Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 12 tháng 7 năm 2024

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 12 tháng 7 năm 2024

 

Cây mãng cầu gai phát triển mạnh ở vùng đất trũng phèn Ngã Năm

 

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng

Cây mãng cầu gai gốc ghép bình bát là một trong những loại cây trồng chính trên địa bàn thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), bởi mãng cầu thích hợp với điều kiện tự nhiên của vùng đất trũng phèn. Nhờ hiệu quả kinh tế do cây mãng cầu gai đem lại mà đời sống của hầu hết hộ dân đã vươn lên khá, giàu bền vững.

 

 

Tại thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), nhiều hộ dân ăn nên làm ra nhờ trồng cây mãng cầu gai gốc ghép bình bát. Ảnh: THÚY LIỄU

Sóc Trăng có hơn 340ha mãng cầu gai, được trồng nhiều tại các huyện như: Kế Sách, Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Châu Thành và thị xã Ngã Năm, trong đó thị xã Ngã Năm là địa phương có diện tích trồng mãng cầu gai lớn nhất, với 248ha. So với các loại cây trồng khác thì mãng cầu gai dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, đặc biệt là cây mãng cầu gai gốc ghép bình bát thích ứng tốt với vùng đất trũng phèn, năng suất cao.

Mãng cầu gai được trồng tập trung phần lớn tại xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm. Ghé nhà ông Lê Bảo Xiêng, ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, chúng tôi được ông Xiêng dẫn ra tham quan khu vườn mãng cầu đang cho trái, từng trái đều được bao lưới. Ông Bảo Xiêng tâm sự: "Trước đây, tôi trồng tre, trúc, tràm... Mấy cây đó trồng 4 năm mới bán được mà giá trị kinh tế không đáng kể, với diện tích trồng gần 1ha nhưng chỉ có thu nhập 15 - 20 triệu đồng/4 năm nên đời sống kinh tế gia đình lúc đó rất khó khăn, phải xoay xở tiền mua gạo hằng tháng. Tuy nhiên, đời sống gia đình tôi sung túc hơn kể từ khi trồng và thu nhập từ mãng cầu gai".

Ông Bảo Xiêng nhớ lại: "Năm 2012, tôi bắt đầu dọn bỏ khu vườn cây tạp để trồng cây mãng cầu gai, phải mất thời gian gần 2 năm thì việc xuống giống mãng cầu trên diện tích đất gần 1ha mới hoàn thành. Do là mãng cầu gốc ghép bình bát nên tôi chỉ việc đi tìm cây bình bát dại ngoài tự nhiên về trồng, đợi cây cao khoảng 1 mét thì tiến hành ghép chồi mãng cầu gai vào cây bình bát và chăm sóc cây như bình thường. Sau 3 năm trồng kể luôn thời gian ghép cây thì mãng cầu bắt đầu cho trái. Giai đoạn đầu, cây còn nhỏ, năng suất chưa cao, đến năm thứ 5 thì năng suất trái ổn định. Hiện tại, với diện tích vườn gần 1ha, sản lượng trái thu về hơn 40 tấn/năm, giá bán dao động từ 22.000 - 58.000 đồng/kg, có thời điểm giá lên đến hơn 100.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 900 triệu đồng/năm".

Ngoài ra, ông Xiêng còn dùng trái chế biến trà mãng cầu và mứt mãng cầu. Trà mãng cầu cung ứng ra thị trường từ 100kg/tháng; mứt xuất bán tầm 10 - 30kg/tháng, trà và mứt mãng cầu bán cho khách hàng trên địa bàn tỉnh và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Sản phẩm trà mãng cầu do ông Bảo Xiêng sản xuất đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Sóc Trăng năm 2023.

Là hộ có đời sống rất khó khăn, nhưng khi trồng cây mãng cầu gia đình ông Phạm Hữu Huynh, ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới vươn lên khá giàu. Ông Hữu Huynh bộc bạch: "Tôi là một trong số các hộ dân trồng cây mãng cầu gai gốc ghép bình bát đầu tiên tại ấp. Tính đến nay, tôi đã trồng mãng cầu 30 năm. Thời điểm trước, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, phải chạy ăn từng bữa. Mặc dù có đất nhưng canh tác không hiệu quả do đất trũng phèn nên tôi cứ bỏ đất trống, cây dại mọc đầy. Khi thấy có người hàng xóm trồng mãng cầu ghép bình bát cây lớn nhanh, cho trái quanh năm và thị trường tiêu thụ tốt, tôi đã học theo cách trồng này. Cây mãng cầu gai mặc dù đã 30 năm tuổi vẫn phát triển và cho trái tốt. Do ghép trên gốc bình bát nên mãng cầu cho trái quanh năm, thu hoạch từ 10 - 20 lần/tháng. Tổng sản lượng hơn 25 tấn trái/ha/năm, trừ hết chi phí lợi nhuận hơn 400 triệu đồng".

Theo lời ông Hữu Huynh, giống như nhiều loại cây ăn trái khác, mãng cầu gai thường xuyên bị ruồi vàng đục trái, gây hư hại cho trái. Do đó, khi trái mãng cầu to bằng trái cam sành sẽ bắt đầu bao trái. Việc bao trái ngoài tránh sâu hại tấn công, còn góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông Huynh dự định sẽ mở rộng thêm diện tích trồng mãng cầu gai để nâng cao thu nhập cho gia đình.

“Hợp tác xã Mãng cầu gai được thành lập vào năm 2016, diện tích 14ha, có 29 thành viên tham gia, sản lượng trái thu về hơn 50 tấn/năm. Toàn bộ diện tích hợp tác xã đã đạt chứng nhận VietGAP và sản xuất theo quy trình VietGAP kể từ khi thành lập hợp tác xã cho đến nay. Thành quả lớn nhất của hợp tác xã trồng mãng cầu gai là đời sống thành viên thay đổi theo từng năm. Nếu như trước đây hầu hết thành viên đều khó khăn thì nay đã vươn lên khá, giàu, bởi có nguồn thu nhập ổn định từ mãng cầu. Hướng tới, hợp tác xã sẽ kết nạp thêm thành viên mới để nâng diện tích mãng cầu trong hợp tác xã, cùng với đó, sẽ tìm các công ty, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch, để hợp tác xã tiêu thụ trái mãng cầu thuận lợi hơn nữa, giá bán ổn định hơn”, ông Lê Văn Vui - Giám đốc Hợp tác xã Mãng cầu gia, xã Vĩnh Quới thông tin.

Đồng chí Lưu Tấn Hòa - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã Ngã Năm cho biết: “Cây mãng cầu gai gốc ghép bình bát dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư không nhiều, chủ yếu là hộ dân tự tạo giống cây để trồng trong vườn nhà. Diện tích mãng cầu gai toàn thị xã là 248ha/130 hộ trồng. Mãng cầu gai được trồng tập trung chủ yếu tại xã Vĩnh Quới, với diện tích khoảng 240ha, tại đây có 2 hợp tác xã trồng mãng cầu gai. Nhiều hộ trong hợp tác xã đã sản xuất trà mãng cầu, mứt mãng cầu, sản phẩm rất được thị trường ưa chuộng. Để hỗ trợ cho hộ dân và các hợp tác xã trồng mãng cầu gai phát triển bền vững, đơn vị sẽ tăng cường chuyển giao các ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng mãng cầu; hướng dẫn hộ dân canh tác mãng cầu theo quy trình VietGAP, hướng hữu cơ; tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ thay thế phân bón hóa học, kéo giảm chi phí đầu tư mùa vụ, đảm bảo sản phẩm cung ứng trên thị trường an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, đơn vị sẽ phối hợp địa phương tuyên truyền, vận động hộ dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng mãng cầu gai gốc ghép bình bát để nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện đời sống tốt hơn…”.

THÚY LIỄU

 

Ứng dụng công nghệ cao trên cây sầu riêng

 

Nguồn tin: Báo Long An

Những năm gần đây, sầu riêng là loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao được người dân tại các huyện thuộc khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An như Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng,... lựa chọn để trồng. Trong đó, nhiều hộ mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trên cây sầu riêng với mục tiêu đưa những trái sầu riêng xuất ngoại.

 

 

Anh Hoàng Văn Lập ứng dụng máy bay điều khiển từ xa để phun thuốc, rải phân bón cho sầu riêng

Gia đình anh Hoàng Thanh Lập (ấp Cây Sao, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh) vừa thu hoạch xong vườn sầu riêng 0,6ha. Anh Lập cho biết, gia đình anh trồng sầu riêng từ năm 2017. Hiện tại, vườn sầu riêng của anh có 120 gốc, đã cho trái 3 vụ, lợi nhuận trung bình 300-400 triệu đồng/vụ.

Theo anh Lập, gia đình anh chỉ trồng sầu riêng mà không trồng xen các loại cây ngắn ngày khác để thuận lợi trong áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác. Hệ thống tưới phân bón, bơm thuốc đều được lắp đặt dưới sự hỗ trợ, tư vấn của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp. Ngoài tưới gốc, gia đình anh còn lắp hệ thống tưới cao, cây được phun tưới từ trên đọt xuống tận dưới gốc nhằm hạn chế một số sinh vật gây hại”.

Bên cạnh đó, để tránh ảnh hưởng đến bộ rễ và giảm việc cây ngã, vườn sầu riêng của anh áp dụng kỹ thuật hạ tán, bấm đọt ngay từ năm thứ 3. Vì vậy, cây trong vườn có tán thấp, cành ngang nhiều, thuận lợi cho việc thu hoạch cũng như chăm sóc. Không chỉ vậy, anh còn ủ phân hữu cơ ngay tại vườn để bón cho cây sầu riêng.

Hiện tại, vườn sầu riêng của gia đình anh Lập tham gia xây dựng mã số vùng trồng. Anh được ngành Nông nghiệp huyện hỗ trợ kỹ thuật, thủ tục để có vườn sầu riêng đúng tiêu chuẩn quy định, những trái sầu riêng có thể tham gia chuỗi liên kết xuất khẩu. Anh Lập tâm sự, khi tham gia xuất khẩu, giá sầu riêng được bảo đảm, nông dân có thu nhập tốt từ chính mảnh vườn của mình. Anh cũng xác định, phải chăm cây đúng kỹ thuật, tuân thủ quy định của đơn vị hợp tác để trái sầu riêng không vi phạm tiêu chuẩn.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập - Trần Minh Nghĩa cho biết: “Anh Hoàng Thanh Lập là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương. Vườn sầu riêng của anh đạt chất lượng tốt, ứng dụng nhiều kỹ thuật canh tác hiện đại, đang tham gia xây dựng mã vùng trồng khu vực ấp Cây Sao. Đây là hướng đi hiệu quả cho người trồng sầu riêng tại xã Tân Lập nói riêng, huyện Tân Thạnh nói chung, giúp trái sầu riêng của địa phương tiến ra thị trường thế giới”.

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Thạnh, toàn huyện hiện có hơn 570ha sầu riêng. Trong đó, có hơn 120ha ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Từng tham quan mô hình trồng sầu riêng nhà anh Hoàng Thanh Lập, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, đây là mô hình tiên tiến, bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc, quy trình sản xuất sạch và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, nông dân có thể học tập, nhân rộng nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận./.

Bùi Tùng

 

Sống khỏe nhờ trồng thanh trà ngọt ra trái nghịch vụ

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Trồng 500 gốc thanh trà ngọt xử lý cho trái nghịch vụ, lão nông Huỳnh Văn Cập (59 tuổi, ngụ xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

 

 

Ông Cập cùng giống thanh trà ngọt được ông xử lý cho trái ra nghịch vụ thành công.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn thanh trà ngọt được trồng ngay hàng thẳng lối đẹp mắt. Khu vườn rộng 2ha, trồng 500 gốc thanh trà ngọt của ông Cập là nơi đầu tiên được nghiên cứu xử lý cho trái nghịch vụ thành công. Ông Cập kể, cây thanh trà vốn có nguồn gốc ở vùng núi ở Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Khoảng 70-80 năm trước, loại cây này được người dân địa phương đem về trồng và trở thành trái cây đặc trưng của vùng đất này. Nhưng do người trồng nhiều, cạnh tranh giá cả nên lợi nhuận thường không cao. Trăn trở điều đó, năm 2011, ông quyết tâm săn lùng giống thanh trà ngọt ở tất cả các vườn tại thị xã Bình Minh, may mắn phát hiện được một giống thanh trà ngọt sai trĩu trái, vụ nào cũng cho trái đều đặn. "Lần mò tìm được một số giống thanh trà ngọt ở các hộ trồng lâu năm. Tôi đem ít giống về trồng thử nghiệm. Sau 3 năm trồng, thấy trái thanh trà có vị ngọt tương đương xoài cát Hòa Lộc, trái to, hạt nhỏ… Thấy tiềm năng lớn từ loại cây này, tôi quyết định đốn hết cây thanh trà chua đang trồng trên diện tích hơn 1ha để xen giống mới vào trồng", ông Cập nói.

Sau khi nhân giống thành công, ông bắt đầu chia sẻ với người dân trong vùng trồng, đồng thời đăng ký độc quyền và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long chứng nhận vườn cây đầu dòng và cây giống thanh trà ngọt đầu dòng với sản lượng 90.000 cây giống/năm. Loại cây này phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và đó là điều làm khó nhà vườn. Do đó, hơn 10 năm qua, ông Cập đã cố gắng tìm các kỹ thuật để cây ra hoa, đậu trái theo ý muốn của người trồng. Để "khắc chế" thời tiết, xử lý thanh trà ra trái nghịch vụ và hướng đến cây không bỏ vụ, ông quyết định cùng các thầy cô giáo của Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu phương pháp để loại cây đặc sản của xứ Bình Minh ra trái đúng theo ý của người trồng và đến đầu năm 2024 mới đạt được những kết quả khả quan. Cây 13 năm tuổi trong vườn cho khoảng 70kg trái, cây nhỏ hơn thì 40kg trái. "Mùa thuận của thanh trà là từ sau Tết Nguyên đán và kéo dài đến hết tháng 2 âm lịch. Tuy nhiên, nếu thời tiết không thuận lợi sản lượng thanh trà giảm rất mạnh. Lâu nay, nhà vườn trồng thanh trà theo lối quảng canh, không đầu tư phân thuốc, chủ yếu ra hoa, đậu trái tự nhiên nên phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Năm nào thời tiết thuận lợi thì cây cho trái nhiều, trúng mùa, còn năm nào trời lạnh muộn thì cây không ra hoa coi như thất thu. Hơn một năm qua, tôi đã thử nghiệm 4 đợt, mỗi đợt 8 gốc thanh trà. Hai đợt đầu tỷ lệ đậu trái gần gấp đôi so với để tự nhiên, 2 đợt sau tỷ lệ ra hoa cũng khá tốt", ông Cập cho biết.

Để cây thanh trà ngọt ra hoa, đậu trái nghịch vụ cần rất nhiều yếu tố, kỹ thuật khá phức tạp. Đầu tiên phải bón phân cho cây ra lá mới, sau đó tưới thuốc tạo mầm, rồi xiết nước… Sau khi cây ra hoa thì bón phân, phun thuốc theo định kỳ… Cây thanh trà ngọt mùa thuận có giá hơn 120.000 đồng/kg, nhưng trái vụ nghịch đến 160.000 đồng/kg. Hiện với 500 gốc thanh trà, mỗi năm ông Cập thu hoạch hơn 3 tấn trái. Với giá bán từ 120.000 đồng/kg, ông thu về trên 300 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí đầu tư. Theo ông Cập, nếu các đợt thử nghiệm tiếp theo cho sản lượng và chất lượng trái cao thì sang năm 2025, ông dự định sẽ áp dụng các kỹ thuật này cho toàn vườn và điều chỉnh sớm hơn để cây thanh trà có trái chín ngay đợt Tết, bán được giá tốt. Đồng thời, ông cũng sẽ nhân rộng, chia sẻ phương pháp này cho bà con có nhu cầu để các hộ trồng thanh trà không còn bị động trước thời tiết.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

 

Mưa dông gây thiệt hại hơn 100 tấn sầu riêng sắp thu hoạch

 

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, trận mưa lớn kèm theo dông, lốc bất ngờ xảy ra vào chiều 6/7 trên địa bàn huyện đã gây thiệt hại nặng nề cho người trồng sầu riêng.

Theo kết quả kiểm tra ban đầu, diện tích sầu riêng bị dông, lốc, làm gẫy, đổ, rụng quả xảy ra trên diện khá rộng, ảnh hưởng lớn đến năng suất và sản lượng.

 

 

Mưa dông, lốc khiến nhiều cây sầu riêng trên địa bàn xã Ea Tar bị bật gốc.

Trong đó, xã Ea Tar bị ảnh hưởng nhiều nhất, với khoảng 200 hộ có diện tích sầu riêng bị thiệt hại và hơn 100 tấn sầu riêng sắp đến kỳ thu hoạch bị hư hỏng. Ngoài ra, còn có một số hộ bị hư hỏng nhà cửa và các loại cây trồng khác.

Hiện Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã cùng với chính quyền địa phương tổ chức lực lượng xuống hỗ trợ những gia đình bị hư hỏng nhà cửa và dọn dẹp vệ sinh vườn cây, thu gom những quả bị hư hỏng…

Đồng thời, hướng dẫn cho bà con các thôn thống kê, lập danh sách những hộ bị thiệt hại để huyện báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nhằm xem xét giải pháp hỗ trợ cho người dân ổn định sản xuất.

Minh Thuận

 

Ninh Thuận: Liên kết sản xuất giúp nông dân Bác Ái nâng cao thu nhập từ trồng mía

 

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Những năm qua, Công ty Cổ phần (CP) Đường Biên Hòa - Phan Rang đã thực hiện chặt chẽ việc liên kết với người dân trên địa bàn huyện Bác Ái (Ninh Thuận) xây dựng ổn định vùng nguyên liệu mía, ký kết thu mua. Đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ thiết thực giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.

Xã Phước Chính là địa phương có diện tích trồng mía nhiều nhất trên địa bàn huyện Bác Ái, với trên 60ha. Để nông dân yên tâm trồng mía, ổn định nguồn nguyên liệu cung ứng cho nhà máy, Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang triển khai hàng loạt các chính sách gia tăng năng suất mía, nhất là chú trọng nghiên cứu, chuyển giao các giải pháp kỹ thuật canh tác mới, phù hợp; đưa máy móc thiết bị hiện đại như Drone, máy kéo có Autotrack-GPS phục vụ đồng bộ quá trình canh tác từ khâu trồng, chăm sóc đến khi thu hoạch...

Đây là năm thứ 11 gia đình ông Chamaléa Tuyển ở thôn Núi Rây, xã Phước Chính liên kết sản xuất mía đường với Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang với diện tích 2ha. Cũng như nhiều hộ dân trên địa bàn xã, từ ngày chuyển sang trồng mía đã giúp kinh tế gia đình ông Tuyển ngày càng phát triển. Ông Tuyển cho biết: Năm 2013, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình tôi đã chuyển từ cây bắp, đậu sang trồng mía. Nhờ chuyển đổi cây trồng đúng hướng đã giúp kinh tế của gia đình ngày càng ổn định hơn. Việc liên kết với công ty giúp người dân yên tâm về đầu ra và giá cả. Vụ mía 2022-2023 sau khi trừ chi phí gia đình tôi thu lãi trên 65 triệu đồng. Hiện nay gia đình đang tập trung chăm sóc 2ha mía tơ được gần 6 tháng tuổi với kỳ vọng một vụ mùa đạt năng suất.

 

 

Nông dân huyện Bác Ái chăm sóc vụ mía 2023-2024.

Cũng như gia đình ông Tuyển, những năm qua nhờ liên kết với Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang đã giúp kinh tế gia đình ông Ka Dá Bổng ở thôn Núi Rây ngày càng phát triển. Ông Bổng, phấn khởi: Gia đình tôi hiện có 1,6ha đất sản xuất mía đang liên kết với công ty, nhờ được hưởng lợi từ nguồn nước của hồ Sông Sắt giúp cây mía phát triển tốt. Những năm qua, với sự hỗ trợ của công ty đã góp phần giảm đáng kể chi phí sản xuất, đặc biệt giai đoạn ngay từ đầu vụ, gia đình đã được công ty hỗ trợ máy để cày ngầm, đào rãnh theo nước, vun gốc và kết hợp sử dụng gel giữ ẩm để tăng khả năng chống hạn cho đất. Bên cạnh đó, nhờ thực hiện cơ giới hóa vào công đoạn sản xuất đã giúp tiết kiệm đáng kể sức lao động, giảm chi phí đầu tư và chủ động được thời vụ trồng mới, nhờ đó giúp mối liên kết giữa người nông dân và công ty ngày càng vững chắc, tạo niềm tin và sự gắn bó trong quá trình sản xuất.

Hiện nay, vùng nguyên liệu mía của Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang tại huyện Bác Ái tập trung tại các xã: Phước Chính, Phước Tiến, Phước Thắng, Phước Tân, Phước Đại, Phước Thành... với diện tích trên 120ha. Việc phát triển cây mía trên địa bàn huyện được chính quyền các địa phương ủng hộ và người trồng mía đồng thuận nên diện tích ngày càng được mở rộng, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Để phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía, vụ mía 2023-2024, Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang tiếp tục có những chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, thông qua các khoản hỗ trợ ưu đãi về chi phí làm đất, bón vôi, làm cỏ, bón phân, tưới mía với mức 5,8 triệu đồng/ha; phân hữu cơ, mía giống, phân NPK, thuốc, chế phẩm 37,7 triệu đồng/ha; hỗ trợ tưới cho mía tơ 2 triệu đồng/ha, mía gốc 1 triệu đồng/ha, tưới bổ sung ứng phó hạn 1 triệu đồng/ha; hỗ trợ chuyển đổi từ mì qua mía 1 triệu đồng/ha, keo qua mía 5 triệu đồng/ha... Ngoài các khoản hỗ trợ trên, công ty còn áp dụng hình thức bảo hiểm giá mua mía tối thiểu trong 3 vụ liên tiếp 1 triệu đồng/tấn 10 chữ đường trên xe tại ruộng; đồng thời, 100% nông hộ ký kết hợp đồng liên kết sẽ được bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch.

Ông Nguyễn Minh Hiền, Trưởng Trạm Nông vụ số 3 thuộc Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang, cho biết: Với mục tiêu đề ra là tăng lợi nhuận cho nông dân và đáp ứng đủ sản lượng mía ép cho công ty, các chính sách hỗ trợ sẽ liên tục được duy trì và mở rộng cho những vụ mía sau. Để thực hiện điều này, chúng tôi luôn đồng hành, chia sẻ, hướng dẫn bà con áp dụng đúng quy trình canh tác, quản lý tốt đồng ruộng; chú trọng công tác phối hợp chặt chẽ với các địa phương trồng mía, tiếp thu ý kiến của nông dân, xây dựng lịch thu hoạch, vận chuyển công bằng, hợp lý. Đồng thời, tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ thiết thực giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.

Kha Hân

 

Ninh Thuận: Lâm Sơn vào mùa du lịch vườn trái cây

 

Nguồn tin:  Báo Ninh Thuận

Nằm dưới chân đèo Ngoạn Mục, tiếp giáp với tỉnh Lâm Đồng, xã Lâm Sơn (Ninh Sơn, Ninh Thuận) được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu dịu mát. Lợi thế này đã giúp người dân địa phương trồng được nhiều loại cây ăn quả như: Chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, bưởi, mít,... Cứ khoảng đầu tháng 7 hằng năm, trái cây ở đây bắt đầu vào chính vụ, cũng là thời điểm các nhà vườn mở cửa đón du khách tham quan.

Những ngày này, các nhà vườn cây ăn trái dưới chân đèo Ngoạn Mục cũng luôn tấp nập du khách ra vào tham quan. Với giá vé tại các điểm du lịch vườn 30.000 đồng/người, du khách sẽ được hòa mình vào những bóng mát vườn cây vui chơi và trải nghiệm “hái tận tay, ăn ngay tại chỗ” những loại trái cây tươi, ngon thỏa thích. Ông Nguyễn Ngọc Thanh, thôn Lâm Bình, chủ vườn trái cây Xuân Hùng có diện tích gần 2ha đang hướng dẫn khách du lịch cách trồng và chăm sóc vườn cây nhà mình cho biết: Vùng cây ăn trái này được hình thành cách đây hơn 30 năm, hiện tại vườn có những gốc cây sầu riêng cổ thụ cho trái ổn định và có đủ loại trái cây chín như chôm chôm, măng cụt, mít, bưởi da xanh để phục vụ du khách. Năm nay, sản lượng trái cây của gia đình giảm 30% so với mọi năm vì nắng hạn, nhưng bù lại các loại trái cây theo thị trường có giá ổn định nên vẫn đem về nguồn thu nhập khá cho gia đình. Trong đó, sầu riêng có giá từ 40.000-70.000 đồng/kg, măng cụt từ 35.000-50.000 đồng/kg, chôm chôm 15.000-25.000 đồng/kg. Đặc biệt, trái cây Lâm Sơn đã được Chỉ dẫn địa lý, có thương hiệu đã giúp người dân yên tâm phát triển cây trồng. Từ đó, chúng tôi luôn chú trọng khâu chăm sóc vườn để tạo ra những sản phẩm trái cây chất lượng, an toàn cho sức khỏe. Riêng sầu riêng chỉ thu hoạch khi quả chín tự rụng nên chất lượng và hương vị được du khách ưa chuộng và luôn trong tình trạng “cháy hàng”.

 

 

Du khách thích thú khi được trải nghiệm tại vườn trái cây.

Đang thỏa thích ghi lại khoảnh khắc bên vườn chôm chôm chín đỏ, chị Trần Thị Bích Hồng, du khách đến từ Tp. Đà Lạt (Lâm Đồng), cho biết: Đây là lần đầu tiên cả gia đình đến Ninh Thuận du lịch và trên đường đi điểm đầu tiên chúng tôi dừng chân là trải nghiệm tham quan vườn trái cây này. Tôi rất ấn tượng khi nơi đây không khí trong lành và xanh mát, có các loại cây ăn quả như tưởng chỉ ở miền Tây Nam Bộ mới có. Đặc biệt các loại trái cây ở đây thơm ngon, ngọt và giá cả cũng rất phải chăng. Trong đó chôm chôm, măng cụt có vị ngọt thanh, pha chút chua nhẹ; sầu riêng có vị thơm, béo, không quá nồng, ăn rất khác so với trái cây được trồng ở những nơi mà tôi đã từng thử qua.

Hiện toàn xã Lâm Sơn có khoảng 30 hộ dân trồng chuyên canh cây ăn quả và kết hợp làm du lịch vườn. Để mang đến sự trải nghiệm hoàn hảo cho du khách, nhiều chủ vườn đã cải tạo vườn, tạo cảnh quan sinh thái để du khách có được nhiều trải nghiệm hơn khi đến tham quan. Bà Đặng Thị Mỹ Lai, thôn Lâm Bình, chủ vườn trái cây Quang Lai có diện tích hơn 2ha cho biết: Để du khách hài lòng hơn khi đến tham quan vườn, gia đình tôi đã cải tạo các bể nước sinh thái cho vườn thêm sinh động, làm các chòi nghỉ mát trong vườn, xây hồ bơi cho khách có nhu cầu muốn trải nghiệm bơi lội. Nếu khách có nhu cầu ăn uống thì gia đình sẽ chế biến món ăn theo yêu cầu và đặt bàn cho du khách tại vườn. Thời điểm này, trái cây đã bắt đầu vào chính vụ, mỗi ngày vườn thu hút rất đông du khách đến tham quan, đặc biệt là dịp cuối tuần, vườn tiếp đón từ 300-400 lượt khách/ngày.

Đồng chí Trương Thị Thảo Duyên, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 500ha trồng các loại cây ăn quả như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, bưởi da xanh, mít... Thời gian trước, trái cây thường được các chủ vườn bán cho thương lái, nhưng hiện nay nhiều nhà vườn đã tập trung phát triển mô hình du lịch tham quan vườn, nên trái cây chủ yếu để phục vụ du khách ngay tại vườn. Để phát triển các vườn cây ăn trái, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền người dân cải tạo đất vườn, đồng thời tìm kiếm các nguồn giống mới để đa dạng hóa các loại cây trồng, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp để phát triển du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, vận động các hộ dân hiến đất và đã mở rộng các tuyến đường vào vườn trái cây ở các thôn: Lâm Hòa, Lâm Bình, Lâm Quý và khu vực phía Nam thác Sakai để du khách di chuyển thuận lợi.

Với khí hậu mát mẻ, cây trái xum xuê, vùng đất xã Lâm Sơn mời gọi du khách đến với mùa du lịch trái cây năm 2024. Hương vị quả ngọt cùng sự hiếu khách của người dân sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.

Kim Thùy

 

Lợi ích kép từ mô hình nuôi sâu canxi

 

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Nuôi sâu canxi giúp tận dụng nguồn phế phẩm nông nghiệp, xử lý phân chuồng hiệu quả, chống ô nhiễm môi trường và tạo thành ấu trùng sâu làm nguồn thức ăn nhiều dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm.

 

 

Gia đình anh Thèn Văn Trọng ở thôn Cốc Tủm 2, xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) là một trong những hộ tiên phong tham gia mô hình nuôi sâu canxi do Hội Nông dân xã triển khai.

Anh Trọng cho biết: Gia đình tôi nuôi gà, ngan. Trước đây, tôi tốn nhiều chi phí về thức ăn chăn nuôi. Tháng 8/2023, tôi được Hội Nông dân xã hỗ trợ giống, khay nuôi và tập huấn kỹ thuật nuôi sâu canxi. Sau thời gian nuôi gà, ngan bằng sâu canxi, tôi thấy vật nuôi nhanh lớn, ít bệnh, lông mượt hơn, chất lượng thịt thơm, ngon hơn và giá bán gà, ngan cao hơn so với nuôi thông thường 20 - 30 nghìn đồng/kg. Chăn nuôi gia cầm bằng sâu canxi giúp giảm 50% lượng thức ăn công nghiệp, nhờ đó gia đình tiết kiệm hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Gia đình ông Tải Quang Lài ở thôn Cốc Tủm, xã Phong Niên cũng phát triển kinh tế với mô hình nuôi sâu canxi làm thức ăn cho gà đẻ trứng. Theo ông Lài, ưu điểm của mô hình là chi phí đầu tư thấp, dễ thích ứng, không mất nhiều công chăm sóc, lại tận dụng được chất thải trong nông nghiệp. Nguồn thức ăn của sâu là phân động vật, các loại rau, củ, quả bị hỏng. Loại sâu này rất giàu dinh dưỡng, giúp vật nuôi nhanh lớn, tăng sức đề kháng. “Gia đình tôi sử dụng sâu canxi trong nuôi gà đẻ trứng đem lại hiệu quả rõ nét: Gà đẻ liên tục, số lượng nhiều hơn, trứng to hơn, chất lượng tốt hơn, nếu để ấp nở thì đạt tỷ lệ 90%... Bên cạnh đó, phân sâu canxi bón cho vườn cây ăn quả rất tốt” - ông Lài nói.

Sâu canxi có khả năng tiêu hóa thành phần hữu cơ trong chất thải sinh hoạt, đặc biệt các loại rau, củ, quả bị hư hỏng... tạo nguồn thức ăn dinh dưỡng trong chăn nuôi, tạo thành chất mùn dinh dưỡng cho cây trồng. Từ năm 2023, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nuôi thí điểm ở 2 xã, đến nay mô hình đã được nhân rộng ra 9 xã thuộc 3 huyện: Bát Xát, Bảo Thắng, Bảo Yên, với 450 hộ tham gia. Các hộ nuôi sâu canxi được tập huấn kỹ thuật nuôi, quy trình nuôi, hỗ trợ con giống...

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nuôi sâu canxi vừa làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, giảm chi phí trong chăn nuôi, tăng lợi nhuận cho nông dân, vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường từ nguồn rác thải hữu cơ trong sinh hoạt chưa qua xử lý, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường. Chỉ từ 10 g trứng sâu ban đầu, sau 15 - 20 ngày nuôi cho thu hoạch khoảng 25 - 30 kg sâu thành phẩm. Trong sâu canxi có thành phần dinh dưỡng cao, là loại thức ăn giàu dinh dưỡng, phù hợp cho chăn nuôi các loại gia cầm, thủy sản, giúp vật nuôi no lâu, nhanh lớn, giảm khoảng 20% - 50% lượng thức ăn chính, cho chất lượng thịt thơm ngon, giá bán cao.

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Sâu canxi chính là ấu trùng của ruồi lính đen. Gọi là sâu canxi bởi đến giai đoạn sâu trưởng thành hoặc lột xác để trở thành ruồi lính đen thì vỏ kén của sâu để lại chứa rất nhiều canxi. Sản phẩm sâu trưởng thành dùng cho gia súc, gia cầm ăn để bổ sung nguồn dinh dưỡng, nhất là canxi nên rất tốt cho sự phát triển.

Nuôi sâu canxi cũng rất đơn giản, chỉ cần dùng hộp xốp hoặc xô, chậu, thùng nhựa làm chỗ trú ẩn cho sâu. Từ nguồn con giống, sau thời gian nuôi, ấu trùng sẽ sinh trưởng nhân đàn lên gấp nhiều lần. Thức ăn của sâu chính là chất thải của động vật (phân lợn, phân trâu, phân gà…), các phế phẩm rau xanh.

Ông Tô Mạnh Tiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động nông dân duy trì và mở rộng mô hình nuôi sâu canxi, áp dụng các phương pháp chuyển đổi chất thải. Có thể chuyển đổi chất thải trên đồng ruộng như rơm, rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải hữu cơ từ các hộ gia đình, kinh doanh, nhà hàng thành thức ăn nuôi sâu canxi, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Kim Thoa

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop