Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 21 tháng 8 năm 2024

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 21 tháng 8 năm 2024

 

Tỷ phú lúa hữu cơ

 

Nguồn tin: Báo Kiên Giang

Với 11ha đất ruộng, nhiều người khuyên ông cho thuê, mỗi ngày cũng bỏ túi tiền triệu nhưng ông bảo: “Ai chẳng muốn nhàn hạ, ngặt nỗi ngày nào không dậy sớm ra đồng hít thở không khí trong lành, không ngửi được mùi bùn đất, mùi lúa mới là tôi bệnh”. Ông là Nguyễn Văn Đại (Ba Đại), tỷ phú chuyên trồng lúa theo hướng hữu cơ ngụ ấp Ngã Cạy, xã Đông Yên, huyện An Biên (Kiên Giang).

Năm 1979, ông Đại cưới vợ và mua 5 công đất ruộng lập nghiệp. Đất đai bấy giờ còn nhiễm phèn nặng nên mỗi vụ lúa thu hoạch chỉ được vài giạ mỗi công, cuộc sống gia đình thiếu trước hụt sau. Để có thêm thu nhập, vợ chồng ông Đại phải làm lụng cật lực, hết cắm câu, đặt lọp đến đặt rượu, nuôi heo. Mảnh ruộng sau nhiều năm được vợ chồng ông cải tạo, bồi đắp cũng màu mỡ hơn, năng suất lúa dần cải thiện. Hễ dư được đồng nào, vợ chồng ông chi tiêu cẩn thận, dành dụm mua thêm đất ruộng.

Cần mẫn lao động, không nản chí trước khó khăn nên từ vài công đất ban đầu đến năm 1999 khi chuyển đổi từ lúa mùa sang canh tác 2 vụ lúa ông Đại đã sở hữu 8ha đất ruộng. Chuyện ông Đại cần cù, sáng tạo, làm giàu từ ruộng vốn khiến người dân địa phương thán phục, nhưng nhiều người càng bất ngờ hơn khi ấp nghèo Ngã Cạy mọc lên căn nhà tường kiên cố với kinh phí xây dựng hết 25 lượng vàng của gia đình ông Đại.

“20 năm vật lộn với ruộng đồng, nếu không mạnh dạn đưa cơ giới hóa, không ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác lúa thì không tài nào khá lên được. Ngày xưa ông bà mình nói “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, nhưng theo tôi, giống phải là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thắng thua trong sản xuất”, ông Đại nói.

 

 

Ông Ba Đại bên chiếc máy cày của gia đình.

Với quan niệm giống lúa là yếu tố quyết định sự thành công vụ mùa, ông Đại tìm tòi thử nghiệm nhiều giống lúa mới, hễ nghe ở đâu có giống lúa phù hợp với vùng đất phèn mặn, năng suất cao là ông lặn lội tới nơi mang về trồng thử nghiệm. Năm 2015, ông rong ruổi từ An Giang, qua miệt Đồng Tháp, rồi duyên phận giúp người có lòng, ông gặp được kỹ sư Hồ Quang Cua - người đã cùng cộng sự lai tạo thành công nhiều giống lúa như ST5, ST8, ST16, ST19, ST20, ST21 và 2 giống lúa ST24, ST25 từng được bình chọn là loại gạo ngon nhất thế giới.

10 năm trước, khi xã Đông Yên vẫn chưa nhiều người biết đến chuyện làm lúa theo hướng hữu cơ thì ông Đại đã đưa giống lúa ST5 chất lượng cao từ Sóc Trăng về canh tác. Đây là giống lúa chịu hạn mặn, giá bán cao hơn các loại lúa hàng hóa khác nhưng năng suất thấp nên ít người dám chuyển đổi.

Theo lời kể của ông Đại, lúc bấy giờ ông quyết định chuyển sang trồng lúa theo hướng hữu cơ sau thời gian tìm tòi, học hỏi các mô hình trồng lúa hữu cơ ở các tỉnh khác. Nhưng vì mới bắt đầu, chưa am hiểu kỹ thuật trồng lúa hữu cơ nên thời gian đầu thất bại. Lúa lên không đều, hạt gạo chưa đủ thơm ngon như mong muốn, năng suất đạt thấp. Nhiều người biết chuyện bảo ông nên bỏ ý định làm lúa hữu cơ vì tốn nhiều công chăm sóc, lại không lời được bao nhiêu.

Trước lời bàn ra tán vào, ông Đại vẫn quyết tâm thực hiện giấc mơ lúa sạch của mình. Ông áp dụng tất cả kiến thức mình tích lũy được vào canh tác lúa, đồng thời thường xuyên liên lạc với các chuyên gia, nhà khoa học để tìm ra lời giải cho những vướng mắc ban đầu. Ông quyết chí phải làm thành công, bởi theo ông làm lúa theo hướng hữu cơ là con đường đi đúng đắn và là xu thế của thời đại. “Khi sản xuất theo hướng hữu cơ, nông dân khỏe mà người ăn hạt gạo hữu cơ cũng khỏe hơn. Quan trọng là lúa sạch luôn bán được giá cao, cho lợi nhuận nhiều hơn”, ông Đại nói.

Trước diễn biến bất thường của thời tiết, mặn ngày càng xâm nhập sâu vào nội đồng, ông Đại quyết định lấy 15 công đất ruộng để làm bờ bao kiên cố bao quanh 11ha ruộng, tạo thành đê bao khép kín giúp chủ động bơm tát nước. Nhờ vào những cải tiến mới cũng như bài học rút ra sau những lần thất bại, đến vụ đông xuân năm 2022-2023 ông Đại bắt đầu tạo được kỳ tích với 11ha ruộng canh tác lúa theo hướng hữu cơ với giống ST25, năng suất lúa đạt gần 8 tấn/ha, lợi nhuận thu về hơn 1,3 tỷ đồng/năm.

67 tuổi đời, gần 30 năm tuổi Đảng và kinh nghiệm từng tham gia công tác ở nhiều vị trí tại ấp, ông Đại không chỉ là bậc lão nông tri điền với nếp sống giản dị mà còn là người đi đầu trong các phong trào ở địa phương. Nhận thức được lợi ích của kinh tế tập thể, ông Đại kiên trì thuyết phục người dân cùng tham gia tổ hợp tác bơm tưới để tăng hiệu quả khâu quản lý nước, cơ giới hóa, gieo sạ đồng loạt né sâu bệnh.

Với uy tín của mình, năm 2019, tổ hợp tác bơm tưới Đại Nông được thành lập và ông Đại được bầu làm tổ trưởng. Năm 2023, với sự kiến nghị của ông Đại, tổ hợp tác được đầu tư trạm bơm điện 3 pha phục vụ bơm tưới trị giá 375 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện, cũng từ đó giúp giảm chi phí bơm tát, tăng lợi nhuận trong sản xuất cho thành viên tổ hợp tác.

Bài và ảnh: ĐẶNG LINH

 

Lào Cai: Quả lê xanh địa phương Bắc Hà vào mùa thu hoạch

 

Nguồn tin: Báo Lào Cai

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà (Lào Cai), hiện là thời điểm cuối vụ thu hoạch lê xanh (còn gọi là lê địa phương), sản lượng cả vụ ước đạt 240 tấn, giá bán trung bình từ 15.000 đồng - 35.000 đồng/kg.

Đây là loại quả có hình bầu dục, khi chín vỏ màu xanh, má phớt hồng, quả có trọng lượng từ 300 - 500 gam, thịt quả trắng, nhiều nước, ăn ngọt, có vị thơm mát, 1 cây lê tuổi từ 8 - 15 có thể cho thu từ 4 - 6 tạ quả.

 

 

Quả lê xanh được bày bán tại chợ Bắc Hà.

Thông thường, vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 dương lịch mới là mùa thu hoạch quả lê xanh, nhưng năm nay do thời tiết khô nắng kéo dài nên lê xanh chín sớm.

Bà Bùi Thị Thùng ở thị trấn Bắc Hà - một người buôn hoa quả ở chợ Bắc Hà - cho biết: Thu hoạch lê xanh thường ngay sau khi kết thúc thu hoạch lê VH6. Giá lê chia làm 3 loại: Loại 3, trung bình 15 - 20 nghìn đồng/kg; loại 2 là lê chọn, giá 25 - 30 nghìn đồng/kg; loại 3 là lê to (ngố) giá 40 - 70 nghìn đồng/kg. Việc tiêu thụ lê thuận lợi như nhiều năm qua, số lượng bán được nhiều vào dịp cuối tuần, khi có nhiều khách du lịch đến Bắc Hà…

Trước kia, có thời điểm diện tích cây lê xanh lên đến gần 100 ha. Những năm gần đây, khí hậu nóng dần, một số cây già cỗi đã chết, trong khi lê xanh không phải vùng nào cũng trồng được, vì thế diện tích hiện chỉ còn hơn 15 ha. Huyện Bắc Hà đang có chủ trương giữ gìn, phát triển, mở rộng diện tích, nâng cao hiệu quả kinh tế của cây lê xanh.

Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho biết: Thực hiện đề án cải tạo và phát triển vùng cây ăn quả có nguồn gốc, giai đoạn 2015 - 2020 và 2020 - 2025 gắn với du lịch, huyện Bắc Hà xác định các loại cây như mận Tam hoa, mận Tả Van, lê VH6 và lê xanh là sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo. Riêng đối với cây lê xanh, huyện triển khai trồng mới hơn 90 ha tại các xã trung và thượng huyện.

Đặc biệt, đầu năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND huyện Bắc Hà tổ chức trồng cây lê xanh cổ thụ tại Trại Nghiên cứu và Sản xuất rau, quả Bắc Hà. Việc di thực cây lê xanh cổ thụ về Trại Nghiên cứu và Sản xuất rau quả Bắc Hà nhằm cụ thể hóa chủ trương lưu giữ và bảo tồn nguồn gen bản địa, làm cơ sở cho việc nghiên cứu, phát triển giống cây trồng có giá trị kinh tế cao cho sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Lào Cai.

Việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển, mở rộng diện tích vùng chuyên canh cây ăn quả ôn đới, trong đó có cây lê xanh ở các xã vùng cao của huyện Bắc Hà đã và đang đem lại lợi ích kép, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, vừa góp phần tạo thêm sản phẩm du lịch đặc trưng Bắc Hà.

Tráng Xuân Cường

 

Chính thức cấp phép sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc

 

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Ngày 19/8/2024, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) ký nghị định thư về việc xuất khẩu sầu riêng đông lạnh.

 

 

So với sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh có giá trị gia tăng cao hơn - Ảnh minh họa

Bộ NN&PTNT cho biết lễ ký được tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký.

So với sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh có giá trị gia tăng cao hơn. Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự kiến, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 400 - 500 triệu USD ngay trong năm 2024.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ, sầu riêng đông lạnh từ trước đến nay chủ yếu được xuất khẩu sang Thái Lan và một số thị trường xa như Hoa Kỳ, châu Âu… với kim ngạch khoảng vài trăm triệu USD/năm.

Theo ông Bình, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng đông lạnh ở Trung Quốc là rất lớn. Vì vậy, khi được chính thức xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh của Việt Nam có thể tăng cao hơn nữa vào năm 2025.

Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), đơn vị tham mưu kỹ thuật cho nghị định thư, đánh giá xuất khẩu sầu riêng đông lạnh là một bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa hai nước, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.

Việc mở cửa thị trường cho sản phẩm này sẽ giúp đa dạng hóa chế biến, giảm áp lực về thời vụ thu hoạch, đồng thời tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho ngành sầu riêng.

Trước đó, từ tháng 3/2024, Cục BVTV đã gửi công văn tới các địa phương, đề nghị rà soát, tổng hợp các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo đó, các cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh phải đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình đóng gói, truy xuất nguồn gốc và quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (HACCP). Đi kèm với đó, là một số yêu cầu về năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản.

Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 500.000 tấn sầu riêng, đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 90%.

Ngoài sầu riêng, Việt Nam còn xuất khẩu hơn 10 mặt hàng rau quả nữa sang Trung Quốc gồm: thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu, mít, chuối, măng cụt, khoai lang. Cùng với đó, là tạm thời xuất khẩu chanh leo và ớt.

Sáu tháng đầu năm 2024, sầu riêng đạt kim ngạch khoảng 1,5 tỷ USD. Dự kiến hết năm 2024, mặt hàng tươi có thể thu về khoảng 3,5 tỷ USD.

Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng Trung Quốc để đảm bảo quá trình triển khai nghị định thư thuận lợi, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội từ các nghị định thư này.

Ngoài sầu riêng đông lạnh, Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức ký kết Nghị định thư cho việc xuất khẩu dừa tươi và cá sấu sang thị trường Trung Quốc. Việc ký kết Nghị định thư này là một bước tiến quan trọng trong quan hệ thương mại nông sản giữa hai nước, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.

Đỗ Hương

 

Ứng dụng công nghệ cao để trồng rau hữu cơ

 

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã mạnh dạn chuyển đổi đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng rau trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao, bước đầu đã đem lại hiệu quả.

 

 

Anh Vũ Văn Chi (bên trái), ấp Bình Tiến, xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) giới thiệu với cán bộ Hội Nông dân xã về mô hình rau khí canh của mình.

Mô hình rau khí canh

Nhận thấy tính ưu việt, hiệu quả của mô hình trồng rau khí canh, anh Vũ Văn Chi, nông dân ấp Bình Tiến, xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) đã tìm tòi học hỏi, triển khai thực hiện. Sau gần nửa năm đi vào hoạt động, mô hình đã cho thu hoạch những lứa rau đầu tiên. Nhờ quy trình sản xuất hiện đại, sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, an toàn nên đã nhận được sự phản hồi tích cực của người tiêu dùng, hứa hẹn khi được triển khai áp dụng quy mô lớn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội.

Những ngày giữa tháng 8/2024, tiết trời oi bức của vùng đất cát Bình Châu, dẫn chúng tôi đi thăm mô hình rau khí canh trong nhà màng, anh Chi say sưa giới thiệu, vườn rau có 240 trụ đứng, mỗi trụ 48 hốc trồng giá thể, tương ứng với 48 cây rau. Các trụ rau hoạt động theo công nghệ tuần hoàn, nước tích trữ trong bồn được bơm lên hệ thống tưới tiêu để cung cấp dưỡng chất cho rau thông qua hệ thống phun sương gắn trên các trụ đứng. Sau khi phun, lượng nước còn lại được bơm về bồn chứa để tái sử dụng, giúp tiết kiệm nước trong quá trình sản xuất.

Các loại rau trồng ở đây như xà lách, cải cay, cải ụ, rau dền, mồng tơi… bước đầu sinh trưởng và phát triển tốt, rau ăn ngon, giòn và ngọt. Trồng rau theo mô hình này cây phát triển tương đối tốt, tỷ lệ cây sống đạt trên 95%, năng suất cao hơn từ 40-50% so các mô hình trồng rau khác. Cây rau không phải phun bất kỳ loại thuốc kích thích hay phòng ngừa sâu bệnh nào nên bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hội viên nông dân nào có nhu cầu trồng, anh Chi sẽ hướng dẫn kỹ thuật, lắp đặt hệ thống khí canh quy mô nhỏ để sản xuất tại nhà.

“Trong sản xuất khí canh, mỗi lứa rau kéo dài từ 18 - 25 ngày; mỗi trụ cho năng suất 5kg sản phẩm nên sản lượng rau của vườn 200m2 này có thể đạt hơn 1 tấn rau/tháng. Nếu áp dụng xen canh các loại rau ngắn ngày và dài ngày thì có thể sản xuất 10 - 12 lứa/năm. Giá bán trung bình 30 ngàn đồng/kg rau xanh. Khi có thị trường tiêu thụ ổn định, tôi sẽ mở rộng diện tích canh tác lên 1ha, trong đó tập trung trồng các loại rau củ quả”, anh Chi cho biết thêm.

Dịch chuyển từ lượng sang chất

Bên cạnh việc mở rộng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, triển khai mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị luôn được các cấp Hội Nông dân chú trọng thực hiện.

Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp các ngành tổ chức nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức về mô hình sản xuất nông sản sạch và hữu cơ cho cán bộ, hội viên nông dân. Đồng thời đẩy mạnh kêu gọi DN, HTX tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ, xây dựng các dự án, chương trình, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.

Theo Hội Nông dân tỉnh, công nghệ nhà màng, nhà lưới, thủy canh, khí canh, hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước kết hợp điều tiết dinh dưỡng tự động đã và đang được các DN, HTX và nông dân áp dụng, nhằm tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản.

Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã phối hợp tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng cho 815 nông dân xuất sắc, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện; trang bị kiến thức về nông nghiệp, kinh tế nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho gần 1.000 cán bộ, hội viên nông dân.

Với diện tích 450m2, vườn rau thủy canh của anh Nguyễn Thành Huyện, ở khu 3, huyện Côn Đảo mỗi ngày cung cấp ra thị trường hơn 50kg rau ăn lá các loại. Việc trồng rau màu trong nhà lưới theo hướng hữu cơ tại huyện đảo đã và đang phát triển, tạo hướng đi mới, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp từng bước chuyển dịch từ số lượng sang chất lượng, nâng cao giá trị sản xuất. Đồng thời giảm chi phí và những tác động xấu đến môi trường.

Anh Nguyễn Thành Huyện, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Thủy sản Côn Đảo cho biết, từ khi chuyển đổi sang sản xuất theo hướng hữu cơ và sử dụng các loại chế phẩm sinh học, thì giá trị sản phẩm rau xanh cũng được nâng lên đáng kể.

Cũng theo anh Huyện, sản xuất hữu cơ thứ nhất là giảm được sâu bệnh. Thứ hai là cây khỏe phát triển nhanh hơn, điều quan trọng nhất là đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG - THANH HẢI

 

Người trồng hoa thiên lý gặp khó

 

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Trồng thiên lý thu hoạch hoa là hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều nông hộ, nhất là những hộ dân ít đất trên địa bàn huyện Bù Đốp (tỉnh Bình Phước) thời gian qua. Tuy nhiên, năm nay do tác động của khí hậu và giá cả giảm sâu khiến người trồng hoa thiên lý gặp nhiều khó khăn.

Trước đây, với diện tích vườn rộng hơn 2.000m2 trồng hoa thiên lý của gia đình anh Hoàng Văn Hùng ở ấp Tân Thuận, xã Tân Tiến mỗi ngày thu khoảng 100kg hoa. Với giá bán từ 50-70 ngàn đồng/kg đã giúp gia đình anh có thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay, thời tiết cực đoan, nắng nóng và mưa kéo dài dẫn đến cây bị nấm bệnh và trổ hoa ít hơn, mỗi ngày chỉ thu được 20-30kg. Để có thu nhập trang trải cuộc sống, anh Hùng phải chuyển đổi một phần đất sang trồng mướp.

 

 

Vườn hoa thiên lý hơn 2.000m2 của gia đình anh Hoàng Văn Hùng năm nay năng suất giảm mạnh

Tương tự, 2.000m2 hoa thiên lý cũng là nguồn thu chính của gia đình bà Nông Thị Chanh ở ấp Tân Phước, xã Tân Tiến nhiều năm nay. Hiện nay, vườn hoa thiên lý của gia đình bà Chanh tuy vẫn cho năng suất ổn định nhưng giá giảm sâu (chỉ còn 25-30 ngàn đồng/kg), khiến cuộc sống gia đình bà gặp nhiều khó khăn.

“Mấy năm trước, 1kg hoa thiên lý bán giá 60-70 ngàn đồng, thậm chí có khi lên đến 90 ngàn đồng, còn năm nay giá quá thấp. Năm 2023, thu nhập từ vườn hoa thiên lý có thể trang trải chi phí sinh hoạt gia đình thoải mái, nhưng năm nay thì chật vật, khó khăn” - bà Chanh cho biết.

Nhiều năm qua, hoa thiên lý là cây rau màu được nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Bù Đốp lựa chọn trồng và trở thành nguồn thu chính, nhất là đối với những hộ dân ít đất sản xuất. Riêng xã Tân Tiến có hơn 30 hộ trồng hoa thiên lý với tổng diện tích khoảng 7 ha. Tuy nhiên, năm nay hầu hết các vườn đều giảm năng suất và giá cả giảm mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân.

Dù năng suất và giá hoa giảm mạnh nhưng hầu hết các nông hộ vẫn duy trì vườn cây. Bởi thiên lý là loại cây trồng ngắn ngày, dễ trồng, dễ chăm sóc và cho thu hoạch quanh năm, giúp người dân cải thiện sinh kế gia đình. Thực tế đã có rất nhiều hộ dân có cuộc sống ổn định và vươn lên thoát nghèo từ mô hình này. Để ứng phó với tác động của thời thiết cực đoan cũng như đảm bảo năng suất vườn cây, người nông dân cần có giải pháp đầu tư cải tạo đất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tiến Hoàng Đức Cảnh cho biết: “So với mọi năm thì năm nay năng suất hoa thiên lý giảm mạnh, nguyên nhân là do thời tiết cực đoan. Ngoài ra, cây trồng trên một loại đất lâu năm, qua nhiều mùa thu hoạch khiến đất dần cằn cỗi và không còn phù hợp. Giá bán lên xuống thất thường, đầu năm được giá, cuối năm lại giảm sâu; năm nay xuống giá, năm sau lại lên… Do đó, nông dân duy trì vườn cây thì phải cải tạo lại đất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng”.

Văn Đoàn

 

Bến Tre: Cây giống Chợ Lách mở rộng thị trường tiêu thụ

 

Nguồn tin:  Báo Đồng Khởi

Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Cây giống Lê Văn Thảo ở ấp Vĩnh Hưng I, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách (Bến Tre) vừa ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh (HĐHTKD) với Công ty TNHH Thnot Angkor Trangdinh (gọi tắt là Công ty TAT) có trụ sở chính tại số 101L, đường Lom, Preah Ponlear, Preak Pra, Chabar Ampov, Kingdom, Cambodia (Campuchia).

 

 

Chủ doanh nghiệp tư nhân Cây giống Lê Văn Thảo (bên trái) ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Chủ tịch - Tổng giám đốc Công ty TAT Meas.

Tận dụng đất nhàn rỗi

Sau một thời gian hai bên tìm hiểu lẫn nhau, chiều 15-8-2024 tại DNTN Cây giống Lê Văn Thảo ở xã Vĩnh Thành đã diễn ra buổi ký kết HĐHTKD với Công ty TAT.

Chủ tịch - Tổng giám đốc Công ty TAT Meas Sopheap cho biết: Hai bên đã thỏa thuận tự nguyện cùng thống nhất ký HĐHTKD khai thác lợi thế quỹ đất nông nghiệp nhàn rỗi (10ha tại tỉnh Svay Rieng - Vương quốc Campuchia) và phát huy tiềm năng, thế mạnh vốn có của Công ty TAT với DNTN Cây giống Lê Văn Thảo (Chợ Lách - Bến Tre - Việt Nam) để đầu tư vào các dự án “Vườn nhân giống nông nghiệp công nghệ cao” mang tính đột phá chiến lược có tầm vóc quốc gia, quốc tế tại vương quốc Campuchia. Công ty TAT chúng tôi đảm bảo trật tự an ninh - an toàn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của DNTN Cây giống Lê Văn Thảo trong điều kiện tuân thủ đầy đủ quy định của luật pháp Vương quốc Campuchia trong suốt quá trình thực hiện HĐHTKD từ ngày 18-8-2024 đến 18-8-2034 (10 năm). Đồng thời đảm bảo về pháp lý với đầy đủ quỹ đất từ 10ha trở lên, thời gian ký HĐHTKD từ 10 năm trở lên theo yêu cầu cung cấp cho 2 bên triển khai thực hiện ngay “Vườn nhân giống nông nghiệp công nghệ cao”. Song song đó, xúc tiến xâm nhập thị trường tiêu thụ các loại giống cây trồng sẵn có chuyển từ Việt Nam sang và cùng DNTN Cây giống Lê Văn Thảo đảm bảo bao tiêu sản phẩm trái cây thị trường đầu ra cho các hợp tác xã - Hiệp hội nông nghiệp tại Campuchia, nhằm góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp Vương quốc Campuchia phát triển lớn mạnh theo hướng bền vững.

Hiện nay, đất nhàn rỗi, đất trồng cây có hiệu quả kinh tế thấp còn rất nhiều ở Campuchia. “Ở vương quốc Campuchia 1 hộ nông dân có trên 1.000ha đất là chuyện bình thường. Riêng tôi có 800ha, kỳ này tôi phải nhờ Chủ DNTN Cây giống Lê Văn Thảo hướng dẫn tôi trồng mít, sầu riêng… tham gia làm cây nguyên liệu cho công ty. Riêng bản ký HĐHTKD, chúng tôi dịch thêm 1 bản ngôn ngữ Campuchia để nộp cho Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Vương quốc Campuchia”, ông Meas Sopheap cho biết thêm.

Đưa cây giống ra nước ngoài

Chủ DNTN Cây giống Lê Văn Thảo nhất trí sẽ lập kế hoạch chi tiết quy trình thực hiện “Vườn nhân giống nông nghiệp công nghệ cao”, cần quỹ đất cho mỗi vườn, tình trạng thổ nhưỡng, nguồn nước tưới tiêu, phôi mầm, số lượng các loại giống cây trồng, phân, thuốc, vận chuyển, kho tàng, thời gian, công chăm sóc từ khi chuẩn bị phôi mầm cho đến lúc cây giống cung cấp ra thị trường. Đảm bảo về kỹ thuật, chất lượng xuyên suốt trong quá trình nuôi cấy phôi - mô cho đến lúc cung cấp giống cây trồng ra thị trường nói chung, cho các Hợp tác xã - Hiệp hội nông nghiệp nói riêng tại Campuchia. Phối hợp cùng Công ty TAT xúc tiến khảo sát thổ nhưỡng từng vùng miền, nhằm xác định được trồng giống cây gì để ký HĐHTKD với Hợp tác xã hoặc Hiệp hội nông nghiệp Campuchia mang lại hiệu quả kinh tế cao so với những vườn cây ăn trái truyền thống hiện hữu. Hướng dẫn các chủ vườn về quy trình ứng dụng kỹ thuật theo mô hình các loại giống nông nghiệp công nghệ cao: Từ cách làm đất trồng, bón phân hữu cơ sinh học, phun thuốc bảo vệ thực vật để đạt được hiệu quả như mong muốn. Qua đó, giúp cải tạo nâng cấp sản lượng, chất lượng nông sản, hiệu quả kinh tế cao như đối với: Vườn sầu riêng, hồ tiêu ở tỉnh Kampot; vựa lúa tỉnh Battambang; xoài keo tỉnh Kampong Speu; cây cao su tỉnh Mondol Kiri tạo niềm tin trong lòng người nông dân Campuchia”.

Được biết, DNTN Cây giống Lê Văn Thảo sản xuất khoảng 1 triệu cây giống các loại/năm như: Mít, sầu riêng, bưởi, chôm chôm, măng cụt, bòn bon, na Thái… trong đó có nhiều loại cây giống mới ngoại nhập. Ông Lê Văn Thảo đang đầu tư vườn cây giống nông nghiệp công nghệ cao 15ha ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An để làm cây nguyên liệu. “10ha tại Vương quốc Campuchia tôi làm vườn thực nghiệm các loại giống chất lượng cao. Sau đó nhân rộng lên từ 300 - 800ha làm vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn hữu cơ để xuất khẩu. Qua đó, chúng tôi cũng thu hoạch trái cây để bán trong và ngoài nước Campuchia. Năm đầu tiên, chúng tôi áp dụng phương pháp “Lấy ngắn nuôi dài” tức là trồng thơm hoặc dưa hấu để chờ mít, nhãn, bưởi, sầu riêng… cho trái”, ông Thảo phấn khởi nói thêm.

Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Văn Hòn nhận xét: “Chủ DNTN Cây giống Lê Văn Thảo ở xã Vĩnh Thành là người rất năng động, sáng tạo sản xuất cây giống các loại. Ông là người tiên phong trong việc trực tiếp xuất cây giống ra nước ngoài với thời gian dài (10 năm) như ở Vương quốc Campuchia, không lệ thuộc trung gian. Với ý chí quyết tâm nâng cao chất lượng cây giống, quyết tâm bán trực tiếp cây giống ra nước ngoài như ông Lê Văn Thảo thật đáng biểu dương và khen thưởng”.

Bài, ảnh: Hoàng Vũ

 

Cần sớm chuẩn hóa sản phẩm sâm Việt Nam

 

Nguồn tin:  Báo Chính Phủ

Sản phẩm sâm Việt Nam đang ngày một phát triển, đạt lợi ích cao về kinh tế. Tuy nhiên, cần có hững hướng dẫn để chuẩn hóa sản xuất sản phẩm này để trở thành một ngành hàng bền vững.

 

 

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng cần thống nhất gọi tên sản phẩm trước khi xây dựng các quy định cụ thể về sản xuất sâm - Ảnh minh họa

Chưa có quy chuẩn trồng sâm

Tại tọa đàm "Định hướng phát triển sâm Việt Nam" do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 15/8 tại Hà Nội, ông Ngô Tân Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội sâm tỉnh Lai Châu cho biết, việc phát triển cây sâm trên Lai Châu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Tuy nhiên, hiện, bà con đang gặp khó khăn do bệnh trên loại cây quý này.

"Hiện chúng tôi có 200 hội viên trồng sâm đang bị thiệt hại do nấm gây ra cho cây sâm. Bà con rất mong các nhà khoa học sớm nghiên cứu chữa bệnh nấm cho sâm, hiện nay sâm bị nấm chết rất nhiều. Hiện có nhiều đề tài khoa học trồng sâm nhiều nhưng về phòng, chữa bệnh cho sâm rất hiếm", ông Hưng bộc bạch.

Về phương án trồng sâm, ông Hưng cho hay: Tại các vùng sâm Lai Châu có Công ty Thái Minh trồng sâm trong nhà màng rất tốt. Tuy nhiên, chúng ta phải duy trì 2 phương án vừa trồng ở rừng để tạo sinh kế cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số, vừa mở rộng diện tích sâm trong nhà màng để tạo ra quy mô, sản phẩm với số lượng lớn.

Cũng theo ông Hưng, điều khó nhất hiện nay là việc canh tác sâm mỗi nơi một kiểu khiến cho việc xây dựng thương hiệu cho cây dược liệu quý này rất khó khăn. "Nếu chúng ta tuyên truyền mỗi nơi một kiểu, một phách thì sẽ rất khó xây dựng được thương hiệu sâm Việt Nam. Chúng ta phải sớm định hình và thống nhất truyền thông về thương hiệu sâm Việt Nam mới có thể xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm sâm của chúng ta vươn được ra thế giới như sâm Hàn Quốc", ông Hưng khẳng định.

Ông Nguyễn Quang Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thái Minh (Lai Châu) cho biết, từ bài học của Hàn Quốc chúng ta phải thâm canh sâm mới có thể cho năng suất cao. Thứ 2 là xây dựng thương hiệu duy nhất là sâm Việt Nam.

"Hiện nay, các tỉnh, doanh nghiệp của Việt Nam đang nghiên cứu và trồng mỗi nơi một giống, truyền thông khác nhau. Về lâu dài sẽ không định hình được thương hiệu cho sâm của Việt Nam. Nếu chúng ta không thống nhất sẽ không chỉ tốn nguồn lực mà việc trồng, chế biến, thương mại sâm không hiệu quả", ông Thái nói thêm.

Ông Nguyễn Đức Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty sâm Quảng Nam cho biết, hiện tỉnh có 20 doanh nghiệp trồng nhưng khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước. "Đơn cử như về truy xuất nguồn gốc, nhiều hộ rất khó làm. Hiện có vùng trồng của chúng tôi trị giá gần 200 tỷ nhưng khó tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng vì khó định giá được tài sản", ông Lực khẳng định.

Chia sẻ thêm về thị trường tiêu thụ sâm, ông Lực cho rằng: Tại Hà Nội, nơi tiêu thụ sâm nhiều nhưng đa phần khách hàng dễ mua phải sâm giả, vì trữ lượng sâm thật không nhiều. "Hiện sâm giả, kém chất lượng nhập lậu tràn lan trên thị trường khiến cho người tiêu dùng hoang mang, không phân biệt được sản phẩm nên việc tiêu dùng rất hạn chế. Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng, nhất là phía Bộ Công an, quản lý thị trường cần vào cuộc quyết liệt hơn để dẹp nạn buôn bán, kinh doanh sâm giả, kém chất lượng trên thị trường", ông Lực kiến nghị.

Định hướng 'chuẩn hóa' sâm Việt

Ông Đặng Văn Châu, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu cho biết, sau khi có chương trình của Chính phủ (Quyết định 611/QÐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045), tỉnh đã đưa ra nghị quyết về phát triển sâm. Quan điểm của tỉnh là phát triển sâm phải từ vùng trồng đến chế biến.

Theo ông Châu, ông rất ủng hộ các doanh nghiệp xây dựng và ưu tiên cả 2 phương án trồng trong nhà lưới và trong rừng. Tuy nhiên, Nhà nước cần xây dựng quy trình trồng sâm để đồng nhất, hiệu quả bền vững hơn.

"Chúng ta có nhiều giống sâm quý, có loại sâm được đánh giá tốt nhất thế giới nhưng các tài liệu, công trình nghiên cứu về chất lượng, hàm lượng hóa học, sinh học... như thế nào chưa có khiến cho việc truyền thông, xây dựng thương hiệu cho cây sâm rất hạn chế.

Ông Huỳnh Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum cho biết, nếu như trồng trong nhà màng, chúng tôi rất mong sớm có quy trình để tỉnh áp dụng. Nếu trồng dưới tán rừng, chúng ta phải có tiêu chuẩn quốc gia về trồng sâm dưới tán rừng để làm sao không ảnh hưởng đến rừng mà cây sâm vẫn phát triển được.

Tuy vậy, hiện, các đề tài nghiên cứu khoa học về cây sâm còn quá ít, quy trình trồng, phòng chống bệnh cho cây sâm rất hạn chế. Ông Liêm cũng kiến nghị, bên cạnh việc trồng, chế biến sâm, Bộ NN&PTNT cần có hướng dẫn để người dân gắn sản xuất với phát triển du lịch sinh thái sẽ giúp tiêu thụ sản phẩm sâm được nhiều hơn.

Tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, để chương trình phát triển sâm hiệu quả, bền vững hơn, chúng ta phải thay đổi tư duy. Chúng ta phải tiếp cận cây sâm theo chuỗi ngành hàng.

"Chúng ta thường chỉ nghĩ đến sâm là một sản phẩm đơn thuần nhưng không phải, sâm phải tích hợp giá trị to lớn của một ngành hàng. Từ sâm có thể chế biến ra nhiều sản phẩm từ thực phẩm đến mỹ phẩm... Chúng ta phải chuyển từ giá trị nông nghiệp sang giá trị công nghiệp

Chúng ta phải đa dạng hóa chế biến, đa dạng hóa sản phẩm để từ một sản phẩm nhiều tiền thành các sản phẩm giá rẻ nhiều người ai cũng có thể mua được, dùng được", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Học từ Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các doanh nghiệp phải có tinh thần dân tộc, tinh thần đất nước. Chúng ta cùng nhau xây dựng sản phẩm, thương hiệu quốc gia mang biểu tượng của đất nước.

Muốn làm được như vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy. "Trước tiên chúng ta phải thống nhất gọi tên sản phẩm, thương hiệu là sâm Việt Nam. Sau đó mới truy xuất nguồn gốc về sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu... đưa ra thị trường để khách hàng lựa chọn mua, tiêu dùng", Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.

Trước các vướng mắc nêu ra tại tọa đàm, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết, sắp tới Bộ sẽ ngồi lại với các bộ ngành liên quan, Ngân hàng Nhà nước thảo luận để đưa ra các chính sách hỗ trợ của người dân, các doanh nghiệp trồng, chế biến sâm tại các tỉnh đúng hướng, hiệu quả, bền vững hơn.

Đỗ Hương

 

Đồng Nai: Phát triển trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ và hướng hữu cơ đến năm 2030

 

Nguồn tin:  Cổng TTĐT tỉnh Đồng Nai

Theo kế hoạch triển khai thực hiện đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tổng diện tích trồng trọt hữu cơ và hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt 4,4 ngàn hécta, chiếm 2,13% diện tích sản xuất đất nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, diện tích trồng trọt hướng hữu cơ là hơn 3,2 ngàn hécta; diện tích trồng trọt hữu cơ là gần 1,2 ngàn hécta.

 

 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thăm quan gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của huyện Cẩm Mỹ năm 2024

Trong lĩnh vực chăn nuôi, quy mô đàn heo đạt hữu cơ và hướng hữu cơ là 10,2 ngàn con; đàn gia cầm là 507,5 ngàn con; đàn bò trên 1 ngàn con; đàn dê 1,7 ngàn con. Hình thành 1 vùng thủy sản nuôi quảng canh hữu cơ theo hình thức dưới tán rừng với diện tích nuôi khoảng 400 hécta. Ở mỗi vùng phát triển nông nghiệp hữu cơ tập trung, hình thành chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đối với từng ngành hàng. Giá trị sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cao gấp 1,5 – 2 lần so với sản phẩm nông nghiệp thông thường.

Cụ thể, tỉnh ưu tiên triển khai 8 vùng sản xuất hữu cơ tập trung gồm 7 vùng trồng trọt, 1 vùng nuôi trồng thủy sản. Các loại cây trồng được tập trung sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ là các cây chủ lực của tỉnh gồm: cây có múi, cây sầu riêng, xoài, chuối, điều, tiêu, các loại ra…

Mục đích của kế hoạch trên nhằm triển khai cụ thể hóa đầy đủ các nội dung nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp, các ngành. Qua đó, đảm bảo tính chủ động phối hợp triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp, chính sách, cơ chế gắn với kiểm tra, đánh giá theo định kỳ; phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ theo kế hoạch đề ra.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung trong kế hoạch đề ra.

Song Lê

 

Kon Tum: Nuôi hươu lấy nhung- hướng đi mới ở Văn Lem

 

Nguồn tin: Báo Kon Tum

So với nhiều vật nuôi khác, nuôi hươu sao tuy vốn đầu tư lớn, song hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, không phải quá lo lắng về đầu ra sản phẩm. Nhận thấy những điều này, một số hộ dân ở xã Văn Lem, huyện Đăk Tô (Kon Tum) đã lựa chọn mô hình này để phát triển kinh tế.

Sau thời gian tìm hiểu về nghề nuôi hươu sao lấy nhung, đầu năm 2021, anh Quách Văn Hà (sinh năm 1987) ở thôn Tê Rông, xã Văn Lem, quyết định vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội qua kênh Đoàn thanh niên xã để xây chuồng trại và mua 3 con hươu sao về nuôi.

Anh Hà chia sẻ: Tôi từng xem được 1 clip khởi nghiệp từ mô hình nuôi hươu sao lấy nhung. Qua đoạn clip đó, tôi tiếp tục tìm hiểu thì thấy mô hình này rất hay, đem lại hiệu quả kinh tế cao, lại rất phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. Tôi đã quyết định nuôi thử nghiệm. Qua thời gian nuôi, tôi thấy hươu sao là loài vật có sức đề kháng tốt, ăn tạp, dễ nuôi, nên tôi càng quyết tâm phát triển đến bây giờ.

 

 

Anh Quách Văn Hà đang chăm sóc đàn hươu của gia đình. Ảnh: Y.Đ

Theo anh Hà, nuôi hươu sao tuy phải đầu tư vốn lớn nhưng rất dễ nuôi, vì hươu có sức đề kháng cao, ít bị bệnh, nguồn thức ăn đa dạng có thể trồng cỏ hoặc tận dụng nguồn cây cỏ, trái cây có sẵn trong vườn. Tuy nhiên, vì hươu sao là động vật rừng được thuần hóa nên có tập tính hoang dã, cần xây dựng chuồng trại nơi khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát. Chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cho ăn uống đầy đủ thì hươu sẽ sinh trưởng, phát triển tốt.

Một con hươu đực nuôi từ 9-10 tháng tuổi sẽ bắt đầu cho ra nhung, sau khoảng 18 tháng tuổi bắt đầu khai thác; hươu cái sau 2 năm tuổi bắt đầu sinh sản. Hươu đực trưởng thành cho 0,7 - 1kg nhung mỗi năm và tuổi thọ trung bình của một con hươu là 20 năm.

Nhờ áp dụng tốt các kiến thức, kỹ thuật tìm hiểu được từ các tài liệu, sách báo và đúc kết kinh nghiệm từ thực tế, đàn hươu của gia đình anh Hà sinh trưởng tốt, đến nay đã có 7 con, với 3 con đực, 4 con cái sinh sản.

Hiện tại, đàn hươu của gia đình anh Hà có 2 con hươu đực đang khai thác nhung và khai thác được 2 năm, mỗi năm thu được 1,5kg nhung với giá bán 2 triệu đồng/100g nhung tươi, thu về 30 triệu đồng/năm. Gần đây, gia đình anh cũng mới bán được 2 con hươu giống, thu về được 48 triệu đồng.

“Do mô hình nuôi hươu sao rất mới và sản phẩm từ hươu sao luôn khan hiếm, nên tôi không phải tìm đầu ra cho sản phẩm. Người dân thường đến đặt trước 1-2 tháng trước thu hoạch nhung. Thậm chí là tôi không có đủ nhung hươu để cung cấp cho khách, phải hẹn đợt sau” – anh Hà chia sẻ.

Từ thành công mô hình nuôi hươu sao lấy nhung của gia đình anh Hà đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân địa phương. Ông Nguyễn Xuân Xênh – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Văn Lem chia sẻ: Chúng tôi có dịp đến tham quan mô hình nuôi hươu sao của gia đình cháu Hà. Thấy có nhiều triển vọng, nên chúng tôi đã lựa chọn mô hình này để triển khai mô hình điểm về thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động).

Theo đó, đầu năm 2024, Hội CCB xã đã thành lập Tổ hợp tác “Hội viên CCB DTTS nuôi hươu lấy nhung”, với 3 thành viên là hộ CCB người DTTS thuộc hộ nghèo và cận nghèo ở thôn Tê Pên. Mô hình được triển khai với kinh phí 80 triệu đồng do Hội CCB huyện hỗ trợ (từ nguồn vốn thực hiện Cuộc vận động), để xây dựng chuồng trại và mua 3 con hươu giống (1 con đực, 2 con cái).

Mô hình do ông Xênh trực tiếp theo dõi, quản lý và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Qua thời gian trực tiếp chăm sóc hươu sao, bà Y Riỗ - Tổ trưởng tổ hợp tác cho biết: Từ ngày hươu được đưa về cho tổ hợp tác chăm sóc, tôi được cán bộ hội hướng dẫn rất tận tình về kỹ thuật, cách cho ăn. Thức ăn cho hươu rất dễ kiếm, tôi tận dụng cây chuối, rau khoai, lá mít, cỏ voi có ở trong vườn. Tôi thấy nuôi hươu cũng rất dễ.

Ông Nguyễn Xuân Xênh chia sẻ, để việc chăn nuôi hươu được thuận lợi, ông cũng thường xuyên đến trao đổi, học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm từ anh Quách Văn Hà, rồi truyền đạt lại cho các thành viên trong tổ hợp tác.

“Với mục tiêu phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho các thành viên và các hộ CCB khó khăn trong trên địa bàn, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm theo dõi, hỗ trợ các thành viên của tổ hợp tác để chăm sóc tốt đàn hươu, từ đó gây đàn và mở rộng quy mô. Sau đó, có thể liên kết với gia đình cháu Hà để thương mại hóa sản phẩm” – ông Xênh cho biết.

Có thể nói, mô hình nuôi hươu sao lấy nhung là mô hình phù hợp, mở ra hướng đi mới để người dân xã Văn Lem chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, tăng thu nhập, góp phần tích cực vào nỗ lực giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Y Đô

 

Giá heo hơi liên tục tăng nhưng người nuôi ngại tăng đàn

 

Nguồn tin: Báo Long An

Từ đầu tháng 5/2024 đến nay, giá heo hơi liên tục tăng, hiện dao động từ 6,1-6,4 triệu đồng/tạ. Tuy vậy, số hộ nuôi tăng đàn không nhiều.

Người nuôi heo còn lo ngại

Với nhiều năm kinh nghiệm nuôi heo, bà Nguyễn Thị Lụa (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) chia sẻ: “Nhờ nuôi heo mà cuộc sống gia đình tôi khá hơn. Thời điểm nuôi heo thuận lợi, bình quân xuất bán ra thị trường hơn 70 con heo thịt/năm".

Theo bà Lụa, những tháng qua, tuy giá heo hơi tăng cao, có thời điểm lên đến hơn 70.000 đồng/kg nhưng do lo ngại dịch tả heo châu Phi (DTHCP) nên bà quyết định không tăng đàn.

 

 

Người nuôi heo không tăng đàn do lo ngại dịch bệnh và biến động thị trường

Theo kinh nghiệm của các hộ nuôi heo, cứ vào mùa mưa là DTHCP lại bùng phát. Nguyên nhân có thể là virút lây lan từ dòng nước chảy từ trại này sang trại khác, từ hộ chăn nuôi này sang hộ chăn nuôi khác.

Cùng với đó, cũng có thể do người nuôi hoặc người lạ vô tình dính nước mưa nhiễm virút từ nơi có bệnh, sau đó mang vào khu vực chăn nuôi.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, hiện nay, nhiều hộ nuôi heo thận trọng trước tình hình dịch bệnh và giá cả, không tăng đàn. Do đó, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại chỉ khoảng 80.528 con, giảm 20.832 con so cùng kỳ.

Tăng cường các giải pháp bảo vệ đàn heo

Lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh DTHCP xảy ra tại 39 hộ thuộc 24 xã của 7 huyện: Mộc Hóa, Tân Thạnh, Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Châu Thành, Thủ Thừa, Thạnh Hóa, tổng đàn phải tiêu hủy là 1.136 con, tổng trọng lượng tiêu hủy 62.920,9kg.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Huỳnh Thị Kim Phượng, để bảo vệ đàn heo, phòng, chống tốt các dịch bệnh, Chi cục phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn người nuôi vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; tổ chức tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh; kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y đối với cơ sở chăn nuôi, giết mổ;...

Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp theo dõi chặt chẽ diễn biến các loại dịch bệnh, đặc biệt là DTHCP và triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống khi có dịch bệnh xảy ra.

“Người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống DTHCP theo hướng dẫn của ngành chuyên môn; tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, heo chết; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, vứt xác heo chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường,...” - bà Huỳnh Thị Kim Phượng khuyến cáo./.

Bùi Tùng

 

Bạc Liêu: Hướng đến sự phát triển bền vững nghề nuôi chim yến

 

Nguồn tin: Báo Bạc Liêu

Nghề nuôi chim yến cho thu nhập lớn, nhưng không phải địa phương nào, vùng nào cũng có thể thực hiện được. Để phát triển bền vững nghề nuôi chim yến, cần có quy hoạch các vùng nuôi, kèm theo là những giải pháp đồng bộ và thống nhất trong quản lý.

 

 

Khu Địa ốc (Phường 1, TP. Bạc Liêu) là địa bàn có nhiều nhà nuôi yến.

NHIỀU TIỀM NĂNG

Với 56km bờ biển, hệ thống sông rạch chằng chịt, phong phú về thảm thực vật, Bạc Liêu được xem là địa phương có điều kiện thiên nhiên ưu đãi để phát triển nghề nuôi chim yến. Thực tế, nghề nuôi chim yến đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh trên 20 năm nay, với nhiều quy mô khác nhau, số lượng nhà nuôi chim yến tăng theo từng năm. Cụ thể, năm 2014, số nhà nuôi chim yến toàn tỉnh là 140 thì đến năm 2019 đã có 1.200 nhà nuôi chim yến, năm 2021: 1.226, năm 2022: 1.288, năm 2023: 1.558 nhà nuôi chim yến. Sản lượng tổ yến năm 2024 ước đạt 5.000kg, tăng 19% so với năm 2023.

Hoạt động nuôi chim yến phát triển chủ yếu do người dân tự phát (xây dựng theo cách cơi nới trên tầng lầu nhà ở hoặc tự chuyển công năng từ nhà ở thành nhà nuôi chim yến), đa số tại các khu đô thị, khu dân cư (chiếm trên 90%), kể cả nhà ở, nhà nuôi yến cùng tồn tại trong một căn nhà. Phương thức dẫn dụ chim yến thông qua việc sử dụng thiết bị âm thanh để thu hút chim yến đến trú ngụ và làm tổ trong nhà yến.

Để quản lý nghề nuôi chim yến ngày càng phát triển, HĐND tỉnh có Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐND về việc quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Theo đó, hằng năm, ngành chức năng thực hiện thống kê nắm hộ nuôi chim yến trên địa bàn; tuyên truyền nâng cao ý thức người nuôi chim yến trong việc tuân thủ các quy định về thời gian phát loa, vùng nuôi...; thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường.

Trên cơ sở đó, ngành chức năng đã kiểm tra 88 cơ sở nuôi chim yến nằm trong khu vực không được nuôi theo quy định. Kết quả có 39 cơ sở nuôi chim yến trong khu dân cư vi phạm về sử dụng loa phát âm thanh để dẫn dụ chim yến. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền 12 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu các chủ cơ sở nuôi chim yến cam kết không vi phạm về sử dụng loa phóng phát âm thanh vượt mức gây ồn trong khu dân cư.

LIÊN KẾT TIÊU THỤ

Hiện toàn tỉnh có trên 10 doanh nghiệp, công ty yến sào hợp tác, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm tổ yến cho các hộ nuôi chim yến trên địa bàn để chế biến và xuất khẩu với sản lượng 9.450kg tổ yến. Có 26 cơ sở, hộ kinh doanh tổ yến, nhưng chỉ có khoảng 10 cơ sở có sản lượng chế biến hơn 340kg và mua bán yến thô khoảng 600kg. Đến nay, có 2 doanh nghiệp được cấp chứng nhận HACCP; 6 công ty, cơ sở nuôi và chế biến yến sào có sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao. Trong đó, có 3 công ty, cơ sở nuôi và chế biến yến sào đã đưa sản phẩm tổ yến lên Sàn giao dịch thương mại điện tử Tiki, Vinacel, Mekong Expo, Lazada; một số doanh nghiệp, chủ cơ sở nuôi chim yến liên kết với doanh nghiệp lớn ngoài tỉnh để tham gia xuất khẩu.

Ông Tăng Quốc Khánh (cơ sở thu mua và chế biến yến sào Ninh Bình, Phường 2, TP. Bạc Liêu) cho biết: “Cơ sở đã liên kết thu mua yến thô của hơn 20 nhà yến, mỗi tháng khoảng 70kg, sản lượng hằng năm hơn 900kg. Hiện cơ sở yến sào Ninh Bình và một số cơ sở khác đang đề nghị ngành chức năng sớm hướng dẫn làm thủ tục cấp mã vùng nuôi để hướng đến xây dựng thương hiệu yến sào Bạc Liêu xuất khẩu. Hiện tại, cơ sở chỉ bán yến chế biến cho các doanh nghiệp khác để xuất khẩu”.

Để nghề nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, ngành chức năng đề ra một số giải pháp chủ yếu như: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức của người nuôi chim yến. Khuyến khích phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, thu gom, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó chú trọng phát huy vai trò của hợp tác xã, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả, thúc đẩy phát triển nghề nuôi chim yến theo hướng bền vững. Chấp hành đúng quy định về cường độ âm thanh và thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến. Tổ chức giới thiệu, quảng bá thương hiệu yến sào thông qua các hội chợ, hội thảo để phát triển nghề nuôi chim yến. Xác định mã định danh cho từng cơ sở, từng bước quản lý bằng công nghệ thông tin, liên kết theo chuỗi sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, phát triển đồng bộ nguồn lợi yến sào phục vụ xuất khẩu…

MINH ĐẠT

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop