Gia Lai: Loay hoay tìm nước tưới cho cây cà phê
Nguồn tin: Báo Gia Lai
Đang là cao điểm của mùa khô, nhiều nông dân như ngồi trên đống lửa, loay hoay tìm nguồn nước tưới bởi phần lớn diện tích cây cà phê của họ chỉ tưới được 1 - 2 lần thì không còn nguồn nước tưới.
Cà phê được coi là cây công nghiệp thế mạnh của một số huyện như: Ia Grai, Chư Pah, Đak Đoa, Chư Pưh (Gia Lai)… Để cà phê phát triển tốt cần tưới 3 - 4 đợt/vụ. Tuy nhiên, năm nay nắng nóng kéo dài đã làm nguồn nước các hồ, đập, suối và giếng bị cạn kiệt.
Chỉ một ao nước nhỏ mà có tới 2 máy chờ bơm nước. Ảnh: L.N
Tại huyện Chư Pưh, để có được nguồn nước tưới cho cà phê, hồ tiêu, nông dân đã làm rất nhiều phương án từ khoan giếng mới đến nạo vét giếng, khoan ngầm dưới đáy giếng để tìm nguồn nước ngầm... Thậm chí nhiều hộ phải cắt cử thành viên của gia đình thay nhau canh nước để lấy nước tưới cho cây trồng. Chị Nguyễn Thị Thủy (thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) đang phải dựng lều để canh máy bơm nước cho biết: Gia đình có gần 1 ha cà phê và 800 trụ tiêu mà tưới từ sau Tết Nguyên đán đến giờ chưa xong. Nếu như trước đây đủ nước thì chỉ tưới 3 - 4 ngày, nhưng giờ đã tưới 20 ngày rồi mà vẫn chưa đủ nước. Nguồn nước cạn kiệt, cứ tưới được 1 giờ đồng hồ thì phải đợi 5 - 6 giờ chờ mạch nước ngầm ra rồi lại tưới.
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, trên địa bàn huyện còn khoảng 500 ha cà phê của người dân đang tưới đợt 2. Tuy nhiên, trữ lượng nước ở hầu hết các hồ chứa, khe suối, hồ đập đã bị khô cạn khó đảm bảo nguồn nước tưới cho lúa nước và cà phê trong thời gian còn lại của mùa khô. Diện tích thiếu nước này tập trung nhiều tại xã Ia Sao khoảng 300 ha. Do đó, để có được chút nước ít ỏi tưới cà phê, nhiều hộ dân phải thức trắng đêm chờ nước và trông coi máy bơm. Anh Rơ Châm Cáo (làng Ó, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) đang dựng lều để chờ nước tưới cho vườn cà phê của gia đình cho biết: Gia đình có gần 1 ha cà phê mà tưới cả nửa tháng nay vẫn chưa xong. Dùng máy nổ để hút nước dưới suối chỉ được hơn giờ đồng hồ là hết nước phải tắt máy chờ nước mạch ra mới lại tưới tiếp được. Mỗi lần chuyển máy bơm nước ra suối rất vất vả nên trong thời gian chờ nước mình cũng phải đợi ngoài suối để bảo vệ máy bơm khỏi bị mất trộm. Quanh con suối của cánh đồng này có hàng trăm ha cà phê, song với tình trạng cạn kiệt nước thì coi như năm nay cà phê giảm năng suất nặng.
Ảnh: L.N
Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai cho biết: Trong thời gian tới nếu không có nguồn nước dẫn về phục vụ tưới thì khả năng thiệt hại rất lớn. Trước mắt, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân cố gắng sử dụng nguồn nước tiết kiệm, tăng cường công tác quản lý, điều tiết nước hợp lý; hướng dẫn nhân dân dùng biện pháp tủ gốc, trồng hàng băng chắn gió và che nắng đối với cây cà phê. Về lâu dài, huyện sẽ tăng đầu tư, mở rộng hệ thống thủy lợi, tích nước, chặn dòng tại suối Ia Grai, Ia Châm để tăng khả năng trữ nước tưới cho cây cà phê.
Lê Nam
Sản xuất khoai tây liên kết, đạt lãi 80 - 100 triệu đồng/ha/vụ
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng cho biết: Đến cuối tháng 3/2016, tất cả 25 hộ nông dân thị trấn Liên Nghĩa và các xã Hiệp Thạnh, Liên Hiệp, Phú Hội, Đà Loan… thuộc huyện Đức Trọng đều thu hoạch xong 20ha khoai tây sản xuất liên kết vụ mùa đầu tiên với Công ty TNHH Orion Việt Nam.
Được biết, với một vụ mùa kéo dài hơn 100 ngày sản xuất 20ha khoai tây này, Công ty TNHH Orion Việt Nam đã triển khai đầy đủ các nội dung của hợp đồng liên kết gồm: cung cấp nguồn giống đảm bảo chất lượng, nguồn vật tư phân bón kịp thời, chuyển giao khoa học kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm thu hoạch. Phía nông dân chọn ra những diện tích đất sản xuất phù hợp, bố trí đủ lao động thực hành đúng quy trình kỹ thuật của công ty, trong đó hộ gia đình sản xuất với diện tích thấp nhất là 2.000m2, cao nhất là 1ha. Kết quả thu hoạch ước đạt năng suất từ 20 - 25 tấn/ha, nhân với giá công ty thu mua ổn định 8.000đ/kg, doanh thu từ 160 - 200 triệu đồng. Trừ tất cả mọi chi phí đầu tư, chi phí công lao động, sau một vụ người nông dân thu về mức lãi từ 80 - 100 triệu đồng/ha.
Dự kiến trong vụ mùa khoai tây tiếp theo, Hội Nông dân Đức Trọng sẽ tiếp tục làm cầu nối giúp nông dân mở rộng diện tích lên 200ha với hình thức sản xuất liên kết nêu trên.
VŨ VĂN
An Giang: Màu xanh giữa mùa khô
Nguồn tin: Báo An Giang
Đi dọc theo khu vực Rò Leng (xã Châu Lăng, Tri Tôn, An Giang) và Latina (xã An Hảo, Tịnh Biên), thấy những đám ruộng mướp, dưa leo, bí đao, bí đỏ… của đồng bào Khmer và người Kinh trồng từ việc đắp đập, đào hồ tích nước, ai cũng phải thán phục tính cần cù, chịu khó của nông dân khi tạo ra màu xanh tươi mát trên vùng đất khô hạn này.
Thích ứng biến đổi khí hậu
Từ cuối tháng Chạp năm ngoái, đồng ruộng Bảy Núi đã bạc trắng, gốc rạ héo tàn, nắng hạn đến nỗi hoa lá và cỏ cây cũng trơ trụi. Nhu cầu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trở nên cấp bách. “Bây giờ, đất ai có nước để trồng rẫy, coi như ngon lành” – ông Chau Sươne (ấp Rò Leng, xã Châu Lăng) nói. Vì, ngoài vùng trạm bơm điện, nguồn nước đã cạn kiệt và vô cùng khan hiếm. Thế nhưng, ven Hương lộ 17B có những miếng rẫy xanh tốt, khiến khách bộ hành thấy phát ham, với nhiều loại nông sản cho năng suất cao.
Trồng màu mùa khô tại Rò Leng
Ở đầu Tỉnh lộ 55B, vô Rò Leng mướn 2 công đất trồng bí “hồ lô”, Chau Nâu khoe miếng rẫy được 30 ngày tuổi và khoảng Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay 2016 sắp tới sẽ thu hoạch. Anh bảo: “Nhờ đắp được đập chứa nước tưới cầm chừng, 2 ngày tưới một lần. Nếu hổng có nước, khó sống nổi với nắng hạn”. Đó là đoạn mương cặp Hương lộ 17B (dài 200 mét, ngang 3 mét, độ sâu chưa quá 1 mét), lấy nước từ hồ múc đất gần chân núi Dài lớn, anh Chau Nâu phải bơm chuyền để chứa lại, sau đó mới bơm tưới rẫy. Công việc sản xuất ở vùng núi mùa khô hạn khá vất vả và tốn nhiều chi phí.
Tại khu vực Rò Leng, Chau Nhim (ấp An Hòa) trồng 1,5 công bí đao và 2 công dưa leo ở gần chân núi Dài lớn. Anh cho hay, 2 loại này ít cần nước nên cũng nhẹ lo, vả lại không có điều kiện đào hồ, đắp đập như Chau Nâu. “Tui cũng lấy nước cùng một chỗ với Chau Nâu, tưới thẳng, chứ hổng có chỗ chứa. Mình tưới sương sáng sớm hoặc chiều mát, dưa leo và bí đao vẫn tốt bình thường” – anh Nhim cho biết. Kỹ thuật canh tác này học được từ khuyến nông và kinh nghiệm qua nhiều vụ sản xuất, bà con ở đây ứng dụng cũng đều đạt kết quả.
Sống chung với… nắng hạn
Việc đào hồ, đắp đập, xây bồn… chứa nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trở nên quen thuộc với người Kinh và đồng bào Khmer vùng Bảy Núi, phổ biến qua chương trình khuyến nông – khuyến lâm và trồng trọt kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng. Mùa khô năm nay, khu vực Tà Lọt, bến Bà Chi, Sóc Tức… phát huy hiệu quả cách làm tích cực. Anh Huỳnh Văn Tỷ (khu vực Latina, xã An Hảo, Tịnh Biên) khoe, gia đình trồng được 15 công bí đao và bí “hồ lô” lấy nước tưới từ các hầm khai thác đá, riêng 3,5 công bí đao ở gần Tỉnh lộ 948 chuẩn bị cho thu hoạch trong nay mai.
Thu hoạch dưa leo ở Tà Lọt
Lấy nước từ hồ múc đất gần chân núi Nam Quy, đồng bào Khmer còn tận dụng trồng trọt nhiều loại rau màu, phát triển màu xanh ra sát chân Tỉnh lộ 948. “Ráng mần, chứ nắng hạn quá chừng. Lúc có nước mà bỏ đất trống, uổng lắm. Kiếm thêm đồng nào đỡ đồng đó. Khi mưa xuống sẽ tính nữa” – ông Chau Thanh (khu vực Latina, xã Châu Lăng) thiệt tình. Diện tích không nhiều, mỗi hộ chỉ vài công, nhưng trồng rẫy mùa khô thu lợi nhuận gấp 2 – 3 lần so với lúa. Điều quan trọng hơn, mọi người đều có việc làm, cải thiện thu nhập kinh tế gia đình, mà đất cũng được khai thác.
Việc trồng rau màu mùa khô diễn ra một vài nơi, ở những khu vực có điều kiện. Song, qua tiếp cận phương pháp canh tác mới, nông dân chọn giống cây trồng ngắn ngày, thích hợp vùng đất núi, mang lại màu xanh tươi tốt. Bây giờ, hàng trăm héc-ta đậu xanh, đậu phộng, bắp… ở Châu Lăng, Lương Phi (Tri Tôn), An Hảo đã kết thúc, né được thời tiết gay gắt gây nhiều rủi ro. Đồng bào Khmer và người Kinh nói, đó cũng là một cách sống chung với… nắng hạn, khi nhu cầu nước tưới toàn vùng Bảy Núi còn nhiều gian nan, chuyện đáp ứng lại càng không đơn giản.
“Đối với vùng Bảy Núi, việc đắp đập, đào hồ tích nước (quy mô nhỏ) có từ lâu và các ngành chuyên môn cũng đã khuyến cáo. Cư dân biết tận dụng trồng trọt mùa khô rất tốt, nhiều loại nông sản ngắn ngày, vừa bán được giá cao” – ông Dương Ánh Đông, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Tịnh Biên, nói.
TRỌNG ÂN
Trồng màu mùa hạn
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang không chỉ nổi tiếng trồng xoài cát Hòa Lộc mà còn là nơi tập kết mua bán các loại rau màu. Đặc biệt, vào mùa khô, không khí trồng màu của người dân nơi đây nhộn nhịp hơn bao giờ hết.
Nông dân ở ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa A, chăm sóc ruộng dưa vẹt lổ để tiết kiệm nước vào mùa khô hạn.
Các loại hoa màu được người dân chọn trồng chủ yếu như: đậu bắp, mướp, bắp ăn, cải bắp, dưa hấu… Trong đó, dưa hấu được người dân trồng với diện tích khá nhiều và phương thức canh tác cũng thay đổi theo mùa. Anh Nguyễn Văn Hận, ở ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa A, chia sẻ: “Mùa khô năm nay, tôi chọn dưa hấu để trồng và không cần phải lên luống, hay dùng màng phủ mà chỉ trồng vẹt lổ trên ruộng là xuống giống. Tuy trồng theo cách thức cũ, nhưng năng suất mang lại khá cao”.
Theo anh Hận, trồng bằng phương pháp này rất nhẹ vốn đầu tư, vì sau khi thu hoạch vụ lúa Đông xuân xong thì phơi đất khô, dùng máy cắt cỏ phát gốc rạ. Tiếp theo tiến hành phủ đều rơm trên mặt ruộng, hạn chế lúa chét, cỏ dại mọc lên rồi vẹt lổ bỏ tro, bỏ hột dưa, tưới nước là được. Riêng cách chăm sóc thì không gì thay đổi, phân thuốc phun xịt bình thường, giúp cây phát triển và đậu trái. Quan trọng là trồng theo hình thức này, vừa hạn chế nguồn nước tưới tiêu, vừa giúp cây dưa kháng bệnh.
Được biết năm trước, anh Hận trồng 5 công dưa theo hình thức vẹt lổ này, năng suất trung bình khoảng 4 tấn/công, bán với giá trên 4.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí thì lợi nhuận mang về trên 5 triệu đồng/công. Năm nay, anh tiếp tục mở rộng diện tích đất trồng bằng hình thức mướn đất để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Anh Nguyễn Thanh Khoa, ở cùng ấp Nhơn Thuận 1, cho biết: “Trồng vẹt chỉ thích hợp vào mùa khô, đối với những vùng đất gò. Sau khi thu hoạch dưa, nếu sạ lúa sẽ phát triển tốt, nhẹ chi phí phân bón”. Kỳ thực, năm rồi, chỉ 3 công dưa hấu trồng theo kiểu vẹt lổ dưới ruộng, anh Khoa thu lợi nhuận trên 10 triệu đồng, lời gấp nhiều lần làm lúa vụ Hè thu.
Có thể nói, trồng màu giá cả luôn bấp bênh và phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thị trường. Tuy nhiên, trồng dưa hấu vào mùa khô, người dân không mấy lo lắng về chuyện “dội hàng ế chợ”. Làm được 2 vụ dưa hấu, chị Nguyễn Thị Liên, ở ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa A, tâm sự: “Trồng dưa mùa khô tuy cực nhưng có lời nhiều. Khi thu hoạch dưa, chỉ cần để bán lẻ cặp lộ cũng hết”. Theo chị Liên, mấy năm trước, chị trồng 3 công dưa, do mới lần đầu nên năng suất không cao, sau khi thu hoạch và cân cho thương lái giá 2.800 đồng/kg thì còn lời trên 3 triệu đồng/công. Lý giải nguyên nhân thì chị cho rằng trồng vẹt lổ nên chi phí đầu tư chỉ bằng 50% so với trồng theo hình thức màng phủ. Đồng thời, so với các loại khác như: bầu, mướp, khổ qua… thì dưa hấu bán chậm cả tuần cũng không sao. Bởi lẽ, dưa hấu trồng mùa khô, ít phân thuốc, trái chín tự nhiên, để được dài ngày. Ngoài ra, thời gian nắng nóng, người tiêu dùng lựa chọn dưa hấu ăn nhiều hơn các loại trái cây khác, vì có nhiều nước và thanh mát.
Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, nhận định: Dưa hấu vốn là cây trồng thích hợp trong mùa khô và trồng dưa vẹt không mới, nhưng năng suất mang về khá cao. Trồng theo hình thức này, chỉ thích hợp với những vùng đất gò cao, chủ động được nước. Ngoài ra, trồng vẹt hay trồng màng phủ thì năng suất cũng như nhau, tùy thuộc vào người trồng chăm sóc. Trồng vẹt thì nông hộ phải bỏ công theo dõi, đề phòng và trị bệnh trên cây dưa, nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng trái.
Theo ông Lê Phước Đại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, do ảnh hưởng bởi hiện tượng El Nino nên thời tiết khô hạn năm nay sẽ kéo dài hơn mọi năm. Cụ thể, mùa khô năm nay sẽ kéo dài đến hết tháng 6-2016. Tuy nhiên, tình hình nắng hạn và xâm nhập mặn diễn ra gay gắt như hiện nay sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Chính vì chủ động tìm cách thích ứng, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã thay đổi phương thức và giống cây trồng, nhằm đảm bảo cuộc sống gia đình trong mùa khô.
CHÍ CÔNG
Bạc Liêu: Nông dân thiếu nước tưới hoa màu
Nguồn tin: Báo Bạc Liêu
Đến nay, nông dân trong tỉnh Bạc Liêu đã xuống giống hơn 3.800ha rau màu. Trong đó, diện tích trồng màu trên rẫy 3.510ha và trồng màu dưới ruộng 290ha.
Các loại rau màu được bà con trồng chủ yếu vẫn là các cây màu thế mạnh của tỉnh như: rau cần nước, cải ngọt, cải rổ, củ cải, xà lách, khổ qua, dưa leo, hành, ngò, rau muống…
Cùng thời gian này, bà con cũng đã thu hoạch hơn 2.200ha. So với những tháng đầu năm, giá thu mua rau màu chỉ tăng nhẹ, tập trung ở những mặt hàng được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết Thanh minh như cải xà lách, hành, rau thơm, chanh…
Do ảnh hưởng nắng nóng, xâm nhập mặn nên việc trồng màu gặp nhiều khó khăn, một số địa phương đang thiếu nưới tưới, phải cắt giảm diện tích sản xuất. Khó khăn này sẽ đẩy giá hoa màu lên cao trong thời gian tới.
TA
Một hecta hành tây lãi trên nửa tỷ đồng
Nguồn tin: VnExpress
Sau 3 năm liên tiếp gặp giá rẻ và thời tiết không thuận lợi, hiện giá hành tây ở Đà Lạt, Lâm Đồng tăng cao kỷ lục vì diện tích trồng chỉ còn một nửa.
Giá hành tây Đà Lạt bán tại vườn hiện 9.000 đồng một kg, trong khi cùng thời điểm năm trước giá hành tây loại 1 chỉ 2.300 đồng một kg, người trồng phải bù lỗ hơn 1.000 mỗi kg.
Do 3 năm liên tiếp thất bại về giá nên năm nay nhiều nhà vườn giảm diện tích hành tây hoặc bỏ hẳn chuyển qua những loại cây trồng khác giúp những hộ còn duy trì trúng lớn. Nhà vườn tên Tiên cho biết, thời tiết mùa Đông và đầu Xuân vừa qua có những đợt lạnh kéo dài khiến các tỉnh phía Bắc và cả Trung Quốc đều bị ảnh hưởng nên hiện tại chưa thấy hành tây và khoai tây Trung Quốc tràn vào Đà Lạt. Trong khi thời điểm này năm trước, sản phẩm của Trung Quốc tràn ngập khiến nhà vườn Đà Lạt phải bán dưới mức giá vốn.
Theo các nhà vườn trồng hành tây, nếu được mùa, mỗi 1.000m2 cho thu hoạch 12 - 13 tấn, chi phí 23 - 25 triệu đồng. Năm nay thời tiết không thuận lợi nên sản lượng hành tây Đà Lạt giảm, chỉ đạt 8,5 - 9 tấn trên 1.000m2, nhưng bù lại giá cao, người trồng vẫn lãi lớn. Hiện các thương lái tìm tới tận vườn mua nguyên đám và tự thu hoạch với giá 800 triệu đến một tỷ đồng mỗi hecta.
Quốc Dũng
Béc tưới nhỏ giọt
Nguồn tin: Báo Gia Lai
Tây Nguyên đang đối diện với tình trạng thiếu nước tưới trầm trọng. Để khắc phục tình trạng này, thời gian gần đây, nhiều hộ dân đã ứng dụng công nghệ tưới nước bằng béc dạng tia nhỏ, phun mưa không chỉ tiết kiệm được lượng nước tưới mà còn giảm chi phí về tiền điện, nhân công.
Lâu nay bà con nông dân thường sử dụng máy bơm tưới trực tiếp vào bồn của từng gốc cây. Theo tính toán với cách tưới này thì mỗi ha cà phê phải sử dụng đến 6 công lao động tưới và tiêu tốn hàng ngàn m3 nước cho một đợt tưới, trung bình mỗi vụ người dân phải tưới đến 3 đợt, do vậy tính tổng thì mỗi ha phải sử dụng hết 18 công lao động tưới và nhiều ngàn m3 nước.
Mô hình tưới béc dạng phun mưa đang thu hút sự quan tâm của bà con nông dân. Ảnh: B.T
Để khắc phục tình trạng thiếu nhân công mà đặc biệt là thực trạng thiếu nước tưới vào mùa khô, anh Đinh Văn Toản (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đak Lak) đã lắp đặt hệ thống tưới béc bằng tia nhỏ, dạng phun mưa. Theo đó, 1 ha cà phê anh Toản lắp đặt 14 béc tưới và chỉ sử dụng 1 máy bơm động lực để tưới. Vào mùa khô, anh Toản chỉ cần đóng cầu dao là hệ thống tưới bằng béc này sẽ tự động tưới, trung bình mỗi đợt tưới chỉ mất khoảng 8 đến 10 giờ đồng hồ.
Anh Toản chia sẻ: Với sự tư vấn của Công ty Minh Phát Đak Lak (http://mpd.vn), mình đã lắp đặt hệ thống tưới béc tự động để giảm tải về lượng nước và nhân công. Không chỉ vậy, với việc sử dụng hệ thống béc tưới này, đất luôn tơi xốp, khi bón phân cũng hạn chế đáng kể việc thất thoát phân, cà phê được cung cấp lượng phân bón đầy đủ đáp ứng nhu cầu sinh trưởng và phát triển của cây trồng.
Cũng như anh Toản, chị Nguyễn Thị Thu (ở xã Quảng Phú, huyện Cư M’gar) cũng đã đầu tư lắp đặt 62 béc tưới cho 3 ha cà phê của mình. Với việc lắp đặt hệ thống tưới nước bằng béc này, chị Thu đã tiết kiệm đến 30% nước tưới, 40% tiền điện, đặc biệt hơn là giảm được 70% công lao động. Điều đặc biệt hơn là chị có thể chủ động được trong việc tưới cà phê cho kịp thời vụ. Là người có kinh nghiệm lâu năm trong việc trồng cà phê, chị Thu chia sẻ: Đối với cây cà phê, năng suất và chất lượng sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào thời kỳ nở hoa, mà việc nở hoa cà phê lại phụ thuộc vào thời kỳ tưới, lượng nước tưới, chu kỳ tưới và chất lượng nước tưới… Vì vậy, việc tưới nước để điều khiển sự ra hoa rộ, đồng loạt, tạo điều kiện cho việc thu hoạch tập trung là vấn đề rất quan trọng.
Không chỉ ở Đak Lak, hiện nay mô hình tưới nước bằng béc dạng tia nhỏ, phun mưa đang được rất nhiều bà con nông dân ở các tỉnh Đak Nông, Lâm Đồng, Gia Lai đưa vào sử dụng.
Bá Thăng
Thất trắng lúa, còn tốn công dọn ruộng
Nguồn tin: Báo Đồng Khởi
Để chuẩn bị cho vụ lúa Hè Thu sắp tới, bà con nông dân trồng lúa ở 2 huyện Ba Tri và Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đang phải tốn thêm công sức, chi phí để dọn dẹp phần rác thải từ những cây lúa bị chết cháy khô dưới ruộng.
Anh Phạm Văn Ninh ở Ấp 3, xã An Bình Tây, huyện Ba Tri cho biết, anh đã ra đồng dọn dẹp 7 công lúa chết từ 1 tuần qua. “Mấy năm trước tới mùa gặt, tôi chỉ việc ở nhà thu tiền bán rơm (giá từ 700 - 800 ngàn đồng/công rơm). Nay lúa chết, tôi buộc phải dọn mới có đất sạch sạ vụ Hè Thu sắp tới. Do toàn thân cây lúa bị nhiễm mặn nên bỏ rơm chứ không cho bò ăn được. Vậy là tôi vừa tốn công dọn, vừa tốn tiền mua rơm cuộn… riết muốn chịu hết nổi luôn - hạn mặn khủng khiếp thật!” - anh Ninh chua chát nói. Cũng theo anh Ninh, nếu kêu công dọn thì mất khoảng 100 ngàn đồng/công. Nếu là lúa chưa bị nhiễm mặn từ giữa thân trở lên phải tốn thêm chi phí kêu công gánh và tiền thuê xe bò chở về nhà.
Theo ông Lê Văn Đoạn - Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, hiện nay hơn phân nửa của 700ha lúa trong địa bàn xã đều không thể cho bò ăn. Vì thế, người chăn nuôi bò nếu giữ được đàn qua mùa hạn mặn này thì tính toán chi phí cả năm nay sẽ không có lãi. “Tôi tính rồi, nếu rơm cuộn loại 14kg, giá 25 ngàn đồng/cuộn thì mỗi con bò trưởng thành ăn hết khoảng 5 triệu tiền rơm mỗi năm. Đó là chưa tính tiền nước, hiện giá nước giếng ở đây khoảng 50 ngàn đồng/m3, rồi còn tiền thuốc men tiêm ngừa, cỏ xanh… cũng sẽ tốn thêm hơn 2 triệu đồng/năm. Trong khi mỗi con bò cái chỉ sinh được một con nghé, giá khoảng 15 triệu đồng. Tính luôn tiền công chăm sóc cả năm trời thì lỗ rồi. Tuy nhiên, đó là trường hợp lý tưởng nhất được người chăn nuôi kỳ vọng, chứ thực tế do hạn mặn, thiếu nước uống như hiện nay… sẽ còn nhiều việc xảy ra trong thời gian tới” - ông Đoạn nói.
Phương Bình
Hậu Giang: Chuối già, cam xoàn, khóm tăng giá
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Những ngày qua, nông dân trồng chuối ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) rất phấn khởi vì giá chuối trái liên tục tăng. Một số bà con trồng chuối ở các xã Hiệp Hưng, Hòa Mỹ, Bình Thành cho biết thương lái vô tận rẫy mua chuối xiêm già với giá dao động từ 50.000 - 60.000 đồng/chục (12 nải). Chuối già cui 30.000 - 40.000 đồng/chục, tăng từ 10.000 - 15.000 đồng/chục so với đầu tháng.
Thương lái thu gom chuối chờ vận chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Ảnh: QUANG HẢI
Theo nhiều thương lái mua chuối cho biết, giá chuối tăng là do nhu cầu thị trường đang tiêu thụ mạnh. Ngoài ra, một phần do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng làm chuối chậm phát triển, từ đó chuối trái trở nên hiếm hàng, đẩy giá lên cao.
- Hiện cam xoàn cũng được các tiểu thương tại các sạp bán trái cây trên địa bàn thành phố Vị Thanh bán ra có giá 35.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với tuần trước. Tuy nhiên, nguồn cung về các chợ hiện nay cũng rất ít do rơi vào mùa nghịch, thời tiết năm nay không thuận lợi, nhất là tình hình hạn mặn làm ảnh hưởng nên sản lượng giảm đáng kể. Theo các tiểu thương, do cam xoàn đang hút hàng nên không thể định giá thu mua như trước đây mà do nhà vườn quyết định giá nên phải đẩy giá bán tăng cao. Trong khi, chất lượng trái mùa này không được đẹp mắt như mùa thuận.
- Theo các hộ dân trồng khóm trên địa bàn thành phố Vị Thanh, một tuần nay, giá khóm đã có chiều hướng tăng mạnh. Khóm bán ra tại rẫy được thương lái thu mua là 12.000 đồng/kg, tăng so với tuần trước 4.000 đồng/kg. Còn giá bán lẻ của tiểu thương tại chợ, khóm loại 1 dao động từ 14.000 - 15.000 đồng/trái. Nguyên nhân khóm tăng giá mạnh do thương lái thu mua xuất khẩu và lúc này là vụ nghịch nên nguồn cung thiếu cầu. Dự báo thời gian tới, khóm tiếp tục được giá.
Q.HẢI - H.THU - T.XOÀN
Lào Cai: Năng suất dứa Bản Lầu đạt 250 tạ/ha
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Hiện, nông dân xã Bản Lầu (Mường Khương, Lào Cai) đã thu hoạch và bán ra thị trường 6.000 tấn dứa.
Năm 2016, toàn xã Bản Lầu có 550 ha dứa, tăng 10 ha so với năm 2015, trong đó có 500 ha đang cho thu hoạch, năng suất đạt 250 tạ/ha.
Dứa là cây trồng mang lại thu nhập khá ổn định cho nhiều hô dân ở xã Bản Lầu.
Theo tính toán của ngành nông nghiệp huyện Mường Khương, sản lượng dứa của xã Bản Lầu năm 2016 đạt khoảng 12.500 tấn, giảm gần 500 tấn so với năm 2015, nguyên nhân do thời tiết diễn biến thất thường, với những đợt rét đậm và khô hạn kéo dài.
Người dân Bản Lầu đang bán dứa quả tươi cho tư thương với giá bình quân 5.000 đồng/kg.
ĐỨC TOÀN
Nông dân Nghệ An ra Thanh Hóa thuê đất trồng dưa hấu
Nguồn tin: Báo Nghệ An
Ở xã Nghĩa Sơn, phần lớn đất nông nghiệp được giao cho các dự án trên địa bàn, nhiều nông dân đi thuê đất ở các huyện bạn, tỉnh bạn để thâm canh...
Nghĩa Sơn là xã nông nghiệp nhưng diện tích đất nông nghiệp ở Nghĩa Sơn ít nhất huyện Nghĩa Đàn do đất đã được bàn giao cho các dự án. Toàn xã Nghĩa Sơn có 900 hộ dân, thì có tới khoảng 100 hộ đi thuê đất sản xuất ở các huyện bạn, tỉnh bạn để phát triển sản xuất với tổng diện tích đất thuê 125ha.
Do bàn giao lại đất cho các dự án trên địa bàn nên hiện nay, xã Nghĩa Sơn (Nghĩa Đàn) hiện chỉ có 12 ha diện tích đất nông nghiệp. Để bám đất sản xuất, nông dân ở đây đã bỏ ra hàng chục triệu đồng mỗi năm để thuê đất ở các xã trên địa bàn huyện và Thanh Hóa trồng dưa hấu. Trong ảnh: Anh Nguyễn Văn Dũng ở xóm Sơn Đoài, Nghĩa Sơn thuê đất ở xóm Sơn Hạ, xã Nghĩa Yên để trồng dưa hấu. - Ảnh: Đinh Thùy
Đây là khu vực mà ông Trần Đức Tuấn ở xóm Sơn Thượng, xã Nghĩa Sơn thuê đất của một hộ dân ở xã Nghĩa Yên (Nghĩa Đàn). Gia đình ông thuê gần 1ha đất đồi để trồng cây ăn quả. Ông Tuấn cho biết: hiện nay, gia đình ông có 2,5ha đất do ông đứng tên và đang trồng cây ăn quả.
Hay anh Trần Văn Dũng ở xóm Sơn Hạ là người trồng dưa lâu năm, năm 2014, nhờ chăm bón tốt, bán được giá nên sau khi trừ chi phí gia đình có thu nhập gần 200 triệu đồng. Năm 2015 và năm nay gia đình tiếp tục thuê đất ở Bãi Chành (Thanh Hóa) để trồng dưa.
Vùng đất có diện 3,5ha này là của gia đình anh Ngô Xuân Khoa thuê của một hộ dân ở xã Xuân Bình, huyện Như Xuân, Thanh Hóa. Với 3,5 diện tích trồng dưa hấu, anh Khoa thuê 6 công nhân làm việc, chăm sóc dưa. Mỗi tháng anh trả cho mỗi công nhân 5 triệu đồng/tháng. Trong ảnh: Công nhân đang tưới đạm cho dưa.
Anh Khoa cho biết: Năm 2010, sau khi bàn giao lại đất cho Công ty cổ phần sữa TH Truemilk, anh thuê 2ha đất tại khu vực này để trồng dưa hấu. Nhận thấy đất đai tươi tốt, màu mỡ rất phù hợp để trồng dưa hấu nên anh thuê thêm 1,5ha đất để nhân rộng cây dưa hấu. 1ha đất thuê với giá 14 - 15 triệu đồng/năm.
Hiện nay, không riêng gì anh Khoa mà tất cả các hộ thuê đất đều trồng dưa hấu. Cây dưa hấu có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất đạt 25 - 30 tấn/ha. Từ trồng dưa hấu đạt 25 - 30 tấn/ha, mỗi năm gia đình anh Khoa thu lãi khoảng 300 triệu đồng chỉ trong 3 tháng.
Anh Trần Quốc Hồng, Chủ tịch hội nông dân Nghĩa Sơn cho biết: Nông dân Nghĩa Sơn đã có nhiều kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi, đó là lý do khiến họ mạnh dạn đi thuê đất và bám trụ cùng cây dưa hấu và lượng dưa hấu trồng trên đất thuê nhiều nhất huyện. Nhờ đó, nếu như năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo của Nghĩa Sơn là 6% thì nay giảm còn trên 2%. Phấn đấu năm 2020, giá trị sản xuất bình quân đầu người đạt hơn 47 triệu đồng. Trong ảnh: Người dân thuê máy móc lên đồi khoan giếng để có nước tưới cho cây ăn quả.
Việt Hùng
Nghĩa Hành (Quảng Ngãi): Chuyên canh cây ăn quả: Còn manh mún
Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi
Được kỳ vọng sẽ là sản phẩm hàng hóa mang lại thu nhập cao cho nông dân, nhưng hiện nay, việc trồng cây ăn quả vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả mang lại chưa như mong đợi.
Đầu ra dồi dào
Với giá bán chính vụ ở mức 40.000 – 50.000 đồng/kg và trái vụ có giá 80.000 – 100.000 đồng/kg, bưởi da xanh được xem là một trong những loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao nhất hiện nay. Theo tính toán của ông Phan Hai, chủ vườn bưởi da xanh ở thôn Long Bình, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) thì với diện tích 1ha, nếu trồng keo, cứ 4 năm sau có thể kiếm được 50 - 70 triệu đồng, nhưng nếu trồng bưởi da xanh, số tiền thu được sẽ gấp đôi, gấp ba con số trên. Lý do là bưởi da xanh ít tốn chi phí đầu tư cũng như công chăm sóc, trong khi giá bán lại ổn định ở mức cao. Thế nên, thay vì xen canh chôm chôm và sầu riêng như nhiều hộ khác, ông Hai chỉ trồng duy nhất 400 cây bưởi da xanh trên diện tích 1ha đất đồi của mình.
Sau 3 năm chăm sóc, vườn bưởi da xanh của ông Phan Hai, ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) đã bắt đầu ra hoa kết trái.
Còn ông Huỳnh Văn Thân, thôn Khánh Giang, xã Hành Tín Đông cũng đầu tư trồng 1ha bưởi da xanh thông qua sự hỗ trợ của Dự án Ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất cây ăn quả hàng hóa huyện Nghĩa Hành, giai đoạn 2013 – 2016 (Dự án). Sau 3 năm, hiện bưởi đã bắt đầu cho quả. Theo đánh giá của ông Thân, chất lượng bưởi da xanh trên đất Nghĩa Hành không hề thua kém các nơi khác, tép đỏ mọng nước, vị chua dịu, bưởi ngọt thanh.
Khi đề cập đến đầu ra, cả ông Hai và ông Thân đều khẳng định: Khác với cảnh “được mùa, rớt giá” của một số loại trái cây khác, bưởi da xanh đúng loại vẫn bị “cháy” hàng ngay cả thời điểm chính vụ. Thậm chí, thương lái còn tranh nhau đặt nhà vườn trước cả tháng để cung ứng cho bạn hàng. “Hơn 10 năm buôn trái cây nhưng chưa bao giờ tôi thấy bưởi da xanh bị ế”, chị Trần Thị Hồng Hạnh, thương lái ở chợ Gò Quán, TP. Quảng Ngãi chia sẻ.
Đầu vào hạn hẹp
Cùng với bưởi da xanh, nông dân huyện Nghĩa Hành cũng bước đầu thành công với cây chôm chôm. Tại xã Hành Thiện, cây chôm chôm được người dân tận dụng trồng quanh vườn nhà. Chẳng biết vì “hợp” đất, hay do được chăm sóc kỹ mà chôm chôm ở đây rất sai quả. Khi chín, vỏ quả có màu đỏ tươi rất đẹp, cơm giòn, vị ngọt thanh nên được bạn hàng ưa chuộng. Những lúc cao điểm, giá mỗi ký chôm chôm đạt mức 25.000 – 30.000 đồng. “Một cây chôm chôm có thể cho cả tạ quả. Mỗi nhà chỉ cần vài cây là không lo thiếu tiền đi chợ rồi”, bà Nguyễn Thị Mai, thôn Phú Lâm, xã Hành Thiện cho hay.
Dù mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng hiện giờ diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún và chưa thoát cảnh “nông hộ”. Nghĩa là nông dân trồng cây ăn quả với tâm lý “thêm tiền đi chợ”, chứ chưa mạnh dạn đầu tư sản xuất theo hướng chuyên canh hàng hóa để làm giàu. Ngay như huyện Nghĩa Hành, địa phương được Sở KH&CN chọn triển khai thực hiện Đề tài "Bình tuyển cây đầu dòng và thực hiện nhân giống vô tính một số cây ăn quả sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh tại huyện Nghĩa Hành” từ năm 2009, nhưng hiện giờ, diện tích trồng cây ăn quả cũng chỉ dừng lại ở con số 23ha, lại phân bổ rải rác ở 12 xã, thị trấn (bình quân 1,9ha/xã) nên chưa tạo được sự liên vùng. Hơn nữa, diện tích vườn trồng cây ăn quả chỉ có 500m2 (nếu hai hộ liền kề) hoặc 1.000m2/hộ được đánh giá là “quá nhỏ lẻ”.
Theo kỹ sư Lê Văn Chính - Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Nghĩa Hành thì: “Hạn hẹp về diện tích chính là rào cản lớn nhất hiện nay của cây ăn quả”. Để khắc phục điều này, Dự án khuyến khích các hộ hoặc liên hộ có diện tích vườn dưới 5.000m2 thì nên trồng một loại cây để tạo sự tập trung, thuận lợi trong thu hoạch. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, muốn thu lợi bền vững từ cây ăn quả, kỹ sư Lê Văn Chính cho rằng “nhất thiết phải mở rộng quy mô bằng cách tích tụ diện tích; đồng thời khuyến khích sản xuất theo hướng trang trại”.
MỸ HOA
Lâm Đồng: Người trồng chanh dây trúng lớn
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Hiện người trồng chanh dây tại các các địa phương trong tỉnh Lâm Đồng đang lãi lớn khi 1kg quả được thương lái thu mua tại vườn với giá từ 20.000 - 22.000 đồng.
Với giá bán này, 1.000m2 chanh dây cho nhà vườn thu về không dưới 100 triệu đồng sau khi đã trừ mọi chi phí đầu tư. Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, cây chanh dây được người dân các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm… trồng từ những năm 1990. Tổng diện tích toàn tỉnh hiện nay có trên 1.000ha chanh dây, nguồn giống chủ yếu nhập từ Đài Loan và Trung Quốc chiếm trên 80%.
Nhiều bà con trồng cây chanh dây tại huyện Đức Trọng cho biết, nếu trồng giống nhập khẩu của Đài Loan, chăm sóc tốt năng suất bình quân sẽ đạt từ 70 - 100 tấn/ha, với giá cả thị trường ổn định 10.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì người trồng chanh dây thu được lãi thuần từ 500 - 700 triệu đồng/ha/chu kỳ canh tác 2 năm.
Văn Báu