Cây nho bén rễ trên đất Châu Thành
Nguồn tin: Báo Long An
Giữa những ruộng thanh long bạt ngàn của vùng đất Châu Thành, tỉnh Long An khu vườn nho của anh Lữ Hoàng Phúc (SN 1994) ở xã Bình Quới nổi lên như một "điểm nhấn". Mấy ngày nay, vườn nho thu hút nhiều người đến tham quan, trải nghiệm.
Vườn nho là tâm huyết về ước mơ làm nông của anh Lữ Hoàng Phúc (xã Bình Quới, huyện Châu Thành)
Sinh ra trong gia đình nhà giáo, anh Phúc từng có ý định tiếp nối cha mẹ nhưng tình yêu với nông nghiệp thôi thúc anh rẽ sang một hướng đi khác. Nhớ lại những ngày còn thực tập, anh kể lại với niềm hứng khởi: “Tôi thường tìm hiểu các loại cây trồng trên Internet và một lần tình cờ thấy hình ảnh giàn nho xanh mướt, tôi bị thu hút hoàn toàn và suy nghĩ sẽ trồng một vườn nho như thế”.
Không nản lòng, anh kiên trì gia cố giàn, thiết kế giá đỡ bằng sắt thép để cố định dây leo, phủ màng che áp sát giàn rồi dùng dây buộc chặt vào giàn, đào rãnh thoát nước và lắp đặt hệ thống tưới tiêu tự động cho vườn.
Sau hơn một năm rưỡi, anh Phúc thu hoạch 2 đợt nho, đánh dấu thành công bước đầu của một nông dân trẻ. Đợt đầu, anh thu hoạch hơn 200kg nho và đợt hai dự kiến gần 400kg.
Trên diện tích 1.500m², anh trồng nhiều giống nho như nho tím cổ, nho kẹo, nho jasmine,... Mỗi giống nho đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc riêng, từ ánh sáng, độ ẩm đến cắt tỉa và thời gian thu hoạch.
Chị Quỳnh Như - vợ anh Phúc, chia sẻ: “Khi chồng quyết định thử nghiệm trồng nho, tôi thật sự bất ngờ. Tôi biết anh ấy đam mê nông nghiệp nhưng không nghĩ anh sẽ biến những video trên YouTube thành hiện thực ngay tại vườn nhà mình. Dù gặp nhiều khó khăn, tôi luôn động viên anh bởi tôi muốn anh có cơ hội theo đuổi ước mơ của mình”.
Cán bộ Khuyến nông, Thú y xã Bình Quới - Nguyễn Thanh Duy cho biết: “Bên cạnh thanh long là cây trồng chủ lực, người dân địa phương không ngừng đổi mới với cây ăn trái khác. Dù khởi đầu từ những ý tưởng tự phát nhưng mô hình trồng nho của anh Phúc đang mang lại kết quả khả quan. Bên cạnh đó, tổ khuyến nông sẽ hỗ trợ về hệ thống tưới nước. Thời gian tới, xã tập trung chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng nông sản, tạo nhiều mô hình mới cho nông dân phát triển sản xuất"./.
P.Thảo - Cao Tâm - Nguyễn Xuyến
Thanh long rớt giá, người trồng lại thua lỗ
Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
3 tháng qua, giá thanh long luôn ở mức thấp khiến nông dân lo lắng khi chuẩn bị cho vụ mới.
Bà con nông dân huyện Xuyên Mộc chăm sóc thanh long.
Theo bà con nông dân huyện Xuyên Mộc, địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thời điểm chính vụ thanh long (từ tháng 6 đến tháng 10), giá bán liên tục giảm và hiện đang ở mức 4.000 đồng/kg loại 1 và 2.000 đồng/kg loại 2. Mức giá thấp hơn giá thành sản xuất khiến nông dân thua lỗ.
Toàn tỉnh hiện có hơn 700ha thanh long. Hầu hết trong số này đang trong giai đoạn cho sản phẩm, ước mỗi lứa khoảng 21 ngàn tấn. Thời gian qua, đầu ra của loại nông sản này phụ thuộc vào thị trường tiểu ngạch Trung Quốc nên giá thành luôn bấp bênh.
Tin, ảnh: VÂN ANH - Á PHƯƠNG
Chủ động khắc phục tình trạng suy thoái cây ăn quả có múi
Nguồn tin: Nhân Dân
Nhiều năm qua, trồng cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi...) là hướng phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao ở nhiều địa phương trong cả nước. Việc trồng loại cây này đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng suy thoái vườn cây có múi đang diễn ra ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng loại cây này.
Người dân tỉnh Hòa Bình thu hoạch cam.
Cây có múi là cây ăn quả phổ biến, có mặt trong sản xuất tại khắp các vùng, địa phương trong cả nước. Đến nay, diện tích cây có múi đạt khoảng 256 nghìn ha với sản lượng khoảng 3,78 triệu tấn, chiếm khoảng 27% tổng sản lượng cây ăn quả cả nước; trong đó cam, bưởi là hai loại cây trồng nhiều nhất. Nông dân đã chủ động ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất; một số địa phương đã quy hoạch các vùng trồng cây có múi theo hướng hàng hóa, tập trung; chủ động đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, mở rộng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.
Theo Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Mạnh: “Thời gian gần đây, tình trạng suy thoái cây có múi đang xảy ra khá nghiêm trọng tại nhiều địa phương. Qua tổng hợp ở 20 địa phương (Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Nghệ An…), diện tích cây có múi bị suy thoái hơn 16,5 nghìn ha”.
Nguyên nhân là do biến động của thị trường tiêu thụ, giá bán giảm cho nên vườn cây không được đầu tư thâm canh; một số địa phương để xảy ra tình trạng phát triển cây có múi ngoài vùng quy hoạch đã được phê duyệt; một số diện tích trồng mới không đủ điều kiện về đất đai, nguồn nước để sản xuất gây tăng chi phí đầu tư, dẫn đến cây được chăm sóc kém, suy thoái nhanh. Quá trình canh tác lâu năm, người trồng sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc hóa học, phân chuồng chưa được xử lý đầy đủ... dẫn đến đất bị chai cứng, cây khó hấp thụ dinh dưỡng; sâu, bệnh gây hại xuất hiện tại nhiều vùng trồng.
Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, theo thống kê diện tích cây ăn quả có múi đạt 10.091 ha; trong đó diện tích cam 3.810 ha, bưởi 5.668 ha, quýt 380 ha... Giai đoạn từ năm 2018 đến 2021, diện tích cây ăn quả có múi bị suy thoái diễn ra mạnh; trong đó, năm 2021 diện tích cây có múi bị suy thoái phải cải tạo và trồng mới lại khoảng 1.500 ha.
Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, mức độ suy thoái đã giảm nhiều. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Phong Bùi Văn Dán: Từ nhiều năm qua, cây ăn quả có múi mang lại hiệu quả cao cho người dân trên địa bàn. Nhiều gia đình đã làm giàu từ loại cây này, có thời điểm mỗi ha đạt hàng tỷ đồng/năm. Nếu trước đây, diện tích trồng cam của huyện còn ít, thì từ khi được cấp chỉ dẫn địa lý năm 2014, diện tích tăng lên hơn 3.000 ha vào năm 2019.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Vương Đắc Hùng cho biết: “Để khắc phục tình trạng này, tỉnh đã hỗ trợ nguồn giống cây ăn quả có múi chất lượng cao, sạch bệnh để trồng tái canh trên địa bàn huyện Cao Phong. Hiện nay địa phương đang triển khai các thủ tục hỗ trợ cây giống cam với diện tích 42,306 ha cho 115 hộ dân đăng ký trồng trong năm 2024. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh phổ biến áp dụng đồng bộ quy trình tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh”.
Nhằm khắc phục tình trạng này, Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Quốc Mạnh cho rằng: “Thời gian tới, các địa phương và người dân cần hạn chế tối đa tình trạng gia tăng diện tích, phát triển nóng “theo phong trào” đối với cây cam, bưởi, nhất là tại các vùng không phù hợp. Cần tiếp tục rà soát các vùng sản xuất cam, bưởi hàng hóa theo định hướng phát triển tập trung, tại các vùng có điều kiện sinh thái phù hợp, có khả năng đầu tư thâm canh”.
Các chuyên gia khuyến cáo: Đối với diện tích trồng phân tán, tại các vùng không phù hợp, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả hơn; tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu chọn tạo, phát triển các giống cây có múi mới, có năng suất, chất lượng, không hạt hoặc có ít hạt, rải vụ thu hoạch, thích ứng biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh... để kịp thời bổ sung cho sản xuất.
Đồng thời, các địa phương cần quản lý sản xuất, kinh doanh, sử dụng giống cây có múi chất lượng, sạch bệnh; khuyến cáo nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, các biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại; khắc phục, giảm thiểu tình trạng canh tác thiếu bền vững, lạm dụng sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Các đơn vị chức năng cần ưu tiên nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây có múi vùng tập trung theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, cải thiện năng suất, chất lượng, mẫu mã và bảo đảm an toàn thực phẩm; thực hiện quy trình kỹ thuật xử lý ra hoa, đậu quả, rải vụ thu hoạch và phòng trừ sâu, bệnh hại trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Bài và ảnh: HÂN HẢO
Giá sầu riêng tăng cao trở lại
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang
Những ngày gần đây, giá sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã tăng cao trở lại.
Giá sầu riêng những ngày qua liên tục tăng.
Ghi nhận vào ngày 24/10, giá sầu riêng trên địa bàn tỉnh tiếp tục có xu hướng tăng nhẹ so với những ngày trước. Tại khu vực huyện Cai Lậy, nhiều vựa nông sản thu mua sầu riêng Monthong (Thái) loại A với giá dao động từ 140.000 - 143.000 đồng/kg (2,7 hộc, từ 1,9 - 5kg); loại B có giá 120.000 - 123.000 đồng/kg (2,5 hộc, từ 1,8 - 5,5kg). Sầu riêng Ri 6 loại A có giá 120.000 - 123.000 đồng/kg (2,7 hộc, từ 1,9 - 5kg); loại B có giá từ 105.000 - 108.000 đồng/kg (2,5 hộc, từ 1,8 - 5,5kg). Tại khu vực Cái Bè, các vựa trái cây, doanh nghiệp cũng thu mua sầu riêng với giá tương đương.
Dù giá sầu riêng tăng cao, nhưng hiện nguồn cung khá hạn, chế. Ông Nguyễn Văn Gia Bảo, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Huỳnh Nương (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) cho biết, những ngày qua, giá sầu riêng đang tăng là do không có hàng. Công ty thu gom hàng, nhưng không có, lâu lâu mới được vài tấn. Mọi năm, thời điểm này, nhà vườn đã có thu hoạch sầu riêng lai rai. Song năm nay, rất ít nhà vườn có sầu riêng để bán. Dự kiến, đến tháng 11/2024, sầu riêng mới có hàng trở lại nhiều.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến cuối năm 2023, diện tích sầu riêng của tỉnh là 21.790 ha. Trong đó, diện tích cho sản phẩm là 14.915ha, sản lượng đạt hơn 386 ngàn tấn, tập trung chủ yếu tại huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè và thị xã Cai Lậy. Hiện toàn tỉnh có 155 mã số vùng trồng sầu riêng được cấp mã với diện tích hơn 6.927 ha và 66 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng. Đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận 266 hồ sơ vùng trồng sầu riêng, trong đó có 111 hồ sơ chờ Trung Quốc phê duyệt với diện tích hơn 4.700 ha. Kể từ khi Nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 11/7/2022, giá loại trái này trên địa bàn tỉnh hầu như duy trì ở mức cao, giúp nông dân thu lợi nhuận lớn.
T. Đạt
Trồng sen lấy củ - Hướng đi hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Nguồn tin: Báo Sóc Trăng
Sen là một trong những loại cây dễ trồng và sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, như: hoa trang trí, tạo vẻ đẹp cho cảnh quan, làm thực phẩm, dược phẩm… Hiện nhiều hộ nông dân ở Phường 7, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) thực hiện chuyển từ trồng lúa sang trồng sen để lấy củ, lấy hạt, lấy gương, lấy hoa... Trong đó, trồng sen lấy củ đang phát triển vì mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ chăm sóc, có thị trường tiêu thụ ổn định.
Mô hình trồng sen lấy củ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên nông dân ở Phường 7, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng). Ảnh: HUỲNH NHƯ
Tại Phường 7, thành phố Sóc Trăng, những năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân chuyển từ trồng lúa sang trồng sen lấy củ. Thời điểm này là mùa vụ thu hoạch củ sen. Mỗi buổi sáng sớm, gia đình anh Trần Văn Hiệp, Phường 7 lại ra ruộng đào củ sen để bán cho khách hàng. Trước đây, gia đình anh Hiệp chủ yếu trồng lúa, nhưng do ruộng trũng nên năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém, nên sau khi tìm hiểu, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về mô hình trồng sen lấy củ, anh Hiệp quyết định chuyển sang mô hình này với diện tích trên 20 hecta. Sau khoảng 4 tháng chăm sóc, ruộng sen cho thu hoạch củ, giá bán trung bình 20.000 - 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi hơn 10 triệu đồng/1.000m2, thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa. Ngoài nguồn thu chính từ bán củ sen, anh Hiệp còn có thêm thu nhập từ bán sen giống và gương sen.
Ông Trần Quang Thái - Chủ tịch Hội Nông dân Phường 7, thành phố Sóc Trăng cho biết: “Trước tình hình phát triển đô thị của thành phố, đất sản xuất nông nghiệp đang có xu hướng giảm nhanh do tốc độ đô thị hóa, diện tích đất sản xuất phân tán, manh mún. Việc sản xuất theo tập quán, thói quen nay đã không mang lại hiệu quả cao mà còn gây ô nhiễm. Việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tạo ra sản phẩm không an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng. Do đó, để thích ứng điều kiện thực tế hiện nay, cũng như thực hiện theo Kế hoạch số 36/KH-UBND, ngày 17/3/2021 của UBND thành phố về phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ, công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố Sóc Trăng, qua khảo sát thì nhận thấy tại Khóm 2, Phường 7, các hộ nông dân trồng sen lấy củ cần phải hình thành vùng sản xuất màu chuyên canh để nâng chất lượng cũng như giá thành. Hội đã mạnh dạn làm cầu nối vận động các hộ thành lập “Tổ hợp tác trồng sen lấy củ” để các thành viên trong tổ được cung cấp thông tin về kỹ thuật canh tác, thị trường, chính sách và học hỏi kinh nghiệm từ các thành viên với nhau, cũng như có tiếng nói chung trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm”.
Có thể nói, mô hình trồng sen lấy củ là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với vùng đất trũng canh tác lúa kém hiệu quả, nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Từ kinh nghiệm trồng sen của các hộ nông dân, địa phương cần nghiên cứu quy hoạch vùng trồng sen thích hợp, có phương án hỗ trợ nông dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để tăng lợi nhuận cho người trồng, đưa mô hình trồng sen lấy củ trở thành mô hình sản xuất bền vững.
HUỲNH NHƯ
Thừa Thiên Huế: Hướng đi mới từ trồng rau thủy canh ở Thủy Lương
Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế
Trong xu hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tuần hoàn, phường Thủy Lương (Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) chú trọng đến mô hình trồng rau, củ quả thủy canh trong nhà lưới.
Gian hàng rau thủy canh của Thủy Lương
Người dân Thủy Lương có truyền thống sản xuất nông nghiệp như trồng lúa, rau màu. Những năm gần đây, chính quyền địa phương thường xuyên định hướng, hướng dẫn nông dân chuyển đổi mô hình trồng lúa, rau màu truyền thống sang phương thức an toàn, VietGAP với các giống mới, tạo ra sản phẩm chất lượng cao.
Tiên phong trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phương thức sản xuất tiên tiến là ông Ngô Xuân Phước, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp thủy canh Huế ở tổ 3, phường Thủy Lương. Từ năm 2023, trên diện tích 1.000m2, ông Phước đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng nhà lưới, nhà màng, các thiết bị máy móc, công nghệ để trồng rau, củ, quả thủy canh với các loại rau như cải, xà lách, mồng tơi, rau muống, cà chua, dưa lưới…
Lợi thế lớn đối với mô hình trồng rau, quả thủy canh công nghệ cao là tốc độ sinh trưởng của cây trồng nhanh hơn so với phương thức canh tác truyền thống. Quá trình sản xuất, chăm trồng không phun thuốc trừ sâu, không sử dụng phân bón hóa học, không sử dụng chất kích thích sinh trưởng… nên tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, hữu cơ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng ngày càng khắt khe. Một lợi thế của trồng rau thủy canh công nghệ cao là trên diện tích nhỏ có thể tận dụng tối đa để canh tác nhiều loại cây trồng khác nhau, giúp người trồng tăng thu nhập.
Sau hơn một năm trồng rau theo mô hình công nghệ cao này cho thấy, hiệu quả từ việc trồng rau, quả thủy canh mang lại hiệu quả như mong đợi. Bình quân mỗi ngày, ông Phước thu hoạch khoảng 30-40kg rau, quả các loại; với giá hiện nay dao động 30-40 nghìn đồng/kg, ước thu nhập 1-1,5 triệu đồng/ngày. Đây là nguồn thu khá lớn đối với mô hình sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thể tính lãi, do vốn đầu tư ban đầu rất lớn, hơn 3 tỷ đồng.
Ông Ngô Xuân Phước chia sẻ, bên cạnh những lợi thế thì mô hình trồng rau, củ, quả thủy canh cũng gặp những khó khăn, bất lợi nhất định. Thời tiết ở địa phương không ổn định, mưa lũ, nắng nóng thất thường làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả sản xuất cây trồng. Nguồn vốn đầu tư mô hình công nghệ cao rất lớn, đòi hỏi hợp tác xã, người dân phải có dòng tiền để duy trì, phát triển sản xuất và tốc độ thu hồi vốn khá chậm. Người lao động phục vụ mô hình nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi phải qua đào tạo bài bản, có tay nghề tốt, trong khi đa số lao động khu vực nông nghiệp hầu như chưa qua đào tạo, chủ yếu họ vẫn sản xuất, nuôi trồng theo kiểu truyền thống nên khó ứng dụng các mô hình công nghệ cao.
Sản phẩm từ mô hình nông nghiệp thủy canh, an toàn và hữu cơ tuy góp mặt trên thị trường trên địa bàn tỉnh từ mấy năm nay, nhưng vẫn còn khá mới đối với nhiều người tiêu dùng. Đây là khó khăn lớn trong tiêu thụ sản phẩm hiện nay đối với hợp tác xã và nhiều đơn vị nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND phường Thủy Lương, ông Nguyễn Minh Công thông tin, tiềm năng trồng rau, củ, quả trên địa bàn phường khá lớn. Một bộ phận người dân có cuộc sống ổn định một phần nhờ trồng rau. Đến thời điểm này, toàn phường có gần 13ha trồng rau các loại, phần lớn trồng theo phương thức truyền thống là chính. Tuy nhiên, trước yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm của thị trường, chính quyền địa phương đang định hướng, vận động người dân chuyển sang trồng rau an toàn, theo hướng hữu cơ. Địa phương luôn tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, đặc biệt là giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, xây dựng thương hiệu, kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả thủy canh.
Bài, ảnh: Hoàng Thế
Nông dân chuẩn bị trái cây, rau màu phục vụ tết
Nguồn tin: Báo Long An
Thời điểm này, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Long An bắt đầu chuẩn bị rau màu, trái cây phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Họ liên tục cập nhật tình hình thị trường để cân đối diện tích, số lượng gieo trồng và có ý thức trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh nông sản.
Hàng năm, anh Phan Minh Vũ (ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) chủ động xử lý kỹ thuật để vừa bán khóm chưng tết, vừa bán khóm thường
Chuẩn bị “vào mùa”
Chị Nguyễn Kiều Hồng Huế (xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) có kinh nghiệm trồng rau 8 năm. Trên diện tích 3.500m2, chị trồng rau húng, hành và quế. Hiện tại, giá rau húng từ 50.000-60.000 đồng/kg, mang lại lợi nhuận cao.
Gần tết, thời tiết phù hợp nên rau sinh trưởng nhanh, không cần phân bón, thuốc vẫn tươi tốt nên sản lượng tăng. Trong quá trình sản xuất, chị Huế không ngừng học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ người đi trước, tham gia tập huấn, nhất là các lớp ứng dụng công nghệ cao.
Mỗi năm, chị dành một phần diện tích để trồng hoa và dưa hấu bán dịp tết. Chị dự tính khoảng 15 ngày nữa sẽ ươm cây giống. Với 300-400 chậu vạn thọ, cúc, chị Huế có lợi nhuận gần 30 triệu đồng. Chị đang ủ phân để chuẩn bị trồng hoa. Chị ứng dụng kiến thức được tập huấn vào việc ủ và phối trộn tỷ lệ các thành phần (phân gà, xơ dừa,...) cho phù hợp, hiệu quả. Chỉ vào đám rau vừa mới cắt, chị Huế cho biết: “Tôi đang rải phân đám rau này, cắt đợt nữa là dọn đất để trồng hoa”.
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc, diện tích trồng rau được gieo trồng luân phiên trên địa bàn huyện khoảng 1.400-1.700ha. Phòng phối hợp tổ chức tập huấn triển khai thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành Nông nghiệp và thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất bằng nhựa trong sản xuất nông nghiệp nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn nông sản,...
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Trụ đề ra kế hoạch thực hiện phục vụ nhu cầu trái cây, rau màu, dưa hấu trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Diện tích một số loại cây trồng phục vụ tết như dưa hấu 60ha, dự kiến sản lượng 1.100 tấn; rau màu các loại 80ha, dự kiến sản lượng 1.400 tấn; thanh long 150ha xông đèn ra hoa trái vụ, dự kiến sản lượng 1.350 tấn; bưởi 52,8ha, dự kiến sản lượng 620 tấn;...
Anh Đặng Hùng Lực (ấp Thạnh Lợi, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ) có hơn 30 năm kinh nghiệm trồng dưa hấu. Anh vừa thu hoạch ruộng dưa hấu 4.000m2. Để chuẩn bị cho vụ tết, anh cuốn dây, dọn, xử lý đất, chuẩn bị cây giống,... Theo anh Lực, trồng dưa hấu thu nhập cao hơn lúa, mỗi 1.000m2 dưa hấu nếu trúng mùa, được giá, nông dân có lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng/mùa. Ngoài ra, anh còn hơn 7.000m2 rau màu các loại.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Nguyễn Thị Hồng Châu: Hiện nay, các hộ nông dân, hợp tác xã, cơ sở trồng hoa lan, cây kiểng tập trung chăm sóc chuẩn bị tết. Huyện chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên rau và tôm”.
Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi (huyện Bến Lức) - Lê Anh Kiệt: Thời gian tới, UBND xã sẽ theo dõi tình hình thời tiết để có kế hoạch ứng phó và xử lý tình huống phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, đặc biệt là cây chanh. Xã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân sản xuất an toàn, hiệu quả nhằm bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, tăng thu nhập cho nông dân và nâng tầm thương hiệu cây trồng địa phương, nhất là chanh và khóm”.
Sản xuất theo tình hình thị trường
Anh Trần Văn Hòa (ấp Phú Xuân 2, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Hiện anh có hơn 2.000 trụ thanh long, 500 gốc chanh (300 gốc đang cho trái), 500 gốc ổi (300 gốc đang cho trái), tổng diện tích 3 loại cây hơn 2ha.
Trước đây, anh trồng nếp, khi phong trào trồng thanh long ở huyện Châu Thành có hiệu quả thì anh chuyển sang loại cây này. Nhờ cần cù, chăm chỉ nên kinh tế gia đình anh ngày càng đi lên. Hàng năm, vào thời điểm này, anh chuẩn bị một số công đoạn cho vụ tết như cắt tàn, tỉa nhánh, xông đèn,...
Anh Hòa là nông dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng của xã Phú Ngãi Trị. Nhận thấy lượng thanh long trên thị trường quá nhiều, giá cả bấp bênh, anh và vợ (chị Lương Thị Hà) phá một phần diện tích thanh long và mang cây chanh từ xã Lương Bình (huyện Bến Lức) về trồng. Ngoài ra, anh còn trồng thêm ổi. Hiện tại, gia đình anh Hòa có nhiều nguồn thu, không quá lệ thuộc vào thanh long.
Thông tin từ Hội Nông dân xã Phú Ngãi Trị, tổng diện tích thanh long trên địa bàn xã là 484,5ha, giảm 167ha do chuyển đổi sang một số cây trồng khác. Địa bàn xã có 13 tổ hợp tác, trong đó có 2 tổ được chứng nhận VietGAP. Nông dân xã được tỉnh, huyện hỗ trợ thông qua Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thu nhập tương đối ổn định. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản của nông dân còn gặp khó khăn do “được mùa, rớt giá”.
Anh Phan Minh Vũ (ấp 4, xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức) có kinh nghiệm trồng khóm gần 20 năm. Theo anh, khóm là cây trồng đặc trưng của nông nghiệp Bến Lức. Cây khóm chịu phèn, đất càng phèn, khóm càng ngọt. Do đó, nông dân trồng vài năm phải làm đất lại để “dậy phèn”. Sau khi trồng gần 1 năm, nông dân xử lý kích trái lần đầu. Từ ngày xử lý trái đến thu hoạch là 4 tháng 10 ngày. Sau thu hoạch 2-2,5 tháng có thể xử lý kích trái lần 2. Thời gian sinh trưởng của bụi khóm khoảng 4 năm. Gần 20 năm qua, năm nào anh Vũ cũng có lãi.
Những năm trước, anh Vũ xử lý kỹ thuật để vừa có khóm chưng tết, vừa có khóm thường. Nhưng năm nay, nhận thấy thị trường không ổn định nên anh tập trung vào khóm thường. Để chuẩn bị cho vụ khóm tết, từ 20/8 Âm lịch, anh Vũ xử lý kích trái. Ngoài ra, anh còn trồng hơn 2ha chanh, mang lại thu nhập khá. Thông tin từ UBND xã Thạnh Lợi, hiện toàn xã có 1.925ha chanh, 355ha khóm (nhiều nhất huyện).
Nhờ có kinh nghiệm lâu năm và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng mà tình hình sản xuất của nhiều nông dân khá thuận lợi. Chuẩn bị rau màu, trái cây cho thị trường tết là việc làm thường niên, nông dân ngày càng chú trọng bảo đảm vệ sinh, an toàn nông sản. Họ cũng nhạy bén hơn trong việc theo dõi thị trường nhằm đưa ra hướng sản xuất phù hợp./.
Châu Thanh
Nông dân lo mất mùa hồ tiêu
Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, hoa hồ tiêu bị rụng nhiều khiến tỷ lệ đậu trái thấp, nguy cơ mất mùa cao. Nhiều nông dân lo lắng vì hiện giá tiêu đang ở mức cao, nhưng lợi nhuận có thể giảm mạnh.
Ông Trần Văn Pháp chăm sóc vườn tiêu của gia đình.
Ông Trần Văn Pháp, ấp 1, xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, vườn tiêu diện tích 1,1ha của gia đình ông đang trong giai đoạn nuôi trái. Nếu năm ngoái, vườn tiêu cho thu hoạch gần 6 tấn, thì năm nay tỷ lệ đậu trái ước tính chỉ đạt khoảng 50%. Theo ông Pháp, vào thời điểm xử lý cho cây ra hoa, nắng gay gắt kéo dài và tình trạng khô hạn khiến cây ngừng phát triển đọt. Cây nào ra được hoa cũng bị rụng hàng loạt, làm tỷ lệ đậu trái rất thấp.
Tại huyện Châu Đức, tình trạng rụng trái cũng xảy ra ở nhiều vườn hồ tiêu. Ông Lê Tuấn Nin ở xã Bàu Chinh dự kiến thu hoạch khoảng 1,1 tấn từ 1,3ha tiêu, giảm khoảng 30% so với vụ trước. Nguyên nhân là do thời điểm bón phân gặp nắng, nhưng sau đó trời lại mưa liên tục khiến cây bị sốc nước, làm hoa bị rụng.
Theo phản ánh của bà con, hồ tiêu là loại cây nhạy cảm, dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết thất thường nên mất mùa thường xảy ra. Năm nay, mưa đến muộn, thời tiết khô nóng và độ ẩm thấp không thuận lợi cho hồ tiêu ra hoa.
Trước những biến động của thị trường hồ tiêu hiện nay, ngành nông nghiệp địa phương khuyến cáo người dân cần tập trung chăm sóc vườn tiêu khỏe mạnh, phòng trừ sâu bệnh để đảm bảo cây phát triển bền vững cho vụ tiếp theo. Những diện tích tiêu nhiễm bệnh và chết không nên tái canh mà nên chuyển sang trồng các loại cây khác phù hợp. Người trồng tiêu cũng cần nắm bắt thị trường để đầu tư hợp lý, tham gia các chuỗi liên kết với doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm sạch, chất lượng cao, nâng cao giá trị hồ tiêu Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU - Á PHƯƠNG
Chuyển đổi cây trồng hiệu quả
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm quy hoạch lại các vùng sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư liên kết bao tiêu, để giúp người dân phát triển kinh tế.
Nhiều hộ dân đã chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: T.TRÚC
Người dân tích cực chuyển đổi
Từ năm 2010 đến nay, bên cạnh thụ hưởng Đề án 1.000 của tỉnh, huyện Phụng Hiệp còn ban hành 3 nghị quyết liên quan đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó đã có khoảng 15.000 lượt nông dân tham gia với diện tích chuyển đổi hơn 9.000ha. Phần lớn người dân chuyển đổi vườn tạp, diện tích mía kém hiệu quả sang các loại cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao. Đến nay, huyện đã cơ bản quy hoạch xong 4 vùng sản xuất chính gồm: cây ăn trái, lúa, thủy sản và hoa màu.
Là một trong nhiều nông dân cụ thể hóa thành công chủ trương chuyển đổi của huyện phải kể đến trường hợp của ông Nguyễn Văn Sáu, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp. Từ 1ha lúa ban đầu chuyển sang cây sầu riêng, đến nay ông Sáu đã mở rộng được diện tích sầu riêng lên 5ha, trung bình mỗi năm ông cung ứng cho thị trường gần 100 tấn trái, thu về lợi nhuận hơn 5 tỉ đồng. Ông Sáu chia sẻ, trong các loại cây trồng, sầu riêng là loại cây cho giá trị kinh tế rất cao, nếu nắm vững kỹ thuật canh tác cây sẽ cho thu hoạch kéo dài nhiều năm nên đời sống của nhà vườn nhanh chóng được cải thiện và ổn định kéo dài.
Ông Sáu cho biết thêm: “Ấp Tân Thành này trước đây đa phần người dân canh tác lúa, nhưng hiệu quả không cao. Hiện nay, nhiều diện tích lúa được lên liếp chuyển sang trồng sầu riêng. Vì đây là loại cây trồng lâu năm và cho giá trị kinh tế rất cao, nhiều hộ ở khu vực này cũng đã vươn lên khá giàu nhờ loại cây trồng này”.
Công tác chuyển đổi cây trồng ở huyện Phụng Hiệp thời gian qua phát huy hiệu quả, ngoài chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự vượt khó của nông dân cũng có một trợ lực rất lớn từ các ngân hàng đồng hành cùng người dân. Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện, trong 9.000ha đất sản xuất kém hiệu quả được chuyển đổi thời gian qua thì tổng nguồn vốn cho công tác chuyển đổi cây trồng rất lớn, trong đó phải kể đến vốn tín dụng từ các ngân hàng. Theo đó, chính quyền địa phương sẽ là nơi bảo lãnh để người dân tiếp cập vốn. Tùy vào mô hình sản xuất mà bà con được tiếp cận nguồn vốn vay từ 20-100 triệu đồng để đầu tư cải tạo đất, mua cây giống và chi phí sản xuất cho những năm đầu chuyển đổi.
Ông Nguyễn Văn Túc, Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, cho biết: Thời gian qua, xã tích cực vận động người dân chuyển đổi cây trồng, qua đó đã vận động người dân chuyển đổi được hơn 150ha đất sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Thực hiện được điều này ngoài sự quyết tâm của người dân thì cũng có sự hỗ trợ tích cực từ các ngân hàng trên địa bàn huyện trong việc hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để người dân tiếp cận về để cải tạo đất, mua cây, con giống chuyển đổi.
Hiệu quả rõ rệt
Bằng định hướng và sự hỗ trợ kịp thời, trung bình mỗi năm huyện Phụng Hiệp có từ 700-1.000ha đất sản xuất kém hiệu quả được chuyển đổi. Từ một địa phương có hai loại cây trồng chủ lực là mía và lúa, đến nay toàn huyện có 20.000ha lúa, 3.000ha mía, gần 11.000ha cây ăn trái, 7.200ha hoa màu. 80% diện tích hiện đang cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp của huyện đạt gần 140 triệu đồng/năm, tăng gần 40 triệu đồng so với thời điểm chưa phát động phong trào chuyển đổi. Thu nhập bình quân của người dân trong huyện cũng được cải thiện nhanh, hiện đạt ở mức 58 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm còn 5,31%. Toàn huyện hiện có hơn 1.000 mô hình sản xuất cho lợi nhuận từ 100 triệu đến 1 tỉ đồng/năm, trong đó có 109 mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Thời gian qua công tác chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện nhận được sự quan tâm rất lớn từ lãnh đạo các cấp và sự hưởng ứng tích cực từ bà con nông dân. Không chỉ chuyển đổi từ những diện tích sản xuất kém hiệu quả mà nhiều hộ dân có điều kiện còn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào quá trình canh tác, từ đó giảm được giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp làm ra.
Để tiếp tục nhân rộng mô hình chuyển đổi có hiệu quả, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Phụng Hiệp đã ban hành Nghị quyết phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu hướng đến là quy hoạch, phân vùng sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn. Tập trung phát triển lĩnh vực kinh tế hợp tác, nhất là HTX tạo ra nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trong chuỗi sản xuất khép kín. Phấn đấu đến năm 2030, giá trị sản xuất tăng bình quân là 2,5%/năm, cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 38,92%. Cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng tối thiếu 2 lần so với năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Vui, Bí thư Huyện ủy Phụng Hiệp, cho biết: Để tiếp tục thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo đúng chủ trương của tỉnh, thời gian qua huyện đã tổ chức sơ kết công tác chuyển đổi, định hướng việc chuyển đổi các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện. Từ đó góp phần hình thành các vùng nguyên liệu cho các công ty, xí nghiệp bao tiêu. Mục tiêu hướng đến là cải thiện nhanh đời sống của người dân trong huyện.
Bằng những giải pháp và hướng đi phù hợp, thế mạnh nông nghiệp của tỉnh đang chuyển mình mạnh mẽ. Hiệu quả trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi sẽ giúp các địa phương từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất để giảm chi phí, giảm giá thành sản xuất, từ đó tham gia chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, nâng cao hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích canh tác.
Theo Tỉnh ủy Hậu Giang, thực hiện chủ trương tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao, tỉnh định hướng xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp của từng địa phương phù hợp với tiểu vùng sinh thái, trong đó tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực, có lợi thế ở địa phương; từng bước xây dựng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung có sản lượng hàng hóa quy mô lớn, nhân rộng mô hình cánh đồng lớn liên kết với doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, cơ giới hóa và quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chỉ tính riêng từ năm 2021-2023, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là 14.980ha, trong đó diện tích
Bên cạnh sản xuất lúa thì các địa phương cũng đã hình thành vùng nuôi thủy sản tập trung cá tra ở huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và thành phố Ngã Bảy; cá thát lát ở
huyện Phụng Hiệp; nuôi lươn ở huyện Long Mỹ, Vị Thủy; cá đồng ở huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy và Long Mỹ. Vùng chuyên canh lúa chất lượng cao ở các huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy, Châu Thành A, Long Mỹ... Vùng chuyên canh cây ăn trái gồm bưởi da xanh, chanh không hạt, mít, xoài, sầu riêng, mãng cầu xiêm, khóm,... ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Long Mỹ... Hiện nay, toàn tỉnh có 132 mã số vùng trồng được chứng nhận (diện tích 2.365ha và khoảng 44.399 tấn sản phẩm) và 9 mã số đóng gói. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh có trên 60 doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết bao tiêu sản phẩm lúa và một số loại cây ăn trái như bưởi, chanh không hạt, mít, khóm cho gần 40.000 lượt hộ sản xuất với khoảng 39.000ha, sản lượng khoảng trên 300.000 tấn.
T.TRÚC - D.KHÁNH
Kon Tum: Đa dạng mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu
Nguồn tin: Báo Kon Tum
Những năm qua, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu nhiều tác động, bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Để giúp người dân thích ứng với điều này, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương đã triển khai thực hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp.
Trước đây, một số cánh đồng trên địa bàn xã Đăk Ngọk (Kon Tum) thường thiếu nước tưới vào vụ Đông- Xuân, không đảm bảo canh tác lúa 2 vụ. Nhưng trong vòng 4 năm trở lại đây, với sự hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà, xã Đăk Ngọk tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện chuyển từ trồng lúa sang trồng các loại hoa màu như bắp, khoai, đậu tương, rau màu hoặc xen canh một vụ lúa một vụ màu. Đến nay, xã Đăk Ngọk có khoảng 60ha đất ruộng thường xảy ra hạn hán được người dân chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày cho hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 3-4 lần so với trồng lúa.
Tương tự, thời gian qua, với sự hỗ trợ về kỹ thuật canh tác của Tổ khuyến nông cộng đồng xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà), các thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp- Dịch vụ Thế hệ mới xã Đăk Mar từng bước thay đổi phương thức canh tác cà phê theo kiểu truyền thống sang canh tác cà phê theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Phạm Xuân Bé- Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp- Dịch vụ Thế hệ mới xã Đăk Mar chia sẻ: Hiện, Hợp tác xã có hơn 500ha cà phê của 99 thành viên. Toàn bộ diện tích này được áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn; đó là, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học, thực hiện tưới nước tiết kiệm, thu hoạch đảm bảo tỷ lệ quả chín trên 90%…Nhờ vậy, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, công lao động, góp phần hạn chế tác động đến môi trường sinh thái, vừa giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện, có trên 250ha cà phê đã được cấp chứng nhận cà phê 4C, bình quân mỗi năm, Hợp tác xã cung ứng cho Công ty TNHH Vĩnh Hiệp trên 500 tấn cà phê nhân xô đạt chất lượng, với giá bán cao và ổn định.
Ở thành phố Kon Tum, từ năm 2019 đến nay mô hình “trồng mía hố trên đất đồi” ngày càng thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân.
Với phương pháp trồng khoan hố giúp làm tăng khả năng giữ ẩm, chất lượng dưỡng, đảm bảo cho cây mía phát triển tốt trong điều kiện vùng đất dốc, dễ bị rửa trôi, xói mòn, không chủ động được nước tưới. Cách làm mới này vừa góp phần khắc phục được hạn chế của phương thức trồng mía truyền thống là chỉ trồng trên các chân ruộng bằng phẳng, nhiều phù sa, tạo điều kiện để người dân mở rộng diện tích trồng mía, thay thế cho cây mì, vừa giúp nâng cao năng suất cây mía. Năng suất mía nguyên liệu canh tác theo phương pháp khoan hố đạt khoảng 90-100 tấn/ha, cao hơn từ 10-20% so với trồng mía truyền thống.
Không chỉ trên lĩnh vực trồng trọt mà trong lĩnh vực chăn nuôi cũng có nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, hiệu quả, góp phần giải quyết được các vấn đề khó khăn về dịch bệnh, thời tiết… mà chăn nuôi truyền thống thường gặp phải.
Tiêu biểu như mô hình nuôi gà đẻ trứng của 10 hộ gia đình tại phường Duy Tân (thành phố Kon Tum) với quy mô hơn 5.000 con. Với sự hỗ trợ về kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum, các hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp nuôi tiên tiến, làm chuồng tại khép kín, có điều khiển nhiệt độ, sử dụng máng ăn, uống tự động… đảm bảo đàn gà phát triển ổn định, hạn chế phát sinh và lây lan dịch bệnh. Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Mô hình trồng mía hố góp phần khắc phục những hạn chế của phương thức trồng mía truyền thống và cho năng suất cao hơn. Ảnh: T.H
Có thể nói, trong điều kiện khí hậu ngày càng có nhiều thay đổi, việc triển khai, nhân rộng các mô hình, phương thức sản xuất nông nghiệp chủ động, thích ứng với các điều kiện thời tiết là cần thiết.
Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành rà soát, đánh giá, tổng hợp các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh được triển khai từ 2018-2023 để có cơ sở tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân mở rộng.
Theo thống kê, có 48 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 17 mô hình trong lĩnh vực chăn nuôi, 8 mô hình trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và 15 mô hình ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả cao.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp đã triển khai trên địa bàn tỉnh đều dựa vào đặc điểm tự nhiên, xã hội của các địa phương. Qua đó, giúp người dân tiếp cận với các phương thức sản xuất mới, thích nghi với sự thay đổi của thời tiết, khí hậu và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Thực tế, cho thấy, những năm qua, ở nhiều nơi, người dân ngày càng mạnh dạn, chủ động chuyển đổi những diện tích trồng mì bạc màu, cao su đã hết chu kỳ khai thác sang trồng một số loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như cà phê, mắc ca, cây ăn quả gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, mở rộng chăn nuôi quy mô lớn, an toàn sinh học, sử dụng công nghệ mới, an toàn sinh học.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 14.500ha cà phê và 1.500ha cây ăn quả các loại áp dụng công nghệ tự động, bán tự động; sử dụng máy bay không người lái trong chăm sóc, quản lý; sản xuất theo hướng an toàn. Khoảng 900ha trồng rau, củ, quả, hoa được sản xuất trong nhà màng, nhà kính; áp dụng công nghệ tự động hoá trong trồng, chăm sóc. Có 59 trang trại áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín, 40ha nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao.
Việc ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động, khuyến khích và hỗ trợ người dân đa dạng các mô hình sản xuất, mở rộng phương thức canh tác mới, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu đã đem lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Thiên Hương
Theo Ca Organic Farm làm kinh tế nông nghiệp tuần hoàn
Nguồn tin: Báo Bình Định
Với mục tiêu chủ động nguồn cung cấp thực phẩm sạch và chất lượng cho hệ thống nhà hàng của mình, anh Võ Vinh Ca (SN 1978, ở TP Quy Nhơn), đã có ý tưởng đầu tư xây dựng một trang trại có chu trình khép kín từ trồng trọt, chăn nuôi đến bàn ăn và trải nghiệm quy trình “sống xanh, ăn sạch” qua mô hình du lịch canh nông. Năm 2021, anh đã mạnh dạn thuê 5 ha đất tại thôn Kinh Tế, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh để làm kinh tế nông nghiệp kết hợp du lịch.
Phế thải của quy trình này được tái sử dụng làm nguyên liệu đầu vào của quy trình kế tiếp
Chúng tôi đến thăm trang trại Ca Organic Farm của anh Ca. Trong khuôn viên có diện tích 5 ha, mô hình tuần hoàn được anh thiết kế khá bài bản, hình thành chuỗi giá trị từ chăn nuôi gia súc, gia cầm (gà, heo, bò, thỏ, dê…), trồng trọt (rau ăn lá các loại, đu đủ, bầu, bí…), nuôi cá (điêu hồng, cá lóc…) kết hợp làm du lịch sinh thái.
Điểm nổi bật tại trang trại, là các vật nuôi được cho ăn thức ăn sạch; phụ phẩm, phế phẩm của công đoạn này là nguyên liệu đầu vào của công đoạn khác, tạo ra những chuỗi giá trị tuần hoàn, khép kín và góp phần thiết thực bảo vệ môi trường.
Trùn quế giàu đạm được sử dụng làm thức ăn cho gà. Ảnh: Ngọc Quỳnh
Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn của Ca Organic Farm chính là sự tham gia của loài vật chủ trung gian là trùn quế. Loài sinh vật này không chỉ giúp xử lý chất thải từ chăn nuôi như phân bò và heo mà còn tạo ra nguồn thức ăn rất giàu dinh dưỡng và các axít amin cho các vật nuôi và cây trồng.
Trong trang trại, anh Ca dành khoảng 3.000m2 đất xây dựng 3 khu nhà có mái che, bên trong là các dãy bể nuôi trùn quế được bố trí từ 2 đến 3 tầng. Phân gà, heo, bò… thải ra trong quá trình chăn nuôi được thu gom về khu vực này làm thức ăn cho trùn quế. Anh Ca cho biết: Con giống trùn quế được thả vào bể nuôi, khoảng 3-6 tháng thì trưởng thành. Trùn quế được trung chuyển qua các khu vực chăn nuôi và chế biến cám, làm thức ăn cho gà, heo, bò. Phân trùn quế được biết đến như một loại phân vi sinh có giá trị, được sử dụng để bón cho các loại rau, củ, quả, góp phần cải tạo đất tơi xốp và tăng cường độ màu mỡ.
Bước vào khu vực nuôi trùn quế, điều chúng tôi rất ngạc nhiên là các loại phân gia súc, gia cầm đưa vào đây, nhờ quá trình xử lý thức ăn của trùn quế nên không còn mùi hôi, môi trường bên trong và ngoài trang trại rất an lành. Hơn nữa, nước thải từ hoạt động chăn nuôi được xử lý vi sinh để trở thành nguồn nước tưới cho cây trồng, mang lại lợi ích kép cho mô hình: Vừa cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cây, vừa tiết kiệm nước và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Điều này không chỉ giúp bảo vệ nguồn nước mà còn tạo ra một hệ sinh thái tuần hoàn, nơi mỗi thành phần đều hỗ trợ lẫn nhau.
Đến thăm vườn rau, chúng tôi bắt gặp những luống đậu nành đang lên xanh tốt. Anh Võ Vinh Hậu, quản lý trang trại, cho biết: “Trong những tháng mùa mưa, việc trồng các loại rau ăn lá không hiệu quả, rau dễ bị dập nát do mưa, gió; trang trại chuyển hướng sang trồng đậu nành. Trồng đậu nành không chỉ góp phần cải tạo đất mà cây đậu nành được thu hoạch toàn bộ từ hoa, trái, thân, lá... đem vào băm nhỏ, nghiền nhuyễn làm thức ăn sạch, giàu đạm cho gia súc, đảm bảo mọi nguồn lợi, phụ phẩm, phế phẩm đều được sử dụng hiệu quả để tạo ra giá trị tuần hoàn”.
Quy trình nuôi, trồng “organic”
Ngoài nuôi trùn quế, trồng rau, củ, cây dược liệu… trang trại còn tự sản xuất các loại cám. Vào khu vực này, chúng tôi thấy nhiều máy móc chuyên dụng được trang trại đầu tư. Anh Ca cho biết, còn nhập thêm các loại nguyên liệu sạch như bột bắp, bã mì khô, cám gạo, đạm cá, bã đậu phụng, bã bia, đạm trùn quế, men thảo dược, men tỏi…để sản xuất cám làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Quy trình phối trộn, sản xuất các loại cám phù hợp với từng loại vật nuôi được anh thuê chuyên gia về hướng dẫn và học hỏi.
Hằng ngày, các sản phẩm nông sản, thực phẩm tươi ngon từ trang trại được vận chuyển trực tiếp đến 5 nhà hàng của anh tại Quy Nhơn, gồm: Vua gà Organic, Mộc Viên, Mộc Việt, Cơm niêu Hội An, Bò tơ Tây Sơn… Đặc biệt, thức ăn thừa, phế phẩm trong quá trình chế biến thức ăn từ các nhà hàng được vận chuyển ngược trở lại trang trại để xử lý và tận dụng làm thức ăn cho vật nuôi.
Anh Ca cho biết, chỉ riêng về gà, trang trại hiện đang nuôi 20.000 con, trong đó, có khoảng 10.000 con gà mái. Gà được nuôi đến khi đẻ lứa trứng đầu tiên thì khai thác trứng và đưa vào chế biến các món ăn từ thịt gà tại các nhà hàng. Lượng gà nuôi theo quy trình hữu cơ này không đủ cung cấp cho các nhà hàng của anh Ca tại Quy Nhơn. “Hiện tôi đang tham gia đề án nuôi gà liên kết chuỗi để phát triển giống đặc sản mang thương hiệu Bình Định, do Sở NN&PTNT đầu tư. Thực hiện đề án này, tôi liên kết với 18 hộ nuôi gà tại nhiều địa phương trong tỉnh nuôi 60.000 con gà/ năm; gà được nuôi thuộc giống gà mía, nuôi khoảng 6 tháng tuổi thì xuất chuồng. Các hộ tham gia mô hình được Sở NN&PTNT hỗ trợ 50% tiền mua giống và thức ăn cho gà, tôi nhận bao tiêu sản phẩm cho bà con. Thực hiện mô hình liên kết chuỗi, bà con nông dân được đảm bảo đầu ra ổn định, sản phẩm gà sạch, chất lượng cao tạo ra giá trị kinh tế lớn hơn so với nuôi gà thông thường”, anh Ca cho biết thêm.
Sống xanh, ăn sạch, môi trường sạch
Để tối ưu hóa quy trình phát triển kinh tế tuần hoàn của mình, Ca Organic Farm còn khéo léo kết hợp phát triển mô hình du lịch trải nghiệm canh nông. Những tour trải nghiệm tại trang trại được thiết kế đặc biệt để thu hút học sinh và du khách, giúp họ khám phá quy trình sản xuất thực phẩm organic để hiểu rõ tầm quan trọng của nông nghiệp bền vững “sống xanh, ăn sạch”.
Từ năm 2023 đến nay, trang trại đã thu hút khoảng 15.000 lượt khách tham quan. Những chuyến tham quan này không chỉ là những buổi học thực tế về sản xuất nông nghiệp mà còn là cơ hội để khách tham gia tương tác trực tiếp với quy trình sản xuất, từ việc trồng rau củ, chăm sóc động vật đến thu hoạch rau trái, bắt cá, chế biến các món ăn... Khách tham quan không chỉ được trải nghiệm thực tế, thưởng thức các món ăn sạch, tươi ngon mà còn có thể mua trực tiếp các sản phẩm từ trang trại. Điều này, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho trang trại mà còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, khuyến khích nhiều người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm hữu cơ.
Hơn nữa, mô hình du lịch trải nghiệm làm nông nghiệp này còn thúc đẩy ý thức cộng đồng về làm nông nghiệp bền vững. Khi khách tham quan thấy rõ quá trình sản xuất thực phẩm, họ có thể hiểu rõ hơn về những nỗ lực của người nông dân trong việc cung cấp thực phẩm sạch và an toàn. Sự kết nối này không chỉ góp phần nâng cao nhận thức mà còn tạo ra những người ủng hộ tích cực cho nông nghiệp bền vững trong cộng đồng.
Mô hình trang trại hữu cơ tuần hoàn của Ca Organic Farm mới được triển khai khoảng 3 năm. Theo anh Ca, những khó khăn còn rất nhiều, nhưng những giá trị kinh tế mà mô hình đem lại cũng đã “nhìn thấy được”. “Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện, mở rộng quy mô các loại hình cây trồng, vật nuôi, dịch vụ du lịch ở trang trại để không chỉ cung cấp nguyên liệu tươi, sạch, chất lượng cao cho các nhà hàng của mình mà còn bán ra thị trường và thu hút nhiều hơn khách du lịch”.
Làm kinh tế tuần hoàn đang mở ra hướng đi bền vững cho nền nông nghiệp xanh trong tương lai. Khi ngày càng nhiều trang trại, nhiều nông dân áp dụng phương pháp này, nông nghiệp xanh sẽ trở thành một phần thiết yếu trong phát triển kinh tế, cung cấp thực phẩm an toàn và chất lượng cho cộng đồng, từ đó bảo vệ sức khỏe con người và cải thiện môi trường sống.
NGỌC QUỲNH
Tuyên Quang: Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tuần hoàn
Nguồn tin: Báo Tuyên Quang
Để phát triển ngành chăn nuôi có hiệu quả và bền vững, việc ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất chăn nuôi, thúc đẩy tái sử dụng chất thải từ hoạt động này theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Qua đó góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành chăn nuôi, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Lợi ích “kép”
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang, hiện nay, hầu hết các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã sản xuất theo chuỗi liên kết khép kín, tuần hoàn trong cung cấp thức ăn, giống, thuốc thú y, xử lý môi trường và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất như sử dụng 100% giống ngoại năng suất, chất lượng cao, hệ thống chuồng kín, trang bị đèn sưởi, máng ăn tự động, đầu tư hệ thống quạt làm mát, phun tắm tự động...
Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Thành Đạt, xã Kim Bình (Chiêm Hóa) phát triển chăn nuôi gà ri theo hướng an toàn sinh học.
Công ty cổ phần Hồ Toản, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu vận dụng sáng tạo các nguyên tắc cơ bản trong phát triển chăn nuôi tuần hoàn. Ông Lương Duy Toản, Tổng Giám đốc công ty chia sẻ: Hiện nay, công ty đang chăn nuôi hơn 2.700 con bò sữa được nhập khẩu từ Úc, với quy mô 17 chuồng nuôi, 2 nhà vắt sữa, 2 hệ thống xử lý chất thải. Để thực hiện quy mô phát triển chăn nuôi tuần hoàn, công ty đã phát triển vùng nguyên liệu trồng cỏ làm thức ăn gần 30 ha, liên kết với người dân mua thêm ngô làm thức ăn gia súc và rơm sau khi thu hoạch lúa mùa của người dân tại các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang và Phú Thọ, ước tính mỗi năm công ty nhập trên 12.000 tấn thức ăn cho bò sữa. Điều cốt lõi của công ty chính là xử lý triệt để các ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng trong việc làm cân bằng hệ sinh thái tự nhiên. Với quy mô nuôi trên 2.700 con bò sữa, mỗi năm số lượng chất thải bò sữa thải ra ước khoảng trên 5.400 tấn, công ty đã đầu tư hệ thống biogas với sản lượng điện trên 100 kW/ngày phục vụ cho thắp sáng và quạt mát hệ thống chuồng nuôi của trang trại, ngoài ra, công ty cũng đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm chất thải với Công ty cây xanh, môi trường đô thị Hà Nội, điều này cũng là một nguồn thu đáng kể của công ty.
Nhóm liên kết chăn nuôi gà đồi Thanh Sơn, thôn Thanh Sơn, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) có 7 thành viên liên kết chăn nuôi gà thảo dược. Ông Lê Đại Dương, Trưởng nhóm liên kết chăn nuôi gà đồi Thanh Sơn cho biết, trước đây, gia đình nuôi gà nhưng số lượng ít và theo cách truyền thống nên hiệu quả không cao. Từ khi tham gia mô hình chăn nuôi tuần hoàn, được hỗ trợ giống tốt, xây dựng chuồng trại thoáng mát và được hướng dẫn quy trình chăn nuôi nên gà sinh trưởng nhanh, giá bán lại được giá. Điều quan trọng nhất là mô hình khép kín, việc vệ sinh chuồng trại tốt, nguồn thức ăn đầu vào đảm bảo nên rất ít xuất hiện dịch bệnh trên gà. Hiện nay, lượng phân bón từ trại gà cung cấp cho vườn cây còn dư còn có thể cung cấp cho các hộ dân trong vùng, tạo thêm thu nhập.
Phát triển kinh tế xanh, bền vững
Phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn là hoạt động chăn nuôi theo chu trình kép kín, tuần hoàn, giúp chất thải được xử lý làm nguyên liệu đầu vào cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát trong sản xuất. Đây là hướng đi bền vững, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh.
Tuy nhiên, việc phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm vẫn còn một số hạn chế. Điển hình như việc các mô hình chăn nuôi tuần hoàn được áp dụng nhưng chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả chưa cao, phương thức chăn nuôi tuần hoàn hiện mới chỉ áp dụng đồng bộ tại mô hình trang trại tổng hợp. Việc quy hoạch, bố trí đất đai cho phát triển chăn nuôi trang trại, cơ sở giết mổ còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc chuyển đổi, bố trí đất đai để thu hút đầu tư các dự án chăn nuôi có quy mô lớn.
Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, triển khai các dự án, mô hình ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tái sử dụng chất thải chăn nuôi góp phần giảm ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững. Đồng thời, khuyến khích việc hợp tác, liên kết trong sản xuất nông nghiệp nhằm khắc phục việc thiếu vốn sản xuất cũng như tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ thực hiện sản xuất nông nghiệp theo chứng nhận, thiết lập mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm.
Ngoài ra, chăn nuôi cần gắn với trồng trọt và các ngành khác để hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp phải được coi là nguồn tài nguyên quý cần khai thác hiệu quả. Việc xử lý và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Cần tận dụng tối đa và sử dụng có hiệu quả tiềm năng về phụ phẩm nông nghiệp, chất thải trong chăn nuôi để phát triển chăn nuôi bền vững, giảm khí phát thải nhà kính, bảo vệ môi trường.
Đây cũng chính là những vấn đề và những yêu cầu được đặt ra trong Chiến lược phát triển chăn nuôi của nước ta trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045.
Bài, ảnh: Quốc Việt - Hoàng Thắng
Người chăn nuôi tái đàn phục vụ thị trường tết
Nguồn tin: Báo Long An
Thời điểm này, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Long An tất bật tái đàn gia súc, gia cầm (GSGC) để chuẩn bị phục vụ thị trường tết. Tuy nhiên, do năm nay giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi giá bán sản phẩm lại giảm nên người nuôi thận trọng trong việc đầu tư tái đàn, tăng đàn.
Ông Lê Ngọc Tài (xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc) quyết định không tăng đàn gà do lo ngại dịch bệnh và biến động thị trường
Thận trọng đầu tư tái đàn
Theo ghi nhận, vụ chăn nuôi tết năm nay, không ít người chăn nuôi gà thịt ở các huyện Cần Giuộc, Cần Đước giảm quy mô đàn hoặc “treo chuồng” sau thời gian dài chăn nuôi không có lợi nhuận. Ông Nguyễn Văn Khi (xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc) vừa bán 5.000 con gà với giá 50.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với năm trước. Hiện số lượng gà tại trang trại của ông Khi giảm từ 13.000 con xuống còn khoảng 6.000 con.
“Giá thức ăn, thuốc thú y, gà con đều tăng cao trong khi giá gà bán ra quá thấp nên gia đình tôi không có lợi nhuận. Do đó, gia đình tôi quyết định giảm đàn, chờ giá thị trường phục hồi mới tính đến chuyện tăng đàn trở lại” - ông Khi chia sẻ.
Gia đình ông Lê Ngọc Tài (xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc) quyết định không tăng đàn phục vụ thị trường tết năm nay. Hiện trang trại của ông có hơn 5.000 con gà thịt và lứa gà này sẽ được xuất bán trước tết.
Ông Tài cho biết: “Để hạn chế những rủi ro về dịch bệnh và giá cả thị trường trong dịp tết năm nay, gia đình tôi quyết định không tăng đàn, chỉ tập trung chăm sóc đàn gà hiện có. Dự kiến, đàn gà của gia đình tôi sẽ xuất bán vào đầu tháng 12/2024”.
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, trong khi các hộ chăn nuôi gà nhỏ, lẻ gặp khó khăn thì các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh lại phát triển mạnh. Số lượng GC tăng 15,5% trong 9 tháng năm 2024, chủ yếu từ các trang trại gà quy mô lớn tại huyện Thạnh Hóa. Hiện tổng đàn GC toàn tỉnh khoảng 10,3 triệu con.
Gia đình anh Đinh Văn Huy (xã Phước Tuy, huyện Cần Đước) vừa xuất bán hơn 20 con heo thịt và tái đàn với số lượng 30 con heo, trong đó có 25 con heo để cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Theo anh Huy, với giá heo như hiện tại, trung bình mỗi con heo sau khi xuất bán, người nuôi sẽ có lợi nhuận từ 1,5-1,7 triệu đồng.
Cũng theo anh Huy, nuôi heo vụ tết, thời tiết thường lạnh, nhiều mưa, bão nên công tác phòng dịch được anh ưu tiên hàng đầu. Trước khi tái đàn, anh phun xịt khử trùng, vệ sinh toàn bộ chuồng trại cũng như các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi nhằm hạn chế tối đa điều kiện phát sinh dịch bệnh.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 87.000 con heo, giảm 14,17% so cùng kỳ; khoảng 10,3 triệu con gia cầm các loại, tăng 5,1% so cùng kỳ; khoảng 106.000 con bò, giảm 5,36% so cùng kỳ và khoảng 4.900 con trâu, giảm 13,27% so cùng kỳ.
Để chăn nuôi hiệu quả
Theo nhận định của ngành Nông nghiệp tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình kiểm soát dịch bệnh trên đàn GSGC ở các địa phương trong tỉnh được thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, giá bán và nhu cầu tiêu thụ thịt heo, gà những tháng trở lại đây tăng cao so với trước. Vì vậy, đây là thời điểm tốt để các trang trại, hộ chăn nuôi tái đàn, khôi phục sản xuất, bảo đảm nguồn cung cho thị trường, đặc biệt là trong dịp tết sắp tới.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha, những tháng cuối năm 2024, thời tiết thường diễn biến thất thường nên đàn vật nuôi không kịp thích nghi dẫn đến sức đề kháng kém, dễ bị các loại virút tấn công, tạo cơ hội để dịch bệnh phát triển. Do đó, huyện phối hợp các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người chăn nuôi cẩn trọng phòng, chống dịch bệnh cho GSGC.
“Ngoài việc tiêm vắc-xin phòng bệnh định kỳ, người chăn nuôi phải tiêm phòng bổ sung khi tái đàn; tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại;... Khi phát hiện dịch bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng kịp thời xử lý, không để dịch bệnh lan ra diện rộng” - ông Nguyễn Kinh Kha cho biết.
Lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 47 hộ thuộc 25 xã của 8 huyện: Mộc Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Châu Thành, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Bến Lức với tổng số lượng tiêu hủy 1.406 con, tổng trọng lượng tiêu hủy 75.347,9kg; bệnh dại xảy ra 10 trường hợp trên chó tại 9 xã của các huyện: Đức Hòa, Tân Hưng, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường.
Ngoài ra, ở người ghi nhận 3 ca tử vong do bệnh dại/nghi dại tại thị trấn Tân Hưng, xã Hưng Điền và Hưng Điền B, huyện Tân Hưng; dịch cúm GC H5N1 xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa với tổng số GC tiêu hủy 2.010 con; dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra tại 20 hộ ở huyện Mộc Hóa trên tổng đàn 55 con bò, bệnh 44 con, chết 0 con.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh, để bảo đảm an toàn và đạt hiệu quả khi tái đàn, tăng đàn, ngành chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh phối hợp Trạm Chăn nuôi và Thú y các địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt biện pháp an toàn sinh học.
Đồng thời, ngành khuyến cáo người chăn nuôi lựa chọn con giống tái đàn có nguồn gốc rõ ràng; được tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm theo quy định của cơ quan chuyên môn; có giấy chứng nhận kiểm dịch; kê khai tổng đàn vật nuôi cho cơ quan thú y, chính quyền địa phương và khử trùng chuồng trại trước khi đưa con vật vào nuôi.
“Nhằm bảo đảm việc tái đàn mang lại hiệu quả cao, người chăn nuôi cần cập nhật liên tục thông tin về tình hình dịch bệnh, thị trường cũng như những quy tắc quan trọng trong chăn nuôi như nhập con giống rõ nguồn gốc, có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt; không nên tăng đàn ồ ạt; thường xuyên bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết vào khẩu phần ăn cho vật nuôi. Đồng thời, người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin để bảo vệ tốt đàn vật nuôi” - bà Đinh Thị Phương Khanh khuyến cáo./.
Bùi Tùng
Thu bạc triệu từ nuôi chim bồ câu
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Sau khi thử nghiệm nhiều mô hình chăn nuôi khác nhau không hiệu quả, anh Lý Văn Huân (SN 1992) ở ấp Suối Binh, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú (tỉnh Bình Phước) quyết định gắn bó với nuôi chim bồ câu. Theo anh Huân, đây là loài chim có khả năng nhân giống nhanh, đầu ra ổn định, diện tích chăn nuôi nhỏ, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ nuôi chim bồ câu, gia đình anh Huân có nguồn thu ổn định.
KHỞI NGHIỆP VỚI 200 CẶP CHIM BỒ CÂU
Năm 2019, sau khi tìm hiểu cách nuôi cũng như thị trường tiêu thụ chim bồ câu trên địa bàn, anh Lý Văn Huân quyết định đầu tư chuồng trại, nuôi 200 cặp chim bồ câu. Là thanh niên dân tộc Tày, anh chăm chỉ học hỏi, tích lũy kiến thức mới trên internet. Từ những ngày đầu khởi nghiệp, đến nay anh Huân đã nhân giống thành công 800 cặp chim bố mẹ, chủ yếu là bồ câu lai Pháp và Titan Thái. Đây là 2 giống bồ câu siêu thịt, trọng lượng nặng hơn bồ câu ta từ 200-300g. Bồ câu lai Pháp có lông màu trắng, đen, con trưởng thành nặng khoảng 400g, bồ câu titan Thái lông màu xám đá, nặng từ 500-600g. Anh Huân cho hay: “Bồ câu titan được tiêu thụ mạnh hơn bồ câu lai Pháp, vì trọng lượng thịt nhiều. Các nhà hàng, quán nhậu thường đặt mua bồ câu siêu thịt. Hiện trang trại của tôi vẫn chưa đủ số lượng để cung cấp”.
Mỗi năm, anh Lý Văn Huân thu về hơn 200 triệu đồng từ việc bán bồ câu thương phẩm
Trang trại nuôi bồ câu của gia đình anh Huân được xây dựng trên khu đất cao, thoáng mát, diện tích khoảng 300m2, mái lợp tôn, xung quanh rào lưới kết hợp che bạt. Để tiết kiệm diện tích, anh Huân thiết kế chuồng nuôi theo từng dãy, mỗi dãy gồm nhiều chuồng. Mỗi chuồng nuôi nhốt 1 cặp chim bố mẹ. Bên trong chuồng, anh Huân sử dụng rổ nhựa làm ổ, được cố định để chim có thể sinh sản và thuận tiện cho việc ấp trứng. Bồ câu nuôi từ 4-6 tháng sẽ đẻ lứa đầu tiên. Mỗi năm chim bồ câu đẻ từ 8-9 lứa, mỗi lứa 2 trứng. Sau khi ấp khoảng 18 ngày, trứng nở ra chim con. Thời gian từ khi nở đến 20 ngày tuổi, chim bồ câu ra ràng có trọng lượng khoảng 300g, xuất bán với giá 65-70 ngàn đồng/con. Mỗi tháng anh xuất bán khoảng 700 con, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu hơn 20 triệu đồng. Ngoài bán bồ câu thịt, anh Huân còn cung cấp con giống, giá bán mỗi cặp từ 300-500 ngàn đồng. Anh Huân cho biết: Đầu ra của chim bồ câu thịt hiện nay tương đối ổn định. Vì đã nuôi lâu năm nên có nhiều mối tiêu thụ tại các chợ, nhà hàng, quán nhậu. Có khi nhà hàng đặt mua vài trăm con, nhưng trang trại vẫn chưa có đủ số lượng để cung cấp.
HƯỚNG ĐI CHO NÔNG DÂN ÍT ĐẤT
Sau nhiều năm nuôi bồ câu, anh Huân nhận thấy đây là loài chim rất dễ nuôi, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh. Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả cao, người nuôi cần tuân thủ nghiêm các điều kiện về vệ sinh môi trường và theo dõi sự phát triển của đàn chim từ khi đẻ, ấp trứng cho đến trưởng thành. Thức ăn của chim bồ câu chủ yếu là những loại ngũ cốc tự nhiên, cám, gạo, bắp, đậu... Mỗi con bồ câu ăn rất ít, lượng thức ăn bằng 1/10 trọng lượng cơ thể.
Anh Huân chia sẻ: “Ban ngày, ngoài thời gian cho chim ăn, tôi còn đi cạo mủ cao su. Buổi tối tôi dành thời gian gom trứng vào máy ấp, ghép chim mới nở vào chuồng bố mẹ để chúng chăm sóc. Công việc tưởng như đơn giản nhưng đòi hỏi người nuôi phải có sự cẩn thận, tỉ mỉ”. Anh Huân thường ghi chép sinh sản, thời gian ấp trứng để ghép chim non cho từng cặp chim bố mẹ. Trong thời gian lấy trứng cho vào máy ấp, cần cho chim bồ câu bố mẹ ấp trứng giả, đảm bảo chim bố mẹ có trên 12 ngày ấp trứng. Sau khi trứng nở thì ghép con non với bố mẹ. Khi bồ câu ra ràng khoảng 30 ngày tuổi, tiếp tục phân loại chim trống, mái để ghép đôi phục vụ việc sinh sản.
Chim bồ câu là vật nuôi có giá trị dinh dưỡng cao, rất bổ dưỡng cho người già, người mới ốm dậy, trẻ em suy dinh dưỡng. Hiện nay, trang trại của anh Huân vẫn chưa có đủ số lượng để cung cấp cho thị trường trong tỉnh. Trong tương lai, anh Huân dự tính sẽ xây dựng thêm trang trại và tăng đàn lên gấp đôi. Theo anh Huân, đây là mô hình chăn nuôi thích hợp với những hộ dân ít đất. Từ khi khởi nghiệp nuôi chim bồ câu đến nay, anh Huân đã để dành được số vốn kha khá, nuôi các con ăn học và xây dựng được căn nhà mới.
Thùy Linh
Thái Bình: Thúc đẩy chăn nuôi từ mô hình khuyến nông
Nguồn tin: Báo Thái Bình
Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình đã xây dựng nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả, từ đó thay đổi tư duy sản xuất của người dân, từng bước phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bền vững.
Chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học của hộ dân xã Minh Quang (Kiến Xương) góp phần an toàn dịch bệnh.
Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi
Nhằm hỗ trợ nông dân tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn thực phẩm, tháng 6/2024 Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã xây dựng mô hình chăn nuôi tổ hợp gà lông màu thương phẩm áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học tại 4 hộ dân tham gia của huyện Kiến Xương, Vũ Thư.
Ông Đặng Văn Tuyệt, xã Minh Quang (Kiến Xương) là một trong những hộ tham gia mô hình nuôi gà lông màu áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học. Ông chia sẻ: Sau 4 tháng tham gia mô hình nuôi gà lông màu thương phẩm, đàn gà có tỷ lệ nuôi sống đến lúc xuất bán đạt 97%, cao hơn 2% so với các hộ không tham gia mô hình. Trọng lượng xuất bán đạt trung bình 2,3 kg/con. Với giá bán hiện tại 80.000 đồng/kg, tôi thu lãi 30.000 đồng/kg. Các hộ dân chúng tôi khi tham gia mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi mà lợi ích ở đây là kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học đã được áp dụng vào trang trại.
Ông Phạm Văn Thước, xã Thái Phúc (Thái Thụy) cho biết: Để chăn nuôi thành công như ngày hôm nay, năm 2022 tôi được tham gia mô hình nuôi gà thương phẩm. Tham gia mô hình, tôi được tập huấn và áp dụng kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh, tư vấn lựa chọn con giống, địa chỉ cung cấp con giống... đã giúp tôi thay đổi thói quen chăn nuôi theo tập quán cũ nhỏ lẻ, biết áp dụng khoa học kỹ thuật để đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, khi tôi vào lứa gà là vào một loạt và bán ra cũng một loạt. Khi chăm sóc cũng là theo một quy trình bài bản.
Còn đối với ông Bùi Văn Khang, xã Đông Mỹ (thành phố Thái Bình), những kiến thức chăn nuôi được tập huấn đã giúp ông duy trì mỗi lứa gà 40.000 con.
Ông Khang chia sẻ: Chi cục Chăn nuôi và Thú y hàng năm đều có hướng dẫn chúng tôi chăn nuôi quy mô theo chuỗi để có kết quả kinh tế tốt hơn và chất lượng đầu ra bảo đảm. Gia đình đã áp dụng xây dựng chuồng có diện tích 800m2, với quy mô nuôi 8.000 con, theo hình thức chăn nuôi khép kín, với hệ thống làm mát và hệ thống máng ăn, uống tự động. Nền chuồng sử dụng đệm lót sinh học giúp giảm mùi hôi trong chăn nuôi và cũng là lớp đệm giữ ấm cho gà vào mùa đông. Mỗi lứa gà thương phẩm nuôi trong 4 tháng đạt trọng lượng từ 2 - 2,5kg/con. Với giá thành xuất bán ổn định, gia đình tôi thu lãi khoảng 600 triệu đồng/năm từ chăn nuôi gà thương phẩm.
Thúc đẩy chăn nuôi phát triển bền vững
Chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn sinh học vừa giúp bảo đảm kinh tế tăng trưởng ổn định, nâng cao đời sống người dân vừa gìn giữ môi trường và hệ sinh thái cho vật nuôi.
Theo bà Nguyễn Thị Bến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, để các mô hình chăn nuôi thành công và nhân ra diện rộng, Chi cục đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật mới trong chăn nuôi, đồng thời chủ động liên kết với các đơn vị trong và ngoài tỉnh để xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên các loại con giống mới. Trong đó, 9 tháng đã triển khai 8 lớp tập huấn cho 380 học viên là các hộ dân chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn các huyện, thành phố về sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, kháng sinh hiệu quả và an toàn; tổ chức 15 lớp tập huấn cho 450 học viên là hệ thống thú y cơ sở nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về công tác chăn nuôi, thú y. Thông qua các mô hình chăn nuôi, người dân đã nắm bắt được kiến thức, kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất thực tế. Nhờ đó, năng suất, chất lượng vật nuôi bước đầu được cải thiện, từng bước hướng tới chăn nuôi an toàn sinh học tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững. Với những hiệu quả bước đầu của các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học là tiền đề để người chăn nuôi thay đổi cách làm, chuyển dần từ cách chăn nuôi truyền thống, nhỏ lẻ sang phương thức chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: 9 tháng năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai thực hiện xây dựng mô hình khuyến nông chăn nuôi ngan thương phẩm an toàn sinh học tại huyện Tiền Hải và Thái Thụy; mô hình chăn nuôi tổ hợp lai gà lông màu thương phẩm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học tại huyện Kiến Xương và Vũ Thư; mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học tại huyện Hưng Hà và Vũ Thư. Từ những thành công của các dự án, mô hình khuyến nông chăn nuôi có thể thấy các mô hình đều mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội và môi trường. Do đó cần sự quan tâm của các địa phương để nhân rộng mô hình cho các hộ chăn nuôi, qua đó tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Từng bước tăng nhanh tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn của tỉnh.
Mạnh Thắng
Hiếu Giang tổng hợp