chỉ thị phòng chống hạn, mặn; đồng thời huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Phải làm quyết liệt để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra; không để người dân thiếu đói, thiếu nước uống…
N.HOÀI – N. DÂN
Hậu Giang: An toàn cho chanh không hạt
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Thông qua dự án “Chăm sóc và quản lý chanh không hạt theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm”, từ năm 2015, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang và Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành đã hướng dẫn nông dân chuyển hướng sang kiểu canh tác an toàn, hiệu quả với phân hữu cơ vi sinh.
Theo ông Ấm, phân hữu cơ vi sinh giúp cây chanh kéo dài tuổi thọ, chất lượng trái tốt mà còn an toàn cho người sử dụng.
Chủ nhiệm dự án Lê Minh Chiến, cán bộ Phòng Khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, nhận định: “Phân ủ hữu cơ vi sinh không còn là một mô hình mới mẻ đối với nông dân Hậu Giang. Thế nhưng, vì thói quen sản xuất theo tập quán mà đa số nông dân chưa mặn mà với loại phân này. Thông qua dự án, ngành khuyến nông mong muốn được hướng dẫn kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh, nâng cao kỹ năng cho nông dân. Mặt khác, thông qua đây, tiếp tục củng cố chất lượng sản phẩm chanh không hạt trên địa bàn, nâng cao thu nhập cho nông dân và dần mở rộng diện tích”.
Từ tháng 7 đến tháng 12-2015, dự án được triển khai tại xã Đông Thạnh, xã Đông Phước A và xã Phú An, huyện Châu Thành, với quy mô 13ha, 24 hộ tham gia. Dự án đã kết hợp với Công ty TNHH Sao Vàng Mê Kông cung cấp 52 tấn phân hữu cơ vi sinh cho nông dân tham gia. Mỗi kilôgram phân, người dân được dự án hỗ trợ 30% chi phí.
Ban đầu tham gia dự án, người dân còn e ngại vì số lượng phân hữu cơ phải sử dụng khá nhiều. Tuy nhiên, qua vận động và tập huấn của cán bộ khuyến nông, nông dân tham quan mô hình ủ phân hữu cơ trở nên thích thú với cách làm mới này. Ông Trần Văn Ấm, ở ấp Phước Tiến, xã Đông Thạnh, nhận xét: “Thời gian ủ phân cũng nhanh, đơn giản mà hiệu quả rất tốt. Năm rồi, tôi chỉ bón một đợt phân hữu cơ vi sinh cho vườn chanh hơn chục năm tuổi mà thấy cây như được trẻ hóa ra vậy. Còn những cây tơ thì tốt hơn, cho trái xum xuê”. Bón phân hữu cơ vi sinh, ông Ấm không lo vấn đề kiểm nghiệm chặt chẽ của công ty thu mua, bởi ông đã tiết giảm được liều lượng phân hóa học trong trái. Tháng rồi, ông Ấm còn qua tỉnh Trà Vinh xin phân gà của người bà con về ủ phân hữu cơ vi sinh. Bởi, ông Ấm nhận thấy dù hiệu quả chậm (khoảng 4 - 5 tháng), nhưng đất tơi xốp, tốt cho cây, giúp vườn cây của ông được kéo dài tuổi thọ, tạo thêm nhiều mùa trái bội thu cho gia đình.
Hiệu quả lan rộng của dự án không những giúp người dân trồng chanh không hạt quen dần với sản xuất và sử dụng phân hữu cơ vi sinh, mà còn giúp hơn 100 hộ nông dân trong huyện biết cách cải tạo, tăng độ màu mỡ của đất, giảm ô nhiễm môi trường thông qua biện pháp ủ phân vi sinh, góp phần ổn định sinh kế. Ông Hồ Văn Hồng, ở ấp Phước Long, xã Đông Phước A, chia sẻ: “Tôi trồng chanh không hạt khoảng 8 năm nay, chủ yếu là bón phân hóa học nên đất bắt đầu bạc màu, cây cũng dần cỗi. Năm rồi, vườn chanh được bón phân hữu cơ vi sinh vào thấy khác hẳn, màu sắc và phẩm chất trái chanh đạt hơn so với các đợt trái trước. Trái mau lớn hơn vì bộ rễ được phát triển trên nền đất tơi xốp của phân hữu cơ”.
Những vụ trước, mỗi năm ông Hồng phải tốn khoảng 60 triệu đồng mua phân hóa học. Năm qua, chỉ với 2 lần bón phân hữu cơ vi sinh, ông đã tiết giảm được khoảng 30% chi phí. Theo nhẩm tính, ông Hồng giảm được khoảng 18 triệu đồng tiền phân, lợi nhuận thu về hơn 265 triệu đồng chỉ với 5 công chanh không hạt. Năm nay, dù dự án đã kết thúc, nhưng ông Hồng vẫn tiếp tục cách làm mới này. Được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật về cách tự ủ phân hữu cơ vi sinh, ông Hồng đã mua 20 tấn phân gà ủ với lá nhãn, nấm Trichoderma để chuẩn bị cho đợt bón vào đầu mùa mưa tới.
Chủ nhiệm dự án Lê Minh Chiến cho biết thêm: “Qua dự án, chúng tôi đã ghi nhận được sự quan tâm nhiều của nông dân. Sắp tới, chúng tôi tiếp tục tập huấn, triển khai để nông dân khác đến tham quan học hỏi những mô hình thành công. Hy vọng, dự án sẽ dần tạo nên thói quen canh tác theo phương thức canh tác an toàn trong dân, để từ đó, bà con nông dân cho ra những sản phẩm chanh an toàn, chất lượng, hướng đến thị trường xuất khẩu, góp phần phát triển thương hiệu cho chanh không hạt Hậu Giang”.
TRÚC LINH
Trăn trở với quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp)
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp
Chưa ai phủ nhận quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) vừa là sản phẩm đặc trưng vừa là nông sản mang lại giá trị kinh tế cao. Nhưng thực trạng sản phẩm phải đối mặt với thiếu vắng thị trường, bị cạnh tranh với sản phẩm cùng loại, áp lực biến đổi khí hậu sẽ là bài toán khó cần lời giải để nông sản này phát triển...
Quýt hồng, sản phẩm thế mạnh của địa phương
Một năm trăn trở của quýt hồng
Là sản phẩm đặc trưng và thế mạnh của Lai Vung, thời gian qua huyện Lai Vung chú trọng đẩy mạnh công tác đầu tư, khai thác. Nhiều nông dân trồng quýt ở địa phương cũng vươn lên khá, giàu từ sản phẩm thế mạnh này. Tết 2015, giá quýt dao động từ 25.000 đến 27.000 đồng/kg, với diện tích trên 6 công đất, anh Lưu Văn Tín ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung thu về trên 1 tỷ đồng.
Trải qua những năm vàng son, giá quýt hồng có thời điểm cao ngất ngưỡng nhưng đến thị trường Tết Nguyên đán năm 2016 giá quýt thấp, đầu ra thu hẹp khiến cho những người trồng quýt hồng phải nhói lòng. Vụ quýt Tết năm 2016, lượng trái còn tồn đọng rất nhiều tại vườn. Nếu vụ Tết năm 2015, vào đợt cao điểm giá quýt từ 25.000 - 27.000 đồng/kg, được thương lái đặt hàng khá sớm từ đầu tháng chạp âm lịch. Năm nay đến cận Tết Nguyên đán 2016, bà con mới “đón” được thông tin “giá bèo”: dao động từ 18.000 - 22.000 đồng/kg. Mặc dù nông dân trồng quýt có lãi nhưng mức lãi thấp.
Là người bám trụ nhiều năm với quýt hồng, anh Lưu Văn Tín - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Quýt hồng Lai Vung than thở: “Chưa năm nào quýt gặp phải tình trạng như năm nay. Nhiều nhà vườn tiếp tục hy vọng thời điểm rằm tháng giêng, sẽ tiêu thụ hết lượng sản phẩm còn tồn đọng nhưng thị trường im ắng khiến thương lái tiếp tục neo trái”. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NT&PTNT) huyện Lai Vung, đến rằm tháng giêng mà quýt hồng còn neo trái tại vườn khoảng 15% diện tích.
Để tìm lời giải chính đáng vì sao sản phẩm quýt hồng thiếu đầu ra, ông Nguyễn Văn Tồn - Phó Trưởng Phòng NT&PTNT huyện thông tin: “Hiện tại, đơn vị đang tiến hành tổ chức hội thảo, có sự góp mặt của các nhà vườn thương lái để tìm ra nguyên nhân. Tuy nhiên cũng có một số thông tin tham khảo là do thời tiết biến động, không khí lạnh diễn biến mạnh tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung khiến cho người tiêu dùng hạn chế sử dụng sản phẩm. Ngoài ra có một số nông sản cùng loại có mặt tại thị trường các tỉnh thông qua đường tiểu ngạch cạnh tranh với sản phẩm quýt hồng”.
Người tiêu dùng quay lưng?
Nếu như trước đây, quýt hồng có giá cao, nhiều nhà vườn cho rằng việc diện tích quýt hồng đang bị teo tóp khiến sản lượng cung ứng ít, dẫn đến giá quýt cao. Soi rọi nhận định đó vào ngữ cảnh năm nay lại cho kết quả không thuyết phục. “Không biết thị trường năm nay có điều gì bất ổn, hay người tiêu dùng bắt đầu quay lưng với quýt hồng” - đó là câu hỏi đầy trăn trở của anh Tín.
Thực tế trong thời buổi hội nhập, người tiêu dùng có quá nhiều sự chọn lựa sản phẩm để phục vụ Tết, không nhất thiết phải là quýt. Và họ sẵn lòng “đổi gió” với nông sản khác bắt mắt hơn. So sánh với sản phẩm cùng loại, thì quýt hồng chỉ chiếm được cảm tình với người tiêu dùng bởi màu sắc đặc trưng nhưng yếu tố này lại phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết.
Trong khi loại nông sản có múi của Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ hội đủ những yếu tố độ ngọt cao, bắt mắt, đặc biệt là giá thành chấp nhận. Nhiều cuộc nói chuyện về nông sản địa phương, lãnh đạo tỉnh hay ví von tại sao sản phẩm của các nước bạn có thể vượt đại dương hàng trăm, nghìn kilomet đến với thị trường Việt Nam mà vẫn rẻ hơn sản phẩm của địa phương. Đây có thể là yếu tố để người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn sản phẩm khác thay thế?
Chưa kể đến là quýt hồng thiếu khâu bảo quản sau thu hoạch, quýt dễ bị hư, cuốn và lá bị rụng sau khi thu hoạch, khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Cùng một thời điểm, lượng trái cung ứng cho thị trường ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu, nông sản bị ép giá là điều tất yếu. Xử lý nhanh thực trạng này, các nhà vườn, thương lái chọn giải pháp tình thế là lưu trái trên cây. Tuy nhiên, cách này là con dao 2 lưỡi. Theo bà con trong nghề, trong quá trình mang trái đến chín, hầu như cây đã vắt kiệt sức. Việc đeo trái diễn ra dài hạn cây sẽ bị suy kiệt thêm nên khâu xử lý ra hoa mùa sau rất khó khăn. Sự trả giá cho giải pháp trên là năng suất thấp, chi phí tăng cao, tuổi thọ cây bị rút ngắn.
Với giá trị kinh tế cao nhưng quýt hồng mỗi năm chỉ cho một vụ Tết, việc chăm sóc kỳ công, lại phó mặt vào sự may rủi vào thời tiết nên bà con tìm đến những cây trồng tiềm năng khác. Quýt đường là sản phẩm chiếm được tình cảm của người trồng. Vì vậy thời gian qua, diện tích quýt đường Lai Vung tăng nóng. Ông Tống Văn Phong – Phó Chủ tịch Hội lLàm vườn huyện Lai Vung chia sẻ, quýt đường là loại cho trái quanh năm, thời gian cho trái nhanh, giá bán khá ổn định dao động từ 15.000 - 30.000 đồng/kg. Nhờ ưu điểm này, người trồng mau thu hồi vốn. Đặt tình huống xấu, nếu cung vượt cầu thì người dân sẵn sàng phá bỏ để thay thế nông sản khác.
Đối diện với nguy cơ từ biến đổi khí hậu
Chia sẻ về sản phẩm thế mạnh của địa phương Lai Vung, ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: “Bắt đầu phải chuyển từ tự hào sang lo lắng. Quýt hồng Lai Vung có lợi thế về thổ nhưỡng phù hợp để phát triển. Người nông dân giàu kinh nghiệm trồng quýt hồng, vì vậy năng suất quýt hồng cao 70 - 80 tấn/ha. Song nếu nhìn thời gian lâu dài cây quýt đang đối mặt với sức ép lớn từ biến đổi khí hậu”.
Trước tiên, người tiêu dùng biết đến quýt hồng bởi tên, hình dáng đặc biệt là màu sắc, đáp ứng rất lớn thị hiếu người tiêu dùng trưng bày ngày Tết. Hầu như bà con chỉ sử dụng quýt để cúng, trưng bày nhưng rất ít người mua để thưởng thức vị ngon của nông sản này. Kinh nghiệm cho thấy năm nào thời tiết lạnh, cây cho trái màu rất đẹp. Đây cũng có thể lý giải vì sao cây có múi của các nước có khí hậu lạnh màu sắc trái lại đẹp. Soi rọi lại với nông sản Lai Vung, trong lúc trái đất nóng lên, không khí lạnh sẽ yếu dần, trái sẽ mất đi sự sặc sỡ vốn là điểm mạnh nhất vốn có của quýt, sẽ rất khó để người tiêu dùng tiếp tục chấp nhận sản phẩm.
Sau thời gian 3 năm cây trưởng thành, rễ cái bắt đầu ăn sâu xuống đất tìm nước. Hiện nay, mực nước ngầm của huyện trung bình 1,1 - 1,2m (tính từ mặt đất đến mạch nước). Trước áp lực của nước biển dâng, những năm về sau mạch nước ngầm sẽ dâng cao, rút ngắn khoảng cách từ mặt đất đến mạch nước, vì vậy cây sẽ bị ngập nước và không thể co rễ lại để sinh tồn. Điều này dự báo cây sẽ đứng trước thực trạng bị thối rễ. Trước hiện tượng này sẽ khiến vòng đời cây ngắn lại, người nông dân chỉ khai thác được khoảng 1/3 vòng đời của quýt.
Trong ngữ cảnh biến đổi khí hậu, anh Lưu Văn Tín cũng lo lắng đến năng suất sản phẩm. Theo anh Tín, nếu cây gặp phải nhiệt độ cao trên 350C lúc cho trái cây sẽ bị rụng trái non. Hiện tượng này cũng dễ nhận thấy khi thời tiết khô hạn diễn ra ngày một gay gắt hơn...
Với những hạn chế mà quýt hồng đang gặp phải, nếu chậm đề ra những giải pháp khắc phục, thiếu đoàn kết trong bối cảnh hội nhập sẽ là áp lực cho nông sản địa phương thua ngay trên sân nhà. Đây là điều mà bà Trương Thị Nên - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung trăn trở đối với nông sản thế mạnh của huyện - quýt hồng Lai Vung.
Khánh Duy
Tiền Giang: Giá sầu riêng tăng mạnh, giá khóm ổn định ở mức cao
Nguồn tin: Báo Ấp Bắc
Sau thời gian giảm giá liên tục, hiện giá sầu riêng tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đang đứng ở mức cao khiến nhiều nhà vườn phấn khởi.
Theo nhiều nhà vườn ở các xã: Long Tiên, Long Trung, Tam Bình, Ngũ Hiệp… nếu như đầu tháng 2-2016, thương lái đến tận vườn mua sầu riêng RI6 ở mức 45.000 - 55.000 đồng/kg, Mongthong 50.000 - 60.000 đồng/kg, thì đến những ngày cuối tháng 2-2016, giá sầu riêng RI6 là 70.000 - 80.000 đồng/kg, Mongthong từ 80.000 - 90.000 đồng/kg.
Nguyên nhân giá sầu riêng tăng mạnh là do sản lượng sầu riêng trên thị trường thấp, trong khi nhu cầu thị trường xuất khẩu có xu hướng tăng, khiến cầu lớn hơn cung.
Tại huyện Tân Phước, những ngày đầu năm mới giá khóm ổn định ở mức từ 6.500 - 7.000 đồng/kg, với mức giá này người trồng khóm đạt lợi nhuận từ 50 - 60 triệu đồng/ha. Hiện tại, lượng khóm trên đồng không nhiều, dự báo giá khóm vẫn ổn định ở mức cao trong vài tháng tới.
HỒNG LINH - THANH BÌNH - THIÊN LONG
Trà Vinh: Kinh tế vườn lợi nhuận 80-120 triệu đồng/ha/năm
Nguồn tin: Trà Vinh
Toàn tỉnh Trà Vinh hiện có khoảng 29.980,36ha vườn cây ăn trái, cụ thể: Diện tích cam sành 4.761ha, nhãn 2.017ha, măng cụt 307,5ha, bưởi 1.454ha, quýt đường 332,5ha, chôm chôm 281ha, xoài 1.098ha, còn lại là diện tích vú sữa, sapo, mít, chuối và một số loại cây ăn trái khác. Năng suất bình quân một số loại cây, như cam sành 27 tấn/ha, có vùng đạt 45 tấn/ha; xoài 18 tấn/ha; bưởi 12 tấn/ha; quýt đường đạt 07 tấn/ha; thanh long ruột đỏ 15 tấn/ha; măng cụt 7,5 tấn/ha. Hiện giá bán cam sành bình quân 17.000 đồng/kg, xoài 9.000 đồng/kg, bưởi 34.000 đồng/kg, quýt đường 18.000 đồng/kg... với giá này, nông dân lợi nhuận từ 80 - 120 triệu đồng/ha/năm.
Mô hình trồng chanh không hạt của ông Nguyễn Văn Lẹ, ở ấp Ô Chích A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, lợi nhuận trên 80 triệu đồng/ha/năm.
Để kinh tế vườn phát triển bền vững, ngành hữu quan cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, bảo quản, sơ chế sau thu hoạch; hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho nông dân, nông hộ bằng nhiều hình thức tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn. Xây dựng các mô hình sản xuất áp dụng kỹ thuật mới. Quản lý chặt chẽ dịch bệnh cây trồng. Nâng cấp chất lượng giống, tập trung cải tạo, chọn lọc giống cây trồng chủ lực của địa phương; đầu tư xây dựng các vườn ươm cây giống, quản lý tốt chất lượng đảm bảo đủ cây giống cung cấp cho nông dân; tăng cường tiếp cận thị trường để giải quyết đầu ra cho sản phẩm.
PHAN TUẤN
Phụng Hiệp (Hậu Giang): Quýt đường cho thu nhập hơn 18 triệu đồng/công
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Hiện nay, quýt đường có giá từ 14.000 - 15.000 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 10.000 đồng/kg. Tuy giá thấp, nhưng năng suất quýt đường năm nay tương đối cao từ 2,5 - 3 tấn/công. Với giá bán như hiện nay, mỗi công quýt trừ hết mọi chi phí, người trồng cũng còn lời từ 18 - 20 triệu đồng.
Quýt đường cho thu nhập cao nên được nhiều nông dân huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) ưu tiên phát triển.
Mặc dù không phải là vùng chuyên canh cây quýt đường, tuy nhiên diện tích loại cây này ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cũng trên 450ha, tập trung ở các địa phương, như: xã Phương Phú, Tân Phước Hưng, thị trấn Búng Tàu, với tổng sản lượng hàng năm đạt gần 1.300 tấn.
THANH DUY