Cây quýt đường ‘vững chân’ trên vùng đất trũng phèn
Nguồn tin: Báo Sóc Trăng
Khi nói về cây ăn trái của huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), nhiều người thường nhắc ngay đến trái quýt đường (còn gọi là quýt vỏ xanh). Mặc dù huyện thuộc vùng đất trũng phèn, nhưng rất thích hợp trồng các loại cây có múi. Nhiều hộ dân trồng cây quýt đường tại địa phương này mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Cây quýt đường dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, do đó nhiều nông dân trên địa bàn 2 xã Long Hưng và Hưng Phú đã mở rộng diện tích trồng, thay thế dần các loại cây trồng kém hiệu quả như: cây mía, cây tràm… Dẫn chúng tôi thăm vườn quýt đường của gia đình, ông Nguyễn Minh Thê, xã Hưng Phú (huyện Mỹ Tú) bộc bạch: ''Đây là vườn quýt đang cho thu hoạch lứa trái đầu tiên, với diện tích 0,6ha. Toàn bộ khu vườn quýt trước đây là đất trồng tràm, do hiệu quả kinh tế cây tràm đem lại thấp, nên tôi quyết định chuyển sang trồng quýt đường, nâng tổng diện tích vườn quýt lên 2ha".
Ông Minh Thê chia sẻ thêm: “Cây quýt sau 3 năm trồng đã thu hoạch trái. Quýt có trái quanh năm và khi cây được 5 năm tuổi trở về sau thì năng suất trái càng cao, bởi cây có nhiều cành, nhánh, tán lá rộng nên cho trái nhiều. Thu hoạch quýt rộ là vào tháng 3 - 4 âm lịch và tháng 9 âm lịch đến tháng giêng. Thường giá quýt cao trong những tháng mùa khô, từ 20.000 - 22.000 đồng/kg; còn các tháng mùa mưa, giá từ 16.000 - 18.000 đồng/kg. Vườn quýt của gia đình tôi thu hoạch 5 đợt/năm, tổng sản lượng 20 tấn, trừ các khoản chi phí đầu tư mùa vụ lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/năm. Số tiền trên cao hơn gấp nhiều lần so với canh tác mía và cây tràm”.
Ông Nguyễn Minh Thê, xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) bên vườn quýt của gia đình cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm/2ha. Ảnh: THÚY LIỄU
“Diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn xã Hưng Phú gần 440ha, trong đó diện tích quýt đường hơn 325ha. Cây quýt đã phát triển trên địa bàn xã Hưng Phú hơn 20 năm qua. Nhà vườn trồng quýt hầu hết đều có đời sống khá giả, sung túc. Hiện tại, xã đang có 1 tổ hợp tác trồng quýt đường và đang tiếp tục phát triển thêm 1 tổ hợp tác, tiến tới thành lập hợp tác xã trồng quýt đường để kết nối tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp thu mua, phục vụ thị trường trong nước, kể cả xuất khẩu. Cùng với đó, xã đã có 30ha quýt đường được ngành chuyên môn cấp mã số vùng trồng. Xác định cây quýt đường là cây trồng chủ lực của địa phương, trong thời gian tới xã sẽ tiếp tục vận động nông dân mở rộng trồng cây quýt đường”, đồng chí Trần Văn Cần - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Phú cho biết.
Hơn 20 năm gắn bó cùng cây quýt đường, ông Nguyễn Hưng Ban, xã Hưng Phú cho biết: “Mặc dù là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, nhưng nhà vườn phải quan tâm đến việc bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây. Nhờ tìm hiểu các đặc tính của cây, vườn quýt 4ha của tôi canh tác đã qua 20 năm cây vẫn cho năng suất tốt. Tôi trồng quýt chỉ sử dụng phân hữu cơ. Phân được làm từ rơm rạ và phân bò được ủ mục. Trước khi bón phân cho cây, tôi tiến hành xới đất quanh gốc cây cho tơi xốp mới bón phân vào gốc, thời điểm bón phân là đầu và cuối mùa mưa. Khi cây lớn dần, tôi cắt bỏ các cành cây đã bị khô, tỉa bớt tán lá rậm rạp quanh gốc cây, tạo sự thông thoáng cho cây ra hoa kết trái đạt năng suất. Thời điểm cây cho trái nên loại bỏ bớt trái trên cành, để số trái vừa phải, nhằm giúp trái có độ lớn đồng đều và đạt chất lượng tốt nhất. Ngoài ra, cần phải chú ý các loại sâu hại tấn công trên lá, trên trái như: sâu xanh, sâu vẽ bùa, ruồi vàng, nhện đỏ… kịp thời phòng trị. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật trong canh tác vườn quýt nên năng suất khu vườn quýt sẽ được duy trì hằng năm là 10 tấn/ha. Tổng sản lượng quýt sau thu hoạch là 40 tấn/4ha/năm, giá bán bình quân 18.000 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 600 triệu đồng/năm".
Đầu ra của trái quýt đường sau thu hoạch khá tốt, thương lái đến tận nhà vườn thu mua. Hiện nay, huyện Mỹ Tú định hướng sẽ phát triển vùng trồng cây ăn trái tập trung trên địa bàn 2 xã này, trong đó sẽ phát triển 2 loại cây trồng chính là vú sữa tứ quý và cây quýt đường, bởi các loại cây này phù hợp vùng đất, cho sản lượng và chất lượng trái ngon, thị trường ưa chuộng.
"Để phát triển tốt vùng trồng cây ăn trái của huyện, huyện sẽ tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả kinh tế sang trồng vú sữa tứ quý và cây quýt đường. Cùng với đó, huyện sẽ có những hỗ trợ về kỹ thuật trồng, hướng dẫn cách chăm sóc cây trong suốt quá trình sinh trưởng của cây và có những chính sách hỗ trợ phù hợp đến hộ dân trong chuyển đổi cây trồng…", đồng chí Nguyễn Thanh Điền - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Tú cho biết.
THÚY LIỄU
Đồng Tháp: 03 doanh nghiệp được sử dụng chỉ dẫn địa lý ‘Cao Lãnh’ cho xoài
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Tháp
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có thông báo ghi nhận Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông Sản Chú Chín, địa chỉ: Quốc lộ 30, ấp Mỹ Thới, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã được Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” thẩm định và đủ điều kiện được ghi nhận vào danh sách tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài.
Xoài Cát chu Cao Lãnh. Ảnh: lehoixoaivn
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông Sản Chú Chín có diện tích trồng xoài là 15,4 ha, với sản phẩm Xoài cát chu quả tươi, được trồng tại các xã: Mỹ Xương, Mỹ Hội, Bình Hàng Trung (huyện Cao Lãnh). Vùng thu mua Xoài tại: xã Mỹ Xương, xã Mỹ Hội, xã Bình Hàng Trung, xã Bình Hàng Tây, xã Mỹ Long, xã Bình Thạnh, xã Mỹ Thọ, thị trấn Mỹ Thọ, xã An Bình (huyện Cao Lãnh) và xã Tịnh Thới, xã Tân Thuận Đông, xã Tân Thuận Tây, xã Hòa An, Phường 6, Phường 11 (thành phố Cao Lãnh).
Tính đến nay, có 03 tổ chức được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm Xoài gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Westernfarm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông sản sạch T&H, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông Sản Chú Chín.
Theo Quy chế quản lý Chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài của tỉnh Đồng Tháp, mục tiêu quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm đảm bảo việc sử dụng chỉ dẫn địa lý hợp pháp cho các chủ thể đủ điều kiện sử dụng; ngăn chặn và xử lý các hành vi sử dụng trái phép chỉ dẫn địa lý “Cao Lãnh” cho sản phẩm xoài.
Theo Điều 6 của Quy chế, tổ chức, cá nhân được sử dụng Chỉ dẫn địa lý khi đáp ứng các điều kiện: Có hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm xoài có xuất xứ từ thành phố Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp theo Điều 4 của Quy chế này; Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với hoạt động kinh doanh sản phẩm xoài trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Được tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý ghi nhận quyền sử sụng bằng thông báo ghi nhận; Thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo khoản 2 Điều 8 Quy chế này.
Nguyệt Ánh
Phát triển kinh tế từ cây đặc sản
Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế
Bằng sự chăm chỉ, chịu khó học hỏi, chị Đặng Thị Trai Dung (sinh năm 1963), tổ dân phố Lương Quán, phường Thủy Biều, TP. Huế đã phát triển kinh tế gia đình nhờ vào trồng cây đặc sản thanh trà, bưởi của địa phương. Chị cũng rất nhiệt tình tham gia công tác hội và các phòng trào của địa phương.
Áp dụng khoa học, công nghệ vào trồng trọt giúp vườn bưởi, thanh trà của chị Dung hạn chế sâu bệnh, đạt năng suất cao
Ghé thăm vườn bưởi, thanh trà đang trong thời gian thu hoạch của chị Đặng Thị Trai Dung, chúng tôi không khỏi mừng cho chị bởi cây nào cũng sai quả.
Vốn có lợi thế về thương hiệu thanh trà Thủy Biều và đất đai của gia đình, chị Dung đã dùng những kiến thức mà mình có được để phát triển vườn thanh trà hơn 2ha.
Chị Dung cho biết: Trồng bưởi, thanh trà... cũng am hiểu về bưởi, thanh trà. Với lại diện tích trồng ở địa phương khá lớn nên tôi nghĩ thương lái các nơi tới đây mua đi bán ở các chợ lớn, sao mình không mua của bàn con để bán lại? Vậy là tôi mạnh dạn vay vốn để "khởi nghiệp".
Về kinh nghiệm trồng bưởi, thanh trà cho năng suất cao, hạn chế bị mất mùa, chị Dung chia sẻ: Ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt rất quan trọng. Do đó, tôi rất chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước và đã áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng trọt. Thay vì bón phân hóa học như trước đây, vườn thanh trà, bưởi của tôi chuyển sang bón phân hữu cơ, cụ thể là phân chuồng được ủ hoai mục. Những kiến thức này tôi đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ phường tập huấn, hướng dẫn. Từ khi bón phân hữu cơ, tôi thấy đất vườn tươi xốp hơn, cây sinh trưởng tốt và cho năng suất cao hơn. Từ việc buôn bán, trồng trọt, trừ các chi phí mỗi năm tôi cũng thu về trên dưới 200 triệu đồng. Đó không phải là số tiền quá lớn, nhưng cũng là nguồn thu ổn định đối với những người nông dân như tôi.
Là nông dân sản xuất giỏi, cũng là Chi hội trưởng nhiệt huyết năng động, chị Dung luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm và vận động chị em cùng thay đổi cách chăm sóc cây trồng theo hướng hữu cơ bền vững và bảo vệ môi trường.
Dù tất bật với công việc gia đình, hàng ngày vào 5 giờ sáng là chị vẫn mang bưởi, thanh trà thu mua của bà con trong vùng ra các chợ lớn bán. Thời gian còn lại trong ngày thì luôn tay chăm sóc, thu hoạch hai vườn bưởi, thanh trà... nhưng chị vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của Chi hội phụ nữ tổ dân phố và Hội LHPN phường. Với thu nhập từ mảnh vườn, những đồng lời từ việc đi buôn, hai vợ chồng chị đã nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn, xây dựng nhà cửa khang trang kiên cố.
Bà Đào Thị Thanh Thúy, Chủ tịch Hội LHPN phường Thủy Biều, TP. Huế khẳng định: Chị Dung là hội viên phụ nữ luôn nhiệt tình với công tác hội và các phong trào khác của địa phương. Chị chính là tấm gương về người phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Bài, ảnh: Thảo Vy
Vĩnh Long: Cau lên giá, nhà vườn phấn khởi
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Những ngày này, giá cau tại các địa phương trong huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) được thương lái thu mua ở mức dao động từ 12.000-20.000 đ/kg, với giá bán này đã mang lại niềm vui cho nhiều người trồng cau.
Trung bình mỗi buồng cau nặng từ 7-10kg và với mức giá như hiện tại, người dân có thể lời hàng trăm ngàn đồng từ mỗi cây cau. Đặc biệt, những loại cau non, trái dài, thon nhỏ luôn được thương lái ưu tiên lựa chọn và trả giá cao hơn so với loại cau lớn, trái tròn.
Giá cau có thời điểm hút hàng lên đến 40.000 đ/kg. Nhiều thương lái cho biết, thị trường tiêu thụ chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc, giá cau tăng hay giảm là hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường này. Hiện cau đang có giá khá, nên việc mua bán cũng trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn.
MINH TRÚC
Bến Tre: Mô hình trồng rau mầm sạch ở An Bình Tây
Nguồn tin: Báo Đồng Khởi
Từ niềm đam mê với các mô hình nông nghiệp hiện đại, anh Lê Văn Hồng, 40 tuổi, ngụ tại ấp An Quới, xã An Bình Tây, huyện Ba Tri (Bến Tre) đã chọn hướng đi mới bằng việc phát triển mô hình trồng rau mầm sạch. Sau hơn 6 năm gắn bó với mô hình, sản phẩm rau mầm sạch của anh không chỉ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng rau mầm sạch tại cơ sở của anh Lê Văn Hồng, ấp An Quới, xã An Bình Tây, huyện Ba Tri.
Chia sẻ về hành trình khởi nghiệp với rau mầm, anh Hồng cho biết, trước đây, kinh tế gia đình anh chủ yếu dựa vào việc chăn nuôi bò, dê. Tuy nhiên, sự bấp bênh về giá cả và những khó khăn do dịch bệnh đã khiến kinh tế gia đình anh gặp nhiều trở ngại. Nhận thấy hiệu quả từ chăn nuôi không còn bền vững, anh quyết định tìm kiếm hướng đi mới. Vào năm 2018, qua lời giới thiệu từ người thân, anh bắt đầu nghiên cứu về mô hình trồng rau mầm sạch. Nhận thấy mô hình này vừa có chi phí đầu tư thấp, lại có khả năng sinh lời nhanh, anh mạnh dạn thử nghiệm bằng cách trồng rau ngay tại nhà.
Ban đầu, anh Hồng tự học kỹ thuật trồng rau qua các tài liệu và trang web bán hạt giống. Anh tận dụng khoảng sân 30m² trước nhà, tìm cách chọn giống, giá thể và phương pháp trồng đảm bảo an toàn. Kỹ thuật trồng rau mầm, theo anh chia sẻ, đòi hỏi sự tỉ mỉ và quy trình khép kín: từ khay nhựa, nước tưới, cho đến việc sử dụng xơ dừa thay đất, đều phải đảm bảo sạch sẽ và không dùng thuốc bảo vệ thực vật hay chất kích thích. Hạt giống rau mầm mà anh Hồng lựa chọn là các loại giống nhập khẩu từ Singapore, Thái Lan.
Với sự kiên trì và niềm đam mê, anh Hồng đã nắm vững các kỹ thuật cần thiết để sản xuất nhiều loại rau mầm như cải mầm, rau muống mầm… Tuy nhiên, những ngày đầu, việc đưa sản phẩm ra thị trường gặp không ít khó khăn do tâm lý người tiêu dùng còn e ngại với rau hữu cơ, cũng như giá bán cao hơn so với rau truyền thống.
Không nản lòng, anh Hồng quyết định tiếp cận thị trường bằng cách tặng rau mầm cho các nhà hàng và người dân dùng thử, kèm theo số điện thoại để nhận đặt hàng nếu có nhu cầu. Nhờ cách tiếp cận thông minh này, rau mầm của anh dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Hiện tại, sản phẩm của anh đã được bán với giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg tùy loại và có mặt tại nhiều cửa hàng, nhà hàng ở Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Tháp…
Mỗi tuần, anh Hồng cung cấp ra thị trường từ 15 - 20kg rau mầm các loại. Với số vốn ban đầu khoảng 20 triệu đồng, chỉ sau hơn 1 năm, anh đã thu hồi được vốn và mở rộng mô hình. Được sự hỗ trợ từ Hội Nông dân xã, anh đã vay vốn để mở rộng diện tích trồng lên hàng trăm khay, đồng thời tiếp tục phát triển quy mô mô hình.
Chủ tịch Hội Nông dân xã An Bình Tây Lê Hồng Hớn nhận xét: “Anh Lê Văn Hồng là một trong những nông dân tiên phong tại địa phương trong việc áp dụng mô hình nông nghiệp sạch, hiện đại, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình của anh không chỉ giúp gia đình cải thiện thu nhập mà còn góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất rau sạch, bảo vệ môi trường sống của cộng đồng. Nhờ sự kiên trì và sáng tạo, anh Hồng đã mở ra một hướng đi mới cho nhiều nông dân tại xã An Bình Tây”.
Bài, ảnh: Bảo Duy
Lâm Đồng: Nuôi thiên địch giữa vùng sâu Phi Liêng
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Một hợp tác xã (HTX), với những người nông dân vùng sâu Phi Liêng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) đang ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, những con côn trùng thiên địch đang giúp người nông dân chuyển hướng canh tác sạch.
Thả nhện bắt mồi vào vườn ớt chuông
HTX Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phi Liêng được thành lập năm 2020, với những thành viên là người nông dân thôn Trung Tâm, xã Phi Liêng. Ngay từ ban đầu, HTX đã định hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cung ứng những mặt hàng nông sản cao cấp. Với số lượng thành viên ban đầu là 7 người, HTX Phi Liêng chuyên định hướng trồng ba loại cây, đó là ớt chuông và cây cà chua, dưa leo trong nhà kính.
Anh Phí Văn Thìn - Giám đốc trẻ của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phi Liêng chia sẻ, vùng đất Phi Liêng khá mát mẻ, hợp với cây ớt chuông và cây cà chua. Vì vậy, thành viên HTX chú trọng vào hai loại cây phổ biến này, được trồng trong hệ thống nhà kính đạt chuẩn. Anh Thìn chia sẻ, sau những tháng ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm 2022, hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX bắt đầu khởi sắc. “Năm 2022, HTX đã cung cấp 280.000 cây giống cà chua và ớt chuông, dưa leo cho thành viên cũng như các nông hộ hợp tác. Chúng tôi cũng cung cấp gần 200 tấn phân bón các loại với giá thấp hơn thị trường 2.000 đồng/kg cho nông hộ và các thành viên. Đặc biệt, HTX bao tiêu sản phẩm cho thành viên cũng như 33 nông hộ liên kết với sản lượng 600 tấn ớt chuông, cà chua cũng như dưa leo”, anh Phí Văn Thìn kể lại những ngày HTX hồi phục sau dịch. Năm đầu tiên sau dịch, HTX đã đem về tổng doanh thu cho các thành viên 15 tỷ đồng, một con số thật sự đáng mừng với những người nông dân vùng sâu.
Năm 2023, tổng diện tích nhà kính của thành viên HTX là 4 ha và của các nông hộ liên kết được 6 ha. HTX sản xuất và bao tiêu được xấp xỉ 1.000 tấn nông sản các loại. Thu nhập 20 tỷ đồng của năm 2023 đã cho thấy, sản phẩm của những người nông dân cùng liên kết đã cho kết quả tích cực. Rau, quả của HTX vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng lớn, đến với rộng rãi người tiêu dùng cả nước.
“Trồng ớt chuông, dưa leo, cà chua đều đòi hỏi môi trường nhà kính với những quy trình canh tác rất nghiêm ngặt, đòi hỏi đảm bảo an toàn. Nông dân cũng như thành viên liên kết của HTX Phi Liêng đã đáp ứng quy trình canh tác ViệtGAP và hướng tới sản xuất nông sản hữu cơ, nông sản sạch”, anh Phí Văn Thìn cho biết. Một trong những đặc điểm nổi bật nhất HTX Nông sản sạch Phi Liêng, đó là HTX đang chuyển hướng sản xuất hữu cơ. HTX liên kết với Công ty Dalat Hasfarm để đưa những con thiên địch vào vườn ớt chuông. Anh Phí Văn Thìn chia sẻ: “Thực sự nông dân trồng ớt, cà chua trong nhà kính luôn đảm bảo quy trình xịt thuốc theo quy định của ngành nông nghiệp. Nhưng chúng tôi thừa nhận, muốn sản xuất sạch hơn, sản xuất hữu cơ, nông dân phải biết ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và sử dụng các con côn trùng thiên địch. Được sự hướng dẫn của Công ty Dalat Hasfarm, chúng tôi đã thử nghiệm trên bốn vườn với diện tích 1 ha, thả 6 loại thiên định như các loài nhện, bọ xít vào vườn để xử lý các loại sâu tơ, sâu xanh, các côn trùng gây hại trong vườn, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Phải nói, việc thay đổi hoàn toàn thói quen canh tác từ phun thuốc sang sử dụng thiên địch khiến nông dân gặp nhiều bỡ ngỡ. Nhưng cùng với kết quả khả quan, chúng tôi xác định, nuôi thiên địch, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là hướng đi cho tương lai của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phi Liêng”.
Anh Phí Văn Thìn chia sẻ, con giống thiên địch do Công ty Dalat Hasfarm cung cấp có giá rất cao. Hiệu quả mang lại của thiên địch trong canh tác cà chua, ớt chuông của HTX rất tốt nhưng nguồn giống còn đang là vấn đề nông dân băn khoăn. Vì vậy, anh Thìn bật mí, HTX đang thử nghiệm sản xuất giống bằng việc chủ động nuôi thiên địch sinh sản, tự sản xuất giống ngay tại vườn. Anh Thìn cho biết, người nông dân không thể có những cơ sở nghiên cứu như Công ty Dalat Hasfarm nhưng anh và các nông hộ khác cũng đã thử nghiệm trong điều kiện của địa phương, làm chuồng, căng mùng để thử nghiệm cho thiên địch tự sinh sản tại nhà. Anh rất hy vọng, với sự kiên trì của người nông dân, các con thiên địch sẽ sống tốt, sinh sản được trong điều kiện đơn giản của một HTX vùng sâu.
Ông Nguyễn Văn Bảo - Phó Tổng giám đốc Công ty Dalat Hasfarm cho biết, công ty đang hỗ trợ giảm giá 20% cũng như tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật rất cẩn thận, chu đáo cho các thành viên HTX Phi Liêng cũng như Hội Nông dân liên kết. Ông Bảo chia sẻ, với mục tiêu chung xây dựng một nền nông nghiệp an toàn, Dalat Hasfarm sẵn sàng đồng hành cùng nông dân để phổ biến rộng việc nuôi thiên địch diệt trừ côn trùng gây hại thay cho sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Và, HTX Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Phi Liêng là một trong những đối tác thành công của Dalat Hasfarm và đang định hướng mở rộng thêm diện tích sử dụng thiên địch, hướng tới một vùng nông nghiệp xanh.
DIỆP QUỲNH
Liên kết để phát triển cây ca cao bền vững
Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Với chủ đề “Hợp tác ASEAN và các phương pháp tiếp cận chung trong Chương trình thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp”, hội thảo CLB ca cao ASEAN (ACC) lần thứ 24 do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức từ ngày 8-11/10 tại TP.Vũng Tàu.
Triển vọng từ cây ca cao
Báo cáo tại hội thảo, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, đến nay, Việt Nam có 3.471ha ca cao, diện tích thu hoạch 2.836ha, sản lượng 4.786 tấn hạt khô, năng suất 16,9 tạ hạt khô/ha. Sản xuất ca cao tập trung tại các vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải Nam Trung bộ.
Mô hình liên kết sản xuất, đầu tư sản xuất ca cao quy mô tập trung được một số DN triển khai như Công ty TNHH DV-TM ca cao Thành Đạt, Công ty Binon Cacao (Bà Rịa-Vũng Tàu) với chuỗi sản xuất, chế biến, kết hợp du lịch trải nghiệp. Công ty TNHH ca cao Trọng Đức (Đồng Nai), Công ty Cao Nguyên Xanh (Đắk Lắk), Công ty TNHH Puratos Grand - Place Việt Nam… đã đầu tư chuỗi sản xuất, phát triển diện tích ca cao tập trung quy mô lớn. 100% hạt ca cao Việt Nam được lên men, đảm bảo chất lượng của các nhà thu mua chế biến và xuất khẩu.
Hội nghị cũng đưa ra các báo cáo về thuế quan và rào cản phi thuế quan đối với hạt ca cao và các sản phẩm ca cao; Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); Khu vực thương mại tự do ASEAN (FTA) giữa ASEAN và các nước khác; quốc gia được hưởng ưu đãi nhất (MFN).
Để phát triển ca cao bền vững, Bộ NN-PTNT tiếp tục đầu tư dự án nghiên cứu, phát triển giống ca cao mới có năng suất cao, chất lượng tốt, đặc biệt có khả năng kháng bệnh thối trái do nấm Phytophthora và bọ xít muỗi; hỗ trợ vay vốn vay ưu đãi để mở rộng diện tích sản xuất theo chuỗi (sản xuất - thu mua - chế biến ca cao), kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...
Mở ra cơ hội cho ca cao Bà Rịa-Vũng Tàu
Trong khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã phát triển mạnh diện tích trồng ca cao xen trong vườn tiêu, cây ăn trái đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện Bà Rịa-Vũng Tàu có diện tích cây ca cao đứng thứ nhì cả nước với 625ha, chỉ sau tỉnh Đắk Lắk 1.125ha.
Ca cao tập trung chủ yếu tại huyện Châu Đức. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, chất lượng hạt ca cao lên men ở đây thuộc diện hàng đầu cả nước. Với mô hình trồng ca cao, nhiều nông dân rất kỳ vọng vì đầu ra sản phẩm đã được bao tiêu.
Ông Thân Xuân Động (bên phải), Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết, vụ ca cao năm nay, bà con trúng mùa, được giá.
Theo ông Lê Ngọc Cần, Giám đốc HTX Ca cao Châu Đức, nếu canh tác tốt, ca cao trên 6 năm tuổi có thể đạt 3 tấn trái tươi/sào. 3 năm qua, giá trái ca cao tươi luôn ở mức từ 6.000-7.000 đồng/kg, nay đã tăng lên khoảng 12.000 đồng/kg, người trồng ca cao rất phấn khởi. Hiện nay, HTX Ca cao Châu Đức đã liên kết với Công ty CP Socola Marou, Công ty CP Vua Thực Phẩm (TP.Hồ Chí Minh); Binon Ca cao và các DN khác để thu mua hạt ca cao lên men nên nông dân yên tâm đầu ra cho sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, mục tiêu đến năm 2025, địa phương sẽ hoàn thiện quy trình trồng ca cao hữu cơ, mở rộng, tăng diện tích trồng ca cao tại huyện Châu Đức lên 650ha, trong đó xây dựng 15ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
“Với lợi thế và tiềm năng phát triển cây ca cao, Châu Đức kỳ vọng sẽ trở thành một trong những vùng nguyên liệu ca cao lớn nhất Việt Nam trong tương lai, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương”, ông Nguyễn Tấn Bản khẳng định.
Bài, ảnh: TRẦN MINH
Xuất khẩu nông sản tăng: Nông dân được lợi
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Mặc dù tình hình kinh tế còn khó khăn, nhưng xuất khẩu nông sản trong 9 tháng đầu năm 2024 được xem là điểm sáng khi mang về hơn 46 tỉ USD, tăng 21%. Xuất khẩu tăng đã kéo nhiều mặt hàng như lúa gạo, trái cây, thủy sản… được giá và dễ tiêu thụ.
Chế biến cá tra xuất khẩu ở nhà máy thủy sản Ấn Độ Dương (Khu công nghiệp Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ). Ảnh: H.TÂN
Nông dân một năm “được mùa, được giá”
Hơn 8 năm trồng sầu riêng nhưng chưa bao giờ ông Trần Văn Chiến, ở xã Trường Long, huyện Phong Điền (thành phố Cần Thơ) thắng lớn như năm nay. Ông kể, sau khi theo dõi diễn biến nhu cầu thị trường trái sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc nên vụ mùa năm 2024 ông chủ động xử lý vườn sầu riêng rộng hơn 2ha cho trái sớm (nghịch vụ). Để làm sầu riêng nghịch vụ thành công, ông Chiến đã tham gia nhiều lớp tập huấn của ngành nông nghiệp, dự các hội thảo chuyên đề và lặn lội nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm; từ đó chọn ra phương pháp áp dụng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Theo đó, vườn sầu riêng của ông Chiến được chăm sóc chu đáo và liên kết đầu ra với các doanh nghiệp. Ngay thời điểm tháng 3-2024, khi tình hình xuất khẩu sầu riêng hút hàng, cũng là lúc ông Chiến cho thu hoạch được hơn 38 tấn, bán giá 131.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi gần 4 tỉ đồng, mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.
Bà Bùi Thị Châm, Giám đốc Hợp tác xã vườn cây ăn trái Trường Thọ 2A, xã Trường Long, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, nhìn nhận: “Chính từ việc xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh đã góp phần quan trọng đẩy giá sầu riêng trái tại vườn lên cao kỷ lục; nhờ đó nên hầu hết bà con trồng sầu riêng năm nay trúng đậm, nhất là những hộ xử lý nghịch vụ cho trái sớm đã thu lợi nhuận lớn”.
Theo ông Nguyễn Văn Đời, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, năm 2024 là năm mà nông dân làm lúa bán được giá cả 3 vụ (Đông xuân, Hè thu và Thu đông), nhờ vào thị trường xuất khẩu thuận lợi, giá cao. Cộng với việc tăng cường liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp xuất khẩu từ sản xuất các loại giống lúa chất lượng cao, đến thu hoạch đúng thời điểm cần xuất khẩu và đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ của các nước; từ đó giá trị xuất khẩu gạo mang lại được nâng cao.
Do giá lúa từ đầu năm đến nay luôn được thu mua ở mức cao nông dân tỉnh Hậu Giang phấn khởi nên ở vụ lúa Thu đông này bà con trong tỉnh đã xuống giống vượt kế hoạch đề ra. Theo Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang, vụ lúa Thu đông năm nay tỉnh Hậu Giang có kế hoạch xuống giống 24.500ha, tuy nhiên đến thời điểm này nông dân trong tỉnh đã gieo sạ hơn 27.700ha. Diện tích lúa Thu đông tập trung nhiều ở các huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp. Các trà lúa từ giai đoạn mà đến thu hoạch.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, diện tích lúa Thu đông năm nay của tỉnh xuống giống vượt kế hoạch đề ra góp phần bù đắp phần nào diện tích lúa Đông xuân và Hè thu vừa qua đã giảm vì những lý do khách quan. Tuy nhiên, địa phương cũng khuyến cáo nông dân nên tuân thủ lịch thời vụ và ở vùng trũng, vùng chưa có hệ thống đê bao nên thận trọng trong việc sản xuất vụ lúa này do thường bị ảnh hưởng bất lợi từ thời tiết.
Đối với bà con nuôi thủy sản cũng có được lợi nhuận nhờ giá tăng. Ông Nguyễn Thế Kỷ, ở xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, bộc bạch: “Nếu như năm ngoái giá tôm nguyên liệu ở vùng này không cao thì từ đầu năm 2024 đến nay được cải thiện. Thương lái thu mua tôm càng xanh loại 15-25 con/kg với giá 160.000-180.000 đồng/kg; tôm thẻ loại 100 con/kg giá 85.000-90.000 đồng/kg; tôm sú loại 40 con/kg giá khoảng 150.000 đồng/kg… giá này bà con có được lợi nhuận”. Bộ NN&PTNT cho hay, trong 9 tháng qua xuất khẩu tôm đã mang về hơn 2,79 tỉ USD, tăng 10,5% so cùng kỳ; từ nay đến cuối năm 2024 dự báo nhu cầu tiêu thụ ở thị trường châu Âu, Mỹ, Trung Quốc… sẽ tăng và xuất khẩu cần được đẩy mạnh; điều này dẫn đến việc tiêu thụ tôm nguyên liệu nhiều hơn, thuận lợi cho nông dân sản xuất.
Tiếp tục gia tăng xuất khẩu
Bộ NN&PTNT đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân… trong sản xuất và xuất khẩu đạt kết quả khả quan. Theo đó, trong 9 tháng qua hầu hết các nhóm hàng nông sản xuất khẩu đều tăng, góp phần đưa kim ngạch đạt hơn 46 tỉ USD, tăng 21%. Ngoài ra, giá xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản cũng tăng so cùng kỳ, từ đó giúp doanh nghiệp và nông dân có được lợi nhuận đáng kể. Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhìn nhận, có kết quả như trên là nhờ chủ trương tái cơ cấu toàn ngành nông nghiệp thời gian qua được thực hiện quyết liệt và đúng hướng. Mô hình chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đã được lan tỏa rộng khắp và đón nhận sự hưởng ứng mạnh mẽ của các địa phương, hợp tác xã, nông dân… Mặt được là vậy, tuy nhiên để ngành nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 55 tỉ USD trong năm 2024 thì những tháng cuối năm còn nhiều việc phải làm.
Bên cạnh các thị trường chủ lực như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU… thì Bộ NN&PTNT đang phối hợp cùng Bộ Công thương, các đại sứ quán, doanh nghiệp… đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ… Đồng thời tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác nhập khẩu; tháo gỡ rào cản của các nước đặt ra và gia tăng xuất khẩu chính ngạch nhằm giảm rủi ro. Bên cạnh đó, chú trọng việc xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản vừa tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng thế giới và tham gia bền vững vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đối với cá tra, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết đang nỗ lực cùng các doanh nghiệp tăng tốc những tháng cuối năm nhằm đạt mục tiêu xuất khẩu 2 tỉ USD (tăng so với năm 2023 là 1,8 tỉ USD). Thuận lợi là thời gian qua thị trường Mỹ tăng trưởng tốt với 23% và mới đây Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố sẽ mua thêm thủy sản, trong đó có các sản phẩm từ cá da trơn. Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường Trung Đông, Trung Quốc, EU…
Ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt (An Giang), chia sẻ: Để ngành cá tra bớt rủi ro thì cần tổ chức lại một cách bài bản từ sản xuất đến chế biến và xuất khẩu. Theo đó, tăng cường liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp; đầu tư cải thiện chất lượng con giống; ứng dụng khoa học vào sản xuất và chế biến nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, sản phẩm giá trị gia tăng… Tới đây, ngành cá tra cần hướng tới mô hình khép kín để giảm chi phí giá thành; đáp ứng phù hợp với nhu cầu của nhiều thị trường tiêu thụ trên thế giới.
Bộ NN&PTNT thông tin, vừa chính thức ký kết 3 nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc xuất khẩu dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu sang thị trường lớn này. Cụ thể, hiện nay cả nước đang bùng nổ về trồng sầu riêng và có sản lượng rất lớn; do đó khi sầu riêng đông lạnh của nước ta được xuất chính ngạch sang Trung Quốc hứa hẹn mang về giá trị cao. Đối với cây dừa cả nước có hơn 194.000ha, sản lượng hơn 1,9 triệu tấn và dừa cũng là ngành hàng có tiềm năng lớn về xuất khẩu. Trong khi cá sấu thì ở vùng ĐBSCL có điều kiện phát triển bởi lợi thế về sông nước, nguồn thức ăn dồi dào… Có thể nói, với sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu khi được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ đưa giá trị xuất khẩu tăng mạnh trong thời gian tới.
H.TÂN - H.THU
Tỉ phú ở vùng đất khó
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Sở hữu hơn 500ha đất trồng lúa cho thu nhập hơn chục tỉ đồng mỗi năm, nhưng ông luôn giản dị, chất phác đúng chất nông dân miền Tây. Ông là Nguyễn Thanh Tuấn (sinh 1975), ngụ ấp Lung Lớn, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương (Kiên Giang), nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.
Ông Tuấn (bên phải) bên xưởng chế tạo máy nông nghiệp của mình.
Ðoàn công tác của chúng tôi được ông Tuấn đích thân lái ô tô bon bon trên con đê, cả cánh đồng lúa hè thu 2024 xanh mướt hiện ra trước mắt đẹp như một tấm thảm. Ít ai ngờ, vùng đất trù phú này lại từng là vùng nhiễm phèn và hoang hóa, khắp nơi chỉ có cây tràm và cỏ dại. Ông Tuấn cho biết, chương trình khai phá vùng tứ giác Long Xuyên bắt đầu từ năm 1988 và kéo dài hơn mười năm mới hoàn thành. Và gia đình ông là một trong những hộ gắn bó ngay từ những ngày đầu với chương trình này.
Ðất như thử lòng người. Có lẽ chính nghị lực cùng tình yêu sâu đậm với cây lúa đã giúp ông Tuấn và cha bám trụ được nơi vùng đất khó. Năm 2003, ông Tuấn được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho vay 4 tỉ đồng để tiếp tục tu bổ đồng ruộng, đầu tư đê bao nhằm phát huy hiệu quả kép vừa làm đường giao thông vận chuyển vật tư, vừa chống lũ hiệu quả. Cả cánh đồng được ông Tuấn chia thành 16 khuông, mỗi khuông được xẻ 3 kênh thủy lợi nội đồng vừa làm nhiệm vụ dẫn nước ngọt, vừa thau chua, rửa mặn, xổ phèn.
Ðất không phụ người, sau 3 năm thất bát, những công trình thủy lợi, những giải pháp kỹ thuật trị phèn đã phát huy tối đa tác dụng, đẩy những con nước đỏ ngầu lùi xa ra cánh đồng. Sản lượng lúa liên tục tăng lên. Ðất từ chỗ cho không ai lấy đã lên cả chục triệu đồng mỗi công. Gia đình ông Tuấn được tiếp thêm động lực sản xuất, ra sức chăm chút cho ruộng đồng để mong có những vụ mùa bội thu hơn. Tuy năng suất lúa dần được cải thiện qua từng năm, trải qua nhiều giống lúa, cùng nhiều cách làm khác nhau, nhưng hiệu quả thu về chưa nhiều, trong đó, điều khiến ông trăn trở nhất là chi phí sản xuất quá lớn, thậm chí có thời điểm lúa sản xuất ra chất dài hàng kí-lô-mét nhưng không bán được. Từ thực tế đó, ông Tuấn thay đổi tư duy, xác định phải chọn giống lúa chất lượng cao, làm ra hạt gạo sạch thì mới mong khá lên được. Và khi giống lúa Nhật (DS1) được thị trường thế giới ưa chuộng và luôn bán được giá cũng là lúc ông Tuấn chọn giống lúa này thay thế các giống lúa cũ.
Không chỉ am hiểu về cây lúa, ông Tuấn còn cải tiến thành công máy làm đất 4 trong 1 giúp đẩy nhanh tiến độ khâu cày xới đất và trang phẳng mặt ruộng trước khi gieo sạ. Trong khâu gieo sạ, bón phân cho lúa đều được ông sử dụng máy bay không người lái, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, gieo sạ đồng loạt đảm bảo lịch thời vụ. Tất cả những điều kiện này giúp ông Tuấn đáp ứng điều kiện khắt khe khi được một công ty chuyên xuất khẩu gạo sang thị trường Nhật, châu Âu chọn ký hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa.
Từng trải qua nhiều cơ cực nên khi có của ăn của để, vợ chồng ông Tuấn vẫn giữ nếp sống giản dị, sẵn sàng chia sẻ với người nghèo khó. Ngoài cho gạo người nghèo mỗi năm hàng chục tấn cùng hàng trăm suất quà Tết, xây dựng cầu giao thông nông thôn trị giá hàng trăm triệu đồng, ông Tuấn còn sắm hẳn chiếc xe chuyển bệnh từ thiện để kịp giúp người nghèo khó lúc ốm đau. Ông Tuấn nói: “Lấy đức ở đời mặc sức ăn, vợ chồng tôi quan niệm như vậy. Mình có ăn thì cũng nên chia sẻ với mọi người, đó là chuyện nên làm”.
Bài, ảnh: ÐẶNG LINH
Phục hồi đất nông nghiệp sau lũ
Nguồn tin: Báo Tuyên Quang
Trận lũ lịch sử vừa qua đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho tỉnh Tuyên Quang, đặc biệt là đối với ngành Nông nghiệp. Hàng trăm ha đất nông nghiệp bị vùi lấp, bóc màu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của người dân. Trước tình hình đó, công tác khôi phục đất đai đang được các cấp chính quyền, các ngành và người dân triển khai khẩn trương.
Bà Ma Thị Hiện, thôn Nà Lại, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) cho biết, trận mưa lũ vừa qua đã làm toàn bộ diện tích cây trồng của gia đình bà bị ngập úng, đổ gãy gần hết. Vụ này coi như mất trắng rồi. Lũ cuốn đi lớp đất màu mỡ trên ruộng để lại một lớp đất bạc màu, cứng chắc. Mưa lũ không chỉ cuốn trôi đất mà còn vùi lấp ruộng bằng một lớp đất cát dày. Giờ muốn cày trồng ngô, mía lại thì phải mất rất nhiều công sức và chi phí. Hiện gia đình đang huy động nhân lực để cải tạo 3 sào đất, chuẩn bị cho sản xuất vụ đông.
Diện tích vườn trồng mía của gia đình bà Ma Thị Hiện (ngoài cùng bên trái), thôn Nà Lại, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) bị vùi lấp lớp cát, đất dày.
Theo đồng chí Ma Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Tri Phú, trên địa bàn xã có hơn 10 ha đất bị sạt lở, bóc màu, bồi lấp do ảnh hưởng lũ, chủ yếu ở những khu vực ven sông, suối. Hiện tại, xã vận động người dân cải tạo, khôi phục sản xuất; tập trung dọn dẹp bề mặt, san gạt tạo mặt bằng canh tác; đối với diện tích đất bị vùi lấp sâu, tiến hành cày sâu để đảo lộn tầng sét, cát mịn và hữu cơ; khử độc và cải tạo đất bằng vôi bột, phân chuồng hoặc phân vật liệu hữu cơ đã hoai mục.
Xã Xuân Vân (Yên Sơn) nằm ở ven sông Gâm. Trong đợt mưa lũ vừa qua, nước sông chảy rất mạnh, đất cát từ thượng nguồn đổ về khiến cho trên 70 ha đất sản xuất nông nghiệp bị bồi lấp với độ dày bình quân từ 20 - 30 cm. Đặc biệt, vùng trồng bưởi có trên 50 ha đất bị cát bồi lấp.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thường, ở thôn Soi Đát có hơn 2 ha đất trồng bưởi. Ông Thường cho biết, sau các đợt lũ lụt, độ dày đất, cát bồi lấp trên các vườn cây khoảng hơn 20 cm. Gia đình đã tiến hành cày đất, phá váng, khử trùng môi trường và sâu bệnh. Tuy nhiên, với sức người có hạn, chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc cải tạo đất. Do đó, chúng tôi mong các cấp, các ngành hỗ trợ thêm về máy móc, nhân lực để kịp thời cải tạo vườn bưởi, phục hồi lại sản xuất.
Để khắc phục hậu quả của lũ và khôi phục sản xuất nông nghiệp, các địa phương, ngành chức năng và người dân đang tập trung rà soát, đánh giá toàn diện thiệt hại về đất đai, cây trồng, vật nuôi để có kế hoạch hỗ trợ phù hợp.
Đồng chí Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tuyên Quang cho biết, ngay sau lũ bão, Ngành Nông nghiệp đã ban hành văn bản hướng dẫn địa phương, Nhân dân về việc quản lý việc cấp hỗ trợ giống cây trồng và tổ chức sản xuất sau bão số 3. Trong đó, đối với diện tích đất bị bồi lấp, khẩn trương thu dọn sạch đất, đá, rác và tàn dư cây trồng trên ruộng vườn, rạch rãnh để đất nhanh khô (nếu đất trống nên cày lật để phơi đất). Dùng vôi bột với liều lượng từ 600 - 700 kg/ha (20 - 25 kg/sào) rắc đều trên mặt đất trước khi cày, phay đất để diệt trừ mầm bệnh và tăng độ pH đất. Khi gieo trồng bón tăng thêm từ 30 - 50% lượng phân chuồng hoai mục (hoặc phân hữu cơ vi sinh) so với quy trình chăm sóc thông thường để cải tạo, phục hồi đất.
Cùng với đó, Ngành Nông nghiệp hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người dân bị ảnh hưởng; khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác như làm đất tơi xốp, bón phân hữu cơ, trồng cây che phủ đất để cải thiện chất lượng đất. Hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang các mô hình sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu như trồng các loại cây ngắn ngày, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân Tuyên Quang đã mang lại những kết quả bước đầu. Nhiều diện tích đất đã được dọn dẹp, san phẳng. Các giống cây trồng, vật nuôi được cung cấp kịp thời, chuẩn bị cho vụ sản xuất mới.
Bài, ảnh: Lý Thu
Bình Dương: Trên 5.760 ha đất trồng trọt ứng dụng công nghệ cao
Nguồn tin: Báo Bình Dương
Đến nay địa bàn tỉnh Bình Dương có 5.764 ha diện tích trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, với các loại cây trồng có giá trị như rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh... Điển hình như Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo) có tổng diện tích khoảng 410 ha. Khu nông nghiệp này trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, với hệ thống nhà kính công nghệ Israel điều khiển tự động bằng máy tính theo tiêu chuẩn GlobalGAP, sản phẩm chủ yếu phục vụ xuất khẩu.
Hiện nay, mô hình trồng cây có múi (cam, quýt, bưởi) đang được nhân rộng ở các địa phương TP.Tân Uyên, huyện Bàu Bàng, huyện Dầu Tiêng… Các mô hình trồng cây có múi áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất, như hệ thống tưới tự động kết hợp biện pháp phủ bạt xử lý ra hoa trái vụ; năng suất vườn cây đạt bình quân từ 30-40 tấn/ha, doanh thu từ 300-500 triệu đồng/ha.
TUẤN ANH
Nuôi heo vụ tết đối mặt với nhiều khó khăn
Nguồn tin: Báo Phú Yên
Thương lái thu gom heo giống đưa ra ngoài tỉnh tiêu thụ khiến heo giống trong tỉnh khan hàng, tăng giá. Ảnh: THỦY TIÊN
Thời tiết mưa nắng thất thường, con giống khan hiếm, giá cao… là những khó khăn mà người chăn nuôi heo vụ tết đang phải đối mặt.
Chật vật vào vụ tết
Hai ô chuồng nuôi heo của gia đình bà Huỳnh Thị Thành ở xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) đã được vệ sinh, phơi phóng gần cả tháng qua, nhưng đến nay vẫn chưa được thả lứa giống mới để nuôi vụ tết. Bởi bà Thành chưa mua được con giống, dù đã liên hệ rất nhiều mối quen. Bà Thành cho biết: Sau khi xuất lứa heo thịt vừa rồi, tôi tất bật chuẩn bị chuồng trại nhưng mất cả tháng trời mà vẫn chưa vào vụ được. Thị trường đang hút, giá giống ngày một tăng, với đà này khả năng vụ tết năm nay gia đình phải bỏ chuồng trống.
“Năm nào cũng vậy, dù khó khăn mấy gia đình cũng cố gắng thả chục con giống để bán trong dịp tết, có đồng ra đồng vào xoay xở cuối năm. Bây giờ không sản xuất được, tôi cũng chưa biết làm gì khác”, bà Thành nói thêm.
Những tháng gần đây, giá heo hơi tăng cao, hiện dao động khoảng 66.000-68.000 đồng/kg hơi nên người nuôi phấn khởi, tập trung tăng, tái đàn đón đợt tiêu thụ cuối năm. Đây chính là lý do khiến heo giống trở nên khan hiếm, giá tăng. Vì con giống khan hiếm nên đợt này các cơ sở không bán giống 15-20kg/con như trước mà chỉ bán heo xách (không cân ký mà bán theo con, thường trọng lượng khoảng 5-6kg/con), giá từ 1,4-1,5 triệu đồng/con, tương đương mỗi ký heo giống có giá gần 300.000 đồng. Đây là mức giá cao chưa từng có.
Theo nhiều người nuôi heo, ảnh hưởng bởi đợt bão lũ miền Bắc vừa qua khiến đàn heo thiệt hại khá nhiều, nhu cầu tái đàn sản xuất trở lại của nông dân ở vùng này tăng cao. Heo giống và heo thịt khu vực miền Bắc có giá nhỉnh hơn so với miền Trung, nên các thương lái tăng cường gom heo đưa ra miền Bắc, làm cho thị trường càng hút hàng hơn.
Thận trọng với dịch bệnh
Những tháng cuối năm, thời tiết trên địa bàn tỉnh bước vào mùa mưa lụt. Đây cũng chính là mùa của dịch bệnh ở đàn vật nuôi. Trong điều kiện mưa nắng thất thường và sắp tới có thể sẽ là bão lũ nên người nuôi heo phải hết sức chú trọng phòng ngừa thiên tai, dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Hầu hết trang trại nuôi heo có quy mô công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều ở vị trí cao ráo, không sợ ngập. Còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, gia trại, bà con cần chủ động phương án di dời đàn vật nuôi khỏi vùng trũng thấp hoặc có giải pháp phòng chống ngập úng nếu mưa lụt; chuồng trại cần được gia cố kỹ, cần tính phương án che chắn để hạn chế mưa tạt, gió lùa.
Vào những tháng cao điểm mùa mưa, người nuôi heo có thể tăng cường bổ sung các loại vitamin, khoáng chất vào khẩu phần ăn hằng ngày để giúp tăng cường sức khỏe, nâng sức đề kháng cho đàn heo. Người nuôi phải quan tâm dọn vệ sinh chuồng trại mỗi ngày, chất thải, nước thải cần thu gom, xử lý đúng cách, nền chuồng luôn khô thoáng, sạch sẽ để heo có chỗ nằm. Môi trường khu vực nuôi cũng cần được tiêu độc định kỳ 2 lần/tuần.
“Ngoài ra, trong điều kiện khan hiếm heo giống hiện nay, bà con phải thận trọng khi chọn mua con giống, sao cho đảm bảo con giống có hình thể khỏe mạnh, không mang các triệu chứng bệnh, đã được phòng ngừa dịch bệnh đầy đủ. Bà con nên ưu tiên chọn mua giống ở các cơ sở cung cấp giống uy tín, khi nhập giống phải tuân thủ việc nuôi cách ly trước khi nhập đàn…”, ông Lâm nhấn mạnh.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đơn vị đang tăng cường kiểm soát việc mua bán, vận chuyển và giết mổ động vật trên toàn tỉnh; đặc biệt siết chặt việc nhập giống vật nuôi vào tỉnh, đảm bảo con giống có nguồn gốc rõ ràng, sức khỏe tốt và được phòng dịch theo quy định… để phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con.
THỦY TIÊN
Nuôi trùn quế góp phần xử lý môi trường nông thôn
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Hàng trăm tấn phân từ gia súc thải ra đang gây sức ép mạnh mẽ lên môi trường nông thôn. Và, xử lý những vấn đề môi trường ấy đang được nông dân Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) thực hiện rất tốt với một vật nuôi đơn giản: con trùn quế.
Trang trại trùn quế của ông Lê Văn Thạnh, xã Hiệp Thạnh
Anh Ngô Phạm Quốc Trung, Tổ dân phố 31, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng đang thực hiện mô hình khép kín nuôi trùn quế - chăn nuôi gà đặc sản. Anh Quốc Trung chia sẻ, trước đây anh cũng chăn nuôi một vài vật nuôi khác nhau. Nhận thấy nhu cầu được thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, anh đã chọn nuôi gà tre lấy trứng. Con gà tre của anh được nuôi trong điều kiện giống như tự nhiên, gà thả rông, chỉ ăn lúa, bắp, rau. Để có thức ăn cho gà, anh Quốc Trung trồng rau cải, rau muống… để bầy gà được sử dụng rau hằng ngày. Tuy nhiên, để bổ sung lượng đạm, canxi cho gà, anh Quốc Trung chọn một vật nuôi: con trùn quế.
“Gà nuôi mà không có côn trùng thì thiếu dưỡng chất, chất lượng trứng không tốt. Vì vậy, tôi chọn nuôi trùn quế trên khay để gà được ăn trùn. Trùn được nuôi bằng gốc rau thừa, vỏ, thịt trái cây hư do gia đình có nghề làm sinh tố. Nuôi trùn rất dễ, con trùn xử lý rau, quả dư thừa lớn nhanh, gà ăn trùn đầy đủ dinh dưỡng, đẻ rất tốt”, anh Trung chia sẻ. Hiện tại, anh Ngô Phạm Quốc Trung đang có trên 50 con gà tre chuyên lấy trứng. Những quả trứng gà tre nhỏ xíu được anh cung cấp cho thị trường với giá 5 ngàn đồng/quả. Theo anh Quốc Trung, nuôi trùn xử lý rau, trái cây dư hỏng, sau đó dùng trùn cho gà ăn đã mang lại một mô hình kinh tế xoay vòng hiệu quả và sạch sẽ, gia đình dễ dàng xử lý trái cây dư thừa. Đồng thời, lượng phân gà qua ủ men được bón cho vườn rau, giúp vườn rau xanh tốt, đủ lượng rau cho gà ăn hằng ngày. Anh Quốc Trung đang tiến hành mở rộng mô hình nuôi gà tre tự nhiên lấy trứng. Theo anh, đây là một mô hình hiệu quả với những người nông dân có vườn.
Không chỉ có gia đình anh Ngô Phạm Quốc Trung, hàng trăm nông hộ trên địa bàn huyện Đức Trọng đang tích cực mở rộng quy mô nuôi dưỡng con trùn quế. Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Trọng cho biết, Đức Trọng là một trong những vùng trọng điểm chăn nuôi bò sữa của Lâm Đồng. Có thể nói áp lực môi trường lên vùng nông thôn Đức Trọng khá lớn, đặc biệt là trong chăn nuôi. “Nhiều năm qua, toàn huyện Đức Trọng cũng như Hội Nông dân chúng tôi đã tìm mọi phương pháp để tăng cường xử lý môi trường, bảo vệ nông thôn, xây dựng một nền nông nghiệp xanh. Theo thống kê, tới đầu tháng 10/2024, Đức Trọng có đàn bò sữa trên năm ngàn con, gây ra một áp lực rất lớn cho môi trường do chất thải của các trang trại bò”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn thừa nhận. Tuy nhiên, một hướng mở đã cho thấy việc xử lý chất thải từ các trang trại bò sữa bằng trùn quế đồng thời mang lại một nguồn lợi cho người nông dân.
Quy mô lớn của trang trại trùn quế ông Lê Văn Thạnh, xã Hiệp Thạnh đã tạo thành liên kết lớn. Theo đó, các nông dân nuôi bò lân cận sẽ đem phân tới cung ứng cho trại nuôi trùn quế của ông Thạnh. Lượng phân trùn quế được đưa vào chế biến, đóng gói và cung ứng rộng rãi trong tỉnh cũng như các địa phương trồng rau, hoa toàn quốc. Đây là một mô hình đã cho thấy thành công trong việc liên kết chặt chẽ giữa chăn nuôi và xử lý môi trường.
DIỆP QUỲNH
Tái đàn vật nuôi phục vụ thị trường cuối năm
Nguồn tin: Báo Thái Bình
Để chuẩn bị nguồn cung thực phẩm cho những tháng cuối năm và tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) tích cực tái đàn, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kỳ vọng vào thời điểm vàng tiêu thụ lớn nhất năm.
Gia đình anh Nguyễn Văn Trường, thôn Đông Hưng, xã Sơn Hà (Thái Thụy) có 9.000 con gà xuất bán dịp cuối năm.
Gia đình anh Nguyễn Văn Trường, thôn Đông Hưng, xã Sơn Hà là 1 trong 3 hộ chăn nuôi gà quy mô lớn ở địa phương với tổng đàn hơn 6.000 con/ lứa. Trong đợt bão số 3 vừa qua, trang trại bị ngập lụt, tốc mái 1 dãy chuồng khiến hơn 1.000 con gà bị chết, thiệt hại gần 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hà cho biết: Hiện xã có 6 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô hơn 6.000 con/lứa, 15 gia trại duy trì 2.000 con/lứa. Từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm được kiểm soát, giá bán tương đối ổn định từ 65.000 - 70.000 đồng/kg gà thương phẩm nên các hộ chăn nuôi yên tâm tái đàn. Dự kiến các hộ chăn nuôi xã Sơn Hà có thể cung cấp hơn 60.000 con gia cầm trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Chúng tôi đã tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi kiểm soát tốt con giống, dịch bệnh để giữ vững ổn định sản xuất.
Bà Lê Thị Sinh, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thái Thụy cho biết: Tính đến tháng 9/2024, toàn huyện có hơn 84.000 con lợn; gần 4.000 con trâu, bò, dê; hơn 600.000 con gà, gần 500.000 con thủy cầm. So với cùng kỳ năm trước, tổng đàn gia súc, gia cầm tăng nhẹ. Tình hình kiểm soát dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm ở huyện đang được thực hiện hiệu quả, 80% tổng đàn đã thực hiện tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, thời tiết diễn biến thất thường, nắng mưa xen kẽ, kèm các đợt không khí lạnh nên đàn vật nuôi không kịp thích nghi, dẫn đến sức đề kháng kém, tạo cơ hội để dịch bệnh phát triển. Do đó, người chăn nuôi cần cẩn trọng phòng, chống dịch bệnh. Để bảo đảm tái đàn mang lại hiệu quả cao, Trạm đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn các xã, thị trấn về chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp, cách thức tiến hành vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường tại các cơ sở đạt hiệu quả; hướng dẫn những quy tắc quan trọng trong chăn nuôi như nhập con giống rõ nguồn gốc; không nên tăng đàn ồ ạt, thường xuyên bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết vào khẩu phần ăn cho vật nuôi; khi phát hiện dịch bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý, không để dịch bệnh lan ra diện rộng.
Nguyễn Thắm
Hiếu Giang tổng hợp