Thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 09/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Những năm qua, ngành Nông nghiệp và Môi trường đã chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789 tại xã Thanh Hối (Tân Lạc) sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm trong sản xuất cây giống.
Trong 4 năm, ngành đã đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Nhiều chương trình, chính sách cụ thể đã được triển khai như: ban hành Đề án thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng và chất thải nhựa trong trồng trọt; hỗ trợ 1.680 bể chứa vỏ bao bì thuốc BVTV tại các vùng trồng cây chủ lực; tổ chức 200 lớp tập huấn với 8.000 lượt người tham gia về sử dụng an toàn thuốc BVTV, thu gom bao gói và hướng dẫn đăng ký, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Bên cạnh đó, các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ sinh học như bể biogas, ủ compost, đệm lót sinh học tiếp tục được nhân rộng. Tỉnh cũng khuyến khích nông dân sử dụng vật tư nông nghiệp nguồn gốc sinh học, giảm thiểu tác động đến môi trường đất, nước.
Công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành được thực hiện nghiêm túc với trên 230 cuộc kiểm tra tại 761 tổ chức, cá nhân; đã xử lý 164 trường hợp vi phạm với tổng số tiền gần 1,7 tỷ đồng. Nội dung kiểm tra tập trung vào an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc lâm sản… Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất trong bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, các mô hình tưới tiết kiệm, cải tạo đất, sử dụng tài nguyên hợp lý đã và đang được triển khai tại nhiều huyện như Cao Phong, Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy, Tân Lạc, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững.
Đồng Nai chuyển hồ sơ 3 doanh nghiệp vi phạm chất lượng thuốc BVTV sang TP.HCM xử lý
Nhằm siết chặt quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Nai đã chính thức chuyển 3 hồ sơ vi phạm về thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tới Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM để tiếp tục truy xuất nguồn gốc và xử lý theo thẩm quyền.
Ba doanh nghiệp bị phát hiện vi phạm gồm: Công ty Cổ phần GENTA Thụy Sĩ, Công ty TNHH Thương mại Tùng Dương và Công ty TNHH Hóa chất Sumitomo Việt Nam. Đây đều là các đơn vị sản xuất và cung ứng thuốc BVTV trên thị trường TP.HCM, nhưng sản phẩm lại được tiêu thụ tại địa bàn Đồng Nai.
Theo Quyết định số 275/QĐ-SNNMT ngày 18/4/2025, đoàn kiểm tra của Sở đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại hai cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện Định Quán. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy mức độ vi phạm nghiêm trọng về chất lượng thuốc BVTV. Tại cửa hàng Sáu Yên 2 (xã Phú Lợi), đoàn kiểm tra đã lấy mẫu hai sản phẩm: Thipro 550EC do Công ty CP GENTA Thụy Sĩ sản xuất, chỉ đạt 43,6% hàm lượng hoạt chất, được kết luận là hàng giả. Spiro 240SC của Công ty TNHH TM Tùng Dương, đạt 79,54%, bị đánh giá là kém chất lượng.
Hình ảnh lô hàng bị thu giữ
Tại Hợp tác xã Thu Hiền (xã La Ngà), hai mẫu thuốc trừ bệnh Pylacol 700WP (Fizzi 700WP) của Công ty TNHH Hóa chất Sumitomo Việt Nam cho kết quả gây sốc: chỉ đạt 11,11% và 15,71% hàm lượng hoạt chất, vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn kỹ thuật, được xác định là hàng giả.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Nai đã tiến hành xử phạt hành chính các điểm kinh doanh vi phạm. Đồng thời, toàn bộ hồ sơ và kết quả kiểm nghiệm đã được chuyển đến Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM để tiếp tục truy xuất nguồn gốc, xác minh trách nhiệm sản xuất và xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Đáng chú ý, các đơn vị liên quan được yêu cầu báo cáo kết quả xử lý bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Nai để hoàn tất hồ sơ vụ việc, đảm bảo không bỏ lọt vi phạm và tăng cường minh bạch trong quản lý chất lượng thuốc BVTV.
Vụ việc một lần nữa đặt ra yêu cầu cấp thiết về tăng cường hậu kiểm, kiểm soát chất lượng tại gốc và liên kết trách nhiệm giữa địa phương tiêu thụ và nơi sản xuất, phân phối. Trong bối cảnh thị trường vật tư nông nghiệp còn tồn tại nhiều kẽ hở, việc xử lý triệt để các vụ việc như trên là lời cảnh báo mạnh mẽ nhằm bảo vệ người nông dân và nền nông nghiệp bền vững.
Chủ động phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong nông nghiệp
Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) và hàng giả trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường (NN&MT) ngày càng diễn biến phức tạp, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi người dân và môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) và hàng giả trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường (NN&MT) ngày càng diễn biến phức tạp, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý triệt để các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi người dân và môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Lực lượng chức năng thu giữ hàng chục tấn phân bón giả tại cơ sở sản xuất của Chi nhánh Minh Bảo An Hòa Bình tại xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy).
Chủ động, quyết liệt công tác chỉ đạo
Đồng chí Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở NN&MT cho biết: Thực hiện các công điện và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu, GLTM và hàng giả trong tình hình mới, Sở NN&MT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 11, ngày 2/6/2025 nhằm tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp (VTNN), chất lượng nông sản (CLNS) và an toàn thực phẩm (ATTP). Đồng thời, xây dựng kế hoạch cao điểm phối hợp liên ngành để triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Trên cơ sở quán triệt tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN&MT phối hợp các ngành chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tập trung thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh VTNN, CLNS và ATTP nông, lâm, thủy sản trên toàn tỉnh. Xây dựng kế hoạch cao điểm kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực NN&MT.
Tính đến đầu tháng 6/2025, Thanh tra Sở NN&MT đã thanh tra 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Qua đó phát hiện 2 cơ sở vi phạm, xử phạt hành chính 10 triệu đồng; lấy 12 mẫu thực phẩm (giò, chả) gửi đi kiểm nghiệm chất lượng ATTP. Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường thành lập 3 đoàn kiểm tra, tiến hành giám sát tại 12 cơ sở, kết quả 10 cơ sở chấp hành tốt quy định pháp luật, 2 cơ sở phải tạm dừng sản xuất do chưa đáp ứng điều kiện vệ sinh ATTP. Ngoài ra, đơn vị lấy 16 mẫu nông sản thực phẩm, gồm rau, thịt lợn, thủy sản khô và đông lạnh, trà túi lọc gửi đi xét nghiệm để giám sát chất lượng.
Cũng trong đợt cao điểm, Chi cục Chăn nuôi, thú y và thủy sản kiểm tra 6 cơ sở buôn bán thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi, lấy 11 mẫu để kiểm định. Kết quả ban đầu cho thấy, các cơ sở đều chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật, có giấy phép, hóa đơn chứng từ đầy đủ, ghi chép sổ sách rõ ràng, sản phẩm đều nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.
Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm
Trong đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, GLTM và hàng giả trong lĩnh vực NN&MT, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (BVTV) tổ chức kiểm tra đột xuất 5 công ty sản xuất phân bón trên địa bàn huyện Lạc Thủy và TP Hòa Bình, có 2 đơn vị không còn hoạt động, 2 đơn vị chấp hành tốt quy định pháp luật, 1 đơn vị là Chi nhánh Minh Bảo An Hòa Bình (Công ty TNHH Minh Bảo An), địa chỉ tại thôn Phú Bình, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) do Trần Văn Huân làm Giám đốc có những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: Quá trình kiểm tra tại cơ sở sản xuất của Chi nhánh Minh Bảo An Hòa Bình, chúng tôi phát hiện hàng loạt sai phạm liên quan đến chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và điều kiện sản xuất phân bón. Trong 16 mẫu phân bón được lấy kiểm định, có 2 mẫu kém chất lượng. Đơn vị đã lập biên bản và niêm phong toàn bộ sản phẩm (81,2 tấn) tại cơ sở sản xuất. Ngoài ra, quá trình kiểm định Chi cục phát hiện 3 mẫu là hàng giả, tổng trọng lượng còn lưu tại cơ sở sản xuất 41,875 tấn. Căn cứ vào dấu hiệu vi phạm, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã báo cáo lãnh đạo Sở, đề nghị chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh để tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Đây là vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp và môi trường đất đai.
Sau khi tiếp nhận thông tin, hồ sơ vụ việc, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường (PC03), Công an tỉnh đã xác minh, làm rõ. Ngày 2/5/2025, Cơ quan CSĐT ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Văn Huân, Giám đốc Chi nhánh Minh Bảo An Hòa Bình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Khám xét tại cơ sở sản xuất của chi nhánh công ty tại thôn Phú Bình, xã Phú Nghĩa, lực lượng chức năng thu giữ 248,920 tấn phân bón giả, kém chất lượng; 300 tấn phân bón không có tem nhãn phụ, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ; trên 45 tấn nguyên liệu làm phân bón giả; 98.133 bao bì, gồm 19 loại sản phẩm của nhiều cơ sở sản xuất phân bón trong cả nước cùng máy móc, phương tiện sản xuất, đóng bao bì phân bón giả. Ngoài ra, lực lượng chức năng thu giữ 70 tấn phân bón giả đã được xếp trong container đưa đi tiêu thụ.
Quá trình làm việc với cơ quan chức năng, bước đầu Trần Văn Huân khai nhận, từ tháng 12/2024 đến khi bị bắt đã chỉ đạo, tổ chức sản xuất và bán ra thị trường các tỉnh miền Bắc, miền Trung hàng nghìn tấn phân bón giả, thu lợi hàng chục tỷ đồng.
Theo đồng chí Nguyễn Anh Quân, Phó Giám đốc Sở NN&MT: Những kết quả bước đầu đạt được, nhất là sự cảnh giác, kịp thời phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống, đẩy lùi vấn nạn buôn lậu, GLTM trong sản xuất nông nghiệp; từng bước bảo đảm an toàn sản xuất, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Từ những kết quả đạt được, Sở tiếp tục chỉ đạo các chi cục chuyên môn thường xuyên, chủ động theo dõi, nắm bắt diễn biến thị trường, tổ chức kiểm tra định kỳ, đột xuất, đồng thời kiến nghị các giải pháp siết chặt quản lý VTNN, CLNS và ATTP nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh nông nghiệp lành mạnh, an toàn, bền vững.
Hợp tác xã góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống
Năm 2024, Hợp tác xã nông nghiệp và du lịch cộng đồng xóm Đồng Tiến, xã Yên Lạc (Phú Lương) được thành lập với 13 thành viên. Trong quá trình hoạt động, cùng với tập trung phát triển sản xuất, hợp tác xã còn lồng ghép với hoạt động bảo tồn văn hóa của đồng bào Sán Chay và đã đem lại những hiệu quả tích cực.
Trước đây, người dân thường phải thuê trang phục truyền thống của dân tộc Sán Chay. Nay, Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xóm Đồng Tiến đã tự may, phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân tại địa phương.
Xóm Đồng Tiến hiện có khoảng 160 hộ dân với gần 500 nhân khẩu, trong đó người Sán Chay chiếm hơn 80%. Đồng bào Sán Chay nơi đây vốn lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống đặc sắc, thể hiện qua kiến trúc nhà sàn truyền thống, trang phục dân tộc, các điệu múa, làn điệu hát mang đậm bản sắc riêng.
Tuy nhiên, trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, những giá trị văn hóa truyền thống ấy đang dần bị tác động có nguy cơ mai một. Điều đáng lo ngại là thế hệ trẻ, những người được kỳ vọng sẽ tiếp nối và gìn giữ bản sắc dân tộc lại ngày càng thờ ơ với những di sản văn hóa của ông cha.
Trăn trở trước thực trạng trên, năm 2024, sau khi Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và du lịch cộng đồng xóm Đồng Tiến ra đời, ngoài việc phát triển ngành nghề chính là sản xuất gối thảo dược và trồng, chế biến các loại cây dược liệu, HTX còn tích cực đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn văn hóa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Chay.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn truyền thống, bà Hoàng Thị Hằng, Giám đốc HTX chia sẻ: Là người con của dân tộc Sán Chay, tôi không khỏi trăn trở khi thấy nhiều người dân, đặc biệt là giới trẻ trong xóm, chỉ biết đến trang phục truyền thống, điệu múa Tắc Xình hay làn điệu Sấng Cọ qua sách báo, truyền hình hay mạng xã hội. Xuất phát từ mong muốn khơi dậy và gìn giữ những giá trị văn hóa đang dần mai một ấy, tôi đã cùng những người dân tâm huyết khác trong xóm thành lập HTX nhằm kết hợp giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc mình.
Ngay sau khi đi vào hoạt động, các thành viên trong HTX đã tiến hành tìm hiểu, sưu tầm về trang phục truyền thống của người Sán Chay tại địa phương. Từ những ký ức còn lại của các cụ cao tuổi trong xóm, những bộ trang phục còn lưu giữ, HTX đã dựng lại hình ảnh những bộ trang phục đặc trưng từng gắn bó với đời sống sinh hoạt, lễ hội của cộng đồng.
Bà Hầu Thị Cường, một thành viên trong HTX cho biết: Chúng tôi đã chủ động tìm mua các loại vải thổ cẩm phù hợp từ một số địa phương khác, sau đó về cắt, may, thêu thành những bộ trang phục truyền thống của nam và nữ dân tộc Sán Chay, từ váy áo, khăn đội đầu, cho tới thắt lưng, túi đeo bên hông...
Tính đến nay, HTX đã may được hàng chục bộ trang phục truyền thống phục vụ cho các hoạt động biểu diễn văn hóa, sinh hoạt cộng đồng và đón khách du lịch. Những bộ trang phục không chỉ góp phần làm sống lại hình ảnh văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Chay mà còn trở thành niềm tự hào của bà con trong xóm mỗi khi được mặc trong các sự kiện quan trọng.
Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng xóm Đồng Tiến thường xuyên tham gia các hoạt động nhằm quảng bá sản phẩm và giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Chay đến với du khách.
Cùng với việc khôi phục trang phục, HTX còn phối hợp với người dân địa phương thành lập các câu lạc bộ hát Sấng Cọ và múa Tắc Xình, hai loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng, gắn liền với đời sống tinh thần của người Sán Chay. Những buổi sinh hoạt của câu lạc bộ không chỉ giúp các thành viên ôn lại lời ví, động tác múa mà còn là dịp để thế hệ trẻ được tiếp xúc, học hỏi, từng bước làm quen với vốn văn hóa của chính dân tộc mình.
Thời gian vừa qua, câu lạc bộ đã tích cực tham gia biểu diễn tại các sự kiện văn hóa của địa phương, đón tiếp khách du lịch trải nghiệm, giao lưu với một số địa phương khác trong và ngoài huyện. Cùng với đó, câu lạc bộ còn tích cực giới thiệu, truyền dạy cho các em học sinh trong xã.
Ông Hoàng Văn Đoàn, Trưởng xóm Đồng Tiến cho biết: Những buổi truyền dạy văn hóa của đồng bào dân tộc Sán Chay đến các em nhỏ rất thiết thực và ý nghĩa. Các em không chỉ được tiếp cận văn hóa truyền thống mà còn học được tình yêu và trách nhiệm gìn giữ di sản từ những người đi trước.
Với sự quyết tâm và nỗ lực của các thành viên, chỉ sau chưa đầy hai năm hoạt động, HTX nông nghiệp và du lịch cộng đồng xóm Đồng Tiến đã từng bước khôi phục, làm sống lại những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Sán Chay. Thành công bước đầu này không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc truyền thống mà còn tạo nền tảng quan trọng để HTX phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững.
Chia sẻ về định hướng sắp tới, bà Hoàng Thị Hằng, Giám đốc HTX cho biết: Thời gian tới ngoài việc mở rộng sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu, chúng tôi sẽ tăng cường kết nối với các đơn vị lữ hành để xây dựng những tour, tuyến nhằm thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm…
Hiện nay, HTX nông nghiệp và du lịch cộng đồng xóm Đồng Tiến đang duy trì sản xuất hơn 1ha cây dược liệu. Bình quân mỗi tháng, HTX tiêu thụ khoảng 200 chiếc gối thảo mộc và một số sản phẩm khác từ cây dược liệu, đem lại doanh thu gần 40 triệu đồng/tháng.
HTX nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng: Lối đi mới giúp nhiều hộ nông dân Tuyên Quang thoát nghèo
Từ những homestay mộc mạc ven rừng cho tới những vườn chè Shan tuyết trải dài dưới chân núi, Tuyên Quang đang từng bước vẽ nên bức tranh nông thôn mới, nơi mô hình hợp tác xã (HTX) nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân thoát nghèo mà còn mở ra hướng phát triển bền vững.
Đồng hành cùng sự phát triển của các HTX cùng quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xóa đói giảm nghèo tại các địa phương trong tỉnh là những chính sách thiết thực từ Liên minh HTX Việt Nam và sự sát sao hỗ trợ từ Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang.
Từ “tự phát” đến hình mẫu
Cách trung tâm huyện Lâm Bình khoảng 30 phút đi xe, thôn Nà Tông (xã Thượng Lâm) giờ đây không còn là vùng quê lặng lẽ nép mình dưới chân núi. Nơi đây đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước nhờ mô hình du lịch cộng đồng đặc sắc của HTX Homestay 99 ngọn núi – một trong những HTX tiên phong tại địa phương trong việc gắn kết nông nghiệp và du lịch.
“Ban đầu chỉ là một hộ làm homestay tự phát, mình cũng chưa biết gì về du lịch bền vững, cũng không nghĩ tới liên kết sản xuất. Nhưng khi chuyển sang mô hình tổ hợp tác, rồi phát triển thành HTX vào tháng 7/2023, mọi thứ dần bài bản, chuyên nghiệp hơn” – anh Hỏa Văn Ba, Giám đốc HTX chia sẻ.
Du lịch cộng đồng là hướng đi thoát nghèo, làm giàu cho nhiều hộ dân ở Tuyên Quang.
Từ một cơ sở nhỏ lẻ, HTX giờ đây là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới du lịch của xã. Ngoài dịch vụ lưu trú truyền thống, HTX còn tổ chức các trải nghiệm tắm lá thuốc, chèo thuyền kayak, đi thuyền ngắm sông Gâm, tham quan làng nghề, thưởng thức đặc sản địa phương…
Đặc biệt, HTX đã chủ động liên kết với các hộ dân xung quanh để nuôi gà đồi, trồng rau rừng sạch cung cấp cho bữa ăn của du khách. Nhờ đó, chuỗi giá trị du lịch được kéo dài, giúp nhiều hộ dân trong vùng có thêm việc làm và thu nhập ổn định.
Trung bình mỗi năm, HTX Homestay 99 ngọn núi đón khoảng 3.000 lượt khách, đem lại nguồn thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng cho mỗi thành viên – một con số rất đáng kể so với mặt bằng thu nhập vùng cao trước đây.
Không chỉ riêng HTX Homestay 99 ngọn núi, xu hướng kết hợp nông nghiệp với du lịch cộng đồng đang lan tỏa mạnh mẽ tại nhiều huyện miền núi của Tuyên Quang như Na Hang, Yên Sơn, Hàm Yên… Đáng chú ý là các HTX đều có sự chuyển mình nhờ mô hình liên kết – không chỉ giữa các hộ trong HTX mà còn giữa HTX với nhau.
Liên kết – chìa khóa thành công
HTX Sơn Trà (xã Hồng Thái, huyện Na Hang) là một ví dụ tiêu biểu. Giữa những triền núi mờ sương, chè Shan tuyết nơi đây từng chỉ là sản phẩm bán ra chợ. Nhưng khi du lịch phát triển, HTX nhanh chóng nắm bắt xu hướng, tổ chức các tour trải nghiệm “một ngày làm nông dân hái chè”, check-in giữa đồi chè cổ thụ. Đồng thời, sản phẩm chè đóng gói cũng được trưng bày ngay tại các điểm homestay đối tác.
“Trước đây, bán chè khá chật vật, nhưng nhờ làm du lịch, sản phẩm bán được nhiều hơn, giá bán tăng 30% so với trước” – ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc HTX Sơn Trà cho biết.
Tương tự, HTX chè Sử Anh (xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn) không chỉ chế biến chè sạch mà còn tổ chức các buổi trải nghiệm hái chè, sao chè thủ công để du khách hiểu hơn về nông nghiệp địa phương.
Sự hình thành các mô hình liên kết giữa HTX – hộ dân – doanh nghiệp dịch vụ du lịch đang dần tạo nên một “hệ sinh thái” kinh tế nông thôn mới, nơi người dân không chỉ là người sản xuất mà còn là chủ thể khai thác giá trị văn hóa, tài nguyên bản địa một cách bền vững.
Sự phát triển của các HTX tại Tuyên Quang trong thời gian qua không thể thiếu vai trò định hướng, hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang.
Không chỉ dừng ở việc thành lập HTX, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang còn tham gia sâu vào quá trình xây dựng năng lực, chuyển giao kỹ thuật, tổ chức đào tạo nghề và hỗ trợ xúc tiến thương mại.
Riêng HTX Homestay 99 ngọn núi đã được hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP 4 sao, hiện đang hoàn tất thủ tục nâng hạng 5 sao – một bước tiến lớn giúp HTX nâng tầm thương hiệu và mở rộng thị trường. Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang cũng là đơn vị kết nối, đưa HTX này tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch trong và ngoài tỉnh.
Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng là hướng đi được tỉnh Tuyên Quang định hướng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, nhiều chương trình tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ HTX, chủ hộ kinh doanh cũng được Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang triển khai đều đặn. Những nội dung như xây dựng tour tuyến, marketing du lịch nông nghiệp, ứng dụng công nghệ số, quản trị nhân lực... đang giúp các HTX chuyển đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ sang cách làm chuyên nghiệp.
Không dừng lại ở đó, Liên minh HTX Việt Nam còn đẩy mạnh tổ chức các buổi đối thoại, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách cho HTX, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch nông thôn – một lĩnh vực còn tương đối mới và thiếu hành lang pháp lý rõ ràng.
Quy hoạch bài bản để vươn xa
Dù đã đạt được những thành tựu ban đầu, song thực tế cũng cho thấy hoạt động du lịch gắn với HTX ở Tuyên Quang vẫn còn nhiều thách thức. Đa phần các mô hình hiện nay mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, thiếu sự kết nối với hệ thống du lịch chuyên nghiệp. Các sản phẩm du lịch trải nghiệm chủ yếu được thiết kế thủ công, chưa được chuẩn hóa theo nhu cầu thị trường.
Một số HTX vẫn còn lúng túng trong việc tiếp cận công nghệ, xây dựng thương hiệu và quảng bá trên nền tảng số. Hạ tầng kỹ thuật ở một số xã vùng sâu còn yếu, cản trở việc đưa khách đến trải nghiệm. Ngoài ra, thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về du lịch, dịch vụ cũng là rào cản lớn.
Chính vì vậy, bên cạnh việc nâng cao năng lực cho HTX, cần có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, ngành văn hóa – du lịch, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp lữ hành để quy hoạch, đầu tư và hình thành các chuỗi sản phẩm du lịch nông nghiệp – cộng đồng bài bản, hấp dẫn hơn.
Tuy còn không ít khó khăn, nhưng điều dễ thấy nhất là sự thay đổi trong đời sống của người dân vùng cao nơi có HTX hoạt động. Trước đây chỉ làm nương rẫy, thu nhập bấp bênh theo mùa vụ, thì nay bà con được hưởng lợi từ các mô hình du lịch – nông nghiệp kết hợp.
Nhiều thanh niên không còn phải rời quê đi làm xa, thay vào đó ở lại làm hướng dẫn viên, đầu bếp, nhân viên phục vụ tại chính các HTX hay homestay trong vùng.
Chị Lê Thị Hạnh, một thành viên của HTX Homestay 99 ngọn núi chia sẻ: “Mỗi tháng thu nhập từ nấu ăn và hướng dẫn khách du lịch khoảng hơn 7 triệu đồng. Có thêm tiền, mình sửa nhà, cho con đi học và đầu tư mở thêm vườn rau sạch cho HTX”.
Khi những đồi chè, những căn nhà sàn, món ăn dân tộc và nếp sống vùng cao trở thành sản phẩm du lịch có giá trị, người nông dân không còn là người đứng ngoài cuộc phát triển, mà chính là người kiến tạo tương lai. Và HTX, với vai trò hạt nhân, đang mở ra một hướng đi bền vững cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại Tuyên Quang – từ bản làng nhỏ cho tới toàn tỉnh.
Cuộc cách mạng nông nghiệp ở Trạm Tấu
Nằm trong số 74 huyện nghèo của cả nước, Trạm Tấu từ lâu đã quen với những định danh như 'vùng cao đặc biệt khó khăn'. Thế nhưng, một cuộc cách mạng thầm lặng đang diễn ra trên những sườn núi, không phải bằng những dự án hoành tráng, mà bắt nguồn từ chính mảnh đất, từ việc đánh thức giá trị của những cây trồng bản địa.
Thay vì trông chờ, ỷ lại, người dân và chính quyền nơi đây đang cùng nhau viết nên một câu chuyện thoát nghèo bền vững, nơi những "cây trồng hạnh phúc" không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn gieo cả niềm tin và hy vọng.
Người dân xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu thu hoạch khoai sọ.
Vượt qua xuất phát điểm thấp
Để hiểu được tầm vóc của sự thay đổi, cần nhìn lại những thách thức cố hữu của Trạm Tấu. Huyện có địa hình chia cắt mạnh, xuất phát điểm kinh tế - xã hội thấp và tỷ lệ hộ nghèo có thời điểm chiếm tới 49,42% theo tiêu chí mới. Bên cạnh đó, báo cáo của huyện cũng thẳng thắn chỉ ra một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của nhà nước, tạo ra một rào cản lớn cho sự phát triển. Tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 và thời tiết khắc nghiệt càng khiến cho bài toán kinh tế thêm phần nan giải.
Trong bối cảnh đó, một quyết sách mang tính bước ngoặt đã được đưa ra: phải cơ cấu lại ngành nông nghiệp một cách toàn diện. Huyện ủy Trạm Tấu đã cụ thể hóa chủ trương của tỉnh bằng việc ban hành các chương trình, đề án riêng , với mục tiêu cốt lõi là chuyển đổi tư duy từ "sản xuất nông nghiệp" sang làm "kinh tế nông nghiệp".
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Lê Chung Anh - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu, chia sẻ: "Chúng tôi xác định rằng, muốn thoát nghèo bền vững, không thể chỉ dựa vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. Mấu chốt là phải thay đổi tư duy của cả cán bộ và người dân, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường. Báo cáo đã chỉ ra một bộ phận người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, và nhiệm vụ của chúng tôi là biến tiềm năng, lợi thế của chính mảnh đất Trạm Tấu thành động lực phát triển, để người dân làm giàu ngay trên quê hương mình".
"Người hùng" khoai sọ nương và hiệu ứng lan tỏa
Minh chứng sống động nhất cho cuộc cách mạng này là câu chuyện của cây khoai sọ nương. Từ một loại cây lương thực quen thuộc, khoai sọ nương đã trở thành "cây trồng chủ lực", một "người hùng" trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Huyện đã quy hoạch và phát triển vùng trồng tập trung tại các xã Bản Công, Bản Mù, Xà Hồ, Trạm Tấu, Pá Hu, Pá Lau, Túc Đán, Phình Hồ, Làng Nhì và Tà Xi Láng.
Những con số biết nói đã cho thấy hiệu quả vượt trội. Diện tích trồng khoai sọ nương đã tăng vọt lên hơn 800 ha, tăng 720 ha so với đầu nhiệm kỳ. Sản lượng đạt trên 10.000 tấn, và điều quan trọng nhất là nó đã giúp người dân có thu nhập cao gấp 4 đến 5 lần so với việc trồng các loại cây khác.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, phân tích: "Phòng đã nghiên cứu kỹ lưỡng thổ nhưỡng và điều kiện khí hậu. Cây khoai sọ nương không chỉ phù hợp mà còn là cây trồng truyền thống. Vấn đề là làm sao để nâng cao giá trị của nó. Chúng tôi đã hỗ trợ bà con về quy trình kỹ thuật, kết nối với các hợp tác xã và doanh nghiệp để tạo ra chuỗi liên kết. Khi người dân thấy thu nhập tăng gấp 4-5 lần so với trồng ngô, lúa, niềm tin đã được củng cố và phong trào lan rộng rất nhanh".
Thành công của khoai sọ nương đã tạo hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy việc hình thành các vùng sản xuất đặc sản khác. Vùng chè Shan tuyết Phình Hồ, Làng Nhì ngày càng khẳng định được thương hiệu. Vùng sản xuất rau màu hàng hóa tại xã Hát Lừu cũng được hình thành. Các xã Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ thì nổi tiếng với vùng măng ớt đặc trưng.
Nâng tầm giá trị bằng thương hiệu OCOP
Trạm Tấu hiểu rằng, sản xuất tốt là chưa đủ, mà phải đưa nông sản vươn ra thị trường với một thương hiệu được công nhận. Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) đã trở thành đòn bẩy hiệu quả. Trong giai đoạn 2021-2025, huyện đã có trên 10 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao, vượt xa chỉ tiêu 8 sản phẩm mà Nghị quyết đề ra. Những cái tên như "Khoai sọ nương Trạm Tấu", "Chè Shan tuyết Phình Hồ", "Măng ớt Trạm Tấu", "Gạo nếp Lẩu cáy Trạm Tấu" đã dần trở nên quen thuộc.
Song song đó, công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng được đặc biệt chú trọng. Đã có 7 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ xác lập quyền, bao gồm 3 nhãn hiệu chứng nhận và 1 chỉ dẫn địa lý (Chè Shan Phình Hồ).
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, sản xuất ra sản phẩm tốt mới là bước đầu. Để bán được với giá cao và ổn định, sản phẩm phải có câu chuyện, có thương hiệu. Đó là lý do chúng tôi dồn sức cho chương trình OCOP. Mỗi sản phẩm OCOP được công nhận không chỉ là niềm tự hào mà còn là 'giấy thông hành' để nông sản Trạm Tấu tiến vào các thị trường lớn hơn, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho bà con.
Những quả ngọt từ cuộc cách mạng
Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi cũng là một trụ cột quan trọng trong quá trình tái cơ cấu. Huyện đã tập trung vận động người dân phát triển đàn gia súc theo hướng bán chăn thả, trang trại hộ gia đình. Kết quả là đàn gia súc chính phát triển ổn định, bình quân tăng 15%/năm và đến năm 2025 ước đạt 63.830 con, vượt 103% chỉ tiêu Nghị quyết. Đáng chú ý, trên 94% số hộ chăn nuôi đã có chuồng trại kiên cố, thể hiện sự thay đổi trong tập quán chăn nuôi. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2025 ước đạt 765 tấn, tăng 442 tấn so với năm 2020, hoàn thành 100,7% chỉ tiêu.
Những nỗ lực không mệt mỏi đã mang lại "quả ngọt". Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện ước đạt 436 tỷ đồng, bằng 115% so với Nghị quyết. Quan trọng hơn, cuộc cách mạng nông nghiệp đã tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến mục tiêu giảm nghèo. Tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 6,83%/năm, vượt mức kế hoạch là 6,5%/năm. Cơ cấu lao động cũng chuyển dịch tích cực, với 1.871 lao động chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đạt 106,9% so với Nghị quyết.
Câu chuyện của Trạm Tấu là một minh chứng cho thấy khi có chủ trương đúng đắn, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng, thay đổi tư duy của người dân, thì một huyện nghèo hoàn toàn có thể vươn lên từ chính tiềm năng nội tại. Những "cây trồng hạnh phúc" trên đất Trạm Tấu không chỉ làm đầy thêm những bữa cơm, mà còn đang vun trồng một tương lai no ấm, bền vững, từng bước đưa huyện thực hiện khát vọng lớn lao của mình.
Theo baoyenbai.com.vn
Dự án nông nghiệp tuần hoàn: Xác minh thế nào để doanh nghiệp được vay ưu đãi?
Từ ngày 1/7 tới, dự án nông nghiệp tuần hoàn có thể vay tới 70% vốn đầu tư mà không cần thế chấp. Tuy nhiên, để tiếp cận dòng vốn này, doanh nghiệp phải chứng minh 'tính tuần hoàn' qua hệ thống quản trị ESG và dữ liệu đo lường thực chứng.
ESG, nền tảng pháp lý là chìa khóa
Bắt đầu từ ngày 1/7/2025, theo Nghị định số 33/2024/NĐ-CP của Chính phủ, các dự án nông nghiệp tuần hoàn có thể tiếp cận khoản vay ưu đãi lên đến 70% tổng mức đầu tư mà không cần tài sản thế chấp.
Cơ chế tài chính đột phá này không chỉ mở ra cơ hội lớn cho các mô hình nông nghiệp bền vững, mà còn tạo áp lực tích cực buộc cả hệ thống tài chính phải nhanh chóng định hình các tiêu chí, quy trình và công cụ để đánh giá "tính tuần hoàn" một cách khoa học, định lượng và có thể kiểm chứng.
Câu hỏi quan trọng đặt ra là: các ngân hàng, chức cung cấp tín dụng sẽ dựa vào đâu để xác minh rằng một dự án nông nghiệp thực sự là “tuần hoàn”?
Theo chuyên gia ESG và phân tích vòng đời (LCA) Phạm Hoài Trung, việc xác minh một dự án thực sự là “nông nghiệp tuần hoàn” cần dựa vào hai trụ cột: khung nguyên tắc ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) và hệ thống pháp lý hiện hành về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường.
Theo giới chuyên gia, việc xác minh một dự án thực sự là “nông nghiệp tuần hoàn” cần dựa vào khung nguyên tắc ESG và hệ thống pháp lý hiện hành về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường.
Một dự án tuần hoàn không chỉ tái sử dụng phụ phẩm, mà cần chứng minh khả năng giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và tạo giá trị kinh tế – xã hội cho cộng đồng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực quản trị ESG mạnh, bao gồm đo lường vòng đời sản phẩm (LCA), quản lý dòng vật liệu, phát thải, tiêu thụ năng lượng – nước và báo cáo dữ liệu theo thời gian thực.
Về pháp lý, ngoài Nghị định 33, ngân hàng có thể tham chiếu các văn bản như Quyết định 687/QĐ-TTg (2022) về phát triển kinh tế tuần hoàn; Quyết định 1658/QĐ-TTg (2021) về chiến lược tăng trưởng xanh; và Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Điều 75). Những văn bản này đều xác lập yêu cầu về lượng hóa phát thải, tối ưu tài nguyên và xây dựng hệ thống đo lường, cơ sở dữ liệu môi trường.
Định lượng bằng chuẩn quốc tế
Theo chuyên gia Phạm Hoài Trung, việc đánh giá “tính tuần hoàn” cần dựa trên các chỉ số như: đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA), dấu chân carbon (CFP), dấu chân nước (WFP), dấu chân môi trường sản phẩm (PEF.)
Ngoài ra, Thông tư 17/2022/TT-NHNN cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng xây dựng khung đánh giá rủi ro môi trường – xã hội (E&S) và phát triển sản phẩm tài chính xanh – tạo nền tảng cho việc tích hợp tiêu chí tuần hoàn vào quy trình thẩm định tín dụng.
Để bảo đảm minh bạch, nhiều ngân hàng sẽ yêu cầu dự án cung cấp chứng nhận từ bên thứ ba như: VietGAP, Organic, GlobalG.A.P, Fairtrade; ISO 14001, ISO 14064-1, GHG Protocol (phát thải phạm vi 3); báo cáo ESG theo sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI), Bộ tiêu chuẩn báo cáo phát triển bền vững châu Âu (ESRS) hoặc dự án công bố thông tin carbon (CDP).
Doanh nghiệp cũng có thể được yêu cầu sử dụng công nghệ số như nhật ký canh tác điện tử, cảm biến IoT hoặc hệ thống ERP để quản lý đầu vào – đầu ra và truy xuất dữ liệu.
Về phía doanh nghiệp, ông Trung cho rằng, để tiếp cận vốn vay không thế chấp, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ chuyên sâu: kế hoạch sản xuất – kinh doanh, đánh giá vòng đời sản phẩm, sơ đồ dòng vật liệu – năng lượng, các chỉ số môi trường, và cam kết tái đầu tư vào cải thiện hiệu suất sinh thái – xã hội.
“Việc xác minh một dự án có phải là tuần hoàn hay không sẽ không còn dựa vào cảm tính hay báo cáo giấy. Doanh nghiệp cần một hệ thống quản trị ESG đủ mạnh để đo lường, chứng minh và lan tỏa niềm tin với thị trường tài chính. Khi đó, vốn tín dụng sẽ không còn là rào cản, mà là đòn bẩy để chuyển mình sang nông nghiệp tuần hoàn thực chất,” ông Trung nhấn mạnh.
Liên kết sản xuất, đòn bẩy phát triển bền vững cho cây nha đam ở Ninh Thuận
Trong bối cảnh nông nghiệp đang phải thích ứng linh hoạt với biến đổi khí hậu và biến động thị trường, mô hình liên kết sản xuất cây nha đam tại Ninh Thuận đang chứng minh hiệu quả thiết thực: nâng cao năng suất, ổn định đầu ra, cải thiện thu nhập cho người dân, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.
Ninh Thuận đặt mục tiêu phát triển cây nha đam thành cây chủ lực trong nông nghiệp địa phương. (Ảnh: PV)
Từ một loại cây từng bị xem là “phụ”, nha đam giờ đây đã phủ xanh những vùng đất cát khô hạn, mang lại diện mạo mới cho nông thôn Ninh Thuận. Và mô hình liên kết đang tiếp tục chứng minh: khi nông dân không đơn độc, khi có doanh nghiệp và khoa học đồng hành, thì ngay cả vùng đất khắc nghiệt nhất cũng có thể phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và nhân văn.
Theo quy hoạch của tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030, diện tích cây của cả tỉnh sẽ đạt trên 500 ha. Bên cạnh việc mở rộng diện tích, ngành nông nghiệp địa phương còn phối hợp với các ngành liên quan và các doanh nghiệp hỗ trợ nông dân nâng cao kỹ thuật tăng năng suất, đồng thời đẩy mạnh hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Từ cây trồng bấp bênh đến vùng nguyên liệu bền vững
Gắn bó hơn 20 năm với cây nha đam, bà Trương Thị Phượng, người dân phường Văn Hải, thành phố Phan Rang, Tháp Chàm từng không ít lần lao đao vì giá cả lên xuống thất thường. Khi thị trường tiêu thụ hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái, gia đình bà không thể chủ động trong sản xuất, thu nhập vì thế cũng bấp bênh.
Cây nha đam rất thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Ninh Thuận. (Ảnh: HNV)
Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi khi bà là một trong những hộ tiên phong tham gia mô hình liên kết với doanh nghiệp. Trên diện tích 5.000 m2, bà Phượng duy trì sản xuất ổn định, đồng thời vận động các hộ lân cận cùng trồng nha đam, hình thành tổ liên kết cung ứng nguyên liệu cho nhà máy chế biến. Đến nay, tổ liên kết do bà đứng đầu đã mở rộng lên hơn 8 ha, sản lượng thu hoạch mỗi tháng đạt từ 250 đến 300 tấn lá nha đam.
Thực tế cho thấy, mô hình liên kết giúp người dân yên tâm đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm và dần hình thành vùng nguyên liệu ổn định cho địa phương.
Thay đổi tập quán, mở ra hướng đi mới
Không chỉ riêng thành phố Phan Rang, Tháp Chàm, nhiều hộ nông dân tại các huyện khác cũng đã chuyển đổi cây trồng để tham gia chuỗi sản xuất nha đam. Đơn cử như chị Hoàng Thị Dung, nông dân xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, người đã mạnh dạn chuyển đổi từ trồng nho và hành tím sang cây nha đam.
Nha đam làm nguyên liệu chế biến trong nhà máy thực phẩm. (Ảnh: PV)
Chị Dung chia sẻ: “Nhờ có mô hình liên kết, đầu ra ổn định, giá bán hợp lý, không lo bị ép giá. Chúng tôi còn được hướng dẫn kỹ thuật tận nơi nên năng suất và chất lượng đều cải thiện. Thu nhập ổn định hơn, cuộc sống cũng khấm khá dần lên.”
Từ khi tham gia liên kết sản xuất nha đam theo chuỗi, nhiều hộ nông dân tại Ninh Thuận đã chủ động chuyển đổi cây trồng, tiếp cận giống sạch, ứng dụng kỹ thuật VietGAP/GlobalGAP và yên tâm với đầu ra thông qua hợp tác xã và doanh nghiệp.
Doanh nghiệp làm “trục xoay” kết nối
Dấu mốc quan trọng trong chuỗi liên kết nha đam tại Ninh Thuận là sự ra đời của Nhà máy chế biến nha đam lớn nhất cả nước do Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt (VietFarm) đầu tư tại Khu công nghiệp Thành Hải, thành phố Phan Rang, Tháp Chàm. Bắt đầu hoạt động từ năm 2025, đến nay, nhà máy đã liên kết với hơn 500 hộ dân, hình thành vùng nguyên liệu khoảng 250 ha tại các khu vực trọng điểm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc VietFarm cho biết, doanh nghiệp không chỉ bao tiêu toàn bộ sản lượng nguyên liệu, mà còn chủ động cung cấp giống cấy mô, hỗ trợ vốn và chuyển giao kỹ thuật. Bên cạnh đó, VietFarm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng Sở Khoa học và Công nghệ triển khai nhiều đề tài nghiên cứu chuyên sâu nhằm nâng cao chất lượng giống và sản phẩm nha đam.
“Chúng tôi đặt mục tiêu mở rộng vùng nguyên liệu lên 1.000 ha, ưu tiên các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có đồng bào dân tộc sinh sống để vừa phát triển cây trồng phù hợp khí hậu-đất đai, vừa tạo thêm sinh kế cho người dân,” ông Thuận chia sẻ.
Hiện tại, với công suất chế biến đạt trên 30.000 tấn thành phẩm/năm, VietFarm cam kết thu mua khoảng 80.000 tấn nguyên liệu/năm, với giá thu mua ổn định khoảng 2.500 đồng/kg. Doanh nghiệp này cũng đang sở hữu vùng nguyên liệu hơn 200 ha đạt chuẩn VietGAP và GlobalGAP, đây là nền tảng quan trọng để mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao giá trị cây nha đam Việt.
Nông dân sơ chế nha đam ngay sau thu hoạch. (Ảnh: PV)
Khoa học tiếp sức - Mở rộng thị trường
Theo đánh giá từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận, mô hình liên kết nha đam đang tạo ra những chuyển biến tích cực rõ nét cho nông nghiệp địa phương. Sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp-nông dân-hợp tác xã không chỉ đảm bảo đầu ra, mà còn thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, chuẩn hóa quy trình sản xuất, xây dựng vùng trồng tập trung.
Ông Nguyễn Tấn Quang, Phó giám đốc Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận nhận định: Chuỗi liên kết nha đam đã giúp nông dân an tâm đầu tư, doanh nghiệp chủ động nguyên liệu chế biến, từ đó tạo ra giá trị bền vững cho cả hệ sinh thái sản xuất. Đây là hướng đi hiệu quả giúp vùng nông thôn, miền núi từng bước thoát nghèo, phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng địa phương.
Thực tế hiện nay, nhu cầu tiêu thụ nha đam ngày càng tăng mạnh cả ở thị trường nội địa và quốc tế. Sản phẩm nha đam chế biến từ Ninh Thuận hiện đã có mặt tại hơn 20 quốc gia, góp phần khẳng định chất lượng và vị thế của nông sản Việt trên bản đồ nông nghiệp toàn cầu.
Bắc Kạn: Mưa lớn gây nhiều thiệt hại về nông nghiệp và nhà cửa
Mưa to trong hai ngày 18 và 19/6 tại Bắc Kạn làm thiệt hại 57 ngôi nhà; hơn 120ha đất nông nghiệp, ruộng lúa, ao cá bị ngập; gây sạt lở taluy dương nhiều tuyến đường với khối lượng 2.400m3.
Mưa lớn khiến lúa bị chìm trong nước. Ảnh minh họa. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Theo thông tin từ văn phòng Ban chỉ Huy về Phòng chống thiên tai tỉnh Bắc Kạn cho biết đêm 18/6 đến sáng 19/6/2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có mưa to đến rất to.
Tại huyện Bạch Thông lượng mưa đo được tại Lục Bình 291,2mm, Phủ Thông 271mm, Vũ Muộn 213,8mm; Văn Vũ 95,2mm...
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bắc Kạn cảnh báo trong thời gian tới tiếp tục có mưa, nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các suối nhỏ, khe núi, sạt lở đất trên các sườn dốc, taluy dương, sụt lún đất, ngập úng tại một số nơi thuộc các huyện: Na Rì, Bạch Thông, thành phố Bắc Kạn, Na Rì, Ngân Sơn.
Mưa to trong hai ngày đã làm thiệt hại 57 ngôi nhà trên địa tỉnh; trong đó huyện Bạch Thông bị thiệt hại nặng nề nhất là 43 nhà (42 nhà sạt lở taluy; 1 nhà nước lũ tràn qua); còn lại tại thành phố Bắc Kạn có 3 nhà bị sạt taluy dương, đất đá, nước tràn vào nhà bếp, khối lượng đất sạt khoảng 40m3; tại huyện Na Rì có 9 nhà bị ngập nước; tại huyện Ngân Sơn có 2 nhà bị sạt lở taluy dương.
Toàn tỉnh hiện nay mới thống kê được có hơn 120ha đất nông nghiệp, ruộng lúa, ao cá bị lũ tràn qua. Các địa phương hiện đang tiếp tục thống kê.
Mưa lớn cũng gây sạt lở taluy dương nhiều tuyến đường với khối lượng khoảng 2.400m3.
Ngay sau khi xảy ra thiên tai, chính quyền địa phương nơi xảy ra thiệt hại đã kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn, huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ nhân dân khắc phục theo quy định.
Văn phòng trực Ban các cấp thực hiện trực ban, theo dõi diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời đến người dân để phòng tránh; tổng hợp báo cáo thiệt hại theo quy định./.
Du lịch nâng tầm, nông nghiệp nâng chất
Tam Đường không chỉ thu hút du khách bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của những dãy núi trùng điệp với những rừng hoa đỗ quyên bạt ngàn sắc màu, những bản làng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn cuốn hút bởi những nông nghiệp đặc trưng. Lợi thế này đã mở ra hướng đi mới cho Tam Đường khi kết hợp hài hòa giữa du lịch với nông nghiệp trải nghiệm. Nhờ đó, vừa giúp du lịch tạo ra những sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn mà còn nâng tầm giá trị nông sản, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Nhiều khách du lịch đặt câu hỏi rằng tới Tam Đường mùa nào đẹp nhất? Nhưng có lẽ, với mỗi người lại có những câu trả lời khác nhau. Bởi lẽ, mỗi mùa lại mang tới cho bản vùng cao những nét rất riêng. Mùa xuân tới bản Sì Thâu Chải khách du lịch sẽ được chiêm ngưỡng các loại hoa đua nhau khoe sắc thắm, với màu hồng của hoa đào, màu trắng của hoa mận, hoa lê và màu vàng của hoa địa lan. Không chỉ được tận mắt ngắm nhìn những loài hoa khoe sắc, du khách còn mua những cành đào, mận, lê hay những chậu địa lan về để trưng bày trong dịp tết. Ngoài ra, tại bản Sì Thâu Chải, trong các homestay đều trưng bày các sản phẩm nông sản như: mật ong, lợn, trâu gác bếp… để khách du lịch mua về làm quà biếu. Cùng với đó, khi lưu trú tại nhà của người dân bản địa, du khách không chỉ được nghỉ ngơi trong một bản bình yên mà còn có cơ hội hòa mình vào đời sống thường nhật, hiểu sâu hơn về văn hóa, phong tục tập quán và được mặc trang phục truyền thống của dân tộc Dao nơi đây. Ngoài ra, gần đây bản phát triển dịch vụ ngâm chân, tắm lá thuốc của người Dao, một trong nét văn hóa đặc sắc của địa phương.
Anh Phàn A Pao - Chủ Homestay Pao Còi (bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu) chia sẻ: “Những năm gần đây, tôi xây dựng homestay bằng gỗ khang trang, đẹp mắt. Để thu hút khách, tôi thường xuyên đăng tải về homestay và những bức ảnh, video về vẻ đẹp bình yên, mộng mơ của bản Sì Thâu Chải trên các mạng xã hội. Hàng ngày, tôi dọn phòng sạch sẽ; trồng hoa, cây cảnh, trang trí những bộ trang phục truyền thống dân tộc Dao xung quanh nhà để du khách tìm hiểu và khám phá nét đẹp văn hóa dân tộc Dao. Vào những thời điểm khác nhau trong năm, tôi dẫn du khách đi check-in vườn hoa đào, hoa mận, hoa địa lan, leo núi ngắm hoa đỗ quyên, đi thác Tác Tình hay đi hái quả đào, mận… Du khách khi được trải nghiệm rất thích thú, cảm giác được hòa mình với thiên nhiên. Cùng với đó, homestay phục vụ nhu cầu ăn, uống với các món ăn đặc trưng của Tây Bắc, bán các sản phẩm nông sản địa phương (mật ong, trâu gác bếp). Từ đó, khách du lịch trong và ngoài nước tới bản đông hơn, lượng khách lưu trú tăng lên nhiều so với những năm trước, tạo nguồn thu cho gia đình”.
Anh Phàn A Pao - Chủ Homestay Pao Còi (bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường) giới thiệu nông sản địa phương.
Đến Tam Đường vào mùa xuân du khách được ngắm nhìn những bông hoa lê trắng muốt thì vào mùa hè du khách lại được trải nghiệm hái lê trực tiếp tại các vườn, nhìn những chùm lê sai trĩu, căng, mọng thật là mãn nhãn. Để phát triển du lịch kết hợp với bán nông sản, nhiều vườn lê tại xã Giang Ma đã mở cửa để đón khách du lịch với giá 30.000 đồng/lượt khách vào vườn check-in.
Chị Nguyễn Hà Phương (đến từ Thành phố Hà Nội) chia sẻ: Tôi đã đến Tam Đường một vài dịp trong các lễ hội, được đi tham quan một số khu du lịch trên địa bàn huyện như: Cầu kính Rồng Mây, Ô Quy Hồ… Tôi thấy rất bất ngờ vì ở một tỉnh Tây Bắc xa xôi như Lai Châu lại có những công trình hiện đại, phong cảnh rất đẹp, khí hậu mát mẻ, trong lành, con người thân thiện, mến khách. Đặc biệt, lần này đến Lai Châu, tôi có thêm một trải nghiệm mới đó là được tự tay hái những trái lê do người dân bản địa trồng. Từ trước đến nay, tôi chỉ mua tại các chợ, siêu thị nhưng lần này được trải nghiệm, được tự hái và thưởng thức tại vườn tôi thấy rất thú vị. Tôi mua lê tại vườn về làm quà cho gia đình và bạn bè. Tôi thấy cách làm du lịch kết hợp với bán các sản phẩm nông nghiệp rất hay, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa có những sản phẩm du lịch hấp dẫn để du khách trải nghiệm”.
Vào mùa thu, khi những thửa ruộng bậc thang ở xã Tả Lèng khoác lên mình sắc vàng tươi của những bông lúa chín cũng là lúc cảnh sắc nơi đây trở nên thật thơ mộng, hữu tình như một bức tranh tuyệt đẹp giữa núi rừng bao la. Hay như vào mùa đông, khách du lịch có thêm ngắm tuyết rơi, băng giá ở đỉnh đèo Ô Quy Hồ và ngắm cảnh, săn mây, tham quan khu du lịch Ô Quy Hồ (xã Sơn Bình) với nhiều góc sống ảo xinh đẹp. Những năm trở lại đây, Tam Đường đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng du khách, như một “viên ngọc quý” nơi cuối trời Tây Bắc, nơi hội tụ vẻ đẹp thiên nhiên kỳ vĩ cùng bản sắc văn hóa độc đáo của 12 dân tộc và những sản vật nông nghiệp phong phú.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Xuân Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: “Với mục tiêu mang đến những trải nghiệm độc đáo, hấp dẫn cho du khách, vừa tạo sinh kế bền vững cho người dân, huyện đã tập trung phát triển các loại cây trồng có tiềm năng, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương (đào, lê, mận, lúa, chanh leo…), nuôi ong, phát triển các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Đồng thời, huyện đẩy mạnh quảng bá hình ảnh về miền đất, con người, những nét đẹp thiên nhiên, văn hóa… qua các kênh truyền thông. Tại các bản du lịch cộng đồng, huyện định hướng cho nhân dân trồng các loại cây hoa, cây ăn quả để du khách vừa trải nghiệm, vừa được thưởng thức và cũng để bán cho khách du lịch. Hàng năm, huyện Tam Đường và các địa phương tổ chức rất nhiều lễ hội, ngày hội, trưng bày nông sản đặc trưng của địa phương như: miến dong Bình Lư, chanh leo, mận, đào, lê… để khách du lịch mua làm quà. Với những giải pháp đồng bộ đó, du lịch Tam Đường nâng tầm, khẳng định được vị thế trong bản đồ du lịch của Việt Nam, góp phần nâng chất cho các nông sản địa phương”.
Kết nối giữa '4 nhà' để xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững
Không chỉ tôn vinh, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, mô hình sản xuất tiêu biểu, Tuần lễ Giống nông nghiệp công nghệ cao và sinh vật cảnh năm 2025 của TP.HCM đóng vai trò kết nối giữa '4 nhà': nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý.
Sáng 19/6, Sở Công thương TP.HCM khai mạc Tuần lễ Giống nông nghiệp công nghệ cao và sinh vật cảnh 2025, nhằm quảng bá thành tựu ngành nông nghiệp, thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao và tăng cường liên kết vùng trong sản xuất – tiêu thụ nông sản.
Trong khuôn khổ Tuần lễ có các hoạt động livestream hỗ trợ nhà nông đưa các sản phẩm nông nghiệp lên các nền tảng số. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Tuần lễ trưng bày nhiều sản phẩm OCOP, cùng các mặt hàng nông nghiệp công nghệ cao, giống vật nuôi, sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp của 190 đơn vị từ khắp các tỉnh, thành trong và ngoài nước.
Diễn ra từ nay đến ngày 22/6, Tuần lễ còn có nhiều hoạt động khác như: hoạt động kết nối thương mại trên các nền tảng số, các hội thảo, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật và xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững,...
Tuần lễ được kỳ vọng sẽ gắn kết giữa “4 nhà”: nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý để xây dựng, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, TP.HCM đang tập trung đẩy mạnh chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị gắn với đổi mới sáng tạo và hội nhập ASEAN.
Tuần lễ không chỉ là cơ hội để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị nông sản Việt, mà còn đóng vai trò kết nối giữa “4 nhà”: nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà quản lý.
Ngoài các mặt hàng nông nghiệp công nghệ cao, Tuần lễ có sự tham gia của các gian hàng trưng bày các giống vật nuôi, thú cưng, cá cảnh. (Ảnh: Tỷ Huỳnh)
Việc tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, viện, trường, trung tâm nghiên cứu trong khu vực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số tiêu chuẩn nông nghiệp xanh, sạch, bền vững sẽ là nền tảng vững chắc để ngành nông nghiệp thành phố và các tỉnh, thành vươn ra thị trường quốc tế.
Báo chí hiện đại: Đòn bẩy đưa nông sản Việt Nam vươn xa
Báo chí hiện đại đang góp phần nâng cao giá trị cho nông sản Việt Nam. Sự đồng hành chặt chẽ giữa báo chí và doanh nghiệp là động lực mạnh mẽ để đưa nông sản Việt Nam vươn xa hơn trên bản đồ thế giới.
Trong lĩnh vực nông nghiệp nơi mà sự kết nối giữa nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng vai trò sống còn thì báo chí đã và đang trở thành cầu nối quan trọng. Những câu chuyện thành công, những mô hình sản xuất, kinh doanh sáng tạo được báo chí lan tỏa không chỉ truyền cảm hứng mà còn khuyến khích các nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp tự tin đổi mới, vươn lên mạnh mẽ hơn trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đưa thương hiệu nông sản Việt Nam ra thế giới
Nông sản Việt Nam từ lâu đã được biết đến với chất lượng cao, hương vị đặc trưng và sự đa dạng phong phú. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt trên thị trường quốc tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Báo chí, với sức mạnh lan tỏa thông tin, đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh nông sản Việt Nam ra thế giới.
Các chương trình truyền thông chuyên sâu, các bài viết phân tích về giá trị văn hóa, chất lượng sản phẩm, hay những câu chuyện về hành trình của nông sản từ đồng ruộng đến bàn ăn đã giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Nhờ đó, thương hiệu nông sản Việt Nam ngày càng được khẳng định, mở ra cơ hội xuất khẩu và cạnh tranh với các sản phẩm quốc tế.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ: “Tôi nhận thấy vai trò của báo chí và truyền thông là vô cùng quan trọng. Báo chí không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh trái cây, rau quả và nông sản của Việt Nam ra thế giới mà còn đóng vai trò đồng hành cùng doanh nghiệp, hiệp hội và các nhà sản xuất.”
“Tôi hy vọng rằng trong thời gian tới, báo chí sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ để đưa hình ảnh nông sản Việt Nam, đặc biệt là rau quả, đến với bạn bè quốc tế. Qua đó, chúng ta có thể khẳng định đây là những sản phẩm an toàn, chất lượng cao, đẹp và ngon, góp phần thúc đẩy sản xuất, gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho đất nước cũng như hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân,” ông Nguyên nói.
Báo chí, với sức mạnh lan tỏa thông tin, đã góp phần không nhỏ trong việc quảng bá hình ảnh nông sản Việt Nam ra thế giới. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bên cạnh đó, ông Nguyên cho rằng báo chí đã và đang làm rất tốt trong việc cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp và bà con nông dân. Báo chí không chỉ giúp người nông dân nắm bắt được các vấn đề liên quan đến thị trường mà còn truyền tải những kỹ thuật canh tác tiên tiến, giúp họ hiểu rõ hơn về xu hướng tiêu dùng và yêu cầu của thị trường. Có thể nói, báo chí là một kênh tuyên truyền hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức và hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam.
Trong bối cảnh thị trường biến động không ngừng, việc nắm bắt thông tin nhanh chóng và đầy đủ là yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp đưa ra các chiến lược phù hợp. Báo chí không chỉ cập nhật giá cả, xu hướng tiêu dùng, mà còn phản ánh những thay đổi trong chính sách thương mại, nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia, hay các rào cản kỹ thuật mà doanh nghiệp cần chú ý. Chính nhờ những thông tin này, doanh nghiệp nông nghiệp có thể chủ động thích nghi, tối ưu hóa sản xuất, và nâng cao khả năng cạnh tranh của mình.
Báo chí chính là "đòn bẩy" cho chuyển đổi xanh, đưa những khái niệm phức tạp trở nên gần gũi, truyền cảm hứng về một nền nông nghiệp bền vững và đầy hy vọng.
Mỗi khi các sản phẩm nông sản Việt Nam ra thế giới gặp những rủi ro, khó khăn, báo chí lại đồng hành, cùng gỡ khó. Trong khi ngành thủy sản đối mặt với thách thức từ “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu (EU) do vi phạm quy định về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), báo chí đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là ngư dân và các doanh nghiệp thủy sản, về tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định IUU.
Thông qua các bài viết, phóng sự và chương trình truyền hình, báo chí đã tuyên truyền mạnh mẽ về các quy định, chính sách của Nhà nước và quốc tế liên quan đến khai thác thủy sản bền vững. Đồng thời, báo chí cũng phản ánh những nỗ lực và thành tựu của các địa phương, doanh nghiệp trong việc cải thiện hệ thống giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cũng như nâng cao nhận thức của ngư dân về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường biển.
Phóng viên ghi lại những hình ảnh về hoạt động của tàu cá trên biển có gắn thiết bị giám sát hành trình được giám sát chặt chẽ tại Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)
Những câu chuyện về các mô hình khai thác bền vững, các sáng kiến bảo vệ môi trường biển đã được lan tỏa, góp phần tạo động lực để các bên liên quan cùng chung tay hành động. Báo chí không chỉ là cầu nối thông tin mà còn là công cụ quan trọng để xây dựng niềm tin với các đối tác quốc tế, từ đó mở ra cơ hội phục hồi và phát triển ngành thủy sản Việt Nam.
Từ tư duy "tuyên truyền" sang "truyền dẫn"
Nhờ có báo chí trở thành cầu nối quan trọng, Hợp tác xã Tuấn Ngọc (Thành phố Hồ Chí Minh) đã mở rộng mô hình, chuyển giao công nghệ và hợp tác với doanh nghiệp tại 6 tỉnh thành: Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu. Nhờ sự đồng hành, “bảo chứng” của báo chí, Hợp tác xã không chỉ phát triển nông nghiệp xanh, hỗ trợ phụ nữ nông thôn mà còn tiếp cận được các chương trình OCOP, chuyển đổi số và nguồn tài trợ, mở ra nhiều cơ hội cho nông sản sạch Việt Nam.
Ông Lâm Ngọc Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tuấn Ngọc chia sẻ trong đại dịch COVID-19, vai trò của báo chí cực kỳ quan trọng. Những bài viết, phóng sự đã lan tỏa mô hình nông nghiệp công nghệ cao thủy canh của hợp tác xã, giúp người tiêu dùng và các địa phương biết đến, tin tưởng và áp dụng.
“Thời điểm giãn cách, báo chí không chỉ cập nhật giải pháp ứng phó dịch mà còn kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng, giúp Hợp tác xã kết nối thị trường và phục hồi mạnh mẽ sau dịch,” ông Tuấn chia sẻ.
Ông Tuấn nhấn mạnh, báo chí không chỉ định hình nhận thức về nông nghiệp công nghệ cao mà còn khơi dậy niềm đam mê của giới trẻ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và thúc đẩy chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Hơn thế nữa, báo chí chính là "đòn bẩy" cho chuyển đổi xanh, đưa những khái niệm phức tạp trở nên gần gũi, truyền cảm hứng về một nền nông nghiệp bền vững và đầy hy vọng.
Sứ mệnh của nhà báo không chỉ dừng lại ở việc phản ánh khó khăn mà còn góp phần tạo ra giá trị mới, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho nông nghiệp.
Khi nhắc đến vai trò của báo chí trong sự phát triển của ngành nông nghiệp, ông Lê Minh Hoan, Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận định rằng các phóng viên, cơ quan truyền thông đang chuyển từ tư duy "tuyên truyền" sang tư duy "truyền dẫn".
Theo ông Lê Minh Hoan, báo chí truyền thông ngày nay đã vượt xa khái niệm tuyên truyền một chiều như trước đây. Báo chí không chỉ là kênh truyền tải thông tin từ trên xuống mà còn là "cầu nối" hai chiều giữa xã hội và các cơ quan quản lý, vừa phản ánh thông tin từ xã hội lên trên, vừa truyền tải chính sách, định hướng từ trên xuống dưới. Quan trọng hơn, báo chí hiện đại còn tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế và đất nước.
Báo chí, với mạng lưới rộng khắp, có thể ghi nhận và lan tỏa những câu chuyện từ mọi nơi. (Ảnh: Lưu Niệm/TTXVN)
Dẫn chứng cụ thể, ông Lê Minh Hoan chỉ ra rằng báo chí đã kể những câu chuyện ý nghĩa về các sản phẩm nông sản đặc trưng của Việt Nam như cam Cao Phong, xoài Đồng Tháp, nhãn Hưng Yên hay vải thiều Lục Ngạn. Một bài báo hay, một câu chuyện được kể đúng cách không chỉ giúp quảng bá sản phẩm mà còn nâng tầm giá trị của nông sản, mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân. Sứ mệnh của nhà báo không chỉ dừng lại ở việc phản ánh khó khăn mà còn góp phần tạo ra giá trị mới, thúc đẩy sự phát triển bền vững cho nông nghiệp.
“Tôi luôn mong muốn các nhà báo, với lợi thế am hiểu địa phương, sẽ chia sẻ nhiều hơn những câu chuyện từ các vùng miền. Bộ trưởng hay các lãnh đạo không thể biết hết mọi vấn đề, nhưng báo chí, với mạng lưới rộng khắp, có thể ghi nhận và lan tỏa những câu chuyện từ mọi nơi,” ông Lê Minh Hoan chia sẻ.
Báo chí trở thành “lá chắn” bảo vệ doanh nghiệp
Trong thời đại công nghệ số, thông tin sai lệch và cạnh tranh không lành mạnh đã trở thành những thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Những tin đồn thất thiệt, những thông tin không chính xác về chất lượng sản phẩm không chỉ làm tổn hại đến uy tín của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng, đặc biệt là những thông tin sai lệch có thể khiến bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp lao đao, thua lỗ lớn. Báo chí, với vai trò là người đưa tin trung thực và khách quan, đã trở thành "lá chắn" bảo vệ trước những nguy cơ này.
Thông qua việc kiểm chứng thông tin, phơi bày sự thật và lên tiếng bảo vệ những giá trị đúng đắn, báo chí không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng mà còn củng cố niềm tin của công chúng vào sản phẩm và thương hiệu.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Auto Agri cho biết trong những năm gần đây, sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí, truyền thông với doanh nghiệp và người dân đã có những bước tiến đáng kể. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19, vai trò của báo chí càng được đánh giá cao. Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, báo chí chính thống cần được đầu tư để giữ vững vai trò định hướng thông tin, tránh rủi ro cho người dân và doanh nghiệp.
Trong một thế giới mà thông tin có thể lan truyền với tốc độ chóng mặt, báo chí chính thống cần được củng cố để trở thành "lá chắn" bảo vệ cộng đồng trước những rủi ro từ thông tin sai lệch
Bà Nguyễn Thị Thành Thực dẫn chứng nhiều trường hợp, mạng xã hội đã trở thành công cụ để lan truyền thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp. Chỉ trong một đêm, một thông tin tiêu cực có thể "nhấn chìm" cả một thương hiệu, thậm chí đẩy những người làm kinh doanh vào tình trạng khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng. Có những trường hợp thương nhân cảm thấy tuyệt vọng, muốn từ bỏ tất cả chỉ vì một hiểu lầm nhỏ bị đẩy lên quá mức trên mạng xã hội.
Bà Nguyễn Thị Thành Thực chia sẻ: “Một trong những hạn chế lớn là việc quản lý và điều hành các cơ quan báo chí, truyền thông còn gặp nhiều khó khăn. Các phóng viên, nhà báo – những người trực tiếp tác nghiệp – phải tự lo liệu rất nhiều vấn đề, từ sinh kế cho đến việc chủ động tìm kiếm nguồn lực để thực hiện công việc. Điều này dẫn đến những hạn chế trong việc tiếp cận thực tế, đặc biệt là đối với các chuyên ngành đặc thù cần sự đồng hành của báo chí, như nông nghiệp hay phát triển vùng sâu, vùng xa. Trong những khu vực như vậy, nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước và doanh nghiệp, việc tiếp cận thông tin và truyền tải thông điệp sẽ trở nên vô cùng khó khăn.
Phóng viên cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Thái Bình tác nghiệp về giải cứu nông sản sau bão số 3 tại xã Hồng An, huyện Hưng Hà. (Ảnh: TTXVN)
“Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi hy vọng rằng Nhà nước sẽ có những chính sách ưu tiên, đầu tư nhiều hơn cho các cơ quan truyền thông chính thống. Điều này không chỉ giúp đảm bảo chất lượng thông tin mà còn tạo niềm tin vững chắc cho người dân và doanh nghiệp. Trong một thế giới mà thông tin có thể lan truyền với tốc độ chóng mặt, báo chí chính thống cần được củng cố để trở thành "lá chắn" bảo vệ cộng đồng trước những rủi ro từ thông tin sai lệch,” bà Nguyễn Thị Thành Thực nhấn mạnh.
Báo chí không chỉ là một công cụ truyền thông mà còn là một đối tác chiến lược của nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong tương lai, sự đồng hành chặt chẽ giữa báo chí và doanh nghiệp sẽ tiếp tục là động lực mạnh mẽ để đưa nông sản Việt Nam vươn xa hơn trên bản đồ thế giới.
Nhấn mạnh đến vai trò của báo chí đối với ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến khẳng định: "Báo chí luôn chủ động, tích cực nêu tấm gương tốt, điển hình giúp nhân rộng, lan tỏa mô hình hay, tấm gương tốt. Bên cạnh đó, chống tiêu cực, phê phán những điều xấu, hướng tới xây dựng ngành nông nghiệp phát triển. Đặc biệt trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang chuyển mình từ đơn giá trị sang đa giá trị, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ thì báo chí cũng là một trong những là động lực quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp”./.
Báo chí cũng là một trong những là động lực quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)