Củ sen Đồng Tháp lần đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Tháp
Lễ công bố xuất khẩu lô Sen sang thị trường Nhật Bản là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội Sen Đồng Tháp lần thứ II năm 2024. Buổi lễ tổ chức vào sáng ngày 07/5, tại huyện Tháp Mười, do Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt phối hợp với Hội Ngành hàng Sen Đồng Tháp tổ chức. Đến dự lễ có ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, lãnh đạo sở, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười.
Tháng 7/2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tháp Mười triển khai thí điểm mô hình trồng sen lấy củ, với diện tích 03 ha ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười. Bước đầu đã có những thành công nhất định, cung cấp nguồn nguyên liệu củ sen chất lượng cao đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.
Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt là đơn vị chuyên sản xuất thực phẩm từ sen, nhà máy đặt tại huyện Tháp Mười. Ông Nguyễn Xuân Thắng – Phó Chủ tịch Hội Ngành hàng Sen Đồng Tháp, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt cho biết, hiện thị trường Nhật Bản, Trung Quốc đang có nhu cầu về củ sen rất lớn, trong khi đó, tại Đồng Tháp và các tỉnh trong khu vực phần lớn diện tích là trồng sen lấy hạt.
Thị trường Nhật Bản được đánh giá là khó tính, các tiêu chuẩn rất khắt khe. Qua nhiều lần đàm phán và gửi mẫu, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt đã ký kết được đơn hàng xuất khẩu củ sen đông lạnh sang Nhật Bản theo công nghệ IQF. Cùng với lô hàng xuất khẩu tại buổi lễ công bố (khoảng 15 tấn, trị giá gần 01 tỷ đồng), dự kiến trong năm 2024 này, Công ty sẽ xuất khẩu thêm cho đối tác Nhật Bản khoảng 08 container, với giá trị đơn hàng gần 07 tỷ đồng. Nguồn nguyên liệu được thu mua từ Đồng Tháp và các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện Tháp Mười, Hội Ngành hàng Sen
Đồng Tháp, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt
thực hiện nghi thức chúc mừng container đầu tiên
Ông Đoàn Thanh Bình – Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tháp Mười cho rằng, xuất khẩu lô hàng sen lần này đã ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Đồng Tháp trong việc triển khai các hoạt động sản xuất và kinh doanh xuất khẩu nông sản của địa phương, tạo điều kiện cho Sen Đồng Tháp thâm nhập vào các thị trường khó tính khác trên thế giới.
Đây là niềm phấn khởi và tự hào của người dân trồng sen Đồng Tháp nói chung, huyện Tháp Mười nói riêng – ông Đoàn Thanh Bình nhấn mạnh, song để phát triển bền vững ngành hàng sen trong thời gian tới, ngoài sự hỗ trợ từ các Bộ, ngành Trung ương, thì rất mong nhận được sự ủng hộ, đồng thuận từ các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt là các hộ nông dân trồng sen cần duy trì sản xuất sen đảm bảo chất lượng; liên kết bền vững với các doanh nghiệp xuất khẩu, để từ kết quả hôm nay, sản lượng sen nói riêng và mặt hàng nông sản khác của địa phương sẽ được tiếp tục xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản một cách bền vững.
Tại buổi lễ, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt còn ký kết hợp tác với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Du lịch OCOP Non Sông Việt và hộ dân đang trồng củ sen tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười.
Nguyệt Ánh
Khẩn trương phòng, chống rệp sáp tấn công vườn cà phê
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT) tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời tiết diễn biến phức tạp thời gian qua (nắng nóng kéo dài, xuất hiện mưa cục bộ tại một số địa phương, biên độ nhiệt ngày đêm dao động khá lớn) khiến rệp sáp phát sinh và gây hại trên cây cà phê.
Qua điều tra, hiện nay rệp sáp đã phát sinh, gây hại tại một số vùng trọng điểm trồng cà phê, như: Ea H’leo, Cư M'gar, Krông Búk, Krông Pắc, Cư Kuin… với tỷ lệ nhiễm từ 5 - 30%; nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng cà phê niên vụ 2024 - 2025.
Tại xã Hòa Thành (huyện Krông Bông), hiện nay toàn bộ 1.500 ha cà phê trên địa bàn xã đã bị nhiễm rệp sáp, trong đó tỷ lệ nhiễm nặng chiếm khoảng 30%. Tình trạng rệp sáp bắt đầu xuất hiện từ thời điểm cây cà phê ra đợt hoa đầu tiên và kéo dài cho đến nay.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tùng (xã Hòa Thành, huyện Krông Bông) có 1 ha cà phê trồng từ năm 2015. Từ cuối năm 2023 (vào thời điểm cây cà phê ra hoa), vườn cây của gia đình ông bắt đầu xuất hiện tình trạng rệp sáp. Để hạn chế bệnh lây lan, ông đã dùng vòi nước để rửa trôi rệp sáp bám trên cây, sau đó kết hợp dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật dưới dạng phun và rải dưới gốc để phòng ngừa, nhưng không hiệu quả.
"Hiện, toàn bộ vườn cà phê của gia đình tôi đã bị rệp sáp tấn công, khiến nhiều cây cà phê bị vàng lá, khô quả và khô cành. Năm trước trên diện tích này, gia đình tôi thu được 2 tấn cà phê nhân nhưng với tình hình sâu bệnh như hiện nay, dự kiến mùa vụ tới, gia đình tôi sẽ thất thu”, ông Tùng than thở.
Vườn cà phê của gia đình ông Nguyễn Văn Tùng (xã Hòa Thành, huyện Krông Bông) bị nhiễm rệp sáp gây vàng lá, khô quả.
Tương tự, nhiều vườn cà phê của người dân trên địa bàn huyện Cư M’gar cũng bị rệp sáp gây hại, làm ảnh hưởng đến năng suất niên vụ sau. Anh Phạm Minh Nhật (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) cho biết, so với những năm trước thì năm nay, vườn cà phê bị nhiễm rệp sáp nhiều hơn. Gia đình anh có 3 ha cà phê đều đã bị nhiễm rệp sáp. Thời gian qua, anh thường xuyên túc trực trên rẫy để phát hiện sự xuất hiện, mật độ của rệp sáp và tiến hành phun thuốc để diệt trừ. “Đến nay tình hình rệp sáp cơ bản đã được gia đình kiểm soát. Tuy nhiên, việc cây trồng bị nhiễm rệp sáp ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây. Mùa thu hoạch năm nay, sản lượng cà phê của gia đình chắc sẽ bị sụt giảm khoảng 40 - 50% so với năm trước”, anh Nhật cho hay.
Để kịp thời phòng trừ rệp sáp có hiệu quả, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT) đã yêu cầu trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố chủ động nắm bắt diễn biến phát sinh, phát triển của rệp sáp; khẩn trương kiểm tra, đánh giá mức độ gây hại của rệp sáp trên cây cà phê tại địa bàn quản lý; tham mưu UBND huyện bố trí kinh phí tổ chức kịp thời các lớp tập huấn phòng trừ rệp sáp trên cây cà phê, trong đó ưu tiên tập huấn trước ở những vùng cà phê bị rệp sáp gây hại nặng.
Đồng thời, tổ chức hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp tránh để lây lan trên diện rộng như: vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ để hạn chế sự lây lan do kiến; cắt tỉa cành thông thoáng, loại bỏ các cành bị nhiễm rệp sáp sau đó thu gom và tiêu hủy; tưới nước đầy đủ và bón phân cân đối, hợp lý để cây cà phê sinh trưởng phát triển tốt sẽ hạn chế sự phát sinh, phát triển của rệp sáp. Thường xuyên kiểm tra vườn cây, nhất là vào thời điểm khô hạn, khi thấy khoảng 10% số chùm quả trên cây có rệp thì tiến hành phun một trong các loại thuốc hóa học có hoạt chất Alpha-Cypermethrin, Deltamethrin, Dimethoate, Acetamiprid, Benfuracarb, Buprofezin, Carbosulfan...
Chi cục cũng khuyến cáo người dân khi phun các loại thuốc cần tuân thủ đúng theo nồng độ được hướng dẫn trên bao bì sản phẩm; chỉ phun thuốc những cây bị rệp và phun khi cần thiết (mật độ rệp cao), không phun thuốc định kỳ, không phun toàn bộ diện tích. Đặc biệt, khi phòng trừ rệp sáp bằng biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học thì chỉ phun thuốc khi vườn bảo đảm độ ẩm cho cây và chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc "bốn đúng" (đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng lúc; đúng phương pháp). Tuyệt đối không nên phun qua loa theo cảm tính, phun không đủ lượng thuốc sẽ làm cho rệp sáp kháng thuốc, hiệu quả phòng trừ sẽ không cao.
Tuyết Mai
Nông dân trồng màu trong mùa hạn, mặn
Nguồn tin: Báo Sóc Trăng
Để tiết kiệm lượng nước tưới cho cây màu vào những tháng mùa khô, hầu hết nông dân trồng màu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng lựa chọn những loại rau màu có thời gian trồng và thu hoạch ngắn ngày. Nhờ vậy mà dù những tháng đầu năm 2024, thời tiết nắng nóng gay gắt, mặn xâm nhập, nông dân vẫn giữ xanh ruộng màu, năng suất ổn định, lợi nhuận thu về kha khá.
Trong những tháng mùa khô, nông dân tích trữ nước ngọt bằng nhiều cách khác nhau để tưới cho cây màu. Ảnh: THÚY LIỄU
Nắng nóng như hạ nhiệt giữa ruộng dưa hấu xanh màu lá, chen lẫn những quả dưa căng tròn của vợ chồng ông Trần Thành Vinh, ấp Bưng Chụm, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Chỉ tay về phía ruộng dưa, ông Vinh cho biết: "Giống như nhiều hộ nông dân khác, tôi thường canh tác 2 vụ lúa/năm và vào mùa khô thì không trồng lúa vì nguồn nước cung cấp cho cây lúa không đảm bảo, bởi hạn hán và xâm nhập mặn sâu vào nội đồng. Nhiều năm qua, vào mùa khô tôi chỉ bỏ đất trống, đợi đến khi mưa xuống mới xuống giống vụ lúa Hè - Thu. Nhưng mùa khô năm 2024, tôi quyết định trồng 1,5 công dưa hấu, bởi thấy nhiều hộ dân lân cận đưa cây dưa hấu trồng dưới chân ruộng đạt năng suất tốt, ít bị sâu bệnh và lợi nhuận tốt. Sau 70 ngày, tôi thu hoạch hơn 4 tấn trái, bán giá 5.000 đồng/kg, trừ hết các khoản chi phí lợi nhuận hơn 15 triệu đồng. So với trồng lúa thì lợi nhuận cao hơn gấp vài lần và cái lợi của trồng dưa hấu dưới chân ruộng là chi phí đầu tư thấp, dưa không bị sâu hại hay dịch bệnh tấn công".
Cũng theo ông Vinh, để đảm bảo lượng nước tưới cho dưa hấu mùa khô, ông đã bơm nước dưới kênh nội đồng lên dự trữ dùng tưới dần cho ruộng dưa. Để tiết kiệm nước, ông sử dụng ống bơm tưới nước cầm tay loại nhỏ, tưới nước cho ruộng dưa đủ độ ẩm là ngưng và tưới 1 lần/ngày. Dưa hấu trồng trong mùa này không có dịch bệnh hay sâu hại tấn công nên không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh, giảm được nhiều chi phí đầu tư cho mùa vụ. Dự tính trong mùa vụ tới, ông Vinh sẽ mở rộng diện tích trồng dưa lên thêm vài công đất.
“Diện tích đưa màu xuống chân ruộng trong những tháng mùa khô năm 2024 trên toàn huyện Mỹ Xuyên là 250ha, chủ yếu là dưa hấu. Mặc dù năm nay giá dưa hấu không cao nhưng sản lượng dưa cao nên nông dân có lợi nhuận khá. Trong những năm tới, đơn vị sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hộ dân từng địa phương tuân thủ đúng lịch khuyến cáo của ngành chuyên môn về sản xuất lúa 2 vụ/năm và trồng 1 vụ màu để tăng thu nhập cũng như canh tác vụ tôm - vụ lúa, dựa theo từng vùng và điều kiện canh tác cụ thể mà có sự chuyển đổi mùa vụ cho phù hợp”, đồng chí Tăng Thanh Chí - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên cho biết.
Nếu ông Vinh chọn trồng dưa dưới chân ruộng thì ông Lâm Văn Hóa, ấp Nhất, xã Châu Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) chọn trồng dưa leo trên nền đất lúa. Ông Hóa có gần 2ha đất ruộng. Do lợi nhuận từ cây lúa không được tốt nên ông quyết định chuyển 5 công đất làm lúa sang trồng màu và cây màu được trồng chuyên canh quanh năm như: dưa leo, khổ qua, đậu đũa, bầu. Riêng trong các tháng mùa khô, ông chọn trồng dưa leo, vì thời gian trồng cho đến thu hoạch từ 28 - 30 ngày và thời gian hái trái từ 20 - 25 ngày sẽ hết 1 vụ. Trong vụ trồng dưa leo mùa hạn này, ông Hóa đã xuống giống 2 công dưa. Hiện tại thì dưa đang cho thu hoạch mỗi ngày, sản lượng thu về ước đến hết vụ khoảng 7 tấn, trừ chi phí lợi nhuận hơn 20 triệu đồng.
Ông Hóa tâm sự: "Do năm nay thời tiết nắng nóng kéo dài nên đã ảnh hưởng đến năng suất dưa, thường 1 công dưa leo năng suất đạt là 5 tấn nhưng năm nay giảm còn 4 tấn. Mặc dù năng suất không đạt như các mùa vụ canh tác trước, nhưng vẫn đảm bảo có lợi nhuận tốt tại hộ".
“Mặc dù thời tiết nắng nóng và nước mặn vào sâu nội đồng nhưng không ảnh hưởng đến ruộng khổ qua của tôi. Để có đủ nước tưới cho cây khổ qua, tôi dự trữ đầy nước ngọt trong các ao của rẫy màu. Lúc nước tưới gần hết thì tôi chuyển sang bơm nước giếng khoan lên dự trữ tưới cho rẫy khổ qua. Khổ qua từ lúc xuống giống đến thu hoạch là 45 ngày và trái sẽ cho thu hoạch mỗi ngày trong suốt 1 tháng mới hết mùa vụ. Tôi có diện tích trồng khổ qua 2.600m2, sản lượng thu về hơn 12 tấn trái, thương lái thu mua tại nhà từ 17.000 - 18.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận gần 200 triệu đồng. Tính ra, 1 năm tôi trồng từ 3 - 4 đợt rau màu các loại như: ớt, khổ qua, dưa leo, bầu… Đợt khổ qua này khi thu hoạch xong, tôi sẽ cải tạo đất để trồng ớt sừng vào, anh Trần Văn Trạng, ấp Tư, xã Châu Khánh, huyện Long Phú chia sẻ.
Đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng cho biết, diện tích trồng màu hằng năm trên địa bàn tỉnh hơn 50.000ha, bao gồm màu trồng chuyên canh và màu trồng xen canh tập trung hầu hết tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Riêng trong những tháng mùa khô ở những địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn thiếu nguồn nước ngọt để canh tác lúa, nhiều địa phương đã khuyến cáo hộ dân trồng 2 vụ lúa và 1 vụ màu. Ước tính trong những tháng mùa khô năm 2024, diện tích màu sản xuất trên địa bàn tỉnh gần 26.600ha, trong đó diện tích màu trồng dưới chân ruộnghơn 643ha, với các loại dưa hấu, dưa leo, bầu, bí đao, khổ qua. Để cây màu phát triển tốt trong thời điểm nắng nóng như hiện tại, hộ dân cần tích trữ nước ngọt tưới cho rau màu và cần tưới nước tiết kiệm; đồng thời, áp dụng biện pháp canh tác màu theo quy trình VietGAP để giảm chi phí đầu tư mùa vụ. Nông dân cũng cần chú ý một số sâu hại thường tấn công trên cây màu vào mùa nắng là sâu xanh, bù lạch, bọ trĩ để kịp thời phòng trị".
THÚY LIỄU
Đồng Tháp: Nông dân được lợi từ mô hình canh tác lúa bền vững
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Tháp
Ngày 08/5, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) phối hợp với Uỷ ban nhân dân xã Ba Sao tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả thực hiện “Mô hình canh tác lúa bền vững” tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp số 1 Ba Sao, huyện Cao Lãnh.
Mô hình canh tác lúa bền vững được triển khai với tổng diện tích 320 ha, của 201 hộ, sử dụng giống lúa OM 18. Nông dân khi tham gia mô hình được tập huấn, hỗ trợ 50% về giống, phân bón hữu cơ, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay và trồng hoa quanh bờ ruộng; phần còn lại nông hộ đối ứng.
Các đại biểu tham quan thực tế ruộng lúa trong mô hình
Qua đánh giá tại Hội thảo cho thấy hiệu quả của mô hình so với ruộng đối chứng như: Giảm được lượng giống gieo sạ; sử dụng phân bón hữu cơ, góp phần giảm lượng phân bón vô cơ; nông dân đã nhận thức được đốt đồng có hại nhiều hơn lợi; việc tưới nước theo phương pháp ngập, khô xen kẽ góp phần giảm khí phát thải nhà kính, giúp bộ rễ cây lúa ăn sâu hơn, chống đổ ngã và tăng hiệu suất hấp thu phân bón. Mô hình trồng hoa trên bờ ruộng vừa tạo cảnh quan môi trường đẹp, góp phần giảm số lần sử dụng thuốc trừ sâu.
Với ước tính năng suất 6,8 tấn/ha, mô hình liên kết tiêu thụ lúa với công ty (giá 8.600 đồng/kg), cộng thêm tiền bán rơm, sau khi trừ đi chi phí nông dân còn lợi nhuận khoảng 35,2 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất thông thường gần 01 triệu đồng/ha.
Đến nay huyện Cao Lãnh đã và đang thực hiện 04 mô hình canh tác lúa bền vững tại các xã: Ba Sao, Gáo Giồng, Tân Hội Trung, với tổng diện tích 680 ha của 413 hộ. Mô hình nhằm góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, ứng dụng chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc, giảm chi phí, từng bước hình thành vùng nguyên liệu sản xuất lúa an toàn và bền vững.
Thành Sơn
Thâm canh cây dừa theo hướng hữu cơ: Nâng cao hiệu quả kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu
Nguồn tin: Báo Bình Định
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, khuyến khích phát triển cây dừa. Trong đó tập trung xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, canh tác tiên tiến, chú trọng phát triển cây dừa theo hướng hữu cơ, VietGAP. Qua đó, diện tích trồng dừa đã được mở rộng với năng suất, chất lượng cao, biến cây dừa thành một loại cây chủ lực mang lại thu nhập cho người dân. Tính đến năm 2023, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 9.350 ha dừa, với sản lượng 111.358 tấn/năm, giá dừa ở mức cao nên thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể.
Người dân chăm sóc, cải tạo cây dừa ta. Ảnh: THÀNH NGUYÊN
Ông Phạm Văn Trưởng (xã Ân Tín, huyện Hoài Ân) cho biết: Nhờ được chuyển giao kỹ thuật thâm canh cây dừa theo hướng hữu cơ với việc bón phân hợp lý, tưới nước, cùng với những biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đã giúp cây phục hồi sinh trưởng, chống chịu tốt hơn với sâu bệnh gây hại; giảm tình trạng nứt trái, rụng trái non. Nhờ vậy, quả dừa có hình thức và chất lượng cải thiện đáng kể, tạo ra sản phẩm an toàn phù hợp với thị hiếu của thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, cho hay: Huyện Hoài Ân hiện có khoảng 1.650 ha dừa. Sau khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong thâm canh vườn dừa theo hướng hữu cơ đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của cây dừa, cho ra sản phẩm chất lượng cao, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.
TX Hoài Nhơn được mệnh danh là thủ phủ dừa của Bình Định với gần 3.000 ha dừa, chiếm 32% diện tích dừa toàn tỉnh; tổng sản lượng ước đạt 31.500 tấn/năm. Chính vì vậy, việc trồng dừa theo hướng hữu cơ tập trung sẽ tạo ra vùng nguyên liệu dồi dào cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, nhất là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm từ dừa.
Bà Nguyễn Thị Trí (phường Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn) áp dụng mô hình trồng dừa hữu cơ trên phần diện tích 500 m2 được vài năm nay, dừa phát triển tốt, cho trái rất sai, mỗi năm thu hoạch hơn 2.500 quả.
Theo bà Trí, từ khi dùng phân chuồng, mụn dừa kết hợp phân hữu cơ sinh học để bón, tưới nước đều đặn thì trái sai hơn. Trước đây, thương lái thu mua với giá 5.000 đồng/quả tại vườn thì nay dao động từ 7.000 - 10.000 đồng/quả tùy thời điểm, hiệu quả kinh tế cải thiện đáng kể.
Đến nay, toàn tỉnh đã có nhiều vùng sản xuất dừa tập trung với quy mô lớn, phục vụ nhu cầu trong và ngoài tỉnh như các huyện Hoài Ân, Phù Cát và TX Hoài Nhơn. Với việc thay đổi phương thức canh tác, chuyển sang trồng dừa theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, từng bước làm hồi sinh, phát triển bền vững, giúp tăng năng suất, nâng cao giá trị kinh tế từ cây dừa. Từ đó, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu rủi ro do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
THÀNH NGUYÊN
Trồng mận xanh đường cho thu nhập cao
Nguồn tin: Báo Sóc Trăng
Với 600 gốc mận xanh đường 6 năm tuổi, ông Nguyễn Hồng Sơn, ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu, huyện Long Phú (Sóc Trăng) thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
"Giăng mùng" cho cây mận
Chúng tôi được ông Sơn dẫn đi xem vườn mận xanh đường đang cho trái, được phủ mùng. Ông giải thích rõ "giăng mùng" để ngăn ruồi vàng đục trái, hạn chế các loại sâu bệnh tấn công trái, từ đó cũng giảm được lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật. Một số cây chưa có mùng lưới phủ kín được, ông Sơn cẩn thận bao bọc từng trái lại. Nhờ áp dụng các biện pháp nói trên mà ông Sơn đã tiết kiệm được chi phí, công chăm sóc, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên nhiều thương lái và người dân tìm đến mua.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu, huyện Long Phú (Sóc Trăng) bên những cây mận xanh đường đang cho trái. Ảnh: KIM NGỌC
Ông Sơn chia sẻ: “Cách đây 25 năm, tôi được một người thân cho 2 nhánh mận xanh đường chiết cành đem về trồng rồi mở rộng diện tích cho đến nay. Giống mận này trồng không khó, chỉ cần bón phân, tưới nước thường xuyên khoảng 2 mùa mưa là cây cho trái chiến. Tuy nhiên, việc khó nhất là giữ được trái đến khi thu hoạch, bởi ruồi vàng đục trái gây rụng, làm thất thoát cho nhà vườn. Đi nhiều nơi thấy nhiều nhà vườn trồng mận sử dụng lưới bao phủ cả vườn, vừa bảo vệ trái, vừa giảm thuốc bảo vệ thực vật nên tôi học hỏi làm theo”.
Đồng chí Trần Huệ Trí - Trưởng Ban nhân dân ấp Phú Thứ nhận xét: “Vườn mận xanh đường của ông Sơn, việc "giăng mùng cho mận" đã giúp ngăn chặn hiệu quả côn trùng làm hư trái, bảo vệ trái đến khi thu hoạch. Thấy được hiệu quả từ cách làm này, chúng tôi đã phổ biến người dân trồng cây ăn trái áp dụng để tăng năng suất cây trồng, giảm được công lao động và chi phí thuốc bảo vệ thực vật”.
Nhân đôi diện tích vườn mận, phát triển du lịch miệt vườn
Cũng theo ông Sơn, hiện tại, vườn mận của gia đình có trên 600 cây, với diện tích gần 14.000m2, trong đó có trên 300 cây đã 6 năm tuổi cho trái và đang thu hoạch. Đối với giống mận xanh đường, lúc cây còn tơ cho trái khá ít, khi được 4 - 5 vụ, cây rất sai trái, trái rất ngọt, đặc ruột và giòn. Đặc điểm nổi bật của mận xanh đường cho trái gần như quanh năm, mỗi cây sẽ cho trái bình quân từ 10 - 12kg/đợt. Giá mận bình quân 60.000 - 80.000 đồng/kg, có thời điểm cao hơn. Nếu so sánh với các loại mận khác, giá mỗi ký mận xanh đường cao gấp 2 - 3 lần. Bình quân mỗi năm, ông thu lời trên 300 triệu đồng từ vườn mận.
Thấy hiệu quả kinh tế cao, ông Sơn đã mạnh dạn mở rộng diện tích vườn trồng thêm 900 gốc mận xanh đường nữa. Vườn mận mới được ông đầu tư bài bản hơn với hệ thống tưới nước tiết kiệm. Ông Sơn đang chuẩn bị xây dựng tuyến đal kết nối từ lộ lớn dẫn vào vườn mận của gia đình, dự kiến khoảng 2 năm nữa sẽ mở cửa đón khách du lịch đến tham quan.
Đồng chí Võ Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Hữu cho biết: “Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã dự kiến thành lập Chi hội nông dân nghề nghiệp trồng mận xanh đường. Nếu diện tích mận xanh đường trên địa bàn xã tiếp tục tăng lên, Hội Nông dân xã thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã và đề nghị về trên công nhận sản phẩm OCOP. Hiện nay, đầu ra của trái mận xanh đường ở Phú Hữu còn lệ thuộc hoàn toàn vào thương lái, vì vậy, Hội Nông dân xã đã kiến nghị đến các ngành chuyên môn của huyện sớm xây dựng mô hình, tìm đối tác ký kết hợp đồng nhằm bao tiêu để sản phẩm có đầu ra ổn định, nông dân yên tâm sản xuất”.
Qua đây, có thể thấy giống mận xanh đường là loại cây trồng có nhiều tiềm năng, thế mạnh và mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân. Cây mận xanh đường dễ thích nghi, chăm sóc không khó, cây cho trái gần như quanh năm, năng suất cao, ổn định và được thị trường rất ưa chuộng. Qua mô hình trồng mận xanh đường ở ấp Phú Thứ của ông Nguyễn Hồng Sơn đã góp phần thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện Long Phú.
KIM NGỌC
Để vườn cây ăn trái phát triển trong mùa nắng
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Biến đổi khí hậu đang gây ra tác động tiêu cực đối với nhiều loại cây trồng, đặc biệt tình hình khô hạn kết hợp với nắng nóng diễn ra gay gắt, không chỉ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, năng suất, chất lượng trái của nhiều loại cây trồng, mà còn có thể gây chết cây. Trước vấn đề này, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo vườn cây ăn trái đạt hiệu quả khi thu hoạch.
Người dân dùng màng phủ nông nghiệp để chống nóng cho vườn cây.
Chủ động từ người dân
Hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt tại nhiều địa phương thời gian gần đây, đã gây nhiều tác động tiêu cực đến vườn cây ăn trái nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp nói chung trên địa bàn tỉnh. Nắng nóng với nền nhiệt cao dễ làm cho nhiều loại cây ăn trái bị khô héo và suy kiệt nếu không được cung cấp nước tưới cùng các chất dinh dưỡng một cách phù hợp và kịp thời. Trong điều kiện thời tiết bất lợi hiện nay, nhiều loại cây ăn trái cũng dễ bị tấn công bởi các loại sâu bệnh và dịch hại do có sức đề kháng yếu, dẫn đến nhiều mối nguy hại cho cây trồng.
Ông Trần Việt Quốc, ở ấp 1A, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Gia đình tôi trồng được khoảng 1,3ha chanh không hạt, các gốc đã được 3 năm tuổi và đang cho trái. Để đảm bảo vườn chanh được phát triển và cho thu hoạch tốt, tôi đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp chăm sóc như không làm sạch cỏ trong vườn, nhằm giữ độ ẩm cho đất và cây trồng, bón phân hữu cơ dạng bột và tưới cây vào thời gian phù hợp để đảm bảo cây không bị sốc nhiệt và sốc nước. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật góc sinh học cũng giúp cây mát mẻ và phát triển tốt hơn dưới ánh nắng gay gắt hiện nay. Đặc biệt, luôn chủ động dự trữ nước trong mương vườn và sử dụng máy để tưới nước cho cây, đảm bảo cung cấp nước đủ cho từng gốc, tránh phải dùng nước mặn tưới cây hoặc để cây khô hạn thì vườn chanh coi như mất trắng”.
Tương tự, ông Trần Việt Mỹ, ở ấp 1B, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết: “Vườn của tôi trồng được 7 công sầu riêng 7 năm tuổi đang cho trái. Để bảo vệ vườn cây trong tình hình nắng hạn diễn ra gay gắt như hiện nay, tôi phải thường xuyên thăm vườn để đảm bảo cung cấp nước tưới đầy đủ, kịp thời. Bên cạnh đó, tôi còn sử dụng cây lục bình, cùng các loại cây cỏ và bồi sình cho gốc cây để giữ độ ẩm, giúp cây phát triển tốt. Tuy nhiên, việc bồi sình chỉ áp dụng cho những gốc sầu riêng còn nhỏ, còn cây lớn đang cho trái thì không thực hiện được, vì sợ ảnh hưởng đến trái và bộ rễ của cây”.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Chủ tịch UBND thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A, hiện diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện là 424ha, tăng 114ha so với cùng kỳ. Để phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái, tránh thiệt hại trong mùa nắng nóng, địa phương đã nhanh chóng khai thông dòng chảy, nạo vét các kênh bị bồi lắng, nhằm đảm bảo lượng nước trong phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền để người dân dự trữ nước trong ao nhằm đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ tưới tiêu cho cây, hạn chế làm sạch cỏ trong vườn vào mùa nắng, nhằm giữ ẩm cho cây, cũng như khuyến cáo bà con nông dân hạn chế bón phân hóa học, tăng cường bón phân hữu cơ để giữ ẩm cho đất và cây trồng, làm giảm sự thoát hơi nước của cây.
Thực hiện nhiều giải pháp
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh khoảng 45.800ha, tăng 669ha so với cùng kỳ. Diện tích trồng tập trung tại các huyện Phụng Hiệp, Châu Thành, Châu Thành A, thành phố Ngã Bảy… Từ đầu năm đến nay, Sở NN&PTNT tỉnh thường xuyên rà soát, thống kê diện tích các loại cây trồng có khả năng bị hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh và dự báo diễn biến tình hình xâm nhập mặn kịp thời. Qua đó, xây dựng kế hoạch sản xuất, bố trí lịch thời vụ xuống giống hợp lý và triển khai các giải pháp phù hợp để ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn; công tác phối hợp tốt với tinh thần chủ động giữa các ngành chức năng các cấp cùng với bà con nông dân, đến nay Hậu Giang chưa có diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.
Đồng thời, để tránh các thiệt hại trong mùa nắng, ngành nông nghiệp tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp như: Phối hợp địa phương rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm điện,… có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa nhằm trữ nước ngọt trên đồng, ngăn nước mặn xâm nhập lên đồng, bảo vệ tốt cho các loại cây trồng. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân dùng mọi biện pháp, dụng cụ tích trữ nước ngọt, đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong mùa hạn, mặn năm 2024. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thường xuyên theo dõi và phối hợp địa phương theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước để thông tin kịp thời đến người sản xuất, chủ động có giải pháp ứng phó. Hướng dẫn người dân thực hiện đồng bộ với các giải pháp bảo vệ và chăm sóc cây ăn trái trước, trong và sau mùa khô theo khuyến cáo một cách linh hoạt và phù hợp với thực tiễn sản xuất từng địa phương thông qua các hình thức tuyên truyền như: tập huấn, hội thảo, bản tin thời tiết nông vụ...
Đồng thời, Sở NN&PTNT tỉnh còn thực hiện công tác dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại và thông tin kịp thời, chính xác đến người dân về các biện pháp kỹ thuật bảo vệ sản xuất. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường bố trí cán bộ đo nồng độ mặn thường xuyên để kịp thời cập nhật, khuyến cáo sớm cho người dân chủ động trong việc sử dụng nguồn nước tưới tiêu, phục vụ sản xuất.
Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, khuyến cáo bà con nông dân cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, hạn hán, rà soát, củng cố hệ thống kênh, mương vườn, nhất là hệ thống bờ bao xung quanh để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập… đảm bảo đủ nước ngọt tưới cho cây trong mùa khô. Chủ động tích trữ nguồn nước ngọt. Áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm như lắp đặt hệ thống tưới phun sương, nhỏ giọt, đúng thời điểm và vừa đủ nước. Tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu hữu cơ có sẵn như rơm rạ, cỏ khô, lục bình,… để giữ ẩm cho đất giúp cây tránh bị nắng nóng. Tỉa bớt cành nhánh già cỗi, bị sâu bệnh, các chùm sai quả,… giúp giảm áp lực tiêu thụ nước trong điều kiện nắng nóng, khô hạn. Tạo sự thông thoáng trong vườn cây, hạn chế nơi trú ẩn cho sinh vật gây hại và giúp cây tăng khả năng quang hợp. Đồng thời trong mùa nắng nóng cũng không để cây mang trái quá nhiều, nếu nguồn nước ngọt không đảm bảo cung cấp đầy đủ. Tăng cường bón phân hữu cơ nhằm nâng cao khả năng giữ ẩm và giữ phân của đất. Thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm dịch hại, phòng trừ kịp thời nhằm tăng khả năng chống chịu của cây.
“Ngoài ra, trong điều kiện nắng nóng cũng làm giảm sự hấp thu của các chất trung và vi lượng, do đó để hạn chế ảnh hưởng bất lợi của tình hình nắng nóng khi bón phân, bà con nông dân có thể phun thêm các loại phân bón lá có chứa các chất trung và vi lượng, tăng cường bón các loại phân kali, canxi để nâng cao sức chống chịu của cây trồng. Không tiến hành trồng mới cây trồng trong thời gian nắng nóng, khô hạn tại các vùng thiếu nước tưới. Tuyệt đối không phun thuốc diệt cỏ trong thời điểm nắng nóng này. Bên cạnh đó, tình trạng mưa trái mùa cũng có khả năng xuất hiện trong mùa nắng nên bà con nông dân cần chú ý để có giải pháp phòng tránh và chủ động hạn chế hiện tượng sốc nước do mưa trái mùa gây nứt trái, rụng trái và khiến cây đâm chồi ngoài ý muốn”, ông Sơn chia sẻ thêm.
Bài, ảnh: MAI THANH
Nắng nóng, thanh long giảm năng suất
Nguồn tin: Bà Rịa - Vũng Tàu
Mùa khô năm nay do ảnh hưởng của El Nino, nguồn nước tưới thiếu nên nhiều cây trồng, trong đó có cây thanh long suy kiệt, giảm năng suất.
Nông dân xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc chăm sóc thanh long tại vườn.
Gia đình ông Trần Văn Thiệu, ở ấp 1, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trồng 1.000 trụ thanh long ruột đỏ trên diện tích 1ha. Năm nay, thanh long trái vụ vào cao điểm nắng nóng, nguồn nước tưới lại thiếu nên sản lượng giảm mạnh, chỉ đạt 2 tấn trái, bằng 50% so với cùng thời điểm năm ngoái. “Giá thanh long hiện đang ở mức cao nhưng người trồng không được hưởng lợi nhiều vì năng suất thấp”, ông Thiệu cho hay.
Tương tự, vườn thanh long ruột đỏ trái vụ có diện tích 2ha của ông Trần Văn Hiền, ở ấp 1, xã Bưng Riềng cũng đã đến kỳ thu hoạch nhưng sản lượng chỉ được 2 tấn thay vì hơn 7 tấn như mọi năm. Ông Hiền nói: “Năm nay, thiếu nước nên cây bị suy kiệt, sản lượng sụt giảm. Vụ này, tôi đã đầu tư hơn 50 triệu đồng. Với giá bán thanh long ruột đỏ khoảng 30-35 ngàn đồng/kg, nếu sản lượng đạt như năm trước thì lãi cao nhưng năm nay sau khi trừ chi phí tôi chỉ thu lãi hơn 20 triệu đồng, giảm 1/3 lợi nhuận”.
Đây cũng là tình cảnh chung của các hộ trồng thanh long ở xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, nguồn nước hạn chế. Để duy trì tạm thời cho cây thanh long, nhiều nhà vườn phải tốn chi phí bơm nước từ hồ Sông Hỏa về trữ để phục vụ tưới cây. Tuy nhiên, nguồn nước này cũng khá hạn chế.
Theo ông Nguyễn Tấn Hương, ở ấp Trang Định, xã Bông Trang, cây thanh long nếu bị thiếu nước thì trái nhỏ, bộ rễ cũng yếu đi, không phát triển. “Sản lượng giảm, cây cũng bị suy kiệt, chi phí đầu tư tăng lên nên dù giá có cao thì bà con nông dân cũng bị giảm lợi nhuận”, ông Hương nói.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 712ha thanh long, tập trung chủ yếu tại huyện Xuyên Mộc. Do năng suất giảm, tỷ lệ đậu trái chỉ đạt 50-60% nên nguồn cung khan hiếm. Hiện nay, thanh long ruột trắng đang được thương lái thu mua với giá 15-18 ngàn đồng/kg, ruột đỏ từ 30-35 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, nông dân vẫn kém vui vì năng suất thấp.
Bài, ảnh: SONG BÌNH - XUÂN TRƯỜNG
Để phát triển sầu riêng theo hướng an toàn và bền vững
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Theo ngành nông nghiệp, sầu riêng là loại cây khó trồng, mẫn cảm với độ mặn. Đợt xâm nhập mặn cao điểm năm 2020 đã ảnh hưởng không ít diện tích trồng sầu riêng.
Cây sầu riêng (SR) có giá trị kinh tế tương đối cao so với các loại cây trồng khác, người dân có nhiều kinh nghiệm trong canh tác loại cây trồng này nên cây SR ngày càng được nông dân quan tâm đầu tư cải tạo và trồng mới. Tuy nhiên, sản xuất SR cũng đang đứng trước nhiều rủi ro, thách thức, cần có giải pháp thích hợp để nâng cao chuỗi giá trị, cũng như đảm bảo đầu ra ổn định cho trái SR.
Nhiều rủi ro khi phát triển diện tích ồ ạt
Có giá trị kinh tế cao nên thời gian gần đây tại nhiều địa phương có hiện tượng người dân chuyển đổi đất sản xuất sang trồng SR nhiều. Sau khi SR Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, có lúc giá SR tăng trên 200.000 đ/kg, hiện tại đang có giá 60.000-70.000 đ/kg.
Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 4.383ha trồng SR, chiếm gần 11% diện tích cây ăn trái của tỉnh, sản lượng hàng năm là 44.872 tấn. Giống trồng chủ yếu là: Ri 6, Monthong, khổ qua xanh… Thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc, hàng sấy và cấp đông có thể xuất đi Trung Quốc, EU, Mỹ,…
So với năm 2020, diện tích SR đã tăng hơn 800ha. Và từ năm 2023 đến nay, diện tích trồng mới SR tăng nhiều hơn. Bên cạnh các vùng trồng tập trung như huyện Vũng Liêm, Mang Thít, Bình Tân… SR được mở rộng sang các vùng không tập trung như TP Vĩnh Long, huyện Long Hồ, Trà Ôn… với diện tích gia tăng nhanh.
Đốn bỏ 3 công trồng mít chuyển sang trồng SR được gần 1 năm, chú Nguyễn Văn Du (ngụ TT Cái Nhum, huyện Mang Thít) cho biết: “Hồi mới chuyển từ trồng lúa sang trồng mít, thu nhập rất khá vì hồi đó mít được giá. Nhưng chỉ được một thời gian thì mít mất giá, bán không ai mua nên gia đình tôi đã chặt bỏ và chuyển sang trồng SR, vì hiện SR cho lợi nhuận quá cao”.
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, thời gian qua, việc phát triển SR có nhiều thuận lợi như: tập quán canh tác truyền thống tạo nguồn nhân lực nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật canh tác; vùng sinh thái bố trí canh tác phù hợp với cây trồng theo định hướng phát triển, từng bước hình thành các vùng sản xuất theo quy mô tập trung; đất đai được đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi khép kính nên chủ động trong tưới tiêu và xử lý cho trái mùa nghịch; có thể chủ động xử lý mùa nghịch và rải vụ để bán được giá cao…
Tuy nhiên, hạ tầng, máy móc, thiết bị, công nghệ chế biến, bảo quản phục vụ phát triển sản xuất chưa mạnh. Đa phần các vườn nằm sâu trong nội đồng dẫn đến việc vận chuyển đến các trục giao thông chính gặp khó khăn, không đảm bảo về yếu tố bảo quản và an toàn nông sản; tác động của biến đổi khí hậu nguy cơ ảnh hưởng, giảm diện tích vùng sản xuất.
Trong khi đó, SR cũng chưa tiếp cận đa dạng thị trường xuất khẩu, đảm bảo ổn định trong tiêu thụ. Đó là chưa kể, với lợi nhuận khá cao từ cây SR, dẫn đến tình trạng khai thác quá sức (cây cho trái sớm, xử lý ra hoa nghịch vụ, gia tăng sản lượng…) dẫn đến thiếu tính bền vững trong sản xuất.
Chú Nguyễn Văn Ba (ngụ xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm) cho hay: Ngành trồng SR đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, như thời tiết thất thường, khô hạn, xâm nhập mặn. Đồng thời, việc khai thác quá mức, đặc biệt xử lý ra hoa khi cây chưa đủ thời gian phục hồi sau thu hoạch làm cho cây SR suy yếu nhanh chóng. Liên kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra chưa bền chặt, trong khi thị trường xuất khẩu cũng chưa ổn định và lệ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.
Cần giải pháp phát triển bền vững
Có thể thấy, giá SR tăng, nhà vườn có lợi nhuận cao là những tín hiệu rất đáng mừng cho ngành hàng SR. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành hàng SR cũng đã đối mặt với không ít thách thức.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, SR là cây khó trồng, đòi hỏi kỹ thuật cao và cả khả năng đầu tư của người trồng. Do đó, không thể phát triển một cách ồ ạt. Chất lượng và sản lượng không đảm bảo sẽ dẫn đến khó khăn, gây thiệt hại cho người trồng.
Theo ông Liêm, để phát triển ngành hàng SR theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn và bền vững, đòi hỏi một chiến lược phát triển ngành hàng SR dài hạn cùng các giải pháp tháo gỡ kịp thời.
“Tác động của biến đổi khí hậu vùng trồng thường bị hạn hán, xâm nhập mặn, nước ngập… đang là thách thức với sản xuất trồng trọt nói chung và sản xuất SR nói riêng. Nguồn lực đầu tư trồng SR khá lớn, tốn nhiều thời gian và chi phí hơn, bởi giai đoạn kiến thiết của cây SR từ 4-5 năm, dài hơn so với một số loại cây trồng khác. Do vậy, người dân cần cẩn trọng khi có ý định chuyển đổi sang loại cây trồng này. Nông dân không nên tự mở rộng diện tích không có kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật trồng SR và không trồng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp”- ông Liêm khuyến cáo.
Để phát triển SR bền vững, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển chung của ngành, Cục Trồng trọt đã đề nghị các địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức về sản xuất theo phong trào, theo số đông. Việc phát triển cây trồng nói chung và SR nói riêng cần theo định hướng thị trường, theo định hướng của các cơ quan quản lý.
Thay vì tăng diện tích, sản lượng cần tập chung tổ chức lại sản xuất, liên kết sản xuất, chuẩn hóa quy trình sản xuất từ lúc canh tác, thu hoạch đến chế biến, vận chuyển, phân phối nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra chất lượng giống cây SR; tăng cường công tác thẩm định, công nhận cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng; phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong vùng sản xuất tập trung, mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm; liên kết với doanh nghiệp đóng gói, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu; xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất.
Theo Cục Trồng trọt, hiện nay diện tích trồng SR đã vượt gấp đôi so với định hướng phát triển SR trong đề án phát triển cây ăn trái chủ lực đến năm 2025-2030 (khoảng 65.000-75.000ha, sản lượng 830.000-950.000 tấn). Tính đến cuối năm 2023, tổng diện tích SR cả nước hơn 150.000ha (tăng 146.800ha so với năm 2015), tương ứng với sản lượng SR tăng từ 366.000 tấn lên hơn 1,2 triệu tấn.
Trước đó, Cục Trồng trọt cũng đã có công văn chỉ đạo phát triển cây SR tại các tỉnh, thành miền Nam. Trong đó, cảnh báo việc tăng diện tích cây SR một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, có thể dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dội chợ... Nghiêm trọng hơn là tại các vùng trồng không phù hợp như nhiễm mặn, nhiễm phèn; vùng không chủ động được tưới tiêu sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất và chất lượng SR.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Bến Tre: Phát triển ổn định 80 ngàn héc-ta dừa của tỉnh
Nguồn tin: Báo Đồng Khởi
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 (Đề án). Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030, diện tích cây công nghiệp chủ lực (cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, dừa) cả nước đạt từ 2,1 - 2,3 triệu héc-ta (trong đó dừa đạt khoảng 2,1 - 2,3 triệu tấn). Nhằm cụ thể hóa Đề án của Bộ NN&PTNT phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh, UBND tỉnh triển khai thực hiện đề án trên địa bàn tỉnh với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Thu hoạch dừa xiêm xanh tại huyện Giồng Trôm.
Duy trì diện tích dừa
Tính đến hết quý I-2024, tổng diện tích dừa của tỉnh khoảng 79.078ha, tăng 1,36% so với cùng kỳ. Diện tích tăng chủ yếu do một số diện tích lúa không hiệu quả hoặc không còn phù hợp với vùng canh tác được người dân chuyển sang trồng dừa. Sản lượng thu hoạch lũy kế 3 tháng ước đạt 182,94 triệu trái, tăng 1,37% so với cùng kỳ.
Mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn 2024 - 2025, sẽ phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 79.000ha. Xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa, gắn với phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tuần hoàn và chế biến sâu các sản phẩm dừa; cụ thể, phát triển 1.500ha dừa hữu cơ nâng tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh lên 20.000ha; diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 2.000ha. Cải tạo 1% vườn dừa kém hiệu quả, vườn dừa lão để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm dừa. Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 17,2%/năm. Kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 23,58%/năm, đạt khoảng 1.000 triệu USD. Nghiên cứu xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang nét độc đáo riêng của du lịch sinh thái sông nước xứ Dừa.
Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh duy trì và phát triển ổn định diện tích dừa khoảng 80.000ha. Xây dựng vùng sản xuất tập trung dừa, gắn với phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tuần hoàn và chế biến sâu các sản phẩm dừa; cụ thể: Phát triển 5.000ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa hữu cơ toàn tỉnh lên 25.000ha. Diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng khoảng 6.000ha. Cải tạo 5% vườn dừa kém hiệu quả, vườn dừa lão để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm dừa. Giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa tăng bình quân từ 15,74%/năm. Kim ngạch xuất khẩu dừa tăng bình quân 14,87%/năm, đạt khoảng 2.000 triệu USD. Tiếp tục nghiên cứu xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang nét độc đáo riêng của du lịch sinh thái sông nước xứ Dừa.
Các nhiệm vụ, giải pháp
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tập trung thực hiện tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung đề án. Thường xuyên cập nhật thông tin, các quy định về xuất nhập khẩu dừa của các quốc gia trên thế giới để thông tin, chuyển kịp thời đến các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu dừa trên địa bàn tỉnh để biết, thực hiện. Đồng thời, vận động, khuyến khích DN tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ dừa, qua đó góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng ngành dừa nói riêng, ngành nông nghiệp tỉnh nói chung.
Xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị dừa. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng chuỗi giá trị dừa, phát triển sản xuất dừa hữu cơ, xây dựng mã số vùng trồng dừa tươi để đáp ứng nhu cầu tối đa nguyên liệu dừa chất lượng phục vụ cho chế biến và xuất khẩu của các DN trong và ngoài tỉnh. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, củng cố, phát triển hợp tác xã và tổ hợp tác.
Tập trung xây dựng hệ sinh thái DN đủ mạnh, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị dừa, giữ vai trò hạt nhân kết nối thị trường; chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa các tác nhân trong chuỗi. Tăng cường hoạt động khuyến công, công tác hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất, đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ chế biến dừa có giá trị gia tăng cao. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến dừa. Định hướng về phát triển công nghệ chế biến và bảo quản, cơ cấu các loại sản phẩm chế biến gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và thị trường quốc tế.
Đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển dịch vụ du lịch. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các Hiệp hội ngành hàng và DN tổ chức các chương trình quảng bá sản phẩm; tháo gỡ rào cản thương mại, đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu... Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang nét độc đáo riêng của du lịch sinh thái sông nước xứ Dừa.
“Để thực hiện tốt Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030, tỉnh tăng cường hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế về khoa học kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất cây công nghiệp chủ lực như: Nghiên cứu chọn tạo, nhập nội giống mới; quy trình canh tác; cơ giới hóa các khâu sản xuất; nghiên cứu thiết bị, công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến; tháo gỡ rào cản thương mại, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ... sản phẩm chủ lực của tỉnh”. (Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh)
Bài, ảnh: Phương Thảo
Phát huy thế mạnh nông nghiệp, nâng cao thu nhập
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Bình Hòa Phước là xã đầu tiên của huyện Long Hồ đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Xác định xây NTM kiểu mẫu là nhiệm vụ trọng tâm, BCĐ Chương trình xây dựng NTM xã Bình Hòa Phước (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã nỗ lực tập trung thực hiện các tiêu chí nội lực, trong đó tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất, thúc đẩy nâng cao thu nhập để không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn.
Thu nhập đạt 74,95 triệu đồng/người/năm
Để giúp người dân không ngừng nâng cao đời sống, xã Bình Hòa Phước đã tập trung hoàn thiện hệ thống thủy lợi. Hiện 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp được khép kín. Việc thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp được cụ thể qua từng năm. Riêng năm 2023, nông dân đã chuyển đổi 14ha đất trồng cây tạp sang chuyên canh cây ăn trái, nâng tổng diện tích vườn gần 941ha với cây trồng chủ lực là chôm chôm và cây nhãn.
Cho biết “khoảng 2 năm nay chôm chôm bán có giá”- bà Võ Thị Sáu- ở ấp Bình Hòa 2, khoe: “Mỗi năm, bán chôm chôm cũng kiếm được vài trăm triệu đồng. Năm nay cất được căn nhà mới nên vui lắm!”. Tận dụng đất vườn, bà Sáu nuôi thêm gà, cá... để cải thiện bữa ăn, vừa đỡ tốn chi phí sinh hoạt và tích lũy được nhiều hơn từ nguồn thu nhập vườn chôm chôm.
Cùng với việc ổn định và cải thiện chất lượng đàn gia súc, gia cầm, xã Bình Hòa Phước còn đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi lươn không bùn, nuôi dê... cho thu nhập 55-300 triệu đồng/năm. Chăn nuôi thủy sản phát triển với 21 ao nuôi, 115 lồng bè và nuôi cá trong mương vườn, cho lợi nhuận khoảng 55 triệu đồng/năm.
Trong phát triển kinh tế tập thể, xã có HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước, HTX Mai vàng Phước Định, 12 tổ hợp tác cây ăn trái, 2 tổ hợp tác nuôi dê, tổ hội nghề nghiệp nuôi lươn không bùn, tổ hợp tác sầu riêng góp phần giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động. Sản xuất thương mại dịch vụ tiếp tục được phát triển với 467 cơ sở sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho trên 1.500 lao động.
Ông Lê Văn Tý- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Mai vàng Phước Định, cho biết: Nhờ trồng mai mà đời sống bà con nơi đây đầy đủ, khấm khá hơn trước rất nhiều, đặc biệt là thời điểm gần Tết bán mai thấy mê lắm! Mỗi cây mai đại là có thể cho thu nhập bằng 5 công vườn trồng cây ăn trái.
Ông Tiêu Hùng Minh- ở ấp Phước Định 2, cho hay, hồi nào tới giờ, người dân nơi đây từ xây cất nhà cửa, cho con ăn học, đóng góp kinh phí xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn... đều nhờ vào cây mai vàng. “Hộ ít đất cũng có thể tận dụng trước sân nhà trồng 4-5 cây mai nhỏ, tới Tết bán 2-3 cây mai thôi cũng bỏ túi được 50-70 triệu đồng, ăn Tết khỏe re”- ông Minh nói.
Qua thống kê, đến cuối năm 2023 thu nhập bình quân đầu người của xã Bình Hòa Phước đạt 74,95 triệu đồng/năm, vượt 150.000đ so quy định thu nhập xã NTM kiểu mẫu; tăng 23,9 triệu đồng so thời điểm xã đạt chuẩn NTM nâng cao (2021); tăng 6,95 triệu đồng so cuối năm 2023.
Phát huy thế mạnh nông nghiệp
Là địa phương chuyên sản xuất nông nghiệp với thế mạnh là vườn cây ăn trái đặc sản, xã Bình Hòa Phước đã xây dựng mô hình liên kết chuỗi cho sản phẩm nông sản chủ lực gắn với kinh tế tuần hoàn, đó là: Mô hình tưới phun tự động, tiết kiệm nước trên cây chôm chôm với diện tích hơn 689ha. Hiện, sản phẩm OCOP 4 sao chôm chôm Java của HTX Chôm chôm Bình Hòa Phước được bán trên sàn giao dịch Sở Nông nghiệp-PTNT www.nsvl.com.vn và Sở Công Thương https://trade.vinhlong.gov.vn.
Xã Bình Hòa Phước còn có sản phẩm sầu riêng Ri 6, sầu riêng sấy thăng hoa, mít sấy thăng hoa và mít sấy lạnh của Công ty TNHH Sáu Ri cũng được xếp hạng OCOP 4 sao theo hướng kinh tế tuần hoàn. Hiện, mô hình sản xuất sầu riêng được áp dụng quy trình VietGAP với diện tích 5ha, có 10 thành viên tham gia, sản lượng bình quân 125 tấn/năm.
Anh Nguyễn Minh Hậu- Giám đốc Công ty TNHH Sáu Ri, cho biết: Trước đây, công ty làm hàng tươi. Sau này, công ty ứng dụng công nghệ chế biến sâu để bảo quản sản phẩm được lâu hơn. Đồng thời, thu mua các sản phẩm của bà con nông dân trong xã. Mục đích của công ty là giúp người dân tiêu thụ sản phẩm và nâng giá trị sản phẩm của địa phương
Ngoài thực hiện đạt 5 tiêu chí bắt buộc trong xây dựng NTM kiểu mẫu, xã Bình Hòa Phước còn chọn đăng ký thực hiện tiêu chí văn hóa. Đến nay, đã lắp đặt dụng cụ thể thao trong khuôn viên của 3 địa điểm bao gồm: Trung tâm Văn hóa- Thể thao, Nhà Văn hóa- Khu thể thao liên ấp Phước Định 1, Phước Định 2 và sân bóng đá mini Hoàng Vũ (ấp Bình Hòa 1).
Là một trong địa phương có thế mạnh du lịch, xã Bình Hòa Phước đã kết nối tổ chức không gian giao lưu văn hóa nghệ thuật đờn ca tài tử cho du khách trải nghiệm. Tại điểm du lịch Riverside Park (ấp Bình Hòa 2) còn có dịch vụ trải nghiệm sinh hoạt tại nhà dân cùng ăn, cùng nghỉ, cùng làm với người dân địa phương.
Xác định “xây dựng xã NTM kiểu mẫu đã khó, giữ vững càng khó hơn”- ông Trần Minh Cảnh- Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước, cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng chất các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, tiếp tục quan tâm công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập người dân, hoàn thiện hệ thống giao thông theo hướng mở rộng mặt đường cấp C (liên xóm) từ 3m trở lên. Đồng thời, xây dựng nhiều mô hình sản xuất VietGAP, GlobalGAP, ứng dụng công nghệ cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.
Nhận định “xây dựng NTM là nhiệm vụ then chốt, toàn diện, mang tính chiến lược lâu dài”- ông Võ Trung Sơn- Phó Chủ tịch UBND huyện Long Hồ, lưu ý: Thời gian tới, xã Bình Hòa Phước cần tiếp tục thực hiện tốt đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; mở rộng các loại hình dịch vụ, tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp, tạo ra các sản phẩm chủ lực và được chứng nhận sản phẩm OCOP, thúc đẩy phát triển loại hình du lịch sinh thái, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh: NGUYỄN XUÂN
Xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng: Chú trọng công tác bảo vệ môi trường
Nguồn tin: Báo Bình Dương
Trên địa bàn xã Long Nguyên (Bình Dương) có khoảng 550 hộ chăn nuôi (trong đó 108 hộ chăn nuôi trang trại và 442 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ). Các hộ chăn nuôi có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm hợp vệ sinh, đúng các quy định về vệ sinh thú y, không gây ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng và tái chế đạt 84%.
Một tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn tại xã Long Nguyên
Cùng với đó tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt, không nguy hại trên địa bàn xã được thu gom, xử lý đạt 100%, tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt 60%, tỷ lệ chất thải rắn nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý đạt 100%... Xã có 1 bãi tập kết, trung chuyển rác thải sinh hoạt, bảo đảm cho việc thu gom, vận chuyển đến nhà máy xử lý đạt 100%...
TIẾN HẠNH
Chủ động bảo vệ vật nuôi mùa nắng nóng
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Trước tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài, việc chăm sóc vật nuôi đã trở thành một nhiệm vụ cần thiết và là ưu tiên hàng đầu để bảo vệ và duy trì nguồn lợi kinh tế cho người chăn nuôi tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
Hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện các biện pháp chống nóng cho đàn vật nuôi.
Trong mùa hạn năm nay, nhiều địa phương trong tỉnh đang phải đối mặt với những khó khăn do nhiệt độ tăng cao và lượng mưa giảm sút nghiêm trọng. Trước tình hình này, nhiều hộ chăn nuôi đã chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi nhằm giảm thiểu thiệt hại do nắng nóng gây ra.
Với hơn 10 năm chăn nuôi heo, vịt, trâu..., gia đình ông Lê Văn Nghiêm, ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, cho biết gia đình đang nuôi hơn 3.000 con vịt, 6 con trâu và 8 con heo. Thời tiết hiện tại quá nóng nên đàn vật nuôi dễ phát sinh bệnh, làm hiệu quả chăn nuôi thấp. Đoán trước được vấn đề này nên ngay từ khi bắt đầu mùa nắng, ông đã chủ động thực hiện các giải pháp chống nóng cho đàn gia súc như thường xuyên tắm cho đàn heo và trâu để giảm nhiệt độ trong chuồng nuôi và làm mát cho cơ thể chúng. Đối với vịt thì thường xuyên vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ để tránh nhiễm bệnh, làm hao tổn số lượng đàn vịt.
Ông Nghiêm cho biết thêm: “Để đàn vật nuôi được phát triển tốt trong mùa này, gia đình tôi ưu tiên đảm bảo vấn đề ăn uống và tăng cường cung cấp nước nhiều hơn so với trước đây, cũng như thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như vệ sinh tiêu độc chuồng trại và các dụng cụ chăn nuôi, tiêm đầy đủ các loại vắc-xin để tăng khả năng miễn dịch, phun thuốc sát trùng để diệt những tác nhân truyền và gây bệnh, đồng thời theo dõi, phát hiện sớm nếu có dấu hiệu bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời, tránh lây lan ra diện rộng. Với nhiều biện pháp như vậy thì tôi tin rằng đàn vật nuôi sẽ phát triển tốt và đem lại hiệu quả kinh tế cao, dù là trong mùa nắng như hiện nay”.
Gà, vịt cũng là những loại vật nuôi dễ bị tác động do nắng nóng. Anh Ngô Văn Biểu, ở ấp Phú Lễ, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, cho biết: “Gia đình đang nuôi gần 6.000 con gà. Nắng nóng kéo dài đã làm giảm sức đề kháng của đàn gà, dễ phát sinh các bệnh truyền nhiễm. Do đó, trong những ngày nắng gắt, tôi đã chủ động bổ sung vitamin C vào chế độ dinh dưỡng giúp đàn gà giải nhiệt và tăng sức đề kháng. Thường xuyên kiểm tra và vệ sinh chuồng trại để tạo môi trường sạch, thông thoáng nhằm giảm nhiệt độ trong chuồng”.
Còn riêng đối với các hộ chăn nuôi thủy sản là chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ đợt nắng nóng kéo dài hiện nay. Ông Trần Văn Thương, nuôi tôm trên đất lúa tại ấp 6, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Mấy năm trước dù có nước mặn vào mùa hè thì cũng không đến mức nắng gắt như hiện nay. Nắng nóng kéo dài làm lượng nước bốc hơi nhanh, trong khi tôm có sức đề kháng kém, nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, đặc biệt là thời tiết, dễ phát sinh dịch bệnh. Mùa này nuôi tôm là phải theo sát khu nuôi, kiểm tra sức ăn của tôm, kiểm tra tôm định kỳ để khi có phát sinh các yếu tố bất lợi phải xử lý ngay”.
Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh, cho rằng: Trong thời điểm hiện nay, trước tình hình nắng nóng kéo dài, nhiệt độ môi trường rất cao có thời điểm đạt 400C, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe vật nuôi, làm sức đề kháng vật nuôi suy giảm, năng suất sản xuất ảnh hưởng rất nhiều. Đối với chăn nuôi gia cầm đẻ trứng, nhất là đàn vịt chạy đồng phải chịu tác động rất lớn, sản lượng trứng sụt giảm, gia cầm bị suy kiệt do phải di chuyển, thiếu nguồn nước do nguy cơ xâm nhập mặn, khả năng sẽ bị thua lỗ, thất thoát cao. Còn đối với chăn nuôi gia súc, nhất là chăn nuôi heo sẽ gặp bất lợi rất lớn, heo kém ăn do nắng nóng, bị stress nhiệt, heo nái dễ bị rối loạn sinh sản, chậm lên giống, khó đậu thai, sảy thai, heo con sinh ra còi cọc do heo mẹ ăn uống kém… Đối với heo đực giống năng suất tinh giảm, chất lượng tinh không đảm bảo, heo bị rối loạn sinh tinh, hoạt lực tinh trùng heo bị yếu…
Từ thực trạng trên, Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh khuyến cáo một số giải pháp hướng dẫn người chăn nuôi heo trên địa bàn là làm ổn định nhiệt độ, giảm nóng cho chuồng nuôi như: làm thông thoáng, vệ sinh sạch sẽ trong và ngoài khu vực chuồng nuôi; lắp đặt thêm một số quạt thông gió ở trong chuồng nuôi tạo thông thoáng và thay đổi không khí trong khu vực chuồng; làm hệ thống phun sương xung quanh chuồng tạo nhiệt độ ổn định cho chuồng nuôi. Mật độ thả nuôi cần phù hợp, nuôi thưa giúp cho heo sinh trưởng và phát triển tốt. Che thêm lưới cách nhiệt ở các hướng có nắng chiếu trực tiếp vào chuồng. Khẩu phần ăn cần bổ sung nhiều rau xanh để heo được tiêu hoá tốt hơn và giúp heo tăng sức đề kháng. Cung cấp đầy đủ nước uống và có thể bổ sung vitamin C vào trong nước cho vật nuôi uống hàng ngày. Lưu ý khi vận chuyển, di chuyển đàn gia cầm nên chọn thời điểm nhiệt độ thấp như sáng sớm hay buổi chiều tối, cung cấp chất điện giải, bù nước cho vật nuôi kịp thời để đàn vật nuôi được phát triển tốt nhất, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Theo ngành chức năng thì tình hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nói chung đến thời điểm hiện tại duy trì ổn định. Tổng đàn trâu, bò là 5.409 con. Trong đó, đàn trâu có 1.226 con, bằng 93,23% so với cùng kỳ; đàn bò có 4.183 con, bằng 109,02% so với cùng kỳ. Trong khi đó, đàn heo của tỉnh có khoảng 145.784 con, bằng 101,22% so với cùng kỳ; đàn gia cầm có 4.493.250 con, bằng 102,92 % so với cùng kỳ. Trong đó, đàn gà chiếm 1.850.380 con.
Bài, ảnh: MAI THANH
Thừa Thiên Huế: Ứng phó nắng nóng cho gia súc, gia cầm
Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế, hiện, sở đang triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống nắng nóng và dịch bệnh cho đàn gia sức gia cầm (GSGC) đến tận các địa phương, hộ chăn nuôi. Đáng chú ý là các biện pháp, kỹ thuật chữa cảm nắng, cảm nóng cho GSGC và đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Nuôi nhốt chuồng, kết hợp tăng cường thức ăn xanh
Tại các trang trại vùng rú cát Quảng Điền, Phú Vang hay vùng núi Nam Đông, A Lưới... chủ trang trại đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho đàn GSGC. Ngoài sửa chữa chuồng trại, mở toang tất cả các cửa chuồng, nhiều chủ trang trại còn tắm mát thường xuyên, những lúc nóng cao điểm còn gắn thêm quạt điện cho đàn vật nuôi.
Ông Nguyễn Thuận, chủ trang trại trên rú cát Quảng Điền bảo, nắng nóng gay gắt có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn lợn, gà. Khi sức khỏe giảm, không ổn định thì đàn GSGC có khả năng xảy ra dịch bệnh, chết. Chuồng trại lợn, gà của ông Thuận luôn dự trữ đầy đủ nguồn thức ăn dinh dưỡng như cám, bột ngô, các loại thức ăn chất lượng, vitamin… Ông Thuận sẵn sàng trích kinh phí để mua thêm quạt điện dự phòng làm mát cho đàn lợn, gà khi nắng nóng gay gắt.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, ông Phan Văn Lự thông tin, từ đầu mùa nắng nóng đến nay, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp ứng phó nắng nóng cho đàn GSGC. Trong đó, lưu ý các hộ chăn nuôi luôn cảnh giác, không chủ quan lơ là với nắng nóng, cảnh báo nguy cơ GSGC ốm chết, dịch bệnh bất cứ lúc nào. Từ đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, triển khai các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho đàn GSGC một cách bài bản, theo quy định.
Thời điểm nắng nóng gay gắt, các hộ nuôi lùa đàn trâu, bò về chuồng, hoặc những nơi có bóng mát tránh nắng, kèm theo dự trữ nguồn thức ăn xanh, giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp huyện Quảng Điền vẫn không chủ quan, lơ là mà luôn chủ động, tích cực kiểm tra, bám cơ sở để giúp dân triển khai các biện pháp ứng phó với nắng nóng. Mục tiêu không để thiệt hại đến đàn vật nuôi do nắng nóng gay ra.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình hình thời tiết nắng nóng đã và đang diễn biến phức tạp có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sản xuất chăn nuôi. Thời gian tới, thời tiết tiếp tục có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39-420C, có nơi trên 420C, độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 30-40%. Đây là điều kiện bất lợi làm giảm sức đề kháng cho vật nuôi và có thể bị chết do cảm nắng, cảm nóng, gây thiệt hại về kinh tế cho sản xuất chăn nuôi.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu tháng 5, sở đã triển khai các biện pháp phòng, chống nắng nóng và dịch bệnh cho đàn GSGC đến tận các địa phương, hộ chăn nuôi. Đáng chú ý là các biện pháp, kỹ thuật chữa cảm nắng, cảm nóng cho GSGC và đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phân công cán bộ kiểm tra, hướng dẫn chủ hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, tiêm vắc-xin bổ sung cho đàn GSGC mới, hoặc chưa được tiêm trong vụ xuân. Các địa phương, hộ nuôi chủ động triển khai vệ sinh, tiêu độc khử trùng định kỳ hàng tháng, trong đó tăng cường thực hiện tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, nơi chôn hủy động vật mắc bệnh và những nơi có nguy cơ dịch bệnh cao.
Cán bộ thú y tổ chức kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, đặc biệt chú ý đối với các bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trâu, bò và cúm gia cầm để chủ động phát hiện và xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.
Trong điều kiện nắng nóng gay gắt như hiện nay, ngành chăn nuôi - thú y đang tích cực tổ chức hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi GSGC áp dụng biện pháp làm mát khu vực chăn nuôi, chuồng trại được sửa chữa, xây dựng cao thoáng, sạch sẽ, che hướng nắng. Khi nhiệt độ cao trên 36oC phải có quạt mát, hoặc phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt, kết hợp giảm mật độ nuôi.
Các hộ nuôi phải chế biến, dự trữ thức ăn để cho ăn bổ sung, tăng cường khẩu phần thức ăn xanh và các loại thức ăn giàu vitamin, giàu đạm. Trong khi đó, cần giảm tinh bột, mỡ, đường, áp dụng khẩu phần ăn làm giảm tăng nhiệt cơ thể cho vật nuôi. Tại chuồng nuôi luôn cung cấp đủ nước sạch, mát có bổ sung chất điện giải và bổ sung các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C cho GSGC uống để tăng sức đề kháng và giải nhiệt.
Đối với các trang trại, cơ sở nuôi quy mô lớn phải lắp các thiết bị van nước tự động để luôn cấp đủ nước sạch cho GSGC uống nếu có điều kiện. Đối với trâu, bò, dê nên chăn thả vào buổi sáng từ 6-9 giờ sáng, buổi chiều chăn thả muộn từ 16-18 giờ chiều. Những ngày nắng nóng, thời điểm nhiệt độ thường cao nhất là từ 12 giờ đến 16 giờ trong ngày thì không chăn thả và cho trâu, bò nghỉ làm việc, mà phải nhốt tại chuồng, hoặc tại các khu vực có bóng mát, cây xanh và có nước uống sạch…
Bài, ảnh: Thế Sửu
Trung tâm giống đà điểu lớn nhất nước
Nguồn tin: Báo Khánh Hòa
Hơn 20 năm hình thành và phát triển, Trung tâm Giống đà điểu Khatoco Ninh Hòa (thôn Đại Cát, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa) đã trở thành trung tâm nuôi đà điểu lớn nhất nước cả về quy mô, chất lượng đàn đà điểu. Không chỉ đóng góp vào sự đa dạng ngành hàng nông sản địa phương, trung tâm còn là nơi cung cấp giống đà điểu uy tín cho người nuôi.
Cung cấp con giống chất lượng
Đà điểu là loài chim lớn nhất thế giới với chiều cao lên đến gần 3m. Đây là giống chim hoang dã có nguồn gốc từ châu Phi, nay đã được thuần hóa, thích nghi với khí hậu tại Việt Nam, được chăn nuôi rộng rãi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại Việt Nam, Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) là đơn vị tiên phong trong phát triển ngành chăn nuôi đà điểu với 2 trung tâm lớn tại thị xã Ninh Hòa và tỉnh Quảng Nam. Trong đó, Trung tâm Giống đà điểu Khatoco Ninh Hòa với hơn 20 năm hình thành và phát triển là cơ sở nuôi đà điểu, cung cấp con giống lớn nhất nước hiện nay.
Chuẩn bị thức ăn cho đà điểu.
Theo ông Huỳnh Trung Sơn - Giám đốc Trung tâm Giống đà điểu Khatoco Ninh Hòa, trung tâm có tổng diện tích 122ha; quy mô tổng đàn đà điểu có hơn 600 con đà điểu sinh sản, 3.500 con đà điểu thương phẩm; hàng năm cung cấp ra thị trường hơn 3.000 con giống, 170 tấn thịt và hơn 3.000 tấm da đà điểu cho ngành thuộc da. Trung tâm có hệ thống chuồng trại, nhà xưởng được xây dựng đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, nguồn nước, thức ăn, nước thải được kiểm soát chặt chẽ và đáp ứng các điều kiện theo quy định. Hệ thống chuồng trại của trung tâm rộng, được đầu tư hiện đại, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về chăn nuôi và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trung tâm có mô hình sản xuất khép kín, từ khâu cho sinh sản, ấp nở trứng, nuôi đà điểu thương phẩm, chăm sóc thú y... Những quả trứng ấp nở có trọng lượng từ 1,2 đến 2,2kg, sau khoảng 42 ngày đưa vào lò ấp trứng sẽ nở. Đà điểu con được chăm sóc đặc biệt, lúc còn nhỏ được nuôi trong nhà có mái che, sau đó mới đưa ra sân để làm quen với ánh nắng mặt trời và môi trường xung quanh. Quá trình nuôi dưỡng này kéo dài khoảng 3 tháng trước khi chúng được chuyển đến khu vực chuồng rộng hơn. Hiện nay, Trung tâm Giống đà điểu Khatoco Ninh Hòa là nơi cung cấp đà điểu con từ 7 ngày tuổi đến 2 - 3 tháng tuổi cho các cơ sở nuôi, với tổng số lên đến hơn 3.000 con/năm.
Phát triển đa dạng sản phẩm
Bên cạnh cung cấp con giống chất lượng phục vụ nhu cầu nuôi đà điểu thương phẩm trong cả nước, Khatoco còn phát triển đa dạng các sản phẩm từ đà điểu. Hầu hết các bộ phận của đà điểu đều có giá trị: Da đà điểu được giới chuyên gia đánh giá là loại da dẻo dai nhất trên thế giới, độ bền cao gấp 5 lần da bò bình thường, được dùng để sản xuất các sản phẩm thời trang da cao cấp; vỏ trứng, lông, móng vuốt đà điểu được dùng để chế tác thành đồ thủ công mỹ nghệ.
Đặc biệt, khi nói đến giá trị từ đà điểu phải kể đến thịt. Thịt của loài chim to nhất thế giới được mệnh danh là “nguồn thịt sạch thế kỷ XXI”. Đà điểu vốn dĩ có sức chống chịu bệnh tật cao, trong quá trình chăn nuôi hoàn toàn không phải sử dụng kháng sinh. Chế độ ăn uống của loài chim này giàu chất xơ, chủ yếu là rau, cỏ. Ngoài ra, theo báo cáo phân tích hàm lượng dinh dưỡng các loại thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Mỹ, thịt đà điểu ít mỡ, có hàm lượng protein tương đương với thịt bò, hàm lượng cholesterol thấp hơn nhiều so với thịt heo, thịt bò, thịt gà, giúp giảm các nguy cơ về bệnh tim mạch, thừa cân, béo phì… Bên cạnh đó, thịt đà điểu còn giàu chất sắt, rất có ích cho phụ nữ mang thai, người thiếu máu, phù hợp với người cao tuổi, giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh mãn tính, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
Theo ông Huỳnh Trung Sơn, tận dụng thế chủ động trong quy trình chăn nuôi khép kín từ khâu nhân giống - chăn nuôi - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, Khatoco đã đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm thịt đà điểu. Sản phẩm thịt đà điểu Khatoco được cấp chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000:2005. Sản phẩm thịt đùi và thịt fillet đà điểu Khatoco được Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VICOPRO) chứng nhận là sản phẩm đạt Top 50 “Hàng hóa, dịch vụ người tiêu dùng tin cậy”.
Hiện nay, sản phẩm thịt đà điểu Khatoco đã có mặt tại hệ thống các siêu thị: Co.opmart, Lotte Mart, Go!, Mega Market… và đại lý phân phối trên toàn quốc. Người tiêu dùng có thể yên tâm lựa chọn sản phẩm thịt đà điểu chất lượng cho bữa ăn ngon của gia đình.
Trung tâm Giống đà điểu Khatoco Ninh Hòa
Địa chỉ: Thôn Đại Cát, xã Ninh Phụng, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa
Điện thoại: 0258.3613525
HẢI LĂNG
Yến sào xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Pháp
Nguồn tin: Báo Chính Phủ
Lô hàng tổ yến sào và các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vừa được thông quan 100% vào Pháp, đạt chuẩn chất lượng kiểm định nghiêm ngặt của thị trường châu Âu.
Việt Nam đang có nhiều cơ sở để hình thành một ngành công nghiệp về yến - Ảnh minh họa
Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay cả nước có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến với trên 22 nghìn nhà yến. Sản lượng tổ yến của Việt Nam khoảng 150 tấn. Liên tiếp từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh các đơn hàng xuất khẩu, cũng như tăng cường liên kết, đầu tư với người dân để phát triển đàn chim yến.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam nhìn nhận: "Phải coi yến là một vật nuôi, tuân thủ theo các quy định trong Luật Chăn nuôi. Nuôi ở đây không phải là nuôi trồng mà là khai thác có kiểm soát thì chúng ta mới có thể duy trì, phát triển được. Hệ thống các nhà yến phải có đủ điều kiện, sản phẩm yến phải được tiêu chuẩn hóa và quy chuẩn hóa. Chúng ta phải làm theo được như vậy thì mới khẳng định được thương hiệu quốc gia về yến của Việt Nam".
Việt Nam đã xếp yến sào là một trong những sản phẩm chăn nuôi đặc biệt. Hơn 10 năm qua, Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách thúc đẩy sự phát triển của ngành yến và mục tiêu đạt tỷ USD là không quá xa.
Sắp tới, ngoài những doanh nghiệp được xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn còn tập huấn kỹ thuật cho người nuôi để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, đáp ứng các tiêu chí cao của thị trường. Với lợi thế có 42/63 tỉnh thành có chim yến, cộng thêm điều kiện tự nhiên thuận lợi, Việt Nam đang có nhiều cơ sở để hình thành một ngành công nghiệp về yến.
Tiếp nối thành công xuất khẩu tổ yến sào sang thị trường Trung Quốc vào cuối năm 2023, công ty Hải Yến Nha Trang vừa có lô hàng đầu tiên đặt chân đến thị trường Pháp vào cuối tháng 4/2024. Đây cũng chính là lô hàng yến sào đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Pháp.
Lô hàng xuất khẩu chính ngạch bao gồm: Tổ yến sào Nha Trang; Yến Hũ Dinh Dưỡng và Cà phê Yến Sào Nha Trang. 100% sản phẩm được thông quan, đạt chuẩn các chất lượng kiểm định nghiêm ngặt của Pháp nói riêng và thị trường châu Âu nói chung.
Bà Trần Thanh Hải, Giám đốc công ty Hải Yến Nha Trang chia sẻ: "Chúng tôi đã có thời gian làm việc khá dài để cùng các cơ quan chức năng của Pháp tạo nên bộ khung kiểm định cho các sản phẩm yến sào từ những công đoạn đầu tiên cho đến khi hàng hóa sang Pháp và được kiểm định thành phẩm".
Sau khi thông quan, các sản phẩm của công ty Hải Yến Nha Trang đã có mặt tại Hội chợ Quốc tế "Foire de Paris", vừa được tổ chức tại Paris từ ngày 27/4 đến 8/5/2024. Đây là một trong những hội chợ có quy mô lớn ở châu Âu.
Đỗ Hương
Hiếu Giang tổng hợp