Sử dụng phân hữu cơ để phục hồi đất sản xuất nông nghiệp
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Phân bón đóng vai trò hết sức quan trọng đến sự phát triển, tăng trưởng cây trồng. Tuy nhiên, sử dụng phân vô cơ không đúng cách, tràn lan trong thời gian dài đã khiến đất nông nghiệp càng bị bạc màu, thoái hóa nghiêm trọng. Vì vậy, việc thay đổi tập quán từ phân vô cơ bằng phân bón hữu cơ đang là giải pháp được khuyến khích sử dụng để phục hồi đất sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Rơm rạ sau thu hoạch có thể dùng phủ ẩm gốc cây, liếp rẫy hay làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Phân vô cơ (còn gọi là phân hóa học) là loại phân bón tồn tại dưới dạng muối khoáng. Trong phân có chứa các nguyên tố dinh dưỡng khoáng cần thiết nhằm cung cấp dinh dưỡng tạo điều kiện cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Phân vô cơ gồm các loại chính như: đạm, lân, kali, phân phức hợp, phân hỗn hợp và phân vi lượng. Nguồn phân vô cơ được nông dân sử dụng phổ biến nhất, số lượng nhiều nhất và thường xuyên nhất trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, đáng kể nhất là phân đạm. Ngoài mặt tích cực như thúc đẩy và tăng năng suất cây trồng, nhưng không có tác dụng lâu dài.
Theo các chuyên gia, sử dụng phân vô cơ không đúng cách, không đúng liều lượng, không đúng thời điểm, không đúng loại và quá lạm dụng sẽ gây những ảnh hưởng xấu đến đất đai, cây trồng, môi trường và con người. Do phân bón hóa học đa số có nguồn gốc từ acid, nên làm chua đất, giảm độ pH, đất đai bị nhiễm độc, tích lũy các kim loại nặng, phá vỡ cấu trúc đất; gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, gia tăng sự mẫn cảm của cây trồng với các loại bệnh hơn qua việc tiêu diệt các vi sinh vật hữu ích trong đất; và còn gây tổn thương cho bộ rễ ảnh hưởng tới sự hấp thu chất dinh dưỡng và tạo điều kiện bệnh hại xâm nhập… Hơn nữa, sử dụng phân vô cơ không đúng cách và đúng liều, dẫn đến việc tồn dư các chất độc hại trong nông sản, dẫn tới việc ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Phân đạm có chứa nhiều nitrít NO2, nitrát NO3 sử dụng nhiều gây phú dưỡng nguồn nước, gây ung thư trên người…
Phân hữu cơ được hình thành từ phân, chất thải gia súc, gia cầm, thân, lá cây, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp, than bùn hoặc các chất hữu cơ từ chất thải sinh hoạt, nhà bếp, từ các nhà máy sản xuất thủy, hải sản,… Đây là nguồn phân phong phú, giúp cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu, tơi xốp cho đất bằng việc cung cấp, bổ sung các chất mùn, chất hữu cơ, các loại vi sinh vật cho đất đai và cây trồng. Việc sử dụng phân vô cơ một cách tràn lan trong thời gian dài đã khiến đất sản xuất nông nghiệp càng bị bạc màu, thoái hóa nghiêm trọng. Vì vậy, việc thay đổi tập quán trong sản xuất nông nghiệp, thay đổi sử dụng phân vô cơ bằng phân bón hữu cơ đang là giải pháp tối ưu nhất để phục hồi đất sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) hồi tháng 9-2023, tại các tỉnh ĐBSCL, lượng phân bón vô cơ sử dụng còn cao, trung bình 686 kg/ha đất gieo trồng, cao hơn 34,7% so với trung bình cả nước. Trong khi đó, lượng phân bón hữu cơ sử dụng còn khiêm tốn, trung bình toàn vùng năm 2022 là 220 kg/ha gieo trồng, chỉ bằng 13,3% lượng phân bón hữu cơ sử dụng trung bình cả nước. Hầu hết các tỉnh trong vùng đều sử dụng phân bón hữu cơ không đáng kể, chỉ có Bến Tre và Vĩnh Long có lượng phân bón hữu cơ sử dụng cao hơn so với trung bình cả nước từ 58-65%.
Nhằm khuyến khích, hỗ trợ và đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác góp phần đưa sản xuất nông nghiệp phát triển và bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng bền vững, Nhà nước đã ban hành các cơ sở pháp lý để phát triển phân bón hữu cơ quy định trong Luật Trồng trọt. Ngày 7-1-2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành chỉ thị về tăng cường phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ và Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả giai đoạn 2022-2025. Cục BVTV đã lựa chọn ký kết, đồng hành phát triển phân bón hữu cơ với 23 doanh nghiệp, để tập huấn nông dân, sản xuất tại chỗ quy mô nông hộ, xây dựng mô hình mẫu trên cây trồng chủ lực như lúa, cây ăn trái, cây công nghiệp.
Đến nay, có một số mô hình do doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón phối hợp với địa phương triển khai trên lúa tại các tỉnh ĐBSCL, như Công ty CP Phân bón dầu khí Cà Mau (đạm Cà Mau) triển khai 59 mô hình trên lúa tại Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang với diện tích gần 240ha đã đạt một số kết quả như giảm lượng phân bón 15%, năng suất tăng 5%, lợi nhuận tăng 19% so với sản xuất đại trà.
Tổng Công ty phân bón và hóa chất dầu khí (đạm Phú Mỹ) triển khai mô hình sử dụng phân bón tiết kiệm kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ trên lúa vụ hè thu tại huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) đã giảm lượng phân bón hóa học 61%, năng suất tăng 10,8%, hiệu quả kinh tế tăng 9,5%... so với sử dụng đơn thuần phân vô cơ.
Cục BVTV đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả; đẩy mạnh sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, đặc biệt là khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước (phụ phẩm trồng trọt, chế biến nông sản, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt,...) vừa cải tạo đất, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng, từ đó giảm sự lệ thuộc phân bón hóa học.
Bài, ảnh: HẠNH LÊ
Dưa lưới thuỷ canh – Hướng đến nông nghiệp xanh
Nguồn tin: Báo Tây Ninh
Hiện nay, dưa lưới được trồng khá phổ biến, tuy nhiên, việc trồng bằng phương pháp thuỷ canh trên địa bàn tỉnh Tây Ninh còn rất hiếm. Hoàng Xuân Farm (thị xã Trảng Bàng) là đơn vị tiên phong áp dụng trồng dưa lưới thuỷ canh và đã thành công với mô hình này.
Bà Văn Thị Cẩm Lệ- Giám đốc Hoàng Xuân Farm chia sẻ: “Qua trao đổi, tham quan một số đơn vị trồng dưa lưới thuỷ canh ở các nước, tôi nhận thấy mô hình có triển vọng để phát triển tại Tây Ninh. Đây cũng là một mô hình hay, hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, bền vững”.
Từ năm 2022, Hoàng Xuân Farm bắt tay vào sản xuất dưa lưới thuỷ canh, hướng đến thay thế cho giá thể xơ dừa. Đơn vị áp dụng phương pháp trồng thuỷ canh trên 4 giống cơ bản gồm: dưa Hà Lan vỏ vàng ruột xanh, dưa bạch kim vỏ trắng ruột trắng, dưa Thái vỏ xanh ruột cam, dưa lưới dài vỏ vàng ruột cam. Cả 4 giống này đều đạt năng suất tốt, không thua kém so với trồng xơ dừa.
Giá thể lấy ra sau mỗi vụ sản xuất cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường mà Farm không xử lý hết được, do số lượng rất nhiều. Do đó, ưu điểm của thuỷ canh dưa lưới là giảm thiểu được giá thể xơ dừa.
Ngoài ra, tất cả phân, thuốc bón cho dưa lưới đều được kiểm soát hàm lượng, vì thế khi kiểm định, hàm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... của trái dưa đều đạt. Chính điều này mà chất lượng trái dưa lưới được bảo đảm, an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Ban đầu, đơn vị trồng thí điểm trên diện tích nhỏ với khoảng 300 gốc. Qua đó, đơn vị nhận thấy một số giống trồng đạt, một số lại cho năng suất không tốt và phải thử nghiệm rất nhiều lần, đến khi cho ra hiệu quả tốt, giảm được chi phí sản xuất, trái to, độ brix cao... đơn vị mới mạnh dạn đầu tư mở rộng. Qua thời gian đầu thử nghiệm gặp không ít thất bại, đến nay, thành quả mang lại đã ra “trái ngọt”. Hoàng Xuân Farm xây dựng được quy trình kỹ thuật chuẩn và đầu tư sản xuất gần 2 ha dưa lưới thuỷ canh.
Bà Lệ chia sẻ: “Thời gian đầu triển khai trồng thuỷ canh trên diện rộng, Farm gặp nhiều khó khăn ở khâu quản lý vì các kỹ sư nông nghiệp ở Farm chưa quen nên vừa phải mày mò học hỏi, vừa rút kinh nghiệm. Ngoài ra, trong nhà kính nhiệt độ rất nóng, sau một thời gian dài nghiên cứu, mình thấy phải thay đổi lại cách tưới, dinh dưỡng để phù hợp với cây dưa lưới”.
Tại Hoàng Xuân Farm, quy trình trồng dưa lưới thuỷ canh trong nhà màng là cây dưa lưới được trồng trong các ống, rễ cây lơ lửng trong khoang chứa dung dịch dinh dưỡng. Dung dịch dinh dưỡng thuỷ canh phải có đầy đủ các nguyên tố cần thiết. Ngoài ra, đơn vị còn tích hợp thêm công nghệ chuyển đổi dữ liệu, để điều khiển sự sinh trưởng phát triển của cây qua điện thoại thông minh có kết nối internet.
Cây dưa được trồng trong máng thuỷ canh, rễ cây lơ lửng trong khoang chứa dung dịch dinh dưỡng.
“Khi đầu tư trồng thuỷ canh, thời gian hoàn vốn là sau 2 năm. Trong thời gian này, đơn vị nghiên cứu về quy trình, kỹ thuật, làm cho trái dưa lưới mang lại giá trị cao hơn mà tiết giảm được nhiều chi phí trong sản xuất”, bà Lệ nói.
Có thể thấy rằng, mô hình trồng dưa lưới theo phương pháp thuỷ canh mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đây cũng là cơ hội giúp cho nông dân học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Nhi Trần – Trúc Ly
Vải thiều và điệp khúc ‘mất mùa - được giá’
Nguồn tin: Báo Thái Nguyên
Hiện, giá quả vải thiều trên thị trường dao động từ 40-80 nghìn đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, người trồng vải trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên lại không thể vui mừng vì loại cây trồng này bị mất mùa, sản lượng rất thấp.
Vụ vải năm 2023, trừ hết chi phi, trung bình mỗi cây vải, ông Nguyễn Văn Huấn (xóm Bãi Bông, xã Hợp Tiến, Đồng Hỷ) thu được hơn 1 triệu đồng, nhưng vụ vải năm nay thì mất trắng.
Theo thường lệ, vào thời điểm này mọi năm, quả vải thiều được bày bán ở khắp nơi, từ siêu thị cho đến các chợ truyền thống, sạp hoa quả. Tuy nhiên, năm nay, mặc dù đang là chính vụ nhưng quả vải lại vắng bóng trên thị trường. Dạo quanh một số chợ truyền thống trên địa bàn TP. Thái Nguyên và các huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, chúng tôi thấy rất ít người bày bán vải thiều. Giá bán hiện dao động từ 40-80 nghìn đồng/kg tùy từng loại.
Bà Nguyễn Thị Thảo, tiểu thương bán trái cây ở chợ Túc Duyên (TP. Thái Nguyên), cho biết: Thời điểm này năm ngoái, mỗi kg quả vải tôi bán với giá 20-25 nghìn đồng và mỗi ngày bán được từ 50-70kg. Nhưng năm nay, do giá vải tăng gần gấp 3 lần nên rất ít người mua, Mỗi ngày tôi chỉ bán được khoảng 5-10kg.
Còn anh Nguyễn Đức Việt, một lái buôn trái cây có tiếng ở xã Phúc Thuận (TP. Phổ Yên), nói: Tôi làm nghề buôn bán hoa quả từ lâu, nhưng chưa khi nào thấy giá thu mua quả vải cao như năm nay. Những năm trước, tôi thường tới các vùng chuyên canh vải của Hải Dương và Bắc Giang để lấy từ 1-2 tấn về giao cho tiểu thương tại các chợ trên địa bàn tỉnh, nhưng năm nay, từ đầu vụ đến giờ, tôi chưa được chuyến hàng nào, bởi giá vải cao nên tiểu thương không thấy đặt hàng.
Mặc dù giá quả vải cao "ngất ngưởng", nhưng người trồng vải trên địa bàn tỉnh lại buồn khi có một vụ mất mùa chưa từng có. Trồng vải hơn 20 năm nhưng chưa khi nào ông Nguyễn Văn Huấn (xóm Bãi Bông, xã Hợp Tiến, Đồng Hỷ) lại chứng kiến vụ vải mất mùa nặng như năm nay. Gần 20 cây vải của gia đình không cây nào có quả. Ông Huấn cho biết: Ngay từ những tháng đầu năm Âm lịch, thay vì vải ra hoa thì lại ra mầm lá. Dù tôi đã dùng một số biện pháp kích thích để vải ra hoa, nhưng không hiệu quả.
Không riêng gì gia đình ông Huấn, mất mùa vải thiều là tình trạng chung của nhiều hộ trên địa bàn tỉnh. Nếu thời điểm này năm ngoái, gia đình anh Tô Văn Học (xóm Đồng Chốc, xã Nam Hòa, Đồng Hỷ) phải huy động hết nhân lực trong gia đình để thu hoạch 50 cây vải thì năm nay gần như mất trắng. Anh Học cho hay: Các cụ thường nói “một năm ăn quả, một năm trả cành”, nhưng thường năm mất mùa cũng thu được khoảng 10-20kg quả/cây. Riêng năm nay thì gần như mất trắng, số lượng quả trong vườn chỉ đủ để phục vụ gia đình.
Theo ngành chức năng cũng như kinh nghiệm trồng vải lâu năm của người dân thì nguyên nhân mất mùa là do ảnh hưởng của thời tiết. Thời điểm từ tháng 1 đến tháng 2 Âm lịch do chỉ xuất hiện các đợt không khí lạnh ngắn, lại kèm theo mưa kéo dài, độ ẩm cao kích thích cây ra lộc lá.
Được biết, những năm 2010-2011, diện tích vải trên địa bàn Thái Nguyên đạt khoảng gần 5.000ha. Nhưng do giá cả bấp bênh, đầu ra cho quả vải không ổn định nên diện tích dần bị thu hẹp lại. Hiện nay, cây vải thiều đã giảm diện tích nhiều và chỉ còn rải rác ở các địa phương.
Vũ Công
Lâm Đồng: Người trồng sầu riêng ở Lâm Hà bị thiệt hại nặng do mưa lớn
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Cơn mưa lớn kèm gió mạnh làm nhiều diện tích cây ăn trái của người dân tại xã Đan Phượng (huyện Lâm Hà, Lâm Đồng), bị thiệt hại nặng vì bơ, sầu riêng bị rụng trái, gãy đổ…
Ngày 15/6, lãnh đạo UBND xã Đan Phượng (huyện Lâm Hà), cho biết chính quyền và các đoàn thể trong xã đang tiến hành hỗ trợ người dân sửa lại mái nhà bị hư hỏng do trận mưa lớn chiều ngày 14/6. Đồng thời, địa phương cũng tiến hành rà soát thiệt hại của người dân để báo cáo UBND huyện có phương án hỗ trợ người dân.
Nhiều diện tích sầu riêng bị mưa, gió làm rụng trái
Trận mưa, đã làm nhiều diện tích sầu riêng, bơ của người dân bị gãy đổ, rụng trái. Nhiều mái nhà của người dân cũng bị tốc mái, trong đó có một mái che trong một trường học bị đổ sập. Có hộ dân bị thiệt hại ước tính ban đầu trên 200 triệu đồng vì sầu riêng gãy đổ, rụng trái.
Cũng theo người dân, trận mưa chiều 14/5, rất khác thường và cũng là trận mưa kèm gió lớn nhất trong hơn 10 năm qua tại địa phương.
THỤY TRANG – NGUYỄN NGHĨA
Kon Tum: Phát triển thương hiệu ‘Cà phê Đăk Hà’ vươn tầm quốc tế
Nguồn tin: Báo Kon Tum
Với mong muốn xây dựng và đưa thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” vươn xa, huyện Đăk Hà đã triển khai nhiều giải pháp không chỉ mở rộng vùng nguyên liệu mà còn đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.
Để phát triển được thương hiệu cà phê đảm bảo các tiêu chí xuất khẩu sang thị trường các nước, huyện Đăk Hà đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng các loại giống mới có chất lượng, năng suất cao do Viện EKMAT tạo giống tuyển chọn có đặc tính ưu việt tạo ra vườn cà phê phát triển đồng đều đối với những vườn cà phê năng suất thấp, thay đổi nhận thức của người dân về phương pháp canh tác, chăm sóc, thu hoạch về chế (thô) cà phê tại hộ gia đình. Theo đó, bên cạnh việc chỉ đạo và vận động nhân dân trồng mới, tái canh cà phê phải theo hướng sản xuất hữu cơ, sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, UTZ, thì trong quá trình sản xuất, chăm sóc phải sử dụng phân bón hữu cơ, phân sinh học, hạn chế dần phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Nhờ vậy, nên đến nay trong tổng diện tích hơn 12.000 ha cà phê của huyện Đăk Hà thì hầu hết đều đã sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ vi sinh các loại nhằm tạo môi trường, tăng độ phì nhiêu cho đất, phát triển cà phê đảm bảo chất lượng và mang tính bền vững.
Sản xuất cà phê ở Đăk Hà. Ảnh: H.N
Hàng năm, vào niên vụ cà phê, UBND huyện đều xây dựng kế hoạch thu hái, sơ chế, chế biến cà phê, điều tiết lao động và tiến hành thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để hạn chế việc thu hái cà phê quả xanh, đảm bảo quan điểm “chín đến đâu hái đến đó” nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu cà phê Đăk Hà. Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đi cùng là kiểm tra, giám sát nên những năm qua người dân trên địa bàn thu hái cà phê đạt tỷ lệ quả chín trên 95%.
Bên cạnh đó, huyện còn vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ gia đình mạnh dạn đầu tư thiết bị, xây dựng lò sấy cà phê (tận dụng nguyên liệu phế phẩm trong nông nghiệp, vỏ cà phê để sấy), khuyến khích ứng dụng các mô hình nhà kính trong nông nghiệp để phơi, sấy cà phê tươi, đầu tư nhà xưởng chế biến sản phẩm cà phê thành phẩm, chế biến sâu.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết- Giám đốc Công ty TNHH MTV cà phê Nguyên Huy Hùng, để xuất khẩu được cà phê sang các nước, Công ty đã luôn chú trọng việc đáp ứng các tiêu chí hết sức khắt khe, chất lượng sản phẩm phải đảm bảo. Toàn bộ quá trình sản xuất, chăm sóc cây trồng đều theo hướng hữu cơ, thu hái quả chín 100% và quá trình chế biến được áp dụng theo công nghệ tiên tiến nên sản phẩm làm ra được thị trường các nước đánh giá cao. Vì thế, sản phẩm của Công ty được xuất khẩu sang các nước châu Âu và Singapore, Trung Quốc.
Hiện nay, toàn huyện đã có 12 cơ sở chế biến cà phê thành phẩm với nhiều sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài nước lựa chọn. Đặc biệt, có 1 sản phẩm cà phê đạt sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia (Cà phê rang xay DAKMARK của Công ty TNHH MTV cà phê Nguyên Huy Hùng). Với nhiều nỗ lực, thương hiệu “Cà phê Đăk Hà” dần tạo được chỗ đứng. Sau dịch bệnh Covid-19 với nhiều khó khăn nhưng chỉ tính riêng trong năm 2021-2022, các cơ sở ở huyện Đăk Hà đã xuất khẩu được 500 tấn cà phê nhân đi các nước châu Âu và tiêu thụ thị trường trong nước khoảng 335 tấn các sản phẩm từ cà phê bột.
Ông Nguyễn Hòa Chính – Giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Đăk Hà cho biết: Công ty đã xây dựng được các sản phẩm chế biến sâu như cà phê sâm hòa tan “3 trong 1”, “4 trong 1” và đã có 2 đơn vị là Công ty Việt Mỹ và Công ty Việt Anh liên hệ đặt hàng mỗi tháng từ 3 contenner.
Dù vẫn còn những khó khăn như việc đầu tư công nghệ chế biến cà phê sau thu hoạch của một số doanh nghiệp còn hạn chế, một số hộ gia đình còn phơi sấy cà phê trên nền đất, còn ít đơn vị đăng ký tham gia cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý... nhưng những kết quả đã đạt được có ý nghĩa hết sức quan trọng. Với việc sản phẩm cà phê nhân, cà phê bột thương hiệu Đăk Hà ngày càng phát triển, chất lượng ngày càng nâng cao, số hộ tham gia sản xuất cà phê bền vững, cà phê đạt tiêu chuẩn 4C ngày càng nhiều, từng bước đảm bảo chất lượng đạt chuẩn quốc tế, tham gia thị trường xuất khẩu trực tiếp qua nhiều kênh với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã đưa cà phê Đăk Hà vươn xa, góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.
Hà Nam
Bến Tre: Xây dựng thành công 9 chỉ dẫn địa lý cho nông sản chủ lực
Nguồn tin: Báo Đồng Khởi
Bến Tre là một cù lao lớn ở cửa sông Mekong. Tỉnh được hình thành do quá trình bồi tụ phù sa của 4 nhánh sông như: sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên. Địa lý Bến Tre với những đặc thù riêng, được thiên nhiên ban tặng những lợi thế, góp phần hình thành nên những đặc sản có danh tiếng. Đến nay, toàn tỉnh có 9 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Bến Tre” là: dừa xiêm xanh, bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng, xoài tứ quý, gạo Nàng keo, cua biển, tôm càng xanh và nghêu. Bến Tre trở thành địa phương dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và thuộc tốp đầu cả nước về số lượng CDĐL được xây dựng thành công.
Khai thác nghêu tại Hợp tác xã Thủy sản An Thủy, huyện Ba Tri.
Xây dựng thương hiệu cho nông sản chủ lực
Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm, hỗ trợ tạo lập, xây dựng và phát triển “thương hiệu” cho nông sản thông qua các công cụ sở hữu trí tuệ là CDĐL. Năm 2018, tỉnh có 2 sản phẩm đầu tiên được cấp chứng nhận CDĐL là dừa xiêm xanh và bưởi da xanh. Các sản phẩm được mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sang nhiều nước, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Đây cũng là 2 sản phẩm được tỉnh đặc biệt quan tâm mời gọi doanh nghiệp (DN) đăng ký xây dựng mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ, Trung Quốc…
Sau thành công của 2 sản phẩm trên, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) đã tiếp tục phối hợp với các đơn vị tư vấn và địa phương tạo lập, quản lý và phát triển CDĐL cho các loại nông sản chủ lực của tỉnh. Sầu riêng là sản phẩm thứ 3 của tỉnh được cấp CDĐL “Bến Tre”, vào năm 2020. Một trong những sản vật tiêu biểu nhất của Chợ Lách là sầu riêng (nổi tiếng sầu riêng Cái Mơn). Mặc dù diện tích trồng không lớn, khoảng hơn 2.200ha, nhưng sầu riêng Bến Tre nổi tiếng thơm ngon, được nhiều người trong và ngoài nước ưa chuộng. Sản phẩm sầu riêng mang CDĐL gồm: Monthong và Ri6. Hai giống này đóng vai trò chủ đạo, chiếm khoảng 90% về diện tích, sản lượng sầu riêng toàn tỉnh.
So với sầu riêng các vùng khác, danh tiếng chất lượng của quả sầu riêng Bến Tre luôn được đánh giá cao tại các cuộc thi về trái cây do Viện Cây ăn quả miền Nam và huyện Chợ Lách tổ chức. Để tạo vùng nguyên liệu sầu riêng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, Bến Tre đã xây dựng vùng sản xuất sầu riêng, với tổng diện tích liên kết gần 209ha, có 10 mã số vùng trồng với diện tích 264ha.
Sau trái sầu riêng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan khẩn trương xây dựng, tạo lập và đăng ký CDĐL “Bến Tre” cho tôm càng xanh và cua biển. Cua biển được cấp CDĐL vào năm 2021. So với các loại hình kinh tế khác, hơn 10 năm nay, con cua được xem là hiệu quả do đặc tính dễ nuôi, thích nghi thổ nhưỡng, khí hậu. Đồng thời, cua có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu ổn định, bền vững. Những năm gần đây, diện tích nuôi cua biển toàn tỉnh khoảng 18,3 ngàn héc-ta, sản lượng ước đạt trên 1,5 ngàn tấn/năm. Nổi bật là huyện Thạnh Phú chiếm 77% về diện tích nuôi cua toàn tỉnh, với 14 ngàn héc-ta. Giống cua biển gồm cua bùn và cua xanh. Toàn bộ diện tích “Cua biển Bến Tre” được nuôi theo phương thức quảng canh. Tại huyện Thạnh Phú, cua biển có thể được nuôi xen với tôm hoặc cá trong ruộng lúa, rừng ngập mặn, hoặc trong các ao/đầm, không có hộ sản xuất nào nuôi chuyên canh cua biển. Trong đó, nuôi cua biển trong vuông tôm là cách làm truyền thống đã có từ nhiều năm qua và cho thêm thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/ha/năm.
Tôm càng xanh Bến Tre được chứng nhận CDĐL “Bến Tre” vào tháng 4-2021, trở thành 1 trong 5 sản phẩm đầu tiên của tỉnh được cấp CDĐL của tỉnh được bảo hộ. Hình ảnh, danh tiếng tôm càng xanh không những lan rộng trong cộng đồng khu vực tỉnh hay ĐBSCL mà còn được các tổ chức quốc tế biết đến và đánh giá cao về chất lượng.
Theo một cuộc khảo sát của FAO được tiến hành năm 2009, tôm càng xanh Bến Tre là một trong những đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao ở Việt Nam. Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển CDĐL “Bến Tre” dùng cho sản phẩm tôm càng xanh” là một trong các nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng tâm, nhằm triển khai kế hoạch hành động phát triển ngành tôm tỉnh đến năm 2025. CDĐL tôm càng xanh Bến Tre sẽ tạo đà hỗ trợ cộng đồng sản xuất tôm càng xanh vượt qua tình hình khó khăn hiện nay do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Từ đó, tiến tới phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn nữa ngành sản xuất tôm càng xanh của tỉnh.
Xoài tứ quý được cấp CDĐL Bến Tre vào năm 2022. Để quản lý và khai thác hiệu quả CDĐL, Bến Tre đã xây dựng các mối liên kết giữa hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp; xây dựng mã số vùng trồng xoài xuất khẩu; hỗ trợ tư vấn chứng nhận VietGAP cho nông dân tại 2 xã Thạnh Phong, Thạnh Hải (Thạnh Phú). Đến nay, đã xây dựng thành công quy trình chế biến và bảo quản 3 sản phẩm từ xoài tứ quý là xoài sấy dẻo, nước uống xoài và bột xoài. Đồng thời, chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất và ứng dụng hiệu quả mô hình thiết bị chế biến và bảo quản, phát triển các sản phẩm từ xoài tứ quý cho Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú.
Chôm chôm Java là loại nông sản đặc trưng thứ 7 của Bến Tre được cấp CDĐL Bến Tre, năm 2023. Cây chôm chôm được trồng tại Bến Tre từ lâu. Từ năm 1987, tỉnh phát triển mạnh diện tích trồng cây chôm chôm, với giống chủ lực là giống Java. Khu vực địa lý tương ứng với CDĐL chôm chôm Bến Tre, gồm: huyện Chợ Lách và huyện Châu Thành thuộc tỉnh Bến Tre. Chôm chôm Bến Tre mỏng thịt hơn so với chôm chôm trồng trên các loại đất khác, vị ngọt đậm và mặn nhẹ.
Cấp chỉ dẫn địa lý thêm 2 sản phẩm
Hai sản phẩm vừa mới được cấp CDĐL trong năm 2024 là “Gạo Nàng keo Thạnh Phú” và con nghêu. Gạo Nàng keo Thạnh Phú trong mô hình tôm - lúa được chứng nhận CDĐL “Gạo Thạnh Phú” vào tháng 2-2024.
Diện tích trồng lúa của huyện Thạnh Phú theo mô hình tôm - lúa, hiện có hơn 5 ngàn héc-ta tập trung ở các xã: Bình Thạnh, An Thuận, An Qui, An Nhơn, An Điền, An Thạnh, Mỹ An, Giao Thạnh và Thạnh Phong. Giống lúa Nàng keo là giống lúa mùa cổ truyền được người dân trồng và gìn giữ từ hàng trăm năm. Do có tính chịu mặn cao, lúa Nàng keo rất thích hợp với mô hình lúa tôm ở các vùng đất ven biển nơi đất bị ngập nước khi thủy triều lên hoặc bị xâm ngập mặn và mô hình canh tác lúa tôm đang trở thành phương thức canh tác thông minh để thích ứng với biến đổi khí hậu. Người trồng lúa Nàng keo không sử dụng phân bón hóa học, chủ yếu dùng phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng, chế phẩm sinh học và các loại phân ủ từ các sản phẩm tự nhiên (tép ủ...).
Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp CDĐL cho sản phẩm nghêu “Bến Tre”. Có 3 sản phẩm từ con nghêu được Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre đăng ký bảo hộ DCĐL, gồm: nghêu tươi (nghêu sống), nghêu nguyên con hấp chín đông lạnh, thịt nghêu hấp chín đông lạnh. Không chỉ ở trong nước, “Nghêu Bến Tre” còn là sản phẩm thủy sản đầu tiên ở Đông Nam Á đạt chứng nhận MSC. Chứng nhận MSC đã giúp nghêu Bến Tre mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Nhật Bản... Hiện nay, nhiều DN của Việt Nam đã và đang mong muốn sử dụng chứng chỉ MSC của “Nghêu Bến Tre” để xuất khẩu nghêu sang thị trường cao cấp.
Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Văn Tân, bên cạnh 9 sản phẩm đã được chứng nhận, Bến Tre tiếp tục triển khai đăng ký xác lập quyền bảo hộ CDĐL cho các sản phẩm dừa công nghiệp, tôm thẻ, bò và gà; bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận mang CDĐL “Bến Tre” cho sản phẩm bưởi da xanh, dừa xiêm xanh, sầu riêng tại Canada và Trung Quốc. Như vậy, đến nay, Bến Tre đã và đang xây dựng 13 CDĐL, là tỉnh dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và thuộc top đầu cả nước. Điều này đã tạo nên điểm khởi đầu mới cho vùng đất cù lao trên cuộc hành trình dài sắp tới, với kỳ vọng tạo đột phá mới cho kinh tế nông nghiệp.
Bài, ảnh: Cẩm Trúc
Vĩnh Long: Cấp mới 22 mã số vùng trồng
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, 5 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có 22 mã số vùng trồng (MSVT) được cấp mới với diện tích cây trồng là 543,87ha, gồm: 14 MSVT xuất khẩu (diện tích 461,8ha) và 8 MSVT nội địa (diện tích 82,07ha).
Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 217 MSVT còn hiệu lực (gồm 35 MSVT xuất khẩu và 65 MSVT nội địa) với diện tích 3.816,21ha của 4.078 hộ (tăng 46,08% hay tăng 100 MSVT so với cùng kỳ năm ngoái), trên các cây trồng chủ yếu là sầu riêng, bưởi, nhãn, chôm chôm…
Để đẩy nhanh tiến độ cấp MSVT cũng như duy trì các MSVT đã được cấp, phòng ngừa gian lận, hạn chế các MSVT bị thu hồi, phát triển MSVT mới phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, Chi cục Trồng trọt-BVTV còn phối hợp với các địa phương tổ chức 32 cuộc tuyên truyền, vận động hướng dẫn các chủ thể (nông dân, tổ hợp tác, HTX) xây dựng hồ sơ thủ tục MSVT với 808 lượt người tham dự. Đồng thời tiến hành kiểm tra giám sát tại 30/131 vùng trồng xuất khẩu và 37/86 vùng trồng nội địa đã cấp.
Theo đánh giá, công tác xây dựng MSVT đã đi vào nề nếp, các địa phương đã chủ động trong thiết lập hồ sơ, quản lý các vùng trồng cơ bản ổn định, số liệu cụ thể rõ ràng; các chủ thể vùng trồng đã am hiểu về MSVT, thực hiện hồ sơ lưu vùng trồng đảm bảo theo quy định.
MỸ TRUNG
Khẳng định chất lượng bò thịt Bình Ðịnh
Nguồn tin: Báo Bình Định
Chất lượng bò thịt trong tỉnh Bình Định ngày càng nâng cao, giúp người chăn nuôi cải thiện thu nhập, đó là hiệu quả đạt được sau 4 năm ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2020/NQ-HÐND ngày 6.12.2020 của HÐND tỉnh, ban hành quy định kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025.
Từ chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển…
Sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 24, ngày 18.12.2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 86/2020/QĐ-UBND về quy định nguồn kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Trung tâm Giống nông nghiệp được Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ thực hiện Quyết định này.
Đàn bò giống BBB của ông Trần Văn Tuất, ở xã Nhơn Tân (TX An Nhơn). Ảnh: TRỌNG LỢI
Ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp, cho biết: Trên cơ sở nội dung quy định tại Nghị quyết số 24 và Quyết định số 86, trung tâm cung ứng đủ 100% số lượng vật tư thụ tinh nhân tạo bò. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 334 nghìn con bò thịt được phối giống, trong đó chủ yếu là bò thịt chất lượng cao nhóm BBB, Red Angus, Zebu và Drought Master. Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức lớp kỹ thuật viên thụ tinh nhân tạo bò các huyện, thị xã của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 158 cán bộ kỹ thuật thạo nghề, nhiều kinh nghiệm và tâm huyết; duy trì tốt công tác lai tạo giống đã có nền tảng cơ bản từ nhiều năm nay.
Bò là một trong 3 vật nuôi chủ lực của tỉnh. Bên cạnh việc phát triển đàn bò chất lượng cao, thời gian qua, ngành nông nghiệp còn đẩy mạnh các biện pháp để quảng bá, xây dựng thương hiệu bò chất lượng cao Bình Định, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững nghề chăn nuôi bò thịt của tỉnh. Năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bò thịt chất lượng cao Bình Định. Chi Cục Chăn nuôi và Thú y đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bò thịt chất lượng cao cho gần 150 hộ chăn nuôi trong tỉnh.
“Đây là tiền đề quan trọng để các sản phẩm mang nhãn hiệu bò thịt chất lượng cao Bình Định được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh”, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) khẳng định.
… Đến hiệu quả thực tế trong đời sống
Nhờ thực hiện nhiều biện pháp phát triển nghề chăn nuôi bò theo hướng chất lượng cao, tổng đàn bò của tỉnh ngày càng phát triển mạnh. Với hơn 304 nghìn con, chiếm gần 30% tổng đàn của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, tỷ lệ bò lai đạt hơn 93%, Bình Định là tỉnh có nghề chăn nuôi bò phát triển mạnh.
Anh Trần Thanh Tuất, ở thôn Nam Tượng 3, xã Nhơn Tân, TX An Nhơn là người đang nuôi gần 60 con bò BBB, chia sẻ: Tháng 4.2023 tôi bắt đầu công việc chăn nuôi bò thịt. Để việc chăn nuôi đạt hiệu quả, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, tiến hành trồng cỏ, tích trữ thức ăn và mua một số loại máy móc phục vụ chăn nuôi. Sau đó, tôi dành thời gian tuyển chọn và mua bê 4 - 6 tháng tuổi của bà con về vỗ béo, bán thịt. Để đàn bò phát triển tốt, tôi cho bò ăn thức ăn thô (cỏ, rơm) kết hợp thức ăn tinh (bã bia, bắp). Nuôi 12 - 14 tháng vỗ béo thành công mới xuất bán cho thương lái. Trong quá trình chăn nuôi, trang trại thực hiện nghiêm các quy trình chăm sóc, phòng bệnh, như: Tiêm vắc xin theo đúng quy định, định kỳ vệ sinh khử trùng, bổ sung các loại thức ăn tinh, vitamin… Nhờ vậy, đàn bò của tôi tăng trưởng rất ổn, đạt chất lượng cao.
Trong khi đó, ông Trần Văn Hướng, ở thôn An Thường 2, xã Ân Thạnh được ví là “vua bò” ở vùng đất trung du Hoài Ân, khi sở hữu hơn 120 con bò thịt, chủ yếu là các giống bò thịt chất lượng cao BBB, Red Angus. Nhờ chế độ chăm sóc hợp lý, đàn bò của ông lớn nhanh. Hiện nay, ngoài việc bán bò thịt, ông còn xử lý phân bò để xuất bán cho các thương lái ở khu vực Tây Nguyên. Qua đó, có thêm nguồn thu phục vụ chăn nuôi.
Các giống bò thịt chất lượng cao, như: BBB, Red Angus, Zebu hay Drought Master không những cho hiệu quả kinh tế cao, mà còn thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Khi nông hộ thực hiện đúng quy trình chăn nuôi, sau 18 - 21 tháng, bò thịt các giống nói trên đạt trọng lượng trung bình 550 kg/con, cao hơn trọng lượng các giống bò lai thông thường từ 150 - 170 kg/con. Ngoài tăng trọng nhanh, thịt của các giống bò BBB, Red Angus… cũng ngon hơn; tỷ suất sinh lời đạt 24% so với tổng doanh thu.
Ông Trần Văn Hạnh, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp cho hay: Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, trung tâm tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống trang thiết bị thụ tinh nhân tạo bò, sử dụng tinh đông lạnh dạng cọng rạ nhóm bò thịt chất lượng cao, nhất là nhóm giống Red Angus và BBB để tạo ra con lai F1 sinh trưởng phát triển tốt, cải thiện số lượng và chất lượng, thịt đáp ứng nhu cầu thị trường.
TRỌNG LỢI
Hiếu Giang tổng hợp