Tin nông nghiệp ngày 29 tháng 02 năm 2016

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 29 tháng 02 năm 2016

Hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn đồng bằng sông Cửu Long năm 2016

 

Nguồn tin: Khuyến nông VN

Theo sự chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, Cục Trồng trọt phối hợp với Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng “Hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất bị nhiễm mặn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2016”.

 

1. Đối với cây lúa

 

a) Trà Đông Xuân muộn đang ở giai đoạn làm đòng đến trỗ, áp dụng các biện pháp sau:

 

- Vùng bị nhiễm mặn trên 3 phần nghìn: Tranh thủ thời gian có nước ngọt để tích tối đa vào các kênh mương và tưới cho lúa.

 

- Vùng bị nhiễm mặn dưới 3 phần nghìn: Ngoài biện pháp tích nước ngọt rửa mặn còn áp dụng biện pháp như sau:

 

+ Tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới, đặc biệt vào giai đoạn lúa trỗ. Trường hợp không thể có nguồn nước ngọt, có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ (dưới 2 phần nghìn) hoặc dùng nước ngọt tưới phun lá.

 

+ Phun một số loại phân bón lá, chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn như: KNO3 (10g/1 lít nước); Brassinosteroid (Comcat 150WP, Nyro 0,01 N, Super Humic, Dexamone...)

 

b) Vụ Hè Thu:

 

- Vùng bị nhiễm mặn trên 3 phần nghìn tuyệt đối không xuống giống.

 

- Vùng bị nhiễm mặn dưới 3 phần nghìn có thể xuống giống và phải áp dụng một số biện pháp kỹ thuật sau:

 

· Sử dụng các giống ngắn ngày chịu mặn như: OM5451; OM2517; OM6976; OM6162; OM9921; GKG1; OM6677.

 

· Cày phơi đất, khi có nguồn nước ngọt tranh thủ rửa mặn.

 

· Tăng cường bón phân hữu cơ và bón vùi vôi khi làm đất, lượng 500-1.000 kg vôi bột/ha.

 

· Sử dụng các dạng phân ure chậm tan như đạm vàng (Ure 46A+) hoặc đạm xanh (Ure + NEB26) để chống thất thoát đạm. Tăng cường bón bổ sung phân Sulphate Kali (K2SO4) trong giai đoạn đầu.

 

· Tranh thủ nguồn nước ngọt để tưới đủ nước cho 3 lần bón phân và thời kỳ trỗ, khi có nước ngọt tranh thủ rửa mặn liên tục nhiều lần.

 

Trường hợp không thể có nguồn nước ngọt, có thể sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn nhẹ (dưới 2 phần nghìn đối với giai đoạn lúa đẻ nhánh; dưới 1 phần nghìn với các giai đoạn mạ, lúa làm đòng và trỗ).

 

Nếu giai đoạn mạ bị hạn nặng cần tưới phun nước ngọt cho mạ hoặc kết hợp tưới phun nước ngọt khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật với lượng nước phun khoảng 600-800 lít/ ha.

 

2. Đối với cây ăn quả

 

- Khi có nguy cơ bị nhiễm mặn, chủ động sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình…) phủ gốc để giữ ẩm cho cây. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn để hạn chế thoát hơi nước.

 

- Khi đã bị nhiễm mặn: Bón bổ sung phân Sulphate Kali (K2SO4), vôi bột lượng 500-1.000kg/ha. Nếu hạn, mặn kéo dài phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn như: KNO3 (10g/1 lít nước); Brassinosteroid (Comcat 150WP, Nyro 0,01 N, Super Humic, Dexamone ...). Không tưới nước có độ mặn trên 2 phần nghìn. Khi có nguồn nước ngọt, tranh thủ tích nước và tưới để giữ ẩm.

 

BBT

 

Quảng Ninh: Vải thiều Đông Triều và bài toán nâng cao chất lượng

 

Nguồn tin: Báo Quảng Ninh

 

Thời kỳ trước năm 2000, TX Đông Triều (Quảng Ninh) từng là địa phương có diện tích trồng cây vải thiều lớn của toàn tỉnh với trên 40.000ha. Cây vải thiều ở đây hợp thổ nhưỡng và khí hậu nên phát triển nhanh, chất lượng quả ngọt, thơm, hình thức mẫu mã to, sáng. Còn nhớ thập niên 90, thời điểm “thịnh vượng” của cây vải Đông Triều, mỗi năm toàn thị xã đạt sản lượng đến hàng ngàn tấn vải quả và được người tiêu dùng ưa chuộng.

 

Tuy nhiên, khoảng 15 năm gần đây, do giá vải quả trên thị trường xuống thấp, người nông dân thu hoạch không đủ bù chi phí đầu tư, nên đã ồ ạt chặt phá cây vải để trồng các loại cây khác. Theo thống kê của phòng chức năng thị xã, đến thời điểm này toàn thị xã chỉ còn lại khoảng trên 1.200ha vải.

 

 

Đại diện doanh nghiệp Nhật Bản tham quan vùng vải thiều Đông Triều tháng 6-2015. Ảnh: Hữu Việt

 

Xác định cây vải vẫn là loại cây ăn quả ưu thế của Đông Triều, người dân lại sẵn có kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây vải, chi phí đầu tư chăm sóc cây mỗi năm thấp nên TX Đông Triều đã quyết định triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng cây vải và từng bước đưa quả vải thành loại sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị cao cho người dân. Tuy nhiên, cái khó của Đông Triều là hầu hết diện tích cây vải trên địa bàn đều là cây già, có tuổi đời trên dưới 20 năm, điều kiện chăm sóc không tốt, nên dẫn tới cây cằn cỗi, sản lượng và chất lượng quả vải không cao. Để khắc phục điều này, từ tháng 9-2015, TX Đông Triều đã phối hợp với các sở, ngành chuyên môn của tỉnh, Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương, Viện Bảo vệ thực vật Trung ương thí điểm triển khai dự án chăm bón gần 3.600 cây vải với diện tích gần 21ha tại xã Bình Khê theo quy trình Vietgap. Theo đó, cây sẽ được tăng cường dinh dưỡng, phòng chống dịch bệnh, kích thích phát triển… theo quy trình chặt chẽ, trong đó giảm tối đa các loại phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật tác động lên cây.

 

Trong những tháng đầu tiên, toàn bộ diện tích cây vải trong dự án đều đã được cắt bỏ cành già cỗi, làm rụng lá, hãm lộc; khoanh vỏ, tạo điều kiện cây nảy các mầm mới; diệt nấm các loại và bổ sung chất kẽm, kích thích cây ra hoa… Đến thời điểm tháng 2, tất cả các cây vải đều phát triển mầm, cành mới trên thân, ra hoa trên cành, tán với tỷ lệ đạt 80% và phân bố hoa đều. Mặc dù mới ở giai đoạn đầu, song theo các cán bộ kỹ thuật của dự án, với tình hình trên cho thấy cây đang tiến triển tốt, đúng mục tiêu đề ra, trong đó đặc biệt là cây vải sẽ cho quả từ các mầm mới mọc từ thân ra. Tiếp theo bước này, cây vải sẽ được tác động để hoa thụ phấn, đậu quả với tỷ lệ cao nhất; được tăng cường chất dinh dưỡng để phục vụ quá trình cây tạo quả, để quả vải được tăng lượng nước, đường, tạo cùi dầy… và cuối cùng là cho ra sản phẩm quả vải có chất lượng tốt và mẫu mã đẹp. TX Đông Triều cũng triển khai phân tích hàm lượng các chất dinh dưỡng trong quả vải để làm cơ sở phục vụ các khâu đánh giá về tiêu chí chất lượng quả vải sau này. Trong khuôn khổ dự án, song song với việc chăm bón cây vải, TX Đông Triều cũng đồng thời triển khai các bước xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cây vải thiều Đông Triều và tìm hướng tiêu thụ bền vững cho loại sản phẩm này. Trong đó Đông Triều hướng tới các đối tác đầu tư vào nông nghiệp của thị xã, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản đã từng ký tắt với Đông Triều (vào tháng 6-2015) về bao tiêu sản phẩm quả vải thiều trên địa bàn.

 

Có thể thấy, dự án chăm bón cây vải theo quy trình Vietgap nhằm nâng cao chất lượng quả vải thiều của TX Đông Triều hiện đang được thực hiện một cách bài bản và đồng bộ. Đến thời điểm này, dự án đang tiến triển tốt, bước đầu cho kết quả đúng theo mục tiêu, lộ trình đề ra. Điều này sẽ là tín hiệu vui cho không chỉ diện tích cây vải trong dự án, mà còn toàn vùng vải Đông Triều với trên 1.200ha. Bởi theo ông Hà Hải Dương, Chủ tịch UBND TX Đông Triều, ngay khi dự án này thành công, TX Đông Triều sẽ khẩn trương nhân rộng để nhanh chóng nâng cao chất lượng toàn bộ diện tích các vùng trồng vải thiều trên địa bàn, biến quả vải thiều trở thành sản phẩm hàng hoá ưu thế và mang lại nguồn thu cao cho bà con nông dân.

 

Việt Hoa

 

Anh Lôi thuê đất trồng cam

 

Nguồn tin: Báo Lạng Sơn

 

Ông Hoàng Văn Khai, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh: “Chi Lăng là xã điểm của tỉnh hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới từ cuối năm 2014, những năm gần đây, ngoài các loại cây trồng chủ lực như: na dai, vải thiều, hồng, cấy lúa thì nhiều hộ dân trong xã đã mạnh dạn đưa cây bưởi Diễn, cam Canh vào trồng và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao; trong đó phải kể đến mô hình trồng cam Canh của anh Lành Văn Lôi ở thôn Làng Đồn”.

 

 

Mô hình trồng cây cam của gia đình anh Lành Văn Lôi

 

Vào thăm mô hình trồng cây ăn quả của anh Lôi, chúng tôi như bị ngập vào bạt ngàn những gốc cam thẳng đứng, đều đặn được gia đình anh dày công vun xới. Chia sẻ về quá trình làm vườn, anh Lôi cho biết: Năm 2013, do thiếu đất canh tác, gia đình tôi đã thuê hơn 2 mẫu đất trong làng với giá 110 triệu đồng trong 10 năm để trồng cây cam Canh. Sau gần 3 năm đầu tư, ngoài vốn vay mua con giống, gia đình tôi còn được hỗ trợ 10 tấn phân lân từ nguồn vốn sự nghiệp xây dựng nông thôn mới để cải tạo đất. Đến nay, gia đình tôi đã trồng được trên 1.000 cây cam Canh, bước đầu đã cho thu hoạch.

 

Để cây cam Canh cho hiệu quả kinh tế cao, anh Lôi đã tự học hỏi, nghiên cứu tài liệu về kỹ thuật trồng, chăm sóc, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh và cách bón phân đảm bảo chất lượng cho cây sinh trưởng theo từng chu kỳ. Nhờ anh luôn cần cù, chịu khó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên mô hình phát triển tốt. Tâm sự về thu nhập từ vườn cam, anh Lôi cho biết: Năm 2015 - năm đầu vườn cam cho thu hoạch, gia đình đã thu lợi hơn 30 triệu đồng. So với các loại cam khác, cam Canh có mã rất đẹp, ăn lại thơm và ngọt, luôn được thị trường ưa chuộng, do đó cam luôn giữ được giá. Năm 2016 và những năm tiếp theo, nếu được chăm bón tốt thì bình quân mỗi cây cam Canh cho 20 - 25 kg quả, với giá 45 - 50 nghìn đồng/kg như hiện tại thì mỗi năm, gia đình tôi sẽ thu 200 - 300 triệu đồng.

 

Được biết, cây cam Canh là loại cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng ở huyện Chi Lăng, tuy nhiên, số hộ dân có điều kiện về đất đai, lao động tham gia trồng chưa nhiều. Từ mô hình thuê đất trồng cam Canh của anh Lành Văn Lôi ở Làng Đồn, xã Chi Lăng, nếu được nhân rộng, đây sẽ là cách làm ăn hiệu quả và hướng đi đúng trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

 

MAI VĂN HOA

 

Bắc Giang: Táo rụng quả hàng loạt

 

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN

 

Theo phản ánh của bà con nông dân xã Phì Điền (huyện Lục Ngạn) hiện đang là vụ thu hoạch táo, song diện tích rất lớn táo tại xã này bị rụng lá, rụng quả hàng loạt

 

 

Nguyên nhân do năm nay táo ra quá sai quả nên cây không đủ dinh dưỡng nuôi cả cây và quả, nguyên nhân thứ hai là do trước Tết Bính Thân 2016 trên địa bàn xã chịu ảnh hưởng của mưa đá.

 

Ông Bùi Văn Tám ở thôn Chay, xã Phì Điền, một nông dân trồng táo cho biết hiện đang thời điểm thu hoạch thì nhiều cây táo lại bị rụng lá, rụng quả, gia đình ông coi như mất trắng 5 sào táo xuân. Không chỉ riêng gia đình ông Tám mà nhiều hộ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Trong khi những năm trước, bà con thường thu hoạch táo đến cuối tháng hai âm lịch thì năm nay thời gian thu hoạch sẽ phải rút ngắn lại.

 

Trạm Khuyến nông xã khuyến cáo bà con nên cắt cành để cứu cây, trước tiên là phải đảm bảo cho cây có thể sống và nảy mầm ở mùa tiếp theo.

 

BÙI NHƯ

 

Khôi phục vị thế cho cam sành Hà Giang

 

Nguồn tin: Nhân Dân

 

 

Nông dân huyện Bắc Quang (Hà Giang) thu hoạch cam. Ảnh: THÁI HÒA

 

Tỉnh Hà Giang từng là “vựa cam” ở khu vực miền núi phía Bắc. Với vị thơm, ngon đặc trưng, một thời cam sành Hà Giang luôn là lựa chọn số một của người tiêu dùng. Nhưng những năm gần đây, giống cây ăn quả truyền thống này bị thoái hóa, giảm cả về diện tích, chất lượng, chỗ đứng trên thị trường. Thực trạng đó đòi hỏi Hà Giang cần có các giải pháp, nhằm lấy lại vị thế của vùng cam truyền thống.

 

Khi cây cam sành thoái hóa

 

Cam sành là cây ăn quả có thế mạnh trong kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Hà Giang. Một thời gian dài, cây cam sành phát triển mạnh về diện tích, năng suất, chất lượng, đem lại nguồn lợi kinh tế cao cho nông dân. Đỉnh điểm, năm 2005, diện tích cam trên địa bàn tỉnh đạt gần 5.000 ha với 3.200 ha cho thu hoạch, năng suất đạt 7,4 tấn/ha, sản lượng hơn 22.000 tấn, giá trị đạt hàng trăm tỷ đồng, chiếm hơn 50% giá trị sản phẩm cây ăn quả toàn tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2008 trở đi, cây cam sành có dấu hiệu thoái hóa, mất dần vị thế, chỗ đứng trên thị trường. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Hà Giang, đến năm 2012, diện tích cam giảm còn 1.500 ha, trong đó có hơn 1.000 ha cho thu hoạch, năng suất trung bình tụt xuống 6 tấn/ha, sản lượng giảm còn khoảng 10.000 tấn so với năm 2005.

 

Anh Đặng Văn Dũng, thôn Thượng Cầu, xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang cho biết: “Gia đình tôi có gần 3 ha cam, bắt đầu thu hoạch từ năm 2004. Thời kỳ đỉnh cao, mỗi năm cho thu nhập khoảng hai trăm đến ba trăm triệu đồng. Tuy nhiên, từ năm 2009, do giá bán giảm sâu, phong trào trồng cam đi xuống, gia đình chán nản, bỏ mặc việc chăm sóc nên vườn cam không có quả”.

 

Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN và PTNT tỉnh Hà Giang) Giang Đức Hiệp cho biết: Nguyên nhân khiến cây cam sành thoái hóa là già cỗi, nhiều diện tích bị chết do nhiễm bệnh Greening. Năng suất, chất lượng giảm do nguồn gốc giống trôi nổi, vườn cam manh mún, nhỏ lẻ, không theo quy hoạch, khó kiểm soát chất lượng. Cam sành Hà Giang dù có tiếng trên thị trường, nhưng người nông dân chưa áp dụng các quy trình kỹ thuật và đầu tư đúng mức, chưa xây dựng được mô hình khép kín từ sản xuất giống tới thâm canh, sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, vì vậy giá trị sản phẩm trên thị trường không cao. Trước đây, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, chưa đúng kỹ thuật, chưa bảo đảm thời gian cách ly đã tung ra thị trường dẫn tới tâm lý e dè của người tiêu dùng.

 

Khó khăn trong khôi phục vị thế vùng cam

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến cho biết: “Trước nguy cơ mất vùng cam truyền thống, tỉnh Hà Giang tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo khoa học, nhằm xác định nguyên nhân dẫn tới suy giảm diện tích. Từ đó, xây dựng, thực hiện dự án “Phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm cam, quýt tỉnh Hà Giang đến năm 2020”. Đồng thời xác định, cây cam là một trong năm sản phẩm cây con chủ lực, để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

 

Xã Việt Hồng, huyện Bắc Quang, có hơn 200 ha cam, trong đó có 80 ha cho thu hoạch. Việc sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap được triển khai từ năm 2013, với một tổ sản xuất gồm năm hộ dân. Ông Phan Văn Công, Tổ trưởng sản xuất cam VietGap cho biết: “Hiện nay, xã có 14 ha cam được trồng, chăm sóc theo quy trình VietGap, trong đó có 8 ha cho thu hoạch. Sản xuất cam theo quy trình kỹ thuật mới cho năng suất, sản lượng, giá trị hơn hẳn so với vùng cam thâm canh truyền thống, tuy nhiên không phải hộ nào cũng mạnh dạn đăng ký sản xuất cam VietGap, do vốn đầu tư lớn, quy trình chăm sóc khắt khe.

 

Khó khăn về vốn đầu tư trong sản xuất cam VietGap không chỉ là “rào cản” với người dân xã Việt Hồng mà là khó khăn chung ở hầu hết các địa phương của tỉnh Hà Giang. Thực tế trên được tỉnh Hà Giang tính đến, qua đó đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách hỗ trợ người nông dân, như: Hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho nhân dân thâm canh vườn cam theo tiêu chuẩn VietGap, với mức vay tối đa 50 triệu đồng/ha; hỗ trợ 100% giá trị cây giống, ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất trong vòng 12 tháng cho các hộ trồng mới vay vốn thâm canh, mức vay từ 36 đến 40 triệu đồng/ha...

 

Chính sách đã có, nhưng tâm lý chung của nhiều hộ là ngại vay, một số hộ muốn vay vốn lại gặp khó khăn vì tài sản thế chấp không được ngân hàng chấp nhận. Bên cạnh đó, việc sản xuất cam VietGap đòi hỏi quy trình kỹ thuật khắt khe, nhưng giá bán cam VietGap so với cam thường chưa có khác biệt rõ nét khiến người nông dân không hào hứng áp dụng quy trình sản xuất này. Từ thực tế này, trong những năm đầu triển khai chương trình phục hồi cây cam sành, tỉnh Hà Giang tập trung xây dựng một số mô hình điểm để người dân học tập. Đồng thời kéo dài lộ trình phục hồi vườn cam, nhằm giúp người dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất và có thêm thời gian để tiếp cận các nguồn vốn vay được nhà nước hỗ trợ lãi suất từ ngân hàng.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang Nguyễn Hồng Tuyên cho biết: "Khó khăn nhất là thay đổi tư duy, tập quán canh tác truyền thống của bà con sang sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap. Do đó, cùng với việc triển khai các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng các mô hình mẫu sản xuất cam VietGap cho nhân dân học tập. Ba năm trở lại đây, nhằm tăng diện tích, huyện quy hoạch vùng trồng cam tập trung và hỗ trợ giống cho nhân dân trồng mới, đến năm 2015, huyện đã có 3.100 ha. Từ nay đến năm 2020, huyện duy trì diện tích hiện có và tập trung triển khai sản xuất cam VietGap trên 100% diện tích đã có”.

 

Xây dựng và quảng bá thương hiệu

 

Công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm được tỉnh Hà Giang quan tâm, bởi cam sành Hà Giang không còn giữ vị trí “độc tôn” trên thị trường như trước, do có sự cạnh tranh của nhiều vùng cam mới nổi trong khu vực, như: Cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang); cam Cao Phong (Hòa Bình) và các loại cam, chanh, quýt không hạt của Trung Quốc. Tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ các huyện thực hiện hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm cam Hà Giang, như: Tổ chức hội nghị giới thiệu sản phẩm; xây dựng website, poster quảng bá hình ảnh sản phẩm của dự án (được chứng nhận VietGap) tại thị trường trong nước; xây dựng biển chỉ dẫn vào vườn cam VietGap trên các trục đường, ghi rõ thông tin về diện tích, sản lượng, địa chỉ liên hệ. Hoạt động xúc tiến thương mại được triển khai thông qua việc liên kết với các doanh nghiệp phân phối sản phẩm tại các siêu thị, chợ đầu mối.

 

Trưởng phòng NN và PTNT huyện Bắc Quang Phạm Xuân Tình cho biết: Năm nào huyện cũng tổ chức hội thi cam, với sự tham gia của tất cả các xã trồng cam trên địa bàn, nhằm tôn vinh những vườn cam đẹp, đồng thời tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

 

Chương trình phục hồi cây cam sành Hà Giang bước đầu đạt hiệu quả, giá trị sản phẩm nâng lên và dần lấy lại vị thế, lòng tin của người tiêu dùng. Hiện nay, cam sành Hà Giang đã xây dựng được thương hiệu, bày bán tại các siêu thị lớn, như: Co.op Mart; Metro và sàn giao dịch rau hoa Hà Nội. Năm 2014, cam sành Hà Giang được người tiêu dùng bình chọn là một trong 10 sản phẩm dịch vụ người tiêu dùng tin cậy; được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt”.

 

Năm 2015, diện tích cam ở Hà Giang đã nâng lên 5.700 ha, trong đó có 1.730 ha cho thu hoạch, hơn 130 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap. Năng suất, chất lượng sản phẩm được cải thiện rõ rệt, tăng lên gần 10 tấn/ha, giá bán tăng từ năm đến 10 nghìn/kg so với năm 2012.

 

…Mùa xuân này, trên những con đường liên xã, liên huyện ở Bắc Quang, Vị Xuyên, Quang Bình tấp nập ô-tô tải, những chuyến xe chở đầy cam về cung ứng cho các chợ đầu mối ở các tỉnh miền bắc. Sau một thời gian dài, niềm vui đã trở lại với bà con tỉnh vùng cao biên giới, khi những vườn cam cho thu hàng trăm triệu, đến hàng tỷ đồng - báo hiệu vị thế “vựa cam” truyền thống đang hồi phục.

 

TRỊNH KHÁNH TOÀN

 

Một số lưu ý khi lấy nước trồng chanh vào mùa khô

 

Nguồn tin: Long An

 

Hiện nay đã bước vào mùa khô 2016, dự báo nước trên sông Vàm Cỏ Đông (Long An); đoạn từ cầu Bến Lức đến cầu Đức Hòa ở Thạnh Lợi độ mặn dao động từ 8-15 phần ngàn trong tháng 3 đến tháng 4 dương lịch; do đó diện tích trồng chanh ở Bến Lức chắc chắn ít nhiều bị ảnh hưởng. Vì vậy, ngay vào lúc này bà con trồng chanh cần có biện pháp dự trữ nước và điều chỉnh kỹ thuật bón phân, chăm sóc phù hợp.

 

Theo khuyến cáo của Viện cây ăn quả Miền nam thì trong điều kiện thiếu nước tưới, đất bị nhiễm phèn, mặn thì biện pháp tốt nhất là bón vôi nung (CaO). Bón vôi không chỉ cung cấp chất calci cần thiết cho chanh mà còn có tác dụng ngăn sự suy thoái của đất, khử tác hại của mặn, ức chế sự phát triển nấm bệnh trong đất, phát huy hiệu lực phân hữu cơ, vô cơ và thuốc diệt cỏ. Nếu thiếu calci, chanh yếu cây, dễ đổ ngã, trái hay bị nứt, đọt lá non biến dạng, quăn queo rồi chết khô. Calci còn giúp cây trồng giải độc, tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi như nắng nóng, nước nhiễm phèn, mặn. Như vậy, để hạn chế tác hại của nước nhiễm mặn có thể bón 30-50 kg vôi nung cho một công đất bằng cách rải đều trên mặt liếp chanh rồi tưới nước ngọt vào để rửa mặn ra khỏi đất.

 

Sau khi bón vôi cần bón thêm phân hữu cơ vì đối với cây chanh trên đất phèn thì phân hữu cơ giữ vai trò hết sức quan trọng do giúp cải thiện chất lượng đất qua tăng độ phì, tăng hàm lượng chất hữu cơ, tăng khả năng giữ nước, giữ phân, cải thiện cấu trúc, độ ẩm đất và thúc đẩy sự phát triển của hệ vi sinh vật có lợi trong đất. Đặc biệt trong tình trạng mùa khô thiếu nước và nước bị nhiễm mặn thì vai trò giữ nước của phân hữu cơ hết sức quan trọng. Nên bón từ 5-10 kg phân hữu cơ vi sinh hoặc 2-3 bao phân gà hoai mục cho 1 gốc chanh 2-3 năm tuổi.

 

Đối với các loại phân bón sử dụng trong giai đoạn này, nên chọn loại phân đạm gốc amon (NH4+), các loại phân lân dễ tiêu như lân Văn Điển hoặc phân DAP, MAP, MKP. Nên bón thêm các loại phân có chứa silic và canxi. Ngoài ra cần bón thêm xơ dừa và tro trấu theo tỉ lệ 1-1 để tăng khả năng giữ ẩm kết hợp cắt tỉa tạo tán cho vườn chanh, loại bỏ các cành già, cành sâu bệnh để giảm áp lực nhu cầu nước tưới, tủ gốc và che phủ đất bằng rơm rạ, cỏ khô, nạo vét kênh mương xung quanh ruộng chanh, sửa chữa hệ thống cửa cống thoát nước để trữ nước ngọt và tránh làm dậy phèn. Ở các cửa cống lấy nước nên đặt các bao vôi nung và tro trấu cho nước chảy qua để rửa phèn và rửa mặn.

 

Người trồng chanh cần theo dõi thường xuyên thông tin về diễn tiến nguồn nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ lấy nước vào vườn chanh khi được thông báo độ mặn từ 2-3 phần ngàn. Tuyệt đối không lấy nước vào ruộng khi độ mặn nước từ 5 phần ngàn trở lên vì chanh sẽ bị chết và đất sẽ bị nhiễm mặn lâu dài mà không có cách gì rửa mặn hiệu quả được.

 

Nếu buộc phải dùng nước bị nhiễm mặn nhẹ để tưới thì lưu ý không tưới phun trên lá, tốt nhất tưới thấm qua đất, nhất là giai đoạn chanh mới ra hoa và ra đọt non, không được giữ nước trong mương quá lâu vì sẽ làm tăng độ mặn trong đất.

 

Trạm Khuyến nông Bến Lức (Long An)

 

Chuối xuất khẩu tăng giá gấp đôi

 

Nguồn tin: Vnexpress

 

Thị trường chuối xuất khẩu đầu năm tiếp tục nhộn nhịp, giá thu mua tăng gấp đôi so với cuối 2015 và gấp ba lần so cùng kỳ năm ngoái.

 

Ông Hạnh, người trồng gần nửa hecta chuối ở Đồng Nai cho biết, rất phấn khởi vì mới đầu năm tình hình tiêu thụ chuối đã sôi động, giá thu mua cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và cuối 2015.

 

“Nếu thời điểm này năm ngoái một buồng chuối chỉ có giá vài chục nghìn đồng thì nay đã tăng lên 100.000 đồng buồng nặng 15-20kg. Năm nay chuối cho ra trái đều, nhẵn và sáng”, ông Hạnh nói.

 

 

Chuối Việt Nam đang được nhiều thị trường ngoại ưa chuộng. Ảnh: MH.

 

Trao đổi với VnExpress, ông Trần Danh Thế, chủ cơ sở Sinh học Trần Thế (Long Khánh, Đồng Nai) cho biết, chỉ mới 2 tháng đầu năm nhưng các đơn hàng xuất khẩu đã dồn dập.

 

“Thời gian gần đây tôi khá bận rộn với việc nhận đơn đặt hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt đơn hàng đến từ Trung Đông, Nga, Nhật Bản ngày càng nhiều. Chỉ trong 2 tháng đầu năm các doanh nghiệp đã xuất được khoảng 400 tấn”, ông Thế nói và cho biết thêm, hiện giá cả mặt hàng chuối tăng mạnh. Nếu thời điểm này năm ngoái giá chuối chỉ 2.000-3.000 một kg thì năm nay giá tăng hơn 3 lần, lên 10.000 đồng một kg, tăng 30% so với cuối 2015. Năm nay, chất lượng chuối đã có sự cải thiện, các nhà nhập khẩu tỏ ra khá hài lòng với hàng Việt Nam. Tuy nhiên, vì năm ngoái chuối giảm giá nên nhiều nông dân giảm diện tích trồng, do vậy lượng hàng cung ứng không cao. Theo ông Thế khoảng tháng 4 đến tháng 6, mặt hàng chuối sẽ còn tăng giá mạnh vì cầu vượt cung.

 

Cũng có được nhiều đơn hàng xuất khẩu lớn, giám đốc công ty chuối ở Lâm Đồng cho biết, từ đầu năm đến nay công ty ông xuất được cả trăm tấn đi các thị trường khó tính. “Thời tiết năm nay ít thuận lợi hơn mọi năm nên việc chăm sóc khó khăn hơn. Tuy nhiên, hiện có nhiều doanh nghiệp tham gia trồng nên diện tích chuối ở Lâm Đồng được mở rộng và chất lượng đã cải thiện. Giá cả sản phẩm này cũng giúp doanh nghiệp và nông dân có lãi cao”, giám đốc công ty trên chia sẻ.

 

Không chỉ đạt được mức giá bán cao hơn so với doanh nghiệp miền Nam, tại miền Bắc số lượng hàng xuất khẩu cũng tăng mạnh. Ông Trần Văn Căn, chủ cơ sở xuất khẩu chuối tại Hưng Yên cho biết, năm nay lượng chuối xuất khẩu của doanh nghiệp ông có thể tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái lên 3.000-3.500 tấn. Riêng 2 tháng đầu năm, ông đã xuất khẩu được gần 500 tấn, chủ yếu đi các nước Trung Đông.

 

“Nếu năm ngoái tôi chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc thì năm nay các đơn hàng đi Trung Đông chiếm đa số. Đối với chuối tiêu hồng, giá bán 12.000 đồng một kg, tăng gấp đôi so với cuối năm 2015. Còn chuối tây 8.000-9.000 đồng một kg, cao nhất trong 2 năm qua”, ông Căn nói.

 

Chia sẻ thêm về thị trường chuối trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp cho hay, sản phẩm của Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với các công ty của Philippines. Nhiều doanh nghiệp Philippines đang tìm đến Việt Nam để sản xuất chuối với mong muốn có chi phí hấp dẫn hơn nhằm cạnh tranh với hàng Việt. Bởi lẽ, thời gian gần đây các thị trường “béo bở” của họ đang bị hàng Việt ''đánh chiếm''.

 

Hiện, các thị trường Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và nhiều nước Đông u đang tăng nhập khẩu chuối của Việt Nam. Giá chuối luôn ở mức hấp dẫn nhưng vẫn không đủ hàng để xuất khẩu.

 

Hồng Châu

 

Hỗ trợ 6 tỉnh khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn

 

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

 

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định hỗ trợ 85,1 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2015 cho 6 tỉnh khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ Hè Thu năm 2015.

 

6 tỉnh được hỗ trợ gồm: Quảng Trị (15,7 tỷ đồng), Đắk Lắk (22,4 tỷ đồng), Đắk Nông (17,6 tỷ đồng), Long An (9,3 tỷ đồng), An Giang (10,7 tỷ đồng), Đồng Tháp (9,4 tỷ đồng).

 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ thực hiện theo quy định hiện hành. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo.

 

UBND các địa phương chủ động sử dụng nguồn vốn dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác cùng với nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ trên để bảo đảm thực hiện có hiệu quả việc khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn.

 

Trong năm 2015, do tác động của El Nino, Việt Nam đã xảy ra nhiều đợt nắng nóng diện rộng làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương.

 

Phương Nhi

 

Gia Lai: Sản xuất hồ tiêu: Nhiều nỗi lo

 

Nguồn tin: Báo Gia Lai

 

Giá cả và an toàn thực phẩm đang là những vấn đề nóng của ngành sản xuất và kinh doanh hồ tiêu. Điệp khúc "Được mùa mất giá, được giá mất mùa" đối với các loại cây trồng khác trong thời gian qua có thể được lặp lại đối với cây hồ tiêu thời gian đến.

 

 

Thu hoạch hồ tiêu.

 

Đang bước vào thời kỳ cao điểm của vụ thu hoạch nhưng việc hồ tiêu liên tiếp rớt giá khiến người trồng tiêu không khỏi e ngại. Sau một thời gian dài luôn đứng ở mức trên dưới 200.000 đồng/kg, thậm chí có lúc tăng kỷ lục gần 250.000 đồng/kg, giá hạt tiêu ở nước ta đang giảm khá mạnh. Hiện tại, giá tiêu đen chỉ còn khoảng 160.000 đồng/kg.

 

Với giá tiêu hiện tại, người trồng tiêu vẫn có lãi. Nhưng điều quan tâm của người trồng tiêu là giá tiêu quay đầu lao dốc có tiếp tục trong thời gian tới hay không và giá hạ đến đâu thì dừng lại? Ông Đỗ Văn Nam (xã Ia Blang, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) nói: Hồ tiêu là cây làm giàu cho nông dân vùng Chư Sê, Chư Pưh lâu nay nhưng việc giá tiêu bắt đầu lao dốc khiến chúng tôi không khỏi lo âu. Còn anh Đỗ Kim Anh (xã Ia Phang huyện, Chư Pưh) cho biết: Giá tiêu hiện tại là mức giá thấp nhất trong khoảng 3, 4 năm trở lại đây.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành hồ tiêu, nguyên nhân dẫn đến thực trạng giá tiêu xuống thấp một phần là do thị trường thế giới đã bão hòa. Mặt khác, do lợi nhuận từ cây trồng này mang lại khá lớn nên bất chấp khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và các cấp chính quyền, người dân vẫn ồ ạt mở rộng diện tích trồng tiêu. Bài học khi giá cao su tăng cao nông dân bất chấp tất cả để chuyển sang trồng cao su và hiện nay đang “chết đứng” vẫn còn nguyên giá trị. Do vậy nông dân trồng tiêu cần cẩn trọng hơn để tránh lặp lại vết xe đổ của các loại cây trồng công nghiệp dài ngày khác như trong thời gian qua. Theo dự đoán của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, năm 2016, giá tiêu nhiều khả năng còn giảm nữa so với mức giá hiện nay.

 

Một nguyên nhân cũng khá quan trọng dẫn đến tình trạng này là việc người sản xuất hồ tiêu quá lạm dụng thuốc thuốc bảo vệ thực vật hay sử dụng không đúng cách nên tỷ lệ hạt tiêu không đảm bảo an toàn thực phẩm ở nước ta hiện đang khá cao, khiến hồ tiêu khó chiếm lĩnh thị trường ở các nước phát triển như EU, Mỹ, Nhật Bản. Điển hình là hiện nay Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu 8.000 - 9.000 tấn hạt tiêu/năm, nhưng chỉ mua từ Việt Nam chưa tới 1.000 tấn vì nước ta không đủ nguồn hạt tiêu đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà phía Nhật Bản quy định. Một điều đáng lo ngại là việc vận động, thuyết phục nông dân trồng tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm đang rất khó khăn. Ông Hoàng Phước Bính-Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, thẳng thắn nhìn nhận: “Chừng nào nông dân trồng tiêu lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn bán tốt với giá cao thì việc kêu gọi họ sản xuất tiêu an toàn thực phẩm là cực khó”.

 

Bên cạnh cà phê, cao su, hồ tiêu là một trong những cây trồng chủ lực của ngành Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Do đó, thay vì mở rộng diện tích, nông dân cần tập trung canh tác theo quy hoạch của tỉnh và các địa phương để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm hồ tiêu theo hướng bền vững, tránh tình trạng khủng hoảng thừa nguyên liệu.

 

Theo Quyết định số 681/QĐ-UBND của UBND tỉnh Gia Lai, quy hoạch diện tích cây hồ tiêu đến năm 2015 ở tỉnh ta là 6.000 ha và tầm nhìn đến năm 2020 vẫn giữ ổn định diện tích này. Thế nhưng, theo thống kê mới nhất của ngành Nông nghiệp, diện tích hồ tiêu của tỉnh là 13.104 ha, vượt hơn gấp 2 lần so với con số quy hoạch của tỉnh. Trong đó, khoảng 8.000 ha hồ tiêu kinh doanh, còn lại là trong giai đoạn kiến thiết cơ bản.

 

Anh Khoa

 

Sử dụng máy xới đất mini để trồng hoa màu

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

 

Những ngày qua, nhiều người dân tỏ ra hiếu kỳ và thích thú với chiếc máy xới mini của ông Phan Văn Đồng, ở ấp 1A, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, khi đang hoạt động trên mảnh đất rẫy của gia đình mình. Ông Đồng cho biết: Chiếc máy này được mua ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, với giá 4 triệu đồng. Đây là vụ thứ hai ông sử dụng chiếc máy xới này để làm đất trước khi xuống giống hoa màu và hiện đang đem lại rất nhiều hiệu quả.

 

Cụ thể, khi chưa có chiếc máy này thì mỗi lần đến mùa vụ, ông Đồng phải thuê nhân công xới đất với số tiền hơn chục triệu đồng cho 7 công rẫy của mình, nhưng với chiếc máy xới mini này, ông chỉ tốn tiền xăng, nhân công chưa đến 1 triệu đồng) là đã hoàn thành. Bên cạnh đó, do động cơ là máy xăng (loại nhỏ) có gắn thêm dàn xới minni phía dưới nên trọng lượng của chiếc máy chỉ 20kg, điều này giúp bà con nông dân dễ dàng di chuyển từ liếp này sang liếp khác. Mỗi ngày, một người dùng máy mini này có thể xới được 3 công đất.

 

TUẤN PHÁT

 

Đề tài “ứng dụng quy trình thâm canh cây cà phê kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm”

 

Nguồn tin: Đài PT-TH Khánh Hòa

 

Từ điều kiện tương đồng về tự nhiên, địa hình và khí hậu của Khánh Sơn so với Tây Nguyên, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa đã triển khai thực hiện đề tài “Ứng dụng quy trình thâm canh cây cà phê kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm để cho năng suất và hiệu quả cao nhất.

 

 

Quy trình thâm canh cây cà phê kết hợp hệ thống tưới tiết kiệm - Ảnh Hoàng Quý

 

Đề tài đang được triển khai thực hiện thí điểm tại một số hộ trồng cà phê của các xã, thị trấn. Kinh phí đầu tư làm bồn chứa nước và hệ thống tưới nước tiết kiệm cho mỗi hộ hơn 30 triệu đồng. Trong đó, đơn vị chủ quản hỗ trợ 10 triệu đồng/ hộ, còn lại do bà con tự đầu tư. Theo kế hoạch, đề tài được thực hiện trong thời gian 2 năm (2015 - 2017). Trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới, cải tiến phù hợp với quy trình kỹ thuật sẽ giúp bà con tiết kiệm nước tưới, hạn chế sâu bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả canh tác cây cà phê, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

 

Đinh Luận

 

Giá điều cao, nông dân phấn khởi

 

Nguồn tin: Báo Bình Phước

 

Hiện đang vào đầu vụ thu hoạch điều của nông dân tỉnh Bình Phước. Với giá điều ở mức cao như hiện nay, nông dân rất phấn khởi.

 

Bình Phước hiện có trên 134 ngàn ha điều, trồng nhiều nhất ở các huyện Bù Đăng, Phú Riềng, Đồng Phú và Bù Gia Mập. Theo các nông hộ, giá điều đang ở mức khá cao 33 - 34 ngàn đồng/kg, cao vượt so với đầu vụ năm 2015 từ 5.000 - 6.000 đồng. Vụ điều 2016 đến trễ hơn mọi năm. Rất nhiều vườn điều của người dân trổ bông, kết trái không đồng loạt, ảnh hưởng đến việc phun thuốc kích thích ra bông, dưỡng trái hay phòng trừ một số loại sâu bệnh gây hại cho bông, trái điều. Tuy nhiên, theo dự đoán của nhiều người, năng suất, sản lượng điều có thể sẽ đạt hơn năm trước vì nông dân quay lại nỗ lực đầu tư, áp dụng khoa học - kỹ thuật cho loại cây này.

 

Lệ Quyên

 

Phú Yên: Khi cây đậu đỏ “đứng” được trên vùng đất cằn

 

Nguồn tin: Báo Phú Yên

 

 

Nông dân xã An Ninh Đông (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) thu hoạch đậu đỏ - Ảnh: T.TRÂN

 

Những ngày này, nông dân các huyện Tuy An, Sông Hinh, Sơn Hòa và TX Sông Cầu (Phú Yên) đang tập trung thu hoạch đậu đỏ. Năm nay, diện tích đậu đỏ của tỉnh tăng vọt, người dân trồng đậu đỏ xen với keo lai.

 

Đậu đỏ ăn theo keo lai

 

Trưa nắng nhưng bà Trần Thị Liên ở thôn Hảo Danh, xã Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu) vẫn hăm hở đi ra rẫy sau nhà đập đậu đỏ. Bà Liên cho biết: Mới đầu vụ nhưng người mua đã đến nhà trả 29.000 đồng/kg đậu đỏ, trong khi năm ngoái vào đầu vụ chỉ 26.000 đồng/kg, giữa vụ tăng lên 28.000 đồng/kg. Theo đà này, đậu đỏ năm nay còn tăng giá. Sau gần một tuần thu hoạch, nhà tôi đã vào bao 2,5 tạ, còn ngoài rẫy trên dưới 3 tạ đậu đỏ nữa. Năm nay, đậu đỏ được giá, người trồng có thêm thu nhập.

 

Còn ông Nguyễn Văn Bảy cũng ở thôn Hảo Danh, thì cho hay: Vùng này, nhà nào cũng trồng đậu đỏ vì đậu đỏ “ăn theo” cây keo lai. Khi cây keo lai cao ngang đầu người thì nông dân trỉa đậu đỏ xen vào giữa hai hàng keo. Cây keo làm chái cho dây đậu đỏ vươn cao. Loại đậu đỏ thân bò càng bò cao thì trái càng sai. Cả một vùng gò đồi ở Hảo Danh đất xấu vì xói mòn nên người dân không trồng sắn, mía nữa mà chủ yếu trồng keo lai. Cây keo lai trồng đến đâu, đậu đỏ “bò” đến đó; kết hợp trồng hai loại cây này hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.

 

Tại huyện Sơn Hòa, trên đỉnh dốc Vườn Táo, xã Sơn Định, ông Ma Đưng - một người trồng đậu đỏ, cho biết: Tháng Giêng, nhờ có đậu đỏ mà người dân ở đây có tiền trang trải cuộc sống. Nhà tôi thu hoạch keo hồi tháng 2 năm ngoái, đến tháng 8, keo nứt chồi lên cao, tôi trỉa đậu đỏ thêm vào. Với giá cả như năm nay, tôi có khoảng 3 triệu đồng tiền bán đậu đỏ. Còn ông Ma Liền ở xã Sơn Phước thì bảo rằng lá cây keo lai có chất dầu nên khi rụng xuống đất, cỏ không sống nổi, nhưng cây đậu đỏ vẫn phát triển tốt.

 

Ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, cho biết: Năm 2016, toàn huyện trồng 650ha đậu đỏ, năng suất ước 8 tạ/ha, sản lượng đạt 520 tấn. Thường vào tháng 7, 8 (âm lịch), khi trời có mưa, nông dân xuống giống bằng cách trỉa hoặc vãi hạt rồi cày lấp, đậu tự vươn lên mà không tốn công chăm sóc, làm cỏ, khoảng tháng 2 năm sau là thu hoạch. Mấy năm gần đây, tại các xã miền núi của huyện Sơn Hòa, đậu đỏ còn là cây trồng lấp khoảng trống ở những vùng đất trồng sắn, mía bị chết, không thể trồng dặm. Đậu đỏ hiện nay mang lại giá trị kinh tế cao, diện tích tăng cao do nông dân trồng xen vào rẫy keo mới trồng.

 

Phù hợp với đất nghèo kiệt

 

Bà La Lang Hơn ở xã Ea Bia (huyện Sông Hinh), cho biết: Năm nay trồng 1 sào (1.000m2) đậu đỏ đất rẫy có thể thu trên 1 triệu đồng nhưng không tốn phân, thuốc. Trước đây, nhà tôi trồng sắn nhưng đất bị mưa xói lở nên bây giờ tôi “để dành” trỉa đậu đỏ; mấy nhà xung quanh đây đều làm vậy.

 

Theo Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, đậu đỏ là cây trồng truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số các xã Đức Bình Tây, Ea Bia, Ea Trol, Ea Lâm, Ea Ly. Đậu đỏ dễ trồng, không kén đất vì vậy đậu được trồng trên các vùng gò đồi bị xói mòn, khó có thể trồng các loại cây khác. 3 năm qua, nhờ giá đậu đỏ luôn ổn định ở mức cao và được tư thương đến tận nhà thu mua nên bà con tận dụng diện tích gò đồi bỏ hoang, triền dốc đất xấu để trồng. Năm nay, riêng huyện Sông Hinh có gần 700ha đậu đỏ.

 

Theo các chuyên gia nông nghiệp, đậu đỏ không chỉ thích nghi trên vùng núi mà cả các xã ven biển. Vùng đất trên núi Mu Rùa, núi Đất Bằng thuộc xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) là đất đá dăm, sạn cốm chai cứng, nếu trồng đậu xanh thì cây cao không quá gang tay người lớn, còn trồng đậu đỏ thì mang lại giá trị kinh tế cao. Ông Trương Văn Tiến ở xã An Ninh Đông, cho hay: Vùng này vào tháng 11 (âm lịch), tháng Chạp thường có sương muối cũng là thời điểm đậu đỏ ra hoa. Thế nhưng, đậu vẫn ra trái. Đám đậu đỏ nhà tôi ở lưng chừng núi Mu Rùa, khi có mưa, tôi vãi giống rồi cày lấp, sau đó “khoán trắng” cho trời đến khi ra trái không tốn một công chăm sóc, tiền phân, thuốc cũng không. Vụ này, tôi kiếm gần 3 triệu đồng từ bán đậu đỏ.

 

Hiện toàn tỉnh có 2.240ha đậu các loại, trong đó đậu đỏ gần 1.800ha. TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Thời gian qua, nắng hạn làm cho cây trồng thiếu nước tưới, đặc biệt là ở miền núi, Sở NN-PTNT khuyến cáo người dân nên luân canh cây họ đậu cũng như cây trồng khác. Đậu đỏ là cây trồng dễ sống không kén đất, đặc biệt có thể trồng ở những vùng đất cằn, xen cách với cây keo lai non.

 

TRÂM TRÂN

 

Vĩnh Phúc: Dưa chuột An Hòa mất mùa do rét đậm, rét hại

 

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc

 

Vụ đông xuân năm nay, người dân trồng dưa chuột tại xã An Hòa (Vĩnh Phúc) chịu thiệt hại nặng do thời tiết không thuận lợi, dưa kém phát triển, sản lượng giảm trên 70%.

 

 

Anh Nguyễn Văn Chiến thôn Ngọc Thạch II, xã An Hòa (Tam Dương), đứng trước nguy cơ mất trắng vụ dưa chuột do thời tiết không thuận lợi

 

An Hòa (Tam Dương) là một trong những vùng trồng dưa chuột nổi tiếng trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là cây trồng chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân. Vụ Đông Xuân năm nay, nhiều người dân trồng dưa chuột có nguy cơ mất trắng do rét đậm, rét hại kéo dài. Một số hộ được thu hoạch, sản lượng cũng chỉ bằng 10- 15% so với vụ trước. Ông Đào Lưu Hải, Phó Chủ tịch xã An Hòa (Tam Dương) cho biết: Do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại, cây dưa chuột bị chết hoặc kém phát triển. Ước tính, sản lượng dưa chuột vụ xuân năm nay giảm trên 70%.

 

Anh Nguyễn Văn Chiến, người dân thôn Ngọc Thạch II, xã An Hòa cho biết: Gia đình tôi trồng dưa chuột đã hơn 2 tháng, nhưng dưa kém phát triển, không có quả. Một số cây cho quả thì quả chất lượng thấp.

 

Hiện tại, một số người dân tại xã An Hòa đã phá bỏ ruộng dưa cũ để trồng lại hoặc trồng cây hoa màu khác. Nhiều hộ dân vẫn giữ và chăm sóc ruộng dưa cũ với hi vọng thời tiết ổn định hơn để cây có thể phát triển.

 

Thúy Trang

 

Long An: Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất mè ở huyện Vĩnh Hưng

 

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

 

 

Hội thảo mô hình luân canh lúa - mè

 

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong những năm gần đây, diện tích trồng rau, màu và cây công nghiệp ngắn ngày ở huyện Vĩnh Hưng đã gia tăng đáng kể. Trong đó, cây mè được định hướng là đối tượng chuyển đổi theo mô hình luân canh lúa - mè mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Để khuyến khích phát triển trồng mè theo hướng thâm canh và bền vững thì ngoài việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật phù hợp trong quy trình gieo trồng thì yêu cầu cơ giới hóa là biện pháp rất cần thiết, đặc biệt trong tình hình lao động thủ công ở nông thôn ngày càng khan hiếm.

 

Theo định hướng như trên, một số bà con nông dân đã nghiên cứu cải tiến máy cắt xếp dãy lúa trước đây thành máy cắt thu hoạch mè, chế tạo máy gieo hạt từ máy phun phân và tự chế dụng cụ cắt liếp, dụng cụ làm đất,… Tuy nhiên, hiệu quả đạt được chưa như mong muốn do thiếu nghiên cứu cơ bản nên còn một số chi tiết chưa phù hợp với các biện pháp kỹ thuật chăm sóc khác.

 

Vào tháng 10 năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Long An đã tổ chức buổi hội thảo diễn tập máy cắt liếp và gieo hạt mè đã thu hút đông đảo bà con nông dân tham dự. Bà Mai Thị Mộng Cúc, chủ nhiệm đề tài “Mô hình thâm canh mè trên vùng đất xám theo hướng cơ giới hóa” cho biết, đơn vị đã phối hợp với Công ty TNHH Vinamad nghiên cứu, ứng dụng máy cắt liếp và máy gieo hạt mè nhằm giảm lượng giống gieo sạ, giảm công tỉa, đảm bảo mật độ trồng và thuận lợi chăm sóc, tưới tiêu sau này.

 

Qua tham quan trình diễn, hầu hết nông dân đánh giá máy gieo hạt mè theo hàng, đảm bảo mật độ cây trên diện tích đất rất tốt, tuy nhiên với công suất gieo 1,5 ha/ngày chỉ thích hợp với diện tích nhỏ. Đối với máy cắt liếp thì độ cắt chưa sâu nên phải thực hiện thêm công đoạn vét máng thủ công, chưa phù hợp để tưới ngấm.

 

Từ đó, bà con đề nghị nên có kết hợp giữa hai máy cắt liếp và gieo hạt để nâng cao hiệu suất hoạt động của máy và giảm bớt công đoạn vét máng thủ công. Đồng thời, bà con cũng đề nghị nên nghiên cứu, chế tạo máy thu hoạch cây mè.

 

Qua đánh giá hiệu quả máy cắt liếp và gieo hạt mè tại cơ sở thực tế đã thu thập được rất nhiều thông tin bổ ích cho nhà sản xuất tiếp tục nghiên cứu, cải tiến thiết kế vận hành phù hợp với điều kiện, đặc điểm sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả trồng mè theo hướng bền vững./.

 

Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An

 

"Bẻ kèo" khi thực hiện mô hình Cánh đồng lớn

 

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

 

Vụ lúa đông xuân 2015 - 2016 đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, một lần nữa chứng kiến những bất cập trong việc triển khai thực hiện mô hình Cánh đồng lớn (CĐL). Tình trạng nông dân “bẻ kèo” doanh nghiệp, thương lái và “cò lúa” nhảy vào “phá hỏng” mô hình vẫn cứ xảy ra.

 

“Bẻ kèo” vẫn xảy ra

 

Chỉ mới bắt đầu vào thu hoạch vụ lúa đông xuân, đã có một số trường hợp bà con nông dân “bẻ kèo”, không tuân thủ hợp đồng bán lúa cho Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) mà bán lúa ra bên ngoài như trường hợp của Hợp tác xã (HTX) Mỹ Quới, xã Hậu Mỹ Bắc B (huyện Cái Bè).

 

Theo ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Tigifood, hơn 60% diện tích vi phạm hợp đồng, đã nhận tiền cọc của hàng xáo, bán lúa trước ra bên ngoài. Nguyên nhân là do một số bà con yêu cầu Công ty cho thu hoạch sớm, khi lúa còn xanh, không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo hợp đồng về ẩm độ và tỷ lệ xanh non; trong khi đó, hàng xáo tranh thủ đặt cọc với giá cao hơn khoảng 50 đồng/kg, nhưng lại lùi thời điểm thu hoạch trễ hơn 7 - 10 ngày, bà con thấy lợi trước mắt đã vội vã nhận tiền cọc bán ra bên ngoài (nếu tính kỹ, bà con vẫn chịu thiệt vì những tổn thất khi thu hoạch quá trễ).

 

Ngoài ra, một số ít hộ nông dân tại xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè), mặc dù chưa tới thời điểm thu hoạch, nhưng không tuân thủ hợp đồng, vội vã nhận tiền cọc của hàng xáo để bán ra bên ngoài trước khi công ty tổ chức thu mua.

 

 

Ông Lê Thanh Khiêm (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra chất lượng lúa trong vụ đông xuân 2015 - 2016 tại xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè).

 

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, một trong những đơn vị triển khai thực hiện mô hình CĐL nhiều năm qua cho biết thêm: Trong quá trình triển khai, chúng tôi luôn bị thương lái và “cò” lúa nhảy vào “phá đám”.

 

Cụ thể, vụ đông xuân năm nay chúng tôi xây dựng CĐL ở xã Phú Cường (huyện Cai Lậy) với diện tích 180 ha nhưng đến ngày thu hoạch thì bị “cò” lúa và thương lái mua hết 70 ha. Thực trạng này đã tồn tại trong những năm qua nhưng chưa có cách giải quyết cụ thể.

 

Theo các công ty, nguyên nhân dẫn đến các vụ việc “bẻ kèo” là do phương thức sản xuất nhỏ lẻ, tự phát; việc xác định giá lúa thị trường đôi lúc còn bất cập, xảy ra tranh chấp; công tác quản lý địa bàn còn nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng phá vỡ cam kết hợp đồng.

 

Cụ thể, “cò lúa” tại địa phương kết nối với hàng xáo bên ngoài cạnh tranh không lành mạnh như lựa chọn một số diện tích lúa chất lượng thật tốt nâng giá lên để thu mua, tạo mặt bằng giá thị trường “ảo”, sau đó bỏ đi để công ty mua lúa chất lượng thấp với áp lực phải mua giá cao bằng với hàng xáo…

 

Triển khai rầm rộ

 

Vụ đông xuân 2015 - 2016, Tigifood đã triển khai mô hình CĐL với 2.566 ha (tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước), với 3.100 hộ tham gia, thuộc 16 xã, tại 8 huyện, thị trong toàn tỉnh. Nhiều nhất là huyện Cái Bè với 865 ha, huyện Cai Lậy 455 ha, huyện Châu Thành 302 ha…

 

Công ty cũng chuẩn bị 5 kho trực thuộc để thu mua là kho Mỹ Lợi B, Hậu Mỹ Trinh (khu vực Cái Bè), Trung tâm Nông sản Phú Cường, kho Mỹ Phước Tây (huyện Cai Lậy), kho Mỹ Phước (huyện Tân Phước) kết hợp cùng các HTX, tổ sản xuất và các đối tác vận chuyển, thu gom trên địa bàn…

 

Theo ông Lê Thanh Khiêm, tính đến hết ngày 22-2, công ty đã mua được trên 760 tấn lúa tươi, với diện tích 100 ha tại các xã Hậu Mỹ Bắc B, Mỹ Lợi B, Hậu Mỹ Trinh… (huyện Cái Bè).

 

Để tiến hành thu mua đúng kế hoạch, công ty đã chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn, nhân lực… từ trước Tết Nguyên đán.

 

Việc thu mua được thực hiện theo hợp đồng đã ký với HTX, tổ sản xuất. Giá thu mua đưa ra được các HTX, tổ hợp tác và nông dân đều đồng ý. Trong thời gian thu hoạch, giá thị trường có biến động thì công ty sẽ điều chỉnh kịp thời.

 

Năm nay giá lúa Jasmine 85 giảm, một số thời điểm giá thị trường xuống khá thấp, nhưng công ty vẫn giữ cam kết theo hợp đồng, mua theo giá bảo hiểm (vẫn đảm bảo được lợi nhuận tối thiểu và cao hơn giá thị trường 50 - 100 đồng/kg).

 

Ông Lê Thanh Khiêm cho biết, để hỗ trợ, khuyến khích nông dân phơi, sấy lúa, công ty mua lúa khô Jasmine 85 cao hơn 1.450 đồng/kg so với lúa tươi và lúa khô IR 50404 cao hơn 1.200 đồng/kg so với lúa tươi.

 

Ngoài ra, công ty còn liên kết với HTX Mỹ Trinh sấy gia công 1.000 tấn lúa khô để vừa giảm bớt áp lực mua lúa tươi, vừa tăng thêm thu nhập cho xã viên.

 

Đối với Công ty TNHH Việt Hưng, mô hình CĐL đã xây dựng được trên 3 năm. Diện tích thực hiện ngày càng được mở rộng, số lượng người tham gia ngày một đông.

 

Ông Nguyễn Văn Đôn cho biết: “Vụ đông xuân 2015 - 2016, chúng tôi triển khai thực hiện được 650 ha ở xã Mỹ Trung (huyện Cái Bè), xã Phú Cường và xã Phú Nhuận (huyện Cai Lậy). Đến thời điểm này, công ty đã thu mua gần ½ diện tích, với giá cao hơn thị trường từ 50 - 100 đồng/kg”.

 

Để giải quyết bài toán “bẻ kèo”, các doanh nghiệp đề xuất phải thay đổi vấn đề nhận thức của một bộ phận không nhỏ về mô hình CĐL; cần phải chuyển đổi mô hình theo các phương thức sản xuất lớn, tập trung; sớm khắc phục những yếu tố có liên quan trực tiếp như:

 

Củng cố, xây dựng các HTX, tổ hợp tác; chính quyền địa phương cấp xã nên làm đầu mối, gắn kết mô hình với chương trình xây dựng nông thôn mới; Nhà nước có chính sách đầu tư, hỗ trợ nâng cấp toàn diện hệ thống hạ tầng phục vụ thu mua lúa; doanh nghiệp tham gia tiếp tục công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời trong việc xác định giá mua theo thị trường.

 

Ông Lê Thanh Khiêm cho biết, vụ đông xuân năm nay Tigifood đã phối hợp với 3 doanh nghiệp khác là Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Khử trùng Việt Nam VFC và Công ty Hóa Nông Hợp Trí đầu tư ứng trước vật tư đầu vào cho nông dân, với tổng giá trị đầu tư ứng trước 18,81 tỷ đồng, không tính lãi trong 4 tháng kể từ ngày xuống giống.

 

Ngoài ra, nhằm góp phần định hướng sản xuất lúa gạo “sạch” - kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vụ đông xuân năm nay, lần đầu tiên Tigifood đã liên kết cùng các địa phương thí điểm mô hình xây dựng vùng lúa nguyên liệu an toàn - có kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, với quy mô hơn 600 ha.

 

Thực hiện mô hình này, có thể nói Tigifood đã chủ động thích ứng với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là các Hiệp định vừa được ký kết như TPP và các FTA như: Việt Nam - EU, Việt Nam - Nhật Bản, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Úc, NewLeland, Việt Nam - Nga...

 

SĨ NGUYÊN

 

Hành tây, khoai tây giá cao gấp nhiều lần năm 2015

 

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Niên vụ hành tây, khoai tây năm nay có giá bán tại vườn khá cao so với cùng kỳ năm 2015, trung bình mỗi sào nhà vườn thu lãi từ 11 - 15 triệu đồng.

 

 

Nông dân vui mừng vì hành tây được giá

 

Nhiều nhà vườn tại phường 7, 8, TP Đà Lạt cho biết, hiện giá hành tây đang được thương lái thu mua tại vườn với mức 8.000 đồng/kg, giá khoai tây là 11.000 đồng/kg, giá bán này cao gấp 3 - 4 lần thời điểm này năm 2015. Như vậy, mỗi sào hành tây, khoai tây trừ mọi chi phí đầu tư nhà vườn thu về không dưới 11 - 15 triệu đồng tiền lãi sau 3 tháng gieo trồng.

 

Hiện tại, Lâm Đồng đang bước vào chính vụ thu hoạch hành tây, khoai tây với tổng diện tích toàn tỉnh đạt khoảng trên 1.000 ha. Dù đang có giá khá cao nhưng phần lớn nhà vườn tự thuê người thu hoạch rồi cho vào kho cất trữ chờ giá tăng cao hơn mới bán.

 

Theo giải thích của nông dân Đà Lạt, giá nông sản này tăng do năm nay thời tiết phía Bắc không thuận lợi, có rét đậm, rét hại, nhiều nơi có xuất hiện băng tuyết gây hư hại cây trồng trong đó có khoai tây, hành tây. Các loại nông sản cùng loại này của Trung Quốc sẽ khó có cơ hội tuồn vào Việt Nam phá giá trên thị trường như những năm trước.

 

Văn Báu

 

Diễn Châu (Nghệ An): Nông dân ra đồng gieo lại 2.000 ha lạc

 

Nguồn tin: Báo Nghệ An

 

Trên 2.000 ha lạc trong tổng số 2.500 ha lạc gieo trỉa trước Tết của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An bị chết do rét đậm, rét hại và các đợt mưa giông, trong đó có 971 ha thiệt hại từ 70% trở lên.

 

 

Cán bộ các cấp ở Diễn Châu xuống đồng kiểm tra diện tích lạc xuân để bổ cứu phương án gieo trỉa lại và chăm sóc đúng kỹ thuật.

 

Hiện tại, thời vụ trồng lạc đã gần hết, trong khi thời tiết tiêp tục mưa rét. Huyện Diễn Châu đang chỉ đạo các xã hướng dẫn bà con nếu qua tháng 2 dương lịch, những diện tích vẫn chưa trồng lại được lạc sẽ chuyển sang trồng ngô, không để đất hoang. Những diện tích lạc mới được gieo trỉa lại tổ chức che phủ nilon để giữ ấm cho cây lạc.

 

 

Nông dân huyện Diễn Chây tiến hành trỉa dắm lạc.

 

 

Tổ chức bơm thuốc trừ cỏ cho lạc mới gieo trỉa trước khi phủ ni-lông

 

Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết: Không chỉ do rét đậm rét hại, cây lạc Diễn Châu còn chịu ảnh hưởng của mấy đợt mưa giông bất thường trong tháng 12 âm lịch làm tăng diện tích bị thiệt hai. Cùng với chỉ đạo nông dân gieo trồng, dắm trỉa lại nhằm khép kín diện tích lạc xuân theo kế hoạch, huyện và xã tăng cường cán bộ kiểm tra, thăm đồng để hướng dẫn, chỉ đạo bổ cứu sản xuất kịp thời.

 

Phú Hương

 

Để cây tiêu phát triển bền vững ở vương quốc hồ tiêu Bình Phước

 

Nguồn tin: Báo Bình Phước

 

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Bình Phước, Phan Văn Đon khẳng định: Nếu so sánh với những tỉnh trồng tiêu trọng điểm của cả nước là các tỉnh Tây Nguyên, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu thì người trồng tiêu ở Bình Phước có nhiều kinh nghiệm trong thâm canh chăm sóc loại cây công nghiệp khó tính và giá trị kinh tế cao nhất hiện nay là hồ tiêu. Phát triển hồ tiêu bền vững là trọng tâm định hướng của ngành nông nghiệp Bình Phước trong tái cơ cấu nông nghiệp theo chủ trương của Chính phủ.

 

Trồng tiêu bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm

 

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, các giống tiêu được trồng trên địa bàn tỉnh rất đa dạng và phong phú, nhiều giống phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Tiêu Vĩnh Linh có diện tích nhiều nhất với 5.868,3 ha, chiếm 47,5% tổng diện tích, năng suất 30,4 tạ/ha, sản lượng năm 2015 là 17,58 tấn. Tiêu Vĩnh Linh năng suất cao nhưng không ổn định, năm được năm mất. Tiêu Trung (tiêu Lộc Ninh) là 2.458,6 ha (19,9%), năng suất 2,53 tấn/ha. Hiện giống tiêu Lộc Ninh chủ yếu là tiêu già, tập trung nhiều nhất ở các xã Lộc Hòa, Lộc An. Người trồng tiêu ở Bình Phước chuộng giống tiêu Lộc Ninh nhờ năng suất ổn định. Tiêu Ấn Độ diện tích khoảng 1.397,2 ha (11,3%), năng suất 2,53 tấn/ha. Tiêu sẻ 1.087,4 ha (8,9%), năng suất hơn 3 tấn/ha. Giống tiêu khác khoảng 1.543 ha, năng suất 2,2 tấn/ha.

 

 

Nông dân Bình Phước chú trọng khâu kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch để phát triển hồ tiêu bền vững

 

Thạc sĩ Lê Thúc Long, Phó phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân sử dụng nọc sống để trồng là chủ yếu như: Gòn, trôm, cóc rừng, lồng mức, tam thất, keo... Do các loại cây này dễ nhân giống, dễ trồng, ít cạnh tranh dinh dưỡng với tiêu, đồng thời che bóng một phần cho cây tiêu và làm thức ăn chăn nuôi gia súc.

 

Hiện nay, ở Lộc Ninh đã xây dựng thương hiệu tập thể hồ tiêu. Bên cạnh đó, Dự án Liên kết sản xuất chuỗi giá trị tiêu bền vững giữa Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam và người trồng tiêu ở 3 huyện trọng điểm Lộc Ninh, Bù Đốp và Hớn Quản nâng cao nhận thức người trồng sản xuất tiêu sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm và kéo dài tuổi thọ vườn tiêu nhờ hữu cơ hóa chăm sóc. Nhờ đó, bệnh chết nhanh, chết chậm giảm. Cụ thể, trong năm 2015, diện tích bệnh chết chậm còn 515 ha, giảm 31%, bệnh chết nhanh còn 127 ha, giảm 62% so với năm 2014.

 

Ổn định 14.500 ha hồ tiêu

 

Những năm gần đây, giá hạt tiêu tăng cao và tương đối ổn định đã kích thích người trồng nên diện tích tiêu tăng lên nhanh chóng. Theo số liệu của Sở NN&PTNT năm 2013, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh là 10.753 ha, trong đó, diện tích kiến thiết cơ bản 1.901 ha, diện tích cho sản phẩm 8.852 ha; năng suất đạt 27,73 tạ/ha, sản lượng 24.554 tấn, chiếm 2,69% tổng diện tích cây lâu năm. Tính đến tháng 10-2015, diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh là 12.353 ha, tăng 1.600 ha (1,49%) so với năm 2013. Trong đó, diện tích cho sản phẩm trên 9.000 ha, năng suất 28 tạ/ha, sản lượng 24.822 tấn. Diện tích tiêu tập trung chủ yếu ở các huyện, thị như: Lộc Ninh 4.501 ha, chiếm 37%; Bù Đốp 3.353 ha, chiếm 27%; Hớn Quản 1.761,7 ha, chiếm 14%; Bình Long 1.359,8 ha, chiếm 11% diện tích cả tỉnh. Hồ tiêu của Bình Phước phần lớn được trồng thuần, ngoài ra có một số diện tích nông dân trồng xen nhằm tăng thu nhập. Một số cây trồng hiệu quả kinh tế không cao nên người dân chặt bỏ để thay thế cây tiêu khoảng 1.278 ha, chiếm 10,9% tổng diện tích.

 

Ông Đon cho biết: Ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh xây dựng vùng chuyên canh tập trung với quy mô phù hợp; tập trung cải tạo và nâng cao chất lượng giống, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng trọt tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; tăng cường phòng chống dịch bệnh; phát triển hồ tiêu gắn với công nghiệp chế biến. Xây dựng hồ tiêu thành ngành sản xuất lớn trên địa bàn và phát triển bền vững. Hoàn thiện cơ chế tổ chức, quản lý việc phát triển hồ tiêu, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ giữa các khâu trong phát triển chuỗi giá trị sản phẩm tiêu an toàn.

 

Theo đó, ngành nông nghiệp đã tăng cường việc tổ chức thực hiện sản xuất theo quy trình kỹ thuật cho từng vùng sản xuất. Hướng dẫn thực hiện quy trình kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh hồ tiêu với tiêu chí ngắn gọn, dễ hiểu và dễ thực hiện, thực hành trên các mô hình trình diễn kỹ thuật đối với hồ tiêu ở ngay vùng trồng tiêu tập trung. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư sẽ chọn một phần diện tích của hộ đang trồng tiêu để trình diễn, nhân rộng mô hình, so sánh vườn tiêu được áp dụng khoa học - kỹ thuật với vườn không áp dụng, từ đó tăng khả năng thuyết phục đối với người trồng tiêu.

 

Phát triển giống hồ tiêu có năng suất và phù hợp địa phương cần phải xây dựng tiêu chuẩn và quản lý giống hồ tiêu. Phối hợp với các viện nghiên cứu, hiệp hội hồ tiêu và hộ sản xuất giỏi để nghiên cứu tiêu chuẩn giống trên cơ sở giống tiêu đã được cải thiện và phát triển mới. Cải thiện chất lượng giống thông qua việc tuyển chọn các giống hồ tiêu hiện có trong nước là một giải pháp thực hiện ít tốn kém nhất nhưng lại khắc phục được ngay thực trạng chất lượng chọn giống kém.

 

Mục tiêu phát triển hồ tiêu đến năm 2020 là ổn định diện tích 14.500 ha, năng suất 3,2 tấn/ha, bố trí hợp lý ở những vùng có điều kiện thuận lợi, áp dụng biện pháp canh tác theo hướng GAP (Thực hành tốt nông nghiệp), tập trung phòng trừ sâu bệnh hại. Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt duy trì phát triển thương hiệu hồ tiêu. Bảo đảm thông tin thị trường cho người sản xuất và doanh nghiệp. Tạo môi trường đầu tư thu hút doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững từ liên kết doanh nghiệp và nông dân. (Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Phước - Phan Văn Đon)

 

Phương Hà

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop