Tin nông nghiệp ngày 28 tháng 8 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 28 tháng 8 năm 2019

‘Ngày hội trái cây và nông sản an toàn Lào Cai’ năm 2019 sẽ diễn ra trong 2 ngày 6 - 7/9

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Trong 2 ngày 6 - 7/9, tại không gian tuyến phố đi bộ, đường Đinh Lễ, phường Cốc Lếu, thành phố Lào Cai sẽ diễn ra “Ngày hội trái cây và nông sản an toàn Lào Cai” năm 2019.

Sản phẩm dầu thực vật của thành phố Lào Cai.

Ngày hội được tổ chức với nội dung trưng bày, giới thiệu, bán các loại trái cây và nông sản sạch của Lào Cai gắn với tuyên truyền thông điệp “Chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa”. Tại ngày hội sẽ trưng bày, giới thiệu, quảng bá một số trái cây đặc sản và nông sản đặc trưng của tỉnh Lào Cai với gần 20 loại trái cây và 200 mặt hàng nông sản như quýt, ổi của huyện Mường Khương; na, thanh long, hồng không hạt của huyện Bảo Thắng; chuối tiêu, hồng của xã Vạn Hòa... ; các loại nông sản: Thịt trâu sấy Bảo Yên; gạo séng cù, tương ớt Mường Khương; bưởi múc Bảo Thắng; trứng vịt Sín Chéng, Si Ma Cai; rượu Nậm Pung, miến đao, miến sâm Bát Xát; dầu thực vật của thành phố Lào Cai...

Ngoài ra, tại ngày hội sẽ diễn ra chương trình biểu diễn văn nghệ đặc sắc của các câu lạc bộ nghệ thuật và các trò chơi dân gian, hoạt động tạo hình nghệ thuật từ trái cây…

Đây hoạt động thiết thực của hội nông dân các cấp trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm và xúc tiến các hoạt động thương mại, tăng cường mối liên kết giữa “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp.

KIM NGÂN

Giá dừa khô tăng mạnh trở lại

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Hoạt động thu mua, sơ chế lột vỏ dừa tại một Cơ sở chế biến dừa ở huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.

Sau một thời gian dài giảm xuống ở mức thấp, giá trái dừa khô ở tỉnh Bến Tre hiện tăng bình quân 20.000 đồng/chục 12 trái so với cách nay khoảng 2 tuần. Hiện dừa khô được nông dân bán ngay tại vườn cho thương lái đang ở mức 50.000-55.000 đồng/chục; giá thu mua tại nhiều doanh nghiệp và cơ sở chế biến dừa xuất khẩu trong tỉnh ở mức 60.000-70.000 đồng/chục. Riêng dừa trồng theo mô hình hữu cơ được một số doanh nghiệp thu mua ở mức 75.000-80.000 đồng/chục. Giá tăng do nhiều đơn vị, doanh nghiệp và tiểu thương đẩy mạnh thu mua phục vụ sản xuất các sản phẩm xuất khẩu và thời điểm này nguồn cung dừa khô nguyên liệu tại nhiều địa phương trong tỉnh cũng giảm. Nguyên nhân do trước đó giá thấp, nhiều nhà vườn trồng dừa không đầu tư đúng mức cho vườn dừa; một số diện tích dừa bị lão hóa người dân đốn bỏ để chuyển sang các loại cây ăn trái khác hiệu quả hơn.

Tin, ảnh: VĂN CÔNG

‘Gầy’ thương hiệu cho trái cây Bình Ðịnh

Nguồn tin: Báo Bình Định

Có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với các loại cây ăn trái như bưởi, dưa hấu, dưa lê, dừa… Bình Định có lợi thế đặc biệt là thu hoạch trái mùa so với vùng chuyên canh trái cây ở miền Nam. Mấy năm gần đây, tỉnh ta triển khai nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, trái cây Bình Định được người tiêu dùng tín nhiệm, nhiều thương lái còn mua gom trái cây Bình Định đưa ngược vào miền Nam để bán.

Dưa lê vỏ vàng được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại HTXNN II Nhơn Thọ.

HTXNN II Nhơn Thọ là đơn vị trồng dưa lưới, dưa lê vỏ vàng hợp chuẩn an toàn đầu tiên của tỉnh. Ông Phạm Duy Tân, Giám đốc HTX, cho biết: “Làm trái cây sạch khá vất vả nhưng nhờ sự hỗ trợ của UBND TX An Nhơn, Sở NN&PTNT, HTX đã mạnh dạn thực hiện và bước đầu tạo được uy tín, thương hiệu với giá bán cao hơn 20 - 30% so với trước, không phải lo khâu tiêu thụ”. Từ ngày 14.8.2019, HTXNN II Nhơn Thọ là cơ sở đầu tiên ở tỉnh ta được cấp giấy chứng nhận VietGAP cho sản phẩm dưa lê vỏ vàng và dưa lưới tròn. Trước đó, sản phẩm dưa hấu, dưa Kim cô nương và Kim hoàng hậu được chứng nhận VietGAP.

Chị Phùng Thị Thanh Miền, Giám đốc Công ty TNHH Gia vị nhiệt đới, ở thôn Háo Lễ, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, cho biết: “Hiện nay, dưa Kim hoàng hậu của công ty được đơn vị ở TP Hồ Chí Minh bao tiêu toàn bộ sản phẩm, giá cao hơn so với các thương lái nông sản thu mua khoảng 20%. Công ty đang làm hồ sơ chứng nhận VietGAP cho các loại trái cây kể trên. Được chứng nhận hợp chuẩn Viet GAP giá trị của sản phẩm sẽ cao hơn”.

Công nhân thu hoạch dưa lê vỏ vàng an toàn (dưa hoàng kim) tại vườn của Công ty TNHHH Gia vị nhiệt đới.

Theo chị Miền, dù là sản phẩm có chất lượng nhưng đến nay trái cây an toàn có xuất xứ Bình Định vẫn chưa được thị trường nhận diện và định giá xứng đáng do chưa được chứng nhận hợp chuẩn. Một hạn chế nữa là quy mô sản xuất nhỏ, mới chỉ đáp ứng nhu cầu mua bán nhỏ lẻ. Chị Thanh Miền chia sẻ: “Chứng nhận GAP - VietGAP hoặc cao hơn là GlobalGAP hay hợp chuẩn hữu cơ (bionic) không chỉ là tấm giấy thông hành để sản phẩm vào được hệ thống siêu thị mà còn là một sự đảm bảo cho cam kết về chất lượng của nhà sản xuất với người tiêu dùng”.

Hiện nay, việc xây dựng thương hiệu trái cây của tỉnh đang là những mảnh ghép riêng lẻ từ DN hay cá nhân. Để khẳng định thương hiệu cho trái cây Bình Định cần sự hỗ trợ lớn từ các cấp, ngành, địa phương cần định hướng, tính toán lại quy hoạch…

HẢI YẾN

Vì sao giống nhãn Bạc Liêu đột biến được ‘săn tìm’?

Nguồn tin: Báo Lao Động

Giá bán cao gấp 2-3 lần so với các loại nhãn đặc sản, nhưng không phải dễ tìm mua. Điều gì đã tạo cho Thanh Nhãn sự hấp dẫn đến vậy?

Theo chân GS.TS Võ Tòng Xuân tìm về xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) đang mùa thu hoạch Thanh Nhãn, chúng tôi có dịp thưởng thức đặc sản mới của xứ Bạc Liêu đang mở rộng lãnh thổ trên đất Cần Thơ.

Nhìn bên ngoài, Thanh Nhãn không có nhiều khác biệt so với nhãn đã định danh trên thị trường. Ảnh: Lục Tùng

Thanh Nhãn được trồng nhiều ở huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ). Ảnh: Lục Tùng

Cây được nhân giống theo phương pháp chiết cành. Ảnh: Lục Tùng

Nhìn bên ngoài, Thanh Nhãn không khác nhiều so với một số giống nhãn đã định danh trên thị trường... Vì thực chất đây là cây nhãn Bạc Liêu bị đột biến.

Các nhà vườn ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào toàn bộ quy trình trồng. Ảnh: Lục Tùng

Tuy nhiên, chất lượng thì hoàn toàn vượt trội. Với cơm dày, màu vàng mật... Thanh Nhãn không chỉ hấp dẫn người thưởng thức bởi cái nhìn bên ngoài, mà để lại cảm giác “xao xuyến không tan” cho bất cứ ai đã một lần nếm thử bởi cái vị giòn tan và ngọt thanh độc đáo không lẫn với bất cứ loại nhãn nào.

Nhưng chất lượng bên trong thì rất tuyệt vời. Ảnh: Lục Tùng

Cơm dày màu vàng mật, giòn, vị ngọt thanh. Ảnh: Lục Tùng

Vì vậy, dù hiện giá bán cao gấp 2-3 lần so với nhãn đã định danh, có thương hiệu trên thị trường, như nhãn xuồng cơm vàng, nhưng khách hàng vẫn chấp nhận và săn tìm vì không dễ tìm mua do diện tích trồng chưa nhiều.

Trong khi đó, qua thực tiễn trồng trọt cho thấy Thanh Nhãn gần như miễn nhiễm với bệnh chỗi rồng- loại bệnh gây hại đến sinh trưởng cho cây mà chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu.

Thu hoạch Thanh Nhãn. Ảnh: Lục Tùng

Vì vậy nhiều nhà vườn đang mong muốn tham gia mở rộng. Tuy nhiên, theo GS.TS Võ Tòng Xuân, ngay cả khi diện tích được mở rộng cũng không quá lo ảnh hưởng đến đầu ra. Bởi bên cạnh yếu tố thị trường đang rộng mở, bản thân trái Thanh Nhãn cũng đang có nhiều lợi thế cho riêng mình.

Với vách tế bào giữ nước của trái rất dày nên Thanh Nhãn được bảo quản rất lâu trong môi trường tự nhiên sau khi thu hoạch. Nói chính xác là sau khi thu hoạch, trong môi trường tự nhiên, Thanh Nhãn sau 1 tháng thu hoạch vẫn đảm bảo chất ngon, chất lượng...

Chuyển Thanh Nhãn đến chợ đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Lục Tùng

Vì thế, Thanh Nhãn không chỉ bổ sung vào vườn hoa cây ăn trái đặc sản của Đồng bằng Sông Cửu Long thêm hương sắc mới, mà còn tạo ra hấp lực mới cuốn hút nhiều bước chân thích khám phá đến với “Vương quốc trái cây của Việt Nam”.

LỤC TÙNG

Liên kết sản xuất nấm tú trân

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Người nông dân chỉ cần trồng cây nấm, còn lại từ kỹ thuật, thu mua đều được bao tiêu từ đầu vào tới đầu ra. Nấm trồng tới đâu hết tới đó, với giá cả rất ổn định. Hợp tác cùng thành công là câu chuyện giữa Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp dịch vụ Môi trường Lâm Đồng và những người nông dân Lạc Dương.

Image result for Hình ảnh nấm tú trân

Nông dân được tạo điều kiện thuận lợi khi cùng liên kết sản xuất nấm. Ảnh: D.Q

Chị Rơ Glê Luyên, thôn B’Neur B, thị trấn Lạc Dương mới thu hoạch xong vụ nấm thứ hai. Vốn xưa nay chỉ quen với cây cà phê, cây rau thương phẩm nên khi có hợp đồng trồng nấm, chị khá băn khoăn. Nhưng được thị trấn động viên, HTX hỗ trợ từ kỹ thuật, hướng dẫn làm nhà trồng nấm, dạy kỹ thuật chăm nấm, chị Luyên quyết định thử sức với loại cây trồng hoàn toàn mới này. Chỉ với 600 m2 nhà trồng nấm, chị treo 12 ngàn bịch phôi. Chỉ từ cuối tháng 5/2019 tới nay, chị đã thu 2 đợt, được gần 4 tạ nấm tươi. “Nhà nấm đều do HTX làm, cả bịch phôi cũng do HTX cung cấp. Nấm tới vụ thu hoạch, HTX vào tận nhà thu mua, gia đình đóng gói xong là nhận tiền. Giá thu mua là 30 ngàn đồng/kg, ổn định từ đầu vụ tới cuối vụ”, chị Rơ Glê Luyên chia sẻ và cho biết thêm, trồng nấm với HTX an toàn vì có người bao tiêu sản phẩm và khi nào cần hỗ trợ kỹ thuật thì HTX cho người xuống ngay. Trồng nấm lại nhàn, chỉ cần một mình chị là chăm được.

Chị Rơ Glê Luyên là 1 trong 50 hộ, chủ yếu là người dân tộc thiểu số của huyện Lạc Dương tham gia liên kết trồng nấm cung cấp cho HTX Nông nghiệp dịch vụ Môi trường Lâm Đồng. Anh Trần Ngọc Toàn, Giám đốc điều hành HTX chia sẻ, nấm tú trân là giống nấm phù hợp với khí hậu mát, thích hợp với vùng Đà Lạt, Lạc Dương. Thuộc giống nấm sò xám, tú trân có vị ngọt, thơm, giòn, được người tiêu dùng ưa chuộng. HTX đã tìm được nguồn tiêu thụ thường xuyên và bản thân thành viên của HTX cũng trồng nhưng sản lượng chưa đáp ứng đủ. Vì vậy, HTX đã phối hợp với Hội Nông dân và chính quyền thị trấn Lạc Dương, xã Đa Nhim, xã Đạ Chais liên kết với nông dân trồng nấm. HTX hướng dẫn kỹ thuật làm nhà nấm, chăm sóc nấm, cung cấp bịch phôi. Và sản phẩm sẽ được thu mua với giá “chết” 30 ngàn đồng/kg trong thời gian ký hợp đồng 3 năm.

Anh Trần Ngọc Toàn cho hay, với tổng suất đầu tư xấp xỉ 90 triệu đồng/600 m2 nhà nấm và 12 ngàn bịch phôi nấm, sau 4 tháng nông hộ thu được 8 lần, với năng suất trung bình 3 tấn nấm tươi. Chỉ cần 1 vụ là nông hộ hoàn vốn, từ vụ nấm thứ 2 là nông hộ có thu nhập khá ổn định. Hiện với 50 nông hộ hợp tác và của thành viên, HTX mới thu được xấp xỉ 500 kg nấm/ngày trong khi nhu cầu tiêu thụ cần khoảng 1 tấn/ngày. Bởi vậy, HTX đang tìm kiếm thêm những nông hộ để hợp tác, mở rộng diện tích nuôi trồng nấm tú trân.

Điều khó cho nông hộ chính là mức đầu tư ban đầu vào nhà nấm khá cao. Nỗi lo này đã được Hội Nông dân các cấp hỗ trợ khá hiệu quả. Bà Nguyễn Thị Tường Vi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết, nhận thấy việc liên kết trồng nấm giữa nông dân và HTX Nông nghiệp dịch vụ Môi trường Lâm Đồng khá hiệu quả, Hội đã hỗ trợ cho nông hộ vay tiền qua các tổ liên kết sản xuất nấm. Cụ thể như tổ hợp tác sản xuất nấm Đạ Chais do anh K’Tuyến làm tổ trưởng. Được vay từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân, thành viên trong tổ làm nhà nấm, mua phôi nấm và hiện đang cho thu hoạch ổn định. Đặc biệt, HTX cũng hỗ trợ thành viên liên kết bằng việc cho mua phôi trả chậm 40%, chỉ cần ứng 60%, số còn lại sẽ trừ dần sau khi có sản phẩm.

Không chỉ tạo điều kiện để nông hộ vay tiền, Hội Nông dân còn phối hợp với chính quyền các địa phương, với HTX Nông nghiệp dịch vụ Môi trường Lâm Đồng mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm cho bà con. Nhiều nông hộ chưa trồng nấm đã tới học các lớp kỹ thuật này để ký hợp đồng với HTX do thấy hiệu quả khá cao. Chị Đa Gout Pát, thôn Đankia, Lạc Dương cho biết, thấy bà con trồng nấm cho thu nhập ổn định, chị và bà con xung quanh cũng tới lớp học để về trồng nấm cho HTX.

DIỆP QUỲNH

Công nhận 13 giống mắc ca đầu dòng ở Lâm Ðồng

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Theo rà soát mới đây của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện đang phát triển 3.630 ha mắc ca với 18 giống khác nhau, đạt năng suất bình quân 2,2 tấn/ha.

Trong đó 13 giống mắc ca được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng công nhận đầu dòng là: OC, 246, 816, 849, 695, 900, 800, 741, 842, Daddow, QN1, A38 và A16.

5 giống mắc ca còn lại đang tiếp tục đánh giá hiệu quả tại Lâm Đồng gồm: 788, A4, 344, H2 và 508, chiếm tỷ lệ diện tích từ hơn 0,5% đến 2,3%.

Địa bàn Lâm Đồng có 3 cơ sở sản xuất cây giống mắc ca với tổng sản lượng gần 588.000 cây/năm. Cụ thể, mỗi năm công bố tiêu chuẩn chất lượng giống ghép xuất vườn gần 444.000 cây giống ở Công ty TNHH MTV Him Lam Mắc Ca và gần 140.000 cây giống ở 2 cơ sở khác.

Được biết, Công ty TNHH MTV Him Lam Mắc Ca còn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng công nhận 131 cây mắc ca đầu dòng đang sinh trưởng trên tổng diện tích hơn 11.130 m2 tại xã Tu Tra, Đơn Dương.

VŨ VĂN

Giá lúa gạo tiếp tục tăng

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Giá nhiều loại lúa và gạo nguyên liệu xuất khẩu tại ĐBSCL tăng thêm khoảng 100-200 đồng/kg so với cách nay hơn 2 tuần.

Giá lúa tăng do nguồn cung lúa tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL giảm mạnh vì nông dân đã thu hoạch và tiêu thụ hầu hết lượng lúa hàng hóa vụ hè thu 2019, còn lúa vụ thu đông 2019 chưa bước vào vụ thu hoạch. Giá lúa tươi IR50404 tại một số địa phương còn các diện tích lúa vụ hè thu 2019 đang thu hoạch như: Cà Mau, Bạc Liêu, An Giang… có giá 4.400 - 4.500 đồng/kg, lúa tươi OM 5451 có giá 5.000 - 5.100 đồng/kg, lúa Đài Thơm 8 giá 5.600 - 5.700 đồng/kg. Còn giá lúa khô IR50404 tại nhiều địa phương ở mức 5.400 - 5.500 đồng/kg, lúa khô OM 5451 ở mức 5.900 - 6.100 đồng/kg, lúa Đài Thơm 8 ở mức 6.600 - 6.700 đồng/kg. Như vậy, hiện giá nhiều loại lúa đã tăng tổng cộng trở lại khoảng 400 - 500 đồng/kg so với hồi tháng 6 và đầu tháng 7-2019.

Thời điểm này, lúa vụ hè thu 2019 tại TP Cần Thơ đã thu hoạch dứt điểm và nông dân đã bán lúa tươi ngay sau thu hoạch, hiện chỉ còn một lượng nhỏ lúa hàng hóa do những hộ dân có điều kiện phơi sấy trữ lại. Dự kiến trong một vài tuần tới, các trà lúa thu đông sớm tại một số quận, huyện của thành phố như: Ô Môn, Thốt Nốt, Thới Lai… mới bước vào thu hoạch.

K. T

Bình Phước: Gần 300 ha cây mì bị nhiễm bệnh khảm lá

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Năm 2019, nông dân trong tỉnh Bình Phước gieo trồng được hơn 12 ngàn héc ta cây mì, nhưng theo khảo sát sơ bộ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện đã có gần 300 ha bị nhiễm bệnh khảm lá. Trong đó, nhiễm bệnh nhiều nhất là huyện Chơn Thành gần 200 ha, huyện Đồng Phú khoảng 90 ha. Các hộ trồng mì cho biết, năm 2018, cây mì phát triển từ 40-50cm mới bị nhiễm bệnh, còn năm nay chỉ mới 10cm đã bị nhiễm. Mặc dù người trồng mì và ngành nông nghiệp đã vào cuộc để phòng tránh nhưng bệnh khảm lá chủ yếu do vi khuẩn gây ra, chưa có thuốc đặc trị nên bệnh vẫn tiếp diễn. Hệ quả, năng suất mì sẽ bị giảm trên 30%.

Thạc sĩ Lê Thúc Long, phụ trách Bảo vệ thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo cách phòng, trị bệnh khảm lá trên cây mì cho nông dân xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú

Qua tìm hiểu và khảo sát thực tế, các kỹ sư nông nghiệp trong tỉnh khẳng định, bệnh khảm lá trên cây mì vẫn hoành hành là do người trồng chọn giống không rõ nguồn gốc, cây giống đã bị nhiễm bệnh. Do đó, cách duy nhất để ngăn chặn loại bệnh gây hại này là phải chọn giống đảm bảo chất lượng, mạnh dạn thay thế giống mì cao sản HLS11 cho năng suất cao bằng giống mì KM94 năng suất thấp hơn nhưng có tính kháng bệnh cao hơn.

Quốc Phong

Long Phú (Sóc Trăng): Tiêu thụ lúa tốt nhờ liên kết bao tiêu

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Hiện tại, các địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều diện tích lúa đã vào giai đoạn đòng trổ, cong trái me và thu hoạch rộ. Nếu so với những tháng đầu vụ, việc tiêu thụ lúa của bà con nông dân gặp khó khăn thì hiện nay, lúa được tiêu thụ khá tốt, mặc dù giá lúa có giảm so cùng kỳ năm 2018 khoảng 200 đồng/kg nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa. Có thể thấy, tại các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) sản xuất nông nghiệp, việc tiêu thụ lúa khá thuận lợi bởi được bao tiêu lúa ngay thời điểm lúa bắt đầu xuống giống, giá bán được chốt trước lúc chuẩn bị thu hoạch, nên thành viên tham gia kinh tế tập thể rất yên tâm khi sản xuất lúa bằng hình thức liên kết.

HTX Nông nghiệp Thành Công, ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu (Long Phú) qua 2 năm đi vào hoạt động đã đem về nhiều lợi ích thiết thực cho thành viên tham gia, niềm vui được nhân lên gấp bội khi HTX được cấp chứng nhận VietGAP vào cuối năm 2018. Đây chính là cơ hội để HTX tiếp tục phát huy lợi thế sản xuất lúa cũng như sẵn sàng tâm thế sản xuất phục vụ thị trường xuất khẩu.

Ông Chung Thanh Phong, thành viên HTX Nông nghiệp Thành Công chia sẻ: “Bán lúa cho công ty có hợp đồng đàng hoàng nên rất yên tâm, dù lúa giá xuống thấp đã có hợp đồng công ty vẫn thu mua với giá đã đưa ra trước đó, giá tăng công ty mua tăng. Tôi có 2ha sản xuất lúa 3 vụ/năm, năng suất bình quân 6 tấn/ha, tăng hơn 2 tấn/ha so với trước khi chưa vào HTX. Trong vụ Hè - Thu năm 2019, tôi canh tác lúa theo quy trình VietGAP được các ngành chuyên môn tập huấn kỹ thuật chuyên sâu nên tôi nắm bắt tốt kỹ thuật canh tác lúa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách cách ly thời gian phun thuốc để hạt lúa không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Chính nhờ áp dụng quy trình VietGAP đã giảm lượng lúa giống gieo sạ, giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm sâu bệnh, dịch hại tấn công trên lúa”.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Thành Công Võ Văn Phúc giới thiệu ruộng lúa của gia đình sản xuất theo quy trình VietGAP.

Góp thêm câu chuyện được cấp chứng nhận VietGAP, ông Phạm Văn Nhỏ, cũng là thành viên HTX Nông nghiệp Thành Công chia sẻ: “Nhận được chứng nhận VietGAP nên hầu hết thành viên HTX đều vui mừng, phấn khởi, vì có chứng nhận VietGAP giúp cho HTX có thêm thị trường mới, vào được các thị trường cao cấp hơn. Tham gia VietGAP, thành viên HTX có ghi chép nhật ký sản xuất, mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc rõ ràng, có nơi chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, bồn chứa thuốc, bồn pha thuốc và tủ thuốc y tế gia đình. Vì vậy, tôi nhận thấy việc canh tác theo quy trình VietGAP lợi ích rất nhiều. Riêng việc tiêu thụ lúa của thành viên rất tốt, hầu như 3 vụ trong năm, doanh nghiệp đều bao tiêu, được doanh nghiệp đặt cọc trước tiền 600.000 đồng/công và giá thường mua cao hơn giá thị trường vài trăm đồng/kg lúa nên thành viên không phải tìm thương lái như khi chưa vào HTX”.

Ông Lâm Văn Út, cũng là thành viên HTX Nông nghiệp Thành Công tâm tình: “So với lúa bên ngoài, làm lúa trong HTX có nhiều lợi ích như sạ cùng giống lúa, thu hoạch cùng thời điểm nên thuận tiện hợp đồng thuê máy gặt đập liên hợp. Cùng với đó, số lượng lúa lớn thuận tiện cho doanh nghiệp bao tiêu luôn cả cánh đồng. Trong vụ Hè - Thu này, tôi đang sản xuất lúa theo quy trình VietGAP, thấy cây lúa phát triển tốt, tầm 2 tuần nữa sẽ thu hoạch lúa nhưng nhìn ruộng lúa thấy hứa hẹn một vụ mùa bội thu, giá bán lúa đã được doanh nghiệp chốt giá 5.000 đồng/kg, lợi nhuận cầm chắc 2 triệu/công/vụ”.

Giám đốc HTX Nông nghiệp Thành Công Võ Văn Phúc cho biết: “HTX có tổng diện tích 50ha đã được cấp chứng nhận VietGAP, sản lượng lúa 1.200 tấn/năm, toàn bộ cánh đồng của HTX thuận tiện cả đường thủy lẫn đường bộ về vận chuyển lúa. Hướng tới để phát huy chứng nhận VietGAP được cấp và tìm kiếm doanh nghiệp thu mua lúa phục vụ thị trường xuất khẩu, HTX sẽ mở rộng diện tích bằng việc liên kết cùng các HTX khác trong sản xuất lúa, tạo ra lượng hàng hóa lớn sẵn sàng cung ứng ngay khi doanh nghiệp cần lượng lúa đạt chất lượng và số lượng. Vì vậy, HTX sẽ duy trì tốt chứng nhận VietGAP để khi doanh nghiệp cần thì có ngay. Mong muốn của HTX đang sản xuất lúa theo quy trình VietGAP là được Nhà nước hỗ trợ tìm doanh nghiệp thu mua lúa đạt chứng nhận với giá cao hơn để tăng thêm lợi nhuận cho thành viên”.

Thúy Liễu

Sản xuất hữu cơ, theo chuỗi - Lối đi bền vững cho hồ tiêu

Nguồn tin: Báo Đắk Nông

Trong bối cảnh cây hồ tiêu gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ chịu tổn thất nặng nề thì một số hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã và đang chuyển hướng sang sản xuất hồ tiêu hữu cơ để chống chọi dịch bệnh cũng như nâng cao giá trị của sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh tham quan mô hình sản xuất hồ tiêu hữu cơ của gia đình ông Lê Văn Bạo, xã Nam Bình (Đắk Song). Ảnh: Phan Tuấn

Nông dân chịu tổn thất nặng nề

Chỉ sau hai tháng mùa mưa, hơn 2 ha hồ tiêu của gia đình chị Nguyễn Thị Oanh, ở xã Quảng Tâm (Tuy Đức) đã chết gần như hoàn toàn. Theo chị Oanh, vườn tiêu là nguồn thu nhập chính của cả gia đình nhiều năm qua. Để phát triển được hơn 2 ha hồ tiêu, gia đình chị đã đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng, cùng với bao mồ hôi công sức. Nay vườn tiêu chết trắng, coi như mọi chuyện đều đổ ra sông, ra biển. Cay đắng hơn, gia đình phải "gánh" khoản nợ ngân hàng 600 triệu đồng và giờ đây không biết lấy đâu để hoàn trả. Hiện nay, gia đình chị đang phải cật lực đi làm thuê để lấy tiền trả lãi cho ngân hàng và duy trì khoản nợ.

"Đó chỉ là giải pháp tạm thời. Tới đây, khi đến thời gian đáo hạn ngân hàng, gia đình tôi chỉ còn cách đi "vay nóng" ở ngoài để đắp vào. Nếu trong trường hợp ngân hàng không cho đáo hạn, gia đình tôi chắc chắn sẽ lâm vào đường cùng, không còn cách nào để cứu vãn", chị Oanh buồn bã chia sẻ.

Tượng tự, gia đình anh Trần Văn Cảnh, ở xã Quảng Tâm, cũng phải bỏ xứ tha phương cầu thực vì vườn tiêu chết do bệnh. Vài năm về trước, do chạy theo phong trào trồng hồ tiêu ở địa phương, gia đình anh Cảnh dồn hết vốn liếng và vay thêm ngân hàng 400 triệu đồng để trồng 2 ha tiêu. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, 2 ha hồ tiêu của anh Cảnh đã bị nhiễm bệnh và chết hoàn toàn. Lâm vào cảnh trắng tay, cộng thêm khoản nợ ngân hàng 400 triệu đồng, cuộc sống của gia đình anh trở nên bi đát.

Anh Cảnh chua chát: Hiện nay, tôi phải cho đứa con lớn đang học lớp 11 nghỉ học giữa chừng để cùng bố mẹ xuống tỉnh Bình Phước làm phụ hồ để có tiền đóng lãi cho ngân hàng. Điều lo sợ nhất là không trả được nợ cho ngân hàng, toàn bộ nhà cửa, đất đai của gia đình tôi sẽ bị "siết nợ" và không biết bấu víu vào đâu để sống.

Người dân Tuy Đức cay đắng dọn dẹp cây hồ tiêu bị chết trên trụ gỗ

Cách đây 2 năm, gia đình chị Nguyễn Thị Đào, ở xã Nâm N’Jang (Đắk Song) đã thế chấp ngân hàng 4 ha hồ tiêu cùng với nhà cửa, xe cộ để vay 2,5 tỷ đồng đầu tư phát triển 7 ha hồ tiêu. Đến đầu năm nay, vườn hồ tiêu của gia đình chị Đào bị nhiễm bệnh, chết không còn một cây. Hiện nay, khoản vay 2,5 tỷ đồng của chị Đào đã rơi vào khoản "nợ xấu", gia đình không còn khả năng trả nợ. Vừa qua, chị Đào đã ký bàn giao tài sản cho ngân hàng để chuẩn bị thanh lý, phát mại.

Chị Đào cho biết: Qua phân tích của cán bộ ngân hàng, tài sản của gia đình tôi bán không đủ để trả khoản nợ 2,5 tỷ đồng và lãi phát sinh. Do đó, gia đình tôi sẽ tiếp tục mắc nợ ngân hàng phần còn thiếu. Bàn giao tài sản cho ngân hàng, gia đình tôi mất trắng tất cả, không biết bám vào đâu để sống.

Theo thống kê, diện tích tiêu chết tại 3 huyện Đắk R’lấp, Đắk Song, Tuy Đức tổng cộng là 4.475 ha. Còn ở những huyện không phải trọng điểm về hồ tiêu chịu thiệt hại ít hơn, như Cư Jút 250 ha; Đắk Glong 81,29 ha; thị xã Gia Nghĩa 46,3 ha; Krông Nô trên 60 ha.

Qua tính toán của người dân, chi phí để phát triển 1 ha hồ tiêu vào tầm 500 triệu đồng, chưa kể tiền mua đất. Trong đó gồm các khoản đầu tư tốn kém như trụ 250 triệu đồng; giống 20 đồng; phân bón, múc hố, cải tạo đất, thuốc bảo vệ thực vật, công cán 230 triệu đồng. Như vậy, với gần 5.000 ha hồ tiêu bị chết, nông dân trên địa bàn tỉnh đã phải chịu thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng, chưa kể tới các hệ lụy khác như nợ ngân hàng, phá sản, bị siết nợ...

Theo Ngân hàng Nhà nước tỉnh Đắk Nông, tính đến tháng 6/2019, dư nợ mà các ngân hàng đã cho vay đầu tư vào hồ tiêu trên địa bàn Đắk Nông là hơn 4.300 tỷ đồng. Có trên 21.000 khách hàng đã tham gia vay vốn, với diện tích hồ tiêu mà người dân đem ra thế chấp là hơn 26.000 ha. Hiện nay, rất nhiều khoản vay ngân hàng để đầu tư vào cây hồ tiêu đã trở thành "nợ xấu".

Sản xuất hữu cơ khẳng định nhiều lợi ích

Mặc cho thời tiết năm nay có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng vườn hồ tiêu của ông Lê Văn Bạo, ở xã Nam Bình (Đắk Song) vẫn luôn xanh tốt, khỏe mạnh, vì có sức đề kháng cao. Sở dĩ vườn tiêu của gia đình ông Bạo không bị vàng úa như những hộ gia đình khác trong vùng là do 3 năm nay, gia đình ông đã "nói không" với thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học.

Theo ông Bạo, cách đây 3 năm, ông đã tham gia Hợp tác xã (HTX) Bình Tiến để liên kết sản xuất hồ tiêu hữu cơ bảo đảm tiêu chuẩn quốc tế. Đối với việc sản xuất tiêu hữu cơ, mỗi thành viên trồng cây hồ tiêu phải sử dụng trụ sống, tự ủ phân chuồng để bón cho cây trồng hoặc sử dụng các loại chế phẩm sinh học để chăm sóc cho cây tiêu. Hiện nay, toàn HTX có 40 thành viên luôn đồng lòng và áp dụng những biện pháp kỹ thuật này một cách nghiêm ngặt nhằm đưa những vườn tiêu trước đây sử dụng nhiều phân bón hóa học trở về với tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ.

Đoàn đại biểu tham quan quy trình sản xuất hồ tiêu sạch của Công ty Cổ phần thương mại - dịch vụ xuất nhập khẩu Trân Châu, xã Thuận Hạnh (Đắk Song)

Trước những thành quả đã đạt được, ông Lê Văn Bạo phấn khởi cho biết: Chính việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình từ khâu sản xuất cho đến khâu thu hoạch, chế biến nên sản phẩm của gia đình tôi đã được cấp chứng nhận hữu cơ, có thể xuất bán qua thị trường các nước châu Âu, Hòa Kỳ... Với 2 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ, năm vừa qua gia đình tôi thu được hơn 7 tấn hạt tiêu, với giá bán gần 100 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình tôi còn có lợi nhuận trên 700 triệu đồng.

Cũng như ông Bạo, anh Lê Văn Hà, ở thôn 10, xã Nam Bình từ năm 2017 đến nay, thay vì sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, ông đã dùng phân chuồng, chế phẩm sinh học để chăm sóc cho 2 ha tiêu. Đến nay, vườn tiêu của hộ anh Hà vượt qua được nhiều đợt kiểm định, test mẫu để được công nhận bảo đảm tiêu chuẩn hữu cơ. Trong mùa vụ vừa qua, 2 ha hồ tiêu hữu cơ của gia đình anh Hà đã thu hoạch gần 8 tấn hạt đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Số lượng tiêu này bán với giá cao hơn 2 lần so với tiêu thông thường.

Cần được khuyến khích, hỗ trợ

Hồ tiêu là cây chủ lực của người dân Đắk Nông, thế nhưng, 3 năm trở lại đây, dịch bệnh tràn lan cùng với việc giá cả xuống thấp đã làm cho rất nhiều nông dân điêu đứng. Trong bối cảnh này, những vườn hồ tiêu hữu cơ vẫn có "thể đứng vững" cả về giá cả lẫn khả năng kháng bệnh.

Thực tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 8 đơn vị, tổ hợp tác tham gia sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, trong đó mới chỉ có 4 đơn vị, tổ hợp tác được công nhận theo tiêu chuẩn hữu cơ với diện tích và sản lượng hết sức khiêm tốn.

Được biết hiện nay Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành tiêu chuẩn sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Vì vậy, các ngành chức năng cần tăng cường tổ chức tuyên truyền, khuyến khích, vận động người dân nhận thức về lợi ích và quy trình của việc sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Bởi đây là cách làm rất tốt để cây hồ tiêu phát triển bền vững, lâu dài.

Bên cạnh đó, về mặt Nhà nước cũng cần hỗ trợ người dân thuận tiện hơn trong việc thực hiện kiểm tra mẫu, cấp các chứng chỉ chứng nhận hồ tiêu hữu cơ. Đẩy mạnh xây dựng các mô hình trình diễn để làm điểm lan tỏa, người dân có thể tham quan, học hỏi. Để sản xuất được hồ tiêu hữu cơ theo hướng hàng hóa, phải có vùng tập trung, sự liên doanh, liên kết từ khi sản xuất cho đến khi tiêu thụ. Ngoài ra, để doanh nghiệp bắt tay với người dân sản xuất tiêu hữu cơ, cũng cần có cơ chế thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp về mặt cơ sở hạ tầng, chính sách đầu tư...

Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Thành Đạt, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Liên Thành, đơn vị xuất khẩu hồ tiêu lớn ở tỉnh Bình Dương, hơn 95% hồ tiêu của Việt Nam là xuất khẩu, nhưng hầu hết là bán xô, với giá bèo bọt. Chỉ có hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ mới được các đối tác nước ngoài thu mua với mức giá cao từ 2 -5 lần so với giá xô ngoài thị trường. Thế nhưng, sản lượng hồ tiêu hữu cơ ở Việt Nam hiện nay chỉ chiếm tỷ lệ chưa đầy 0,01%. Điều này chứng tỏ người dân vẫn chưa có sự thích ứng nhanh với thời cuộc để sản xuất tiêu bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường hiện nay.

Bài, ảnh: Nhóm PV Kinh tế

Hiệu quả từ chuỗi liên kết thí điểm tiêu thụ nông sản ở Bình Định

Nguồn tin:  VOV

Một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản gắn với cung ứng vật tư nông nghiệp ở tỉnh Bình Định giúp người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất.

Những ngày này, trên các cánh đồng ở xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, bà con nông dân cùng ra đồng thu hoạch lúa vụ hè thu. Trước đây, từ 4h sáng, mọi người tranh thủ ra ruộng gặt lúa tránh nắng. Thế nhưng bây giờ, 8h sáng, bà con mới ra ruộng làm việc.

Bà Dương Thị Thanh Hồng cho biết, toàn bộ các công đoạn đều được làm bằng máy, bà ngồi chờ người của doanh nghiệp cân lúa xong đến ký rồi về: “Mua lúa tươi nhưng giá lúa khô ở ngoài bán bao nhiêu thì ở đây người ta mua bấy nhiêu. Nhàn hơn là không phải phơi, chuyển lên rồi mình cân rồi giao tại ruộng. Một cái lợi nữa là người ta chỉ trừ có 5%”.

Mọi công đoạn thu hoạch lúa đều bằng máy, nông dân chỉ cân lúa, ký xác nhận.

Mô hình “Liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản gắn với cung ứng vật tư nông nghiệp” do Sở Công Thương tỉnh Bình Định tổ chức, đầu tư và hỗ trợ xây dựng. Một số Công ty tham gia vào chuỗi liên kết sẽ hỗ trợ giống. Các HTX có nhiệm vụ quy hoạch, tập trung ruộng lúa của người dân thành vùng sản xuất cánh đồng mẫu lớn.

Đầu vụ, Sở Công thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định tổ chức 12 lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, tạo ra sản phẩm đồng đều, đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm…

Thực hiện mô hình thí điểm ở HTX Nông nghiệp Phước Sơn 1 có gần 160 hộ nông dân tham gia trên diện tích gần 30ha. Theo đó, Sở Công Thương Bình Định hỗ trợ nông dân gần 70 triệu đồng để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; doanh nghiệp cho bà con tạm ứng lúa giống trị giá gần 40 triệu đồng… Sau đó, doanh nghiệp và người nông dân ký hợp đồng thu mua sản phẩm tại ruộng theo giá cố định đầu vụ hoặc giá thị trường thời điểm thu mua.

Qua thực hiện thí điểm mô hình này ở HTX Nông nghiệp Phước Sơn 1, ruộng lúa đạt năng suất trung bình hơn 68 tạ/ha, cao hơn so với 65 tạ/ha với lúa ngoài mô hình; tổng thu gần 46 triệu đồng, cao hơn ngoài mô hình hơn 6,3 triệu đồng/ha.

Năng suất lúa sản xuất theo mô hình đạt 68 tạ/ha.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty giống Bình Định doanh nghiệp trực tiếp mua lúa tại chân ruộng cho biết: “Ký từ đầu vụ, bây giờ tới thời điểm thu hoạch chúng tôi thu về chế biến đổ vào kho để tiêu thụ. Chất lượng lúa của năm nay năng suất đạt hơn những năm trước. Đối với người dân, mình cung ứng lúa giống ban đầu. Đến thời điểm thu mua, đảm bảo 100% đầu ra cho người dân. Còn người nông dân có trách nhiệm sản xuất lúa tiêu chuẩn. Cái này mang tính chất đại trà, quy trình bón phân, chăm sóc theo quy trình đưa ra có thể kiểm soát được”.

“Liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản gắn với cung ứng vật tư nông nghiệp” là mô hình mới triển khai trên đồng ruộng tỉnh Bình Định. Sở Công thương tỉnh Bình Định đã xây dựng 2 dự án. Một là, Dự án Doanh nghiệp - HTX- Nông dân tiêu thụ nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp tại vùng sản xuất nông nghiệp tập trung xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Dự án thứ 2, là trồng 1.000 cây dừa, thực hiện tại 3 xã của huyện Hoài Nhơn.

Kết quả, dự án trồng dừa ở huyện Hoài Nhơn thu hoạch gần 70 quả/cây/năm, tăng gấp rưỡi so với ngoài mô hình. Tổng thu 1ha dừa trong mô hình hơn 43 triệu đồng/ha, cao hơn ngoài mô hình gần 18 triệu đồng mỗi ha.

Ông Lê Hồng Tây, Trưởng phòng Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Bình Định, chủ nhiệm 2 dự án này chia sẻ: “Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh về nhân rộng mô hình thì đối với sản xuất lúa không tập trung sẽ nhân rộng tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước và lạc tại Phù Cát. Hy vọng rằng, hàng năm tỉnh sẽ bố trí và sẽ liên kết được cho những sản phẩm khác như ớt, dưa hấu”

Thành Long-Vinh Thông/VOV-Miền Trung

TPHCM: Hình thành trung tâm cung ứng giống các loại

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Bên cạnh việc xác định cây - con phù hợp nông nghiệp đô thị như hoa, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn… nhờ có giá trị kinh tế cao, giống cây - con cũng là một hướng phát triển mà TPHCM đã xác định. Chương trình mục tiêu phát triển giống chất lượng cao được triển khai thời gian qua với mục tiêu, TPHCM là trung tâm sản xuất giống và cung ứng giống cho khu vực.

Cây giống hoa trồng tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Cung ứng hơn 45.000 tấn hạt giống

Theo Sở NN-PTNT TPHCM, việc nghiên cứu, sưu tập, chọn lọc các loại giống là nhiệm vụ được giao cho Trung tâm Công nghệ sinh học TP, Khu Nông nghiệp công nghệ cao và Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi thủy sản. Đối tượng nghiên cứu tập trung là hoa lan, kiểng các loại, rau màu và cây dược liệu, với các hướng nghiên cứu chủ yếu: sưu tập bảo tồn nguồn gen, chọn tạo các giống có năng suất, phẩm chất tốt, ứng dụng nuôi cấy mô tế bào thực vật để nhân giống cây trồng, ứng dụng quy trình công nghệ cao trong canh tác.

Hiện nay đã sưu tập, nhập nội được 375 giống lan, 110 giống hoa nền, 140 giống kiểng lá, 20 giống rau, 143 giống dược liệu. Theo TS Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học, đây được xem là nguồn vật liệu có giá trị trong việc sản xuất và lai tạo giống mới. Trung tâm đã được cấp bằng bảo hộ 6 giống lan Dnedrobium mới (năm 2018), năm nay tiếp tục đăng ký bảo hộ 6 dòng lan lai mới.

Phòng Khoa học công nghệ (Sở NN-PTNT) cho biết, các đơn vị trong ngành nông nghiệp đã nghiên cứu thành công hơn 20 quy trình nhân giống invitro các loại lan, hoa kiểng, cây dược liệu. Cung cấp 40.000 - 50.000 cây giống invitro hoa chuông và thành phẩm mỗi năm. Khảo sát tính thích nghi các giống hoa Lily phù hợp điều kiện thời tiết TPHCM. Phục tráng các giống rau địa phương như bầu sao (An Giang); khổ qua, dưa leo, cà chua (Hóc Môn, TPHCM); cải bẹ xanh mỡ, hoa huệ trắng (Bình Chánh, TPHCM). Ứng dụng kỹ thuật sinh học chọn tạo thuần 10 dòng dưa lưới bố mẹ, hiện đăng ký 5 giống dưa lưới có chất lượng và năng suất tương đương giống nhập khẩu.

Đồng thời, nhập và trồng thử nghiệm bằng phương pháp thủy canh giống cải ngọt ăn bông từ New Zealand, Nhật Bản và bản địa với năng suất 60 - 110 tấn/năm (10 đợt). Thử nghiệm 7 giống xà lách từ Hà Lan, Nhật Bản... trong hệ thống Plant factory, năng suất từ 112 - 544 tấn/năm (15 đợt). Thông qua các mô hình thử nghiệm, trình diễn trong chương trình khuyến nông, nông thôn mới các giống mới này được trồng để bà con nông dân, hợp tác xã tham quan, đánh giá trước khi sản xuất mở rộng.

Năm 2018, TPHCM cung cấp cho khoảng 1,1 triệu ha gieo trồng các tỉnh khu vực (chiếm 96,7%) và vùng sản xuất nông nghiệp ngoại thành. 20 tổ chức nuôi cấy mô thực vật, cung cấp khoảng 16 triệu cây giống cấy mô/năm, chủ yếu là lan nhiệt đới như Mokara, Dendrobium... giúp mở rộng vùng sản xuất hoa kiểng ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Nếu tính từ năm 2016-2018, các đơn vị TP sản xuất và cung ứng ra thị trường cả nước hơn 45.000 tấn hạt giống các loại, tăng bình quân 6%/năm.

Từ năm 2018 đến nay, các doanh nghiệp đã nghiên cứu, chọn lọc, thử nghiệm tính thích nghi 136 giống cây trồng mới và đưa vào sản xuất 55 giống mới; trong đó có 46 giống rau, 1 giống lúa, 8 giống hoa. Nhờ áp dụng nhiều giống mới vào sản xuất cùng với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rau, năng suất tăng bình quân 5%-10%/năm, chất lượng ngày càng ổn định và an toàn.

Doanh nghiệp đặt hàng

Bên cạnh những điều tích cực, mặt hạn chế của 38 doanh nghiệp giống TP là nhập khẩu giống về kinh doanh là chính; việc phối hợp giữa cơ quan nghiên cứu với các doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Trong khi đó, quy trình nhân giống, quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng giống chưa được ban hành cụ thể cho từng đối tượng nên chất lượng giống chưa cao, nhất là giống cấy mô. Ngay cả người sản xuất cũng chưa tập trung đầu tư đồng bộ những yếu tố khác (ngoài giống) như nhà lưới, nhà kính, quy trình canh tác, kỹ thuật chăm sóc... nên chưa phát huy hết tiềm năng giống mới. Hơn nữa vướng mắc về đất đai vùng sản xuất tập trung giống khiến doanh nghiệp, hợp tác xã còn e dè, việc áp dụng công nghệ cao còn hạn chế về nguồn nhân lực, vật lực.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Chi hội Hoa lan TP, với kinh nghiệm trồng lan lâu năm và có phòng nuôi cấy mô, nhận xét phải nắm rõ nhu cầu của thị trường, đề nghị các viện trường nghiên cứu giống lan có thể trồng ngoài nắng, thay vì trong nhà lưới; chú ý sưu tập, chọn lọc và lai tạo giống lan rừng Ngọc Điểm (Nghinh Xuân) có mùi hương đặc trưng, nhằm bảo tồn giống bị cạn kiệt ở thiên nhiên.

Giá lan Ngọc Điểm năm 2016 là 100.000 đồng/kg, có thể mua cả thiên (ngàn ký), cả tạ (trăm ký). Sau đó tăng lên 150.000 đồng rồi 500.000 đồng/kg mà không có hàng, phải nhập khẩu từ Lào, Campuchia. Tương tự, giống lan rừng Giả Hạc (Phi Điệp) đang được nhiều người tìm kiếm nhất. Năm 2013, giá chỉ có 100.000/kg, còn hiện nay lên 15 triệu đồng/kg. TP nên tạo điều kiện để hình thành chuỗi liên kết giữa người lai tạo, người sản xuất và người bán. Hiện nay “một người” ôm đồm hầu hết các khâu nên bị phân tán nguồn vốn và mất nhiều thời gian, công sức.

Trong khi đó, bà Phùng Cẩm Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Rica, đề nghị Trung tâm Công nghệ sinh học TP chú ý hơn đến những dòng cây như hoắc hương, cây sả, tràm trà để chiết xuất lấy tinh dầu phục vụ cho nhu cầu thực phẩm, mỹ phẩm và y tế. “Tôi đã đi đặt hàng viện nghiên cứu để tìm tạo ra những dòng thuần có thể chiết xuất tinh dầu phù hợp với yêu cầu thị trường nhưng bị từ chối, với lý do loại cây này đang nằm “lơ lửng giữa sự quản lý của lâm nghiệp, y tế (dược liệu) và nông nghiệp”, bà Cẩm Thạch cho hay.

CÔNG PHIÊN

Bình Định: Giá heo hơi tăng trở lại

Nguồn tin: Báo Bình Định

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định, từ giữa tháng 8 đến nay, giá heo hơi đã tăng trở lại, khiến người dân tại các địa phương rất phấn khởi.

Lực lượng Thú y huyện Hoài Ân kiểm tra và niêm phong phương tiện vận chuyển heo đưa đi tiêu thụ.

Hiện các thương lái đang mua heo hơi siêu nạc tại các trang trại với giá từ 39.000 - 42.000 đồng/kg; heo nuôi tại các gia trại được mua với giá từ 35.000 - 36.000 đồng/kg, cao hơn 3-5 giá so với trước đó.

Với giá như hiện nay, bình quân mỗi con heo xuất chuồng, người chăn nuôi có lãi từ 400-500.000 đồng. Giá heo tăng, đầu ra sản phẩm cũng thuận lợi hơn trước là điều kiện để người chăn nuôi khắc phục khó khăn, tái đầu tư sản xuất và tích cực thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn gia súc.

T.SỸ

Thoát nghèo nhờ nuôi dê

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Mô hình chăn nuôi dê nhốt chuồng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không hiếm. Tuy nhiên, với những hộ không có đất sản xuất, chỉ đi làm thuê ở ấp Hội Trung, thị trấn Lịch Hội Thượng (Trần Đề) thì đây là mô hình mới, đem hiệu quả kinh tế cao, giúp nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Hơn 3 năm trước, để có tiền trang trải trong sinh hoạt gia đình, chị Lâm Thị Hà, ở ấp Hội Trung phải đi làm thuê vất vả nhưng thu nhập chỉ đủ ăn qua ngày. Đến khi được vay vốn, chị Hà mua 2 con dê về nuôi. Sau thời gian đàn dê phát triển, đến nay chị Hà đã bán được 4 đợt dê đem về 40 triệu đồng, kinh tế gia đình chị cũng được cải thiện hơn. Chị Hà chia sẻ: “Hiện tại, bầy dê của tôi còn 10 con lớn, nhỏ, tùy theo thời điểm mà giá bán khác nhau, nếu như mấy năm trước dê thịt chỉ có 60.000 đồng/kg thì hiện nay đã lên đến 120.000 đồng/kg, còn dê giống thì 140.000 đồng/kg. Nuôi dê giúp cuộc sống gia đình có thêm thu nhập hơn nên tôi đang mong muốn vay thêm vốn để sửa lại chuồng, phát triển thêm nghề nuôi dê”.

Chị Lâm Thị Hà chủ động hơn trong phát triển kinh tế gia đình nhờ nuôi dê. Ảnh: Thiện Hải

Ở ấp Hội Trung, mô hình nuôi dê nhốt chuồng đang đem lại hiệu quả cho cả gia đình chị Hà và nhiều chị em phụ nữ khác. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình này và để tạo thêm điều kiện cho chị em hội viên phụ nữ phát triển chăn nuôi, Hội LHPN thị trấn Lịch Hội Thượng đã xin ý kiến của Đảng ủy, UBND thị trấn thành lập Tổ hợp tác Nuôi dê với 9 thành viên tham gia. Đến nay, mô hình này đã giúp cho mỗi thành viên của tổ hợp tác có lợi nhuận hơn 14 triệu đồng/năm, nhờ được vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật nên nhiều hội viên thuận lợi trong việc chăn nuôi. Từ lúc chỉ có 24 con dê ban đầu, thì nay tổ hợp tác nuôi dê đã có trên 80 con. Theo nhiều chị em nuôi dê chia sẻ, so với các loài vật khác thì nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Thức ăn của dê là cỏ, lá cây các loại và phụ phẩm nông nghiệp nên dễ tìm nguồn thức ăn ngoài tự nhiên. Bà Lý Thu Vân - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Hội Trung cho biết: “So với nuôi bò thì nuôi dê dễ hơn do nguồn thức ăn cho vật nuôi này đa dạng, dễ tìm và dê cũng ít bị bệnh. Ngoài ra, chị em hội viên trong tổ hợp tác chúng tôi cũng được vay vốn để đầu tư ban đầu. Hiện nay, nhiều hội viên đã trả nợ xong”.

Hiện nay, đầu ra mô hình nuôi dê của các thành viên trong tổ hợp tác khá ổn định do nhu cầu của thị trường khá nhiều, nhờ vậy thu nhập gia đình của nhiều hội viên được nâng cao hơn. Để có được những thành công bước đầu này, ngoài sự nỗ lực vươn lên của các thành viên còn có sự hỗ trợ về vốn và khoa học kỹ thuật của các ngành, các cấp, nhất là với sự hỗ trợ của Hội LHPN thị trấn Lịch Hội Thượng, nhiều hội viên đã tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng và quỹ tín dụng. Từ đó, tạo điều kiện cho chị em có công việc ổn định hơn.

Chị Thạch Thị Hồng Nhung - Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Lịch Hội Thượng cho biết: “Mô hình nuôi dê đã giúp đỡ nhiều hội viên phụ nữ của ấp phát triển kinh tế gia đình. Trước đây, tổ hợp tác có 4 hộ nghèo và cận nghèo, đến nay đã có 2 hộ thoát nghèo. Nhiều chị phải đi làm thuê, làm ăn xa thì nay nhờ chăn nuôi dê mà chị em có điều kiện thuận lợi hơn để ở nhà chăm lo cho gia đình và phát triển kinh tế. Để phát triển mô hình này, theo nhu cầu của chị em, hội cũng tranh thủ nguồn vốn của ngân hàng chính sách xã hội để đề nghị hỗ trợ cho chị em hội viên vay vốn phát triển thêm con giống và sửa chữa chuồng trại”.

Với sự hỗ trợ vốn vay kịp thời, các cấp hội phụ nữ ở huyện Trần Đề đã tạo động lực để hội viên phụ nữ khó khăn có điều kiện mở rộng sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống; đồng thời giúp chị em phát huy được tính tự chủ trong phát triển kinh tế, nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Thiện Hải

Hiếu Giang tổng hợp

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop