TX Đông Triều (Quảng Ninh): Tích cực chuẩn bị cho vụ thu hoạch na
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh
Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là nông dân TX Đông Triều sẽ chính thức bước vào vụ thu hoạch na chính vụ. Năm nay thời tiết thuận lợi, cây na sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, hứa hẹn một vụ na thắng lợi.
Ông Nguyễn Văn Khoa (thôn Tân Thành, xã Việt Dân) chăm sóc na chờ đến ngày thu hoạch.
Cùng với các hộ trồng na khác trên địa bàn TX Đông Triều, những ngày này gia đình ông Nguyễn Văn Khoa (thôn Tân Thành, xã Việt Dân) tập trung chăm sóc và kiểm tra độ già của quả để chuẩn bị tiến hành thu hoạch. Với diện tích 0,5ha được sản xuất theo quy trình VietGAP, khu vườn hiện có 400 gốc na dai, tuổi đời 7-14 năm. Vụ năm 2023, ông Khoa thu được hơn 6 tấn quả, với giá bán bình quân 30.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình lãi hơn 200 triệu đồng. Vụ na năm nay, do thời tiết thuận lợi, lượng mưa phân bổ đều hơn mọi năm nên cây phát triển rất tốt, bình quân đạt 3-4 quả/kg, hình thức mã quả đẹp. Dự kiến cuối tháng 7, vườn na sẽ cho thu hoạch với sản lượng bằng năm ngoái, nhưng giá bán sẽ tăng đôi chút do năm nay một số loại quả như vải, nhãn, xoài... bị mất mùa.
Đông Triều là địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn nhất tỉnh, với hơn 2.400ha, trong đó có 912,9ha trồng na (chiếm gần 40%). Với vị thơm ngon, quả to, mẫu mã đẹp, cho giá trị kinh tế cao, na là cây trồng chủ lực giúp nâng cao đời sống, thu nhập cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn. Hiện nay cây na ở Đông Triều được trồng ở 14/21 xã, phường và được chia làm 2 vùng trồng. Vùng chủ lực tập trung ở các xã Bình Dương, Việt Dân, Tân Việt, An Sinh. Vùng 2 gồm các xã Tràng An, Bình Khê và Tràng Lương.
Những năm qua, cây na được TX Đông Triều quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng. Thị xã đang triển khai thực hiện dự án phục tráng các giống na được trồng tại địa phương với mục tiêu đảm bảo năng suất đạt trên 15 tấn/ha và thay thế 30% diện tích trồng na hiệu quả thấp, đang trong tình trạng suy thoái bằng các giống đã được phục tráng.
Ngoài ra, TX Đông Triều cũng đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực tập trung giai đoạn 2022-2023, định hướng đến năm 2030 của địa phương. Đến nay đã có 450ha na được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, chủ yếu là na bở, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm.
Theo ước tính của TX Đông Triều, do thời tiết ủng hộ nên sản lượng na năm 2024 sẽ đạt khoảng 10.955 tấn, năng suất 110 tạ/ha, tương đương năm 2023. Dự kiến thời điểm thu hoạch bắt đầu từ cuối tháng 7 kéo dài đến tháng 8 với giá bán tăng khoảng 15-20% so với năm 2023 (bình quân khoảng 55.000-60.000 đồng/kg).
Để tránh thu hoạch tập trung vào cùng một thời điểm, các hộ trồng na đã áp dụng kỹ thuật cắt tỉa quả, nhằm điều tiết sinh trưởng, điều tiết sản lượng chính vụ của cây na để tiếp tục làm na trái vụ, thu hoạch vào tháng 10 và tháng 11, thậm chí muộn hơn, nhằm mục đích rải vụ và nâng cao giá trị kinh tế của quả na, do giá na trái vụ cao gần gấp đôi so với chính vụ.
Quả na sau thu hoạch được gắn mã QR, đóng gói theo quy cách, giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Quy trình này không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, mà còn giúp các hộ trồng na mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá bán sản phẩm.
Dự kiến đầu tháng 8, TX Đông Triều sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ na, nhằm chủ động triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ quả na tại thời điểm chính vụ thu hoạch của nông dân trên địa bàn. Thông qua đó tạo cơ hội cho các HTX, hộ sản xuất na, đơn vị đầu mối kinh doanh gặp gỡ, tìm hiểu nhu cầu, phương thức thu mua, thanh toán và các điều kiện trong ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Cùng với kết nối tiêu thụ trực tiếp, thị xã cũng tăng cường và nâng cao hoạt động marketing điện tử, ứng dụng công nghệ số trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm na. Năm 2024, TX Đông Triều kỳ vọng doanh thu quả na sẽ đạt trên 300 tỷ đồng.
Minh Yến
Giá sầu riêng tăng cao: Nông dân thận trọng chờ chốt hợp đồng
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Hiện nay, người dân trong tỉnh Lâm Đồng đang mới bước vào vụ thu hoạch rộ sầu riêng với tâm trạng rất phấn khởi khi giá loại trái cây này đang tăng cao. Dù vậy, rút kinh nghiệm từ những vụ trước, bên cạnh việc tập trung chăm sóc vườn cây chờ đến ngày thu hoạch, nhiều nông dân liên tục theo dõi thị trường, cẩn trọng chờ ngày chốt hợp đồng bán cho thương lái để bảo đảm lợi ích của mình.
Sơ chế sầu riêng phục vụ xuất khẩu tại Công ty Long Thủy
Theo ghi nhận, trong 2 tháng trở lại đây, giá thu mua sầu riêng được các doanh nghiệp và thương lái thu mua ở mức trên 70.000 đồng/kg đối với sầu riêng Thái và trên 55.000 đồng đối với loại Ri6. Đặc biệt, tại thời điểm này, giá sầu riêng Thái được thương lái mua tại vườn với giá trên 80.000 đồng/kg.
Tại xã Đạ Pal, huyện Đạ Tẻh nông dân đã thu hái sầu riêng rải rác từ một tháng nay và đang chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch rộ. Những ngày này, gia đình anh Nguyễn Văn Luận ở thôn Tôn K’Long đón khá nhiều thương lái đến đặt vấn đề ký hợp đồng thu mua sầu riêng Thái.
Anh Luận cho biết, hiện nay, gia đình anh đang canh tác 4 ha sầu riêng, trong vụ năm 2024, sản lượng sầu riêng dự kiến ước đạt hơn 50 tấn trái. Năm nay dù gặp thời tiết bất lợi do nắng nóng kéo dài, tuy nhiên, do chăm sóc kỹ lưỡng, vườn sầu riêng nhà anh vẫn cho năng suất cao, trái to, đẹp, màu sắc bắt mắt. Với giá sầu riêng như hiện nay, gia đình anh có doanh thu không dưới 5 tỷ đồng.
Anh Luận cho hay, trước thời điểm thu hoạch hơn 1 tháng, rất nhiều thương lái đến từ trong cũng như ngoài tỉnh đã tìm đến vườn anh để đặt vấn đề chốt hợp đồng, bao tiêu toàn bộ sản lượng sầu riêng. Họ sẵn sàng trả giá cao, đặt cọc để mua sầu riêng. Đặc biệt, ở những vườn có sản lượng lớn, các doanh nghiệp vào tận nơi ký hợp đồng thu mua với những điều khoản khá rõ ràng.
Theo anh Luận, so với các năm trước, người nông dân giờ rất thận trọng trong việc chốt hợp đồng giá sầu riêng. Bởi lẽ, đã có không ít trường hợp khi thực hiện chốt hợp đồng xong, nông dân nhận cọc xong nhưng đến thời điểm thu hoạch, giá sầu riêng xuống thì thương lái “neo” trái trong vườn, chậm trễ thời gian thu hoạch để ép người nông dân xuống giá.
Trong vấn đề thu mua sầu riêng có những tình huống biến động bất ngờ. Ví dụ có năm, thương lái chốt giá tại vườn là 60.000 đồng/kg nhưng tới thời điểm cắt sầu riêng thì giá lên đến 80.000 đồng/kg nên họ cắt hết. Ngược lại, có trường hợp thương lái ký hợp đồng 70.000 đồng/kg nhưng tới lúc cắt sầu riêng thì giá thị trường xuống chỉ còn 50.000 đồng/kg nên họ bỏ cọc. Cũng có trường hợp người dân gian lận, ký hợp đồng bán cho thương lái với giá cố định nhưng đến ngày cắt, giá thị trường lên thì họ tìm cách bán ra ngoài cho thương lái khác. Do đó, dù các thương lái liên tục chào giá nhưng vụ sầu riêng năm nay, khi nào đến thời điểm thu hoạch từ 7 - 10 ngày tôi mới chốt hợp đồng với thương lái - anh Luận cho hay.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đạ Tẻh, hiện địa phương đang có khoảng 1.700 ha sầu riêng; trong đó, diện tích đang bước vào thời kỳ kinh doanh ổn định từ năm thứ 6 trở lên là 900 ha, tổng sản lượng dự kiến hơn 20.000 tấn. Một số xã có diện tích trồng sầu riêng lớn là Đạ Kho, Mỹ Đức, Quảng Trị, Đạ Pal... So với các loại cây trồng truyền thống khác tại địa phương, trồng sầu riêng giúp người dân tăng thu nhập lên gấp nhiều lần. Trong vụ thu hoạch sầu riêng năm nay, ngành Nông nghiệp huyện cũng như chính quyền các địa phương đã có khuyến cáo đến nông dân bình tĩnh, theo dõi sát thông tin thị trường và vườn cây, đợi vườn cây đủ ngày tuổi rồi chốt giá và bán.
Ông Võ Hữu Long - Giám đốc Công ty TNHH Long Thủy cho biết, hiện nay, bà con bắt đầu vào vụ thu hoạch sầu riêng. Có người ký hợp đồng với thương lái ngay từ đầu và theo dõi vườn cây để cắt quả già; có người canh sầu riêng rụng để bán cho thương lái nhỏ tại địa phương. Hiện giá sầu riêng trên thị trường rất cao nên với kinh nghiệm của mình, người dân cần theo dõi sự biến động giá và nghiên cứu kỹ hợp đồng ký kết thu mua với các thương lái, tránh những vấn đề bất lợi phát sinh về sau. Bên cạnh đó, do giá cả chưa bình ổn và còn biến động, nông dân trồng sầu riêng trong tỉnh cần cẩn trọng khi đưa ra quyết định, xem xét kỹ hợp đồng mua bán, quan tâm đến liên kết lâu dài trong sản xuất và tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng, chính quyền sở tại để có vụ thu hoạch sầu riêng thành công, lợi nhuận.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, hiện toàn tỉnh có tổng diện tích cây sầu riêng 21.147 ha; trong đó, diện tích thu hoạch 11.554 ha và dự kiến sản lượng năm 2024 đạt 135.000 tấn. Đến nay, toàn tỉnh đã được cấp 116 mã số vùng trồng với tổng diện tích 5.597,13 ha; trong đó, 114 vùng trồng sầu riêng với diện tích 5.489,13 ha, có 10 cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu với tổng diện tích nhà xưởng 13.519 m2 và công suất tối đa 755 tấn/ngày. Các vùng trồng đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra trong đợt kiểm tra trực tuyến đợt 1 năm 2023 và khắc phục theo yêu cầu của phía Trung Quốc.
Trong vụ thu hoạch sầu riêng năm nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cũng đã có khuyến cáo đến người nông dân; đồng thời, đề nghị chính quyền các địa phương tích cực vào cuộc theo dõi, có giải pháp can thiệp kịp thời tình trạng “tranh mua, tranh bán” như hiện nay.
H.SA
Vĩnh Long: Thả 23.730 thiên địch ra vườn dừa
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT Vĩnh Long, từ năm 2022 đến tháng 5/2024, Chi cục Trồng trọt-BVTV tỉnh đã thả 23.730 con thiên địch ra môi trường tự nhiên từ nguồn do đơn vị này nhân nuôi và Trung tâm BVTV phía Nam hỗ trợ, nhằm phòng trừ sâu đầu đen, bọ cánh cứng gây hại tại các vườn dừa trong tỉnh.
Trong đó, phần lớn là bộ đuôi kìm với 18.470 con, số còn lại là ong ký sinh sâu đầu đen và ông ký sinh bộ cánh cứng hại dừa.
Việc nhân nuôi và phóng thích thiên địch ra môi trường giúp nâng cao đa dạng sinh học, cân đối mật số thiên địch, góp phần giảm thiểu sinh vật gây hại và thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời giúp nhà vườn giảm được chi phí sản xuất, góp phần làm giảm tác hại ô nhiễm môi trường do không phải sử dụng thuốc BVTV và tạo thuận lợi cho tỉnh thực hiện có hiệu quả phát triển dừa hữu cơ trong thời gian tới.
Toàn tỉnh hiện có gần 10.700ha trồng dừa, trong đó có 9.652ha cho sản phẩm, năm 2023 sản lượng thu hoạch hơn 140.500 tấn trái.
Trong 5 tháng đầu năm nay, chưa ghi nhận diện tích vườn dừa bị sâu đầu đen, bọ cánh cứng gây hại, nhưng năm 2023 đã ghi nhận trên 10ha vườn dừa ở các huyện Vũng Liêm, Mang Thít bị 2 đối tượng này tấn công.
MINH HÒA
Giá dưa lưới giảm gần 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Nhiều nông dân trồng dưa lưới trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện thương lái cân xô trái dưa lưới tại nơi trồng có giá dao động từ 25.000-26.000 đồng/kg, giảm gần 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Theo thông tin từ nông dân chia sẻ lại thì thương lái cho biết, nguyên nhân giá dưa lưới hiện giảm mạnh là do năm nay nhiều mặt hàng trái cây trúng mùa, sản lượng cung ứng cho thị trường nhiều nên hầu hết các loại trái cây đều rớt giá so với cùng kỳ.
Giá dưa lưới đang giảm kéo theo nguồn lợi nhuận của người trồng cũng giảm theo.
Ông Đặng Thanh Phong, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Tân Quới Lộ, đơn vị đang có 5 nhà màng (với tổng diện tích 9.800m2) trồng dưa lưới ở ấp Tân Quới Lộ, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, cho biết: Ngoài giá bán giảm thì vào mùa mưa như hiện nay năng suất dưa lưới cũng đạt thấp hơn so với mùa nắng. Cụ thể, vào mùa nắng, 1.000m2 dưa lưới sau 75 ngày trồng có thể thu hoạch được 7 - 8 tấn trái; còn mùa mưa như lúc này thì năng suất chỉ khoảng 5 tấn, trong đó có nhiều trái đạt loại 2. Với năng suất và giá bán giảm nên kéo theo mức lợi nhuận của nông dân trồng dưa lưới cũng giảm theo đáng kể.
HỮU PHƯỚC
Rau màu rớt giá, nông dân Cần Giuộc thua lỗ
Nguồn tin: Báo Long An
Từ khoảng đầu tháng 6 đến nay, nông dân trồng rau các loại ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An chưa kịp vui được mùa đã phải lo lắng vì giá bán quá thấp, không đủ chi phí sản xuất.
Cải bẹ xanh của ông Hồ Văn Đức (bìa phải) đến đợt thu hoạch nhưng giá rau giảm sâu
Vùng chuyên canh trồng rau thuộc các xã vùng thượng của huyện những ngày này, các hộ dân “bỏ rau” không thu hoạch vì giá giảm mạnh, không đủ tiền thuê nhân công. Tại xã Mỹ Lộc, ông Hồ Văn Đức (ấp Lộc Trung) trồng 3.000m2 rau cải bẹ xanh nhưng thương lái chỉ trả chưa đến 3.000 đồng/kg. Với giá này, tính ra 1.000m2, gia đình ông thiệt hại hàng triệu đồng. “Rau màu rớt giá là tình trạng chung, riêng giá cải thì rẻ cả tháng nay. Rau cải trồng đạt năng suất cao nhưng giá cả xuống chạm đáy, tôi buồn không muốn ra đồng. Nhưng vì kinh tế gia đình từ trước đến giờ phụ thuộc vào trồng rau, có lỗ cũng phải cố gắng”.
Cách ruộng rau của ông Đức không xa, gần 3.000m2 dưa gang của gia đình ông Nguyễn Tấn Sơn (ấp Lộc Trung) cũng không có thương lái đến mua. Ông Sơn cho hay: “Thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn. Vật tư nông nghiệp tăng cao trong khi giá rau màu gần đây xuống quá thấp,… Tôi cũng mong các ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ nông dân để đầu ra nông sản được ổn định”.
Hiện nay, diện tích rau gieo trồng trên địa bàn huyện Cần Giuộc dao động từ 1.400ha đến 1.700ha, sản lượng khoảng 68.500 tấn. Trong đó có 1.325ha sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao.
Được biết, gần đây thời tiết thuận lợi, các loại rau màu phát triển mạnh, năng suất cao nên nguồn cung vượt cầu, trong khi thị trường tiêu thụ chững lại nên rau rớt giá mạnh. Do đó, nông dân cần nghiên cứu kỹ thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, tránh tình trạng “được mùa mất giá” như hiện nay./.
Nguyệt Nhi - Chí Hiếu
Hiệu quả trạm giám sát côn trùng thông minh
Nguồn tin: Báo Kiên Giang
Năm 2024, huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) triển khai thực hiện lắp đặt thí điểm hai trạm giám sát côn trùng (bẫy đèn thông minh) tại hai xã Bàn Tân Định và Ngọc Hòa để dần thay thế hệ thống bẫy đèn truyền thống ở địa phương. Việc ứng dụng trạm giám sát côn trùng mang lại nhiều hiệu quả, tiện ích trong việc bảo vệ cây trồng và hoa màu.
Trạm giám sát côn trùng thông minh có dải ánh sáng nhiều màu xanh lá, xanh dương, UV và trắng (có thể điều chỉnh ánh sáng) giúp tăng khả năng thu hút đa dạng các loại côn trùng vào bẫy hỗ trợ việc giám sát dịch hại trên cây trồng. Trạm giám sát có vai trò quan trọng trong việc giúp nông dân chủ động phòng trừ các đối tượng sâu bệnh gây hại, giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường trong việc phun thuốc bảo vệ thực vật và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Giồng Riềng Nguyễn Văn Dưỡng cho biết: “So với bẫy đèn truyền thống, trạm giám sát côn trùng thông minh thu hút được đa dạng các loại côn trùng trên lúa như thành trùng sâu keo, sâu năn...; trên cây ăn trái và rau màu như kiến vương, bọ hung, sâu keo... Bẫy đèn có các thiết bị quan trắc khí tượng, thời tiết, đo nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, hướng gió và cảm biến mưa trong ngày, qua đó người dân có thể xác định được có cần phun thuốc hay không và chọn phương thức xử lý kịp thời”.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn (bên phải) - cán bộ tổ kinh tế - kỹ thuật xã Bàn Tân Định hướng dẫn ông Phạm Văn Việt, ngụ ấp Trần Văn Nghĩa, xã Bàn Tân Định xem biểu đồ côn trùng trên điện thoại.
Trạm giám sát được lắp đặt tại vùng trọng điểm sản xuất lúa và cây trồng, có thể dự báo cho các cánh đồng có khoảng cách vài ngàn hecta, giúp địa phương có lịch xuống giống, sử dụng các biện pháp bảo vệ cây trồng hiệu quả cao và tiết kiệm được chi phí. Anh Huỳnh Văn Tước, ngụ ấp Trần Văn Nghĩa, xã Bàn Tân Định nói: “Chỉ cần sử dụng điện thoại bấm vào ứng dụng Mekong và xem biểu đồ trên máy, tôi có thể biết được số lượng sâu, rầy gây hại…, không phải ra tận ruộng để kiểm tra, vừa tiện lợi vừa nhanh chóng”.
Sau thời gian lắp trạm giám sát côn trùng thông minh, qua số liệu ghi nhận trên địa bàn huyện cho thấy sự di trú của các loại sâu bệnh trên cây lúa hoặc một số côn trùng gây hại thường dựa vào hướng gió, tốc độ gió. Chị Lê Huỳnh Thái Như - tổ trưởng tổ kinh tế - kỹ thuật xã Bàn Tân Định cho biết: “Bẫy đèn thông minh có thể nhận dạng, phân biệt được 103 loài côn trùng. Bẫy đèn có thể thay thế hoàn toàn việc theo dõi thủ công hàng đêm của cán bộ kỹ thuật, giúp giảm sức lao động trong việc nhận dạng, đếm số lượng côn trùng vào bẫy, vừa hạn chế sai sót qua các khâu trung gian (nhận diện, đếm, nhập dữ liệu các công đoạn báo cáo...), dễ dàng truy cập và quản lý, giúp công tác dự báo trở nên nhanh chóng và kịp thời”.
Nhờ ứng dụng hệ thống bẫy đèn thông minh, Trạm Khuyến nông huyện Giồng Riềng dự báo được tình hình sâu bệnh trong hai vụ lúa đầu năm 2024. Anh Phạm Văn Việt, ngụ ấp Hai Lành, xã Ngọc Hòa cho biết: “Nhờ có bẫy đèn thông minh được lắp gần nhà đã giúp tôi dự báo được tình hình sâu bệnh diễn ra ảnh hưởng đến vụ trồng cây ăn trái. Tôi chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để tra cứu, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, từ đó lên kế hoạch diệt trừ phù hợp, kịp thời”.
Bài và ảnh: THÚY ANH
Vĩnh Long: Quản lý rầy phấn trắng hại dưa leo
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Rầy phấn trắng (RPT) là một trong những bệnh hại thường gặp trên cây dưa leo (DL). Bệnh có thể xuất hiện ở tất cả các giai đoạn phát triển của cây, gây rụng lá, rụng hoa, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Do đó, nông dân trồng DL cần nắm rõ triệu chứng bệnh hại để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Giảm năng suất, chất lượng dưa leo
Theo Chi cục Trồng trọt-BVTV (Sở Nông nghiệp-PTNT) Vĩnh Long, toàn tỉnh có hơn 2.000ha trồng DL với sản lượng ước đạt trên 66.000 tấn, phân bố tập trung tại các huyện Tam Bình, Trà Ôn, TX Bình Minh, Bình Tân, Vũng Liêm.
Trong đó, huyện Tam Bình hơn 1.000ha, chiếm hơn 50% diện tích trồng DL toàn tỉnh với sản lượng ước đạt trên 33.500 tấn, tập trung ở các xã Ngãi Tứ, Long Phú, Bình Ninh,...
Thời gian gần đây, RPT đã xuất hiện gây hại ở nhiều vùng trồng DL. Theo số liệu điều tra của chi cục, hiện nay diện tích nhiễm RPT trên cây DL gần 200ha với tỷ lệ từ nhẹ đến trung bình phân bố tập trung tại các huyện Tam Bình, Bình Tân, Trà Ôn, Vũng Liêm...
Riêng huyện Tam Bình, các vườn trồng DL trong huyện đều có RPT xuất hiện với mật số từ 5-15 con/lá. Hiện, ước có gần 50ha DL bị nhiễm RPT ở mức độ nhẹ và hơn 40ha bị nhiễm trung bình.
Theo ngành chức năng, vòng đời hoàn chỉnh của RPT khoảng 18-28 ngày trong điều kiện thời tiết ấm áp. RPT gây hại trên nhiều loại cây trồng như DL, dưa hấu, ớt, cà chua, bầu bí, cây khoai mì...
Trưởng thành và ấu trùng RPT chích hút nhựa cây làm giảm sức sống của cây, cây còi cọc, rụng lá, làm biến dạng lá và trái, làm giảm năng suất và có thể gây chết cây (khi mật số rầy cao). RPT còn là môi giới lan truyền virus gây bệnh khảm virus trên DL.
Vết bệnh khảm là những đốm màu xanh nhạt hoặc vàng xuất hiện chủ yếu trên lá và trái. Lá bệnh sẽ có kích thước nhỏ hơn bình thường, nhăn nheo và đọt non DL bị xoăn lại.
Ngoài ra, chất bài tiết của RPT tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển ảnh hưởng đến khả năng quang hợp của cây và làm giảm hiệu quả của thuốc BVTV.
Chú Nguyễn Văn Sương (ấp Bình Quý, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình) cho biết: “Tôi có 3 công trồng DL được 12 năm, nhưng vụ rồi ruộng DL bị RPT tấn công nhiều quá, gây thiệt hại 50-60%.
Rầy gây hại từ giai đoạn 12-15 ngày là phổ biến, rất khó phát hiện, trị không kịp là trái bị sượng, chết dây, giảm năng suất”.
Cũng có 3 công trồng DL bị RPT tấn công, chú Phan Văn Hùng Em (xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình) cho hay: “Ruộng DL của tôi bị RPT tấn công, thiệt hại khoảng 30%.
Nếu như các vụ trước 3 công thu hoạch được 12-13 tấn thì vụ này chỉ thu hoạch được khoảng 9 tấn. Mọi năm tôi trồng 3 vụ nhưng vụ tới tôi bỏ vụ để cải tạo đất và tìm biện pháp phòng trừ RPT tấn công”.
Cần thực hiện đồng bộ các giải pháp
Để tìm giải pháp quản lý hiệu quả RPT giúp người dân canh tác rau màu nói chung, canh tác DL nói riêng an tâm sản xuất, mới đây, Chi cục Trồng trọt-BVTV tỉnh đã tổ chức Hội nghị khoa học “Giám định tác nhân và biện pháp quản lý RPT trên cây DL ở địa bàn huyện Tam Bình”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Lĩnh- Chi cục phó Chi cục Trồng trọt-BVTV, cho biết: Qua điều tra của chi cục đã ghi nhận RPT xuất hiện quanh năm nhưng thường gây hại nặng trong mùa nắng với điều kiện thời tiết khô nóng, nhiệt độ cao, ẩm độ thấp.
Rầy bắt đầu xuất hiện rất sớm khi DL có lá thật (khoảng 7 ngày sau khi gieo). Bên cạnh, do thói quen không vệ sinh tốt đồng ruộng và thường sử dụng các loại thuốc trừ sâu phổ rộng, phun định kỳ, phun nhiều lần là những yếu tố gây bộc phát RPT.
Khi xuất hiện bệnh, nông dân đã sử dụng thuốc BVTV là biện pháp phòng trị chủ yếu. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn RPT vẫn xuất hiện và tiếp tục gây hại.
Điều này tiềm ẩn nguy cơ RPT kháng thuốc và dư lượng thuốc trong nông sản ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
Trước tình hình gây hại và sự phát triển của RPT trên cây DL, Chi cục Trồng trọt-BVTV đã triển khai thực hiện mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây DL ở địa bàn ấp Bình Quý, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình.
Mô hình thực hiện nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu mối nguy hại do lạm dụng hóa chất, nhất là thuốc BVTV đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường, an toàn thực phẩm và góp phần quản lý RPT để người dân trồng DL an tâm sản xuất.
Bên cạnh đó, đơn vị thường xuyên thực hiện công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh.
Hướng dẫn kịp thời cho người dân biện pháp quản lý đối với dịch bệnh trên cây trồng nói chung và RPT trên cây DL nói riêng. Đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật ngành nông nghiệp thường xuyên phối hợp với địa phương để quản lý tốt các đối tượng dịch bệnh chủ yếu.
Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Diễm- Phó Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam, để quản lý tốt đối tượng RPT trên cây DL cần thực hiện đồng bộ và áp dụng tổng hợp nhiều phương pháp để đạt hiệu quả cao.
Theo đó, nông dân cần sử dụng giống tốt, giống chống chịu, vệ sinh đồng ruộng, tỉa bỏ các lá ở gốc tạo sự thông thoáng, loại bỏ các lá bị nhiễm RPT, tưới đủ ẩm trong mùa khô, che phủ đất bằng vật liệu phản xạ (màng phủ nông nghiệp). Đặc biệt, cần luân canh với cây trồng khác.
Bên cạnh đó, cần bảo tồn thiên địch của RPT như bọ xít mù xanh, kiến 3 khoang, bọ rùa,... (trồng hoa dẫn dụ thiên địch và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV định kỳ); sử dụng ong ký sinh, sử dụng các chế phẩm sinh học…
Bên cạnh đó, thuốc BVTV là biện pháp cuối cùng dùng để quản lý RPT, và được sử dụng trong trường hợp điều kiện thời tiết nắng hạn kéo dài. RPT phát triển nhanh, mật số hiện diện có thể làm ảnh hưởng đến năng suất, thiên địch cũng không có đủ khả năng khống chế.
Khi mật số RPT tới ngưỡng phòng trừ có thể sử dụng thuốc BVTV kết hợp với dầu khoáng để diệt RPT. Cần luân phiên gốc thuốc để ngăn ngừa tính kháng và lưu ý thời gian cách ly thuốc BVTV để đảm bảo sức khỏe người dùng.
Bài, ảnh: THẢO LY
Vũng Liêm (Vĩnh Long): Mã số vùng trồng tăng nhanh
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long), nhờ sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt-BVTV tỉnh trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn xây dựng, quản lý mã số vùng trồng (MSVT) cho nông dân, các tổ chức liên quan nên số lượng MSVT được cấp cho các loại cây trồng phục vụ xuất khẩu và thương mại nội địa tăng nhanh.
Đến nay, toàn huyện có 29 MSVT xuất khẩu (tăng 28 MSVT so cùng kỳ năm ngoái) với diện tích 463,35ha thuộc 763 hộ và 27 MSVT nội địa (tăng 27 MSVT so với cùng kỳ năm ngoái) với diện tích là 410,2ha thuộc 560 hộ.
Đặc biệt, trong số này có 15 MSVT xuất khẩu được cấp cho 371ha trồng sầu riêng trong tổng số hơn 1.227ha sầu riêng trên toàn huyện.
Bên cạnh, trên cơ sở kế hoạch xây dựng MSVT năm 2024 của huyện đã ban hành, huyện đang triển khai rà soát, thống kê diện tích bưởi, dừa để hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện bộ hồ sơ đề nghị cấp MSVT, chứng nhận hữu cơ phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Đồng thời tiếp tục xây dựng MSVT đối với các loại cây trồng chủ lực và tiềm năng của huyện như xoài cát núm, bưởi da xanh, cam sành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm nông nghiệp này đáp ứng cho xuất khẩu và thương mại trong nước.
MỸ TRUNG
Hỗ trợ nông dân phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ cùng với Viện Nghiên cứu lúa gạo Quốc tế (IRRI) và các đơn vị có liên quan đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nông dân trong quản lý và khai thác, sử dụng nguồn rơm từ quá trình sản xuất lúa theo hướng kinh tế tuần hoàn. Qua đó, đã giúp nông dân có điều kiện nâng cao thu nhập và khắc phục tình trạng đốt bỏ rơm rạ trên đồng vừa lãng phí, vừa tác động xấu đến môi trường.
Ðưa máy móc cơ giới vào sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm tại HTX Tiến Thuận, huyện Vĩnh Thạnh.
Phát huy giá trị của rơm
Với sự hỗ trợ của ngành chức năng, thời gian qua, nhiều nông dân ở TP Cần Thơ đã tận dụng nguồn rơm từ quá trình trồng lúa để phát triển các hoạt động sản xuất giúp gia tăng thu nhập. Rơm không chỉ được sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm rơm, sản xuất sản phẩm đồ gia dụng... mà còn dùng làm phân bón hữu cơ phục vụ lại cho chính quá trình trồng trọt. Ðáng chú ý, tại một số nơi nông dân cũng đã thành công trong xây dựng các mô hình khai thác, sử dụng rơm rạ theo hướng kinh tế tuần hoàn, từ đó giúp tạo ra đa giá trị và mang lại nhiều lợi ích cả về kinh tế và môi trường.
Theo anh Ðồng Văn Cảnh, Giám đốc hợp tác xã (HTX) New Green Farm ở khu vực Tân Phước, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, thời gian qua nông dân tại HTX đã sử dụng rơm trong quá trình sản xuất lúa để trồng nấm rơm nhằm nâng cao thu nhập theo các mô hình trồng nấm rơm ngoài trời và trồng trong nhà giúp chủ động với các điều kiện thời tiết bất lợi. Không dừng lại ở đó, rơm thải ra từ quá trình trồng nấm tiếp tục được tái sử dụng để làm phân bón hữu cơ phục vụ lại cho trồng trọt. Anh Cảnh cho biết thêm: “HTX đã sử dụng nguồn rơm thải ra từ quá trình trồng nấm kết hợp các phế phụ phẩm khác trong nông nghiệp như tro trấu, mụn dừa, phân bò... để làm ra sản phẩm phân bón hữu cơ. Loại phân bón này giúp cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng nên được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Phân bón được sản xuất trải qua quy trình gồm nhiều công đoạn ủ trộn kéo dài khoảng 45 ngày. Ðể thành công trong việc sản xuất ra sản phẩm, HTX đã được hỗ trợ, hướng dẫn tích cực từ ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ, từ IRRI và các đơn vị có liên quan. HTX cũng được hỗ trợ trong xây dựng bao bì, nhãn hiệu sản phẩm để bà con nông dân dễ dàng nhận diện và sử dụng”.
Hiện HTX New Green Farm có 40 thành viên, diện tích canh tác hơn 40ha. HTX còn nhận làm dịch vụ cho 101 hộ dân với diện tích 148,78ha. Ðược sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ cùng các viện, trường, nông dân tại HTX đã thực hiện mô hình nông nghiệp tuần hoàn và quản lý, khai thác rơm theo hướng kinh tế tuần hoàn từ năm 2022. Ðể sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm, HTX đã ứng dụng máy móc cơ giới phục vụ khâu đảo trộn phù hợp với quy mô và sản lượng lớn đến hàng chục tấn/mẻ, qua đó giúp tiết kiệm khoảng 40-60% chi phí thuê nhân công. Theo đại diện HTX New Green Farm, việc sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm để bón cho lúa, kết hợp với áp dụng sản xuất theo gói kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”, nông dân tại HTX có thể giảm được 40% lượng phân hóa học sử dụng và giảm nhiều chi phí đầu vào, từ đó lợi nhuận trồng lúa có thể tăng hơn 3,49 triệu đồng/ha. Mô hình tận dụng được toàn bộ phụ phẩm nên bà con còn có thu nhập tăng thêm từ việc sử dụng rơm để trồng nấm rơm.
Nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm
Việc khai thác và phát huy giá trị của rơm theo hướng kinh tế tuần hoàn là cách làm giúp nâng cao được giá trị chuỗi ngành hàng lúa gạo. Do vậy, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã và đang tích cực phối hợp các đơn vị có liên quan để hỗ trợ nông dân trong xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm. Theo bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, từ những thành công bước đầu tại mô hình nông nghiệp tuần hoàn của HTX New Green Farm, ngành Nông nghiệp thành phố đang tiếp tục phối hợp cùng IRRI và các đơn vị có liên quan để phát triển mô hình, đồng thời nhân rộng mô hình ra tại nhiều HTX trồng lúa và vùng sản xuất lúa trên địa bàn thành phố. Tiếp tục tích cực hỗ trợ nông dân và các HTX trong tiếp cận, ứng dụng các quy trình công nghệ và máy móc, thiết bị cơ giới trong thu gom, khai thác sử dụng rơm và xử lý rơm làm phân bón hữu cơ, từ đó nâng cao được giá trị sản xuất, đồng thời cũng hạn chế được việc sử dụng phân bón vô cơ và giảm được phát thải khí nhà kính.
Tại HTX nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận ở xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ cũng đã phối hợp IRRI tổ chức lễ khởi động mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn từ rơm. Qua đó, nhằm tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và thúc đẩy phát triển, nhân rộng mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nhất là việc quản lý, khai thác sử dụng tốt nguồn rơm rạ trong sản xuất lúa, tránh việc đốt bỏ rơm rạ trên đồng ruộng. Tạo điều kiện để nông dân tại các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ nắm bắt thông tin, tiếp cận các công nghệ, thiết bị, máy móc cơ giới trong thu gom, xử lý rơm rạ để làm phân bón hữu cơ và phục vụ các quá trình sản xuất để nâng cao thu nhập, giảm phát thải. Dịp này, IRRI đã ký kết bàn giao máy cho HTX Tiến Thuận để giúp nông dân tại HTX thực hiện quy trình xử lý rơm rạ làm phân bón hữu cơ.
Theo ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Tiến Thuận, việc thu gom rơm rạ ra khỏi đồng ruộng để trồng nấm rơm và làm phân bón hữu cơ là rất cần thiết nhằm gia tăng thu nhập cho nông dân và tránh đốt đồng gây tác động xấu cho môi trường. Tuy nhiên, thời gian qua nông dân còn gặp khó do còn thiếu thông tin, kiến thức và các phương tiện máy móc. Do vậy, việc được hỗ trợ máy và được IRRI phối hợp với ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ và các bên có liên quan trong tập huấn kỹ thuật, nông dân tại HTX nói riêng và tại huyện Vĩnh Thạnh nói chung sẽ có điều kiện thuận lợi để khai thác, sử dụng hiệu quả rơm theo hướng kinh tế tuần hoàn.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, với sự hỗ trợ của IRRI và sự quan tâm vào cuộc của các bên có liên quan, tin rằng tới đây mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm tiếp tục tạo bước tiến mới, đồng thời mở ra nhiều góc nhìn và hướng tiếp cận mới hơn, tốt hơn. Rơm không chỉ sử dụng để trồng nấm rơm và làm phân hữu cơ mà còn sử dụng cho nhiều mục đích khác giúp tạo ra nhiều giá trị hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và phát triển sản xuất bền vững.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Số hóa tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Hiện TP Cần Thơ có 148 sản phẩm được công nhận OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), trong đó, có 73 sản phẩm 3 sao, 75 sản phẩm 4 sao (2 sản phẩm tiềm năng 5 sao). Bên cạnh phát triển về số lượng, chất lượng, vấn đề tìm đầu ra là mối quan tâm hàng đầu của các chủ thể, kênh phân phối dòng sản phẩm này. Hòa vào xu thế phát triển chung, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP đang dần số hóa các quy trình sản xuất, quản trị và chuyển sang bán hàng online trên nền tảng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.
Thao tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP Sầu riêng Chị Thảo.
Hợp lực vì mục tiêu chung
Ở cấp thành phố, UBND TP Cần Thơ có nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP nói chung cũng như tìm kiếm, mở rộng thị trường cho dòng sản phẩm này trên các kênh bán hàng trực tuyến. Ðơn cử, Kế hoạch số 200/KH-UBND của UBND thành phố về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn TP Cần Thơ; Kế hoạch số 98/KH-UBND của UBND thành phố về việc ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện số hóa trong nông nghiệp giai đoạn 2022-2025; nhiệm vụ khoa học công nghệ về “Xây dựng, khai thác và phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với sản phẩm thuộc Chương trình OCOP năm 2022-2025”…
Từ những định hướng trên, các sở ngành hữu quan đã triển khai các hoạt động cụ thể, sát với yêu cầu thực tiễn. Trong đó, đáng chú ý là hoạt động truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm OCOP. Chẳng hạn, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đăng ký và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của TP Cần Thơ”. Qua đó, xây dựng thành công cổng thông tin https://check.cantho.gov.vn/ và phần mềm ứng dụng trên điện thoại di động thông minh sử dụng công nghệ CheckVN, tuân thủ theo các quy định về truy xuất nguồn gốc và theo tiêu chuẩn GS1, có khả năng kết nối, liên thông dữ liệu với các hệ thống quản lý truy xuất. Thông qua dự án đã đăng ký truy xuất nguồn gốc cho nhiều sản phẩm OCOP của thành phố như giá sạch Hồng Nhung (Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hồng Nhung), trà mãng cầu Kim Nhiên (Công ty TNHH Chế biến nông sản Kim Nhiên), trà đông trùng hạ thảo (Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa), Hapi chả viên thát lát - tôm (Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa), yến sào Tịnh Hoằng (Công ty TNHH Yến sào Tịnh Hoằng), khô cá tra 1 nắng (Hộ kinh doanh Út Anh)…
Theo ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung và các sản phẩm OCOP nói riêng, ngành Nông nghiệp phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông - VNPT Cần Thơ xây dựng trang thông tin điện tử chonongsancantho.vn. Hiện có 114 đơn vị đăng ký, 168 sản phẩm, với 118.611 lượt truy cập. Trong đó, có 4 sản phẩm OCOP 4 sao (trà mãng cầu, gạo), 6 sản phẩm OCOP 3 sao (2 cam xoàn, 2 mắm cá Lóc, 1 nhãn thanh, 1 rượu mãng cầu). Về phía Sở Công Thương phối hợp với Bộ Công Thương hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ thể OCOP tham gia chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến”. Kết quả toàn bộ 148 sản phẩm OCOP của thành phố đăng tải trên trang canthotrade.com…
Gỡ điểm nghẽn
Thực tế, khâu tìm đầu ra cho sản phẩm đặc sản địa phương nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng vẫn là bài toán khó trong những năm qua. Bán sản phẩm OCOP trên các nền tảng trực tuyến là hướng đi mới, tiềm năng nhưng các chủ thể, cửa hàng kinh doanh OCOP của thành phố còn nhiều hạn chế khi tiếp cận với các nền tảng số. Bán hàng trên các nền tảng trực tuyến khâu quảng bá sản phẩm khác rất nhiều so với truyền thống. Chẳng hạn như viết nội dung sao cho hấp dẫn, chụp hình ảnh, tạo tương tác… Do vậy, nhiều ý kiến đề xuất thành phố tiếp tục triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hỗ trợ các chủ thể OCOP tiếp cận kỹ năng bán hàng trên nền tảng công nghệ thông tin; kết nối tiêu thụ, xúc tiến thương mại sản phẩm với các hệ thống phân phối và người tiêu dùng trên kênh thương mại điện tử, mạng xã hội…
Chị Ngô Thị Thảo, Chủ vườn Sầu riêng Chị Thảo, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Sầu riêng Chị Thảo đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Bắt nhịp xu thế, những năm qua, tôi cũng tăng cường bán hàng trên các kênh trực tuyến như Facebook, Zalo… và nhận thấy việc xây dựng niềm tin, chứng minh sản phẩm an toàn, chất lượng rất quan trọng. Vì vậy, ngoài chứng nhận OCOP tôi đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền Sầu riêng Chị Thảo và gắn mã QR cho sản phẩm của mình. Tất cả các công đoạn này đều có sự hỗ trợ từ ngành chức năng và tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ này trong hành trình nâng hạng OCOP cho sản phẩm cũng như tiếp cận các khóa đào tạo bán hàng, marketing trên nền tảng trực tuyến…”.
Theo ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối Xây dựng Nông thôn mới TP Cần Thơ, bên cạnh trợ lực từ Nhà nước, các chủ thể OCOP cần năng động ứng dụng thương mại điện tử tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các kênh bán hàng trực tuyến… Về phía cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng hồ sơ quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về chương trình OCOP. Ðồng thời, đẩy mạnh kết nối phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh hàng trực tuyến online, bán hàng tương tác trực tiếp livestream, đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương. Hướng đến “Mỗi nông dân là một thương nhân”, nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP.
Bài, ảnh: MỸ THANH
Ứng phó dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh
Thời tiết thay đổi, mưa nắng bất thường, cùng với nền nhiệt cao như hiện nay là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Vì vậy, việc chủ động các biện pháp ứng phó với dịch bệnh phát sinh đang được ngành chức năng cùng với nông dân các địa phương của Quảng Ninh quan tâm thực hiện.
Mô hình nuôi ngan sao của người dân phường Phương Nam (TP Uông Bí).
Theo dự báo, các hiện tượng thiên tai cực đoan, bất thường, trái quy luật sẽ diễn biến phức tạp xuyên suốt năm 2024. Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kịch bản tăng trưởng đề ra, ngành nông nghiệp và các địa phương của Quảng Ninh đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân phòng ngừa, ứng phó với dịch bệnh, giúp hạn chế những thiệt hại trong trồng trọt, chăn nuôi.
Đáng chú ý, đối với ngành chăn nuôi trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã phát sinh dịch tả lợn châu Phi tại 110 hộ ở 5 huyện, thị xã, thành phố, với 703 con lợn chết phải tiêu hủy. Tuy nhiên, Sở NN&PTNT đã cùng với các địa phương tập trung triển khai đồng bộ, kiểm soát chặt chẽ từ hộ nuôi đến quá trình vận chuyển, tiêu thụ... nhằm ngăn chặn, không để dịch lây lan trên diện rộng. Nhờ đó, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định, với sản lượng thịt hơi các loại đạt gần 24.300 tấn, tăng 3,47% so với cùng kỳ năm 2023.
Tìm hiểu tại xã Dực Yên (huyện Đầm Hà) được biết, trên địa bàn có nhiều hộ gia đình chăn nuôi lợn thương phẩm. Những ngày này, để bảo vệ đàn vật nuôi, đảm bảo hiệu quả sản xuất, đội ngũ cán bộ thú y của huyện, xã tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc tiêm vắc-xin phòng các bệnh như thương hàn, tả lợn châu Phi, bệnh đường hô hấp... Những trường hợp chưa đảm bảo về vệ sinh chuồng trại, máng ăn, uống... cũng được nhắc nhở để tu sửa, tránh việc tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh và lây lan.
Các hộ chăn nuôi cũng được hướng dẫn kỹ càng về cung cấp thức ăn, nước uống sạch, đảm bảo vật nuôi phát triển tốt và khỏe mạnh; liên tục kiểm tra để phát hiện sớm những bất thường trên đàn lợn như uể oải, kém ăn... là những dấu hiệu phát sinh dịch bệnh, để có biện pháp xử lý kịp thời.
Là hộ chăn nuôi ngan sao đã hơn 8 năm nay với quy mô từ 500 con/lứa, anh Nguyễn Văn Hợp (khu Hiệp Thanh, phường Phương Nam, TP Uông Bí) luôn đặc biệt quan tâm tới công tác phòng, chống dịch bệnh. Anh Hợp cho biết: Trong điều kiện thời tiết thất thường, đàn ngan rất dễ xuất hiện các dịch bệnh. Do vậy tôi thường xuyên phun thuốc khử trùng định kỳ xung quanh khu vực chuồng nuôi để hạn chế phát sinh mầm bệnh, giữ cho chuồng nuôi luôn sạch sẽ, khô ráo. Hiện nay, được cán bộ của thành phố và phường quan tâm, hỗ trợ sát sao, tôi cũng đã thực hiện tiêm vắc-xin cho đàn ngan đúng lịch, đủ liều; tiếp tục theo dõi nhằm phát hiện sớm những con có dấu hiệu sức khỏe bất thường để cách ly, điều trị phù hợp...
Giai đoạn chuyển mùa cũng là thời điểm các loại cây ăn quả thường bị tấn công bởi sinh vật gây hại, nếu mưa kéo dài thì còn gây ngập úng dẫn đến thối rễ và rửa trôi phân bón, làm cây sinh trưởng yếu, dễ bị nấm, bệnh ký sinh...
Theo bản tin dự báo mà Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật duy trì hằng tuần trên cổng thông tin điện tử của Sở NN&PTNT, giai đoạn hiện nay người nông dân cần đặc biệt theo dõi diễn biến phát sinh các loại như bệnh thán thư, sâu cuốn lá, sâu đục quả trên cây nhãn, vải; bệnh đốm trắng, thối đầu cành, rệp trên cây thanh long; sâu vẽ bùa, nhện đỏ, muội đen, chảy gôm trên cây có múi...
Đối với cây lúa, cần khẩn trương thu hoạch những diện tích lúa chín với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” để tránh thiệt hại do thời tiết và sâu bệnh gây ra; thực hiện xử lý vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch, diệt chuột và phòng ngừa sinh vật hại để chuyển vụ, gieo trồng các cây trồng vụ mùa theo đúng lịch thời vụ.
Những biện pháp đồng bộ, kịp thời trong ứng phó với dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đã góp phần vào đà tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp Quảng Ninh trong 6 tháng đầu năm. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 4,3%, cao hơn 0,17% so với mục tiêu kịch bản 6 tháng mà tỉnh đề ra đầu năm.
Hoàng Giang
Nhu cầu thấp, giá heo vẫn neo cao
Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Giá heo hơi tăng lên 69 ngàn đồng/kg lập tức tác động đến thị trường heo thịt. Tại các chợ, giá heo thịt đã tăng khoảng 20-30% tùy loại.
Chăm sóc heo tại trang trại HTX Hòa Hiệp.
Chăn nuôi quy mô lớn, HTX Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang duy trì tổng đàn hơn 2.000 con heo thịt và heo nái. Từ đầu năm đến nay, HTX đã cung cấp ra thị trường hơn 1.000 con heo thịt. Ông Mai Xuân Du, Giám đốc HTX cho biết: “Với giá heo ở mức 69 ngàn đồng/kg như hiện nay, mỗi con heo nặng 1 tạ sẽ có lãi khoảng 1,7 triệu đồng”.
Giá heo hơi tăng cũng ngay lập tức tác động đến thị trường heo thịt. Theo các tiểu thương, giá heo móc hàm nguyên con về chợ dao động từ 88-92 ngàn đồng/kg, tăng 12 ngàn đồng/kg so với cách đây 1 tháng, buộc phải tăng giá bán lẻ từ 10-16 ngàn đồng/kg, tùy loại. Trong đó sườn non có mức tăng cao nhất và đang có giá 190 ngàn đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Nga, tiểu thương chợ Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu cho biết, các loại thịt nạc vai, đùi, ba rọi thường trước giá chỉ dao động từ 85-130 ngàn đồng/kg thì nay đã tăng lên 95-150 ngàn đồng/kg; thịt ba rọi rút sườn, sườn non dao động từ 160-190 ngàn đồng/kg… “Giá thịt heo tăng cao, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại giảm mạnh, sức mua chỉ bằng khoảng một nửa so với trước đây”, chị Nga nói.
Thông thường giá heo hơi xuất chuồng giảm vào mùa hè, bởi khi thời tiết nóng, người tiêu dùng ăn thịt ít hơn so với khi thời tiết lạnh. Lý giải về hiện tượng giá heo đang tăng trái quy luật tiêu dùng giảm vào mùa hè, các DN kinh doanh thịt heo cho biết, do suốt năm 2023, giá heo hơi quá thấp, người chăn nuôi thua lỗ nên đã giảm số lượng nuôi. Điều này dẫn đến sản lượng xuất chuồng giảm nhiều, nguồn cung đang thiếu so với nhu cầu đã đẩy giá tăng cao.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU
Lâm Đồng: Áp dụng VietGAHP trong chăn nuôi với 50 tổ hợp tác và 718 hộ
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Áp dụng VietGAHP (quy trình chăn nuôi tốt) đã trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ trong ngành chăn nuôi tại tỉnh Lâm Đồng thời gian gần đây. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, hiện có tổng cộng 4 vùng chăn nuôi áp dụng quy trình VietGAHP, với sự tham gia của 50 tổ hợp tác và 718 hộ nuôi. Các vùng chăn nuôi này bao gồm chăn nuôi heo, chăn nuôi cá tầm, chăn nuôi gia cầm và chăn nuôi ong.
Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng hiện đang có 4 cơ sở nuôi cá tầm với quy mô 140.000 con, 9 trang trại chăn nuôi heo với quy mô 193.750 con, 8 cơ sở chăn nuôi gia cầm với 83.000 con và 26 cơ sở chăn nuôi ong với quy mô 5.860 đàn ong. Tất cả các cơ sở này đều đã áp dụng quy trình VietGAHP để đảm bảo chất lượng và an toàn trong quá trình chăn nuôi.
Áp dụng quy trình chăn nuôi tốt theo VietGAHP đã mang lại những kết quả khả quan. Tính riêng trong vùng chăn nuôi áp dụng VietGAHP, có tổng cộng 67.882 con heo, dự kiến sản lượng đạt khoảng 14.339 tấn. Đáng chú ý, trong lĩnh vực chứng nhận Organic, một thành tựu đáng tự hào của tỉnh Lâm Đồng là sự chứng nhận hơn 1.045 con bò sữa tại Trang trại bò sữa Vinamilk Lâm Đồng.
N.NGHĨA
Hiếu Giang tổng hợp