Giá vải thiều Bắc Giang cao nhất lịch sử
Nguồn tin: Báo Chính Phủ
Tuy sản lượng chỉ bằng 50% so với năm ngoái nhưng giá bán của vải thiều Bắc Giang lại cao nhất lịch sử khi lên đến 85 nghìn đồng/kg.
Sản lượng vải thiều của Bắc Giang đạt khoảng gần 100 nghìn tấn - Ảnh minh họa
Ngày 27/6, thông tin từ Sở Công thương tỉnh Bắc Giang cho biết, mùa vải năm 2024, do thời tiết bất lợi nên sản lượng vải thiều của Bắc Giang đạt khoảng gần 100 nghìn tấn, bằng 50% so với năm ngoái.
Tuy nhiên, giá vải thiều ngay từ những ngày đầu vụ tăng cao, gấp đôi thậm chí gấp 3 lần so với năm 2023. Giá vải thiều dao động từ 55 - 85 nghìn đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay.
Vải thiều tỉnh Bắc Giang được tiêu thụ thuận lợi cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu, trong đó, sản lượng vải thiều xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 24,7 nghìn tấn, chiếm trên 28,9% so với tổng sản lượng tiêu thụ. Sản lượng tiêu thụ nội địa đạt hơn 60,9 nghìn tấn, chiếm trên 71%.
Cũng do giá vải tăng nên sản lượng vải thiều Bắc Giang xuất khẩu đến các thị trường năm nay giảm mạnh. Đến ngày 24/6, sản lượng vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hơn 24,5 nghìn tấn; còn lại được xuất khẩu sang các thị trường khác như: EU 53 tấn, Nhật Bản 45 tấn, Úc 42 tấn, Hoa Kỳ 20 tấn, Dubai 21 tấn, Canada 16 tấn và các nước khu vực Đông Nam Á 18 tấn.
Theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, giá trị doanh thu từ vải thiều và từ các dịch vụ phụ trợ của tỉnh Bắc Giang năm nay ước đạt khoảng trên 5.775 tỷ đồng. Trong đó doanh thu từ vải thiều ước đạt khoảng trên 4.814 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động xuất khẩu đạt 1.670 tỷ đồng...
Với diện tích vải thiều toàn tỉnh xấp xỉ 30.000ha, đến nay, tỉnh Bắc Giang đã tập trung chỉ đạo sản xuất 223 mã số vùng trồng, diện tích hơn 17.100ha phục vụ xuất khẩu.
Hiện vải thiều Bắc Giang đã được xuất khẩu đi 30 nước và vùng lãnh thổ. Mới đây thương hiệu "Vải thiều Lục Ngạn" của Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn) là một trong 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao vừa được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương năm 2024 chấm điểm ngày 25/6.
Đỗ Hương
Nông nghiệp tăng tốc cán mốc xuất khẩu 54 tỷ USD
Nguồn tin: Báo Chính Phủ
Ngày 28/6, Bộ NN&PTNT tổ chức Họp báo thường kỳ quý II năm 2024. Với kết quả đạt được của 6 tháng đầu năm, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của toàn ngành nông nghiệp năm 2024 rất khả quan đạt 54 tỷ USD.
Toàn cảnh cuộc Họp báo thường kỳ quý II của Bộ NN&PTNT - Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, triển khai kế hoạch 6 tháng đầu năm 2024 của ngành nông nghiệp có những thuận lợi, thách thức đan xen, trong đó có yếu tố tác động của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam…
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT và toàn ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh; xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.
Nhờ vậy, nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, điều này khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, đóng góp quan trong vào tăng trưởng GDP của cả nước.
Ông Tiến khẳng định, với giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản nửa đầu năm ước khoảng 20,92 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành nông lâm ngư nghiệp trong nửa đầu năm 2024 đạt khoảng 8,28 tỷ USD, tăng 62,4% so với cùng kỳ năm trước…mục tiêu từ nay đến cuối năm ngành nông nghiệp chắc chắn xuất khẩu nông sản sẽ cán đích 54 tỷ USD.
Tại cuộc họp báo, lãnh đạo các đơn vị của Bộ NN&PTNT đã trả lời nhiều vấn đề được xã hội quan tâm.
Vừa qua Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã có khiến nghị về thủ tục cấp giấy xác nhận nguyên liệu thuỷ sản khai thác (S/C) tại các cảng cá. Ở nhiều nơi đang kéo dài và mất rất nhiều thời gian, thậm chí hàng tháng ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất và xuất khẩu hàng hoá.
Trả lời vấn đề này, ông Nhữ Văn Cẩn, Phó cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, do đã có những sai sót nên vừa qua một số địa phương đã thận trọng hơn trong cấp giấy xác nhận. Điều này làm cho thời gian cấp bị tăng lên.
Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, ông Nhữ Văn Cẩn cho biết, Cục Thủy sản đã triển khai phần mềm truy xuất điện tử. Cục Thủy sản đã tổ chức các lớp tập huấn và triển khai ở 28 tỉnh thành ven biển, nhất là cho các ban quản lý cảng cá, bộ đội biên phòng…
Việc triển khai phần mềm truy xuất điện tử được Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá cao. Việc truy xuất điện tử cũng sẽ đảm bảo sự tin cậy, minh bạch trong việc cấp giấy chứng nhận cũng như góp phần khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" của EC, ông Nhữ Văn Cẩn chia sẻ.
Trước vấn đề một số diện tích lúa ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang bị nhiễm mặn, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho thấy, vụ Đông Xuân 2023-2024 và vụ Hè Thu có khoảng trên 2ha bị nhiễm mặn và cùng một vị trí. Khu vực lúa bị nhiễm mặn gần với khu vực xây dựng đường cao tốc. Để đánh giá thiệt hại ở vụ Hè Thu thì cần phải chờ đến cuối vụ.
Về xác định nguyên nhân, ông Nguyễn Như Cường cho rằng, đây là vấn đề khó, cần có sự đánh giá hệ thống và toàn diện. Việc xác định này cần có thời gian.
"Nếu họ sử dụng cát biển thì cần đánh giá không chỉ ở khu vực này mà cả ở các khu vực khác để đánh giá tổng quan và mang tính chất khái quát. Việc đánh giá này cần sự vào cuộc của các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học", ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.
Đỗ Hương
Bơ 034 mất giá, nông dân để rụng đầy vườn
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Vụ mùa bơ 034 năm 2024 tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được người dân thu hoạch hơn 50% sản lượng. Theo ghi nhận, năm nay, bơ 034 được mùa nhưng giá bán tại vườn chỉ 3.000 - 4.000 đồng/kg, nhưng cũng ít người mua nên nông dân để rụng đầy vườn.
Vườn bơ 034 VietGAP rộng 1,5 ha của gia đình ông Dương Mạnh Đô (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm) chỉ bán được giá 8.000 đồng/kg bơ loại 1
• GIÁ THẤP, NGƯỜI DÂN ĐỂ RỤNG ĐẦY VƯỜN
Theo thống kê, Di Linh và Bảo Lâm là 2 địa phương có diện tích bơ 034 vào loại lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng. Đây là cây ăn trái được người dân chủ yếu trồng xen trong các vườn cà phê. Trong đó, huyện Bảo Lâm đang có khoảng 1.800 ha, với tổng sản lượng khoảng 10.000 tấn và Di Linh khoảng 2.000 ha, tổng sản lượng khoảng 15.000 tấn.
Hiện nay, bơ 034 được thương lái thu mua, vận chuyển tới các tỉnh, thành phố trong cả nước tiêu thụ. Trong đó, các thị trường trọng điểm là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và TP Hà Nội.
Trong khi đó, ngoài Công ty B’Lao Food (Khu công nghiệp Lộc Sơn) thu mua một phần nhỏ sản lượng bơ (khoảng 200 tấn) thì trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa có đơn vị nào khác đứng ra thu mua bơ để chế biến, khiến cung vượt cầu quá lớn.
Có mặt tài vườn bơ hơn 1 ha trồng thâm canh của ông Nguyễn Văn Sử (Thôn 1, xã Lộc Ngãi), chúng tôi chứng kiến cảnh bơ rụng đầy vườn. Theo ông Sử, vườn bơ được ông trồng thuần và chăm sóc theo hướng hữu cơ nên gần như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vụ bơ năm nay, gia đình ông bắt đầu thu hoạch từ cuối tháng 5 và kéo dài đến hiện tại.
“Mặc dù là bơ hữu cơ, nhưng việc tiêu thụ năm nay gặp rất nhiều khó khăn. Năm nay, vườn bơ cho sản lượng khoảng 25 tấn. Thời điểm đầu vụ, bơ loại 1 cũng chỉ bán được 18 - 20 ngàn đồng/kg. Thời điểm này, chỉ bán với giá 8.000 - 10.000 đồng/kg. Còn bơ loại 2 thì chỉ có giá 2.500 - 3.000 đồng/kg. Giá bán không đủ công thuê người hái, nên gia đình tôi chỉ thu bơ loại 1, còn lại đành để rụng khắp vườn” - ông Sử cho biết.
Ông Hồ Hải - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Ngãi, cho biết: Toàn xã đang có khoảng 300 ha bơ 034, với tổng sản lượng ước đạt từ 500 - 550 tấn. Trong đó, có khoảng 10 ha trồng thuần theo hướng hữu cơ; diện tích còn lại được người dân trồng xen trong vườn cà phê. Mặc dù giá bơ 034 rớt chạm đáy rẻ như cho, nhưng vẫn rất khó tiêu thụ. Một phần vì giá quá rẻ, lại ít người mua nên nhiều hộ dân để bơ già rụng khắp vườn nhìn thật xót xa”.
Tương tự, bà Lưu Thị Chính (ngụ tại Thôn 5, xã Đam B’ri, TP Bảo Lộc), cho hay: “Năm nay giá bơ quá rẻ, nên tôi chỉ bán được khoảng 20% sản lượng thời điểm đầu mùa. Gần nửa tháng nay, hái bơ đi bán không đủ tiền thuê công. Hiện tại, trong vườn đang còn khoảng 3 tấn bơ, giờ già rụng khắp vườn. Thấy bơ rụng tiếc cũng lắm nên tôi tìm nhiều người để cho nhưng vẫn không có ai tới hái”.
• ĐỐN HẠ BƠ ĐỂ TRỒNG CÀ PHÊ
Tại xã Lộc An (huyện Bảo Lâm), Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Phước Thịnh thu hút 10 hộ nông dân trồng bơ 034 có tiếng ở địa phương nhiều năm nay. Trung bình, mỗi hộ dân tham gia Hợp tác xã có từ 1,5 đến 2 ha bơ 034. Những năm trước, bơ được giá đã giúp các hộ dân ăn nên làm ra.
Có mặt tại vườn bơ 034 trồng thuần theo hướng VietGAP rộng hơn 1,5 ha của ông Dương Mạnh Đô - Giám đốc Hợp tác xã Phước Thịnh, ông Đô cho biết, năm nay là mùa bơ thất thu nhất từ trước đến nay.
“Những năm trước, gia đình tôi đứng ra tìm mối bao tiêu sản lượng bơ 034 cho 10 hộ trong Hợp tác xã. Còn năm nay, giá bơ quá rẻ nên gia đình nào đều tự phải lo. Gia đình tôi có mối quen trên Đà Lạt nên vẫn đóng hàng đi mỗi ngày nhưng giá bán bình quân chỉ 8.000 đồng/kg, các hộ dân khác chỉ bán được khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chưa có đơn vị hay doanh nghiệp nào đứng ra thu mua bơ cho bà con mà hầu hết người dân chỉ bán trôi nổi cho thương lái, thị trường nhỏ lẻ nên không đảm bảo đầu ra” - ông Đô nói.
Cũng theo ông Đô, trong 10 hộ dân tham gia Hợp tác xã chuyên trồng bơ 034, hiện đã có 4 hộ chặt bỏ cây bơ để chuyển qua trồng cây cà phê, trong đó có hộ chặt bỏ hoàn toàn vườn bơ.
Ông Nguyễn Phước Tân, ngụ tại xã Lộc An, cho biết: Vì giá bơ 034 ngày càng xuống thấp, trồng không có lãi nên gia đình tôi đành chặt bỏ 1,5 ha bơ để chuyển qua trồng cà phê.
Ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm, cho biết: Có thể nói, Bảo Lâm là địa phương tiên phòng trồng giống bơ 034 cơm vàng, dẻo, thơm ngon, giàu chất dinh dưỡng và cho năng suất cao. Tuy nhiên, thời gian qua, người dân phát triển quá ồ ạt khiến diện tích bơ tăng cao làm cung vượt cầu. Theo khảo sát, do giá bơ 034 trong những năm qua liên tục giảm sâu; đặc biệt năm nay giá quá rẻ nên rất nhiều hộ dân đã chặt bỏ bơ 034 để chuyển qua trồng các loại cây trồng khác. Thống kê sơ bộ đã có khoảng 40% diện tích bơ 034 trồng xen bị người dân chặt bỏ để trồng cà phê, sầu riêng.
Còn theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Di Linh, tình trạng người dân chặt bỏ bơ 034 để chuyển đổi trồng các loại cây trồng khác cũng đang diễn ra. Tuy nhiên, đến hiện tại, địa phương chưa thống kê cụ thể được diện tích bơ 034 bị người dân chặt bỏ.
Thống kê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện chỉ có 4 đơn vị thu mua, sơ chế và chế biến bơ quy mô lớn để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, còn có 80 cơ sở thu mua bơ, công suất khoảng 13.000 tấn/năm, cung cấp phần lớn thị trường nội địa, phần nhỏ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Sản lượng bơ còn lại được tiêu thụ thông qua thương lái quy mô nhỏ lẻ, nhà vườn tự bán cho khách hàng truyền thống và trên các nền tảng mạng xã hội, thu nhập không ổn định.
KHÁNH PHÚC
Giá cà phê tiếp tục tăng cao nhờ xuất khẩu tốt
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai
Thời gian qua, mặt hàng cà phê liên tục lập những kỷ lục mới về giá bán. Hiện giá cà phê bán ngoài thị trường đang dao động từ 120.500-121.600 đồng/kg, cao gần gấp 3 lần so với khi giá cà phê bán ở mức thấp những năm trước đó.
Nông dân thu hoạch cà phê tại huyện Thống Nhất
Giá cà phê trong nước tăng cao do ảnh hưởng giá từ thị trường xuất khẩu. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến nửa tháng 6 năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã đạt mức ấn tượng với hơn 3 tỷ USD, tăng 38% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng cà phê xuất khẩu đạt hơn 862,4 ngàn tấn, giảm 8% về sản lượng nhưng giá trị lại tăng cao do giá cà phê trên thị trường quốc tế không ngừng leo thang. Cụ thể, giá cà phê xuất khẩu bình quân trong tháng 5 năm 2024 đạt 4.275 USD/tấn, tăng 14% so với tháng 4 năm 2024 và tăng 66% so với tháng 5 năm 2023.
Song Lê
Phát triển sắn trở thành cây trồng chủ lực quốc gia
Nguồn tin: Báo Chính Phủ
Việt Nam là nước có năng suất sắn cao thứ 5 thế giới. Để các sản phẩm từ sắn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, mới đây, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Sản xuất, chế biến và tiêu thụ sắn trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận - Ảnh minh họa
Sắn không còn là cây trồng "xóa đói, giảm nghèo"
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cây sắn (mì) là một trong số các cây trồng được đưa vào danh mục sản phẩm cây trồng chủ lực quốc gia, đóng góp vai trò vô cùng quan trọng vào việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân.
Từ góc nhìn đó, cây sắn đã được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ kỹ lưỡng hơn trước dịch bệnh. Điển hình như vào tháng 6/2017, bệnh khảm lá sắn được phát hiện gây hại tại xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh và lan rộng ra cả nước. Đỉnh điểm năm 2021, tổng diện tích nhiễm bệnh là 120.686ha (nhiễm nặng 30.035ha).
Được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, các cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương trong việc phòng chống bệnh, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, thời gian qua, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), kỹ thuật canh tác... được nghiên cứu và từng bước áp dụng vào sản xuất.
Nhiều giống sắn kháng bệnh khảm lá như HN3, HN5, HN36, HN97, HN80, HN1 đã được lưu hành và phát triển trong sản xuất. Kèm theo đó là các quy trình nhân giống sạch bệnh, quy trình phòng trừ bệnh khảm lá sắn, các quy trình canh tác sắn cũng đã được xây dựng, ứng dụng trong thực tế sản xuất.
Hiện cả nước có khoảng 5.500ha diện tích sắn đã được nông dân trồng bằng giống kháng bệnh. Chủ yếu tập trung ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Tây Ninh, Đồng Nai… Năm 2023, tổng diện tích nhiễm bệnh là 83.734ha, nhiễm nặng 20.956ha, giảm hơn 30% so với năm 2021.
"Nguồn bệnh lây lan dịch bệnh khảm lá sắn chủ yếu là do sử dụng giống sắn đã bị bệnh để trồng trong khi không kiểm soát được nguồn hom giống vận chuyển từ vùng này sang vùng khác, nhất là vùng bị bệnh sang vùng không bị bệnh. Năng suất sắn ở những diện tích mới bị nhiễm bệnh thường chỉ giảm nhẹ nhưng nếu dùng giống đã bị nhiễm bệnh tiếp tục trồng vụ sau năng suất sẽ giảm mạnh hoặc không cho thu hoạch. Do vậy, kiểm soát nguồn bệnh lây lan theo giống nhiễm và sử dụng giống sạch bệnh, giống kháng bệnh là 2 nội dung quan trọng nhất hiện nay", ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT chia sẻ.
Hiện cả nước có trên 40 tỉnh, thành trồng sắn, tập trung ở 5 vùng trọng điểm chính gồm Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ với diện tích dao động từ 520.000 - 550.000 ha, năng suất đạt từ 19-20 tấn/ha, sản lượng đạt trên 10 triệu tấn củ tươi.
Về chế biến, hiện cả nước có khoảng trên 140 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với tổng công suất thiết kế 13,4 triệu tấn củ tươi/năm, tổng công suất thực tế 9,3 triệu tấn/năm. Các nhà máy phân bố chủ yếu ở vùng Đông Nam bộ, với khoảng trên 70 nhà máy, phần lớn được đầu tư bàn bản, đang trong quá trình cập nhật và nâng cao công nghệ chế biến sản phẩm từ sắn.
"Có thể thấy, tình hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sắn trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận cả về sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu. Hiện nay, cây sắn không phải là cây xóa đói, giảm nghèo như những hình dung trước đây mà đã phát triển thành một loại cây trồng đa giá trị, có hiệu quả kinh tế cao với kim ngạch xuất khẩu luôn duy trì ổn định từ 1 - 1,4 tỷ USD", bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nhấn mạnh.
Phấn đấu xuất khẩu sắn đạt 2 tỷ USD
Vai trò và vị thế của cây sắn trong bản đồ nông nghiệp Việt Nam đã được xác lập rõ ràng. Để trợ lực ngành sắn, mới đây, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn; trong đó, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm khoảng 85%; diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40-50%; diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%; kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2,0 tỷ USD.
Tầm nhìn đến năm 2050, ngành hàng sắn của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70-80% diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính,...) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2,3 - 2,5 tỷ USD.
Để triển khai thực hiện hiệu quả đề án, tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận, đề xuất một số giải pháp cho đề án như: nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách phát triển ngành hàng sắn; rà soát, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sắn.
Quy hoạch vùng nguyên liệu sắn ổn định; phát triển biện pháp canh tác năng suất cao, bền vững nhất là vùng đất nghèo, đất dốc; tổ chức truyền thông làm rõ vai trò của cây sắn và ngành hàng sắn. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại trên cây sắn, đặc biệt là bệnh khảm lá sắn thông qua các biện pháp chủ yếu là trồng giống kháng, giống sạch bệnh.
Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chế biến tuần hoàn, tận dụng mọi phụ phẩm trong chế biến sắn để tăng hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường nhằm mở thêm thị trường, thị phần, đa dạng chủng loại hàng hóa tiêu dùng và xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho rằng, những năm qua, ngành hàng sắn đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Có thể kể đến như kim ngạch xuất khẩu luôn đứng vào top đầu trong các mặt hàng nông sản, năng suất sắn Việt Nam cao thứ 5 trên thế giới, một số giống sắn kháng bệnh khảm lá đã được phát triển tại các vùng trồng sắn trong cả nước; nhiều công nghệ chế biến sắn như sản xuất tinh bột sắn biến tính đã được đưa vào áp dụng tại nhiều nhà máy sản xuất sắn tại Việt Nam…
Tuy nhiên, để phát triển ngành hàng sắn, xứng tầm vị thế trong thời gian tới thì vẫn còn rất nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết. Ví dụ như việc tổ chức sản xuất sắn còn chưa bền vững: khả năng sản xuất và phạm vi sử dụng giống kháng bệnh khảm lá còn thấp, kỹ thuật canh tác đã có nghiên cứu nhưng chưa chuyên sâu vào đặc thù của từng vùng sinh thái, từng điều kiện canh tác, liên kết sản xuất thiếu chặt chẽ, đầu tư hạ tầng đối với vùng nguyên liệu trồng sắn còn hạn chế, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất sắn còn thấp.
Các chính sách khuyến khích phát triển ngành hàng sắn còn thiếu, nhiều địa phương chưa thực sự vào cuộc, vẫn chưa đưa cây sắn vào kế hoạch, nghị quyết phát triển của địa phương để làm tiền đề đầu tư, phát triển ngành hàng này. Thị trường xuất khẩu phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc mà chưa mở rộng được ra các thị trường khác vốn cũng đang có nhiều lợi thế về ưu đãi thuế như thị trường EU…
Đỗ Hương
Lào Cai: Nông dân thu 1.050 tỷ đồng từ trồng rau
Nguồn tin: Báo Lào Cai
Theo tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai, 6 tháng đầu năm 2024, nông dân trong toàn tỉnh đã trồng 7.560 ha rau, với sản lượng đạt hơn 104.660 tấn và tổng giá trị đạt khoảng 1.050 tỷ đồng.
Nông dân Sa Pa chăm sóc rau.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất rau chuyên canh gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại các huyện: Bảo Thắng, Bát Xát, Bắc Hà, thị xã Sa Pa và thành phố Lào Cai.
Giá rau khá ổn định và bán thuận lợi.
Vùng sản xuất rau trái vụ tập trung chủ yếu tại các huyện: Bát Xát, Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương và thành phố Lào Cai, với khoảng 900 ha và sản lượng đạt gần 20.000 tấn.
Giá các loại rau khá ổn định và bán thuận lợi, bởi bên cạnh việc cung cấp đủ nhu cầu tiêu dùng thị trường trong tỉnh còn có lượng lớn rau được cung cấp ra các tỉnh lân cận.
Đinh Viết Vinh
Rau nhút được giá, người trồng có thu nhập khá
Nguồn tin: Vĩnh Long
Nhiều hộ dân trồng rau nhút tại xã Xuân Hiệp (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) cho hay, thời điểm này rau nhút được giá nên cho thu nhập khá. Thương lái mua tại ruộng với giá từ 10.000-13.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí, người trồng có lợi nhuận ổn định từ 5-8 triệu đồng/công.
Trồng rau nhút đem lại thu nhập khá cho nông dân.
Có 2 công trồng rau nhút, chị Phan Thị Xuân (xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn) cho biết: Rau nhút dễ trồng, nhẹ công chăm sóc lại ít bị rủi ro về giá cả. Mùa nắng rau nhút có năng suất tốt hơn, trong khi đó, vào mùa mưa rau nhút có giảm sản lượng nhưng bù lại giá bán được cao hơn.
Vì là loại rau sống dưới nước tự nhiên, ít cần phân bón, thuốc hóa học nên rau nhút bán rất chạy. Khoảng 10 ngày là có thể thu hoạch 1 lần. Tuy nhiên, người trồng phải nắm vững quy trình kỹ thuật, nhất là khâu chọn giống, xử lý ốc bươu vàng, thời điểm bón phân sao cho đảm bảo an toàn.
Theo nhiều hộ dân trồng rau nhút, rau nhút sau khi trồng từ 1,5 tháng là có thể cho thu hoạch đợt đầu tiên, sau đó, từ 7-10 ngày sẽ cho thu hoạch tiếp, thời gian kéo dài từ 4-5 tháng.
Sâu bệnh hại rau nhút gần như không có, tuy nhiên khi trồng rau nhút trên ao hồ, ruộng trũng cần chú ý ốc bươu vàng và các loài cá tạp. Sau mỗi đợt thu hái, chỉ cần bón thêm phân để cây nhanh tái sinh và phục hồi để thu hoạch tiếp đợt sau.
Theo ông Nguyễn Hoàng Lâm- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Hiệp, việc phát triển trồng rau nhút không chỉ đem lại lợi nhuận khá cho nông hộ, mà còn tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương nhờ vào các công việc chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển...
Tin, ảnh: NGUYÊN KHANG
Đồng Nai: Đa số các cơ sở trong vùng dân cư phải di dời đều ngưng chăn nuôi
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai
Theo Quyết định số 296/QĐ-UBND phê duyệt danh sách các cơ sở chăn nuôi phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi vào ngày 24-2-2023, toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 3 ngàn cơ sở chăn nuôi heo, gà, vịt, bò, dê… phải di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
Nhiều trang trại chăn nuôi tại huyện Long Thành nằm trong diện phải di dời ra khỏi khu dân cư
Tính đến tháng 5 năm 2024, toàn tỉnh có 1.304 cơ sở đã di dời, ngưng chăn nuôi, đạt tỷ lệ 43,38% so với tổng số các cơ sở phải di dời, ngưng chăn nuôi theo lộ trình đến cuối năm 2024.
Trong đó, đa số các cơ sở thuộc diện phải di dời trên đều ngưng chăn nuôi với 1.296 cơ sở, chiếm gần 99,4% trên tổng số cơ sở. Chỉ còn lại 8 cơ sở di dời ra khỏi khu vực dân cư. Do đa số các cơ sở đều ngưng chăn nuôi nên hiện trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở chăn nuôi nào nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ việc di dời theo quy định.
Trong quá trình thực hiện việc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: đa số các hộ chăn nuôi thuộc diện di dời, ngưng chăn nuôi có quy mô nông hộ nên việc di dời gặp khó khăn do thiếu nguồn lực để đầu tư tại địa điểm mới; một số trang trại vay vốn ngân hàng để đầu tư nhưng đến nay chưa thu hồi đủ vốn; đa số lao động tại các cơ sở chăn nuôi đều lớn tuổi, do đó chuyển đổi nghề nghiệp gặp khó khăn...
Song Lê
Từ thầy giáo thành chủ trang trại
Nguồn tin: Báo Thái Bình
Từng gắn bó với nghề giáo nhưng anh Hoàng Cao Cường, xã Đoan Hùng (Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) đã khiến nhiều người bất ngờ khi quyết định từ bỏ công việc giáo viên để trở thành nông dân. Sau 8 năm gắn bó với nghề nông, anh Cường đã xây dựng thành công trang trại tổng hợp rộng hơn 8 mẫu cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Trang trại chăn nuôi của anh Hoàng Cao Cường, xã Đoan Hùng (Hưng Hà) cho thu nhập cao.
Chúng tôi có dịp đến thăm trang trại và trò chuyện với anh Cường. Trong trang trại của gia đình anh có đầy đủ vườn cây, ao cá, chuồng chăn nuôi được đầu tư rất bài bản. Vừa giới thiệu về thành quả của mình sau 8 năm nỗ lực, anh vừa chia sẻ về quyết định “chuyển ngành” đầy táo bạo của mình.
Theo anh Cường, gia đình cũng hy vọng anh kiên trì theo nghề giáo đã chọn. Nhưng sau nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở cùng với sự động viên, đồng hành của vợ đã thôi thúc anh quyết tâm xây dựng trang trại. Hành trình trở thành nông dân chính hiệu của “thầy giáo Cường” cũng bắt đầu từ đó.
“Tôi phát triển trang trại từ vài mẫu ruộng chuyển đổi và phải vay mượn thêm khắp nơi để đầu tư xây hệ thống chuồng nuôi, ao cá. Vốn đầu tư vào trang trại rất lớn nhưng được Hội Nông dân xã cho vay vốn nên tôi cũng mạnh dạn triển khai xây dựng. Sau khi mô hình cho thu lợi nhuận, tôi lại tìm hiểu nuôi thêm gà, bồ câu để tận dụng diện tích trống. Có thời điểm chăn nuôi thuận lợi, trang trại của tôi có khoảng 400 - 500 con lợn thịt” - anh Cường tâm sự.
Sau những thành công ban đầu, anh Cường cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách. Năm 2019, trang trại của anh điêu đứng vì bệnh dịch tả lợn châu Phi. Mọi công sức, tiền bạc anh dành cho trang trại đều “đổ sông đổ bể”. Qua tìm hiểu thị trường anh nhận thấy giống bò New Zealand có trọng lượng lớn, thịt nhiều, cho giá trị kinh tế cao nên anh tiếp tục đầu tư nuôi thử nghiệm. Anh Cường vừa nuôi lợn vừa nuôi thêm bò thịt, bò giống để duy trì sản xuất. “Người tính không bằng trời tính”, mô hình của anh thêm một lần nữa đối mặt với khó khăn khi đàn bò mắc bệnh viêm da nổi cục. Sau 2 lần thất bại, anh Cường thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Anh cho biết: Khi ấy, tôi không có nhiều kinh nghiệm phòng, trị bệnh nên số lượng bò ngày càng giảm. Sau 2 lần thất bại, tôi cũng cảm thấy nản chí nhưng được sự động viên, hỗ trợ của gia đình nên tôi cố gắng đứng lên làm lại từ đầu. Tôi bắt đầu đi học hỏi, tham quan các mô hình lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi khép kín để bảo vệ đàn vật nuôi.
Sau những nỗ lực không biết m
Tăng cường phòng, chống dịch tả lợn châu Phi ở vùng giáp ranh
Nguồn tin: Báo Thái Nguyên
Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại hai tỉnh tiếp giáp với Thái Nguyên là Bắc Kạn và Lạng Sơn đang có diễn biến phức tạp. Do vậy, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương giáp ranh với 2 tỉnh trên đã và đang tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào tỉnh.
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), từ đầu năm 2024 đến ngày 23-6, bệnh DTLCP xảy ra trầm trọng và đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương trong cả nước. Tại tỉnh Bắc Kạn, bệnh DTLCP xảy ra ở trên 90% địa phương cấp xã của 8/8 địa bàn cấp huyện, buộc tiêu hủy gần 10.000 con lợn, chiếm hơn 40% số lợn bị tiêu hủy do bệnh DTLCP của cả nước.
Còn tại tỉnh Lạng Sơn, gần 50% địa phương cấp xã của 10/11 địa bàn cấp huyện có bệnh DTLCP, buộc tiêu hủy gần 4.000 con lợn, chiếm gần 17% số lợn bị tiêu hủy do DTLCP của cả nước.
Trước tình hình trên, để ngăn chặn bệnh DTLCP lây lan vào tỉnh, UBND tỉnh đã có Công điện số 03/CĐ-UBND ngày 20/6/2024 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh. Trong đó đề nghị ngành Nông nghiệp phối hợp với các cơ quan chuyên trách cấp huyện kiểm tra, đôn đốc lực lượng thú y cơ sở tăng cường giám sát, theo dõi sát tình hình dịch bệnh tại các tỉnh giáp ranh, để có thông tin kịp thời cho toàn dân hiểu đúng nguy cơ lây lan, tác hại của dịch bệnh, nhất là bệnh DTLCP.
Hiện, những xã nằm giáp ranh với các địa phương của tỉnh Lạng Sơn và Bắc Kạn đã và đang triển khai nhiều biện pháp để chủ động ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhập, lây lan. Yên Lạc là một trong 2 xã của huyện Phú Lương nằm giáp ranh với huyện Chợ Mới của tỉnh Bắc Kạn. Trên địa bàn xã hiện có 55 hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn khoảng 4.000 con, có 3 hộ giết mổ và kinh doanh thịt lợn.
Anh Vương Văn Khơi, một người dân chuyên giết mổ và kinh doanh thịt lợn tại chợ Yên Lạc, cho biết: Tôi bán thịt lợn tại chợ được khoảng 10 năm, trung bình một ngày bán gần 100kg thịt. Do gia đình cách địa phận xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới chỉ hơn 3km nên trước đây thỉnh thoảng tôi cũng có sang đó mua lợn. Nhưng từ nhiều tháng nay, khi có thông tin tại tỉnh Bắc Kạn xảy ra bệnh DTLCP, tôi không sang đó mua nữa.
Người dân xã Yên Lạc (Phú Lương) vệ sinh chuồng trại chăn nuôi lợn nhằm ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lạc, cho biết: Chúng tôi thường xuyên cập nhật tình hình DTLCP tại tỉnh Bắc Kạn, để thông tin đến người dân, giúp bà con nắm được và chủ động phòng ngừa. Cùng với đó, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi, kinh doanh thịt lợn tuyệt đối không vận chuyển lợn giống, lợn thịt, thịt lợn không rõ nguồn gốc tại các địa phương đang có dịch của tỉnh Bắc Kạn.
Xã Bình Long (Võ Nhai) tiếp giáp với huyện Hữu Lũng của tỉnh Lạng Sơn cũng đang triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhập. Xã hiện có 3 xóm nằm giáp ranh với xã Quyết Thắng của huyện Hữu Lũng. Bà con 2 xã hằng ngày thường đi lại, giao thương với nhau.
Ông Trần Quang Hưng, quyền Chủ tịch UBND xã Bình Long, cho biết: Ngay sau khi có thông tin DTLCP xảy ra tại huyện Hữu Lũng hồi tháng 5-2024, chúng tôi đã tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng, chống DTLCP cho 140 người dân trong xã; kiểm soát chặt chẽ các cơ sở giết mổ lợn nhỏ lẻ trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển lợn bị nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh tại các vùng dịch về địa bàn xã tiêu thụ; vận động nhân dân hạn chế đi đến các địa phương đang có dịch của huyện Hữu Lũng…
Song hành với các địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề nghị các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP.
Ông Mông Đình Tinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa, chia sẻ: Chúng tôi đã phối hợp thành lập Đội kiểm tra liên ngành để tuần tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển lợn từ các địa phương khác vào địa bàn huyện; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn ốm, chết không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y. Đồng thời triển khai các đợt tổng vệ sinh, khử trùng tại các vùng chăn nuôi trọng điểm, vùng giáp ranh bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh ngoài môi trường…
Theo ngành chức năng, các hoạt động buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn bệnh từ các nơi đang có dịch đến nơi chưa có dịch là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ xâm nhập, lây lan bệnh.
Ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Thái Nguyên, cho biết: Để kiểm soát, ngăn chặn bệnh DTLCP xâm nhập vào địa bàn tỉnh, chúng tôi đã và đang tăng cường hướng dẫn các địa phương biện pháp phòng, chống dịch; hướng dẫn người dân thực hiện tốt các quy trình về an toàn sinh học trong chăn nuôi; tăng cường kiểm tra việc giết mổ; kiên quyết xử lý nghiêm vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc…
Hiện nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh có khoảng 600 nghìn con. Đầu tháng 6, bệnh DTLCP xảy ra tại 2 xã Tràng Xá và Dân Tiến (Võ Nhai), với 131 con lợn mắc bệnh và nghi mắc bệnh, tổng khối lượng tiêu hủy trên 3.200kg.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch nên đến nay, đã qua 21 ngày trên địa bàn tỉnh không phát sinh thêm ổ DTLCP mới, đủ điều kiện công bố hết dịch.
Vũ Công
Hiếu Giang tổng hợp