Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 13 tháng 5 năm 2025

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 13 tháng 5 năm 2025

 

Xây dựng vùng chuyên canh, trọng điểm sản xuất lúa hàng hóa

Kiên Giang là một trong những tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nền nông nghiệp mạnh của cả nước, nhất là về trồng lúa.

Mô hình thí điểm “Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL" tại HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Thuận (Hòn Đất, Kiên Giang) ước đạt hơn 9 tấn/ha. Ảnh tư liệu: Văn Sĩ/TTXVN

Mặc dù trải qua những bước thăng trầm, nhưng cây lúa trên đồng đất Kiên Giang đã giúp cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kiên Giang đang hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và hội nhập.

Nâng cao chất lượng cây lúa trên đồng đất

Trong những năm gần đây, sản xuất lúa tiếp tục là ngành kinh tế trụ cột của tỉnh, đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế nông thôn. Tỉnh duy trì diện tích gieo trồng lúa ở mức ổn định và nằm trong Top các địa phương có sản lượng cao nhất cả nước. Diện tích gieo trồng lúa khoảng 710.000 - 725.000 ha/năm, tập trung tại các huyện thuộc tiểu vùng Tứ Giác Long Xuyên (Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành), tiểu vùng Tây Sông Hậu (Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành) và tiểu vùng U Minh Thượng, với tổng sản lượng lúa hàng năm đạt trên 4,4 triệu tấn.

Năm 2025, kế hoạch trồng lúa của tỉnh tăng diện tích lên 734.180 ha, với mục tiêu sản lượng hơn 4,7 triệu tấn; trong đó, lúa chất lượng cao chiếm 95% diện tích gieo trồng. Ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang cho biết: Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh xây dựng các vùng chuyên canh, vùng trọng điểm sản xuất lúa hàng hóa và lộ trình thực hiện theo ngành hàng chủ lực của tỉnh; tăng cường quản lý vùng trồng để xuất khẩu và mở rộng thị trường nông sản.

Thời gian qua, nông dân Kiên Giang chú trọng chọn giống lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu để gieo trồng và tỷ lệ trồng lúa chất lượng cao ngày càng tăng trên đồng ruộng. Năm 2024, gieo trồng lúa có chất lượng gạo cao đạt 93,46%, riêng vụ lúa Đông xuân 2024 - 2025, đạt 98,45% diện tích gieo trồng.

Các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25, Đài Thơm 8, OM5451, RVT, VNR20... được nông dân ưa chuộng, nhân rộng gieo trồng. Phần lớn nông dân trồng lúa trong tỉnh áp dụng quy trình “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, sử dụng máy bay không người lái (drone) để phun phân, thuốc bảo vệ thực vật giúp giảm chi phí đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện môi trường sống…

Ông Nguyễn Hồng Phương - Giám đốc Hợp tác xã Đường Gỗ Lộ, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) chia sẻ: “So với trước đây thì trồng lúa hiện nay gần như cơ giới hóa đồng bộ, không còn “con trâu đi trước cái cày theo sau” trong khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch… đều bằng sức người, rất cực khổ nhưng lợi nhuận thấp. Hiện nay, trồng lúa hiện đại, phương tiện máy móc làm thay người, nông dân được hướng dẫn kỹ thuật tiên tiến ứng dụng vào đồng ruộng để tăng năng suất, sản lượng; chọn giống xác nhận, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu gieo trồng để tăng giá trị, sức cạnh tranh lúa hàng hóa”.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang, tỉnh triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất lúa tiên tiến, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Năm 2024, có 27.087 ha sản xuất lúa đạt chuẩn SRP, hữu cơ, GloabalGAP, VietGAP, kiểm soát dư lượng, đang thời kỳ chuyển đổi sản xuất hữu cơ phục vụ xuất khẩu sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật Bản. Riêng vụ Đông Xuân 2024 - 2025, có hơn 58.610 ha sản xuất liên kết được các công ty tiêu thụ theo hình thức quản lý dư lượng MRL (Maximum Residue Level) xuất sang thị trường EU, Nhật, lúa hữu cơ với giá cao hơn 200 - 400 đồng/kg so với sản xuất lúa bình thường.

Tiếp đến, Kiên Giang đã phát triển hơn 105.000 ha theo mô hình sản xuất lúa - tôm, giúp nông dân vừa nuôi tôm vừa trồng lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao và cải thiện môi trường sinh thái. Sản xuất mô hình này, nhiều nông dân ở huyện An Minh (Kiên Giang) chia sẻ, có thể thu hoạch 400 - 500 kg tôm/ha và 5 - 6 tấn lúa/ha, lợi nhuận 300 - 400 triệu đồng/năm.

Tôm nuôi trong ruộng lúa chủ yếu sử dụng thức ăn tự nhiên, giúp giảm chi phí thức ăn và hạn chế dịch bệnh; lúa trồng không cần phân bón và thuốc trừ sâu, tạo ra sản phẩm sạch. Do sản phẩm tôm - lúa đạt tiêu chuẩn sạch, giá bán ổn định ở mức cao. Sản xuất lúa - tôm giúp cải tạo đất, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, Kiên Giang tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh triển khai mô hình thí điểm ngay từ đầu năm 2024, từ 2 mô hình thí điểm ban đầu, qua 1 năm thực hiện đến nay đã phát triển và hình thành 10 mô hình, với tổng diện tích 511 ha, các điểm thực hiện áp dụng tốt quy trình canh tác theo phương pháp gieo sạ hiện đại như: sạ hàng, sạ cụm, sạ máy bay (drone) được áp dụng để tiết kiệm giống, phân bón và nước tưới. Tổng diện tích các địa phương thực hiện đề án 1 triệu ha hơn 78.254 ha tại 12 huyện, thành phố sản xuất lúa, đạt 78% kế hoạch năm 2025 là 100.000 ha, mục tiêu đến năm 2030 đạt 200.000 ha.

Thách thức với cây lúa

Nông dân thu hoạch lúa Hè Thu ở xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Ảnh tư liệu: Lê Huy Hải/TTXVN

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận với sản lượng lúa ổn định, quy mô lớn. Tỉnh duy trì diện tích gieo trồng lúa hàng năm khoảng 710.000 - 725.000 ha, sản lượng lúa trên 4,4 triệu tấn/năm, đưa Kiên Giang trở thành một trong những địa phương có sản lượng lúa lớn nhất cả nước; tăng diện tích lúa chất lượng cao hàng năm, ướng đến xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu gắn với chuỗi giá trị.

Ngành nông nghiệp Kiên Giang đẩy mạnh các mô hình sản xuất hiệu quả như lúa - tôm, cánh đồng lớn, sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị; nhiều mô hình mang lại hiệu quả vượt trội, thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, tăng cường cơ giới hóa và ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong khâu làm đất, gieo sạ, thu hoạch ngày càng phổ biến và nông dân đã tiếp cận, áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong quản lý dịch hại, sử dụng phân bón hợp lý, tiết kiệm nước...

Cạnh đó, tỉnh đã hình thành nhiều hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới, hợp tác với các doanh nghiệp để tổ chức sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân ổn định đầu ra, nâng cao giá trị nông sản. Nhờ tăng năng suất, chất lượng và giá bán, đời sống của nông dân trồng lúa từng bước được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên khá giả nhờ sản xuất lúa hiệu quả. Đây là nền tảng để tỉnh tiếp tục định hướng phát triển lúa gạo bền vững, chất lượng, hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang, ngành nông tỉnh đối mặt với một số thách thức lớn, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường. Tỉnh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt… gây khó khăn trong điều tiết mùa vụ, ảnh hưởng đến sản xuất lúa.

Ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang nêu, xâm nhập mặn gia tăng, nhất là xâm nhập mặn ở các vùng ven biển và nội đồng ngày càng sâu rộng, nghiêm trọng, đặc biệt trong mùa khô, ảnh hưởng trực tiếp đến các khu vực trồng lúa và cây ăn trái.

Việc điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện mặn đang là một thách thức lớn. Canh tác lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu làm gia tăng rủi ro về thoái hóa đất, ô nhiễm môi trường và mất độ màu mỡ đất, cần có các giải pháp bảo vệ và cải tạo đất bền vững, đặc biệt đối với các vùng đất trồng lúa chuyên canh.

Ngoài ra, giá lúa gạo có sự biến động lớn trên thị trường, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Mặc dù sản lượng lúa đạt cao, nhưng giá bán không ổn định khiến cho người nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm và nâng cao thu nhập. Dù có sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm, nhưng vẫn còn thiếu sự liên kết chặt chẽ và bền vững giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo. Điều này dẫn đến tình trạng sản phẩm không được bao tiêu ổn định, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.

Lê Huy Hải (TTXVN)

 

Tối ưu hóa quy trình sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, ngành Nông nghiệp của tỉnh đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Việc ứng dụng máy móc và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ngày càng phổ biến, giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm đáng kể chi phí, thời gian và công sức lao động. Từ đó không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nông nghiệp bền vững.

Là một trong những hộ chăn nuôi gà đẻ quy mô lớn tại xã Thanh Vân (Tam Dương), từ năm 2017, anh Nguyễn Văn Thiều đã đầu tư chuồng trại và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đến nay, trang trại của anh Thiều có 6 chuồng nuôi hiện đại, trong đó có 4 chuồng bán tự động và 2 chuồng tự động hóa hoàn toàn, bao gồm các khâu cho ăn, cung cấp nước, điều hòa nhiệt độ và làm mát với mức đầu tư lên tới hàng tỷ đồng cho mỗi chuồng.

Việc tối ưu hóa quy trình sản xuất đã làm thay đổi đáng kể cơ cấu lao động tại trang trại. Hiện tại, với quy mô duy trì thường xuyên 7 đến 8 vạn con gà, anh Thiều chỉ cần 6 - 7 lao động để vận hành toàn bộ hệ thống, giảm gần một nửa so với hình thức chăn nuôi truyền thống.

Anh Thiều cho biết: “Giờ đây, một công nhân có thể quản lý 10.000 con gà với chuồng tự động, và khoảng 7.000 - 8.000 con đối với chuồng bán tự động”.

Không chỉ tiết kiệm chi phí nhân công, mô hình chăn nuôi hiện đại còn giúp kiểm soát tốt các yếu tố môi trường trong chuồng trại, hạn chế dịch bệnh, nâng cao tỷ lệ đẻ trứng đạt trên 90% và kéo dài thời gian khai thác trứng lên tới 24 tháng (vượt trội so với phương thức chăn nuôi truyền thống vốn chỉ đạt 12 - 18 tháng).

Bên cạnh đó, việc sử dụng chuồng kín kết hợp với phương pháp nuôi gà trên lồng còn giúp anh tối ưu hóa mặt bằng, tăng quy mô đàn trên cùng một đơn vị diện tích.

Anh Nguyễn Đắc Thành, xã Xuân Hòa (huyện Lập Thạch) đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật ngay từ khi bắt tay vào xây dựng mô hình trồng thanh long với diện tích 4ha.

Với sự hỗ trợ của tỉnh, hiện anh đã đưa vào vận hành hệ thống tưới nước và bón phân tự động, cùng hệ thống IoT giám sát và dự báo khí hậu nông nghiệp phục vụ canh tác. Hệ thống này được kết nối với máy tính và điện thoại thông minh, cho phép theo dõi độ ẩm, nhiệt độ, dinh dưỡng đất... từ đó, anh Thành có thể kịp thời nắm bắt tình hình sinh trưởng của cây trồng, điều chỉnh chế độ tưới tiêu, bón phân phù hợp.

Việc áp dụng công nghệ số và tối ưu hóa quy trình sản xuất đã giúp anh Thành giảm tới 30% nhân công cho khâu tưới tiêu và bón phân; tiết kiệm 30 - 40% lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng nước, giảm chi phí đầu vào và tăng năng suất.

HTX Nông sản Tam Dương (thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương) ứng dụng công nghệ 4.0 trồng dưa lưới trong nhà màng cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thế Hùng

Thực tế cho thấy, việc tối ưu hóa quy trình sản xuất thông qua ứng dụng máy móc và công nghệ không chỉ giúp giảm chi phí, sức lao động mà còn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Đây là hướng đi tất yếu trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang đối mặt với nhiều thách thức như biến đổi khí hậu, thiếu hụt lao động nông thôn và yêu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đón bắt xu thế sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ, những năm qua, tỉnh đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch về phát triển nông nghiệp, cùng với đó là các chính sách hỗ trợ thiết thực về vốn, đào tạo kỹ thuật, khuyến khích doanh nghiệp và nông hộ liên kết sản xuất, hình thành vùng sản xuất tập trung, xây dựng mô hình mẫu…

Nhờ đó, cơ giới hóa được tăng cường áp dụng trong trồng trọt. Các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ được ứng dụng rộng rãi, đặc biệt trong lĩnh vực giống và quy trình canh tác như hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP)...

Trong chăn nuôi, các trang trại quy mô lớn cũng đã áp dụng công nghệ chuồng kín, sử dụng thức ăn công nghiệp, hệ thống máng ăn, uống tự động... qua đó góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Tuy nhiên, việc ứng dụng khoa học công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất nông nghiệp tại tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao còn ít, chủ yếu mới được triển khai ở một số khâu sản xuất, chưa mở rộng đến khâu chế biến và tiêu thụ.

Phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; tập quán và ý thức sản xuất của một bộ phận người dân còn tự phát, thiếu liên kết; nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho máy móc, công nghệ hiện đại vẫn cao, vượt quá khả năng của số đông bà con nông dân.

Tối ưu hóa quy trình sản xuất được xem là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Do đó, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, người dân cần thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, chủ động tiếp cận công nghệ mới, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Coi tối ưu hóa quy trình sản xuất không chỉ là giải pháp mà còn là cơ hội giúp nông nghiệp Vĩnh Phúc chuyển mình mạnh mẽ, từng bước hướng tới nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại và bền vững.

Nguyễn Hường

 

Khoa học công nghệ là then chốt phát triển nông nghiệp hiện đại

Đổi mới tư duy để khoa học công nghệ (KHCN) là then chốt trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh… là giải pháp trọng tâm của ngành nông nghiệp và môi trường hiện nay.

Đóng góp 30% vào giá trị gia tăng của lĩnh vực nông nghiệp

Hiện nay, không chỉ các viện, trường mà cả doanh nghiệp cũng đang tiếp nhận KHCN từ các nước rất nhanh chóng, giúp ngành nông nghiệp Việt Nam bắt nhịp và đáp ứng yêu cầu của thị trường khu vực và quốc tế.

Ứng dụng công nghệ cao trong xử lý và chế biến trứng gia cầm tại nhà máy của Công ty TNHH Ba Huân (huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Ảnh: Thu Phượng

Báo cáo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho thấy, KHCN đóng vai trò rất quan trọng trong nông nghiệp, là động lực chính để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, nếu lượng hóa có thể KHCN đóng góp khoảng 30% vào giá trị gia tăng của ngành. Minh chứng rõ nét có thể thấy ngay ở chương trình giống cây trồng, ứng dụng KHCN đã tạo ra bước đột phá lớn cho ngành lúa gạo.

Hiện nay, 85% giống lúa là giống mới, 89% là gạo chất lượng cao. Hiệu quả của giống chất lượng cao được thể hiện rõ trong giai đoạn giá lúa gạo giảm, nhưng gạo chất lượng cao vẫn duy trì giá tốt, ít bị ảnh hưởng. Khi giá lúa gạo tăng trở lại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, gạo chất lượng cao tăng 100-150 đồng/kg, trong khi gạo chất lượng thấp chỉ tăng 50-100 đồng/kg. Điều này khẳng định vai trò của KHCN trong sản xuất nông nghiệp. Như vậy ứng dụng KHCN trong phát triển giống đã giúp gia tăng giá trị khoảng 38%.

Cũng nhờ ứng dụng KHCN mà năng suất một số vật nuôi, cây trồng của Việt Nam đạt cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chẳng hạn, năng suất lúa cao nhất trong các nước ASEAN, gấp 1,5 lần Thái Lan; cà phê có năng suất đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Brazil; năng suất hồ tiêu đứng đầu thế giới, cao su đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Ấn Độ; cá tra với năng suất 500 tấn/ha, cao nhất thế giới...

Sản xuất rau mầm, rau baby tại Hợp tác xã Thanh Hà (huyện Thường Tín, Hà Nội). Ảnh: Quang Thái

KHCN đã được ứng dụng rộng khắp trên mọi lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi, thủy lợi đến phòng chống thiên tai. Đơn cử, việc áp dụng tiến bộ KHCN vào canh tác và tưới tiết kiệm đã giúp nhà sản xuất giảm 30 - 50% chi phí. Giống cây trồng thế hệ mới không chỉ tăng năng suất 10 - 15% mà còn giảm chi phí 20 - 30%. Trong lĩnh vực thủy lợi, các công trình tiêu biểu như: cống âu thuyền Ninh Quới và cống Cái Lớn – Cái Bé đã mang lại hiệu quả lớn, giúp kiểm soát mặn, giữ ngọt và hỗ trợ sản xuất. Với lâm nghiệp, sản lượng nguyên liệu gỗ đạt 33 triệu tấn như hiện nay cũng nhờ ứng dụng KHCN.

Đưa Nghị quyết 57-NQ/TƯ vào thực tiễn

Xác định phát triển KHCN là nhiệm vụ quan trọng tạo nền tảng, động lực cho phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đặt mục tiêu đến năm 2030, đóng góp của năng suất vào tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp ở mức hơn 50%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt hơn 40%...

Thời gian tới, cần thay đổi toàn diện cách đặt hàng, giao nhiệm vụ KHCN hàng năm. Trong đó, toàn ngành nông nghiệp và môi trường cần chú trọng nghiên cứu khoa học phải xuất phát từ yêu cầu sản xuất thực tiễn, cung cấp các giải pháp KHCN, các sản phẩm phục vụ sản xuất, thương mại hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, an toàn và giá trị của sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và chuyển giao công nghệ mới, mua công nghệ trong nước hoặc nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, trong năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực KHCN, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát triển tài nguyên số. Mới đây (ngày 9/5), Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Một trong những mục tiêu quan trọng trong lĩnh vực này là hoàn thiện hệ hệ thống Cổng truy xuất nguồn gốc nông sản, hướng tới việc áp dụng toàn quốc, góp phần nâng cao tính minh bạch trong ngành nông sản, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Song song đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chú trọng nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ quản lý cấp địa phương về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, sớm hoàn thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu lớn của ngành để hướng dẫn các địa phương xây dựng, tích hợp chung, cùng khai thác, phục vụ trong công tác quản lý.

Đáng ghi nhận, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TƯ, tại các địa phương đang tập trung chuyển đổi mô hình từ sản xuất truyền thống sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hướng tới nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường. Nhiều tỉnh, thành phố hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận các công nghệ mới, như: cảm biến giám sát độ ẩm, hệ thống tưới tự động, ứng dụng AI trong phân tích sâu bệnh, sử dụng dữ liệu vệ tinh và bản đồ số để dự báo sản lượng cây trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua mã QR, sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain)…

Ngọc Ánh

 

Nông dân, HTX ở vùng cao Vĩnh Phúc vào cuộc đua 'số hóa'

Ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử đã và đang mở ra một chương mới cho nông nghiệp vùng cao Vĩnh Phúc. Đặc biệt, những HTX tiêu biểu đang làm nòng cốt, đưa tri thức mới về với bản làng, giúp người dân tộc thiểu số thoát nghèo, làm giàu.

Vân Trục là một xã miền núi thuộc huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, từng được biết đến là một trong những khu vực nhiều khó khăn của tỉnh, với những thửa ruộng bậc thang trồng lúa manh mún, năng suất bấp bênh, theo đó hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân thấp.

“Lên đời” từ đồng đất dốc

Tuy nhiên, đến vài năm trở lại đây, diện mạo nông nghiệp xã Vân Trục đã thay đổi nhanh chóng khi địa phương thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả.

Theo đó, hàng loạt mô hình điểm sáng, mang lại giá trị kép về kinh tế và an toàn sinh thái ra đời trên địa bàn xã, điển hình như HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Vân Trục với mô hình nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao.

Ứng dụng sản xuất theo hướng khoa học giúp người dân tộc thiểu số miền núi ở Vĩnh Phúc tăng thu nhập.

Ông Lê Văn Hậu, Giám đốc HTX, cho hay: “Bắt đầu từ năm 2020, chúng tôi chuyển đổi 10 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau sạch, dược liệu và cây ăn quả theo quy trình hữu cơ. Nhờ ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, nhà màng thông minh, cùng phần mềm giám sát từ xa, chúng tôi không chỉ nâng cao năng suất mà còn kiểm soát được chất lượng sản phẩm”.

Không chỉ dừng ở sản xuất, HTX Vân Trục còn đi tiên phong trong việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Với sự hỗ trợ của ban ngành chức năng địa phương, cũng như Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc, các sản phẩm như rau hữu cơ, tinh bột nghệ, dược liệu của HTX đã có mặt trên các sàn Shopee, Postmart, Voso…

“Năm 2023, doanh thu của HTX đạt gần 6 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 50 lao động địa phương, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc Sán Dìu, Cao Lan. Đây là thành quả của sự mạnh dạn thay đổi và áp dụng công nghệ một cách bài bản”, ông Hậu tự hào chia sẻ.

Ở một hướng khác, HTX Dược liệu Tam Đảo (huyện Tam Đảo) lại chọn hướng đi đặc thù là phát triển cây dược liệu bản địa theo hướng bền vững, kết hợp với du lịch sinh thái.

Đến nay, các trang trại của HTX không chỉ là vùng trồng ba kích, sa nhân, đương quy… mà còn là điểm đến của du khách muốn tìm hiểu quy trình trồng dược liệu và chăm sóc sức khỏe tự nhiên.

Đa dạng các hướng đi

“Chúng tôi xây dựng mã QR truy xuất nguồn gốc cho từng loại dược liệu, liên kết với các đơn vị công nghệ để vận hành website bán hàng, tích hợp chatbot tư vấn tự động, đồng thời có fanpage và kênh TikTok giới thiệu sản phẩm bằng chính tiếng nói của người địa phương”, chị Lương Thị Hòa, Giám đốc HTX, cho biết.

Nhờ sự linh hoạt và nhạy bén trong công nghệ, HTX Dược liệu Tam Đảo đã ký kết được nhiều hợp đồng tiêu thụ lớn với doanh nghiệp dược trong và ngoài tỉnh. Doanh thu năm 2024 đạt hơn 8 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 70 lao động, trong đó có không ít phụ nữ dân tộc thiểu số trước đây phải rời quê đi làm thuê xa.

Không chỉ ở Tam Đảo hay Lập Thạch, phong trào chuyển đổi số trong nông nghiệp đang lan tỏa mạnh mẽ tại nhiều xã vùng cao có đông đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh như Sơn Định (Sông Lô), Ngọc Thanh (Phúc Yên), Yên Dương (Tam Đảo)…

Hàng loạt mô hình HTX đã mạnh dạn ứng dụng các phần mềm quản lý sản xuất, nhật ký điện tử, thậm chí tích hợp hệ thống cảnh báo sâu bệnh từ cảm biến đặt trên cánh đồng, qua đó tạo điểm tựa vững chắc cho thành viên, đặc biệt là thành viên người dân tộc thiểu số.

Việc tham gia vào các HTX, tổ hợp tác giúp người dân tộc thiểu số miền núi ở Vĩnh Phúc tăng nội lực, sức cạnh tranh.

Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 70 HTX nông nghiệp bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và kinh doanh. Nhiều HTX còn chủ động lập kênh YouTube, livestream bán hàng, tạo điều kiện cho sản phẩm địa phương tiếp cận người tiêu dùng rộng rãi hơn, kể cả xuất khẩu.

Câu chuyện của HTX Nông nghiệp Sản xuất và Thương mại Hòa Bình (xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo) là một ví dụ khác. Với gần 15 ha trồng hoa ly và hoa cúc, HTX đã xây dựng hệ thống bán hàng qua Zalo OA, website thương mại điện tử riêng, kết hợp với Google Ads để tiếp cận khách hàng tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

“Ngày trước, mình phải chở từng bó hoa xuống chợ đầu mối. Nay chỉ cần chụp ảnh, đăng lên fanpage hoặc gửi qua Zalo, khách đặt hàng là mình giao tận nơi. Công nghệ đã giúp tụi mình bớt phụ thuộc vào thương lái, tăng lợi nhuận rõ rệt”, đại diện HTX chia sẻ.

Hướng đến nông nghiệp bền vững

Có thể thấy, từ việc mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đến ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử, những HTX tiêu biểu đang trở thành “ngọn cờ đầu” dẫn dắt người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Vĩnh Phúc đi theo con đường nông nghiệp hiện đại và bền vững.

Điều đặc biệt trong quá trình phát triển nông nghiệp của đồng bào dân tộc miền núi Vĩnh Phúc là sự gắn kết giữa sản xuất với gìn giữ bản sắc văn hóa. Nhiều HTX đã tận dụng nét đẹp của đồng bào Sán Dìu, Cao Lan trong các lễ hội, trang phục, tri thức dân gian để xây dựng sản phẩm mang đậm bản sắc địa phương.

Những dấu ấn của các HTX trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi ở Vĩnh Phúc trong thời gian qua có đóng góp không nhỏ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc.

Cụ thể, Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý, kỹ năng lãnh đạo và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX. Đồng thời, các chương trình tập huấn về kỹ thuật sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học công nghệ mới trong nông nghiệp cũng được tổ chức thường xuyên, giúp các thành viên HTX nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm .

Nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ các HTX tại Vĩnh Phúc xây dựng nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới tiêu tự động. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ số trong quản lý và tiêu thụ sản phẩm cũng được khuyến khích, giúp các HTX nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm .

Cùng với đó, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức và hỗ trợ kinh phí cho các HTX tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ các HTX kết nối với các doanh nghiệp, siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ để tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị sản phẩm.

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc đang có 11 xã, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với 40 dân tộc thiểu số, gồm 59 nghìn người đang sinh sống tại 5 huyện, thành phố: Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên và Phúc Yên.

Cùng với những đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác, HTX, nhiều chủ trương, chính sách phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được ban hành trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được nâng lên.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm còn 0,98%; 11/11 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được công nhận và duy trì đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đoàn kết, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến là người dân tộc thiểu số ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền ghi nhận.

An Chi

 

Luân canh đậu nành - Giải pháp '3 trong 1' cho sản xuất nông nghiệp bền vững

Trong bối cảnh giá vật tư đầu vào tăng cao, đất đai ngày càng bạc màu do canh tác liên tục, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, mô hình luân canh đậu nành đang trở thành một hướng đi hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp bền vững. Giảm chi phí - tăng năng suất - cải tạo đất là ba lợi ích nổi bật mà cây đậu nành mang lại khi được đưa vào hệ thống luân canh...

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, cây đậu nành có khả năng cố định đạm sinh học nhờ cộng sinh với vi khuẩn Rhizobium ở nốt sần rễ, trung bình đạt 94 kg đạm/ha/vụ - tương đương 200 kg Urê - và trong điều kiện thuận lợi có thể đạt tới 168 kg đạm/ha. Nhờ đó, lượng phân bón hóa học sử dụng cho cả vụ đậu nành và cây trồng kế tiếp đều giảm rõ rệt - một trong những chi phí lớn nhất hiện nay đối với người nông dân.

GIẢI PHÁP CANH TÁC BỀN VỮNG GIỮA THÁCH THỨC NÔNG NGHIỆP HIỆN ĐẠI

Luân canh đậu nành với các cây trồng khác giúp giảm chi phí - tăng năng suất - cải tạo đất.

Không chỉ tiết kiệm phân bón, hệ rễ ăn sâu, lan rộng, có cấu trúc phân nhánh tốt của cây đậu nành còn giúp tận thu lượng dinh dưỡng còn sót lại ở tầng đất sâu như lân, kali - hạn chế thất thoát và rửa trôi ra môi trường. Đồng thời, sự tương tác giữa rễ cây và hệ vi sinh vật có lợi còn giúp cải thiện khả năng phân giải chất hữu cơ, chuyển hóa dưỡng chất thành dạng dễ hấp thu cho cây trồng sau.

Luân canh đậu nành với các cây trồng khác còn mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc cân bằng dinh dưỡng đất, cắt đứt vòng đời của mầm bệnh, sâu hại, từ đó giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều nông dân cho biết, sau mỗi vụ đậu nành, cây trồng tiếp theo ít sâu bệnh, ít cỏ dại, năng suất cao hơn và tiết kiệm khoảng 30% chi phí phân bón, đồng nghĩa việc giảm tác động bất lợi đến môi trường.

VINASOY ĐỒNG HÀNH CÙNG NÔNG DÂN KHÔI PHỤC GIÁ TRỊ CÂY ĐẬU NÀNH

Không chỉ nghiên cứu và sản xuất sản phẩm từ đậu nành, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy còn là đơn vị tiên phong thúc đẩy mô hình luân canh đậu nành tại các vùng nguyên liệu thông qua Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành (VSAC). Vinasoy đầu tư vào nghiên cứu giống, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cơ giới hóa và bao tiêu đầu ra - từng bước khôi phục và nâng cao giá trị cây đậu nành trong sản xuất nông nghiệp bền vững.

Tại huyện Cư Jút (Đắk Nông), mô hình luân canh đậu nành - đậu phộng/bắp - khoai lang đã mang lại những kết quả tích cực rõ rệt.

Theo số liệu theo dõi của HTX sản xuất đậu nành Nam Dong trong 3 năm từ 2022-2024, các hộ nông dân sản xuất theo mô hình này doanh thu trung bình đạt từ 250-400 triệu đồng/ha/năm. Mô hình luân canh 3 vụ tại đây cho hiệu quả kinh tế cao nhất và đang được bà con nông dân hướng đến. Vai trò chính của cây đậu nành ngoài cung cấp nguồn đạm tốt cho con người, còn giúp cải tạo đất và cắt nguồn sâu bệnh hại cho các vụ tiếp theo. Nhờ đó, giúp tăng năng suất cây trồng sau vụ đậu nành, tiết kiệm chi phí phân thuốc và cải thiện đáng kể chất lượng đất canh tác.

Nổi bật tại khu vực này là Hợp tác xã sản xuất đậu nành Nam Dong - mô hình tiêu biểu tại Tây Nguyên, đóng vai trò tổ chức sản xuất, phối hợp kiểm soát chất lượng, hỗ trợ nông dân tiếp cận chính sách nông nghiệp và hướng tới các chứng nhận IP, VietGAP nhằm nâng cao giá trị nông sản và đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc ngày càng khắt khe của thị trường. Đặc biệt, trong khuôn khổ hoạt động của Hợp tác xã, Câu lạc bộ Nông dân 3 tấn đã được thành lập, quy tụ các hộ nông dân đạt năng suất đậu nành trên 3 tấn/ha - thành quả từ việc áp dụng giống mới và kỹ thuật canh tác tiên tiến do Vinasoy chuyển giao.

Ông Phạm Văn Duẩn - thành viên HTX chia sẻ: “Trước đây canh tác tự phát, đất bạc màu, sâu bệnh nhiều, chi phí tăng. Từ khi đưa đậu nành vào luân canh, đất tơi xốp hơn, cây trồng vụ sau như đậu phộng phát triển tốt hơn hẳn, mà chi phí giảm rõ rệt.”

LAN TỎA MÔ HÌNH “2 LÚA - 1 ĐẬU”, GIẢI PHÁP XANH CHO ĐỒNG BẰNG

Không chỉ hiệu quả ở Tây Nguyên, mô hình luân canh đậu nành còn được triển khai tại đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Vĩnh Phúc) và đang thử nghiệm tại đồng bằng sông Cửu Long (Vĩnh Long, An Giang…) theo hướng “2 lúa - 1 đậu”. Cây đậu nành, với đặc tính là cây trồng cạn, được bố trí giữa hai vụ lúa (Luân canh khô – ướt), giúp tiết kiệm nước, giảm cỏ dại, ngắt mạch sâu bệnh hại cây lúa, đồng thời cải tạo đất, tăng chất hữu cơ và độ tơi xốp.

Ở Đồng bằng sông Hồng, việc luân canh đậu nành vào vụ Đông giúp tận dụng đất hiệu quả, giảm áp lực trồng lúa liên tục và cải thiện chất lượng đất. Thay vì đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường, bây giờ có thể dùng để phủ ruộng khi gieo đậu nành, giúp giữ ẩm, hạn chế cỏ dại và hỗ trợ cây phát triển. Sau mỗi vụ thu hoạch đậu nành, phần thân, lá và vỏ quả cùng với lượng rơm rạ còn lại trở thành phân hữu cơ, giúp cải tạo đất.

Mô hình luân canh đậu nành - lúa không chỉ tăng thu nhập mà còn góp phần phát triển nông nghiệp bền vững ở cả Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Lê Hoàng Duy, Giám đốc Trung tâm VSAC, khẳng định: “Chúng tôi tin rằng cây đậu nành có vai trò đặc biệt trong hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. Luân canh đậu nành không chỉ đơn thuần là giải pháp kỹ thuật canh tác nông nghiệp, mà còn là một phần trong chiến lược ESG dài hạn của Vinasoy - cùng bà con bảo vệ tài nguyên đất, nâng cao giá trị nông sản và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Thực tiễn cho thấy, mô hình luân canh có sự tham gia của cây đậu nành không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và giá trị cây trồng vụ sau. Đây chính là nền tảng để Vinasoy và bà con nông dân cùng hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, thân thiện với môi trường và bền vững trong tương lai.

Khánh Huyền

 

Ngành Nông nghiệp thích ứng linh hoạt với chính sách thuế quan

Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, với kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024 đạt 62,5 tỷ USD và trong quý I-2025 đạt gần 13 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, đằng sau những con số tăng trưởng tích cực này là vô vàn thách thức đang hiện hữu, như: Thị trường thế giới ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chi phí logistics leo thang, sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu. Đặc biệt, tình hình thương mại toàn cầu đang biến động mạnh do thay đổi chính sách thuế quan của một số quốc gia nên Việt Nam khó tránh khỏi nguy cơ bị ảnh hưởng về xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Thực tiễn này đặt ra câu hỏi làm thế nào để ngành Nông nghiệp Việt Nam thích ứng linh hoạt, bảo đảm sản xuất bền vững, tiêu thụ thông suốt và xuất khẩu hiệu quả trong môi trường kinh tế toàn cầu đầy bất định?

Để trả lời câu hỏi này, ngày 8-5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 59/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành và địa phương triển khai các giải pháp phù hợp để chủ động ứng phó; cung cấp thông tin kịp thời để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản có giải pháp thích ứng linh hoạt, hiệu quả với chính sách thuế quan của các nước nhập khẩu.

Trước tiên, cần nhìn nhận yếu tố then chốt để nâng cao “sức đề kháng” của ngành nông, lâm, thủy sản chính là tái cơ cấu sản xuất gắn với thị trường. Mô hình sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết phải dứt khoát chuyển sang sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ và tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn quốc tế. Chúng ta không thể kỳ vọng xuất khẩu bền vững nếu sản phẩm vẫn phụ thuộc vào tập quán canh tác truyền thống, thiếu kiểm soát dư lượng hóa chất hay vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Muốn vậy, vai trò "nhạc trưởng" của Nhà nước trong việc quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng hạ tầng logistics, trung tâm kiểm định chất lượng vùng và phát triển hệ thống cảnh báo sớm thị trường cần được phát huy mạnh mẽ. “Chìa khóa” quan trọng là củng cố hệ thống tiêu thụ nội địa - nền tảng bảo đảm tính ổn định trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn. Thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam cần được khai thác tốt hơn thông qua xây dựng chuỗi cung ứng nông sản nội địa, tăng cường kết nối giữa vùng sản xuất với hệ thống phân phối hiện đại, phát triển thương mại điện tử, đồng thời đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Về phía doanh nghiệp, không thể chậm trễ hơn trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh từ gia công sang giá trị gia tăng cao, xây dựng thương hiệu quốc gia cho từng nhóm sản phẩm chiến lược như gạo, cà phê, hồ tiêu, trái cây nhiệt đới, thủy sản… Để làm được điều này, doanh nghiệp cần chủ động đầu tư công nghệ chế biến sâu, phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế và quan trọng hơn cả là kiên trì chiến lược chinh phục thị trường bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Cũng không thể không nhắc đến vai trò của hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, như: CPTPP, EVFTA, RCEP… từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp. Việc am hiểu các cam kết, tận dụng ưu đãi thuế quan, cải cách thể chế trong nước để tương thích với chuẩn mực quốc tế là đòn bẩy quan trọng để hàng nông, lâm, thủy sản Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường cao cấp, cũng như tìm thị trường mới.

Trong dòng chảy đầy biến động của thương mại toàn cầu, chỉ những quốc gia có khả năng thích ứng nhanh, tư duy chiến lược và quyết tâm hành động mới giữ được vị thế và phát triển bền vững. Việt Nam có đủ tiềm năng, đủ nền tảng và cũng đã có những thành quả bước đầu để nâng tầm xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Song, để đi xa hơn, đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ và quyết liệt hơn từ tất cả các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp.

Đó không chỉ là bài toán kinh tế, mà còn là yêu cầu sống còn để nông nghiệp Việt Nam không đứng bên lề cuộc chơi toàn cầu hóa mới.

Hoàng Văn

 

Phát huy vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới

Với hơn 16.700 hội viên, Hội Nông dân huyện Đơn Dương đã và đang phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Bằng những công trình thiết thực, mô hình sáng tạo và tinh thần đoàn kết phát triển sản xuất, hội viên nông dân toàn huyện đã góp phần quan trọng đưa Đơn Dương tiến gần mục tiêu trở thành huyện NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh.

Cán bộ, hội viên nông dân huyện Đơn Dương chung sức xây dựng NTM từ các công trình ý nghĩa, thiết thực

Cuối tháng 4 vừa qua, tuyến đường chiếu sáng bằng đèn năng lượng mặt trời tại thôn Pró Trong (xã Quảng Lập) chính thức được đưa vào sử dụng. Ông Hoàng Ngọc Bảo Sơn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Lập cho biết: “Công trình dài 500 m, với 21 bóng đèn năng lượng mặt trời, tổng kinh phí gần 46 triệu đồng do Hội Nông dân huyện và hội viên các xã, thị trấn cùng người dân địa phương cùng nhau đóng góp”. Tuyến đường từ Nhà văn hóa thôn Pró Trong đến giáp thôn Pró Ngó vốn nằm trong khu dân cư đông đúc, phương tiện qua lại nhiều, nhưng trước đây không có hệ thống chiếu sáng công cộng, gây bất tiện và mất an toàn vào ban đêm. “Trước thực trạng đó, Hội Nông dân xã đã vận động hội viên và bà con trong thôn chung tay đóng góp kinh phí, công sức, cùng nhau hoàn thành tuyến đường chiếu sáng bằng đèn năng lượng mặt trời. Giờ đây, con đường đã được thắp sáng, việc đi lại thuận tiện, an toàn hơn. Bà con ai cũng vui mừng, phấn khởi”, ông Sơn chia sẻ.

Đây chỉ là một trong số nhiều công trình thiết thực mà các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Đơn Dương chung tay thực hiện, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết và vai trò tiên phong của hội viên trong xây dựng NTM. Chủ tịch Hội Nông dân huyện, ông K’Đim cho biết, chỉ tính riêng trong năm 2024, các cấp Hội đã vận động hội viên và người dân đóng góp hơn 5,8 tỷ đồng cùng gần 460 ngày công để sửa chữa, làm mới 20,8 km đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, hơn 1.300 ngày công cũng được huy động để nạo vét, tu sửa 57,5 km kênh mương nội đồng, góp phần cải thiện hệ thống thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Nhiều hội viên còn sẵn sàng hiến đất, đóng góp tiền, công sức để xây dựng các công trình giao thông, phúc lợi xã hội ở địa phương.

Ngoài ra, Hội còn triển khai hiệu quả nhiều mô hình dân vận khéo nhằm xây dựng môi trường sống văn minh, xanh - sạch - đẹp. Các phong trào thiết thực như “tuyến đường hoa”, “hàng cây xanh”, “tuyến đường không rác”, “chỉnh trang khuôn viên gia đình”, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật… đã được triển khai rộng khắp, thu hút đông đảo hội viên và người dân tham gia.

Đặc biệt, theo ông K’Đim, Mô hình “Đổi rác lấy quà tặng” được phát động tại xã Tu Tra đã tạo hiệu ứng tích cực, nhanh chóng lan tỏa sang các xã Đạ Ròn, Ka Đô, Lạc Lâm, Lạc Xuân. Với hình thức đổi rác thải nguy hại lấy vật dụng sinh hoạt, mô hình không chỉ góp phần làm sạch môi trường mà còn nâng cao ý thức phân loại, xử lý rác thải tại nguồn cho người dân. Tính đến nay, đã có hơn 2 tấn rác được thu gom, góp phần giảm một lượng rác thải đáng kể thải ra môi trường. Cùng với đó, 10 mô hình bảo vệ môi trường nông thôn và 5 Câu lạc bộ “Nông dân bảo vệ môi trường” cũng đã được thành lập. Các mô hình này đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về gìn giữ môi trường sống bền vững.

Trong sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân huyện đã thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Hội đã phát động và lan tỏa sâu rộng Phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, qua đó khơi dậy tinh thần chủ động, sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất của nông dân. Hàng ngàn hội viên đã mạnh dạn đầu tư công nghệ cao như: nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới nhỏ giọt, điều khiển tự động qua smartphone... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giảm chi phí sản xuất. Đến nay, gần 95% diện tích đất trồng rau, hoa trên địa bàn huyện đã áp dụng công nghệ cao; riêng hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt được triển khai trên hơn 8.000 ha, góp phần đưa nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng hiện đại và gia tăng giá trị.

Bằng những nỗ lực bền bỉ và đồng lòng, chính quyền địa phương, Hội Nông dân huyện cùng đông đảo hội viên nông dân đã tạo nên những chuyển biến rõ nét trong sản xuất và đời sống. Những kết quả này đang góp phần quan trọng đưa Đơn Dương tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành huyện NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh.

Ông K’Đim chia sẻ, phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng Phong trào thi đua "Sản xuất, kinh doanh giỏi", tập trung hỗ trợ xây dựng các mô hình nông nghiệp thông minh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, các cấp Hội sẽ vận động hội viên tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Cùng với đó, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền và vận động xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ các hủ tục, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp, góp phần tạo nên một diện mạo nông thôn Đơn Dương ngày càng khởi sắc, văn minh và hiện đại.

NHẬT QUỲNH

 

Đa dạng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Gia Lâm

Thực hiện 'Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh huyện Gia Lâm', từ năm 2024 đến nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Gia Lâm đã triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, cho hiệu quả kinh tế cao.

Từ mô hình rau cải xanh

Năm 2024, mô hình sản xuất rau cải xanh theo hướng hữu cơ tại xã Yên Thường được Trung tâm DVNN Gia Lâm triển khai nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị dinh dưỡng cao, giúp người dân hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước, đất đai và không khí. Mô hình mang tính ổn định và bền vững góp phần nâng cao đời sống người dân vùng sản xuất, kinh doanh sản phẩm trên địa bàn huyện.

Mô hình sản xuất và tiêu thụ hoa Lay ơn giống mới chất lượng cao tại xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm. Ảnh: Hoàng Quyết

Với quy mô 2ha tại các xứ đồng thôn Xuân Dục, mô hình sản xuất rau cải xanh theo hướng hữu cơ tại xã Yên Thường được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Trung tâm DVNN huyện Gia Lâm phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND xã Yên Thường rà soát, phân loại các vùng sản xuất, loại hình tổ chức sản xuất; xác định diện tích vùng thực hiện và hộ nông dân đăng ký tham gia, trên cơ sở đó lập hồ sơ đề xuất thực hiện và tổ chức, lựa chọn đơn vị có tư cách pháp nhân, đủ năng lực cung cấp vật liệu (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) để triển khai thực hiện. Tham gia mô hình, các hộ dân được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh bảo đảm an toàn, hiệu quả các giai đoạn sinh trưởng phát triển trên cây rau.

Sau khi nghiệm thu, các cá nhân tham gia mô hình đều có đơn tự nguyện xin tiếp tục triển khai và tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới; có đủ điều kiện đất đai, lao động và các vật tư thiết yếu để thực hiện mô hình, bảo đảm cây trồng sinh trưởng phát triển tốt; thực hiện đúng quy trình và quy định của việc xây dựng mô hình; thực hiện đúng thời vụ, áp dụng các biện pháp tiến bộ kỹ thuật mới theo hướng dẫn của kỹ thuật chuyên môn, phù hợp với tình hình đất đai của địa phương.

Việc ứng dụng quy trình sản xuất rau cải xanh theo hướng hữu cơ đã mang lại kết quả tốt; cây cải xanh phù hợp với thổ nhưỡng, đồng đất Yên Thường đã tạo ra sản phẩm sạch hữu cơ, cho năng suất ổn định, chất lượng rau an toàn, góp phần tăng thu nhập cho các hộ tham gia. Cụ thể, cây cải xanh vụ Đông cho năng suất 600 - 700kg/sào, giá bán trung bình 13.000 đồng/kg; trừ chi phí cho lãi từ 6,5 - 7,5 triệu đồng/sào (khoảng 180 - 200 triệu đồng/ha). Theo đánh giá của Trung tâm DVNN huyện Gia Lâm, mô hình sản xuất rau cải xanh theo hướng hữu cơ tại xã Yên Thường cho năng suất ổn định, sản phẩm đạt chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với chuỗi giá trị, tiến tới xây dựng vùng sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Đến mô hình hoa, quả chất lượng cao

Vụ Đông năm 2024, Trung tâm DVNN huyện Gia Lâm phối hợp Hội Nông dân xã Lệ Chi tiếp tục triển khai mô hình "Sản xuất và tiêu thụ hoa Lay ơn giống mới chất lượng cao" với quy mô 3.000m2, sử dụng 40.000 củ giống hoa Lay ơn để trồng tại cánh đồng thôn Chi Nam. Tham gia mô hình, các hộ dân được tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa Lay ơn, ngoài ra còn được Trung tâm hỗ trợ 50% giá trị giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các loại vật tư thiết yếu.

Sau hơn 3 tháng triển khai, vào dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, hoa Lay ơn cho thu hoạch chất lượng, năng suất và doanh thu cao, đầu ra tiêu thụ thuận lợi, các hộ dân tham gia phấn khởi. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 30,5 triệu đồng/sào.

Không chỉ các mô hình rau, hoa chất lượng cao, Trung tâm DVNN huyện Gia Lâm còn phối hợp Hội Nông dân xã Đa Tốn tổ chức mô hình liên kết sản xuất thâm canh gắn với tiêu thụ sản phẩm bưởi tại xã Đa Tốn. Được triển khai từ tháng 9 - 12/2024, mô hình thâm canh bưởi có 15 hộ tham gia với diện tích 8ha nằm trong vùng quy hoạch trồng cây ăn quả, có khả năng nhân rộng để liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm với các cơ sở, DN; có cam kết đủ điều kiện về vốn, nguồn nhân lực; có khả năng tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất bưởi an toàn. Trung tâm đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức 1 lớp tập huấn với 30 học viên, giúp các hộ sản xuất nắm được quy trình kỹ thuật thâm canh bưởi theo hệ thống quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp IPHM, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, các tiêu chuẩn sản xuất an toàn theo VietGAP, ghi chép sổ nhật ký bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% kinh phí giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật; 100% chi phí tập huấn, triển khai thực hiện.

Đánh giá hiệu quả về mặt kỹ thuật, mô hình thâm canh cây bưởi đã tăng 23,88% năng suất so với sản xuất theo tập quán nông dân, đồng thời việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, quản lý dịch hại IPM vào sản xuất giúp cây sinh trưởng tốt, hạn chế sâu bệnh, sản phẩm của mô hình đáp ứng được yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.

Việc thực hiện thành công mô hình là cơ sở để các hộ nông dân đến tham quan, học tập, nhân rộng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, góp phần khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích, tạo ra vùng sản xuất bưởi hàng hóa chất lượng, có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Hình thành chuỗi liên kết bền vững giữa các tổ dịch vụ, góp phần thúc đẩy các chuỗi liên kết khác trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất của các Hợp tác xã DVNN.

Ngoài ra, Trung tâm DVNN huyện Gia Lâm còn phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai mô hình trồng giống ngô nếp tím lai VNUA141 vụ Thu Đông 2024 trên địa bàn xã Kim Sơn, quy mô 4ha. Đây là giống ngô có khả năng chống chịu tốt với bệnh khô vằn và đốm lá nhỏ nên tiết kiệm chi phí, công chăm sóc; bắp ngô to, dài, thơm ngon, năng suất cao, lợi nhuận gần 65 triệu đồng/ha/vụ.

Theo Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Gia Lâm Hoàng Thị Thúy Nga, triển khai thực hiện “Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh huyện Gia Lâm”, năm 2024, Trung tâm DVNN đã chủ động triển khai tổ chức 18 lớp tập huấn nâng cao kiến thức về kỹ thuật sản xuất rau, hoa, quả bảo đảm an toàn thực phẩm, 2 lớp tập huấn GPS nâng cao năng lực quản lý cho Hợp tác xã DVNN. Đồng thời triển khai các nhóm mô hình tiến bộ kỹ thuật, như: mô hình trồng rau cải xanh theo hướng hữu cơ tại xã Yên Thường; mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoa Lay ơn giống mới chất lượng cao tại xã Lệ Chi; mô hình liên kết sản xuất thâm canh bưởi gắn với tiêu thụ sản phẩm xã Đa Tốn; mô hình sản xuất ngô chất lượng cao tại xã Kim Sơn... Qua triển khai, các mô hình được người dân nhiệt tình đón nhận và các cơ quan chuyên môn đánh giá cao. Điều đó cho thấy, các mô hình đã đem lại hiệu quả tích cực về mặt kinh tế cũng như góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước tiến tới sản xuất bền vững, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Trong năm 2025, Trung tâm tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, VietGAP, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm ổn định, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, giúp tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ nông dân và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng thời, góp phần xây dựng nền nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh.

Hoàng Quyết

 

Ngày hội nông sản Châu Thành: Dấu ấn trên hành trình phát triển nông nghiệp bản địa

Thay vì những khẩu hiệu suông, huyện Châu Thành đã chọn một lối đi riêng, hiệu quả để thúc đẩy tiêu thụ nông sản: tổ chức Ngày hội nông sản từ cấp xã đến cấp huyện (từ năm 2023 đến nay). Cách làm này từng bước khơi dậy ý thức về quy trình sản xuất bài bản trong cả người dân và doanh nghiệp, đồng thời kiến tạo cầu nối quan trọng để nắm bắt nhu cầu thị trường, từ đó định hướng sản xuất một cách bền vững và hiệu quả.

Ngày hội nông sản Châu Thành năm 2025 nhằm giới thiệu, quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng, doanh nghiệp

Niềm tự hào của người dân Châu Thành

Những ngày cuối tháng 4/2025, người dân huyện Châu Thành náo nức, hòa mình vào Ngày hội nông sản, một sự kiện thường niên đầy ý nghĩa. Đây không chỉ là nơi người dân địa phương tự hào giới thiệu những nông sản của quê hương, mà còn là sợi dây kết nối đặc biệt, chào đón những du khách, người con xa xứ cùng hòa mình vào không khí lễ hội ấm áp và trải nghiệm những giá trị thân thương. Chị Trần Mai Hương, một người con của xã Phú Hựu đang làm việc tại tỉnh Bình Dương, chia sẻ niềm vui mỗi khi có cơ hội trở về quê nhà và hòa mình vào không khí ngày hội cùng gia đình. Chị tâm sự: “Tôi thực sự cảm thấy vô cùng tự hào về quê hương mình. Ngày hội không chỉ là dịp để những người con xa quê như tôi nhớ về những sản vật quê mình, mà còn là một phương pháp giáo dục đầy tinh tế dành cho thế hệ trẻ. Để dù đi đến nơi đâu, các con cũng nhắc nhớ về ngày hội quê mình, từ đó hình thành ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị ấy hiệu quả hơn”.

Ông Dương Hồng Lạc - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Châu Thành tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông sản đặc trưng của huyện

Như một “thương hiệu” của Châu Thành, Ngày hội nông sản từ cấp xã đến cấp huyện Châu Thành được du khách nhắc đến, đó là sự độc đáo, chỉn chu trong từng cách thể hiện. Ấn tượng sâu sắc nhất là sự tỉ mỉ, công phu trong từng tác phẩm nghệ thuật được trưng bày. Từ những sản vật quen thuộc, những “nghệ nhân” chân chất nơi đây đã tạo nên những tác phẩm đầy ấn tượng: hình tượng rồng, phượng uyển chuyển, những trái dưa hấu được điêu khắc tinh xảo, hay những củ khoai tây, khoai lang hóa thân thành những con vật, những đóa hoa rực rỡ. Ngoài ra, tại lễ hội còn có không gian dành cho trái cây độc, lạ - một nét riêng, có lẽ Châu Thành mới có, tạo ra một không gian ngày hội vô cùng phong phú, đặc sắc.

Theo ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, huyện xem đây là cầu nối trong việc tạo dựng mối liên kết giữa nhà sản xuất, người tiêu dùng và doanh nghiệp. Chính vì vậy, huyện luôn quan tâm đến từng khâu tổ chức, đặc biệt là việc làm nổi bật những đặc trưng riêng, nhằm in đậm dấu ấn về một Châu Thành giàu có và nhiều triển vọng trong lòng mọi người. Năm 2025, việc lấy địa giới hành chính huyện làm mô hình chủ đạo cho ngày hội nông sản mang ý nghĩa sâu sắc, vừa để người dân trên mảnh đất mang tên Châu Thành thêm tự hào về thành quả quê hương, vừa kỳ vọng tạo được ấn tượng tốt đẹp với công chúng, du khách và người tiêu dùng.

Ông Lê Minh Trung - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của xã An Khánh

Từ liên kết tiêu thụ đến sản phẩm OCOP vươn tầm

Có thể nói, thông qua các hoạt động kết nối tại ngày hội, nhất là việc trực tiếp gặp gỡ giữa người dân và doanh nghiệp thông qua các diễn đàn, hội thảo đã giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ. Từ đó, người nông dân có sự điều chỉnh sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, doanh nghiệp cũng có sự chia sẻ, đồng hành cùng người dân, hài hòa lợi ích.

Hiệu quả rõ nét đó là diện tích sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP, diện tích sản xuất nông nghiệp được chứng nhận an toàn thực phẩm của huyện ngày càng tăng lên. Cụ thể, hiện huyện có 358ha đạt chứng nhận VietGAP, 761ha đạt chứng nhận an toàn thực phẩm, tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái chế, chiếm 55,6% tổng số phụ phẩm nông nghiệp.

Đặc biệt, số lượng sản phẩm OCOP tăng lên hàng năm giúp nâng cao giá trị nông sản. Cụ thể, từ 38 sản phẩm OCOP năm 2023, huyện đã có 54 sản phẩm vào cuối năm 2024, chiếm gần 10% tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh, nổi bật với sản phẩm hạt sen sấy 5 sao của Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp (xã Hòa Tân, huyện Châu Thành).

Ông Trần Văn Sơn - thành viên Hợp tác xã sầu riêng Phú Hựu (xã Phú Hựu, huyện Châu Thành) chia sẻ, qua tham gia ngày hội trước, ông thấy nhu cầu mua sản phẩm sạch của người dân là rất lớn. Chính vì vậy, Hợp tác xã đã củng cố mô hình sản xuất sạch, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Với chứng nhận OCOP 3 sao, hiện sản phẩm sầu riêng Phú Hựu rất được người tiêu dùng ưa chuộng, mỗi dịp trưng bày, bán sản phẩm tại ngày hội từ vài trăm ký đến 1 tấn.

Ông Kirilyuk Oleg - đại diện Công ty TNHH Olmish Asia Food, một đối tác đã gắn bó với Châu Thành hơn 5 năm, nhận định với sự đa dạng và tiềm năng lớn mạnh của trái cây cùng nguồn nguyên liệu nông sản phong phú, Châu Thành hứa hẹn nhiều cơ hội phát triển ngành chế biến. “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác trong việc tiêu thụ trái cây tươi, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu để tập trung vào chế biến sâu, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng tới thị trường xuất khẩu quốc tế đầy tiềm năng”- ông Kirilyuk Oleg chia sẻ.

Ông Phan Thanh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội (thứ 3 từ trái sang) giới thiệu đến đại biểu về mô hình địa giới hành chính huyện

Châu Thành có diện tích gieo trồng hàng năm đạt hơn 40.000ha, trong đó có gần 9.000ha diện tích vườn cây ăn trái, sản lượng trên 155.000 tấn/năm (chủ yếu là nhãn 2.226ha, sầu riêng 1.769ha, mít 1.607ha, chanh 523ha).

Việc từng bước tìm hướng đi mới trong tiêu thụ nông sản thông qua tổ chức các Ngày hội được xem là bước đi hiệu quả cho nông sản địa phương. Ngoài ra, Ngày hội nông sản còn là sân chơi cộng đồng ý nghĩa, nơi mọi người từ mọi miền có thể giao lưu, kết nối, chia sẻ những kinh nghiệm và niềm đam mê với nông nghiệp và ẩm thực. Không khí vui tươi, náo nhiệt của ngày hội giúp mọi người thư giãn sau những ngày làm việc, tăng cường sự gắn kết cộng đồng và ghi lại những kỷ niệm đẹp khi nhắc nhớ về quê hương Châu Thành...

MN

 

Chuyển đổi số ngành nông nghiệp: Ứng dụng công nghệ chiến lược Big Data, AI, IoT

Ngành nông nghiệp và môi trường đã xác định một số giải pháp đột phá trong chuyển đổi số, đó là: hoàn thiện thể chế pháp luật về chuyển đổi số, đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, và ứng dụng các công nghệ chiến lược như Big Data, AI, IoT trong nghiệp vụ…

Chuyển đổi số, điều khiển sản xuất nông nghiệp thông minh là xu thế tất yếu.

Ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cho biết trong thời gian qua, ngành nông nghiệp và môi trường đã có những bước đi vững chắc trong việc ban hành, điều chỉnh các văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật để phù hợp với yêu cầu của thời đại số.

NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ MÔI TRƯỜNG ĐÃ CÓ HƠN 1.000 MÁY CHỦ

Nông nghiệp và môi trường là một trong những ngành có số lượng thủ tục hành chính lớn, vì vậy, Bộ đã triển khai hệ thống giải quyết thủ tục hành chính tích hợp từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể, đến thời điểm này, đã có 347 thủ tục hành chính về lĩnh vực nông nghiệp ở cấp Trung ương, 225 ở cấp tỉnh, 55 ở cấp huyện và 23 ở cấp xã đã được tích hợp và cung cấp trực tuyến.

"Người dân và doanh nghiệp ngày càng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công của ngành nông nghiệp và môi trường thông qua môi trường số, góp phần tăng tính minh bạch, giảm phiền hà và nâng cao hiệu quả phục vụ”, ông Lê Phú Hà khẳng định.

Về hạ tầng công nghệ thông tin của ngành nông nghiệp và môi trường, ông Lê Phú Hà cho hay đang được xây dựng đồng bộ, bài bản. Trong đó, nổi bật là việc vận hành các trung tâm dữ liệu hiện đại, điển hình như Trung tâm dữ liệu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (được khai trương trong năm 2024).

Tính đến ngày 10/5/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã cung cấp hơn 1.000 máy chủ, trên 9.000 CPU, hơn 20 TB RAM và khoảng 800 TB lưu trữ dữ liệu phục vụ hoạt động quản lý. Hệ thống tài khoản dùng chung với hơn 16.300 người dùng cùng gần 10.000 chữ ký số đã tạo nên một nền tảng kết nối nội bộ hiệu quả.

“Hệ thống quản lý văn bản và điều hành điện tử hợp nhất toàn ngành nông nghiệp và môi trường đã chính thức vận hành từ 1/3/2025. Tính đến ngày 10/5/2025 đã tiếp nhận và xử lý hơn 105.000 văn bản, trong đó trên 23.400 văn bản được ký số và lưu chuyển hoàn toàn trên môi trường điện tử”.

Ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục chuyển đổi số, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Đối với nội dung ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo vào chuyên môn, ngành nông nghiệp và môi trường đang từng bước xây dựng kho tài nguyên số, nền tảng dữ liệu lớn (Big Data) phục vụ phân tích, điều hành và phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là cơ sở quan trọng cho việc triển khai nông nghiệp thông minh, giám sát môi trường, cảnh báo thiên tai và hỗ trợ ra quyết định trong công tác quản lý nhà nước.

Ông Lê Phú Hà cho biết chuyển đổi số ngành nông nghiệp và môi trường hướng đến ba trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số. Trong đó, mục tiêu đến hết năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong ngành dự kiến đạt từ 20-30%, thông qua việc số hóa tài nguyên, dữ liệu và ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, điều hành.

Đề cập về các giải pháp đột phá và kiến nghị chính sách, Cục trưởng Cục chuyển đổi số của Bộ Nông nghiệp và Môi trường thông tin: Ngành xác định một số giải pháp đột phá: hoàn thiện thể chế pháp luật về chuyển đổi số, đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, và ứng dụng các công nghệ chiến lược như Big Data, AI, IoT trong nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, một số kiến nghị được đưa ra, đáng chú ý là đề xuất xây dựng chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số - yếu tố then chốt quyết định sự thành công. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cho cơ sở dữ liệu chuyên ngành và đảm bảo dữ liệu “Đúng - Đủ - Sạch - Sống” - tức là dữ liệu chính xác, đầy đủ, cập nhật và có khả năng chia sẻ, liên thông giữa các hệ thống.

NÔNG NGHIỆP CHÍNH XÁC: XU THẾ TẤT YẾU

Tại hội nghị triển khai “Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường” (ngày 10/5/2025), ông Nguyễn Đức Trường, Tổng giám đốc Công ty Đại Thành, nhận định trong những năm tới, nông nghiệp chính xác sẽ trở thành xu thế tất yếu không thể đảo ngược trong đó có sự hỗ trợ từ các công nghệ mới (IoT - internet vạn vật); Big Data (dữ liệu lớn), AI phân tích dữ liệu…

Tuy nhiên, theo ông Trường, vấn đề hiện tại mà ngành nông nghiệp đang gặp phải, đó là sự thiếu chính xác trong quá trình vận hành của máy móc nông nghiệp, như: máy cấy không biết đi thẳng hàng, drone không bay được chính xác, máy gặt không tính được năng suất, máy cày không biết độ nông sâu…

Là một trong những đơn vị tiên phong trong ứng dụng khoa học, công nghệ trong nông nghiệp, ông Trường cho biết mục tiêu của Đại Thành là nghiên cứu, cung cấp, chuyển gia các sản phẩm công nghệ như drone nông nghiệp, thiết bị dẫn đường không người lái trên máy nông nghiệp trên mặt đất, san phẳng đất vệ tinh… Những thiết bị này đều bắt buộc phải dùng dịch vụ điều dẫn chính xác (DTALS).

Theo đó, DTALS gồm 3 lớp: lớp thu tín hiệu, lớp trung tâm xử lý dữ liệu; lớp ứng dụng với các hạ tầng công nghệ: hệ thống thông tin địa lý GIS - Cơ sở dữ liệu không gian - các kỹ thuật cung cấp số liệu, khí tượng thời tiết - dịch vụ internet - GIS di động…

“Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ điều khiển chính xác (DATLS) giúp tăng năng suất, điều khiển chính xác máy móc, tối ưu tài nguyên; tăng năng suất từ 15-20% quan cánh đồng mẫu; giúp tiết kiệm chi phí 15-25% chi phí đầu vào (phân bón, thuốc trừ sâu, nhiên liệu); giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nâng cao cạnh tranh (chất lượng sản phẩm đồng đều, đáp ứng thị trường xuất khẩu; truy xuất nguồn gốc minh bạch, xây dựng thương hiệu... của nông sản”.

Ông Nguyễn Đức Trường, Tổng giám đốc Công ty Đại Thành.

Tại hội nghị, TS. Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết các mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực Chuyển đổi số được đặt ra mang tính “cách mạng”: đến năm 2030, Việt Nam nằm trong Top 50 về Chính phủ số, dẫn đầu ASEAN về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, có tối thiểu 5 doanh nghiệp công nghệ số đẳng cấp quốc tế, kinh tế số chiếm 30% GDP. Tầm nhìn đến năm 2045, đóng góp 50% GDP từ kinh tế số, có hàng chục doanh nghiệp công nghệ đạt chuẩn toàn cầu, trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng văn bản quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chuyển đổi số, một bước đi được kỳ vọng sẽ làm rõ vai trò, khuyến khích năng lực và tinh thần đổi mới trong hệ thống công quyền.

“Các chính sách đột phá về tài chính, thể chế đang được xây dựng nhằm tháo gỡ rào cản pháp lý, thử nghiệm công nghệ mới, miễn trừ trách nhiệm khi mô hình đổi mới không thành công, và quan trọng nhất là tạo không gian sáng tạo an toàn và khuyến khích mạo hiểm cho doanh nghiệp và nhân tài. Không có doanh nghiệp đột phá nếu thiếu người tài. Không có Chính phủ số nếu thiếu lãnh đạo am hiểu công nghệ. Và càng không thể có quốc gia sáng tạo nếu không có nền giáo dục và chính sách tuyển dụng khuyến khích trí tuệ”, TS. Nguyễn Phú Tiến nhấn mạnh.

Chu Khôi

 

Học viện Nông nghiệp Việt Nam đưa hoa cây cảnh lên sàn đấu giá điện tử

Sàn đấu giá hoa cây cảnh điện tử do Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai đã chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu bước tiến mới trong quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp, đồng thời mở ra cơ hội học tập, nghiên cứu và khởi nghiệp cho sinh viên.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa ra mắt sàn đấu giá hoa cây cảnh điện tử – nền tảng kết nối nhà vườn, nghệ nhân và người tiêu dùng trong giao dịch sản phẩm hoa cây cảnh. Đây là sàn đấu giá đầu tiên trong khối các cơ sở đào tạo nông nghiệp, được xây dựng với sự tham gia trực tiếp của đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường.

GS. TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu.

Theo GS. TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, sàn đấu giá được thiết kế với mục tiêu hỗ trợ người trồng hoa, nghệ nhân và các đơn vị sản xuất trong việc quảng bá sản phẩm, minh bạch giá cả và tiếp cận thị trường. Đồng thời, đây là mô hình học tập thực tiễn, giúp sinh viên tiếp cận môi trường làm việc thực tế, vận hành hệ thống, áp dụng kiến thức chuyên ngành và phát triển các kỹ năng nghề nghiệp.

“Sàn đấu giá hoa cây cảnh là công cụ thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp. Sinh viên được tham gia toàn bộ quy trình – từ nghiên cứu sản phẩm, phát triển nội dung truyền thông, xây dựng nền tảng kỹ thuật đến tổ chức giao dịch trực tuyến”, GS. TS Nguyễn Thị Lan cho biết.

Học viện Nông nghiệp Việt Nam đưa hoa cây cảnh lên sàn đấu giá điện tử.

Sản phẩm trên sàn bao gồm các loại hoa và cây cảnh có giá trị như lan hồ điệp, trạng nguyên, tùng, bách, mai chiếu thủy… do các đơn vị nghiên cứu trong Học viện sản xuất, cùng với nguồn cung từ nghệ nhân và hợp tác xã liên kết. Mỗi sản phẩm đều có thông tin cụ thể về nguồn gốc, đặc điểm và giá khởi điểm để người dùng tham gia đấu giá theo thời gian thực.

Việc vận hành sàn đấu giá trực tuyến nằm trong định hướng số hóa toàn diện hoạt động nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Mô hình này phù hợp với mục tiêu của ngành nông nghiệp trong phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, hiện đại, lấy người sản xuất và chất lượng sản phẩm làm trọng tâm.

Ngành hoa cây cảnh hiện có nhiều tiềm năng với hơn 45.000 ha diện tích trồng trọt, giá trị xuất khẩu hàng năm vượt 100 triệu đôla. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất và giao dịch vẫn mang tính nhỏ lẻ, thiếu liên kết và công nghệ hỗ trợ. Việc triển khai mô hình đấu giá trực tuyến góp phần tăng tính minh bạch trong mua bán, xây dựng thương hiệu và tiếp cận thị trường quốc tế.

Hàng trăm cây cảnh có giá trị được trưng bày tại chương trình.

Phát biểu tại Lễ ra mắt, GS. TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết chuyển đổi số là cơ hội để đổi mới phương pháp đào tạo. Với mô hình này, sinh viên học gắn liền với thực hành, đồng thời có cơ hội tham gia phát triển các giải pháp nông nghiệp thông minh, hướng tới phục vụ kinh tế nông thôn và hội nhập quốc tế.

Việc đưa hoa cây cảnh lên nền tảng đấu giá điện tử là bước đi cụ thể thể hiện định hướng kết hợp giữa học thuật và thực tiễn, giữa đào tạo và phục vụ cộng đồng – đúng với vai trò của một cơ sở giáo dục đại học trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Dương Triều

 

Thực hiện đạt các chỉ tiêu về chuyển đổi số ngành nông nghiệp

Đề án chuyển đổi số (CĐS) ngành nông nghiệp tỉnh được các cấp ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt đến đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý. Qua đó, tạo được sự đồng thuận, chung sức của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai nhiệm vụ CĐS nông nghiệp, tạo được nhiều chuyển biến tích cực. So sánh kết quả thực hiện với các chỉ tiêu đề ra trong Đề án CĐS nông nghiệp tỉnh, đã đạt 12/12 chỉ tiêu.

Nông dân đầu tư thiết bị bay để phun phân, thuốc bảo vệ thực vật

Toàn tỉnh đã lắp đặt 6 trạm quan trắc nước thông minh; 178 trạm giám sát côn trùng thông minh phục vụ cho công tác triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ IOT, trí tuệ nhân tạo AI trong việc tự động thu thập dữ liệu canh tác phục vụ cảnh báo, dự báo, truy xuất nguồn gốc cho các đối tượng nông sản chủ lực, đồng bộ dữ liệu lên nền tảng truy xuất nguồn gốc. Tỉnh đang duy trì vận hành 28 phần mềm/cơ sở dữ liệu (CSDL), trong đó có 19 phần mềm/CSDL do các đơn vị thuộc Trung ương triển khai, 9 phần mềm/CSDL do Sở Nông nghiệp và Môi trường, các đơn vị thuộc UBND tỉnh triển khai. Nhìn chung, việc triển khai sử dụng các phần mềm, cơ sở dữ liệu ở một số lĩnh vực thuộc ngành đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp được duy trì ổn định với 15 biểu mẫu báo cáo thuộc các lĩnh vực quản lý cụ thể: trồng trọt, chăn nuôi - thú y, thủy sản, phát triển nông thôn, kiểm lâm.

Để có đủ cơ sở và chủ động hoàn chỉnh hồ sơ tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đưa nền tảng dữ liệu số vào vận hành thí điểm chính thức và thuê sử dụng dịch vụ công nghệ thông tin đối với Nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Sở Nông nghiệp và Môi trường gửi Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đóng góp ý kiến về chuyên môn, kỹ thuật đối với dự thảo báo cáo thuyết minh phương án lựa chọn hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin hoặc đầu tư, mua sắm...

TN

 

Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao

Nông nghiệp là một trong những ngành chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu và cũng là lĩnh vực phát thải khí nhà kính lớn. Trong đó, hoạt động canh tác lúa chiếm lượng lớn tổng phát thải trong nông nghiệp mỗi năm. Vì vậy, phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, giảm phát thải, thích ứng biến đổi khí hậu là xu thế tất yếu để ngành lúa gạo chuyển mình theo hướng hiệu quả và có trách nhiệm với môi trường.

Mô hình thí điểm canh tác lúa phát thải thấp ở Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hảo, tỉnh Trà Vinh.

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa trọng điểm, bảo đảm an ninh lương thực và đóng góp lớn vào xuất khẩu gạo trong những năm qua.

Tuy nhiên, khu vực này cũng chịu nhiều ảnh hưởng bởi nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, suy giảm chất lượng đất trồng trọt. Hiện nay, mô hình sản xuất lúa gạo truyền thống bộc lộ nhiều hạn chế, do đó cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ cả về kỹ thuật canh tác và tổ chức sản xuất.

Nhằm giải quyết bài toán phát triển bền vững, nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo và giảm phát thải khí nhà kính, ngày 27/11/2023 Chính phủ ban hành Quyết định số 1490/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" (sau đây gọi tắt là Đề án).

Đây được xem là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành lúa gạo, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh.

Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt và Lâm nghiệp (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia) Hoàng Tuyển Phương cho biết: “Qua một năm triển khai, Đề án bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực từ các mô hình điểm tại các địa phương. Nhiều hộ dân đã chủ động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như: Giảm lượng giống gieo sạ, áp dụng tưới ướt khô xen kẽ, sử dụng phân bón cân đối, cơ giới hóa sản xuất và quản lý rơm rạ và ứng dụng công nghệ số… Những thay đổi này không chỉ giúp giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận, mà còn góp phần giảm đáng kể phát thải khí nhà kính, nâng cao chất lượng gạo”.

Qua đánh giá, các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2% đến 24,2% nhờ giảm 30 đến 50% lượng giống, tiết kiệm 30 đến 70kg phân bón/ha, giảm 1 đến 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm 30 đến 40% lượng nước tưới, đồng thời, năng suất tăng 2,4 đến 7%, lợi nhuận tăng thêm từ 4 đến 7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống.

Trong quá trình triển khai, lực lượng khuyến nông cộng đồng, các hợp tác xã và tổ hợp tác là những mắt xích quan trọng, đóng vai trò cầu nối thực hiện chủ trương chính sách và hoạt động thực tiễn trên đồng ruộng. Họ không chỉ giúp truyền tải kiến thức, kỹ thuật đến người nông dân mà còn tham gia tổ chức lại sản xuất, xây dựng liên kết, điều phối chuỗi giá trị và thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông dân kiểm tra lúa ở mô hình thí điểm 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở tỉnh Trà Vinh.

Đến nay, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai bảy mô hình thí điểm cấp trung ương tại năm địa phương gồm: Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Cần Thơ. Kết quả bước đầu cho thấy mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường.

Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có hai mô hình triển khai ở Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hảo và Hợp tác xã Nông nghiệp Phát Tài, diện tích 98,4ha với 94 hộ dân tham gia.

Qua đánh giá, các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2% đến 24,2% nhờ giảm 30 đến 50% lượng giống, tiết kiệm 30 đến 70kg phân bón/ha, giảm 1 đến 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và giảm 30 đến 40% lượng nước tưới. Đồng thời, năng suất tăng 2,4 đến 7%, lợi nhuận tăng thêm từ 4 đến 7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống.

Quan trọng hơn, mô hình đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính trung bình 2 đến 12 tấn CO₂/ha. Đặc biệt, toàn bộ lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200 đến 300 đồng/kg thóc, tạo động lực cho nông dân tham gia.

Trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có hai mô hình triển khai ở Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hảo và Hợp tác xã Nông nghiệp Phát Tài, diện tích 98,4ha với 94 hộ dân tham gia.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh cho biết, trên địa bàn tỉnh có hai mô hình triển khai ở Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hảo và Hợp tác xã Nông nghiệp Phát Tài, diện tích 98,4ha với 94 hộ dân tham gia. Sau một năm thực hiện hai mô hình ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực giúp giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận cho bà con nông dân. Mặt khác, nông dân đã mạnh dạn áp dụng phương thức canh tác mới, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị.

Phát huy kết quả đạt được sau vụ hè thu năm 2024 ở hai mô hình điểm, tỉnh Trà Vinh triển khai nhân rộng với sáu hợp tác xã tham gia trong vụ thu đông năm 2024 với diện tích 208,4ha; đến vụ đông xuân 2024-2025 đã có 16 hợp tác xã tham gia thực hiện với diện tích 883,72ha.

Mô hình thí điểm được triển khai tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hảo, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành (Trà Vinh) với diện tích 50ha có 46 hộ tham gia thực hiện, giống lúa được sử dụng là ST24 thuộc nhóm lúa chất lượng cao.

Theo đại diện Hợp tác xã, sau ba vụ triển khai thực hiện thí điểm canh tác lúa đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó vụ đông xuân năm 2024-2025 là vụ có những kết quả hơn so với các vụ trước.

Qua thống kê, trong vụ này lượng giống sử dụng chỉ từ 60 đến 70 kg/ha, năng suất lúa đạt 7,5 tấn/ha, tăng 5 đến 10% so với sản xuất ngoài mô hình; với doanh thu 72 triệu đồng/ha, lợi nhuận từ mô hình trong vụ đông xuân đạt 48,5 triệu đồng/ha, cao hơn từ 15 đến 25%. Đặc biệt, mô hình thí điểm cũng giảm 20 đến 30% lượng khí phát thải so với sản xuất bên ngoài mô hình.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu nhưng quá trình triển khai Đề án vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, nhiều địa phương vẫn chưa thực sự hiểu rõ nội dung cốt lõi và phương thức triển khai. Hơn nữa, một số địa phương quá chú trọng đến việc tạo và bán tín chỉ carbon thay vì tập trung vào triển khai quy trình canh tác bền vững và giảm chi phí sản xuất cho người dân.

Bên cạnh đó, hạ tầng thủy lợi là yếu tố căn bản, then chốt để thực hiện các biện pháp canh tác giảm phát thải nhưng nguồn vốn đầu tư chưa phù hợp với lộ trình triển khai; một số địa phương và người dân chủ yếu quan tâm các biện pháp tưới tiêu, chưa chú trọng đúng mức việc xử lý rơm rạ.

Việc đốt rơm rạ sau thu hoạch vẫn phổ biến, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên có thể tái sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, tỷ lệ liên kết sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạt dưới 30%, chưa đủ mạnh để bảo đảm sự ổn định và phát triển lâu dài của Đề án…

Trong thời gian tới, cần tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực cho các tổ khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã và tổ hợp tác; tăng cường hỗ trợ cho tổ khuyến nông cộng đồng, Hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng và củng cố liên kết chuỗi giá trị bền vững.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hoàng Văn Hồng

Để Đề án đạt hiệu quả, trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc đào tạo, hướng dẫn nông dân tiếp cận với các phương pháp canh tác bền vững; tạo điều kiện để các hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải.

Mặt khác, cần quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài để phát triển lúa chất lượng cao, phát thải thấp, xây dựng mã số vùng trồng tại vùng tham gia Đề án; Tập trung đầu tư, nâng cấp đồng bộ hạ tầng sản xuất vùng tham gia Đề án, nhất là hạ tầng thủy lợi nhằm đáp ứng yêu cầu tưới tiêu chủ động, hỗ trợ vận chuyển và cơ giới hóa.

Đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới cho người dân áp dụng vào sản xuất có hiệu quả; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu lúa carbon thấp.

Còn theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Hoàng Văn Hồng: “Trong thời gian tới cần tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực cho các tổ khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã và tổ hợp tác. Trên cơ sở đó, các khóa đào tạo cần chuyên sâu về quy trình kỹ thuật canh tác giảm phát thải, như: Sạ hàng, sạ bằng drone, tưới ngập khô xen kẽ và áp dụng mô hình canh tác lúa bền vững cần được triển khai liên tục. Cùng với đó cần tăng cường hỗ trợ cho tổ khuyến nông cộng đồng, Hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng và củng cố liên kết chuỗi giá trị bền vững. Đồng thời, việc đào tạo kỹ năng quản lý chuỗi giá trị và kết nối thị trường cũng rất quan trọng để đảm bảo nông sản được tiêu thụ ổn định, từ đó gia tăng thu nhập cho nông dân”.

BẢO HÂN

 

Hiếu Giang tổng hợp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop