Tin nông nghiệp ngày 26 tháng 10 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 26 tháng 10 năm 2019

Triển khai thực hiện Chính sách bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Nguồn tin:  Báo Đồng Tháp

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch về triển khai thực hiện Chính sách bảo hiểm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Chính sách này nhằm hỗ trợ cho người sản xuất lúa chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần đảm bảo an sinh xã hội nông thôn, an ninh lương thực và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.

Đồng Tháp xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ thí điểm bảo hiểm là những tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp (đối với lúa) được quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ. Đối với việc thực hiện bảo hiểm đối với cây lúa tại Đồng Tháp được quy định tại Khoản 1, Điều 6, Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg.

Rủi ro thiên tai được hỗ trợ đối với cây lúa quy định tại Khoản 1, Điều 5 Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg, cụ thể như: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần. Theo đó, thiên tai phải được công bố hoặc xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc bồi thường bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện theo quy định tại Điều 9, Nghị định số 58/2018/NĐ-CP.

Địa bàn triển khai thực hiện Chính sách bảo hiểm nông nghiệp tại 3 huyện: Cao Lãnh, Tháp Mười, Lấp Vò. Mỗi huyện chọn từ 3 - 5 xã để triển khai thực hiện. Thời gian thực hiện hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2020.

MỸ LÝ

Triển khai kế hoạch tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu sản phẩm nông – thủy sản vùng ĐBSCL

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Trà Vinh

Sáng 22/10, tại Sở Công Thương Trà Vinh, Ban tổ chức Hội chợ tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức Hội chợ xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu sản phẩm nông – thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Hội chợ).

Quang cảnh cuộc họp.

Hội chợ diễn ra từ ngày 5/11 đến ngày 11/11/2019 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Trà Vinh, với quy mô 300 gian hàng của 150 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp giới thiệu các hàng hóa, sản phẩm nông – thủy sản khu vực ĐBSCL đến với người tiêu dùng, đồng thời là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường mở rộng giao lưu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội liên doanh, liên kết, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp chế biến ở địa phương và khu vực.

Hội chợ nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Nông sản, Du lịch, Ẩm thực gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2019.

Trong những đêm diễn ra Hội chợ sẽ có các chương trình văn nghệ do các ca sĩ, nghệ sĩ đến từ TP Hồ Chí Minh biểu diễn.

Ngọc Hồng

Quảng Trị: Tập trung phục hồi vườn hồ tiêu

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh kết hợp với giá hạt tiêu xuống thấp nên người dân ở một số địa phương trong tỉnh Quảng Trị không đầu tư chăm sóc làm vườn tiêu bị giảm chất lượng, thậm chí bị chết. Trước tình trạng đó, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh và các địa phương đã có nhiều giải pháp để tập trung phục hồi nâng cao chất lượng vườn hồ tiêu.

Trao đổi với chúng tôi khi vừa hoàn thành việc trồng mới gần 2 sào hồ tiêu, anh Trần Đức Hùng ở Đội 4, thôn Nam Cường, Vĩnh Nam, Vĩnh Linh cho biết: “Gia đình tôi có tổng cộng gần 1.000 gốc tiêu, trong đó có hơn 800 gốc đã cho thu hoạch với sản lượng bình quân khoảng 0,8- 1 tấn hạt tiêu khô. Trừ chi phí mỗi năm cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng”. Theo kinh nghiệm của anh Hùng, để cây hồ tiêu không bị các loại bệnh như: bệnh chết nhanh, chết chậm hay tuyến trùng thì vườn tiêu phải luôn sạch sẽ; thường xuyên thu dọn lá, cành tiêu bị rụng trong vườn. Vào mùa mưa, tuyệt đối không cuốc dọn trong vườn mà chỉ khơi thông cống rãnh để thoát nước nhanh, tránh ứ đọng; rãi vôi trong vườn để phòng bệnh, tuyệt đối không bón phân chuồng vào thời điểm này.

Xã Vĩnh Nam có tổng diện tích 132 ha, trong đó diện tích phục hồi và kiến thiết cơ bản là 42 ha; diện tích cho thu hoạch là 90 ha, năng suất bình quân khoảng 1 tấn/ha/ năm. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh Hoàng Đức Quang cho biết: “Trước đây, khi giá hồ tiêu đang ở mức cao, người trồng tiêu thường sử dụng phân bón hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phòng trừ sâu bệnh, tăng năng suất. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, nếu đầu tư như trước thì sẽ không có lãi, do đó, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện và tỉnh tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho người trồng tiêu các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Trồng mới đối với những hộ có đủ điều kiện, duy trì những vườn tiêu đang có theo hướng bền vững”.

Theo Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh Diệp Hồng Cương, hạt tiêu Vĩnh Linh có mùi thơm, vị cay đặc trưng, rất được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Tính đến nay, diện tích trồng tiêu toàn huyện đạt hơn 1.300 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là hơn 970 ha. Tuy nhiên, do phần lớn trồng tiêu theo cách thức truyền thống nên năng suất thấp, bình quân chỉ đạt từ 1,3- 1,5 tấn/ha, cá biệt trong năm 2018 chỉ đạt 0,67 tấn/ha. Điều đáng nói là do nhiều nguyên nhân, mấy năm trở lại đây cây hồ tiêu bị nhiều loại dịch bệnh gây hại nặng. Đặc biệt, trong vụ hè thu vừa qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp không đảm bảo đủ nguồn nước cho cây hồ tiêu sinh trưởng và phát triển, nhiều vườn tiêu đã trồng lâu năm, trong đất tiềm ẩn nhiều loại dịch bệnh gây hại nên dễ phát sinh dịch bệnh. Mặt khác, giá hồ tiêu đang xuống thấp nên nông dân ít đầu tư dẫn đến nhiều vườn không được chăm sóc theo đúng yêu cầu kĩ thuật, cũng như không mặn mà trong việc trồng mới. Ông Cương phân tích, để trồng mới 1 ha hồ tiêu có đầy đủ hệ thống tưới phải đầu tư khoảng 400- 450 triệu đồng, trong khi với giá tiêu hiện nay khoảng từ 40.000- 50.000 đồng/kg thì năng suất đạt 1,5 tấn/ha chỉ mang lại 60- 75 triệu đồng/năm. “Bên cạnh phấn đấu diện tích trồng mới trong toàn huyện năm 2019 từ 15- 20 ha, Phòng Nông nghiệp và PTNT còn hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm theo công nghệ Ixraen và mô hình trồng tiêu theo hướng hữu cơ trên diện tích 2 ha tại các xã Vĩnh Hòa và Vĩnh Kim. Thiết kế lại các vườn tiêu bị chết sang trồng các loại cây trồng khác. Đồng thời, cùng với các cơ quan chuyên môn như Trạm Trồng trọt và BVTV, Trạm Khuyến nông xây dựng các mô hình quản lí dịch hại tổng hợp (IPM), tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất hồ tiêu bền vững nhằm duy trì và phát triển các vườn tiêu”, ông Cương thông tin.

Còn tại huyện Gio Linh, thời tiết xấu và dịch bệnh cũng đã làm diện tích tiêu toàn huyện giảm gần 40 ha trong năm 2019, xuống còn khoảng 428 ha. Để phục hồi các vườn tiêu, huyện Gio Linh đã hỗ trợ xây dựng các mô hình tưới tiết kiệm tại các xã Gio Bình, Gio An, Trung Sơn, Gio Phong, Linh Hải, Gio Hòa với tổng diện tích 9,6 ha, năng suất bình quân đạt gấp 1,5 lần so với đại trà. Mô hình trồng tiêu hữu cơ tại xã Gio An gồm 134 hộ tham gia với tổng diện tích 62 ha, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm; năm 2018 đã xuất khẩu được 18,2 tấn hồ tiêu đạt tiêu chuẩn Châu Âu, năm 2019 đã xuất khẩu được 43 tấn. Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Gio Linh Võ Thị Tuyết Trinh cho biết: “Hiện nay, trên cây hồ tiêu đang bị nhiễm một số loại sâu bệnh như bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng, thán thư… Theo dự báo mùa mưa năm 2019 sẽ có nhiều đợt mưa lớn, kéo dài nhiều ngày làm ẩm độ không khí tăng cao; đây là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh tiếp tục phát sinh, phát triển và gây hại nặng. Vì vậy, nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ sâu bệnh”.

Hiện toàn tỉnh có 2.505 ha hồ tiêu, trong đó, diện tích khai thác là 2.042 ha, sản lượng bình quân 2.000 tấn/năm. Các giống tiêu được trồng chủ yếu là giống tiêu địa phương có chất lượng cao, trong đó giống tiêu Vĩnh Linh được đánh giá là 1 trong 5 giống tiêu có chất lượng hàng đầu của cả nước. Tuy nhiên, trong vụ thu đông một số vườn tiêu thường bị úng nước tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng dịch bệnh phát sinh và gây hại. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền, để phục hồi cây tiêu, thời gian qua đã ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất và mang lại hiệu quả cao như: Mô hình IPM; mô hình sử dụng chế phẩm sinh học MT1, SH1, Tricoderma; mô hình tưới nước tiết kiệm, tự động cho cây tiêu kết hợp với bón phân; mô hình trồng tiêu hữu cơ, ứng dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Châu Âu, Châu Mĩ; một số giải pháp thiết kế vườn chắn gió bão, thoát nước mùa mưa…

Ông Hiền khuyến cáo, về lâu dài, đối với những vườn tiêu già cỗi, cần mạnh dạn phá bỏ và trồng mới theo phương pháp an toàn sinh học. Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh và tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ giống, phân bón, chế phẩm sinh học và tập huấn kĩ thuật để xây dựng và nhân rộng mô hình trồng và chăm sóc hồ tiêu theo quy trình hữu cơ, cho năng suất cao, chất lượng tốt, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Chọn lựa, xây dựng các vườn giống đầu dòng có chất lượng nhằm cung ứng giống sạch bệnh đảm bảo cho trồng mới trên địa bàn tỉnh; thử nghiệm các giống tiêu mới có chất lượng cao để tuyển chọn phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương đưa vào cơ cấu bộ giống. “Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục triển khai việc phục hồi các vườn tiêu cũ, quy hoạch vùng trồng mới cây hồ tiêu ở những vùng có điều kiện thuận lợi; áp dụng biện pháp canh tác bền vững theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP); áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm; chú trọng công tác quản lí dịch bệnh, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu. Tập trung xây dựng chuỗi giá trị sản xuất hồ tiêu bền vững, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp và người trồng tiêu trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ để nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người trồng tiêu. Thiết lập kênh thông tin thị trường vật tư phân bón và sản phẩm hồ tiêu giúp nông dân chủ động hơn trong đầu tư sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hồ tiêu, mở rộng thị trường xuất khẩu”, ông Hiền khẳng định.

Lê An

Mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, nâng cao thu nhập

Nguồn tin: Báo An Giang

Dù đã nhiều năm liền bám trụ với cây lúa, nhưng tình trạng “được mùa, mất giá” tiếp tục diễn ra, nhiều nông dân phải chuyển đổi sản xuất từ đất lúa sang các loại rau màu, cây ăn trái. Đây là sự chuyển đổi có đầu tư về kỹ thuật, tìm hiểu về thị trường, có sự liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiêp... từ đó, ghi nhận nhiều mô hình hiệu quả.

Ông Kiện trồng thử nghiệm cây đậu nành rau trong nhà lưới

Cách đây khoảng 2-3 năm, trên diện tích đất của ông La Tráng Kiện, nông dân xã Vĩnh Thành (Châu Thành, tỉnh An Giang) đều đặn canh tác lúa 3 vụ. Theo ông Kiện, mặc dù học hỏi, áp dụng nhiều kỹ thuật như: “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”... nhưng việc sản xuất lúa gặp nhiều rủi ro do thời tiết, giá cả bấp bênh, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao. Đó là chưa kể đến khi bán lúa, nông dân phải thông qua “cò”, chưa có được sự liên kết bền vững, dẫn đến tình trạng chi phí đầu tư cao mà lợi nhuận thu được không đáng kể. Năm 2017, qua tìm hiểu thị trường và sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn, ông Kiện đã mạnh dạn chuyển đổi thử nghiệm một phần đất lúa sang trồng đậu nành rau, với diện tích 5.000m2. Ông Kiện được trực tiếp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) với mức giá 10.500 đồng/kg, khi thu hoạch đạt chất lượng (không tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật) còn được nhận thưởng bằng cách tăng giá sản phẩm cho nông dân. “Sau khoảng thời gian trồng từ 70-75 ngày, cây đậu nành rau đạt năng suất bình quân từ 1,2-1,3 tấn/1.000m2, lợi nhuận thu được từ 6-7 triệu đồng/1.000m2”- ông Kiện thông tin.

Sau thời gian trồng thử nghiệm thành công, ông Kiện đã mạnh dạn chuyển 2,2ha đất nhà và thuê thêm 3ha đất để canh tác cây đậu nành rau. Theo ông Kiện, đậu nành rau không phải là loại cây trồng mới mà nó đã được phát triển tại nhiều nơi trong tỉnh và cả nước nói chung. Tại An Giang, cây đậu nành rau được trồng nhiều ở huyện Châu Phú và Chợ Mới. Loại cây trồng này có thời gian sinh trưởng ngắn, nên phù hợp với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đó là chưa kể đến việc cây đậu nành rau còn có tác dụng cải tạo đất tốt cho những nơi canh tác 3 vụ nhiều năm liền như xã Vĩnh Thành. “Quan trọng hơn là trồng đậu nành rau sẽ giúp nông dân có thu nhập ổn định, do có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nhiều công ty như: Antesco, Food An... Bên cạnh đó, có thể sản xuất 4 vụ/năm, nâng cao hệ số vòng quay của đất. Do đó, tôi rất tin tưởng và mong muốn phát triển việc trồng đậu nành rau của gia đình” - ông Kiện phấn khởi.

Bên cạnh đó, được địa phương hỗ trợ xây dựng nhà lưới với diện tích 1.000m2, kinh phí xây dựng 48 triệu đồng, ông Kiện thực hiện mô hình trồng dưa leo trong nhà lưới kết hợp với nuôi ong mật, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Ông Kiện cho biết, do được trồng trong nhà lưới nên khi dưa leo ra hoa sẽ cho ong vào để giúp dưa thụ phấn tốt hơn. Đồng thời, nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt đã tiết kiệm được lượng nước, phân bón cũng như chi phí thuê, mướn nhân công. “Khi trồng dưa leo kết hợp nuôi ong sẽ hạn chế được sâu bệnh, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, quan trọng là xuất bán được nông sản an toàn cho người tiêu dùng. Đặc biệt, thời gian thu hoạch kéo dài hơn rất nhiều, nhờ vậy năng suất tăng lên, giá bán được cao hơn, lợi nhuận nhiều hơn” - ông Kiện cho biết.

Trồng dưa leo hiệu quả, tuy nhiên từ khâu chăm sóc, thu hoạch lại tốn nhiều nhân công nên vừa xong vụ dưa leo ông Kiện đã cho trồng thử nghiệm đậu nành rau trong nhà lưới. Hiện tại, đậu nành rau trong nhà lưới phát triển tốt, cho trái nhiều, đặc biệt tiết kiệm đáng kể chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác. Bằng việc mạnh dạn chuyển đổi đi kèm với thành công trong áp dụng các mô hình sản xuất đã giúp gia đình ông Kiện có thu nhập bình quân hàng năm trên 1 tỷ đồng. “Nhờ vậy, tạo điều kiện cho gia đình nuôi dạy con ăn học đến nơi đến chốn và có công việc ổn định. Từ đó, tôi có thêm thời gian, điều kiện tham gia công tác xã hội - từ thiện và cùng với địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới” - ông Kiện chia sẻ.

ÁNH NGUYÊN

Nhân rộng canh tác lúa thông minh

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng

Đây là mô hình được các nhà khoa học đánh giá cao khi ruộng lúa thực hiện quản lý theo chương trình IPM, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời giảm được lượng phân urê đáng kể trên ruộng lúa vì chỉ bón phân thông minh một lần khi gieo sạ lúa.

“Vụ lúa đông xuân 2019-2020, huyện sẽ nhân rộng mô hình bón phân thông minh (bón phân một lần cho cả vụ lúa) ở nhiều xã để tiếp tục đánh giá độ thích nghi. Mô hình này được ghi nhận có nhiều ưu điểm, áp dụng thí điểm tại xã Vị Thắng (12ha) vừa qua cho thấy giảm công bón phân, tăng hiệu quả sử dụng, giảm rửa trôi, lúa cấy cứng cây, thưa ít sâu bệnh, năng suất ổn định”, ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang), cho biết.

Mô hình máy cấy và sạ hàng kết hợp bón vùi phân thông minh ở huyện Vị Thủy, Hậu Giang

Huyện Vị Thủy sẽ nhân rộng mô hình tại 5 hợp tác xã/5 xã với tổng diện tích khoảng 100ha, khoảng 120 xã viên tham gia. Hình thức thực hiện mô hình là nông dân cấy máy hoặc sạ hàng kết hợp với bón vùi phân thông minh. Các giống lúa được chọn trồng là Hương Trâu 6, ST 24 và RVT. Khi tham gia mô hình, nông dân được hỗ trợ một phần kinh phí máy cấy và vùi phân, đồng thời được doanh nghiệp ngành gạo liên kết bao tiêu đầu ra.

Huyện Vị Thủy là một trong những huyện điểm ở ĐBSCL được chọn để thực hiện trồng lúa theo phương châm “3 giảm, 3 tăng” từ năm 2003 và đã thành công. Đến nay được nhân rộng khắp các vùng miền cả nước. Tỉnh Hậu Giang đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực chuyển giao các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến để nghiên cứu, khảo nghiệm trên các vùng đất khác nhau của tỉnh. Qua đó, sẽ đánh giá hiệu quả của mô hình và tiến tới đưa mô hình “Canh tác lúa thông minh - ứng phó với biến đổi khí hậu” vào sản xuất đại trà tại Hậu Giang.

VĨNH TƯỜNG

Thu hàng trăm triệu mỗi năm nhờ trồng cây ăn quả trên đất dốc

Nguồn tin: VOV

Nhờ trồng cam, nhiều hộ gia đình ở Bản Nghĩa Hưng (xã Mường Cơi, Phù Yên, Sơn La) đã thoát nghèo, kinh tế phát triển, thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc của tỉnh, huyện Phù Yên xác định cây ăn quả có múi sẽ là cây trồng chủ lực, trong đó tập trung phát triển cây cam. Bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi là nơi có diện tích trồng cam lớn của huyện.

Ông Nguyễn Duy Khanh, ở bản Nghĩa Hưng, là giám đốc hợp tác xã Nghĩa Hưng, cũng là một trong những người tiên phong trong việc chuyển đổi sang trồng cây ăn quả cho biết, trước đây, gia đình ông cũng chỉ làm nương rẫy, rất khó khăn vất vả thu nhập chẳng đáng là bao. Đến năm 2012, được xã, huyện vận động chuyển sang trồng cây ăn quả có múi, đặc biệt là cam, gia đình mới bắt đầu chuyển đổi.

Ông Nguyễn Duy Khanh cùng thành viên hợp tác xã kiểm tra và chăm sóc vườn cây.

Sau một thời gian cố gắng và phát triển, cây cam đã đem lại thu nhập cao, cuộc sống gia đình ổn định và khấm khá hơn, trừ các khoản chi phí, gia đình đã thu được hơn 300 triệu đồng mỗi năm.

“Tuyên truyền anh em là thực hiện tốt các chủ trương hoặc nghị quyết của hợp tác xã đề ra như thực hiện làm cam an toàn. Có hướng vận động anh em lân cận sát nhập thêm, mở rộng thêm số hộ gia đình vào hợp tác xã, phát triển thêm diện tích”, ông Nguyễn Duy Khanh nói.

Đến năm 2018, bà con nơi đây cùng nhau thành lập hợp tác xã trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng. Hiện nay, hợp tác xã có 11 thành viên, với gần 30ha cây ăn quả như: cam đường canh, quýt ngọt, bưởi và nhiều nhất là cam Vinh chiếm khoảng 15ha. Mỗi năm hợp tác xã thu được gần 200 tấn quả. Từ khi thành lập hợp tác xã, bà con được hỗ trợ rất nhiều, được cấp tem, nhãn mác, 100% các thành viên trong hợp tác xã được chứng nhận VietGab và được đi tham quan các mô hình điển hình ở nhiều nơi có thâm niên về cây ăn quả.

Ông Nguyễn Duy Khanh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với thành viên hợp tác xã.

Gia đình anh Trần Thanh Bình cùng bản với ông Khanh, cũng là một thành viên trong hợp tác xã cho biết, ban đầu khi chuyển sang trồng cây ăn quả, gia đình cũng gặp nhiều khó khăn vất vả như kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ, chưa quen với điều kiện thời tiết… Nhưng sau khi được huyện, xã hỗ trợ và tạo điều kiện, vườn cây nhà anh ngày càng phát triển và cho thu nhập cao, mỗi năm gia đình thu được khoảng hơn 20 tấn quả và cho thu nhập gần 500 triệu đồng.

“Là thành viên của hợp tác xã nên được ở lãnh đạo địa phương quan tâm rất nhiều, từ khâu tìm đầu ra cho bà con, chúng tôi cũng được các tỉnh khác biết đến như Yên Bái, Phú Thọ, Hưng Yên hoặc thành phố lớn như Hà Nội, nhiều người biết đến thương hiệu của sản phẩm, họ chủ động liên hệ để đặt sản phẩm tiêu thụ cho bà con”, anh Trần Thanh Bình chia sẻ.

Với sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của mỗi hộ dân, cây cam đang là một trong những cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho bà con nơi đây./.

Đắc Thanh/VOV-Tây Bắc

Lục Ngạn: Tiêu thụ hơn 3 nghìn tấn cam, bưởi, giá tăng so với năm ngoái

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), năm nay sản lượng quả từ cây có múi toàn huyện ước đạt hơn 58 nghìn tấn, tăng gần 8 nghìn tấn so với năm ngoái.

Nông dân xã Tân Quang (Lục Ngạn) thu hoạch cam lòng vàng.

Đến thời điểm này, bà con đã bán hơn 700 tấn bưởi da xanh; hơn 2,4 nghìn tấn cam lòng vàng.

Giá bưởi da xanh tại vườn ngày 22-10 được bán ở mức 36 nghìn đồng/kg (quả nặng 1,4 kg trở lên), tăng 10-15 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ năm trước; cam lòng vàng dao động 10-15 nghìn đồng/kg.

Ông Tăng Văn Huy, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Giá bưởi tăng bởi người tiêu dùng có nhu cầu cao sử dụng bưởi hằng ngày và phục vụ trong đám cưới. Trong khi đó cam lòng vàng mới chớm đầu vụ, độ đường chưa cao nên giá bán rẻ. Dự kiến, khi vào chính vụ trong tháng 11, những vườn cam già cho thu hoạch rộ, chất lượng tốt thì giá bán sẽ tăng lên”.

Một điểm thu mua bưởi tại xã Giáp Sơn (Lục Ngạn).

Được biết, hiện nay việc tiêu thụ cam, bưởi tại Lục Ngạn diễn ra khá thuận lợi. Ngoài thương nhân đến tận vườn thu mua còn có không ít người kinh doanh qua bán hàng online. Nhờ vậy, nhiều nhà vườn thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Nhằm quảng bá sản phẩm, huyện Lục Ngạn cũng đang thực hiện các biện pháp xúc tiến thương mại, hỗ trợ tem, nhãn, bao bì cho một số nhà vườn.

Trường Sơn

Huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang): Hỗ trợ 115.000 cây chanh không hạt cho nông dân

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Trong đợt 2 này, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) sẽ hỗ trợ cho nông dân 70.000 cây chanh không hạt, tương đương 150ha, trong đó ưu tiên cho các địa phương có diện tích sản xuất mía chuyển đổi sang cây trồng khác. Hầu hết những diện tích này đều được thực hiện gắn với chuỗi liên kết bao tiêu từ Công ty TNHH MTV The Fruit Republic (Hà Lan) có trụ sở tại thành phố Cần Thơ, nên người dân hoàn toàn yên tâm khi sản xuất. Tuy nhiên, để thuận tiện việc chăm sóc cũng như xử lý cây chanh ra hoa đúng thời điểm, phía công ty yêu cầu nông dân trồng tối thiểu 2ha và liền kề. Do đó, các cấp chính quyền địa phương cần thông tin rộng rãi để người dân có hướng điều chỉnh hợp lý.

Theo ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, sau khi thu hoạch mía sẽ tiến hành họp người dân để hỗ trợ cây chanh không hạt.

Trước đó, đầu năm 2019, huyện Phụng Hiệp đã hỗ trợ cho nông dân các xã Long Thạnh, Tân Phước Hưng, Hiệp Hưng, Phụng Hiệp, thị trấn Cây Dương và thị trấn Búng Tàu 45.000 cây chanh không hạt, tương đương 100ha.

Tin, ảnh: LÊ ĐĨNH

An Khê (Gia Lai): Nuôi vịt đẻ trứng cho thu nhập khá

Nguồn tin: Báo Gia Lai

Tận dụng ao, hồ và đồng ruộng sau mỗi vụ lúa, nhiều hộ dân ở thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã phát triển nghề nuôi vịt đẻ trứng, mang lại nguồn thu nhập khá ổn định.

Từ nuôi vịt chạy đồng

Cửu An là xã có diện tích trồng lúa khá lớn của thị xã An Khê với trên 100 ha, tập trung ở cánh đồng thôn An Điền Bắc và An Điền Nam. Sau mỗi vụ lúa, diện tích này trở thành nơi lý tưởng để chăn thả vịt. Ông Nguyễn Đước (thôn An Điền Nam) cho biết: Bình thường, gia đình tôi nuôi thả vịt trong ao rộng hơn 1.000 m2. Nhưng hễ thấy bà con cắt lúa xong ở khu vực nào là tôi lùa vịt ra đồng. Một năm, tôi thả vịt chạy đồng được khoảng 4 tháng. Trong thời gian này, vịt thỏa thích mò cua ốc, ăn những hạt lúa sót lại. Nuôi vịt chạy đồng không chỉ giúp gia đình tôi giảm kha khá tiền thức ăn mà trứng vịt đẻ ra còn to hơn, lòng đỏ nhiều, ăn có vị thơm, béo bùi, được thị trường ưa chuộng. “Trên địa bàn thị xã An Khê, chỉ xã Cửu An mới có trứng vịt chạy đồng. Đây là “đặc sản” của xã chúng tôi”-ông Đước nói.

Hiện gia đình ông Đước đang nuôi 1.400 con vịt. Bình quân mỗi ngày, đàn vịt đẻ 1.000 quả trứng. Số trứng này được bán cho các đại lý, cửa hàng trên địa bàn thị xã An Khê và các huyện lân cận với giá 2.200 đồng/quả. Ông Đước cho hay: “Gia đình tôi nuôi vịt trong ao kết hợp với chăn thả ngoài đồng đã gần 30 năm. Nhờ nghề này mà vợ chồng tôi có điều kiện nuôi các con ăn học đàng hoàng, việc chi tiêu trong gia đình cũng thỏa mái, còn có tiền đầu tư vào ruộng vườn”.

Ông Nguyễn Ngọc Tánh-chủ một đại lý thu mua trứng ở phường An Phú, thị xã An Khê-cho biết: “Hơn 20 năm nay, ngày nào tôi cũng đặt mua trên 300 quả trứng của gia đình ông Đước. Trứng vịt của gia đình ông Đước thường to hơn chỗ khác, vỏ sáng, chất lượng thơm ngon, được khách hàng đánh giá cao”.

Đến trang trại nuôi vịt theo hướng VietGAP

Năm 2014, sau khi quy hoạch trang trại vườn-ao-chuồng-rừng, ông Nguyễn Xuân Phương (thôn Thượng An 3, xã Song An) dành riêng khu vực hồ nước rộng hơn 1,5 ha làm nơi chăn thả vịt theo hướng VietGAP. Ông Phương chia sẻ: “Xung quanh hồ còn có vườn cây ăn quả rộng hơn 3 ha, là nơi vịt nằm nghỉ sau khi bơi lội dưới hồ. Với không gian thoáng mát, môi trường sạch sẽ, đàn vịt luôn khỏe mạnh, hạn chế bệnh dịch. Cùng với đó, tôi cho vịt ăn uống đầy đủ chất, kết hợp thức ăn tinh cộng với rau xanh để chúng đẻ trứng đạt chất lượng cao”.

Trứng vịt chạy đồng của gia đình ông Nguyễn Đước (thôn An Điền Nam, xã Cửu An, thị xã An Khê) được thị trường ưa chuộng. Ảnh: N.M

Trứng vịt của gia đình ông Phương đã được Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh kiểm định, chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Với đàn vịt siêu trứng cổ cò 1.000 con, mỗi ngày, gia đình ông Phương thu về 800 quả trứng. Trứng được bán cho các siêu thị ở TP. Pleiku và các tỉnh: Đak Lak, Kon Tum, Bình Định với giá 2.500 đồng/quả. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông Phương thu lãi trên 100 triệu đồng/năm từ đàn vịt.

Ông Nguyễn Công Tuấn-Chủ tịch Hội Nông dân thị xã An Khê-cho biết: Hiện trên địa bàn thị xã có 12 hộ chăn nuôi vịt lấy trứng. Trong đó, gia đình ông Đước và ông Phương có số lượng đàn lớn. Hai hộ này đã tận dụng diện tích mặt nước ao hồ, cánh đồng để nuôi vịt từ nhiều năm nay. Vịt chạy đồng, thả trong ao hồ sẽ ăn các sinh vật phù du, cua ốc có bổ sung thức ăn hỗn hợp nên chất lượng trứng thơm ngon, mẫu mã đẹp được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người chăn nuôi. Khu vực nuôi nhốt xa khu dân cư, cách ly với nguồn bệnh nên vịt luôn khỏe mạnh. Đây là mô hình hay có thể áp dụng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu vật nuôi trên địa bàn thị xã. “Thời gian tới, Hội sẽ tổ chức cho hội viên, nông dân tham quan, học tập mô hình. Hội cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn giúp các hộ chăn nuôi vịt làm các thủ tục, giấy tờ đăng ký tem truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập”-ông Tuấn thông tin thêm.

NGỌC MINH

‘Gà nhà’ cạnh tranh với gà nhập ngoại

Nguồn tin: Báo Bình Định

Hơn 44 năm thâm niên sơ chế gà các loại cung cấp cho thị trường nhỏ, lẻ rồi đến các siêu thị, cửa hàng thực phẩm ở TP Quy Nhơn, bà Trương Thị Thanh Lang, chủ cơ sở giết mổ tập trung gia cầm Thanh Lang - Bình Minh, ở tổ 66, KV 8, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, khẳng định: “Đời sống kinh tế của người dân đã phát triển nên nhu cầu thực phẩm chế biến cũng tăng theo. Thực phẩm phải đạt chất lượng cao và hợp thị hiếu người tiêu dùng thì mới bán chạy được. Gà được nhập về cơ sở của chúng tôi chế biến phải loại gà giống chuẩn của Minh Dư, Cao Khanh ở trong tỉnh, đồng thời nuôi đủ tháng thì thịt mới chắc, ngon. Mỗi ngày, cơ sở giết mổ từ 700 - 1.000 con gà, trong đó chiếm đa số là gà ta thả vườn, được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm soát nghiêm ngặt Giá bán thịt gà dao động từ 80 - 120 nghìn đồng/kg...”.

Người tiêu dùng chọn mua thịt gà tại siêu thị Co.opmart Quy Nhơn.

Cơ sở Thanh Lang - Bình Minh cung cấp gà cho các siêu thị ở TP Quy Nhơn và TX An Nhơn như Co.opmart, Big C, Co.op Food... Hiện nay, hệ thống siêu thị Vinmart đang liên hệ để cơ sở này cung cấp thịt gà đảm bảo chất lượng, an toàn cho siêu thị được khai trương trong thời gian tới tại TP Quy Nhơn. Những năm qua, cơ sở của bà Thanh Lang được Sở NN&PTNT hỗ trợ máy móc trị giá 248 triệu đồng để sơ chế gà đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, cơ sở còn đầu tư hệ thống biogas, chuồng nhốt gà và thiết bị để dán, kít bao bì bắt mắt, tiện lợi.

Cùng với gà Thanh Lang - Bình Minh, cửa hàng gà sạch Hai Vương (đường Diên Hồng, TP Quy Nhơn) vừa khai trương bán các loại chân gà, cánh gà, đùi gà… có thương hiệu uy tín như C.P, Bình Minh, Minh Dư, Cao Khanh... Các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP Quy Nhơn cũng bày bán khá nhiều thịt gà được cung cấp từ các trang trại chăn nuôi gà lớn như An Kim, Anh Việt, Lạc Sơn...

Cơ sở Thanh Lang - Bình Minh đầu tư chuồng trại nhốt gà trước khi sơ chế bài bản.

Đầu tháng 10.2019, tại TP Quy Nhơn, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tổ chức họp bàn về chủ đề “Xây dựng thương hiệu của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam”. Trong cuộc họp, nhiều ý kiến khẳng định không ngại đương đầu với gà nhập ngoại. Ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty giống gia cầm Cao Khanh (xã Cát Tân, huyện Phù Cát), cho rằng: “Người chăn nuôi gà trong tỉnh, kể cả chăn nuôi ở quy mô nhỏ lẻ, nếu thiết lập được quy trình chăn nuôi chuẩn từ con giống đến tạo ra sản phẩm sạch, không tồn dư kháng sinh, chất cấm, miễn nhiễm với dịch bệnh với giá thành thấp thì hoàn toàn có thể cạnh tranh với gà nhập khẩu”.

Ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết hiện toàn tỉnh có tổng đàn gia cầm khoảng 7,2 triệu con, trong đó gà chiếm 5,2 triệu con và vịt chiếm gần 2 triệu con. So với năm trước, tổng đàn gia cầm của tỉnh không hề giảm.

Các cơ quan chức năng đã và sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi gà cải thiện chất lượng, quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn “gà nhà” thay vì thịt gà ngoại nhập.

Với nền tảng như đã nêu, người tiêu dùng hiện có thể lựa chọn sử dụng thịt gà sạch, an toàn của các cơ sở, DN chăn nuôi trong và ngoài tỉnh dễ dàng, thuận tiện mà đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng.

HẢI YẾN

Giải pháp để phát triển đàn bò thịt

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Mặc dù Đắk Nông được xem là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển đàn bò thịt, nhưng thực tế nghề này chỉ mới dừng lại ở việc xóa đói, giảm nghèo cho nông dân. Làm sao để vừa phát triển đàn bò thịt quy mô lớn, vừa nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi vẫn đang là câu hỏi cần có những đáp án cụ thể.

Chăn nuôi nhỏ lẻ

Mặc dù được đánh giá là địa phương có nhiều lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai để phát triển chăn nuôi, thế nhưng toàn tỉnh mới có 20 trang trại chăn nuôi bò với quy mô không lớn. Chủ yếu chăn nuôi bò vẫn ở dạng nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình…

Đàn bò ở Đắk Nông vẫn chủ yếu được nông dân nuôi ở quy mô nhỏ lẻ. Ảnh: Nông dân xã Đắk P'lao (Đắk Glong) chăn thả bò

Gia đình ông Lương Văn Kéo ở xã Nam Xuân (Krông Nô) là một trong những hộ tham gia Tổ hợp tác chăn nuôi bò hơn 10 năm nay tại. Theo ông Kéo, cái khó nhất trong chăn nuôi hiện nay là quy mô đàn bò ở nông hộ còn quá nhỏ. Do đó, ngành Chăn nuôi tỉnh làm sao giúp nông dân thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị.

Mong muốn của ông Kéo cũng là trăn trở chung của những người chăn nuôi bò trên địa bàn tỉnh. Bởi vì, ngoài câu chuyện tìm kiếm nguồn vốn, con giống đạt chất lượng để tăng đàn thì vấn đề lo lắng nhất của nông dân vẫn là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm mà mình tham gia sản xuất. Nói cách khác là có sự liên kết chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra trong chuỗi giá trị sản xuất.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Nô là địa phương có lợi thế cạnh tranh trong chăn nuôi. Tuy nhiên, để triển khai tốt chương trình phát triển giống bò thịt thì ngành Nông nghiệp cần đánh giá đúng thực trạng chăn nuôi của địa phương. Bởi xác định được thực trạng thì sẽ xây dựng được giải pháp khả thi để phát triển đàn bò những năm tới, nhất là vấn đề đầu ra cho nông dân.

Tổ chức lại khâu sản xuất

Theo kế hoạch phát triển đàn bò, ngành Nông nghiệp đặt mục tiêu đến 2025, tổng đàn bò của tỉnh đạt 37.000 con. Chất lượng đàn bò thịt đạt các chỉ tiêu kỹ thuật như: Khối lượng trưởng thành đạt 250 – 300 kg/con, tỷ lệ thịt xẻ đạt 45-50%. Vùng chăn nuôi bò tập trung tại các huyện: Krông Nô, Cư Jút, Tuy Đức và Đắk Glong. Giai đoạn 2025-2030, tổng đàn bò của tỉnh đạt 42.000 con, chất lượng đàn bò thịt đạt các tiêu chí kỹ thuật về khối lượng trưởng thành từ 300-350 kg/con, tỷ lệ thị xẻ đạt 50-55%...

Tính đến tháng 12/2018, tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh đạt 33.000 con, trong đó, đàn bò lai chiếm tỷ lệ 80%. Tuy nhiên, chất lượng giống bò thịt, trọng lượng và tỷ lệ thịt xẻ vẫn còn thấp. Sản phẩm thịt bò chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh cho biết, trong Chương trình phát triển giống bò thịt tập trung, ngành Nông nghiệp xác định thực hiện theo một quan điểm nhất quán. Đó là, tiếp tục cải thiện chất lượng và hình thành đàn bò thịt giống chất lượng cao, ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến. Bên cạnh đó, dần hình thành một số chuỗi liên kết và xây dựng thương hiệu giống bò thịt tỉnh Đắk Nông.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Tình, trong Chương trình phát triển giống bò thịt tập trung, tỉnh sẽ có chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp, người dân đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò thịt, tăng nhanh đàn bò cái nền lai zêbu. Nếu doanh nghiệp nhập bò cái giống cao sản để nuôi trực tiếp hoặc liên kết nuôi với hộ chăn nuôi thì được hỗ trợ bổ sung 10 triệu đồng/con. Chương trình cũng xây dựng các giải pháp hỗ trợ cụ thể về giống; thức ăn cho bò; kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh; tín dụng; đất đai; xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở giết mổ, bảo quản, chế biến thịt bò…

Đối với giải pháp về tổ chức sản xuất, Chương trình phát triển giống bò thịt sẽ định hướng phát triển chuỗi liên kết giữa các hộ chăn nuôi với nhau để hình thành nhóm nông hộ, hợp tác xã. Tỉnh cũng khuyến khích chăn nuôi bò thịt theo hướng trang trại, cơ giới hóa nhằm giảm công lao động, chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.

Nâng cao quy mô, chất lượng đàn bò thịt là cần thiết. Thế nhưng, làm thế nào để nông dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển đàn bò thịt thì lại cần rất nhiều những nỗ lực của các ngành, địa phương.

Bài, ảnh: Văn Tâm

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop