Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 2 tháng 10 năm 2024

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 2 tháng 10 năm 2024

 

Chuyển đổi cây trồng mang lại hiệu quả

 

Nguồn tin: Báo Long An

Những năm qua, nhiều nông dân trong tỉnh Long An tích cực chuyển đổi cây trồng, mang lại thu nhập cao cho gia đình, đóng góp vào sự phát triển KT-XH của địa phương. Tại huyện Mộc Hóa, vợ chồng bà Nguyễn Thị Mum (SN 1964, ngụ ấp Gò Dồ, xã Bình Thạnh) là điển hình cho sự thành công này.

 

 

Hiện nay, vườn của vợ chồng bà Nguyễn Thị Mum (ấp Gò Dồ, xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa) có 700 gốc bưởi và 2.000 gốc mít

Không phải người dân địa phương, năm 1995, vợ chồng bà Mum chọn xã Bình Thạnh làm nơi an cư và phát triển kinh tế. Hành trình lập nghiệp của vợ chồng bà không hề dễ dàng. Sau khi kết hôn năm 1985, vợ chồng bà có 8 năm lập nghiệp ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Do gặp một số khó khăn, ông bà quyết định trở về huyện Mộc Hóa làm thuê.

Nhờ chăm chỉ, dần dần ông bà tích cóp mua được 3ha đất tại xã Bình Thạnh. “Lúc đó, không có nhiều tiền nhưng nhờ giá đất ở đây rẻ nên vợ chồng tôi mua được 3ha” - bà Mum chia sẻ. Sau nhiều năm tích cóp và làm việc chăm chỉ, ông bà mua thêm gần 10ha đất, chia cho các con, hiện còn lại 3,5ha để canh tác.

Trước đây, vợ chồng bà Mum chủ yếu trồng lúa. Tuy nhiên, giá lúa giảm, lợi nhuận không ổn định. “Có những vụ chỉ huề vốn, thậm chí lỗ. Trước tình hình đó, vợ chồng tôi quyết định chuyển đổi cây trồng, từ 7 năm trước, khi Nhà nước bắt đầu đầu tư mở rộng hạ tầng giao thông tại địa phương, thuận lợi cho việc buôn bán. Vì vậy, tôi và chồng không ngần ngại chuyển từ trồng lúa sang cây ăn trái" - bà Mum nói.

Ban đầu, vợ chồng bà trồng bưởi và dừa xiêm xanh nhưng sau đó nhận thấy dừa xiêm xanh không mang lại hiệu quả nên quyết định thay thế bằng mít.

Hiện nay, vườn của ông bà có 700 gốc bưởi và 2.000 gốc mít. Chi phí đầu tư ban đầu để lên liếp và mua giống cây khoảng 250 triệu đồng nhưng thành quả thu được rất xứng đáng.

Mỗi năm, vườn bưởi mang về lợi nhuận khoảng 250 triệu đồng, còn mít, dù chưa thu hoạch nhưng dự kiến sẽ cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa.

Nhớ lại những ngày đầu chuyển đổi cây trồng, bà Mum bộc bạch: “Trước đây, trồng lúa không có lời nhiều, chỉ đủ sống thôi chứ không dư dả gì. Giờ trồng cây ăn trái thì khác hẳn, kinh tế cải thiện rõ rệt”.

Chuyển đổi cây trồng hiệu quả không chỉ nhờ quyết định cá nhân mà còn là quá trình học hỏi từ người thân, bạn bè và các đợt tập huấn từ ngành Nông nghiệp. Với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, họ đã kiên trì và thành công.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mộc Hóa có nhiều hộ nông dân chuyển đổi cây trồng. Diện tích gieo trồng các loại rau màu trong năm là 839,6ha (trong đó, vụ Đông Xuân 2023-2024 là 425,6ha; vụ Hè Thu 2024 là 414ha; các loại cây trồng chủ yếu là dưa hấu, sen, rau má,...). Diện tích cây ăn quả lâu năm là 516,84ha (mít 234,24ha; thanh long 60,38ha; sầu riêng 52,80ha;...).

Nhìn chung, các loại cây trồng được chuyển đổi trên đất trồng lúa đều cho năng suất cao, phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, giúp tăng thêm thu nhập cho người dân trên cùng diện tích sản xuất./.

Khánh Duy

 

Đạ Tẻh (Lâm Đồng): Khởi tố vụ án phá hoại hàng chục cây sầu riêng

 

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng

Sau khi định giá tài sản những cây sầu riêng bị phá hoại, Công an huyện Đạ Tẻh đã khởi tố vụ án để điều tra làm rõ đối tượng thực hiện hành vi phá hoại.

 

 

Anh Trung bên gốc sầu riêng 4 năm tuổi bị kẻ gian phá hoại

Sáng 30/9, Thượng tá Nguyễn Đình Sô - Trưởng Công an huyện Đạ Tẻh, cho biết: Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã khởi tố vụ án để điều tra vụ vườn sầu riêng của người dân ở xã Quốc Oai bị phá hoại.

Động thái này được đưa ra sau khi xác định có dấu hiệu của tội huỷ hoại tài sản khi tiếp nhận tin báo 17 cây sầu riêng của anh Cao Thành Trung (ngụ tại 37 tuổi, ngụ xã Quốc Oai) bị người khác chặt phá, lột vỏ xung quanh gốc.

Cũng theo Công an huyện Đạ Tẻh, sau khi định giá 17 cây sầu riêng 4 năm tuổi có giá trị hơn 12 triệu đồng, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án để điều tra, truy xét làm rõ vụ việc.

Theo anh Trung, qua làm việc với cơ quan công an, anh đã trình báo nghi ngờ về đối tượng thực hiện hành vi phá hoại vườn sầu riêng của anh.

Trước đó, như Báo Lâm Đồng đã thông tin: Vào sáng sớm ngày 1/9, anh Cao Thành Trung ra vườn thì phát hiện hàng chục cây sầu riêng bị chặt phá, lột vỏ xung quanh gốc.

HẢI ĐƯỜNG

 

Dừa xiêm xanh và bưởi da xanh Bến Tre được Cơ quan Sở hữu trí tuệ Canada cấp văn bằng bảo hộ

 

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Ngày 23-9-2024, hai sản phẩm bưởi da xanh và dừa xiêm xanh của tỉnh Bến Tre đã chính thức được Cơ quan Sở hữu trí tuệ Canada cấp văn bằng bảo hộ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận.

 

 

Dừa xiêm xanh Bến Tre được Cơ quan Sở hữu trí tuệ Canada cấp văn bằng bảo hộ độc quyền.

Đây là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao giá trị thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bến Tre nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.

Cơ quan Sở hữu trí tuệ Canada đã đồng thời chấp thuận bảo hộ độc quyền cho cả 2 nhãn hiệu gồm: Nhãn hiệu “Ben Tre Pomelo & Device” dành cho bưởi da xanh có số đăng ký TMA1,257,893 và nhãn hiệu “Ben Tre Coconut & Device” dành cho dừa xiêm xanh có số đăng ký TMA1,257,904. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre được ghi nhận là chủ sở hữu của 2 nhãn hiệu chứng nhận.

Chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu chứng nhận là các tài sản trí tuệ, cũng là các công cụ pháp lý hiệu quả để không những ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền mà còn tạo tiền đề để nông sản của tỉnh được khoác lên mình tên gọi “BẾN TRE” khi đi ra toàn cầu.

Vì vậy, tỉnh đã chọn một thị trường có tiêu chuẩn cao hàng đầu thế giới như Canada để xây dựng thương hiệu cho nông sản của tỉnh nhà. Việc thành công xây dựng thương hiệu ở một thị trường cao cấp sẽ là nguồn động viên và khích lệ rất lớn cho việc tiếp tục triển khai hoạt động xây dựng thương hiệu nông sản Bến Tre ở quy mô toàn cầu.

Sự thành công trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho "bưởi da xanh Bến Tre" và "dừa xiêm xanh Bến Tre" không chỉ ghi nhận nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn tỉnh Bến Tre trong việc khẳng định chất lượng và đặc trưng của sản phẩm trên trường quốc tế, mà còn mở ra cánh cửa mới cho sự phát triển kinh tế vùng, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp xuất khẩu.

Hướng tới tương lai, tỉnh Bến Tre cần tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường, đồng thời tăng cường các chiến lược marketing để quảng bá thương hiệu “Bến Tre” rộng khắp, góp phần tạo dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia sản xuất nông sản chất lượng cao trên bản đồ thế giới.

Bên cạnh đó, việc liên tục theo dõi và đảm bảo các tiêu chuẩn được duy trì sẽ giúp bảo vệ quyền lợi và uy tín thương hiệu mà chúng ta đã vất vả xây dựng. Bằng việc thực hiện những bước đi này, tỉnh ta không chỉ gìn giữ được giá trị bền vững cho các sản phẩm đặc thù mà còn khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế, mang lại lợi ích lâu dài cho ngành sản xuất của địa phương và góp phần mang đến cho người tiêu dùng toàn cầu những sản vật có giá trị cao.

Tin, ảnh: Cẩm Trúc

 

Không nên lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật

 

Nguồn tin: Báo Cà Mau

Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hiện nay đang trở nên đáng báo động khi số lượng và liều lượng thuốc sử dụng trong một vụ sản xuất ngày càng gia tăng. Điều này không chỉ làm tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người mà còn gây ô nhiễm đến môi trường đất và nước.

Theo thống kê gần đây của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau, bình quân hàng năm bà con sử dụng khoảng 300 tấn thuốc BVTV, lượng thuốc sử dụng trung bình từ 2,5-3 kg/ha/vụ, thấp hơn so với các tỉnh trong khu vực từ 1-1,5 kg/ha/vụ. Nguyên nhân do tỉnh Cà Mau chỉ sản xuất 2 vụ lúa trong năm, còn lại các tỉnh trong khu vực sản xuất từ 6-7 vụ lúa trong 2 năm. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc BVTV của người dân vẫn còn nhiều bất cập khi chưa tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” là: Đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và đúng cách.

Kỹ sư Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, lo ngại, việc lạm dụng thuốc BVTV hiện nay đang trở nên đáng báo động, nhiều bà con nông dân vẫn có tâm lý phun thuốc BVTV khi sâu bệnh chưa đến ngưỡng phòng trừ để phòng ngừa sâu bệnh, nhất là sử dụng thuốc BVTV chưa tuân thủ theo khuyến cáo của nhà sản xuất hay cơ quan chuyên môn, tự ý tăng liều lượng hay phối trộn nhiều loại thuốc trong cùng một lần phun xịt. Đây chính là tác nhân gây hại đến các loại côn trùng có lợi, khiến sâu bệnh phát mạnh; gây ô nhiễm môi trường đất, nước, gia tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Điều đặc biệt nguy hiểm hơn là, một số nông dân chưa có ý thức cao trong việc lựa chọn sản phẩm phù hợp; sử dụng các loại thuốc ngoài danh mục sử dụng; chưa tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất về thời gian cách ly của thuốc được in trên bao bì sản phẩm, phun thuốc gần ngày thu hoạch dẫn đến không bảo đảm an toàn chất lượng nông sản sau thu hoạch.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay trà lúa hè thu đang bước vào vụ thu hoạch, nhưng do thời tiết mưa dầm, lúa chậm chín. Lo sợ kéo dài thời gian thu hoạch, mưa nhiều, khi gặp dông lốc làm lúa đổ ngã thì tiếp tục gây thêm nhiều thiệt hại, một số bà con nông dân dùng thuốc khai hoang để diệt cỏ, pha trộn với thuốc dưỡng hạt phun xịt để lúa nhanh chín và khi gặp mưa nhiều sẽ hạn chế được tình trạng lên mọng. Cách làm này không có khuyến cáo, bởi phun thuốc gần ngày thu hoạch, thời gian cách ly của thuốc không đảm bảo, nhất là phối trộn nhiều loại thuốc cho một lần phun dẫn đến không bảo đảm an toàn chất lượng nông sản.

Đang thực hiện công việc phun xịt thuốc cho gần 1,4 ha lúa hè thu đang gần ngày thu hoạch, anh P.T.T, một nông dân xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, giải thích: “Do mưa nhiều, tuy hạt lúa đã chín vàng tới nách bông nhưng lá gai của bông lúa vẫn còn xanh. Để làm cho lá lúa nhanh vàng, một số bà con sử dụng thuốc diệt cỏ để phun xịt, vì lo sợ để lâu, mưa dông làm lúa đổ ngã gây thêm thiệt hại. Thêm nữa, hiện nay thương lái ra tận đồng xem lúa để ra giá, khi nào lúa chín vàng họ mới đồng ý cho thu hoạch”.

Điều đáng nói, đây không phải là cách làm hiệu quả. Trước đó, tình trạng này cũng đã xảy ra tại xã Khánh Bình Tây và Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, và khi doanh nghiệp thu mua, đem xuất khẩu thì bị nhà nhập khẩu trả về do có dư lương thuốc BVTV.

 

 

Ngành chức năng sớm ban hành hướng dẫn về lượng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với lượng nước phun cho Drone.

Việc sử dụng thuốc BVTV phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình, kỹ thuật sẽ bảo vệ tốt mùa màng, làm tăng năng suất và chất lượng nông sản, đem lại lợi nhuận cao cho người dân. Tuy nhiên, nếu lạm dụng, thuốc BVTV cũng như “con dao hai lưỡi” gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khoẻ con người, đến cây trồng, ô nhiễm môi trường và gây mất cân bằng sinh thái.

Theo đó, người dân cần thực hiện tốt nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc BVTV; đặc biệt tuân thủ thời gian cách ly khi sử dụng thuốc BVTV để sản phẩm lúa gạo đảm bảo an toàn, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm trong thời gian tới.

Ngành chức năng cần năng cường công tác quản lý sử dụng Drone phun thuốc. Đặc biệt, việc phun thuốc BVTV bằng Drone vào giai đoạn lúa sau trổ phải giảm lượng thuốc, phù hợp với lượng nước phun cho Drone, nhằm hạn chế dư lượng thuốc BVTV trên lúa gạo./.

Trung Đỉnh

 

Hậu Giang: Khuyến cáo người dân tăng cường trồng rau màu trong nhà lưới vào mùa mưa

 

Nguồn tin: Báo Hậu Giang

Trước tình hình mưa dầm kèm theo giông lốc như hiện nay, để giảm thiệt hại về năng suất rau màu khi gặp mưa lớn làm dập lá và gây đổ ngã, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang khuyến cáo nông dân cần tăng cường trồng rau màu, nhất là rau ăn lá trong nhà lưới. Ngoài ra, với việc thực hiện giải pháp trên còn giúp người dân giảm chi phí sản xuất do không cần phun thuốc bảo vệ thực vật trong phòng, ngừa sinh vật gây hại cho rau màu, đồng thời tạo ra sản phẩm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Bên cạnh việc tăng cường trồng rau màu trong nhà lưới thì trước khi xuống giống, nông dân cần lên liếp cao ráo và kết hợp với đánh rãnh sâu thoát nước để đề phòng khi có mưa dầm và triều cường dâng cao gây ngập úng tại những vùng trũng thấp.

Qua rà soát mới đây của ngành nông nghiệp tỉnh, từ đầu năm đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được gần 28.000ha rau màu, trong đó rau ăn trái và rau ăn lá các loại là 25.493ha, cây bắp 2.016ha, cây có chất bột là 430ha. Hiện bà con đã thu hoạch được hơn 23.300ha, ước năng suất trung bình đạt 12,5 tấn/ha, diện tích còn lại đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, để đảm bảo rau màu đạt năng suất tốt khi thu hoạch, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân cần quan tâm phòng, trị tốt một số dịch hại trong lúc này, như: bệnh thán thư, bệnh sương mai, sâu ăn tạp, bọ nhảy, bọ trĩ, sâu khoan, ruồi đục trái... Riêng cây bắp cần chú ý sâu đục thân và sâu đục trái gây hại giai đoạn cây mang trái.

HỮU PHƯỚC

 

Ra mắt câu lạc bộ Organic Kiên Giang

 

Nguồn tin:  Báo Kiên Giang

Sáng 29-9, Trung tâm Hỗ trợ Nông dân và Giáo dục nghề nghiệp tỉnh Kiên Giang tổ chức ra mắt câu lạc bộ Organic Kiên Giang. Câu lạc bộ có 58 thành viên, do ông Đinh Văn Trọng làm chủ nhiệm.

 

 

Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy Kiên Giang Tống Phước Trường trao quyết định công nhận thành viên câu lạc bộ Organic Kiên Giang cho các cá nhân.

Câu lạc bộ Organic Kiên Giang là tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyện của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chi tổ hội nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, hội viên, nông dân...

Lĩnh vực hoạt động là tư vấn, hỗ trợ quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, phát triển các loại hình kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật; kết nối cung cầu, tiếp cận nguồn vốn, mời gọi đầu tư, xúc tiến thương mại; tư vấn, hỗ trợ, cung ứng vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Câu lạc bộ Organic Kiên Giang ra đời với mục tiêu tạo dựng một cộng đồng cùng chung tay, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về canh tác lúa hữu cơ.

Trụ sở làm việc của câu lạc bộ Organic Kiên Giang đặt tại số 213 Lê Hồng Phong, phường An Hòa, TP. Rạch Giá (Kiên Giang).

Tin và ảnh: ĐẶNG LINH

 

Bến Tre: Giồng Trôm tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu

 

Nguồn tin:  Báo Đồng Khởi

Qua 4 năm thực hiện Chương trình số 05-CTr/HU ngày 3-9-2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy Giồng Trôm về phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng tổ chức lại sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020 - 2025, bước đầu đã đạt một số kết quả quan trọng.

 

 

Thu mua dừa xuất khẩu ở huyện Giồng Trôm. Ảnh: Diệu Hiền

Phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp

Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản ước đến cuối năm 2024 đạt 3.422 tỷ đồng, đạt 97,08% so với Nghị quyết nhiệm kỳ và ước đến cuối năm 2025 giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản ước đạt 100% so với nghị quyết nhiệm kỳ. Tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP hoặc tương đương là 7,6/10%, đạt 76% kế hoạch và được liên kết là 8,65/15%, đạt 57,7% so với kế hoạch giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Quy mô đàn heo tham gia liên kết là 1.000 con, đạt 20,8% kế hoạch. Phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, có 17 HTX tham gia hoạt động chuỗi giá trị dừa, bưởi da xanh, đạt 212,5% kế hoạch, trong đó tỷ lệ HTX loại khá, tốt chiếm 80%.

Thực hiện tổ chức, sắp xếp lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với quy hoạch của địa phương. Tập trung phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực dừa, cây có múi, bò, heo, dê, gia cầm, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển từ diện tích trồng lúa, trồng cây ăn trái kém hiệu quả sang trồng dừa, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản trong mương vườn góp phần tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, giữ ổn định diện tích nuôi cá tra, tôm thẻ chân trắng thâm canh. Diện tích dừa ước đạt 20.560ha, tăng 2.780ha so với nhiệm kỳ trước. Diện tích dừa giai đoạn cho trái là 19.850ha, năng suất ước đạt 980 trái/ha/tháng, sản lượng ước đạt 175,08 triệu trái. Diện tích lúa gieo sạ trong năm 2024 ước đạt 670ha, đạt 67% so với nghị quyết; năng suất bình quân 4,6 tấn/ha/năm, sản lượng ước đạt 3.082 tấn. Diện tích cây ăn trái ước đạt 3.230ha; sản lượng ước đạt 24.000 tấn.

Huyện tập trung phát triển kinh tế hợp tác gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất tập trung. Toàn huyện hiện có 21 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp. Tiếp tục phối hợp làm cầu nối để liên kết các tác nhân trong chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh tại huyện; mời gọi, tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, từng bước hoàn thiện và củng cố liên kết theo hướng bền vững, hiệu quả. Đến nay, tỷ lệ sản phẩm thực hiện liên kết đạt khoảng 8,65%, đạt 57,7% kế hoạch. Phối hợp với các xã, thị trấn và các doanh nghiệp thực hiện khảo sát xây dựng mã số vùng trồng đối với dừa xiêm và dừa các loại, tạo các điều kiện phục vụ xuất khẩu. Đến nay, đã thực hiện kiểm tra thực tế sản xuất của 55 vùng trồng đăng ký xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc với 4.261,01ha của 6.623 hộ. Huyện xây dựng 2 vùng thí điểm sản xuất tập trung tại xã Châu Bình 300ha, liên kết với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới và xã Phước Long 300ha, liên kết với Công ty cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre.

Sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu

Thực hiện thi công hoàn thành 38 công trình nạo vét kênh; xây dựng 2 đập tạm ngăn mặn, trữ ngọt Châu Hòa và sửa chữa, lắp đặt khoảng 50 bửng cống tạm khu vực trong nội đồng, sửa chữa 5 cống đầu mối; đưa vào sử dụng công trình cầu - cống Châu Thới, xã Châu Hòa; cầu - cống Trung Nhuận, xã Châu Bình; nghiệm thu đưa vào sử dụng đê bao ngăn mặn ven sông Hàm Luông đoạn từ cống Cái Mít, xã Thạnh Phú Đông đến cống Cầu Kinh, xã Phước Long dài 4,3km; cống Thủ Cửu, xã Phước Long và Thạnh Phú Đông đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Đang triển khai dự án xây dựng tuyến đê bao chống ngập, kiểm soát mặn, trữ ngọt kết hợp đường giao thông xã Hưng Phong, với tổng chiều dài 9,6km, tổng kinh phí là 286 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành thi công trong tháng 3-2025 và đê bao ngăn mặn ven sông Hàm Luông, đoạn từ cống Sơn Đốc 2, xã Hưng Lễ đến cống Bao Ngạn, xã Thạnh Phú Đông với tổng chiều dài 3,6km, tổng kinh phí đầu tư 79,9 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành thi công trong năm 2024.

Huyện phối hợp với các ngành có liên quan tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao nhận thức của nông dân theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cường áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), hữu cơ trên các sản phẩm như dừa uống nước, dừa công nghiệp, bưởi da xanh... nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và doanh nghiệp, tăng hiệu quả sử dụng đất trên cùng một diện tích canh tác.

Đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, ưu tiên đối với những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, liên kết theo chuỗi giá trị; đặc biệt là tiếp tục xây dựng mã số vùng trồng để hợp tác các tổ chức, doanh nghiệp xuất khẩu trái dừa tươi sang thị trường các nước; ứng dụng khoa học công nghệ vào trong quá trình sản xuất, canh tác, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất sạch, tiết kiệm, an toàn. Tăng cường hướng dẫn hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng, thương hiệu sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ chứng nhận hữu cơ, GAP, nhằm mở rộng nguyên liệu an toàn, phục vụ nhu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các công trình giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi nội đồng. Mời gọi xây dựng các nhà máy cấp nước sạch nông thôn, công trình phòng chống thiên tai, công trình phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.

Huyện đang tập trung tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, từng lúc rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu dân cư tập trung, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh, tập trung phù hợp với lợi thế của từng địa phương. Triển khai thực hiện đầy đủ, có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh; tham gia tích cực vào chuỗi giá trị sản phẩm, liên kết sản xuất tạo sản phẩm sạch, an toàn.

Hoàng Lam

 

Thúc đẩy ứng dụng Drone trong bảo vệ thực vật

 

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

Thiết bị bay không người lái (UAV/Drone) không chỉ là một bước tiến về mặt công nghệ giúp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguyên liệu đầu vào mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, đây cũng là giải pháp giúp nông dân chuyển đổi dần sang thói quen và phương thức canh tác thông minh, bền vững hơn.

Đầu năm 2023, Cục BVTV đã công bố ban hành Tiêu chuẩn cơ sở TCCS 830:2022/BVTV về "Khảo nghiệm trên đồng ruộng thuốc BVTV phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng bằng Drone". Đây được coi là cơ sở pháp lý và kỹ thuật quan trọng cho các tổ chức thực hiện khảo nghiệm phát triển quy trình và sử dụng Drone để phun thuốc, đồng thời tạo động lực thúc đẩy cho việc nhân rộng áp dụng các công nghệ phun thuốc mới tại Việt Nam.

Từ đó, việc sử dụng thuốc BVTV được nâng cao hiệu quả, an toàn cho người nông dân, gia tăng năng suất và chất lượng cây trồng.

Hôm nay (27/9), Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT phối hợp cùng với Hiệp hội CropLife Việt Nam và Công ty Cổ phần thiết bị bay AgriDrone Việt Nam tổ chức khoá tập huấn Vận hành phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái (UAV/Drone) cho cán bộ khảo nghiệm thuốc BVTV trong nước.

Đây là chương trình tập huấn và cấp chứng nhận chính thức được tổ chức lần đầu tiên dành cho các cán bộ thực hiện khảo nghiệm thuốc BVTV với mục tiêu cập nhật quy định mới về khảo nghiệm thuốc BVTV bằng Drone, cung cấp kiến thức cơ bản về nguyên lý hoạt động của các thiết bị bay trong canh tác nông nghiệp, đồng thời hướng dẫn vận hành thiết bị bay để phun thuốc BVTV trong thực tế.

Hơn 30 cán bộ khảo nghiệm thuốc từ 14 tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm trên cả nước đã tham gia khoá tập huấn. Các cán bộ được tập huấn về lý thuyết (các nguyên lý vận hành của các thiết bị Drone phổ biến và các hướng dẫn về an toàn khi phun thuốc BVTV bằng Drone) và thực hành điều khiển thiết bị bay theo sơ đồ bố trí khảo nghiệm tại ruộng lúa thuộc xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Chương trình đào tạo có sự tham gia tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật của Công ty Cổ phần thiết bị bay AgriDrone Việt Nam, cán bộ quản lý thuộc Cục BVTV và chuyên gia kỹ thuật từ Hiệp hội CropLife Việt Nam.

So sánh với phương pháp phun thủ công (bằng bình đeo vai), phun thuốc bằng Drone giúp giảm tới hơn 90% lượng nước sử dụng, giảm chi phí khoảng 50% trong khi vẫn đảm bảo hiệu lực phòng trừ tương đương (thậm chí cao hơn) và tốc độ phun nhanh hơn 30 lần . Mức độ an toàn cho người vận hành và nhu cầu về nhân công được cải thiện đáng kể.

Hiện nay, Drone được ứng dụng trong nông nghiệp tại nhiều nước trên thế giới, một số ứng dụng phổ biến bao gồm lập bản đồ, kiểm tra và theo dõi mùa vụ, phun thuốc BVTV, giám sát tưới tiêu và chăn thả gia súc.

Chương trình tập huấn lần này là hoạt động hợp tác tiếp theo giữa Cục BVTV, CropLife Việt Nam cùng các đối tác nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ được cấp chứng nhận về vận hành phun thuốc bằng thiết bị Drone để từ đó phổ biến công nghệ này cho người nông dân cũng như tạo tiền đề để hoàn thiện các quy trình vận hành Drone chuẩn trong phun thuốc BVTV trong thời gian tới.

 

 

Tập huấn Vận hành phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái (UAV/Drone) tại Hà Nội - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Ông Đặng Văn Bảo Chủ tịch CropLife Việt Nam cho biết "Drone là phương thức canh tác thông minh, bền vững hơn – phù hợp với định hướng hiện tại về thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao của Chính phủ và Bộ NN&PTNT. Cũng giống mọi công cụ và giải pháp nông nghiệp khác, việc sử dụng Drone đều cần tuân theo các quy định về sử dụng thuốc BVTV hiện hành cũng như quy chuẩn về an toàn nhất định".

Với hoạt động tập huấn lần này cùng những hoạt động trong thời gian tới, CropLife Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp cùng Cục BVTV và các đối tác để xây dựng các hướng dẫn vận hành chuẩn và kiện toàn quy trình đăng ký để phát huy được hiệu quả và lợi ích cao nhất của công nghệ này cho nông dân.

Khoá tập huấn này nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác Khung Quản lý thuốc BVTV Bền vững (SPMF) năm đầu tiên giữa Cục BVTV và Hiệp hội CropLife Việt Nam nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong canh tác nông nghiệp. Hoạt động này tiếp tục thể hiện mục tiêu chung của các bên trong việc thúc đẩy ứng dụng các cải tiến mới nhằm đẩy mạnh sản xuất và đảm bảo an ninh lương thực.

Tại sự kiện, Cục BVTV và CropLife Việt Nam cũng công bố tài liệu kỹ thuật về Hướng dẫn an toàn khi phun thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái do hai bên phối hợp triển khai nhằm tuyên truyền và hướng dẫn các nguyên tắc và lưu ý an toàn khi áp dụng Drone để phun thuốc BVTV.

Đỗ Hương

 

Hoàn thiện kỹ thuật nuôi lợn từ thức ăn có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên để nhân rộng

 

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên

Cơ quan chuyên môn đánh giá, mô hình thử nghiệm nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên được triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã cho kết quả khả quan, cần nhân rộng. Đây là thành quả bước đầu mà đề tài khoa học do nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học của Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) mang lại.

 

 

Lợn đen bản địa được nuôi thử nghiệm bằng thức ăn có bổ sung nguyên liệu chè xanh. Ảnh: Q.T

Đầu tháng 4 năm nay, cơ quan chuyên môn đã tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện mô hình sử dụng thức ăn cho lợn có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên. Thực tế đánh giá tại mô hình thử nghiệm (gồm 4 ô chuồng nuôi thí nghiệm với 9 con lợn đen bản địa/ô chuồng tại gia đình ông Dương Quốc Hải, xã Thịnh Đức, TP. Thái Nguyên) cho thấy kết quả bước đầu khả quan. Thức ăn cho lợn gồm cám gạo, ngô, đỗ… qua ủ men kết hợp với bột trà xanh của Thái Nguyên.

Các nhà khoa học đánh giá, sau khoảng 4 tháng thử nghiệm cho thấy lợn sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, có sức đề kháng cao hơn lợn nuôi thông thường. Thức ăn có bột trà xanh Thái Nguyên giúp lợn có khả năng miễn dịch tốt, giảm các loại bệnh thường gặp về đường ruột và làm tăng chất lượng thịt.

Đến tháng 6 vừa qua, sau chu kỳ nuôi thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá và tiếp tục khẳng định: Lợn nuôi từ thức ăn có bổ sung nguyên liệu chè xanh cho tỷ lệ thịt, nhất là thịt nạc, tăng, độ dày mỡ lưng giảm, khả năng giữ nước của cơ, tỷ lệ protein trong thịt tăng, không phát hiện tồn dư kháng sinh và hormone sinh trưởng…

Với lợi thế là địa phương có thế mạnh về cây chè, nên việc khẳng định thức ăn cho lợn có bổ sung từ nguyên liệu chè xanh giúp nâng cao chất lượng thịt lợn, được tỉnh đặc biệt quan tâm. Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cùng Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã tiến hành khảo sát thêm một số địa điểm phù hợp có thể tiếp tục thử nghiệm nuôi lợn theo phương thức trên. Các cơ quan đã khảo sát tại trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Dũng Tân (TP. Phổ Yên) và nhận thấy, đơn vị này có thể phát triển thành mô hình trang trại với 15 chuồng nuôi đảm bảo tiêu chuẩn...

Trước kết quả khả quan trên, sau khi xem xét báo cáo đề xuất của Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản chỉ đạo. Trước tiên giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, tiếp tục phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn về quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên cho các hộ đã đăng ký nuôi thử nghiệm. Từ đó tổng kết đánh giá và bổ sung căn cứ để hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăn nuôi. Ngoài ra, phối hợp chặt chẽ với Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm thịt lợn nói trên theo quy định. Mặt khác, trên cơ sở chi phí đầu vào và quy trình, kỹ thuật chăn nuôi, tính toán, dự kiến giá thành sản phẩm thịt lợn được nuôi theo phương pháp này, báo cáo UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp kết nối, làm việc cụ thể với Tập đoàn Flamingo và các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị trong và ngoài tỉnh để đăng ký tiêu thụ sản phẩm thịt lợn được nuôi từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương trong tỉnh lựa chọn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ chăn nuôi có nhu cầu và đủ điều kiện tham gia thử nghiệm mô hình này. Đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng mô hình trong thời gian tới và những năm tiếp theo. Yêu cầu các địa phương phải chủ động thúc đẩy triển khai mô hình theo hướng lồng ghép, có cơ chế hỗ trợ đối với hộ chăn nuôi tham gia thử nghiệm theo quy định.

Nguyễn San

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop