Tin nông nghiệp ngày 28 tháng 03 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 28 tháng 03 năm 2016

Xã Nghĩa Thành (Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu): Mô hình canh tác "2 lúa, 1 màu" tránh khô hạn hiệu quả

Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu

Do địa hình vùng cao, thường xuyên thiếu nước vào mùa khô, bà con nông dân xã Nghĩa Thành (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) đã luân canh mè, bắp, đậu phộng, dưa hấu… trên đất lúa. Việc luân canh “2 lúa, 1 màu” giúp nông dân hạn chế “treo” đất vì thiếu nước.

Ông Huỳnh Hòa (thôn Trung Tín, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức tại cánh đồng luân canh lúa-bắp của gia đình.

Ông Nguyễn Văn Đương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Thành (huyện Châu Đức) cho biết, toàn xã Nghĩa Thành có khoảng hơn 210ha diện tích đất trồng lúa. Tuy nhiên, khi vào vụ đông xuân, diện tích có thể canh tác lúa nước giảm xuống còn khoảng 140ha, do một số cánh đồng nằm ở khu vực cao bị khô hạn, không đủ nước sản xuất lúa.

Để không “treo” đất sản xuất, dưới sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp địa phương, bà con nông dân xã Nghĩa Thành đã luân canh trồng màu trên đất lúa vào vụ đông xuân. “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp người nông dân có thể sử dụng triệt để diện tích đất trống, tăng thêm thu nhập tránh bỏ hoang, lãng phí đất”, ông Đương chia sẻ.

Có gần 3ha đất trồng lúa, nhưng những năm trước, gia đình ông Nguyễn Văn Tụng (thôn Trung Nghĩa, xã Nghĩa Thành) chỉ làm được 2 vụ hè thu và vụ mùa, còn vụ đông xuân thì phải “treo” ruộng do cánh đồng nằm ở vị trí cao, không đủ nước. Từ năm 2013, được ngành nông nghiệp cũng như các cấp hội nông dân hướng dẫn mô hình luân canh cây lúa với các cây màu ít tốn nước, ông đã trồng bắp và đậu phộng vào ruộng lúa trong vụ đông xuân. “Nếu như một năm, 2 vụ lúa tôi thu về khoảng hơn 80 triệu đồng/3ha thì khi chuyển sang luân canh “2 lúa, 1 màu”, tôi có thêm thu nhập khoảng 60 triệu đồng nữa, ông Tụng cho biết.

Thấy được hiệu quả của mô hình luân canh “2 lúa, 1 màu” từ gia đình ông Nguyễn Văn Tụng, vụ đông xuân 2015 vừa rồi, ông Huỳnh Hòa (thôn Trung Nghĩa, xã Nghĩa Thành) cũng đã xuống giống 3 sào mè thay vì “treo” ruộng như những năm trước. Ông Hòa cho biết, chi phí trồng mè rất thấp, chỉ cần khoảng 60 ngàn đồng tiền giống, ít phun thuốc bảo vệ thực vật, lượng nước tưới ít hơn cây lúa. Sau 70 - 75 ngày thu hoạch, với giá trung bình 35 - 40 ngàn đồng/kg, ông thu được khoảng 10 triệu đồng. Nếu như trên cùng diện tích 3 sào đất, mỗi vụ lúa ông cũng chỉ thu về khoảng 4 triệu đồng. “Vụ đông xuân năm nay, ngoài mè, tôi còn canh tác thêm 2 sào bắp, khoảng 20 ngày nữa bắp sẽ thu hoạch, hy vọng bán được giá cao”, ông Hòa nói.

Bà Trần Thị Thiên Hương, Phó Phòng Kỹ thuật nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh cho biết, vụ đông xuân là vụ khan hiếm nước nhất là đối với các vùng cao, nhu cầu nước với cây lúa rất nhiều. Bà con nông dân thay thế bằng cây màu sẽ thích hợp hơn bởi vì lượng nước tưới cho các loại cây này ít hơn so với cây lúa. Ngoài ra, vụ đông xuân, thời tiết thuận cho cây hoa màu phát triển, cho năng suất cao. Việc trồng hoa màu luân canh trên ruộng lúa còn giúp giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh hại và cỏ dại, cải tạo đặc tính sinh hóa của đất, góp phần thuận lợi cho việc gieo trồng lúa ở vụ sau.

Mô hình chuyển đổi cây trồng, luân canh sản xuất “2 lúa, 1 màu” cho những địa phương hạn chế về nguồn nước tưới đang mở ra một hướng đi mới cho bà con nông dân, giúp nông dân chủ động được mùa vụ, chủ động được nguồn nước. “Năm 2016, xã Nghĩa Thành đã chuyển đổi luân canh “2 lúa, 1 màu” vụ đông xuân với 40ha bắp, 12ha đậu phộng, 6ha mè, 15ha dưa hấu. Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh sẽ đánh giá lại kiểm nghiệm chính xác hiệu quả của mô hình, từ đó sẽ giới thiệu rộng rãi đến với bà con, góp phần nâng cao hiệu của nông nghiệp của tỉnh nhà”, bà Trần Thị Thiên Hương cho biết thêm.

NGÔ THANH

Ươm mầm xanh cho những cánh rừng

Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi

Mười năm trở lại đây ở xã Bình Hiệp (Bình Sơn, Quảng Ngãi) nở rộ nghề ươm keo lai giống cung ứng cho các nơi trồng rừng với hàng trăm hộ nông dân đầu tư thực hiện các mô hình.

Nghề ươm keo lai giống được nhiều người dân Bình Hiệp biết đến từ rất sớm, nhưng khoảng 10 năm trở lại đây mới phát triển mạnh mẽ. Ban đầu chỉ có vài ba hộ gia đình làm nghề ươm keo, nhưng đến nay thì có tới hơn 125 hộ, tập trung nhiều nhất trên địa bàn xóm Mỹ Đông, thôn Liên Trì.

Vườn ươm của ông Lê Văn Cần, ở thôn Liên Trì, xã Bình Hiệp (Bình Sơn).

Ông Lê Văn Cần, một trong những gia đình có nguồn thu nhập rất cao từ việc ươm keo và cũng là người tiên phong mở đầu mô hình giâm hom tại thôn Liên Trì cho biết: “Tôi làm nghề này mười mấy năm rồi, những năm trước còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập chưa cao lắm. Nhưng năm vừa rồi tôi làm tổng cộng gần 1 triệu cây cũng không đủ bán. Với số lượng cây giống bán ra, trừ các khoản chi phí tôi còn lãi gần 200 triệu đồng".

Không chỉ riêng gia đình ông Cần mà rất nhiều hộ gia đình khác ở Bình Hiệp năm vừa rồi cũng thắng lớn nhờ nghề ươm keo. Như các hộ Nguyễn Văn Dân, Trần Ngọc Hiền... cũng có thu nhập cao từ nghề này. Thu nhập bình quân của mỗi gia đình khoảng 40 - 50 triệu đồng/năm. Thậm chí, có nhiều hộ thu nhập tới vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Cũng nhờ mô hình trên mà nhiều lao động địa phương đã có thêm việc làm. Trung bình mỗi hộ ươm keo giống giải quyết việc làm cho khoảng 3 lao động. Tuy nghề này là phụ, nhưng mang lại thu nhập khá ổn định.

Nhận thấy giá trị từ mô hình ươm keo đem lại, giờ đây phần lớn các hộ dân ở xóm Mỹ Đông đều sử dụng đất của mình để làm vườn ươm. Các hộ cùng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật cho nhau để phát triển bền vững. Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, năm 2013 đã tổ chức một khóa tập huấn về việc sử dụng khoa học kỹ thuật vào việc ươm keo, góp phần nâng cao chất lượng cây keo, giúp bà con có kinh nghiệm trong việc chăm sóc. Đặc biệt, trước đây một số hộ dân còn được Công ty Giống lâm nghiệp miền Trung hỗ trợ nguồn cây giống, hy vọng sẽ đem lại năng suất cao hơn.

Ông Trần Trung Hậu - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hiệp cho biết: “Doanh thu năm vừa rồi của nghề ươm keo ở xã gần 20 tỷ đồng. Trừ hết mọi chi phí bà con thu lãi gần 11 tỷ đồng. Đây là một thành công lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mô hình ươm keo giống đã giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, còn góp phần đáp ứng nhu cầu cung ứng cây giống cho công tác trồng rừng ở các địa phương trong tỉnh”.

 Võ Lý

Hiệu quả mô hình trồng cà gai leo ở Quảng Thành (Hải Hà, Quảng Ninh)

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh

Gia đình ông Phạm Đức Mạnh là một trong những hộ dân đầu tiên của thôn Hải An, xã Quảng Thành (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) mạnh dạn chuyển đổi diện tích hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây cà gai leo xen canh với các loại cây ăn quả khác. Sau hơn 1 năm trồng, cà gai leo phát triển, sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thành công của mô hình mở ra hướng đi mới giúp bà con tiếp tục nhân rộng cây trồng này, tăng thu nhập và xóa nghèo bền vững...

Mô hình trồng cây cà gai leo của gia đình ông Phạm Đức Mạnh, thôn Hải An, xã Quảng Thành (Hải Hà) cho hiệu quả kinh tế cao.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Đức Mạnh vào đúng lúc ông và gia đình đang bận rộn với công việc đóng bầu chuẩn bị ươm trồng giống cà gai leo mới. Nhìn quanh khu đất đồi được phủ một màu xanh ngắt bởi cây cà gai leo ít ai biết rằng khu đất này thời gian trước đã từng là bãi đất hoang, cỏ dại um tùm.

Ông Mạnh cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng cây ngô, lạc ở khu đồi này, do giá trị kinh tế thấp nên tôi không mặn mà đến việc cải tạo đất đai khiến chúng bị bạc màu, cằn cỗi, bỏ hoang... Tiếc đất, tôi đã đi Tiên Yên, Ba Chẽ học hỏi các mô hình VAC. Sau nhiều chuyến đi, đúc kết kinh nghiệm thấy cây cà gai leo được một số địa phương trồng cho hiệu quả kinh tế cao, nên tháng 3-2015, tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư hơn 600 triệu trồng 2ha cây cà gai leo. Sau hơn 1 năm trồng thử, cây cà gai leo phát triển rất tốt, đã cho thu hoạch 1 vụ thu được 2 tấn cà gai leo khô.

Cây cà gai leo dùng để nấu nước uống chữa phong thấp, chống u và có tác dụng giải rượu, giải độc gan nên được nhiều người ưa chuộng. So với trồng ngô, lạc… thì trồng cà gai leo cho thu nhập gấp từ 2 đến 3 lần, cây dễ trồng và chăm sóc đơn giản. Thời gian gieo, trồng thường vào tháng 2-3 âm lịch. Có 2 cách trồng cà gai leo: Ươm hạt hoặc giâm cành. Quá trình chăm sóc cho đến lúc thu hoạch chủ yếu bón phân chuồng, tưới nước và làm cỏ là chính. 1 năm, cà gai leo cho thu hoạch 2 vụ. Khi thu hoạch cắt lấy phần thân cây và để chìa lại khoảng 5 - 10cm cho cây tiếp tục sinh trưởng tiếp. Đặc biệt, cây cà gai leo có thể trồng tới 3 năm mới phải dỡ đi trồng lại.

Hiện cây cà gai leo được các thương lái ở Hà Nội về tận ruộng mua với giá trung bình 80.000 đồng/kg tươi và 200.000 đồng/kg khô. Sau vụ thu hoạch đầu tiên trừ mọi chi phí, gia đình ông Mạnh thu lãi gần 300 triệu đồng. Hiện gia đình ông và một số hộ trong xóm đang tiếp tục mở rộng trồng cây cà gai leo thêm 4ha nữa.

Đánh giá về mô hình này, đồng chí Hoàng Phi Trường, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thành, nhận xét: Trong quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, Quảng Thành xác định sẽ quy hoạch 3 vùng chính: Trồng cây có múi (cam, bưởi), trồng cây dược liệu và trồng lúa chất lượng cao. Việc phát triển cây cà gai leo ở thôn Hải An không chỉ nằm trong vùng quy hoạch cây dược liệu của địa phương, mà nó còn mở ra hướng đi mới, giúp nông dân đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập. Thời gian tới, xã sẽ chỉ đạo, khuyến khích các hộ dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây cà gai leo để sớm xây dựng được vùng sản xuất dược liệu tập trung.

Phạm Tăng

Quản lý bệnh chết héo cây keo

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Theo điều tra của Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu 4 cho thấy, mấy năm gần đây xuất hiện một loại bệnh mới gây hại trên cây keo là bệnh héo chết cây.

Keo lai, cây lâm nghiệp chủ đạo trong chương trình “5 triệu ha rừng”

Tuy mới xuất hiện nhưng đây là bệnh nguy hiểm nhất, gây thiệt lớn cho người trồng nếu không được phát hiện kịp thời và có những biện pháp quản lý bệnh hữu hiệu.

Để giúp người dân phát hiện và xử lý bệnh kịp thời, chúng tôi giới thiệu tóm tắt kết quả nghiên cứu về tác nhân gây bệnh, triệu chứng nhận biết và biện pháp quản lý bệnh chết héo cây keo của Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng khu 4.

Tác nhân và nguyên nhân gây bệnh: Bệnh chết héo cây keo do nấm Ceratocystis acaciivora thuộc họ Ophiostomataceae, bộ Ophiostomatales, lớp nấm túi Ascomycetes gây ra. Vào các tháng mùa mưa, do điều kiện nhiệt độ và ẩm độ môi trường cao là điều kiện thuận lợi cho nấm Ceratocystis acaciivora phát sinh, xâm nhiễm qua các vết thương cơ giới (vết chặt, tỉa cành do con người gây ra, vết rách trên lá do xây xước, các cành bị gãy do gió bão, vết cắn trên vỏ ở thân cây của côn trùng…) làm gỗ bị biến màu, các tế bào gỗ bị tổn thương.

Do nấm bệnh sinh trưởng, phát triển mạnh làm tắc nghẽn đường vận chuyển chất dinh dưỡng và nước từ dưới lên trên, đến khi bị tắc hoàn toàn dẫn đến cây bị héo. Bệnh phát triển mạnh và có xu hướng lây lan từ cây bệnh sang các cây khỏe trong tất cả các vùng trồng keo tai tượng, keo lai ở nhiều vùng sinh thái khác nhau của nước ta, đặc biệt là các vùng núi.

Triệu chứng nhận biết: Sau khi bị nấm tấn công, cây có biểu hiện lá héo rũ đột ngột từ ngọn xuống gốc. Sau một thời gian, lá khô rụng, trơ thân cành, toàn cây khô chết. Phần thân cây từ mặt đất rừng lên 50 -60cm hoặc hơn, từng điểm có biểu hiện vỏ cây bị thối và chuyển màu đen, nhưng lên cao thì không có biểu hiện gì. Khi đào rễ và gốc lên quan sát thấy thối rễ, thối gốc.

Thể quả của nấm gây bệnh có thể nhìn thấy ở vỏ cây nơi vị trí bị bệnh có màu nâu đen, dạng hình cầu, cổ nấm kéo dày, bào tử túi có hình mũ đặc trưng. Xẻ thân cây ra quan sát thấy nấm lan theo mạch gỗ lên trên, nấm lan đến đâu, gỗ biến màu đến đó. Nơi nấm tích tụ, phát triển mạnh, gỗ bị thối và biến màu.

Khi bị nấm gây bệnh xâm nhiễm, vỏ trong bị thối đen, vỏ ngoài khô, có vết nứt, có nhựa chảy ra ngoài. Dùng dao cắt vào vết nứt, hay chỗ nhựa gỗ có màu xanh đen, cắt ngang thân cây cũng có màu xanh đen. Cây bị nhiễm bệnh, lá có màu vàng. Giai đoạn cuối của bệnh, cây bị héo toàn bộ tán lá, gỗ bị biến màu và cây không có khả năng phục hồi.

Cây keo giống

Biện pháp quản lý:

- Chọn giống kháng bệnh: Dòng keo lá tràm có khả năng kháng tốt nhất với bệnh chết héo, bà con nên ưu tiên trồng trong khi 2 dòng keo lai và keo tai tượng mẫn cảm với bệnh.

- Đảm bảo tính sạch bệnh cho cây giống ngay trong vườn ươm; khai thác cành giâm sạch bệnh từ cây đầu dòng, xử lý hỗn hợp compost làm bầu bằng phân vi sinh tổng hợp (gồm vi khuẩn cố định đạm, vi khuẩn phân giải lân và vi khuẩn nấm đối kháng) để diệt nấm bệnh, đồng thời tăng khả năng kháng bệnh cho cây.

- Với những vùng đất có lượng mưa nhiều (>2.500mm/năm), cây keo thường bị bệnh nặng, nên trồng các loài cây khác hoặc dùng giống cây keo kháng bệnh (keo lá tràm).

- Khi chăm sóc, tránh gây tổn thương cho cây, không cắt tỉa cành vào mùa mưa. Không chăn thả trâu bò vào vùng trồng keo dưới 3 năm tuổi để hạn chế việc gây ra các vết thương cơ giới trên thân cây, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh xâm nhiễm gây hại và lây lan.

- Những vùng có nguy cơ bị bệnh cao hoặc những diện tích đang bị bệnh cần bón bổ sung nguyên tố vi lượng Bo và phân vi sinh tổng hợp bao gồm vi khuẩn nốt sần cố định đạm, vi sinh phân giải lân, vi khuẩn đối kháng với nấm gây bệnh.

- Tiêu hủy các cây bị bệnh nặng không còn khả năng phục hồi và xử lý vôi bột vùng gốc, rễ cây để ngăn chặn nguồn bệnh lây lan.

CÔNG HÀO

Cây hành trên cát trắng

Nguồn tin: Báo Bình Định

Một số nông dân ở thôn 7 Nam (xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) đã đưa cây hành trồng trên cát trắng, cho thu nhập cao so với cây mì, cây khoai lang trên cùng diện tích, chân đất. Vùng đồng Tràm thuộc thôn 7 Nam chỉ toàn là cát trắng, thế mà trong 2 vụ Đông Xuân vừa qua, ông Nguyễn Văn Cu đã mạnh dạn trồng hơn 500m2 hành, và đã đạt hiệu quả đầy bất ngờ. Ông cho biết: “Cả 2 vụ tui đều thu 600 kg/sào, bán với giá bình quân 30.000đ/kg, tổng thu trên dưới 18 triệu đồng/sào, trừ chi phí gắt, vẫn còn lãi cả chục triệu đồng, các loại dưa, kiệu, mì, lang không thể nào sánh kịp”.

Gia đình ông Nhẫn thu hoạch hành ở đồng Tràm. Ảnh: XU N LỘC

Cũng tại vùng đồng Tràm, gia đình ông Lê Văn Nhẫn vừa có một vụ hành thứ 2 được mùa, được giá. Ông Nhẫn bộc bạch: “Trên diện tích 3 sào hành này, năm ngoái đạt sản lượng 1,7 tấn, tui thu hơn 50 triệu đồng, lãi hơn 30 triệu. Vụ này sản lượng gần 2 tấn, tui vừa bán với giá bình quân hơn 35.000đ/kg, trừ chi phí, lãi cầm chắc không dưới 55 triệu đồng. Mừng quá!”.

Theo ông Cu, ông Nhẫn và một số hộ dân ven đồng Tràm, đây là vụ thứ 2 bà con mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, bỏ cây mì và khoai lang, chuyển sang trồng hành. Cứ trung tuần tháng 11 âm lịch thì làm luống, lót phân chuồng hoai mục, đặt hành giống xuống rồi cho nước đủ độ ẩm để hành bắt rễ, nẩy mầm, bén xanh. Vì chân đất cát, khô nước nhanh, nên ngày nào cũng bơm nước tưới cho hành đủ điều kiện sinh trưởng phát triển bình thường. Còn phải bón phân cân đối, đủ liều lượng giữa các loại phân NPK, DAP, cả phân urê. Cũng nhờ đó, cây hành khỏe, hạn chế được sâu bệnh phát sinh, nhất là các hiện tượng lá nổ, đốm lá và thối củ rễ.

Theo ông Trần Văn Phá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thắng: Diện tích đất cát đưa vào trồng mì, trồng khoai lang, nhất là bỏ hoang ở Mỹ Thắng lên đến hàng trăm ha. Đây là tài nguyên cát có lợi thế về phát triển cây hành. Tuy nhiên, diện tích hành 2 vụ Đông Xuân vừa qua chỉ mới được trồng gần 1 ha ở vùng đồng Tràm, mang tính tự phát, chưa được xã đúc kết và nhân ra diện rộng. Cần có giải pháp hữu hiệu để cây hành trở thành cây kinh tế mũi nhọn trên chân cát trắng.

Cũng theo ông Phá, một trong những khó khăn hiện nay cho người trồng hành ở Mỹ Thắng nói chung, là nguồn điện bơm nước tưới. Vì phải kéo điện từ nhà ra gò, ra trảng cát khá xa, không những nguồn điện vừa yếu, vừa phải trả giá cao theo giá điện sinh hoạt khiến chi phí đầu tư cây hành tăng lên.

XUÂN LỘC

Bình Sơn (Quảng Ngãi): Mía tồn, nông dân thiệt

Nguồn tin: Báo Quảng Ngãi

Với lý do chất lượng mía quá thấp và mía không nằm trong hợp đồng đầu tư... nên Nhà máy Đường Phổ Phong đã từ chối mua mía của một số hộ dân ở xã Bình Trung (Bình Sơn, Quảng Ngãi). Không bán được, người trồng mía đành phá bỏ để lấy đất trồng cây hoa màu khác.

Phá bỏ cả trăm tấn mía

Chỉ vào những đống mía bị đốt cháy đen, bà Bùi Thị Hường, thôn Phú Lễ 1 nói: “Mía đốn đưa lên tới đường lớn rồi vẫn không bán được. Làm vất vả cả năm, gần chục triệu đồng đầu tư vào ba sào mía vậy mà đành phải đốt bỏ”. Theo bà Hường thì trước đó, mía không bán được cho nhà máy, nên bà chạy vạy đi kiếm các thương lái bên ngoài để bán. Cuối cùng bà cũng bán ba sào mía với giá 1,7 triệu đồng. Tuy nhiên, khi mía đốn xong đưa ra chất đống ngoài đường, thương lái cũng không xin được phiếu của nhà máy. Vì vậy, ba sào mía của bà Hường đành phải đốt bỏ.

Mía không bán được, nông dân xã Bình Trung đành bỏ khô ngoài đồng.

Cùng chung cảnh ngộ với bà Hường, chị Nguyễn Thị Sỹ, thôn Tiên Đào cũng đành nhìn gần hai sào mía khô quắp ngoài ruộng đợi ngày đốt dọn để trồng bắp. Chị Sỹ chia sẻ: “Mía kêu bán từ hồi trước Tết mà đến giờ vẫn không có người mua. Tôi cũng đã kêu Trạm nguyên liệu mía mua giúp, nhưng họ bảo họ sẽ mua với điều kiện vụ tiếp theo phải ký hợp đồng nhận đầu tư của nhà máy đường và liên kết lâu dài với nhà máy. Nhưng tôi không dám vì làm mía bây giờ đầu tư nhiều, chắc gì có lãi”.

Theo ông Võ Hùng Trí – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trung, niên vụ 2015 – 2016, toàn xã trồng trên 130ha mía. Trong đó, số diện tích người dân trồng trái vụ để bán ép lấy nước giải khát chiếm khoảng 60ha và phần lớn đã được người dân bán trước đó với giá 2 - 2,2 triệu đồng/tấn. Số còn lại khoảng 2ha (trên 160 tấn mía) không bán được mới kêu nhà máy đường mua, nhưng họ không mua nên người dân đành đốt hoặc bỏ khô ngoài ruộng.

Cần có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ

Trao đổi về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Nhà máy Đường Phổ Phong thừa nhận: Việc đơn vị từ chối thu mua mía của một số hộ dân ở Bình Trung là có thật. Và hiện nhà máy cũng đã có văn bản trả lời UBND huyện Bình Sơn nguyên nhân không mua mía của các hộ dân ở xã Bình Trung, là do từ năm 2013 đến nay, phần lớn nông dân không nhận vốn đầu tư của nhà máy mà tự trồng để bán cho tư thương làm nước giải khát. Trong đó, nhiều hộ đã nhận hợp đồng đầu tư của nhà máy, nhưng vì lợi ích trước mắt đã bán toàn bộ mía nhà máy đầu tư cho thương lái và chiếm dụng vốn, gây rất nhiều khó khăn trong quản lý vùng nguyên liệu và vốn đầu tư của nhà máy. Vấn đề này đơn vị đã có văn bản gửi UBND huyện Bình Sơn và xã Bình Trung, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Ngoài ra, theo thống kê của Trạm Nguyên liệu mía Bình Sơn thì toàn bộ diện tích mía của các hộ nông dân trồng tự phát ở xã Bình Trung trong niên vụ qua không đạt tiêu chuẩn theo quy chuẩn quốc gia QCVN 01-98/2012 của Bộ NN&PTNT nên Nhà máy không thể thu mua.

Ông Võ Hùng Trí – Phó Chủ tịch UBND xã Bình Trung cho biết: “Bình Trung là xã có lợi thế trồng mía đạt nhất toàn huyện Bình Sơn. Do đó, để việc sản xuất mía trên địa bàn xã được bền vững, trong thời gian tới, địa phương sẽ hướng đến quy hoạch vùng nguyên liệu mía; đồng thời ký kết với nhà máy đường trên tinh thần đảm bảo lợi ích giữa nhà nông và doanh nghiệp”.

Tâm lý của người nông dân khi làm ra bất kỳ sản phẩm gì đều mong muốn được mùa, được giá nên chỉ cần chỗ nào mua giá cao là sẽ bán. Còn doanh nghiệp thì luôn dựa trên hợp đồng đã thỏa thuận trước đó. Chính sự bất đồng giữa doanh nghiệp và người nông dân, nhất là tập quán sản xuất theo kiểu manh mún nhỏ lẻ, tự phát lâu nay của bà con đã dẫn đến những thiệt hại đáng tiếc. Và thực tế, nếu người nông dân vẫn giữ phương thức làm ăn “được chăng hay chớ” thì sẽ không tránh khỏi điệp khúc “được mùa mất giá”. Thậm chí là nhiều hộ mất trắng giống như niên vụ mía vừa qua.

HỒNG HOA

Đồng Tháp: Tích cực thăm đồng để phát hiện kịp thời sâu bệnh

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp

Theo dự báo của ngành nông nghiệp và cơ quan chức năng, trong một tháng tới đối với cây lúa phải ứng phó với các sinh vật gây hại và những bệnh sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất của lúa trong địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Kiểm tra kỹ để phát hiện sâu bệnh trên cây lúa. Ảnh: H.K

Từ nay đến cuối tháng, rầy nâu sẽ di trú với mật số trung bình và không đồng đều ở các nơi. Đợt rầy cám mới sẽ nở rộ từ ngày 5 - 12/4/2016 trên trà lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ. Sâu cuốn lá cũng sẽ xuất hiện và gây hại trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ. Đặc biệt những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và phun thuốc trừ sâu sớm lúc đầu vụ có khả năng bị hại nặng. Muỗi hành gây hại trên các trà lúa đẻ nhánh đến làm đòng, những ruộng xử lý hạt giống, sạ dày, phun thuốc trừ sâu sớm giai đoạn mạ, đẻ nhánh có nguy cơ nguy hại nặng. Bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông sẽ xuất hiện và gây hại trên lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trỗ. Các sinh vật và những bệnh gây hại nêu trên chủ yếu từ mức nhẹ đến trung bình.

Bên cạnh đó, các đối tượng bệnh cháy bìa lá, sọc vi khuẩn, thối gốc vi khuẩn, lem lép hạt, đạo ôn cổ bông... sẽ tiếp tục phát sinh gây hại chủ yếu ở mức nhẹ đến trung bình, cục bộ có diện tích nhiễm nặng trên lúa giai đoạn làm đòng đến trỗ chín. Các đối tượng khác như: ốc bươu vàng, sâu đục thân, nhện gié, bệnh đốm nâu... cũng xuất hiện và gây hại rải rác.

Trước tình hình trên, để đảm bảo cho cây lúa phát triển tốt và có hiệu quả, ngành Bảo vệ thực vật Đồng Tháp đề nghị bà con nông dân thực hiện các biện pháp như: Đối với lúa dưới 20 ngày sinh sản (NSS), cần theo dõi chặt chẽ tình hình rầy di trú trên đồng ruộng, dùng nước che chắn kịp thời nhằm hạn chế rầy chích hút, truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, khi mật số rầy di trú giảm thấp cần tháo cạn nước để lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Đối với lúa trên 20 NSS, cần kiểm tra kỹ ruộng lúa, nếu rầy nở tuổi 1 đến 3 hoặc có nhiều lứa gối nhau, mật số cao trên 3.000 con/m2, cần đưa nước vào ruộng và xử lý kịp thời bằng một trong các loại thuốc có tác động chống lột xác hoặc lưu dẫn nhằm hạn chế tốt mật số rầy gây hại. Áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ như bón phân đầy đủ và cân đối N-P-K, điều chỉnh nước hợp lý để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, tăng sức chống chịu của cây lúa với điều kiện thời tiết bất lợi và các đối tượng sâu bệnh hại. Hạn chế phun thuốc trừ sâu cho lúa dưới 40 NSS để bảo tồn thiên địch.

Đối với muỗi hành, tiếp tục theo dõi tình hình gây hại trên các trà lúa đang giai đoạn mạ đến đẻ nhánh. Chú ý bón phân cân đối, hợp lý để lúa đẻ nhánh nhanh, tập trung, cung cấp đủ lượng phân lân và kali giai đoạn đầu của cây lúa từ 7 - 10 NSS. Ở các ruộng đã bị nhiễm muỗi hành, bà con nông dân nên tiếp tục chăm sóc phân bón bình thường để lúa mau phục hồi, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sẽ không mang lại hiệu quả.

Cần kiểm tra kỹ đồng ruộng để phát hiện sớm bệnh đạo ôn, cháy bìa lá, thối thân... để áp dụng các biện pháp canh tác và xử lý kịp thời bằng các loại thuốc đặc trị. Phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt khi lúa trỗ lẹt đẹt và trỗ đều. Tiếp tục theo dõi, chăm sóc và quản lý tốt những diện tích đã nhiễm bệnh. Tuân thủ nguyên tắc khi phun thuốc; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.

Đối với diện tích lúa đông xuân đã thu hoạch cần đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ ít nhất là từ 15 - 20 ngày, vệ sinh đồng ruộng và làm đất kỹ trước khi xuống giống vụ hè thu năm 2016. Tuân thủ lịch xuống giống theo khuyến cáo của địa phương. Tích cực thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh gây hại để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, không lây lan ra diện rộng. Thông báo kịp thời cho cán bộ địa phương và cán bộ kỹ thuật khi thấy tình hình sâu bệnh có dấu hiệu diễn biến phức tạp.

H.H

Tiền Giang: Lúa đông xuân ở vùng Ngọt hóa Gò Công vượt qua cơn hạn, mặn

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Mặc dù phải “gồng mình”chống chịu hạn, mặn nhưng nhiều trà lúa đông xuân ở vùng Ngọt hóa Gò Công năm nay đã vượt qua những thời điểm khó khăn, bắt đầu cho thu hoạch rộ với năng suất tương đối cao.

Thu hoạch lúa đông xuân ở xã Bình Phú (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang).

Chúng tôi về xã Đồng Thạnh (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) vào những ngày cuối tháng 3, cái nắng “cháy da” của vùng Gò Công như nói lên sự khắc nghiệt của khí hậu nơi này. Trên những cánh đồng vàng ươm một màu lúa chín, những chiếc máy gặt đập liên hợp vẫn ngày đêm “ầm ì” thu hoạch lúa.

Anh Mai Văn Thanh (ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh) chỉ tay về phía đám ruộng mới thu hoạch xong cho biết, vụ đông xuân năm nay 3 công đất của anh gieo sạ giống lúa VD 20, chi phí đầu tư khoảng 7 triệu đồng. Sau khi thu hoạch, thu được gần 2 tấn lúa và bán với giá 7.100 đồng/kg, trừ chi phí anh còn lãi khoảng 7 triệu đồng. Cũng theo anh Thanh, vụ lúa đông xuân gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu vào tăng nên lợi nhuận không nhiều như những vụ trước, nhưng nhìn chung cũng tạm ổn.

Rời xã Đồng Thạnh, chúng tôi đến xã Bình Phú (huyện Gò Công Tây) nơi được mọi người đồn là lúa trúng mùa. Chúng tôi dừng chân tại cánh đồng thuộc ấp Thọ Khương, xã Bình Phú, nơi những ruộng lúa vàng bông trĩu hạt đang chuẩn bị thu hoạch, phần lớn diện tích lúa đông xuân nơi đây trồng giống lúa VD 20.

Anh Lưu Văn Ron (ngụ ấp Thọ Khương, xã Bình Phú) có 8 công đất trồng giống lúa VD 20. Mặc dù gặp khó khăn trong việc bơm tưới khi tình hình hạn, mặn diễn ra nhanh chóng và khó lường nhưng ruộng lúa của anh vẫn phát triển bình thường và cho năng suất khá cao.

Với 8 công đất, anh thu hoạch được hơn 6 tấn lúa tươi và bán được với giá 6.950 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh thu lợi nhuận được hơn 25 triệu đồng. Anh Ron cho biết: “Khi lúa được khoảng 1 tháng tuổi thì gặp khó khăn về nguồn nước, phải bơm chuyền rồi chắt vét mới có nước tưới. May là lúa không bị ảnh hưởng, năng suất cũng bằng với năm trước”.

Ông Lê Tấn Trinh, Phó Trưởng Phòng NN&PTNN huyện Gò Công Tây cho biết, trong vụ lúa đông xuân năm nay toàn huyện xuống giống 10.425 ha và bắt đầu thu hoạch từ khoảng 1 tuần nay. Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích lúa đã thu hoạch của huyện khoảng 4.000 ha, với năng suất bình quân 7,71 tấn/ha.

Nhìn chung, năng suất trung bình trong vụ lúa đông xuân năm nay của huyện tương đương năm trước. Thời điểm này, giá lúa được các thương lái thu mua đối với giống VD 20 là từ 7.000 - 7.200 đồng/kg lúa tươi và đối với giống lúa chất lượng cao từ 5.000 - 5.200 đồng/kg.

Hiện tại, ngoài các trà lúa đông xuân của huyện Gò Công Tây đang bắt đầu thu hoạch, vẫn còn 350 ha lúa đang còn nhu cầu tưới nước nên các trạm bơm chuyền nước vẫn còn hoạt động.

Theo Phòng NN&PTNT huyện, để ứng phó với tình hình hạn, mặn, về lâu dài cần có những giải pháp cụ thể như chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ sản xuất lúa 3 vụ sang 2 vụ lúa 1 vụ màu; chuyển đổi những diện tích đất trồng lúa không hiệu quả sang các loại cây trồng khác để giảm lượng nước tưới, hoặc trồng chuyên canh các loại cây ăn trái, hoa màu ít tiêu hao nước hơn.

Giải pháp quan trọng nữa là phải nâng cấp các công trình tiếp nước ngọt, sử dụng nước tưới bằng động lực, nâng cấp các hệ thống kinh rạch nội đồng...

Giống lúa OM 5451 thiệt hại nặng

Trong vụ lúa đông xuân năm nay, một số hộ dân ở vùng Ngọt hóa Gò Công gieo sạ giống lúa OM 5451 bị hiện tượng khô thân dẫn tới thiệt hại nặng, trong khi đó các giống lúa khác không thấy hiện tượng này.

Theo thông tin từ một số người dân, cây lúa vẫn phát triển bình thường cho đến giai đoạn làm đòng, trổ, nhưng đến giai đoạn ngậm sữa thì xuất hiện hiện tượng đỏ lá, sau đó cây lúa bắt đầu héo dần, dẫn đến giảm năng suất.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại khu vực xã Bình Xuân (TX. Gò Công), phần lớn những hộ gieo sạ giống lúa OM 5451 ít nhiều đều bị thiệt hại, mức độ thiệt hại khoảng từ 20 - 90%.

Anh Cao Văn Trường (ngụ ấp 3, xã Bình Xuân, TX. Gò Công) có gần 1 ha lúa OM 5451 bị thiệt hại trong vụ đông xuân này. Anh chỉ thu được 2,6 tấn lúa so với 10 tấn lúa trong vụ đông xuân năm vừa rồi, ước tính thiệt hại trên 70%.

Anh Trường bày tỏ: “Lúa đã thất đằng này giá bán lại thấp nữa. Lúa không bị thiệt hại thì bán với giá khoảng 5.000 đồng/kg, còn lúa của tôi chỉ có 3.800 đồng/kg, còn phải năn nỉ họ mua dùm. Ở đây ai sạ giống lúa OM 5451 cũng bị thiệt hại như tôi”.

MINH THÀNH

Che phủ nilon bảo vệ rau xanh

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Che phủ nilon để giữ ấm, hạn chế tác hại của sương giá đến sinh trưởng cây rau màu. Vào những ngày có sương muối bà con dùng thùng ô-doa hay vòi bơm tưới làm tan sương, giảm tác hại của sương giá đến sinh trưởng cây rau.

Ông Phan Văn Lâm trên ruộng rau phủ nilon

Đây là những biện pháp hữu hiệu của bà con nông dân huyện Mê Linh nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung trong việc bảo vệ rau xanh trong những ngày thời tiết bất lợi.

Đơn giản – thiết thực – hiệu quả

Ông Phan Văn Lâm, nông dân thôn Nội Đồng, xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh cho biết, chỉ với những dụng cụ đơn giản từ tre nứa và túi nilon, gia đình ông cùng bà con địa phương đã áp dụng phương pháp che phủ nilon cho rau xanh những ngày mưa giá. Cũng giống như gieo mạ cấy lúa, rau xanh được nilon che phủ đã tránh được sương muối, giá rét, mà vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Không chỉ áp dụng cho cây con khi mới gieo trồng, mà ngay cả khi rau đã phát triển, nhưng gặp thời tiết bất lợi, phương pháp che phủ nilon vẫn sử dụng bình thường và đem lại hiệu quả. Nhờ đó, không chỉ vào vụ đông phải chống chọi với sương muối, mà ngay cả vào mùa mưa, những cơn mưa rào, mưa đá bất ngờ đổ xuống thì thiệt hại cũng bị giảm đến mức tối đa nhất.

Biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả thiết thực này nhanh chóng được các hộ gia đình nông dân truyền tai nhau áp dụng trong toàn huyện Mê Linh và lan sang cả các địa bàn lân cận như huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn…

Nhờ đó, việc thâm canh và tăng diện tích rau xanh, thay thế cây lúa và các loại cây màu khác (ngô, lạc, đậu tương, chuối) trở thành ưu thế ở Mê Linh. Rau xanh là nguồn thu nhập đáng kể làm thay đổi đời sống người nông dân nơi đây. Theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Mê Linh, thu nhập bình quân từ sản xuất rau xanh của người nông dân trên địa bàn đạt khoảng 200 - 250 triệu đồng/ha/năm.

“Với 4 sào rau, hàng năm gia đình tôi thu hoạch được từ 60 - 70 tấn rau xanh”, ông Phan Văn Lâm cho biết.

Bà Nguyễn Thị Lan ở xã Mê Linh (huyện Mê Linh) nhờ có 5 sào đất trồng rau (2 sào cải xanh, 2 sào củ cải, 1 sào cải bắp) đã giúp gia đình nâng cao thu nhập. Theo bà, thời vụ sản xuất rau ngắn, cho thu hoạch nhanh. Trung bình 45 - 60 ngày/lứa rau, mỗi lứa rau thu 16 - 18 triệu đồng/sào, so với thu nhập trước đây khoảng 2 - 3 triệu đồng/sào/năm trồng chuối và ngô.

Vùng rau sạch quy mô lớn

Năm 2015, diện tích gieo trồng rau trên toàn huyện Mê Linh là 3.394 ha, năng suất trung bình đạt 24,5 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 83 nghìn tấn. Chủng loại rau sản xuất rất đa dạng, tập trung vào nhóm rau họ hoa thập tự (cải ngọt, cải xanh, cải làn, cải Đông Dư, cải củ trắng, cải chíp, cải bắp, su hào, sup lơ trắng - xanh, cải thảo, cải ngồng...); nhóm rau họ bầu bí (dưa chuột, bầu, mướp, mướp đắng, bí xanh) và nhóm rau khác (cà rốt, rau dền, rau ngót, hành tây) ...

Đầu năm 2016, Chi cục BVTV Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho các đơn vị đủ điều kiện sản xuất rau an toàn trên địa bàn Mê Linh với diện tích 567,68 ha tại các xã Tráng Việt, Văn Khê, Tiến Thắng, Kim Hoa, Thanh Lâm, Đại Thịnh, Quang Minh, Tiền Phong. Từ đây, huyện Mê Linh đang hình thành vùng rau sạch quy mô lớn, với quy trình sạch từ sản xuất đến người tiêu dùng…

Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết: “Tại các vùng này, có cán bộ chỉ đạo kỹ thuật theo dõi thường xuyên để tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân thực hiện sản xuất rau theo hướng an toàn”.

Bên cạnh đó, hàng năm UBND huyện Mê Linh còn tổ chức các lớp tập huấn sản xuất rau theo chương trình IPM giúp người nông dân có những kỹ thuật cơ bản trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại trên rau, những tiêu chuẩn để đạt được rau an toàn từ đó áp dụng vào sản xuất.

Bà Kiều Bích Liên, cán bộ kỹ thuật Phòng Kinh tế huyện Mê Linh chia sẻ một số biện pháp bảo vệ rau xanh trong thời tiết khắc nghiệt như sau:

- Bón phân cân đối, không bón phân đạm, bón thêm phân kali, lân, tro bếp trong các đợt rét đậm giúp cho cây hút được nước, dinh dưỡng tăng khả năng chống rét.

- Vào những ngày có sương muối bà con dùng thùng ô doa hay vòi bơm tưới, phun trên mặt lá có tác dụng làm tan hạt sương tránh hiện tượng táp lá, giảm tác hại của sương giá đến sinh trưởng cây rau.

- Che phủ nilon để giữ ấm, hạn chế tác hại của sương giá đến sinh trưởng cây rau màu.

- Khi trời có sương giá và mưa phùn thì các loại cây rau như cà chua, khoai tây, bí, su hào, bắp cải hay bị bệnh sương mai, mốc sương, thán thư nên cần theo dõi thường xuyên và phun phòng trừ.

- Khi nhiệt độ xuống thấp thì bộ rễ khó hút dinh dưỡng do đó có thể sử dụng phương pháp bón qua lá nhất là các loại phân bón lá công nghệ nano để tăng cường khả năng hấp thu.

KIỀU KHẢI

Giá lúa ĐBSCL tăng cao: Nhà nông hớn hở, doanh nghiệp lo lắng

Nguồn tin: VOV

Giá lúa gạo ở ĐBSCL đang có xu hướng tăng cao, nguyên nhân được cho là do hạn mặn xâm nhập và hạn hán gay gắt khiến năng suất lúa giảm mạnh.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nguyên nhân dẫn đến giá lúa gạo tăng mạnh là do xuất khẩu gạo tháng 2 vượt kế hoạch đề ra 400.000 tấn, cao hơn tháng trước đó 5,44% và cao hơn cùng kỳ năm ngoái 117%. VFA lưu ý, mặc dù giá thị trường đang có xu hướng tăng do nguồn cung giảm nhưng nhu cầu vẫn còn yếu nên chưa tạo động lực mới.

Lùng sục thu mua lúa

Dù phải chống chọi vất vả với hạn mặn nhưng hiện nay, nông dân vùng ĐBSCL rất phấn khởi vì giá lúa tăng đột biến. Ở thời điểm này, nông dân địa phương bán lúa chất lượng cao tại ruộng giá trên 7.000 đồng/kg, lúa thường cũng ở mức gần 6.000 đồng/kg. Với mức giá này, sau một vụ lúa, nông dân có lãi trên 30 triệu đồng/ha.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, nông dân xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) phấn khởi cho biết: “Nông dân ở đây mừng lắm. Vụ này giá lúa tăng cao không ngờ. Dù phải tốn chi phí bơm nước chống hạn nhưng vẫn có lãi. Hy vọng giá lúa duy trì được như thế này thì nông dân vui lắm”.

Nhờ các giải pháp chống hạn mặn hiệu quả nên lúa ở Tiền Giang được mùa, trúng giá

So với đầu vụ Đông Xuân thì giá lúa hiện nay tăng gần 1.000 đồng/kg nhưng nguồn cung ngày càng ít dần, thương lái đang lùng sục để thu mua. Tại vùng “ngọt hóa Gò Công” của tỉnh Tiền Giang, nhờ các giải pháp chống hạn mặn có hiệu quả nên nhiều diện tích lúa đạt năng suất từ 7 - 7,5 tấn/ha.

Ông Ngô Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) cho biết: “Vừa qua dù có ảnh hưởng của khô hạn, nhưng nhờ được sự hỗ trợ của Nhà nước bơm nước tạo nguồn cho dân nên năng suất lúa rất cao. Giá lúa đầu vụ 6.200 đồng/kg hiện lên đến 7.000 đồng/kg. Với giá này nông dân lãi 3,1 - 3,2 triệu/công (trên 30 triệu/ha). Đặc biệt năm nay, thương lái cạnh tranh nhau mua chứ không có ép giá, rất có lợi cho nông dân”.

Do hạn mặn hay do đầu cơ?

Theo các ngành chức năng, giá lúa ở vùng ĐBSCL tăng cao là do ở cuối vụ sản lượng lúa Đông Xuân còn ít; đồng thời, hầu hết các tỉnh, thành trong khu vực đều bị ảnh hưởng hạn, mặn gây giảm năng suất nên thương lái và doanh nghiệp thu mua lúa tạm trữ đã đẩy giá lúa gạo liên tục tăng cao.

Ông Phùng Văn Nhã, thương lái thu mua lúa hàng sáo ở tỉnh Long An cho biết: “Lúa ở vùng ĐBSCL hiện nay rất khó mua vì một số người dân cho rằng do ảnh hưởng nước mặn, lúa chết nên đẩy giá lên. So giá lúa hiện nay với lúc đầu vụ thì giá tăng khoảng 800 đồng/kg. Giá cao thế mà cũng khó mua vì vùng ĐBSCL sắp hết mùa vụ rồi”.

Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, tính đến giữa tháng 2 vừa qua, diện tích vụ lúa đông xuân ở khu vực này có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn hán trên 340.000ha, chiếm gần 22% toàn vùng. Trong đó diện tích đã bị ảnh hưởng nặng lên đến 104.000ha. Trước thông tin này, nhiều người có tâm lý tích trữ lúa gạo chờ giá cao nữa mới bán.

Doanh nghiệp gặp khó

Giá lúa gạo tăng cao khiến vui mừng của nhà nông nhưng lại là nỗi lo lắng của doanh nghiệp chế biến lúa gạo xuất khẩu vùng ĐBSCL. Phải thu mua lúa gạo với giá rất cao khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến các hợp đồng đã ký kết với đối tác nước ngoài vào thời điểm giá còn thấp. Giá tăng còn làm giảm khả năng cạnh tranh của gạo Việt Nam trước gạo của các nước xuất khẩu khác.

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, cho hay: “Với một loại gạo cùng phẩm cấp, lâu nay gạo Việt Nam sẽ khó có thể bán với giá cao hơn so với gạo Thái Lan. Thế nhưng hiện giá gạo 5% tấm ở trong nước giá 380 - 390 USD/tấn, trong khi Thái Lan chỉ 360 USD/tấn nên chúng ta rất khó bán cho thị trường thế giới”.

Đến nay, Công ty Lương thực Tiền Giang mới mua được 40.000 tấn gạo, đạt 16% kế hoạch năm. Dù giá lúa tăng cao nhưng doanh nghiệp này phải thu mua theo hợp đồng đã ký kết với nông dân theo giá thị trường. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đầu ra của lúa gạo vẫn chưa có chuyển biến mới. Do đó, giá lúa gạo hiện nay là tăng ảo, có khả năng sụt giảm bất thường.

Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang kiến nghị các ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần tuyên truyền cho người dân biết được tình hình thiên tai, hạn mặn tuy có gây thiệt hại cho sản xuất lúa nhưng không đến mức thiếu nguồn cung. Vì thực tế hiện nay diện tích lúa xuân hè ở các địa phương trong vùng ĐBSCL vẫn phát triển tốt.

Bà Trần Thị Nguyên, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết: “Đến nay nông dân địa phương đã thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, lúa đã bán hết. Riêng vụ xuân hè thì phát triển rất tốt, có khả năng cho năng suất cao. Hiện nay, chúng tôi đang tập trung làm cống ngăn mặn, chống hạn để giúp lúa phát triển tốt”.

Giá lúa gạo tăng như hiện nay chưa có biểu hiện bất thường, đây chỉ là giá tăng ảo, người dân, không nên đầu cơ, gây ra cơn sốt lúa gạo./.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL

Chanh tứ mùa ở Lục Nam

Nguồn tin: Báo Bắc Giang

Anh Nguyễn Văn Đoàn (SN 1986) thôn Kỳ Sơn, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang) bước đầu thành công với mô hình trồng chanh tứ mùa, góp phần tăng thêm thu nhập.

Mỗi năm chanh tứ mùa cho thu hoạch khoảng 10 lứa quả.

Tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương, anh Đoàn từng đảm nhận công việc kinh doanh cho một công ty ở Hà Nội. Nhưng với niềm đam mê và yêu thích nông nghiệp, năm 2012, anh quyết định về quê lập nghiệp.

Ban đầu, qua tìm hiểu và tham quan thực tế một số mô hình, anh nhận thấy cây chanh tứ mùa có nguồn gốc từ TP Đà Lạt (Lâm Đồng) được nhiều hộ dân ở tỉnh Tuyên Quang đưa về trồng thành công, cho lợi nhuận cao nên đã chọn trồng cây này.

Hai năm sau, 300 cây cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên, sản lượng đạt hơn 4 tấn quả tươi. Với giá bán 30 nghìn đồng/kg, gia đình anh thu lãi gần 90 triệu đồng. Đến nay, khi đã nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, anh học cách chiết cành, nhân giống và từng bước mở rộng diện tích. Năm ngoái, gia đình anh thu 5 tấn quả, bán 2 nghìn cành giống, thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Để cây cho năng suất cao, chủ vườn thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của cây. Sau mỗi vụ thu hoạch bón bổ sung phân chuồng ủ hoai mục; sang xuân, khi cây ra lộc non chủ động phòng trừ sâu đục thân. Anh Đoàn cho biết: “Trồng chanh tứ mùa không khó, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, khả năng sinh trưởng và phát triển, chống chịu sâu bệnh tốt. Khoảng 20 ngày cho thu hoạch một lứa".

Được biết, chanh tứ mùa ra quả quanh năm, trái to, mọng nước, vỏ mỏng, mùi thơm được nhiều khách hàng lựa chọn. Dự kiến năm nay, vườn chanh thu hoạch hơn 10 tấn quả. Không chỉ đạt sản lượng lớn, anh Đoàn còn sản xuất cây giống cho một số hộ cùng làm giàu. Theo cán bộ khuyến nông xã Nghĩa Phương, mô hình trồng chanh tứ mùa của gia đình anh Đoàn là một trong những điểm sáng về phát triển nông nghiệp của xã đang được khuyến khích nhân rộng.

Ngọc Tâm

Lâm Đồng: "Đại gia" bơ ghép cao sản

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Sau nhiều lần chuyển đổi mô hình sản xuất thất bại, ông Nguyễn Văn Tắc (sinh năm 1960) ở tổ dân phố 1, thị trấn Lộc Thắng - Bảo Lâm - Lâm Đồng đã tìm đến với cây bơ. Và chính loại cây trồng này mà mọi người biết đến tên tuổi “đại gia” bơ ghép cao sản Nguyễn Văn Tắc với lợi nhuận mỗi năm lên tới hơn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Tắc đang giới thiệu giống bơ ghép cao sản đạt hiệu quả kinh tế cao với khách tham quan

Cũng như nhiều nhà nông nuôi tham vọng làm giàu, ông Tắc đã nhiều lần chuyển đổi mô hình sản xuất từ thâm canh chè, cà phê, đến chung vốn nuôi bò, trồng cao su ở tận Đồng Nai… nhưng đều không thành công như mong muốn. Sau những lần làm ăn không thành, đúc rút được những bài học từ thất bại, ông Tắc trăn trở: “Tại sao không làm giàu ngay trên chính mảnh đất của gia đình và bằng những cây trồng được cho là lợi thế của địa phương”. Từ suy nghĩ đó, ông lên mạng và “tầm sư học đạo” khắp vùng, ông nhận thấy, cây bơ ghép đầu dòng 034 có thể mang lại cơ hội đổi đời. Với quyết tâm của bản thân và sự “đồng cam chịu khổ” của vợ con, 4ha đất đồi khô cằn đã từng khiến gia đình ông nhiều phen thất bại với cây chè, cà phê, dần dần được thay bằng những chồi non của giống bơ ghép cao sản 034. Miệt mài, cần mẫn đánh vật với đất cằn, sỏi đá một thời gian dài, cuối cùng “Trang trại bơ chất lượng cao Đức Mạnh” của ông Tắc ở thôn 1, xã Lộc Phú cũng nên hình, nên dáng với hơn 1.000 cây bơ giống vào cuối năm 2011.

Sau gần 4 năm chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, năm 2015, với 4ha bơ ghép cho gia đình ông Tắc thu hoạch vụ đầu tiên, với sản lượng 20 tấn quả và 400.000 mầm ghép cung cấp cho thị trường trong, ngoài tỉnh. Theo hạch toán của ông Tắc, với sản lượng bơ trái và chồi ghép nêu trên mang lại doanh thu cho gia đình ông gần 1,4 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt được gần 800 triệu đồng. Dự tính năm 2016, trang trại bơ ghép này sẽ cho gia đình ông Tắc sản lượng 30 tấn quả chính vụ với giá hiện nay 45 ngàn đồng/kg, 10 tấn quả trái vụ (80 ngàn đồng/kg) và 500.000 mầm ghép (15 ngàn đồng/chồi) thì tổng doanh thu đạt trên 2,6 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí mang lại 1,8 tỷ đồng lợi nhuận.

Khi được hỏi thâm canh bơ ghép so với cây chè, cà phê và các loại cây khác dễ hay khó hơn? Ông Tắc tự tin bảo rằng: Dễ hơn rất nhiều, bởi bơ ghép rất phù hợp với địa hình đất đồi, khô cằn và chỉ bị bệnh bọ xít, chứ không bị các loại bệnh về thân và rễ như chè, cà phê và các loại cây ăn trái khác. “Với lại, tôi đã có kinh nghiệm trong việc tưới nước, bón phân (phân hữu cơ trộn với vỏ cà phê ủ vào gốc), ghép chồi, tạo tán, nên bơ phát triển rất tốt, cho năng suất cao” - ông Tắc nói thêm. Về thị trường tiêu thụ, theo ông Tắc khẳng định, dù có phát triển cây bơ đến đâu cũng vẫn không lo thị trường tiêu thụ, bởi hiện nay không đủ sản lượng cung cấp cho thị trường nội địa, nhất là các siêu thị ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, chưa nói đến tiềm năng thị trường nước ngoài rất lớn. Vì ngoài việc cung cấp thực phẩm, bơ còn là nguyên liệu quý của công nghệ sản xuất mỹ phẩm, thuốc bổ… Nắm bắt được điều đó, nhiều nhà nông trong tỉnh và các tỉnh Đồng Nai, Đắc Lắc, Đắc Nông đặt hàng số lượng lớn mầm bơ ghép với ông Tắc. Thậm chí không đủ số lượng cung cấp, nên hiện gia đình ông phải thuê đất ươm mầm ghép tại các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông.

Hiện, Trang trại bơ chất lượng cao Đức Mạnh, ngoài việc giải quyết công ăn việc làm ổn định, thường xuyên cho 5 công nhân, với thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng và bao ăn ở, ông Nguyễn Văn Tắc còn rất sẵn lòng giúp đỡ những nhà nông muốn thâm canh bơ. Ông cũng sẵn sàng chia sẽ kỹ thuật ghép cành, ươm giống, chăm sóc, tạo tán, phòng trừ bệnh và kỹ thuật thâm canh, thu hoạch bảo quản bơ trái, tiếp xúc thị trường tiêu thụ… cho nhiều người khi liên hệ với ông.

Hoàng Đại Huynh

Thu 300 triệu đồng/năm từ trồng mít Tứ quý

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

Theo anh, loại mít mà anh đang phát triển là giống dễ trồng, phát triển nhanh, cho trái quanh năm, chịu hạn tốt, chỉ sau 2 năm tuổi là cây bắt đầu ra trái, nhưng phải đợi đến năm thứ tư cây mới thực sự trưởng thành

Mít Tứ quý giống mới vừa thu hoạch

Ở ĐBSCL có một số nông dân kiên trì cải tiến kỹ thuật, chọn giống mới cây ăn quả mới phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nên giữ được ổn định và ngày càng tăng hiệu quả kinh tế.

Điển hình như anh Đào Thanh Hiền ở ấp Nhơn Thọ, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. Sau nhiều năm cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng, cuối cùng anh đã thành công với giống mít siêu sớm, còn gọi là mít Tứ quý.

Theo anh, loại mít mà anh đang phát triển là giống dễ trồng, phát triển nhanh, cho trái quanh năm, chịu hạn tốt, chỉ sau 2 năm tuổi là cây bắt đầu ra trái, nhưng phải đợi đến năm thứ tư cây mới thực sự trưởng thành. Mít Tứ quý giống mới trái to, bình quân nặng từ 8 - 15 kg/trái, múi nhiều, màu vàng nghệ, ít xơ, cơm dầy, giòn và ngọt, có thể ăn sống hoặc sấy khô.

Anh Hiền chia sẻ, trước khi chọn giống mít này anh đã từng trải nghiệm với nhiều giống cây trồng khác nhau, từng học hỏi ở nhiều bạn bè về kỹ thuật chăm sóc. Năm 2013 anh xuống giống 120 cây, nay đã tăng lên 400 cây. Tất cả đều phát triển tốt và đang cho trái.

Anh phấn khởi cho biết, bình quân một cây mít 3 năm tuổi, mỗi lứa anh chỉ giữ lại 7 trái, tương đương với 100kg. Mít càng lâu năm, năng suất càng cao. Tuy mít Tứ quý cho trái quanh năm nhưng người trồng phải chủ động cho cây ra trái theo ý muốn để cây có thời gian nghỉ ngơi và tránh đụng hàng vào mùa vụ chính.

Lúc đầu mít ra trái rất sai nhưng năng suất không cao, chất lượng không đạt yêu cầu vì bị sâu bệnh tấn công, nhất là sâu đục trái. Từ khi anh dùng bao lưới, loại lưới mịn bao cho từng trái, lúc đó mít mới phát triển đều, trái to, tròn trịa, thu hút nhiều khách hàng, nhất là thương lái thu mua xuất sang Trung Quốc.

Vào thời điểm nầy, hầu hết các giống mít khác như mít Thái siêu sớm, mít lá bàng, mít nghệ, mít ruột đỏ đều dao động ở mức từ 5.000 - 6.000 đ/kg, riêng mít tứ quý giống mới là giữ được giá 11.500 đ/kg. Vào mùa này, bình quân mỗi ngày anh cắt trên 1 tấn trái và cắt liên tiếp nhiều ngày cho đến khi hết trái. Nếu tính ra thành tiền, bình quân mỗi năm anh thu nhập trên 300 triệu đồng. Sau khi thu hoạch sẽ có thương lái đến tận vườn thu gom với điều kiện trái phải giữ nguyên cuốn, tuyệt đối không được nhúng hóa chất.

THÀNH HIỆP

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop