Trên thị trường quốc tế, giá gạo Việt Nam 5% tấm ở mức 397 USD/tấn, trong khi gạo Thái Lan và Ấn Độ đều giảm nhẹ do cung dồi dào, nhu cầu yếu.
Xây dựng nông thôn mới bằng mô hình hợp tác xã liên kết chuỗi
Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đang trở thành 'chìa khóa vàng' giúp các hợp tác xã nông nghiệp thoát khỏi tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu đầu ra.
Nhiều hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả nhờ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đạt nhiều kết quả thực chất.
Liên kết chuỗi giúp hợp tác xã vượt qua “vòng luẩn quẩn”
Từ năm 2024 đến nay, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên cả nước đã dần thoát khỏi tình trạng hoạt động cầm chừng, thiếu đầu ra, nhờ mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và nông dân. Đây là hướng đi được đánh giá là “chìa khóa vàng” trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đến hết quý 1/2025, cả nước có khoảng 23.800 HTX nông nghiệp, trong đó hơn 6.200 HTX hoạt động có hiệu quả, chiếm tỷ lệ hơn 26%. Đáng chú ý, có gần 2.500 HTX đã xây dựng và duy trì được hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ổn định với doanh nghiệp.
Điển hình tại tỉnh Sơn La, HTX Dịch vụ tổng hợp Bản Mòn (huyện Mai Sơn) hiện đang liên kết sản xuất với Công ty cổ phần Nafoods Group theo chuỗi giá trị sản phẩm chanh leo. Bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Giám đốc HTX chia sẻ: “Trước đây, bà con sản xuất manh mún, khi được HTX hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, cả năng suất và giá bán đều tăng. Giá thu mua chanh leo ổn định từ 10.000-15.000 đồng/kg, có lúc cao điểm lên 18.000 đồng/kg”.
Hợp tác xã liên kết với người dân trồng, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm chanh leo. Ảnh: Mai Anh
Tại miền Tây, HTX Nông nghiệp hữu cơ Tiến Thành (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) cũng cho thấy hiệu quả rõ rệt nhờ hợp đồng liên kết với doanh nghiệp chế biến gạo hữu cơ Nhật Bản. Mỗi ha lúa canh tác theo quy trình hữu cơ giúp người dân thu lời 20-25 triệu đồng/vụ, cao hơn 30% so với sản xuất truyền thống. Ông Lê Văn Năm (xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) cho biết: “Chúng tôi không lo đầu ra nữa, lại được HTX ứng vốn, tập huấn kỹ thuật. Trồng hữu cơ giờ không chỉ tốt đất mà còn có tiền ổn định”.
Đáng chú ý, một số tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Bình Định cũng đã triển khai mô hình HTX gắn với sản phẩm OCOP, nhờ đó sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, được tiêu thụ qua các siêu thị, sàn thương mại điện tử. Đây là cơ sở quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Đòn bẩy xây dựng nông thôn mới thực chất và lâu dài
Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, trong giai đoạn 2021-2025, các HTX liên kết chuỗi giá trị đóng vai trò then chốt để thực hiện các tiêu chí về thu nhập, tổ chức sản xuất và kinh tế hợp tác trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Tuy nhiên, để các HTX duy trì được liên kết lâu dài, vẫn còn nhiều rào cản như: Năng lực quản trị còn yếu, thiếu vốn đầu tư, sản phẩm chưa đồng đều, và thiếu cơ chế ràng buộc giữa HTX, doanh nghiệp và nông dân. Do đó, theo các chuyên gia, cần hoàn thiện chính sách ưu đãi tín dụng, hỗ trợ hạ tầng kho bãi, sơ chế, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung để HTX đủ sức làm “trụ đỡ” cho chuỗi giá trị.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Văn Phúc, thành viên HTX cam VietGAP Phúc Khang (xã Hương Thủy, huyện Hương Khê) chia sẻ: “Nếu chỉ trông chờ vào hộ cá thể, chúng tôi không thể giữ được thương hiệu cam sạch. Chính HTX giúp duy trì chất lượng, kiểm tra mẫu đất, mẫu nước và đàm phán với đối tác phân phối. Có hợp đồng rõ ràng, bà con yên tâm mở rộng sản xuất”.
Hộ thành viên tham gia chuỗi liên kết thu hoạch cam tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: Hòa Bình
Chương trình nông thôn mới nâng cao hiện nay không chỉ dừng ở cơ sở hạ tầng mà còn hướng đến tăng thu nhập bền vững, chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển kinh tế tuần hoàn. Các HTX được liên kết chuỗi có thể là hạt nhân để triển khai mô hình cánh đồng lớn, chợ số, tem QR truy xuất nguồn gốc và thậm chí là tích hợp bảo hiểm nông nghiệp.
Thực tế đã chứng minh, khi hợp tác xã được xây dựng bài bản, có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định, sẽ mở ra hướng phát triển bền vững cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân. Chương trình nông thôn mới do đó sẽ không còn mang tính hình thức, mà trở thành động lực thật sự cho đổi mới ở vùng quê Việt Nam.
Tuy nhiên, để những mô hình này không chỉ tồn tại ở một vài địa phương điển hình mà có thể nhân rộng trên toàn quốc, cần sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và chính người dân. Trước hết, hệ thống chính sách cần tiếp tục hoàn thiện theo hướng hỗ trợ thực chất cho HTX, như ưu đãi tín dụng phù hợp với đặc thù sản xuất nông nghiệp, đơn giản hóa thủ tục tiếp cận vốn, hỗ trợ ứng dụng công nghệ số, máy móc chế biến và xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xem HTX là đối tác chiến lược lâu dài, chia sẻ rủi ro và lợi nhuận một cách công bằng.
Đặc biệt, người dân, những thành viên trực tiếp của HTX cần thay đổi tư duy sản xuất, từ “mạnh ai nấy làm” sang “làm ăn tập thể có tổ chức”. Vai trò của HTX không chỉ dừng lại ở thu mua nông sản, mà còn là đơn vị tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng, xây dựng thương hiệu và kết nối thị trường trong, ngoài nước.
Trong bối cảnh chuyển đổi số nông nghiệp đang được đẩy mạnh, các HTX có hợp đồng liên kết chuỗi giá trị cũng đang trở thành đầu mối để triển khai tem truy xuất nguồn gốc, sàn thương mại điện tử, nhật ký điện tử và hệ thống cảnh báo dịch bệnh. Đây là nền tảng quan trọng để nông nghiệp Việt Nam phát triển hiện đại, minh bạch và hội nhập.
Từ những tín hiệu tích cực trên, có thể khẳng định rằng hợp tác xã hoạt động hiệu quả và có liên kết chuỗi giá trị chính là “hạt nhân” để phát triển kinh tế nông thôn một cách bền vững, tạo nền móng vững chắc cho xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong giai đoạn tới.
Phân cấp, phân định thẩm quyền lĩnh vực nông nghiệp và môi trường
Ngày 19/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, địa phương về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phạm Đức Toàn chủ trì tại điểm cầu Điện Biên.
Đại biểu dự họp tại điểm cầu Điện Biên
Dự thảo Nghị định phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vựcnông nghiệp và môi trường khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp được bố cụcgồm 4 chương, 20 Điều. Nghị định này quy định về phân cấp, phân định thẩm quyền,trách nhiệm trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường (không bao gồm lĩnh vực đấtđai) tại các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ; sửa đổi, bổsung một số điều của một số nghị định và xử lý một số vấn đề liên quan đến tổchức chính quyền địa phương hai cấp. Ngoài ra, dự thảo Nghị định quy định rõ việcphân cấp, phân định thẩm quyền, trách nhiệm về thanh tra chuyên ngành, xử lý viphạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường được thực hiện theoquy định của Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc phân cấp, phânđịnh thẩm quyền theo nghị định này là vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếptổ chức bộ máy nhà nước có nội dung khác hoặc chưa được quy định trong các vănbản quy phạm pháp luật (trừ Hiến pháp), văn bản hành chính và các hình thức vănbản khác đang còn hiệu lực tại thời điểm thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhànước.
Tại cuộc họp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường trình Nghị định quy định về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai khi tổ chứcchính quyền địa phương 2 cấp và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị địnhquy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, được bố cục 3 chương, 12 điều và 1 phụlục kèm theo. Nghị định quy định rõ việc phân cấp thẩm quyền: HĐND, UBND, Chủ tịchUBND cấp xã, cùng cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp xã sẽ đảm nhận một sốthẩm quyền trước đây thuộc cấp huyện. Riêng đối với đất có mặt nước như ao, hồ,đầm nằm trên địa bàn nhiều xã, phường, thẩm quyền quản lý sẽ thuộc UBND cấp tỉnhtheo quy định tại Điều 188. Chính quyền cấp xã cũng sẽ tiếp tục thực hiện cácthẩm quyền đã được quy định trong Luật hiện hành.
Việc xây dựng trình ban hành và ban hành các văn bản nhằm cụthể hóa mô hình chính quyền địa phương hai cấp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộtrong công tác quản lý nhà nước về nông nghiệp và môi trường.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu việc phân cấp đảm bảonguyên tắc, tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với thực tiễn. Trong đó chú ý các tiêuchí, nguyên tắc rõ người rõ việc từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời phântích, đánh giá các nhiệm vụ có tính chuyên môn cụ thể gắn với điều kiện thựcthi. Cần làm rõ điều kiện thực thi, phân quyền, ủy quyền đi đôi với giám sát kiểmtra.
Ngành lúa gạo trước áp lực phát thải và cơ hội bứt phá xanh
Sản xuất lúa gạo đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng: Hoặc tiếp tục theo hướng canh tác truyền thống với mức phát thải cao, hoặc chuyển đổi mạnh mẽ sang các mô hình sản xuất phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050, việc phát triển các mô hình sản xuất lúa ít phát thải không chỉ là giải pháp kỹ thuật, mà còn là chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững trong dài hạn.
Thu hoạch lúa hè thu tại thành phố Cần Thơ. (Ảnh: THANH TÂM)
Lúa gạo – ngành hàng chủ lực đối mặt yêu cầu giảm phát thải
Lúa gạo từ lâu đã là ngành hàng chủ lực trong cơ cấu nông nghiệp Việt Nam, không chỉ góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, mà còn đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội và xuất khẩu. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt khoảng 5,66 tỷ USD với sản lượng gần 9 triệu tấn, khẳng định vị thế ngày càng vững chắc của ngành hàng này trên thị trường quốc tế.
Tuy nhiên, song hành với những kết quả tích cực là những thách thức không nhỏ về môi trường. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, hoạt động canh tác lúa chiếm tới 48% tổng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó khí metan (CH₄) - loại khí có khả năng gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp nhiều lần so với CO₂ - chiếm hơn 75%. Đây là con số đáng lưu ý trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu.
Tỉnh Tiền Giang triển khai đề án 1 triệu ha lúa.
Những năm gần đây, một số mô hình sản xuất lúa phát thải thấp đã được triển khai thử nghiệm và ghi nhận kết quả khả quan. Trong đó, nổi bật là mô hình tưới ngập-khô xen kẽ (AWD) kết hợp xử lý rơm rạ sau thu hoạch thay vì đốt hoặc để phân hủy ngoài đồng. Các giải pháp này không chỉ giúp giảm phát thải khí metan và nitrous oxide (N₂O), mà còn tăng hiệu quả sử dụng nước, giảm chi phí đầu vào và nâng cao năng suất.
Theo ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, hai yếu tố then chốt trong mô hình sản xuất lúa phát thải thấp là quản lý nước hợp lý và xử lý rơm rạ hiệu quả. Tuy nhiên, hiệu quả triển khai phụ thuộc lớn vào điều kiện hạ tầng thủy lợi và địa hình canh tác. Tại các khu vực có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh, mô hình phát huy rõ hiệu quả; trong khi ở những vùng địa hình phức tạp, ruộng manh mún, việc triển khai gặp nhiều khó khăn.
Hai yếu tố then chốt trong mô hình sản xuất lúa phát thải thấp là quản lý nước hợp lý và xử lý rơm rạ hiệu quả.
Ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Thạch cho rằng: “Trong điều kiện thực tế, không nhất thiết phải áp dụng tuyệt đối 100% quy trình kỹ thuật. Nếu nông dân có thể thực hiện được 50-70% quy trình và vẫn mang lại hiệu quả giảm phát thải rõ rệt thì cũng nên được khuyến khích nhân rộng”.
Tăng cường liên kết chuỗi để hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu ha
Một trong những định hướng chiến lược hiện nay của ngành nông nghiệp là triển khai Đề án phát triển 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long - khu vực chiếm hơn 50% sản lượng lúa gạo của cả nước.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam, nhận định: Đây là một bước đi đúng đắn, mang tính chiến lược lâu dài. Thời gian qua, các hoạt động từ truyền thông, xây dựng mô hình, đến hoạch định kế hoạch trung và dài hạn đã được triển khai đồng bộ và bước đầu cho thấy tính khả thi cao.
Tuy nhiên, sau một năm triển khai, theo đánh giá của Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam, vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm. Đáng chú ý là vai trò và sự tham gia của các thành tố trong chuỗi giá trị hiện nay vẫn chưa thật sự rõ nét. Việc triển khai chủ yếu mới dừng lại ở một số chủ thể như nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu vào và đơn vị nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, mắt xích quan trọng là doanh nghiệp tiêu thụ và liên kết tiêu thụ lúa gạo quy mô lớn vẫn chưa được nhấn mạnh đúng mức.
Các mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha vẫn còn quy mô hạn chế - chỉ vài trăm đến vài nghìn ha, hoặc vài chục nghìn tấn lúa.
Hiện tại, các mô hình thí điểm vẫn còn quy mô hạn chế - chỉ vài trăm đến vài nghìn ha, hoặc vài chục nghìn tấn lúa. Trong khi mục tiêu của Đề án là đạt 1 triệu ha, sản lượng khoảng 13 triệu tấn lúa mỗi năm. Điều này đặt ra yêu cầu phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các nội dung về kỹ thuật, tổ chức sản xuất và liên kết thị trường, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc mở rộng và nhân rộng mô hình trên toàn vùng.
Một trong những thách thức khác là thiếu các công cụ đồng bộ để đo lường phát thải, dẫn tới khó khăn trong đánh giá hiệu quả thực tế. Ông Tùng chia sẻ: “Nếu không có công cụ minh bạch để tính toán và xác nhận lượng khí nhà kính được cắt giảm, thì rất khó để tiếp cận thị trường tín chỉ carbon - một hướng đi có tiềm năng gia tăng thu nhập cho người nông dân”.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, sự tham gia của các thành phần trong chuỗi giá trị vẫn chưa đầy đủ. Trong khi nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp đầu vào đã tham gia khá tích cực, thì các doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu vẫn chưa được kết nối chặt chẽ vào hệ thống. Điều này sẽ là một rào cản lớn nếu muốn mở rộng đề án trên quy mô lớn trong thời gian tới.
Ở góc độ khoa học, ông Trần Ngọc Thạch nhận định: Quy trình kỹ thuật hiện tại có thể được xem là tạm chấp nhận được, trong điều kiện chưa có nhiều nghiên cứu sâu để cải thiện. Tuy nhiên, để áp dụng hiệu quả trong thực tế sản xuất, cần xây dựng bộ thông số kỹ thuật linh hoạt, có thể điều chỉnh theo điều kiện cụ thể từng vùng.
“Việc áp dụng linh hoạt từ 50 đến 70% quy trình kỹ thuật, nếu đạt hiệu quả giảm phát thải, cần được khuyến khích thay vì áp dụng cứng nhắc. Bởi nếu không linh hoạt, sẽ rất khó để triển khai đồng loạt trên diện rộng”, ông Thạch chia sẻ.
Về dài hạn, ông Thạch cũng đưa ra một số đề xuất đó là cần áp dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật, đòi hỏi đầu tư lớn vào hệ thống thủy lợi và tưới tiêu thông minh. Song song đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu các hướng đi về mặt sinh học như phát triển giống lúa, chế phẩm sinh học có khả năng ức chế hoạt động của vi sinh vật sinh khí metan trong điều kiện ngập nước. Đây được coi là giải pháp bền vững, có thể áp dụng không chỉ cho 1 triệu ha trong đề án, mà còn cho hơn 4 triệu ha đất lúa trên toàn quốc.
Đề xuất giảm từ 20 - 50% phí, lệ phí trong nông nghiệp và môi trường
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc rà soát, đề xuất giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Trang trại chăn nuôi của hộ nông dân ở thôn Ngoại, xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN
Phúc đáp công văn số 5648/BTC-CST ngày 28/4/2025 của Bộ Tài chính về việc rà soát, đề xuất giảm phí, lệ phí tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến, để góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất giảm mức thu phí của các loại phí và lệ phí trong 6 tháng cuối năm.
Về phí, đối với phí duy trì hiệu lực bằng bảo hộ giống cây trồng: Giảm 20% mức thu phí hiện tại được quy định tại điểm 3 Mục III Biểu phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp ban hành kèm theo 207/2016/TT-BTC (đối với mục từ năm thứ 1 đến năm thứ 3; từ năm thứ 4 đến năm thứ 6; từ năm thứ 7 đến năm thứ 9; giảm 30% mức thu phí hiện tại được quy định tại điểm 3 Mục III Biểu phí, lệ phí trong lĩnh vực trồng trọt và giống cây lâm nghiệp ban hành kèm theo 207/2016/TT-BTC (đối với mục từ năm thứ 10 đến năm thứ 15; từ năm thứ 16 đến hết thời gian hiệu lực của Bằng bảo hộ).
Đối với phí kiểm dịch động vật (kiểm tra lâm sàng gia cầm): Giảm 50% mức thu phí quy định tại điểm 1.4 Mục III Biểu phí, lệ phí trong công tác thú y ban hành kèm theo Thông tư số 101/2020/TT-BTC.
Các loại phí thẩm định đề án, báo cáo khai thác, sử dụng nguồn nước do cơ quan trung ương thực hiện: Giảm 20% mức thu quy định tại Thông tư 01/2022/TT-BTC.
Về lệ phí, lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn; thủy sản nhập khẩu, quá cảnh, tạm nhập tái xuất (gồm kho ngoại quan), chuyển cửa khẩu: Bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại điểm 1 Mục I Biểu phí, lệ phí trong công tác thú y ban hành kèm theo Thông tư số 101/2020/TT-BTC.
Đối với lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ thú y: Bằng 50% mức thu lệ phí quy định tại điểm 2 Mục I Biểu phí, lệ phí trong công tác thú y ban hành kèm theo Thông tư số101/2020/TT-BTC.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang trực tiếp thực hiện và tổ chức thu theo danh mục đối với 5 khoản lệ phí và 38 khoản phí.
Đề xuất phân cấp 129 thẩm quyền trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường
HTX nông nghiệp hữu cơ V-ORGANIC tại tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/vnanet.vn
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã rà soát và đề xuất phương án phân quyền, phân cấp đối với 129 thẩm quyền trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường. Đó là nội dung chính trong văn bản Bộ Nông nghiệp và Môi trường gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Trà về việc đề xuất phân quyền, phân cấp thẩm quyền theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều ngày 14/5/2025 về phân quyền, phân cấp gắn với thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tiếp tục rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất phương án phân quyền, phân cấp đối với 129 thẩm quyền trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.
Cụ thể, về phân quyền, phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất phân quyền, phân cấp 2 thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ (đã được đề xuất tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch) gồm lĩnh vực đất đai (thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất quốc gia); lĩnh vực biển và hải đảo (thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia).
Về phân quyền, phân cấp thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất phân cấp 39 thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Về phân cấp, phân quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho UBND cấp tỉnh, Bộ Nông nghiệp đề xuất phân cấp 88 thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh.
Trong số đó, phân cấp 2 thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh gồm: lĩnh vực đất đai 1 thẩm quyền và lĩnh vực môi trường 1 thẩm quyền; phân cấp 86 thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Trong số 86 thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho UBND cấp tỉnh, lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật 16 thẩm quyền; lâm nghiệp và kiểm lâm 5 thẩm quyền; thủy sản 6 thẩm quyền; thủy lợi 6 thẩm quyền; tài nguyên nước 9 thẩm quyền; môi trường 6 thẩm quyền; địa chất và khoáng sản 12 thẩm quyền; đất đai 1 thẩm quyền; chăn nuôi và thú y 15 thẩm quyền; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học 5 thẩm quyền; khí tượng thủy văn 1 thẩm quyền; quản lý chất lượng nông lâm thủy sản 4 thẩm quyền.
Riêng lĩnh vực đất đai, hiện nay hầu hết các thẩm quyền đã được phân quyền, phân cấp cho các cấp chính quyền địa phương (bao gồm: giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giá đất, bồi thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, cấp giấy quyền sử dụng đất…).
Về phân định thẩm quyền chính quyền địa phương khi không tổ chức chính quyền địa phương cấp huyện, ngoài đề xuất phân quyền, phân cấp đối với 129 thẩm quyền trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã đề xuất phân quyền, phân cấp cơ bản thẩm quyền của chính quyền cấp huyện cho chính quyền cấp xã mới (dự kiến hơn 200 nhiệm vụ) khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; ngoại trừ có 16 thẩm quyền được đề xuất chuyển cho chính quyền cấp tỉnh thực hiện (chủ yếu chuyển cho Sở Nông nghiệp và Môi trường thực hiện) do có phạm vi thực hiện trên địa bàn liên xã hoặc hướng dẫn, kiểm tra chính quyền cấp xã.
Chuyển đổi cây trồng, phát triển HTX: Chìa khóa thoát nghèo bền vững ở Yên Khánh
Những năm gần đây, huyện Yên Khánh (tỉnh Ninh Bình) đã trở thành điểm sáng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, góp phần giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân.
Đặc biệt, thành công của lĩnh vực nông nghiệp là một trong những yếu tố nền tảng để huyện Yên Khánh “khoác áo mới” cho khu vực nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống kinh tế và tinh thần cho người dân. Đáng chú ý, khu vực kinh tế hợp tác, HTX khẳng định dấu ấn đậm nét.
Chuyển đổi để thích ứng
Từng là địa phương thuần nông với nền sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc vào cây lúa, đời sống người dân Yên Khánh gặp không ít khó khăn do năng suất và hiệu quả kinh tế thấp. Trước thực trạng đó, chính quyền huyện đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường.
Cụ thể, trong thời gian qua, huyện xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nông nghiệp. Các địa phương đã khảo sát kỹ điều kiện đất đai, khí hậu để định hướng phát triển các loại cây trồng phù hợp như dưa chuột, ngô ngọt, bí xanh, rau màu trái vụ… trên đất lúa kém hiệu quả.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo chuỗi giá trị giúp nông dân, HTX ở Yên Khánh giảm nghèo, làm giàu.
Đến nay, toàn huyện Yên Khánh đã chuyển đổi hàng trăm ha đất lúa sang trồng cây hàng năm có giá trị kinh tế cao hơn. Nhiều vùng trồng chuyên canh rau màu theo hướng hàng hóa đã hình thành ở các xã Khánh Thành, Khánh Hồng, Khánh Công, Khánh An… Trong đó, lực lượng chủ lực là các HTX nông nghiệp kiểu mới.
Một trong những mô hình nổi bật là HTX Nông sản sạch Yên Khánh (xã Khánh Thành), với hơn 60 thành viên, chuyên sản xuất rau củ quả an toàn theo quy trình VietGAP. HTX hiện đang quản lý và khai thác hơn 20 ha đất canh tác, trong đó gần 70% diện tích được chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả.
Thành công trong chuyển đổi cây trồng đã mở ra hướng đi mới cho thành viên, hộ liên kết của HTX. Nếu như trước đây trồng lúa, mỗi sào thu được 500 – 700 nghìn đồng thì nay trồng rau màu, dưa chuột, cà chua trái vụ... thu nhập có thể gấp 2 – 3 lần. Ngoài ra, HTX hỗ trợ thành viên từ giống, kỹ thuật đến bao tiêu sản phẩm nên thành viên yên tâm sản xuất.
Không chỉ tăng giá trị sản xuất, HTX Nông sản sạch Yên Khánh còn đang tạo việc làm ổn định cho gần 30 lao động thường xuyên và hàng trăm lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 5 – 6 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, phần lớn lao động là phụ nữ và người lớn tuổi – nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trên thị trường lao động.
Liên kết chuỗi, tăng giá trị gia tăng
Bên cạnh HTX Nông sản sạch Yên Khánh, nhiều HTX khác trong huyện cũng đang đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi, từ đó nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.
Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất cây dược liệu, Yên Khánh hiện có 3 HTX sản xuất theo chuỗi giá trị. Quá trình hoạt động và canh tác, các thành viên đều được tập huấn, hướng dẫn quy trình từ khâu làm đất, chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch, chế biến sản phẩm.
Đến nay, một số HTX đã có mã số vùng trồng để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng. Đồng thời, bảo đảm nông sản đưa vào lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc tại vùng trồng, tránh tình trạng sản phẩm được sản xuất tại nơi khác trà trộn với sản phẩm vùng trồng đã được cấp mã số.
Nổi bật có thể kể đến HTX Nấm và Dược liệu Khánh Công, xã Khánh Công hiện có diện tích canh tác gần 15ha. Sau nhiều năm chuyển đổi canh tác và đưa các loại cây dược liệu vào sản xuất, đến nay, mô hình của HTX đã cho thấy sự thích nghi và hiệu quả rõ rệt trên đồng đất địa phương.
Với sự đồng hành của HTX và chính quyền ban ngành xã và huyện, toàn bộ khu canh tác cây dược liệu ở Khánh Công đã được đầu tư hệ đường giao thông nội đồng kiên cố, hệ thống máy bơm, kênh mương đảm bảo công tác tưới tiêu. Điều kiện canh tác thuận lợi, giá trị cây trồng cũng được nâng lên.
Yên Khánh dự kiến thúc đẩy nông nghiệp theo chuỗi giá trị để giảm nghèo, làm giàu bền vững cho người dân.
“Chỉ tính riêng 1 sào trạch tả cho thu nhập từ 4-5 triệu đồng, gấp nhiều lần so với cấy lúa. Hàng năm, ngoài vụ đông trồng cây trạch tả, chúng tôi còn tiến hành sản xuất 2 vụ lúa”, chị Xuân, một nông dân liên kết của HTX Nấm và Dược liệu Khánh Công phấn khởi nói.
Hay như tại xã Khánh An, HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Phú Vinh đã chuyển đổi gần 15 ha đất lúa sang trồng bí xanh và ngô ngọt xuất khẩu. Nhờ ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp từ khâu giống đến đầu ra, HTX đã tránh được tình trạng “được mùa mất giá”, đồng thời đảm bảo thu nhập bình quân 70 – 80 triệu đồng/ha/năm cho các hộ thành viên.
HTX Phú Vinh hiện cũng đang tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động, đồng thời huy động hàng chục lao động thời vụ mỗi vụ thu hoạch. Trong điều kiện nhiều thanh niên trong xã đi làm xa, đây là mô hình giữ chân lao động nông thôn hiệu quả.
Chuyển đổi gắn với giảm nghèo bền vững
Có thể thấy sự phát triển mạnh mẽ của các HTX nông nghiệp đang góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân Yên Khánh. Đóng vai trò không nhỏ trong thành công này là các chương trình hỗ trợ thiết thực từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình.
Một trong những chương trình nổi bật là việc hỗ trợ HTX nông nghiệp Đông Mai (xã Khánh An) liên kết với doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm. Cụ thể, Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình đã phối hợp với doanh nghiệp xuất khẩu, tiến hành khảo sát và triển khai mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững tại HTX Đông Mai.
Bên cạnh hỗ trợ tài chính, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình còn tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ và thành viên HTX.
Các chương trình đào tạo tập trung vào các nội dung như quản lý điều hành, kế toán HTX, xây dựng kế hoạch kinh doanh, tiếp cận thị trường… Những hoạt động này đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt…
Nhờ sự hỗ trợ đồng bộ từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, nhiều HTX tại huyện Yên Khánh đã đạt được những kết quả tích cực. Các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao đã được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho thành viên HTX và tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Với hàng loạt yếu tố cộng hưởng, tỷ lệ hộ nghèo ở Yên Khánh giảm đáng kể. Từ mức hơn 6% vào năm 2016, đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm xuống dưới 1,8%, nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Chuyển đổi cây trồng và phát triển HTX không chỉ giúp Yên Khánh khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai mà còn mở ra cơ hội làm giàu bền vững cho người dân nông thôn. Từ những cánh đồng trồng lúa kém hiệu quả ngày nào, giờ đây đã mọc lên những vựa rau xanh mướt, những nhà lưới hiện đại, những tổ hợp tác nhộn nhịp thu hoạch và sơ chế nông sản.
Bảo Lâm: Nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, huyện Bảo Lâm đã tập trung chỉ đạo các địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh, chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc trưng để tạo thương hiệu riêng cho nông sản địa phương.
Huyện Bảo Lâm nổi tiếng với nhiều vườn bơ 034 được chứng nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP
Hiện nay, huyện Bảo Lâm có 64 sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, các sản phẩm được chứng nhận như: bơ 034, sầu riêng, cà phê, dứa, mắc ca, chuối Laba, rau, cà chua, măng cụt, nấm mèo, rượu gạo, mật ong, nước cốt gừng, nghệ, rau khí canh…
Khi mới được thành lập, huyện Bảo Lâm thuộc huyện nghèo của tỉnh Lâm Đồng, kinh tế nông nghiệp chiếm hơn 90% tỷ trọng nền kinh tế của huyện. Sản xuất nông nghiệp còn mang tính độc canh, chủ yếu dựa vào hai giống cây chủ lực là chè và cà phê nhưng hầu hết là các giống cây cũ, năng suất chất lượng kém. Với lợi thế về đất đai, nguồn nước và khí hậu phù hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa với các loại nông sản chủ lực như: chè, cà phê và cây ăn quả; trong thời gian qua, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại. Đến nay, sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp theo giá so sánh 2010 (giai đoạn 1994 - 2025) tăng 9,42%; công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt nhiều kết quả tích cực; việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất có bước tiến mạnh mẽ, nhiều mô hình sản xuất đã được áp dụng theo tiêu chuẩn an toàn, diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao ngày càng tăng với trên 9.000 ha.
Cùng với đó, các sản phẩm OCOP địa phương được thị trường trong và ngoài nước biết đến, điển hình như cà phê Got Coffee Hương vị Bá tước, cà phê hạt pha máy của Công ty TNHH Nguyên Phúc Nông tại Thôn 12, xã Lộc Thành; cà phê Hoàng Gia của hộ gia đình Lương Thị Vinh tại Thôn 5, xã B'Lá; cà phê bột Lek Coffee của hộ gia đình Ka Nhụy tại Thôn 15, xã Lộc Thành; cà phê Robusta rang mộc của hộ kinh doanh Organic Tea and Coffee Đồi Mây tại Thôn 4, xã Lộc Tân… Đặc biệt, thương hiệu Got Coffe của Công ty Nguyên Phúc Nông đã được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tôn vinh “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2023”.
Hiện nay, sầu riêng đã và đang mang lại thu nhập tiền tỷ cho người dân địa phương, nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP như: sầu riêng Long Thủy của Công ty TNHH Thương mại sản xuất Long Thủy tại Thôn 6, xã Lộc An; sầu riêng K'Thiện của hộ kinh doanh K’Thiện tại thôn Hang Ka, xã Lộc Bảo; sầu riêng Thái Anh Khôi của hộ kinh doanh Anh Khôi, Thôn 4, xã Lộc Bắc; sầu riêng Ông Cậy của hộ ông Nguyễn Văn Cậy, Thôn 3, Lộc Đức; sầu riêng Hải Sơn của hộ kinh doanh Hải Sơn, Thôn 3, xã Lộc Bảo…
Nhắc đến Bảo Lâm thì hẳn ai cũng biết đó là vùng trồng bơ lớn của tỉnh Lâm Đồng. Có nhiều sản phẩm bơ nổi tiếng như bơ LĐ 034 Bình Minh của Hợp tác xã (HTX) Bình Minh tại Thôn 12, Lộc Ngãi; Bơ Booth7 của HTX Nông sản sạch Thương mại dịch vụ Lộc An tại Thôn 6, xã Lộc An; bơ LĐ 034 ông Thọ của hộ kinh doanh Phùng Quang Thọ, Thôn 12, xã Lộc Phú… Hiện, đang vào mùa thu hoạch bơ, theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện thì diện tích bơ địa phương khoảng 1.256 ha, trong đó khoảng 500 ha trồng thuần, khoảng 756 ha trồng xen, năng suất bơ ước đạt 130 tạ/ha; sản lượng bơ các loại đạt tổng 13.500 tấn. Năm nay tuy sản lượng giảm nhưng giá tăng đã giúp nhiều nông dân có thêm nguồn thu nhập.
Một điểm mới trong Chương trình OCOP ở Bảo Lâm chính là sự thành công của rau khí canh như: rau bồ công anh, rau xà lách Tiến Vua của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Nông sản khí canh Việt Nam tại Thôn 6, xã Lộc Nam đã được chứng nhận OCOP 3 sao; bí đao khí canh, dưa leo khí canh của Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Rau sạch khí canh Việt Nam tại Thôn 12, xã Lộc Thành đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Để có được nguồn rau sạch cung cấp ra thị trường và tạo điểm tham quan, hướng dẫn trực tiếp cho mọi người, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Nông sản khí canh Việt Nam đã đầu tư xây dựng 4 vườn rau tại hai địa phương. Tại xã Lộc Thành, xây dựng 2 vườn trên diện tích đất sản xuất của gia đình anh Phạm Thế Tuấn; còn ở xã Lộc Nam được xây dựng 2 vườn trên diện tích đất sản xuất của gia đình anh Đinh Công Tráng. Mỗi vườn rau có trên 200 trụ, với diện tích khoảng 2.000 m2, chủ yếu là rau xà lách. Theo anh Tráng, công ty muốn chọn cây xà lách để tạo thương hiệu và tạo ấn tượng cho người tiêu dùng, bởi rau xà lách được trồng theo kỹ thuật khí canh có vị ngon, ngọt mang đậm chất riêng. Hiện, trung bình thu 10 kg/trụ/vụ 25 ngày. Tính ra, mỗi tháng anh Tuấn và anh Tráng thu được 1 tấn xà lách, với giá bán 35.000 đồng/kg, trừ chi phí còn thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Bảo Lâm cho biết: Phát triển sản phẩm OCOP có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm OCOP cũng gặp một số khó khăn như các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn hạn chế; khách hàng vẫn chưa hiểu thấu đáo về sự khác biệt giữa sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp thường… Chính vì vậy, để Chương trình OCOP đi vào chiều sâu, hằng năm, huyện Bảo Lâm đã đưa nội dung của chương trình vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện để chỉ đạo thực hiện. Lồng ghép triển khai các nội dung chương trình trong các cuộc họp thường kỳ và các hội nghị liên ngành của huyện nhằm tuyên truyền về Chương trình OCOP đến tất cả các cấp, các ngành, các xã, thị trấn và Nhân dân hiểu, biết về chương trình để tích cực tham gia thực hiện.
Ninh Bình vững bước trên con đường xây dựng nông thôn mới
Gần 15 năm kể từ khi bắt đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tỉnh Ninh Bình đã ghi dấu một chặng đường phát triển mang tính bản lề trong tiến trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Từ một tỉnh thuần nông, cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập thấp, đến nay, Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trong toàn quốc về xây dựng NTM.
Phát triển du lịch nông thôn là một trong những thế mạnh của Ninh Bình trong xây dựng nông thôn mới. (Trong ảnh: TamCoc Friends homestay ở thôn Đam Khê Trong, xã Ninh Hải, thành phố Hoa Lư). Ảnh: Minh Đường
Vươn lên từ vùng đất khó
Năm 2010, khi bước vào hành trình xây dựng NTM, tỉnh Ninh Bình đứng trước muôn vàn khó khăn. Là một tỉnh thuần nông, cơ sở hạ tầng hạn chế, thu nhập của người dân còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, sản xuất nông nghiệp manh mún và chưa có liên kết chuỗi, bộ mặt nông thôn vẫn còn lạc hậu. Toàn tỉnh lúc đó chỉ đạt trung bình 4,8 tiêu chí/xã theo Bộ tiêu chí NTM, có 3 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên; thu nhập bình quân đầu người đạt 13,2 triệu đồng/năm, hơn 12% dân cư thuộc diện hộ nghèo.
Tuy nhiên, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là tinh thần chủ động, đồng lòng của người dân, Chương trình xây dựng NTM đã thực sự lan tỏa mạnh mẽ trên khắp các miền quê tỉnh Ninh Bình.
Từ ven biển Kim Sơn đến miền núi Nho Quan, huyện Gia Viễn, Yên Mô, Hoa Lư.., mỗi địa phương đều có những cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển mình mạnh mẽ về mọi mặt.
Phát huy tinh thần Nhà nước và Nhân dân cùng làm, trong đó người dân là chủ thể, Ninh Bình đã huy động nguồn lực mạnh mẽ để triển khai xây dựng NTM trên phạm vi toàn tỉnh. Tổng nguồn lực huy động cho Chương trình lên tới hơn 68.300 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm 24%, còn lại là vốn tín dụng, đóng góp của doanh nghiệp và đặc biệt là của Nhân dân, lên tới gần 13.000 tỷ đồng. Người dân không chỉ đóng góp tiền của, mà còn hiến hàng ngàn hecta đất, hàng trăm nghìn ngày công lao động, gắn bó và chủ động trong từng công trình, từng hạng mục, từ đó tạo nên một “cuộc cách mạng” trong nhận thức và hành động.
Điểm nổi bật trong phong trào xây dựng NTM của tỉnh Ninh Bình phải kể đến hạ tầng nông thôn thay đổi vượt bậc: 100% đường liên xã, liên thôn, trục chính nội đồng được cứng hóa hoặc bê tông hóa, 97% đường ngõ xóm sạch sẽ, sáng-xanh-đẹp. Hệ thống thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, văn hóa cơ bản được đầu tư đồng bộ, đảm bảo phục vụ tốt đời sống và sản xuất. Đặc biệt, công tác quy hoạch-một khâu then chốt trong xây dựng NTM đã được chú trọng, với 100% xã có quy hoạch chung xây dựng NTM, quy hoạch khu chức năng sản xuất, sinh hoạt được công bố công khai và quản lý hiệu quả.
Cơ cấu kinh tế nông thôn cũng có bước chuyển rõ rệt. Từ chỗ phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp, đến nay tỷ trọng nông, lâm, thủy sản của tỉnh chỉ còn 10,1%, công nghiệp-xây dựng chiếm 41,3%, dịch vụ chiếm 48,6%. GRDP bình quân đầu người đạt hơn 96 triệu đồng/năm, giá trị bình quân trên một ha canh tác đạt 160 triệu đồng/ năm-Một bước tiến dài trong việc nâng cao đời sống người dân. Các mô hình sản xuất hiệu quả, tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới được hình thành và phát triển, gắn kết với chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Các chương trình chuyên đề trong xây dựng NTM được triển khai bài bản và hiệu quả. Chương trình OCOP đã ghi dấu ấn rõ nét, với 209 sản phẩm được xếp hạng (trong đó có 67 sản phẩm 4 sao), nhiều sản phẩm trở thành quà tặng du lịch đặc trưng của Ninh Bình như: Cơm cháy, rượu Kim Sơn, mắm tép Gia Viễn, gốm Bồ Bát… Song song với đó, chương trình phát triển du lịch nông thôn đã giúp các làng nghề truyền thống như Ninh Vân, Văn Lâm, Sinh Dược, Yên Thành... trở thành điểm đến hấp dẫn, kết nối sâu với các tour du lịch lớn như Tràng An, Tam Cốc-Bích Động.
Cảnh quan nông thôn cũng có sự chuyển biến tích cực. Các mô hình nhà sạch-vườn đẹp, đường hoa kiểu mẫu, thôn xanh-sạch-đẹp được lan tỏa mạnh mẽ. 100% xã có tổ chức thu gom và xử lý rác thải, 90% hộ dân có bể tự hoại xử lý nước thải sinh hoạt, các làng nghề được đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý nước thải. Công tác phân loại rác tại nguồn, phát triển cây xanh, tạo không gian sinh thái hài hòa đang góp phần xây dựng NTM theo hướng bền vững, hiện đại và văn minh.
Hướng tới NTM văn minh, hiện đại
Xác định NTM là một quá trình không có điểm dừng, Ninh Bình đang tiếp tục tổng kết kinh nghiệm thực tế, rút ra các bài học để tiến đến hành trình triển khai xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu và thông minh. Hiện toàn tỉnh có 76 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 63,8%) và 2/6 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Đặc biệt, 24 xã đã triển khai mô hình “thôn thông minh”, nơi công nghệ số được ứng dụng trong quản lý, sản xuất, truyền thông và cung cấp dịch vụ hành chính công.
Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM tại Ninh Bình được lồng ghép đồng bộ với Chương trình chuyển đổi số quốc gia, được triển khai bài bản từ hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo cán bộ, đến các nền tảng quản lý sản phẩm OCOP, thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Người dân bắt đầu làm quen với các ứng dụng nông nghiệp thông minh, thương mại số, quảng bá sản phẩm trên nền tảng số.
Cùng với đó, công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng tiếp tục được giữ vững. Lực lượng Công an xã chính quy hoạt động hiệu quả, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với phong trào xây dựng NTM được phát huy mạnh mẽ. Các mô hình tự quản, liên kết an ninh vùng giáp ranh, xử lý từ sớm, từ xa các vấn đề tiềm ẩn nguy cơ, đã tạo nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển toàn diện và ổn định.
Một bài học sâu sắc được rút ra trong suốt 15 năm qua là: Xây dựng NTM không phải là “dự án”, mà là một quá trình chuyển hóa toàn diện đời sống nông thôn. Trong đó, người dân là chủ thể, là trung tâm; Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ; chính quyền các cấp phải năng động, sát dân, chủ động gỡ nút thắt về cơ chế, huy động nguồn lực, khơi dậy nội lực. Điều đó đã tạo nên sức mạnh đồng thuận- yếu tố cốt lõi giúp Ninh Bình xây dựng NTM bền vững trong từng bước đi.
Nhìn lại hành trình gần 15 năm có thể khẳng định: Chương trình xây dựng NTM tại Ninh Bình không chỉ mang lại diện mạo nông thôn khang trang, mà còn hình thành nên một nền tảng vững chắc về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, môi trường, nơi người dân không chỉ “no ấm” mà còn “an cư, lạc nghiệp” và tự hào về mảnh đất quê hương. Đó chính là bệ phóng để Ninh Bình hướng tới những mục tiêu xa hơn, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với tính chất Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Khi nông sản Bù Gia Mập 'lên sàn' thương mại điện tử
Bình Phước – mảnh đất đỏ bazan nơi cửa ngõ vùng Đông Nam Bộ – đang chứng kiến sự chuyển mình của huyện Bù Gia Mập. Từ một huyện vùng sâu, vùng xa, Bù Gia Mập đang vươn lên mạnh mẽ nhờ chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.
Đặc biệt, trong quá trình chuyển đổi theo hướng công nghệ cao, ứng dụng thương mại điện tử trong nông nghiệp, các mô hình HTX kiểu mới ra đời không chỉ giúp nông dân Bù Gia Mập thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu, tạo việc làm và sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương.
Vùng đất khó khởi sắc từ nội lực
Nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Phước, giáp ranh với Campuchia, Bù Gia Mập từng được xem là “vùng trũng” trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Địa hình đồi núi, cơ sở hạ tầng hạn chế, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao – là những trở ngại lớn đối với sản xuất.
Tuy nhiên, những năm gần đây, địa phương đã mạnh dạn chuyển hướng, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng chuỗi giá trị, hỗ trợ hình thành các HTX kiểu mới, gắn với ứng dụng chuyển đổi số.
Bù Gia Mập chuyển mình nhờ nông nghiệp hiện đại.
Đáng chú ý, xác định rõ vai trò then chốt của HTX trong tổ chức lại sản xuất, huyện đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ từ đất đai, tập huấn kỹ thuật đến kết nối thị trường. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ và thương mại điện tử được xem là bước ngoặt trong quá trình phát triển nông nghiệp bền vững.
Với sự hỗ trợ thiết thực từ địa phương, nhiều HTX điểm trên địa bàn huyện ra đời, trở thành điểm tựa làm giàu cho thành viên, hộ liên kết. Như ở xã Phú Văn, hạt điều – cây trồng chủ lực từ lâu đã quen thuộc với người dân, tuy nhiên chỉ khi HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Lộc Quang (xã Phú Văn) được thành lập, hạt điều mới thực sự bước vào “cuộc cách mạng” mới.
Thành lập từ năm 2019 với 17 thành viên, đến nay HTX Lộc Quang đã phát triển vùng nguyên liệu hơn 150 ha, ứng dụng đồng bộ kỹ thuật tưới nhỏ giọt, chế phẩm sinh học và công nghệ chế biến sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, HTX đầu tư dây chuyền sấy lạnh, tách hạt và đóng gói tự động, giúp sản phẩm giữ nguyên hương vị tự nhiên, không sử dụng hóa chất bảo quản.
Cơ hội mở ra từ nông nghiệp hiện đại
Chị Trần Thị Thùy Trang, đại diện HTX Lộc Quang, cho hay HTX không chỉ sản xuất mà còn bán hàng qua sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Postmart. Doanh thu năm 2024 đạt hơn 8 tỷ đồng, tạo việc làm cho 40 lao động, trong đó có nhiều phụ nữ và người dân tộc thiểu số.
Không dừng lại ở điều thô, HTX còn phát triển các dòng sản phẩm chế biến sâu như điều rang bơ, điều mật ong, điều wasabi, nhắm đến phân khúc quà tặng và xuất khẩu. “Chìa khóa của thành công chính là dám thay đổi – từ cách nghĩ đến cách làm”, chị Trang khẳng định.
Bên cạnh điều, nhiều hộ dân tộc S’tiêng ở xã Đắk Ơ, Phú Nghĩa, Phước Minh đã bắt đầu khai thác lợi thế thổ nhưỡng để phát triển dược liệu dưới tán rừng – một hướng đi bền vững đang được khuyến khích.
HTX Dược liệu Sinh thái Bù Gia Mập (xã Đắk Ơ) là đơn vị tiên phong phát triển mô hình trồng đinh lăng, sâm bố chính và hà thủ ô đỏ xen canh trong rừng keo, điều. Với sự hỗ trợ của chương trình OCOP và các chuyên gia Viện Dược liệu, HTX đã xây dựng vườn mẫu và hệ thống phơi sấy khép kín, bước đầu cho thu nhập gấp 2 – 3 lần trồng điều đơn thuần.
Anh Điểu Đen – thành viên HTX, người dân tộc S’tiêng – phấn khởi chia sẻ: “Trước kia chỉ biết làm rẫy, đi làm thuê, giờ tôi có đất trồng dược liệu, mỗi năm thu vài chục triệu đồng. Quan trọng hơn là bà con học được cách làm bài bản, có kế hoạch và biết bán hàng online”.
HTX đã lập fanpage, đưa sản phẩm lên các nền tảng số, kết nối với các doanh nghiệp dược phẩm trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm HTX tiêu thụ khoảng 10 tấn nguyên liệu khô, mang lại doanh thu hơn 3 tỷ đồng.
Các HTX đang đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi nông nghiệp theo hướng hiện đại ở Bù Gia Mập.
Điểm sáng nổi bật trong chuyển đổi sản xuất ở Bù Gia Mập là việc mạnh dạn ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất – từ quản lý vùng nguyên liệu bằng mã QR, nhật ký điện tử đến truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ trực tuyến.
HTX Thanh Long sạch Bù Gia Mập (xã Đắk Ơ) là mô hình điển hình khi áp dụng phần mềm quản lý trang trại FarmRecord và kết nối tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử Voso, Sendo. Nhờ đó, sản phẩm không chỉ bán được giá cao mà còn xây dựng được thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ các HTX tham gia hội chợ trực tuyến, gian hàng ảo và xúc tiến thương mại bằng công nghệ 3D – bước đi cho thấy sự cập nhật xu thế mới của địa phương.
Hướng tới nông nghiệp xanh, giàu bản sắc
Không chỉ làm kinh tế, nhiều HTX ở Bù Gia Mập còn chú trọng gìn giữ bản sắc văn hóa và bảo vệ môi trường. Thành công hiện tại của các HTX không thể không nhắc đến các chương trình hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Bình Phước, đặc biệt trong việc nâng cao năng lực sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho các HTX trên địa bàn.
Cụ thể, nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, từ năm 2022 đến nay, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Bình Phước đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư máy móc thiết bị, tư vấn xây dựng mô hình HTX kiểu mới tại Bù Gia Mập.
Trong đó, nhiều mô hình tiêu biểu đã được hình thành như HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Lộc Quang (xã Phú Văn), HTX Dược liệu Sinh thái Bù Gia Mập (xã Đắk Ơ), HTX Thanh Long sạch Bù Gia Mập…
Các chương trình hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Bình Phước không chỉ dừng lại ở cấp phát trang thiết bị như máy sấy nông sản, hệ thống tưới tiết kiệm, nhà lưới, tem truy xuất nguồn gốc… mà còn chú trọng đào tạo cán bộ HTX, nâng cao năng lực quản trị, tổ chức hội thảo kết nối cung – cầu, hướng dẫn HTX ứng dụng thương mại điện tử vào tiêu thụ sản phẩm.
Thành quả mà Bù Gia Mập đạt được hôm nay là kết quả của sự kiên trì đổi mới, sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền và đặc biệt là tinh thần vươn lên mạnh mẽ của người dân địa phương. Các mô hình HTX đã và đang đóng vai trò trung tâm trong tái cơ cấu nông nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng biên.
Thời gian tới, huyện dự kiến tiếp tục đầu tư hạ tầng số, phát triển logistics nông nghiệp và nhân rộng các mô hình HTX sản xuất gắn với du lịch, dược liệu và chế biến sâu. Mục tiêu là xây dựng Bù Gia Mập thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa xanh, hiện đại, bền vững và bản sắc.
Từ những quả điều thơm giòn, những luống dược liệu tràn đầy sức sống đến những phiên chợ trực tuyến nhộn nhịp, Bù Gia Mập đang viết nên một câu chuyện phát triển đầy cảm hứng – nơi biên cương không còn là vùng trũng, mà là điểm sáng của nông nghiệp số, nông nghiệp xanh và bền vững.
Người dân tộc thiểu số ở Tuyên Hóa chuyển mình trên vùng gió Lào cát trắng
Mảnh đất Tuyên Hóa (Quảng Bình), nơi phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số như Bru - Vân Kiều sinh sống, đang bừng sáng nhờ làn gió đổi mới từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ thông tin, sở hữu trí tuệ trong nông nghiệp.
Đáng chú ý, những HTX nông nghiệp do chính đồng bào dân tộc thiểu số lãnh đạo đang trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, tạo việc làm, giữ gìn văn hóa và đưa nông sản của vùng đất Tuyên Hóa vươn xa.
Vượt khó từ tri thức bản địa
Nằm ở vùng giáp ranh với khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha – Kẻ Bàng, bản Đá Chát từng là một vùng nghèo đặc biệt khó khăn. Cái đói từng đeo bám nhiều thế hệ người Vân Kiều nơi đây, dù thiên nhiên ưu đãi nhiều loại cây dược liệu quý như sa nhân tím, chè dây, hà thủ ô…
Mọi chuyện chỉ dần thay đổi khi HTX Nông nghiệp – Dược liệu bản Đá Chát được thành lập, trở thành đầu tàu dẫn dắt các thành viên, nông dân liên kết trồng sa nhân tím dưới tán rừng theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào canh tác, tiêu thụ sản phẩm.
Thay đổi tư duy sản xuất giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Hóa nâng cao thu nhập.
“Trước đây người dân chỉ biết hái thuốc rừng đem bán cho thương lái với giá rẻ mạt. Giờ thì khác rồi, chúng tôi trồng, sơ chế, đóng gói và bán trực tiếp qua mạng,” chị Hồ Thị Sa Rí, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Dược liệu bản Đá Chát chia sẻ.
Chị Hồ Thị Sa Rí là người Vân Kiều đầu tiên trong bản học cách sử dụng điện thoại thông minh để quảng bá sản phẩm trên Facebook, Zalo và sàn thương mại điện tử Postmart.
HTX Đá Chát hiện có 42 thành viên, trong đó trên 90% là người dân tộc thiểu số. Nhờ sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình và các chương trình của huyện Tuyên Hóa, bà con được đào tạo kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới hữu cơ.
Đồng thời, HTX được trang bị một trạm chế biến sấy khô bằng năng lượng mặt trời và hệ thống truy xuất nguồn gốc QR code cho sản phẩm. Năm 2024, HTX chính thức đăng ký nhãn hiệu tập thể “Dược liệu Đá Chát – Tuyên Hóa” và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ.
“Sở hữu trí tuệ giúp chúng tôi giữ gìn thương hiệu, nâng giá trị sản phẩm lên gấp 2-3 lần. Giờ không ai còn coi cây thuốc là hàng rong nữa, mà là sản phẩm bản địa có giá trị kinh tế cao”, chị Sa Rí tự hào nói.
Những điểm tựa thoát nghèo
Không riêng Đá Chát, mô hình HTX đang trở thành lựa chọn hàng đầu để người dân tộc thiểu số huyện Tuyên Hóa vươn lên thoát nghèo. Tại xã Lâm Hóa, HTX Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Lâm Hóa do anh Đinh Văn Tánh, người dân tộc Bru làm giám đốc, đang gây tiếng vang lớn khi xây dựng chuỗi giá trị cây chè dây và cam bản địa.
Anh Tánh kể trước đây người dân trồng cam nhưng không theo quy hoạch, không có kỹ thuật, nên khi mất mùa thì trắng tay. Giờ đây, HTX đứng ra bao tiêu, hướng dẫn canh tác và ứng dụng công nghệ số để giám sát quá trình trồng.
Cụ thể, thời gian qua, để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX đã xây dựng bản đồ số vùng nguyên liệu, lắp hệ thống cảm biến độ ẩm đất và sử dụng phần mềm quản lý sản xuất nông nghiệp để theo dõi từ khâu gieo trồng đến thu hoạch.
Đặc biệt, HTX còn đầu tư hệ thống livestream quảng bá sản phẩm và tham gia các hội chợ nông sản trực tuyến, mở rộng đầu ra đến Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Nhờ vậy, sản phẩm chè dây Lâm Hóa – từng bị coi là “cỏ dại” – nay đã có mặt trong các cửa hàng đặc sản và siêu thị.
Hiện toàn huyện Tuyên Hóa có 23 HTX nông nghiệp, trong đó 12 HTX có đông thành viên là người dân tộc thiểu số, tạo việc làm thường xuyên cho gần 600 lao động với mức thu nhập từ 4-6 triệu đồng/người/tháng. Nhiều HTX còn xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Hóa ngày càng mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Một trong những đột phá lớn trong quá trình phát triển nông nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số huyện Tuyên Hóa là tư duy tiếp cận công nghệ. Thời gian qua, các lớp tập huấn sử dụng công nghệ thông tin, marketing số, truy xuất nguồn gốc, kỹ thuật số hóa vùng trồng… được tổ chức trên địa bàn huyện luôn kín người.
Được biết, năm 2024, huyện đã triển khai thành công đề án “Số hóa nông thôn mới” tại 5 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Các HTX được hỗ trợ xây dựng website, gian hàng trên các sàn thương mại điện tử và đào tạo kỹ năng xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Gìn giữ bản sắc – làm giàu từ đất
Dễ nhận thấy các HTX đang tạo dấu ấn tích cực trong quá trình chuyển đổi sản xuất phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tuyên Hóa. Những thành công này có đóng góp không nhỏ từ các chương trình đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình.
Cụ thể, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, HTX tại huyện Tuyên Hóa. Các hoạt động này đã góp phần nâng cao năng lực cho các HTX, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Năm 2025, HTX Vận tải Phú Thành–Tuyên Minh (huyện Tuyên Hóa) vinh dự được Liên minh HTX Việt Nam trao tặng danh hiệu “Ngôi sao Hợp tác xã – CoopStar Awards”. Giải thưởng nhằm vinh danh các HTX tiêu biểu có đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế tập thể, khuyến khích các đơn vị phát triển sản xuất theo quy mô lớn, chuyên nghiệp, nâng cao giá trị hàng hóa và mở rộng thị trường.
Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình đã tổ chức gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP tại hội chợ thương mại cấp quốc gia năm 2025. Sự kiện này giúp các HTX trong tỉnh, bao gồm cả huyện Tuyên Hóa, tiếp cận các doanh nghiệp, nhà phân phối tiềm năng, ký kết các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác, hợp đồng mua bán sản phẩm hàng hóa với các hệ thống siêu thị lớn như Aeon, Go, Winmart, Lotte, Saigon Co.op…
Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình cũng đẩy mạnh nhân rộng mô hình liên hiệp HTX nhằm tổ chức lại sản xuất, hình thành các cánh đồng lớn, sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, bảo đảm chất lượng, đồng nhất về chủng loại, gắn với chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Tập trung vào các mô hình HTX có sản phẩm OCOP, hỗ trợ tiếp cận các chính sách về vốn, xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và xây dựng phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Trong bối cảnh kinh tế nông thôn đang từng bước hội nhập sâu vào thị trường, hành trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ và sở hữu trí tuệ ở huyện Tuyên Hóa là minh chứng sống động cho sự chuyển mình của nông nghiệp miền núi.
Chìa khóa thành công chính là niềm tin vào tri thức bản địa, vào người dân tộc thiểu số làm chủ quá trình sản xuất. Các HTX đã trở thành cầu nối giữa “nông dân số” với thị trường, giữa “cây bản địa” với giá trị kinh tế toàn cầu.
Bắc Yên hỗ trợ kinh tế hợp tác xã
Bắc Yên có 33 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch. Hoạt động của các HTX tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh ở địa phương, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Hợp tác xã Nông nghiệp A Châu, xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên giới thiệu sản phẩm trà ống lam.
Bà Dương Thị Lan Hương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, cho biết: Trong 5 năm qua, huyện đã thành lập Tổ tư vấn giúp đỡ các HTX đăng ký thành lập, xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, giám đốc, kế toán HTX. Khuyến khích các HTX áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhất là các HTX nông nghiệp thực hiện quy trình sản xuất gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm theo quy trình VietGAP. Thường xuyên tổ chức đối thoại giữa UBND huyện với các HTX, để lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho nông dân.
Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, với tổng vốn vay trên 5 tỷ đồng. Hỗ trợ hàng chục tỷ đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật, túi bọc quả xoài; giúp các HTX quảng bá sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần thay đổi tư duy sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động. Hiện nay, doanh thu bình quân một HTX đạt trên 800 triệu đồng/năm,
HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp và thương mại Làng Chếu đầu tư hệ thống sấy lạnh.
Nắm bắt xu thế của thị trường, các HTX chủ động đổi mới phương thức hoạt động; kết nối, hình thành các chuỗi liên kết giữa nông dân với HTX, doanh nghiệp. Từ chỗ sản xuất theo hình thức tự cung, tự cấp, đến nay, toàn huyện có 11 sản phẩm OCOP đạt 3 và 4 sao, tiêu biểu như sản phẩm trà ống lam, trà shan tuyết, măng trúc muối ớt, miến dong tươi và khô…
Điển hình như HTX Nông nghiệp A Châu, bản Chung Trinh, xã Tà Xùa, từ năm 2020 đã liên kết các hộ trong bản thành lập HTX, quy mô sản xuất 7 ha chè theo hướng hữu cơ và 4 ha su su, trong đó, sản phẩm chè ống lam của HTX được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Anh Lù A Châu, Giám đốc HTX, cho biết: HTX được huyện, tỉnh giới thiệu tham gia các tuần hàng giới thiệu nông sản; được hỗ trợ tham gia cuộc thi khởi nghiệp do Trung ương Đoàn tổ chức. Qua đó, giúp việc tiêu thụ các sản phẩm của HTX ổn định.
Nhân dân xã Háng Đồng sao chè bằng máy.
Còn tại xã vùng cao Làng Chếu, khai thác lợi thế của địa phương có nhiều hộ trồng dong riềng, sơn tra, năm 2020, ông Sồng A Mang cùng với 7 hộ dân ở bản Cáo A đã liên kết, thành lập HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp và thương mại Làng Chếu. Đến nay, HTX xây dựng 2 sản phẩm miến dong khô, miến dong tươi đạt OCOP 3 sao; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.
Ông Sồng A Mang, Giám đốc HTX, cho biết: Với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, HTX đầu tư máy sấy lạnh quả sơn tra và dây chuyền sản xuất tinh bột, miến dong. Mỗi năm, HTX bao tiêu hơn 2.000 tấn quả sơn tra và dong riềng cho nhân dân các xã vùng cao của huyện. Bên cạnh đó, HTX còn hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho các hộ, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Doanh thu mỗi năm đạt từ 700-800 triệu đồng.
Phát triển kinh tế HTX trên địa bàn huyện Bắc Yên đã góp phần thay đổi tư duy của các hộ nông dân trong sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh - sạch - an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng giá trị thu nhập trên diện tích canh tác, giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.
Kinh tế tuần hoàn, đảm bảo thu nhập và môi trường
Với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng, tỉnh Sơn La đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến... góp phần xây dựng tỉnh phát triển xanh, nhanh, bền vững.
Nhà máy chế biến phân bón của Công ty cổ phần Phân bón Sông Lam Tây Bắc.
Xác định rõ mục tiêu, lộ trình
Toàn tỉnh hiện có 85.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra. Trong đó, có 2.200 ha áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước; hơn 4.750 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và tương đương; 8 vùng trồng trọt được công nhận ứng dụng công nghệ cao.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu xây dựng tỉnh Sơn La “phát triển xanh, nhanh, bền vững”. Theo đó, định hướng tập trung phát triển trên 3 trụ cột: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến và năng lượng sạch, du lịch... góp phần xanh hóa các ngành kinh tế.
Cụ thể hóa các mục tiêu đề ra, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận và đề án trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, du lịch. Trong đó, trọng tâm là Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 21/1/2021 về phát triển công nghiệp chế biến nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; và Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản theo hướng tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Dây chuyền chế biến phân bón Bioway AT - 6H của Công ty cổ phần Phân bón Sông Lam Tây Bắc.
Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Tỉnh đã nghiêm túc thực hiện các chủ trương của Đảng và Chính phủ về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, ứng dụng công nghệ số, phát triển hạ tầng bền vững, tận dụng lợi thế cạnh tranh, đồng thời giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Nhiều mô hình nông nghiệp xanh, tuần hoàn được phát triển và nhân rộng, như: VAC (vườn - ao - chuồng); VACB (vườn - ao - chuồng - biogas); VACR (vườn - ao - chuồng - rừng); sản xuất phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp để bón cây trồng; tận dụng chất thải chăn nuôi làm phân bón, nuôi trùn quế hoặc bể biogas cung cấp nhiên liệu sinh học cho các hộ gia đình.
Những doanh nghiệp tiên phong
Nhà máy chế biến đường của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La có công suất chế biến 5.000 tấn mía cây/ngày và khoảng 600.000 tấn mía/vụ, thải ra hàng chục nghìn tấn bã mía và bã bùn mía mỗi năm. Công ty sử dụng công nghệ sinh học biến phế thải, rác thải thành nguyên liệu đầu vào trong sản xuất.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn nhân dân ủ rơm làm thức ăn dự trữ cho gia súc.
Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy chế biến đường, cho biết: Bã mía thải ra được Công ty dùng làm nhiên liệu đốt phát điện, giúp tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, Công ty cũng đã đầu tư phân xưởng sản xuất phân vi sinh từ 5.000 - 6.000 tấn phân bùn ủ men, cùng với 3.000 - 4.000 tấn tro của lò dùng bón cho vùng nguyên liệu mía. Quy trình sản xuất khép kín, tuần hoàn giúp Công ty giảm chi phí tối đa và bảo vệ môi trường.
Tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, bã sắn và chất thải chăn nuôi, Công ty CP Phân bón Sông Lam Tây Bắc sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh giàu dinh dưỡng, giúp phát triển nông nghiệp an toàn và bền vững. Tháng 9/2022, Công ty trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam tiếp nhận công nghệ Bioway AT-6H từ Công ty Bioway Organic VN để sản xuất phân bón.
Hướng dẫn nhân dân xã Chiềng Cọ, Thành phố ủ phân chuồng bằng phụ phẩm nông nghiệp.
Ông Nguyễn Như Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty CP Phân bón Sông Lam Tây Bắc, cho biết: Với công nghệ lên men vi sinh Bioway AT-6H, mỗi năm, nhà máy xử lý 70.000-80.000 tấn rác thải, phế phụ phẩm từ các cơ sở chế biến nông sản, như: vỏ cà phê, bã sắn, bùn bã mía đường và phụ phẩm chăn nuôi, để sản xuất 45.000 tấn phân bón hữu cơ. Đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất, Công ty đã ký hợp đồng thu mua toàn bộ phế phụ phẩm từ các đơn vị sơ chế, chế biến nông sản, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc.
Còn tại Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, thực hiện quy trình sản xuất, chăn nuôi khép kín, toàn bộ thân, lá của cây ngô sinh khối làm nguyên liệu đầu vào cho nhà máy sản xuất thức ăn cho bò sữa; sử dụng phế, phụ phẩm chăn nuôi làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón hữu cơ.
Ông Phạm Hải Nam, Tổng Giám đốc Công ty, cho biết: Công ty coi việc xử lý môi trường là nhiệm vụ thường xuyên, gắn liền với sự phát triển, phối hợp với Viện Nghiên cứu môi trường nông nghiệp áp dụng công nghệ sinh học để xử lý chất thải. Hiện nay, 100% số hộ chăn nuôi đã có hệ thống xử lý, trong đó 36 hộ và Trung tâm giống sử dụng công nghệ ép tách để chế biến phân thành sản phẩm thương mại, tăng thu nhập, với mức đầu tư gần 1 tỷ đồng mỗi hộ.
Chế biến ngô sinh khối tại Công ty cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đang tận dụng phế, phụ phẩm từ trồng trọt làm nhiên liệu phục vụ sản xuất điện, sấy nông sản, làm than sinh học và lấy tro làm nguyên liệu sản xuất phân bón. Các mô hình này giúp giảm rác thải, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm cho người lao động địa phương.
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng
Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: Kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn ở Sơn La bước đầu phát triển, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Nhận thức về các mô hình kinh tế này trong xã hội, từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân, vẫn chưa rõ ràng, cần được tuyên truyền và nghiên cứu thêm. Đồng thời, việc thu hút vốn đầu tư vào các dự án xanh còn hạn chế do chi phí chuyển đổi cao và chưa đủ hấp dẫn với nhà đầu tư.
Xây dựng bể biogas xử lý chất thải chăn nuôi.
Ngày 14/4/2025, UBND tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND để thực hiện Quyết định số 222/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035 tại Sơn La. Mục tiêu đến năm 2030 là giảm khai thác tài nguyên không tái tạo, quản lý hợp lý nguồn nước, đặc biệt là nước sạch dưới đất, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và tiết kiệm năng lượng... 100% khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động và truyền số liệu trực tiếp theo quy định. Tất cả cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng đều được xử lý đạt 100%, không phát sinh cơ sở mới gây ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 98% ở đô thị và 90% ở nông thôn. Tỷ lệ xử lý nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khu công nghiệp đạt trên 70% trước khi xả vào các lưu vực sông, suối.
Để đạt mục tiêu, tỉnh Sơn La tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn cho cán bộ, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, ứng dụng công nghệ mới, để phát triển kinh tế tuần hoàn hiệu quả, giảm ô nhiễm, bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học... hướng tới phát triển xanh, bền vững và xây dựng Sơn La trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của vùng Tây Bắc.
Phát triển cây ăn quả là 'đòn bẩy' xây dựng nền nông nghiệp sinh thái Thanh Hóa
Nắm giữ lợi thế về điều kiện tự nhiên đa dạng, diện tích đất nông nghiệp lớn, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung phát triển cây ăn quả trở thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu ngành trồng trọt, nâng cao thu nhập cho người dân và xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, hiệu quả, bền vững...
Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nhiều nông trại trồng cam tại huyện Thạch Thành đạt năng suất tốt, mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với nhiều loại cây trồng khác.
Với đầy đủ các vùng sinh thái từ đồng bằng, trung du, miền núi đến ven biển, Thanh Hóa sở hữu nền khí hậu và thổ nhưỡng đa dạng, là điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 242.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, chiếm khoảng 21,8% diện tích tự nhiên. Trong đó, diện tích đất trồng cây hàng năm chiếm 197.007 ha và cây lâu năm là 45.668 ha – một tiềm năng lớn để mở rộng quy mô trồng trọt, đặc biệt là cây ăn quả.
HIỆU QUẢ TỪ NHỮNG CÂY CHỦ LỰC VÀ MÔ HÌNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO
Những năm gần đây, nhận thức được giá trị kinh tế cao từ ngành cây ăn quả, các địa phương trong tỉnh đã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, hiệu quả.
Tính đến nay, Thanh Hóa có khoảng 25.000 ha cây ăn quả, trong đó hơn 2.000 ha được trồng mới và khoảng 12.000 ha trồng tập trung. Sản lượng hàng năm đạt trên 324.000 tấn, mang lại giá trị sản xuất khoảng 2.300 tỷ đồng (năm 2024), gấp đôi so với năm 2016. Thu nhập bình quân đạt khoảng 120 triệu đồng/ha.
Nhiều loại cây ăn quả chủ lực của tỉnh Thanh Hóa đã khẳng định hiệu quả và vị thế trên thị trường. Điển hình như chuối với diện tích 5.455 ha, dứa 3.935 ha, ổi 1.132 ha, cam 1.148 ha, bưởi 2.912 ha, vải 1.229 ha, nhãn 1.422 ha...
Đáng chú ý, nhiều mô hình sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao được triển khai thành công, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời nâng cao thu nhập đáng kể cho người nông dân.
Tại Công ty CP Mía đường Lam Sơn, mô hình trồng cam công nghệ cao đạt thu nhập trên 650 triệu đồng/ha. Ở xã Xuân Hòa (huyện Như Xuân) và xã Xuân Thành (huyện Thọ Xuân), mô hình cam, bưởi công nghệ cao cũng cho thu nhập từ 500 – 550 triệu đồng/ha.
Còn tại huyện Cẩm Thủy, mô hình trồng chuối đạt 350 triệu đồng/ha/năm, trong khi dứa trồng tại Thạch Thành, Hà Trung mang lại thu nhập bình quân từ 70 – 100 triệu đồng/ha/năm. Hay như mô hình vải không hạt ở xã Nguyệt Ấn (huyện Ngọc Lặc) và một số vườn ổi tại huyện Thạch Thành đạt thu nhập 200 – 300 triệu đồng/ha/năm.
20ha vải không hạt được trồng thử nghiệm ở huyện Ngọc Lặc đã cho hiệu quả kinh tế cao.
Là một trong những doanh nghiệp tiên phong ứng dụng quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao giá trị cây ăn quả với vùng trồng vải không hạt rộng 20 ha tại xã Nguyệt Ấn, ông Nguyễn Văn Huệ, Giám đốc điều hành Công ty Hồ Gươm Sông Âm, cho biết: “Giống vải không hạt do công ty phát triển có chất lượng cao, cùi dày, vị thanh mát, phù hợp với người tiểu đường do độ đường thấp. Giá bán loại vải này cao hơn từ 9 – 10 lần so với vải thường”.
Trước đây, khu vực này được trồng mía nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ năm 2019, công ty đã quyết định chuyển đổi sang trồng vải không hạt, đem lại kết quả khả quan. Năm 2023, doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục xuất khẩu 6 tạ vải sang Nhật Bản và 5 tạ sang Vương quốc Anh bằng đường hàng không. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và chứng nhận hữu cơ, đủ điều kiện vào thị trường khó tính như Nhật Bản, Canada, EU...
Theo ông Huệ, năm 2024 nhiều đối tác đã đặt mua sản phẩm với giá từ 350.000 – 400.000 đồng/kg. Một số đơn vị còn đề xuất hợp đồng bao tiêu từ năm 2025. Tuy nhiên, công ty vẫn đang cân nhắc do phụ thuộc vào sản lượng và giá cả thị trường khi vào vụ thu hoạch.
Thành công của các mô hình nói trên cho thấy hiệu quả từ việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Tỉnh Thanh Hóa đã chủ động nghiên cứu, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới như: nhân giống có ưu thế bằng chiết, ghép; đốn tỉa tạo hình, cưa đốn làm trẻ cây; kỹ thuật kích thích ra hoa đúng vụ, bọc quả; đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước, tưới tự động; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh cũng chú trọng thử nghiệm, du nhập các giống cây ăn quả mới từ các địa phương khác như cam V2, bưởi da xanh, vú sữa Lò Rèn (trồng tại xã Xuân Thành – huyện Thọ Xuân), nhãn chín muộn Hà Tây… Kết quả bước đầu cho thấy các giống cây này thích nghi tốt, cho năng suất, chất lượng cao, mở ra tiềm năng nhân rộng.
CÂY ĂN QUẢ LÀ HƯỚNG ĐI CHIẾN LƯỢC TRONG CƠ CẤU LẠI NGÀNH TRỒNG TRỌT
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng ngành cây ăn quả tỉnh Thanh Hóa vẫn còn đối mặt với không ít khó khăn. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, thực tế tình trạng sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; chất lượng chưa đồng đều; liên kết giữa các khâu sản xuất – chế biến – tiêu thụ còn lỏng lẻo;
Bên cạnh đó, vấn đề hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ chưa đồng bộ; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu còn thấp; tình trạng “được mùa mất giá” vẫn xảy ra cục bộ. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc còn gặp khó khăn, trong khi biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chi phí đầu vào tăng đang đặt ra thách thức lớn đối với mục tiêu phát triển bền vững.
Tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các vùng cây ăn quả tập trung có lợi thế so sánh, có khả năng liên kết sản xuất – chế biến– tiêu thụ– xuất khẩu. Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ từ khâu giống, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản, chế biến; khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP; đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, tiết kiệm nước, phân bón sinh học...
Trước yêu cầu mới về phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, tỉnh Thanh Hóa đang xác định cây ăn quả là hướng đi chiến lược trong cơ cấu lại ngành trồng trọt.
Để cụ thể hóa mục tiêu này, ngành nông nghiệp tỉnh đang tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển cây ăn quả gắn với lợi thế từng vùng miền, bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể của tỉnh và định hướng phát triển nông nghiệp hiện đại.
Tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các vùng cây ăn quả tập trung có lợi thế so sánh, có khả năng liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ – xuất khẩu. Song song đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ từ khâu giống, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản, chế biến; khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP; đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật, tiết kiệm nước, phân bón sinh học...
Ngoài ra, tỉnh sẽ phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã kiểu mới, tổ liên kết để tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị. Tăng cường liên kết giữa nông dân – doanh nghiệp nhằm ổn định đầu ra, bảo đảm lợi ích hài hòa cho các bên. Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc.
Việc kết nối cung – cầu, phát triển hệ thống logistics, chợ đầu mối, trung tâm bảo quản – chế biến hiện đại cũng được đẩy mạnh, cùng với đó là tăng cường vai trò quản lý Nhà nước trong quy hoạch, kiểm soát chất lượng, dự báo thị trường. Tỉnh cũng sẽ quan tâm triển khai chính sách tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới ở Như Xuân
Nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong XDNTM, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thời gian qua, huyện Như Xuân đã triển khai nhiều mô hình, chương trình, hoạt động về chuyển đổi số (CĐS).
Nhân viên VNPT hướng dẫn người dân trên địa bàn huyện Như Xuân cài đặt, đăng nhập các ứng dụng.
Xác định CĐS là nhiệm vụ quan trọng trong “hành trình” XDNTM, ngay sau khi kế hoạch được ban hành, huyện Như Xuân đã nhanh chóng giao nhiệm vụ cho các địa phương; nhất là tập trung tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về CĐS. Bên cạnh đó, tổ chức triển khai các hội nghị tập huấn công tác CĐS cho cán bộ, công chức, viên chức, thành viên ban chỉ đạo CĐS cấp xã; hướng dẫn hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng, phát triển xã hội số, kinh tế số, chính quyền số. Thông qua lớp tập huấn, cán bộ, công chức cấp xã và các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện đã được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng về các lĩnh vực cần ưu tiên CĐS; hướng dẫn từng hộ dân, người dân cài đặt, đăng nhập các ứng dụng. Điển hình như: Ứng dụng đưa các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP, các sản phẩm là thế mạnh của địa phương lên sàn thương mại điện tử; ứng dụng CĐS trong sản xuất nông nghiệp, các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt... Các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện đều sử dụng hóa đơn điện tử đạt tỷ lệ 100%.
Mặt khác, huyện hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong triển khai xây dựng thí điểm mô hình CĐS phù hợp với điều kiện thực tế. Hiện nay, thông qua chương trình, người dân huyện Như Xuân đã từng bước tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, chính quyền từ huyện đến xã đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng; 100% các xã đạt tiêu chí về thông tin và truyền thông trong bộ tiêu chí XDNTM; trên 70% các xã đạt tiêu chí số 8 về thông tin, truyền thông, người dân được tập huấn kiến thức để tiếp cận thông tin quản lý Nhà nước trên nền tảng mạng và trực tiếp tương tác với chính quyền trên nền tảng mạng.
Là một trong những điển hình thực hiện CĐS trên địa bàn huyện Như Xuân, trong thời gian qua xã Bãi Trành đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch về CĐS trên địa bàn và đề ra các chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn để tập trung thực hiện. Trong đó, xã tập trung thực hiện xây dựng chính quyền số để góp phần định hướng, quản lý, hỗ trợ kinh tế số, xã hội số, hạ tầng số phát triển; nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu; đặt người dân, doanh nghiệp vào vị trí trung tâm trong công tác CĐS. Bên cạnh đó, đa dạng hóa công tác tuyên truyền về lợi ích, tầm quan trọng của việc CĐS để người dân hiểu rõ, hưởng ứng thực hiện trên hệ thống loa truyền thanh của xã, các nền tảng mạng xã hội, như: zalo, trang thông tin điện tử... Cùng với đó, xã đã triển khai thu phí, lệ phí bằng hình thức trực tuyến cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu thanh toán lệ phí bằng tài khoản ngân hàng, góp phần đảm bảo tính minh bạch trong quá trình thu phí và lệ phí thủ tục hành chính. Được biết xã Bãi Trành đã đầu tư hơn 500 triệu đồng cho nhiệm vụ CĐS. Đến nay, 100% lĩnh vực kinh tế - xã hội của xã được chỉ đạo, điều hành và quản lý thông qua nền tảng số; trên 82% người dân trong độ tuổi lao động có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu; 62% người trong độ tuổi lao động có tài khoản thanh toán điện tử, có thể thanh toán được các dịch vụ thiết yếu.
Có thể nói, thực hiện CĐS đã nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính, mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Đây còn là mô hình phù hợp xu thế tất yếu của thời đại 4.0, góp phần nâng cao hiệu quả điều hành của cấp ủy, chính quyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, XDNTM đạt những kết quả tích cực. Lũy kế đến hết năm 2024, huyện Như Xuân có 7 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 63 thôn đạt chuẩn NTM, 7 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Hội thảo khoa học 'Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp'
Sáng ngày 20/5, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội thảo khoa học 'Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp'.
Quang cảnh hội thảo.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Trần Bình Trọng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Dương Mỹ Pha, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; PGS.TS Lâm Thái Hùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cùng đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Hội Nông dân tỉnh, Trường Đại học Trà Vinh; Phòng Nông nghiệp và Môi trường và UBND các xã của huyện Duyên Hải, Cầu Kè, Châu Thành; Công ty Cổ phần RYNAN Smart Fertilizers...
Các đại biểu tham dự hội thảo
Đồng chí Trần Bình Trọng cho biết: thời gian qua, trong nông nghiệp đã áp dụng công nghệ 4.0 để hỗ trợ quá trình sản xuất. Tuy nhiên, cũng còn một số hạn chế, khó khăn như: chưa thực hiện đồng bộ “số hóa dữ liệu nông nghiệp dùng chung” nhằm kết nối các dữ liệu về khí hậu, đất đai, hạn, mặn, sản xuất, thu hoạch, chế biến,... chung cho tỉnh và toàn vùng; chi phí đầu tư ban đầu cho việc áp dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp thường cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất thông thường. Phát triển nông nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có nguồn lao động chất lượng cao, tiếp cận với khoa học, công nghệ hiện đại,…
Đồng chí Trần Bình Trọng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phát biểu kết luận hội thảo.
Cũng theo đồng chí Trần Bình Trọng, hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp” nhằm đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, hạn chế, hướng đến đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Hà, Chuyên viên Sở Nông nghiệp và Môi trường tham luận “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp - thực trạng và giải pháp”.
Tham gia thảo luận các đại biểu đại diện cho Sở Nông nghiệp và Môi trường; Trường Đại học Trà Vinh; Công ty Cổ phần RYNAN Smart Fertilizers… với các chuyên đề tham luận như ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp; ứng dụng máy học trong nông nghiệp thông minh; công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp thông minh; xây dựng nhãn hiệu hàng hóa gắn với tiêu thụ nông sản; ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp tại Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài…
PGS.TS Lâm Thái Hùng tham gia thảo luận về “Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa gắn với tiêu thụ nông sản”.
Qua các tham luận đã nêu bật lên những lợi ích khi áp dụng các công nghệ 4.0 vào các quy trình sản xuất nông nghiệp có thể kể đến như: Giảm thiểu chi phí, nhân công lao động, hạn chế thiệt hại do thiên tai, sâu bệnh; tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng cao, an toàn và thân thiện với môi trường; tiết kiệm tối đa các chi phí sản xuất. Tích hợp nhiều ứng dụng như cơ giới hóa các khâu trong sản quá trình sản xuất đến thu hoạch. Tích hợp công nghệ thông tin để theo dõi, giám sát quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, điều tiết, dự báo để giúp nâng cao năng suất và chất lượng; ứng dụng công nghệ sinh học để lai tạo giống cây trồng mang lại năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với khả năng biến đổi của khí hậu, thời tiết,…
Ông Trần Văn Chung, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài (huyện Châu Thành) thảo luận về ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất nông nghiệp tại hợp tác xã.
Đặc biệt, các đại biểu đã nghe chia sẻ từ phía Công ty Cổ phần RYNAN Smart Fertilizers về các thiết bị công nghệ mới, hiện đại áp dụng trong canh tác nông nghiệp thông minh (Như cảm biến mực nước, bơm nước thông minh, giám sát côn trùng, giám sát phát thải khí mêthane…).
Lợi ích kép từ mô hình trồng lúa chất lượng cao, giảm phát thải
Vụ lúa đông xuân 2024 -2025, các diện tích sản xuất theo Đề án 'Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030' tiếp tục cho thấy hiệu quả vượt trội so với phương thức canh tác truyền thống. Không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, mô hình còn góp phần quan trọng vào việc giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo thu hoạch lúa trong mô hình vụ đông - xuân 2024 - 2025.
Lợi ích kép
Tại huyện Châu Thành, gia đình ông Nghị Mân, thành viên Hợp tác xã Phát Tài vừa thu hoạch 04ha lúa giống OM 5451; trong đó, 02ha được canh tác theo mô hình của đề án. Kết quả, năng suất lúa trong mô hình đạt 08 tấn/ha, cao hơn ruộng ngoài mô hình trên 01 tấn/ha. Với giá bán 6.200 đồng/kg, gia đình ông đạt lợi nhuận gần 40 triệu/ha, cao hơn khoảng 10 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống.
Theo ông Mân, đây là vụ thứ 03 liên tiếp gia đình ông áp dụng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải và đều đạt hiệu quả vượt trội. Vụ hè - thu tới, ông dự kiến mở rộng thêm diện tích canh tác theo mô hình này.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Phúc, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo thu hoạch 03ha lúa giống ST24 theo mô hình của đề án, với năng suất đạt 08 tấn/ha, cao hơn 1,5 tấn/ha so với vụ trước. Ông Phúc chia sẻ, khi tham gia đề án, ông được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và ngành nông nghiệp địa phương hướng dẫn toàn bộ quy trình sản xuất lúa chất lượng cao giảm phát thải, biện pháp xử lý rơm rạ sau thu hoạch, phương pháp sạ cụm để giảm lượng giống gieo sạ, cách phòng trừ sâu bệnh…
“Lúa trong mô hình phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, năng suất cao; chi phí giảm khoảng 30% nhờ giảm lượng giống gieo sạ, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, hợp tác xã còn thu mua với giá cao hơn từ 15 - 20% so với thị trường, nên vụ Đông Xuân này gia đình tôi lãi 49 triệu đồng/ha, cao hơn 07 triệu đồng so với cách làm cũ”, ông Phúc cho biết.
Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo và Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh là 02 trong 07 hợp tác xã ở 05 tỉnh, thành gồm Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng và Trà Vinh được Trung ương chọn triển khai thí điểm mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, giảm phát thải từ vụ hè - thu 2024 để nhân rộng ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Phùng Duy Truyền, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phước Hảo, vụ đông - xuân năm nay là vụ thứ 03 liên tiếp hợp tác xã sản xuất thí điểm thành công, mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế lẫn môi trường. Nhờ áp dụng kỹ thuật đồng bộ, năng suất lúa trong mô hình đạt khoảng 7,5 tấn/ha, cao hơn từ 05 - 10% so với ngoài mô hình. Sau khi trừ toàn bộ chi phí, lợi nhuận bình quân các thành viên tham gia đề án đạt 48,5 triệu đồng/ha, tăng từ 15 - 25% so với cách làm truyền thống.
“Chúng tôi chỉ sử dụng từ 60 - 70kg giống/ha, giảm được 90 - 100 kg/ha so với tập quán canh tác trước đây. Đồng thời, lượng phân bón hóa học và số lần phun thuốc bảo vệ thực vật cũng được cắt giảm đáng kể, giúp hạ thấp chi phí sản xuất”, ông Truyền cho biết.
Vụ lúa đông - xuân 2024 - 2025, tỉnh Trà Vinh có 16 mô hình trồng lúa theo Đề án "Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030", trên tổng diện tích hơn 883 ha; trong đó, 02 mô hình điểm 98,4 ha tại 02 hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài và Phước Hảo; còn lại là huyện Càng Long gần 70 ha, huyện Cầu Kè trên 105 ha, huyện Tiểu Cần 210 ha, huyện Châu Thành 215 ha, huyện Cầu Ngang 70 ha và huyện Trà Cú 115 ha.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, vụ đông - xuân 2024 -2025 là vụ sản xuất thứ 03 liên tiếp tỉnh Trà Vinh tham gia đề án và cả 03 vụ đều mang lại hiệu quả cao cho nông dân. Đây là mô hình canh tác mới, không chỉ góp phần cải thiện thu nhập cho người dân mà còn thúc đẩy mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nhờ giảm lượng giống sử dụng khoảng 60% (giảm 90 - 100kg/ha so tập quán canh tác trước đây), giảm phân bón hóa học 20 - 30% và giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật 02 lần/vụ nên chi phí sản xuất trong mô hình giảm từ 03 - 04 triệu đồng/ha. Năng suất lúa trong mô hình đạt 6,7 - 7,5 tấn/ha, tăng khoảng 05 - 07% so với ngoài mô hình. Vì vậy, nông dân tham gia mô hình đạt lợi nhuận tăng thêm từ 20 - 30% (tương đương tăng 6,5 - 7,8 triệu đồng/ha). Đặc biệt, mô hình giảm lượng khí phát thải đến 40 - 50% so với tập quán canh tác cũ, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Điều quan trọng hơn là đến nay người dân địa phương đã dần thay đổi tư duy, nhận thức về việc sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, mạnh dạn áp dụng phương thức canh tác mới, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị. Theo kế hoạch, năm 2025, tỉnh Trà Vinh nhân rộng mô hình lên 10.550ha áp dụng quy trình canh tác của đề án, đến cuối năm 2030 đạt 30.736ha.
Nhân rộng mô hình
Thời gian qua, ngành nông nghiệp địa phương luôn đồng hành cùng nông dân trong quá trình triển khai đề án. Ngay từ khi đề án được phê duyệt, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và triển khai các kế hoạch theo từng giai đoạn và từng năm. Qua đó, các địa phương có cơ sở để tổ chức thực hiện một cách chủ động, quyết liệt, đảm bảo bám sát mục tiêu và tiến độ đề ra.
Từ 02 mô hình điểm của Trung ương, ngành đã phối hợp triển khai thêm nhiều mô hình điểm trên địa bàn để nhân rộng; thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật theo Đề án để nâng cao nhận thức và kỹ năng cho nông dân.
Dù đạt được những kết quả bước đầu tích cực, nhưng theo ông Lê Văn Đông, việc triển khai Đề án 01 triệu hécta lúa chất lượng cao, giảm phát thải vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tại Trà Vinh, quy mô sản xuất lúa vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, phân tán. Các vùng chuyên canh quy mô lớn còn hạn chế, thiếu sự liên kết hiệu quả giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Dù toàn tỉnh hiện có khoảng 20% diện tích sản xuất lúa tham gia vào các loại hình kinh tế hợp tác, tuy nhiên phần lớn hoạt động còn “lỏng lẻo”, hiệu quả thấp.
Việc thiếu vắng các doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu trong đầu tư và bao tiêu sản phẩm khiến chuỗi giá trị sản xuất lúa theo Đề án chưa khẳng định đúng giá trị thực của sản phẩm. Thêm một rào cản lớn là hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ. Nhiều khu vực chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật để áp dụng quy trình sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả canh tác và khả năng nhân rộng mô hình.
Bên cạnh đó, do thiếu vốn sản xuất nên các hợp tác xã còn hạn chế trong đầu tư máy móc hiện đại, nhất là thiết bị để gieo sạ, hệ thống kho chứa quy mô lớn phục vụ bảo quản, chế biến lúa gạo…
Để phát triển và mở rộng diện tích chuyên canh lúa chất lượng cao theo hướng giảm phát thải, ông Lê Văn Đông cho rằng địa phương cần tập trung quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với xây dựng mã số vùng trồng tại các khu vực tham gia đề án.
Tỉnh cần ưu tiên đầu tư, nâng cấp đồng bộ hạ tầng vùng sản xuất, đặc biệt là hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu, hạ tầng giao thông phục vụ vận chuyển hàng hóa và cơ giới hóa đồng bộ để thuận lợi trong áp dụng quy trình kỹ thuật trong quá trình sản xuất.
Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương tập trung củng cố, nâng chất, thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp đủ năng lực tham gia Đề án. Bởi đây là lực lượng nòng cốt để tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, đồng bộ và dễ dàng áp dụng tiến bộ kỹ thuật cũng như thực hiện liên kết chuỗi. Ngành cũng tích cực kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm; khuyến khích các hợp tác xã mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, kho chứa, nhà sấy, nhà máy chế biến… nhằm nâng cao năng lực sản xuất, bảo quản và chế biến lúa gạo.
Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, ngành chức năng đang triển khai các cơ chế, chính sách của Trung ương và địa phương về đầu tư cho sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Đồng thời, Trà Vinh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ xây dựng thương hiệu lúa gạo carbon thấp, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư, bao tiêu sản phẩm và cấp mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ, xuất khẩu...