Tin nông nghiệp ngày 26 tháng 9 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 26 tháng 9 năm 2019

Nông nghiệp - bao giờ hết manh mún?

Nguồn tin:  Báo Bình Phước

“Nếu tỉnh quy hoạch được diện tích đất trồng cây ăn trái đủ lớn để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất dù phải bỏ tiền mua thì hợp tác xã (HTX) cây ăn trái thôn Bàu Nghé chúng tôi sẽ xung phong làm ngay. HTX nông nghiệp nào cũng muốn xây dựng thương hiệu cho nông sản để xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài mang ngoại tệ về nhưng chưa HTX nào trên địa bàn tỉnh làm được. Tại sao? Tại diện tích, quy trình sản xuất trong nông nghiệp của chúng ta còn quá manh mún, mạnh ai nấy làm và không theo một trật tự nào cả” - Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cây ăn trái Bàu Nghé Trương Văn Đảo nói.

“DÂN BƠI SAO NỔI”

Kết thúc niên vụ sầu riêng năm 2019, 2,5 ha trong tổng 5 ha sầu riêng trong thời kỳ kinh doanh của nhà nông Đỗ Văn Hiền ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, TX. Phước Long (tỉnh Bình Phước) cho năng suất 60 tấn. Bình quân sầu riêng của vườn nhà ông được thương lái thu mua với giá 49.000 đồng/kg. Ông là một trong 12 thành viên của HTX cây ăn trái Bàu Nghé thuộc xã Phước Tín ra đời từ tháng 10-2017. Cả HTX cây ăn trái thôn Bàu Nghé có 150 ha, trong đó khoảng 50 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. 100% thành viên HTX hiện đã áp dụng quy trình chăm sóc cây sầu riêng theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Giữa năm 2018, 2/3 diện tích cây sầu riêng trong thời kỳ kinh doanh của HTX này đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP (quy trình sản xuất nông nghiệp sạch). Đầu năm 2019, HTX cây ăn trái Bàu Nghé lên kế hoạch xây dựng chương trình đăng ký mã vạch cho sản phẩm của HTX nhằm tạo đà cho việc xuất khẩu trực tiếp để nâng cao giá trị cây sầu riêng. Thế nhưng, kết thúc niên vụ sầu riêng 2019, việc đăng ký mã vạch vẫn chưa hoàn tất. Tất cả thành viên trong HTX cây ăn trái Bàu Nghé đều phải bán sầu riêng cho thương lái với phương thức tự ai nấy làm. “Lúc đầu, tôi cũng đăng ký mã vạch nhưng đợi từ khi cây sầu riêng ra bông đến khi trái chín vẫn chưa có. Thương lái tìm đến vườn hỏi mua, thấy được giá nên tôi bán luôn, không đăng ký mã vạch nữa” - thành viên HTX cây ăn trái Bàu Nghé Đỗ Văn Hiền cho biết.

20 ha sầu riêng trồng mới của nhà nông Trương Văn Đảo ở thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín, thị xã Phước Long được đầu tư hệ thống đường băng và điện, nước phục vụ việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp (ảnh lớn). Máy cấp đông được ông Trương Văn Đảo đầu tư để phục vụ việc sơ chế và bảo quản sầu riêng trước khi cung cấp cho doanh nghiệp (ảnh nhỏ)

HTX cây ăn trái Bàu Nghé được xem là HTX nông nghiệp điển hình trong số 136 HTX trên địa bàn toàn tỉnh tính đến thời điểm hiện nay. Thế nhưng, việc xây dựng thương hiệu và trực tiếp xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của mình ra thị trường quốc tế xem ra là bài toán khó cho những nhà nông mặc dù có thừa kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Ông Trương Văn Đảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cây ăn trái Bàu Nghé cho biết, kinh nghiệm trồng sầu riêng của các thành viên trong HTX ít nhất là 9 năm, cá biệt có người đến 20 năm. Việc trồng và chăm sóc cây sầu riêng cho năng suất, chất lượng tốt, đạt chuẩn quốc tế không còn là nỗi lo của HTX như trước khi thành lập. Mỗi tháng hay ít nhất mỗi quý trong năm, các thành viên HTX đều họp để chia sẻ kinh nghiệm với những giáo sư, tiến sĩ đầu ngành trong lĩnh vực trồng và chăm sóc cây ăn trái. Thế nhưng, để sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu được ra thị trường ngoài nước trong điều kiện hiện nay là điều không thể. Bởi, quy trình chăm sóc mỗi người một kiểu theo kinh nghiệm vốn có của mình. Điều đó dẫn đến năng suất, chất lượng trái sầu riêng trong HTX không đồng đều.

LÃNG PHÍ TÀI NGUYÊN NẾU...

Một nắng hai sương làm nên những trái sầu riêng đạt chuẩn chất lượng châu Âu nhưng không thể xuất khẩu bởi nhiều yếu tố khác nhau, nhà nông Trương Văn Đảo tự đầu tư dàn máy cấp đông và kho lạnh để sơ chế và bảo quản sản phẩm cung cấp trực tiếp cho nhà sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Thay vì bán nguyên trái, bán cả vườn, những trái sầu riêng của ông được sơ chế rồi cấp đông trong môi trường âm 200C để chờ đủ số lượng mới giao cho nhà sản xuất. Lợi nhuận của trái sầu riêng nhờ thế tăng gấp 2 lần so với bán cho thương lái. Mặc dù năm nay đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông vẫn tiếp tục tái đầu tư và trồng mới 20 ha cây sầu riêng. Toàn bộ diện tích trồng mới này được ông quy hoạch và đầu tư hệ thống điện, nước đảm bảo việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Không chỉ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ sinh học, gia đình ông Đỗ Văn Hiền còn làm cỏ trong vườn bằng phương pháp thủ công để đảm bảo chất lượng trái sầu riêng đạt chuẩn xuất khẩu

Ông Trương Văn Đảo cho biết thêm, làm nông nghiệp trong thời buổi 4.0 mà không ứng dụng máy móc hiện đại vào sản xuất thì không thể “bơi ra biển lớn được”. Muốn đưa nông sản ra “biển lớn” trước hết phải có quy mô sản xuất đủ lớn, năng suất, chất lượng sản phẩm phải đồng đều, ổn định. Muốn vậy đâu còn cách nào khác là phải đầu tư máy móc, quy trình chăm sóc, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Tuy nhiên, ngần ấy diện tích sầu riêng cũng không đáng là bao trước thị trường tiêu thụ bao la ngoài kia mà chúng ta chưa thể đáp ứng được. Nếu tỉnh quy hoạch cho HTX 200 ha hoặc hơn thế nữa để làm nông nghiệp công nghệ cao dù phải đóng tiền chúng tôi sẵn sàng xung phong đón nhận. Bởi quy hoạch được diện tích đủ lớn mình mới đưa công nghệ vào sản xuất theo quy trình khép kín trong nông nghiệp, có được quy trình khép kín mới tạo ra được năng suất, chất lượng nông sản ổn định và đồng đều. Khi đó, chúng ta dễ dàng xây dựng được thương hiệu và thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Lúc đó, mặc nhiên giá trị nông sản hàng hóa sẽ được nâng cao.

Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cây ăn trái Bàu Nghé TRƯƠNG VĂN ĐẢO: Cái khó nhất hiện nay là diện tích sầu riêng của HTX phân tán, nhỏ lẻ nên không đảm bảo số lượng để cung cấp theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp. Tài sản của HTX hiện chủ yếu là những vườn cây nhỏ lẻ của các thành viên phân tán nhiều nơi, nguồn kinh phí hoạt động của HTX cũng do nhà nông là thành viên đóng góp. Nếu không có quy hoạch diện tích đủ lớn để đưa khoa học công nghệ vào sản xuất và để người dân tự bơi như hiện nay thì làm sao dân bơi nổi?

Tháng 6-2019, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 07 quy định về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 với nhiều cơ chế thông thoáng để hỗ trợ doanh nghiệp và HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, đến năm 2020, tỉnh Bình Phước phấn đấu thành lập 157 HTX hoạt động hiệu quả. Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thị Ánh Tuyết cho biết, hiện toàn tỉnh có 136 HTX. Tuy nhiên, phần lớn các HTX mới thành lập nên quy mô nhỏ, hoạt động còn manh mún, cầm chừng. Diện tích đất sản xuất của các HTX cũng rải rác nên quy chuẩn, chất lượng sản phẩm không đồng đều. Doanh nghiệp và HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay chưa đủ mạnh, chưa đủ sức đầu tư cho các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh đủ sức “vươn ra biển lớn”.

Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng được bộ thủ tục xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, nhất là hồ tiêu và điều giữa nhà nông và doanh nghiệp với tổng nguồn vốn 18 triệu USD, tương đương khoảng 400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã thành lập tổ thẩm định, hỗ trợ nhà nông, HTX và cả doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Thế nhưng, do hạn chế về diện tích canh tác nông nghiệp, thiếu vốn và thiếu cả năng lực, tâm huyết từ các nhà doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nên hầu hết các mặt hàng nông sản có giá trị cao của tỉnh chưa thể vươn xa theo kỳ vọng. Nhà nông và cả doanh nghiệp muốn lấy được nguồn vốn hỗ trợ theo chủ trương, chính sách của tỉnh, muốn nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trước hết phải biết liên kết, biết xây dựng, biết hoạch định bằng được phương thức, quy mô đầu tư sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nông sản của chính mình. Nếu không, chúng ta không chỉ lãng phí tài nguyên đất bằng phương thức sản xuất manh mún mà còn lãng phí cả trí lực của những nhà nông giàu kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp.

Đông Kiểm

Thái Bình: Đánh thức đất hoang nhờ trồng cây dược liệu

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Có một vùng đất hàng chục ha tại xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) tưởng chừng như đã bị ngủ quên trong tâm trí người dân nơi đây, đã nhiều năm chỉ là nơi cư trú của lũ chuột và cỏ dại. Vậy mà chỉ sau 3 năm, với bàn tay, trí óc của anh Nguyễn Nhật Duật, mảnh đất như đã bừng tỉnh dậy, trở nên màu mỡ đối với cây đinh lăng và một số cây dược liệu khác.

Anh Nguyễn Nhật Duật vốn một người năng động, đam mê tìm tòi, sáng tạo và tình yêu vô bờ dành cho nông nghiệp. Khi nhận thấy phát triển cây dược liệu là định hướng mới đang được nhà nước quan tâm, anh quyết định tìm hiểu, học hỏi về thị trường, quy trình trồng, chăm sóc… cây đinh lăng và 1 số cây dược liệu khác để đầu tư sản xuất.

Ngay khi thuê được đất sản xuất, anh thiết kế vườn với diện tích khoảng 4,5 ha trồng và nhân giống cây đinh lăng (trong đó có 2 ha trồng xen với cây mít Thái để lấy bóng râm); 3 ha trồng một số cây dược liệu khác; còn lại xây dựng đường đi và nhà xưởng. Nhờ thiết kế bài bản, sản xuất có kế hoạch mà mảnh đất hoang hóa đã được cải tạo thành một vùng sinh thái với cảnh quan sạch đẹp, cùng các loại cây dược liệu xen kẽ cây ăn quả để tạo bóng. Sau 3 năm đầu tư sản xuất, đến cuối năm 2018, anh thu lứa đinh lăng đầu tiên với diện tích 15 sào. Mỗi sào thu 500 – 600 cây, với giá bán 25.000 đồng/kg tươi, cho doanh thu 150 – 180 triệu đồng/sào, với thị trường tiêu thụ là Công ty Dược phẩm Traphaco, Công ty Dược Hải Hà Thái Bình,… Bên cạnh đó, diện tích mít Thái trồng xen năm nay cũng thu hoạch được hơn 8 tấn, cung cấp cho thị trường Thái Bình, Hà Nội, với giá bán 20.000 – 30.000 đồng/kg cho thu về khoảng 200 triệu đồng. Hiện tại trong vườn của anh có khoảng 15 lao động cố định với thu nhập hàng tháng trên 3 triệu đồng.

Anh Duật cho biết: Trong quá trình triển khai, anh gặp nhiều khó khăn do đây là vùng trồng lúa kém hiệu quả bị bỏ hoang nên chuột, cỏ dại rất nhiều. Không nản chí, anh tìm mọi biện pháp để từng bước tháo gỡ khó khăn như tận dụng nguồn lao động tại địa phương, áp dụng đồng bộ các biện pháp để diệt chuột, cỏ dại, cải tạo đất, thuê thiết kế, thi công xây dựng,… Bên cạnh đó còn là sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương mà mô hình của anh được triển khai nhanh chóng, thuận lợi.

Anh Nguyễn Nhật Duật bên trang trại của mình

Trong thời gian tới, anh sẽ tiếp tục chú trọng vào trồng sản xuất cây đinh lăng và coi đây là cây trồng chủ yếu, là hướng đi lâu dài của cơ sở; mở rộng diện tích mít trồng xen để tạo bóng, giúp giảm được chí phí mua lưới đen che và nâng cao hiệu quả kinh tế. Đồng thời đầu tư vào nhân giống, cung cấp giống cây đinh lăng ra thị trường và thu mua sản phẩm để góp phần thúc đẩy các địa phương mạnh dạn chuyển đổi.

Anh còn cho biết thêm: Cây đinh lăng dễ trồng, dễ chăm sóc nhưng yêu cầu phải làm luống cao, thoát nước tốt và sau trồng ít nhất 3 năm mới thu hoạch được nên ảnh hưởng đến tâm lý nông dân khi đầu tư ban đầu. Do đó, để phát triển được cần có sự vào cuộc của các cấp lãnh đạo, ban quản trị HTX như: đứng ra cung cấp giống, hướng dẫn về kỹ thuật, liên kết các doanh nghiệp tổ chức bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Theo ông Vũ Đức Đô - Giám đốc kinh doanh Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp xã Quỳnh Hội cho biết: Đây là mô hình khả quan, có nhiều triển vọng, tạo ra một hệ sinh thái mới, góp phần hạn chế được diện tích ruộng bỏ hoang và tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Trong thời gian tới Hợp tác xã sẽ tiếp tục ủng hộ và hỗ trợ mô hình về công tác thủy lợi, diệt chuột,…

Nhờ sự mạnh dạn đầu tư, nắm bắt thị trường, mày mò nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời áp dụng kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, anh Duật đã thành công. Mô hình của anh hiện đang phát triển tốt, mảnh đất hoang hóa giờ đây đã được phủ xanh bởi cây đinh lăng và một số cây dược liệu xen với cây che bóng sai trĩu quả, cùng với cảnh quan sạch đẹp đã được đông đảo người dân gần xa đến tham quan học hỏi. Đây cũng là một trong những hướng đi mới nhiều triển vọng cho những vùng đất ruộng bỏ hoang, trồng lúa kém hiệu quả của tỉnh ta hiện nay.

Trần Thị Doanh - TT Khuyến nông Thái Bình

Casuco chính thức ép mía vào ngày 10-10 tới

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Sau khi xem xét chất lượng nguồn mía nguyên liệu (chủ yếu là giống mía chín sớm ROC 16) tại các vùng mía trên địa bàn tỉnh, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) vừa có thông báo chính thức gửi đến ngành chức năng, chính quyền địa phương và bà con trồng mía của tỉnh về thời gian tiếp nhận, cũng như thời gian bắt đầu vụ ép cho niên vụ mía 2019-2020 tại Hậu Giang.

Casuco sẽ bắt đầu vụ ép vào ngày 10-10 tới và cam kết không để mía nằm chờ quá 48 giờ.

Cụ thể, thời gian nhận mía tại nhà máy đường Phụng Hiệp là vào sáng ngày 9-10 tới và thời gian ép mía là ngày 10-10 tới. Vụ mía năm nay, Casuco không thu mua mía qua thương lái mà mua trực tiếp với người dân, trong đó chi phí vận chuyển mía về nhà máy sẽ do Casuco chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, Casuco cam kết không để mía nằm chờ tại cầu cảng nhà máy đường quá 48 giờ.

Niên vụ mía 2019-2020 này, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống được 8.147ha, trong đó giống mía chín sớm ROC 16 chiếm hơn 52%. Hiện tại, bà con đã thu hoạch được hơn 1.200ha mía (chủ yếu bán mía chục làm nước ép giải khát). Qua theo dõi của ngành nông nghiệp tỉnh, đến giữa tháng 9 này, Casuco đã ký hợp đồng bao tiêu với nông dân trồng mía của tỉnh được 4.042ha, sản lượng 277.090 tấn, giá sàn bảo hiểm là 700 đồng/kg mía sạch, 10 chữ đường tại ruộng.

Tin, ảnh: HỮU PHƯỚC

Châu Thành (Long An): Nông dân sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả

Nguồn tin: Báo Long An

Sáng 23/9, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Long An phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành tổ chức hội thảo tổng kết các mô hình sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao tại hợp tác xã (HTX) điểm Dương Xuân và giới thiệu máy bay phun thuốc không người lái dễ quản lý dịch hại trên thanh long.

Các mô hình sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao tại HTX điểm Dương Xuân gồm: Sản xuất thanh long theo VietGAP (2,5ha/27 hộ); Ứng dụng cơ giới hóa trong xử lý cành thanh long sau cắt tỉa; Ứng dụng đèn compact ánh sáng đỏ trong xử lý thanh long ra hoa nghịch vụ; Ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến trên thanh long.

Bên cạnh đó, mô hình còn cấp phát thùng chứa và tổ chức ngày hội thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; hỗ trợ chứng nhận sản xuất thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Nông dân sản xuất hiệu quả khi ứng dụng công nghệ cao

Khi tham gia mô hình, nông dân được hướng dẫn quy trình sản xuất thanh long theo VietGAP, khuyến cáo vệ sinh vườn, dọn sạch cỏ dại, tỉa cành, tạo tán, thu gom cành nhánh loại thải, phát hiện nhanh sâu, bệnh và xử lý; hướng dẫn nông dân quy trình bón phân, kỹ thuật sử dụng phân bón; hướng dẫn nông dân áp dụng biện pháp quản lý sâu, bệnh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, tuân thủ đúng thời gian cách ly của từng loại thuốc; hướng dẫn nông dân tập làm quen với việc ghi chép sổ nhật ký tính toán hiệu quả kinh tế trong sản xuất; trung bình lợi nhuận chênh lệch hơn 3,2 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình.

Giám đốc HTX Dương Xuân - Nguyễn Hữu Gia thông tin: "Thời gian qua, HTX phát triển được 7 tổ hợp tác sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao với diện tích 128,55ha; cấp giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 21,4ha cho 30 hộ; phối hợp Công ty Cổ phần Nafoods miền Nam xây dựng mô hình chuỗi liên kết giá trị 14,5ha. Tính từ đầu năm đến nay, HTX cung cấp trên 800 tấn thanh long cho Công ty Cổ phần Nafoods. Ngoài ra, HTX còn phối hợp ký kết với Công ty Quế Lâm xây dựng mô hình sản xuất thanh long theo hướng hữu cơ".

Trình diễn máy bay phun thuốc không người lái

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Long An - Trịnh Hoàng Việt cho biết: “Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất như phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, máy băm cành thanh long, hệ thống tưới, đèn compact,... góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Sản xuất thanh long sạch theo hướng VietGAP là một chủ trương đúng đắn, rất cần thiết trong điều kiện hiện nay và hướng tới. Tuy nhiên, do hiện tại đầu ra thị trường chưa ổn định, bên cạnh đó, việc thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất của nông dân theo hướng công nghệ còn khó khăn, đòi hỏi phải có tính kiên trì".

Máy bay phun thuốc không người lái mang lại nhiều lợi ích

Qua cuộc hội thảo, nhiều nông dân và lãnh đạo địa phương đề nghị ngành chức năng tỉnh cần tăng cường xúc tiến thương mại, giới thiệu HTX với các doanh nghiệp để ký kết tiêu thụ sản phẩm thanh long VietGAP; các ngành xem xét hỗ trợ trong việc cấp mã vùng trồng cho các HTX trên địa bàn huyện Châu Thành để đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc trong xuất khẩu; thường xuyên hỗ trợ chuyển giao những ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho người dân.

Dịp này, Công ty Nông nghiệp Xanh và Xanh trình diễn máy bay phun thuốc cho cây thanh long không người lái. Hiệu quả của việc phun thuốc bằng máy bay không người lái là dễ quản lý, kiểm soát dịch; hiệu suất bằng 40 lần sức người và có thể phun ban đêm; phun 1ha chỉ trong 10 phút, một ngày phun được 50ha; không hại sức khỏe vì người không tiếp xúc với thuốc,.../.

Huỳnh Phong

ĐBSCL: Trái cây sụt giảm giá do thị trường Trung Quốc không ổn định

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Giá trái cây ở các tỉnh ĐBSCL đang sụt giảm mạnh. Thanh Long ruột trắng chỉ 5.000-8.000 đồng/kg, dưa hấu 5.000-7.000 đồng/kg, sụt giảm giá đến 50%, còn dừa xiêm 40.000-50.000 đồng/chục (12 trái) cũng giảm hơn 50%, đây là giá bán tại chợ, còn tại vườn giá thấp hơn.

Dưa hấu bán giá 7.000 đồng/kg trên đường Võ Nguyên Giáp, TP Cần Thơ.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản một trong những nguyên nhân giá trái cây tại ĐBSCL sụt giảm mạnh là do thị trường Trung Quốc không ổn định. Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc hiện nay không dễ dàng như trước đây. Từ tháng 5-2018, Trung Quốc bắt đầu siết chặt những quy định trái cây Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc. Trái cây nhập vào Trung Quốc phải có truy xuất nguồn gốc như vùng trồng, cơ sở đóng gói. Vì vậy, để trái cây ĐBSCL xuất khẩu sang Trung Quốc, nhà vườn phải thực hiện đúng những quy định này.

Trong 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu rau quả khoảng hơn 2,6 tỉ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc vẫn là nước đứng đầu nhập khẩu rau quả Việt Nam, chiếm đến hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc năm nay bị sụt giảm khoảng 5,6%.

Tin, ảnh: Huỳnh Biển

Anh Nguyễn Thanh Bình: Nuôi le le lãi gần 300 triệu đồng/năm

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Từ hai cặp le le giống mua được từ một người hàng xóm, sau hơn 10 năm chăm sóc, gây đàn, đến nay anh Nguyễn Thanh Bình (ngụ xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) đã có đàn le le hơn 1.000 con. Mỗi năm, anh Bình thu lãi gần 300 triệu đồng từ việc bán le le giống và le le thương phẩm.

Mô hình nuôi le le của anh Nguyễn Thanh Bình. Ảnh: C.L

Trong một lần sang nhà người cùng xóm chơi, thấy anh này nuôi le le (một loài chim hoang dã, nhưng chúng chỉ quanh quẩn xung quanh nhà) nên anh Bình rất thích và mua 2 cặp le le về nhà nuôi làm cảnh (với giá gần 1 triệu đồng).

Sau hơn một năm thả nuôi, 2 cặp le le đẻ gần 30 trứng. Anh Bình đem đưa trứng vào ổ cho gà ấp và nở hơn 20 con. Từ lứa này, anh Bình tiếp tục gây nuôi và nhân rộng đàn le le.

Le le dễ nuôi, đẻ liên tục, ít tốn công chăm sóc, chi phí lại rất thấp. Đặc biệt, giống le le hoang dã rất khỏe mạnh, không bệnh, nên anh không dùng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi.

Năm 2010, một số nhà hàng, quán ăn tại TP. Hồ Chí Minh biết được sản phẩm le le của anh Bình, và từ đây các đơn đặt hàng mua ngày càng nhiều. Nắm bắt thời cơ, anh Bình chuyển gần 1ha trồng lúa và vườn tạp xung quanh nhà thành khu nuôi le le thương phẩm. Đến nay, anh Bình đã có hơn 1.000 con le le giống và thương phẩm.

Theo anh Bình, le le nuôi khoảng 4 tháng là đạt trọng lượng 0,4 - 0,5kg con, giá bán từ 450.000 - 550.000 đồng/con; còn le le bố mẹ khoảng 1,2 triệu đồng/cặp. Một con le le đẻ từ 5 - 7 đợt/năm, mỗi đợt từ 7 - 12 trứng. Từ mô hình nuôi le le thương phẩm, bán con giống, mỗi năm anh Bình thu lãi gần 300 triệu đồng.

Theo ngành chức năng huyện Phước Long, le le là một trong những vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, đồng ruộng ở địa phương. Từ ưu thế và hiệu quả kinh tế trên, địa phương khuyến khích nhân rộng mô hình nuôi le le thương phẩm. Toàn huyện hiện có khoảng 30 hộ nuôi le le với tổng đàn hơn 3.000 con, tất cả đang phát triển tốt.

Khôi Nguyên

Hà Nội: Bệnh Dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại 575 hộ

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cho biết, tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp.

Trong tuần qua (từ ngày 16-9 đến 22-9), bệnh dịch này tiếp tục phát sinh tại 575 hộ, cơ sở chăn nuôi, làm mắc bệnh, tiêu hủy 5.799 con lợn với trọng lượng 391.644kg.

Một số huyện trong tuần qua phát sinh, tiêu hủy nhiều lợn mắc bệnh: Ba Vì 2.508 con, Ứng Hòa 805 con, Mê Linh 743 con, Mỹ Đức 585 con... So với tuần trước (từ ngày 9-9 đến 15-9), bệnh dịch phát sinh tăng 53 hộ, cơ sở chăn nuôi với số lợn mắc bệnh và tiêu hủy tăng 1.168 con.

Đến nay, bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 30.948 hộ, cơ sở chăn nuôi (chiếm 38,3% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 1.352 thôn, tổ dân phố của 449 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã; làm mắc bệnh và tiêu hủy 523.821 con lợn (chiếm 27,9% tổng đàn) với trọng lượng 35.875 tấn. Tổng số lợn nái, lợn đực giống phải tiêu hủy là 68.641 con, chiếm 13% tổng số lợn phải tiêu hủy.

Theo tổng hợp của Sở NN&PTNT, trên địa bàn thành phố có 133 xã, phường có lợn mắc bệnh đã qua 30 ngày, nhưng đến nay lại tiếp tục phát sinh bệnh Dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dịch này và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác trên đàn gia súc theo quy định.

THÚY NGA

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop