Thúc đẩy sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ
Nguồn tin: Hà Nội Mới
Thời gian qua, việc sử dụng phân bón vô cơ (còn gọi là phân hóa học) để lại nhiều hệ lụy với môi trường và ảnh hưởng đến chất lượng nông sản vì chỉ khoảng 50% lượng phân bón được cây trồng hấp thụ, 50% còn lại sẽ bị rửa trôi, thẩm thấu vào nguồn nước hoặc bay hơi, gây ô nhiễm môi trường… Ngược lại, phân bón hữu cơ không chỉ làm giàu đất, tốt cho cây trồng mà còn tạo ra nông sản hữu cơ, an toàn... Lợi ích đã rõ nhưng thực tế, so với phân bón vô cơ, lượng phân bón hữu cơ được người dân sử dụng còn ở mức khiêm tốn do nhiều yếu tố...
Về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương lý giải: Phân bón hữu cơ cần bón lượng lớn trên đơn vị diện tích nên bất tiện về vận chuyển và sử dụng so với phân vô cơ; tác động của phân bón hữu cơ không nhanh như phân vô cơ và chi phí đầu vào cũng cao hơn... Do thấy phân vô cơ tác dụng tức thời đến sinh trưởng, năng suất cây trồng nên nhiều nông dân hình thành thói quen sử dụng và phụ thuộc vào loại phân bón này...
Để khắc phục, Chủ tịch Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam Nguyễn Hạc Thúy nêu ý kiến: Nhà nước cần có chính sách nhất quán khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu trong nước. Đồng thời, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ nhằm nâng cao hàm lượng dinh dưỡng trong đơn vị phân bón, giảm khối lượng, tác động nhanh đến sinh trưởng của cây trồng, qua đó giảm giá thành… Nếu đáp ứng các điều kiện đó sẽ thuyết phục được nông dân sử dụng.
Ở góc độ khác, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Dương Thị Hằng cho rằng, việc phối hợp với các cơ quan, đoàn thể liên quan đẩy mạnh công tác tập huấn, truyền thông, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp mở các lớp tập huấn, hội nghị đầu bờ... Qua đó, nâng cao nhận thức, tư duy cho nông dân về vai trò, tác dụng lâu dài của phân bón hữu cơ kết hợp hướng dẫn nông dân cách sử dụng phân bón hữu cơ.
Về phía doanh nghiệp, theo kinh nghiệm của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam (doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam hiện nay), để phát triển và mở rộng sản xuất phân bón hữu cơ, doanh nghiệp duy trì hai mô hình song song: Thứ nhất, doanh nghiệp sản xuất phân hữu cơ thông qua hệ thống nhà máy khắp cả nước; sau đó, thu mua nông sản cho nông dân, tạo chuỗi hữu cơ khép kín. Thứ hai, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng, chuyển giao các chế phẩm hữu cơ, vi sinh để nông dân dễ dàng xử lý phế phụ phẩm trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt... thành phân hữu cơ.
Hiện, công tác quản lý nhà nước về phân bón ngày càng được củng cố với hành lang pháp lý tương đối đầy đủ. Trong đó, chính sách nhà nước về phát triển phân bón hữu cơ đã được cụ thể hóa tại Điều 4, Luật Trồng trọt năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 1-2-2020). Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kiểm soát chất lượng phân hữu cơ cũng đang được hoàn thiện. Đây là những điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng phân bón hữu cơ tại nước ta nhằm đạt tối đa lợi ích trong sản xuất nông nghiệp…
Tại hội nghị về đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ phân bón hữu cơ mới đây do Bộ NN&PTNT tổ chức, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Việt Nam có tiềm năng sản xuất phân bón hữu cơ rất lớn với lợi thế về nguồn nguyên liệu, đặc biệt là phế - phụ phẩm trong nông nghiệp. Để thực hiện mục tiêu sản xuất, tiêu thụ phân bón hữu cơ trong nước đạt 3 triệu tấn và xuất khẩu 0,5 triệu tấn vào năm 2020, ngay từ bây giờ, cần đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ để nâng cao chất lượng nông sản.
SƠN TÙNG
Phú Thọ: Bí xanh vụ đông ‘thắng’ lớn
Nguồn tin: Báo Phú Thọ
Cây bí đao xanh mang lại nguồn thu lớn cho người dân xã Văn Lang.
Người dân xã Văn Lang, huyện Hạ Hoà (tỉnh Phú Thọ) đang vui mừng trong vụ thu hoạch bí xanh sớm bởi lợi nhuận cho cao hơn nhiều so với chính vụ. Bí xanh vụ sớm được trồng từ tháng 7, đến nay đã bắt đầu cho thu hoạch. Thương lái ở các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, thành phố Hà Nội... đã đổ về xã để thu mua bí. Bí xanh vụ sớm bán được giá, có ngày đạt 11.000đ/kg tại ruộng.
Thương lái thu mua bí đao xanh vụ đông sớm tại xã Văn Lang.
Vụ bí này, các hộ đạt năng suất trung bình 1,5 tấn/ha. Tính toán cho thấy, với mỗi ha bí xanh, người dân chi gần 128 triệu đồng, thu lãi hơn 247 triệu đồng, cao hơn so với trồng bí xanh chính vụ gần 114 triệu đồng. Văn Lang là xã nổi tiếng với giống cây bí xanh vụ đông. Mỗi cây cho 1 - 2 quả đều tăm tắp, dài trung bình 60 - 80cm, thịt quả dày, ruột đặc, ăn không bị chua. Tại xã Văn Lang hiện nay có hơn 30ha bí đao vụ đông sớm đang được thu hoạch. Toàn xã hiện còn gần 90ha bí xanh chính vụ sẽ được thu hoạch trong thời gian tới.
Diệu Anh
57ha khoai mì của nông dân Quảng Ngãi bị bệnh khảm lá
Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng
Ngày 23-9, ông Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi, thông tin, thống kê sơ bộ có 57ha diện tích khoai mì của nông dân tỉnh Quảng Ngãi bị bệnh khảm lá. Đây là loại bệnh mới xâm nhập vào Việt Nam nhưng đã lây lan và gây hại nghiêm trọng tại nhiều vùng trồng khoai mì trong nước.
57ha diện tích khoai mì của nông dân Quảng Ngãi bị bệnh khảm lá, xuất hiện tại các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Trà Bồng, trong đó có khoảng 5ha bị tình trạng bệnh khảm lá nặng hơn 70%.
Diện tích khoai mì bị bệnh khảm lá ở Quảng Ngãi. Ảnh:NGUYỄN TRANG
Bệnh khảm lá khoai mì lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống. Đây là loại bệnh mới xâm nhập vào Việt Nam nhưng đã lây lan và gây hại nghiêm trọng tại nhiều vùng trồng khoai mì trong nước.
Ông Nguyễn Thế Vĩnh cho biết: “Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết là khảm vàng loang lỗ trên lá, làm cho lá biến dạng, cong queo, nhăn nhúm… Hom giống lấy từ khoai mì bị bệnh khi mọc mầm sẽ biểu hiện ngay và không cho ra củ”.
Biểu hiện bệnh khảm lá là lá khoai mì bị biến màu xanh vàng loang lổ, xoăn lá. Ảnh:NGUYỄN TRANG
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức điều tra đồng ruộng, trong quá trình điều tra quan sát bao quát trên cánh đồng để phát hiện những ruộng điểm bị bệnh nặng thông qua bộ lá bị biến màu xanh vàng loang lổ. Khi xác định được ruộng bị khảm lá thì điều tra theo 5 điểm chéo góc… mỗi điểm điều tra 10 cây liền kề.
Theo ông Vĩnh, nhận định của Chi cục là thời gian tới đây thì bệnh khảm lá khoai mì sẽ còn lan rộng, các địa phương, hội đoàn thể,… cần tổ chức hướng dẫn cho nông dân cách phòng trừ.
Cây non bị khảm lá khoai mì sẽ không phát triển, không cho ra củ. Ảnh:NGUYỄN TRANG
Biện pháp phòng trừ, chọn giống kháng bệnh, không trồng các giống nhiễm bệnh nặng, không trồng cây khoai mì hoặc cây ký chủ của bọ phấn (cây bông, cà chua, cà pháo, khoai tây,…) ở những vùng đã bị bệnh khảm lá ít nhất một vụ.
Phòng trừ môi giới truyền bệnh, sử dụng bẫy dính vàng trên đồng ruộng diệt bọ phấn trắng, phun thuốc khi bọ phấn ở giai đoạn ấu trùng hiệu quả hơn.
Đối với những vùng bị bệnh nặng trên 70% thì tiến hành nhổ toàn bộ ruộng, thu gom và đốt. Các ruộng có khả năng thu hoạch thì nhổ toàn bộ cây sắn, tận thu củ còn thân lá đem tiêu hủy.
Bệnh khảm lá khoai mì do virus có tên khoa học là Sri Lanka Cassave Mosaic Virus gây ra, lan truyền qua 2 con đường, qua hom giống, virus này tồn tại trong thân, lá, củ mì nên khi lấy thân mì làm giống cho vụ sau thì virus tiếp tục nhân lên, lá xoăn lại, gây nguồn bệnh; qua môi giới truyền bệnh bọ phấn trắng, bọ phấn trắng chích hút trên cây mì bị bệnh từ đó truyền sang cây khỏe làm cây bị bệnh.
Cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo biện pháp kiểm dịch thực vật, không cho phép nhập khẩu vật liệu khoai mì làm giống từ Campuchia, Lào vào Việt Nam, kiểm dịch chặt chẽ các lô củ mì tươi nhập khẩu không được mang theo thân, lá. Trong nội địa, không vận chuyển thân, lá ra khỏi nơi nhiễm bệnh, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh đến các tỉnh khác…
NGUYỄN TRANG
Giá khoai lang trắng và khoai sữa đạt mức cao kỷ lục trên 500.000 đ/tạ
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Trên địa bàn huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long), trong khi giá khoai lang tím Nhật đứng ở mức thấp nhất trong những năm trở lại đây, chỉ trên 100.000 đ/tạ thì 2 loại khoai lang trắng giấy và khoai sữa lại có giá cao đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, hiện ở mức trên 500.000 đ/tạ.
Với mức giá như hiện tại thì người trồng khoai lang trắng giấy và khoai sữa rất phấn khởi. Theo nhiều hộ trồng khoai cho biết, đây là 2 loại khoai từ trước đến nay chủ yếu được tiêu thụ trong nước và chưa đạt mức giá cao đến vậy.
Điểm nổi bật của 2 loại khoai này là năng suất đạt rất cao, bình quân trên 80 tạ/công, nhiều ruộng khoai đạt năng suất cao có thể lên đến trên 100 tạ/công. Mặt khác, chi phí đầu tư sản xuất cũng ít hơn so với khoai lang tím Nhật.
Với mức giá hiện tại, sau khi trừ chi phí đầu tư sản xuất người trồng có thể thu lợi nhuận trên 25 triệu đồng/công. Tuy nhiên, trong tổng số diện tích khoai lang được xuống giống từ đầu năm 2019 đến nay thì 2 loại khoai này chỉ chiếm trên 10% cơ cấu giống được sản xuất.
TRUNG THÀNH
Khi nông dân đổi mới tư duy sản xuất
Nguồn tin: Báo Sóc Trăng
Được đánh giá có lợi thế về nông sản, nhưng khi tiếp cận thị trường không ít nông dân gặp khó khăn, lúng túng. Khắc phục tình trạng này, tại Đồng Tháp đã có nhiều nông dân và hợp tác xã (HTX) đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp và thực tế họ đã thành công trên chính sân nhà của mình...
Đặt mình ở vị trí khách hàng
Nhiều nhà vườn trồng xoài theo hướng hữu cơ tại Đồng Tháp được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản lượng với mức giá cao hơn ngoài thị trường gấp 1,5-2 lần.
Những năm trước cùng chung số phận với nhiều loại nông sản khác, sản phẩm quýt đường của tổ hợp tác (THT) quýt đường xã Vĩnh Thới (tiền thân của HTX Nông sản sạch Vĩnh Thới, huyện Lai Vung) dù được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, nhưng vẫn bị thị trường đánh đồng về chất lượng và giá cả với sản phẩm quýt đường bình thường. Song, nhờ kiên trì đi theo con đường sản xuất sạch đến năm 2016, sản phẩm quýt đường của THT này chính thức được Công ty VinEco của Tập đoàn Vingroup bao tiêu toàn bộ sản lượng. Tuy nhiên, để trụ lại được trong hệ thống phân phối cao cấp của Vinmart, thuộc tập đoàn VinGroup thật sự không phải là câu chuyện dễ dàng. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường trong nước đang bị nhiều mặt hàng nông sản ngoại đang dần “lấn sân” và chi phối người tiêu dùng nội địa tại các kênh phân phối hiện đại.
Ông Tống Văn Phong, Giám đốc HTX Nông sản sạch Vĩnh Thới, xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, chia sẻ: “Trong một lần tình cờ đi khảo sát tại siêu thị chúng tôi tìm thấy sản phẩm của HTX mình được trưng bày trên quầy kệ, song chúng không còn được tươi mới và có phần nhếch nhác. Trong khi những quầy trái cây ngoại gần đó dường như được chăm chút hơn, nhìn thật tươi mới. Cảm quan mà nói nếu tôi là người tiêu dùng thì cũng bị nông sản ngoại thu hút, bởi nó quá hấp dẫn. Đây là bài học đầu tiên về quản trị bán hàng mà HTX đúc kết được sau khi “tập tành làm ăn” với doanh nghiệp lớn” - ông Phong nhớ lại.
Sau lần đi thực tế này, Giám đốc HTX Nông sản sạch Vĩnh Thới đã cùng ngồi lại với doanh nghiệp để trao đổi về những điểm nghẽn và khó khăn khi tiêu thụ. Bài học kinh nghiệm sâu sắc mà HTX rút kết được chính là vào được kênh phân phối hiện đại đã khó, nhưng để bán được hàng tốt thì bản thân nhà bán lẻ cố gắng vẫn chưa đủ, mà cần phải có sự san sẻ và đồng hành của HTX. Chia sẻ về chiến lược bán hàng của mình, ông Tống Văn Phong tâm niệm: “Phải tối đa hóa giá trị của mình đối với đối tác, không tự cao, tự mãn để rồi tự hại mình. Thẳng thắn góp ý với doanh nghiệp bán lẻ để sản phẩm được tiêu thụ tốt hơn”.
Nhờ đảm bảo được uy tín với đối tác nên không những mặt hàng quýt đường được bao tiêu với mức giá ổn định mà ngày càng có nhiều mặt hàng trái cây của HTX đều được doanh nghiệp bao tiêu. Theo thống kê của HTX trái cây sạch xã Vĩnh Thới, năm 2018 đã có trên 5 loại trái cây của HTX được Công ty VinEco thu mua, với tổng sản lượng trên 700 tấn. Theo dự kiến của HTX trong năm 2019 tổng sản lượng trái cây của HTX tiêu thụ tại các kênh siêu thị sẽ tăng lên 1.000 tấn, hiện tại ngoài làm nhà cung cấp cho Công ty VinEco, trái cây của HTX này còn có mặt tại hệ thống siêu thị Big C, dự kiến sắp tới sẽ tiếp tục có mặt tại hệ thống siêu thị Co.opmart. Từ chỗ nông sản sạch làm ra không biết bán cho ai, bán ở đâu thì hiện nay nông sản của HTX này gần như đã chen chân vào được phần lớn các hệ thống và kênh phân phối hiện đại.
Đột phá để thắng trên sân nhà
Cũng như nhiều nhà vườn trồng xoài ở tỉnh Đồng Tháp, trước khi sản xuất xoài theo hướng hữu cơ, vườn xoài cũng ông Nguyễn Phú Hiệp cũng không có nhiều khác biệt gì so với hàng trăm mảnh vườn trên khắp tỉnh Đồng Tháp. Xoài của ông Hiệp vẫn bán trôi nổi ngoài thị trường và thường xuyên bị ùn ứ vào chính vụ.
Tuy nhiên, năm 2013 sau khi tham dự một khóa học về sản xuất xoài theo hướng VietGAP, tư tưởng của ông Hiệp bắt đầu có sự thay đổi. Chính bước ngoặt này đã giúp ông Hiệp hiểu hơn về thị trường nội địa và quyết tâm thay đổi để chinh phục thị trường 97 triệu dân tiềm năng. “Tham dự các lớp tập huấn về sản xuất xoài an toàn tôi thường xuyên nghe các chuyên gia nhắc đi nhắc lại câu “nước đến chân rồi nếu không thay đổi cách làm bà con sẽ thua ngay trên sân nhà”. Nghe riết thành ám ảnh, rồi tôi trăn trở tại sao mình không thay đổi để thắng trên sân nhà mà cứ ngồi chờ thời?” - ông Hiệp nhớ lại.
Từ nền tảng sản xuất VietGAP, ông Hiệp mạnh dạn sản xuất xoài theo hướng hữu cơ, nhờ thay đổi cách làm và không ngừng học hỏi nên ông đã sớm được doanh nghiệp chú ý và bao tiêu sản phẩm. Không làm một mình mà ông Hiệp còn “rủ rê” những nhà vườn lân cận cùng sản xuất theo hướng hữu cơ để bán sản phẩm sạch cho doanh nghiệp. Năm 2014, toàn bộ sản lượng xoài của Tổ hợp tác Sản xuất Dịch vụ (THT SX DV) xoài Bà Két, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh do ông Hiệp làm tổ trưởng đã được Công ty Đại Thuận Thiên, TP Cần Thơ bao tiêu với mức giá cao hơn trung bình gấp 2-3 lần so với mức giá ngoài thị trường.
Ông Hiệp tâm sự: “So với trước đây thì chất lượng của xoài sản xuất theo hướng hữu cơ hoàn toàn khác biệt so với trái xoài trồng bình thường. Do không bón phân hóa học, không phun xịt tăng trưởng, hương vị trái xoài cũng đậm đà và ít hư thúi hơn. Tôi có thể mạnh dạn cam kết cho doanh nghiệp xoài của tôi không hư thúi trong vòng từ 3-5 ngày. Đây là điều mà không phải nhà vườn nào cũng dám thực hiện”.
Nhằm nỗ lực chứng minh chất lượng trái xoài của mình làm ra ngoài chuyện cam kết ngày sử dụng, ông Hiệp và các tổ viên còn tính đến chuyện gắn tem truy xuất nguồn gốc lên từng trái xoài. Các thành viên trong THT SX DV xoài Bà Két tâm đắc: “Chúng tôi mong muốn thông qua chiếc tem truy xuất nguồn gốc khách hàng sẽ tin tưởng hơn đối với trái cây nội địa. Thông qua đây, chúng tôi cũng muốn thể hiện sự cầu thị và dám chịu trách nhiệm với sản phẩm mình làm ra”.
Không riêng ở THT SX DV xoài Bà Két mà hiện nay nhiều nhà vườn ở Đồng Tháp cũng bắt đầu thay đổi. Vì nông dân hiểu rằng sản xuất sạch không chỉ vì lợi ích cộng đồng, sức khỏe cho chính mình, mà còn vì sự phát triển bền vững cho các thế hệ sau này.
Bài, ảnh: Vân Khánh
Chỉ trồng bưởi da xanh ở vùng thâm canh cao
Nguồn tin: Báo Bắc Giang
Mấy năm gần đây, tại một số địa bàn trong tỉnh Bắc Giang người dân trồng và mở rộng diện tích bưởi da xanh. Qua thực tế cho thấy, cây trồng này chỉ thích hợp ở chân đất giàu dinh dưỡng, được chăm sóc thâm canh cao.
Công chăm sóc, phân bón gấp nhiều lần giống bưởi khác
Chị Nguyễn Thị Hoài Anh, thôn Trại Cả, xã Đồng Lạc (Yên Thế) được người dân đánh giá là người trồng bưởi có kinh nghiệm nhất địa bàn. Theo chị với điều kiện kinh tế và kỹ thuật chăm sóc của người dân tại xã thì không nên khuyến khích trồng bưởi da xanh vì đây là giống đòi hỏi thâm canh cao mới cho hiệu quả.
Những cây bưởi da xanh kém hiệu quả của hộ ông Nguyễn Văn Quý, xã Đồng Lạc (Yên Thế).
Dẫn khách thăm vườn, bên cây bưởi da xanh sai trĩu cành với hàng trăm quả/cây, chị cho biết: “Để cây cho quả như thế này không đơn giản. Mỗi tháng tôi phải bón phân vi sinh cho cây một lần trong khi những giống khác chỉ cần bón phân hai lần/vụ”.
Theo lời chị Anh, bưởi da xanh ưa loại phân bón hữu cơ vi sinh cao cấp. Ví như phải ủ đậu tương, cá mắm… tưới vào gốc chứ không đơn thuần là phân chuồng hay phân hóa học. Qua thực tế trồng, chăm sóc các giống bưởi, chị Anh chỉ trồng vài chục cây bưởi da xanh để đa dạng cho vườn quả, còn lại chị mở rộng các giống bưởi khác để phát triển kinh tế.
Là hộ được biết đến có của ăn của để, thậm chí thu cả tỷ đồng mỗi năm nhờ trồng bưởi da xanh, chị Lại Thị Tâm, thôn Mịn Con, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) cũng khẳng định, cây trồng này khá khó tính. Nếu không chăm sóc kịp thời thì khó mà đạt năng suất cao. Chị Tâm chia sẻ, không thể để cây thiếu nước, thiếu phân bón được.
Nếu một số giống bưởi khác khi trời nắng to, hạn mà mình bận có thể để ngày mai tưới nhưng loại bưởi này thì lỡ một ngày là cây kém ngay. Vì thế, ngày nào cũng phải để mắt đến vườn. Với hơn 400 gốc, chị thu được hơn 5 nghìn quả, bình quân đạt 1,8-2kg/quả.
Vừa qua, chị bán hơn 3 tấn bưởi với giá 38-40 nghìn đồng/kg, thu hơn 100 triệu đồng. Ưu điểm của cây là hoa ra rải vụ, có thể bắt quả lứa chiêm hoặc chính vụ. Nhà chị có bưởi bán từ tháng 7 năm trước đến tháng 3 Âm lịch năm sau. Nơi đây trở thành địa chỉ mà nhiều thương nhân ở Thanh Hóa, Quảng Ninh về thu mua, mang đi tiêu thụ.
Lựa chọn cây trồng phù hợp
Vì là cây trồng đòi hỏi chăm sóc tỉ mỉ nên trên thực tế không phải hộ nào cũng thu được lợi nhuận từ trồng bưởi da xanh. Ví như vườn quả của hộ ông Nguyễn Văn Quý, thôn Trại Cả, xã Đồng Lạc có nhiều cây bưởi vàng vọt, chết dần. Trước đó, ông phải chặt 10 cây.
Vườn bưởi da xanh của gia đình chị Lại Thị Tâm, xã Trù Hựu (Lục Ngạn) được chăm sóc đúng kỹ thuật.
Cây lá xanh tốt thì chỉ có vài quả. Tại một số gốc có những bao phân lợn được tập kết tại gốc để bón cho bưởi. Theo cán bộ nông nghiệp của huyện đến thăm vườn, do ông Quý sử dụng loại phân bón không phù hợp vì phân lợn không thích hợp với bưởi da xanh đã khiến cây không phát triển được. Để khắc phục, tới đây ông Quý tiếp tục chọn lọc, chặt bỏ một số cây bưởi da xanh thay bằng cây trồng khác.
Theo Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp huyện Yên Thế, trên địa bàn huyện có nhiều hộ như gia đình ông Quý khi trồng bưởi da xanh không hiệu quả. Hiện toàn huyện có 8 ha bưởi da xanh. Nhiều hộ đã chặt bỏ bưởi và chỉ còn trồng xen với cây trồng khác trên diện tích chừng hơn 2 ha.
Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo chỉ đạo duy trì ổn định diện tích bưởi da xanh hiện có, tập trung chăm sóc để nâng chất lượng quả. Đối với diện tích không hiệu quả thì chuyển đổi sang cây trồng khác.
Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế cho biết, chất đất trên địa bàn không phù hợp với bưởi da xanh nên nhiều năm qua, trong chỉ đạo sản xuất, phòng không khuyến cáo mở rộng giống bưởi này mà tập trung hướng dẫn người dân mở rộng giống bưởi đỏ, bưởi Diễn và nâng cao chất lượng bưởi địa phương.
Tại huyện Lạng Giang, Lục Nam cũng có một số hộ trồng bưởi da xanh nhưng ở chân đất trũng, kém hiệu quả. Đa phần bưởi chỉ cho quả chất lượng ở vụ đầu sau đó thoái hóa dần ở những năm tiếp theo.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, bưởi da xanh là giống cây ưa nóng, đòi hỏi người trồng cần nắm vững kỹ thuật cũng như chăm sóc tỉ mỉ thì mới cho năng suất cao. Đất trồng bưởi da xanh là loại đất giàu dinh dưỡng như đất cát pha, đất bùn… Vì thế tại vùng cây ăn quả Lục Ngạn-nơi bà con có kinh nghiệm sản xuất, nhiều hộ đã thu được lợi nhuận lớn.
Hiện Lục Ngạn duy trì hơn 530 ha bưởi da xanh. Bên cạnh đó, bưởi da xanh cũng có ưu điểm là cây trồng rải vụ, chín sớm không thu hoạch dồn vào cùng thời điểm nên việc tiêu thụ khá thuận lợi. Giá bưởi luôn cao hơn so với giống khác. Trước thực tế trên, Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo duy trì ổn định diện tích bưởi da xanh hiện có, tập trung chăm sóc để nâng chất lượng quả. Đối với diện tích không hiệu quả thì chuyển đổi sang cây trồng khác.
Cây ăn quả thường trồng vài năm mới cho thu hoạch. Nếu không hiệu quả phải phá bỏ thì sẽ tốn thời gian, công sức, tiền của của người trồng. Vì vậy, người dân nên thận trọng, nghiên cứu kỹ, lựa chọn cây trồng phù hợp với chất đất cũng như điều kiện kinh tế, khả năng đầu tư của gia đình.
Trường Sơn
Giá nhãn giảm
Nguồn tin: Báo Đồng Tháp
Vài tuần nay, giá nhãn trên địa bàn huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp) có chiều hướng giảm từ 3.000 – 4.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 4/2019.
Nông dân huyện Châu Thành chăm sóc nhãn
Theo bà con nông dân trồng nhãn thuộc cù lao An Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành, hiện nhãn loại 1 giá dao động từ 20.000 – 21.000 đồng/kg; loại 2 giá 17.000 – 18.000 đồng/kg. So với những năm trước, mức giá này giảm khoảng 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Nguyên nhân giá nhãn giảm là do nguồn cung đang tăng mạnh trong khi nhu cầu cung ứng phục vụ xuất khẩu đang có chiều hướng giảm. Bên cạnh đó, thời điểm này cũng là chính vụ của các loại trái cây khác nên giá nhãn cũng bị ảnh hưởng...
Trang Huỳnh
Hà Nội: Đẩy mạnh xây dựng vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh
Nguồn tin: Hà Nội Mới
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2019-2025.
Theo đó, các địa phương sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, nguy cơ tái phát, xâm nhiễm của các chủng vi rút nguy hiểm vào Việt Nam và thành phố. Đồng thời, các địa phương tập trung công tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm, đạt tối thiểu 80% tổng đàn gia cầm thuộc diện phải tiêm; tổ chức lấy mẫu giám sát ở các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh để tạo điều kiện cho việc xây dựng thành công các vùng, cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh...
Liên quan đến nhiệm vụ trên, các ngành chức năng thành phố phối hợp với các quận, huyện, thị xã kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông, cơ sở nguy cơ cao, các chợ buôn bán gia cầm sống...; hướng dẫn địa phương xây dựng vùng cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh. Toàn thành phố phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 3-5 vùng an toàn dịch bệnh và 20 cơ sở chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh.
QUỲNH DUNG
Hiệu quả nuôi gà dưới tán dừa
Nguồn tin: Báo Khánh Hòa
Thời gian qua, nhiều hộ ở 2 thôn Tuần Lễ và Ninh Mã, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) áp dụng mô hình kết hợp nuôi gà thả vườn dưới tán dừa rất hiệu quả. Mô hình này đã giúp nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Thoát nghèo nhờ nuôi gà
Trước đây, gia đình ông Huỳnh Tấn Toàn (thôn Ninh Mã) làm nghề nuôi tôm. Sau bao lần lao đao do tôm bị dịch bệnh và bị bão lụt tàn phá, ông đã bỏ nuôi tôm để chuyển sang nuôi gà thả vườn. Tận dụng vườn dừa trồng trên cát, năm 2012, ông đầu tư mua lưới B40 rào quây vài trăm mét vuông để nuôi gà thả dưới tán dừa. Thời gian đầu, mỗi lứa ông chỉ nuôi vài trăm con. Qua nhiều lứa nuôi, nhận thấy hiệu quả mang lại rất khả quan khi đàn gà phát triển thuận lợi, không bị dịch bệnh, chất lượng thịt ngon, được thị trường ưa chuộng; vườn dừa cũng xanh tốt và cho nhiều trái hơn nhờ được bổ sung lượng phân gà thường xuyên nên ông mở rộng quy mô. Đến nay, toàn bộ diện tích vườn dừa của gia đình ông đã trở thành trang trại gà thả vườn với số lượng 8.000 con và luôn duy trì sản lượng xuất bán trên dưới 2.000 con mỗi tháng. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 250 triệu đồng. Nhờ vậy, ông đã từng bước cải thiện được kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo từ năm 2017. Để tiết kiệm chi phí đầu vào, chủ động nguồn thức ăn cho gà, ông mua máy nghiền, máy ép về tự chế biến thức ăn cho đàn gà. “Không riêng gia đình tôi mà cả bố mẹ, gia đình em trai tôi bây giờ cũng đã có kinh tế khá nhờ mô hình nuôi gà thả vườn”, ông Toàn chia sẻ.
Gia đình bà Trang nuôi gà thả vườn dưới tán dừa.
5 năm trước, gia đình bà Nguyễn Thị Đông Trang (thôn Tuần Lễ) cũng quyết định bỏ nghề nuôi tôm để chuyển sang nuôi gà thả vườn dưới tán dừa. Gia đình bà đã biến vườn dừa 1.000m2 thành trang trại nuôi gà, ban đầu chỉ mấy trăm con và hiện tại đã hơn 3.000 con. Nhờ tính hiệu quả của mô hình chăn nuôi này, thu nhập ngày một khá hơn, gia đình bà Trang đã có vốn đầu tư mua 1 máy cày và 4 máy gặt để kinh doanh dịch vụ nông nghiệp phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn. Cũng từ đây, gia đình bà đã nhanh chóng vươn lên khá, giàu và trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền. Từ khi Tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn xã Vạn Thọ được thành lập vào năm 2018, bà Trang cũng được các thành viên tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng.
Nhiều triển vọng
Theo ông Trần Quang Khánh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ, xuất phát từ tình hình thực tế trên địa bàn xã, nhất là ở thôn Tuần Lễ có nhiều hộ chăn nuôi gà thả vườn dưới tán dừa, Hội Nông dân xã đã vận động 9 hộ tiêu biểu để thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn xã Vạn Thọ. Từ khi thành lập tổ hợp tác, hoạt động chăn nuôi của các hộ thành viên đã có nhiều thuận lợi so với trước, như: Dễ tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, hoạt động có định hướng về sản lượng và đầu ra sản phẩm… nên hiệu quả càng tăng lên.
Theo lãnh đạo Hội Nông dân xã cũng như các chủ trang trại, mô hình kết hợp nuôi gà thả vườn dưới tán dừa không chỉ mang lại hiệu quả khi tận dụng được không gian thoáng, rộng của khu vườn và bóng mát tán dừa giúp đàn gà có phạm vi hoạt động rộng, góp phần tăng chất lượng thịt, mà vườn dừa cũng được bổ sung lượng phân gà thường xuyên giúp cây phát triển tốt hơn, năng suất trái tăng từ 15 đến 20%. Điều đặc biệt là việc chăn nuôi gà ở vườn dừa với nền cát, vấn đề về môi trường do chất thải của gà được hạn chế tối đa do tính thẩm thấu rất tốt của cát. Cùng với lợi thế này, để hạn chế tối đa ảnh hưởng về môi trường, các thành viên tổ liên kết đều sử dụng đệm lót sinh học và xây dựng hầm biogas trong khu vực chuồng trú ngụ của đàn gà để xử lý chất thải.
Ông Trần Quang Khánh cho biết: “Mô hình chăn nuôi gà thả vườn dưới tán dừa của tổ liên kết thời gian qua cho thấy những hiệu quả rõ rệt. Do vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động thêm các hộ chăn nuôi theo mô hình này vào tổ liên kết; đồng thời sẽ đồng hành sát sao với các hộ thành viên thông qua việc phối hợp với cơ quan chuyên môn và ngành chức năng hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn vốn để mở rộng sản xuất, cũng như các hoạt động hỗ trợ khác để hướng tới sớm đưa sản phẩm của tổ liên kết vào các siêu thị”.
THẾ ANH - THANH HẢI
Nhiều cơ hội cho ngành hàng sữa Việt Nam
Nguồn tin: Báo Chính Phủ
Hiện nay, ngành hàng sữa Việt Nam đã xuất khẩu đến 46 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dự báo, xuất khẩu sữa còn nhiều cơ hội để bứt phá trong thời gian tới, đặc biệt là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Việt Nam đang đứng thứ 4 châu Á về năng suất đàn bò sữa - Ảnh: VGP/Đỗ Hương.
Ngày 24/9, Bộ NN&PTNT tổ chức Diễn đàn tầm nhìn và đối thoại PPP ngành hàng chăn nuôi tại Hà Nội.
Ông Phạm Văn Duy, Phó cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: Hiện nay, sữa Việt đã được xuất khẩu tới 46 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó thị trường các nước Trung Đông chiếm tới hơn 70%.
7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sữa sang hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều tăng trưởng mạnh. Trong đó, mặt hàng sữa bột chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất trong 7 tháng đầu năm, đạt 72,09 triệu USD, tăng 89,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Bộ NN&PTNT những năm qua, chăn nuôi bò sữa của Việt Nam đang phát triển tốt và từng bước hình thành ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến sữa hiện đại so với khu vực và thế giới.
Năm 2018, tổng doanh thu toàn ngành sữa đạt 109.000 tỷ đồng (khoảng 4.781 triệu USD). Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 6 châu Á về sản lượng sữa và đứng thứ 4 về năng suất của đàn bò vắt sữa. Nhiều chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất tới tiêu dùng trong chăn nuôi bò sữa đã được hình thành và phát triển hiệu quả.
Tỷ lệ liên kết chuỗi trong chăn nuôi bò sữa chiếm gần 100%, cao nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa cũng là một trong những lĩnh vực có tiềm năng thu hút đầu tư lớn nhất của ngành nông nghiệp. Sữa và các sản phẩm sữa của Việt Nam được người tiêu dùng trong nước và nhiều nước trong khu vực tin dùng, nhất là thị trường Trung Quốc và các nước Trung Đông.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sữa đạt 149,18 triệu USD, tăng 24,09% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sữa lớn thứ 2 thế giới (chỉ sau thị trường Mỹ) với tổng giá trị khoảng 60 tỷ USD và mức tiêu thụ sản phẩm sữa bình quân đầu người liên tục tăng. Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, nguồn cung sữa nội địa của Trung Quốc hiện chỉ sản xuất đủ đáp ứng 75% nhu cầu sữa trên thị trường nội địa.
Ông Phạm Văn Duy nhận định, thời gian tới Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường xuất khẩu sữa hàng đầu của Việt Nam. Nghị định thư về xuất khẩu sữa Việt Nam sang Trung Quốc đã được các cơ quan nhà nước phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu sữa hàng đầu của Việt Nam triển khai.
Dự kiến sẽ có lô xuất khẩu đầu tiên sang Trung Quốc theo Nghị định thư trong năm nay. Khi các doanh nghiệp Việt Nam chính thức được xuất khẩu sữa sang Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này được dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng để vươn lên vị trí thứ nhất.
“Trung Quốc là thị trường khó tính, quy định kiểm soát có thay đổi thường xuyên. Để thúc đẩy xuất khẩu sữa sang Trung Quốc cần nắm đầy đủ và thực hiện đúng nội dung quy định trong Nghị định thư. Với các thị trường khác như Indonesia, Malayssia, Philippines…, cần chú ý tập quán tiêu dùng về sản phẩm, nghiên cứu kỹ thị trường” ông Duy nói.
Cũng theo ông Duy, bên cạnh vấn đề nghiên cứu, hiểu được thị trường xuất khẩu, khâu sản xuất cần áp dụng quy trình sản xuất chế biến gắn với công nghệ cao nhằm hạ giá thành, đảm bảo sự ổn định; đồng thời đẩy mạnh công tác quản bá thương hiệu cho sản phẩm…
Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT): Để thúc đẩy xuất khẩu sữa, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ hình thành hợp tác xã và tăng liên kết với doanh nghiệp, kiểm soát chất lượng theo chuỗi, đầu tư vào hệ thống phân phối; tập trung vào chất lượng, an toàn thực phẩm, xây dựng hình ảnh sữa và sản phẩm sữa Việt Nam thông qua chủ động áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn hữu cơ./.
Đỗ Hương
Hiếu Giang tổng hợp