Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 10 tháng 11 năm 2023

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 10 tháng 11 năm 2023

 

Hậu Giang: Vú sữa Hoàng Kim - Cây trồng tiềm năng ở Tân Long

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Xã Tân Long (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) đã có nhiều chuyển biến tích cực trong sự phát triển, tình hình kinh tế có những khởi sắc, với những mô hình hiệu quả.

 

 

Vú sữa Hoàng Kim sau khi được anh em anh Trần Ngọc Ẩn và Trần Ngọc Lợi ghép cành cho trái to, đẹp và ngon hơn giống cũ.

Hai anh em anh Trần Ngọc Ẩn và Trần Ngọc Lợi, sinh sống tại ấp Phụng Sơn B, là những người đầu tiên mang giống vú sữa Hoàng Kim về trồng thử nghiệm trên mảnh đất Tân Long và đã gặt hái được nhiều thành công.

Anh Lợi chia sẻ cơ duyên biết đến giống cây này là cuối năm 2019, thời điểm đó anh đang trồng một số loại cây như mít, cam,… dù sản lượng lớn nhưng lại rớt giá, không có lợi nhuận. Để tìm kiếm một hướng đi mới, ban đầu anh trồng vài chục cây vú sữa Hoàng Kim, dần dà nhân rộng, diện tích vườn vú sữa của anh Lợi đã được 3ha và được công nhận sản xuất đạt theo tiêu chuẩn VietGAP.

“Giống vú sữa Hoàng Kim tương đối dễ canh tác, nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh, lại mang lại giá trị kinh tế cao. Cây từ lúc trồng đến lúc cho trái khoảng 18 tháng, mỗi năm cho trái trung bình 3 vụ. Sản lượng thu hoạch trung bình từ 7-8 tấn/ha. Vú sữa Hoàng Kim rất dễ bán, thương lái tìm đến tận vườn tìm mua và giá cả cũng ổn, nhờ đó cuộc sống gia đình tôi cũng khá hơn trước rất nhiều”, anh Lợi chia sẻ.

Để tăng năng suất và chất lượng trái, hai anh em của anh Lợi đã tự chủ động tìm tòi và ghép cành thành công, tạo ra giống mới khắc phục được những hạn chế của giống gốc. Giống vú sữa Hoàng Kim được anh Lợi ghép cành có nhiều ưu điểm như trái to, trọng lượng từ 300g đến 1,2kg/trái, vị ngọt hơn, bề ngoài bắt mắt và giá thành được thu mua cũng cao hơn. Dự kiến trong thời gian tới, anh Lợi sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang cây vú sữa Hoàng Kim do anh tự ghép cành để tăng thêm giá trị kinh tế. Từ sự thành công của gia đình anh Lợi, hiện nay toàn xã Tân Long có diện tích trồng vú sữa hoàng kim khoảng 20ha.

Để mở rộng thị trường tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán 2024 tới đây, anh Lợi đang thử nghiệm trên một số trái để cho ra mắt vú sữa Hoàng Kim tạo hình thỏi vàng tài - lộc, phục vụ nhu cầu chưng tết, biếu tặng của người dân trong và ngoài tỉnh.

Vú sữa Hoàng Kim hiện nay đang là loại cây trồng tiềm năng, mang đến giá trị kinh tế cao cho các hộ nông dân. Địa phương đã đề xuất công nhận vú sữa Hoàng Kim là sản phẩm OCOP của địa phương. Cây ăn trái toàn xã có diện tích 1.310ha, xã đang định hướng sẽ tập trung những cây trồng chủ lực. Bà Đỗ Thị Bé Tuyền, cán bộ Tổ kỹ thuật UBND xã Tân Long, cho biết: “Xã đang hỗ trợ nông dân trồng vú sữa hoàng kim trong việc đăng ký mã số vùng trồng, để trong tương lai loại nông sản này có cơ hội đi xa hơn, không chỉ đáp ứng thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra quốc tế. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”.

Theo UBND xã Tân Long, những tháng qua, tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn xã đạt kết quả khả quan. Lĩnh vực nông nghiệp vốn là thế mạnh, tiếp tục được quan tâm, đầu tư. Toàn xã có 1.548ha đất nông nghiệp, cây ăn trái phát huy thế mạnh khi diện tích trồng lên đến 1.310ha, đạt 100% so với kế hoạch. Các loại cây khác cũng có kết quả khả quan như diện tích gieo trồng lúa là 490ha, đạt 106,52%; diện tích mía 40ha đạt 100%; diện tích xuống giống cây rau màu 280ha, đạt 112% chỉ tiêu huyện giao.

Từ việc phát triển kinh tế nông nghiệp có hiệu quả đã giúp cuộc sống nhân dân xã Tân Long có nhiều chuyển biến. Năm 2022, xã giảm hơn 1% hộ nghèo, tỷ lệ giảm nghèo năm 2023 này được dự đoán sẽ nhiều hơn năm trước.

Bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Long, cho biết thêm: “Xã đã hoàn thành các tiêu chí để xã trở thành thị trấn, định hướng trong thời gian tới đây, xã sẽ tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, xã hội đúng hướng. Riêng vú sữa Hoàng Kim đang đem lại hiệu quả kinh tế, địa phương đang lên kế hoạch sẽ tìm kiếm các doanh nghiệp, công ty du lịch đầu tư, kết hợp với nông dân làm du lịch sinh thái tại các vườn cây ăn trái địa phương, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống nhân dân”.

Bài, ảnh: THANH NGÂN

 

Hòa Bình: Xã Đồng Tâm: Hiệu quả kinh tế vượt trội từ na trái vụ

 

Nguồn tin: Báo Hòa Bình

Vài năm trở lại đây, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hộ trồng na trên địa bàn xã Đồng Tâm (Lạc Thuỷ, Hòa Bình) đã có vụ na thứ 2, hay còn gọi là na trái vụ trên diện tích trước đây chỉ thu được 1 vụ. Nhờ vậy người trồng na đã tăng thêm thu nhập, khắc phục tình trạng được mùa mất giá.

 

 

Chị Nguyễn Thị Thuý, thôn Đồng Bong, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) chăm sóc vườn na của gia đình.

Na trái vụ năm nay, gia đình anh Trần Văn Hạ và chị Nguyễn Thị Thuý, thôn Đồng Bong dự kiến thu về trên 100 triệu đồng. Trồng na trên đất đồi dốc hơn 10 năm, năm nay là năm thứ 5 gia đình anh chị áp dụng biện pháp kỹ thuật để cây na ra quả trái vụ. Na ở đây ngon nổi tiếng nên tư thương đến tận nhà thu mua.

Là một trong những gia đình trồng na có tiếng ở xã Đồng Tâm, ông Nguyễn Bá Dũng, thôn Đồng Bong chia sẻ: Đất ở khu vực này là đất đá, phù hợp để na phát triển. Thời điểm na vụ 2 ít mưa, lấy quả trong thân nên quả to, chất lượng đảm bảo, ngọt hơn na vụ chính. Năm ngoái nhà tôi thu được 90 triệu đồng, khoảng 1 tấn rưỡi quả trên diện tích 0,5 ha.

Qua nhiều năm thâm canh sản xuất cho thấy, cây na dai phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại huyện Lạc Thuỷ, nhất là những diện tích vạt đồi, chân núi có độ dốc vừa phải. Trồng na trái vụ tuy kỹ thuật không phức tạp nhưng tốn nhiều công. Để na ra hoa trái vụ, người dân phải bón 3 đợt phân trong năm, cắt bỏ bớt hoa chính vụ, cắt tỉa cành, tuốt lá để kích thích cây đâm chồi mới và ra hoa trái vụ. Khi nụ hoa nở hé phải thụ phấn thủ công để tăng tỷ lệ đậu quả, đồng thời giúp quả na to, tròn, đều, đẹp. Do áp dụng khoa học kỹ thuật, trồng theo hướng VietGAP nên sản phẩm na Đồng Tâm luôn có chất lượng tốt, thơm, độ ngọt cao, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, khẳng định được thương hiệu sản phẩm OCOP 3 sao.

Đồng chí Nguyễn Đức Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: Thời gian qua, người dân xã Đồng Tâm, nhất là thôn Đồng Bong chú trọng sản xuất na vụ 2. Chúng tôi khuyến khích, khuyến cáo bà con tiếp tục áp dụng kinh nghiệm, kiến thức khoa học để chăm sóc cây na đảm bảo tính bền vững, chất lượng sản phẩm, mở rộng diện tích trồng na ở những khu vực điều kiện đất đai phù hợp. Quan tâm vấn đề sản xuất theo chuỗi, đảm bảo đầu ra tiêu thụ sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

So với các cây trồng truyền thống, cây na dai trái vụ cho thấy những ưu điểm vượt trội như dễ chăm sóc, một năm cho thu hoạch 2 lần, giá trị kinh tế ổn định, dễ tiêu thụ. Đặc biệt, cây na thu hoạch nhiều năm vẫn cho năng suất cao, có những cây thu quả đến 17 - 20 năm chưa phải trồng lại. Từ khi áp dụng phương pháp tự thụ phấn cho hoa, na cho quả sai và đều quả hơn. Na trái vụ giúp tránh được tình trạng được mùa mất giá, giá bán cao hơn nhiều so với thời điểm chính vụ.

Hiện nay, huyện Lạc Thuỷ từng bước đẩy nhanh mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững, góp phần để ngành nông nghiệp huyện tiếp tục có bước chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất, hiện đại hoá ngành nông nghiệp theo chiều sâu, tận dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật để không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, đóng góp vào sự phát triển KT-XH địa phương.

Nguyễn Chung (Trung tâm VH-TT&TT huyện Lạc Thuỷ)

 

Nông dân trồng sầu riêng hướng đến mùa vụ mới

 

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Bình Phước hiện có hơn 5.000 ha sầu riêng được trồng rải rác khắp các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Thời điểm này là giai đoạn cây sầu riêng chuẩn bị ra hoa và cũng là lúc nông dân tập trung chăm sóc để cây cho năng suất cao hơn trong mùa vụ sắp tới.

CHÚ TRỌNG CHĂM SÓC

Gia đình ông Lê Thanh Viễn ở xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh có vườn sầu riêng bước sang năm thứ 7. Giai đoạn này, ông thường xuyên thăm vườn, tập trung chăm sóc, từ tưới nước đến bón phân hợp lý. Ông Viễn cho biết, thời tiết năm nay không thuận lợi, mưa nhiều nên việc chăm sóc sầu riêng giai đoạn ra hoa cũng vất vả hơn.

 

 

Vườn sầu riêng thường xuyên được ông Lê Thanh Viễn chú ý chăm sóc

Thời tiết bất thường nên nếu không để ý, sầu riêng sẽ chỉ ra đọt lá non mà không nhú mầm hoa (hay còn gọi là nhú mắt cua), làm ảnh hưởng năng suất. Ông Viễn chia sẻ: Nếu thấy cây sầu riêng ra đọt nhiều là phải có biện pháp hãm lại. Vì nếu ra đọt nhiều, cây sẽ không ra mầm hoa được. Cây sầu riêng muốn ra hoa đậu trái tốt thì phải kết hợp nhiều yếu tố, như thời tiết thuận lợi, chăm sóc đúng kỹ thuật, cây khỏe...

Chỉ cho chúng tôi một số mầm hoa đã rơi vào trạng thái “ngủ đông”, ông Viễn cho hay, những mầm hoa chuyển sang màu đen là hỏng rồi và sẽ ảnh hưởng năng suất cây trồng.

Theo các nông hộ, thời điểm này, cây sầu riêng thường xuất hiện rệp sáp, rầy xanh phá hoại hoa nên nông dân phải theo dõi tình trạng sâu bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời. “Ngày nào tôi cũng thăm vườn, vì đây là thời điểm giao mùa nên sâu rầy tấn công nhiều. Phải xịt thuốc nấm, thuốc rầy liên tục, nếu không kịp thời xử lý sẽ rất khó trị. Nông dân chúng tôi lo lắng nhất khi thời tiết không thuận lợi, trái sầu riêng dễ bị hư thối” - anh Mai Xuân Thắng, xã Lộc Thuận cho biết. Do vậy, nông dân không chỉ tuân thủ chu kỳ chăm sóc mà còn chú trọng chăm cây khỏe, đảm bảo đủ sức nuôi trái, đạt sản lượng từ 1-2 tạ trái/cây.

NÂNG CAO KỸ THUẬT

Anh Nguyễn Văn Thành ở xã Lộc Thái, huyện Lộc Ninh chia sẻ: Sau giai đoạn nhú mắt cua, sầu riêng sẽ bắt đầu ra hoa rồi xả nhụy, nuôi trái. Đây là giai đoạn quan trọng nhất vì vụ mùa được hay mất nằm ở kỹ thuật chăm sóc của người trồng. Đồng thời phải kết hợp bón phân, tưới nước phù hợp… để cây đủ sức nuôi trái.

Mưa nhiều theo từng đợt dễ khiến mầm hoa sầu riêng rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Vì vậy, nông dân phải thường xuyên thăm vườn và có biện pháp chăm sóc phù hợp để cây đạt năng suất cao

Sầu riêng không chỉ cần đạt sản lượng mà chất lượng trái cũng được nông dân hết sức quan tâm và ngày càng chú trọng nâng cao kỹ thuật chăm sóc. “Trái sầu riêng đều, đẹp, chắc múi thì đương nhiên bán sẽ được giá hơn. Nông dân cái gì cũng có thể làm được, quan trọng là có chịu học hỏi không” - anh Thành tự tin. Ngoài học hỏi lẫn nhau, nông dân còn tìm hiểu qua sách báo, internet về cách chăm sóc sầu riêng. “Quá trình thăm vườn nếu thấy sầu riêng có biểu hiện lạ là mình phải tìm cách xử lý ngay. Hỏi những người trồng xung quanh không có cách, thì mình hỏi các hội, nhóm trên mạng xã hội để tìm phương pháp xử lý hiệu quả” - anh Thành cho biết thêm.

GS, TS TRẦN VĂN HÂU, chuyên gia nông nghiệp Trường đại học Cần Thơ: Chăm sóc cây sầu riêng là một quá trình gồm rất nhiều kỹ thuật, muốn đạt năng suất, chất lượng thì phải quan tâm từ khâu đầu tiên, bắt đầu ngay sau khi thu hoạch. Bà con nông dân phải quan tâm đến từng kỹ thuật, không bỏ qua khâu này mà chú trọng khâu kia.

Để hỗ trợ nông dân, ngành chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng với sự chia sẻ của các chuyên gia nông nghiệp. Qua đó, nông dân có thêm kinh nghiệm xử lý sâu bệnh cũng như hiểu biết thêm về quy trình chuẩn để việc chăm sóc cây trồng trở nên dễ dàng và hiệu quả.

Với việc áp dụng đầy đủ quy trình và kỹ thuật chăm sóc, nông dân trồng sầu riêng mong muốn thời tiết sẽ thuận lợi để việc chăm sóc đỡ vất vả và mùa vụ bội thu, trái đạt chất lượng cao.

Thu Thảo

 

Thu hoạch sầu riêng phải đảm bảo đủ độ chín

 

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Ngày 6-11-2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đã có Công văn số 4269, gửi các địa phương và các đơn vị có liên quan về việc tăng cường quản lý việc thu hoạch sầu riêng.

 

 

Tránh thu hoạch sầu riêng non, không đủ độ chín.

Theo đó, khuyến cáo nông dân khi thu hoạch sầu riêng phải đảm bảo đủ độ chín để đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tránh thu hoạch sầu riêng non, không đủ độ chín.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND huyện Chợ Lách, Châu Thành và Mỏ Cày Bắc chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể huyện thông tin tuyên truyền khuyến cáo nông dân khi thu hoạch sầu riêng phải đảm bảo đủ độ chín nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu và uy tín sầu riêng Việt Nam.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã có sản xuất sầu riêng cần tăng cường các kỹ thuật và giải pháp canh tác sầu riêng, đặc biệt kỹ thuật cắt tỉa hoa, quả và thu hoạch sầu riêng theo Quyết định số 362/QĐ-TT-CCN ngày 9-10-2023 của Cục Trồng trọt.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông và tư vấn dịch vụ nông nghiệp phối hợp với địa phương triển khai tập huấn Quy trình tạm thời kỹ thuật cắt tỉa hoa, quả và thu hoạch sầu riêng theo Quyết định số 362. Trong đó, cần hướng dẫn nông dân thực hiện sản xuất sầu riêng đáp ứng theo yêu cầu thị trường.

Các tổ chức, doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã tiếp tục thực hiện hỗ trợ và liên kết với nông dân sản xuất sầu riêng, thực hiện đúng Quy trình tạm thời kỹ thuật cắt tỉa hoa, quả và thu hoạch sầu riêng theo Quyết định số 362; tổ chức sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu liên kết tập trung, ổn định lâu dài; thiết lập, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu; thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả.

Tin, ảnh: Cẩm Trúc

 

Nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Những tháng qua, thị trường lúa gạo ở ĐBSCL có nhiều biến động, giá lúa vụ Hè thu và Thu đông 2023 được xem là cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu có nhiều tín hiệu khởi sắc, nhưng để bền vững thì các chuyên gia trong ngành đề xuất cần phải có nhiều giải pháp.

 

 

Giảm thất thoát, nâng chất lượng để tăng thêm lợi nhuận cho người trồng lúa.

Xuất khẩu gạo tăng về lượng và giá trị

Theo ước tính của Bộ Công thương, xuất khẩu gạo trong tháng 10-2023 đạt 700.000 tấn, tương đương 433 triệu USD, đi ngang về lượng và tăng 27% về giá trị so với tháng 10-2022. Ước 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu trên dưới 7,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4 tỉ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 1-11, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, gạo Việt Nam đang có mức giá cao nhất. Cụ thể, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 653 USD/tấn, Thái Lan giá 560 USD/tấn và Pakistan giá 563 USD/tấn. Gạo 25% tấm của Việt Nam giao dịch ở mức 638 USD/tấn, Thái Lan giá 520 USD/tấn và Pakistan giá 488 USD/tấn.

Thị trường lúa, gạo đang trải nhiều biến động và trong suốt thời gian qua giá mặt hàng này luôn trong xu hướng tăng. Giá lúa, gạo tăng cao thường do tác động của các bên trong chuỗi cung ứng dẫn đến việc giao hàng của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, vì hợp đồng xuất khẩu có thời gian giao hàng ít nhất từ 1 đến 3 tháng.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trước tình hình giá gạo Việt Nam tăng nóng như hiện nay, dẫn đến một số trường hợp doanh nghiệp lỗ nhiều quá đã hủy hợp đồng, nhất là đối với những doanh nghiệp năng lực kinh tế yếu. Đối với những trường hợp là doanh nghiệp lớn đang giao hàng gần xong, để giữ chữ tín với đối tác họ bắt buộc mua giá cao để gom cho đủ hàng hoàn thành hợp đồng. Đây là nguyên nhân chính đẩy giá gạo tăng cao.

“Giá gạo tăng nóng còn do các nhà cung ứng tác động, mỗi khi giá gạo nhích lên một chút thì họ góp phần đẩy giá lên thêm và kết quả là giá gạo Việt Nam đang cao ở mức kỷ lục. Cần nói thêm, doanh nghiệp Việt Nam đã quen ký các hợp đồng giao xa nên bây giờ đa phần lo mua gạo để giao cho đối tác”, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch VFA, cho hay.

Theo VFA, “giá gạo Việt Nam tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế”, vì khi giá cao khách hàng sẽ tìm đến thị trường khác có giá tốt hơn và chất lượng gạo tương đương với gạo Việt Nam, đặc biệt là Thái Lan dẫn đến nguy cơ bị mất thị trường gạo thơm (DT8, OM 5451…) vào tay doanh nghiệp Thái Lan (trước đây, gạo thơm Việt Nam có giá rất cạnh tranh nên dần lấy được nhiều thị trường từ các doanh nghiệp Thái Lan), vì giá gạo nước này đang rất cạnh tranh so với giá gạo thơm Việt Nam.

Cụ thể là các gói thầu của Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog), doanh nghiệp Việt Nam hầu như không thắng thầu do giá gạo trong nước đang rất cao và loại gạo Bulog gọi thầu là gạo 5% thường đang khan hiếm.

Dự báo thị trường gạo xuất khẩu trong năm 2024, ông Phạm Quang Diệu, Kinh tế trưởng Công ty AgroMonotor - Công ty nghiên cứu thị trường cho biết, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có khả năng đạt 8 triệu tấn, như vậy sang năm 2024 tồn kho sẽ rất mỏng nên các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng nếu không sẽ rất rủi ro như năm nay, ký hợp đồng nhiều nhưng không lường được nguồn cung hạn hẹp lúc đó giá bật lên lại gặp khó khăn. Mặt khác, cũng cần lưu ý Ấn Độ có thể quay lại thị trường mặt bằng giá gạo sẽ bị hạ xuống, hiện nay giá gạo Việt Nam quá cao, giá gạo tăng cao nhưng hầu như gạo Việt Nam không bán được, đây cũng là hạn chế làm giảm tính cạnh tranh của gạo Việt Nam so với các nước xuất khẩu gạo khác. Để doanh nghiệp có thể kinh doanh xuất khẩu trong năm 2024 được tốt hơn, doanh nghiệp phải hết sức thận trọng trong quyết định ký hợp đồng giao xa, vì nguồn cung hạn hẹp, cộng với vốn tín dụng khó khăn nếu các ngân hàng có thể thúc đẩy tín dụng cho ngành gạo lúc đó sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp được tốt hơn trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu.

“Doanh nghiệp Việt Nam thường ký hợp đồng giao xa thời gian giao hàng từ 1 đến 3 tháng (tùy từng hợp đồng). Ký hợp đồng giao xa cũng là một rủi ro cao, vì vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam là thiếu vốn nên họ không thể có một lượng tồn kho đảm bảo, vì thường khi ký hợp đồng xong doanh nghiệp mới triển khai mua thì có nhiều rủi ro. So với doanh nghiệp Thái Lan thì tiếp cận nguồn tín dụng của họ thuận lợi hơn doanh nghiệp Việt Nam rất nhiều và vốn tín dụng chính là một trong những điểm yếu của doanh nghiệp gạo Việt Nam”, ông Diệu cho biết.

Cần giảm thất thoát, nâng chất lượng lúa gạo

Điều kiện khí hậu ĐBSCL rất thuận lợi cho những vụ lúa bội thu, nhưng thời gian gần đây biến đổi khí hậu cũng đã gây không ít khó khăn cho sản xuất lúa ở khu vực và ảnh hưởng đến chất lượng lúa gạo.

Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam bị thất thoát từ 14-35%, trong đó ngành lúa gạo thất thoát khoảng 14%/năm. Thất thoát sau thu hoạch xảy ra ở tất cả các khâu nhưng khâu sấy là còn cao nhất, mặc dù số lượng máy sấy đã đáp ứng từ 80-90% nhu cầu, nhưng do phần lớn lò sấy ở Việt Nam chưa tự động hóa và phụ thuộc vào kỹ năng của người vận hành. Nếu người vận hành không có kỹ năng sẽ làm cho nhiệt độ và tốc độ sấy cao làm hạt lúa bị rạn nứt,… ảnh hưởng lớn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Theo chuyên gia lĩnh vực công nghệ, để giữ cho chất lượng hạt lúa vẫn tươi mới, thơm ngon không bị mất phẩm chất từ khi thu hoạch đến tay người tiêu dùng không có giải pháp nào ngoài việc áp dụng công nghệ, vì trên thực tế, các yếu tố cấu thành để nâng cao thu nhập của nông dân và doanh nghiệp trong chuỗi lúa gạo không còn nhiều dư địa.

Do đó, để có thể nâng cao giá trị nông sản, tăng lợi nhuận cho các bên trong chuỗi ngành hàng này cần áp dụng công nghệ giảm thất thoát không chỉ về số lượng mà cần giảm thất thoát về chất lượng hạt gạo, cần giảm sử dụng năng lượng điện trong quá trình xay xát, giảm chi phí tiền điện để tăng lợi nhuận là giải pháp được nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

Ông Cao Thành Đạt, Quản lý kinh doanh giải pháp chế biến lúa gạo Buhler Việt Nam cho biết, thị trường lúa gạo trải qua nhiều biến động, đặc biệt đối với thị trường xuất khẩu gạo. Mặc dù lượng và giá trị xuất khẩu gạo tăng so với các năm trước, chi phí nguyên liệu đầu vào cũng tăng cao cùng với áp lực cạnh tranh trên thị trường khiến các nhà cung ứng gạo xuất khẩu, nhà xuất khẩu cần phải hết sức cẩn trọng trong hoạt động sản xuất của mình để đảm bảo lợi nhuận.

Do vậy, một trong những yếu tố quyết định đối với hiệu quả hoạt động, chi phí của nhà sản xuất chính là giảm thất thoát gạo và tối ưu các chi phí trong quá trình chế biến lúa gạo. Với những giải pháp, như rulo cao su cho bóc vỏ tuổi thọ cao, giảm gãy vỡ. Máy xát trắng SmartWhite để giảm gãy gạo, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng… có thể giúp các nhà máy chế biến có thể giảm thất thoát và tối ưu chi phí sản xuất.

Theo ông Jens Vinther Jensen, Giám đốc điều hành FFT, sử dụng công nghệ hiện đại sẽ giúp giảm thất thoát chất lượng gạo như sử dụng công nghệ sấy hiện đại và bảo quản trong kho với môi trường được kiểm soát, hệ thống bảo quản thời gian dài sẽ vẫn giữ được chất lượng gạo ở mức tốt nhất. Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng như thế giới quan tâm hiện nay là an toàn thực phẩm, vì vậy kiểm soát toàn chuỗi sản xuất từ cánh đồng tới bàn ăn theo tiêu chuẩn và thực hành nông nghiệp tốt là rất cần thiết và ứng dụng công nghệ nhân tạo để kiểm soát được quy trình sản xuất lúa gạo đang là giải pháp được quan tâm hiện nay...

Bài, ảnh: HOÀI THU

 

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nông dân có lãi từ 20-50 triệu đồng/ha

 

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Thời điểm này, nông dân bắt đầu bước vào thu hoạch vụ lúa Mùa sớm. Thời tiết thuận lợi, giá lúa đang ở mức cao nên bà con nông dân thu lãi gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

 

 

Bà con nông dân ấp Gò Cát, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc thu hoạch lúa Mùa.

Trên cánh đồng xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), những chiếc xe liên hợp chạy hết công suất, kịp thu hoạch trà lúa đang chín rộ. Ông Huỳnh Anh Dũng, ấp Núi Nhọn, xã Láng Dài cho biết, 1,7ha lúa vụ Mùa đang cho thu hoạch. Vụ Mùa năm nay thời tiết thuận lợi, thích hợp cho các giống lúa thường như dẻo bầu và OM5451 sinh trưởng tốt, năng suất ước đạt từ 7-7,5 tấn/ha, tăng nửa tấn/ha so với cùng kỳ mọi năm. Giá lúa cũng đang ở mức cao, dao động từ 8.000-8.100 đồng/kg, tăng khoảng 2.500 đồng/kg so với các vụ trước. Sau khi trừ chi phí, ông Dũng có lãi từ 45-50 triệu/ha, cao gấp đôi so với mọi năm.

Ông Trần Hồng Diệp, ấp Cây Cám, xã Láng Dài cũng đang thu hoạch 1,5ha lúa Mùa. Chi phí đầu tư phân, thuốc, giống, nhân công, thuê máy móc không tăng, trong khi giá lúa cao nên bà con ai cũng có lãi. “Với 1ha sau khi trừ chi phí, tôi cũng lãi được 20-30 triệu đồng”, ông Trần Hồng Diệp nói.

Niềm vui trúng mùa, được giá cũng đến với bà con nông dân trồng lúa ở xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. Ông Nguyễn Minh Tâm, ấp Gò Cát, xã Phước Thuận vừa thu hoạch 4ha lúa OM5451 và OM18, năng suất đạt 7,5 tấn/ha. Việc thu hoạch tương đối thuận lợi nhờ thời tiết nắng ráo, lúa gặt xong có thương lái thu mua tận nơi. Ông Nguyễn Minh Tâm cho biết: “Giá lúa neo cao từ vụ Đông - Xuân đến nay nên nông dân phấn khởi lắm. Như lúa vụ Mùa năm trước có 5.500-6.000 đồng/kg thì năm nay lên 8.000-8.300/kg”.

Vụ mùa năm nay, toàn tỉnh xuống giống 3.116ha, chủ yếu là các giống lúa OM18, OM5451, dẻo bầu. Nhờ chủ động sử dụng giống lúa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, việc điều tiết nước kịp thời công với thời tiết thuận lợi nên năng suất tăng cao. Bên cạnh đó, thời gian qua Ấn Độ cùng một số quốc gia cấm xuất khẩu gạo khiến giá gạo Việt Nam xuất khẩu và trong nước biến động mạnh, kéo theo giá lúa tươi tăng mạnh so với mọi năm. Với mức giá neo cao, trừ chi phí bà con nông dân thu lãi tăng 30-50% so với cùng kỳ. Sau khi thu hoạch, các hộ trồng lúa bước vào cải tạo đất, chuẩn bị xuống giống vụ Đông - Xuân 2023-2024.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

 

65ha chè được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ

 

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 17,8/22,2 nghìn héc-ta chè được áp dụng phương pháp sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ. Trong đó, diện tích được cấp chứng nhận VietGAP là 4.368ha; diện tích được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ là 65ha; 4.092ha được cấp chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

 

 

Vùng nguyên liệu của Tổ hợp tác sản xuất chè hữu cơ thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ).

Diện tích chè đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ được giao cho địa phương và người dân quản lý, đồng thời có sự theo dõi sát sao của cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục triển khai mô hình sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam giai đoạn 2023-2024, tại 7 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh với quy mô 40ha, 104 hộ dân tham gia.

Tại các mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, tư vấn hoạt động sản xuất, như: Sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; ghi chép nhật ký nông hộ; lưu trữ hồ sơ truy xuất nguồn gốc...

Vũ Công

 

Tây Ninh: Tiếp tục liên kết hỗ trợ đầu ra cho trái bí đỏ

 

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Những ngày gần đây, hàng trăm tấn bí đỏ của nông dân ở các xã trên địa bàn huyện Tân Châu (Tây Ninh) bị tồn đọng không tiêu thụ được, giá giảm sâu.

 

 

Nông dân thu hoạch bí đỏ phải chịu công hái, công xe vận chuyển

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện trên địa bàn xã Suối Ngô có khoảng 2.000 tấn/100 ha bí, đã bán 1.650 tấn/82 ha; giá 2.600 đồng/kg (loại 1). Bí hư 300 tấn/15 ha. Còn lại chưa bán khoảng 50 tấn/3 ha. Trong đó, Hội Nông dân giải cứu 12 tấn, giá 6.000 đồng/kg.

Trên địa bàn xã Tân Hoà có tổng diện tích bí 300 ha, đã thu hoạch khoảng 240 ha, còn lại khoảng 60 ha (quá vụ khoảng là 20 ha, trong vụ khoảng 40 ha). Hiện tại, giá bí đỏ loại 1 giảm còn khoảng 2.800 đồng/kg; loại 2, loại 3 hầu hết thương lái không chọn mua, vì những ngày gần đây, mưa nhiều khiến trái bí đỏ bị thấm nước dễ bị úng, thối trái.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê lượng bí đỏ trên ruộng thu hoạch được còn rất ít. Kết quả, có 50% số hộ thu hoạch sớm, có lãi; 50% hộ còn lại, trong đó có 1/4 số hộ thu hồi vốn và 1/4 số hộ sẽ bị lỗ vốn.

Anh Trần Phương Thảo, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu cho biết: “Đầu ra trái bí đỏ tương đối khó khăn, cung vượt cầu, thương lái thu mua với số lượng rất ít, một số thương lái bỏ cuộc không mua, thương lái lớn mua giá thấp từ 1.800-2.000 đồng/kg.

Chi phí thu hoạch và xe kéo là nông dân tự chịu, với giá 2.000 đồng/kg, 1 tấn nông dân tốn 600.000 đồng chi phí, chỉ còn lại khoảng 1.400 đồng/kg, một số nông dân tự tìm đầu ra, giá từ 2.000-2.500 đồng/kg”.

Chị Hồ Thị Thuý Ngân- nhân viên kinh doanh Công ty TNHH MTV ong mật Bảo An Tây Ninh cho biết, công ty đã liên kết các đơn vị như hệ thống siêu thị Big C, Bách Hoá Xanh, Vinmart tiêu thụ bí cho nông dân. Hiện các siêu thị thu mua 1-2 tấn/tuần, ngoài ra, có các hiệp hội doanh nghiệp Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ phân phối số lượng lớn. Công ty tiếp tục liên kết hệ thống siêu thị hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân".

Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nông dân đã trồng 500 ha bí đỏ, tập trung trên địa bàn huyện Tân Châu, sản lượng tương đương 100.000 tấn, thu hoạch trong vòng một tháng.

Đây là một bài toán đầu ra rất khó, khi nguồn cung tăng đột biến. Trước tình trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên kết các hệ thống phân phối như Co.opMart, Vinmart, Bách Hoá Xanh; thông báo cho các khu công nghiệp, trường học, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ… để hỗ trợ người dân.

Tuy nhiên, đến nay, số bí đỏ được các đơn vị này tiêu thụ không đáng kể, chỉ khoảng vài trăm tấn, dù thương lái đã tăng cường tiêu thụ đến tận Hà Nội, Hải Dương, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.

Đối với ngành Nông nghiệp, ngoài việc hỗ trợ liên kết tiêu thụ, tập huấn cho nông dân, thì Sở NN&PTNT sẽ cho nông dân đăng ký mã vùng trồng cho trái bí đỏ. Hiện tại, cơ quan này đã tiến hành kiểm nghiệm trái bí đỏ hoàn toàn đạt tiêu chuẩn. Trước khi nông dân xuống giống trồng bí đỏ, ngành Nông nghiệp sẽ công bố toàn bộ tiêu chuẩn chất lượng, mã vùng trồng, dự đoán số lượng bí đỏ được tiêu thụ, tránh tình trạng cung vượt cầu như năm nay.

Nhi Trần - Hoàng Yến

 

Phát triển kinh tế hộ gia đình

 

Nguồn tin:  Báo Long An

Bằng sự cần cù, nhạy bén, nhiều nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hoặc tận dụng tiềm năng sẵn có ở địa phương để tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.

 

 

Ông Lưu Hoàng Lâm (ấp 3, xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, Long An) tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho heo, góp phần giảm chi phí nuôi, tăng lợi nhuận

1. Hiện nay, nhiều hộ nuôi heo ngại tái đàn hoặc “treo” chuồng vì giá thức ăn gia súc tăng cao trong khi giá heo hơi xuống thấp, dịch bệnh luôn tiềm ẩn. Tuy nhiên, gia đình ông Lưu Hoàng Lâm (ấp 3, xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) vẫn duy trì nuôi heo thịt, heo nái. Bình quân, gia đình ông Lâm có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm, thậm chí có năm trên 150 triệu đồng từ nuôi heo thịt, heo nái.

Để có thu nhập ổn định và duy trì đàn heo, vợ chồng ông Lâm vừa áp dụng khoa học - kỹ thuật, vừa dựa vào kinh nghiệm nuôi heo mấy chục năm qua. Ông Lâm chia sẻ: “Hiện tôi nuôi 7 con heo nái sinh sản, 60 con heo con, gần 53 con heo thịt. Để giảm chi phí chăn nuôi, tôi tận dụng các phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho heo như lúa lửng xay thành cám trộn cho heo nái đang có chửa khoảng 1 tháng ăn; heo thịt ngoài cho ăn cám, thức ăn công nghiệp còn trộn thêm các loại rau đồng;... Ngoài ra, tôi còn trồng trên 1ha lúa dùng để làm thức ăn cho heo nên ít mua thêm thức ăn bên ngoài. Nguồn nước cho heo uống là nước giếng, được thiết kế tự động, heo khát tự uống”.

Trong quá trình nuôi heo, ông Lâm tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ cho vật nuôi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Bình quân hàng tháng, vợ chồng ông phun thuốc sát khuẩn, rải vôi xung quanh chuồng 1 lần.

Ông Lâm nói: “Tôi chú trọng nuôi heo theo hướng an toàn sinh học nên hạn chế cho người lạ vào tham quan chuồng. Chuồng trại xây dựng xa nơi ở. Tất cả thức ăn đều nấu chín trước khi cho heo ăn. Nhờ vậy, đàn vật nuôi được bảo vệ tốt, góp phần duy trì đàn heo thịt, heo nái”.

2. Những ngày này, trên dòng kênh 79 (đoạn qua xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường), dễ dàng bắt gặp hàng chục chiếc xuồng của người dân xúc trùn chỉ. Theo quan sát, dụng cụ xúc trùn chỉ khá đơn giản, chỉ cần cái vợt bằng lưới cước, cán làm bằng sắt, vài cái thau để ủ và đãi trùn. Mỗi xuồng thường có 3 người, trong đó, người nào có sức khỏe tốt thì lặn xuống sông và kéo vợt, còn người nào yếu sức hơn thì đãi trùn chỉ.

Theo những người xúc trùn chỉ, trung bình mỗi ngày thu hoạch khoảng 40kg trùn/xuồng, bán 60.000 đồng/kg, nhẩm tính thu nhập trên 2 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, người xúc trùn chỉ phải có kinh nghiệm và chịu được vất vả vì ngâm mình thường xuyên dưới dòng nước lạnh.

Anh Nguyễn Văn Tình (xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường) bộc bạch: “Tôi đến với nghề này trong một lần tình cờ gặp người đãi trùn chỉ gần nhà. Qua quan sát, tôi thấy nghề xúc trùn chỉ không tốn nhiều chi phí, chủ yếu sử dụng sức khỏe là chính. Cũng từ đó, tôi tận dụng thời gian nhàn rỗi đi xúc trùn chỉ. Ban đầu, tôi cũng không xúc được nhiều nhưng lâu dần có kinh nghiệm nên thu nhập ổn định. Ngày nào xúc trùn chỉ trúng, tôi có thu nhập gần 5 triệu đồng/xuồng”.

Theo những người có kinh nghiệm, để xúc được nhiều trùn chỉ, trước tiên phải lựa chọn địa điểm và thử vài lần ở cùng một nơi để xem có nhiều trùn hay không. Trùn chỉ thường ở dưới đáy bùn khoảng 3cm. Được biết, trùn chỉ là giống giun nước có thân hình rất mảnh, màu hồng. Loại này thường sống ở những vùng nước chảy chậm, đầm lầy,... Mùa vụ xúc trùn chỉ kéo dài từ tháng 2 đến tháng 11 Âm lịch.

Trùn chỉ là món “khoái khẩu” của cá kiểng, cá giống. Vì vậy, từ nhiều năm nay, nhiều hộ dân ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh xúc, bán trùn chỉ cho các vùng nuôi cá ở tỉnh An Giang, Đồng Tháp, TP.Cần Thơ,... Và nghề này đang dần mang lại thu nhập ổn định cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình./.

Lê Ngọc

 

Bình Định: Nhiều hộ tái đàn, giá gà giống tăng mạnh

 

Nguồn tin: Báo Bình Định

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, cho biết: Sau thời gian giảm giá mạnh, 3 tháng gần đây, giá gà giống trên địa bàn đã tăng trở lại, do nhiều trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi tái đàn phục vụ thị trường tết.

Hiện Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (xã Cát Tân, huyện Phù Cát), 1 trong 2 DN sản xuất, cung ứng gà giống lớn của tỉnh, đang xuất bán gà giống 1 ngày tuổi ra thị trường với mức giá 17.000 đồng/con, cao hơn so với hồi đầu năm nay 2 - 3 lần. Mỗi tuần công ty xuất ra thị trường vài trăm nghìn con gà ta giống các dòng CK1, CK2, CK3.

Từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 8.2023, giá gà giống giảm sâu do giá gà thương phẩm giảm, trong khi giá thức ăn phục vụ chăn nuôi gà duy trì ở mức cao. Cá biệt, nhiều trang trại, gia trại gặp sự cố đàn gà bị mắc bệnh sau khi mua con giống về thả nuôi, khiến thua lỗ nặng.

AN NHIÊN

 

Khấm khá nhờ nuôi dê

 

Nguồn tin: Báo Bình Định

Mạnh dạn khởi nghiệp bằng mô hình chăn nuôi dê, với tinh thần cầu tiến, chịu khó làm ăn, đến nay kinh tế gia đình ông Phạm Vỹ (SN 1974, dân tộc Bana ở làng Canh Phước, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) đã ổn định, khấm khá hơn so với trước.

 

 

Ông Phạm Vỹ (phải) giới thiệu mô hình nuôi dê của gia đình. Ảnh: C.H

Những năm trước đây, kinh tế của gia đình ông Vỹ phụ thuộc vào 4 ha mía, mì và keo, cuộc sống nhiều khó khăn, chật vật. Với khát vọng vượt khó, ông đã không ngừng tìm tòi, học hỏi các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của gia đình, địa phương. Năm 2020, sau khi đi thăm trang trại nuôi dê của một người bạn ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), nhận thấy việc nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế cao, thích hợp với điều kiện nuôi thả ở địa phương, ông Vỹ quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 5 con dê giống Bách Thảo về nuôi thử.

Vừa làm vừa học hỏi thêm kinh nghiệm từ nhiều nguồn; chịu khó tra cứu sách, báo, tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi dê trên internet, dần dần ông Vỹ say mê, quyết tâm làm giàu theo hướng này.

Hiện tại, ông Vỹ đang nuôi 30 con dê, gồm dê thịt, dê giống và dê sinh sản. Lúc cao điểm, gia đình ông nuôi khoảng 170 con. Theo tính toán của ông, nuôi dê có lãi hơn một số vật nuôi khác, lại nhanh thu hồi vốn, không sợ ế hàng. 1 con dê cái nếu nuôi tốt sau 10 tháng bắt đầu sinh sản, trung bình mỗi năm đẻ khoảng 2 lứa, mỗi lứa từ 1 - 3 con. Dê thịt nuôi từ 7 - 8 tháng có thể đạt 25-30 kg, bán với giá 80-120 nghìn đồng/kg; còn dê giống bán với giá 150 nghìn đồng/kg. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, ông đã bán được 3 lứa dê với tổng số 80 con, thu nhập khoảng 120 triệu đồng.

Cùng với nuôi dê, gia đình ông Vỹ còn có nguồn thu nhập ổn định từ 4 ha keo, chăn nuôi bò, trồng rau, cây ăn quả… Từ chỗ kinh tế eo hẹp, khó khăn, gia đình ông Vỹ đã vươn lên trở thành hộ khá với tổng thu nhập mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho mình, ông còn tích cực tham gia các hoạt động của làng, xã; giúp đỡ các thanh niên, nông dân khác có nhu cầu chăn nuôi dê về kỹ thuật, con giống.

CHƯƠNG HIẾU

 

Nhiều rủi ro, người chăn nuôi lợn e dè tái đàn

 

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Hiện đang là thời điểm các hộ chăn nuôi lợn "rục rịch" tái đàn để phục vụ nhu cầu thực phẩm vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá lợn hơi liên tục giảm, cùng với tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp đã khiến không ít người chăn nuôi có tâm lý e ngại.

Ông Trần Bá Đề (thôn 1, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, từ đầu năm đến nay, gia đình ông luôn trong tình trạng thấp thỏm, lo lắng vì giá lợn hơi tăng, giảm thất thường. Đầu tháng 8/2023, giá lợn hơi dao động từ 57.000 - 60.000 đồng/kg. Thế nhưng từ cuối tháng 9 đến nay, giá lợn hơi bất ngờ giảm mạnh xuống còn 49.000 - 50.000 đồng/kg, khiến gia đình ông không còn mặn mà với việc tái đàn. Trước đây, gia đình ông luôn duy trì số lợn trong chuồng khoảng 80 - 100 con, nhưng hiện nay gia đình chỉ dám nuôi 50 con cả lợn thịt và lợn nái. Ông Đề chia sẻ: “Tuy không tốn nhiều chi phí cho việc mua con giống, nhưng chi phí cám và vắc xin vẫn đang ở mức cao, trong khi giá lợn hơi xuất ra thị trường bấp bênh nên gia đình tôi không dám mạo hiểm đầu tư nhiều”.

 

 

Nhiều hộ dân không muốn tái đàn, bỏ trống chuồng trại vì chăn nuôi thua lỗ.

Trong khi đó, trang trại của bà Nguyễn Thị Tuyết (thôn 5, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) hiện đang nuôi 260 con lợn thịt và 40 con lợn nái. Mặc dù gia đình bà luôn chủ động được nguồn con giống, nhưng cũng không tránh khỏi khó khăn. Theo bà Tuyết, giá cám và các loại thức ăn chăn nuôi đã giảm, nhưng mức giá vẫn khá cao, tầm 300.000 - 550.000 đồng/bao 25 kg (tùy loại cám), trong khi hiện nay giá lợn hơi lại xuống dốc, người chăn nuôi sẽ phải chịu lỗ từ 400.000 - 600.000 đồng/con, nên rất khó lấy lại vốn.

Trong khi đó, bà Võ Thị Mỹ Dung (một chủ hộ chăn nuôi heo ở xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) dù đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn để tái đàn, nhưng những ngày gần đây, giá lợn hơi liên tục giảm (có những ngày giảm 1.000 đồng/kg), khiến bà rất lo ngại. “Sau gần một năm giá liên tục ở mức thấp, đến tháng 8 vừa qua, giá lợn hơi mới nhích lên được 59.000 đồng/kg, song hiện lại đang có chiều hướng giảm. Vì vậy, hiện tại gia đình tôi chỉ nuôi 45 con, vừa nuôi vừa thăm dò thị trường chứ chưa dám mạo hiểm tăng đàn. Tại địa phương, một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã phải bỏ trống chuồng trại, không chăn nuôi nữa”, bà Dung cho hay.

Bên cạnh lo ngại về chi phí tăng, giá bán giảm, người chăn nuôi còn phải đối mặt với những rủi ro do dịch tả lợn châu Phi gây ra. Cùng với đó, vào thời điểm cuối năm, thời tiết diễn biến phức tạp, sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, dễ phát sinh và lây lan dịch bệnh cũng là rủi ro hiện hữu đối với người chăn nuôi. Anh Hoàng Dương (thôn 3, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) chia sẻ, gia đình anh đang chuẩn bị vệ sinh chuồng trại để tái đàn, phục vụ thị trường cuối năm. Như mọi năm, vào thời điểm này, gia đình anh sẽ nuôi từ 100 - 150 con/lứa, nhưng năm nay do sợ thua lỗ, không lấy lại được vốn nên gia đình chỉ dám nuôi 70 - 80 con lợn thịt với hy vọng cuối năm giá sẽ tăng, bởi với giá như hiện nay thì không có lãi, thậm chí còn lỗ.

Theo bà Lê Thanh Hà, cán bộ thú y xã Phú Xuân (huyện Krông Năng), hiện nay thời tiết đang vào giai đoạn chuyển mùa, người chăn nuôi cần đầu tư chuồng trại, chủ động giữ ấm cho đàn vật nuôi; tập trung tăng cường biện pháp khử khuẩn, phòng, chống dịch bệnh; tuân thủ lịch tiêm phòng các loại vắc xin trên đàn vật nuôi như: dịch tả lợn, tụ huyết trùng, lở mồm long móng... theo khuyến cáo của ngành chuyên môn nhằm tránh rủi ro, không bị thiệt hại kép do giá thấp và dịch bệnh bùng phát. Các trang trại, hộ chăn nuôi lợn cũng cần theo dõi sát thị trường để có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, không nên giảm đàn ồ ạt, nhất là đàn lợn nái, khiến nguồn cung con giống bị đứt gãy, khi thị trường phục hồi sẽ không đủ lợn giống để bổ sung, tái đàn.

Ngọc Thùy

 

Thái Nguyên: 116 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận VietGAP

 

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Hiện nay, Thái Nguyên có 116 trang trại, cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; 42 cơ sở được chứng nhận chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

 

 

Hợp tác xã Chăn nuôi xanh (phường Lương Sơn, TP. Sông Công) đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để thực hiện thành công mô hình chăn nuôi theo quy trình VietGAP và an toàn dịch bệnh, các cơ sở này đã đáp ứng yêu cầu về điều kiện sản xuất, quy mô, điều kiện chuồng trại, con giống và nguồn gốc con giống, thức ăn và sử dụng thức ăn, quản lý đầu vào thuốc và hóa chất, quy trình phòng, trị bệnh, an toàn vệ sinh thú y...

Ngoài ra, tỉnh đã hình thành và duy trì hoạt động 22 chuỗi liên kết sản xuất trong chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời thực hiện công tác quản lý chất lượng và điều kiện sản xuất con giống, hỗ trợ xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh tại các cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm (gồm 118 cơ sở sản xuất giống gia cầm, 50 cơ sở sản xuất giống lợn); hỗ trợ tinh lợn góp phần cung cấp con giống đảm bảo nâng cao chất lượng, tăng năng suất, giá trị kinh tế.

Đây cũng chính là những điều kiện cần và đủ để ngành Chăn nuôi của tỉnh phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại nguồn thu nhập cao cho người chăn nuôi.

Tùng Lâm

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop