Sản lượng chè búp tươi của Yên Bái đạt gần 55.000 tấn
Nguồn tin: Báo Yên Bái
Từ đầu năm đến nay, sản lượng chè búp tươi toàn tỉnh Yên Bái đạt gần 55.000 tấn, bằng 73,3% kế hoạch năm, tăng gần 485 tấn so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, sản lượng chè búp tươi chất lượng cao đạt trên 15.430 tấn, bằng 86% kế hoạch năm.
Người dân xã Bảo Hưng, Trấn Yên thu hái chè. Ảnh MQ
Toàn tỉnh hiện có hơn 7.820 ha chè đang cho sản phẩm, với các giống như: chè trung du, lai LDP1, LDP2, chè shan, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên. Để phấn đấu sản lượng chè búp tươi năm 2019 đạt gần 75.000 tấn, hiện tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương duy trì tốt diện tích chè hiện có, vận động, hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng, chăm sóc chè, trồng dặm, trồng thay thế những diện tích chè già cỗi.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở chế biến cần tiếp tục thay thế, bảo dưỡng máy móc, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, góp phần ổn định và tăng giá chè để bà con yên tâm sản xuất, gắn bó với ngành chè, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Hồng Duyên
‘Đánh cược’ với khoai lang Nhật
Nguồn tin: Báo Gia Lai
Thời điểm này, người dân xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện, Gia Lai) bắt đầu xuống giống khoai lang Nhật. Do chưa có đầu ra đảm bảo nên với nông dân nơi đây, trồng khoai lang Nhật giống như một canh bạc “được ăn cả ngã về không”.
Vừa làm xong lúa vụ 2, ông Đỗ Văn Lời-Trưởng thôn Kim Môn tất bật thuê người cày đất, lên luống để xuống giống khoai lang Nhật. Rút kinh nghiệm từ vụ “giải cứu” khoai lang năm ngoái, năm nay, gia đình ông chỉ trồng hơn 8 sào; hơn 1 ha còn lại cho người khác thuê trồng. Theo tính toán của ông Lời, chỉ riêng tiền giống, công làm đất, làm cỏ, phân bón trên phần diện tích này ngốn của gia đình hơn 50 triệu đồng (bình quân chi phí đầu tư khoảng 6,5 triệu đồng/sào). “Năm ngoái, tôi trồng 2 ha khoai lang Nhật nhưng thời điểm bán, giá khoai chỉ ở mức 3.000 đồng/kg, lỗ hơn 30 triệu đồng. Trong đó, 1 ha thu hoạch được 23 tấn, còn 1 ha bán đứng trên ruộng cho thương lái chỉ với giá 30 triệu đồng. Trồng khoai ngoài phụ thuộc vào giống, thời tiết, giá cả… còn lo về đầu ra. Hy vọng năm nay chính quyền đứng ra kêu gọi doanh nghiệp tiêu thụ khoai cho người dân bớt khổ”-ông Lời than thở.
Ông Đỗ Văn Lời (bìa trái) vừa xuống giống vừa thấp thỏm lo đầu ra cho sản phẩm khoai lang Nhật. Ảnh: N.S
Cũng như ông Lời, năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Bội (cùng thôn) cũng giảm diện tích trồng khoai lang. Ông Bội cho hay, gia đình ông đang làm đất, dự kiến chỉ trồng khoảng 1,5 ha. Lý do là vì những vụ khoai ông quyết định “làm ăn lớn” trước đây đều thất bại. Năm ngoái, gia đình ông trồng 4,5 ha nhưng chỉ thu được 75 tấn khoai, bán với giá 3.000 đồng/kg, may mắn thu hồi được vốn đầu tư. Riêng năm 2017, ông trồng 4 ha tại xã Ia Tul (huyện Ia Pa) và bị lỗ trắng gần 300 triệu đồng. Theo ông Bội, năm đó, khoai đến thời điểm thu hoạch nhưng giá bán chỉ tầm 1.000 đồng/kg nên phải “bỏ của chạy lấy người” vì nếu cố thu hoạch thì càng thêm lỗ.
Trưởng thôn Kim Môn cho biết: Cả thôn có 130 hộ thì khoảng 90 hộ trồng khoai lang, hộ ít nhất 5 sào, hộ nhiều đến gần chục héc ta. Nhiều hộ chủ động được nước tưới đã trồng cách đây 2 tháng. Diện tích này có thương lái đến trả giá trước 12 triệu đồng/sào. Mặc dù liên tiếp thất bại nhưng nhiều hộ dân đều có cùng suy nghĩ “năm mất thì sẽ năm được” nên vẫn chọn trồng khoai lang. Theo tính toán của họ, 1 ha khoai sẽ cho thu nhập gấp 3 lần so với trồng lúa. Chỉ cần khoai lang nằm giá từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng/kg, người dân sẽ có thu nhập 175-250 triệu đồng/ha. Do vậy, diện tích khoai lang trên địa bàn xã Chư A Thai luôn cao hơn các xã khác.
Ông Phùng Trung Toàn-Chủ tịch UBND xã Chư A Thai-cho biết: Hàng năm, diện tích khoai lang trên địa bàn xã dao động từ 180 ha đến 200 ha. Khoai lang phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên đạt năng suất bình quân 25 tấn/ha. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng khoai lang rớt giá dẫn đến nhiều hộ bị thua lỗ. Để tránh tình trạng này, tại các cuộc họp giao ban, chính quyền xã đều yêu cầu các trưởng thôn tuyên truyền, cảnh báo người dân giữ ổn định diện tích hiện có, hạn chế mở rộng, nhất là những hộ trồng nhiều nên thu hẹp dần diện tích để tránh thiệt hại lớn khi khoai lang rớt giá. “Khoai lang chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc. Khi thị trường này biến động, thương lái hạn chế thu mua dẫn đến lượng khoai ứ đọng, ế ẩm, không có đầu ra, hộ trồng nhiều càng bị thua lỗ nặng”-ông Toàn nhận định.
Trong khi đó, ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện thì cho hay: Thời điểm này mới chớm vụ, một số hộ chủ động nguồn nước đã xuống giống nên diện tích khoai lang trên địa bàn huyện chưa thống kê được cụ thể, chỉ áng chừng khoảng vài chục héc ta. Đầu tháng 12 tới, khi có nguồn nước thủy lợi, người dân mới xuống giống khoai lang nhiều, chủ yếu là ở xã Chư A Thai và Ia Sol. “Ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích mà căn cứ vào khả năng thị trường, chủ động ký kết với các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra để có cơ sở xuống giống phù hợp, tránh rủi ro gây thiệt hại như năm ngoái”-ông Thành thông tin thêm.
NGUYỄN SANG
Cơ hội lớn cho xuất khẩu rau quả sang thị trường Á-Âu
Nguồn tin: Báo Chính Phủ
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam vừa được ký kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp lĩnh vực rau quả mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có thị trường Á-Âu.
TS. Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phát biểu tại hội thảo - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Ngành rau quả Việt Nam trong những năm gần đây có sự tăng trưởng vượt bậc, nhất là về xuất khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả năm 2018 lập kỷ lục với mức tăng trưởng 10,8%, vượt kim ngạch xuất khẩu dầu thô của quốc gia. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu rau quả ước đạt 2,84 tỷ USD, và được dự báo sẽ còn đạt mức tăng trưởng cao hơn nữa. Làm vườn và trồng hoa mặc dù mới phát triển trong vòng 10 năm trở lại đây nhưng đã thể hiện được tiềm năng, hứa hẹn đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu rau quả lớn nhất thế giới.
Thị trường Á-Âu là một trong những thị trường quan trọng cho xuất nhập khẩu rau hoa quả của Việt Nam, có tới 8 nước và vùng lãnh thổ trong Top thị trường xuất khẩu rau hoa quả và 6 nước và vùng lãnh thổ trong Top thị trường nhập khẩu rau hoa quả. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam vừa được ký kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp lĩnh vực rau quả mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, trong đó có thị trường Á-Âu.
Nhiều loại trái cây của Việt Nam đã được xuất khẩu với các tiêu chuẩn chất lượng cao vào các thị trường khó tính - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Thị trường châu Âu nói riêng và Á-Âu nói chung là thị trường tiềm năng vô cùng lớn của Việt Nam vì các thị trường này cần rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như điều, gạo, rau, hoa quả và cá…
Chẳng hạn, với Hà Lan, Hiệp định EVFTA và IPA sẽ đem lại rất nhiều cơ hội giao thương cho các doanh nghiệp của hai nước, cơ hội hợp tác giữa hai nước với nhau.
Đây là nhận định của ông Willem Schoustra - Tham tán Nông nghiệp phụ trách Việt Nam và Thái Lan (Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan) tại Hội thảo chuyên đề về xuất khẩu rau, hoa quả và những chuyển động mới từ thị trường Á-Âu ngày 24/10, tại Hà Nội.
Cơ hội rộng mở, nhưng để nắm bắt cơ hội, ông Willem Schoustra cho rằng, Việt Nam và Hà Lan cần hợp tác với nhau để cải thiện thêm về chất lượng nông sản, nhất là vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đạt được những tiêu chuẩn gắt gao của châu Âu.
TS. Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho hay, bên cạnh những thuận lợi do EVFTA và IPA mang lại, tình thế cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp phải cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu cũng như cạnh tranh trên thị trường nội địa. “Các doanh nghiệp phải từng bước trang bị kiến thức, kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Triển lãm và hội nghị quốc tế về công nghệ sản xuất và chế biến rau, hoa, quả tại Việt Nam (HortEx Vietnam) là cầu nối lý tưởng để doanh nghiệp rau, quả Việt Nam nắm bắt thông tin thị trường, công nghệ cũng như tiếp cận khách hàng”, TS. Lê Thanh Hòa nhấn mạnh.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Hà Lan, ông Willem Schoustra cho hay, Hà Lan là đất nước phát triển vững mạnh về lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, sự thành công này không đến chỉ qua một đêm. Những sản phẩm nông nghiệp của Hà Lan xuất khẩu đi toàn thế giới là những sản phẩm ngoài chất lượng còn có tính sáng tạo và tính bền vững. Ông Willem nhấn mạnh đến việc đầu tư công nghệ mới và những thiết bị hiện đại, điều này vô cùng quan trọng trong việc hợp tác và kết nối với các đối tác trong chuỗi phát triển và chuỗi cung ứng.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp được thông tin về thị trường Á-Âu đối với xuất khẩu rau, hoa quả. Các chuyên gia cho rằng, nông sản Việt Nam rất phong phú nhưng xuất khẩu hiện vẫn còn hạn chế. Để đưa nông sản Việt vào thị trường châu Âu nói chung và thị trường Á, Âu nói riêng, yếu tố quan trọng nhất hiện nay là an toàn thực phẩm, xây dựng nền sản xuất bền vững. Để làm được điều đó phải giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu không an toàn.
Đỗ Hương
Giá thanh long ‘xuống dốc’, nhà vườn lao đao
Nguồn tin: VOV
Do thị trường xuất khẩu gặp khó khăn nên mấy ngày nay, trái thanh long ở tỉnh Tiền Giang sụt giá, người trồng thanh long lao đao.
Tại thời điểm này, trái thanh long ruột trắng (loại tốt) chỉ ở mức từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, trái thanh long ruột đỏ chưa đến 15.000 đồng/kg, giảm hơn 5.000 đồng/kg so tuần trước. Với trái thanh long “quá lứa”, bị khuyết tật chỉ ở mức 2.000- 3.000 đồng/kg, rất khó tiêu thụ.
Nhà vườn tại tỉnh Tiền Giang cho rằng, vào mùa nghịch, chi phí chăm sóc, “xử lý” cho cây thanh long ra hoa nghịch vụ tăng cao nhưng với mức giá này thì không có lãi.
Trồng cây thanh long nghịch vụ rất vất vả, chi phí tăng nhưng lại rớt giá.
Điều đáng nói, đối với diện tích vườn cây thanh long được các Tổ hợp tác, hợp tác xã bao tiêu để xuất sang các thị trường khó tính thì giá vẫn ở mức cao.
Các doanh nghiệp thu mua trái thanh long cho biết, trái cây này rớt giá là do thị trường xuất khẩu sang Trung quốc đang gặp khó khăn, nhất là nhiều phương tiện chưa qua được cửa khẩu dẫn đến “dội hàng”.
Tỉnh Tiền Giang có gần 8.000 ha cây thanh long chuyên canh, tập trung nhiều ở các huyện: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Tân Phước. Đầu ra của trái thanh long có đến 70% xuất khẩu sang thị trường Trung quốc.
Ông Huỳnh Hồng Ửng, nhà vườn trồng cây thanh long ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo cũng như nhiều nông dân địa phương mong muốn, cùng với nâng cao chất lượng trái thanh long thì phải mở rộng các mô hình liên kết, hợp tác xã để tránh gặp cảnh đầu ra bấp bênh.
“Trái thanh long bị bấp bênh như thế này là do thị trường. Khi nhu cầu cao thì hút giá, khi nhu cầu ít thì người dân bị động. Việc làm đầu tiên là phải xây dựng được hợp tác xã để sản xuất hàng hóa ổn định, có nề nếp, chất lượng. Từ đó, có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính, tránh lệ thuộc quá nhiều thị trường Trung Quốc”, ông Huỳnh Hồng Ửng nói./.
Nhật Trường/VOV-ĐBSCL
Tiền Giang: Giá gà giảm sâu
Nguồn tin: Báo Ấp Bắc
Khi người chăn nuôi chưa hết khó khăn do dịch tả heo châu Phi hoành hành thì hiện nay người nuôi gà phải thua lỗ do giá gà xuống quá thấp. Theo người chăn nuôi gà, hiện nay, mỗi kg gà bán ra, người nuôi lỗ 3.000 đồng/kg trở lên.
Người chăn nuôi gà đang bị thua lỗ do giá gà xuống thấp.
Ông Huỳnh Thụy Minh Tâm, ấp Mỹ Thạnh, xã Hòa Định (huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) nuôi khoảng 25.000 con gà CP 2. Hơn 1 tháng qua, trang trại của ông bị lỗ do giá gà giảm sâu so với giá thành chăn nuôi.
Ông Tâm cho biết, trang trại bán gà đạt chuẩn với giá chỉ có 31.000 đồng/kg, trong khi giá thành chăn nuôi (đạt chuẩn) khoảng 34.000 đồng/kg. Còn những con gà vượt chuẩn (nặng hơn số kg quy định), người mua đưa ra giá rất thấp. Như vậy, mỗi kg gà, người nuôi lỗ 3.000 đồng/kg trở lên.
Trang trại ông Tâm vừa mới xuất chuồng 10.000 con gà, bình quân 1,5 kg/con. Với giá bán 31.000 đồng/kg, trang trại của ông lỗ gần 100 triệu đồng. “Vài ngày nữa, trang trại tiếp tục xuất thêm 12.000 con gà. Với giá hiện nay, trang trại sẽ tiếp tục lỗ thêm khoảng 100 triệu đồng” - ông Tâm cho biết.
Tình trạng giá gà giảm sâu đã gây rất nhiều khó khăn cho người chăn nuôi. Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản Gò Công (TX. Gò Công) Nguyễn Quốc Kiệt cho biết, HTX có 30 xã viên, mỗi xã viên nuôi từ 1.000 đến 3.000 con gà. Trong tháng qua, giá gà giảm nhiều khiến lợi nhuận của xã viên cũng giảm xuống đến mức rất thấp. Hiện giá gà trống đạt chuẩn bán ra chỉ có 55.000 đồng/kg, gà mái đạt chuẩn có giá bán 65.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với đầu năm 2019.
Về đầu ra, ông Kiệt nói: “Nhờ HTX có ký hợp đồng ổn định với các công ty ở TP. Hồ Chí Minh và một số thương lái bên tỉnh Long An nên đầu ra con gà trong HTX cũng dễ dàng hơn người nuôi bên ngoài”.
Trao đổi với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Mến cho biết, thời gian qua, số lượng gà của tỉnh tăng khá nhanh từ 10 - 15%, nhất là sau khi xuất hiện dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh. Việc số lượng gà trong tỉnh tăng cộng với số lượng gà của các tỉnh, thành khác cũng tăng đã khiến cung vượt cầu cùng với giá gà giảm sâu đã khiến người nuôi gà đang bị thua lỗ. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 10,5 triệu con gà, trong đó gà thịt khoảng 6 triệu con.
SĨ NGUYÊN
Nuôi vịt đẻ theo hướng liên kết, bảo đảm lợi nhuận
Nguồn tin: Báo Long An
Chăn nuôi vịt đẻ tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa đang được nhiều nông dân tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An liên kết với cơ sở ấp vịt, bảo đảm đầu ra của trứng và mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi.
Anh Trần Quốc Hoàng, ấp Nhựt Tân, xã Nhựt Ninh, theo nghề nuôi vịt đẻ nhiều năm nay và đều thực hiện theo hướng liên kết với chủ cơ sở ấp vịt để tiêu thụ đầu ra của trứng. Hiện anh Hoàng đang nuôi 500 vịt đẻ từ Cơ sở ấp vịt Bé Tư, xã An Nhựt Tân. Đàn vịt nhà anh Hoàng được nuôi từ vịt con đến nay được gần 7 tháng, bắt đầu đẻ trứng được hơn 3 tuần. Anh Hoàng nói: “Vịt nuôi được 6 tháng là đẻ trứng và bắt đầu đẻ rộ từ tháng thứ 7. Hiện nay, mỗi ngày tôi thu hoạch trên 200 trứng. Chỉ 1 tuần nữa thôi, mỗi ngày tôi sẽ thu hoạch khoảng 400 trứng”.
Lựa trứng vịt đủ tiêu chuẩn để chuẩn bị ấp trứng tại cơ sở Bé Tư
Cùng ngụ ấp Nhựt Tân, anh Nguyễn Tài Dinh đang nuôi 1.000 con vịt vừa xiêm, vừa trắng cùng độ tuổi với đàn vịt nhà anh Hoàng. Anh Dinh cho biết, nuôi vịt đẻ không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, nhất là khâu chọn giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Theo đó, để có đàn vịt đẻ tốt phải là những con khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng. Điều quan trọng nữa là cần bảo đảm tỷ lệ con đực, con cái trong đàn để đạt tỷ lệ ấp nở cao. Hiện 1.000 con vịt đẻ, mỗi ngày anh Dinh có thể thu hoạch khoảng 800 trứng.
Anh Hoàng chia sẻ thêm, hiện nay người nuôi vịt nếu không vốn cũng không là vấn đề khó, bởi trong huyện Tân Trụ có rất nhiều cơ sở ấp vịt liên kết cùng nông dân.Riêng anh đang thực hiện liên kết cùng Cơ sở ấp vịt Bé Tư ở xã An Nhựt Tân. Theo đó, cơ sở thỏa thuận đưa vịt giống (vịt con) đến cho hộ chăn nuôi, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, cung cấp thức ăn cho đến khi vịt đẻ trứng. Khi hộ chăn nuôi bắt đầu thu hoạch trứng thì cung cấp đến cơ sở ấp vịt. Và cả 2 bên bắt đầu thực hiện trừ cấn tiền vốn (vịt giống, thức ăn) do cơ sở cung cấp.
Theo anh Hoàng, hiện nay, giá trứng đang có giá khá cao, bình quân 9.000 đồng/trứng (trứng vịt giống) nên nông dân bảo đảm có lãi cao. Anh Hoàng tính toán: “Sang tháng thứ 7 vịt đẻ nên tôi sẽ thu hoạch bình quân mỗi ngày 400 trứng. Với giá bán hiện nay, mỗi ngày sau khi trừ chi phí ban đầu (vịt giống, thức ăn), tôi sẽ có lãi trên 1 triệu đồng. Ưu điểm của việc liên kết này là nông dân không phải lo ngại tìm đầu ra bán trứng và cơ sở ấp vịt luôn có giá thu mua cao hơn so với không liên kết để người nuôi có lãi”.
Ông Nguyễn Văn Bé Tư - chủ Cơ sở ấp vịt Bé Tư, chia sẻ, cơ sở đang nuôi khoảng 3.000 con vịt đẻ. Ngoài chăn nuôi, cơ sở còn liên kết với hơn 20 nông dân trong huyện Tân Trụ, Bến Lức và tỉnh Bến Tre theo hướng cung cấp vịt giống, thức ăn và tiêu thụ trứng. Trứng thu về được chọn lựa và ấp. Bình quân mỗi hộ chăn nuôi từ 500-1.000 con vịt đẻ. Vịt con được tiêu thụ tại nhiều tỉnh như Long An, Tây Ninh, một số tỉnh miền Tây và bán sang Campuchia để nuôi vịt thịt. Chăn nuôi vịt đẻ hiện không khó nhưng hộ chăn nuôi phải áp dụng đúng quy trình kỹ thuật theo hướng an toàn sinh học để đàn vịt khỏe mạnh, đẻ đều, trứng to. Trong đó, cần chú ý nhất là cần được cung cấp ánh sáng để kích thích vịt đẻ trứng. Sau 2 năm, hộ chăn nuôi nên tiến hành thay đàn vịt mới nhằm tăng năng suất và chất lượng trứng.
Chủ tịch UBND xã An Nhựt Tân - Nguyễn Ngọc Thanh Phương thông tin, mô hình chăn nuôi vịt theo hướng liên kết trên địa bàn xã thời gian qua tạo chuyển biến tích cực trong thay đổi tập quán chăn nuôi của người dân từ chăn nuôi nhỏ, lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung. Đặc biệt, hình thức chăn nuôi này đang đi đúng hướng theo chuỗi sản xuất hàng hóa, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh. Đồng thời, hình thức này nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, thuận tiện truy xuất nguồn gốc, mở rộng thị trường tiêu thụ, liên kết chuỗi để ổn định đầu ra, bảo đảm người chăn nuôi có lãi./.
Mai Hương
Hiếu Giang tổng hợp