Làm giàu cho mình, cho quê hương
Nguồn tin: Báo Bình Dương
Anh Trần Văn Đoàn, sinh năm 1980, ngụ ấp Đồng Bé, xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) được nhiều người ở địa phương biết đến là nông dân có ý chí vượt khó và tư duy làm giàu chính đáng. Với anh Đoàn, làm kinh tế không chỉ để làm giàu cho bản thân, gia đình, mà còn để góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Lập nghiệp từ mô hình trồng bưởi da xanh, đến nay vườn bưởi của anh Trần Văn Đoàn phát triển xanh tốt, cho năng suất, chất lượng cao.
Anh Đoàn chia sẻ, sau thời gian tìm hiểu qua sách báo, học hỏi kinh nghiệm của các hộ trồng bưởi tại địa phương cũng như qua lớp tập huấn, anh nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bưởi da xanh theo hướng VietGAP, cụ thể là kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên cây có múi; kỹ thuật thâm canh, biện pháp hạn chế nhiễm bệnh trên cây có múi. Bên cạnh đó, anh còn được Hội Nông dân, ngành chức năng hỗ trợ cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Sau đó, anh bắt đầu gắn bó với nghề trồng bưởi da xanh.
Không dừng lại ở việc trồng bưởi, anh Đoàn còn mở rộng sản xuất kinh doanh, bằng việc thành lập cơ sở thu mua bưởi da xanh. Ban đầu, cơ sở của anh thu mua bưởi tại các vườn đạt chuẩn VietGAP ở Bình Dương, dần dần được nhiều người biết đến anh mở rộng thị trường thu mua tại các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước. Tiếp đó, anh xuất bán bưởi ra các tỉnh miền Bắc và miền Trung, với số lượng mỗi đợt từ 5-15 tấn.
Anh Trần Văn Đoàn bên vườn bưởi đang cho thu hoạch
Hiện nay, mỗi tháng gia đình anh thu hoạch 60-100 tấn bưởi. Nhờ bưởi đạt chuẩn VietGAP, cùng với việc tạo dựng được mối liên kết với các đối tác nên thị trường tiêu thụ khá ổn định. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng vườn bưởi mang lại cho gia đình anh thu nhập từ 60 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Đoàn còn hỗ trợ, giải quyết việc làm cho 10-20 lao động địa phương, với mức thu nhập mỗi tháng 14-15 triệu đồng/người.
Anh Đoàn cho hay, cơ sở của anh thu mua bưởi yêu cầu phải bảo đảm đạt chuẩn trái tròn và độ đường đạt 10.5. Điều đó đòi hỏi các gia đình trồng bưởi làm đúng quy trình, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đồng đều, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Không chỉ là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, anh Trần Văn Đoàn còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, như thường xuyên ủng hộ quỹ vì người nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do mưa bão gây ra. Anh cũng thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi cho đoàn viên thanh niên, nông dân trên địa bàn muốn phát triển mô hình này.
Ông Thái Văn Kiệm, Bí thư Đảng ủy xã Minh Thạnh, cho biết thời gian qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn xã được triển khai sâu rộng. Từ đó đã phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động, sản xuất của nông dân, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương đạt hiệu quả kinh tế cao. Không chỉ thi đua sản xuất, làm giàu trên chính mảnh đất mình tạo dựng, các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã, trong đó có anh Trần Văn Đoàn, còn đồng hành cùng địa phương thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
HỒNG NGA
Phát triển cây thanh long theo hướng nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Bình Thuận
Trong giai đoạn hiện nay, việc phát triển cây thanh long theo hướng nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường đang là hướng đi phù hợp để nâng giá trị của loại cây này cũng như tạo điều kiện cho ngành du lịch địa phương phát triển.
Được mệnh danh là thủ phủ thanh long của tỉnh Bình Thuận, huyện Hàm Thuận Nam cũng là nơi tập trung đông các cơ sở du lịch được phân bổ dọc bờ biển trên địa bàn; trong đó có đô thị du lịch NovaWorld Phan Thiet - điểm đến được đông đảo du khách lựa chọn khi đến Bình Thuận. Với vị trí đặc biệt, để vừa phát triển cây thanh long và phát triển du lịch, đòi hỏi người nông dân phải áp dụng các biện pháp canh tác mới theo hướng thân thiện với môi trường trên cây thanh long, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Theo phản ánh của người dân địa phương, do thói quen canh tác truyền thống bằng cách bón phân gà thô, phân gà chưa qua xử lý, việc phát sinh tình trạng ruồi thường xuyên xảy ra, nhất là trong mùa mưa. Nếu duy trì thói quen canh tác này, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm của du khách khi đến đây, cũng như an toàn vệ sinh môi trường của khu vực.
Ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, hoạt động sản xuất ngành hàng thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam đã từng bước có sự thay đổi. Các doanh nghiệp, hộ dân sản xuất thanh long đang dần thay đổi thói quen sản xuất truyền thống lạc hậu hoặc kém thân thiện với môi trường để tiến tới các giải pháp sản xuất xanh thân thiện với môi trường. Sản xuất xanh cũng chính là một mắt xích quan trọng giúp nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam nói riêng và nông nghiệp Bình Thuận nói chung hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững.
Đồng hành cùng nông dân trong việc “xanh hóa” sản xuất nông nghiệp của địa phương, vừa qua, Công ty TNHH Delta - Valley Bình Thuận - Chủ đầu tư dự án NovaWorld Phan Thiet đã phối hợp với nhóm nghiên cứu Trường đại học Tài nguyên và Môi trường thực hiện Đề án thử nghiệm phương pháp sử dụng vi sinh phun xịt trên vườn thanh long để hạn chế ruồi và xử lý mùi hôi phát sinh do bón phân gà chưa qua xử lý tại khu vực xã Tiến Thành; hướng tới nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện không gây ô nhiễm môi trường xung quanh, nhất là khu vực ven các điểm du lịch, từ đó đẩy mạnh du lịch xanh, bền vững.
Với những kết quả bước đầu sau khi triển khai dự án, UBND thành phố Phan Thiết đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận cùng nhóm nghiên cứu trong việc đưa ra các giải pháp nhằm bảo vệ môi trường nâng cao đời sống, sức khỏe cộng đồng dân cư và trải nghiệm của du khách tham quan nghỉ dưỡng tại khu vực. Hiện nay, đề án đang tiếp tục được mở rộng diện tích thử nghiệm để đánh giá chính xác hơn về tính hiệu quả, làm cơ sở để triển khai áp dụng trên quy mô lớn.
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông của tỉnh đã tổ chức lớp tập huấn sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất VietGAP hướng tới nông nghiệp xanh, bền vững, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh, nhất là khu vực ven các điểm du lịch cho các hộ dân trực tiếp sản xuất thanh long ở 02 xã Hàm Minh, Thuận Quý. Các đợt tập huấn do Trung tâm Khuyến nông tổ chức đã thu hút sự tham gia đông đảo của nông dân địa phương.
Với sự nỗ lực vì mục tiêu đưa du lịch Bình Thuận đi đúng hướng trên con đường trở thành điểm đến hàng đầu của khu vực, các cơ quan chức năng cùng với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh đang chung sức triển khai thực hiện nhiều giải pháp cụ thể. Xuyên suốt quá trình này, việc đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa nông nghiệp và du lịch luôn được quan tâm và cụ thể hóa bằng các giải pháp xoay quanh nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường./.
Hữu Tri
Cây bắp lai bén rễ trên vùng đất nhiễm phèn mặn
Nguồn tin: Báo Bạc Liêu
Cùng với tập trung phát động gia đình cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân thi đua xây dựng, chỉnh trang diện mạo nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, xã Phong Thạnh Tây A (huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) còn tích cực tuyên truyền, vận động đẩy mạnh phong trào cải tạo vườn tạp chuyển sang nuôi, trồng những loại cây, con có giá trị kinh tế, trong đó có mô hình đưa cây bắp lai vào trồng trên vùng đất nhiễm phèn mặn.
Nông dân xã Phong Thạnh Tây A trồng bắp lai trên đất nhiễm phèn mặn. Ảnh: T.L
Ông Trần Văn Hoa (ấp 3, xã Phong Thạnh Tây A) đã mạnh dạn cải tạo, chuyển đổi 700m2 đất nhiễm phèn mặn sang trồng bắp lai - giống bắp chủ yếu phục vụ cho việc chế biến thức ăn gia súc. Sau hơn 1 tháng trồng và chăm sóc, cây bắp phát triển xanh tốt, giúp gia đình ông Hoa có thêm nguồn thu nhập trên mảnh đất bỏ hoang ngày nào.
Theo UBND xã Phong Thạnh Tây A, cùng với hộ ông Trần Văn Hoa, trên địa bàn ấp 3 của xã còn có nhiều hộ trồng bắp lai và cho thu hoạch với năng suất đạt khá cao, bình quân hơn 750kg bắp trên diện tích 1.000m2. Bắp phơi khô tách hạt được thương lái đặt mua với giá 15.000 đồng/kg, bắp tách vỏ phơi khô trên cây có giá 4.500 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng bắp thu lợi nhuận khá cao, bởi cây bắp lai dễ trồng, sinh trưởng mạnh, chi phí đầu tư thấp, đầu ra ổn định.
Là vùng đất chuyên nuôi trồng thủy sản, quanh năm nhiễm phèn mặn, việc phát động người dân khai phá đất vườn tạo, đất trống quanh nhà để trồng bắp được xem là hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ, không những khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, tăng thu nhập cho người dân, mà còn tạo vẻ mỹ quan nông thôn thêm sáng - xanh - sạch - đẹp, góp phần xây dựng xã Phong Thạnh Tây A đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Thùy Lâm
Kiến Xương (Thái Bình): Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao khôi phục sản xuất
Nguồn tin: Báo Thái Bình
Huyện Kiến Xương (Thái Bình) có 8 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó chủ yếu trồng dưa lưới và rau màu, tạo ra giá trị kinh tế cao và là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Mặc dù bị thiệt hại nặng do bão số 3 song đến nay chủ các mô hình đều đang tập trung khôi phục để ổn định sản xuất.
Anh Lê Văn Túc, thôn Khả Phú, xã Bình Thanh (Kiến Xương) tổ chức khôi phục nhà màng để sản xuất trở lại trong tháng 10.
Năm 35 tuổi, anh Lê Văn Túc, thôn Khả Phú, xã Bình Thanh đầu tư gần 1,4 tỷ đồng xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Với sự sáng tạo của mình, 2 năm qua anh Túc đã biến vùng đất trũng thành nơi thu tiền tỷ. Với diện tích hơn 2.000m2, phía trên anh làm giàn trồng 3 vụ dưa lưới, 1 vụ cà chua, ớt chuông/năm với hơn 5.000 gốc, phía dưới thả cá lăng và cá chuối hoa với số lượng 15.000 con. Nếu thời tiết thuận lợi, anh Túc thu lãi 1,3 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, bão số 3 đã làm toàn bộ nhà màng bị đổ, 1.300 cây dưa lưới đang thời kỳ thu hoạch, 1.800 cây dưa đang chuẩn bị ra hoa, 2.000 cây dưa giống bị hỏng hoàn toàn, hơn 10.000 con cá chuối hoa và cá lăng theo dòng nước cuốn đi.
Anh Túc cho biết: Thiệt hại là rất lớn, ước tính gần 1 tỷ đồng nhưng tôi sẽ quyết tâm làm lại từ đầu. Gần 10 ngày qua, tôi đã thuê thợ về dựng lại khung, tận dụng những gì còn dùng được, làm lại giá thể, gây cây giống để tới cuối tháng 10 bắt đầu trồng lại hơn 6.000 cây dưa và ớt chuông, nhập 15.000 con cá lăng, cá chuối về nuôi với tổng chi phí đầu tư lại ước tính khoảng 500 triệu đồng.
Ông Vũ Hoài Nhân, thôn Tri Lễ, xã Vũ Lễ cho biết: Cuối năm 2021, tôi đầu tư 400 triệu đồng làm mô hình nhà màng với diện tích 1.000m2 để trồng dưa lưới. Ai cũng cho rằng tôi tham làm vì đã gần 70 tuổi, sức khỏe có hạn nhưng vì đam mê nên tôi vẫn quyết tâm thực hiện. Với 3.000 gốc dưa lưới/vụ, mỗi năm thu 2 vụ, trừ chi phí tôi thu lãi trên 100 triệu đồng. Cứ nghĩ một, hai năm sau sẽ lấy lại vốn, ai ngờ bão số 3 quá mạnh nên toàn bộ nhà màng đổ sập hoàn toàn. Khó khăn chồng chất khó khăn, vốn bỏ ra chưa kịp thu hồi nay lại bị thiệt hại, nhưng do gắn bó với sản xuất nông nghiệp từ hàng chục năm qua, đã từng mất mùa do mưa bão nên tôi vẫn quyết tâm vực dậy, đầu tư làm lại nhà màng, phát triển sản xuất. Chưa biết sẽ tận dụng lại được những gì nhưng dù phải bỏ ra số tiền bằng lúc đầu tư mới tôi cũng chấp nhận để mô hình hoạt động trở lại, bù đắp dần những thiệt hại do bão gió gây ra. Tuy nhiên, mong muốn nhất của tôi là sự hỗ trợ, động viên kịp thời của nhà nước về vốn, giống để chúng tôi có thêm động lực sản xuất.
Ông Nguyễn Thái, xã Bình Định là người đầu tiên thực hiện mô hình nhà màng ở Kiến Xương cũng không tránh khỏi thiệt hại do bão số 3 gây ra. Ông cho biết: Cách đây 7 năm, tôi đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để làm hơn 400m2 nhà màng trồng gần 1.000 gốc dưa, xoay vòng 3 vụ dưa lưới, 1 vụ dưa chuột/năm. Cách đây 3 năm, tôi tiếp tục đầu tư thêm 1.000m2 nhà màng theo thiết kế chịu lực được gió bão giật cấp 12 giống như mô hình ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Từ đó, tôi áp dụng khoa học kỹ thuật vào gieo trồng, chăm sóc theo quy trình khép kín nên cả hai khu nhà màng trồng dưa đều sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao. Bình quân mỗi năm tôi thu hoạch trên 10 tấn dưa lưới, dưa chuột, trừ chi phí thu về trên 300 triệu đồng. Tuy nhiên, bão số 3 quá mạnh khiến hơn 400m2 nhà màng xây dựng thời kỳ đầu bị gãy đổ, toàn bộ cây dưa giống bị hỏng hoàn toàn, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Để khôi phục lại sản xuất, vừa qua tôi đã làm lại nhà màng với chi phí hơn 100 triệu đồng theo thiết kế mới để tiếp tục duy trì hiệu quả từ mô hình, đẩy mạnh phát triển sản xuất, đưa nông sản sạch ra thị trường.
Ông Đinh Công Mấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kiến Xương khẳng định: Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã tạo ra những sản phẩm sạch, đem lại giá trị kinh tế cao, góp phần không nhỏ vào giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp của huyện. Tuy nhiên, hầu hết các mô hình đều bị thiệt hại do bão số 3 gây ra song lại không nằm trong danh mục được hưởng hỗ trợ theo Nghị định số 02 của Chính phủ và chưa bảo đảm về quy mô để được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh. Vì thế, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu để huyện đề xuất với tỉnh nghiên cứu, xem xét và kiến nghị Chính phủ hỗ trợ, động viên các gia đình làm mô hình này có thêm động lực đầu tư, khôi phục sản xuất sau những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thu Thủy
Cung ứng rau sạch cho khu công nghiệp
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh
Mỗi sáng sớm, hàng tấn rau, quả tươi của HTX Dịch vụ thương mại và Sản xuất rau an toàn Trung Thái (xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) được vận chuyển cung ứng cho KCN Texhong Hải Hà và KCN Ngân Long (TP Móng Cái). Đây là một trong ít HTX nông nghiệp trong tỉnh giữ mối làm ăn lâu dài, ổn định với doanh nghiệp nước ngoài. Giám đốc của HTX Vũ Văn Dũng đã xây dựng vùng sản xuất, tạo chuỗi liên kết, mạng lưới đối tác và khách hàng.
Giám đốc Vũ Văn Dũng giới thiệu vườn rau sạch của HTX.
Sinh ra, lớn lên ở Hải Hà, cuộc sống của anh Dũng luôn gắn với nghề nông. Quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá thời gian qua đem lại nhiều thách thức song cũng mang lại không ít cơ hội cho phát triển nông nghiệp. Nhận định nhu cầu tiêu dùng rau xanh ở các KCN rất cao, anh Dũng thành lập HTX, huy động nguồn vốn của gia đình để canh tác rau sạch trong nhà lưới. Ban đầu là 2.000m2 nhà giàn, tạo môi trường sản xuất khép kín. Sản phẩm rau xanh sạch, an toàn của HTX sớm được khách hàng ghi nhận, trong đó có bếp ăn của KCN Texhong Hải Hà.
Để đáp ứng yêu cầu của khách hàng, anh Dũng liên kết với các hộ nông dân có diện tích và kinh nghiệm canh tác để mở rộng vùng trồng rau xanh; đưa các hộ liên kết trở thành thành viên HTX, khuyến khích các hộ đầu tư ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới, tưới nước tiết kiệm, nhằm sản xuất rau sạch, đáp ứng các tiêu chuẩn ATTP mà khách hàng đề ra. HTX hiện làm chủ các yếu tố sản xuất, như hệ thống phun tự động giúp cung cấp đủ nước cho từng loại rau khác nhau; hệ thống nhà lưới giúp kiểm soát các thông số về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, khí carbonic… qua đó tránh được tác động của thời tiết đến cây trồng, hạn chế sự xâm nhập của các loại sâu hại, các loại côn trùng…
HTX hiện có hơn 20 hộ liên kết, hộ thành viên, diện tích canh tác gần 10ha, trong đó 3ha do HTX canh tác trực tiếp; giá trị canh tác khoảng 150 triệu đồng/ha/năm. HTX tạo việc làm cho khoảng 60 lao động, thu nhập 6-8 triệu đồng/người/tháng. Sản lượng rau xanh của HTX khoảng 2,5-3 tấn/ngày, trong đó cung ứng cho các KCN trên 70%. Rau xanh của HTX được khách hàng đánh giá cao, tin tưởng, đặt hàng lâu dài.
Anh Dũng cho biết: Làm nông nghiệp không thể làm giàu chóng vánh, nhưng có thể tạo việc làm cho lao động sức yếu, lao động nhàn rỗi. Quan trọng là nông nghiệp có tính bền vững, giúp cho nông dân có cuộc sống ổn định, có thời gian để chăm sóc gia đình, con cái. HTX đang tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất rau xanh. Bởi KHKT là chìa khoá của thành công, nhất là trong sản xuất nông nghiệp có sự hỗ trợ của những quy trình, thiết bị sản xuất tiên tiến.
Việt Hoa
Đề án chuyên canh lúa chất lượng cao mở ra tư duy mới cho nông dân
Nguồn tin: Báo Chính Phủ
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" đã thu hút nhiều người dân đã tự nguyện tham gia vào chương trình sau khi thấy được hiệu quả của đề án.
Người dân đã tự nguyện tham gia vào chương trình sau khi thấy được hiệu quả của đề án lúa chất lượng cao
Hiệu quả ban đầu của Đề án
Trong văn bản gửi lãnh đạo Chính phủ mới đây về việc hoàn thiện báo cáo tiến độ thực hiện Đề án, Bộ NN&PTNT cho biết, vụ Đông Xuân 2024 - 2025 sẽ tổng kết để công nhận hệ số phát thải từ sản xuất lúa.
Để có cơ sở áp dụng rộng rãi các quy trình kỹ thuật canh tác lúa phát thải thấp cho toàn bộ diện tích của đề án, Bộ NN&PTNT đã tổ chức triển khai 7 mô hình thí điểm trên địa bàn 5 tỉnh gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng. Các mô hình thí điểm sẽ thực hiện trong 3 vụ, đến vụ Đông Xuân 2024 - 2025 sẽ tổng kết để Bộ NN&PTNT công nhận hệ số phát thải từ sản xuất lúa.
Ngoài diện tích Bộ NN&PTNT chọn xây dựng mô hình thí điểm, UBND 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã chỉ đạo ngành nông nghiệp xây dựng Kế hoạch triển khai mở rộng diện tích sau khi các mô hình điểm đạt kết quả cụ thể.
Mô hình thí điểm canh tác lúa thuộc đề án tại thành phố Cần Thơ vụ Hè Thu 2024 đã cho thu hoạch. Kết quả sơ bộ cho thấy, tổng chi phí đầu vào giảm khoảng 10 - 15% so với mô hình đối chứng; phân bón giảm 30% lượng bón đạm; giảm 2 - 3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật; giảm lượng nước tưới khoảng 30 - 40%.
Năng suất lúa tăng 10,5% so với mô hình đối chứng. Lợi nhuận mô hình điểm cao hơn từ 1,3 - 6,2 triệu đồng/ha, tương ứng từ 6,6 - 31,5%.
Về giảm phát thải khí nhà kính, giảm từ 2 - 12 tấn CO2/ha so với mô hình đối chứng. Đặc biệt nhiều doanh nghiệp đã cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm lúa gạo được sản xuất tại các mô hình thí điểm.
Thực hiện đề án, Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, hợp tác xã nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện đề án. Theo kế hoạch, trong 2 giai đoạn (2024 - 2025 và 2026 - 2030), trên 1 triệu người sẽ được tập huấn, nâng cao năng lực.
Tại vùng chuyên canh, Bộ NN&PTNT đã rà soát hiện trạng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất lúa tham gia đề án; tổng hợp nhu cầu đề xuất của các tỉnh và tìm kiếm nguồn lực để triển khai nhiệm vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh; xây dựng xong đề xuất dự án nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới.
Nhằm huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế thực hiện đề án, Bộ NN&PTNT đã tích cực làm việc với Ngân hàng Thế giới để huy động nguồn lực. Đến nay, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cơ bản thống nhất hỗ trợ thực hiện đề án với 3 nguồn lực cơ bản. Đó là: Viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc ủy thác qua Ngân hàng Thế giới; nguồn từ Quỹ chuyển đổi tài sản carbon (TCAF); nguồn vốn vay thực hiện dự án "Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long".
Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng đã bày tỏ quan tâm, đang chuẩn bị tư vấn sẵn sàng tổ chức khảo sát và cung cấp khoản vay cho việc thực hiện đề án. Nhiều tổ chức quốc tế khác đang chuẩn bị các khoản vốn viện trợ không hoàn lại hỗ trợ kỹ thuật để triển khai đề án, như các tổ chức quốc tế từ Australia, Canada, Mỹ, Đức, FAO…
Đề án được các tổ chức quốc tế đánh giá cao
Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ, ngành cùng các tỉnh và chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, Viện lúa gạo Quốc tế (IRRI) xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định phát thải (MRV) phù hợp với các quy chuẩn quốc tế. Để có cơ sở mở rộng ra toàn bộ diện tích của đề án từ năm 2025, Bộ NN&PTNT đang áp dụng thí điểm hệ thống này cho các mô hình điểm của đề án.
Dự kiến, sau khi có kết quả giảm phát thải từ các mô hình thí điểm tại 5 tỉnh (sau vụ Đông Xuân năm 2024-2025), hệ thống MRV sẽ được áp dụng cho toàn bộ diện tích của đề án làm cơ sở xác định hệ số phát thải và kết quả giảm phát thải. Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT sẽ trình xin Chính phủ cơ chế thí điểm chi trả tín chỉ carbon dựa trên kết quả giảm phát thải cho vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp và tiếp đó là cơ chế thí điểm trao đổi tín chỉ carbon trên thị trường đối với ngành hàng lúa gạo.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã họp với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB) về các bước chuẩn bị ký Thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA) với Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) hỗ trợ thực hiện Đề án. Với hiệu quả bước đầu tại mô hình thí điểm ở một số địa phương cho thấy, chi phí về giống, vật tư nông nghiệp đầu vào đều giảm 30%; giá lúa và thu nhập của nông dân đều tăng lên, sản lượng lúa đều được các doanh nghiệp bao tiêu.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, nhiều khu vực, người dân đã tự nguyện tham gia vào chương trình sau khi thấy được hiệu quả của đề án. Với vụ sản xuất thí điểm vừa qua, giá lúa, thu nhập của người dân tăng đều. Nhiều doanh nghiệp đã tới đăng ký thu mua lúa được sản xuất giảm phát thải. Trong vụ Đông Xuân và Hè Thu sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ đưa ra được hệ số giảm phát thải carbon trong sản xuất lúa.
Ông Li Guo, chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới, đại diện Đoàn công tác cho biết, Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF) phê duyệt tổng kinh phí là 33,3 triệu USD (số tiền này có thể tăng lên đến 40 triệu USD), sẽ được chi trả dựa trên kết quả và theo 2 giai đoạn. Cam kết tài trợ khoản kinh phí này của Quỹ TCAF sẽ có hiệu lực trong 12 tháng và Ngân hàng Thế giới dự kiến sẽ phê duyệt tài trợ bằng việc ký Thoả thuận chi trả giảm phát thải (ERPA).
Ngoài ra, Quỹ TCAF sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật trị giá 2 triệu USD (do Ngân hàng Thế giới trực tiếp quản lý) để thực hiện các hoạt động tăng cường năng lực giúp thực hiện Điều 6 Thỏa thuận Paris và các đề nghị khác.
Ông Li Guo cũng cho biết, chương trình hợp tác giữa Ngân hàng Thế giới với Bộ NN&PTNT trong triển khai đề án không chỉ hỗ trợ Việt Nam về mặt tài chính mà còn hỗ trợ cả về mặt kỹ thuật. Đề án khi thành công sẽ trở thành nơi trình diễn cho toàn cầu về phương thức canh tác mới này.
Hai bên cũng bàn về việc tổ chức hội thảo để trao đổi tăng cường nhận thức của các bộ, ngành liên quan về kinh nghiệm tiếp cận thị trường carbon, ký kết thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA), thỏa thuận chuyển nhượng kết quả giảm phát thải (MOPA)/chuyển nhượng quốc tế kết quả giảm phát thải (ITMO); quy trình thủ tục trong nước về việc phê duyệt triển khai ký Thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA).
Đỗ Hương
Huyện Phú Giáo (Bình Dương): Có thêm 15 cơ sở đạt chứng nhận VietGAP
Nguồn tin: Báo Bình Dương
Theo báo cáo của UBND huyện Phú Giáo (Bình Dương), trong 9 tháng năm 2024 giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện ước thực hiện là 5.311 tỷ đồng, đạt 85,82% so với kế hoạch năm, tăng 11,13% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm trên địa bàn ước đạt 2.362,5 ha, tăng 4,23% so với cùng kỳ năm 2023. Toàn huyện có 333 trang trại chăn nuôi, 54 nhà chim yến với tổng diện tích 14.092m2; có 65 hộ chăn nuôi thủy sản nước ngọt. Đến nay, trên địa bàn huyện có 871 cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích trên 1.500 ha; có 126 cơ sở sản xuất nông nghiệp có giấy chứng nhận VietGAP, tăng 15 cơ sở so với cùng kỳ năm 2023.
Toàn huyện hiện có 25 sản phẩm OCOP được chứng nhận 3-4 sao, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao, 23 sản phẩm đạt 3 sao.
TIẾN HẠNH
Tăng cường cảnh báo người dân sử dụng thiết bị Drone gần khu vực lưới điện
Nguồn tin: Báo Long An
Vào lúc 17 giờ 27 phút ngày 13/10, thiết bị Drone của người dân sử dụng để xịt thuốc đã vướng vào dây dẫn khoảng trụ 146-147 của Đường dây 174 Cai Lậy-171 Tân Thạnh; làm mất điện đường dây 110kV 174 Cai Lậy – 171 Tân Thạnh và 2 trạm biến áp 110kV: Mộc Hóa và Vĩnh Hưng; gây gián đoạn cung cấp điện khoảng 76.000 khách hàng trên địa bàn các huyện: Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường.
Tăng cường cảnh báo người dân sử dụng thiết bị Drone gần khu vực lưới điện
Công ty Điện lực Long An (PC Long An) thông tin, vào lúc 17 giờ giờ 27 phút ngày 13/10, thiết bị Drone của người dân sử dụng để xịt thuốc đã vướng vào dây dẫn khoảng trụ 146-147 của Đường dây 174 Cai Lậy-171 Tân Thạnh; làm mất điện đường dây 110kV 174 Cai Lậy - 171 Tân Thạnh và 2 trạm biến áp 110kV: Mộc Hóa và Vĩnh Hưng; gây gián đoạn cung cấp điện khoảng 76.000 khách hàng trên địa bàn các huyện: Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng và thị xã Kiến Tường.
Ảnh minh họa
Ngay khi sự cố xảy ra, PC Long An đã lập tức triển khai công tác khắc phục, chuyển tải nguồn điện ngay trong đêm, đến 18 giờ 09 phút, PC Long An đã cấp điện trở lại cho đa số khách hàng bị ảnh hưởng trên địa bàn các huyện: Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng; đến 22 giờ 41 phút, cấp điện trở lại cho toàn bộ khách hàng bị ảnh hưởng bởi sự cố.
Song song đó, PC Long An cũng đã phối hợp công an địa phương lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính người điều khiển thiết bị; đồng thời, làm rõ nguyên nhân sự cố và giấy phép hoạt động bay của thiết bị Drone;…
Cũng theo PC Long An, công tác bảo đảm an toàn hành lang lưới điện cao áp luôn được đơn vị đặc biệt chú trọng. Công ty thường xuyên tổ chức làm việc, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân,… nhằm hạn chế tối đa các sự cố ảnh hưởng đến lưới điện. Hàng năm, công ty đều chủ động làm việc với các chủ cơ sở có Drone để tuyên truyền, cảnh báo các hoạt động vi phạm đến hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Theo đó, trong năm 2024, công ty đã làm việc với 148/148 khách hàng có Drone (đạt 100%) để cảnh báo về an toàn lưới điện cao áp khi sử dụng thiết bị bay.
Công ty cũng đã thực hiện tuyên truyền, cắm các biển cảnh báo Cấm Drone bay vào đường dây nhằm bảo đảm an toàn hành lang lưới điện. Cụ thể, đặt 115 biển cấm dọc đường dây 110kV với nội dung “Cấm drone bay vào đường dây”; làm việc với các chủ đất ruộng có đường dây 110kV đi qua để cảnh báo Drone khi thuê xịt thuốc, rải phân,…; xây dựng các tiểu phẩm liên quan đến an toàn điện để tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền Nghị định số14/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành luật Điện lực về An toàn điện, với tuần suất 8 lần/tuần. Đồng thời, Công ty cũng báo cáo Ban chỉ đạo Bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp tỉnh Long An chỉ đạo tuyên truyền, kiểm tra, quản lý các Drone.
Cần tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật khi sử dụng Drone
Việc sử dụng Flycam/Drone là nhu cầu thực tế và thiết thực của nhiều cá nhân, tổ chức để ứng dụng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao, nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, việc sử dụng cần tuân thủ và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật nếu không sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên lưới điện do Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) quản lý vận hành đã xảy ra 2 vụ sự cố lưới điện do sử dụng flycam/drone vi phạm khoảng cách an toàn gây phóng điện.
Hiện nay, theo quy định pháp luật của Việt Nam về quản lý tàu bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ được quy định cụ thể tại Nghị định số 36/2008/NĐ-CP, ngày 28/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 79/2011/NĐ-CP). Tại khoản 1, Điều 3, Nghị định số 36/2008/NĐ-CP về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ quy định: “Tàu bay không người lái là thiết bị bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái trên thiết bị bay đó". Theo đó, flycam/drone được xem như một thiết bị tàu bay không người lái.
Ngoài ra, khoản 12, Điều 4 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP, cũng quy định: Không được điều khiển các phương tiện bay có khoảng cách đến bộ phận gần nhất của lưới điện cao áp nhỏ hơn 100m, trừ trường hợp phương tiện bay làm nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa đường dây điện được phép theo quy định.
Để bảo đảm an toàn cho người dân và an toàn lưới điện, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam khuyến cáo các tổ chức, cá nhân tuyệt đối không thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 14, Nghị định số 36/2008/NĐ-CP, cụ thể:
1. Tổ chức các hoạt động bay khi chưa có phép bay.
2. Tổ chức hoạt động bay không đúng khu vực, điều kiện, giới hạn quy định. Vi phạm các quy định về quản lý lãnh thổ, biên giới quốc gia.
3. Mang chở các chất phóng xạ, chất cháy, chất nổ trên tàu bay hoặc phương tiện bay.
4. Phóng, bắn, thả từ trên không các loại vật, chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại.
5. Lắp các thiết bị và thực hiện việc quay phim, chụp ảnh từ trên không khi không được phép.
6. Treo cờ, biểu ngữ, thả truyền đơn phát loa tuyên truyền ngoài quy định của cấp phép bay.
7. Không chấp hành các lệnh, hiệu lệnh của cơ quan quản lý điều hành và giám sát hoạt động bay.
ĐLLA
Anh Nguyễn Văn Khôn được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai
Nhân kỷ niệm 94 năm ngày Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2024), tại Hà Nội, Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ tổ chức gặp mặt 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024. Hoạt động này nằm trong chuỗi Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam năm 2024.
Anh Nguyễn Văn Khôn giới thiệu vườn cây dược liệu xáo tam phân của mình tại xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom. Ảnh: Song Lê
Anh Nguyễn Văn Khôn, Chi Hội trưởng Chi hội Nông dân nghề nghiệp trồng cây dược liệu xáo tam phân tại xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom là nông dân duy nhất của tỉnh Đồng Nai được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 trong chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Nông dân Nguyễn Văn Khôn là người đưa cây dược liệu xáo tam phân đến Đồng Nai và phát triển thành vùng trồng dược liệu nổi tiếng. Bản thân anh đang sở hữu hơn 500 ngàn cây xáo tam phân nguyên liệu 6 năm tuổi trên diện tích 5,6 hécta. Với mong muốn góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng mô hình trồng dược liệu có giá trị kinh tế cao. Công ty CP Đầu tư dược liệu ETZ, doanh nghiệp do anh thành lập đã chuyển giao cho nông dân cây giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng đến thu hái theo chuỗi khép kín. Sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.
Với hình thức này, đến nay, anh đã phát triển được gần 20 hécta xáo tam phân tại huyện Trảng Bom và đã xuống giống được hơn 50 hécta ở các địa phương khác. DN đang tiếp tục nhân rộng hàng chục hécta trồng xáo tam phâm tại tỉnh Đắk Nông.
Từ nguyên liệu cây xáo tam phân, Công ty CP Đầu tư dược liệu ETZ do anh Nguyễn Văn Khôn thành lập đã phát triển được 5 dòng sản phẩm giới thiệu ra thị trường. Trong đó, có 2 sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe và 3 sản phẩm thông thường là trà và rượu. Thời gian tới, doanh nghiệp dự kiến sẽ phát triển thêm sản phẩm viên nang và cao để phát huy tối đa giá trị của nguồn dược liệu này, đồng thời tăng sự tiện ích cho người dùng.
Song Lê
Đắk Lắk: Giá các loại nông sản tăng cao so với cùng kỳ năm trước
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho biết, trong 9 tháng năm 2024, giá trị tổng sản phẩm (theo giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 11.300 tỷ đồng, tăng gần 4,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Sản xuất nông nghiệp 9 tháng năm 2024 phát triển ổn định, trong đó, sản lượng lương thực vụ Đông Xuân 2023–2024 đạt 381.062 tấn (121,67% kế hoạch); vụ Hè Thu 2024 đã gieo trồng được 203.256 ha (100,77% kế hoạch), hiện các địa phương đã thu hoạch gần 115.000 ha; vụ Thu Đông 2024 đã gieo trồng được trên 37.000 ha (45,97% kế hoạch).
Tổng diện tích cây lâu năm 367.729 ha (cây công nghiệp là 302.779 ha, cây ăn quả 64.950 ha). Quy mô đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh đạt trên 19 triệu con, tăng hơn 2,6 triệu con so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng thịt hơi ước đạt 190.100 tấn (76,04% kế hoạch); sản lượng trứng các loại ước đạt 279 triệu quả (75,41% kế hoạch). Diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 10.440 ha (80% kế hoạch); sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 17.680 tấn (68% kế hoạch); sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 1.445 tấn (85% kế hoạch)…
Đặc biệt, so với cùng kỳ năm 2023, các loại nông sản hầu hết đều được mùa và được giá, như: giá cà phê trung bình cao gấp ba lần; giá hồ tiêu trung bình cao gấp hai lần; giá mủ cao su cao gấp hai lần… góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, tạo ra nhiều cơ hội gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao tính bền vững của ngành hàng nông nghiệp của tỉnh.
Minh Thuận
Tổng kết mô hình ‘Nuôi heo thịt an toàn sinh học, sử dụng men cao tỏi trong thức ăn’
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) vừa tổng kết mô hình trình diễn "Nuôi heo thịt an toàn sinh học, sử dụng men cao tỏi trong thức ăn".
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cai Lậy tổng kết mô hình nuôi heo thịt an toàn sinh học.
Năm 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cai Lậy thực hiện mô hình "Nuôi heo thịt an toàn sinh học, sử dụng men cao tỏi trong thức ăn" tại hộ anh Đặng Hữu Dũng (ấp Hội Nhơn, xã Hội Xuân). Mô hình được thực hiện từ tháng 5/2024 - 9/2024 với quy mô 50 heo thịt. Mô hình sử dụng men cao tỏi trong thức ăn, giúp heo sinh trưởng tốt, tăng sức đề kháng, giảm mùi hôi từ chất thải. Theo đánh giá từ hộ tham gia, đàn heo ít nhiễm bệnh đường hô hấp và bệnh đường ruột, tăng trọng nhanh, rút ngắn thời gian nuôi so với trước đây. Sau 4 tháng, hộ nuôi lãi hơn 67 triệu đồng.
Quế Ngân
Trà Vinh: Thanh niên Trà Cú khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi mới lạ
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Trà Vinh
Trong thời gian qua, nhiều thanh niên trên địa bàn huyện Trà Cú (Trà Vinh) đã mạnh dạn khởi nghiệp với nhiều mô hình chăn nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế. Từ việc áp dụng các mô hình này, thanh niên không chỉ lập thân, lập nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày một phát triển.
Anh Phan Đình Tiến, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú với mô hình nuôi dúi
Là Bí thư Đoàn thanh niên xã Lưu Nghiệp Anh, anh Phan Đình Tiến không chỉ tích cực tham gia các phong trào xung kích, tình nguyện tại địa phương mà còn là một trong những thanh niên đi đầu trong phong trào lập thân, lập nghiệp. Qua tìm hiểu, thấy dúi là động vật dễ nuôi và có giá trị kinh tế cao, anh Tiến quyết định khởi nghiệp bằng mô hình nuôi dúi. Năm 2022, anh bắt đầu nuôi thử nghiệm 5 con. Thức ăn cho dúi chủ yếu là tre, trúc, cỏ vôi, khoai lang… Do dúi sinh trưởng, phát triển nhanh nên 1 năm anh có thể xuất bán khoảng 3 đợt, giá khoảng 800 ngàn đồng/kg. Hiện tại, anh đã nhân rộng quy mô chuồng lên 40 con, chủ yếu bán thương phẩm với đầu ra ổn định.
Chị Trần Thị Ngọc Hân, Bí thư Đoàn thanh niên huyện Trà Cú cho biết, hiện nay, Đoàn Thanh niên huyện Trà Cú đã thành lập Câu lạc bộ thanh niên sáng tạo khởi nghiệp với 37 thành viên, trong đó Ban Chủ nhiệm gồm 5 đồng chí với mục đích chia sẻ nhiều mô hình kinh doanh mới, hiệu quả. Đối với các thanh niên phát triển kinh tế nông nghiệp, huyện Đoàn đã và đang kiến nghị Đoàn cấp trên cùng các ngành, các cấp tập trung hỗ trợ liên kết đầu ra và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao thu nhập là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần xây dựng thành công nông thôn mới. Chính vì vậy, những mô hình chăn nuôi hiệu quả của đoàn viên thanh niên Trà Cú không chỉ truyền cảm hứng về khởi nghiệp đến nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh, mà còn góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Bình An
Ia H’Drai (Kon Tum): Hỗ trợ người dân phát triển mô hình chăn nuôi hươu sao
Nguồn tin: Báo Kon Tum
Thời gian qua, huyện Ia H’Drai (Kon Tum) lồng ghép nguồn lực, hỗ trợ nhiều hộ dân trên địa bàn liên kết phát triển hiệu quả mô hình nuôi hươu sao và sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nhung hươu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Huỳnh Tấn Vũ- Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ia H’Drai cho biết, ngay từ năm 2020, nhận thấy việc nuôi hươu sao trên địa bàn có nhiều tiềm năng, huyện Ia H’Drai lồng ghép các nguồn lực, nhất là từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, để triển khai Dự án liên kết sản xuất trong nuôi và chế biến các sản phẩm từ nhung hươu sao (Dự án).
Theo đó, địa phương chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân trên địa bàn tham gia nuôi hươu sao để nâng cao thu nhập. Đồng thời, hỗ trợ những hộ đủ điều kiện 1 cặp giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và khai thác nhung hiệu quả. Bên cạnh đó, vận động các hộ dân thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết, hỗ trợ trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tạo ra những sản phẩm chất lượng, có giá trị tăng cao từ nhung hươu.
Với sự hỗ trợ của huyện Ia H'Drai, các hộ dân phát triển nuôi hươu sao hiệu quả. Ảnh: H.T
Đến nay, Dự án hỗ trợ gần 25 hộ nguồn giống và khoa học kỹ thuật để phát triển hiệu quả. Từ sự vận động, tuyên truyền của chính quyền địa phương, có rất nhiều hộ khác đã đầu tư mua hươu giống, học hỏi kinh nghiệm mô hình nuôi hươu của các hộ tham gia dự án.
"Hiện nay, chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô, bán giống, phát triển thêm sản phẩm mới, hướng đến việc quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm qua bao bì, nhãn mác, đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Hợp tác xã phấn đấu một số sản phẩm đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh đầu tiên của huyện Ia H’Drai. Trong đó, đặc biệt là các sản phẩm như: Mật ông ngâm nhung hươu, Rượu sâm nhung Đồng Tiến”- anh Nguyễn Xuân Tiến, Giám đốc HTX khẳng định.
Anh Lâm chia sẻ, nguồn thức ăn của hươu dễ kiếm, đa dạng, có thể tự sản xuất hoặc tận dụng như cỏ, lá các loại cây, dược liệu, giai đoạn lấy nhung có thể bổ sung thêm một số khoáng chất, tinh bột, trái cây, không tốn kém là mấy. Mỗi năm đàn hươu của gia đình anh Lâm cho khoảng 4,5- 5kg nhung, bán với giá 17 triệu đồng/kg. Việc bán giống mang lại thu nhập khá ổn định; mỗi năm 1 con cái sinh ra 1 hươu con, tùy độ tuổi sẽ có giá bán khác nhau, dưới 1 năm tuổi có giá từ 25-30 triệu đồng/cặp hươu, 12- 18 tháng tuổi có giá 30-38 triệu đồng/cặp, 19-24 tháng có giá 40- 46 triệu đồng/cặp.
Xã Ia Đal cũng là một trong những địa phương của huyện Ia H’Drai tích cực tuyên truyền vận động người dân phát triển mô hình nuôi hươu sao, liên kết sản xuất các sản phẩm từ nhung hươu. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ dân, thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Ông Huỳnh Tấn Vũ cho biết: Thời gian tới, Phòng NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ, định hướng việc phát triển chăn nuôi hươu sao, chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu để tạo ra các sản phẩm chất lượng. Đồng thời, liên kết với các địa phương, doanh nghiệp để quảng bá, đưa các sản phẩm nhung hươu ra thị trường rộng rãi hơn. Qua đó, phát triển chăn nuôi hươu sao gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch trải nghiệm, xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Hoàng Thanh
Vĩnh Long: Giám sát chặt chẽ ổ dịch tả heo châu Phi
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản Vĩnh Long (thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT) đang thực hiện giám sát chặt chẽ nhằm tránh lây lan dịch bệnh tại ổ dịch tả heo châu Phi xảy ra vào ngày 8/10 tại 1 hộ chăn nuôi ở xã An Phước (huyện Mang Thít) có 24 con heo con (trọng lượng 278kg) bị bệnh và được tiêu hủy hoàn toàn.
Như vậy, bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh sau một thời gian dài vắng bóng kể từ cuối tháng 1/2024 tại địa bàn 3 xã Thuận Thới, Vĩnh Xuân, Trà Côn (huyện Trà Ôn) với số heo bị bệnh, bị tiêu hủy là 52 con (tổng trọng lượng 4.885kg).
Tính từ đầu năm đến nay đã xảy ra 4 ổ dịch tại 4 xã thuộc huyện Trà Ôn, Mang Thít với số heo bệnh đã tiêu hủy 76 con (16 con nái, 18 con thịt, 42 heo con) với tổng trọng lượng 5.163kg.
Bên cạnh, Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản đã triển khai tiêm phòng được 30.226 liều vaccine ngừa lở mồm long móng trên heo, 20.066 liều vaccine ngừa tai xanh trên heo, 11.535 liều vaccine ngừa dịch tả heo châu Phi, 54.395 liều vaccine ngừa lở mồm long móng trên trâu, bò (đạt 83,5% kế hoạch), 53.740 liều vaccine ngừa viêm da nổi cục trên bò (đạt 89,3% kế hoạch), tiêm phòng vaccine ngừa cúm gia cầm trên 7,5 triệu con (đạt 159% kế hoạch năm, trong đó các cơ sở chăn nuôi tự tiêm 3,2 triệu con gia cầm).
MINH HÒA
Hiếu Giang tổng hợp