Bà Rịa Vũng Tàu: Thanh long rớt giá, nông dân giảm sản lượng thu hoạch
Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu
Từ tháng 6 đến tháng 9 dương lịch, thanh long vào vụ thu hoạch chính. Tuy nhiên, khi rộ vụ thu hoạch, nông dân lại đối mặt với vòng luẩn quẩn được mùa rớt giá. Để giảm chi phí đầu tư, nông dân tỉa bớt hoa và trái non để dưỡng cây, chuẩn bị cho thanh long nghịch vụ-vụ sản xuất cho giá cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Chương, xã Bông Trang tỉa bỏ trái non để dưỡng cây, chuẩn bị cho vụ thanh long nghịch mùa.
Từ thời điểm bắt đầu vào chính vụ đến nay, giá thanh long liên tục giảm. Với mức giá thanh long thương lái mua tại vườn chỉ khoảng từ 5-6.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành sản xuất khiến 6 tạ thanh long vừa thu hoạch của ông Lê Quang Khiêm (ấp 2, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu) lỗ gần 20 triệu đồng. Để không tiếp tục bị lỗ, ông Khiêm tỉa hết hoa, không để trái, tập trung dưỡng cây chuẩn bị cho vụ thanh long trái vụ (chong đèn) bắt đầu sau tháng 9 dương lịch.
Nhiều nông dân trồng thanh long ở huyện Xuyên Mộc cũng trong cảnh thua lỗ, đành phải tỉa bỏ hoa và trái non để giữ sức cho cây vào vụ nghịch. Ông Nguyễn Văn Chương (xã Bông Trang) cho biết, 1ha trồng thanh long ruột đỏ của gia đình ông lứa chính vụ chỉ sản xuất cầm chừng. Hiện ông tỉa hoa và trái non, chỉ để lại khoảng 6-7 tạ bỏ cho chợ để có đồng ra đồng vào chứ không đầu tư. “Mùa mưa thanh long ra tự nhiên nhiều nên giá rẻ lắm, cây lại hay bị nấm, không đủ công phân bón, chăm sóc. Vì vậy, tôi tỉa bỏ phần lớn hoa và trái non để dưỡng cây chờ sau tháng 9 làm thanh long nghịch vụ”, ông Chương nói.
Theo nông dân trồng thanh long tại huyện Xuyên Mộc, từ cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, thị trường xuất khẩu trái thanh long tăng cao, trong khi sản lượng thanh long cho thu hoạch thấp hơn cùng kỳ mọi năm do ảnh hưởng của khô hạn. Vì thế, giá thanh long ruột đỏ bán tại vườn luôn ở mức cao, từ 30- 35 ngàn đồng/kg; thậm chí có thời điểm ghi nhận mức kỷ lục 45 ngàn đồng/kg. Trung bình mỗi lứa, 1ha thanh long, nông dân lãi từ 50-60 triệu đồng. Tuy nhiên, khi bắt đầu vào chính vụ, thanh long liên tục rớt giá. Hiện giá bán thanh long ruột đỏ tại vườn chỉ còn 6-8.000 đồng/kg, thậm chí là 3-4.000 đồng/kg. Cùng với đó, Trung Quốc đang ngừng thu mua vì họ đang vào vụ thu hoạch loại trái cây này. Với những khó khăn đó, người trồng thanh long giảm sản lượng thu hoạch.
Toàn tỉnh hiện có hơn 700ha thanh long, tập trung chủ yếu tại huyện Xuyên Mộc. Hầu hết diện tích thanh long đang trong giai đoạn cho sản phẩm, nên sản lượng mỗi lứa vào khoảng 21 ngàn tấn. Nguồn cung dồi dào là nguyên nhân chính khiến thanh long có giá rẻ hơn nhiều lần so với những tháng người trồng phải thắp đèn làm nghịch vụ. Vì vậy, nông dân đành tỉa hoa, trái non để cây không bị suy kiệt chuẩn bị làm thanh long nghịch vụ và tránh phải đối mặt với thua lỗ trắng vụ.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU
Vĩnh Long: Nấm rơm được giá
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Vụ Hè Thu này tại các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Long Hồ (Vĩnh Long), nhiều nông dân tận dụng rơm để sản xuất nấm rơm. Giá nấm rơm ở mức khá nông dân có nguồn thu nhập tăng thêm đáng kể.
Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Vũng Liêm, các tháng đầu năm, giá nấm tươi ở mức khá cao từ 50.000-70.000 đ/kg, nông dân sử dụng rơm trữ lại để ủ nấm, toàn huyện trên 1.400ha ủ nấm rơm, đạt trên 58% so kế hoạch, có trên 400 hộ tham gia trồng nấm.
Theo nông dân, rơm vụ Hè Thu chất lượng thấp hơn vụ Đông Xuân nhưng bù lại giá rẻ hơn. Theo đó, giá rơm tại ruộng giá chỉ từ 20.000-50.000 đ/công. Chi phí chủ yếu là việc thuê máy cuộn rơm trên đồng và vận chuyển về nơi sản xuất nấm.
Vụ này, mỗi công lúa có thể thu được từ 10-15 cuộn rơm. Nếu sản xuất ngoài trời quy mô lớn, bình quân, mỗi cuộn rơm có thể cho năng suất hơn 1kg nấm rơm. Hiện tại, giá nấm rơm từ 60.000-70.000 đ/kg khi người trồng bán lẻ đến người tiêu dùng. Nếu cân số lượng lớn cho thương lái thì rẻ hơn nhưng vẫn đảm bảo nông dân có lợi nhuận khá.
Tin, ảnh: NGUYÊN KHANG
Bạc Liêu: Tổng kết mô hình trình diễn giảm chi phí và nâng cao hiệu quả canh tác lúa
Nguồn tin: Báo Bạc Liêu
Chiều 15/8, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tổng kết mô hình trình diễn giảm chi phí và nâng cao hiệu quả canh tác lúa ở xã Vĩnh Hưng A (huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu).
Theo đó, mô hình trình diễn có 25 hộ tham gia thực hiện trên diện tích 1ha (gồm ruộng trình diễn mô hình và ruộng đối chứng), sử dụng giống lúa Đài thơm 8. Các hộ tham gia mô hình được hướng dẫn từ khâu làm đất, gieo sạ, bón phân, quản lý dịch bệnh...
Nông dân tham quan ruộng lúa áp dụng mô hình giảm chi phí và nâng cao hiệu quả canh tác lúa ở huyện Vĩnh Lợi.
Sau hơn 3 tháng, lúa canh tác trên ruộng áp dụng mô hình đạt năng suất 6,16 tấn/ha, ruộng đối chứng cho năng suất 5,85 tấn/ha. Qua so sánh, tổng chi phí giảm 1.654.400 đồng/ha, giá thành sản xuất giảm 520 đồng/kg, năng suất tăng 0,31 tấn/ha, lợi nhuận tăng 4.289.400 đồng/ha so với canh tác ở ruộng đối chứng.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, không chỉ giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả, mô hình còn áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật: 1 phải - 6 giảm, IPM, tiết kiệm nước, giảm phát thải khí nhà kính…, góp phần nâng cao kỹ năng phân tích hệ sinh thái ruộng lúa, hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững...
Tin, ảnh: M.Đ
Nông dân cùng nhau làm tỉ phú…
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Cách nay không lâu, Câu lạc bộ Nông dân tỉ phú, ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) được thành lập. Đây là nơi để nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cùng nhau giao lưu, sẻ chia kinh nghiệm làm giàu và hỗ trợ nhau phát triển sản xuất.
Các thành viên trong CLB rất nhiệt tình hỗ trợ nhau về kinh nghiệm sản xuất.
Theo Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp, những năm qua, thực hiện phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động, trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao, có nhiều mô hình cho thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm.
Với mong muốn tạo điều kiện giúp nông dân sản xuất giỏi có điều kiện kết nối, học tập, chia sẻ nhau kinh nghiệm hay trong sản xuất để cùng nhau phát triển bền vững, Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo Hội Nông dân xã Tân Bình vận động 16 hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (cấp huyện, tỉnh và Trung ương) có mô hình sản xuất đạt lợi nhuận trên dưới 1 tỉ đồng/năm vào Câu lạc bộ Nông dân tỉ phú (CLB).
Bà Nguyễn Thị Út, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Xã Tân Bình với lợi thế là địa bàn có nhiều nông dân xây dựng mô hình trồng sầu riêng cho thu nhập cao, nhiều hộ thu nhập đạt mức từ 1 tỉ đồng/năm. Nhằm tạo điều kiện cho nông dân nuôi dưỡng khát vọng làm giàu chính đáng, chúng tôi đã tập hợp được nhiều hội viên trồng sầu riêng đạt hiệu quả kinh tế cao thành lập CLB”.
CLB được thành lập vào cuối tháng 3-2024, với 16 thành viên, Ban Chủ nhiệm gồm 3 người. Đa phần thành viên CLB đều có mô hình trồng sầu riêng, với tổng diện tích canh tác sầu riêng 48ha. Hiện trong 16 thành viên đã có 50% đạt mức thu nhập trên 1 tỉ đồng/năm; còn lại đạt vài trăm triệu đồng/năm tùy diện tích.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ nhiệm CLB, cho biết: “Lợi thế của CLB là chúng tôi đều có cùng ngành nghề sản xuất nên rất dễ trong học tập, trao đổi kinh nghiệm. Do đó, khi vận động anh em vào CLB thì ai nấy cũng đều hào hứng tham gia. Theo kế hoạch thì định kỳ hàng quý các thành viên CLB sẽ cùng nhau sinh hoạt để thông tin về sản xuất, cùng nhau thảo luận để tìm ra những giải phát chăm sóc vườn cây đạt năng suất, sản lượng cao”.
Ông Nguyễn Chí Lý, ở ấp Tân Thành, thành viên CLB chia sẻ: “So với những thành viên khác thì thu nhập của tôi còn khiêm tốn, chưa đạt mức 1 tỉ đồng/năm, nhưng khi vô CLB này tôi càng có thêm động lực để chăm sóc vườn cây thật tốt, phấn đấu nâng mức thu nhập của gia đình đạt từ 1 tỉ đồng/năm như mọi người”.
Gia đình ông Lý hiện sở hữu vườn sầu riêng 7 năm tuổi, diện tích gần 1ha. Vụ thu hoạch vừa rồi với 10 tấn trái, gia đình thu về khoảng 600 triệu đồng. Đây là lần thu hoạch thứ ba kể từ khi vườn nhà ông cho trái.
“Do vườn cây chưa lâu năm nên năng suất thấp. Khoảng 2 năm nữa, số sầu riêng cho trái tiếp tục lớn thêm cộng với 40 gốc sầu riêng gần 2 năm tuổi tiếp tục cho trái thì tôi nghĩ thu nhập 1 tỉ đồng/năm không còn khó để đạt được”, ông Lý tiết lộ thêm.
Cũng theo ông Lý, do nhận thấy sầu riêng đang là loại cây đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình nên đầu năm tới sẽ tiếp tục chuyển đổi 4.000m2 diện tích lúa còn lại để trồng thêm sầu riêng.
Không chỉ là nơi tập hợp các thành viên lại để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, mà CLB còn là nơi để kết nối, tạo điều kiện cho các thành viên tiếp cận với các nhà khoa học, doanh nghiệp…
“Sắp tới đây, CLB sẽ tổ chức sinh hoạt lệ. Hội sẽ kết nối mời thêm ngành nông nghiệp, khoa học và công nghệ, ngân hàng, các đơn vị thu mua nông sản, cung ứng vật tư nông nghiệp… cùng tham dự sinh hoạt với CLB, tạo điều kiện giúp giải quyết kịp thời các nhu cầu của thành viên về vốn, khoa học - kỹ thuật, đầu vào, đầu ra cho nông sản. Có như vậy mới giúp cho CLB hoạt động được hiệu quả bền vững và phát triển hơn nữa”, bà Nguyễn Thị Út, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ nhiệm CLB, với mục tiêu sau 3 năm thành lập, 100% thành viên CLB sẽ đạt mức thu nhập 1 tỉ đồng trở lên, hiện nay các thành viên đều rất hăng say thi đua, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất. Khi CLB hoạt động đạt hiệu quả không chỉ giúp các thành viên có đời sống kinh tế no ấm mà còn góp phần cho địa phương khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp, làm đa dạng sản phẩm hàng hóa nông nghiệp của địa phương, tạo thêm việc làm và góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nơi đây.
MỸ AN
Phát triển sinh kế dưới tán rừng phòng hộ
Nguồn tin: Báo Kiên Giang
Mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng phòng hộ giúp nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Kiên Lương (tỉnh Kiên Giang) nguồn sinh kế ổn định. Dưới bàn tay chăm sóc và bảo vệ của người dân, rừng phòng hộ được khôi phục, ngày càng thêm xanh và phát triển, tăng khả năng chống sạt lở và chống chịu tốt với biến đổi khí hậu.
Những năm qua, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng diễn ra nghiêm trọng, nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển bị mất đi ảnh hưởng đến môi trường và đời sống sản xuất của người dân sinh sống tại các địa phương. Để bảo vệ và khôi phục lại diện tích rừng phòng hộ ven biển, tỉnh quan tâm triển khai thực hiện các dự án cải tạo, phục hồi và trồng mới nhiều diện tích rừng.
UBND tỉnh Kiên Giang chủ trương thực hiện chính sách giao khoán đất rừng phòng hộ cho người dân địa phương. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm giúp khôi phục diện tích rừng, đồng thời tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Người dân vừa tham gia trồng rừng trên diện tích đất giao khoán vừa có thể nâng cao đời sống từ việc phát triển các mô hình sinh kế dưới tán rừng phòng hộ.
Toàn huyện Kiên Lương có 1.712ha đất rừng phòng hộ ven biển nằm trên địa bàn xã Dương Hòa, Bình An và thị trấn Kiên Lương. Để ổn định sinh kế, tạo việc làm và giúp người dân nhận khoán đất rừng nâng cao thu nhập, thời gian qua, Phòng Kinh tế huyện phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh, chính quyền địa phương thực hiện chuyển giao quy trình sản xuất nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao như nuôi cua, tôm quảnh canh, nuôi cá chẽm, cá mú đen, cá mú trân châu. UBND huyện quan tâm đầu tư hệ thống điện, thủy lợi phục vụ sản xuất, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ con giống, thức ăn, tập huấn kỹ thuật để người dân chuyển đổi sản xuất.
Ông Trần Kỳ Bá, ngụ ấp Ba Núi, xã Bình An (Kiên Lương) cùng vợ và các con về nhận khoán đất rừng gần 20 năm. Ngần ấy thời gian, ông đeo đuổi, bám trụ với rừng, nhờ có rừng gia đình ông Bá hiện đã thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá hơn. Ông Bá cho biết: “Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn nước ở đây rất phù hợp để nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi cá bống mú trong ao đất. Với diện tích khoảng 5.000m2, tôi chia thành 5 ao chuyên nuôi cá mú trân châu. Mỗi năm thu nhập từ 200 -300 triệu đồng”.
Anh Nguyễn Đặng Giang, ngụ ấp Ba Núi, xã Bình An (Kiên Lương) nuôi cá bống mú chân trâu dưới tán rừng phòng hộ.
Bên cạnh các mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng, người dân còn tận dụng khai thác bãi bồi để nuôi thêm một số loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ như sò huyết, hàu, vẹm xanh. Anh Nguyễn Đặng Giang, ngụ ấp Ba Núi, xã Bình An nói: “Những năm gần đây, diện tích rừng bị mất khá nhiều do sạt lở bờ biển. Để chống xói lở bờ biển, bảo vệ diện tích đất rừng, tôi đầu tư xây kè đá chiều dài gần 100m, kết hợp thả đá hộc để tạo giá thể nuôi hàu. Nuôi hàu không tốn nhiều chi phí, có thể đem lại thu nhập ổn định, lấy ngắn nuôi dài, có tiền trang trải cuộc sống trong thời gian thả nuôi cá mú. Nhờ cách làm này, gia đình có nguồn thu nhập khoảng 300-400 triệu đồng/năm”.
Trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương Nguyễn Hữu Thành cho biết: Dưới tán rừng phòng hộ ven biển, nhiều năm nay, người dân nhận giao khoán đất rừng trên địa bàn huyện thực hiện tốt việc chăm sóc, trồng và bảo vệ rừng. Không những thế, người dân tận dụng tốt điều kiện tự nhiên sẵn có để phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi cá mú trong ao đất phát huy hiệu quả kinh tế vượt trội so với nhiều loài thủy sản khác.
Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế, mô hình này vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Đa số người dân nuôi theo quy mô hộ gia đình, chưa có sự liên kết, nên người dân gặp khó trong việc tìm kiếm đầu ra sản phẩm. Nguồn con giống tại địa phương chưa sản xuất được, người dân phải mua con giống nhập khẩu từ nước ngoài nên chi phí sản xuất, giá thành cao. Bên cạnh đó, do đặc điểm phần lớn nông dân nuôi cá dưới tán rừng không chủ động được nguồn nước nên thức ăn từ cá phân dễ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây rừng.
Theo Trưởng Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương Nguyễn Hữu Thành, định hướng của huyện trong thời gian tới để phát triển bền vững mô hình thủy sản dưới tán rừng, trong đó có mô hình nuôi cá bống mú, huyện khuyến khích vận động người dân tham gia hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết sản xuất tạo đầu ra ổn định. Huyện triển khai chương trình, dự án hỗ trợ để người dân tham gia, tiếp cận với các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất; vận động người dân mở rộng thêm mô hình nuôi thủy sản kết hợp phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng. Huyện phối hợp với các ngành đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, xây dựng thương hiệu cá mú chân trâu đạt chuẩn OCOP, gắn với bao tiêu sản phẩm.
Bài và ảnh: THÙY TRANG
Xã An Thạnh, huyện Bến Cầu (Tây Ninh): Nông dân tích cực phát triển kinh tế hộ gia đình
Nguồn tin: Báo Tây Ninh
Một số nông dân ở xã An Thạnh, huyện Bến Cầu (Tây Ninh) thực hiện việc thuần dưỡng động vật hoang dã thành vật nuôi bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Những năm gần đây, một số người dân vùng nông thôn huyện Bến Cầu quan tâm đến việc thuần dưỡng động vật hoang dã thành vật nuôi tăng thêm nguồn thu nhập đáng kể.
Mô hình nuôi dơi lấy phân mang lại thu nhập ổn định
Thông qua quá trình sản xuất nông nghiệp hằng năm đã thu hút lượng côn trùng sinh sôi, phát triển trên đồng ruộng và đây cũng chính là nguồn thức ăn cho loài dơi muỗi sinh trưởng và phát triển. Nhận thấy việc nuôi dưỡng loài dơi không chỉ giúp ích cho việc diệt trừ côn trùng bảo vệ mùa màng mà còn giúp người nuôi có thêm thu nhập từ việc lấy phân, ông Hồ Minh Tâm (ngụ ấp Chánh, xã An Thạnh) là một trong những hộ đi tiên phong và thành công với mô hình nuôi dơi lấy phân.
Chuồng nuôi dơi của hộ ông Hồ Minh Tâm, tại ấp Chánh, xã An Thạnh.
Ông Tâm cho biết, gia đình ông có hơn 1 ha đất chuyên trồng lúa cho thu nhập không cao. Năm 2019, trong một lần đến tỉnh Long An thấy mô hình này đem lại hiệu quả nên vợ chồng ông quyết định học hỏi kinh nghiệm. Cuối năm đó, ông mạnh dạn đầu tư hơn 130 triệu đồng để đầu tư làm 2 chuồng nuôi dơi trên phần đất ruộng của gia đình. Chuồng được thiết kế theo hình lục giác, kích thước 6m x 15m x 12,5m. Riêng nóc chuồng cao 1,5m, cột bằng cây, mái lợp tôn, bên trong treo nhiều chum lá thốt nốt làm tổ cho dơi trú ngụ, bên dưới làm mảnh lưới để chứa phân.
Nhờ chăm sóc tốt, dơi hoang vào chuồng ở ngày càng nhiều, đến năm 2022, ông vay thêm 30 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư làm thêm chuồng thứ ba. Hiện, với 3 chuồng nuôi dơi, mỗi ngày gia đình ông thu được khoảng 7 kg phân dơi khô, giá bán trung bình là 60.000 đồng/kg, ước tính mỗi tháng, gia đình ông thu về hơn 12 triệu đồng.
Theo ông Tâm, dơi là loài động vật tự săn mồi, thức ăn của chúng là các loại côn trùng, nên người nuôi không phải tốn chi phí mua thức ăn hay chăm sóc. Với tập tính đi kiếm mồi vào ban đêm, trở về lại tổ khi trời sáng và bắt đầu thải phân, đến chiều mỗi ngày, người nuôi chỉ cần mang dụng cụ ra xúc phân có sẵn trong lưới và đem phơi khô, sẽ có thương lái đến tận nhà thu mua.
“Ban đầu khi mua dơi về, phải nhốt trong lồng, đặt trong chuồng khoảng một vài ngày để dơi làm quen với chuồng trại, đồng thời, dơi mồi sẽ phát ra tiếng kêu thu hút thêm đàn dơi hoang vào chuồng ở. Loài dơi rất sợ rắn lục, rệp, chim heo (hoặc chim lợn thường được gọi là cú lợn, một số nơi còn gọi là cú mặt khỉ, loài chim thuộc họ Tytonidae - một trong hai họ lớn của bộ cú) vì vậy, người nuôi phải thường kiểm tra chuồng và có biện pháp phòng ngừa những loại thiên địch của loài dơi, đồng thời giữ cho chuồng luôn khô ráo, yên tĩnh và kín đáo”- ông Tâm chia sẻ thêm về cách nuôi dơi.
Với hai chuồng nuôi dơi, gia đình bà Trần Thị Châu- ngụ ấp Bến, xã An Thạnh) thu hoạch được từ 3 - 4kg/ngày phân dơi phơi khô. Theo thời giá phân dơi hiện tại, trung bình mỗi ngày, gia đình bà Châu có nguồn thu nhập khoảng 200.000 đồng.
Bà Châu cho biết, nhờ sự hướng dẫn của ông Tâm, năm 2022, gia đình bà đầu tư 2 chuồng nuôi dơi trên mảnh đất trống của gia đình, nguồn thu nhập hiện có tuy khá ít ỏi nhưng cũng đủ để gia đình bà trang trải chí phí hằng ngày, mà không phải lo đi làm thuê như trước đây.
Theo bà Châu, không như nuôi heo, nuôi gà, mô hình nuôi dơi lấy phân rất đơn giản, chỉ tốn tiền làm chuồng (chòi), cũng không phải cho ăn, lại ít rủi ro hơn so với các loài vật nuôi khác nhưng ngày nào cũng “đút túi” vài trăm ngàn đồng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn- Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thạnh, cho biết, xã hiện có 3 hộ nuôi dơi lấy phân, trong đó, gia đình ông Hồ Minh Tâm là một trong những hộ đầu tiên đầu tư làm chuồng nuôi từ năm 2019. Qua thời gian dài, số lượng dơi kéo về ở ngày càng nhiều, số lượng phân thu được cũng gia tăng theo, qua đó cho thấy đây là mô hình nuôi hiệu quả, được địa phương khuyến khích, bởi dơi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho bà con, mà còn góp phần làm giảm các loại côn trùng gây hại khác, góp phần bảo vệ cây cối, mùa màng.
Mô hình nuôi chồn hương mang lại nhiều triển vọng
Là một nông dân ham học hỏi, những năm qua, ông Đặng Tuấn Kiệt, ngụ ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu tích cực thử nghiệm nhiều mô hình chăn nuôi khác nhau. Hiện, hộ ông Kiệt đã thực hiện thành công ý tưởng khởi nghiệp bằng mô hình nuôi chồn hương sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Kể về mối “lương duyên” ông Đặng Tuấn Kiệt cho biết, năm 2022, trong lúc ngồi xem một số tin về nông nghiệp trên mạng internet, ông tình cờ nhìn thấy bài viết giới thiệu về mô hình nuôi chồn hương của một trang trại ở miền Tây có hiệu quả kinh tế cao, nên ông tìm đến tận nơi tham quan, học hỏi.
Được sự tư vấn và hỗ trợ của Hội Nông dân xã, sau khi xin được giấy phép chăn nuôi (do chồn hương là động vật hoang dã nhóm IIB), ông được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay xoá đói giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội để làm chuồng trại và mua 3 con giống (2 con cái, 1 con đực) về nuôi thử nghiệm.
Sau 2 tháng nuôi, chồn hương bắt đầu sinh sản, mỗi lứa đẻ từ 2 đến 5 con. Một năm, chồn hương cái đẻ từ 2 đến 3 lứa. Đến nay, đàn chồn hương của gia đình ông Kiệt đã lên đến 30 con (15 cặp gồm 1 con đực và 1 con cái).
Gần 2 năm gắn bó với mô hình nuôi chồn hương, theo ông Kiệt, đây là con vật có sức đề kháng cao, ít bị bệnh. Thức ăn của chồn là những loại rất dễ kiếm như chuối, mít, cá, thịt gà, ếch... nên rất dễ nuôi, mỗi ngày, một con chồn chỉ tốn khoảng 4.000 - 5.000 đồng thức ăn mỗi ngày. Quá trình nuôi không tốn nhiều công chăm sóc, chỉ cần người nuôi biết cách làm chuồng, chăm sóc bảo đảm vệ sinh phòng ngừa dịch bệnh và phối giống kỹ lưỡng thì sẽ đạt được thành công.
Thực tế chăn nuôi tại gia đình ông Kiệt cho thấy, chồn hương con sau sinh, nuôi khoảng 2 tháng có thể bán giống. Tính đến nay, ông Kiệt đã xuất bán khoảng 10 cặp chồn hương giống với giá 7 triệu đồng/cặp.
Chia sẻ về những dự định trong thời gian tới, ông Kiệt cho biết, thời gian tới, ông sẽ tiếp tục nhân giống, xây dựng chuồng trại quy mô, bài bản hơn để mở rộng mô hình, nâng cao sản lượng và chất lượng chồn hương giống cũng như thương phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Thạnh, cho biết mô hình nuôi chồn hương sinh sản của hộ ông Đặng Tuấn Kiệt là hướng đi mới ở địa phương, bước đầu cho thấy kết quả nhiều triển vọng khả quan. Để kịp thời hỗ trợ ông Kiệt phát triển chăn nuôi, trong thời gian tới, Hội nông dân xã sẽ tiếp tục giới thiệu để ông Kiệt được tiếp cận với nguồn vốn chính sách với lãi suất thấp để ông đầu tư mở rộng chuồng nuôi, gia tăng tổng đàn, phát triển kinh tế gia đình ổn định.
Ông Nguyễn Thái Bình - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bến Cầu, cho biết, mô hình làm chuồng nuôi dơi được nhiều nông dân áp dụng, tính đến nay, trên địa bàn huyện Bến Cầu có khoảng 22 nhà nuôi dơi lấy phân, đa phần đều có nhiều dơi đến ở, góp phần tăng thêm thu nhập cho người nông dân địa phương.
Riêng mô hình nuôi chồn hương là mô hình mới, hiện chỉ mới có 2 hộ nuôi (ngoài hộ ông Đặng Tuấn Kiệt còn có một hộ nuôi tại xã Long Chữ), bước đầu cho thấy tiềm năng của loài động vật này còn rất lớn.
Tuy nhiên, để duy trì và nhân rộng mô hình cần quan tâm đến một số vấn đề như người nuôi cần nắm rõ các đặc tính, quy trình chăn nuôi, chú ý các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là thường xuyên tìm hiểu về nhu cầu thị trường để có hướng đầu tư phù hợp. Đồng thời, trong quá trình nuôi phải lập sổ theo dõi, định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước.
Minh Dương
Bình Dương: Toàn tỉnh có 265 trang trại chăn nuôi heo
Nguồn tin: Báo Bình Dương
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tình hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bình Dương tăng trưởng ổn định; mô hình nông nghiệp ứng dụng chuồng trại kín, trại lạnh trong chăn nuôi heo và gà mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Về chăn nuôi gà, toàn tỉnh có 150 trang trại, tăng 4 trang trại so với cùng kỳ năm 2023, với tổng đàn 8,3 triệu con, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023. Về chăn nuôi heo, toàn tỉnh có 265 trang trại, tăng 6 trang trại so với cùng kỳ năm 2023, với tổng đàn 714.000 con, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Đối với chăn nuôi vịt thịt, toàn tỉnh có 80 trang trại, tăng 35 trang trại so với cùng kỳ năm 2023, với số lượng 862.900 con…
PHƯƠNG ANH
Chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường
Nguồn tin: Báo Thái Bình
Trong những năm qua, nhiều trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Bình xây dựng và sử dụng bể biogas đã phát huy được hiệu quả. Đây được coi là giải pháp tiết kiệm cho người dân, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể biogas tại một trang trại thuộc xã Thụy Duyên (Thái Thụy).
Việc chăn nuôi kết hợp sử dụng bể biogas tại các trang trại lớn ở các địa phương của huyện Tiền Hải không chỉ tạo ra chất đốt, phát điện, phục vụ sinh hoạt hàng ngày cho hộ dân mà còn giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Trang trại chăn nuôi của bà Trần Thu Thủy, xã Nam Cường xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể biogas vật liệu là bạt nhựa HPPE có thể tích 2.700m3. Công trình được xây dựng từ năm 2012 với kinh phí 170 triệu đồng.
Bà Thủy chia sẻ: Mặc dù khoản đầu tư ban đầu khá lớn nhưng nếu tính tới hiệu quả lâu dài thì rất ổn. Vì trong quá trình chăn nuôi, nguồn phân từ đàn lợn thải ra rất nhiều, nếu không được xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường khu dân cư. Sau khi xây bể biogas, lượng khí đốt tạo thành từ bể biogas nhà tôi sử dụng dư thừa. Ngoài đun nấu phục vụ sinh hoạt, gia đình còn sử dụng để úm lợn con và thắp sáng. Theo tính toán, mỗi tháng đã giảm chi phí cho trang trại 7 triệu đồng.
Trang trại của ông Hoàng Văn Lương, xã Thái Phúc (Thái Thụy) hàng năm nuôi từ 1.000 - 3.000 con lợn thịt. Mỗi ngày trang trại thải ra lượng chất thải trên 1 tấn. Khi mới xây dựng trang trại, để giải quyết lượng chất thải này, trang trại phải đào một ao lớn để chứa, tuy nhiên không thể giải quyết được mùi chất thải, đặc biệt trong những ngày oi nóng hoặc mưa to. Vì vậy, ông Lương đã thuê một đơn vị chuyên xây dựng bể biogas với 9 bể chứa có tổng thể tích 2.000m3 tại khu vực nuôi lợn để xử lý chất thải.
Ông Lương cho biết: Trước đây, tôi cứ băn khoăn khi xây dựng bể biogas thì không có phân bón cho các loại cây trồng khác. Được tham gia các lớp tập huấn do huyện phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tổ chức, tôi đã hiểu rõ về cách sử dụng và hiệu quả của bể biogas. Quá trình phân giải của chất thải từ chăn nuôi gia súc, dịch thải hay còn gọi là phụ phẩm từ bể biogas dùng làm phân bón cho các loại cây trồng rất tốt, thậm chí còn có thể sử dụng làm thức ăn bổ sung trong nuôi cá.
Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Xây dựng và sử dụng bể biogas trong chăn nuôi là một trong những giải pháp hữu hiệu, góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe, giảm tình trạng dịch bệnh cho vật nuôi. Đồng thời, tiết kiệm chi phí sinh hoạt gia đình, giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận kinh tế, phù hợp với xu thế phát triển của ngành nông nghiệp hiện nay. Đến nay, toàn tỉnh có trên 18.000 bể biogas, trong đó có gần 30 bể biogas thể tích trên 2.000m3 đến 17.000m3/ công trình. Các bể biogas áp dụng trong xử lý chất thải chăn nuôi đã và đang đem lại giá trị đa lợi ích lớn về môi trường, năng lượng, nông nghiệp, sức khỏe và xã hội. Trong đó, hệ thống khí sinh học của bể biogas giúp giảm mùi hôi và cải thiện cảnh quan do chất thải được tập trung và nạp vào bể phân hủy, tạo môi trường xanh, sạch cho các hộ chăn nuôi. Khí biogas để đun nấu thay thế cho các năng lượng hóa thạch (củi, than đá) và gas, ngoài ra còn sử dụng để thắp sáng, sưởi ấm cho gia súc, gia cầm. Chất thải của gia súc, gia cầm qua quá trình phân hủy yếm khí trong hầm biogas, hầu hết các chất hữu cơ trong phân được chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng chứa nitơ, là những khoáng chất cây trồng dễ hấp thụ...
Mạnh Thắng
Hiếu Giang tổng hợp