Truy xuất nguồn gốc trái cây việc cần làm ngay
Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Vừa qua, hàng trăm xe thanh long ùn ứ tại cửa khẩu Lào Cai do phía Trung Quốc siết chặt truy xuất nguồn gốc thanh long. Dù sau đó, thủ tục thông quan cho số thanh long này đã được giải quyết nhưng sự việc cũng cho thấy rõ, thị trường Trung Quốc không còn “dễ tính”, đòi hỏi DN, nông dân cần chú trọng đến việc gắn nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Thu hoạch thanh long tại ấp Trang Hạ, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc.
Thông tin hàng trăm container thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc “mắc kẹt” tại cửa khẩu Lào Cai khiến nhiều người trồng thanh long lo lắng. Ông Huỳnh Đơn (ấp 1, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) cho biết: “Thanh long của chúng tôi chủ yếu được thương lái thu mua để xuất sang thị trường Trung Quốc. Việc Trung Quốc siết chặt truy xuất nguồn gốc khiến chúng tôi rất lo lắng”.
Qua khảo sát, đa số nhà vườn trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá mập mờ về những yêu cầu mới khi xuất khẩu trái cây nói chung và thanh long nói riêng sang Trung Quốc. Ông Trần Đình Minh (ấp Trang Định, xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc), người đang trồng 1ha thanh long cho biết: “Dù đã biết thông tin về việc Trung Quốc yêu cầu truy xuất nguồn gốc thanh long, tuy nhiên đa số bà con ở đây vẫn chưa thực hiện đăng ký truy xuất nguồn gốc sản phẩm”.
Theo bà Nguyễn Mỹ Lan, một thương lái chuyên thu mua thanh long thì thanh long trồng tại BR-VT sau khi được thu mua sẽ trung chuyển đến các tỉnh Long An, Bình Thuận, từ đó mới xuất khẩu. Điều này, khiến việc truy xuất nguồn gốc khó khăn.
Thương lái đóng gói xoài xuất khẩu tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.
Ông Trịnh Đức Toàn, Phó chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, trước đây, Trung Quốc được xem là một thị trường “dễ tính” với các loại nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay nước này đang siết chặt quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Đây là thách thức cho người trồng thanh long, một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Theo Bộ NN-PTNT, từ tháng 10/2019, Trung Quốc sẽ tăng cường áp dụng mẫu chứng thư truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Trên thực tế nhiều nông dân hiện vẫn chưa hiểu rõ về những quy định này, nên Chi cục đang phối hợp với các địa phương hỗ trợ các vùng trồng, HTX, tổ hợp tác và nhà vườn quy trình sản xuất, giải pháp về phòng chống dịch hại, sinh vật gây hại, ghi chép sổ nhật ký; đồng thời tiếp tục hướng dẫn họ làm hồ sơ để được cấp mã số xuất khẩu vào Trung Quốc.
Để phát triển có chọn lọc, tỉnh đã xây dựng quy hoạch phát triển 4 loại đặc sản của tỉnh gồm: nhãn 1.200ha, mãng cầu ta 1.000ha, bưởi da xanh 500ha; thanh long 300ha. Các loại trái cây này sẽ được hỗ trợ để xây dựng thương hiệu và thực hiện đầy đủ các quy trình truy xuất nguồn gốc, từ đó nâng cao giá trị không chỉ hướng tới Trung Quốc mà còn các thị trường lớn, tiềm năng khác.
Trên địa bàn tỉnh, hiện đã có nhiều loại trái cây như chuối, thanh long, nhãn… được các DN, HTX và nông dân xây dựng quy trình canh tác sạch đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và có truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm thực hiện truy xuất nguồn gốc chưa nhiều. Theo ông Trịnh Đức Toàn, điều này chưa phù hợp với xu thế phát triển chung bởi chưa nói đến thị trường xuất khẩu, người tiêu dùng trong nước cũng đã dần quan tâm đến xuất xứ để an tâm về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, hiện nay, công nghệ cũng đã tiến bộ hơn nhiều nên việc xây dựng hệ thống truy xuất không phức tạp và tốn kém như trước. “Vì vậy, DN và nông dân tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện truy xuất nguồn gốc cho nông sản. Chi cục cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền về lợi ích của việc truy xuất nguồn gốc đến nhà sản xuất, thương lái và người tiêu dùng; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình thực hiện việc này”, ông Toàn thông tin thêm.
Bài, ảnh: PHÚ XUÂN
8 tháng xuất siêu nông lâm thủy sản 6,04 tỷ USD
Nguồn tin: Cổng TTĐT Bộ NN-PTN
Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2019 ước tính đạt 47,11 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt gần 26,6 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng của nhóm lâm sản chính tiếp tục tăng đến 18,6%.
Cụ thể, về xuất khẩu (XK): Kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 ước đạt 3,64 tỷ USD, tăng 5,1% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, kim ngạch XK ước đạt 26,58 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó có 8 nhóm/sản phẩm có giá trị XK trên 1 tỷ USD . Nhóm nông sản chính ước đạt 12,4 tỷ USD, bằng 91,7%, chiếm 46,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 51,7%); lâm sản chính đạt 7,08 tỷ USD, tăng 18,6% và chiếm 26,6% tỉ trọng XK (tăng 3,8 điểm phần trăm so với 8 tháng năm 2018); thủy sản ước đạt 5,52 tỷ USD, giảm 1,2%, chiếm 20,8% (tỷ trọng giảm 0,5 điểm phần trăm).
Giá trị xuất khẩu một số mặt hàng chính 8 tháng năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước: cao su đạt 1,32 tỷ USD, tăng 7,8%; chè đạt 150 triệu USD, tăng 22,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,66 tỷ USD, tăng 17,5%; quế đạt 107 triệu USD, tăng 19,3%; mây tre, cói đạt 311 triệu USD, tăng 48,1%.
Về thị trường, Bộ NN&PTNT cho biết, XK sang Trung Quốc 7 tháng đạt 4,74 tỷ USD, giảm 8,9% so với 7 tháng năm 2018, nhưng XK sang Hoa Kỳ tăng mạnh và đạt 4,78 tỷ USD, tăng 12,6%. Do vậy, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm tỉ trọng 20,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (cao hơn Trung Quốc 0,1 điểm phần trăm); tiếp đến là EU chiếm 12,0%; ASEAN chiếm 9,5%; Nhật Bản chiếm 8,4%.
Về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp trong tháng ước đạt 2,4 tỷ USD, giảm 9,1% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, ước đạt 20,54 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, nhập khẩu các mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu và các nông sản chính khoảng 17,2 tỷ USD, giảm 2,0% so với cùng kỳ.
Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện 7 tháng xuất siêu 4,8 tỷ USD; tháng 8 ước tính xuất siêu 1,2 triệu USD. Tính chung 8 tháng ước tính xuất siêu 6,04 tỷ USD (cao hơn 661,6 triệu USD so với cùng kỳ năm trước).
Năm nay, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu đạt 43 tỷ USD. Trong bối cảnh hiện tại, đây là mục tiêu được giới chuyên gia nhận định sẽ đối mặt nhiều thách thức.
Trong thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một thị trường nhất định; đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu về truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản xuất khẩu; đẩy mạnh công tác giới thiệu sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông sản, nhất là đối với các nông sản chủ lực vào thị trường Trung Quốc.
BBT
Thúc đẩy XK hoa quả chính ngạch từ doanh nghiệp
Nguồn tin: Báo Chính Phủ
Dù là nước nhiệt đới phong phú bậc nhất về các loại hoa quả nhưng các mặt hàng rau quả Việt Nam chưa thể vươn xa. Lý do cơ bản vì đây là những sản phẩm tươi sống khó bảo quản; cùng với đó yêu cầu của các thị trường nhập khẩu (NK) cho giá trị cao thường rất khắt khe.
Vải thiều sấy khô - một cách chế biến tăng giá trị cho quả vải - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Để có bước đi xa hơn cho ngành hàng này cần có sự vào cuộc nhiệt tình của doanh nghiệp (DN), hơn hết là sự sẵn sàng vào cuộc của DN để có những vùng nguyên liệu lớn, các nhà máy chế biến sau thu hoạch có giá trị cao hơn cho trái cây.
Từ câu chuyện vải thiều
Chỉ riêng tỉnh Bắc Giang vụ vải thiều năm 2018 đã đạt sản lượng trên 200 nghìn tấn, doanh thu của vụ vải này cũng lên đến trên 5000 tỷ đồng. Không hẳn là vụ mùa cho sản lượng cao nhưng người dân vẫn được “bội thu” đích thực bởi giá trị của vải thiều đã tăng cao hơn trước khi quả vải được cấp phép xuất khẩu (XK) chính ngạch rất nhiều.
Thắng lớn từ vụ vải thiều 2018, theo nhận định của nhiều thương lái có nghề, có hai lý do lớn là quả vải được nhập chính ngạch, thủ phủ vải thiều lại sát biên giới với Trung Quốc nên thương lái nước bạn dễ thu mua.
Thứ hai, do nhiều loại trái cây cùng mùa khác chưa được nhập chính ngạch nên người mua đổ dồn mua vải, vừa đúng vụ cho trái ngon lại thuận tiện thông thương về thủ tục. Trong thắng lợi này, người ta vẫn nhìn ra nhiều bất cập của việc thông thương với trái vải.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch công ty Cổ phần Bagico, một thương lái lâu năm có kinh nghiệm giao thương tại thị trường Trung Quốc nhìn nhận: “Muốn chủ động thị trường thì nông sản chỉ nên bán tươi 40% sản lượng vụ trung bình, là loại đẹp nhất ngon nhất. Còn lại phải phát triển bảo quản chế biến sau thu hoạch”.
Ngay tại Bắc Giang, phát triển giá trị cho trái vải còn có thể gia tăng nhiều hơn nữa nếu có thêm các nhà máy chế biến các sản phẩm như vải sấy, nước ép vải… chứ không phải một năm chỉ một, hai tháng nhộn nhịp rồi thôi.
Cũng chính vì chỉ dồn lại trong thời gian chính vụ ngắn ngủi của vải tươi nên nhiều bất cập trong thu mua cũng diễn ra “thành lệ”, dù biết thiệt nhưng dân cũng chẳng kịp kêu vì sợ nhanh qua mùa. Đó là lệ “trừ lùi” khi cân vải. Có khi trừ lùi cả chục kg/sọt vải.
Trong khi chủ hàng Trung Quốc chốt giá theo kg đóng thành thùng lên xe sau khi đã tính toán toàn bộ chi phí trung gian (công mua hàng, đóng hàng, lên xe, chi xe , bến bãi, thùng xốp, đá, băng dính..).
Việc trừ lùi xuất hiện do trước đây có những trái vải xấu hoặc nhiều chùm có cuống, có lá nhiều nhưng hiện nay chất lượng vải khá đồng đều và đẹp mã nhưng người dân vẫn bị trung gian của thương lái trừ lùi. Để giảm được điều này không có con đường nào khác là phải áp dụng 4.0 để kết nối trực tiếp cung – cầu, minh bạch lý lịch sản phẩm và hỗ trợ tối đa cho công ty đủ mạnh làm khâu trung gian, quản lý thị trường đúng pháp luật, thì mới có thể thay đổi được chuỗi giá trị nông sản.
Dẫu còn bất cập nhưng việc khơi thông con đường chính ngạch đã giúp vải thiều có được giá trị cao hơn và tương lai thị trường bền vững hơn. Còn nhiều loại hoa quả khác số phận vẫn còn khá bấp bênh khi lượng vẫn tăng nhưng thị trường thì còn khá mờ mịt.
Mới đây, số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 7 XK hàng rau quả đạt 247,3 triệu USD, giảm 27,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, XK sang Trung Quốc - thị trường hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam, trong tháng 7 giảm 44,2% khi đạt 144,2 triệu USD. Tính lũy kế 7 tháng, XK sang Trung Quốc đạt 1,6 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là thị trường có mức giảm mạnh nhất trong top 10. Đây là dấu hiệu cho thấy chính sách đưa NK rau quả vào chính ngạch được thực hiện triệt để hơn.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng đưa ra dự báo, XK hàng rau quả những tháng cuối năm 2019 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang gây tâm lý lo ngại cho hoạt động thương mại và đầu tư. Ngoài ra, Trung Quốc ngày càng đưa ra các tiêu chí khắt khe trong xuất nhập khẩu nên nếu không thay đổi cách làm thì xuất khẩu sang thị trường này vẫn khó cải thiện.
Hoa quả Việt đa dạng theo mùa còn dư địa rất lớn để xuất khẩu - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Cần sự sẵn sàng từ DN
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT): Trong tương lai, những quy định mà phía Trung Quốc đặt ra chắc chắn còn khó khăn hơn. Vì vậy, điều mấu chốt là DN Việt Nam cần nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch của thị trường Trung Quốc; thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm từ việc kiểm tra an toàn thực phẩm cuối cùng sang giám sát toàn bộ các công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất; thiết lập cơ chế hợp tác giữa nhà quản lý - DN - người sản xuất nhằm đảm bảo an toàn trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Hiện nay, hoa quả XK sang thị trường Trung Quốc phải đáp ứng hàng loạt các quy định như: Phải đáp ứng các yêu kỹ thuật và quy định về an toàn nguyên liệu thực phẩm (Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm); đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật của Trung Quốc; phải đăng ký mã số vùng trồng, địa danh với Hải quan Trung Quốc; các đơn vị NK phải khai báo rõ ràng xuất xứ nguồn gốc vùng trồng, có nhãn mác; sản phẩm đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật bao gói, đảm bảo điều kiện vệ sinh, không nhiễm côn trùng có hại. Đặc biệt, từ ngày 1/10/2019, sản phẩm thực phẩm NK vào Trung Quốc phải có Chứng nhận an toàn thực phẩm do cơ quan có thẩm quyền nước XK cấp cho các lô hàng.
Từ phía DN cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần có những chuyển biến về cách thức quản lý thị trường để tạo một thị trường minh bạch hơn, thuận lợi cho các DN hoạt động bền vững không chụp giật. Cụ thể cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn đối với các sản phẩm làm trái quy hoạch, không thể vì tính thời vụ mà ưu ái việc thu mua kinh doanh tự do không đúng qui định của luật pháp .
“Không có đăng ký kinh doanh thì nhất định không được phép thu mua, bán hàng. Không đủ tiêu chuẩn mã vùng, mã xưởng nhất định không được phép lưu thông hàng hoá, có như thế mới công bằng với các ngành nghề khác, mới thu hút được các doanh nghiệp phân phối lớn tham gia thị trường", bà Nguyễn Thị Thành Thực nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay, có 9 loại quả của Việt Nam đã được XK chính ngạch sang Trung Quốc. Toàn quốc có 1.300 mã số vùng trồng và trên 1.435 mã số cơ sở đóng gói được cấp.
Hiện nay, với trái cây XK chính ngạch sang Trung Quốc, các yêu cầu về cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, phía Trung Quốc cho phép Việt Nam tự làm, tự đánh giá, tự cấp mã số. Trung Quốc chỉ thông qua mã số chứ chưa tiến hành kiểm tra hay làm bất cứ động thái gì khác. “Tuy nhiên, khả năng cao phía Trung Quốc sẽ dần nâng yêu cầu lên kèm theo các tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể, thậm chí sang kiểm tra thực tế. Nếu làm không đúng như yêu cầu, tiêu chuẩn thì phía Trung Quốc sẽ cho dừng lại các mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói không đạt. Điều này, phía Cục Bảo vệ thực vật đã cảnh báo tất cả các tỉnh, đừng nghĩ cấp xong là xong”, ông Dương nêu ý kiến.
Theo quan điểm của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, hiện nay dù XK rau quả vào thị trường Trung Quốc có giảm tốc nhưng đây chỉ là bước giảm tạm thời. Trung Quốc vẫn là thị trường hấp dẫn. Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đang tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy XNK giữa 2 nước tiếp tục tăng trưởng bền vững. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp mong muốn các DN phải chuyển đổi dần tư duy, nên hướng đến việc XK hoàn toàn theo đường chính ngạch, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc và bao bì nhãn mác.
Đỗ Hương
Tiền Giang: Cây si rô ‘bén rễ’ trên đất Tăng Hòa
Nguồn tin: Báo Ấp Bắc
Trái ngọt là nguồn lợi kinh tế mà cây si rô mang lại cho người trồng. Từ việc trồng cây si rô để tạo cảnh quan như hoa kiểng trong gia đình, đến nay nhiều người dân ở xã Tăng Hòa (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đã phát triển diện tích trồng cây si rô, hình thành nên mô hình cây trồng mới, góp phần phát triển kinh tế nông hộ.
Ông Vũ chăm sóc cây si rô giống.
Nhiều nông dân xã Tăng Hòa đã nắm bắt những đặc điểm của cây si rô để đầu tư phát triển cây trồng mới này, chỉ từ 3 - 5 năm là cho hiệu quả. Hiện nay, cây si rô đã “bén rễ” trên đất Tăng Hòa và đang cho trái ngọt. Trong đó, cựu chiến binh Nguyễn Văn Vũ (ấp Giồng Lãnh 1, xã Tăng Hòa) là người tiên phong của xã trong việc trồng cây si rô. Ông Vũ cho biết, cây si rô thì không lạ gì với giới thích chơi hoa kiểng, nhưng với nhiều nông dân thì không phải ai cũng biết.
Ông đã trồng cây si rô từ nhiều năm nay. Đặc biệt là vào khoảng năm 2018, trong một dịp có người quen ở nước ngoài về thăm quê đã ghé qua nhà ông và nhìn thấy sản lượng trái si rô nhiều, biết công dụng của nguồn nguyên liệu trái của cây trồng này nên đã chỉ cách ông nấu nước giải khát, làm mứt, ủ thành rượu vang… từ trái si rô.
“Việc chế biến nước giải khát từ trái si rô cũng rất đơn giản, có thể dùng trái còn non hoặc chín, bỏ cuống cho bớt mủ rồi rửa sạch, để ráo. Sau đó chà nát để lấy nước, lọc bỏ bã, thêm đường rồi đun sôi với lửa nhỏ khoảng từ 20 đến 30 phút là đã có thức uống từ trái si rô. Ngoài ra có thể chẻ nhỏ trái si rô rồi ủ đường để sử dụng nước lên men từ trái si rô thơm ngon…” - Ông Vũ nói.
Theo tài liệu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cây si rô có tên khoa học là Carissa carandas , thuộc họ trúc đào, xuất xứ từ Indonesia, Ấn Độ. Si rô thuộc loại cây thân gỗ nhỏ, dạng bụi, sống lâu năm, chiều cao khoảng 2 - 4 m. Cây có nhiều cành nhánh, thân và cành có gai nhọn. Do thân cây si rô nhỏ nên có thể leo dựa dạng cây hoa giấy. Lá cây si rô màu xanh đậm, hình bầu dục, hơi nhọn ở đầu, bứt lá chảy nhựa trắng. Hoa si rô nhỏ xinh màu trắng, mọc thành chùm, nở quanh năm. Cây si rô rất sai trái. Trái si rô tròn, khi non có màu trắng, chuyển hồng, đỏ rồi chín đen. Trái si rô còn non rất chua, có thể dùng làm gia vị; khi chín có vị ngọt nên dùng làm nhiều món ăn, thức uống…
Theo ông Vũ, gần đây ông đã đón nhiều khách hàng tìm đến mua các sản phẩm chế biến từ trái si rô hoặc mua cây si rô giống, mua cây si rô lớn đã được chăm tỉa thành bon sai đẹp; đồng thời, trao đổi về mô hình cách trồng cây si rô.
Từ việc trồng cây si rô để làm cảnh cho đẹp, đến nay ông Vũ đã phát triển mô hình trồng cây si rô mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa và trồng rau màu trước đây. Hiện tại giống cây si rô ông ươm bán với giá từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/cây nhưng không đủ bán cho khách hàng. Các sản phẩm chế biến từ trái si rô của ông cũng hút hàng, với giá bán khoảng 20.000 đồng/chai (tùy sản phẩm).
Cây si rô đã mang lại nguồn thu nhập cho gia đình ông Vũ mỗi ngày lên đến hàng trăm ngàn đồng, con số quả không nhỏ đối với sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ của nông dân.
Tại ấp Giồng Lãnh 1, nhiều nông dân cũng như cựu chiến binh đã được ông Vũ tặng cây si rô giống để trồng làm kiểng cho đẹp.
Đến nay, khi thấy mô hình kinh tế từ cây si rô của ông Vũ, nhiều người trong xã, ấp cũng đã phát triển nhân rộng mô hình kinh tế từ cây trồng mới lạ này. Riêng ông Vũ hiện cũng đang mở rộng thêm diện tích trồng cây si rô. Theo ông Vũ, diện tích trồng cây si rô mở rộng thì cũng phải đi đôi với việc đầu tư bài bản hơn cho quy trình sản xuất thành phẩm.
Tiếng lành đồn xa nên vườn cây si rô của ông Vũ đã được các nhà nghiên cứu về ngành Công nghệ thực phẩm ở TP. Hồ Chí Minh, doanh nghiệp sản xuất nước ép sơ ri trên địa bàn Gò Công… tìm đến để tìm hiểu về nguồn thực phẩm từ trái si rô, mở ra nhiều triển vọng cho ông Vũ cũng như những người trồng cây si rô trên đất Tăng Hòa.
THẢO MAI
Hậu Giang: Trồng chuối cau thu nhập 15 triệu đồng/công
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Chuối cau dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, có thời gian sinh trưởng tương đối ngắn, từ khi trồng đến khi thu hoạch lứa đầu mất khoảng 10 tháng, lứa tiếp theo mất khoảng 6 tháng. Trung bình 1 công đất có thể trồng được khoảng 90 - 100 bụi chuối cau, khi thu hoạch mỗi buồng có trọng lượng từ 7 - 10kg, hiện thương lái thu mua 8.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với cách nay 2 tháng. Với giá bán như hiện nay, trừ hết chi phí nhà vườn trồng chuối cau thu nhập hơn 15 triệu đồng/công. Theo nhiều thương lái thu mua chuối cau ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang chuối cau hiện nay phần lớn được thu mua về xuất khẩu sang Campuchia nên khá hút hàng, trái lớn hay nhỏ đều được thu mua hết.
DUY KHÁNH
Cây nhãn Hưng Yên trên đất Tây Nguyên
Nguồn tin: Khuyến Nông VN
Anh Nguyễn Đình Lắp, một trong những nông dân đầu tiên đưa cây nhãn vào trồng trên vùng đất xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông.
Là một người con quê nhãn Hưng Yên, năm 2006, anh Lắp đến thôn Thuận Nghĩa, xã Thuận Hạnh lập nghiệp. Ban đầu anh mua lại 3ha đất trồng tiêu nhưng đến năm 2016, cây tiêu có hiện tượng bệnh nhiều nên anh quyết định cải tạo vườn để đưa loại giống nhãn cùi đường phèn về trồng thử nghiệm tại thôn Thuận Nghĩa. Vào thời điểm đó, giá cả hồ tiêu đang cao, nhiều người trong vùng ngăn cản, khuyên anh nên trồng thử trên một diện tích nhỏ, không nên làm liều vì trồng nhãn vừa lâu thu hoạch, trong khi khí hậu của Đắk Nông lại khác xa so với các tỉnh chuyên trồng nhãn. Sau một thời gian nghiên cứu thị trường, anh Lắp quyết định xuống giống trồng 400 cây nhãn và 170 cây bơ Boot7. Qua 4 năm trồng đến nay, vườn cây nhà anh đã bắt đầu cho thu chính và đạt năng suất rất cao, đặc biệt là cây nhãn.
Anh Lắp cho biết, anh vốn gốc quê huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên nên anh rất tâm đắc và có khá nhiều kinh nghiệm trồng nhãn. Cây nhãn rất dễ trồng nhưng phải chọn giống đạt chuẩn nếu không cây sẽ bị bệnh chổi rồng rất khó phòng trị. Chính vì vậy ngay từ khi có ý định trồng nhãn, anh đã về tận Hưng Yên chọn nơi uy tín để mua giống. Anh chọn giống nhãn cùi đường phèn vì giống này có đặc điểm vị ngọt sắc, cùi dày ánh vàng, vân múi căng, róc cùi, róc hạt, khi ăn thấy mềm mà giòn, ngọt mà thanh, hương thoang thoảng như mùi mật ong, hạt nhãn nhỏ. Chính vì thế nhãn cùi đường phèn có giá trị rất cao.
Để cây sinh trưởng và phát triển tốt, kỹ thuật tạo hình trong giai đoạn kiến thiết cơ bản là cực kỳ quan trọng. Để cây nhãn có bộ tán thấp, hình mâm xôi, thuận lợi cho việc chăm bón, tỉa cành, phun thuốc và thu hoạch, khi cành ghép dài chừng 30- 40 cm phải bấm ngọn để định hình cành cấp 1 cho cây; khi cành cấp 1 dài 30- 40 cm lại bấm ngọn tiếp để tạo cành cấp 2, từ đây sẽ mọc ra cành cấp 3; chỉ để 3- 4 cành cấp 1, 6- 8 cành cấp 2 và 12- 16 cành cấp 3.
Do được chăm sóc tốt nên sau 4 năm trồng vườn nhãn nhà anh Lắp đã cho năng suất cao, trung bình khoảng 40kg/cây, đặc biệt có những cây đạt trên 100kg/cây. Theo đánh giá của anh Lắp thì cây nhãn rất phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng tại địa phương mà còn dễ chăm sóc và ít bị bệnh hơn rất nhiều so với trồng tại Hưng Yên. Vườn nhãn nhà anh từ khi trồng đến khi thu hoạch, anh chỉ đầu tư mất khoảng 30 triệu đồng. Trong những năm đầu, để tăng hiệu quả kinh tế và duy trì hàm lượng mùn cho đất, anh Lắp đã trồng xen canh cây đậu đỗ các loại trong vườn, nhờ đó đất vườn rất tơi xốp. Bên cạnh đó, anh bón rất ít phân khoáng, chỉ khoảng 300 kg NPK/năm, chủ yếu bón lót nhiều phân hữu cơ và cung cấp thêm phân bón qua lá có hàm hượng kali và canxi cao trong giai đoạn nuôi quả, giúp quả ngọt hơn và không bị nứt hay rụng.
Nhờ trồng mật độ hợp lý 6 x 6m và áp dụng kỹ thuật IPM trong canh tác nên vườn nhãn của gia đình anh cũng rất ít sâu bệnh hại, hàng năm anh chỉ dùng 2 lần thuốc bảo vệ thực vật vào thời điểm giao mùa và giai đoạn quả non để phòng trừ rệp sáp. Theo tính toán của anh Lắp, với giá nhãn từ 32.000 - 35.000 đồng/kg như hiện nay, trung bình 400 cây nhãn cho thu khoảng 16.000 kg, sau khi trừ mọi chi phí, trái nhãn mang về cho gia đình anh khoảng trên 400 triệu đồng mỗi năm.
Chị Nguyễn Thị Xoa, vợ anh Nguyễn Đình Lắp, đang thu hoạch nhãn
Từ kinh nghiệm của anh Lắp, để cây nhãn năng suất cao, quả đẹp, bán được giá, cần đầu tư chăm sóc nhiều trong quá trình sinh trưởng của cây như bón phân đúng mức, kịp thời vụ để cây đủ sức nuôi trái. Nhận thấy mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so với những cây trồng khác, anh Lắp đang dần dần mở rộng diện tích và sẽ xử lý vườn nhãn cho ra trái rải vụ theo từng lô để tiện việc chăm sóc, thu hoạch và cung cấp nhãn cho thị trường quanh năm. Không chỉ trồng được vườn nhãn tốt, đạt giá trị kinh tế cao cho gia đình mình, anh Lắp còn sẵn lòng chuyển nhượng cây giống và tận tình hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân quanh vùng muốn trồng loại nhãn này để phát triển kinh tế gia đình.
Bà con có nhu cầu tham quan học hỏi kinh nghiệm hoặc mua giống có thể liên hệ số điện thoại 0347626165 gặp anh Nguyễn Đình Lắp.
Hoàng Thị Thanh Huyền - Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông
Bạc Liêu: Hướng đến xây dựng vùng chuyên canh hoa màu, cây ăn trái
Nguồn tin: Báo Bạc Liêu
Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, những năm qua, nông dân ở các địa phương trong tỉnh Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư, thực hiện chuyển đổi phương thức sản xuất để hình thành những vùng chuyên canh hoa màu, cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo và làm giàu từ nông nghiệp.
Nông dân xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) chăm sóc rẫy hoa màu. Ảnh: C.L
HÌNH THÀNH VÙNG CHUYÊN CANH
Để hình thành những vùng chuyên canh sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, các địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện việc hỗ trợ, hướng dẫn nông dân từ khâu cải tạo đất, chọn giống cây trồng phù hợp, đồng thời tập huấn kỹ thuật canh tác chuyên biệt cho từng loại cây trồng. Nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh hiện nay đã từng bước hình thành các vùng chuyên canh hoa màu và cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao, điển hình như: vùng chuyên canh rau cần nước ở xã Vĩnh Thanh (huyện Phước Long), trồng bắp và dưa hấu ở xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long); vùng trồng cây ăn trái ở xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân); vùng trồng màu, thanh nhãn ở TP. Bạc Liêu… Những vùng chuyên canh góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất nhỏ lẻ từ 1,5 - 2 lần trở lên. Đơn cử, cánh đồng chuyên canh rau màu đã trở thành “điểm nhấn” góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long) trong nhiều năm qua. Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành được vùng chuyên canh rau màu với diện tích hơn 10ha, sản xuất luân canh 4 vụ/năm. Theo phòng NN&PTNT huyện Phước Long, các loại rau màu sản xuất trên vùng chuyên canh, năng suất bình quân hằng năm đều tăng từ 10 - 15% so với sản xuất đại trà. Qua đánh giá thực tế, cùng một loại giống, được áp dụng phương pháp “4 cùng” nên quá trình tổ chức sản xuất thuận lợi, giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Chủ trương xây dựng vùng chuyên canh rau màu nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân từ những ngày đầu triển khai. Qua đó, nông dân trong vùng sản xuất đều nhiệt tình tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, áp dụng tiến bộ khoa học và các quy trình mới vào sản xuất. Anh Đỗ Hoài Anh (ấp Mỹ I, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) chia sẻ: “Nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ quy hoạch, hình thành vùng chuyên canh hoa màu mà hiện nay đời sống của bà con ở đây đã ổn định hơn trước. Riêng gia đình tôi có 3 công đất trồng màu cho thu nhập ổn định nên cũng rất phấn khởi”. Nhờ có vùng chuyên canh rau màu, giá trị sản xuất bình quân cũng đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài rau màu, hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng đang dần hình thành những vùng chuyên canh cây ăn trái. Dọc theo sông Cái Lớn của xã Ninh Hòa (huyện Hồng Dân), cây bưởi và nhiều loại cây ăn trái khác đã “bén duyên” với vùng đất này từ khá sớm. Năm 2010, địa phương có chủ trương phá vườn tạp trồng cây ăn trái. Nhiều nông dân trong huyện, trong đó có xã Ninh Hòa đã mạnh dạn ra sức cải tạo vườn tạp và nhận cây giống về trồng. Giờ thì những vùng đất phèn mặn ngày nào nay đã được phủ xanh bởi màu của những vườn cây ăn trái. Ông Trần Hoàng Khởi (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân) nói: “Lúc trước cứ nghĩ đất nhiễm phèn nặng chắc trồng cây gì cũng không sống nổi nên tôi bỏ phế cho cây dại mọc um tùm. Nhưng nhờ chính quyền địa phương xây dựng vùng chuyên canh mà giờ tôi đã có nguồn thu nhập ổn định từ vườn cây ăn trái”.
Theo Phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân, đến nay diện tích vườn tạp được cải tạo để trồng cây ăn trái ở huyện đã lên đến 1.000ha. Hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn các loại cây trồng trước đó trên cùng một đơn vị diện tích. Xác định các loại cây ăn quả có múi khác là hướng đi chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo thương hiệu và đặc sản riêng của địa phương, huyện đã đề ra mục tiêu tiếp tục mở rộng diện tích trong thời gian tới.
GIẢI PHÁP CHO HƯỚNG ĐI BỀN VỮNG
Trong định hướng phát triển ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó rau màu đi theo hướng chuyên canh, lựa chọn cây lợi thế, có thị trường ổn định, phối kết hợp với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch và khung lịch thời vụ; ổn định vùng chuyên trồng lúa nước, nhưng có sự chuyển dịch mô hình 3 vụ lúa ở các khu vực khó khăn về nguồn nước ngọt sang mô hình 2 vụ lúa + 1 vụ màu, phát triển các loại màu trên đất ruộng sản xuất có hiệu quả, phù hợp với nhu cầu thị trường; xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn (măng tây, ngò rí lấy hạt và các loại rau, củ, quả khác). Thực hiện điều tiết nước hợp lý, linh hoạt gắn với điều chỉnh cơ cấu mùa vụ phù hợp với điều kiện sinh thái của từng tiểu vùng; từng bước triển khai xây dựng vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao 1.350ha; phát triển các nhóm nông dân hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trong sản xuất trồng trọt, nhất là các sản phẩm chủ lực (lúa, gạo chất lượng cao và đặc sản; rau, quả an toàn sinh học).
Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận, việc xây dựng vùng chuyên canh có hiệu quả hay không thì mấu chốt vẫn là đầu ra, là thị trường. Nếu có đầu ra ổn định thì không cần hỗ trợ, bà con vẫn mở rộng diện tích. Ngược lại, không có đầu ra thì dù có được trợ giá cây giống hay phân bón, bà con cũng sẽ không thực hiện.
Xác định hướng đi bền vững cho những vùng chuyên canh rau màu, cây ăn trái cũng là mối quan tâm lớn của ngành Nông nghiệp tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Ông Trương Phước Hiền, Phó phòng NN&PTNT huyện Phước Long, cho biết: “Xác định rõ hướng phát triển sẽ là vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, an toàn, tiến tới sạch, triển khai những mô hình ứng dụng công nghệ cao để sản xuất hoa màu và một số loại cây trồng khác. Để đạt được mục tiêu đó, huyện đã đề ra các giải pháp về quy hoạch, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về điện, giao thông, thủy lợi cho các vùng chuyên canh; cử cán bộ chuyên môn đi đào tạo về khoa học - kỹ thuật, mời nông dân đi tham quan mô hình; tăng cường liên kết với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định, giúp bà con yên tâm sản xuất”.
Thực tế sản xuất ở nhiều địa phương đã khẳng định hiệu quả kinh tế của những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp. Đó là người dân dám nghĩ, dám làm, tiên phong đi đầu trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần phát triển ngành Nông nghiệp của tỉnh. Đồng thời, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ dần chuyển sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn với chuỗi liên doanh, liên kết sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao.
KHÔI NGUYÊN
Đắk Lắk: Đạt 600 triệu đồng/ha từ mô hình trồng ớt bằng màng phủ nông nghiệp
Nguồn tin: Khuyến Nông VN
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, vùng đất quy hoạch chuyên canh lúa nước chủ yếu được gieo trồng vào hai vụ chính là Đông Xuân và Hè Thu. Tuy nhiên vụ Đông Xuân tại một số vùng, nguồn nước không đủ tưới cho 100% diện tích đất lúa của cả vụ. Phần diện tích lúa không đủ nước tưới suốt cả vụ gọi là diện tích lúa bấp bênh.
Vì vậy trên các diện tích đất trồng lúa trong vụ Đông Xuân không đủ nước tưới này, việc chuyển đổi loại cây trồng khác có nhu cầu nước tưới ít hơn so với cây lúa để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đồng thời ổn định thu nhập của người nông dân là việc cần thiết.
Xuất phát từ thực tế đó, Vụ Đông Xuân 2018 - 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Ea Kar thực hiện mô hình “Trồng ớt cay bằng màng phủ nông nghiệp trên ruộng lúa bấp bênh” tại 3 xã Cư Huê, Cư Ni và Ea Pal của huyện EaKar với quy mô thực hiện 2,6 ha và 5 hộ tham gia.
Mô hình được thực hiện từ tháng 11/2018 đến tháng 05/2019. Qua đánh giá mô hình, các hộ tham gia và bà con nông dân trong vùng đều ghi nhận: Giống ớt hiểm lai Deli 686 sinh trưởng phát triển tốt, thời gian sinh trưởng 80- 85 ngày, tỷ lệ nảy mầm tốt đạt 90%. Mặc dù trong thời gian triển khai, một số điểm mô hình bị nhiễm nhẹ bệnh chết héo cây con trong vườn ươm và bệnh héo xanh vi khuẩn ngoài đồng ruộng nhưng đã được cán bộ kỹ thuật theo dõi mô hình hướng dẫn phun thuốc phòng trị kịp thời, nên không ảnh hưởng đến năng suất và kết quả mô hình. Năng suất ớt trong mô hình bình quân đạt 15 - 20 tấn/ha. Đặc biệt trong năm 2019, tại thời điểm thu hoạch, giá ớt đột ngột tăng cao, bình quân 30.000 đồng/kg, tổng thu nhập đạt từ 450 – 600 triệu đồng/ha, đã góp phần làm tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân.
Năng suất ớt trong mô hình bình quân đạt 15 - 20 tấn/ha
Hiệu quả hơn cả của mô hình đó là người nông dân được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật mới trong việc lựa chọn cây trồng phù hợp với các chân ruộng không đảm bảo nước cho việc trồng lúa vụ Đông Xuân, góp phần làm đa dạng các loại giống cây trồng trong sản xuất, đồng thời mô hình tác động đến nhận thức của bà con trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân, bảo vệ môi trường và thiên địch trên đồng ruộng.
Sử dụng đất và nguồn nước tưới một cách hợp lý bằng biện pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo thời vụ, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực là vấn đề cần thiết trong sản xuất nông nghiệp. Thiết nghĩ trong thời gian sắp tới, việc hỗ trợ ngân sách từ các cấp, các ngành để thực hiện các mô hình chuyển đổi cây trồng trên ruộng lúa bấp bênh tại các địa phương là thật sự cần thiết để người dân được tiếp cận với các quy trình kỹ thuật, các giống thích nghi với các vùng sinh thái khác nhau và giải được bài toán khó cho bà con nông dân tại các vùng nước tưới không ổn định.
Hoàng Liên - TT Khuyến nông Đắk Lắk
Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu: Nghiên cứu thành công 3 giống lúa thích ứng với mô hình luân canh tôm - lúa
Nguồn tin: Báo Bạc Liêu
Những năm qua, Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu không ngừng tìm tòi, học hỏi để từng bước hoàn thiện bộ giống lúa thích ứng với mô hình canh tác tôm - lúa, góp phần mang lại những vụ mùa bội thu cho nông dân trên địa bàn tỉnh.
Nông dân tham quan khu trồng lúa thí nghiệm của Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu. Ảnh: C.L
Vụ hè thu 2019 là vụ mùa đầu tiên Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu cho trồng thử nghiệm 3 giống lúa mới thích ứng với mô hình luân canh tôm - lúa, đó là: BLR 103, BLR 105 và BLR 413 và đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía nông dân trồng thử nghiệm. Các giống lúa này được đánh giá có những đặc tính phù hợp cho vùng sản xuất tôm - lúa, vùng sản xuất lúa 3 vụ lúa như: thời gian sinh trưởng ngắn, ít nhiễm sâu bệnh, cứng cây, có tiềm năng cho năng suất khá, đặc biệt là phẩm chất gạo thơm, ngon, dẻo, không bạc bụng, phù hợp cho thị trường nội địa và xuất khẩu hiện nay. Ông Lê Văn Thiệt (ấp Nhụy Cầm, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân) chia sẻ: “Trước đây, tôi đã từng canh tác nhiều loại giống lúa, nhưng khi sử dụng giống BLR 103 và BLR 105 do Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu cung cấp, tôi thấy ưng bụng nhất. Lúa chịu được độ mặn cao và phát triển tốt, ít sâu bệnh, không tốn nhiều công chăm sóc mà năng suất cuối vụ lại khá cao (850 - 900kg lúa/công). Vụ lúa trên đất tôm tới đây tôi sẽ sản xuất toàn bộ diện tích hơn 10ha đất của gia đình bằng giống lúa này”.
Ông Phan Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh, cho biết: “Để có một vụ mùa thành công thì khâu chọn giống luôn có vai trò quan trọng. Chính vì lẽ đó, những năm qua, Trung tâm không ngừng tìm tòi, nghiên cứu và học tập kinh nghiệm sản xuất giống tại nhiều địa phương, từ đó tìm ra giống lúa tốt nhất, phù hợp cho từng vùng trồng lúa trên địa bàn tỉnh. Tuy công việc có phần vất vả, nhưng niềm vui của chúng tôi chính là mỗi khi thấy bà con nông dân có được một vụ mùa bội thu”.
CHÍ LINH
Triển vọng kinh tế từ cây mắc ca
Nguồn tin: Báo Lạng Sơn
Mắc ca là cây trồng “kén” khí hậu. Tuy nhiên, khi trồng tại Lạng Sơn, cây cho năng suất và chất lượng quả tốt. Vì vậy, thời gian qua, người dân trên địa bàn tỉnh đã và đang mở rộng diện tích cây mắc ca, tạo ra hướng phát triển kinh tế mới với nguồn thu nhập ổn định.
Ông Nông Văn Viên, thôn Kéo Coong, xã Tân Văn, huyện Bình Gia cho biết: Năm 2012, tôi mua 300 cây giống mắc ca (ươm bằng hạt) về trồng thử nghiệm. Sau 5 năm, cây bắt đầu bói quả. Năm 2018, tôi thu được hơn 3 tạ hạt. Số lượng chưa nhiều nên tôi sấy bán hai tạ hạt khô với giá 200 nghìn đồng/kg. Còn một tạ, tôi bán cho bà con quanh vùng làm cây giống, trừ chi phí thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế cao nên hiện nay, tôi đã trồng thêm 200 cây nhằm tăng thu nhập.
Ngoài gia đình ông Viên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang có khoảng 40 – 50 hộ chọn hướng phát triển kinh tế từ cây mắc ca. Tiêu biểu trong số đó phải kể đến ông Hoàng Văn Trang, thôn Bó Mịn, xã Tân Việt, huyện Văn Lãng.
Người dân xã Tân Việt, huyện Văn Lãng thu hoạch mắc ca
Ông Trang cho biết: Năm 2015, tôi trồng 5 ha mắc ca. Năm 2018, tôi thu được 2 tấn hạt. Thu đến đâu thương lái đến tận vườn mua đến đó. Năm nay, nhờ gia đình chú trọng chăm sóc nên cây cho năng suất cao hơn. Hiện nay, thu hoạch 3,5 ha, tôi đã thu về gần 4 tấn hạt. Cả vụ, tôi dự kiến thu khoảng 5 – 6 tấn hạt. Với giá bán trung bình từ 75 – 80 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, tôi thu được 200 triệu đồng từ mắc ca.
Tìm hiểu được biết, năm 2002, cây mắc ca được Công ty Cổ phần giống lâm nghiệp vùng Đông Bắc trồng thử nghiệm tại hai huyện: Chi Lăng, Tràng Định. Tuy nhiên, thời điểm đó, người trồng chưa chú trọng khâu chăm sóc nên hiệu quả chưa cao. Đến năm 2010, qua các phương tiện thông tin đại chúng, một số hộ bắt đầu mua cây giống về trồng. Sau khi được thu hoạch, nhận thấy hiệu quả kinh tế, từ năm 2017 đến nay, người dân chủ động trồng và mở rộng diện tích. Hiện toàn tỉnh có khoảng 150 ha cây mắc ca được trồng tập trung ở một số huyện như: Cao Lộc, Văn Lãng, Bình Gia, Bắc Sơn, Văn Quan, Chi Lăng, Tràng Định… Trong đó, có khoảng 30 – 40 ha đang cho thu hoạch với năng suất bình quân ước đạt từ 1 – 1,5 tấn/ha. Năm 2019, sản lượng mắc ca toàn tỉnh ước đạt 45 – 50 tấn quả.
Theo ông Nông Văn Viên – một trong những hộ đầu tiên trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh, mắc ca là cây trồng có sức sống mạnh mẽ, ít sâu bệnh, tuổi thọ cao. Cây có thể trồng mới quanh năm nhưng để hiệu quả cao nên trồng vào mùa xuân hoặc mùa mưa. Đồng thời, để có hiệu quả kinh tế cao và rút ngắn được thời gian thu hoạch, bà con nên trồng cây ghép.
Quả mắc ca có 2 lớp, vì vậy, sau khi thu hái, người dân có hai lựa chọn, bán quả tươi (cả vỏ) với giá bình quân từ 35 – 50 nghìn đồng/kg hoặc bán hạt tươi (lớp bên trong) với giá từ 75 – 80 nghìn đồng/kg. Cùng với đó, vỏ tươi của quả nếu kết hợp với chế phẩm sinh học ủ hoai mục sẽ trở thành nguồn phân vi sinh rất tốt để bón cho cây trồng.
Đặc biệt, tại Lạng Sơn, hiện nay, bên cạnh các mô hình trồng cây mắc ca đã có hai doanh nghiệp trồng và chế biến mắc ca sấy khô có tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ và được cấp chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần hình thành chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm tại địa phương.
Ông Lục Văn Bằng, Giám đốc Công ty Cổ phần Mắc ca Sachi Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, từ quả mắc ca công ty chúng tôi sản xuất ra các sản phẩm như: mắc ca sấy nứt (giá từ 300 – 350 nghìn đồng/kg); nhân hạt mắc ca (giá từ 900 nghìn đồng – 1 triệu đồng/kg). Ngoài ra, còn có các sản phẩm như: bánh, kẹo, dầu ăn… Mắc ca là sản phẩm giàu chất dinh dưỡng và có rất nhiều đơn đặt hàng nên sản xuất đến đâu, chúng tôi bán hết đến đó, thậm chí có nhiều lúc công ty “cháy hàng”.
Trao đổi về triển vọng phát triển cây mắc ca, ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết: Mắc ca là cây trồng có rất nhiều dòng khác nhau, nhiều loại giống khác nhau. Qua thực tế, nếu chọn được giống phù hợp với khí hậu, kết hợp các biện pháp kỹ thuật tránh các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cây mắc ca sẽ có nhiều tiềm năng phát triển tại Lạng Sơn. Chính vì vậy, để phát triển bền vững cây trồng này, sở khuyến khích bà con chọn các cơ sở cây giống uy tín. Thời gian tới, sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có định hướng đầu tư phát triển ổn định trên địa bàn, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến theo hướng tạo chuỗi liên kết ổn định, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
NGUYỄN PHƯƠNG
Sắp có thêm 5.000 ha 'cây tỉ đô' từ Macca Nutrition Việt Nam
Nguồn tin: Tuổi Trẻ
Loài cây macca được mệnh danh là 'cây tỉ đô' do mang lại giá trị kinh tế cao. Từ nay đến năm 2025, Công ty Macca Nutrition Việt Nam sẽ trồng thêm 5.000 ha 'cây tỉ đô' ở Tây Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. •
•
Ông Lê An Trung (áo xanh) trao đổi với bà con trồng macca tại vùng trồng huyện Văn Lãng, Lạng Sơn - Ảnh: MC •
Đang có hàng trăm hecta macca được trồng và phát triển ở Việt Nam; nhờ cây macca, người nông dân nhiều nơi đã vươn lên làm giàu trên những mảnh đất khô cằn. •
Những vùng 'cây tỉ đô' •
Cây macca được mệnh danh là "cây tỉ đô" bởi những giá trị kinh tế mà nó mang lại. Nhờ có những chính sách hỗ trợ kịp thời mà hàng vạn ha macca đã được trồng mới và đưa vào thu hoạch. •
Cây macca giúp bà con nông dân tại nhiều tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên… tăng thu nhập, giúp đời sống nhân dân bớt khó khăn và có cuộc sống ổn định. •
Nhận thấy tiềm năng phát triển của cây macca ở Việt Nam, mong muốn xây dựng phát triển vùng nguyên liệu cây macca, Công ty Macca Nutrition Việt Nam từng bước liên kết với người dân các tỉnh vùng Tây Bắc, Tây Nguyên. •
Công ty phối hợp người dân địa phương nghiên cứu khí hậu, thổ nhưỡng, cung cấp vốn, giống, hướng dẫn kỹ thuật và cùng người dân kiểm soát chất lượng, nâng cao giá trị dinh dưỡng của hạt macca. Giúp xây dựng hàng trăm và sắp tới có hàng nghìn hecta macca xanh mướt, trĩu quả trải rộng khắp nhiều vùng trồng. •
Doanh nghiệp đặt ra mục tiêu trong năm 2019 - 2020 sẽ trồng hơn 1.000ha macca, năm 2020-2025 có khoảng 5.000ha macca đuợc trồng mới và đưa vào thu hoạch. Thương hiệu Macca Việt Nam được nâng cao, cuộc sống bà con nông dân bớt khó khăn. •
"Năm vừa rồi, nhờ sự hỗ trợ của Công ty Macca Nutrition Việt Nam, vườn macca 4 tuổi với khoảng 100 cây trên diện tích 1ha của gia đình tôi thu được 1,9 tấn quả, doanh thu 200 triệu đồng" - anh Nguyễn Đình Tú (xã Tân Việt, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) cho biết. •
•
Hiện Công ty Macca Nutrition Việt Nam đang phát triển diện tích trồng Macca ở nhiều vùng - Ảnh: MC •
Chế biến sản phẩm từ macca •
Dù phải đương đầu với nhiều khó khăn trong xây dựng vùng nguyên liệu, nhưng Công ty Macca Nutrition đã đặt ra mục tiêu trong những năm tới sẽ tiếp tục phát vùng nguyên liệu macca, thu hút các nhà đầu tư. •
Người dân địa phương cũng yên tâm trong việc lấy cây macca làm chủ đạo cho phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, trong đó nhân hạt macca có thể chế biến thành nhiều sản phẩm trong những ngành hàng khác nhau như thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sản phẩm từ các bộ phận khác của cây như vỏ mắc ca có thể làm phân bón, chất đốt… •
Từ những lợi thế này, ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm macca ngày càng phát triển để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đi đôi với những thuận lợi là khó khăn mà Công ty cổ phần Macca Nutrition Việt Nam đang phải đối mặt. •
Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và các công ty nước ngoài cũng đang là rào cản lớn để phát ngành công nghiệp macca Việt Nam. •
•
Và người nông dân trồng macca có thể có thu nhập ổn định từ những vùng đất cằn như thế này - Ảnh: MC •
Ông Lê An Trung - chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty CP Macca Nutrition Việt Nam - cho biết hiện công ty có diện tích canh tác khoảng 120ha macca 1-4 tuổi ở khu vực Thái Nguyên, Lào Cai, Lai Châu và Tây Nguyên. •
Việc phát triển vùng nguyên liệu macca sẽ giúp các tỉnh Tây Bắc, Tây Nguyên thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, mang lại thu nhập và đảm bảo đời sống cho người dân. •
Trong những năm tiếp theo, Macca Nutrition Việt Nam sẽ đẩy mạnh sử dụng hiệu quả nguồn vốn có sẵn, vốn của cổ đông và vốn nhàn rỗi trong cộng đồng để mở rộng, phát triển vùng nguyên liệu. •
Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ áp dụng công nghệ hiện đại vào việc sản xuất, kinh doanh để tiếp tục nâng chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách hàng toàn quốc. •
Hiện Công ty Macca Nutrition Việt Nam đã ký các hợp đồng mua bán dự án trồng cây macca và vườn cây macca tại xã Tân Việt (huyện Văn Lãng), xã Lợi Bác (huyện Lộc Bình), Lạng Sơn, xã Xuân Hòa (huyện Như Xuân), xã Hạ Long (Hà Trung) Thanh Hóa, đồng thời liên kết với các hộ dân tại xã Bộc Nhiêu, huyện Định Hóa, Thái Nguyên trồng cây macca… •
"Công ty đã sản xuất và phân phối các loại đồ uống sạch có nguồn gốc từ thực vật, người tiêu dùng sẽ được thưởng thức hạt macca. Những sản phẩm của Macca Nutrition được sản xuất từ hạt macca đã có mặt tại các siêu thị lớn (VinMart, Mường Thanh, Lan Chi, Công ty TNHH bán lẻ BRG…) với các dòng sản phẩm hòa tan Maccaca cà phê sữa 3in1, Maccaca cà phê dừa, Maccaca cà phê sầu riêng, Maccaca trà sữa matcha, Maccaca Hồng trà sữa… •
Đặc biệt, Macca Nutrition Việt Nam đã ký hợp đồng kinh tế xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. •
HỒNG HÀ
Triển vọng từ lá tía tô xuất khẩu
Nguồn tin: Sở NN-PTNT tỉnh An Giang
Với lợi thế phù sa màu mỡ, Tía Tô Hàn Quốc đang là loại cây trồng thích nghi trên vùng đất cù lao Chợ Mới, tỉnh An Giang. Cuối năm 2018, một doanh nghiệp ở tỉnh An Giang đã đầu tư trồng 2ha Tía Tô ở xã An Thạnh Trung, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, mở ra hướng phát triển về loại cây trồng mới xuất khẩu.
Là loại cây không chịu nước nên Tía Tô được trồng trên liếp, theo hàng, có phủ bạt, thân cao và cho nhiều lá, Tía Tô dễ trồng nhưng nặng vốn đầu tư. Hạt giống nhập từ Hàn Quốc, sau khi gieo khoảng 45 ngày bắt đầu thu hoạch đợt đầu tiên, thời gian thu hoạch khá lâu kéo dài khoảng 9 tháng, năng suất tăng dần từ 4 tấn/ tháng/ha. Sau một năm chăm sóc tốt, Tía tô có thể cho năng suất lên đến 12 tấn/ ha.
Nông dân thu hoạch bằng cách ngắt lá cuộn tròn, kích cỡ đạt chuẩn chiều ngang từ 8-13cm. Bình quân hằng tháng, Doanh nghiệp Fresh MêKông xuất khẩu 40 tấn lá Tía Tô sang thị trường Hàn Quốc, giá thu mua tại ruộng khoàng 12 ngàn đồng/kg, lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng /công/vụ.
Tía Tô là loại rau thơm có mùi vị cay đặc trưng, rất tốt cho sức khỏe, đồng thời là loại cây có khả năng ngăn ngừa một số bệnh nguy hiểm. Tại Hàn Quốc lá Tía Tô được người dân sử dụng ăn sống trong bửa ăn hằng ngày gói kèm với sushi ăn với các món nướng hay trộn chung với salad. Để tăng sản lượng xuất khẩu, Cty Fresh MêKông còn đầu tư lắp đặt hàng ngàn bóng đèn soi sáng trên ruộng, đây là kỹ thuật trồng tiến tiến theo hướng công nghệ cao, kinh nghiệm từ Hàn Quốc, không cho cây ngủ. Với phương pháp này cũng là cách để ức chế sự ra hoa của cây, tránh dịch hại gây bệnh mặt khác giúp cây sinh trưởng tốt cho lá to, đẹp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Sau thời gian trồng thử nghiệm, Tía Tô thích hợp trên vùng đất lúa ở xã An Thạnh Trung, do nguồn lợi xuất khẩu cao nên đây được xem là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cải thiện cuộc sống lao động của người dân nông thôn, Từ thành công ban đầu, hiện tại Cty Fresh Mê Kông cũng đang phát triển trồng diện rộng, đồng thời hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để có sản phẩm sạch, an toàn nâng cao giá trị xuất khẩu.
Bảo Phong
Khởi nghiệp từ vốn vay ưu đãi
Nguồn tin: Báo Bắc Kạn
Bỏ nghề kế toán doanh nghiệp với thu nhập ổn định, anh Phan Văn Tuân, ở thôn Nà Sát, xã Hảo Nghĩa (Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) về bản, vào thung sâu lập trang trại, nuôi hàng vạn con gà thả đồi mỗi năm để cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Anh Phan Văn Tuân khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi gà thả đồi sạch nhờ vốn vay ưu đãi của Nhà nước.
Bỏ nghề kế toán về làm nông dân
Những ngày thu tháng 8/2019, chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Na Rì đi kiểm tra định kỳ hiệu quả nguồn vốn vay trên địa bàn xã Hảo Nghĩa của huyện. Tại đây, chúng tôi được tiếp cận mô hình trang trại nuôi gà sạch thả đồi của anh Phan Văn Tuân, người được mệnh danh là “vua gà” ở địa phương, bởi mỗi năm, anh Tuân nuôi và xuất bán hàng chục tấn gà thịt ra thị trường ở cả trong và ngoài tỉnh.
Nằm giữa đại ngàn xanh thẳm Cạm Lếch, thuộc thôn Khuổi A, xã Hảo Nghĩa, là trang trại nuôi gà với quy mô hàng nghìn con gà giống và gà thương phẩm được nuôi theo quy trình khép kín và phòng dịch nghiêm ngặt. Người dân sống trên địa bàn cho biết, chính mô hình của anh Tuân đã tạo động lực cho bà con trong thôn thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại chăn nuôi, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Từng là kế toán của một doanh nghiệp ở địa phương với thu nhập khá ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng, đây là niềm mơ ước của biết bao sinh viên sau khi tốt nghiệp, ra trường. Thế nhưng, chàng thanh niên trẻ Phan Văn Tuân lại đưa ra một quyết định khá “điên rồ”, đó là nghỉ việc về làm nông dân đích thực. Hành động này, khiến nhiều bạn bè cùng trang lứa và người thân trong gia đình không khỏi ngạc nhiên.
Hơn thế, Phan Văn Tuân còn đưa ra quyết định táo bạo mà ở địa phương chưa ai dám thực hiện, đó là vào trong thung sâu giữa đại ngàn để thuê gần 4ha đất rừng, sau đó xin phép chính quyền, các ngành chức năng tự mở hàng trăm mét đường, xây dựng cơ sở vật chất làm trang trại để nuôi gà thả đồi với quy mô lên tới hàng chục nghìn con mỗi năm. Anh Tuân chia sẻ: “Nhận thấy lợi thế đất đồi rừng ở địa phương rất tốt cho việc chăn nuôi gia cầm với quy mô lớn, nên anh đã giấu người thân trong gia đình, lặng lẽ tìm đến địa phương các tỉnh như Bắc Giang, Hòa Bình để học tập kinh nghiệm nuôi và cách triển khai mô hình theo quy trình khép kín”.
Sau khi đi thực tế về và nhận thấy điều kiện tự nhiên ở địa phương hoàn toàn có thể áp dụng triển khai tốt, nhưng cái khó là thiếu vốn để đầu tư mô hình, anh Tuân bàn tính cùng gia đình vay mượn anh em họ hàng, nhưng cũng không đủ số tiền cần chi phí ban đầu cho việc xây dựng trang trại. Bằng sức trẻ và sự quyết tâm phát triển kinh tế trang trại, anh Tuân không từ bỏ ý định mà tìm đến các tổ chức Hội, đoàn thể ở địa phương để thông qua đó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước…
“Đổi đời” nhờ vốn vay ưu đãi
Sau khi hoàn tất các thủ tục và được Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) chấp thuận, phê duyệt dự án, anh Tuân được vay gần 200 triệu đồng để đầu tư mô hình. Sau khi được giải ngân, anh bắt tay vào thực hiện mô hình với bao công việc bộn bề. Cũng phải mất đến nửa năm, anh mới xây dựng xong khu chăn nuôi và mở khoảng 500m đường để xe ô tô ra, vào trang trại thuận lợi. Chỉ chừng ấy thôi, cũng tiêu tốn của gia đình cả trăm triệu đồng.
Xây dựng xong khu chăn nuôi, anh Tuân lại "khăn gói" lên đường tìm đến huyện Lạc Thủy (Hòa Bình) để mua con giống, bởi qua tìm hiểu anh nhận thấy giống gà thả đồi này hiện nay đang được thị trường tiêu dùng rất ưa chuộng. Nhưng ưu điểm hơn cả, đó là con giống ít bệnh và rất hợp với chăn thả ở vùng đồi, nên được khá nhiều trang trại ở khu vực miền núi phía Bắc lựa chọn để nuôi.
Cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Na Rì kiểm tra hiệu quả vốn vay ưu đãi mô hình nuôi gà của anh Phan Văn Tuân.
Anh Tuân chia sẻ: “Sau 3 năm triển khai đầu tư mô hình trang trại nuôi gà sạch thả đồi với số tiền quay vòng vốn đầu tư lên tới hơn một tỷ đồng, đến nay toàn bộ trang trại đã xây dựng được 06 khu chăn nuôi riêng biệt, với quy mô trung bình khoảng một vạn rưỡi con/năm. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình anh thu nhập gần 200 triệu đồng. Mô hình này cũng thường xuyên tạo việc làm ổn định cho 4-5 người, với mức thu nhập ổn định từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. Có được cơ ngơi như ngày hôm nay, không thể không kể đến sự "tiếp sức" của NHCSXH huyện Na Rì, đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để tôi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi triển khai mô hình”.
Khi mô hình đã đi vào hoạt động ổn định và có thu nhập khá, anh Tuân lại xin chính quyền địa phương thẩm định, cấp phép xây dựng lò giết mổ tập trung đạt tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, tích cực tham gia các Diễn đàn "Thanh niên khởi nghiệp" tổ chức trong và ngoài tỉnh, để tìm kiếm cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ là các Trung tâm thương mại tại các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước... Nhờ đó, năm 2019, mô hình trang trại của anh đã được chuỗi siêu thị BigC bước đầu kí kết bao tiêu sản phẩm gà sạch với số lượng khoảng 15 tấn gà thịt/năm. Đây có thể nói là cơ hội rất tốt để trang trại của anh Tuân mở rộng quy mô chăn nuôi, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại ở địa phương.
Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Hoàng Văn Thái cho biết: Thông qua hoạt động ủy thác vốn tín dụng chính sách của Chính phủ được NHCSXH thực hiện, đã tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên có thêm cơ hội phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Thông qua hoạt động uỷ thác, đã tập hợp, thu hút đông đảo lực lượng đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện tham gia các phong trào phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương. Thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp với tổ chức Đoàn, nhằm củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại cơ sở; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đoàn viên thanh niên được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, để đầu tư các mô hình kinh tế hiệu quả, làm giàu cho quê hương./.
Quý Đôn
Chấp nhận mẫu C/O mẫu E mới do Trung Quốc cấp, hết cảnh ùn ứ ở cửa khẩu
Nguồn tin: Báo Tuổi Trẻ
Mẫu C/O mẫu mới do Trung Quốc cấp được hải quan chấp nhận giúp chấm dứt cảnh ùn tắc hàng hóa suốt mấy ngày qua tại cửa khẩu Hữu Nghị và Lạng Sơn. Cục Hải quan Lạng Sơn cũng sẽ hoàn ngay thuế cho lô hàng đã nộp thuế trong những ngày ùn ứ.
Nhiều xe hàng đang chờ chấp nhận C/O mẫu mới mà phía Trung Quốc cấp để thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) - Ảnh: L.HIỆP
Ngày 26-8, Tổng cục Hải quan đã có công văn hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh thành chấp nhận mẫu C/O mẫu E mới phía Trung Quốc cấp.
Theo đó, những mẫu C/O mẫu E mới do Trung Quốc cấp được chấp nhận từ ngày 20-8. Những mẫu C/O mẫu E mới do các nước ASEAN cấp được chấp nhận từ ngày 1-8.
Đối với những mẫu C/O mẫu cũ, chấp nhận C/O được cấp trước ngày 31-8 trong thời gian còn hiệu lực và thực hiện kiểm tra C/O như quy định. Không chấp nhận C/O mẫu E cũ cấp sau ngày 31-8.
Về việc kiểm tra C/O mẫu E mới để áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, Tổng cục Hải quan chỉ đạo cục Hải quan các tỉnh thành thực hiện theo cam kết của các nước ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất tại Nghị định thư sửa đổi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA).
Như vậy, những vướng mắc liên quan đến C/O mẫu E mới theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) chính thức được tháo gỡ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Vy Công Tường - phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn - cho biết ngay sau khi nhận được văn bản của Tổng cục Hải quan về chấp thuận C/O mẫu E mới của Trung Quốc, hoạt động xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua hai cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh trở lại bình thường.
Từ sáng nay, 26-8, xe hàng nhập khẩu được phía Trung Quốc cấp C/O mẫu E mới được thông quan bình thường.
Đối với một số xe hàng đã phải nộp thuế để thông quan do mẫu C/O mẫu E mới của Trung Quốc cấp chưa được cơ quan Hải quan chấp thuận trước đó, ông Tường cho biết Cục Hải quan Lạng Sơn sẽ hoàn lại thuế ngay nhằm đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho doanh nghiệp.
Cục Hải quan Lạng Sơn sẽ hướng dẫn doanh nghiệp, các chủ hàng cung cấp hồ sơ và mẫu C/O mới để được hoàn thuế.
Từ ngày 20-8, phía Trung Quốc đột ngột cấp C/O mẫu E mới cho lô hàng. Do quy định hiện hành của Bộ Công thương chưa hướng dẫn về mẫu C/O mẫu E mới này nên Hải quan Lạng Sơn không có cơ sở chấp nhận C/O mẫu E mới của Trung Quốc.
Do đó các xe hàng nhập khẩu từ Trung Quốc phải nằm chờ ở cửa khẩu từ ngày 20-8 đến sáng nay 26-8. Nhiều lô hàng nông sản, hàng đến hạn giao cho khách, chủ hàng buộc phải nộp thuế để thông quan.
L.THANH
Hiếu Giang tổng hợp