Tin nông nghiệp ngày 31 tháng 8 năm 2019

Trang chủ»Tin tức»Tin nông nghiệp ngày 31 tháng 8 năm 2019

Ngành nông nghiệp trước cơ hội từ EVFTA: Sản xuất theo chuỗi giá trị

Nguồn tin:  Báo Công Thương

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào năm 2020 được đánh giá không chỉ mở ra cánh cửa lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam, mà còn là động lực thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam tái cơ cấu.

Lợi ích lớn

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đánh giá, Hiệp định EVFTA có vai trò đặc biệt trong việc gia tăng vị thế cạnh tranh của nông, lâm, thủy sản Việt Nam trên toàn cầu. Bởi thị trường EU lớn nên các sản phẩm nông nghiệp sẽ có nhiều cơ hội gia tăng sản lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu khi hiệp định được áp dụng.

Bà Phạm Thị Hồng Hạnh - Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) - chỉ rõ, các mặt hàng chính như thủy sản, rau quả, gỗ… sẽ được giảm thuế về 0%. Trong đó, EU sẽ xóa bỏ ngay 50% số dòng thuế cho thủy sản, 50% số dòng thuế còn lại sẽ có lộ trình cắt giảm từ 3 - 7 năm; rau quả sẽ có 520/556 dòng thuế về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực; cà phê, hạt tiêu có 93% dòng sản phẩm về 0% khi hiệp định có hiệu lực…

Cà phê Việt Nam cần đầu tư chiều sâu để vươn tới các thị trường xa

Lợi ích là rất lớn, nhưng ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam - băn khoăn, sẽ rất khó để ngành cà phê được hưởng lợi vì hiện nay chúng ta chủ yếu xuất thô. Trong khi đó chỉ có cà phê hòa tan mới được lợi khi áp thuế suất 0% ở EU và ngành cà phê Việt mới chỉ có 10% là chế biến sâu.

Thậm chí với ngành gạo, EU chỉ mở hạn ngạch cấp quota 80.000 tấn/năm và để xuất khẩu được thì ngành gạo cũng phải bảo đảm nhiều tiêu chuẩn vô cùng khắt khe của thị trường này. Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho biết, thị trường EU đòi hỏi gạo chất lượng cao, gạo sạch, đồng thời thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch được cấp phép rất cao. Ông Bình dẫn chứng, gạo Việt vào EU hiện chịu mức thuế 5 - 45% (có một số nước trong khối đánh thuế đến 100%). Vì thế, tới đây, khi thuế suất bằng 0%, Việt Nam cần tận dụng tốt và xuất khẩu hết hạn ngạch 80.000 tấn mà EU đã cấp.

Nhưng đừng để lỡ cơ hội

Để tận dụng Hiệp định EVFTA, khai thác thị trường rộng lớn này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, cùng với sự vào cuộc từ Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ DN nắm bắt thông tin, lợi thế để thực hiện chiến lược hoạt động thì bản thân DN cũng phải vào cuộc. Lý do, cắt giảm thuế quan là điều kiện cần nhưng vấn đề còn lại là câu chuyện của doanh nghiệp, thị trường.

Kinh nghiệm điều hành một DN xuất khẩu “tỷ đô” nhiều năm nay, ông Đỗ Hà Nam khẳng định, EVFTA bắt buộc DN ngành cà phê phải đầu tư chiều sâu, chế biến cà phê hòa tan. Từ đó mới đáp ứng đúng nhu cầu tiêu thụ của thị trường và hưởng lợi khi thuế suất giảm về 0%.

Tương tự với ngành hàng rau, củ, quả, rất nhiều DN lớn như Lavifood, Vinamit… đã mạnh tay đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn để có sản phẩm chất lượng cho xuất khẩu.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT)- cho biết, Bộ đã định hướng phát triển và quản lý sản xuất theo chuỗi giá trị, kiểm soát chặt chẽ sử dụng hóa chất trong sản xuất. Quản lý chất lượng theo chuỗi, nguồn gốc xuất xứ, mã vùng sản xuất, chỉ dẫn địa lý, chứng chỉ bền vững. Xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng hài hòa hóa quy định phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và thiết lập hệ thống các cơ sở khách hàng để xây dựng và phản biện các biện pháp các nước áp dụng.

Bộ NN&PTNT đã và đang tập trung chỉ đạo triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 1819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Thùy Dương

Thúc đẩy tiềm năng phân bón hữu cơ

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

Tính đến tháng 6/2019, số lượng phân bón hữu cơ được công nhận lưu hành ở Việt Nam là 2.487 sản phẩm, tăng 3,5 lần so thời điểm tháng 12/2017.

Phân bón hữu cơ tạo tiền đề cho nền sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, hiệu quả và bền vững - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Việt Nam có tiềm năng sản xuất phân bón hữu cơ rất lớn, với nhiều lợi thế về nguồn nguyên liệu, đặc biệt là phế phụ phẩm trong nông nghiệp. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu về sản xuất, tiêu thụ phân bón hữu cơ trong nước đạt 3 triệu tấn và xuất khẩu 0,5 triệu tấn vào năm 2020, cần đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, vừa bảo đảm an ninh lương thực, vừa nâng cao chất lượng nông sản, đồng thời phục hồi dần hệ sinh thái bị ảnh hưởng bởi lạm dụng phân bón hoá học, tiến tới xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao, hiệu quả và bền vững.

Ngày 28/8 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị “Thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ”.

Tính đến tháng 6/2019, số lượng phân bón hữu cơ được công nhận lưu hành ở Việt Nam là 2.487 sản phẩm, tăng lên 3,5 lần so thời điểm tháng 12/2017, tăng nhanh hơn so với số lượng phân bón vô cơ được công nhận ở cùng thời điểm. Cả nước có 265 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm 31,6% trong 838 nhà máy sản xuất phân bón và tăng gần 1,47 lần so với số lượng 180 nhà máy năm 2017.

Sản xuất phân bón hữu cơ tại nông hộ cũng phát triển nhanh chóng trong thời gian gần đây. Một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Quế Lâm, Tập đoàn Lộc Trời, Tổng công ty Sông Gianh... đã hợp tác với nhiều địa phương trên cả nước để đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong đó chuyển giao cho các hộ nông dân quy trình tái sử dụng phụ phẩm trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày làm phân bón hữu cơ tại chỗ.

Nhiều nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ được đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, quy mô lớn, cho phép tạo ra các loại phân bón hữu cơ chất lượng tốt, ổn định, sử dụng hiệu quả hơn các nguồn nguyên liệu sẵn có như chất thải hữu cơ từ chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, công nghiệp chế biến, rác thải sinh hoạt và các chất hữu cơ trong tự nhiên (rong biển, tảo biển...). Do vậy, công suất của các nhà máy và sản lượng phân bón hữu cơ sản xuất ra đã tăng lên rõ rệt, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1,19 triệu tấn.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, đây là sự nỗ lực, chuyển biến rất lớn trong tư duy, nhận thức và xu hướng sản xuất trong nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, số lượng và sản phẩm phân bón hữu cơ nhìn chung vẫn còn khiêm tốn so với phân bón vô cơ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tương lai nền nông nghiệp Việt Nam sẽ từng bước chuyển đổi theo hướng chất lượng, giá trị gia tăng cao theo chuỗi bền vững, từng bước hạn chế chạy theo số lượng và xuất khẩu thô nên vai trò của ngành nông nghiệp hữu cơ, vai trò của phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ sinh học đóng vai trò then chốt.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Công tác quản lý nhà nước về phân bón ngày càng được củng cố với hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, chính sách nhà nước về phát triển phân bón hữu cơ đã được cụ thể hóa tại Điều 4 Luật Trồng trọt năm 2018 (bắt đầu có hiệu lực từ 01/02/2020), các tiêu chuẩn (TCVN), quy chuẩn (QCVN) để kiểm soát chất lượng phân hữu cơ đang được hoàn thiện về số lượng và chất lượng như TCVN về phân bón hữu cơ, hữu cơ sinh học và vi sinh vật, quy chuẩn quốc gia về chất lượng phân bón, kiểm soát các phòng thử nghiệm, khảo nghiệm phân bón... Tuy nhiên, hiện chưa có hành lang pháp lý cho việc công nhận phòng thử nghiệm kiểm chứng, thiếu các kết quả nghiên cứu về hiệu suất sử dụng phân bón, thất thoát dinh dưỡng..., điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả quản lý.

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung đưa ra một số đề xuất và giải pháp để thúc đẩy sản xuất, sử dụng và nâng cao chất lượng phân bón hữu cơ, như hoàn thiện cơ chế chính sách theo hướng ưu tiên, hỗ trợ tối đa cho phát triển phân bón hữu cơ. Nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm phân bón hữu cơ mới đáp ứng được các tiêu chí hiệu quả cao, tác dụng nhanh, thân thiện với môi trường, cải tạo và bảo vệ tài nguyên đất. Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, tuân thủ các quy định về quản lý phân bón trong tất cả các khâu từ khảo nghiệm, sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón. Phối hợp với các cơ quan đoàn thể liên quan đẩy mạnh công tác tập huấn, truyền thông. Phối hợp với các doanh nghiệp tham gia thực hiện mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết ...

Cùng với đó, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật cho biết sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phân bón hữu cơ, tham gia tích cực vào thị trường phân bón hữu cơ quốc tế. Thực hiện hợp tác công tư (PPP) và xây dựng chuỗi liên kết theo hướng tăng cường hợp tác với sự tham gia của doanh nghiệp, nhà nước và người dân cùng phối hợp thực hiện sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, mở rộng quy mô sản xuất, hỗ trợ tích cực cho nông dân về vốn, kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp sạch, gia tăng giá trị nông sản và lợi ích cho người nông dân.

Cục Bảo vệ thực vật cũng sẽ phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón và tổ chức nước ngoài xây dựng mô hình quản lý dinh dưỡng, sử dụng phân bón hợp lý.

Đỗ Hương

ĐBSCL: Chuyển hướng sản xuất theo kinh tế nông nghiệp

Nguồn tin:  Sài Gòn Giải Phóng

Sản xuất và xuất khẩu nông sản là thế mạnh của vùng ĐBSCL, tuy nhiên thực trạng rớt giá, khó tiêu thụ vẫn thường xuyên xảy ra, trong đó nông dân là người thiệt hại nhiều nhất. Theo các nhà chuyên môn, đã đến lúc phải thay đổi tư duy sản xuất, hướng đến các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất thích ứng với kinh tế thị trường nhằm gia tăng giá trị…

Hiệu quả từ cách làm mới

Sáng 29-8, chúng tôi tìm đến khu đất 30.000 m2 nằm ven sông Tiền, ở xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) trước đây trồng lúa, trồng hoa màu… hàng năm lợi nhuận thu không cao. Hiện nay khu đất này đã trở thành nông trại sản xuất công nghệ cao rất triển vọng.

Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Nông trại Ecofarm Thanh Bình cho biết: “Năm 2015, được sự hỗ trợ của các ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp, chúng tôi mạnh dạn khởi động mô hình nông trại công nghiệp cao bằng việc qui hoạch lại khu đất từ riêng lẻ sang sản xuất tập trung qui mô lớn; đầu tư nhà kính hiện đại, nhập khẩu từ Israel với hệ thống tưới tiêu và lưới cắt nắng vận hành tự động. Nông trại áp dụng nhà màng để trồng dưa lê, dưa lưới và các loại hoa cảnh. Bình quân 1.000m2 trồng được từ 2.600 - 2.800 cây dưa, sau 65 ngày chăm sóc sẽ cho thu hoạch; trọng lượng từ 1-1,3 kg/trái. Dưa được cung cấp cho thị trường nội địa và các siêu thị với giá từ 45.000- 100.000 đồng/kg, sản lượng không đủ bán. Ngoài giá cao, cái lợi của sản xuất trong nhà kính là bình quân 1 năm canh tác tới 5 vụ, giúp nguồn thu tăng đáng kể”. Theo ông Sơn, tới đây Ecofarm phát triển mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm. Như vậy, so với canh tác thông thường trước đây, thì nông trại công nghệ cao hiện nay mang lại hiệu quả gấp nhiều lần. Đây cũng là hướng đi của sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Mô hình sản xuất dưa lê trong nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế cao

Ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang nhìn nhận: “Năm 2016 hạn mặn dữ dội khiến cho Kiên Giang thiệt hại khoảng 35.000 ha lúa. Điều này cho thấy sản xuất nông nghiệp phải nhanh chóng thay đổi để thích ứng với thị trường và ứng phó phù hợp với biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Cùng với điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, bố trí cây trồng hợp lý, thì cần qui tụ nông dân lại để phát triển các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị”.

Lãnh đạo HTX Rạch Lọp, xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh) bộc bạch: “Chỉ hơn 2 năm chuyển đổi cách làm mới đã đem lại kết quả tích cực. Nếu như trước đây 1.700 ha đất nông nghiệp ở xã sản xuất dạng manh mún nên hiệu quả thấp và thường bị thương lái ép giá. Thấy được những hạn chế này, nên ngành chức năng vận động nông dân vào HTX tổ chức lại sản xuất qui mô lớn, theo thị trường, có hợp đồng liên kết với nhà máy cung ứng vật tư, đơn vị tiêu thụ. Nhờ đó, chi phí giá thành đã giảm 10-15%, giá bán lúa tăng từ 100- 150 đồng/kg”.

Cần qui tụ nông dân vào HTX để sản xuất qui mô lớn có liên kết đầu ra với doanh nghiệp

Lan tỏa tư duy kinh tế nông nghiệp

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp khẳng định: “Đồng Tháp phát triển nông nghiệp trên nền tảng thích ứng với biến đổi khí hậu. Thay vì vận hành nông nghiệp theo "tư duy sản xuất" lâu nay, thì giờ đây phát triển nông nghiệp theo "tư duy kinh tế", với mục tiêu "giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tăng sản phẩm chế biến". Nông nghiệp phải là đầu vào của chuỗi ngành hàng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nhằm tạo ra giá trị gia tăng thông qua thay đổi chất lượng giống, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là thành tựu của nông nghiệp 4.0 vào quy trình sản xuất; nâng cao sản phẩm chế biến tinh từ các loại nông sản. Ngoài ra, phát huy giá trị của du lịch nông nghiệp để tăng thu nhập cho nông dân và tạo dựng hình ảnh một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp trách nhiệm, nông nghiệp bền vững môi trường. Tới đây, công nghiệp và du lịch sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho nông nghiệp; từ đó cơ cấu lại nguồn nhân lực nông thôn. Đây cũng là cách làm nông nghiệp bằng tư duy kinh tế, theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu”.

Các tỉnh ĐBSCL cần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang tư duy sản xuất kinh tế nông nghiệp

Đồng tình quan điểm trên, theo tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), vấn đề cấp bách hiện nay là thay đổi tư duy phát triển. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường; chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với kinh tế nông nghiệp. “Các sản phẩm nông nghiệp không chỉ để bảo đảm an ninh lương thực mà còn có giá trị dinh dưỡng cao, phục vụ sức khỏe và phòng chữa bệnh; từ đó tạo nên những thương hiệu nổi tiếng…”, tiến sĩ Lê Anh Tuấn đề xuất.

Các tỉnh ĐBSCL cần nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp

Bà Lê Thị Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho hay, gần đây tỉnh đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn; lấy người dân làm trọng tâm, góp phần nâng cao sinh kế và nâng mức sống của người dân nông thôn, từng bước tiếp cận mức sống đô thị. Kiên Giang đã thực hiện phân vùng sản xuất theo từng tiểu vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn; chủ động dần trong từng khâu sản xuất giống, thâm canh, chế biến, bảo quản và phân phối sản phẩm nông sản tạo chuỗi khép kín; từng bước thay đổi tư duy sản xuất từ nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp...

Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: “Để phát triển nông nghiệp bền vững cần thực hiện “tri thức hóa nông dân”, nhằm làm thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp. Đây là vấn đề quan trọng, thích ứng với yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Đồng thời, cũng là giải pháp căn cơ đưa các sản phẩm nông sản đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Tới đây tỉnh sẽ tập huấn nâng cao kiến thức và tư duy làm kinh tế nông nghiệp cho nông dân về quy luật cung cầu, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phát triển bền vững…”.

HUỲNH LỢI

Vũng Liêm (Vĩnh Long): Phát triển vùng cây ăn trái chủ lực và tiềm năng theo hướng VietGAP

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Cùng với lúa chất lượng cao, thì bưởi da xanh, sầu riêng, xoài, cam sành là các loại cây trái chủ lực và tiềm năng ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long đồng thời tham gia vào cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, cây bưởi da xanh cho trái quanh năm là 848ha/1.459ha; sầu riêng cho trái 653/1.074ha nhưng đã cuối vụ, nhà vườn cải tạo chuẩn bị vụ mới; xoài cho trái 651/1.100ha, giai đoạn trái non; cam sành cho trái 632ha/989ha.

Cây cam sành gia tăng diện tích thời gian qua và chiếm đa số là cam sành trồng trên đất ruộng (952ha), cam vườn (37ha). Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm cho biết, sẽ có hội thảo về canh tác cây cam sành.

Bên cạnh đó, ngành chức năng và các địa phương tiếp tục thực hiện, chăm sóc các mô hình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; kết hợp ngành nông nghiệp tỉnh triển khai các dự án trồng cây ăn trái năm 2019 như bưởi da xanh (35ha), sầu riêng (10ha), cam sành đất ruộng (50ha)... theo hướng VietGAP, góp phần gia tăng giá trị nông sản địa phương.

MINH THÁI

Thận trọng khi mở rộng diện tích trồng chuối

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Những năm gần đây, do thị trường tiêu thụ không ổn định nên giá chuối tại Lào Cai nói chung và ở huyện Mường Khương nói riêng có nhiều biến động. Chưa chủ động được thị trường tiêu thụ, ngành nông nghiệp Mường Khương khuyến cáo người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích mà tập trung chăm sóc, nâng cao chất lượng và đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm trên diện tích hiện có.

Mặc dù năm 2018 và đầu năm 2019 là giai đoạn đáng buồn với người trồng dứa tại Mường Khương vì “được mùa, mất giá”, nhưng cây chuối lại mang lại niềm vui cho nông dân bởi không chỉ được mùa mà giá bán còn tăng. Có thời điểm, giá chuối được các thương lái đến tận vườn thu mua từ 12.000 đến 15.000 đồng/kg. Đây là mức khá cao so với những năm trước, gấp 6 - 7 lần so với vụ chuối năm 2017 (có thời điểm giá chuối chỉ đạt 2.000 đồng/kg).

Nông dân xã Bản Lầu thu hoạch chuối.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Mường Khương, tổng diện tích chuối trên địa bàn năm 2019 đạt 1.340 ha, dù đây không phải loại cây trồng có trong quy hoạch và cũng không được khuyến khích mở rộng. Thế nhưng, chuối được đánh giá là loại cây trồng “dễ tính”, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật cũng như điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nên được nhiều hộ đầu tư, chuyển đổi. Ban đầu, cây chuối được người dân các thôn biên giới xã Bản Lầu và xã Nậm Chảy học hỏi kinh nghiệm từ việc lao động tại Trung Quốc và trồng tự phát. Thấy hiệu quả kinh tế cao nên người dân các thôn, xã lân cận ồ ạt mở rộng diện tích. Đến nay, cây chuối được trồng nhiều tại các xã: Bản Lầu, Nậm Chảy, Bản Xen, Lùng Vai, Thanh Bình. Những năm đầu giá chuối khá cao, có thời điểm người trồng chuối “thắng đậm” khi chuối được thu mua với giá lên đến 7 nhân dân tệ/kg (hơn 20.000 đồng/kg). Ngay sau đó, “cơn sốt” trồng chuối bắt đầu, thế rồi sau đó giá chuối xuống thấp, thậm chí không có thương lái thu mua nên người dân đành đổ bỏ, ôm lỗ lớn. Vì thị trường thiếu ổn định nên cây chuối không được khuyến khích mở rộng diện tích nhưng diện tích chuối vẫn liên tục tăng. Chỉ tính riêng năm 2019, diện tích chuối toàn huyện đã tăng gần 300 ha so với năm 2018.

Tại xã Thanh Bình, cây chuối mới chỉ được người dân trồng từ năm 2018 với khoảng 50 ha. Đến năm 2019, diện tích trồng chuối đã tăng lên 100 ha. Khá cẩn trọng, người dân Thanh Bình sản xuất theo hình thức liên kết: Đầu mối là người dân trong xã, liên kết với đơn vị thu mua phía Trung Quốc theo hình thức đơn vị thu mua cung ứng vật tư đầu vào như giống, một phần phân bón và hướng dẫn kỹ thuật; chi phí đầu tư được trừ vào cuối vụ, sau khi thu hoạch chuối. Như vậy, trong trường hợp có rủi ro xảy ra như giá bán xuống thấp, người dân sẽ không chịu quá nhiều thiệt hại.

Người dân xã Nậm Chảy chăm sóc chuối.

Ông Ma Seo Mậu, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình cho biết: Xã đang đánh giá lại hiệu quả kinh tế của cây chuối. Tuy nhiên, xã không khuyến khích người dân mở rộng diện tích. Khi trồng chuối, người dân cần trồng tập trung thành từng khu, nên có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ để hạn chế rủi ro.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: Về chủ trương, huyện không khuyến khích mở rộng diện tích chuối mà tập trung vào việc đẩy mạnh liên kết, sản xuất theo đơn đặt hàng. Nhu cầu về sản phẩm từ chuối ở thị trường nước ngoài là rất lớn, đặc biệt là các nước xứ lạnh. Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu chuối sang nước ngoài, sản phẩm chuối phải được sản xuất theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, được cấp mã số vùng trồng. Ngành nông nghiệp cũng như chính quyền địa phương đang nỗ lực kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất cũng như tiêu thụ, xuất khẩu chuối để hướng tới sản xuất ổn định và bền vững.

THÚY PHƯỢNG

Hiệu quả từ mô hình trồng xen canh

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Năm 2017, anh Nguyễn Quốc Hội, ấp Thới Hòa B, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ đã mạnh dạn chuyển đổi 14 công đất ruộng lên vườn và cải tạo vườn nhãn kém hiệu quả để đầu tư phát triển mô hình trồng sầu riêng xen canh cam xoàn và hạnh. Đến nay, vườn hạnh đã cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/ tháng. Nhờ đó, anh Hội đã có tiền đầu tư, mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc vườn sầu riêng và cam xoàn.

Theo kế hoạch, sau khi sầu riêng cho trái, anh Hội sẽ đốn bỏ hạnh và cam xoàn để hình thành vườn chuyên canh sầu riêng.

Theo anh Hội, hạnh là loại cây dễ trồng, cho thu hoạch sớm và ít tốn phân bón nên chi phí đầu tư thấp, chủ yếu định kỳ phun thuốc phòng trừ các loại rệp sáp và cung cấp đủ lượng nước cho cây. Ưu điểm của trái hạnh là có mùi thơm đặc trưng, được thị trường ưa chuộng, đầu ra ổn định. Anh Hội phân tích: “Hạnh được xem là loại cây trồng xen canh có hiệu quả vì thời gian trồng khoảng 6 tháng là cho thu hoạch. Trong khi đó, trồng sầu riêng mất đến 5 năm mới có thu nhập. Cũng nhờ trồng xen hạnh, tôi không phải lo tiền phân, thuốc chăm sóc 14 công sầu riêng mà còn dư để gia đình trang trải, sinh hoạt hằng ngày”.

Tham quan nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và xác định phương pháp trồng xen canh lấy ngắn nuôi dài, anh Hội quyết định chọn trồng giống sầu riêng Monthong kết hợp với cam xoàn và hạnh. Theo anh Hội, thời gian đầu trồng, hạnh thường xuyên rụng lá non, chậm phát triển. Không nản lòng trước những khó khăn, anh tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây có múi, đồng thời tìm hiểu thêm về kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho cây có múi qua báo, đài, mạng internet. Anh Hội chia sẻ: “Giai đoạn hạnh ra đọt non rất dễ bị bệnh và côn trùng phá hại nên phải phun thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ đọt. Đồng thời, cần bón thêm phân cho cây tươi tốt kháng được sâu, bệnh”. Để hạnh cho trái to, bán được giá cao, người trồng phải bón thúc phân từ lúc cây mới ra hoa, thường xuyên bồi đất cho rễ cây phát triển. Đồng thời thường xuyên tỉa những cành kém hiệu quả giúp cây tăng khả quang hợp ánh sáng. Điều quan trọng là người trồng phải xử lý phân và phun thuốc để hạnh cho trái nghịch vụ bán được giá cao. Theo anh Hội, một số sâu, bệnh cây thường gặp ở cây hạnh là thán thư, rệp sáp. Đây là nguyên nhân chính làm cho hạnh rụng lá, hoa và trái non. Để phòng và trị bệnh hiệu quả, người trồng cần cắt tỉa và tiêu hủy các lá, cành bị bệnh kết hợp với phun thuốc bảo vệ thực vật khi thấy bệnh, côn trùng có hại xuất hiện.

Với 14 công vườn, anh Hội trồng 250 gốc sầu riêng, trong đó khoảng 7 công xen canh 1.500 gốc hạnh và phần còn lại trồng xen 800 gốc cam xoàn. Đến nay, sầu riêng phát triển xanh tốt và cam xoàn đang chuẩn bị xử lý cho trái. Riêng hạnh đã cho thu hoạch gần 2 năm qua và năng suất khoảng 1 tấn/tháng. Tùy vào thời điểm, hạnh có giá bán dao động từ 8.000 đồng/kg - 17.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí chăm sóc, trung bình mỗi tháng anh Hội có lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng.

Bài, ảnh: KHẮC VIỆT

Hậu Giang: Khóm sạch của nông dân Phương Thạnh

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Muốn có nông sản sạch, an toàn và tạo lòng tin với khách hàng, nhiều năm nay, nông dân xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang ngày càng nâng cao ý thức trong sản xuất, tạo nguồn nông sản chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng.

Tổ viên Tổ hợp tác Nông nghiệp công nghệ cao Westfood Bửu Long chăm sóc rẫy khóm.

Từ khi cây mía không còn cho lợi nhuận cao, gia đình ông Nguyễn Văn Sĩ, ở ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình, đã thử nghiệm chuyển đổi nhiều loại cây trồng khác nhau, trong đó, ông cải tạo gần công đất thử nghiệm trồng khóm Queen.

“Sau đợt khóm Queen có hiệu quả, tôi bắt đầu liên kết với công ty cung ứng giống và thu mua khóm trái. Từ đó đến nay, gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất mía sang trồng khóm”, ông Sĩ cho biết.

Theo ông Sĩ, có thời gian, người trồng khóm Queen ở đây khi bán trái phải chở xuống tận vựa ở Vị Thanh. Lúc có công ty đến ngõ ý hợp tác với nông dân trồng khóm nguyên liệu MD2 cho đơn vị xuất khẩu, ông khá băn khoăn. Sau vài lần người của công ty tới lui động viên, ông đã cùng các hộ dân trong ấp quyết định hợp đồng làm ăn với công ty (năm 2017 đến nay).

Hiện tại, gia đình ông Sĩ trồng 4,5ha khóm MD2 - giống khóm do công ty cung cấp. “Qua đợt thu hoạch trái đầu tiên, trừ chi phí, tôi lời hơn 10 triệu đồng/công. Từ nay đến cuối đợt, tôi còn thu hoạch thêm 2 lần trái và nhiều lần chồi con, tính ra lợi nhuận cao lắm”, ông Sĩ nói.

Để có được hợp đồng làm ăn lâu dài với công ty, gia đình ông Sĩ phải cam kết sản xuất theo tiêu chuẩn sản phẩm sạch, an toàn với người tiêu dùng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.

“Trồng khóm này chúng tôi phải dùng màng phủ để hạn chế cỏ. Ngoài ra, nông dân tuyệt đối không được tự ý sử dụng bất kỳ loại phân, thuốc hóa học nào khác ngoài chỉ định của công ty. Thời điểm nào cần bón phân, phun thuốc, đều có cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn chi tiết về liều lượng, thời gian cách ly… Mục đích là để tạo ra trái khóm đạt chất lượng an toàn cho người tiêu dùng”, ông Sĩ tiết lộ.

Hiện nay, toàn ấp này có trên 30 hộ dân chuyển đổi trồng khóm MD2. Tại đây đã thành lập Tổ hợp tác Nông nghiệp công nghệ cao Westfood Bửu Long, do ông Sĩ làm tổ trưởng. Tổ hợp tác có 31 thành viên, tổng diện tích khóm của tổ trên 30ha.

Ông Trần Hoài Phương, cùng ở ấp Phương Thạnh, chia sẻ: “Trồng khóm này nông dân được ký hợp đồng bao tiêu nên khỏe lo đầu ra, lợi nhuận cầm chắc vài chục triệu/công/đợt trồng. Bên cạnh đó, để trái khóm được thu mua thì mình phải tuân thủ nghiêm quy định của công ty tiêu thụ; phải đảm bảo chất lượng trái khóm đạt chuẩn an toàn thực phẩm mới được mua”.

Theo ông Sĩ, từ khi trồng khóm đến nay đã giúp nông dân nơi đây thay đổi tập quán sản xuất cũ. Người dân từ bỏ thói quen bón phân, xịt thuốc tùy tiện khi chưa thực sự cần thiết. Thay vào đó, bà con ngày càng ý thức hơn trong sản xuất nông sản sạch, bảo vệ sức khỏe người dùng và quan trọng hơn đó là bảo vệ sức khỏe cho chính mình.

Ngoài thu mua khóm trái, công ty còn thu mua luôn chồi khóm để cung ứng lại cho nông dân. Do đó trái, chồi khóm của Tổ hợp tác luôn đảm bảo chất lượng.

Có thể thấy, bên cạnh yếu tố lợi nhuận thì hiện nay, một bộ phận không nhỏ nông dân đã tự nâng cao ý thức sản xuất, kinh doanh. Nông dân đã chú trọng nhiều tới việc làm ra sản phẩm sạch, an toàn.

Với ý thức, hành động tích cực, không lâu nữa, tình trạng thực phẩm bẩn, nông sản thiếu an toàn sẽ được đẩy lùi, thay vào đó là những nông sản đạt chất lượng, ngon hơn và an toàn hơn cho xã hội.

Bài, ảnh: QUỲNH LAM

Cây na Thái - Hướng mới trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng xã Tân Thành

Nguồn tin: Báo Long An

Xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An được quy hoạch hơn 1.000ha trồng cây ăn trái lâu năm. Một trong những loại cây thích nghi với vùng rốn phèn này chính là cây na Thái. Đây là loại cây có giá trị kinh tế khá cao, kỳ vọng đem lại thu nhập ổn định cho nông dân.

Trồng na Thái ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã Tân Thành

Chủ tịch UBND xã Tân Thành - Lê Văn Hồng cho biết: “Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh và huyện về đẩy mạnh ƯDCNC trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả cao cho nông dân, UBND xã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể và sự hỗ trợ từ chương trình ƯDCNC của UBND tỉnh trong sản xuất nông nghiệp quyết định thành lập HTX Nông nghiệp CNC Tân Thành chuyên canh cây na Thái”.

Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp CNC Tân Thành - Trần Ngọc Sung cho biết: HTX hình thành vào tháng 6/2018, đến nay có 11 thành viên, diện tích trồng na Thái của HTX là 38ha. Chỉ sau vụ đầu thu hoạch đã cho thấy lợi nhuận vượt trội so với các loại cây khác trong vùng.

Trụ sở Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Tân Thành

Cũng theo ông Trần Ngọc Sung, nhiều nông dân tại địa phương muốn trở thành thành viên do HTX có hướng liên kết lớn, kỹ thuật trồng và nguồn cây giống được cung ứng đầy đủ. Ngoài ra, lãnh đạo HTX là những nông dân có kinh nghiệm, đi đầu trong việc khai hoang phục hóa và chuyển đổi cây trồng trên vùng rốn phèn cặp kênh Bo Bo nên được nhiều người tin tưởng.

Khuyến nông viên xã Tân Thành - Dương Thị Thuận thông tin: “Ông Trần Ngọc Sung cùng một số thành viên HTX đi đầu trong việc trồng cây na Thái và hướng dẫn nông dân cách trồng, chăm sóc hiệu quả nên hoạt động tại HTX bước đầu rất thuận lợi”.

Thành viên HTX là ông Lê Văn Thảo, quê ở tỉnh Bến Tre, là người chuyên nhân giống cây na Thái và các loại cây ăn quả có giá trị cao. Hiện, ông Thảo thuê trên 10ha đất tại ấp 3 để vừa trồng na Thái vừa nhân giống cây cung cấp cho nông dân trong và ngoài xã.

Vườn ươm giống na Thái và các loại cây ăn trái có giá trị cao của ông Thảo

Ông Ngô Văn Giàu, phụ trách kỹ thuật nhân giống tại trang trại ông Thảo, chia sẻ: "Hàng năm, vườn ươm giống này cung cấp từ 70.000 - 80.000 cây giống các loại. Ngoài việc nhân giống na Thái, vườn còn một số giống cây có giá trị cao như sa pô chê ruột đỏ không hạt, vú sữa Hoàng Kim, ổi Ruby, cam ruột đỏ,…”.

Trái na Thái được thị trường ưa chuộng vì ít hạt, thơm ngon

Cũng theo ông Giàu, na Thái là loại cây dễ trồng, ít sâu bệnh (chỉ có bệnh rệp trắng nhưng cũng dễ điều trị). Việc chăm sóc và bón phân cho cây không tốn kém như nhiều loại cây khác. Hiện trái na Thái bán sỉ tại vườn là 70.000 đồng/kg. Những trái lớn từ 1kg trở lên có giá từ 180.000 - 200.000 đồng/kg.

Nhân công đang ghép giống tại vườn ươm của ông Lê Văn Thảo

Theo Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp CNC Tân Thành - Trần Ngọc Sung, vụ thu hoạch đầu tiên, nhiều thành viên HTX có thu nhập cao từ na Thái (ông Hồ Văn Dũng trồng 1ha, thu nhập trên 200 triệu đồng, trừ chi phí thì lãi 180 triệu đồng/ha; ông Lê Văn Thảo trồng 3ha cũng có lợi nhuận cao;...). Hiện, nông dân trồng cây ăn trái giá trị cao như na Thái nói riêng và các sản phẩm nông nghiệp nói chung cần có sự liên kết thông qua HTX thì mới có hướng phát triển ổn định, lâu dài.

Được biết, sau khi thành lập, HTX Nông nghiệp CNC Tân Thành được UBND tỉnh Long An hỗ trợ 350 triệu đồng để cung cấp cây giống cho thành viên HTX. Sắp tới, HTX được hỗ trợ thêm 2 tỉ đồng (HTX đối ứng 500 triệu đồng) để xây dựng nhà kho và trụ sở. Do UBND xã Tân Thành không còn đất công để hỗ trợ HTX nên ông Trần Ngọc Sung sử dụng 1.000m2 đất của gia đình, vị trí ven ĐT 818 để HTX đặt trụ sở và xây kho bãi, thời hạn 10 năm.

Như vậy, với khu vực có diện tích lớn (trên 1.000ha), có kênh dẫn nước, đường giao thông thủy – bộ thuận lợi kết nối với các trục đường chính (ĐT 818, QLN2, QL62, QL1, kênh Bo Bo, sông Vàm Cỏ Tây,…), việc hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái với bước đi đột phá là cây na Thái bước đầu rất khả quan.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành - Hồ Phước Hùng phấn khởi: “Sau khi nông dân được học tập kinh nghiệm trồng na Thái tại tỉnh Đồng Nai, nhiều người rất quan tâm trồng loại cây này thay thế các cây trồng kém hiệu quả khác. Lãnh đạo xã Tân Thành cũng kỳ vọng HTX Nông nghiệp CNC Tân Thành sẽ là đơn vị tiên phong cho hướng phát triển này”./.

Đại Lâm

Khuyến khích gieo cấy lúa bằng máy

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Hiện nay, đa phần nông dân còn sạ lúa bằng tay và sử dụng lượng giống quá nhiều, làm tăng chi phí... Ruộng lúa gieo sạ với mật độ quá cao thường dễ bị sâu bệnh tấn công và đổ ngã do mưa bão. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, nông dân cần thay đổi thói quen sạ dày, tăng cường gieo cấy lúa bằng máy để giảm lượng sử dụng lúa giống, sạ thưa để hạn chế sâu bệnh.

Kết quả khả quan

TP Cần Thơ có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 114.720ha, trong đó có trên 83.000ha đất trồng lúa. Nhờ thâm canh tăng vụ, nhiều diện tích sản xuất 3 vụ lúa/năm, mỗi năm Cần Thơ gieo trồng được trên 232.000ha lúa, sản lượng lúa trên 1,4 triệu tấn, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của thành phố.

Những năm qua, ngành nông nghiệp thành phố đã tích cực khuyến khích, hỗ trợ nông dân tăng cường liên kết hình thành các “cánh đồng lớn” và đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật để hạ giá thành sản xuất, tăng năng suất, chất lượng lúa. Trong đó, việc sử dụng nguồn giống chất lượng và giảm lượng sử dụng giống được quan tâm hàng đầu. Nông dân được tăng cường tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, gieo sạ “né rầy, ôm nước”, ứng dụng công nghệ sinh thái trồng hoa quanh bờ ruộng để thu hút thiên địch, sử dụng chế phẩm sinh học để quản lý sâu rầy, giúp giảm sử dụng phân bón và thuốc hóa học trên đồng ruộng. Đồng thời, việc đẩy mạnh cơ giới hóa đã được chú trọng thông qua Kế hoạch số 124/KH-UBND ngày 3-11-2016 của UBND TP Cần Thơ về việc đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố giai đoạn 2016-2020, góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao chất lượng hạt gạo. Đến nay, toàn thành phố có 789 máy gặt đập liên hợp và 1.300 lò sấy, đáp ứng cắt gặt trên 92% diện tích lúa đông xuân; 98% diện tích lúa hè thu và 100% diện tích lúa thu đông. Thực tế với cơ chế phối hợp liên vùng, khâu cắt gặt đã được cơ giới hóa hoàn toàn. Bên cạnh đó, tỷ lệ diện tích áp dụng cơ giới hóa khâu chăm sóc bón phân, phun thuốc trừ sâu, bệnh… chiếm 50-60%.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, thông qua Dự án VnSAT, từ năm 2016 đã triển khai nhiều hoạt động đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, giúp nông dân xây dựng các mô hình giảm giống gắn với đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Dự án VnSAT đã hỗ trợ nông dân trồng lúa tại nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác và “cánh đồng lớn” ở TP Cần Thơ thực hiện giảm lượng sử dụng giống bằng nhiều phương thức xuống giống khác nhau như: Sạ tay, sạ bằng dụng cụ kéo hàng, máy phun hạt, máy cấy. Qua đó, giúp nông dân có sự so sánh và lựa chọn được phương pháp phù hợp cho điều kiện sản xuất thực tế tại địa phương. Kết quả cho thấy, dù mật độ sạ thấp từ 40-130 kg/ha tùy mô hình, nhưng lúa vẫn trúng và lợi nhuận của nông dân còn được tăng cao nhờ giảm được nhiều chi phí đầu vào. Đáng chú ý, việc cơ giới hóa khâu gieo trồng lúa bằng máy cấy đã giúp giảm mạnh được lượng sử dụng giống, nông dân chỉ sử dụng 40kg/ha.

Tiếp tục phát huy

Gần đây, lượng sử dụng giống trong sản xuất lúa của nông dân tại nhiều địa phương ở TP Cần Thơ đã giảm đáng kể so với trước, nhưng vẫn được đánh giá là còn ở mức cao, cần tiếp tục kéo giảm mạnh hơn.

Ruộng lúa được cấy máy và áp dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” trong vụ hè thu 2019 của nông dân tại huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Khiết Tâm, ở xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho biết: “HTX có 40 xã viên, với diện tích đất canh tác lúa 340ha. Nhìn chung, hiện các xã viên HTX và hộ dân canh tác lúa tại địa phương đã giảm lượng sử dụng giống so với trước đây, với lượng sử dụng trung bình khoảng 120kg/ha trong vụ đông xuân, còn vụ hè thu và thu đông bà con sợ hao hụt do mưa nên sử dụng khoảng 150 kg/ha. Mức sử dụng giống như trên đã giảm rất nhiều so với trước đây, nhưng vẫn còn cao và có thể kéo giảm xuống 80kg/ha”. Theo anh Huấn, được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT thành phố và Dự án VnSAT, vụ đông xuân và hè thu 2019, có 20ha lúa của 7 hộ dân tại HTX thực hiện giảm lượng giống gieo sạ còn từ 80kg trở xuống, lúa vẫn đạt năng suất cao như bình thường, lại giảm được chi phí tiền giống.

Kết quả điều tra kỹ thuật sản xuất lúa của nông dân từ năm 2015 đến năm 2018 của ngành nông nghiệp TP Cần Thơ cho thấy, lượng giống bình quân được nông dân tại các quận, huyện của thành phố sử dụng từ 179-201 kg/ha, trong đó bình quân năm 2018 là 179 kg/ha, giảm 22kg/ha so với năm 2015. Mật độ gieo sạ lúa còn cao do nông dân có tâm lý gieo sạ “trừ hao” lúa chết do bị ngập nước và ốc bươu vàng cắn phá, nhất là trong vụ lúa hè thu và thu đông. Mặt bằng đồng ruộng tại nhiều nơi chưa bằng phẳng, nông dân còn sạ lúa thủ công bằng tay khó đồng đều. Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, để giảm lượng giống gieo sạ, thành phố có nhiều nỗ lực thúc đẩy nông dân thực hiện và đã có cải thiện nhưng vẫn còn chậm. Theo số liệu thống kê trong vụ hè thu 2019, mới có 23% diện tích gieo sạ sử dụng lượng giống ít hơn 100 kg/ha, 46% sử dụng lượng giống từ 100-150 kg/ha, 31% diện tích sử dụng lượng giống gieo sạ trên 150kg/ha. Để giảm lượng sử dụng giống trong gieo trồng lúa, tới đây thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hành động của người dân. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ giới, áp dụng đồng bộ các giải pháp tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích cánh đồng lớn và thực hành nông nghiệp tốt, từng bước xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng.

Khuyến khích gieo cấy lúa bằng máy được nhiều chuyên gia cho rằng là giải pháp rất quan trọng để có thể giảm mạnh lượng sử dụng giống trong sản xuất lúa. Nông dân cần tăng cường liên kết hình thành các “cánh đồng lớn” và chuẩn bị kỹ khâu làm đất để đồng ruộng bằng phẳng, gieo cấy lúa bằng máy dễ hơn, hạn chế được hao hụt giống và thuận lợi cho cả quá trình chăm sóc, thu hoạch lúa.

Ông Đỗ Văn Vấn, Phó Giám Đốc Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam, Bộ NN&PTNT cho rằng, do đồng ruộng tại nhiều nơi không bằng phẳng, sợ lúa khi gieo sạ bị hao hụt tại những nơi trũng thấp do ngập nước nên nhiều nông dân còn tâm lý gieo sạ dày để “trừ hao”, ít tốn công giặm lúa. Do đó, ngành nông nghiệp các địa phương cần tăng cường khuyến cáo, hỗ trợ nông dân thực hiện san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser, áp dụng máy cấy, máy phun hạt, máy sạ hàng trong khâu gieo trồng lúa…

Bài, ảnh: Khánh Trung

Trà Ôn (Vĩnh Long): Cơ giới hóa thu hoạch lúa gần 100%

Nguồn tin: Báo Vĩnh Long

Những năm gần đây, sản xuất lúa tại huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long có bước phát triển, trong đó mô hình cánh đồng mẫu lớn được phát triển và nhân rộng, việc đưa cơ giới hóa trong khâu thu hoạch chiếm gần 100%, giúp nông dân giảm bớt chi phí và giải quyết được vấn đề thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã mang lại hiệu quả thiết thực, mô hình đưa cây có múi và cây màu xuống ruộng trong những năm qua không ngừng tăng cao, diện tích trồng lúa kém hiệu quả giảm và chuyển sang trồng lúa mới có chất lượng như: OM 5451, OM 4900, OM 6976…

Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng đúng hướng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phương thức canh tác thích hợp, nâng chất lượng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ đã góp phần làm tăng giá trị nông sản, giúp người dân nâng cao thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 31 triệu đồng/năm, tăng 10,5 triệu đồng so năm 2010.

NGUYỄN PHƯƠNG

Giá sắn nguyên liệu trong nước giảm

Nguồn tin: Báo Công Thương

Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 20 ngày đầu tháng 8/2019, giá sắn nguyên liệu trong nước giảm so với cuối tháng 7/2019. Nguyên nhân là do nhu cầu thu mua từ các nhà máy chững lại do xuất khẩu gặp khó khăn.

Cụ thể, tại Tây Ninh, giá sắn thu mua tại máy dao động quanh mức 2.550 – 2.650 đồng/kg, giảm nhẹ so với cuối tháng 7/2019. Tại Kon Tum, giá sắn thu mua dao động quanh mức 2.200 – 2.400 đồng/kg. Giá nguyên liệu sắn tại các vùng cũng đang có xu hướng giảm nhẹ do đầu ra gặp khó khăn.

Theo số liệu ước tính của AgroMonitor - Công ty CP Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam, tính đến ngày 6/8/2019 lượng sắn lát tồn kho tại khu vực miền Trung và miền Nam còn khoảng 110.000 - 120.000 tấn (hàng chưa ký hợp đồng), trong đó tại Quy Nhơn còn khoảng 80.000 tấn và tại khu vực cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) còn khoảng 30.000 tấn.

Giá sắn nguyên liệu trong nước giảm

Lượng sắn lát dự trữ không còn nhiều, nhưng do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc kéo dài khiến nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc ở mức thấp khiến giá sắn và sản phẩm sắn tiếp tục giảm nhẹ. Trong khi đó, bên cạnh việc Trung Quốc siết chặt kênh giao dịch biên mậu, tỷ giá quy đổi giữa đồng Nhân dân tệ và Việt Nam đồng liên tục giảm mạnh trong thời gian gần đây, khiến xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lũy kế 7 tháng đầu năm 2019, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt 1,36 triệu tấn, trị giá 527,1 triệu USD, giảm 14% về lượng và giảm 11% về trị giá; giá xuất khẩu bình quân đạt 387,1 USD/tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn chủ lực của Việt Nam. 7 tháng đầu năm 2019, lượng sắn và sản phẩm sắn xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,19 triệu tấn, trị giá 466,25 triệu USD, giảm 14,1% về lượng và giảm 9,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.

Liên quan đến vấn đề này, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thông tin, hiện nay, nhu cầu nhập khẩu sắn lát và tinh bột sắn của Trung Quốc từ Việt Nam và Thái Lan đang có xu hướng giảm, thay vào đó là tăng cường nhập khẩu từ Lào và Campuchia. Ngoài ra, Trung Quốc ngày càng tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt các quy định về nhãn mác, bao bì, thông tin sản phẩm tinh bột sắn Việt Nam và siết chặt nhập khẩu qua kênh biên mậu.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, nguồn cung sắn và sản phẩm từ sắn trở nên khan hiếm hơn. Thực tế, các nhà máy sản xuất tinh bột đã kết thúc mùa vụ 2018 – 2019, ngừng hoạt động để bảo trì máy móc chờ đón vụ mới. Sản lượng sắn tại Tây Nguyên có thể không đạt như dự kiến do thời tiết nắng nóng kéo dài cộng thêm dịch khảm lá lan rộng khiến năng suất giảm mạnh. Hạn hán và dịch bệnh đe dọa cũng làm giảm năng suất sắn của Thái Lan trong niên vụ 2019 – 2020. Mặt khác, do hạn chế nhập khẩu sắn lát từ đầu năm 2019 nên lượng sắn lát còn tồn kho tại Trung Quốc giảm, thêm vào đó, nguồn cung nhập khẩu cồn từ Mỹ giảm do thuế nhập khẩu cao (thuế 45%). Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản dự đoán rằng trong thời gian tới, xuất khẩu sắn lát sẽ khởi sắc trở lại, trong khi xuất khẩu tinh bột sắn sẽ gặp phải nhiều cạnh tranh từ Campuchia và Lào.

Nguyễn Hạnh

Thủ Thừa: Hơn 50% diện tích khoai mì xã Tân Thành bị khảm lá diện nặng

Nguồn tin: Báo Long An

Theo số liệu của UBND xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, hiện trên địa bàn xã có gần 400ha trồng khoai mì. Trong số này, nhiều diện tích bị bệnh khảm lá mì, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng củ. Nhiều đám ruộng bị nhiễm bệnh nặng khiến nông dân rất lo lắng.

Một ruộng mì ở ấp 3, cặp kênh T2 bị nhiễm bệnh khảm lá mì khá nặng

Khuyến nông viên xã Tân Thành - Dương Thị Thuận cho biết: “Trên địa bàn xã, nông dân bỏ mía chuyển qua trồng khoai mì khá nhiều. Tuy nhiên, từ đầu vụ xuất hiện bệnh khảm lá mì, gần đây, vào mùa thu hoạch, bệnh diễn biến phức tạp, nhiều đám bị nhiễm bệnh rất nặng, nguy cơ mất trắng”.

Theo ước tính của UBND xã Tân Thành, hơn 50% diện tích khoai mì bị nhiễm bệnh khảm lá mì diện nặng. Khuyến nông viên - Dương Thị Thuận cho biết thêm, khảm lá mì là bệnh lây qua gió, nguồn bệnh từ bọ phấn trắng. Nếu từ nhỏ cây mì bị nhiễm bệnh thì sẽ làm cho củ thâm đen, năng suất và chất lượng giảm sút nghiêm trọng. Đặc biệt, bệnh này chưa có thuốc chữa, chỉ có thể ngăn ngừa lây lan.

Lá cây mì nhiễm bệnh bị xoăn tít

Được biết, hiện ruộng mì đỏ có giá trên dưới 2.800 đồng/kg, mì trắng có giá hơn 3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, bệnh khảm lá mì khiến nông dân lo lắng. Ông Đặng Văn Vách, ấp 3, xã Tân Thành cho biết: "Tôi trồng 2ha mì sắp thu hoạch, nông dân hy vọng thương lái đến mua sớm, vì để lâu ngày dễ có nguy cơ lây bệnh khảm lá mì”./.

Minh Đăng

Mười năm theo đuổi cà phê hữu cơ

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 29/08/2019
Ngày cập nhật: 30/8/2019

Trang trại cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Sơn không chỉ được giới sành cà phê thừa nhận là trang trại cà phê thơm ngon nhất mà còn là nơi sở hữu nhiều giống cà phê quý hiếm của Đà Lạt. Được như vậy là nhờ ông kiên trì với con đường mình đã chọn - trồng cà phê đặc sản theo phương pháp hữu cơ.

Sở thích của ông Sơn là tự tay mình pha những ly cà phê thơm ngon để thưởng thức.

Người đi ngược dòng

Tại một diễn đàn trao đổi về sản xuất nông nghiệp hữu cơ của các bạn trẻ được tổ chức tại TP Đà Lạt mới đây, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với một lão nông dân rất cởi mở và nói về cà phê cả ngày không biết chán. Hành trình và những câu chuyện làm nông nghiệp của ông đã và đang trở thành “lực hấp dẫn” của rất nhiều tình nguyện viên, chuyên gia, nghiên cứu sinh và khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến khám phá, tiếp cận kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và chế biến khá đặc biệt ở trang trại cà phê Sơn Pacamara mà người được mệnh danh trồng cà phê ngon số 1 Việt Nam, đó là ông Nguyễn Văn Sơn (SN 1962).

Như đã hẹn trước, chúng tôi tìm đến chủ nhân khu vườn trồng giống cà phê Pacamara. Nằm cạnh rừng thông xanh ngát ở Phường 5, TP Đà Lạt, thoạt nhìn, trang trại cà phê Sơn Pacamara cũng giống như bao trang trại cà phê bình thường khác, thậm chí nó giống như một khu vườn tạp với đủ các loại cây trồng đa dạng. Tuy nhiên, khi đón ly cà phê đầu tiên do chính tay chủ trang trại pha chế, khách mới hiểu được vì sao ông được giới cà phê tôn vinh đến như vậy.

Ông Sơn kể: Vườn cà phê này tôi mua của Nông trường Măng Lin cũ, trên diện tích đó đã có cà phê và chỉ được biết là dòng cà phê Arabica. Năm 2009 ông tiến hành cải tạo vườn và mua thêm giống cà phê của Viện Khoa học Tây Nguyên về trồng dặm vào những diện tích già cỗi, hư hại. Trong khu vườn của mình, tôi lựa chọn sản xuất truyền thống hữu cơ và đi ngược lại với xu hướng sản xuất hiện tại là sản xuất sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật vì cho năng suất vượt trội. Việc ấy, đồng nghĩa với năng suất của khu vườn sẽ không đạt. Năng suất không cao cộng với việc sản phẩm bị cho là cà phê loại bỏ vì vị nhạt giống nước 2, những năm đầu tôi phải bán cà phê của mình với giá rẻ bèo để cho người ta đem về trộn bắp, đậu nành làm cà phê bột. Trầy trật với cà phê trong vòng 5 năm, trong một lần tình cờ những người bạn Đài Loan lấy cà phê của tôi để dự thi cà phê thế giới, lúc ấy qua sự nếm thử của các chuyên gia hàng đầu thế giới về cà phê và cà phê của tôi đã được giải cao. Từ đây, cà phê của tôi bước sang một trang mới. Trong quá trình tiếp xúc với các chuyên gia nước ngoài, tôi mới hay biết được là mình đang sở hữu những giống cà phê ngon vào bậc nhất thế giới, đó là Tybica, Bourbon, Caturra và đặc biệt Pacamara... Họ khuyên tôi nên vẫn giữ phương pháp canh tác vốn xưa nay.

Thành công bước đầu đã làm ông vững tin theo con đường mình chọn đó là sản xuất cà phê đặc sản bằng phương pháp trồng hữu cơ. Để sản xuất hữu cơ ông đã tạo nên một vành đai sản xuất cà phê hữu cơ chất lượng cao theo phương pháp truyền thống, phù hợp với địa hình trên đất dốc giúp cây phát triển tốt nhất.

Một khu vườn cà phê được ông thiết lập trong một hỗn hợp cây cao và thấp để tạo thành một hệ thống đa tầng. Nhiều tầng có nghĩa là có các lớp khác nhau của cây trồng với độ cao khác nhau trong hệ thống. Ba cấp độ (tầng) là quan trọng trong một vườn cà phê nông lâm kết hợp. Cây trồng của tầng trên (bóng râm) bảo vệ cây cà phê chống lại ánh sáng mặt trời mạnh mẽ, góp phần vào công tác phòng chống xói mòn đất và tăng độ ẩm trong vườn cà phê.

Cà phê mọc trong bóng râm bên dưới tán rừng để không làm tổn hại hệ sinh thái. Những loài chim sống trong rừng vừa có “nhiệm vụ” ăn côn trùng gây hại, mặt khác lại góp phần tiếp thêm dinh dưỡng để đất nuôi cây. Lá cây rụng trở thành loại phân bón thụ động, trong khi các bộ phận của cây cà phê sau quá trình chế biến quay trở lại thành phân bón cho cây.

“Trong khi với một nước đang phát triển như Việt Nam, nông dân mong chờ hưởng lợi nhiều thông qua việc xuất khẩu cà phê, song hiện nay đang phải đối mặt với nhiều trở ngại. Thay vì phải chi nhiều tiền để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thì lựa chọn canh tác cà phê bền vững là sản xuất hữu cơ lại là con đường thông minh, lại nhằm mục đích bảo vệ môi trường”, ông Sơn chia sẻ.

Ông Sơn chia sẻ với du khách những phương pháp canh tác mà nông trại ông đang sản xuất.

Đến cà phê triệu đồng/kg

Ở trang trại cà phê Sơn Pacamara, Specialty coffee (cà phê đặc biệt) được ông làm theo quy trình khép kín. Đầu tiên ông chọn giống tốt, phù hợp với thổ nhưỡng. Đối với loại cà phê này, vùng trồng càng cao sẽ cho chất lượng ngon. Nằm trong thung lũng ở độ cao 1.400 m so với mực nước biển, nơi đây được xem là khu vực có điều kiện thuận lợi nhất cho Specialty coffee đạt chất lượng cao nhất. Hiện trang trại đã phát triển diện tích lên đến 4 ha với gần 15.000 cây cà phê Arabica. Trong đó có 5.000 cây cà phê Tybica, 5.000 cây cà phê Bourbon, 2.000 cây cà phê Caturra, 3.000 cây cà phê Pacamara. Tất cả diện tích trên đều được ông Sơn canh tác theo phương thức nông nghiệp hữu cơ bền vững.

Trước đây, do chất lượng của các giống cà phê chưa được chú trọng, đánh giá đúng mức nên nhiều nông dân ở Đà Lạt đã phá bỏ các giống cà phê quý để chuyển sang trồng các loại hoa màu hoặc các giống cà phê cao sản. Tuy nhiên, với lão nông Nguyễn Văn Sơn, mỗi gốc cà phê được ông vun trồng và chăm sóc bằng tất cả tình yêu và tâm huyết.

Để rồi vào thời điểm tháng 10 hàng năm, những trái cà phê chín mọng được ông thu hái bằng tay, lên men và sơ chế ngay tại vườn tạo nên hương vị tốt nhất. Đó cũng là lúc ông tận hưởng thành quả ngọt ngào sau hơn 10 năm miệt mài với con đường cà phê hữu cơ.

Tại trang trại Sơn Pacamara, ông Sơn gần như là người trồng cà phê duy nhất có thể tự mình làm từ A-Z (from farm to cup): từ việc xác định giống, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, lên men, sàng lọc, rang xay, cupping (tức quy trình ngửi - nếm một cách chuyên nghiệp để kiểm định chất lượng cà phê), cho đến pha chế. Phải chục bước lớn nhỏ để cho ra được một tách cà phê vừa ngon theo đúng tiêu chuẩn đánh giá của các chuyên gia, tinh chỉnh cho hợp với khẩu vị của từng đối tượng khách hàng.

Không chỉ trồng, thu hoạch và chế biến cà phê, ông Sơn còn có sở thích rang và thưởng thức cà phê do chính mình làm ra. Niềm đam mê ngày càng mạnh mẽ đã biến thành động lực để ông sản xuất ra loại cà phê Arabica chất lượng cao nhất tại Đà Lạt.

Nếu như hiện nay, cà phê thông thường tại các vùng sản xuất nổi tiếng của TP Đà Lạt như Cầu Đất chỉ có giá khoảng 40.000 - 60.000 đồng/kg, bất kể năm 2016, Starbucks đã chính thức cho ra mắt sản phẩm cà phê Arabica Đà Lạt, thì sản phẩm cà phê Specialty coffee của trang trại cà phê Sơn Pacamara được bán dưới dạng nhân xanh với giá thấp nhất cũng lên đến 500.000 đồng/kg. Đặc biệt, riêng loại cà phê Pacamara có giá lên đến 2.200.000 đồng/kg, một mức giá kỷ lục chưa từng xuất hiện trên thị trường cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, do sản lượng cà phê không nhiều nên trang trại đang nợ sản lượng đặt hàng của các doanh nghiệp đến năm 2020.

Nhờ tuân thủ quy trình sản xuất cà phê đặc sản thế giới, niên vụ 2018 - 2019 vừa qua, trang trại Sơn Pacamara thu hoạch khoảng 3 tấn hạt nhân/4 ha, trị giá gần 2 tỷ đồng, trừ mọi chi phí chăm sóc hữu cơ, thu hái bằng tay lựa chọn từng trái, phân loại hạt nhân chế biến… trang trại lãi khoảng 800 triệu đồng.

Hiện trang trại cũng đang liên kết với một số hộ nhằm bảo tồn, mở rộng diện tích cà phê đặc sản, cũng như chuyển giao kỹ thuật, bao tiêu đầu ra cho thành viên, nhằm góp phần khẳng định và nâng cao giá trị cho cà phê Đà Lạt.

H.SA - H.YÊN

Hành tím Ninh Thuận tăng giá kỷ lục

Nguồn tin: VNExpress

Giá hành củ tím tươi bán tại vườn ở Ninh Thuận đang có mức 40.000 - 45.000 đồng một kg, cao gấp đôi so với những năm trước.

Nông dân huyện Ninh Hải nơi chuyên canh cây hành lấy củ ở tỉnh Ninh Thuận, đang thu hoạch vụ hành mùa hạ. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, năng suất hành đạt cao. Mỗi sào (1.000 m2) cho thu hoạch từ 1,5 đến gần 2 tấn.

Ông Trần Văn Trung ở xã Nhơn Hải có 2 sào hành vừa thu hoạch. Sau 45 ngày xuống giống, chăm sóc, vườn hành cho sản lượng hơn 3,1 tấn. Thương lái đến thu mua tại vườn với giá 40.000 đồng một kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc, gia đình lãi trên 55 triệu đồng.

Ông Trung cho biết, những năm trước, hành củ chỉ được mua với giá khoảng 20.000 đồng một kg, có lúc thấp hơn, nhưng năm nay giá tăng đột biến, lại được mùa.

Gia đình ông Lê Sanh, nông dân trồng hành ở xã Thanh Hải cũng cho biết chưa năm nào giá hành củ tím lại cao như vậy. Trung bình mỗi sào cho gia đình ông thu nhập 25 triệu đồng. "Cây hành sinh trưởng nhanh, khoảng 45-50 ngày là cho thu hoạch, mỗi năm làm được 5 vụ. Nếu giá cứ giữ mức như vụ mùa hạ này, nông dân an tâm mở rộng diện tích", ông Sanh nói.

Vườn hành tím ở xã Ninh Hải.

Chị Hoa, một thương lái mua hành ở địa phương cho biết, năm nay nhiều nơi giảm diện tích trồng hành, trong khi hành củ Ninh Thuận có chất lượng tốt, nên giá tăng vọt lên. Ngoài ra, hành củ giống của địa phương cũng đang hút hàng, vì giống hành hạt nhập khẩu mấy năm vừa qua không hiệu quả bằng giống trồng bằng củ. "Các nơi trồng hành ở miền Trung và khu vực lân cận đang có nhu cầu lớn đối với giống trồng bằng củ của Ninh Thuận, cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá lên", chị Hoa nói.

Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Thuận cho biết toàn tỉnh có khoảng 600 ha hành. Trong đó, huyện Ninh Hải có diện tích lớn nhất với khoảng 470 ha. Đây là một trong những cây trồng đặc thù của địa phương, cùng với tỏi, nho và táo. Chất đất vùng ven biển Ninh Hải có hàm lượng kali, canxi cao, khí hậu nắng nhiều phù hợp để canh tác cây hành. Gần đây, nhờ ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, kỹ thuật chăm sóc mới, cây hành ở địa phương cho năng suất cao, củ giữ được lâu, được nhiều nơi ưa chuộng.

Tư Huynh

Lạng Sơn: Nuôi ruồi lính đen, hướng đi triển vọng tại Gia Cát

Nguồn tin: Báo Lạng Sơn

Xử lý rác thải hữu cơ là vấn đề được nhiều người quan tâm, mới đây, một số gia đình tại xã Gia Cát, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã chọn giải pháp nuôi ruồi lính đen. Qua đó, tận dụng nguồn rác thải hữu cơ để tạo ra thức ăn cho vật nuôi, hướng tới sản xuất ấu trùng và trứng thương phẩm.

Ruồi lính đen có tên khoa học là Hermetia illucens, là một loại côn trùng thiên địch có lợi và có nhiều ở nước ta. Khác với ruồi thông thường, ruồi lính đen không có vòi hút chích và không mang mầm bệnh. Hiện nay, tại rất nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam, chúng được nuôi để lấy trứng và ấu trùng. Ấu trùng của loài này chứa hàm lượng dinh dưỡng và protein rất cao, thường được sử dụng làm thức ăn cho gia cầm, gia súc và cá…

Ông Hoàng Trọng Dũng chuẩn bị lấy ấu trùng ruồi lính đen cho cá ăn

Là một trong những người luôn tìm tòi, sáng tạo trong sản xuất, ông Hoàng Trọng Dũng (thôn Sơn Hồng, xã Gia Cát) đã nuôi thử nghiệm ruồi lính đen. Tìm hiểu qua nhiều tài liệu, từ giữa tháng 6/2019, ông Dũng đã lấy giống từ Trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Bộ về nuôi. Sau khoảng 1 tháng, ông thu lứa trứng đầu tiên, 3 ngày sau khi đẻ, trứng nở thành ấu trùng, sau 7 ngày ấu trùng đã có thể được sử dụng làm thức ăn trong chăn nuôi.

Ông Dũng cho biết: Ruồi lính đen là loài dễ nuôi, thức ăn cho chúng cũng rất đơn giản, đã phần là rau, củ, quả hỏng, chất thải chăn nuôi… Ấu trùng ruồi có thể ăn tất cả thức ăn một cách nhanh chóng trước khi các hợp chất hữu cơ tạo ra mùi hôi, vì vậy, phương pháp sử dụng ruồi lính đen giúp giải quyết được vấn đề mùi hôi từ rác thải hữu cơ. Ngoài ra, ruồi lính đen chỉ tạo ra một lượng phân rất nhỏ so với lượng thức ăn chúng ăn vào và gần như không để lại nước thải.

Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc cho biết: Rác thải hữu cơ sau khi được ăn bởi ấu trùng ruồi lính đen có thể làm giảm đến 80% lượng chất thải cũng như các loại mầm bệnh. Với những ưu điểm trên, nuôi ruồi lính đen được coi là giải pháp rất hữu ích trong xử lý rác thải hữu cơ.

Hiện nay, gia đình ông Dũng có 6 ô chuồng phục vụ cho việc nuôi ruồi, mỗi ô khoảng 2 m2. Mỗi ngày, đàn ruồi tiêu thụ hơn 30 kg thức ăn, đa phần là chất thải chăn nuôi. Qua đó, chi phí xử lý rác thải hữu cơ của gia đình ông cũng giảm đáng kể. Từ việc tận dụng nguồn rác thải hữu cơ đó, trung bình mỗi ngày, ông thu được 6 kg – 8 kg ấu trùng để làm thức ăn chăn nuôi.

Không chỉ gia đình ông Dũng, sau khi tham quan một số trang trại nuôi ruồi lính đen tại Hà Nội, Thanh Hóa… hiện tại, xã Gia Cát có 5 hộ đã thử nghiệm mô hình nuôi ruồi này như: ông Vy Văn Nhất (thôn Bắc Đông 2), bà Hoàng Tuyết Lan (thôn Pò Cại)… cùng một số người khác đang đặt mua trứng ruồi lính đen để nuôi.

Hiện nay, các hộ nuôi ruồi lính đen tại xã Gia Cát đang có kế hoạch mở rộng diện tích nuôi ruồi để lấy trứng và ấu trùng thương phẩm bán ra thị trường. Trứng ruồi lính đen phần lớn dùng để tạo con giống, vì vậy, trứng ruồi trên thị trường có giá rất cao, tùy vào mỗi nơi mà giá dao động từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng/kg. Với mỗi ki-lô-gam trứng ruồi khi nở sẽ cho 2,5 – 3 tấn ấu trùng để làm thức ăn chăn nuôi, giá ấu trùng hiện nay khoảng 40.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc cho biết thêm: Hiện nay, nhiều tỉnh đã phát triển mô hình nuôi ruồi lính đen đem lại hiệu quả kinh tế. Tuy triển vọng là rất lớn nhưng để chắc chắn có nên nhân rộng phát triển mô hình này ở địa bàn hay không, cần phải xem xét kỹ lưỡng điều kiện tự nhiên, khí hậu của địa phương có phù hợp hay không. Bên cạnh đó, những hộ nuôi cần phải đảm bảo chuồng trại cho ruồi phát triển được giữ kín, hạn chế để ruồi bay ra ngoài tự nhiên quá nhiều vì có thể ảnh hưởng đến bên ngoài.

GIA KHÁNH

TP.Hà Nội: Kiểm tra, xử lý vi phạm về xả thải trong chăn nuôi

Nguồn tin: Hà Nội Mới

Sở NN&PTNT Hà Nội vừa có công văn đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã, doanh nghiệp thủy lợi thành phố rà soát, thống kê số hộ, trang trại nuôi gia súc, gia cầm có hành vi xả thải vào công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố.

Theo đó, các quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về xả thải của các hộ, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm vào công trình thủy lợi tại địa phương; kiên quyết xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm về xả thải của các hộ, trang trại; gắn trách nhiệm chính quyền cấp cơ sở nếu để tình trạng vi phạm về xả thải tái diễn trên địa bàn. Cùng với đó là tổ chức tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực thủy lợi, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước... nhằm nâng cao nhận thức trong chính quyền và nhân dân về bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi, chất lượng nguồn nước...

Ngọc Quỳnh

Bắc Giang: Liên kết trong chăn nuôi dê để cùng phát triển

Nguồn tin: Khuyến Nông VN

Do ảnh hưởng của dịch bệnh trong chăn nuôi lợn những tháng qua nên nhiều hộ gia đình ở Yên Thế đang chuyển từ nuôi lợn sang nuôi dê theo hình thức chăn nuôi tập trung, điển hình là Hợp tác xã Chăn nuôi Dê – Ong mật Hồng Kỳ, xã Hồng Kỳ, huyện Yên Thế, Bắc Giang.

Hiệu quả - ổn định

Là một trong những thành viên Hợp tác xã, anh Nông Văn Chiền cho biết, khoảng 5 năm trước, khi đang loay hoay tìm hướng chăn nuôi mới trong khi chăn nuôi lợn liên tục gặp hó khăn, tình cờ anh biết đến và nghiên cứu những mô hình chăn nuôi dê hiệu quả. Từ đó, anh Chiền quyết định bỏ chăn nuôi lợn, gà mà chuyển hẳn sang chăn nuôi dê thương phẩm. Hiệu quả kinh tế từ con dê mang lại khiến anh Chiền tự tin mở rộng chuồng trại và tăng quy mô đàn.

So với nuôi lợn, gà thì con dê tốn ít công chăm sóc, bởi dê là con vật ăn tạp nên có thể tận dụng được nguồn thức ăn phong phú quanh nhà và hiếm khi mắc bệnh. Hàng năm, anh Chiền luôn tìm mua những con dê có trọng lượng từ 15- 20 kg về nuôi. Sau 3 - 4 tháng nuôi, dê tăng khoảng 12 - 15 kg, đạt từ 30 kg trở lên thì xuất bán. Với giá bán hiện tại là 158.000 đồng/kg, tính ra, mỗi con dê cho lãi 1,5- 2 triệu đồng tùy thời giá. Cứ quay vòng một năm xuất chuồng được khoảng 200 con dê thương phẩm, anh có thu nhập từ 300- 400 triệu đồng/năm. Đây là mức thu nhập mà nhiều hộ gia đình làm nông nghiệp mơ ước.

Anh Nông Văn Chiền chăm sóc đàn dê của gia đình

Cùng ở thôn Trại Hồng, ông Long Văn Chỉ chia sẻ, chăn nuôi dê hiệu quả và ổn định nhưng để nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả cao, ngoài am hiểu đặc điểm của loài dê thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi dê rất quan trọng, từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Do đặc tính dê thích sống ở những nơi cao ráo, thoáng mát, chuồng trại nên xây dựng ở hướng đông và đông nam để đảm bảo chuồng trại ấm áp vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè. Lưu ý chuồng nuôi không nên xây dựng quá gần nhà vì sẽ làm ô nhiễm môi trường sống của gia đình hoặc không quá xa nhà vì sẽ khó chăm sóc và quản lý đàn dê. Sàn chuồng chính là nơi sinh hoạt chính của dê nên bà con cần phải sử dụng các vật liệu cứng bền như gỗ và làm sàn cao hơn mặt đất khoảng 40 – 60 cm. Các thanh lót chuồng phải được làm đều nhẵn và thẳng, có khe hở chỉ rộng khoảng 1,2 – 1,5cm bảo đảm cho phân và nước thải dê lọt xuống, không nên làm khe hở quá rộng vì sẽ làm cho dê bị kẹt chân…

Nuôi dê không quá vất vả do sức đề kháng của dê rất cao, ít bệnh, định kỳ tẩy giun sán và tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm cho dê. Đồng thời, muốn phát triển đàn dê cần phải nuôi theo hình thức nhốt chuồng, không thả rông để tránh lây lan dịch bệnh và có thể kiểm soát được nguồn thức ăn cho dê.

Liên kết cùng phát triển

Cũng theo ông Long Văn Chỉ, những năm trước, do hoàn toàn phụ thuộc thương lái nên đầu ra không ổn định, giá bán dê thương phẩm thường ở mức thấp. Nhưng gần đây, các hộ nuôi dê đã liên kết lại thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi Dê – Ong mật Hồng Kỳ nên việc tiêu thụ được thuận lợi hơn. Nhờ đầu ra ổn định, giá cả tương đối tốt nên chăn nuôi dê ở Yên Thế đang rất phát triển. Nhiều gia đình đã mở rộng quy mô chăn nuôi và giàu lên từ con vật này.

Ông Nông Trần Hiên - Trưởng thôn Trại Hồng - Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Dê - Ong mật Hồng Kỳ nói: “Hợp tác xã được thành lập tháng 5 năm 2019 với 30 thành viên. Tham gia vào Hợp tác xã các hộ chăn nuôi dê được trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi cũng như cách phòng, trị bệnh cho đàn dê... Đặc biệt, các hộ chăn nuôi luôn ổn định về tiêu thụ sản phẩm, không lo bị thương lái ép giá bởi giá bán được các thành viên trong Hợp tác xã thông báo theo tuần”.

Để hỗ trợ người dân chăn nuôi dê phát triển bền vững, trong những năm qua huyện Yên Thế xây dựng đề án phát triển đàn dê thương phẩm, gắn với xây dựng nhãn hiệu chứng nhận Dê Yên Thế. Nhằm nâng cao chất lượng đàn dê giống, tăng quy mô tổng đàn và nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn từng bước hình thành vùng sản xuất dê hàng hóa; hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và chế biến sản phẩm tiến tới xây dựng thành công Nhãn hiệu chứng nhận Dê Yên Thế.

Được biết, Hợp tác xã Chăn nuôi Dê - Ong mật Hồng Kỳ đang phối hợp với Hội Nông dân xã Tân Sỏi và các xã trên địa bàn huyện mở rộng quy mô và thành viên tham gia hợp tác xã nhằm khuyến khích và phát triển, giúp người dân các địa phương phát triển kinh tế và làm giàu chính đáng.

Hương Giang - Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang

Vĩnh Phúc: Chăn nuôi bò sữa tăng trưởng ấn tượng

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc

Với việc thực hiện tốt liên kết sản xuất giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, số lượng bò sữa của tỉnh có sự tăng trưởng ấn tượng, từ 10.700 con thời điểm cuối năm 2018, đến nay, tổng đàn bò sữa đạt khoảng 12.000 con, mức tăng trưởng trên 12%, đạt 100% kế hoạch đề ra năm 2019.

Chăn nuôi bò sữa đem lại nguồn thu nhập khá cho các hộ chăn nuôi ở xã Đồng Cương (Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc)

Hiện nay, các cơ sở chăn nuôi bò sữa chủ yếu tập trung ở huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch và Tam Đảo. Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất sữa nguyên liệu cung cấp cho các hãng sữa lớn như: Vinamilk, Cô gái Hà Lan,... Một số cơ sở đã dần chuyển hướng sang chế biến các sản phẩm từ sữa bò nhằm nâng cao giá trị. Điển hình như Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, xã Bồ Lý (Tam Đảo) đã sản xuất được sản phẩm mang thương hiệu riêng, nhiều người tiêu dùng trong tỉnh và một số tỉnh lân cận tin dùng.

Tận dụng những điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng và sự hỗ trợ đắc lực từ các chính sách thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, chăn nuôi bò sữa của tỉnh hứa hẹn sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Tin, ảnh Chu Kiều

Giúp nhau thoát nghèo từ mô hình nuôi thỏ

Nguồn tin: Báo Quảng Bình

Những năm gần đây, một số nông dân tại xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đã mạnh dạn đưa các loại cây, con giống mới về trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế, đem lại thu nhập, từng bước nâng cao đời sống và góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Trong đó, mô hình nuôi thỏ là một ví dụ điển hình.

Đến thôn Tân Lực, xã Tân Thủy không khó để tìm được trang trại muôi thỏ của anh Nguyễn Danh Hiếu. Năm 2014, nhờ học được phương pháp nuôi thỏ từ các phương tiện thông tin đại chúng, anh đã đầu tư chuồng trại để thực hiện mô hình nuôi thỏ.

Đến nay sau, hơn 5 năm, trang trại của anh đã có trên 2.000 con thỏ, chủ yếu là thỏ mắt hồng New Zealand, trong đó có hơn 300 cặp thỏ sinh sản. Nhờ có kiến thức, thực hiện nuôi theo chu trình khép kín, từ khâu con giống đến khi xuất bán, lại biết cách chủ động phòng, chống dịch bệnh, nên đàn thỏ của anh phát triển tốt.

Ngoài bán thỏ con, thỏ thịt, anh còn bán thỏ giống cho thương lái trong và ngoài tỉnh. Tùy theo lượng thỏ bán ra, mỗi tháng sau khi trừ chi phí, anh còn lãi trên 10 triệu đồng.

Nuôi thỏ giúp nhiều hộ nông dân xã Tân Thủy tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Anh Hiếu cho biết: “Thỏ là loại gặm nhấm rất ít bị dịch bệnh và dễ nuôi. Có thể tận dụng nguồn thức ăn rau, cỏ tại chỗ, kết hợp với cám, ngô. Sau khi nuôi từ 3 đến 3,5 tháng, thỏ đạt trọng lượng từ 2 đến 2,5 kg và có thể xuất bán với giá bình quân 70-80 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi từ 50-60 nghìn đồng/con.

Đặc biệt, thỏ đến tuổi sinh sản cứ sau 30-35 ngày sẽ đẻ một lứa, mỗi lứa trung bình từ 7-8 con. Điều quan trọng nhất khi nuôi thỏ là chuồng trại phải sạch sẽ, khô ráo. Đồng thời, người nuôi phải chú ý tách thỏ mới sinh với thỏ mẹ để bảo đảm môi trường sạch sẽ cho thỏ con; tiêm phòng đúng giai đoạn; giữ ấm chuồng trại về mùa đông, thoáng mát trong mùa hè…”.

Tiếng lành đồn xa, mô hình nuôi thỏ của anh Hiếu đã được nhiều tổ chức, cá nhân tới thăm quan học tập kinh nghiệm và mua giống. Hội Nông dân huyện và các cơ sở hội đã chủ động đưa hội viên tới tham quan, học tập kinh nghiệm. Nuôi thỏ đã mang lại cho anh một cuộc sống khá giả với thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.

Tương tự, với trên diện tích gần 50m2, gia đình anh Trần Hữu Toản, thôn Tân Thái, xã Tân Thủy cũng đã xây dựng khu chuồng trại với các ô nuôi thỏ. Để dễ quản lý và chăm sóc, trên mỗi ô, anh đều đánh dấu theo dõi thời gian sinh trưởng, phát triển của thỏ. Hàng ngày, anh vệ sinh chuồng trại để tạo môi trường thông thoáng, sạch sẽ. Nhờ đó, đàn thỏ phát triển rất tốt.

Anh Toản cho biết: "Lúc đầu, do chưa có kinh nghiệm, cũng như chưa biết đầu ra như thế nào nên gia đình tôi chỉ mua 2 cặp thỏ giống. Thấy thỏ dễ nuôi, phát triển tốt lại hút hàng nên gia đình tôi mạnh dạn mua thêm 7 cặp thỏ giống về chăn nuôi. Từ ngày nuôi thỏ đến nay, kinh tế gia đình tôi chuyển biến rõ rệt”. Với mức giá bán 70.000-80.000 đồng/kg đối với thỏ thịt, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình ông có được khoản thu nhập đáng kể.

Với nhiều ưu điểm, như: dễ nuôi, có chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao, ít dịch bệnh, thị trường tiêu thụ rộng, nghề nuôi thỏ được nhiều nông dân trên địa bàn xã Tân Thủy triển khai để phát triển kinh tế gia đình.

Anh Dương Đức Hoãn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thủy cho biết, thời gian qua, xã đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân trên địa bàn tận dụng tối đa các điều kiện về đất đai, khí hậu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Trong đó, mô hình nuôi thỏ bước đầu đã góp phần tăng thêm thu nhập cho nhân dân. Nếu giá cả thị trường tiếp tục ổn định, nuôi thỏ sẽ giúp bà con xóa nghèo, làm giàu hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, theo dõi tiêm phòng dịch bệnh cho đàn thỏ thường xuyên được xã quan tâm.

Hiện nay, trong khi các loại vật nuôi khác đang gặp khó khăn về dịch bệnh, đầu ra thì mô hình nuôi thỏ đã và đang mở ra hướng đi mới cho nhiều nông dân trên địa bàn xã, qua đó, góp phần mở rộng loại hình chăn nuôi, tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân, từng bước xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Tuy nhiên, để nuôi thỏ đạt được thành công, thực sự là hướng đi đúng, ngoài đầu tư mở rộng quy mô nuôi thỏ, việc tìm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm cần được các hộ nông dân tính toán kỹ lưỡng.

Phạm Hà

Hiếu Giang tổng hợp

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop