Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 14 tháng 4 năm 2025

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 14 tháng 4 năm 2025

 

Ứng dụng công nghệ cao - phát triển nông nghiệp bền vững

Thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và là trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng Tây Bắc, các doanh nghiệp, HTX, nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế.

Nông dân huyện Mộc Châu đầu tư lưới phủ chống mưa đá tại thung lũng mận Nà Ka.

Các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Điểm nổi bật, gần 400 ha xoài của HTX Ngọc Lan và 612 hộ của 2 xã Hát Lót, Chiềng Mung và thị trấn Hát Lót được UBND tỉnh công nhận ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc HTX Ngọc Lan, phấn khởi: HTX có 52 hộ thành viên, đang trồng 60 ha xoài đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. HTX và các hộ đã đầu tư, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm tự động cho 65,9% diện tích, giúp giảm tối đa chi phí sản xuất. Diện tích xoài của HTX và các hộ dân vừa được công nhận vùng xoài ứng dụng công nghệ cao, mở ra cơ hội để việc sản xuất, tiêu thụ thuận tiện, giúp nhân dân làm giàu từ cây xoài.

Tại huyện Yên Châu, đầu năm 2025, nông dân các xã Phiêng Khoài, Lóng Phiêng, Chiềng Hặc đón tin vui khi 3 vùng xoài, nhãn, mận được công nhận vùng sản xuất công nghệ cao với tổng diện tích hơn 1.000 ha.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Sơn La xây dựng, hình thành nhiều mô hình, cách làm hay trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, như: Mô hình mận hậu, nhãn chín sớm, rau an toàn trái vụ, mô hình chăm sóc cây ăn quả, chè, cà phê theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; mô hình trồng na hoàng hậu, dâu tây... cho thu nhập từ vài trăm đến hàng tỷ đồng/ha/năm. Nhiều HTX, hộ gia đình đã ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhất là các biện pháp đốn tỉa, bao trái, đầu tư nhà màng, nhà kính, hệ thống tưới tiết kiệm nước, tưới nước tự động, tạo ra các sản phẩm hoa quả chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường...

Tiêu biểu, HTX Nông sản Noọng Piêu, xã Phiêng Khoài, là một trong những HTX có diện tích mận được công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chị Bùi Phương Thanh, Phó Giám đốc HTX chia sẻ: HTX có 30,5 ha, nâng cao chất lượng quả mận, HTX vận động thành viên ứng dụng các tiến bộ về khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhất là để có những trái mận chất lượng, quá trình sản xuất phải tỉa đi 30-50% sản lượng, tỉa cành, tỉa trái để giữ lại những quả ngon nhất ở đầu cành.

Nông dân xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu áp dụng công nghệ tưới tự động cho cây mận.

Bên cạnh đó, sản xuất mận Ruby tập trung vào kỹ thuật điều khiển quả ra tại vị trí thân, cành cấp 1. Từ đó, quả to hơn, hình thức mẫu mã quả, chất lượng cao hơn so với quả ra ở cành cấp 4, cấp 5. Đồng thời, kết hợp tổng hợp các biện pháp kỹ thuật về cắt tỉa cành, bón phân, tưới nước, khoanh gốc để chăm sóc và tạo màu cho quả. Năm 2024, HTX là đơn vị đầu tiên của tỉnh đưa 10 tấn mận vào thị trường một số nước EU: Anh, Pháp, Đức, Cộng hòa Séc. Với mẫu mã đẹp, chất lượng cao, mận Ruby có giá 70.000-120.000 đồng/kg. Năm 2024, mận Ruby của HTX đạt sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh.

Sơn La công nhận 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm: 2 vùng chè, chăn nuôi bò sữa tại huyện Mộc Châu; 2 vùng cà phê, 1 vùng na, 1 vùng xoài tại huyện Mai Sơn và 3 vùng nhãn, mận, xoài tại huyện Yên Châu. Năm 2024, tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh đạt 8.687 tỷ đồng. Giá trị thu nhập trên một ha đất canh tác ứng dụng công nghệ cao tăng từ 1,5-2 lần trở lên so với canh tác truyền thống. Toàn tỉnh có 5.596 ha cây trồng áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP và tương đương.

Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, thông minh

Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV nhiệm kỳ 2020 - 2025 về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, tỉnh Sơn La đã tập trung cơ cấu lại nông nghiệp thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế từng vùng.

Vùng xoài xã Hát Lót, huyện Mai Sơn được công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, thông tin: Thực hiện chủ trương của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2025. Vận động các tổ chức, cá nhân đầu tư các chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa, hiện đại hóa trang thiết bị; ứng dụng toàn diện, đồng bộ các kỹ thuật phục vụ sản xuất các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện theo hướng bền vững, không gây hại cho môi trường.

Năm 2024, giá trị sản phẩm thu hoạch trên một đơn vị diện tích của huyện Yên Châu đạt 60 triệu đồng/ha; có khoảng 7.200 ha cây ăn quả được ứng dụng công nghệ cao, chiếm 60% tổng diện tích cây ăn quả của huyện; trên 1.666 ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng và chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chiếm 14,3% tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện; khoảng 90% diện tích cây trồng được sản xuất đảm bảo quy trình kỹ thuật.

Việc xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo bước đột phá, chuyển nhanh từ nền nông nghiệp truyền thống dựa vào khai thác các nguồn tài nguyên có giới hạn, quy mô sản xuất nhỏ sang nền nông nghiệp chất lượng, quy mô lớn dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ. Xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân các vùng sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới. Quan trọng hơn là sản phẩm nông nghiệp hướng đến các tiêu chí sạch, an toàn sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Vũ Tiến Đĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: Sở tiếp tục tham mưu tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng; hỗ trợ, hướng dẫn các HTX, nông dân phát triển cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương; tăng diện tích, sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các sản phẩm hữu cơ phục vụ tiêu thụ trong nước, xuất khẩu. Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường.

Đồng thời, rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất theo hướng đối với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có lợi thế cạnh tranh và có điều kiện. Các địa phương đẩy mạnh việc xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái; đối với những cây trồng chưa có điều kiện áp dụng ngay, tập trung hình thành chuỗi liên kết sản xuất ổn định với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà máy chế biến để có sự hỗ trợ của doanh nghiệp.

Với những thành quả đạt được, nông nghiệp Sơn La hứa hẹn phát triển mạnh theo hướng hiện đại, bền vững, góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới Sơn La ngày một khởi sắc.

Nguyễn Yến

 

Nâng tầm ngành nông nghiệp từ sản xuất xanh

Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để cho ra sản phẩm nông nghiệp xanh, chất lượng, bảo đảm an toàn sức khỏe, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Mô hình trồng bưởi của hộ nông dân Châu Văn Lợi (huyện Phú Giáo) mang lại giá trị kinh tế cao

Chuyển đổi phù hợp

Những năm gần đây, trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp, tỉnh Bình Dương luôn đặt nông nghiệp xanh, nông sản sạch lên hàng đầu. Nhiều trang trại, hợp tác xã, gia đình nông dân đã từng bước thay đổi phương thức canh tác, trở lại với các phương thức truyền thống như ủ phân xanh, canh tác luân canh, tận dụng các phế phẩm từ chăn nuôi để tạo nguồn phân hữu cơ, phân vi sinh, loại bỏ các yếu tố nhân tạo, kết hợp với kỹ thuật công nghệ hiện đại giúp đất đai màu mỡ tạo nên nền nông nghiệp hữu cơ (NNHC) khép kín. Từ đó tạo ra sản phẩm nông sản sạch với tiêu chuẩn giá trị an toàn, bảo đảm chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Ông Châu Văn Lợi, nông dân ở xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, cho biết sản phẩm tạo ra từ sản xuất NNHC mang lại giá trị lớn, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và người sản xuất. Ban đầu, ông trồng 2 ha bưởi theo hướng NNHC, nhận thấy hiệu quả mang lại cao nên gia đình ông tiếp tục nhân rộng lên 5 ha trồng bưởi theo hướng hữu cơ. Hiện nay, vườn bưởi của ông mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, doanh thu trung bình đạt 500 triệu đồng/năm. Là một trong những người có kinh nghiệm lâu năm trong trồng trọt các loại cây có múi và áp dụng nhiều tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch, ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến ở huyện Bắc Tân Uyên, đã áp dụng sản xuất NNHC. Ông Đoàn Minh Chiến chia sẻ thực hiện việc đổi mới sản xuất nông nghiệp, ông đã áp dụng các quy chuẩn sản xuất NNHC vào vườn cam, bưởi. So với các quy chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch khác, sản xuất NNHC đòi hỏi phương pháp canh tác kỹ hơn, tuân thủ nghiêm ngặt hơn. Trang trại của ông cũng đang áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất NNHC.

Công ty Cổ phần Vinamit là doanh nghiệp tiên phong đầu tư trang trại quy mô lớn sản xuất hữu cơ tại Việt Nam. Công ty có tổng diện tích lên đến hơn 150 ha, với trên 50 giống cây trồng, đã đạt chứng nhận canh tác hữu cơ và nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn Organic hữu cơ USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ) và Organic hữu cơ Liên minh châu Âu. Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, chia sẻ làm phân bón hữu cơ cũng giống như phân NPK, nhưng nó không đến từ phân hóa học mà từ chế phẩm sinh học. Canh tác hữu cơ cần quá trình đầu tư dài hơi, tốn kém, nhưng bảo đảm chất lượng, an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.

Hướng đi tất yếu

Bình Dương chú trọng phát triển nông nghiệp xanh ở khu vực có diện tích đất xám, được phân bố ở huyện Dầu Tiếng, TP.Bến Cát, TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một; đồng thời mở rộng thực hiện ở khu vực phân bố diện tích đất vàng, chủ yếu ở các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, TP.Tân Uyên theo hình thức nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện toàn tỉnh có diện tích trồng trọt ứng dụng công nghệ cao khoảng 6.200 ha, diện tích nông nghiệp đô thị khoảng 180 ha; trong đó có khoảng 700 ha trồng trọt theo hướng hữu cơ.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường, hiện nay hầu hết các trang trại, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đang ngày càng chú trọng nhiều hơn đến sản xuất hữu cơ, đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn nông sản. Sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất cũng là lựa chọn thay thế hàng đầu cho phân hóa học, vừa mang lại hiệu quả cao hơn vừa không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Phân bón hữu cơ vi sinh chứa nhiều vi sinh vật có lợi cho cây trồng, giúp đất tơi xốp, giữ được độ ẩm, không làm bạc màu đất. Ngoài ra, phân bón hữu cơ vi sinh còn cung cấp gần như đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng khả năng miễn dịch của cây trồng, giúp năng suất tăng thêm 20% so với khi sử dụng phân bón vô cơ.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết trong những năm qua ngành nông nghiệp tỉnh nhà gia tăng sản xuất NNHC. Bởi sản xuất NNHC phù hợp với chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, hướng tới xuất khẩu, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp tỉnh Bình Dương nói riêng, Việt Nam nói chung trên bản đồ nông nghiệp thế giới. Theo đó, tỉnh Bình Dương đã xây dựng vùng chuyên canh theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thông qua hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; ứng dụng khoa học - công nghệ, thực hành sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt, đa dạng sinh học, NNHC và tương đương, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới; ưu tiên phát triển nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ, có năng suất cao, có giá trị lớn, có khả năng xuất khẩu, phù hợp với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái. Đồng thời, ngành cũng đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn, yêu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

THOẠI PHƯƠNG

 

Nông dân thời 4.0 đam mê nông nghiệp xanh

Những năm qua, mô hình phát triển kinh tế

Những năm qua, mô hình phát triển kinh tế "Trang trại giun quế Hòa Bình" của anh Bùi Văn Đáng ở xóm Cỏ Giữa, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) không chỉ mang lại giá trị kinh tế ổn định, mà còn thân thiện, bảo vệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững.

Mô hình nuôi giun quế của anh Bùi Văn Đáng ở xóm Cỏ Giữa, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn bảo vệ môi trường.

Lợi ích "kép” từ nuôi giun quế

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội và từng làm giáo viên một số trường học tại địa phương, cuối năm 2015, loay hoay giữa không ít khó khăn của nghề giáo nên anh Đáng chuyển hướng sang phát triển kinh tế với mô hình nuôi giun quế (trùn quế). Tận dụng chuồng trại sẵn có của gia đình cùng số vốn ít ỏi 30 triệu đồng, anh đầu tư mua giun giống rồi bắt tay vào khởi nghiệp.

Mô hình nuôi giun quế được thực hiện khá đơn giản. Thức ăn cho chúng là những nguyên liệu sẵn có, đa dạng như phân gia súc, gia cầm hoặc phụ phẩm nông nghiệp rơm rạ, rau củ. Giun quế có khả năng phân hủy nhanh các chất hữu cơ này và chuyển hóa thành phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng. Phân giun quế (phân trùn quế) là phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, chứa nhiều chất cần thiết giúp cây trồng phát triển, tăng trưởng tốt.

Anh Đáng chia sẻ: "Tôi lựa chọn nuôi giun quế để khởi nghiệp bởi nhận thấy đây là mô hình phát triển kinh tế ít rủi ro. Chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi, không lo dịch bệnh, nguồn thức ăn giá thành rẻ, sẵn có, dễ kiếm, đầu tư giống một lần rồi nhân giống liên tục, thu hoạch chỉ sau khoảng 1 tháng nuôi… Người nuôi có thể thu nhập từ nguồn bán giun giống, phân giun và sản phẩm chế biến từ phân giun. Tưởng như đơn giản nhưng khi mới thực hiện tôi cũng gặp trở ngại. Vừa làm vừa tích lũy, đúc kết kinh nghiệm, vững niềm tin sẽ thành công”.

Với nỗ lực không ngừng nghỉ, anh Đáng đã gặt hái "quả ngọt”. Hiện nay, trang trại giun quế cung cấp cho thị trường một số sản phẩm như: giun tinh, phân trùn quế hữu cơ dạng bột và viên nén, dịch trùn quế, đạm trùn quế. Trong năm 2024, trang trại 1.000m2 bán ra thị trường 5 - 6 tấn giun tinh, hơn 200 tấn phân trùn quế, hơn 3.000 lít dịch trùn quế… cho thu về 400 triệu đồng. Mô hình còn tạo việc làm với thu nhập ổn định cho 4 lao động địa phương. Không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu chi phí, sức lao động, từng bước đáp ứng nhu cầu của khách hàng, anh đầu tư hệ thống máy móc như: hệ thống phun sương và bơm tưới thức ăn tự động, máy ép phân trùn quế…

Là người tiên phong nuôi giun quế tại địa phương, sau hơn 10 năm gắn bó, mô hình kinh tế này đã mang lại thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống của gia đình ngày càng được cải thiện. Thời gian tới, anh Đáng dự định mở rộng diện tích trang trại giun quế lên khoảng 3.000m2; hoàn thiện thủ tục đăng ký thành lập hợp tác xã sản xuất phân hữu cơ từ trùn quế.

Từng bước bắt nhịp chuyển đổi số

Trước đây, ở khu vực nông thôn, vùng sâu, cách xa trung tâm huyện, thành phố, việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm, tiếp cận khách hàng theo cách truyền thống còn nhiều hạn chế. Thế nhưng với cuộc sống hiện đại, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân. Nhờ sự nhạy bén, linh hoạt, đổi mới tư duy, nắm bắt lợi ích trong giới thiệu, quảng bá trên mạng xã hội đã giúp "Trang trại giun quế Hòa Bình" của anh Bùi Văn Đáng nhanh chóng, dễ dàng tiếp cận khách hàng trên cả nước. Anh thường xuyên đăng tải những bài viết, hình ảnh, video clip về mô hình nuôi giun quế trên mạng xã hội Facebook, YouTube, TikTok để sản phẩm, thương hiệu lan tỏa rộng rãi. Trong đó, nền tảng TikTok với tài khoản "Giun Quế Hòa Bình" hiện có gần 33 nghìn người đăng ký theo dõi, với nhiều video thu hút lượng người xem và tương tác ấn tượng. Điển hình là video kỹ thuật thu hoạch giun quế có 1,7 triệu lượt xem và hơn 500 bình luận; video hướng dẫn cách đóng bao để vận chuyển giao hàng cho khách ở xa thu hút 481 nghìn lượt xem; video chia sẻ cách bảo quản giun câu với 92,5 nghìn lượt xem…

Người bạn đồng hành hỗ trợ đắc lực cho anh nông dân thời đại 4.0 là chiếc điện thoại di động thông minh có kết nối mạng internet, anh Đáng tự sáng tạo nội dung, chụp ảnh, quay video clip, dựng hình, lồng tiếng và hoàn thiện sản phẩm rồi đăng lên mạng xã hội. Các video với nội dung hấp dẫn, hình ảnh chân thực thu hút sự quan tâm của mọi người, lan tỏa rộng rãi, không mất chi phí quảng cáo, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với hình thức tiếp cận khách hàng truyền thống. Ngoài ra còn kết nối với khách hàng qua hình thức phát trực tiếp (livestream). Nhờ vậy xây dựng được lượng khách hàng online ổn định và ngày càng đông, đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Nội, Lai Châu, Cao Bằng, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Nghệ An…

Với quy cách riêng trong đóng gói, vận chuyển hàng mà các sản phẩm, kể cả giun sống vẫn an toàn, đảm bảo chất lượng đến tay khách hàng. Luôn đặt thương hiệu, uy tín lên hàng đầu, nhiều khách hàng đã truyền tai nhau về chất lượng sản phẩm, bởi vậy số đơn hàng tăng lên nhiều lần, mạng lưới thị trường ngày càng phát triển. Hiện số lượng đơn hàng online của "Trang trại giun quế Hòa Bình" được khách hàng đặt qua các trang mạng xã hội chiếm gần 80% tổng đơn hàng bán ra.

Anh Đáng bộc bạch: "Không chỉ nhằm mục đích tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, việc tôi chia sẻ các video lên mạng xã hội còn để chia sẻ kiến thức, trải nghiệm thực tế để người dân trên cả nước, nhất là các bạn trẻ tìm được hướng khởi nghiệp phù hợp, đúng đắn với bản thân”.

Mô hình nuôi giun quế và sản xuất phân hữu cơ trùn quế không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Bùi Văn Đáng, mà việc khai thác thế mạnh công nghệ số, nền tảng số trong quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội đã mở ra hướng phát triển kinh tế đầy tiềm năng.

Linh Nhật

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop