Hiệu quả bước đầu Đề án sản xuất 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao
Nguồn tin: Báo Long An
Nhằm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh và hướng đến xây dựng thương hiệu cho trái thanh long, huyện Châu Thành, Long An tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác gắn với thực hiện Đề án sản xuất 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), bước đầu mang lại hiệu quả.
Hiện nay, toàn huyện có 9.100ha thanh long, trong đó có 7.837ha cho trái. Sản lượng thanh long trên 300.000 tấn/năm. Bình quân, sau khi trừ chi phí, nông dân lãi từ 400-700 triệu đồng/ha/năm.
Sau 3 năm thực hiện Đề án sản xuất 2.000ha thanh long ƯDCNC, đến nay, huyện thực hiện được 2.077ha, đạt 103,9% với 3.520 hộ tham gia (trong đó, diện tích thực hiện mô hình điểm 849ha với 1.453 hộ, mô hình nhân rộng 1.228ha với 2.067 hộ tham gia). Toàn huyện có 130,31ha thanh long với 112 hộ được ngành chức năng cấp giấy chứng nhận VietGAP. Hiện tại, hồ sơ đăng ký sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định và thống nhất cho đơn vị tư vấn thực hiện tiếp với diện tích 167,33ha (321 hộ).
Mô hình tưới nước tiết kiệm cho cây thanh long ở xã Vĩnh Công
Huyện ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm triển khai sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Trong đó, mô hình tại xã Thanh Phú Long bước đầu đạt hiệu quả, tiếp tục nhân rộng. Ngoài ra, Công ty Cổ phần LaViFood sẽ hỗ trợ xây dựng chuỗi sản xuất giá trị, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho xã viên hợp tác xã (HTX) và nông dân, thu mua thanh long của các HTX trên địa bàn huyện. Trước mắt, công ty thu mua khoảng 270 tấn thanh long/tháng của các HTX thông qua Hiệp hội Thanh long tỉnh. Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ trao giấy chứng nhận mã số, mã vạch của Tổng cục Đo lường Chất lượng Việt Nam cho 5/13 HTX. Huyện củng cố 13 HTX hiện có với diện tích 397,85ha. Toàn huyện còn xây dựng được 104 mô hình tưới nước tiên tiến với diện tích trên 72ha; triển khai trình diễn được 8 máy băm cành thanh long để làm phân hữu cơ tại các xã: Hòa Phú, An Lục Long, Long Trì và thị trấn Tầm Vu.
Thực hiện Đề án 250ha thanh long ƯDCNC của xã Dương Xuân Hội, ấp Vĩnh Xuân A được giao thực hiện 70ha. Đến thời điểm này, ấp thực hiện đạt kế hoạch. Theo Bí thư Đảng ủy xã Dương Xuân Hội - Đỗ Phúc Hậu, trong quá trình triển khai sản xuất thanh long ƯDCNC, đa số nông dân đồng tình hưởng ứng. Tuy nhiên, không ít nông dân còn e ngại khi tham gia vào tổ hợp tác, HTX cũng như ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Để người dân tham gia, ngành chức năng cần đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Có thể nói, Đề án sản xuất 2.000ha thanh long ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đạt kết quả bước đầu, tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng, góp phần tăng lợi nhuận cho nông dân./.
Minh Trực
Những giống nhãn mới chất lượng cao ở Hưng Yên
Nguồn tin: Báo Hưng Yên
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp khoảng từ tháng 7 đến tháng 9, người trồng nhãn Hưng Yên lại nhộn nhịp bước vào mùa thu hoạch nhãn. Những chuyến xe của thương lái ở các tỉnh, thành phố nhộn nhịp tìm về các vùng trồng nhãn của tỉnh để đưa trái nhãn thơm ngon từ nhà vườn đi tiêu thụ… Bên cạnh những giống nhãn đường phèn, cùi vân, hương chi, Miền Thiết... đã làm nên thương hiệu, Hưng Yên còn có nhiều giống nhãn ngon, là đặc sản nổi tiếng như: nhãn T1, T6, nhãn siêu ngọt...
Cây nhãn siêu ngọt sai quả của gia đình ông Đỗ Văn Độ ở xã Bình Kiều (Khoái Châu)
Huyện Khoái Châu là “vựa” nhãn lớn của tỉnh Hưng Yên với diện tích trên 1.600ha, có 2 nhóm giống chính bao gồm: nhãn chín muộn Miền Thiết chiếm 80%; 10% là các giống nhãn chất lượng cao như T1, T6, nhãn siêu ngọt.
Các giống nhãn khá phong phú đáp ứng cho việc đa dạng cây trồng và rải vụ thu hoạch để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế. Trong đó, giống nhãn siêu ngọt được người dân nơi đây ví như “nhãn đường phèn lai” bởi có chất lượng và giá bán cao vượt trội so với những giống nhãn khác.
Đến thăm vườn nhãn của gia đình ông Nguyễn Văn Độ ở thôn Ninh Vũ, xã Bình Kiều vào đúng vụ thu hoạch. Trong vườn, ông và các thành viên trong gia đình đang nhanh tay thu hoạch, còn bên ngoài cửa vườn đã có rất đông khách đến chờ mua những chùm nhãn tươi ngon.
Ông Độ đã có trên 15 năm kinh nghiệm trồng nhãn. Với diện tích 2 mẫu, ông trồng các giống nhãn chất lượng cao là T1, T6, siêu ngọt (chiếm 70%), còn lại là giống nhãn Miền Thiết. Năm nay, mặc dù nhiều hộ trong xã bị mất mùa nhãn nhưng diện tích của gia đình ông vẫn cho sản lượng khá cao, đạt từ 3 - 3,5 tấn (trong đó 90% là nhãn chất lượng cao). Với chất lượng thơm ngon đặc trưng nên hầu hết nhãn quả của gia đình ông được khách hàng đặt mua làm quà biếu từ đầu vụ với giá 60.000 đồng/kg. Với giá bán này, ông ước thu khoảng 200 triệu đồng.
Ông Độ cho biết: “Nhãn siêu ngọt dễ dàng phân biệt với các loại nhãn khác. Lá có màu xanh bóng mặt trên nhẵn, phần dưới thô ráp nhạt màu, lá thuôn dài. Vỏ quả nhãn có màu vàng ươm hơi giống mầu da lươn trơn mà không bị xù xì. Cùi có màu trắng ngà, dày, nhiều nước và hạt nhỏ. Khi ăn có vị ngọt đậm tan dần trên đầu lưỡi mà không loại nhãn nào có được. Nhãn siêu ngọt khi chín có trọng lượng trung bình 55 - 65 quả/kg. Giống nhãn này thu hoạch vào chính vụ trong tháng 8 dương lịch”.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu cho biết: “Cây nhãn siêu ngọt rất dễ trồng và chăm sóc lại ít sâu bệnh do được chọn lọc và lai tạo từ cây nhãn thuần chủng nên có khả năng kháng một số loại sâu bệnh cơ bản và quả nhãn cho chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. Chính vì vậy mà hiện nay rất nhiều nông dân trong huyện đã chọn cây nhãn siêu ngọt trồng để phát triển kinh tế. Với chất lượng và giá bán cao như vậy nên chúng tôi khuyến cáo nông dân nên lựa chọn những bộ giống tốt, có năng suất, chất lượng cao như T1, T6, siêu ngọt để trồng. Bên cạnh đó, nông dân tích cực sản xuất nhãn theo hướng VietGap, mở rộng vùng trồng nhãn an toàn... để nâng cao năng suất, chất lượng”.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay toàn tỉnh có gần 4.500ha nhãn. Trong đó 2 giống nhãn chủ đạo là Hương Chi và nhãn chín muộn Khoái Châu chiếm khoảng 80% tổng diện tích nhãn toàn tỉnh. Diện tích một số giống nhãn chất lượng cao như T1, T6, nhãn siêu ngọt... chiếm tỷ lệ nhỏ được trồng chủ yếu ở các huyện Khoái Châu, Kim Động, thành phố Hưng Yên... Cùng với đưa vào trồng các giống nhãn chất lượng cao, những năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn thực hiện thành công nhiều mô hình thâm canh nhãn theo hướng VietGap. Mục đích của các mô hình này là hỗ trợ phát triển, mở rộng diện tích trồng nhãn an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, từ đó tạo ra các sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Hương Giang
Ngọt thơm nhãn chín muộn
Nguồn tin: Báo Hưng Yên
Vào cuối tháng 8, khi trà nhãn chính vụ đã cơ bản thu hoạch xong, nhiều nhà vườn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên lại tiếp tục thu hoạch các diện tích nhãn chín muộn. Vụ nhãn muộn năm nay tuy giảm sản lượng nhưng bù lại được giá cao nên nông dân trồng nhãn rất phấn khởi.
Giống nhãn chín muộn T1 của gia đình anh Trần Văn Pháp ở xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên)
Gia đình anh Trần Văn Pháp ở xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) hiện trồng 2,7 mẫu nhãn, trong đó có 0,3 mẫu nhãn chín muộn. Sau khi cơ bản thu hoạch xong trà chính vụ thì anh Pháp lại tiếp tục vào vụ thu nhãn chín muộn. Những ngày này, anh thường xuyên có mặt ở vườn nhãn để thu hoạch nhãn xuất bán cho các thương lái và khách hàng đến mua lẻ.
Giống nhãn muộn anh Pháp đang trồng là nhãn T1, T2. Đặc trưng của hai giống nhãn T1 (quả vẹo) và T2 (quả tròn) là quả to, mọng, mã quả sáng đẹp, cùi dày, ăn giòn, vị ngọt thanh đậm nên được rất nhiều người tiêu dùng ưa thích.
Theo anh Pháp: “Đây là hai giống nhãn khá khó tính, yêu cầu kỹ thuật cao nên nên dù trồng được gần 10 năm nhưng mới chỉ cho thu hoạch ổn định được 4 năm. Năm 2018, vườn nhãn muộn cho sản lượng gần 1 tấn quả, giá bán tại vườn trung bình 35.000 đồng/kg. Năm nay sản lượng ước giảm khoảng 50%, đạt từ 4 – 5 tạ nhưng đã có thương lái đến tận vườn đặt mua với mức giá 40.000 – 50.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với nhãn thường”.
Với khoảng 1.600ha nhãn đang cho thu hoạch, huyện Khoái Châu được coi là “thủ phủ” nhãn muộn của tỉnh Hưng Yên, tập trung chủ yếu ở các xã Hàm Tử, Đông Kết, Bình Kiều, An Vĩ, Ông Đình...
Vườn nhãn siêu ngọt của ông Nguyễn Văn Huynh ở xã Hàm Tử (Khoái Châu)
Ông Nguyễn Văn Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu cho biết: Bên cạnh giống nhãn chủ đạo là nhãn chín muộn Miền Thiết, những năm gần đây nông dân huyện Khoái Châu trồng thêm một số giống nhãn chín muộn mới chất lượng cao như: nhãn siêu ngọt, nhãn T1, T2... Với mẫu mã đẹp, quả to, chất lượng thơm ngon, các giống nhãn chín muộn này đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng.
Với kinh nghiệm sản xuất nhãn gần 30 năm, chưa năm nào vườn nhãn của gia đình ông Nguyễn Văn Huynh ở xã Hàm Tử (Khoái Châu) bị thất thu. Năm nay, trong khi nhiều hộ trong xã bị mất mùa nhưng vườn nhãn nhà ông Huynh vẫn sai quả.
Theo chân ông Huynh đi thăm vườn nhãn siêu ngọt có diện tích 0,4 mẫu của gia đình, chúng tôi được thỏa mắt ngắm nhìn những chùm nhãn sai lúc lỉu, sa xuống sát tay người. Ông Huynh vui vẻ cho biết: “Nhãn siêu ngọt có đặc điểm vỏ mỏng, hạt nhỏ, ăn rất thơm và ngọt sắc. Do thời gian chín muộn, chất lượng quả ngon nên giá bán cao gấp 1,5 – 2 lần nhãn chính vụ, không phải lo đầu ra vì chủ yếu được khách hàng quen đặt trước để làm quà biếu hoặc được nhiều thương lái từ nhiều tỉnh, thành phố lân cận về đặt mua tại vườn. Vụ nhãn năm ngoái, gia đình tôi thu hoạch được trên 2 tấn quả, được thương lái thu mua tại vườn với giá 30.000 đồng/kg. Năm nay sản lượng giảm chỉ đạt khoảng 1,5 tấn nhưng thời điểm này khách hàng đã đến đặt mua toàn bộ với giá 40.000 đồng/kg”.
Theo chia sẻ của các hộ trồng nhãn muộn lâu năm ở một số địa phương có diện tích nhãn chín muộn lớn như xã Hồng Nam, Tân Hưng (thành phố Hưng Yên), xã Hàm Tử (Khoái Châu), việc trồng nhãn chín muộn cũng phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu từng năm. Đặc biệt, người trồng phải có kỹ thuật thâm canh tốt. Dù đây là các giống nhãn chín muộn tự nhiên nếu muốn cây cho thu hoạch vào thời điểm như mong muốn, người trồng phải biết can thiệp vào quá trình ra lộc hoa của cây bằng cách tiện vỏ xung quanh gốc, nắm được kỹ thuật tỉa hoa, tỉa cành, tạo tán để ép nhãn ra hoa đúng thời điểm…
Hiện nay, toàn tỉnh trồng hơn 4.000 ha nhãn, trong đó diện tích đã đến thời kỳ cho khai thác quả hơn 3.000 ha. Nhãn cho thu hoạch vào 3 trà: nhãn chín sớm, nhãn chín chính vụ và nhãn chín muộn. Trà nhãn chín muộn trồng chủ yếu trên địa bàn huyện Khoái Châu và một số địa phương thuộc thành phố Hưng Yên, cho thu hoạch rộ từ cuối tháng 8, đầu tháng 9 với các giống nhãn chủ yếu là Miền Thiết, T1, T2, siêu ngọt...
Trồng nhãn chín muộn là một trong những giải pháp giúp nông dân thu hoạch nhãn rải vụ, tránh bị thương lái ép giá, mang lại hiệu quả kinh tế cho người trồng. Để giữ vững thương hiệu và nâng cao hiệu quả kinh tế từ đặc sản nhãn lồng Hưng Yên, người trồng nhãn cần tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật sản xuất nhãn bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; các địa phương và chủ vườn chủ động liên kết với doanh nghiệp, siêu thị và thị trường có tiềm năng để tiêu thụ nhãn, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Dương Miền
50 triệu đồng một kg ớt 'đắt nhất thế giới'
Nguồn tin: VNExpress
Ớt chaparita đã được nhân giống ở Việt Nam và bán thử nghiệm với giá 50 triệu đồng một kg khô, rẻ hơn chục lần hàng nhập khẩu.
Được mệnh danh là gia vị đắt nhất thế giới, và ít được trồng đại trà nên ớt charapita càng trở nên quý hiếm. Nông sản này liên tục tạo "cơn sốt" ở Việt Nam khi được nhiều nhà hàng cao cấp và giới nhà giàu săn đón. Ở một số quốc gia, giá của loại này được bán cho các nhà hàng cao cấp tới 25.000 USD một kg, tức hơn nửa tỷ đồng.
Nắm bắt được nhu cầu, cách đây 2 năm, ông Cường, ở Đăk Nông đã nhập khẩu giống ớt charapita từ châu Âu về trồng thành công tại khu vườn của mình và nhân rộng chúng lên được hơn 20.000 cây. Hiện khu vườn ớt nhà ông Cường cho trái đợt đầu với số lượng vài chục kg.
Ớt charapita có vị cay hơn hẳn các loại ớt khác.
"Vì ra bói đợt đầu nên tôi mới chỉ mở bán cho các nhà hàng hoặc người dân có nhu cầu với giá 10 triệu đồng một kg tươi và 50 triệu đồng một kg khô để theo dõi xu hướng tiêu dùng. Ngoài mục đích bán trong nước, tôi cũng đang tìm thị trường nước ngoài để xuất khẩu", ông Cường nói và cho biết, loại cây này không quá khó trồng, chỉ cần biết kỹ thuật là cây cho trái đều.
Theo chị Thảo, người phân phối sản phẩm này, ớt charapita vốn dĩ đắt đỏ vì có các thành phần tốt cho sức khỏe, có thể giúp giảm đau, hỗ trợ tiêu hóa và chống viêm nhiễm tốt. Lượng vitamin C trong mỗi quả ớt lên đến 76,4 mg (tương đương với một quả cam trọng lượng trung bình), đây là chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa quá trình lão hóa lên các tế bào. Ngoài ra, hàm lượng cao vitamin A có trong ớt charapita còn giúp sáng mắt, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng của mắt.
Giống ớt charapita được trồng ở Việt Nam.
Giống ớt charapita có nguồn gốc từ Peru, đa phần mọc hoang dại. Chúng là loại cây trung hạn, có độ cao 40 - 55 cm, tán rộng 35 - 45 cm, sinh trưởng tốt khi ở nhiệt độ 16 - 45 độ C, cho thu hoạch quả sau 90 ngày. Mỗi cây có hàng trăm quả nhỏ tròn, màu đỏ hoặc vàng, nhưng màu vàng phổ biến hơn cả.
Độ cay của ớt charapita lên tới 30.000 đến 50.000 độ cay Scolville, thậm chí còn cao gấp 4-20 lần ớt jalapeño nổi tiếng. Theo mô tả, độ cay này thậm chí có thể "làm thủng" lưỡi, được khuyến cáo không nên ăn tươi.
Loại ớt này chủ yếu được dùng dưới dạng bột và được các đầu bếp đẳng cấp thế giới đánh giá cao. Ớt charapita thường được cho vào các món súp, thêm vào món salad, thịt...
Hồng Châu
Sáng kiến mô hình nhà phơi sấy cà phê của một cựu chiến binh
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Cựu chiến binh (CCB) Phạm Bá Minh ở thôn 14, xã Pơng Drang (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) là điển hình trong phong trào CCB gương mẫu làm kinh tế giỏi ở địa phương. Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả sản xuất, gia đình ông Minh đã mạnh dạn triển khai mô hình nhà màng phơi, sấy cà phê.
Vợ chồng ông Minh đều là bộ đội, sau khi xuất ngũ về lập nghiệp tại thôn 14, xã Pơng Drang. Không chỉ tham gia tốt công tác địa phương, vợ chồng ông còn tích cực tăng gia sản xuất, chịu khó thức khuya dậy sớm chăm sóc gần 3 ha cà phê.
Qua thời gian sản xuất, ông Minh nhận thấy địa phương là vùng chuyên canh cây cà phê nhưng vào mùa thu hoạch, nông dân rất vất vả, tốn nhiều công sức cho việc phơi sấy. Cà phê chủ yếu được phơi trên nền bê tông hoặc nền đất trải bạt. Hầu hết các hộ gia đình khi phơi cà phê đều phải canh trời để kịp cào cà phê, lấy bạt che chắn mỗi khi trời mưa. Từ thực tế ấy, trăn trở với việc tìm giải pháp phơi cà phê nhanh khô và an toàn, thân thiện với môi trường, giảm thiểu sức lao động, vợ chồng ông Minh bàn bạc với các con triển khai ý tưởng làm mô hình nhà phơi cà phê. Sau nhiều thử nghiệm, hệ thống nhà phơi cà phê của gia đình ông đã hoàn thành.
Ông Phạm Bá Minh giới thiệu giàn lưới sắt phơi cà phê hai tầng.
Mô hình nhà phơi cà phê của gia đình ông Minh giống như một nhà kính được làm bằng khung thép, lợp che phủ mái bằng màng nhà kính nhựa PE phủ kín từ nóc, tứ bề đổ xuống nền xi măng. Mái nhà là mái vòm có một số lỗ gần mái nhà để không khí có thể lưu thông. Trong nhà có hai tầng đặt giá lưới sắt là nơi dùng để phơi cà phê. Khi trời nắng, nếu nhiệt độ ngoài trời 30 độ C thì ở trong nhà tầm 50 - 60 độ C, cà phê rất mau khô. Nếu trời mưa, cà phê không ảnh hưởng gì. Theo ông Minh, chi phí làm nhà phơi cà phê của gia đình là 40 triệu đồng. Tầng phơi cà phê trong nhà thì có thể làm 2 - 3 hoặc 4 tầng. Vợ chồng ông dự kiến sẽ làm thêm một nhà phơi nữa với diện tích rộng hơn nhà cũ.
Ông Minh bên trong mô hình nhà phơi cà phê của gia đình.
Nhiều hộ nông dân đến tham quan nhận xét nhà phơi này như một máy sấy, hiệu quả hơn nhiều so với phơi trên nền sân xi măng. Công việc đưa vào phơi và thu hồi hạt nhân cà phê đã giảm 50% công sức và chi phí, việc phân loại chất lượng dễ dàng hơn nhiều. Chất lượng cà phê được cải thiện bởi độ ẩm của hạt cà phê đã được giảm xuống, không bị bẩn, nấm mốc, không tiếp xúc với bụi đất và rác thải khác từ môi trường ngoài trời. Ngoài phơi cà phê, nhà phơi này còn có thể sử dụng để phơi nhiều loại hạt, quả khác nhau như: Mắc ca, sa chi, ngô, tiêu, điều…
Dạ Yến Thảo
Ngành hồ tiêu Việt Nam cần tập trung vào chế biến sâu
Nguồn tin: Cổng TTĐT Bộ NN-PTNT
Ngày 23/8, tại thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã diễn ra Hội nghị phát triển hồ tiêu bền vững, đáp ứng yêu cầu các hiệp định thương mại tự do. Hội nghị được tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công Thương, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ban, ngành các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước… cùng đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất, chế biến hồ tiêu trong và ngoài nước. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh tham dự Hội nghị.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị
Theo Bộ NN&PTNT, những năm gần đây, diện tích hồ tiêu nước ta tăng nhanh. Năm 2001, cả nước có trên 35 nghìn ha thì đến năm 2010 tăng lên 51 nghìn ha. Diện tích sau đó tiếp tục tăng mạnh và đến năm 2019 vào khoảng 140 nghìn ha.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, Việt Nam đang là quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu khi chiếm trên 40% sản lượng và trên 60% thị phần hồ tiêu thế giới.
Việt Nam đang xuất khẩu tiêu đến 105 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Mỹ tiêu thụ số lượng lớn với khoảng gần 27 nghìn tấn. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt con số kỷ lục 1,4 tỷ USD và 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu khoảng 463 triệu USD.
Theo ông Lê Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), ngành sản xuất hồ tiêu của Việt Nam chưa bền vững do diện tích tăng nhanh, đặc biệt là tăng nóng ở những vùng không phù hợp.
Theo quy hoạch tại Quyết định số 1442/QĐ-BNN-TT năm 2014 của Bộ NN-PTNT, đến năm 2020 tầm nhìn 2030, diện tích hồ tiêu cả nước khoảng 50.000 ha. Tuy nhiên, đến nay, diện tích tiêu đã tăng lên 140.000 ha.
Toàn cảnh Hội nghị phát triển hồ tiêu bền vững
Một trong những nguyên nhân đe dọa sự phát triển bền vững cây tiêu là yếu tố dịch bệnh và công tác giống còn nhiều hạn chế. Trong đó, hồ tiêu bị chết nhanh, bệnh héo vàng, xoăn lá, thán thư hoặc các bệnh do vi rút, tuyến trùng hại rễ đang phổ biến và gây thiệt hại nặng cho sản xuất. Công tác về nghiên cứu, chọn giống mới, sản xuất hồ tiêu sạch bệnh, tuyển và công nhận cây đầu dòng, vườn đầu dòng chưa được các tỉnh quan tâm thực hiện.
Hiện nay, thị trường Mỹ và các nước EU kiểm soát chặt về dư lượng hóa chất trên hồ tiêu nên việc xuất khẩu nông sản này gặp nhiều thử thách. Về cơ bản, ngành hồ tiêu Việt Nam đang sản xuất chạy theo năng suất mà bỏ qua chất lượng và an toàn thực phẩm nên không đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu. Công nghệ chế biến chủ yếu chế biến thô, ít cơ sở chế biến có công nghệ hiện đại nên giá trị không cao.
Bà Hoàng Thị Liên, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu thế giới cho biết Việt Nam là quốc gia có lợi thế về sản xuất hồ tiêu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều quốc gia khác đang “trỗi dậy” nên thị phần về nhóm hàng này của chúng ta ở thị trường thế giới đang giảm dần. Việt Nam cần có sự phát triển phù hợp, người nông dân cần sản xuất theo các tiêu chí sạch để chinh phục những thị trường khó tính như EU và các quốc gia khác.
Đại diện tỉnh Bình Phước cho biết tỉnh có thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Hiện nay, hồ tiêu được xác định là 1 trong 3 cây trồng chủ lực của tỉnh sau cao su và điều. Tỉnh này hiện có khoảng 17 nghìn ha tiêu và đã vượt quy hoạch dự kiến.
“Gần đây, 3 cây chủ lực đều khó khăn vì giá xuống sâu, kéo dài nhiều năm. Cây hồ tiêu rất khó khăn về giá, sản xuất tự phát, vốn lớn, sâu bệnh, nhân công ít. Hiện nay liên kết được với một doanh nghiệp của Hà Lan với khoảng 2 nghìn ha. Chúng tôi hướng dẫn người dân chuyển đổi mô hình sản xuất để phù hợp với thị trường, xây dựng liên kết sản xuất và tiêu thụ. Nông dân gặp khó khi nợ ngân hàng ngắn hạn nên nông dân buộc phải bán tiêu với bất cứ giá nào để trả nợ. Điều này dẫn đến việc nhiều hộ rơi vào cảnh dễ bị phá sản", đại diện tỉnh Bình Phước cho biết.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh ngành hồ tiêu là ngành quan trọng của Việt Nam và có nhiều lợi thế. Với năng suất đứng số 1 thế giới, sức cạnh tranh vẫn còn rất lớn.
"Thời điểm này, có một số khó khăn, hạn chế, ảnh hưởng đến sản xuất, ảnh hưởng cuộc sống người dân, nhiều gia đình không còn vốn để đầu tư. Dịch bệnh và các rủi ro khác đều là hệ lụy của việc tăng nóng diện tích. Bộ đề nghị các địa phương cố gắng ổn định diện tích để cả nước có khoảng 100.000 ha. Đối với những diện tích cây bị bệnh, chết, kém hiệu quả thì không trồng lại và chuyển qua cây trồng khác như măng cụt, bơ, xoài…”, Thứ trưởng Doanh nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng, ngành hồ tiêu cần coi trọng chất lượng sản xuất, hướng đến mô hình hữu cơ. Thứ trưởng đề nghị Bộ Công thương phối hợp cùng Bộ NN&PTNT hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hồ tiêu trong hoạt động để nâng cao giá trị cho sản phẩm. Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước cùng các Bộ, ngành về vấn đề hỗ trợ nông dân trong sản xuất.
Ban biên tập tổng hợp
Thu nhập ổn định nhờ trồng điên điển nghịch mùa
Nguồn tin: Báo Long An
Với 1.500m2 đất trồng cây điên điển nghịch mùa, anh Nguyễn Văn Hoài Thanh, ấp Vườn Chuối, xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An có thu nhập ổn định. Mỗi ngày, anh có thu nhập khoảng 300.000 đồng từ bán bông điên điển.
Trước đây, người dân miền Tây nói chung và Long An nói riêng, muốn ăn bông điên điển phải đợi đến mùa lũ về, còn ngày nay, bất cứ thời điểm nào trong năm thì cũng có thể thưởng thức loại đặc sản này.
Đầu năm 2019, trong một chuyến về quê thăm người thân ở tỉnh An Giang, tình cờ, anh Nguyễn Văn Hoài Thanh biết được mô hình trồng điên điển lấy bông cho hiệu quả kinh tế của người dân nơi đây. Sau khi trở về quê, vào tháng 02/2019, anh quyết định thuê 1.500m2 đất sản xuất lúa lên liếp và mua giống điên điển Thái về trồng.
Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế mô hình của gia đình, sau hơn 3 tháng, cây điên điển phát triển tốt, bắt đầu ra bông và cho thu hoạch. Hiện, với hơn 1.000 gốc điên điển, mỗi ngày, anh Thanh thu hoạch từ 10 - 12kg, giá bán 40.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí (phân, công hái, chi phí khác,…) thì thu nhập khoảng 300.000 đồng/ngày.
Theo anh Thanh, cây điên điển Thái rất dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp, có ưu điểm vượt trội so với bông điên điển địa phương: Bông dài, to và dày nên rất nặng ký, ăn giòn, từ khi cho thu hoạch có thể kéo dài khoảng 1 năm và hái bông mỗi ngày.
Việc thu hoạch bông điên điển chủ yếu vào sáng sớm, thời gian còn lại trong ngày, anh có thể làm những công việc khác để tăng thu nhập.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Châu A, huyện Tân Hưng - Ngô Quốc Cường cho biết, thời gian qua, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả: Mô hình nuôi ếch, lươn; mô hình nuôi cá lóc mùa lũ;... Riêng mô hình trồng cây điên điển lấy bông của anh Thanh bước đầu mang lại hiệu quả, giúp gia đình có được nguồn thu nhập và vươn lên ổn định cuộc sống./.
Văn Đát
Hạn chế lãng phí rơm rạ
Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế
Sử dụng máy cuốn thu gom rơm phục vụ sản xuất nông nghiệp mở ra triển vọng mới trong việc hạn chế đốt rơm rạ, sử dụng hiệu quả nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp.
Trình diễn máy cuốn rơm tại Phong Hiền
Vụ hè thu năm 2019, anh Hoàng Công Tấn, thôn Cao Xá, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế làm 1,5 mẫu ruộng. Mọi năm, anh mất gần 1 tuần để phơi, thu gom, vận chuyển rơm về nhà sau thu hoạch. Công việc thu gom, vận chuyển rất vất vả, cần nhiều nhân lực. Vụ hè thu năm nay, anh chỉ cần 1 ngày phơi rơm và 1 buổi để thu gom tất cả về nhà.
Theo anh Tấn, năm nay, gia đình anh nhận được hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông (TTKN) máy cuốn rơm MRB 0850B. Máy được lắp đặt vào hệ thống máy kéo Kubota có sẵn của gia đình nên việc đầu tư đối ứng 50% (theo quy định của TTKN) với gia đình không quá khó khăn.
Máy cuốn rơm có thể hoạt động tốt trên nền ruộng khô và ẩm ướt. Cơ chế vận hành máy khá đơn giản, rơm sẽ được trục bánh răng của máy cuốn vào và được nén chặt bởi trục cuộn nằm phía trong. Sau khi cuộn rơm đạt tiêu chuẩn kích thước và trọng lượng, máy sẽ có hệ thống báo hiệu tự động bằng còi. Tiếp theo, rơm sẽ được buộc lại bởi hệ thống dây quấn, thắt nút cắt tự động và cuộn rơm sẽ được nhả ra ngoài bởi bơm thủy lực đẩy mở cửa.
Mỗi cuộn rơm hoàn thành trung bình trong thời gian từ 35 – 45 giây. Công suất thu gom rơm đạt từ 50-80 cuộn/giờ (công suất thực tế lệ thuộc trữ lượng rơm, tính hoạt động liên tục của máy), trung bình mỗi sào thu được 6-10 bó rơm. Máy có thể thu gom 4 ha/ngày, tương ứng với 600 cuộn rơm.
“Ngoài làm nông, gia đình tôi đang phát triển trang trại theo mô hình VAC, mỗi năm chăn nuôi gần 100 con trâu bò, gần 1.000 con gà… nên nhu cầu rơm làm thức ăn, độn chuồng, che phủ cây trồng từ 60 tấn rơm khô/năm. Thường tôi tốn rất nhiều thời gian thu gom rơm về dự trữ, diện tích chứa rơm cũng rất khó khăn, việc cất giữ cũng không mấy thuận lợi. Vì thế, máy thu gom, cuốn rơm giúp gia đình rất nhiều trong quá trình thu gom, lưu trữ rơm”, anh Tấn chia sẻ.
Ông Châu Ngọc Phi, Giám đốc TTKN tỉnh nhẩm tính, mỗi năm toàn tỉnh gieo cấy 54,5 ngàn ha lúa. Nếu mỗi ha lúa cho 4 tấn rơm khô sau thu hoạch thì lượng rơm khô thải trên đồng ruộng khoảng 220 ngàn tấn, chưa tính gốc rạ. Hiện phần lớn rơm rạ sau thu hoạch được đốt ngay trên đồng, gây hại rất lớn cho môi trường sức khỏe con người và lãng phí.
Việc đốt rơm rạ khiến các loại côn trùng có ích bị tiêu diệt gây mất cân bằng sinh thái đồng ruộng, sâu bệnh phát triển, việc đốt cháy rơm rạ sẽ khiến đất trồng lúa bị khô cằn, mất nước, chất dinh dưỡng. Ngoài ra, việc đốt rơm rạ phát sinh khói gây ô nhiễm không khí, gây hiệu ứng nhà kính…
Chỉ một số ít rơm rạ được người dân thu gom làm nguyên liệu trồng nấm rơm, cho bò ăn…tuy nhiên việc thu gom bằng phương pháp thủ công, mất thời gian lại tốn nhiều chi phí. Vì thế, mô hình ứng dụng máy cuốn rơm để thu gom rơm phục vụ sản xuất nông nghiệp giúp nông dân giảm chi phí thu gom rơm; giảm ngộ độc hữu cơ trong sản xuất lúa; giảm ô nhiễm môi trường do hạn chế đốt đồng; cung cấp nguồn nguyên liệu phát triển nghề trồng rau, nấm rơm, chăn nuôi bò… góp phần hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững.
Ông Hồ Vang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ ở Khánh Hòa, cách đây 3 năm tình trạng đốt rơm rạ, lãng phí rơm diễn ra thường xuyên thì nay đưa máy này vào vận hành tình trạng đốt rơm trên đồng đã hạn chế. Người nông dân thay vì lãng phí rơm rạ giờ có thêm thu nhập từ 200-300 ngàn đồng/sào từ việc thu gom rơm rạ, việc tái sử dụng rơm rạ cũng mang lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.
Theo ông Vang, chính quyền địa phương, các HTX nên tăng cường tuyên truyền người dân hạn chế việc đốt rơm rạ trên cánh đồng, nhân rộng các mô hình tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp tái sản xuất hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Bài, ảnh: Hoàng Loan
Những ‘nhà khoa học’ nông dân
Nguồn tin: Báo Bắc Giang
Bằng sự nhạy bén, ham học hỏi và đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn lao động, nhiều nông dân trong tỉnh Bắc Giang đã tạo ra sản phẩm hữu ích, phương pháp mới trong sản xuất. Qua đó giúp tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhà nông. Báo Bắc Giang giới thiệu một số cách làm sáng tạo.
Chế phẩm sinh học diệt ruồi vàng
Có nhiều kinh nghiệm trong canh tác nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Khương (SN 1977), thôn Danh Thượng 3, xã Danh Thắng (Hiệp Hòa) tìm tòi, điều chế ra một loại sản phẩm có nguồn gốc sinh học để diệt ruồi vàng hại quả.
Ông Nguyễn Văn Khương, thôn Danh Thượng 3, xã Danh Thắng (Hiệp Hòa) sử dụng chế phẩm chống ruồi vàng tại vườn bưởi của gia đình.
Được biết, trước kia với hơn 5,4 nghìn m2 đất quanh năm trồng su su, mướp đắng nhưng quả đang trong thời kỳ phát triển thường bị thối, vàng, rụng không được thu hoạch. Qua quan sát và tìm hiểu, ông chủ vườn biết bệnh này do một loại ruồi vàng gây hại.
Phần lớn quả bị côn trùng chích hút sẽ không phát triển dẫn tới thối, rụng, ảnh hưởng chất lượng sản phẩm. Để hạn chế thiệt hại, nhà vườn phải phun nhiều lần thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, cứ sau một tuần phun thuốc là ruồi xuất hiện trở lại gây hại.
Quyết tâm tìm ra phương pháp hạn chế ruồi vàng gây hại trong sản xuất, ông Khương đã mày mò nghiên cứu tạo ra chế phẩm ngay từ những nguyên liệu sẵn có như: Gạo, hạt na, hạt củ đậu, tỏi… Năm 2005, sau khi chế tạo, phối trộn thành công nguyên liệu, ông Khương dùng thử nghiệm cho diện tích su su và mướp đắng của gia đình. Ngay sau một ngày sử dụng ruồi bay đi hết; thời gian ruồi quay lại cũng khá lâu.
Nhận thấy hiệu quả khả quan, ông tiếp tục hoàn thiện sản phẩm. Theo đó, tất cả những nguyên liệu như: Gạo, hạt na, hạt củ đậu, tỏi… đều được ủ lên men; sau đó nghiền thành bột trộn đều với nhau theo tỷ lệ thích hợp. Tiếp tục sử dụng bột đã phối trộn hòa tan trong nước với tỷ lệ 1 gam chế phẩm với 20 lít nước rồi đổ thấm ướt vào mặt dưới của một miếng xốp, nhựa để che được nước mưa tránh rửa trôi dung dịch và treo trên thân cây với mật độ khoảng 2 m.
Với phương pháp này, ngoài diện tích su su, mướp đắng, 6 năm qua hơn 300 gốc bưởi Diễn của gia đình ông không bị ruồi gây hại, mã đẹp, sản phẩm bảo đảm chất lượng; mỗi năm cho thu về hàng trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Danh Thắng cho biết: “Trước mắt việc nghiên cứu sử dụng thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh của ông Khương đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện Hội Nông dân tỉnh cùng cơ quan chuyên môn đang nghiên cứu, xem xét, đánh giá khoa học để đưa ra công thức, nồng độ chuẩn trước khi nhân rộng”.
Gậy cắt tỉa cành cây, hái quả
Yêu nghề nông, ông Nguyễn Văn Nhẫn (SN 1973), thôn Mỏ Thổ, xã Minh Đức (Việt Yên) đã cải tiến nhiều loại máy móc, công cụ phục vụ bà con.
Ông Nguyễn Văn Nhẫn, thôn Mỏ Thổ, xã Minh Đức (Việt Yên) sản xuất gậy cắt tỉa cành cây, hái quả.
Nhà có cây sấu to, gần chục năm trước, mỗi khi đến mùa thu hoạch cả gia đình ông lại tập trung loay hoay đủ cách mà vẫn không sao hái hết những quả trên ngọn. Cùng đó việc cắt tỉa cành vệ sinh cho cây đón vụ mới lại càng khó khăn hơn bởi cây khá cao.Từ thực tế này, năm 2011, ông Nhẫn quyết tâm sáng chế ra chiếc gậy giúp hái quả và cắt tỉa cảnh cây tiện lợi.
Chiếc gậy có thiết kế khá đơn giản. Thân gậy làm bằng cây trúc dài từ 5-7 m, đầu gậy có gắn lưỡi thép thiết kế theo dạng kìm cộng lực nối với nhau bằng dây kéo. Người sử dụng chỉ cần đưa lưỡi thép vào đúng vị trí cành cần tỉa và dùng sức bóp chặt kìm cộng lực phía dưới là hoàn thiện công việc. Khi người dùng sử dụng để hái quả có thể gắn thêm vào đó túi vải để quả không bị rơi xuống đất.
Ban đầu sản phẩm được ông sử dụng trong gia đình. Sau đó nhiều người biết tới đã đến đặt mua. Từ đó đến nay, ông Nhẫn sản xuất và bán ra thị trường hàng trăm chiếc gậy cắt tỉa cành và hái hoa quả với giá chỉ hơn 100 nghìn đồng/chiếc. Tiếng lành đồn xa, hiện nhiều cửa hàng bán đồ gia dụng trong huyện cũng đến tận nhà ông đặt hàng để kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Thìn ở thôn Ngân Đài cùng xã chia sẻ: “Nhà tôi có 300 cây ăn quả các loại. Trước đây, việc cắt tỉa cành cây hay thu hái quả đều phải leo trèo. Hai năm nay, sử dụng chiếc gậy cắt cành của ông Nhẫn, tôi chỉ cần đứng dưới đất điều khiển gậy là có thể hái quả hay tỉa cành đều được. Trường hợp có tổ ong, tổ kiến cũng không sợ bị chúng đốt như trước kia”.
Không chỉ sáng tạo ra chiếc gậy cắt cành, hái quả, ông Nhẫn còn cải tiến các loại máy cấy kéo tay, máy cấy chạy bằng mô tơ (bán tự động), máy cấy mạ dược, máy tuốt hạt ngô, máy thái cỏ voi, dụng cụ tra phân, gieo hạt tự phục vụ sản xuất của gia đình.
Nhân giống nấm bằng dịch thể
Thông thường, giống nấm được sản xuất theo cách truyền thống là sử dụng chất rắn (ngô, thóc và que sắn...) sau đó cấy phôi giống và nuôi dưỡng tại môi trường đó. Thế nhưng, anh Lương Văn Tú (SN 1979), thôn Chùa, xã Dương Đức (Lạng Giang) đã nhân giống nấm bằng dịch thể (ở dạng chất lỏng).
Mô hình sản xuất nấm bằng dịch thể của anh Lương Văn Tú, thôn Chùa, xã Dương Đức (Lạng Giang).
Phương pháp này giống nấm được nuôi dưỡng trong môi trường dịch thể thông qua quá trình khuấy lắc hoặc đảo trộn thông khí không ngừng, tạo điều kiện để sợi nấm luôn tiếp xúc với dinh dưỡng và oxy giúp giống sinh trưởng mạnh.
Sau hai năm sản xuất nấm theo phương pháp truyền thống, năm 2018, anh nhận thấy cách làm này vừa tốn thời gian, chi phí cao, cho hiệu quả thấp. Vì vậy, anh tự nhủ cần cải tiến phương pháp cũ. Sau một tháng đọc các tài liệu và thực nghiệm tại gia đình, anh đã tìm ra cách nhân giống bằng dịch thể.
Áp dụng với 50 bịch giống đầu tiên cho thấy, thời gian nhân giống theo phương pháp mới giảm khoảng 8-9 ngày so với cách làm thông thường. Độ đồng nhất của giống đạt hơn 90%; chi phí đầu tư giảm một nửa. Sau khi áp dụng thành công đã giải quyết được những mặt hạn chế của cách nhân giống truyền thống.
Đến nay, toàn bộ diện tích canh tác của anh đều áp dụng nhân giống bằng dịch thể. Bình quân mỗi năm anh sản xuất hàng chục nghìn bịch giống nấm gồm: Linh chi, mộc nhĩ, sò, đông trùng hạ thảo phục vụ sản xuất của gia đình và người dân xung quanh; cho thu về 300- 600 triệu đồng/năm.
Theo kinh nghiệm của anh Tú, lưu ý quan trọng nhất trong quá trình nhân giống nấm bằng cách mới là công đoạn cho dịch thể vào phần thóc đã luộc chín cần bảo đảm tỷ lệ và đóng kín bằng túi ni-lông, tránh sự xâm nhập của các loại nấm mốc. Sau đó để vào chỗ kín, ít ánh nắng mặt trời; 4 ngày sẽ thu được sản phẩm.
Biện pháp này vừa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện mô hình sản xuất của anh Tú được Hội Nông dân huyện hỗ trợ kinh phí mở rộng sản xuất, đồng thời triển khai học tập tới người dân trồng nấm trên địa bàn huyện phát huy hiệu quả.
Hoàng Phương- Đỗ Tập
Nuôi gà bằng thảo dược
Nguồn tin: Báo Kon Tum
Cơ sở nuôi gà bằng thảo dược của Hợp tác xã Đồng hành nhà nông Hoàng Bách Kon Tum có lẽ là mô hình đầu tiên tại tỉnh ta. Mô hình là sự tâm huyết của chàng trai khuyết tật nhưng đầy nghị lực Huỳnh Thanh Tú (44 tuổi) ở đường Nguyễn Thiện Thuật (thành phố Kon Tum). Mô hình được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến bởi sự mới lạ, thân thiện với môi trường.
Không được may mắn như bao người khác, mới 5 tuổi, anh Tú đã bị khuyết tật vận động (bị teo cơ một chân) sau cơn sốt bại liệt. Khiếm khuyết về cơ thể không thể làm nhụt ý chí phấn đấu làm giàu tri thức và bồi đắp vẻ đẹp tâm hồn của Huỳnh Thanh Tú. Bằng nỗ lực không ngừng và khát vọng vươn lên, Huỳnh Thanh Tú đã cố gắng học tập, tốt nghiệp 2 trường đại học loại ưu.
Ra trường, Huỳnh Thanh Tú được cơ quan Nhà nước ưu tiên thu hút vào làm việc và được nhiều doanh nghiệp mời gọi. Khước từ tất cả, Huỳnh Thanh Tú lựa chọn cho mình hướng đi riêng để được thể hiện niềm đam mê, thỏa sức phát huy khả năng sáng tạo.
Nuôi gà bằng dược liệu là lựa chọn mà Tú đã ấp ủ và cương quyết thực hiện cho bằng được.
Sau gần 3 năm anh xây dựng mô hình và sau nhiều cái hẹn, mới đây, Huỳnh Thanh Tú mới chính thức giới thiệu với bạn bè, trong đó có tôi về mô hình nuôi gà bằng thảo dược của mình.
Trang trại của anh nằm lưng chừng dốc Sao Mai (xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum), dưới vạt rừng tự nhiên duy nhất còn sót ở thành phố Kon Tum và đây cũng là khu rừng hơn 10 năm nay anh đã nhận chăm sóc và bảo vệ.
Vừa vào cổng trang trại, anh Tú hướng dẫn mọi người sát trùng trên hố nhỏ đựng vôi trắng. Đi vào sâu bên trong, hàng nghìn con gà đang tập trung dưới tán cây cao su hóng mát. Điều lạ là, nếu chỉ nuôi vài chục con gà đã nghe mùi khó chịu, nhưng ở trang trại của Huỳnh Thanh Tú lại chỉ nghe mùi… thuốc nam thoang thoảng.
Quan sát, chúng tôi thấy chuồng nuôi gà được lót đệm sinh học; có khu chế biến thức ăn trộn dược liệu riêng biệt và có một lò xông thuốc, có đường ống dẫn xung quanh các chuồng trại.
Gà được nuôi bằng thảo dược tại trang trại của anh Tú. Ảnh: VP
"Trên thực tế, giống gà ít nhất có 27 loại bệnh. Mỗi lần bệnh, người chăn nuôi thường tiêm thuốc tân dược cho gà. Khi xuất bán ra thị trường, cơ thể gà vẫn còn nhiều chất kháng sinh, ăn vào sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và đáp nhu cầu rất lớn trên thị trường hiện nay, mình quyết định đầu tư 2 tỉ đồng xây dựng chuồng trại kết hợp với trồng thảo dược để chăn nuôi gà" - anh Tú giới thiệu.
Để có thảo dược nuôi gà, Tú nghiên cứu rất kỹ sách "Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" của GS-TS Đỗ Tất Lợi (giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và kỹ thuật). Theo lời anh Tú kể, cách đây hơn 3 năm, anh Tú và lao động trong trang trại trồng 2ha các loại cây dược liệu như: bồ kết, lá mơ lông, sả, nghệ, húng quế, hương nhu, củ riềng, cỏ lào, trầu không, đinh lăng và mua nhiều thảo dược khác có sẵn tại địa phương về trồng xen trong vạt rừng. Khi thảo dược có sẵn, anh Tú bắt tay vào chế biến thức ăn, có loại xay nghiền trộn với bắp, gạo, cám; có loại nấu ra nước, xác thì trộn vào thức ăn, nước thì cho gà uống hàng ngày, tương thích theo hai mùa khô và lạnh.
Hai năm đầu, anh Tú nuôi thử nghiệm mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa 400 con, giống vật nuôi lấy từ Viện Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Anh Tú chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi: Gà từ khi còn nhỏ đến 50 ngày chăn nuôi ở chuồng lót đệm sinh học, cho dược liệu kháng sinh vào thức ăn, nước uống và bổ sung rau xanh giàu dinh dưỡng như: dền đỏ, rau muống, lá đậu, củ hành tây, lá hẹ… Gà từ 51 ngày đến trưởng thành (150 ngày) được thả ra sân vườn. Lúc này, thức ăn, nước uống bằng thảo dược được tăng cường; ngoài nông sản (bắp, lúa, cám, gạo, đậu) xay nghiền chiếm 50% khẩu phần ăn thì tăng cường thêm phụ phẩm bã đậu nành, dầu lạc, dầu dừa (5%); rau xanh xay nghiền (20%); bột thảo dược dinh dưỡng như lá chùm ngây, lá đậu phộng, đậu váng, sâm đất, lá đinh lăng, lá đương quy, là chè đại… Ngoài ra, các loại thức ăn thảo dược khác như bột xương, vỏ sò, tro bếp và các loại vitamin tự nhiên như chanh dây, chanh… cũng được bổ sung.
Điều đáng nói là, tất cả các loại thức ăn nói trên đều được ủ lên men để làm chín thức ăn, gà sẽ tiêu hóa triệt để thức ăn, phân thải ra ít và giảm mùi hôi tuyệt đối.
Chị Võ Thị Lệ, công nhân chế biến thức ăn của trang trại, cho biết: sả, gừng, tỏi, hành tây khi xay lên ủ với rượu khoảng từ 20 - 30 ngày, sau đó vắt lấy nước cho gà uống, xác thì trộn với thức ăn. Trời nắng ấm thì thỉnh thoảng mới cho gà uống, trời lạnh cho gà uống nhiều hơn.
“Đó là chưa kể, cứ sau 5 ngày một lần, trang trại lại xông khói thảo dược từ bếp lò để khử trùng, phòng các loại bệnh cúm gà. Dược liệu xông khói là bồ kết, lá mơ lông, ngải cứu, bột nghệ, bột sả. Khi xông khói vào chuồng nuôi, gà hít khói vào thì sẽ kháng được các loại cúm gia cầm H5N1, H7N9. 3 năm qua, trang trại chưa có con gà chết vì các loại cúm gia cầm" - anh Tú khẳng định.
Xông khói bằng thảo dược để phòng dịch cúm. Ảnh: VP
Để tạo niềm tin cho khách hàng, anh Tú đã tạo kiểm chứng của khách hàng qua việc thiết lập loại tem truy xuất nguồn gốc gà dược liệu KBV. Có tem này buộc vào chân gà, khách hàng dùng điện thoại quét vào tem, có thể truy xuất thấy được toàn bộ quy trình chăn nuôi thể hiện hình ảnh ở đây. Đây cũng là cách bảo vệ thương hiệu sản phẩm của trang trại và quyền lợi người tiêu dùng...
Từ thành công của 2 năm đầu, bắt đầu từ năm 2018, trang trại anh Tú nuôi gà với số lượng quy mô hơn, 4 lứa/năm (3.000 con gà/lứa). Bình quân mỗi tháng trang trại anh xuất 1.000 con gà, chủ yếu cho thị trường Đà Nẵng, TP. HCM, Gia Lai và Kon Tum, với giá 150.000-170.000 đồng/kg. Theo anh Tú, gà nuôi trong vòng 5 tháng, mỗi con nặng từ 1,5-2kg là tối đa.
"Trong dịp Tết Nguyên đán 2018, trang trại xuất ra thị trường 5 tấn gà. Ai đã sử dụng sản phẩm của trang trại sẽ thấy gà nuôi bằng dược liệu có mùi thơm khác gà thường, vì đã khử được mùi tanh của thịt" - anh Tú nói.
Anh Tú “bật mí”, thời gian tới, trang trại của Hợp tác xã Đồng hành nhà nông Hoàng Bách Kon Tum sẽ làm đầu tàu phổ biến ra xung quanh cho nông dân chăn nuôi, nhất là các hộ đồng bào DTTS. Theo đó, Hợp tác xã sẽ đầu tư cho hộ gia đình chăn nuôi từ con giống đến kỹ thuật, có cả camera theo dõi, chỉ cần hộ nuôi tuân thủ theo đúng phương pháp nuôi, hợp tác xã sẽ thu mua lại sản phẩm. Một khi tạo sản phẩm ổn định, người nông thôn có thể thoát nghèo từ mô hình này" - anh Tú khẳng định.
Văn Phương
Hiếu Giang tổng hợp