Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 17 tháng 7 năm 2024

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 17 tháng 7 năm 2024

 

Lào Cai: Hoàng Thu Phố (Bắc Hà): Mỗi ha lê cho thu hoạch quả, người dân thu trên 150 triệu đồng

 

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Đến nay, toàn xã Hoàng Thu Phố (Bắc Hà, Lào Cai) có 170 ha cây lê Tai nung, với 100 hộ tham gia.

Thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ năm 2022, xã Hoàng Thu Phố đã tập trung phát triển mở rộng diện tích trồng cây lê Tai nung theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với du lịch nông nghiệp.

 

 

Đến nay, toàn xã Hoàng Thu Phố có 170 ha cây lê Tai nung, với 100 hộ tham gia, trong đó có 3 ha đã cho thu hoạch, còn lại là diện tích trồng mới và đang chăm sóc.

Hiện nay, đối với những diện tích cây lê đã cho quả, giá bán khá ổn định. Mỗi ha lê cho thu hoạch quả, người dân bán thu trên 150 triệu đồng, nguồn thu từ quả lê sẽ tăng mạnh vào các năm tiếp theo khi cây lê phát triển mạnh, nhiều quả hơn.

Cây lê Tai nung đang được xã xác định là cây trồng chủ lực để nâng cao thu nhập, xóa nghèo cho người dân. Theo kế hoạch, năm 2024, toàn xã Hoàng Thu Phố sẽ trồng mới 20 ha cây lê Tai nung, nâng diện tích lê lên 190 ha.

Đinh Viết Vinh

 

Gặp tỷ phú sầu riêng vùng sâu Tân Thượng

 

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Tân Thượng - xã vùng sâu, vùng xa của huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng), nơi có đa số cộng đồng cư dân người dân tộc bản địa sinh sống. Những năm qua, người dân Tân Thượng đã chuyển hướng canh tác, trồng những cây trồng cho kinh tế cao. Và, chúng tôi thật sự ngạc nhiên khi tới thăm một gia đình tỷ phú nông dân.

 

 

Ông K'Sèn bên vườn sầu riêng chuẩn bị thu hoạch

Ông K’Sèn, cư dân Thôn 3, xã Tân Thượng đưa khách đi thăm vườn sầu riêng chuẩn bị thu hoạch của gia đình. Ông bảo, từ đời cha mẹ, ông bà của ông đã sống trên mảnh đất sát dòng Đồng Nai này. Ngày xưa, người Tân Thượng cực lắm, trồng cây lúa rẫy, cây mì, cây ớt…, tới mùa giáp hạt, đứt bữa là chuyện nhiều gia đình từng trải qua. Rồi người Tân Thượng làm quen với cây cà phê. Những trái cà phê chín đỏ giúp người Tân Thượng thoát nghèo. Nhưng, giá vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, giá cả thất thường, hạt cà phê chưa giúp người Tân Thượng làm giàu. Cho tới khi, ông K’Sèn mạnh dạn trồng cây sầu riêng.

“Tôi là hộ đầu tiên trong đồng bào Thôn 3 trồng cây sầu riêng. Đó là từ những năm 2007-2008, khi chỉ có một số ít hộ người Kinh sống ở khu lòng hồ thủy điện bắt đầu trồng sầu riêng. Lúc đó, bà con trong xóm rất tò mò vì tôi dám xuống giống xen trong vườn cà phê” - ông K’Sèn nhớ lại. Học hỏi những vườn trồng sầu riêng của bà con trong thôn, trong xã, ông K’Sèn xuống giống gần 500 cây sầu riêng Thái. Ông cũng nhớ lại, khi đó, gia đình còn rất khó khăn. Vì vậy, thay vì trồng sầu riêng thuần, ông trồng xen trong vườn cà phê, vừa chăm sầu riêng giai đoạn kiến thiết, vừa chăm cà phê để có thu hằng năm, chi trả cho cuộc sống gia đình.

“Cây sầu riêng có cái khó là mức đầu tư rất lớn, thật sự giai đoạn cây còn nhỏ, gia đình tôi rất khó khăn. Mãi tới khi cây được 4-5 tuổi, bắt đầu có trái, gia đình mới an tâm. Dù lúc đó, trái sầu riêng chưa xuất khẩu được, giá mới chỉ đạt 30-35 ngàn đồng/kg nhưng gia đình rất mừng vì thị trường cho trái sầu riêng rất rộng, dễ bán, thu nhập cũng cao hơn cà phê”, ông K’Sèn nhắc lại. Từ những ngày ban đầu giá trái còn thấp, gia đình ông kiên trì chăm sóc vườn sầu riêng đúng kĩ thuật được chuyển giao. Không phụ lòng người, cây phát triển tốt, cho trái thơm, ngọt, mỏng vỏ. Vụ sầu riêng 2024, gia đình ông K’Sèn ước tính thu được 30 tấn sầu riêng nhất chuyên xuất khẩu. Ông K’Sèn rất tự hào vì gia đình chăm sầu riêng theo tiêu chuẩn ViệtGAP, đã đăng ký và xây dựng thành công mã vùng trồng xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc. Ông cũng cho biết, giá sầu riêng của gia đình đang xấp xỉ mức 80 ngàn đồng/kg, một con số đáng kể với cư dân Tân Thượng.

Ông K’Sèn tâm sự, bà con Tân Thượng tiếp cận với cây sầu riêng không phải điều dễ dàng. Bởi cây sầu riêng phải trồng tới năm thứ năm mới cho trái. Trong khi đó, mức đầu tư cho cây sầu riêng rất lớn, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để theo đuổi. Với kinh nghiệm cá nhân, ông K’Sèn khuyến cáo bà con nên trồng sầu riêng xen trong vườn cà phê, lấy ngắn nuôi dài, giúp bà con vẫn có thu nhập trong khi chờ sầu riêng đến ngày thu hoạch. Trồng sầu riêng trong vườn cà phê cũng có nhiều khó khăn. Cụ thể, cây cà phê khiến mặt đất ẩm, không thông thoáng, cây sầu riêng dễ bị bệnh như thối rễ, thán thư. “Tuy nhiên, nếu chăm sóc kỹ, quản lý sâu bệnh tốt, gia đình vẫn có thể thu được vừa sầu riêng vừa cà phê. Như vụ cà phê 2023, gia đình tôi thu được 6 tấn nhân, bán với giá 90 ngàn đồng/ kg, một mức thu không nhỏ” - ông K’Sèn động viên bà con. Ông K’Sèn cũng nhận xét, tuy cà phê sống dưới bóng của cây sầu riêng vẫn phát triển khá tốt bởi cà phê là cây ưa ánh sáng tán xạ. Chỉ cần theo dõi vườn chặt chẽ, ngừa bệnh tốt, bổ sung phân hữu cơ đầy đủ cùng nấm Trichoderma, cây cà phê vẫn cho trái tốt.

Anh K’Đức, cán bộ khuyến nông xã Tân Thượng, huyện Di Linh cho biết, ông K’Sèn là nông hộ người dân tộc thiểu số đầu tiên trong xã Tân Thượng trồng sầu riêng. Khi ông K’Sèn chuyển đổi sang một loài cây mới, bà con trong thôn, trong xã đã rất tò mò. Từ sự thành công của gia đình ông K’Sèn cũng như các nông hộ khác, bà con đã xuống giống sầu riêng, thúc đẩy việc thay đổi cơ cấu cây trồng của cư dân Tân Thượng. Ông K’Sèn cũng là nông hộ nhiệt tình, sẵn sàng chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng cho bà con trong thôn, trong xã. Với xấp xỉ 95% cư dân là các dân tộc thiểu số, trong đó 87% là dân tộc thiểu số bản địa, sự mạnh dạn, thành công của gia đình ông K’Sèn đã mang lại động lực rất lớn để bà con chuyển đổi cà phê sang trồng sầu riêng. Và cũng từ sự thay đổi của ông K’Sèn, sự học hỏi của bà con, cây sầu riêng đang càng ngày càng mở rộng, bén rễ trên đất Tân Thượng, mang lại no ấm cho một mảnh đất vùng xa bên dòng Đồng Nai.

DIỆP QUỲNH

 

Sen nở hoa trên đất lúa cho thu nhập cao

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Mạnh dạn chuyển đổi từ lúa sang trồng sen Thái trắng hay còn gọi là sen quan âm để lấy bông, ông Nguyễn Văn Mỹ (ngụ xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng) kiếm được thu nhập trên từ 3-5 triệu đồng mỗi ngày.

 

 

Sen Thái trắng hay còn gọi là sen quan âm được ông Mỹ trồng thành công giữa vùng đất trồng lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Dẫn chúng tôi tham quan ruộng trồng sen rộng 3ha, ruộng sen quan âm trắng đang độ cho bông rộ nhất trong năm, những bông sen quan âm với hương thơm man mác, tầng cánh dày lại là một thứ gì đó mới lạ khiến ai nấy đều trầm trồ, thích thú. Ðiều ấn tượng hơn cả ở vùng đất chuyên trồng lúa lại có một cánh đồng sen lọt thỏm, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại có thể kết hợp được nhiều mô hình như thả nuôi cá dưới ruộng để tăng thêm thu nhập.

Kể về hành trình thành công với cây sen trên đất lúa, ông Mỹ cho biết, trước giờ từ thời ông bà, cha mẹ ông đều trồng lúa, nhưng vì nơi đây vùng đất trũng nên năng suất không cao, thậm chí nhiều vụ còn thua lỗ nặng. Năm 2021, tình cờ có dịp đến tỉnh An Giang tham quan các mô hình trồng sen quan âm lấy bông, nhận thấy hiệu quả, thị trường thời điểm đó lại rất ưa chuộng nên ông mạnh dạn bỏ lúa chuyển sang trồng sen. Ðể làm được điều này, ông chi tiền cải tạo 1ha đất lúa, mua sen giống với chi phí hơn 70 triệu đồng về trồng. Sau khi trồng được 7 tháng sen bắt đầu cho bông, thu hái lần đầu được 400 bông, kể từ lần hái sau thì số lượng bông tăng lên gấp đôi, gấp ba lần. Thấy được tiềm năng và hướng phát triển lâu dài, ông đã tìm đến các cửa hàng hoa để nhận cung cấp nguồn hàng. Sau khi có đầu ra ổn định, ông quyết định nhân rộng mô hình, trồng thêm 2ha. "Ở đây trước giờ bà con đều trồng lúa. Vì vậy, khi tôi đem sen về trồng, nhiều người cũng e dè, lo ngại và cho rằng mô hình này khó mà thành công. Nhưng khi sen bén rễ, hoa nở trắng một vùng, đem lại thu nhập cao thì ai cũng phấn khởi, nhiều người còn học hỏi để chuyển đổi sang mô hình này", ông Mỹ kể.

Do đặc tính nhiều cánh, hương thơm thanh khiết, lại lâu tàn nên được thị trường ưa chuộng. Sau hơn 3 năm trồng sen, hiện ông Mỹ có thị trường tiêu thụ khá rộng từ các tỉnh ÐBSCL đến miền Ðông Nam Bộ. Các mối lái ở TP Cần Thơ, Cà Mau, Côn Ðảo… thu mua đều đặn mỗi ngày. Giá bán mỗi bông từ 5.000-8.000 đồng (tùy vào số lượng ít nhiều). Nhờ đó, ông thu nhập từ 3-5 triệu đồng/ngày. Ðặc biệt vào các tháng có ngày rằm lớn, giá hoa sen tăng cao, cho thu nhập 10-12 triệu đồng/ngày. Ngoài hoa sen thì cọng và lá sen cũng được thương lái đặt hàng mua mỗi ngày, trung bình ông thu được 400.000-500.000 đồng/ngày từ cọng và lá sen.

Theo ông Mỹ, trồng lúa chỉ 2 vụ trong năm còn trồng sen lấy bông thì cho thu hoạch mỗi ngày. Nếu tính về giá trị kinh tế thì 1ha sen có khi bằng 5ha lúa. Giống sen này dễ trồng, ít sâu bệnh, ít tốn công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao, chỉ mất chi phí đầu tư cho lần đầu xuống giống, còn sau đó chỉ chăm sóc và thu hoạch. Thời gian thu hoạch kéo dài đến 4 tháng, ước đạt năng suất khoảng 90.000 bông/ha/năm. Ðể cây sen phát triển tốt, ra nhiều hoa, ông thường bổ sung phân bón hữu cơ cho cây 1 lần/tháng. Sắp tới, ông dự định tiếp tục mở rộng diện tích trồng sen.

Ðể tăng giá trị trên cùng một diện tích đất, ông Mỹ còn thả cá đồng trong ruộng sen để tăng thêm thu nhập. Với 1,5ha mặt nước ông thả 50kg giống cá sặc rằn, ngoài ra còn có các loại cá tự nhiên khác như cá lóc, cá rô, cá trê. Ðến cuối năm thu hoạch được khoảng 300-400kg, thu nhập nguồn lợi từ cá khoảng 15 triệu đồng. Ngoài ra trên bờ đê ông còn trồng thêm cây kiểng, như cau vua, muồng hoa đào, kèn hồng, Osaka đỏ… bán với giá dao động từ 400.000 đồng đến 2 triệu đồng/cây.

Ông Ðoàn Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thuận cho biết, ở địa phương trước giờ bà con chủ yếu làm lúa nhưng do đất trũng, phèn nên năng suất không cao. Việc ông Mỹ đưa giống sen kiểng về trồng và mạnh dạn chuyển đổi thành công từ lúa sang trồng sen lấy bông đã mở ra một hướng đi mới cho bà con nơi đây, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRINH

 

Trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng xanh

 

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk

Nỗ lực tìm kiếm các mô hình mới phát triển kinh tế tại địa phương, năm 2022, Hợp tác xã nấm dược liệu Chư Yang Sin (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) đã thuê 1 ha rừng keo ở xã Cư Kty để trồng nấm linh chi đỏ.

Với sự hỗ trợ công nghệ và chuyển giao kỹ thuật từ Viện Công nghệ sinh học và môi trường (Trường Đại học Tây Nguyên), hợp tác xã đã gặt hái những thành công bước đầu khi những cây nấm linh chi đỏ sinh trưởng, phát triển tốt dưới tán keo xanh, cho sản phẩm chất lượng. Là một loại thảo dược quý, để trồng được nấm linh chi đỏ, người trồng cần tuân thủ rất nghiêm ngặt các yêu cầu về kỹ thuật chăm sóc...

Những cây keo hơn 4 năm tuổi được thu hoạch và cắt thành khúc 10 - 15 cm để làm giá thể cho nấm phát triển. Giá thể được cho vào túi ni lông cùng bông gòn nhằm ngăn ngừa thoát hơi nước, ngăn vi khuẩn thâm nhập từ bên ngoài. Sau đó được vào lò hấp. Mỗi lần hấp được từ 1.100 - 1.300 túi. Sau quá trình hấp với nhiệt độ từ 105oC, hạ dần về 95oC trong khoảng 1.100 phút liên tục và để nguội trong một ngày, túi có thân cây keo sẽ vào quy trình quan trọng nhất là cấy nấm.

Hạt giống linh chi đỏ phát triển tốt khi hình thành nên những sợi tơ trắng bao bọc hơn 90% trong bình trữ. Việc cấy nấm phải được thực hiện trong phòng thí nghiệm đã khử khuẩn. Các phôi nấm sẽ được ủ hơn 1 tháng để hạt giống nấm bám và hấp thu chất dinh dưỡng từ thân cây. Sau đó sẽ được đem trồng dưới tán rừng keo.

 

 

Huyện Krông Bông hiện có khoảng 4.500 ha cây keo, rất tiềm năng để nhân rộng, phát triển mô hình, giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững...

Nguyễn Gia (thực hiện)

 

Thời tiết thất thường, thương lái mì ‘khóc ròng’

 

Nguồn tin: Báo Tây Ninh

Các thương lái tự “hại nhau” khi cạnh tranh thu mua "mì non” với giá cao, gặp thời tiết thất thường dẫn đến khoai mì giảm chữ bột nên thua lỗ là điều dễ hiểu.

Những năm qua, canh tác khoai mì đã mang lại sự ổn định cho nông dân, với việc “cung ít hơn cầu”, diện tích mì trong tỉnh Tây Ninh chỉ đáp ứng một phần nhu cầu của hơn 50 nhà máy mì đang hoạt động trên địa bàn. Do đó, khoai mì luôn ở mức cao, cùng với đó là sự cạnh tranh thu mua của đội ngũ thương lái mì.

 

 

Thu hoạch mì tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu.

Tại khu vực các xã Phước Ninh, Phước Minh (huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh), những ngày đầu tháng 7, các ruộng mì đã và đang được nông dân thu hoạch. Tại các điểm thu mua mì ở khu vực trên, các thương lái đưa khoai mì về tập kết, để vận chuyển đến các nhà máy mì trong tỉnh. Năm nay, các thương lái thu mua mì đều than thua lỗ.

Nguyên nhân các thương lái đưa ra, là do thời tiết năm nay nắng nóng kéo dài nên sản lượng khoai mì giảm, mỗi héc-ta mì thu hoạch dao động từ 23,5 đến 26 chữ bột. Giá thu mua mì hiện nay mà các nhà máy áp dụng là khoảng 3.600 đồng/kg với khoai mì đủ 30 chữ bột. Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài gây ảnh hưởng đến sản lượng, sau đó là những cơn mưa lớn xuất hiện liên tục dẫn đến khoai mì bị thấp chữ bột.

Sở dĩ người nông dân "trúng đậm", còn thương lái mì thua lỗ là do các thương lái tranh nhau mua mì non chỉ mới vài tháng tuổi. Một héc-ta mì chưa thu hoạch, các thương lái cạnh tranh nhau mua từ 100 triệu đồng, thậm chí là hơn. Nhưng năm nay thời tiết thất thường, khoai mì thu hoạch có chữ bột thấp, năng suất giảm; thương lái phải tốn thêm tiền công thu hoạch nên sau khi trừ chi phí, phần lớn đều cầm chắc thua lỗ.

Anh Lê Văn Tùng (ngụ xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu) vừa trồng mì vừa làm thương lái thu mua mì cho biết, do thời tiết nắng nóng kéo dài, không thể tưới phục hồi cây mì. Sau đó, mưa lớn liên tục gây ngập, dù nước thoát nhanh nhưng đã khiến củ khoai mì giảm chữ bột. Mùa mì năm nay, anh Tùng đầu tư bị lỗ nặng.

Một chủ doanh nghiệp chế biến tinh bột khoai mì tại huyện Dương Minh Châu cho rằng, với giá hiện tại khoảng 3.600 đồng/kg, người nông dân trồng mì không thể lỗ; còn các thương lái tự “hại nhau” khi cạnh tranh thu mua "mì non” với giá cao, gặp thời tiết thất thường dẫn đến khoai mì giảm chữ bột nên thua lỗ là điều dễ hiểu.

Thế Nhân

 

Nông dân Đồng Tháp học làm phân hữu cơ theo kinh nghiệm Nhật Bản

 

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Đồng Tháp

Sáng thứ Bảy (ngày 13/7), không gian Tâm Quê hội quán (xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp) trở nên rộn ràng hơn khi nơi đây có hơn 20 nông dân là thành viên các tổ hợp tác, hội quán và nhiều cán bộ chuyên môn ngành nông nghiệp cùng tham dự lớp Tập huấn Kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ truyền thống theo kinh nghiệm Nhật Bản.

Ông Phạm Hữu Lợi - phụ trách Trường cấp ba nông nghiệp tỉnh Nam Định và ông Cao Quang Ninh - chuyên viên Phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định và một số giáo viên của Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng hướng dẫn cho nông dân, cán bộ nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp.

Trong buổi khai giảng đầu tiên có sự tham dự của ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với trách nhiệm và tâm huyết vì sự phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan luôn động viên, khích lệ nông dân đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và đặc biệt là sản xuất sạch, an toàn, “tử tế”, để vừa tạo ra nông sản chất lượng, giá trị cao, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và cả chính người làm ra sản phẩm.

Việc ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng, cách làm này tuy không mới đối với nông dân. Mặc dù vậy, kỹ thuật sản xuất phân bón hữu cơ truyền thống theo kinh nghiệm từ Nhật Bản vẫn có những cái mới nên nông dân cần nghiêm túc học hỏi, đối chiếu với cách làm hiện tại của mình để rút ra câu trả lời vì sao nông nghiệp Nhật Bản phát triển, giá trị nông sản Nhật luôn ở mức cao – Bộ trưởng đề nghị.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong khóa tập huấn lần này, nông dân không chỉ học về kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ mà còn là học hỏi tinh thần làm việc tỉ mẫn, sự sáng tạo, chăm chỉ của người Nhật. Bộ trưởng mong muốn, từ điểm tập huấn tại Tâm Quê hội quán này sẽ lan tỏa, nhân rộng đến các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Mọi sự thay đổi đều khó khăn nhưng nếu không thay đổi thì càng khó khăn hơn nữa – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, làm nông nghiệp hữu cơ là “cuộc cách mạng về nông nghiệp”, ngành nông nghiệp Đồng Tháp phải xem đây là một trong những nhiệm vụ chính của mình.

Lớp tập huấn diễn ra từ ngày 13/7 đến 21/7, địa điểm học chủ yếu tại Tâm Quê hội quán. Ngay sau phần khai giảng, các học viên là nông dân, cán bộ nông nghiệp được hướng dẫn lý thuyết và trực tiếp thực hành công thức ủ phân hữu cơ, thực hành đảo phân đã làm.

Theo đó, các chuyên gia hướng dẫn về làm phân ủ theo phương pháp hiếu khí của tỉnh Miyazaki (Nhật Bản). Phân ủ có hiệu quả cải tạo và bồi bổ đất trồng rau, cây ăn trái, trồng lúa. Đây là kỹ thuật mà các chuyên gia nông nghiệp tỉnh Miyazaki đã hướng dẫn cho tỉnh Nam Định trong 03 năm: 2016 đến 2018.

Nguyên liệu gồm có: Rơm (băm nhỏ), cám, phân gà, phân bò. Quy trình ủ phân: Ủ phân chín, kiểm nghiệm phân và làm ruộng đối chứng. Trước tiên, cân khối lượng riêng từng nguyên liệu; dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ phân ủ để theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của các vi sinh vật có lợi cho quá trình làm phân ủ; ghi chép nhật ký quá trình làm.

Đảo phân 01 tuần/ một lần nhằm làm đống ủ thoáng khí, giúp vi sinh vật có lợi dễ lấy oxy để hoạt động, sinh nôi nảy nở tốt hơn; đồng thời, cân khối lượng riêng phân ủ trước khi đảo phân.

Cách đơn giản để nhận biết phân chính là thông qua mùi (không mùi hoặc có mùi đất), màu sắc (sẫm màu hoặc màu đen), độ tơi xốp (nắm phân bằng tay thấy tơi xốp và không dính bết) v.v..

 

 

Thực hành trộn các nguyên liệu để ủ phân

Thời gian phân ủ chín khoảng 03 tháng. Bón phân ủ theo hình thức bón lót, bón khoảng 02 kg/m2 (đối với rau, lúa v.v.). Sau bón phân khoảng 01 – 02 tuần là có thể gieo trồng.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ được tập huấn hôm nay rất phù hợp và thuận lợi cho quy mô nông hộ, tổ chức cộng đồng để tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để chủ động nguồn phân bón để bón cho cây trồng. Đây còn là mô hình về kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái theo định hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp.

Đồng Tháp có nguồn phụ phẩm nông nghiệp lớn, do đó, ông Nguyễn Văn Vũ Minh cho rằng, kỹ thuật ủ phân hữu cơ theo kinh nghiệm Nhật Bản là giải pháp tích cực, phù hợp để lan tỏa trong cộng đồng. Mỗi người dân có thể tự ủ phân hữu cơ, tạo ra nguồn phân bón để tiết kiệm chi phí. Sắp tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, giúp nông dân tiếp cận phương thức mới, từ đó, chuẩn bị nền tảng cho nền nông nghiệp sinh thái, hiện đại.

Nguyệt Ánh

 

Đắk Lắk: Huyện Ea H’leo có 3.056 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

 

Nguồn tin:  Báo Đắk Lắk

Thời gian qua, các cấp hội nông dân trên địa bàn huyện Ea H’leo (Đắk Lắk) đã chủ động đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” gắn với phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, toàn huyện có 3.056 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Qua phong trào, hội viên nông dân đã có ý thức tự lực, tự cường, khai thác tiềm năng đất đai, mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, giúp đỡ các hộ khó khăn phát triển kinh tế, chung sức xây dựng nông thôn mới.

 

 

Cán bộ Hội Nông dân huyện Ea H'leo hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc sầu riêng tại xã Ea Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Hội nông dân các xã, thị trấn đã tổ chức 82 đợt ra quân dọn vệ sinh môi trường, thu hút hơn 5.700 lượt hội viên tham gia; vận động đóng góp 776 triệu đồng, 630 ngày công lao động, hiến 3.700 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng.

Các cấp hội nông dân trong huyện đã cung ứng 372 tấn phân bón các loại và hỗ trợ 225.600 cây giống (tổng trị giá 1,485 tỷ đồng) cho hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Hội nông dân các xã, thị trấn cũng đang quản lý 2,445 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của huyện (đã giải ngân cho 24 dự án với 71 hộ vay) và 1,3 tỷ đồng từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của tỉnh (đã giải ngân cho 3 án và 26 hộ vay).

Ngoài ra, Hội Nông dân huyện còn phối hợp với ngân hàng Chính sách - Xã hội tạo điều kiện cho nông dân vay vốn để phát triển sản xuất kinh doanh với tổng dư nợ đến nay là trên 180 tỷ đồng.

Lê Thành

 

Làm giàu từ mô hình nuôi dê, thỏ kết hợp

 

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Ông Đoàn Văn Chấp, 66 tuổi, ngụ ấp Tân Phú Đông B, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) có thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm nhờ mô hình chăn nuôi dê, thỏ kết hợp. Ông bắt đầu thực hiện mô hình này từ năm 2007.

 

 

Ông Đoàn Văn Chấp chăm sóc đàn dê của gia đình.

Là cựu chiến binh trở về quê hương sau khi chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, năm 2000, ông Đoàn Văn Chấp được một người bạn giới thiệu mô hình nuôi dê. Bằng tinh thần vượt khó của Bộ đội Cụ Hồ, với số tiền vay 60 triệu đồng từ Quỹ nghĩa tình đồng đội của Hội Cựu chiến binh xã Minh Đức, ông Chấp đã mạnh dạn xây dựng chuồng trại, mua dê về nuôi. Đến nay, đàn dê của ông phát triển hơn 150 con.

“Ban đầu tôi chỉ có 1 cặp dê giống. Qua nhiều năm chăm sóc, đàn dê của tôi tăng lên đến 70 con; có lúc cao điểm, số lượng hơn 150 con”, ông Chấp bộc bạch. Quá trình nuôi gặp không ít khó khăn, vì chưa có kinh nghiệm, song, ông không nản chí, vừa nuôi dê vừa học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc. Ông Chấp thường xuyên xem đài, đọc báo, các trang mạng xã hội nên ông ngày càng nắm vững kỹ thuật chăm sóc đàn dê của gia đình.

Để đảm bảo nguồn thức ăn cho dê, ông Chấp mạnh dạn chuyển đổi 2 công đất trồng dừa sang trồng cỏ. Mỗi tháng, ông đều xuất bán dê giống và dê thịt, mỗi năm ông thu nhập trên 200 triệu đồng.

Chia sẻ về đầu ra của con dê, ông Chấp nói: “Hiện nay, thị trường tiêu thụ dê thịt khá rộng, nhiều thương lái đến tận chuồng để tìm mua. Thường dê xuất chuồng có trọng lượng từ 25 - 40kg/con (tùy theo con đực hay cái) có giá từ 90 - 110 ngàn đồng/kg. Ngoài bán dê thịt, ông còn cung cấp cho thị trường dê giống. Dê giống được nuôi khoảng 6 tháng tuổi là có thể xuất bán với giá 4 triệu đồng/con.

Dê là loài sinh sản nhanh, có khả năng thu hồi vốn chỉ trong một thời gian ngắn. Chuồng trại nuôi dê khá đơn giản, với diện tích khoảng 100m2/chuồng. Chuồng dê cần phải cao ráo, cách 1m so với mặt đất và làm theo kiểu chuồng sàn. Cũng theo ông Chấp, lợi thế lớn nhất khi nuôi dê là tận dụng được thức ăn có sẵn trong vườn nhà. Vì dê là loài ăn tạp nên không tốn nhiều chi phí để mua thức ăn, chỉ tốn công cắt cỏ hoặc xắt nhỏ thân cây (cây chuối) để cho dê ăn. Ngoài ra, ông Chấp còn mua thêm thức ăn để vỗ béo cho dê thịt.

Thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, bên cạnh nuôi dê, ông Chấp còn nuôi thêm 30 cặp thỏ giống vì chu kỳ phát triển của thỏ ngắn hơn so với dê để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Cứ mỗi tháng, thu nhập từ việc bán thỏ thịt và thỏ giống mang về cho gia đình từ 7 - 10 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Minh Đức Phạm Thanh Bút cho biết, nuôi dê kết hợp nuôi thỏ như hộ ông Đoàn Văn Chấp rất phù hợp với định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại địa phương. Bởi đây là 2 loại vật nuôi dễ chăm sóc, kỹ thuật nuôi đơn giản, vốn đầu tư thấp, thị trường tiêu thụ ổn định, lại cho thu nhập quanh năm. Phân dê và thỏ sau khi được thu gom, xử lý vừa bảo vệ môi trường vừa có nguồn phân hữu cơ bón cho cây ăn trái, từ đó tiết kiệm chi phí sản xuất. Đầu năm 2024, xã cũng đã thành lập tổ hợp tác nuôi dê để liên kết sản xuất và mô hình này sẽ được nhân rộng tại địa phương trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Bảo Duy

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop