Tin nông nghiệp ngày 30 tháng 9 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 30 tháng 9 năm 2019

Tây Ninh: ‘Vùng đất sạch’ cho các dự án nông nghiệp tiên tiến

Nguồn tin:  Báo Tây Ninh

Ở Tây Ninh, sản xuất nông nghiệp đang có nhiều thuận lợi. Đất nông nghiệp chiếm trên 65% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, với tổng diện tích gieo trồng trong năm đạt khoảng 384.393 ha. Tây Ninh đang được xem là “vùng đất sạch” cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tìm đến triển khai thực hiện các dự án trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, NNHC.

Nhân công làm việc tại một trang trại chuối Nam Mỹ (ảnh minh hoạ).

Theo tài liệu tại hội thảo phổ biến kiến thức trồng cây ăn trái hướng nông nghiệp hữu cơ ngày 26.9, Liên đoàn quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) định nghĩa nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là hệ thống sản xuất duy trì được lâu dài sức khoẻ của đất, hệ sinh thái và con người.

NNHC dựa trên việc khai thác hợp lý các quá trình sinh thái, đa dạng sinh học và các chu trình khác phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương thay vì chỉ hướng đến sử dụng vật liệu tổng hợp từ bên ngoài. NNHC kết hợp truyền thống với đổi mới sáng tạo về khoa học công nghệ để mang lại cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng.

Bắt đầu xuất hiện từ thế kỷ XX, NNHC đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và đang là xu hướng của nền nông nghiệp thế giới. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu nông nghiệp hữu cơ (FiBL) và Liên đoàn Quốc tế các phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM), diện tích đất NNHC tăng nhanh trong những năm gần đây. Từ năm 1999 đến năm 2017, diện tích sản xuất NNHC tăng từ 11 triệu ha lên đến 69.8 ha, chiếm 1,4% diện tích đất nông nghiệp trên thế giới, với 181 quốc gia/vùng lãnh thổ tham gia sản xuất. Trong đó các khu vực châu Đại Dương, châu Âu và châu Mỹ chiếm tỷ lệ hơn 85%.

Phần lớn diện tích canh tác hữu cơ là dành cho cây thức ăn chăn nuôi (63%), còn lại là các cây trồng khác, đặc biệt là diện tích cây lương thực, cà phê, trà, rau, cây dược liệu hữu cơ chiếm tỷ lệ cao. Đây cũng là “gợi ý” cho Việt Nam về định hướng phát triển sản phẩm hữu cơ trong tương lai. Tuy nhiên, trong diện tích cây lương thực hữu cơ, chỉ có 8% là lúa và 10% là bắp, còn sản phẩm thu hái tự nhiên (trong đó có cây ăn trái), cây dược liệu, nuôi ong, các loại trái có hạt, cây có dầu chiếm tỷ lệ lớn.

Năm 1999, nhằm đáp ứng nhu cầu về việc hình thành một tiêu chuẩn quốc tế chung trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, Uỷ ban An toàn thực phẩm Codex đã ban hành tiêu chuẩn mang số hiệu CAC/GL32-1999 “Hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ”.

Cho đến nay, tiêu chuẩn Codex vẫn được xem như cơ sở nền tảng để hình thành các tiêu chuẩn khu vực (như tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ ASEAN), tiêu chuẩn hiệp hội (như tiêu chuẩn của IFOAM), hay quy định của một số quốc gia (như tiêu chuẩn về NNHC JAS của Nhật Bản)... Hiện nay, có 93/181 quốc gia sản xuất hữu cơ trên thế giới có quy định pháp luật về sản xuất hữu cơ và 16 quốc gia đang xây dựng dự thảo, 29 quốc gia có tiêu chuẩn quốc gia hoặc tiêu chuẩn khu vực.

Ở Việt Nam, giống như nhiều nước khác trên thế giới, nông dân được hiểu là đã biết canh tác hữu cơ theo cách truyền thống từ hàng ngàn năm nay. Tuy nhiên, sản xuất NNHC theo khái niệm hiện tại của Hiệp hội NNHC quốc tế (IFOAM) thì ở nước ta chỉ mới được bắt đầu từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, chủ yếu tập trung vào việc khai thác các sản phẩm tự nhiên, như các loại gia vị, tinh dầu thực vật, mật ong và dược liệu... để xuất khẩu sang một số nước châu Âu.

Theo số liệu FiBL và IFOAM công bố năm 2019, năm 2017 Việt Nam có 58.018 ha đất canh tác NNHC được chứng nhận (tương đương 0,5% tổng diện tích canh tác), đứng thứ 58/181 nước sản xuất hữu cơ và xếp thứ 4 khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia, Philippines và Thái Lan. Theo Cục Trồng trọt, năm 2017, cả nước có 33/63 tỉnh, thành phố sản xuất NNHC và theo hướng hữu cơ (tức chỉ mới chú trọng đến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học). Các loại cây trồng có diện tích canh tác hữu cơ lớn nhất là dừa, ca cao, chè, lúa và rau.

Riêng trong lĩnh vực cây ăn trái, Việt Nam có gần 1 triệu ha, tạo điều kiện cho tổ chức liên kết sản xuất hàng hoá, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu đòi hỏi chất lượng ngày càng cao. Thành công bước đầu của một số doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất cây ăn quả quy mô lớn, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế để chế biến, xuất khẩu là động lực để hình thành liên kết sản xuất, hình thành vùng sản xuất tập trung cây ăn quả hữu cơ trong thời gian tới.

Về chính sách, Chính phủ Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm, trong đó có NNHC. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030”. Mục tiêu của Đề án là đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu đứng trong top 15 của thế giới về NNHC. Dự kiến trong quý IV.2019, dự thảo sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Ở Tây Ninh, sản xuất nông nghiệp đang có nhiều thuận lợi. Đất nông nghiệp chiếm trên 65% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh, với tổng diện tích gieo trồng trong năm đạt khoảng 384.393 ha. Tây Ninh đang được xem là “vùng đất sạch” cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tìm đến triển khai thực hiện các dự án trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, NNHC.

Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách giúp thúc đẩy sản xuất và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Một số mô hình tiêu biểu trong trồng cây ăn trái đã được chứng nhận VietGAP...

Chuyển biến rõ nét nhất của nông nghiệp địa phương là việc chuyển đổi cơ cấu ngành trồng trọt sản xuất theo hướng tập trung, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghệ chế biến, phát huy thế mạnh của từng vùng gắn với chuyển đổi cây trồng phù hợp với nhu cầu thị trường, giúp tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao giá trị gia tăng.

Giai đoạn 2016-2018, tỉnh đã giảm diện tích lúa, khoai mì, cao su với tốc độ giảm trung bình từ 0,3%-10,3%/năm; trong khi cây ăn trái có diện tích tăng mạnh với tốc độ tăng bình quân là 9,1%/năm. Chất lượng nông sản của tỉnh ngày càng được nâng cao trong giá trị sản xuất nông nghiệp, 10% nông sản được sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP.

ĐÌNH CHUNG

Thành công với mô hình trồng gấc

Nguồn tin: Báo Long An

Sau 5 năm “bén rễ” trên vùng đất Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An có người phá bỏ cây gấc vì hiệu quả không cao nhưng cũng có người giữ lại và thành công với mô hình này, điển hình là anh Nguyễn Hoàng Trung, ngụ ấp 5.

Anh Nguyễn Hoàng Trung thành công với mô hình trồng gấc

Con đường từ Quốc lộ 62 dẫn vào Khu dân cư Kênh 3, ấp 5, xã Tân Tây được tráng bêtông rộng rãi. Khu vực này chủ yếu trồng lúa, khoai mỡ, khóm nhưng vài năm nay, người dân còn trồng thanh long, ổi và gấc. Cây gấc được trồng từ năm 2014 với diện tích hơn 10ha. Lúc đó, phần lớn nông dân trồng gấc đều thất bại nên chuyển sang trồng loại cây khác.

Anh Trung kể, tháng 8/2014, lúc anh vừa xuất ngũ về địa phương, Hội Nông dân xã thực hiện chương trình hỗ trợ hội viên trồng gấc. Nông dân được cấp giống, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc. Nhưng khi cây lớn, tỷ lệ cho trái chỉ từ 20-30% nên nhiều hộ nản lòng, phá bỏ. “Gia đình tôi lúc đó trồng 1ha gấc. Thấy hiệu quả thấp, tôi đến nhiều nơi có trồng gấc và Viện Cây ăn quả miền Nam để tìm hiểu nguyên nhân và tìm cách khắc phục”.

Mỗi liếp, anh Trung trồng 2 hàng gấc và lắp 2 ống dẫn nước chạy song song để tưới mỗi ngày. Anh còn làm trụ bêtông, kéo dây cước làm giàn leo cho dây gấc. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch lần đầu khoảng 6 tháng. Mỗi năm, anh thu hoạch 23 tấn trái, bán giá thấp nhất 8.000 đồng/kg, cao nhất 28.000 đồng/kg nên thu nhập ổn định. Thấy hiệu quả, anh tiếp tục đầu tư thêm 0,8ha trồng gấc.

Bây giờ, trên địa bàn xã cũng có người làm theo mô hình trồng gấc và được anh tận tình hướng dẫn kỹ thuật. Ngoài ra, anh còn là đầu mối thu mua trái gấc để chuyển cho một cơ sở ở tỉnh Tây Ninh. Với ý chí của mình, anh Trung tìm tòi, học hỏi và thành công với cây gấc trên vùng Đồng Tháp Mười. Anh cũng là điển hình tiên tiến trong phong trào “Tuổi trẻ lập thân, lập nghiệp” ở huyện Thạnh Hóa nhiều năm nay./.

Phú Nhuận

Nghệ An: Lợi nhuận 60 - 80 triệu đồng/ha từ trồng sả

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Hiện nay trên địa bàn xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn (Nghệ An) có một số vùng đất cao cưỡng trồng lúa năng suất thấp, không mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, đặc biệt sản xuất lúa vụ Hè thu luôn thiếu nước nên có khi mất trắng. Để nâng cao thu nhập cho bà con nông dân trên những vùng đất này, chính quyền địa phương đã khuyến khích bà con nông dân chuyển đổi sang một số cây rau màu và cây dược liệu.

Sả thuộc loại cây dược liệu có nhiều công dụng chữa bệnh và là loại cây gia vị trong chế biến thức ăn. Những năm gần đây, cây sả được thị trường tiêu thụ khá mạnh. Nắm bắt được nhu cầu trên, năm 2019, nông dân xã Nam Xuân đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây sả, với quy mô gần 2ha.

Đến nay, mô hình đã thực sự mang lại hiệu quả, đồng thời đầu ra rất thuận lợi khi các thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 8.000 - 10.000 đồng/kg. Khi tiếp xúc, nông dân nơi đây phấn khởi chia sẻ: "Cây sả rất dễ trồng, dễ chăm sóc, thích nghi với điều kiện khô hạn, không bị dịch bệnh như các loại hoa màu, ít tốn công chăm sóc, chỉ cần làm cỏ, bón phân là thu hoạch, đặc biệt cây sả thích nghi với vùng đất tại địa phương". Đầu tư trồng 1 sào (500m2) sả, giá giống chỉ mất khoảng 300.000 đồng, phân bón rất ít, chăm sóc 3 - 4 tháng là đã bắt đầu cho thu hoạch. Với giá đầu ra ổn định, sau khi trừ chi phí sản xuất, người dân thu lãi từ 60- 80 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa.

Related image

Mô hình trồng sả tại xã Nam Xuân - Nam Đàn- Nghệ An

Thành công của mô hình là cơ sở để bà con xã Nam Xuân nói riêng và huyện Nam Đàn nói chung xây dựng cơ cấu chuyển đổi cây trồng hàng năm hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác. Từ đó phát huy thế mạnh sẵn có của vùng, đặc biệt là giảm được thiệt hại do sâu bệnh, thời tiết….

Trần Thị Hoài Phương - Trạm Khuyến nông Nam Đàn- Nghệ An

Phát triển cây ăn quả chất lượng cao: Hình thành vùng sản xuất hàng hóa

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Trên địa bàn thành phố Hà Nội đã, đang hình thành nhiều vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao. Trong đó, nhãn chín muộn của Hà Nội đã được xuất khẩu tới Australia, Malaysia, Mỹ…, mở ra hướng làm giàu cho nông dân. Tuy nhiên, do diện tích còn manh mún, nhiều nơi chưa chú trọng xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc nên sản phẩm chủ yếu bán cho thương lái, tiêu thụ trong nước. Vậy, đâu là giải pháp để hình thành những vùng cây ăn quả theo hướng hàng hóa chất lượng cao để có thể xuất khẩu?

Trồng bưởi Diễn ở huyện Chương Mỹ mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Ảnh: Quỳnh Dung

Hiệu quả kinh tế đã rõ

Là một trong những vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao của thành phố, huyện Chương Mỹ hiện có gần 600ha bưởi Diễn, tập trung tại 7 xã, thị trấn. Trong đó, nhiều nhất là xã Nam Phương Tiến với diện tích lên tới 150ha. Nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu từ loài cây đặc sản này. Ông Phùng Văn Hà ở thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) cho biết: Gia đình có 4,5ha trồng bưởi, với hơn 1.600 gốc bưởi Diễn đang cho thu hoạch, năng suất đạt 150 quả/cây, chất lượng tốt và đồng đều. Với giá bán tại vườn khoảng 25.000 đồng/quả, sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi năm, gia đình thu về gần 1,5 tỷ đồng tiền lãi.

Tương tự tại huyện Đan Phượng cũng đã xuất hiện một số mô hình trồng cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao, giúp người dân vươn lên thoát nghèo. Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với trồng cà phê của gia đình ông Phùng Văn Giáo ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng). Ngoài 2ha trồng cây cà phê, trang trại còn có 1,4ha trồng các loại cây ăn quả như: Cam Canh, cam Vinh, chanh đào,… Sản lượng quả đạt từ 15 đến 20 tấn/năm, cho thu nhập 1 tỷ đồng/ha/năm.

Một trong những yếu tố cơ bản để cây ăn quả của Hà Nội mang lại hiệu quả kinh tế cao là nông dân không chỉ có kinh nghiệm thâm canh mà còn biết ứng dụng tiến bộ khoa học. Đánh giá về việc phát triển cây ăn quả chất lượng cao của Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết: Hiện diện tích trồng cây ăn quả của thành phố vào khoảng 17.000ha với các loại cây chính là bưởi, cam, nhãn, chuối; còn lại là táo, đu đủ, hồng xiêm, vải, xoài… Đặc biệt, Hà Nội đã có 924,5ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao (chiếm 6,2% tổng diện tích cây ăn quả toàn thành phố), trong đó 634ha ứng dụng giống chất lượng cao, 372ha chuối ứng dụng công nghệ cao...

Để nâng cao giá trị sản phẩm, thành phố đã xây dựng được 12 nhãn hiệu cây ăn quả tập thể như: Bưởi tôm vàng Đan Phượng; bưởi đường Quế Dương, phật thủ Đắc Sở (Hoài Đức), cam Canh Kim An (Thanh Oai)... Qua đó, hiệu quả kinh tế từ việc trồng cây ăn quả đã được nâng cao như: Bưởi Diễn đạt 500-600 triệu đồng/ha/năm, cam Canh đạt 700-800 triệu đồng/ ha/năm, nhãn chín muộn đạt 250-300 triệu đồng/ha/năm...

Vẫn còn nhiều khó khăn

Hà Nội đã hình thành nhiều vùng cây ăn quả, nhưng quy mô diện tích còn nhỏ, sản xuất manh mún dẫn đến những khó khăn trong đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm. Theo ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa): Trồng cây ăn quả đòi hỏi kỹ thuật thâm canh, trong khi đó nông dân chủ yếu dựa vào kinh nghiệm hoặc đi học hỏi ở một số địa phương khác nên năng suất chưa cao.

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết: Người nông dân vẫn còn nhiều hạn chế trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất dẫn đến cùng một loại quả nhưng chất lượng lại khác nhau. Trong khi đó, việc quản lý và sản xuất giống cây ăn quả còn bất cập. Mặt khác, các địa phương cũng chưa chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các loại cây ăn quả để truy xuất nguồn gốc xuất xứ…, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khâu tiêu thụ sản phẩm.

Để các vùng trồng cây ăn quả phát huy hiệu quả tương xứng với tiềm năng hướng đến mục tiêu, năm 2020 Hà Nội sẽ có 1.384ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; đồng thời khuyến khích phát triển các vùng cây ăn quả theo hướng tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn của những thị trường kỹ tính (Mỹ, châu Âu...), Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Đặng Viết Xuân cho rằng: Thành phố cần tiếp tục hỗ trợ các địa phương xây dựng chỉ dẫn địa lý với một số loại cây ăn quả đặc sản (cam, bưởi, nhãn...). Thông tin về tình hình thị trường, dự báo sản lượng tiêu thụ cụ thể và hỗ trợ các huyện xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ...

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị cho cây ăn quả, các địa phương cần quy hoạch vùng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc sản trái cây của các địa phương. Cùng với đó, tăng cường tập huấn cho nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học nhằm tạo ra các sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm và xúc tiến thương mại cho sản phẩm trái cây để đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường…

Hà Nội có nhiều tiềm năng, nhưng để hình thành các vùng cây ăn quả tập trung theo hướng hàng hóa, các ngành chức năng cần tạo cơ chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Qua đó, từng bước tạo ra những sản phẩm trái cây có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và mở rộng xuất khẩu.

NGỌC QUỲNH

Trồng bình bát ghép mãng cầu gai trên đất ngập mặn

Nguồn tin: Báo Long An

Trồng bình bát ghép mãng cầu gai mang lại hiệu quả kinh tế cao

Diện tích đất sản xuất nằm ven sông, bị ngập mặn và nhiễm phèn nặng, không thể trồng các loại cây khác nên ông Ngô Văn Tráng, ngụ ấp 1, xã Tân Ân, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, lên liếp trồng thử nghiệm 1.000m2 cây bình bát ghép với cây mãng cầu gai. Cây phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Tráng cho biết: Cây bình bát trồng cách nhau 3,5m, sau 1 năm thì bắt đầu ghép với cây mãng cầu gai. Sau 2 năm, mãng cầu cho trái và thu hoạch với thời gian trên 5 năm thì đốn tỉa những cây năng suất kém để trồng lại. Cây bình bát ghép với mãng cầu gai tương đối dễ trồng, ít tốn công chăm sóc.

Bình quân, mỗi gốc mãng cầu, ông thu được khoảng 30kg trái, bán với giá khoảng 20.000 đồng/kg. Với 1.000m2, nông dân thu nhập gần 50 triệu đồng/năm. Đây là mô hình được ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo áp dụng đối với các vùng đất bị nhiễm phèn, ngập mặn vì chi phí đầu tư thấp, kỹ thuật chăm sóc đơn giản nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao./.

Kim Khánh

Nuôi côn trùng ‘đẻ trứng vàng’

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Chỉ cần tận dụng phụ phẩm rau, củ, quả, xác động vật…; những thứ bỏ đi của các phế phẩm là nuôi được loài côn trùng đẻ ra trứng đem về lợi nhuận tốt. Đó là ưu thế khi nuôi ruồi lính đen.

Các loài ruồi sống trong nhà đậu bám trên thức ăn, truyền một số bệnh trên người, nhưng với ruồi "lính đen" thì không như vậy. So với “ruồi nhà”, ruồi "lính đen" có kích thước lớn hơn gấp đôi, gấp ba lần so với ruồi thường. Chúng giống như những con ong ruồi nhỏ, điều đặc biệt là trứng của loài ruồi này có giá trị dinh dưỡng cao, dùng để làm thức ăn cho các loài thủy sản, hải sản…

Nhận thấy tiềm năng của con ruồi "lính đen" về giá trị kinh tế lại dễ chăm sóc, loài côn trùng này cũng góp phần tốt vào việc bảo vệ môi trường nên ông Huỳnh Việt Triều ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Biên (TX. Ngã Năm) đã phát triển mô hình nuôi ruồi "lính đen" tại hộ. Trước khi nuôi ruồi "lính đen", ông Triều đã nuôi con trùn quế, tiếp đến trồng cây nha đam và tận dụng nguồn nguyên liệu cây nha đam có sẵn làm nước ép cung cấp thị trường. Cùng thời điểm trên, nhà ông cũng nuôi gà, vịt nhưng thấy chi phí cao và ông nghiên cứu trên internet thấy trứng ruồi "lính đen" dùng cho các loài gia cầm ăn sẽ lớn rất nhanh nên ông quyết định nuôi ruồi "lính đen".

Ông Huỳnh Việt Triều ở xã Vĩnh Biên (TX. Ngã Năm) bên mùng nuôi ruồi lính đen sinh sản.

Ông Triều chia sẻ: “Để phát triển mô hình nuôi ruồi "lính đen", tôi tận dụng khu vực nuôi trùn quế trước đây để nuôi ruồi. Tôi mua 20kg trứng ruồi lính đen về, sau ấp trứng thu về số lượng bố mẹ tầm 40kg và vòng đời phát triển của ruồi khoảng 30 - 40 ngày. Thời gian ấp trứng ruồi giai đoạn ấu trùng được xem là thời kỳ đóng góp tốt nhất cho việc xử lý rác thải vì chúng có thể “tiêu thụ” hàng tấn phế phẩm để phát triển. Một tấn rau, củ, quả các loại, ruồi “xử lý” trong vòng 2 ngày cho ra 150kg nhộng ruồi và ấu trùng ăn liên tục ngày đêm không ngưng nghỉ, càng ăn chúng càng lớn nhanh. Tầm 12 ngày - 15 ngày, nhộng chuyển sang giai đoạn làm kén và trở thành ruồi trưởng thành, dòng đời của ruồi trưởng thành 7 ngày và chúng sinh sản liên tục trong 2 ngày”. Bưng thau chứa đầy nhộng ruồi "lính đen" đưa khách xem, ông Triều tiếp lời: "Nuôi ruồi "lính đen" không có rủi ro, bởi chúng phát triển mạnh ở nhiệt độ từ 280C đến 300C nên trong chuồng nuôi cần giữ cho nhiệt độ thích hợp giúp ruồi sinh sôi nảy nở tốt".

Khu vực nuôi ruồi "lính đen" tại hộ ông Triều được xây dựng khá bài bản và theo trật tự nhất định, phân ra nơi ấp trứng, nơi để nuôi nhộng và chỗ để ruồi bố mẹ sinh sản. Chỉ với 40kg ruồi bố mẹ ban đầu, qua 6 tháng nuôi, ông Triều vẫn duy trì tốt số lượng ban đầu và thu về 3kg trứng/tháng, giá bán trứng ruồi là 20 triệu đồng/kg. Riêng nhộng được phân làm 2 loại, nhộng bán giống có giá 150.000 đồng/kg, nhộng thương phẩm 30.000 đồng - 50.000 đồng/kg, số lượng trứng và nhộng ruồi "lính đen" được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Ông Triều cho biết thêm: “Diện tích nuôi ruồi "lính đen" bố mẹ không cần lớn, chỉ cần 6m2 là nuôi số lượng ruồi 10kg. Cái hay của nuôi ruồi "lính đen" không tốn nhiều chi phí đầu tư ban đầu cũng như diện tích nuôi, chỉ cần bỏ số tiền 1,5 triệu đồng đầu tư sẽ cho lợi nhuận cao. Nếu ai có nuôi chim yến, ruồi "lính đen" được xem là đối tượng dẫn dụ chim yến rất hay, vì chim yến rất thích ăn ruồi "lính đen" trưởng thành. Cái hay nữa của ruồi "lính đen" trong quá trình nuôi, tôi nhận thấy và rất yên tâm bởi ruồi không thể thành dịch vì sinh sản xong ruồi chết liền. Ruồi sống trong môi trường cực dơ, người nuôi không cần vệ sinh chuồng trại, chỉ cần giữ độ ẩm chuồng nuôi tốt là đảm bảo đàn ruồi sinh sôi cực nhanh. Hướng tới, tôi tiếp tục nghiên cứu tăng số lượng đàn ruồi và cải tạo hệ thống chuồng trại, học hỏi thêm kinh nghiệm sản xuất bằng việc ứng dụng công nghệ cao để cho ra sản phẩm nhộng ruồi "lính đen" chất lượng tốt hơn nữa phục vụ chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập”.

Trưởng Phòng Kinh tế TX. Ngã Năm Hồng Minh Nhật cho biết: “Con ruồi "lính đen" được nuôi tại hộ ông Triều được xem là đối tượng nuôi mới trên địa bàn thị xã, dù mô hình mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng đem về nguồn kinh tế tốt. Đồng thời, mô hình nuôi ruồi "lính đen" cho thấy hiệu quả về tận dụng phế phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao sản xuất trong chăn nuôi và bảo vệ môi trường. Tới đây, đơn vị sẽ nghiên cứu để có những giải pháp nhân rộng mô hình, góp phần xử lý tốt nguồn rác thải trong sinh hoạt…”.

Thúy Liễu

Nuôi thỏ tiêu chuẩn Nhật Bản cho hiệu quả kinh tế cao ở Lai Châu

Nguồn tin: VOV

Với đầu ra ổn định, mô hình nuôi thỏ để chiết xuất vacxin đang là hướng đi mới giúp đồng bào các dân tộc vùng cao Lai Châu thoát nghèo bền vững.

Người dân vùng cao Lai Châu trước đây vốn quen với việc nuôi thỏ thương phẩm và hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Thế nhưng, hai năm trở lại đây mô hình nuôi thỏ để chiết xuất vacxin theo tiêu chuẩn kỹ thuật Nhật Bản bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi thỏ để chiết xuất vacxin đang là hướng đi mới giúp đồng bào các dân tộc vùng cao Lai Châu thoát nghèo bền vững.

Năm 2018, được sự giới thiệu của chính quyền địa phương, Công ty dược phẩm Nip Ponzoki của Nhật Bản đã tới trang trại của anh Nguyễn Quang Thành, ở bản Nà Phát, xã Nậm Cần, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu để tìm hiểu và ký hợp đồng hợp tác.

Đây là mô hình nuôi thỏ chiết xuất vacxin đầu tiên tại địa phương và khi tham gia dự án này, các hộ nuôi thỏ như anh Thành sẽ được hỗ trợ về con giống, thức ăn, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ đầu ra cho sản phẩm.

Anh Nguyễn Quang Thành vui mừng cho biết: Với nguồn thức ăn chủ yếu từ lá cây tự nhiên thì địa phương luôn sẵn có. Việc nuôi thỏ cũng đã từng được hộ gia đình anh và bà con trong bản nuôi nên khi tiếp cận với mô hình này cũng không gặp mấy khó khăn. Sau khi được các chuyên gia chuyển giao kỹ thuật nuôi, bà con tiếp cận rất nhanh và bắt tay ngay vào thực hiện.

Từ 400 con thỏ giống ban đầu, đến nay đàn thỏ của nhóm hộ đã phát triển lên tới gần 2.000 con và khi bán để chiết xuất vacxin mỗi con đã cho thu lãi 2 - 2,5 triệu đồng.

"Trước tôi nuôi thử nghiệm từ năm 2017, con mẹ một năm cho thu khoảng 2 - 2,2 triệu đồng tiền lãi. Năm 2018 tôi bắt đầu mở rộng mô hình. Đến năm 2019, được sự quan tâm của chính quyền địa phương, lãnh đạo cấp huyện đã hỗ trợ được 800 con giống cho các hộ và nhóm hộ. Tôi mới nuôi đến tháng thứ 3 từ 400 con mẹ, nay đã được 1.100 con", anh Thành chia sẻ.

Hiện nay, trên địa bàn xã Nậm Cần có 2 nhóm hộ thực hiện mô hình nuôi thỏ theo tiêu chuẩn kỹ thuật Nhật Bản và toàn bộ số thỏ nuôi được đều đã được xuất khẩu sang Nhật Bản để nghiên cứu và chiết xuất ra vacxin phục vụ y học.

Do thỏ được nuôi để chiết xuất vacxin nên yêu cầu kỹ thuật và thức ăn nuôi hàng ngày cũng rất cao. Ngoài một số cám do nhà đầu tư cung cấp, các hộ nuôi phải thay nhau vào rừng lấy lá cây, trong đó có nhiều loại cây thảo dược mang về cho thỏ ăn. Ngoài ra, chuồng trại nuôi phải luôn được vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt nước uống cũng phải là nước sạch, đảm bảo vệ sinh.

Ông Nguyễn Hữu Thức, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cần, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết: Do không phải lo đầu ra cho sản phẩm, lại có thu lãi cao nên bà con rất hào hứng nhận nuôi. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn vay thêm vốn để đầu tư mở rộng chuồng trại, tăng số lượng đàn thỏ.

Mô hình này tuy mới, nhưng được doanh nghiệp hỗ trợ con giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm nên bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế rất khả quan cho bà con. Hiện có nhiều hộ chăn nuôi khác trong xã, trong vùng cũng đã tìm về thăm quan, học hỏi kỹ thuật nuôi thỏ từ mô hình này.

Mặc dù mới phát triển, nhưng mô hình chăn nuôi thỏ chiết xuất vacxin theo tiêu chuẩn kỹ thuật Nhật Bản đã cho thấy hiệu quả bước đầu nhờ bà con áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết thu mua.

Việc liên kết nhóm hộ, cùng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, doanh nghiệp đã tạo nên chuỗi liên kết bền vững trong chăn nuôi, giúp bà con ở địa phương tăng thu nhập, vươn lên làm giàu ngay trên đồng đất quê hương mình./.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop