Đà Lạt: 150 ha dâu tây được áp dụng công nghệ cao trong canh tác
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Thông tin từ UBND TP Đà Lạt cho biết, trên địa bàn thành phố hiện đang có khoảng 170 ha diện tích cây dâu tây, trong đó có 150 ha được áp dụng các giải pháp công nghệ cao như: sử dụng giống mới, canh tác trong nhà kính, tưới nước và bón phân qua hệ thống tưới nhỏ giọt.
Việc ứng dụng công nghệ cao trong canh tác dâu tây đã mang lại những kết quả tốt với giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân của dâu tây công nghệ cao đạt mức 3 đến 4 tỷ đồng/ha/năm.
Đây không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân mà còn có tác động tích cực đến môi trường và chất lượng sản phẩm đặc sản của Đà Lạt.
NGUYỄN NGHĨA
Thấp thỏm... sầu riêng
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) có nhiều điều kiện để phát triển cây ăn trái, trong đó sầu riêng là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong những năm qua. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều vườn sầu riêng trên địa bàn huyện đang xanh tốt bỗng xuất hiện tình trạng vàng, rụng lá, khô cành và chết không rõ nguyên nhân. Điều đáng nói, dù đã tìm mọi cách để cứu chữa, tuy nhiên tình trạng cây sầu riêng chết vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến nhiều hộ dân lo lắng.
SẦU RIÊNG CHẾT HÀNG LOẠT
Hơn 2 tháng trở lại đây, vườn sầu riêng 7 năm tuổi, rộng gần 4 ha của gia đình anh Vũ Xuân Hợp ở thôn 5, xã Đường 10, huyện Bù Đăng xuất hiện tình trạng lá bị vàng, héo, rễ cây bị thâm xanh, thân xì mủ, cây suy kiệt nhanh và thiếu sức sống. Dù đã tìm mọi cách cứu chữa nhưng có khoảng 60 cây bị chết và ảnh hưởng. Điều đáng nói là quy trình tưới, chăm sóc vườn cây của gia đình anh lâu nay không có gì thay đổi.
Anh Hợp cho biết, nếu tính số thiệt hại thì nhiều lắm, với 60 cây bị chết và ảnh hưởng, thiệt hại trong niên vụ này khoảng 6 tấn trái. Với giá sầu riêng trung bình 70 ngàn đồng/kg, thiệt hại tạm tính gần 400 triệu đồng. Đó là chưa kể để trồng được một cây sầu riêng đến khi thu hoạch gia đình đã phải đầu tư hàng chục triệu đồng. “Nhìn cây sầu riêng do mình chăm sóc bị chết xót xa lắm. Gia đình đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng mới có được vườn sầu riêng như hiện nay. Năm nay sầu riêng bắt đầu cho thu chính, chưa gỡ được gì thì vườn cây đang bị chết dần” - anh Hợp cho hay.
Cách đó không xa, anh Đặng Văn Thái đang phải cưa bỏ từng cây của vườn sầu riêng đã mang lại bạc tỷ mỗi năm cho gia đình anh. Bắt đầu từ những nhánh nhỏ, đến nhánh lớn và cuối cùng cắt luôn thân cây. Anh Thái cho biết: Với 2 ha sầu riêng 10 năm tuổi trồng xen trong vườn cà phê, niên vụ trước gia đình thu về khoảng 1 tỷ đồng sau khi trừ chi phí. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng trở lại đây, cây sầu riêng trong vườn bỗng dưng chết hàng loạt. Ban đầu chỉ 1-2 cây, đến nay số cây chết đã lên tới 34, 20 cây bị nhiễm bệnh làm ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của gia đình. “Năm trước, một cây sầu riêng như vậy cho thu khoảng 40 triệu đồng, bằng thu nhập cả 1 ha điều. Giờ thấy cây chết phải cưa bỏ làm củi mà xót xa quá. Vợ tôi không dám ra thăm vườn vì tiếc của” - anh Thái chia sẻ.
Ông Đào Văn Long, Phó Chủ tịch UBND xã Đường 10 cho biết, năm 2023 trên địa bàn xã có hơn 150 hộ trồng sầu riêng, với diện tích khoảng 200 ha. Con số này có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây vì sầu riêng đang là cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Trước tình trạng sầu riêng chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân khiến nhiều hộ dân lo lắng, chính quyền địa phương đã vận động người dân tiêu hủy cây sầu riêng bị chết để tránh lây lan diện rộng, đồng thời phối hợp với ngành nông nghiệp huyện kiểm tra, tìm nguyên nhân để kịp thời hỗ trợ người dân.
TỰ ĐIỀU TRỊ CHƯA KHOA HỌC
Trước tình trạng sầu riêng chết hàng loạt, chính quyền huyện Bù Đăng phối hợp với UBND xã đã kiểm tra và làm rõ nguyên nhân là do bị ảnh hưởng bởi nhiều loại nấm bệnh. Nấm bệnh này do vườn sầu riêng được người dân trồng xen với điều, tiêu, cà phê. Bên cạnh đó, thời gian qua, Bình Phước nắng hạn kéo dài, trong khi cây sầu riêng chịu hạn kém, thiếu nước tưới khiến cây suy yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển. Mặt khác, bệnh đốm rong đã phát triển trên cành, lá, nhưng trong giai đoạn nuôi trái nông dân hạn chế chữa trị gây ảnh hưởng đến khả năng quang hợp và tổng hợp dinh dưỡng, do vậy càng tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển nhanh.
Việc “nuông chiều” cây bằng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật khiến sức đề kháng của cây bị suy giảm
Nguyên nhân dẫn đến sầu riêng bị bệnh và chết hàng loạt đã được chỉ ra cho thấy, nhiều người chưa nắm vững quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng nên khi thấy cây bị bệnh, chỉ tìm cách chữa trị theo kiểu “đau đâu trị đó” dẫn đến tốn kém thời gian, công sức và tiền của. Mặt khác, thời gian qua sầu riêng giá cao, người trồng đã lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để nâng cao năng suất nhằm tăng thu nhập.
Chỉ 2 ha sầu riêng khoảng 10 năm tuổi, mỗi năm gia đình anh Đặng Văn Thái đã phải đầu tư hơn 260 triệu đồng tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Anh Thái cho biết, từ đầu vụ tới nay anh đã xịt khoảng 500 phuy thuốc bảo vệ thực vật, thuốc dưỡng cây, đậu quả. Bình thường mỗi tuần xịt thuốc 1 lần, từ khi phát hiện cây bị bệnh, tần suất xịt tăng lên 2-3 lần.
Xịt thuốc thôi chưa đủ, từ ngày phát hiện cây sầu riêng bị bệnh, anh Vũ Xuân Hợp còn hòa từng xô thuốc bảo vệ thực vật với nước đổ trực tiếp lên gốc sầu riêng để điều trị. Anh Hợp cho biết: Với 4 ha sầu riêng 7 năm tuổi, trung bình mỗi năm gia đình đầu tư hơn 700 triệu đồng tiền phân bón và thuốc. Năm nay do cây nhiễm bệnh, gia đình đã chi hơn 300 triệu đồng mua thuốc để cứu cây. Các loại thuốc được gia đình sử dụng chủ yếu điều trị nhện đỏ, bọ hút chích và các loại nấm gây hại cây. Không chỉ xịt hằng ngày, tôi còn thường xuyên thay đổi các loại thuốc để tránh sâu bệnh kháng thuốc.
ĐỒNG HÀNH VỚI NÔNG DÂN
Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu chung là phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người sản xuất và năng lực cạnh tranh của sản phẩm; xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn gắn với nhu cầu thị trường.
Trước tình trạng sầu riêng chết hàng loạt, ngành nông nghiệp huyện Bù Đăng khuyến cáo người dân ngoài xác định nguồn gốc đất trước khi trồng, cần sử dụng nguồn nước tưới tiêu đảm bảo, áp dụng kỹ thuật canh tác phù hợp. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra vườn để phát hiện sớm sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng phối hợp với Công ty cổ phần Phát triển công nghệ sinh học tổ chức tập huấn phòng trừ sâu bệnh hại và quy trình canh tác cây sầu riêng Dona cho gần 200 hội viên nông dân. Tham gia buổi tập huấn, ngoài được kỹ sư tận tình hướng dẫn cách phòng trừ các loại sâu bệnh hại, người dân còn được chuyển giao quy trình canh tác cây sầu riêng từ giai đoạn kiến thiết đến nuôi bông, nuôi quả, thu hoạch và sau thu hoạch; quy trình quản lý cây bằng mã số.
Đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đăng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn cho cán bộ khuyến nông, trưởng các khu phố, thôn để đồng hành với nông dân trong trồng và chăm sóc cây sầu riêng đúng kỹ thuật, theo hướng an toàn và bền vững.
Xuân Túc
Tưới tiết kiệm cho sầu riêng vùng xa
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Liêng S'rônh - xã vùng sâu của huyện xa Đam Rông (tỉnh Lâm Đồng) vừa trải qua những ngày nắng nóng khốc liệt kéo dài. Cây sầu riêng, thứ cây ăn trái cho quả vàng đòi hỏi nước tưới thường xuyên cũng đã trải qua giai đoạn nhiều tháng không mưa. Nhưng với sự thay đổi trong tư duy sản xuất của người nông dân, việc áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm đã giúp cây sầu riêng vượt qua giai đoạn khô hạn với lượng nước tiết kiệm và giảm cả chi phí lao động.
Anh Đào Duy Linh tưới phân bón lá cho sầu riêng
Anh Đào Duy Linh, xã Liêng S'rônh là một trong những nông dân có diện tích sầu riêng lớn. Anh chọn trồng giống sầu riêng Musang King, với tiêu chí trồng thuần trên diện tích 4 ha. Anh Linh cho biết, cây sầu riêng là giống cần nước, vào mùa khô, nông dân phải tưới 2-3 lần mỗi tuần mới đảm bảo nhu cầu nước của cây. Vùng Liêng S'rônh đất dốc, việc kéo ống, tưới dí vừa tốn nước, vừa tốn công lao động.
Vì vậy, học hỏi nông dân xung quanh, anh Đào Duy Linh đã đầu tư 150 triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới tự động. Tận dụng địa thế đất dốc, anh đã đào hồ chứa nước, lắp đặt ống chạy xuôi tới từng gốc sầu riêng. Mỗi khi tưới, anh chỉ cần mở van, nước sẽ xuống từng gốc sầu riêng nhẹ nhàng. Không chỉ tưới nước, hệ thống còn sử dụng để bón phân cho sầu riêng hết sức tiết kiệm. Anh Linh chia sẻ: “Trước đây, việc tưới nước cho vườn khá vất vả, bốn ha sầu riêng cần tới 2-3 người kéo ống, tưới cả ngày mới xong. Từ khi đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, tôi chỉ cần mở van là có nước tưới. Nước chảy trực tiếp vào từng gốc nên hao hụt rất ít. Tính ra, nhà tôi tiết kiệm được 50% lượng nước và 30% lượng phân bón. Về công lao động cũng giảm nhiều, nói chung là giảm chi phí so với tưới thường là rất nhiều, trồng sầu riêng khoẻ hẳn”.
Không chỉ hộ anh Đào Duy Linh, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Liêng S'rônh cũng đã áp dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất. Chị Kơ Liêng Ka Sràng là hộ nông dân đầu tiên trong xã lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho vườn sầu riêng 500 cây của gia đình. Chị Ka Sràng là điển hình cho nông hộ áp dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm với chi phí nhỏ. Theo chị Sràng, tận dụng nguồn nước từ núi chảy xuống vườn tự nhiên, chị mua ống, tự lắp đặt hệ thống tưới tới từng gốc cây. Cây sầu riêng đủ nước, đủ phân bón đơm hoa kết trái rất tốt. Vụ sầu riêng 2023, chị thu được 1,5 tấn trái bói. Vụ sầu riêng 2023, được chăm bón tốt, chị hi vọng vườn sẽ thu được 10-15 tấn trái, mang lại một khoản thu nhập tốt cho gia đình. Chị Sràng cũng cho biết thêm, không chỉ giảm chi phí kéo ống, chi phí dầu tưới, tưới tiết kiệm còn giúp cây sầu riêng hấp thụ nước được hết, không lãng phí. Chị chia sẻ, nông dân vùng Liêng S'rônh học hỏi lẫn nhau, hộ nào cũng áp dụng tưới tiết kiệm để giảm chi phí.
Chị Kơ Liêng K’Rim - Chủ tịch Hội Nông dân xã Liêng S'rônh, huyện Đam Rông chia sẻ, nông dân vùng sâu giờ cũng đã có ý thức trong việc ứng dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm. Ở nhiều vùng, với lợi thế có những nguồn nước tự nhiên, bà con đã dẫn nước từ trên núi, theo các đường ống về tận vườn. Chỉ cần mở van là có nước tưới, không tốn điện để vận hành. Còn những hộ không có nguồn nước chảy tự nhiên, các nhà vườn đào hồ chứa, lắp hệ thống tưới phun bằng điện.
Toàn xã Liêng S'rônh hiện có 800 ha sầu riêng, trong đó 50% diện tích đã áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Những nhà vườn chưa áp dụng cũng đã có hướng đầu tư để thay đổi cách tưới truyền thống. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, năng suất sầu riêng của xã tăng lên đáng kể, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao. Cùng với giá của loại trái cây này ổn định trong vài năm qua đã giúp đời sống của bà con tăng lên đáng kể. Chị K’Rim cho biết: “Tưới tiết kiệm sẽ là mục tiêu của chúng tôi để ứng phó với biến đổi khí hậu. Xưa nay, bà con vẫn nghĩ nước là của tự nhiên, nông dân sử dụng thoải mái. Nay qua các phương tiện thông tin, báo, đài đưa tin, bà con đã biết nước là nguồn tài nguyên rất quý, phải sử dụng tiết kiệm. Vì vậy, ngoài việc giảm chi phí dầu tưới, công lao động, giảm vất vả cho người nông dân, tiết kiệm nước cũng được bà con Liêng S'rônh chú trọng”. Chị K’Rim cũng cho biết, ngành Nông nghiệp cũng như Hội Nông dân đang xây dựng thêm những mô hình tưới tiết kiệm, giúp bà con trồng sầu riêng, trồng cây ăn trái, trồng dâu ứng dụng vào sản xuất thực tế, giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên nước quý giá.
DIỆP QUỲNH
Việt Nam có thể cung cấp sản lượng sầu riêng quanh năm
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sầu riêng được trồng nhiều tại các nước Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam có lợi thế là có thể cung cấp sản lượng sầu riêng hầu như quanh năm so với các nước khác chỉ cung cấp vào một khoảng thời gian nhất định.
Cả nước hiện nay có hơn 110.000ha trồng sầu riêng, sản lượng khoảng trên 1 triệu tấn, tăng khoảng 30% so với năm 2021. Diện tích chủ yếu tại Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Nai, Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông và Lâm Đồng. Các giống sầu riêng trồng chủ yếu là ri 6, dona và một số ít giống 9 Hóa. Nhờ kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ Việt Nam cung cấp sầu riêng hầu như quanh năm trong khi các nước Thái Lan, Philippines mùa vụ từ tháng 4-9 hàng năm.
Tại Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có 4.383ha trồng sầu riêng, chiếm gần 11% diện tích cây ăn trái của tỉnh, sản lượng hàng năm là 44.872 tấn. Theo đó, tỷ lệ diện tích sầu riêng chính vụ 50%, rải vụ 50%.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định Việt Nam có ưu thế về xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, thị trường tiêu thụ loại trái này lớn nhất thế giới, khi mà chi phí vận chuyển logistics rẻ hơn và thời gian vận chuyển cũng ngắn hơn, chỉ khoảng 36 giờ vận chuyển đường bộ là đến chợ tại Trung Quốc. Song, hiệp hội cũng nhận định có nhiều thách thức trong việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này. Trong đó, có việc Việt Nam chưa có giống sầu riêng ưu việt, nổi trội để chiếm lĩnh thị trường. Sầu riêng của Việt Nam cũng chưa tạo được thương hiệu lớn quốc gia.
NGUYÊN KHANG
Trồng chuối cấy mô thu nhập 10 triệu đồng/tháng
Nguồn tin: Báo Long An
Thời gian qua, mô hình Trồng chuối cấy mô mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân tại xã Tân Bình, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Trong đó, ông Tôn Thọ Phát (ấp Bình Tây, xã Tân Bình) là một trong những người tiên phong và thành công với mô hình này.
Mô hình Trồng chuối cấy mô mang lại thu nhập ổn định cho ông Tôn Thọ Phát (ấp Bình Tây, xã Tân Bình, huyện Tân Trụ)
Năm 2020, sau nhiều năm trồng thanh long không hiệu quả, ông Phát mạnh dạn chuyển đổi sang trồng chuối cấy mô. Ông Phát cho biết, qua tìm hiểu trên sách, báo và các phương tiện truyền thông đại chúng, ông biết đến mô hình chuối cấy mô và quyết định mua giống về trồng thử. Sau khi trồng khoảng 1 năm, vườn chuối gần 1ha của ông bắt đầu cho thu hoạch. Nhờ năng suất cao lại bán được giá nên bình quân mỗi năm, ông Phát có thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Ông Phát chia sẻ: “Tùy thuộc vào độ to của quài chuối và độ khỏe của cây mà mỗi quài, tôi để bình quân từ 7-10 nải, nếu quài to thì để 10 nải còn nếu quài nhỏ, cây chuối yếu thì tôi chủ động cắt bỏ bớt để cây nuôi trái tốt hơn. Hiện nay, cứ cách khoảng 1 tháng, tôi thu hoạch chuối trái một lần, còn bắp chuối thì 2 ngày bẻ một lần. Thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/tháng, tùy giá cả thị trường. Tôi thấy mô hình trồng chuối này khá hiệu quả”.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình, huyện Tân Trụ - Nguyễn Minh Hiếu, đến nay, toàn xã phát triển được hơn 10ha chuối cấy mô. Loại chuối này có nhiều ưu điểm hơn so với giống chuối thường, đặc biệt là thích nghi tốt với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Loại chuối này ít đổ ngã, ít sâu, bệnh và năng suất vượt trội. Thời gian tới, địa phương phối hợp các cơ quan chuyên môn cấp huyện, tỉnh để liên kết, tìm đầu ra bền vững cho loại chuối này./.
Minh Tuệ
Liên kết để sản xuất cà phê bền vững
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Để phát triển cây cà phê bền vững, những năm qua nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã mở rộng liên kết vùng trồng với các nông hộ để trồng, sản xuất cà phê chất lượng cao, từ đó tăng thu nhập cho người dân tại địa phương.
Từ hiệu quả hoạt động của các HTX và mô hình liên kết sản xuất, việc phát triển các sản phẩm cà phê đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), 4C, Organic… trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều thuận lợi. Đến nay, toàn tỉnh có 10 HTX cà phê có sản phẩm được chứng nhận OCOP và nhiều HTX đạt được một số chứng nhận quốc tế khác. Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, các HTX đã chủ động liên kết cùng người dân, DN để mở rộng quy mô vùng trồng, tìm kiếm được thị trường tiêu thụ lớn.
Tiêu biểu như HTX Nông nghiệp, dịch vụ Công Bằng Ea Kiết (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) đã xây dựng được mối liên kết sản xuất có tính bền chặt, đạt hiệu quả cao. Cụ thể, hằng năm, HTX đã cung cấp hơn 700 tấn cà phê cho Công ty TNHH Dakman Việt Nam để sản xuất, chế biến cà phê theo tiêu chuẩn Fairtrade (FLO). Sản phẩm được DN bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường, mang lại lợi nhuận lớn cho HTX và nông dân.
Cà phê được người dân sơ chế kỹ lưỡng qua từng khâu sản xuất.
Từ 48 hộ góp vốn ban đầu, đến nay HTX có 97 thành viên và liên kết với 150 hộ dân sản xuất cà phê, phát triển vùng nguyên liệu 441 ha, trong đó có 161 ha được chứng nhận FLO, sản lượng đạt trên 5.000 tấn/năm (bao gồm cà phê chứng nhận, cà phê phân loại, cà phê bột).
Theo nguyên tắc của tiêu chuẩn FLO, các thành viên HTX trồng cà phê theo tiêu chuẩn này ngoài được bảo đảm giá bán ổn định còn được bên mua trích lại hơn 440 USD/tấn (lợi nhuận) nhằm tái đầu tư vào vườn cà phê, làm công tác an sinh xã hội...
Nhờ đó, nếu như thời điểm năm 2011, bình quân thu nhập của các thành viên HTX là 25 - 30 triệu đồng/ha, thì đến năm 2023 đã tăng lên hơn 50 triệu đồng/ha. Ngoài ra, HTX đã đầu tư xây dựng nhà kho, nhà xưởng, máy móc, thiết bị sản xuất chế biến cà phê honey, cà phê phân loại để cung cấp nguyên liệu cho các nhà rang xay.
Hay như HTX Nông nghiệp, dịch vụ Công Bằng Ea Tu (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) thành lập năm 2015 (tiền thân là tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững của Công ty TNHH Dakman Việt Nam), với 90% thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ khi mới thành lập, HTX đã tổ chức cho các thành viên, nông dân địa phương thay đổi tập quán canh tác, sản xuất sản phẩm đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, dán tem truy xuất nguồn gốc… để có thể bán sản phẩm với giá cao hơn. Đồng thời, liên kết với các DN xuất khẩu để từng bước hình thành chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu cho vùng cà phê tại xã Ea Tu.
Hiện HTX đang liên kết với gần 350 hộ dân trồng cà phê trên địa bàn xã Ea Tu, với tổng diện tích hơn 320 ha. HTX tổ chức sản xuất theo quy trình từ chăm sóc đến thu hái, sơ chế, chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan… đạt chứng nhận FLO cho bà con nông dân và được Công ty TNHH Dakman Việt Nam tiêu thụ phần lớn sản phẩm cà phê nhân, với giá ổn định và cao hơn so với thị trường từ 2 – 2,5 triệu đồng/tấn; lợi nhuận bình quân mỗi thành viên tăng từ 10 – 15 triệu đồng/năm so với những hộ không tham gia vào HTX.
Thông qua hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại, các sản phẩm của HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu đã được nhiều khách hàng trong nước và thế giới (như Hà Lan, Nhật Bản, Anh, Pháp…) biết đến và đặt mua. Khi thành viên HTX và thành viên liên kết đã dần thay đổi tư duy, nhận thức, trách nhiệm của mình trong việc sản xuất cà phê chất lượng cao gắn với chuỗi giá trị, HTX dần chuyển từ bán sản phẩm cà phê nhân sang chế biến cà phê bột.
Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu cho biết, tuy quy mô chế biến nhỏ, đang trong thời kỳ thử nghiệm nhưng sản phẩm cà phê bột của đơn vị được khách hàng đánh giá có chất lượng tốt và đang được tiêu thụ tại thị trường trong nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…
Nhờ những mô hình liên kết sản xuất như vậy đã giúp các thành viên HTX, nông dân trồng cà phê yên tâm đầu tư sản xuất, hạn chế tình trạng bị thương lái ép giá. Đồng thời, tạo đà để phát triển cà phê bền vững, nâng tầm giá trị cà phê trên địa bàn tỉnh.
Thùy Dung
Hiệu quả mô hình trồng ngô sinh khối
Nguồn tin: Báo Đắk Lắk
Thời gian qua, nông dân xã Phú Xuân (huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) đã đầu tư mở rộng vùng trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập.
Ngô sinh khối là loại ngô được thu hoạch cả cây (thân, lá, bắp) ở giai đoạn hạt ngô vừa đông sữa chuyển sang chín sáp, dùng để làm thức ăn cho gia súc. Thay vì mỗi vụ ngô lấy hạt kéo dài 90 - 120 ngày, thì với loại ngô sinh khối chỉ mất khoảng 75 - 90 ngày kể từ khi hạt nảy mầm.
Chị Trần Thị Phương (thôn 7) đang trồng 1,2 ha ngô sinh khối cho hay, bình quân mỗi vụ, 1 ha ngô sinh khối gia đình chị thu được khoảng 30 tấn sản phẩm. Với giá thu mua ổn định của thương lái là 1.200 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi hơn 15 triệu đồng/ha.
Anh Trần Văn An (thôn 6, xã Phú Xuân, huyện Krông Năng) chăm sóc vườn ngô sinh khối mới xuống giống.
Gia đình chị Nguyễn Thị Tâm (thôn 7) trồng 8 sào ngô sinh khối giống NK7328. Đây là giống mới, có ưu điểm cây to, bộ lá xanh bền, khả năng thích ứng tốt. Gia đình chị trồng ngô quanh năm để bán cho thương lái chuyên cung cấp ngô sinh khối cho các trang trại bò sữa. Vụ ngô này, gia đình chị thu được hơn 35 tấn, bán với giá 1.200 đồng/kg.
Chị Tâm cho biết: “Trước đây, chúng tôi cũng trồng ngô lấy hạt, mỗi năm chỉ được 1 - 2 vụ. Trồng xong phải bẻ, phơi khô, tách hạt rồi lại phơi, sau đó phải thuê nhân công chặt hết thân cây để trồng lại vụ mới, mất rất nhiều công đoạn mà giá bán lại không ổn định. Bây giờ, trồng ngô bán cả cây, thương lái đến tận vườn thu mua nên rất khỏe mà giá thu mua lại ổn định”.
Sau bốn mùa vụ, gia đình anh Trần Văn An (thôn 6) rất phấn khởi trước năng suất và hiệu quả kinh tế mà cây ngô mang lại. Gia đình anh đang duy trì giống ngô 7328 để trồng. Đây là giống ngô dễ trồng, ít phải bón phân, phun thuốc và đỡ tốn công chăm sóc, mà lại cho năng suất cao. “Tôi thấy trồng ngô sinh khối hiệu quả hơn so với những loại cây ngắn ngày khác. Nếu duy trì cách trồng hiện tại thì năng suất khoảng 40 - 50 tấn/ha sẽ không khó”, anh An vui vẻ nói.
Theo ông Lê Ký Sự, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Năng, trên địa bàn huyện hiện nay có gần 60 ha trồng ngô sinh khối, tập trung ở xã Phú Xuân. Trồng ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi cho hiệu quả cao hơn so với trồng ngô lấy hạt truyền thống do có thời gian thu hoạch ngắn, ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết, sâu bệnh, rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, nên đạt năng suất cao.
Quan trọng hơn nữa là toàn bộ sản lượng ngô sinh khối của người dân đều có đầu ra ổn định, được thương lái thu mua để bán cho các trang trại chăn nuôi bò sữa. Hiện nay, địa phương đang khuyến khích nông dân trên địa bàn huyện chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang mô hình trồng ngô sinh khối để góp phần cải thiện thu nhập.
Ngọc Thùy
Nông dân phải làm gì trước biến đổi khí hậu?
Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu
Thông thường vào thời điểm này trong năm, vườn quýt của dì Tư, một đồng hương của mẹ tôi đã trĩu quả, nhưng năm nay, hầu như không thu hoạch được gì.
"Nắng nóng cực đoan đã khiến vườn quýt bị duột bông 3 lần kể từ Tết đến nay, bất chấp mọi nỗ lực cứu vãn. Mỗi lần duột bông, vườn quýt phải mất 3 tháng sau mới hồi phục và bắt đầu một vụ mới”, dì Tư nói trong nước mắt.
“Duột bông”-là từ địa phương mà quê miền Trung hay dùng để chỉ tình trạng hoa rụng, quýt không thể kết trái.
Trang trại quýt của dì Tư ở huyện Xuyên Mộc, vùng đất có khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với việc trồng các loại cây ăn quả. Trước đây hơn 5ha đất được trồng tiêu, điều và dần được chuyển đổi sáng các loại cây ăn quả như mít, bưởi và bây giờ là quýt. Tuy nhiên, những biến động thời tiết bất thường đang khiến nhiều loại cây trồng ngày càng khó thích ứng.
Không chỉ quýt, thời tiết cực đoan và dịch bệnh còn ảnh hưởng đến một mặt hàng nông sản phổ biến khác là cà chua. Sáng đi chợ, chị Nga chuyên kinh doanh rau củ quả đã rất bối rối giải thích với tôi: “Cà chua nay mắc lắm em ơi, 50 ngàn đồng một ký, tăng gần gấp đôi so với vài tháng trước. Nguồn hàng khan hiếm, mỗi lần đi lấy mối tranh nhau dù giá tăng cao và chưa bao giờ có chuyện như vậy xảy ra”.
Thông tin từ các tiểu thương cũng cho hay, xu hướng sắp tới có thể còn tăng. Nguyên nhân là vì thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài khiến nhiều diện tích trồng rau củ quả bị bỏ hoang dẫn đến nguồn cung sụt giảm rất mạnh.
Câu chuyện của dì Tư hay chị bán rau đã cho thấy tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt trong năm nay, nắng nóng liên tục kéo dài, nhiệt độ tăng cao đã khiến cho nhiều nông sản giảm năng suất. Rõ ràng nông dân là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp khi cây trồng bị mất mùa, không có nguồn thu. Ở tầm rộng hơn sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia.
Trước những tác động của biến đổi khí hậu, nhiều nông dân đã thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, tìm kiếm các loại cây trồng phù hợp, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao. Tuy vậy, nông dân cũng không thoát khỏi cảnh ngậm ngùi khi đón nhận những thiệt hại nặng nề do thời tiết gây ra, đặc biệt là diễn biến thời tiết ngày càng bất thường và khó dự báo hơn trước.
“Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu” đang là thông điệp được nhắc đến trong nhiều năm trở lại đây, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến việc sản xuất nông nghiệp nhằm giảm thiểu tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra. Tuy nhiên, trong quá trình này, nông dân cũng rất cần có sự hỗ trợ để tăng năng lực thích ứng, tạo ra một nền nông nghiệp bền vững, hiệu quả.
LAM GIANG
Làm nông thời công nghệ: Bớt vất vả, nhẹ gánh lo
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Bắt nhịp các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nông dân trong tỉnh Hậu Giang đã thay đổi tư duy chuyển từ lao động chân tay sang dùng máy móc, giảm bớt gánh nặng trong sản xuất nhưng chi phí và hiệu quả tăng lên rất nhiều.
Anh Nguyễn Thanh Tùng, ở huyện Vị Thủy, phấn khởi vì rải phân, xịt thuốc giờ đều bằng máy bay không người lái.
Làm nông sướng lắm
“Làm nông bây giờ sướng lắm!” là chia sẻ của anh Nguyễn Thanh Tùng, ở huyện Vị Thủy, khi dẫn chúng tôi ra miếng ruộng dọc Quốc lộ 61C. Chỉ tay về phía cánh đồng 14 công lúa xanh tốt vừa xuống giống cách đây khoảng 1 tháng, anh Tùng cho hay, lát nữa sẽ có máy bay không người lái đến để rải phân cho ruộng. Từ ngày biết đến dịch vụ này, công việc làm ruộng của gia đình anh nhẹ nhàng hơn hẳn, anh không cần tiếp xúc với hóa chất, cũng không phải mang vác trên lưng những chiếc bình thuốc nặng trĩu. Nhất là thời tiết nắng nóng như hiện nay, thăm ruộng đã mệt nhoài, nói chi đến việc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” theo cách truyền thống ngày xưa.
“Rải phân, xịt thuốc bằng máy bay tôi thấy hiệu quả cao. Thứ nhất là phân thuốc đều khắp ruộng. Thứ hai, đỡ tốn tiền mướn nhân công, lợi nhiều thứ cho nông dân mình. Mình muốn xịt thuốc, rải phân thì chỉ cần hỏi giá, đồng ý thì người ta đến định vị rồi làm. Phân, thuốc mình chuẩn bị. Bay một công chỉ 16.000 đồng, trong khi làm bằng thủ công tới 27.000 đồng/công”, anh Tùng cho hay.
Theo lời anh Tùng, sử dụng dịch vụ máy bay không người lái, mỗi lần thực hiện, máy bay chỉ cần 2 người phụ trách. Nhà nào có điều kiện thì mua máy làm của, nhà nào ít nhu cầu hơn thì có thể liên hệ dịch vụ là được phục vụ ngay. Anh Tùng cho hay: “Nói chung giờ làm máy không hà. Nếu tới ngày thu hoạch thì chỉ cần cuốn sổ, cây viết với bao đựng lúa là đủ rồi. Một mình vẫn làm được. Ngày xưa cực lắm, còn bây giờ thoải mái, nông dân đứng trên bờ thôi. Mình rải một công bằng bao nhiêu ký phân thì máy định vị là rải cho mình, đều rang”.
Tại nhiều cánh đồng, vườn cây ăn trái trên địa bàn tỉnh, máy móc đã dần hiện diện, thay sức người trong những công việc vất vả, nặng nhọc, giải quyết “gọn lẹ” bài toán thiếu nhân công. Từ chuyện máy bơm điện, máy cày, máy xới đất, máy gặt đập liên hợp, máy xúc… Đó là chưa kể các hệ thống cảm biến thông minh. Sử dụng một chiếc điện thoại thông minh nông dân có thể nắm rõ tình hình, chất lượng nguồn nước, tình hình sâu bệnh, những thay đổi của thời tiết và chủ động đưa ra phương án xử lý. Chính vì vậy, người ta còn gọi thời điểm hiện nay là làm nông trên những cánh đồng không dấu chân.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cũng là cách mà các HTX trên địa bàn tỉnh đang thực hiện. Là một trong những đơn vị tham gia thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao, giờ đây, Hợp tác xã Dưa lưới Thuận Phát, ở huyện Phụng Hiệp, đã khẳng định lựa chọn của HTX cách đây vài năm là hoàn toàn chính xác. Gần 20 hộ sản xuất khoảng 4ha, nhẹ lo đầu ra cho 250-280 tấn trái/năm. Ông Võ Văn Trưng, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, việc canh tác của bà con trong HTX nhẹ hơn trước rất nhiều. Dưa lưới được truy xuất nguồn gốc với mã số vùng trồng để các khách hàng biết và đồng thời cũng an tâm khi sử dụng sản phẩm của HTX.
Thời gian qua, cùng với nhiều địa phương khác, ngành nông nghiệp Hậu Giang đã triển khai giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào quá trình sản xuất của nông dân. Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết thực hiện ứng dụng số hóa cho nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung xây dựng xong bản đồ số hóa cơ sở dữ liệu thông tin của ngành, xây dựng hệ thống quản lý nông nghiệp trực tuyến.
“Muốn chuyển đổi số thì phải có con người số, am hiểu sử dụng các thiết bị mới chuyển đổi được. Hiện nay, sẽ chia ra làm 3 phân tầng. Phân tầng thứ nhất, những cái trang trại. Trang trại quy mô thì gần như áp dụng khoa học công nghệ hết rồi. Nhóm thứ 2 là nông dân ở mức độ trung bình, người ta cũng bắt đầu thay đổi tập quán, thói quen. Thay vì trước giờ dựa vào kinh nghiệm thì đã bắt đầu áp dụng khoa học kỹ thuật. Còn nhóm mà thu nhập chính không phải dựa vào sản xuất nông nghiệp thì nhóm đó chậm. Nhìn tổng thể, chuyển đổi số đang tác động đến nông nghiệp rất mạnh mẽ, tích cực”, ông Long nhấn mạnh.
Thực tế đã chứng minh, khi ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp mang lại hiệu quả kinh tế tăng gấp đôi, gấp ba so với cách làm truyền thống, mà người nông dân sẽ chủ động hơn trong quá trình chăm sóc, quản lý. Tuy nhiên, để quá trình chuyển đổi thực sự có hiệu quả, bền vững, rất cần có sự chung tay, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các địa phương để nông dân Việt Nam thực sự là những “nông dân 4.0”, phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Bài, ảnh: MỘNG TOÀN
Huyện Đà Bắc (Hòa Bình): Nông dân rơi nước mắt vì dịch tả lợn Châu Phi
Nguồn tin: Báo Hòa Bình
Những ngày gần đây, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) bùng phát, lây lan mạnh trên địa bàn xã Tú Lý, huyện Đà Bắc (Hòa Bình). Dịch bệnh đã và đang khiến không ít hộ dân rơi vào cảnh trắng tay…
Ông Hà Văn Tiên, xóm Tràng, xã Tú Lý (Đà Bắc) xót xa nhìn đàn lợn chết dần vì dịch bệnh.
Thẫn thờ vì phòng bệnh nghiêm ngặt nhưng lợn vẫn chết
Đầu tháng 4/2024, Cao Sơn là xã đầu tiên trên địa bàn huyện Đà Bắc ghi nhận trường hợp lợn chết vì DTLCP. Đến đầu tháng 5, dịch bệnh bùng phát và lây lan mạnh trên địa bàn xã Tú Lý. Gia đình ông Hà Văn Tiên, xóm Tràng gắn bó với nghề nuôi lợn hàng chục năm qua. Do thực hiện khá nghiêm ngặt khâu kiểm soát dịch bệnh nên nhiều năm nay, đàn lợn của gia đình ông Tiên luôn an toàn, dù có thời điểm lợn của các hộ xung quanh ốm, chết vì DTLCP. Năm ngoái, từ nuôi lợn gia đình ông Tiên lãi được 200 triệu đồng. Đầu năm nay, quá nửa số tiền lãi của năm vừa rồi ông lại đầu tư vào nuôi lợn. Để phòng, chống dịch bệnh, gia đình ông Tiên lựa chọn mua con giống từ trại lợn uy tín với giá 1,5 triệu đồng/con, cao hơn giá lợn mua ở ngoài từ 300 - 400 nghìn đồng/con. Khu chăn nuôi lợn được tách rời khu dân cư, không cho người lạ vào và được phun tiêu độc, khử trùng thường xuyên.
Tuy nhiên, mấy ngày qua đàn lợn cứ chết dần. Hơn 30 con lợn thịt và cả lợn nái bị chết phải tiêu huỷ. Ông Tiên ngậm ngùi: "Từ khi phát hiện ra, đến nay lợn chết dai dẳng, tính ra đã trên 30 con rồi. Hiện nay vẫn tiếp tục lây sang đàn ở chuồng bên. Mỗi ngày đều phải đi chôn lợn bị chết, thật sự rất buồn và chán nản. Gia đình tôi thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng để nền chuồng sạch sẽ, không cho người ngoài vào, con giống thì mua ở trại uy tín. Thế mà lợn vẫn mắc bệnh chết”. Theo ước tính, đợt dịch này gia đình ông thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, khả năng đàn lợn còn lại của gia đình ông cũng khó qua khỏi…
Cùng ở xóm Tràng, gia đình bà Đinh Thị Nở đã "treo” chuồng trong đợt càn quét này của DTLCP. Mấy hôm trước, đàn lợn của gia đình bà Nở gồm 1 con nái hơn 200kg, 17 con lợn giống và 1 con lợn thịt đã phải tiêu huỷ vì DTLCP. Theo bà Nở, cách đây 3 năm, gia đình bà cũng chịu thiệt hại gần 50 triệu đồng bởi dịch bệnh nguy hiểm này. Sau 1 năm dừng chăn nuôi, gia đình đã đầu tư nuôi lợn trở lại. Thế nhưng chưa kịp hoàn vốn thì lại nếm trái đắng. Sau khi lợn chết, gia đình bà Nở đã đào hố chôn lấp trong góc vườn và dùng rơm đốt, rắc vôi để diệt mầm bệnh ở trong chuồng và khu vực xung quanh. Gần 20 con lợn bị chết, thiệt hại khoảng 30 triệu đồng. "Ở nông thôn chủ yếu chăn nuôi để cải thiện kinh tế. Bây giờ lợn lại bị chết dịch thế này, tiền mua cám còn đang nợ. Gia đình tôi cùng các hộ bị thiệt hại rất mong được các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ dập dịch để sau này có thể đầu tư chăn nuôi trở lại”, bà Nở bày tỏ.
Cần siết lại khâu kiểm dịch
Theo cán bộ thú y xã Tú Lý Đinh Bá Hanh, xã có tổng đàn lợn khoảng 3 nghìn con. Chăn nuôi lợn là một trong những nghề đem lại thu nhập cho nhiều hộ trên địa bàn. Từ khi bùng phát, dịch bệnh nguy hiểm này đã lây lan ở các xóm: Mít, Mè, Cháu, Tình, Tràng và bắt đầu xuất hiện ở xóm Giêng, đến nay đã tiêu huỷ khoảng 200 con lợn. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, xã Tú Lý tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tiêu huỷ lợn mắc bệnh, không bán chạy lợn để tránh dịch bệnh lây lan. Cùng với đó thực hiện phun tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh. Theo cán bộ thú y xã Tú Lý, một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát và lây lan mạnh như hiện nay là do khâu kiểm soát, kiểm dịch còn lỏng lẻo. Tình trạng tiểu thương đưa thịt lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ từ các nơi khác đến tiêu thụ tại địa bàn khá phổ biến.
Theo số liệu của Phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc, hiện nay tổng đàn lợn trên địa bàn huyện có trên 26,8 nghìn con. Tại xã Cao Sơn, DTLCP bùng phát đã có 143 con lợn mắc bệnh phải tiêu huỷ, trọng lượng trên 3,3 tấn. Đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Khi xảy ra dịch bệnh, đơn vị đã tham mưu UBND huyện thực hiện hỗ trợ thuốc phun cho các hộ; tuyên truyền người dân chú trọng phun tiêu độc, khử trùng tại các địa điểm xảy ra dịch bệnh. Tăng cường thông tin, tuyên truyền về tác hại dịch bệnh, hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh, tiêu huỷ lợn bị chết theo đúng quy định của Luật Chăn nuôi và thú y.
Về nguyên nhân khiến dịch bệnh DTLCP bùng phát, đồng chí Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cũng nhận định là do khâu kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật chưa thực hiện được. Điều này là tồn tại, vướng mắc sau khi sáp nhập Trạm Chăn nuôi và thú y về Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã xuất hiện tình trạng bán chạy lợn tại xã Tú Lý, nguy cơ cao khiến dịch bệnh lây lan diện rộng. Do đó, việc ngăn chặn tình trạng này là rất quan trọng, cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng và các cấp chính quyền. Cùng với đó là sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời hơn đối với người dân đang chịu thiệt hại do DTLCP gây ra.
Viết Đào
Thái Nguyên: Giá lợn hơi tăng, người chăn nuôi phấn khởi tái đàn
Nguồn tin: Báo Thái Nguyên
Trong gần 2 tháng trở lại đây, giá lợn hơi bắt đầu tăng mạnh và hiện đạt 60.000 - 65.000 đồng/kg - cao nhất từ năm 2023 đến nay. Với mức giá này, người chăn nuôi có lãi cao hơn và tích cực đầu tư tái đàn.
Ông Nguyễn Viết Tính (ở xóm Sỏi, xã Hà Châu, Phú Bình) chăm sóc đàn lợn của gia đình.
Gia đình anh Nguyễn Văn Khải (ở xóm Táo, xã Hà Châu, Phú Bình, Thái Nguyên) là hộ chăn nuôi lợn nhiều năm qua. Chuồng trại được gia đình anh Khải xây dựng có diện tích trên 200m2, có thể nuôi 60 con lợn thịt/lứa. Cách đây 5 ngày, gia đình anh được xuất bán 10 con lợn thịt, với giá 64 nghìn đồng/kg. Anh Khải cho biết: Trừ tất cả chi phí đi mỗi con lợn có trọng lượng 100kg, tôi có lãi gần 1,5 triệu đồng sau 5,5 tháng nuôi, cao gấp đôi so với thời điểm tháng 2-2024 trở về trước.
Nhận thấy giá thịt lợn hơi tiếp tục có xu hướng tăng, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lại đang ở mức ổn định, nên vừa xuất bán hơn 4 tấn lợn hơi được 10 ngày ông Nguyễn Viết Tính (xóm Sỏi, xã Hà Châu, Phú Bình) đã vệ sinh chuồng trại và mua 33 con lợn giống về nuôi, với giá 1,3 triệu đồng/con. Ông Tính cho hay: Mặc dù gia đình chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng năm 2023 do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá lợn hơi thấp, giá cám cao nên gia đình gặp không ít khó khăn, nợ đại lý cám gần 50 triệu đồng. Vừa qua, khi xuất bán hơn 4 tấn lợn với giá giá 62 nghìn đồng/kg tôi đã trả được hết nợ và thu về được một chút ít.
Cùng với nông dân xã Hà Châu, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang rất phấn khởi khi giá lợn hơi tăng. Chị Trần Thị Huyền (xóm Bầu 2, xã Văn Yên, Đại Từ) cho biết: Trước đây khi giá lợn hơi ở mức thấp nên mỗi khi lợn sinh sản tôi chỉ giữ lại một nửa để nuôi lợn thịt còn lại là bán giống. Nhưng 2 tháng gần đây khi giá lợn hơi tăng cao, tôi quyết định giữ lại nuôi hết. Hiện trong chuồng của gia đình có 3 lợn lái và 30 con lợn thịt, trong đó một nửa số lợn thịt đã có thể xuất bán trong mấy ngày tới.
Nguyên nhân giá lợn hơi tăng mạnh trong những tháng gần đây là do sau một thời gian bệnh dịch tả lợn châu Phi hoành hành khiến số lượng lớn lợn phải tiêu hủy; nhiều hộ, chủ trang trại chăn nuôi lo lắng bỏ trống chuồng gây thiếu hụt nguồn cung. Ngoài ra, do đang bước vào mùa du lịch nên nhu cầu về thịt lợn tăng cao…
Hiện nay, tổng đàn lợn trong tỉnh có khoảng 600.000 con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong tháng 4 đạt 37,3 nghìn tấn. Giá bán tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Giá lợn hơi tăng, giá thức ăn duy trì ở mức ổn định được coi là một trong những tín hiệu vui, tạo đà cho ngành chăn nuôi của tỉnh khởi sắc trong những tháng tới.
Chính vì vậy, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã và đang tăng cường phối hợp với các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra trên đàn lợn, như: Tăng cường kiểm tra giám sát tình hình dịch bệnh; thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng các loại vắc-xin cho đàn lợn; giám sát lấy mẫu phục vụ công tác kiểm dịch động vật; tăng cường kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ…
Vũ Công
Người chăn nuôi gặp khó
Nguồn tin: Báo Long An
Từ đầu năm 2024 đến nay, giá nhiều sản phẩm chăn nuôi liên tục giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi neo ở mức cao và dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thực tế này khiến các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Long An gặp khó, nhiều hộ phải nuôi cầm chừng vì thua lỗ.
Người nuôi gia cầm gặp khó do giá con giống, thức ăn tăng
Nuôi cầm chừng
Hơn 2 năm trở lại đây, giá bò thịt, bò giống liên tục giảm trong khi giá thức ăn lại tăng nên người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Trước đây, ông Võ Thanh Quang (xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa) nuôi khoảng 20 con bò thịt nhưng do giá bò thịt liên tục giảm từ 120.000 đồng/kg xuống còn 70.000 đồng/kg khiến ông càng nuôi càng thua lỗ nên phải giảm đàn. Ông Quang cho biết, trước đây, nuôi từ 18-20 con bò thịt và mỗi khi xuất bán có lợi nhuận từ 15-18 triệu đồng/con nhưng từ năm 2022 đến nay thì chỉ từ hòa vốn đến thua lỗ. Do đó, ông phải bán bớt đàn bò và chỉ nuôi cầm chừng 6 con.
Với mức giá heo hơi từ đầu năm 2024 đến nay từ 55.000-60.000 đồng/kg, người nuôi có lợi nhuận từ 3-5 triệu đồng/con. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả heo châu Phi và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, người chăn nuôi vẫn e ngại, chưa dám tăng đàn mà chỉ nuôi cầm chừng ở mức từ 50-70% công suất chuồng nuôi.
Ông Nguyễn Văn Khởi (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước) hiện nuôi 20 con heo thịt, tương đương khoảng 50% công suất chuồng nuôi. Ông Khởi nói: “Tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, cùng với đó, giá thức ăn tăng cao nên nuôi heo không có lợi nhuận cao và nhiều nguy cơ thua lỗ. Do đó, tôi chỉ nuôi cầm chừng để có “đồng ra, đồng vào”. Hy vọng ngành chức năng sớm bình ổn giá thức ăn chăn nuôi để giảm áp lực cho người nuôi”.
Cũng giống như người nuôi gia súc, người nuôi gia cầm cũng gặp nhiều khó khăn do giá các loại gia cầm và sản phẩm gia cầm thời gian qua giảm đáng kể. Theo nhiều người nuôi gà trên địa bàn huyện Cần Giuộc, thời gian qua, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn từ dịch bệnh, giá thức ăn tăng, giá con giống tăng,... Trong khi đó, giá gà thịt và trứng gà liên tục giảm từ tháng 12/2023 đến nay và chưa có dấu hiệu tăng trở lại.
Ông Nguyễn Đức Lợi (xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc) chia sẻ: “Mỗi ngày cung cấp ra thị trường gần 6.000 trứng gà, với mức giá bán từ 18.000-20.000 đồng/chục. Với giá này, tôi chỉ trang trải đủ tiền thức ăn, không đủ để chi trả cho các khoản như điện, nhân công,... Nếu tình hình này kéo dài, tôi buộc phải giảm đàn”.
Vẫn xảy ra những ổ dịch nhỏ, lẻ
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến đầu tháng 5/2024, dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 38 hộ thuộc 23 xã của 7 huyện: Mộc Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Châu Thành, Thủ Thừa, Thạnh Hóa với tổng số heo tiêu hủy là 1.060 con, tổng trọng lượng tiêu hủy là 55.145,9kg.
Từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh dại xảy ra 7 trường hợp trên chó tại 6 xã của 3 huyện: Đức Hòa, Tân Hưng và Đức Huệ; ngoài ra, ghi nhận 2 ca tử vong do bệnh dại tại thị trấn Tân Hưng và xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng vào đầu tháng 02/2024 và 1 ca nghi dại trên người tại xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng. Về bệnh cúm gia cầm, từ đầu năm 2024 đến nay, dịch cúm gia cầm (H5N1) xảy ra tại 1 hộ thuộc xã Hòa Khánh Đông, huyện Đức Hòa với tổng số 2.010 con gia cầm bị tiêu hủy (2.000 con chim cút và 10 con đà điểu).
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, đến nay, mặc dù dịch bệnh trên đàn vật nuôi cơ bản được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tái phát. Bởi tỷ lệ hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ trên địa bàn tỉnh còn cao; việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học còn hạn chế. Vì vậy, trong thời điểm giao mùa, công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm cần được người chăn nuôi đặc biệt quan tâm.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh thông tin: "Để phòng bệnh cho đàn vật nuôi, từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục phối hợp các địa phương triển khai tiêm 26.750 liều vắc-xin phòng lở mồm long móng; 6.540 liều vắc-xin phòng heo tai xanh; 90.152 liều vắc-xin phòng dại; 13.475 liều vắc-xin phòng viêm da nổi cục và 1.322.294 liều vắc-xin phòng cúm gia cầm. Thời gian tới, Chi cục tiếp tục phối hợp các địa phương rà soát, tổ chức tiêm bổ sung vắc-xin phòng các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi".
Hiện là thời điểm giao mùa, thời tiết thường thay đổi đột ngột khiến đàn gia cầm dễ mắc các bệnh như viêm phổi, cúm, tiêu chảy, tụ huyết trùng,... Người chăn nuôi nên áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tuân thủ nghiêm các quy trình phòng, chống dịch bệnh. Khi nghi ngờ gia súc, gia cầm mắc bệnh, người chăn nuôi phải báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh ra diện rộng./.
Bùi Tùng
Lợi nhuận 250-300 triệu đồng nhờ nuôi gà an toàn dịch bệnh
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Tại huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) phát triển mô hình chăn nuôi gà theo quy mô trang trại được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh cúm trên gia cầm.
Toàn huyện hiện có 28 trang trại chăn nuôi gà thịt, với tổng đàn trên 513.000 con. Trong đó có 9 cơ sở được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh cúm trên gia cầm thuộc địa bàn các xã Thiện Mỹ, Tích Thiện. Mô hình này giúp việc kiểm soát tốt dịch bệnh cúm, đàn vật nuôi phát triển tốt, tăng trưởng nhanh, ít hao hụt.
Lợi nhuận bình quân 250-300 triệu đồng/trang trại/đợt, cao hơn 30-50 triệu đồng/đợt so với trang trại chăn nuôi truyền thống.
THẢO TIÊN
Hiếu Giang tổng hợp