Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 14 tháng 5 năm 2025

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 14 tháng 5 năm 2025

 

Đà tăng trưởng tích cực, ngành nông nghiệp hướng tới 65 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu

Với đà tăng trưởng như hiện tại, ngành nông nghiệp kỳ vọng nếu sớm tháo gỡ được khó khăn về thuế quan thì mục tiêu xuất khẩu 65 tỷ USD và tăng trưởng khoảng 4% trong năm nay hoàn toàn khả thi.

Giá trị gia tăng toàn ngành nông, lâm, thủy sản quý I/2025 đạt mức tăng 3,74%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và vượt chỉ tiêu được Chính phủ giao.

Khu vực nông nghiệp tăng 3,53%, lâm nghiệp tăng 6,67%, thủy sản tăng 3,98%. Tốc độ tăng trưởng ổn định của ba trụ cột nông-lâm-thủy sản là nền tảng vững chắc để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng quý II, 6 tháng và cả năm.

TRƯỜNG QUÂN - TUẤN TÚ

 

'Cầu nối' chuyển đổi tư duy sản xuất ở Châu Đức

Là vùng nông nghiệp trọng điểm của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với các sản phẩm chủ lực như tiêu, cà phê, cây ăn trái (bơ, sầu riêng), chăn nuôi và cây công nghiệp, huyện Châu Đức xác định việc liên kết, chuyển đổi tư duy sản xuất của nông dân là hết sức cần thiết. Trong đó, các HTX đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện đã giúp các HTX vượt qua khó khăn, tiến tới hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ; đồng thời góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng quy trình sản xuất hiện đại, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cho thành viên HTX và hộ dân liên kết.

Mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao tại xã Suối Rao (huyện Châu Đức) bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen canh tác của nông dân.

Nông nghiệp huyện Châu Đức đang chuyển mạnh sang ứng dụng công nghệ cao, gia tăng giá trị nông sản.

Điển hình, anh Nguyễn Anh Tuấn (ở thôn 1, xã Suối Rao) đã mạnh dạn đầu tư 3 nhà màng (1.500m2/nhà màng) trên diện tích hơn 6 sào đất để trồng dưa lưới. Sau gần 8 năm triển khai, mô hình không chỉ mang lại thu nhập cao cho gia đình anh Tuấn, mà còn tạo việc làm cho nhiều người dân địa phương.

Theo anh Tuấn, mô hình nông nghiệp công nghệ cao này đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu tương đối lớn (khoảng 400 triệu đồng/nhà màng). Người trồng phải biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, trồng cây, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cho đến lúc thu hoạch sản phẩm.

“Mỗi vụ dưa lưới kéo dài từ 70-75 ngày (tùy theo giống). Dưa lưới sản xuất trong nhà màng có thể canh tác được 4 vụ/năm, năng suất đạt khoảng 7 tấn/nhà màng. Dưa lưới đang được bán với giá từ 30-40 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi thu lãi hơn 50 triệu đồng/vụ/nhà màng”, anh Tuấn cho biết.

10 hộ nông dân trồng dưa lưới ở xã Suối Rao đã liên kết thành lập chi hội nông dân nghề nghiệp với diện tích canh tác hơn 6ha. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, hệ thống nhà màng đảm bảo nên cây dưa sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng dưa lưới thu hoạch của các hội viên đạt từ 6-8 tấn/nhà màng.

Dưa lưới Suối Rao đã có mặt trên hệ thống phân phối đa kênh gồm chợ đầu mối, các đại lý bán sỉ, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Không chỉ bao tiêu sản phẩm cho thành viên chi hội, anh Tuấn còn liên kết bao tiêu sản phẩm cho nhiều nông dân các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận.

Hiệu quả của chi hội dưa lưới Suối Rao không dừng lại ở doanh số mà còn ở quy mô phát triển, cũng như tính lan tỏa của mô hình kinh tế tập thể. Trên cơ sở của các nông hộ liên kết, ngày 20/12/2024, HTX Dưa lưới An Farm đã được thành lập.

HTX có 8 thành viên, hoạt động ở 11 lĩnh vực, ngành nghề, trong đó tập trung vào các hoạt động trồng dưa lưới theo quy trình VietGAP, chế biến các sản phẩm từ trái cây; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp… với vốn điều lệ 1 tỷ đồng.

HTX canh tác hơn 6ha dưa lưới trong nhà màng (1.500m2/nhà màng), mỗi năm trồng 4 vụ, năng suất đạt từ 6-8 tấn/nhà màng/vụ. Bên cạnh đó, HTX còn liên kết tiêu thụ sản phẩm dưa lưới của các hộ nông dân trên địa bàn thị xã Phú Mỹ, huyện Đất Đỏ.

Đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết giá trị

Cũng trong những ngày cuối năm 2024, ngành chức năng huyện Châu Đức đã tổ chức bàn giao máy móc thiết bị phục vụ sơ chế, chế biến các sản phẩm từ ca cao cho HTX Thương mại - Dịch vụ - Nông nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu.

Việc liên kết sản xuất giúp tăng hiệu quả sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường về sản lượng và chất lượng.

Theo đó, HTX được hỗ trợ hệ thống máy rang, máy nghiền bột ca cao, máy ép bơ ca cao, máy sấy nguyên liệu, sàn phơi hạt ca cao lên men, cây ca giống, phân bón, bao bì, nhãn mác sản phẩm chế biến từ hạt ca cao. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 21 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 8,7 tỷ đồng (phân kỳ hỗ trợ 3 năm: 2023, 2024 và 2025).

Đây là mô hình liên kết điểm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm ca cao thực hiện theo Nghị quyết số 21 của HĐND tỉnh. Hiện, HTX Thương mại - Dịch vụ - Nông nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu đang liên kết sản xuất và tiêu thụ khoảng 200ha cao cao, tập trung chủ yếu trên địa bàn các xã Quảng Thành, Xà Bang, Bình Giã, Kim Long…

Theo ông Lê Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bà Rịa - Vũng Tàu, Luật HTX 2023 với các cơ chế và chính sách hỗ trợ, đang hướng tới việc khuyến khích các HTX liên kết hợp tác với nhau, đồng thời kết nối với doanh nghiệp để sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa và mở rộng quy mô sản xuất. Trong năm 2025, HTX tiếp tục liên kết, hỗ trợ HTX Sản xuất - Dịch vụ - Nông nghiệp Xuân Trường (xã Sơn Bình) trong hoạt động chế biến một số sản phẩm mới như nước ép thanh long đóng chai, nước uống dược liệu đóng chai; liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu bưởi, sầu riêng và lúa gạo…

Với đặc sản hồ tiêu có thế mạnh ở địa phương, thời gian qua, thông qua việc hình thành mô hình tổ hợp tác, HTX sản xuất hồ tiêu bền vững, nhiều hộ tham gia đã có cơ hội được trao đổi, tiếp cận kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu theo hướng hữu cơ. Đặc biệt, khi tham gia các mô hình, nhà nông sẽ đảm bảo cho nguồn ra bao tiêu sản phẩm, giá cả ổn định.

Ông Ngô Xuân Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Hữu cơ Giàu Toàn Diện chia sẻ, đa số thành viên HTX là những nông dân gắn bó với cây hồ tiêu từ nhiều năm qua. Nhờ được tuyên truyền, vận động, 7 hộ hội viên nông dân trên địa bàn huyện và tỉnh Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh đã liên kết sản xuất hồ tiêu hữu cơ, với mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm và hướng đến sản xuất bền vững.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, HTX đã khoanh vùng gần 50ha liền kề của các hộ nông dân trên địa bàn xã Xuân Sơn, Sơn Bình và Suối Rao để tạo thành một vùng nguyên liệu. Những hộ tham gia phải tuân thủ hướng dẫn kỹ thuật và sự giám sát chặt chẽ của ban kiểm soát môi trường HTX.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2025-2027, HTX có vùng nguyên liệu 100ha hồ tiêu; giai đoạn 2028 - 2030, HTX sẽ sản xuất khoảng 500ha hồ tiêu theo hướng hữu cơ. Hiện tại HTX đã ký hợp đồng bao tiêu đầu ra sản phẩm tiêu hữu cơ với Công ty Organics More. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện còn có Công ty CP Đầu tư Xuất nhập khẩu Phúc Thịnh (PTEXIM CORP), Công ty TNHH Harris Freeman Việt Nam đang liên kết thu mua hạt tiêu khô của nông dân với số lượng lớn.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn huyện Châu Đức có 5.077ha hồ tiêu; diện tích thu hoạch 4.928ha, sản lượng đạt 9.856 tấn hạt tiêu khô/vụ. Huyện xác định mục tiêu đến năm 2025 hình thành các vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ, tạo nguồn sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao; hình thành các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

“Đồng hành” trong phát triển kinh tế - xã hội

Ông Hồ Văn Thư, xã Bình Giã cho biết, năm nay dù vườn tiêu đạt năng suất thấp hơn mọi năm nhưng giá tiêu cao nên bà con trồng tiêu vẫn có lãi. “Với sản lượng thu hoạch dự kiến khoảng 3,5 tấn, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi vẫn lãi khoảng 100 triệu đồng. Đây là động lực để nông dân đầu tư cho vụ tiếp theo”, ông Thư chia sẻ.

Huyện Châu Đức hiện có 36/43 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp. Một số HTX đã liên kết với các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như sầu riêng, thanh long ruột đỏ, đông trùng hạ thảo, ca cao, dưa lưới, mật ong dú, nấm rơm…

Trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, huyện Châu Đức xác định việc liên kết sản xuất, phát triển kinh tế tập thể, HTX là một trong những giải pháp quan trọng. Theo đó, huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các ban ngành của tỉnh, các đơn vị chức năng của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp tập huấn về quản trị HTX, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hướng dẫn tiếp cận vốn, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là trên nền tảng số, thương mại điện tử.

“Thông qua lớp tập huấn, các học viên được trao đổi, trang bị kiến thức về quản lý, quản trị, sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm; chuyển đổi số trong nông nghiệp, giới thiệu một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn; xây dựng và phát triển các hình thức kinh tế tập thể, phát triển sản phẩm OCOP; sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu…”, đại diện ngành nông nghiệp huyện cho biết.

HTX Dịch vụ Nông nghiệp Láng Lớn, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức đã được bàn giao 1 thiết bị bay không người lái điều khiển từ xa T50 - phun thuốc bảo vật thực vật trên cây trồng theo chương trình hỗ trợ mô hình cơ giới hóa, chế biến sản phẩm OCOP.

Ông Phùng Văn Hòa, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Láng Lớn, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức cho biết, HTX trồng bơ trên diện tích rộng. Trước đây mỗi lần xịt thuốc phải thực hiện thủ công, mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến sức khỏe. Được hỗ trợ thiết bị bay, khi phun thuốc sẽ an toàn cho sức khỏe, nhất là khi có mưa và sương muối xuống, sử dụng máy bay xử lý thì tốc độ nhanh, hiệu quả hơn.

“Sản phẩm của đơn vị đã được chứng nhận OCOP 3 sao trong năm 2024. Chương trình hỗ trợ máy móc này sẽ giúp HTX mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh ứng dựng công nghệ trong quy trình sản xuất và chế biến nông sản. Đồng thời tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm hướng tới quảng bá, giới thiệu và xây dựng chuỗi liên kết bền vững lâu dài”, ông Hòa nói.

Theo Quyết định phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa được ban hành, tính đến cuối năm 2024, huyện Châu Đức cùng với huyện Côn Đảo là hai địa phương không còn hộ nghèo. Tin rằng, với những giải pháp đồng bộ, trong thời gian tới, tình hình sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của huyện sẽ tiếp tục có những bước tiến mới. Cùng với tư duy sản xuất thay đổi, đời sống của người nông dân cũng ngày càng đổi thay mạnh mẽ, cái nghèo ngày càng lùi xa, nhiều hộ trở nên khá giàu, nhiều người trẻ tự tin khởi nghiệp với nông nghiệp. Và trong hành trình “đi được xa” đó, các HTX tiếp tục đóng vai trò “cầu nối” quan trọng, là điểm tựa để người dân thoát nghèo, làm giàu.

Phương Linh

 

Nông dân thời đại số và những HTX làm nông nghiệp thông minh ở Kiên Giang

Chuyển đổi nông nghiệp không chỉ là thay giống, đổi cây, mà còn là thay đổi cả tư duy và cách làm. Với những bước đi vững chắc, huyện Tân Hiệp đang dần khẳng định vị thế là địa phương đi đầu trong chuyển đổi nông nghiệp thông minh của tỉnh Kiên Giang.

Huyện Tân Hiệp nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long – nơi được coi là “vựa lúa quốc gia”. Tuy nhiên, những năm gần đây, biến đổi khí hậu, giá vật tư nông nghiệp leo thang, đầu ra sản phẩm bấp bênh... đã buộc người dân nơi đây phải thay đổi tư duy sản xuất.

Chuyển đổi để thích ứng

Từ một huyện thuần nông, Tân Hiệp đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt thông qua vai trò của các HTX nông nghiệp.

Trên cánh đồng thuộc xã Tân An, ông Lê Văn Khang – một nông dân hơn 30 năm gắn bó với cây lúa, chia sẻ: “Trước kia cứ đến mùa là xuống giống theo tập quán, phụ thuộc vào mưa nắng, năng suất lúc được lúc không. Nhưng 2 năm nay, tôi tham gia vào HTX Nông nghiệp Tân An, sản xuất theo mô hình lúa – cá kết hợp, có tưới tiêu tự động, lắp camera giám sát dịch bệnh từ xa. Hiệu quả thấy rõ”.

Nông nghiệp huyện Tân Hiệp đang chuyển đổi theo hướng hiện đại, tăng khoa học công nghệ.

Theo ông Khang, khi vào HTX, bà con được hướng dẫn canh tác theo quy trình VietGAP, sử dụng giống xác nhận, phân hữu cơ vi sinh và ứng dụng phần mềm dự báo thời tiết.

“Nhờ HTX hỗ trợ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, nên bà con an tâm sản xuất, không còn nỗi lo 'được mùa mất giá' như trước nữa”, ông Khanh nói thêm.

Không riêng xã Tân An, nhiều địa phương khác trong huyện như Thạnh Đông A, Thạnh Đông, Tân Hội, Thạnh Trị... cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, từng bước giảm diện tích lúa kém hiệu quả, thay bằng mô hình canh tác đa dạng hơn như rau màu, cây ăn trái, thủy sản, nhất là theo hướng hữu cơ và công nghệ cao.

Thống kê của ngành nông nghiệp huyện Tân Hiệp cho thấy, toàn huyện hiện có gần 40 HTX nông nghiệp đang hoạt động, trong đó hơn 70% đã ứng dụng một phần công nghệ vào sản xuất, quản lý và tiêu thụ sản phẩm.

Điển hình là HTX Dịch vụ nông nghiệp Thạnh Trị 1 (xã Thạnh Trị). Từ năm 2022, HTX đầu tư hệ thống phun tưới tự động, máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật chính xác, tiết kiệm 30–40% chi phí so với cách truyền thống. Ngoài ra, HTX còn hợp tác với các công ty công nghệ để áp dụng phần mềm quản lý mùa vụ, truy xuất nguồn gốc bằng mã QR.

Chìa khóa của nông nghiệp hiện đại

Nhờ số hóa dữ liệu sản xuất, HTX Thạnh Trị 1 đã xây dựng được thương hiệu “Gạo sạch Thạnh Trị”, được nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM và Cần Thơ đặt hàng.

Bình quân mỗi vụ HTX canh tác trên 100 ha lúa chất lượng cao, doanh thu mỗi năm đạt trên 5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động địa phương.

Trong khi đó, ở HTX Nông nghiệp Tân Hội đang là một trong những đơn vị tiên phong chuyển đổi một phần diện tích sang trồng dưa lưới, dưa hấu và rau an toàn trong nhà màng.

Ông Nguyễn Văn Tới – đại diện HTX, chia sẻ: “Chúng tôi xây dựng 2.000m² nhà màng trồng dưa lưới theo công nghệ Israel, có hệ thống tưới nhỏ giọt và điều khiển nhiệt độ tự động. Năng suất đạt hơn 2 tấn/vụ, bán ra thị trường cao gấp 4–5 lần trồng lúa”.

HTX Tân Hội không chỉ tự tổ chức sản xuất mà còn liên kết với siêu thị, sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm. Mô hình này đang được nhân rộng trong huyện, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc.

Các HTX đang cho thấy dấu ấn đậm nét trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp huyện Tân Hiệp.

Bên cạnh những HTX kể trên, nhiều HTX trên địa bàn Tân Hiệp còn ứng dụng công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản. Như HTX Thạnh Đông A đã thí điểm hệ thống QR truy xuất toàn bộ quá trình sản xuất rau an toàn. Người tiêu dùng chỉ cần quét mã sẽ biết được nguồn gốc, ngày gieo trồng, thu hoạch và quy trình chăm sóc sản phẩm.

Có thể thấy các HTX, tổ hợp tác đang đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại ở Tân Hiệp. Để có được thành công hiện tại, thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiều chương trình đồng hành trong đào tạo nhân lực, hoàn thiện sản xuất, xúc tiến thương mại…

Kỳ vọng và thách thức

Thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang đã xây dựng nhiều mô hình HTX đa dịch vụ tại huyện Tân Hiệp, giúp các HTX mở rộng ngành nghề, từ trồng trọt, chăn nuôi đến cung ứng vật tư nông nghiệp. Đặc biệt, việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp đã giúp HTX ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho thành viên.

Để nâng cao giá trị nông sản, các HTX tại Tân Hiệp được Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng như VietGAP, GlobalGAP. Điều này không chỉ giúp sản phẩm HTX dễ dàng tiếp cận thị trường mà còn tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Cùng với đó, Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ quản lý HTX tại Tân Hiệp. Các khóa đào tạo tập trung vào kỹ năng quản lý, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh và tiếp cận nguồn vốn, giúp HTX hoạt động hiệu quả và bền vững.

Ngoài ra, thông qua các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại do Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang tổ chức, các HTX tại Tân Hiệp có cơ hội giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây là bước quan trọng giúp HTX nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, quá trình chuyển đổi sản xuất ở Tân Hiệp vẫn còn không ít khó khăn. Nguồn vốn đầu tư cho công nghệ còn hạn chế. Một số HTX nhỏ chưa đủ năng lực quản lý, thiếu liên kết chuỗi giá trị. Hơn nữa, thói quen canh tác truyền thống của người dân không dễ thay đổi trong một sớm một chiều.

Theo đó, chính quyền huyện Tân Hiệp xác định, việc xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững là con đường tất yếu. Huyện đang xúc tiến xây dựng trung tâm điều phối sản xuất thông minh, đồng thời đẩy mạnh số hóa quản lý HTX, hỗ trợ đăng ký thương hiệu, mã số vùng trồng... để nâng cao giá trị nông sản địa phương.

Từ những thửa ruộng truyền thống, nông dân Tân Hiệp hôm nay đã và đang trở thành những “người nông dân số”, ứng dụng công nghệ để làm nông nghiệp hiệu quả hơn, bền vững hơn. Vai trò của các HTX không chỉ giúp tập hợp nông dân sản xuất theo chuỗi mà còn là cầu nối đưa khoa học công nghệ vào từng cánh đồng.

Nam Phong

 

Không thể chủ quan dù xuất khẩu đã vượt 21 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NNMT), trong 4 tháng đầu năm 2025, ngành nông nghiệp và môi trường tăng trưởng 3,74%, xuất khẩu vượt 21 tỷ USD, tiếp tục duy trì đà xuất siêu và cải cách hiệu quả.

Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm đạt 21,15 tỷ USD. Ảnh: Việt Anh

Ngày 13/5, Bộ NNMT tổ chức Hội nghị giao ban công tác tháng 4, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 và quý II/2025. Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, trong 4 tháng vừa qua, các lãnh vực như trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản đều có bước phát triển khởi sắc.

Theo báo cáo, giá trị gia tăng toàn ngành nông, lâm, thủy sản trong quý I/2025 đạt mức tăng 3,74%, cao nhất so với cùng kỳ các năm gần đây và vượt chỉ tiêu Chính phủ giao trong kịch bản tăng trưởng quý. Cụ thể, nông nghiệp tăng 3,53%, lâm nghiệp tăng mạnh 6,67%, và thủy sản tăng 3,98%. Tốc độ tăng trưởng ổn định của 3 trụ cột nông, lâm, thủy sản là tiền đề vững chắc để hướng tới mục tiêu tăng trưởng của quý II, 6 tháng và cả năm.

Cùng với tăng trưởng sản xuất, hoạt động xuất khẩu tiếp tục bứt phá. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 4 tháng đầu năm đạt 21,15 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, nông sản đạt 11,6 tỷ USD (tăng 11,7%), lâm sản 5,56 tỷ USD (tăng 11,2%), thủy sản 3,09 tỷ USD (tăng 13,7%), sản phẩm chăn nuôi 178 triệu USD (tăng 16,8%) và đầu vào sản xuất 722 triệu USD (tăng 20%). Ngành tiếp tục duy trì xuất siêu 5,18 tỷ USD, dù giảm nhẹ 4,1% so với cùng kỳ nhưng vẫn cao hơn mức xuất siêu chung của nền kinh tế (5,02 tỷ USD).

“Nếu duy trì được đà tăng trưởng này và sớm tháo gỡ các vướng mắc về thuế quan với Hoa Kỳ, mục tiêu xuất khẩu 65 tỷ USD và tăng trưởng ngành khoảng 4% trong năm nay hoàn toàn khả thi” - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ NNMT cũng lưu ý không thể chủ quan, bởi tình hình thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro từ cạnh tranh thương mại, xung đột lợi ích, và biến động thị trường. Trong nước cũng nổi lên các vấn đề cấp bách. Trước tiên là những vướng mắc về kiểm dịch khiến xuất khẩu sầu riêng, mặt hàng từng đạt 3,2 tỷ USD năm 2024, đang có dấu hiệu chững lại, hiện mới chỉ đạt 20% kế hoạch năm 2025.

Bên cạnh đó, sâu bệnh và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cũng diễn biến phức tạp. Thời tiết khô hạn kéo dài khiến nhiều địa phương gặp khó khăn do thiếu nguồn nước tưới, dẫn đến ảnh hưởng sản xuất. Tiến trình sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương cũng tác động đến việc triển khai các nhiệm vụ của ngành, nhất là công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án thủy lợi.

Trước thực tế trên, ông Duy đề nghị các đơn vị trong bộ cần nghiêm túc đánh giá những kết quả đã đạt được, đồng thời thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại, khó khăn để đề xuất giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm đảm bảo tiến độ các nhiệm vụ trong tháng 5, quý II và 6 tháng đầu năm.

“Chúng ta không còn nhiều thời gian. Nếu không quyết tâm và giải pháp mạnh mẽ, sát thực tiễn, sẽ rất khó để hoàn thành chỉ tiêu cả năm, cả nhiệm kỳ” - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.

Đề cập nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho thời gian tới, Bộ trưởng Bộ NNMT nhấn mạnh toàn ngành phải đảm bảo mục tiêu tăng trưởng và xuất khẩu, tháo gỡ khó khăn thị trường vụ Hè Thu, xử lý các ảnh hưởng từ chính sách thuế của Hoa Kỳ. Tiếp đó, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo tiến độ các dự án luật, nghị định, thông tư, đặc biệt là xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Bên cạnh đó cần đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thành Hệ thống thông tin đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu đất đai theo chuẩn thống nhất trên phạm vi cả nước gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước ngày 30/6; tích cực triển khai số hóa các dữ liệu về ngành nông nghiệp và môi trường, tạo lập nền tảng tài nguyên số, hướng tới phát triển nền kinh tế số của ngành.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành cần tăng tốc, trong đó tổ chức hội nghị chuyên đề vào cuối tháng 5, trong đó đẩy mạnh việc lấy chỉ tiêu giải ngân là thước đo đánh giá hiệu quả đơn vị.

“Thách thức phía trước rất lớn, nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm cao và hành động quyết liệt, tôi tin tưởng toàn ngành sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường” - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.

H.Liên

 

Thủy lợi Mai Châu - Gánh nặng hạ tầng cũ giữa yêu cầu mới

Dù quản lý tới 80 công trình thủy lợi với tổng diện tích phục vụ hơn 1.100 ha lúa và 56 ha hoa màu, huyện Mai Châu lại không thu được tiền từ việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng này trong cả năm 2024. Điều đó đặt ra câu hỏi: Hiệu quả của hệ thống thủy lợi cũ đang ở đâu trong bài toán phát triển nông nghiệp hiện đại?

Dù quản lý tới 80 công trình thủy lợi với tổng diện tích phục vụ hơn 1.100 ha lúa và 56 ha hoa màu, huyện Mai Châu lại không thu được tiền từ việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng này trong cả năm 2024. Điều đó đặt ra câu hỏi: Hiệu quả của hệ thống thủy lợi cũ đang ở đâu trong bài toán phát triển nông nghiệp hiện đại?

Để thích ứng với việc thiếu nước tưới, tại xã Mai Hạ, người dân đã đẩy mạnh chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu và các loại cây chịu hạn khác.

Công tác quản lý tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi trên địa bàn hiện mới đáp ứng được chức năng quản lý nhà nước. Khâu khai thác và bảo vệ công trình thì chưa có đủ nhân lực để thực hiện tốt - đây là thực tế đã được UBND huyện Mai Châu thẳng thắn chỉ ra khi đánh giá về tình hình quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi.

Câu chuyện đó càng rõ nét khi soi vào thực địa. Toàn huyện có 80 công trình, từ hồ chứa đến đập dâng, phần lớn được xây dựng từ những năm 70. Không hồ sơ gốc, không định giá được tài sản, chưa tổ chức cắm mốc giới hành lang bảo vệ. Nhiều công trình có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng đến hiệu quả tưới tiêu. Cá biệt, ở một số nơi, hành vi chăn thả gia súc trên bề mặt đập khiến công trình bị xâm phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Có một thực tế không chỉ ở Mai Châu, đó là hệ thống kênh, mương trải dài qua nhiều xã, xóm, địa hình chia cắt, cán bộ lại kiêm nhiệm. Kinh phí duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi hoàn toàn dựa vào ngân sách nhà nước. Hình thức "đặt hàng” với Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình chỉ dừng ở mức duy trì dòng chảy và vận hành cơ bản, chưa bao gồm các hoạt động nâng cấp, sửa chữa hay quản lý tổng thể, dẫn đến hiệu quả khai thác còn hạn chế. Việc "không thu vẫn phải chi” khiến hệ thống này ngày càng trở thành gánh nặng âm thầm đối với ngân sách và sản xuất nông nghiệp tại chỗ.

Những năm gần đây, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chủ trương được khuyến khích, song đối với Mai Châu, đây là giải pháp bắt buộc phải triển khai. Để ứng phó với thiếu nước sản xuất, huyện đã chỉ đạo các xã Mai Hạ, Vạn Mai, thị trấn Mai Châu… lãnh đạo nhân dân chuyển đổi diện tích canh tác xa nguồn nước, thường bị hạn sang trồng dưa hấu, rau màu, ngô, lạc để thích ứng với điều kiện khô hạn. Hiện, toàn huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng trên 130 ha đất lúa không đảm bảo nước tưới, trong đó diện tích trồng dưa hấu đạt trên 60ha, tập trung chủ yếu tại Mai Hạ và Vạn Mai. Việc người dân phải chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với tình trạng thiếu nước tưới cho thấy những thách thức mà hệ thống thủy lợi hiện tại gặp phải trong việc đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp.

Theo đồng chí Hà Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện, trước thực trạng đó, ngoài triển khai các biện pháp để thích ứng với điều kiện khô hạn, huyện Mai Châu đã đề nghị tỉnh bố trí nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp các công trình đầu mối, kênh mương nội đồng; đồng thời hỗ trợ kinh phí cho việc cắm mốc hành lang bảo vệ, lắp đặt thiết bị quan trắc và đào tạo lực lượng quản lý cơ sở…

Những kiến nghị không mới song trở nên cấp bách khi đặt trong bối cảnh hệ thống thủy lợi hiện tại trên địa bàn huyện đã vận hành theo kiểu "được đến đâu hay đến đó”, còn để phát huy hiệu quả, dường như là điều quá sức.

Không ai phủ nhận vai trò sống còn của thủy lợi với sản xuất nông nghiệp miền núi. Nhưng cũng không thể tiếp tục để những công trình vài chục năm tuổi, đã xuống cấp tiếp tục "gồng gánh”. Bài toán của Mai Châu không chỉ là sửa một chiếc đập hay nạo vét một con mương. Đó là nhu cầu cấp thiết phải xây dựng một cơ chế quản lý linh hoạt, đủ pháp lý và đủ thực tiễn - nơi các cấp chính quyền cơ sở được tiếp sức cả về nguồn lực lẫn quyền hạn, để người dân không còn phải "tự bơi” trong mỗi mùa khô. Bởi thủy lợi nếu đứng bên lề của cuộc cải cách hạ tầng và quản lý sẽ không thể là điểm tựa bền vững cho những cánh đồng no ấm.

Minh Vũ

 

Australia hỗ trợ 2 triệu đô la Úc cho các giải pháp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành nông nghiệp Việt Nam

Thông qua chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Australia - Việt Nam (Aus4Innovation), mỗi dự án về thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp nông nghiệp tại Việt Nam sẽ nhận được khoản hỗ trợ tài chính từ 300.000 đến 700.000 đô la Úc.....

Ảnh minh họa.

Ngày 13/5, trong nỗ lực chung không ngừng giữa Australia và Việt Nam nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Australia - Việt Nam (Aus4Innovation) của chính phủ Australia đã chính thức công bố Vòng tài trợ thứ 5 của Quỹ tài trợ Đối tác Đổi mới sáng tạo với tổng ngân sách hỗ trợ 2 triệu đô la Úc.

Với chủ đề “Đổi mới sáng tạo sử dụng công nghệ cao nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp hướng tới phát triển bao trùm”, vòng tài trợ lần này đặc biệt chú trọng vào việc khai thác công nghệ để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chủ đề lần này của vòng tài trợ cũng đồng thời đóng góp vào mục tiêu tổng thể của chương trình Aus4Innovation là thúc đẩy sự phát triển bền vững và bao trùm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Trong vòng tài trợ này, Quỹ tài trợ cam kết sẽ cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính từ 300.000 đến 700.000 đô la Úc cho mỗi dự án được lựa chọn trên tiêu chí cạnh tranh, qua đó thúc đẩy hợp tác giữa các đơn vị tiên phong trong đổi mới sáng tạo của hai quốc gia.

Trong bốn vòng tài trợ trước, Quỹ đã hỗ trợ cho 15 dự án trong đó có 12 dự án đã hoàn thành và 3 dự án đang được thực hiện, mang lại những kết quả thiết thực cùng những giải pháp sáng tạo vì tiến bộ xã hội trong thực hành nông nghiệp.

Theo Đại sứ Australia tại Việt Nam Gillian Bird, Australia luôn cam kết hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng kinh tế và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp chính là một phần quan trọng trong nỗ lực này.

“Thông qua các khoản tài trợ, chúng tôi mong muốn góp phần nâng cao năng lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam nhằm ứng phó với những thách thức ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, đồng thời khẳng định cam kết của chúng tôi đối với phát triển bền vững và bao trùm”

Ngoài ra, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết sự hỗ trợ đầy ý nghĩa này từ chương trình Aus4Innovation đang giúp các nhà nghiên cứu, nhà khoa học và các doanh nghiệp của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp vượt lên các giới hạn của công nghệ, biến những ý tưởng sáng tạo thành các giải pháp cụ thể có khả năng ứng dụng rộng rãi.

“Vòng tài trợ này là một bước tiến quan trọng hướng đến tính bền vững và khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu trong thực hành nông nghiệp, qua đó tận dụng hiệu quả các cơ hội mà công nghệ và đổi mới sáng tạo mang lại”, ông Duy chia sẻ.

Aus4Innovationlà chương trình tiên phong kéo dài 10 năm (2018-2028) với ngân sách 33,5 triệu đô la Úc nhằm tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo của Việt Nam, qua đó hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội bền vững và bao trùm. Chương trình được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), đồng tài trợ và quản lý bởi Cơ quan khoa học quốc gia Australia - (CSIRO) và được triển khai thông qua quan hệ đối tác chiến lược với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Phương Hoa

 

Hun đúc tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho 'sinh viên nông nghiệp'

Hội nghị 'Hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số' diễn ra ngày 13/5, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Trong khuôn khổ của hội nghị đã diễn ra Tọa đàm “Hướng nghiệp, Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số”.

Hội nghị do Khoa Du lịch và Ngoại ngữ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tổ chức. Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Tất Thắng – Trưởng Khoa Du lịch và Ngoại ngữ khẳng định, Hội nghị là diễn đàn quan trọng để triển khai các hoạt động cố vấn học tập, câu lạc bộ sinh viên, hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp, giáo dục trải nghiệm của Học viện đến toàn thể sinh viên và các doanh nghiệp du lịch, lữ hành.

Đồng thời kết nối giữa nhà trường - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nghệ nhân - nhà nông, góp phần xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, sinh thái, hiệu quả và bền vững.

TS Nguyễn Tất Thắng phát biểu tại hội nghị.

TS Nguyễn Tất Thắng cho hay, năm học 2024-2025, Khoa Du lịch và Ngoại ngữ đào tạo hơn 1.500 sinh viên ở 3 ngành: Sư phạm Công nghệ, Ngôn ngữ Anh, Quản lí và phát triển Du lịch.

Đây cũng là năm đánh dấu quan trọng trong quá trình phát triển Khoa. Khoa đã được Học viện đồng ý xây dựng và mở thêm 2 ngành đào tạo trình độ đại học: Ngành Du lịch và Ngành Tiếng Trung Quốc.

Trong đó, ngành Du lịch đã chính thức thông báo tuyển sinh năm 2025; ngành Tiếng Trung Quốc đang hoàn thiện và mở trong thời gian tới đây. Khoa đã được Học viện cho tuyển dụng thêm giảng viên - nguồn nhân lực chất lượng cao về Du lịch, tiếng Trung Quốc, tiếng Anh;

Khoa đã triển khai ký kết hợp tác với các trường đại học của Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc để thúc đẩy phát triển các chương trình đào tạo liên kết quốc tế, trao đổi sinh viên, trao đổi giảng viên…

Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các địa phương, các cơ quan bộ ngành, các doanh nghiệp trong phát triển chuyên môn, nâng cao năng lực đội ngũ, năng lực sinh viên…

Toàn cảnh hội nghị.

Tại Hội nghị hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo năm 2025, sinh viên được các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân thành đạt trao đổi, chia sẻ các cơ hội khởi nghiệp, học bổng, định hướng nghề nghiệp gắn với các ngành nghề mà các em đang học;

Từ đó, mở ra các cơ hội thực hành, thực tập và cơ hội việc làm cho sinh viên. Đây cũng là dịp để giới thiệu và quảng bá hình ảnh và các ngành nghề đào tạo của Khoa Du lịch và Ngoại ngữ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) với các doanh nghiệp;

Qua đây, nhằm thúc đẩy hợp tác triển khai hoạt động giáo dục trải nghiệm tại Học viện với các doanh nghiệp, trường phổ thông. Mặt khác, tạo cơ hội để các doanh nghiệp triển khai hợp tác với Khoa và Học viện trong công tác đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội, đào tạo theo địa chỉ; phối hợp nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Diễn giả là đại diện doanh nghiệp trực tiếp chia sẻ về các chủ đề 'nóng' đang được giới trẻ quan tâm, từ đó hun đúc tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên.

Trong khuôn khổ của hội nghị, ngoài Tọa đàm “Hướng nghiệp, Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên số”, cán bộ, giảng viên, sinh viên được nghe đại diện các doanh nghiệp chia sẻ về một số chủ đề như: Ứng dụng AI trong đào tạo và nghiên cứu khoa học (Đi sâu vào mảng du lịch, khách sạn); Nhu cầu nguồn nhân lực và các yêu cầu đối với lao động ngành du lịch trong bối cảnh chuyển đổi số; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong đào tạo ngoại ngữ.

Cũng tại hội nghị Khoa Du lịch và Ngoại ngữ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã ký kết hợp tác giữa với các doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Du lịch Quốc tế Wonder Tour; Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội; Công ty Cổ phần Tập đoàn lữ hành Bắc Trung Nam; Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng AncoGroup; đồng thời trao học bổng cho sinh viên.

PGS.TS Nguyễn Đức Thắng, Tổng Thư ký Liên Chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam trao Quyết định công nhận thành viên Liên Chi hội Đào tạo du lịch Việt Nam cho đại diện Học viện - TS Nguyễn Công Tiệp, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (bên phải).

Khoa Du lịch và Ngoại ngữ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã ký kết hợp tác giữa với các doanh nghiệp.

Từ năm 2018, ngành Ngôn ngữ Anh được đào tạo tại Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và là một trong những ngành học thu hút được nhiều sự quan tâm của người học.

Mục tiêu của Ngành là đào tạo Cử nhân Ngôn ngữ Anh có kiến thức chuyên sâu về tiếng Anh, sử dụng thành thạo tiếng Anh (tối thiểu tương đương trình độ C1 theo Khung tham chiếu Châu Âu), có kỹ năng và tác phong nghề nghiệp, phẩm chất chính trị, đạo đức, sức khỏe tốt và có khả năng thích ứng cao để có thể làm việc hiệu quả trong các lĩnh vực chuyên môn sử dụng tiếng Anh, đáp ứng được những yêu cầu của quá trình phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Hải Minh

 

Tập huấn kỹ thuật sản xuất và quản trị vùng nguyên liệu lạc huyện Lâm Bình

Ngày 13-5, tại nhà văn hóa xã Minh Quang (Lâm Bình), Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với UBND xã Minh Quang tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất và quản trị vùng nguyên liệu lạc gắn với mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc.

Các học viên tham gia thực hành ủ phân vi sinh bằng chế phẩm sinh học.

Tham gia lớp tập huấn có 60 học viên là hộ dân và các HTX nông lâm nghiệp của xã Minh Quang và xã Phúc Sơn. Học viên được truyền đạt các kiến thức về xây dựng vùng nguyên liệu lạc tập trung theo tiêu chuẩn; kỹ thuật sản xuất lạc an toàn, sản xuất lạc theo hướng hữu cơ; áp dụng nhật ký sản xuất điện tử trong vùng nguyên liệu lạc; hướng dẫn cấp và quản lý mã số vùng trồng; thực hành sản xuất xử lý phụ phẩm nông nghiệp trong sản xuất lạc.

Đây là hoạt động nằm trong Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, giai đoạn 2022-2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Tin, ảnh: Cao Huy

 

Hội Nông dân TP. Mỹ Tho giải ngân vốn 600 triệu đồng cho hội viên

Hội Nông dân TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) vừa tổ chức giải ngân vốn với số tiền 600 triệu đồng cho 6 hộ hội viên nông dân phường 9 vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân thành phố để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.

Hội Nông dân TP. Mỹ Tho giải ngân vốn cho 6 hộ hội viên nông dân phường 9.

Trong đợt giải ngân này, 6 hộ hội viên nông dân phường 9 được hỗ trợ vay, trong đó mỗi hộ được vay 100 triệu đồng để đầu tư nhà lưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và đầu tư kinh doanh tại địa phương (thời hạn vay là 5 năm).

Từ việc hỗ trợ vốn, hội viên nông dân phường 9 sẽ có thêm điều kiện để phát triển kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đầu tư kinh doanh dịch vụ tổng hợp... từng bước cải thiện cuộc sống.

THANH TÙNG

 

Doanh nghiệp Việt Nam chủ động bước vào 'sân chơi AI toàn cầu'

Tại sự kiện AI+ diễn ra ở Nam Ninh, Trung Quốc, đại diện doanh nghiệp Việt đã chia sẻ những bài học thực tiễn từ hành trình triển khai công nghệ AI trong nước - từ chuyển đổi số nông nghiệp, ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đến phát triển các nền tảng giáo dục và dữ liệu mở phục vụ nghiên cứu.

Doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vai trò chủ động trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khu vực

Thành phố Nam Ninh - một trong những trung tâm công nghệ mới nổi của Trung Quốc - vừa trở thành tâm điểm của cộng đồng công nghệ quốc tế khi đăng cai tổ chức Hội nghị Hệ sinh thái Đổi mới Sáng tạo Quốc tế “AI+” 2025. Với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo dẫn lối - Cùng ASEAN phát triển”, sự kiện không chỉ là nơi trình diễn những đột phá công nghệ mà còn là diễn đàn hợp tác chiến lược giữa các quốc gia khu vực, đặc biệt là trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai - Con đường.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đã ghi dấu ấn rõ nét, khẳng định vị thế đang lên trong hệ sinh thái công nghệ khu vực thông qua các hoạt động hợp tác, ký kết và chia sẻ chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) trên bình diện quốc tế.

Toàn cảnh Hội nghị Hệ sinh thái Đổi mới Sáng tạo Quốc tế “AI+” 2025. Với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo dẫn lối - Cùng ASEAN phát triển

Được tổ chức tại khu công nghệ cao Zhongguancun - Nam Ninh, nơi được mệnh danh là “Thung lũng Silicon của Trung Quốc”, hội nghị năm nay là dịp hội tụ của hơn 300 đại biểu trực tiếp, hơn 1 triệu lượt xem trực tuyến, và hàng chục tập đoàn công nghệ lớn như Tencent, iFLYTEK, Baidu, Xiaomi…

Tại đây, hàng loạt sản phẩm và giải pháp AI được trình diễn - từ robot hình thể Kua Fu công bố kế hoạch phát triển ngành công nghiệp AI, đến các nền tảng AI y tế, giáo dục, chính phủ điện tử... tạo nên bức tranh toàn cảnh về tương lai số hóa của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chính trong dòng chảy công nghệ mạnh mẽ đó, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đứng bên lề quan sát, mà đã chủ động tham gia và tạo dựng vai trò riêng biệt.

Nhân dịp này, khu thử nghiệm đổi mới sáng tạo Nam Ninh - Zhongguancun cũng công bố định hướng phát triển mạnh mẽ lĩnh vực "AI+", với mục tiêu trong vòng 10 năm sẽ tập hợp hơn 1.000 doanh nghiệp công nghệ liên quan, đạt tổng doanh thu ngành vượt 1.000 tỷ nhân dân tệ, đóng góp tích cực vào tiến trình hợp tác đổi mới sáng tạo trí tuệ nhân tạo giữa Trung Quốc và ASEAN, đồng thời thúc đẩy xây dựng một cộng đồng chung số phận khu vực ngày càng chặt chẽ.

Doanh nghiệp Việt chủ động bước vào “sân chơi lớn”

Trong khuôn khổ sự kiện, phiên tọa đàm đặc biệt với chủ đề: “Tăng cường hợp tác Việt Nam - Trung Quốc trong phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo AI: Cơ hội và thách thức từ góc nhìn doanh nghiệp Việt Nam” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, học giả và nhà quản lý đến từ cả hai quốc gia.

Đại diện doanh nghiệp Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

Tại đây, đại diện doanh nghiệp Việt đã chia sẻ những bài học thực tiễn từ hành trình triển khai công nghệ AI trong nước - từ chuyển đổi số nông nghiệp, ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đến phát triển các nền tảng giáo dục và dữ liệu mở phục vụ nghiên cứu.

Không chỉ dừng lại ở chia sẻ, doanh nghiệp Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác thiết thực như: Liên kết với các viện nghiên cứu Trung Quốc để phát triển sản phẩm AI bản địa hóa; Tổ chức chương trình thực tập - học bổng trao đổi nhân sự công nghệ giữa hai nước; Phát triển mạng lưới đổi mới sáng tạo xuyên quốc gia để kết nối startup, nhà đầu tư và chính sách.

Những đề xuất này nhận được sự đánh giá cao từ phía ban tổ chức, cho thấy tầm nhìn chiến lược và tư duy hội nhập sâu rộng của doanh nghiệp Việt.

Ký kết hợp tác - từ ý tưởng đến hành động

Hội nghị không chỉ là nơi kết nối, mà còn là bệ phóng cụ thể để biến những tầm nhìn thành hành động. Trong lễ ký kết diễn ra tại hội trường chính, nhiều biên bản ghi nhớ (MoU) giữa doanh nghiệp Việt và khu công nghệ Zhongguancun đã được ký kết, tập trung vào ba trụ cột lớn:

Một là, hợp tác toàn diện trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là trong các ngành chiến lược như nông nghiệp thông minh, sản xuất công nghiệp, thương mại điện tử và y tế.

Hai là, thành lập Trung tâm Hợp tác Đổi mới Sáng tạo AI Trung Quốc - ASEAN, có sự tham gia điều phối từ các doanh nghiệp và tổ chức Việt Nam, tạo nền tảng trao đổi công nghệ và tri thức bền vững.

Ba là, phát triển nhân lực AI chất lượng cao thông qua các chương trình đào tạo liên kết, chia sẻ học liệu mở và các hoạt động thực tế chuyên sâu tại Trung Quốc và Việt Nam.

Những thỏa thuận này không chỉ là giấy trắng mực đen, mà là cam kết phát triển bền vững trong mối quan hệ đối tác công nghệ Việt - Trung và trong toàn khối ASEAN.

Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm đổi mới sáng tạo mới của ASEAN, nhờ lực lượng lao động trẻ, tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ và môi trường chính sách khuyến khích chuyển đổi số. Tại hội nghị, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế đều đánh giá cao năng lực tiếp nhận và phát triển công nghệ của Việt Nam.

Việc chủ động tham gia một sự kiện công nghệ hàng đầu như AI+ Nam Ninh, và quan trọng hơn, là tham gia với vị thế đối tác chiến lược, thể hiện tư duy chủ động hội nhập và khả năng định hình tương lai số của doanh nghiệp Việt Nam.

Sự kiện AI+ tại Nam Ninh năm 2025 không chỉ đánh dấu bước tiến của Trung Quốc trong hành trình AI, mà còn là minh chứng cho sự trỗi dậy của các doanh nghiệp Việt Nam trong không gian đổi mới toàn cầu.

Nguyên Vỵ

 

Hà Nội: Cho phép sử dụng địa danh 'Cổ Loa' để đăng ký nhãn hiệu tập thể

Việc quản lý sử dụng địa danh danh 'Cổ Loa' để đăng ký nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản phải bảo đảm đúng quy định.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa ký ban hành Quyết định số 2368/QĐ-UBND về việc cho phép Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Cổ Loa sử dụng địa danh "Cổ Loa" để đăng ký nhãn hiệu tập thể nông sản Cổ Loa cho các sản phẩm và dịch vụ mua bán quả trám, quả mít, củ khoai tây tươi ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh.

Ngoài trám, xã Cổ Loa còn bảo tồn và phát triển cây mít bản địa có chất lượng quả rất ngon. Ảnh: Nguyễn Mai

Theo đó, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Cổ Loa được sử dụng địa danh "Cổ Loa", kèm theo bản đồ địa lý tương ứng đã được UBND huyện Đông Anh xác nhận để đăng ký nhãn hiệu tập thể nông sản Cổ Loa cho các sản phẩm và dịch vụ mua bán quả trám, quả mít, củ khoai tây tươi ở xã Cổ Loa.

Hợp tác xã có trách nhiệm xây dựng các văn bản, công cụ quản lý nhãn hiệu tập thể; tổ chức quản lý việc sử dụng địa danh làm nhãn hiệu tập thể theo đúng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản, công cụ quản lý do hợp tác xã ban hành.

Trường hợp địa danh "Cổ Loa" bị sử dụng sai mục đích, không vì lợi ích chung Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Cổ Loa hoặc trường hợp nhãn hiệu tập thể chuyển nhượng sang chủ sở hữu mới hoặc các sản phẩm quả trám, quả mít, củ khoai tây tươi chuyển sang đăng ký bảo hộ "Nhãn hiệu chứng nhận hoặc Chỉ dẫn địa lý", UBND thành phố có quyền thu hồi quyền sử dụng địa danh đã cho phép.

Hoài Thu

 

Phát triển chuỗi liên kết nông nghiệp dược liệu tuần hoàn

Hiện nay, Hợp tác xã nông nghiệp và dược liệu Thiên Phúc, ở xóm Minh Tiến, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) đã phát triển được gần 30ha cây trồng dược liệu, trong đó có 4ha sâm Bố chính, 3ha Cát sâm và trên 20ha Ba kích.

Hiện nay, Hợp tác xã nông nghiệp và dược liệu Thiên Phúc, ở xóm Minh Tiến, xã Minh Lập (Đồng Hỷ) phát triển được gần 30ha cây trồng dược liệu.

Ngoài ra, Hợp tác xã (HTX) còn chăn nuôi 5.000 con gà ri, ri lai; 4.000 con gà H’Mông và 3 trại nuôi ốc nhồi diện tích 1ha. HTX đã sản xuất được các thực phẩm, thức uống cao cấp được kết hợp sâm Bố Chính như: Panna cotta sâm (món tráng miệng từ sâm), cốt lẩu sâm, gà H’Mông hầm sâm và các sản phẩm có nguyên liệu từ sâm như bột sâm, trà sâm… Các sản phẩm của HTX đã vinh dự đạt nhiều giải thưởng lớn trong ngành ẩm thực trong và ngoài tỉnh.

Có được kết quả này là do từ năm 2023, HTX đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và huyện Đồng Hỷ giúp đỡ thực hiện Dự án ứng dụng khoa học phát triển chuỗi liên kết nông nghiệp dược liệu tuần hoàn theo hướng hữu cơ tạo năng lượng xanh. Trong quá trình triển khai dự án, HTX đã liên kết và chuyển giao cho 15 tổ hợp tác với 50 hộ dân (chủ yếu là chị em phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số) trên địa bàn huyện tham gia. Qua đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ vùng khó.

Tùng Lâm

 

Đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, trừ đất hoang hóa, sai mục đích

Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc tiếp tục kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030 nhưng đề nghị Chính phủ cân nhắc không miễn thuế cho đất để hoang hóa, không dùng cho mục đích nông nghiệp.

Trình Quốc hội Nghị quyết về tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Sáng 13/5, Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH14.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, để tiếp tục thực hiện kết quả đạt được của việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (được áp dụng từ năm 2010 đến nay), Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội để kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14 và Nghị quyết số 107/2020/QH15 đến hết ngày 31/12/2030.

"Việc tiếp tục thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định hiện hành là cần thiết", ông Thắng nói.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng (Ảnh: QH)

Ông Thắng cho hay, việc này xuất phát từ các lý do đó là tiếp tục khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp;

Góp phần bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và ổn định kinh tế - xã hội thông qua đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai để đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, chuyên canh hóa tập trung, quy mô lớn.

Cùng với đó, tiếp tục góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng bảo hộ mậu dịch của các nước trên thế giới.

Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập của người nông dân, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; đảm bảo phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế về hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành nông nghiệp.

Dự thảo Nghị quyết gồm 2 điều: Điều 1 Quy định về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại các Nghị quyết số 55, Nghị quyết số 28, Nghị quyết số 107. Điều 2 quy định về điều khoản thi hành từ ngày 1/1/2026.

Đánh giá tác động của dự thảo Nghị quyết, ông Thắng cho biết, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030 sẽ không làm giảm thu do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế.

"Với đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định hiện hành đến hết ngày 31/12/2030 thì số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm", ông Thắng nói.

Cân nhắc không miễn thuế đối với đất hoang hóa, không phục vụ cho nông nghiệp

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, dự thảo Nghị quyết không có nội dung chính sách mới mà chỉ kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Việc thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp có ý nghĩa quan trọng, thể hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và trên thực tế không gặp khó khăn, vướng mắc.

"Vì vậy, để bảo đảm tính ổn định của chính sách, Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhất trí với nội dung dự thảo Nghị quyết như đề nghị của Chính phủ", ông Mãi nói.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp một cách đại trà không tạo ra động lực cho việc sử dụng đất hiệu quả, tích tụ đất cho sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn và việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thời gian vừa qua cũng có phần dẫn đến tình trạng sử dụng đất nông nghiệp còn lãng phí, để hoang hóa.

Do đó, đề nghị rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng đất nông nghiệp để có thể thiết kế chính sách miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp như một công cụ thúc đẩy hiệu quả sử dụng đất, tránh lãng phí nguồn lực đất nông nghiệp.

Ông Mãi cũng cho biết, Ủy ban Kinh tế và Tài chính thống nhất với đề nghị của Chính phủ về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định về Nghị quyết của Quốc hội để kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31/12/2030.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cân nhắc việc không miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các trường hợp đất để hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích phục vụ cho nông nghiệp.

Đồng thời, thực hiện đánh giá định kỳ về hiệu quả của chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ các góc độ về tác động đến kinh tế nông nghiệp, đời sống nông dân và hiệu quả sử dụng đất.

Minh Minh

 

Tiếp tục miễn thuế sử dụng đất tạo động lực cho phát triển nông nghiệp bền vững

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chính phủ và Ủy ban Kinh tế và Tài chính (UBKTTC) đã trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Nghị quyết kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) đến năm 2030. Với mục tiêu thể chế hóa chủ trương của Đảng, hỗ trợ nông dân, khuyến khích tích tụ đất đai, và nâng cao sức cạnh tranh nông sản, dự thảo nghị quyết không chỉ củng cố chính sách ưu đãi mà còn đặt ra yêu cầu đánh giá tổng thể để đảm bảo hiệu quả sử dụng đất, góp phần xây dựng nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng tất yếu

Thúc đẩy nông nghiệp hiện đại và an ninh lương thực

Chính phủ khẳng định rằng việc kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) đến năm 2030 là cần thiết để thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW, Kết luận số 54-KL/TW, và Kết luận số 81-KL/TW, nhấn mạnh vai trò chiến lược của nông nghiệp, nông dân, và nông thôn trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cũng như đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Chính phủ nhấn mạnh rằng chính sách này phù hợp với Hiến pháp năm 2013, quy định đất đai là tài sản công do Nhà nước quản lý, và Quốc hội có quyền quyết định các chính sách thuế.

Chính phủ cho biết, việc miễn thuế sẽ khuyến khích tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế trang trại, xây dựng cánh đồng lớn, và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hơn nữa, Chính phủ đánh giá rằng qua hơn 30 năm thực thi Luật Thuế SDĐNN năm 1993, chính sách miễn, giảm thuế đã mang lại tác động tích cực. Tổng số thuế miễn, giảm trung bình đạt 3.268,5 tỷ đồng mỗi năm từ 2001 đến 2010, 6.308,3 tỷ đồng mỗi năm từ 2011 đến 2016, 7.438,5 tỷ đồng mỗi năm từ 2017 đến 2020, và 7.500 tỷ đồng mỗi năm từ 2021 đến 2023.

Chính phủ khẳng định rằng chính sách này đã hỗ trợ trực tiếp người nông dân, khuyến khích đầu tư, cải thiện đời sống nông thôn, và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường quốc tế, với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng từ 4,7 tỷ USD năm 2001 lên 53,22 tỷ USD vào năm 2023. Chính phủ nhấn mạnh rằng việc miễn thuế phù hợp với thông lệ quốc tế, như tại Ireland, Anh, và một số nước OECD, đồng thời không vi phạm các cam kết trong WTO, CPTPP, và EVFTA.

Chính phủ đề xuất kéo dài chính sách miễn thuế SDĐNN theo Nghị quyết số 55/2010/QH12, Nghị quyết số 28/2016/QH14, và Nghị quyết số 107/2020/QH14 đến hết ngày 31/12/2030, áp dụng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, trừ đất do tổ chức quản lý nhưng giao cho cá nhân, tổ chức khác sản xuất theo hợp đồng. Chính phủ cho biết, chính sách này không làm giảm thu ngân sách do đã được áp dụng từ năm 2001, đồng thời tạo nguồn lực tài chính trực tiếp cho nông dân, thúc đẩy sản xuất quy mô lớn, đảm bảo an ninh lương thực với mục tiêu giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa đến năm 2030. Chính phủ nhấn mạnh rằng chính sách này góp phần khuyến khích tích tụ đất đai, phát triển kinh tế trang trại, và nâng cao giá trị gia tăng nông sản, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Để đảm bảo thực thi hiệu quả, Chính phủ cam kết ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, tổ chức tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, và bố trí nguồn lực từ ngân sách trung ương, địa phương, cùng các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Chính phủ cũng cho biết sẽ kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, đảm bảo minh bạch và hiệu quả trong quản lý chính sách thuế.

Chính phủ khẳng định, chính sách miễn thuế SDĐNN không chỉ hỗ trợ nông dân mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, và góp phần xây dựng nông thôn mới. Chính phủ nhấn mạnh rằng việc kéo dài chính sách này phù hợp với các cam kết quốc tế, như Hiệp định Nông nghiệp của WTO, đáp ứng tiêu chí “hộp xanh lá cây”, và không trái với CPTPP hay EVFTA. Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9 để tiếp tục tạo động lực cho phát triển nông nghiệp bền vững.

Tiếp tục yêu cầu cải tiến chính sách

Ủy ban Kinh tế và Tài chính (UBKTTC) cho biết, đa số ý kiến trong ủy ban thống nhất về sự cần thiết kéo dài chính sách miễn thuế SDĐNN đến năm 2030, vì chính sách này thể hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đặc biệt trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh còn nhiều khó khăn. UBKTTC đánh giá rằng chính sách miễn thuế đã khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, với sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp và tập đoàn lớn, áp dụng khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. UBKTTC nhấn mạnh rằng, chính sách này không gặp vướng mắc trong thực thi, phù hợp với thực tiễn, và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, UBKTTC cho rằng, việc kéo dài chính sách miễn thuế đại trà chưa đáp ứng đầy đủ các chủ trương của Đảng, như Kết luận số 36-KL/TW và Nghị quyết số 18-NQ/TW, yêu cầu xây dựng chính sách thuế SDĐNN phù hợp với trình độ phát triển, khắc phục tình trạng đất bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, và thúc đẩy tích tụ đất đai. UBKTTC đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá thực trạng sử dụng đất nông nghiệp để thiết kế chính sách miễn, giảm thuế như một công cụ khuyến khích sử dụng đất đúng mục đích, hiệu quả. UBKTTC kiến nghị loại trừ miễn thuế đối với đất bỏ hoang từ 2 năm trở lên, đất sử dụng sai mục đích, hoặc không có giấy tờ hợp lệ, nhằm thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW về tiết kiệm, chống lãng phí.

Hơn nữa, UBKTTC bày tỏ quan ngại rằng việc tiếp tục ban hành nghị quyết thay vì sửa đổi Luật Thuế SDĐNN năm 1993 là chưa phù hợp, vì luật này có nhiều quy định lạc hậu, như tính thuế bằng kg thóc, không còn phù hợp với thực tế sản xuất nông nghiệp. UBKTTC đề nghị Chính phủ đẩy nhanh nghiên cứu, tổng kết thi hành luật, và trình sửa đổi luật tại Kỳ họp thứ 10 để đảm bảo tính bền vững và đồng bộ của hệ thống pháp luật. UBKTTC nhấn mạnh rằng cần đánh giá định kỳ hiệu quả chính sách miễn thuế từ các góc độ kinh tế, đời sống nông dân, và hiệu quả sử dụng đất, để đề xuất các chính sách mới phù hợp hơn với bối cảnh hiện nay.

Về hình thức ban hành, UBKTTC cho biết, một số ý kiến cho rằng việc ban hành nghị quyết ngoài phạm vi Luật Thuế SDĐNN, như thực hiện từ 2011 đến 2025, là chưa phù hợp với yêu cầu ổn định pháp lý lâu dài. UBKTTC đề nghị xem xét luật hóa chính sách miễn thuế để tăng tính minh bạch và đồng bộ. Về hồ sơ dự án, UBKTTC xác nhận rằng Tờ trình và tài liệu kèm theo cơ bản đầy đủ theo khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9.

Trần Hương

 

Ninh Bình: Từ nông thôn mới đến trung tâm công nghiệp hỗ trợ -Bước chuyển mình chiến lược của một vùng đất di sản

Ninh Bình đang chuyển mình mạnh mẽ: Từ một địa phương Nông nghiệp thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ, kết hợp di sản, công nghiệp xanh, nông nghiệp hiện đại.

“Cánh đồng trổ bông, nhà máy sáng đèn” – Diện mạo mới của Ninh Bình nông thôn

Ngày 9/5/2025, Hội đồng Thẩm định Trung ương đồng thuận 100% đề xuất công nhận tỉnh Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Một dấu mốc không chỉ về mặt hành chính, mà là bước khẳng định sự đổi thay thực chất, toàn diện và bền vững của một địa phương có hơn 80% diện tích là khu vực nông thôn.

8/8 tiêu chí theo quy định của Chính phủ đã được tỉnh hoàn thành trọn vẹn. 6/6 huyện đạt chuẩn NTM; 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ; 76/119 xã đạt chuẩn NTM nâng cao – đạt tỷ lệ 63,8%, phản ánh rõ nét sự lan tỏa của chương trình đến tận thôn xóm, ngõ làng.

Không chỉ là “sổ sách đạt chuẩn”, nông thôn Ninh Bình đã chuyển mình mạnh mẽ. Tỷ lệ cây xanh dọc quốc lộ và tỉnh lộ lần lượt đạt 85% và 72%, diện tích cây xanh công cộng đạt 6,51 m²/người – cao hơn 50% so với chuẩn tối thiểu. Người dân đánh giá mức hài lòng với chính quyền lên tới 85,34%; hộ nghèo giảm còn 1,03%; thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 70,74 triệu đồng/người/năm.

Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đạt 160 triệu đồng, trong khi 209 sản phẩm OCOP đã tạo bản sắc nông sản cho từng vùng miền. Nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn được kết nối với du lịch cộng đồng ở Tràng An, Tam Cốc, Vân Long – mở ra hướng đi không chỉ giúp người dân làm giàu, mà còn giữ được “hồn đất, vía làng”.

Nhưng điều đặc biệt nhất, không nằm ở các con số, mà ở tư duy: Ninh Bình kiên định phát triển một nông thôn hiện đại, hài hòa với đô thị – kiến tạo không gian sống sinh thái – văn hóa – kinh tế, gắn với chiến lược phát triển thành “đô thị di sản thiên niên kỷ”.

Công nghiệp hỗ trợ – Động cơ mới đưa Ninh Bình “ly nông mà không ly hương”

Không ngủ quên trên những cánh đồng trù phú, Ninh Bình đã và đang bước vào giai đoạn chuyển mình đầy bản lĩnh: Từ một địa phương nông nghiệp – Du lịch, trở thành một trung tâm công nghiệp hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử và công nghệ cao ở miền Bắc.

Tính đến nay, Ninh Bình đã thu hút 103 dự án FDI, tổng vốn đăng ký trên 1,8 tỷ USD. Trong đó, 18 dự án của nhà đầu tư Đài Loan với tổng vốn hơn 767 triệu USD, chiếm 42,2% tổng vốn FDI toàn tỉnh – Chủ yếu đầu tư vào linh kiện điện tử, phụ trợ ô tô, sản xuất xi măng, giày da, may mặc.

Đây không phải là những dự án “treo”. Phần lớn đã đi vào hoạt động ổn định, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động và đóng góp bền vững vào ngân sách địa phương.

Ninh Bình đã xác định rõ định hướng chiến lược: Ưu tiên thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng công nghệ sạch, tiết kiệm quỹ đất, ít thâm dụng lao động nhưng mang lại hiệu ứng lan tỏa lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, những lĩnh vực được “trải thảm đỏ” gồm cơ khí chế tạo, công nghiệp bán dẫn, vật liệu kỹ thuật cao và đặc biệt là sản xuất – lắp ráp ô tô, ngành đang được tỉnh xác định là “động cơ tăng trưởng mới” trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại.

Ninh Bình tập trung phát triển các dự án công nghiệp hỗ trợ

Thực tiễn triển khai cho thấy, Ninh Bình đã gặt hái những kết quả bước đầu rất rõ nét, thể hiện qua việc đón nhận một loạt dự án FDI tiêu biểu: Công ty TNHH MCNEX Vina (Hàn Quốc) đầu tư 69,5 tỷ đồng vào sản xuất camera module; Công ty TNHH Simona Leather đầu tư 31,2 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền thiết bị; Công ty Adora Việt Nam đưa vào 22,5 tỷ đồng cho dây chuyền sản xuất mới; cùng các dự án sản xuất giày của Athena Việt Nam và Chung Jye Ninh Bình với tổng vốn gần 31 tỷ đồng.

Những dự án này không đơn thuần là dòng vốn ngoại chảy về địa phương, mà chính là dòng sinh khí mới cho nền công nghiệp hỗ trợ bản địa: từ đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, cho đến hình thành mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh – từng bước nội địa hóa chuỗi cung ứng, điều mà lâu nay vẫn là bài toán khó đối với nhiều địa phương công nghiệp truyền thống.

Hạ tầng – thể chế – con người: “Tam giác bền vững” của Ninh Bình

Phía sau sự chuyển mình mạnh mẽ ấy là một tam giác chiến lược được vận hành bài bản: Hạ tầng – Thể chế – Con người.

Về hạ tầng, tỉnh đầu tư bài bản vào các khu – cụm công nghiệp như KCN Phú Long (485 ha), KCN Tam Điệp II (386 ha); đồng thời đẩy mạnh hạ tầng logistics kết nối vùng – liên vùng, tạo đà cho các ngành phụ trợ cơ khí, điện tử, ô tô.

Về thể chế, tinh thần “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” không chỉ là khẩu hiệu. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, triển khai “Một cửa – Một điểm đến”, giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành để rút ngắn thời gian tiếp cận đất đai, thủ tục đầu tư, bảo vệ môi trường.

Về con người, tỉnh đặc biệt chú trọng đào tạo nghề. Các trường cao đẳng kỹ thuật, trung tâm giáo dục nghề nghiệp được gắn chặt với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Tỉnh cũng định hướng rõ đào tạo nhân lực cho công nghiệp bán dẫn, cơ khí, công nghệ số – những ngành có nhu cầu cao nhưng đang thiếu hụt trầm trọng.

Từ hạt gạo đến chip điện tử – Ninh Bình chọn lối đi riêng

Trong khi nhiều địa phương đổ dồn vào bất động sản, khai thác tài nguyên, Ninh Bình chọn con đường khó hơn: kết hợp bảo tồn di sản, phát triển nông thôn xanh và công nghiệp hỗ trợ sạch. Không chạy theo số lượng, không lấp đầy khu công nghiệp bằng mọi giá, Ninh Bình kiên định thu hút dự án ít nhưng chất lượng, đầu tư chiều sâu, gắn với phát triển bền vững.

Từ hạt lúa hữu cơ ở vùng Tam Điệp, quả cà chua treo ở vùng Kim Sơn, đến vi mạch camera và module điện tử của MCNEX Vina – một chuỗi phát triển mới đang được hình thành, nơi cánh đồng và nhà máy cùng phát triển, nơi người dân ly nông mà không ly hương.

Đô thị di sản – Công nghiệp xanh – Nông thôn hiện đại: Tam trụ chiến lược của Ninh Bình

Tỉnh Ninh Bình hôm nay không còn là một địa phương “Điểm đến du lịch” đơn thuần, mà là một điểm đến đầu tư chiến lược, một vùng đất của tương lai nơi Đô thị – Công nghiệp – Nông thôn cùng hòa quyện trong một tầm nhìn phát triển hiện đại, nhân văn và bền vững.

Từ xây dựng nông thôn mới đến kiến tạo công nghiệp hỗ trợ, từ giữ hồn di sản đến làm chủ công nghệ, Ninh Bình đang chứng minh: Một địa phương không cần phải lớn về diện tích hay dân số – Nhưng có thể trở thành lớn mạnh bằng tầm nhìn, ý chí và sự dẫn dắt quyết liệt của người đứng đầu.

PV

 

Bảo Lộc: Chỉ đạo xử lý dứt điểm công trình quán cà phê không phép lấn hành lang hồ Nam Phương

UBND TP Bảo Lộc vừa có văn bản chỉ đạo, giao UBND Phường 1 phối hợp với các cơ quan liên quan của thành phố khẩn trương xử lý dứt điểm các sai phạm xảy tại công trình quán cà phê xây dựng không phép trên đất nông nghiệp lấn hành lang an toàn hồ Nam Phương 1 của ông Nguyễn Viết Xuân.

UBND TP Bảo Lộc chỉ đạo xử lý dứt điểm công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp lấn hành lang an toàn hồ Nam Phương 1

Theo đó, lãnh đạo UBND TP Bảo Lộc yêu cầu UBND Phường 1 khẩn trương xử lý dứt điểm vụ việc vi phạm hành chính của ông Nguyễn Viết Xuân theo Quyết định số 454/QĐ-KPHQ ngày 10/3/2025 của UBND TP Bảo Lộc về việc buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Theo Quyết định số 454 của UBND TP Bảo Lộc thì ông Nguyễn Viết Xuân đã có hành vi vi phạm hành chính, sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Cụ thể Nguyễn Viết Xuân đã chuyển đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất lâm nghiệp sang đất phi nông nghiệp (không phải đất ở) với diện tích 1.171 mét vuông, thuộc Thửa đất số 02, Tờ bản đồ số 02, Phường 1. Hành vi này của ông Xuân đã làm ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai của Nhà nước được quy định tại điểm c Khoản 1 và Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 04/10/2024 của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, căn cứ biên bản vi phạm hành chính của UBND Phường 1 thì hiện tại đã hết thời hạn ra Quyết định xử phạt quy định Điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính.

Vì vậy, UBND TP Bảo Lộc buộc ông Nguyễn Viết Xuân khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm quy định tại điểm a, Khoản 4, Điều 10 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP ngày 4/10/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Cùng với đó, buộc ông Nguyễn Viết Xuân nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính từ ngày 1/12/2024 đến 10/01/2025 là 9,979 triệu đồng quy định tại điểm b, Khoản 4, Điều 10 Nghị định số 123/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 15 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định này.

Đối với các phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tư pháp hỗ trợ, theo dõi, đôn đốc UBND Phường 1 triển khai thực hiện theo đúng quy định và hoàn thành trong tháng 5/2025.

Quán cà phê này vẫn đang kinh doanh bình thường

Theo UBND Phường 1, mặc dù đã hết thời hạn khắc phục hậu quả theo quy định, thế nhưng trên thực tế phần lớn các hạng mục, công trình tại quán cà phê xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, lấn hành lang hồ Nam Phương 1 (TP Bảo Lộc) chưa được xử lý dứt điểm. Đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Viết Xuân chỉ mới tháo dỡ cây cầu sắt chữ T thiếu an toàn xây dựng không phép. Các hạng mục còn lại vẫn được giữ nguyên.

Quan điểm của UBND Phường 1 là buộc ông Xuân phải khắc phục các hậu quả theo Quyết định số 454 của UBND TP Bảo Lộc. Trường hợp, ông Xuân không chấp hành, UBND Phường 1 sẽ tiếp tục báo cáo UBND TP Bảo Lộc để ban hành quyết định cưỡng chế các sai phạm liên quan theo quy định của pháp luật.

N.QUÂN

 

Hội thảo và tập huấn dành cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững

Ngày 20 và 21/5/2025, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp cùng các đối tác tổ chức Hội thảo Doanh nghiệp chuyển đổi xanh và lớp tập huấn chuyên sâu về quản trị và ESG dành cho các dự án khởi nghiệp nông nghiệp, sản phẩm bản địa, phát triển bền vững khu vực miền Bắc.

Chuyển đổi xanh, phát triển bền vững là quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Với chủ đề hướng đến chuyển đổi xanh, Hội thảo là nơi gặp gỡ những người làm kinh doanh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản bản địa. Đây là dịp các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu cùng các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại quốc tế, nông nghiệp bền vững; các doanh nghiệp đi trước trong hành trình đưa sản phẩm ra thị trường nội địa và xuất khẩu và các mô hình khởi nghiệp tiềm năng đến từ nhiều tỉnh, thành khu vực phía Bắc.

Ngay sau hội thảo, khóa tập huấn chuyên sâu được tổ chức dành cho các doanh nghiệp sẽ diễn ra vào chiều 20/5 và cả ngày 21/5, các học viên đã đăng ký trước sẽ được tham gia lớp tập huấn chuyên sâu với các nội dung thiết thực như: Quản trị tài chính cho dự án khởi nghiệp, Chiến lược ESG (môi trường - xã hội - quản trị) phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ, Phân tích thị trường và xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm bản địa; các yêu cầu, tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thương mại hóa nông sản.

Lớp học tổ chức miễn phí, yêu cầu đăng ký trước để xác nhận thông tin, nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả huấn luyện cho từng nhóm dự án.

Thông tin chi tiết sự kiện: Hội thảo diễn ra từ 8h-11h30 ngày 20/5/2025. Chương trình tập huấn diễn ra từ 13h30 ngày 20/5 và từ 8h30-17h ngày 21/5.

Địa điểm: Hội trường lớn - Tầng 7, VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Q.Đống Đa, Hà Nội.

Mộc Thủy

 

Chính phủ đề nghị tiếp tục giảm thuế VAT, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Theo tờ trình của Chính phủ trước Quốc hội, Chính phủ đề nghị tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng và miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Ngày 13-5, tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày các tờ trình về dự án Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: TRỌNG HẢI

Phiên họp được tiến hành dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Tiếp tục giảm 2% thuế suất VAT

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, giai đoạn từ năm 2022 đến 6 tháng đầu năm 2025, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ các nhóm hàng, dịch vụ: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Để củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên và đạt 2 con số giai đoạn 2026-2030, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT.

Chính sách giảm thuế VAT được áp dụng với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10%. Chính phủ đề xuất không giảm thuế VAT với hàng hóa là tài nguyên khoáng sản (trừ hàng hóa đặc biệt góp phần quan trọng trong sản xuất kinh doanh) và hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ mặt hàng xăng).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình của Chính phủ, trong đó có đề xuất giảm 2% thuế suất thuế VAT. Ảnh: TRỌNG HẢI

Như vậy, một số mặt hàng trước đây không được giảm thuế VAT thì lần này cũng được đề nghị giảm. Đó là các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, than ở khâu nhập khẩu và than bán ra ở khâu kinh doanh thương mại, xăng, dầu.

Về thời gian, Chính phủ đề nghị áp dụng cho 6 tháng cuối năm 2025 và năm 2026.

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Chủ nhiệm Phan Văn Mãi cho biết, đa số ý kiến trong ủy ban thống nhất với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc mở rộng diện đối tượng được giảm thuế VAT là cần thiết để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định môi trường vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ có giải pháp hiệu quả để bảo đảm khắc phục được các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách do vẫn có các hàng hóa, lĩnh vực loại trừ, không được giảm thuế, bảo đảm mục tiêu dễ thực hiện và tạo thuận lợi cho người nộp thuế đồng thời, cần đánh giá kỹ hơn về tác động đối với nguồn thu ngân sách nhà nước, bảo đảm việc thực hiện chính sách giảm thuế gắn với mục tiêu ổn định tài khóa trung hạn và an toàn nợ công, bảo đảm nhất quán với các chính sách thuế khác như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt,…

Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng nhất trí với đề xuất thời gian áp dụng của Chính phủ.

Chủ nhiệm Phan Văn Mãi cho biết, Ủy ban Kinh tế và Tài chính thống nhất với đề xuất giảm thuế VAT, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Ảnh: TRỌNG HẢI

Tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Theo tờ trình của Chính phủ, giai đoạn 2001-2010, trung bình mỗi năm, nước ta đã miễn, giảm 3.268,5 tỷ đồng; giai đoạn 2011-2016 miễn, giảm mỗi năm khoảng 6.308,3 tỷ đồng; giai đoạn 2017-2020 mỗi năm miễn, giảm khoảng 7.438,5 tỷ đồng; giai đoạn 2021-2023 mỗi năm miễn, giảm khoảng 7.500 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đã góp phần thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng hiện đại hóa, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững; phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đồng thời, việc quy định miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp không gây xung đột, vướng mắc trong quan hệ thương mại với các nước, không vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam khi gia nhập WTO.

Do vậy, Chính phủ đề nghị tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết ngày 31-12-2030.

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Tài chính về nội dung này, Chủ nhiệm Phan Văn Mãi cho biết, Ủy ban Kinh tế và Tài chính thống nhất với đề nghị của Chính phủ.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị Chính phủ cân nhắc việc không miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với các trường hợp đất để hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích phục vụ cho nông nghiệp.

CHIẾN THẮNG

 

Huyện Yên Bình (Yên Bái) phát triển nông nghiệp vượt trên 100% kế hoạch

Huyện Yên Bình trong 4 tháng đầu năm 2025 sản xuất nông lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới thực hiện đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra, vượt hơn 100%.

UBND huyện Yên Bình đã chỉ đạo, đôn đốc các xã, thị trấn chăm sóc lúa và cây màu vụ xuân với tổng diện tích lúa đã cấy là 2.314,4 ha (đạt 103,5% kế hoạch), trong đó diện tích dưới hồ Thác Bà là 66,5 ha, diện tích ngô đã trồng là 497,4 ha (đạt 103,6% kế hoạch). Diện tích lạc đã trồng 468,2 ha (đạt 100,9% kế hoạch), diện tích sắn đã trồng 758,7 ha (đạt 101,16% kế hoạch), diện tích khoai lang đã trồng 215 ha (đạt 102,3% kế hoạch), diện tích rau đã trồng là 497,5 ha (đạt 105,8% kế hoạch).

Người dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái chăm sóc cây bưởi.

Huyện Yên Bình đã tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, người dân, tổ chức 20 lớp tập huấn cho 302 hộ gia đình về kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại lúa, cây màu, cây lâm nghiệp, cây ăn quả và kỹ thuật phòng bệnh trên đàn vật nuôi.

Theo thống kê, huyện Yên Bình có 137.640 con gia súc, tổng sản lượng thịt hơi xuất chồng đạt 8.900 tấn, tăng 73% so với cùng kỳ.

Huyện cũng chăm sóc tốt diện tích cây ăn quả và cây chè hiện có. Công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng thực hiện tốt, duy trì lịch trực phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô hanh, diện tích rừng trồng ước đạt 2.509,6 ha (đạt 78,4% kế hoạch).

Đối với công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác Bà, địa phương thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát. Và đặc biệt, chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan liên quan rà soát nhu cầu đăng ký nguồn vốn sức nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Trong tháng 5/2025, UBND huyện Yên Bình tiếp tục đôn đốc các xã, thị trấn thu hoạch lúa Đông Xuân và các loại cây màu vụ xuân, chuẩn bị tốt các điều kiện để gieo cấy lúa và các loại cây màu vụ mùa.

Chủ động các giải pháp phòng chống hạn cho cây trồng, vật nuôi, phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đôn đốc tiến độ trồng rừng đảm bảo hoàn thành trong vụ xuân, triển khai công tác cấp chứng chỉ rừng FSC.

Đôn đốc các địa phương trong huyện Yên Bình tăng cường biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác Bà và đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của các xã, thị trấn.

Đức Hà

 

Khắc ghi lời Bác dạy, phát triển nông nghiệp hiện đại, nông dân giàu có

Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Người cho rằng, nông nghiệp phải là mặt trận hàng đầu, muốn phát triển đất nước phải coi trọng cả nông nghiệp và công nghiệp. Khắc ghi lời Bác dạy, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

Thực hiện lời dạy của Bác, ngày 10/9/1966, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ra Nghị quyết số 68-NQ/TU “Về một số vấn đề quản lý lao động trong HTX nông nghiệp hiện nay” - đánh dấu sự ra đời “Khoán hộ” ở Vĩnh Phúc. Từ đó tạo nên động lực mới cho nhiều HTX vươn lên đạt năng suất cao, trở thành điển hình tiên tiến của tỉnh.

Nông dân đưa cơ giới hóa vào thu hoạch lúa, giảm sức lao động, chi phí nhân công.

Tổng kết năm 1967, Ủy ban hành chính tỉnh công bố bảng vàng đạt hơn 6 tấn thóc/ha cả năm gồm các huyện Vĩnh Tường (10 HTX); Yên Lạc (5 HTX) và Tam Dương (2 HTX). Bảng vàng 7 tấn gồm 4 HTX của xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường là Thôn Trung, Thôn Thượng, Phù Lập và Cao Bình. Nhiều HTX được chọn làm điểm về “Khoán hộ” để nhân rộng, giới thiệu với các địa phương khác trong toàn tỉnh đến tham quan và học tập. Do nhiều HTX đạt năng suất cao nên đến năm 1967, tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 222 nghìn tấn, tăng hơn 4.000 tấn so với năm 1966.

Chủ trương “Khoán hộ” đã làm thay đổi căn bản đời sống nông dân ở các vùng nông thôn trong tỉnh, từng bước thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp phát triển, đáp ứng yêu cầu trong tình hình vừa sản xuất, vừa chiến đấu và chi viện cho tiền tuyến miền Nam đánh Mỹ.

Với những kết quả đạt được sau khi đưa chủ trương “Khoán hộ” vào thực tiễn đã chứng tỏ tính phù hợp, tiến bộ, sáng tạo trong đổi mới tư duy quản lý lao động HTX nông nghiệp lúc đó và sau này. Đồng thời, chủ trương “đi trước thời gian” trở thành một trong những căn cứ, cơ sở thực tiễn để Đảng ta nghiên cứu, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nông nghiệp về sau.

Thắng lợi trên mặt trận nông nghiệp có ý nghĩa rất lớn đối với việc đảm bảo đời sống nhân dân và làm nghĩa vụ với Nhà nước. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vĩnh Phúc đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ hậu phương, cung cấp hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm và hàng vạn người con Vĩnh Phúc lên đường ra chiến trường, được Chính phủ khen ngợi.

Giai đoạn 1968 - 1975, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước tiến dài hơn so với trước. Năm 1974, tổng sản lượng lương thực quy thóc của tỉnh đạt gần 457 nghìn tấn, tăng 5,3% so với kế hoạch.

Từ năm 1997 đến nay, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách, cách làm sáng tạo, đột phá, tiên phong trong cả nước như Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 1/11/2002 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2001 - 2005; Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27/12/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020...

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng đa dạng về cơ cấu sản phẩm và loại hình tổ chức. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và giảm tỷ trọng ngành trồng trọt. Chăn nuôi đã thực sự trở thành mũi nhọn, đột phá trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; phương thức chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp dần thay thế phương thức chăn nuôi truyền thống.

Nông dân ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi, cung cấp sản phẩm trứng chất lượng cho người tiêu dùng.

An ninh lương thực được đảm bảo, sản lượng lương thực có hạt không ngừng tăng qua các năm. Các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; các vùng sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung đã và đang thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; cơ giới hóa được tăng cường áp dụng trong sản xuất.

Bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ, nhiều nông dân thời 4.0 của tỉnh đã mạnh dạn thay đổi nhận thức, chuyển từ cách làm theo thói quen sang cách làm theo hướng dẫn của các chuyên gia; chủ động tìm tòi, nâng cao kiến thức, tiếp thu tiến bộ của khoa học kỹ thuật, đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để tiệm cận với nền nông nghiệp thông minh gắn liền với chuyển đổi số.

Nhờ đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân 5 năm (2021 - 2025) của tỉnh tăng 3%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra từ 1,5 - 2%/năm. Đặc biệt, năm 2024, gần 6 tấn bưởi của huyện Vĩnh Tường được xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Toàn tỉnh có hơn 200 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với tổng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước hơn 7.800 tỷ đồng.

Hết năm 2024, Vĩnh Phúc là 1 trong 22 tỉnh có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 178 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao; 28 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tỉnh đã xây dựng được thương hiệu một số sản phẩm đặc trưng của địa phương như dưa chuột An Hòa (Tam Dương), su su Tam Đảo, thanh long ruột đỏ (Lập Thạch), bưởi (Vĩnh Tường)...

Những kết quả đạt được trong công cuộc đổi mới nông nghiệp, nông thôn ở Vĩnh Phúc là minh chứng cho sự đoàn kết, không ngừng nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có.

Bài, ảnh: Mai Liên

 

Hiếu Giang tổng hợp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop