Tin nông nghiệp ngày 27 tháng 8 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 27 tháng 8 năm 2019

‘Gầy’ thương hiệu cho trái cây Bình Ðịnh

Nguồn tin: Báo Bình Định

Có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với các loại cây ăn trái như bưởi, dưa hấu, dưa lê, dừa… Bình Định có lợi thế đặc biệt là thu hoạch trái mùa so với vùng chuyên canh trái cây ở miền Nam. Mấy năm gần đây, tỉnh ta triển khai nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, trái cây Bình Định được người tiêu dùng tín nhiệm, nhiều thương lái còn mua gom trái cây Bình Định đưa ngược vào miền Nam để bán.

Dưa lê vỏ vàng được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTXNN II Nhơn Thọ.

HTXNN II Nhơn Thọ là đơn vị trồng dưa lưới, dưa lê vỏ vàng hợp chuẩn an toàn đầu tiên của tỉnh. Ông Phạm Duy Tân, Giám đốc HTX, cho biết: “Làm trái cây sạch khá vất vả nhưng nhờ sự hỗ trợ của UBND TX An Nhơn, Sở NN&PTNT, HTX đã mạnh dạn thực hiện và bước đầu tạo được uy tín, thương hiệu với giá bán cao hơn 20 - 30% so với trước, không phải lo khâu tiêu thụ”. Từ ngày 14.8.2019, HTXNN II Nhơn Thọ là cơ sở đầu tiên ở tỉnh ta được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm dưa lê vỏ vàng và dưa lưới tròn. Trước đó, sản phẩm dưa hấu, dưa Kim cô nương và Kim hoàng hậu được chứng nhận VietGAP.

Chị Phùng Thị Thanh Miền, Giám đốc Công ty TNHH Gia vị nhiệt đới, ở thôn Háo Lễ, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, cho biết: “Hiện nay, dưa Kim hoàng hậu của công ty được đơn vị ở TP Hồ Chí Minh bao tiêu toàn bộ sản phẩm, giá cao hơn so với các thương lái nông sản thu mua khoảng 20%. Công ty đang làm hồ sơ chứng nhận VietGAP cho các loại trái cây kể trên. Được chứng nhận hợp chuẩn Viet GAP giá trị của sản phẩm sẽ cao hơn”.

Công nhân thu hoạch dưa lê vỏ vàng an toàn (dưa hoàng kim) tại vườn của Công ty TNHHH Gia vị nhiệt đới.

Theo chị Miền, dù là sản phẩm có chất lượng nhưng đến nay trái cây an toàn có xuất xứ Bình Định vẫn chưa được thị trường nhận diện và định giá xứng đáng do chưa được chứng nhận hợp chuẩn. Một hạn chế nữa là quy mô sản xuất nhỏ, mới chỉ đáp ứng nhu cầu mua bán nhỏ lẻ. Chị Thanh Miền chia sẻ: “Chứng nhận GAP - VietGAP hoặc cao hơn là GlobalGAP hay hợp chuẩn hữu cơ (bionic) không chỉ là tấm giấy thông hành để sản phẩm vào được hệ thống siêu thị mà còn là một sự đảm bảo cho cam kết về chất lượng của nhà sản xuất với người tiêu dùng”.

Hiện nay, việc xây dựng thương hiệu trái cây của tỉnh đang là những mảnh ghép riêng lẻ từ DN hay cá nhân. Để khẳng định thương hiệu cho trái cây Bình Định cần sự hỗ trợ lớn từ các cấp, ngành, địa phương cần định hướng, tính toán lại quy hoạch…

HẢI YẾN

Lào Cai: Trồng mới, cải tạo 105 ha rừng bồ đề lấy nhựa sản xuất cánh kiến trắng

Nguồn tin: Chủ nhật

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai vừa triển khai dự án xây dựng mô hình trồng rừng, cải tạo rừng bồ đề lấy nhựa sản xuất cánh kiến trắng, kết hợp trồng xen cây gừng dưới tán rừng tăng thu nhập cho người trồng rừng.

Dự án được thực hiện từ năm 2019 – 2025 tại 3 huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, với quy mô 105 ha (mỗi huyện 3 mô hình).

Cán bộ kiểm lâm khảo sát hiện trạng rừng bồ đề tại Văn Bàn.

Theo đó, mô hình cải tạo rừng bồ đề từ lấy gỗ sang lấy nhựa sẽ thực hiện 45 ha/3 huyện; mô hình trồng mới rừng bồ đề với mục đích lấy nhựa là 45 ha/3 huyện; mô hình trồng rừng mới bồ đề xen canh cây gừng là 15 ha/3 huyện.

Thực hiện dự án, Chi cục Kiểm lâm và hạt kiểm lâm các huyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia mô hình cải tạo rừng và trồng mới rừng bồ đề. Từ đó sẽ tiến hành đo vẽ, điều tra hiện trạng về mật độ, tình hình sinh trưởng, dự kiến biện pháp tỉa thưa, chăm sóc, xây dựng hồ sơ; lựa chọn giống cây trồng để lấy nhựa; đối với mô hình trồng gừng xen dưới tán rừng sẽ được thực hiện trong 3 năm đầu khi rừng chưa khép tán, góp phần cải tạo đất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo tính toán, dự án sẽ làm tăng thu nhập từ rừng trồng bồ đề từ 70 triệu đồng/ha/chu kỳ lên ít nhất 600 - 800 triệu đồng/ha/chu kỳ trồng rừng.

Khai thác và đánh giá nhựa bồ đề tại Bảo Yên.

Dự án còn tạo ra mô hình canh tác rừng bền vững, vừa nâng cao giá trị kinh tế rừng vừa góp phần phòng hộ, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, nâng cao nhận thức của nhân dân làm nghề rừng trong phát triển kinh tế; tạo ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.

Nhựa cây bồ đề (Styrax tonkinensis) để khô gọi là cánh kiến trắng hoặc an tức hương là sản phẩm được dùng trong y học, mỹ phẩm, giá 1 kg nhựa bồ đề hiện nay tại Lào Cai là 300.000 - 350.000 đồng, được nhiều doanh nghiệp đặt mua.

Hiện, toàn tỉnh có gần 4.000 ha cây bồ đề, là cây bản địa đã được người dân Lào Cai trồng từ nhiều năm trước nhưng chỉ với mục đích lấy gỗ làm cây chống, gỗ bóc, gỗ dăm...

KIM THOA

Bình Thuận: Đối phó bệnh khảm lá virus gây hại mạnh trên cây mì

Nguồn tin: Báo Bình Thuận

Đến thời điểm này, bệnh khảm lá vi rút gây hại trên địa bàn huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân, La Gi của tỉnh Bình Thuận với diện tích 459 ha mì, trong đó có 55 ha nhiễm nhẹ, nhiễm trung bình 252 ha và 152 ha nhiễm nặng, tăng 5 ha so với kỳ trước và tăng 447 ha so với cùng kỳ năm 2018.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh khảm lá, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị các địa phương có trồng cây mì tăng cường điều tra phát hiện và theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh khảm lá virus. Đồng thời, tuyên tuyền, phổ biến quy trình kỹ thuật phòng trừ bệnh khảm lá mìcủa Cục bảo vệ thực vật để nông dân biết cách phòng trừ.

Thường xuyên kiểm tra ruộng mì để phát hiện sớm và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Trong đó, một số biện pháp canh tác như chọn giống mì không nhiễm bệnh khảm lá virus bằng cách tự sản xuất giống (không nên sản xuất ở những vùng đang bị bệnh nặng) hoặc lựa chọn nơi cung cấp giống rõ ràng, không mua giống mì trôi nổi trên thị trường, đặc biệt là các giống mì từ các tỉnh Đông Nam Bộ. Không nên sử dụng các giống đang nhiễm bệnh nặng hiện nay như HLS -11, HLS-12.

Không trồng mì hoặc các cây ký chủ của bọ phấn trắng như cây thuốc lá, cà chua, cà tím...ở những vùng đã bị nhiễm bệnh ít nhất một vụ. Để thời gian giữa hai vụ mì ít nhất 30 ngày. Ngoài ra, sử dụng các thuốc có hoạt tính lưu dẫn cao như Dinotefuran và Pymetrozine để phòng trừ bọ phấn trắng, nên phun trừ ở giai đoạn ấu trùng. Chú ý phun phủ đều hai mặt lá, đặc biệt là các lá bên dưới, đối với cây sắn non nên phun ướt cả mặt dưới lá gốc nằm sát mặt đất.

Phòng Nông nghiêp và PTNT và Trung tâm Kỹ Thuật và dịch vụ nông nghiệp các huyện thị cần phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, rà soát thống kê danh sách diện tích và mức độ nhiễm bệnh khảm lá virus hại mì. Đồng thời thực hiện tốt công tác vận động nông dân tiêu hủy mì bị nhiễm bệnh theo quy trình kỹ thuật của ngành Bảo vệ thực vật để tránh lây lan nguồn bệnh trên diện rộng. Khi phát hiện mì bị nhiễm bệnh khảm lá, các hộ dân có diện tíchmì bị nhiễm bệnh khảm lá tiến hành tiêu hủy để ngăn ngừa sự lây lan sang các vùng sản xuất khác.

K.H

Bình Phước: Hiệu ứng từ Dự án ‘Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững’

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Toàn tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 14.500 ha cây tiêu với sản lượng hơn 27.000 tấn. Để có sản phẩm hạt tiêu sạch, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ và các thị trường khó tính khác, từ năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Tổ chức Phát triển Hà Lan và Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam triển khai thực hiện Dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững”. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất tiêu thông qua việc hình thành các tổ, nhóm, câu lạc bộ nông hộ sản xuất tiêu bền vững. Sau gần 7 năm với 3 giai đoạn thực hiện, đến nay dự án đem lại hiệu quả cao cho người trồng tiêu ở Bình Phước.

PHÁT HUY LỢI THẾ

Lộc Ninh là vùng chuyên canh cây tiêu lớn và nổi tiếng trong cả nước. Hiện tiêu Lộc Ninh đã xây dựng được nhãn hiệu hồ tiêu tập thể với 825 hộ hội viên nhằm hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất tiêu bền vững trên địa bàn thông qua hình thành các tổ, nhóm nông hộ sản xuất tiêu bền vững, giúp nông dân tham gia dự án kết nối kênh tiêu thụ tiêu được chứng nhận. Nông dân được tập huấn các kiến thức về sản xuất tiêu bền vững theo tiêu chuẩn “R.A và phát triển sự hợp tác lâu dài giữa nông dân với nhà chế biến xuất khẩu Nedspice. Nhiều nông hộ ở Lộc Ninh đã chăm sóc vườn tiêu theo hướng sản xuất nông sản đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Nông dân xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập thu hoạch tiêu - Ảnh: Sỹ Hòa

Gia đình ông Lê Văn Nam ở ấp 54, xã Lộc An (Lộc Ninh) trồng 2.500 trụ tiêu, mỗi năm thu 6-8 tấn hạt khô bán cho Công ty Nedspice. Ông Nam cho biết: “Tôi tham gia dự án tiêu bền vững từ năm 2015 và có nhiều lợi ích như được dự tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu theo đúng quy chuẩn của dự án. Vườn tiêu của gia đình tôi trồng bằng cây trụ sống, vừa che mát cây vừa làm đất tơi xốp; cành, lá sử dụng nuôi dê, sau đó lấy chất thải bón cây tiêu. Tôi không phun thuốc diệt cỏ mà sử dụng máy cắt cỏ. Để có sản phẩm sạch theo yêu cầu của Công ty Nedspice, tôi không lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có độc tố cao; không dùng các hoạt chất cấm sử dụng và ưu tiên phòng trừ nấm, sâu rầy, rệp bằng nấm đối kháng. Nếu dùng thì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải là sản phẩm của các công ty uy tín. Hơn 3 năm nay, Công ty Nedspice đã giúp gia đình tôi thay đổi cách chăm sóc nên vườn tiêu phát triển tốt, không bị sâu bệnh”. Quy trình sản xuất tiêu sạch của gia đình ông Nam cũng là quy trình của 800 thành viên tại 26 câu lạc bộ tham gia dự án sản xuất tiêu sạch bền vững trên địa bàn huyện Lộc Ninh liên kết với Công ty Nedspice từ năm 2013 đến nay. Công ty Nedspice ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các câu lạc bộ, hợp tác xã sản xuất tiêu bình quân 4.000 tấn tiêu sạch/năm.

Ông Trần Văn Khánh, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập chia sẻ: “Tham gia dự án, ngoài được hỗ trợ phân tích đất, nước, dự báo lượng mưa để hiểu rõ về nhu cầu dinh dưỡng của cây tiêu, nông dân còn được tư vấn cách chăm sóc, phân bón, thuốc phù hợp. Đặc biệt, công ty áp dụng nhiều sự hỗ trợ khác nên giá thu cao hơn thương lái từ 4.500-9.500 đồng/kg.

HƯỚNG ĐI MỚI

Ông Trần Văn Khánh cho rằng, việc thành lập câu lạc bộ tiêu bền vững nhằm tập trung những hộ trồng tiêu quy mô lớn, trồng tập trung. Những hộ tham gia câu lạc bộ phải tuân thủ các quy định trồng tiêu của chuỗi cung ứng tiêu bền vững. Qua đó tạo môi trường sạch, cân bằng hệ sinh thái, giảm tình trạng bệnh chết nhanh, chết chậm và không lạm dụng thuốc hóa học trên cây tiêu, tạo sản phẩm sạch bán ra thị trường. Hiện Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đắk Ơ có 170 thành viên với diện tích 315 ha tiêu, sản lượng đạt 590 tấn. Vụ tiêu năm 2018, hợp tác xã ký hợp đồng bán cho Công ty Nedspice 480 tấn hồ tiêu, trong đó 80% sản lượng đạt tiêu chuẩn loại A. Hộ ông Nguyễn Duy Luận ở thôn Bù Xia, xã Đắk Ơ có vườn tiêu trên 5.000 trụ. 4 năm nay, ông Luận chăm sóc vườn tiêu theo hướng hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ, không dùng phân bón lá, dưới thảm cỏ, trên có cây che bóng mát. Năm 2018, ông Luận mới thu 2/3 diện tích vườn nên chỉ được 15 tấn hạt tiêu khô nhưng đều đạt chuẩn chất lượng loại A trở lên.

Ông Nguyễn Duy Luận ở xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập trao đổi kỹ thuật canh tác với nhân viên Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam tại vườn tiêu của gia đình

Toàn tỉnh hiện có hơn 70 câu lạc bộ/tổ/nhóm phát triển tiêu bền vững, với 2.000 hộ dân tham gia, diện tích khoảng 2.000 ha đạt chứng nhận R.A. Bên cạnh hiệu quả của việc thu mua sản phẩm, dự án còn tác động tích cực đến nhận thức của nông dân. Người trồng tiêu đã chuyển từ canh tác truyền thống sang canh tác có trách nhiệm, ưu tiên đến môi trường và sức khỏe lao động, người tiêu dùng. Đến nay, các nông hộ tham gia dự án đã hình thành thói quen canh tác an toàn, kiểm soát lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thông qua sổ nhật ký nông hộ. Nông dân đã ý thức trong việc sử dụng các loại thuốc không gây độc hại cho người và môi trường sinh thái.

Kết quả đạt được là tín hiệu tốt cho sự phát triển của dự án trong thời gian tới. Thông qua dự án, trung tâm sẽ tiếp tục với vai trò là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, đồng thời chúng tôi còn đứng ở vị trí trọng tài để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, giải quyết những vướng mắc giữa nông dân và doanh nghiệp để các bên cùng có lợi.

Bà NGUYỄN THỊ HỒNG NHUNG, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh cho biết

Nedspice Việt Nam là công ty có 100% vốn của Hà Lan. Đây là một trong 3 tập đoàn sản xuất gia vị hàng đầu thế giới. Tại Việt Nam, Nedspice thu mua bình quân khoảng 17.000 tấn tiêu khô/năm để sản xuất tiêu bột cung cấp cho hệ thống siêu thị ở các nước châu Âu. Ông Willem Scato Valt Meijer, Tổng giám đốc Công ty Nedspice Việt Nam cho biết, công ty có thị trường truyền thống lâu đời nên rất cần vùng nguyên liệu ổn định bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, Nedspice cam kết thực hiện chuỗi giá trị cung ứng tiêu trên địa bàn Bình Phước mang tính bền vững lâu dài, bảo đảm lợi ích kép cho cả doanh nghiệp và nông dân. Niên vụ 2018-2019, công ty đã thu mua hơn 10.000 tấn hạt tiêu từ dự án tiêu sạch bền vững tại Bình Phước.

Sau gần 7 năm thực hiện, Dự án “phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” đã góp phần nâng cao điều kiện sản xuất, tác động đến quá trình canh tác thu hoạch... và nhận thức của nông dân. Người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh đã quen thuộc với khái niệm trồng tiêu sạch, sản xuất có trách nhiệm đi đôi với quyền lợi. Đến nay, hạt tiêu Bình Phước đã được khách hàng ghi nhận, các nhà thu mua đánh giá là tỉnh có chất lượng hồ tiêu tốt nhất hiện nay. Hiệu ứng tích cực của dự án đã lan tỏa và là tiền đề cho các chương trình, dự án khác trong liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp. Từ đó góp phần cải thiện thị trường cho các sản phẩm bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế gắn với bảo vệ hệ sinh thái trước nguy cơ biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một gay gắt như hiện nay.

Gia Nghi

11 năm, Cà Mau mất gần 9.000ha đất, rừng

Nguồn tin: Báo Ảnh Đất Mũi

Số liệu thống kê cho thấy, trong 11 năm (2007 - 2018), Cà Mau bị mất khoảng 8.870ha đất, rừng ven biển. Trong đó, bờ biển Tây bị xói lở với chiều dài trên 57km, nhiều đoạn nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào; bờ biển Đông có độ xói lở hơn 48km, làm mất đất rừng phòng hộ từ 80 - 100m chiều sâu/năm.

Nơi mà trước đây đai rừng phòng hộ vươn xa hàng ki-lô-mét, nay chỉ còn lại lỏm đất, ngay phía sau là thân đê biển Tây khá mong manh.

Hơn 23,4km khu vực biển Đông sạt lở đặc biệt nguy hiểm

Trước thực trạng trên, nhất là khi vừa qua nước biển dâng đã gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn tỉnh, Cà Mau vừa có tờ trình hỏa tốc gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ rõ hiện còn hơn 23,4km khu vực biển Đông sạt lở đặc biệt nguy hiểm, cần đầu tư để khắc phục nhằm ngăn chặn, bảo vệ tài sản, sản xuất của người dân cũng như các công trình hạ tầng, các khu cơ quan hành chính, công trình giáo dục, y tế, dân cư...

Cụ thể, kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ 702 tỷ đồng để xây dựng kè cấp bách bảo vệ bờ biển phía Đông, nhất là tại các cửa biển xung yếu, khu đông dân cư, như: Rạch Gốc, Vàm Xoáy, Hố Gùi, Kênh Năm - Kênh Chùm Gọng, Kênh Chốn Sóng - Kênh Năm Ô Rô, Hốc Năng.

Đã qua, tỉnh đã sử dụng nhiều nguồn với tổng vốn gần 1.000 tỷ đồng để xử lý khắc phục xói lở nhiều vị trí xung yếu với chiều dài trên 28,7km, chủ yếu trên tuyến biển Tây.

27 vị trí sạt lở bờ sông với chiều dài gần 38km

Đối với sạt lở bờ sông, cũng đang diễn biến khá phức tạp, tập trung tại các huyện ven biển phía Đông: Đầm Dơi, Năm Căn, huyện Ngọc Hiển.

Từ năm 2018 đến nay, đã có trên 3,4km bờ sông bị sạt lở. Qua khảo sát thực tế, hiện có 27 vị trí sạt lở bờ sông với chiều dài gần 38km. Đáng chú ý là xuất hiện 8 vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở cao với chiều dài trên 4,8km, liên quan đến hơn 1.000 hộ dân đang sinh sống, kinh doanh.

Trước mắt, tỉnh kiến nghị Trung ương khẩn cấp xem xét bố trí trên 54 tỷ đồng trong giai đoạn 2019 - 2020 cho Dự án đầu tư xây dựng bờ kè chống sạt lở khu dân cư thị trấn Năm Căn (điều chỉnh).

Được biết, trước đây dự án này đã được thẩm định với tổng mức đầu tư trên 212 tỷ đồng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định vốn cho giai đoạn 2016 - 2020 chỉ có 35 tỷ đồng và đến nay cũng chỉ bố trí được có 10 tỷ đồng, trong khi tình hình sạt lở tại đây đang ngày càng nguy cấp.

TRẦN NGUYÊN

Đồng Tháp: Giá trị sản xuất ngành hàng vịt đạt hơn 256 tỷ đồng

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Ngày 24/8, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết, trong những tháng đầu năm 2019, việc triển khai thực hiện các ngành hàng chủ lực của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó ước giá trị sản xuất ngành hàng vịt đạt hơn 256 tỷ đồng (tăng 11 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2018.

Vịt thả đồng được tiêm phòng nên không phát sinh dịch cúm gia cầm trên địa bàn

Cũng theo ngành nông nghiệp, việc chăn nuôi vịt của người dân từng bước thay đổi tập quán sản xuất từ nuôi vịt chạy đồng sang nuôi nhốt đã cho giá trị cao và an toàn sinh học, quản lý chặt chẽ và thực hiện tiêm phòng vịt nuôi nên không để phát sinh dịch cúm gia cầm trên địa bàn.

Toàn tỉnh đã thành lập thêm 6 tổ hợp tác chăn nuôi vịt theo hướng an toàn với tổng số gần 228.000 con, trong đó tổ hộp tác chăn nuôi vịt xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười được Sở Công thương TP.HCM cấp mã truy xuất nguồn gốc trứng vịt khi vào thị trường Thành phố.

Hồng Ngự

Nuôi bò vỗ béo, hiệu quả thấy rõ

Nguồn tin: Báo Phú Yên

Người nuôi bò ở xã An Hiệp thực hiện tách chuồng vỗ béo bò thịt trước khi bán. Ảnh: TUYẾT HƯƠNG

Với những hiệu quả tích cực từ mô hình Chăn nuôi bò vỗ béo, nông dân huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhân rộng mô hình này, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tăng gần 1kg thịt/ngày

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Tuy An là địa phương có đàn bò nhiều nhất tỉnh, với khoảng 36.000 con, là đối tượng nuôi chính trong sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương, mang lại nguồn thu nhập đáng kể của nhiều gia đình.

Vì vậy từ năm 2017, trung tâm chọn Tuy An thực hiện mô hình Chăn nuôi bò vỗ béo. Mô hình được triển khai tại xã An Thọ và An Dân với 180 con bò. Toàn bộ số bò tham gia mô hình đều ốm yếu, trọng lượng khoảng 200kg/con, tỉ lệ và chất lượng thịt thấp. Để đạt hiệu quả vỗ béo tối ưu nhất, toàn bộ số bò tham gia mô hình đều được tẩy ký sinh trùng và đưa vào vỗ béo theo đúng kỹ thuật.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang mở rộng mô hình nuôi bò vỗ béo tại các xã An Định, An Thạch (huyện Tuy An) với tổng số 220 con bò. Khi tham gia, các hộ chăn nuôi được hỗ trợ 20% chi phí thức ăn và thuốc tẩy ký sinh trùng cho bò. Đồng thời, bà con được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật vỗ béo bò, được hướng dẫn kỹ thuật ủ chua, phối trộn thức ăn cho bò, cách nhận biết, phòng và điều trị một số bệnh thường gặp trên bò...

Ông Nguyễn Minh Hùng ở xã An Thọ, tham gia mô hình cho biết: Khi nuôi bò vỗ béo theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, gia đình tôi không cho bò ăn cỏ, rơm rạ ròng như trước đây mà bổ sung thức ăn hỗn hợp (cám viên) và một số loại phụ phẩm nông nghiệp được ủ chua theo hướng dẫn. Nhờ vậy, trọng lượng bò tăng hơn 0,8kg/ngày/con. Sau 3 tháng vỗ béo, mỗi con bò của gia đình tăng 70-75kg, tỉ lệ thịt cao nên thương lái rất chuộng. Ngay sau khi vỗ béo thành công, tôi xuất bán, thu lãi gần 30 triệu đồng.

Cũng theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, lâu nay nhiều nông dân đã áp dụng các biện pháp chăn nuôi bò vỗ béo, tuy nhiên bà con chưa có kiến thức chuyên môn, phần lớn áp dụng theo kinh nghiệm của bản thân nên tỉ lệ tăng trọng chưa đạt, thường chỉ tăng khoảng 0,4kg/ngày. Trong khi đó, bà con áp dụng theo đúng kỹ thuật vỗ béo của trung tâm hướng dẫn, tốc độ tăng trưởng của bò cao hơn, cá biệt có con tăng từ 0,9-1kg/ngày. Bình quân mỗi con bò sau khi vỗ béo có giá bán cao hơn lúc trước từ 3-5 triệu đồng.

Nông dân chủ động áp dụng

Từ hiệu quả mô hình mang lại, hiện có khá nhiều nông dân ở huyện Tuy An chủ động học hỏi, áp dụng phương pháp vỗ béo bò để tăng thu nhập. Ông Bảy Bích ở thị trấn Chí Thạnh, cho biết: Sau khi được tham quan, học hỏi kinh nghiệm nuôi bò vỗ béo của các hộ tham gia mô hình, tôi cũng đã áp dụng theo. Toàn bộ số bò thịt trước khi xuất bán tôi cho tách chuồng, đưa vào nuôi vỗ béo với khẩu phần ăn riêng chế độ cao hơn.

Cụ thể, mỗi ngày một con bò sẽ được cho ăn khoảng 55% thức ăn thô xanh và 45% thức ăn tinh. Thức ăn tinh có thể là các loại cám viên tổng hợp, nhưng để tiết kiệm chi phí, gia đình tôi tự mua nguyên liệu phối trộn gồm bột bắp, cám gạo, bột sắn, muối, rỉ mật, u rê, khoáng, đậu tương... theo tỉ lệ nhất định. Từ khi áp dụng phương pháp này, đàn bò thịt tăng trọng rất cao, khoảng 80-90kg/3 tháng vỗ béo, từ đó giá bán cũng tăng khoảng 5 triệu đồng/con.

Còn theo ông Huỳnh Văn Sáu ở xã An Hiệp, trước khi xuất bán bò, ông chỉ tăng khẩu phần ăn và bổ sung thêm cháo cám gạo, muối khoáng nên bò tăng trọng ít. Từ khi được tham quan mô hình vỗ béo bò của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trước khi vỗ béo, ông đã cho tẩy ký sinh trùng và đưa khẩu phần ăn với hàm lượng chất tinh cao vào nuôi, nên bò mập nhanh, lợi nhuận cũng cao hơn hẳn.

Ông Cao Văn Tiên, Phó Phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho hay: Chăn nuôi vỗ béo bò là phương pháp không mới, đã được người dân thực hiện từ khá lâu. Tuy nhiên lâu nay, mô hình này phát triển còn manh mún, chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Từ khi các mô hình chăn nuôi bò vỗ béo của Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ. Đến nay, với những hiệu quả mà mô hình mang lại, bà con ở các địa phương đã chủ động nhân rộng, phát triển mô hình. Huyện cũng xác định đây sẽ là mô hình cốt lõi để phát triển ổn định đàn bò của địa phương trong thời gian tới. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 4.000 con bò đang được người dân áp dụng mô hình chăn nuôi vỗ béo.

THỦY TIÊN

Hiếu Giang tổng hợp

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop