Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 23 tháng 4 năm 2025

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 23 tháng 4 năm 2025

 

Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền; tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất; xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp, hiệu quả...Vĩnh Phúc đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, giúp tiết kiệm chi phí, giảm phát thải, tăng hiệu quả kinh tế.

Nông nghiệp tuần hoàn là quá trình sản xuất nông nghiệp khép kín, các chất thải và các phế phụ phẩm sẽ được tái tạo, trở thành nguyên liệu đầu vào của các quá trình sản xuất khác. Qua đó giúp tối ưu việc sử dụng tài nguyên, giảm lãng phí… hạn chế các tác động có ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là quá trình sản xuất dựa trên chu trình khép kín. Bằng việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học và công nghệ hóa lý, các chất thải, phế phụ phẩm sẽ được tái chế, trở thành nguyên liệu đầu vào cho quá trình mới nhằm mục đích tạo ra các sản phẩm an toàn, đạt chất lượng cao.

Quá trình này giúp giảm sự thất thoát, giảm phát thải ra môi trường và giúp người nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất, nuôi trồng, gia tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao nhận thức về tái sử dụng phế phụ phẩm và bảo vệ môi trường trong sản xuất.

Trong những năm qua, việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn luôn được tỉnh quan tâm thực hiện bằng nhiều chương trình hay những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả.

Mô hình cơ giới hóa và sản xuất lúa hữu cơ theo hướng tuần hoàn ở HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên cho chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế vượt trội.

Có thể kể đến như mô hình ứng dụng phân bón hữu cơ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sử dụng công nghệ vi sinh để xử lý gốc rạ ngay tại ruộng, giảm thời gian chuyển vụ, giảm lượng phân bón hóa học, tăng năng suất và chất lượng lúa, giảm ô nhiễm không khí do đốt rơm rạ. Qua thực tế triển khai đã giảm khoảng 20% lượng phân bón, năng suất lúa tăng từ 3-5 tạ/ha.

Mô hình giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học không chỉ bảo vệ môi trường mà còn gia tăng hiệu quả kinh tế rõ rệt, trong đó, nuôi bò hiệu quả kinh tế tăng trên 14%; nuôi gà, hiệu quả kinh tế tăng trên 13%; nuôi lợn, hiệu quả kinh tế tăng trên 9%...

Chương trình thu gom, vận chuyển, tiêu hủy vỏ bao bì đựng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng...

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ tập trung nghiên cứu, tham mưu đề xuất với tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phù hợp, hiệu quả để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về ý nghĩa, lợi ích và cách thức thực hiện kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn, phát triển công nghiệp tái chế, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.

Tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp tuần hoàn, nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm. Tập trung đầu tư nghiên cứu, phát triển và chuyển giao các công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, công nghệ thông tin, công nghệ xanh… phục vụ cho mô hình nông nghiệp tuần hoàn.

Tổ chức lại sản xuất, áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật theo chu trình khép kín, giảm sử dụng các vật tư đầu vào có nguồn gốc hóa học, tận dụng tối đa chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác.

Qua đó, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, nhất là giảm thiểu và đi đến triệt tiêu chất thải gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Làm tốt việc xúc tiến thương mại, quảng bá phát triển thị trường cho các sản phẩm nông lâm thủy sản sản xuất theo hướng tuần hoàn, sản xuất xanh dưới các hình thức hỗ trợ trực tiếp cho đầu tư và sản xuất, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ chi phí và thủ tục bảo hộ sở hữu trí tuệ, chi phí và thủ tục cấp chứng nhận...

Cùng với đó, tích cực đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao hiệu quả hoạt động hội nhập quốc tế trong sản xuất nông nghiệp; chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn...

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh

 

Tổ chức Seed to Table hỗ trợ Đồng Tháp nhiều hoạt động phát triển nông nghiệp hữu cơ

Ngày 23/4, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Tổ chức Seed to Table tổ chức “Sơ kết hoạt động phát triển cộng đồng bền vững thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, chế biến thực phẩm và quản lý kinh doanh tại tỉnh Đồng Tháp” với sự tham dự của ông Ono Masuo - Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh.

Bà Ino Mayu - Trưởng đại diện Tổ chức Seed to Table tại Việt Nam; ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp chủ trì hội nghị.

Bà Ino Mayu - Trưởng đại diện Tổ chức Seed to Table tại Việt Nam báo cáo kết quả thực hiện dự án tại hội nghị

Nhằm thúc đẩy phát triển cộng đồng một cách bền vững, Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ tại tỉnh Đồng Tháp do Tổ chức Seed to Table hỗ trợ thực hiện (đến giai đoạn 3) đã triển khai nhiều hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho người dân, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, phụ nữ và các nhóm yếu thế trong lĩnh vực sản xuất hữu cơ, chế biến thực phẩm và quản lý kinh doanh. Những chương trình này không chỉ cung cấp kiến thức, kỹ năng thực tiễn mà còn góp phần hình thành tư duy sản xuất, kinh doanh hiện đại, phù hợp xu thế thị trường và yêu cầu hội nhập.

Ông Ono Masuo - Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh (thứ 3 từ trái qua, hàng đầu) chụp ảnh lưu niệm với đại biểu dự hội nghị

Tại hội nghị, ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ những kết quả đạt được, những kinh nghiệm, hạn chế, khó khăn được chia sẻ tại hội nghị, các đơn vị tiếp tục phối hợp để thực hiện Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ tốt hơn trong thời gian tới. Trong năm 2025, dự án tiếp tục tổ chức lớp tập huấn (đào tạo giảng viên (TOT), tập huấn kỹ thuật nông nghiệp hữu cơ và hệ thống PGS, chế biến thực phẩm, quản lý kinh doanh cùng với các chuyên gia Nhật Bản); thực hiện phát triển các sản phẩm mới từ các nông sản chủ lực, tiềm năng của địa phương như: xoài, sen, nhãn,… và cải tiến chất lượng sản phẩm đã phát triển từ các năm trước; tham gia các hoạt động giao lưu, xúc tiến thương mại, khởi nghiệp với các hợp tác xã và các đơn vị đang nỗ lực phát triển các sản phẩm làm từ nông sản địa phương; tìm được đầu ra ổn định cho nông dân tham gia sản xuất rau hữu cơ;…

Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp tiếp tục phối hợp tốt với Tổ chức Seed to Table, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp và các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả các hoạt động của Dự án, nhằm thực hiện đạt mục tiêu nâng cao kiến thức và kỹ thuật của nông dân quy mô nhỏ, cán bộ ngành nông nghiệp, giáo viên, sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp và thanh niên khởi nghiệp về kỹ thuật nông nghiệp hữu cơ, chế biến nông sản, phát triển các sản phẩm đặc sản mới, cải thiện cách tiếp cận thị trường, góp phần cải thiện sinh kế hộ sản xuất nhỏ lẻ, giúp người dân địa phương bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

TN

 

Sản xuất gắn với chế biến - hướng đi hiệu quả phát triển nông nghiệp hàng hóa

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành các mô hình sản xuất gắn với chế biến sản phẩm nông nghiệp. Cách làm này tạo ra sự chủ động trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, người nông dân thực sự tự chủ trên chính cánh đồng, thửa ruộng của mình.

Hình thức sản xuất mới này xuất phát từ việc thay đổi tư duy, cách làm của người nông dân. Mô hình sản xuất trên vùng đất đồi rừng thuộc Hợp tác xã (HTX) Thanh Sơn (Thanh Nghị - Thanh Liêm) có diện tích 5 ha của chị Phạm Thị Mến được khai thác hiệu quả theo hướng sản xuất gắn với chế biến sản phẩm. Tại diện tích này chị Mến trồng nhiều loại cây thảo dược, như: Cúc chi, đu đủ (giống đu đủ đực lấy hoa), huyết dụ, lô hội… Cùng với sản xuất, chị đầu tư lò sấy lạnh hiện đại (sấy thăng hoa) để sấy khô các sản phẩm hoa cúc chi, hoa đu đủ đực, lá huyết dụ làm trà bảo đảm chất lượng, mẫu mã. Hoa đu đủ đực chị kết hợp với mật ong tạo ra sản phẩm hoa đu đủ đực ngâm mật ong. Được biết, những loại cây thảo dược được chị Mến trồng đều đạt chất lượng an toàn. Sản phẩm chế biến trong mô hình của chị đều được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), xếp hạng 3 sao gồm: Trà hoa cúc, trà hoa đu đủ đực, hoa đu đủ đực ngâm mật ong, trà lá huyết dụ).

Chị Phạm Thị Mến cho biết: Phát triển theo hướng sản xuất gắn với chế biến tạo sự chủ động và nâng cao giá trị sản phẩm. Các sản phẩm chế biến hiện nay chủ yếu bán qua trang thương mại điện tử, được khách hàng đón nhận. Tới đây gia đình tôi tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, chế biến các sản phẩm thảo dược.

Sản phẩm sữa chua sản xuất từ sữa bò tươi của Công ty cổ phần Mục Đồng, thị xã Duy Tiên.

Cũng như chị Mến, nhiều mô hình sản xuất được người dân áp dụng phương thức chế biến tạo ra sản phẩm tinh khi đến tay người tiêu dùng. Chẳng hạn như mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo của HTX dược thảo Minh Đức (xã Công Lý, Lý Nhân) chế biến ra nhiều sản phẩm, như: Trà, rượu, đông trùng hạ thảo sấy khô… Hay mô hình nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” của HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng, xã Thanh Sơn (thị xã Kim Bảng) đã chế biến cá nuôi theo tiêu chuẩn Viet GAP thành các sản phẩm: Ruốc cá, chả cá, cá kho… Đặc biệt, vùng nuôi bò sữa của thị xã Duy Tiên đã thành lập một số doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ sữa bò tươi nguyên chất, như: Sữa tươi thanh trùng, sữa chua uống, sữa chua nếp cẩm, sữa chua nha đam, sữa chua việt quất… Có hơn 10 sản phẩm chế biến từ sữa bò tươi của các đơn vị gắn sản xuất với chế biến đã được công nhận OCOP, xếp hạng 3 sao và 4 sao.

Công ty cổ phần sữa Mục Đồng có tiền thân là Trang trại chăn nuôi bò sữa Mục Đồng được phát triển theo hướng hữu cơ tại Khu chăn nuôi bò sữa tập trung, xã Trác Văn (thị xã Duy Tiên). Toàn bộ sản phẩm sữa tươi của đàn bò nuôi tại trang trại được chế biến thành các sản phẩm sữa đạt chất lượng (có đến 4 sản phẩm sữa đạt OCOP, xếp hạng 4 sao) cung cấp cho người tiêu dùng tại các thành phố lớn, nhất là thủ đô Hà Nội. Mấy năm gần đây, để mở rộng quy mô sản xuất công ty đầu tư thuê đất, xây dựng khu chăn nuôi bò sữa tại huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) có quy mô 100 con được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật Bản. Toàn bộ lượng sữa tươi khai thác từ đàn bò (mỗi ngày 1 tấn) đều được đưa về cơ sở chế biến tại phường Hòa Mạc (thị xã Duy Tiên). Theo chị Nguyễn Thị Thịnh, Giám đốc Công ty, việc phát triển sản xuất gắn với chế biến tạo ra hướng đi mới, nâng cao giá trị đối với sản phẩm nông nghiệp. Hướng đi này đặt ra yêu cầu, đơn vị cần áp dụng tốt khoa học – kỹ thuật, tạo ra sản phẩm từ nguyên liệu đến chế biến bảo đảm chất lượng. Từ đó, tạo sức cạnh tranh tốt trên thị trường với các sản phẩm cùng loại để có được niềm tin và lựa chọn của người tiêu dùng.

Hiệu quả của sản xuất gắn với chế biến đã cho thấy rõ hiệu quả. Các sản phẩm đều được nâng cao về giá trị và lợi nhuận. Cụ thể, sản phẩm hoa cúc chi khi được chế biến trở thành trà hoa cúc, mật ong ngâm hoa đu đủ đực... giá trị tăng lên gấp 3 – 4 lần bán thô cho các cơ sở chế biến khác. Hoa sen bách diệp khi được đưa vào ướp trà đã nâng giá trị sản phẩm lên gấp nhiều lần (tính theo giá trị của trà ướp sen so với trà mộc). Sữa bò tươi, nếu nuôi bình thường và nhập sữa cho các nhà máy chế biến giá bán chỉ ở mức từ 12 – 15 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, khi sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ, qua chế biến nâng giá trị lên 75 nghìn đồng/kg, gấp 5 lần. Đặc biệt, sản phẩm nông nghiệp theo hướng từ sản xuất đến chế biến giúp tạo ra thương hiệu nông sản đặc trưng của tỉnh.

Ông Trương Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường đánh giá: Nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn đổi mới tư duy, cách làm trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình về nông nghiệp đã thực hiện khá tốt việc sản xuất gắn với chế biến sản phẩm. Ngành đang tiếp tục hỗ trợ về khoa học – kỹ thuật và xúc tiến thương mại để có thêm nhiều mô hình, hướng đến mở rộng ra nhiều lĩnh vực sản xuất đối với cả chăn nuôi, trồng trọt và thủy sản…

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang phát triển theo hướng nâng cao giá trị. Hiệu quả từ các mô hình sản xuất gắn với chế biến là động lực để người nông dân tìm hiểu, áp dụng, tiến tới mở rộng sản xuất. Qua đó, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của mỗi loại hình sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Mạnh Hùng

 

Pleiku tập huấn thu thập thông tin Phiếu bảng kê hộ phục vụ Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025

Chiều 22-4, tại Hội trường Chi cục Thống kê tỉnh Gia Lai, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp TP. Pleiku tổ chức hội nghị tập huấn thu thập thông tin Phiếu bảng kê hộ phục vụ Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025.

Tham dự hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp TP. Pleiku; tổ thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo; giám sát viên cấp tỉnh, cấp thành phố; công chức phụ trách công tác điều tra tại cơ sở cùng 60 điều tra viên trực tiếp thu thập thông tin tại các phường: Hoa Lư, Tây Sơn, Đống Đa, Trà Bá, Thắng Lợi và Thống Nhất.

Các đại biểu tham dự buổi tập huấn. Ảnh: Bá Bính

Tại hội nghị, các đại biểu được hướng dẫn quy trình thu thập thông tin Phiếu bảng kê hộ, cách sử dụng phần mềm CAPI và các biểu mẫu liên quan theo đúng hướng dẫn của Cục Thống kê.

Đây là bước chuẩn bị quan trọng nhằm đảm bảo cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025 trên địa bàn TP. Pleiku được triển khai đồng bộ, đúng tiến độ, bảo đảm thu thập đầy đủ, chính xác thông tin phục vụ công tác thống kê và hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội.

BÁ BÍNH

 

Phân bón Bình Điền - Kiến tạo nền nông nghiệp bền vững

Được vinh danh là một trong 50 doanh nghiệp - đơn vị tiêu biểu của TP.HCM nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025), Công ty CP Phân bón Bình Điền một lần nữa khẳng định vị thế tiên phong trong ngành phân bón Việt Nam, với chiến lược phát triển gắn liền cùng trách nhiệm với người nông dân và nền nông nghiệp bền vững.

Trên hành trình hơn 50 năm hình thành và phát triển, Phân bón Bình Điền đã xây dựng một thương hiệu bền vững, gắn liền với sản phẩm phân bón Đầu Trâu, cái tên quen thuộc với hàng triệu nông dân.

Định vị không chỉ bằng chất lượng ổn định, sản phẩm phù hợp với từng loại đất, từng vùng canh tác, Bình Điền còn thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc nhu cầu thực tiễn của người nông dân Việt Nam. Từ sản xuất đến nghiên cứu, doanh nghiệp liên tục đầu tư công nghệ, cải tiến công thức, nâng cao hiệu quả sử dụng và giá trị nông sản.

Ông Ngô Văn Đông - Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền nhận danh hiệu Doanh nghiệp tiêu biểu TP.HCM

Với khẩu hiệu “Bạn của nhà nông”, Bình Điền khẳng định thương hiệu quốc gia không chỉ bằng thị phần mà bằng uy tín trong lòng người tiêu dùng. Doanh nghiệp hiện cung cấp hàng chục dòng sản phẩm phù hợp nhiều cây trồng, vùng sinh thái, và là một trong số ít doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp được trao giải Thương hiệu Quốc gia Việt Nam nhiều năm liền.

Bình Điền không chỉ là một nhà sản xuất phân bón đơn thuần mà còn là đối tác chiến lược của người nông dân. Doanh nghiệp tiên phong trong các chương trình chuyển giao kỹ thuật, đào tạo canh tác bền vững và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn - đặc biệt tại khu vực ĐBSCL, nơi đang chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu. Bình Điền là một trong những đơn vị tham gia tích cực vào đề án "1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Ngoài ra, công ty còn nổi bật với các hoạt động xã hội: trao học bổng cho con em nông dân, tài trợ xây dựng trường học, nhà tình thương, và duy trì nhiều hoạt động truyền hình như “Đồng hành cùng nhà nông” nhằm lan tỏa tri thức canh tác, nâng cao nhận thức cộng đồng.

Công ty CP Phân bón Bình Điền được thành lập năm 1973, tiền thân là Nhà máy Supe Phốt phát Long An. Doanh nghiệp hiện có trụ sở chính tại huyện Bình Chánh, TP.HCM, cùng hệ thống nhà máy hiện đại tại nhiều tỉnh thành.

Thương hiệu Đầu Trâu của Bình Điền đã trở thành biểu tượng chất lượng trong ngành phân bón, được xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực. Công ty đạt danh hiệu Thương hiệu Quốc gia, Top 50 Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam, và nhiều giải thưởng của TP.HCM và Chính phủ. Tổng Giám đốc hiện nay là ông Ngô Văn Đông, người giữ vai trò quan trọng trong chiến lược đổi mới sáng tạo, gắn kết sản xuất với trách nhiệm cộng đồng và phát triển nông nghiệp bền vững.

DNSG

 

Hà Nội: Mô hình nông nghiệp xanh đem lại giá trị kinh tế cao

Với mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh, thời gian qua, Hà Nội đã nỗ lực nhân rộng nhiều mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, vừa bảo đảm nguồn cung nông sản an toàn, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đem lại giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho nông dân.

Hà Nội tập trung phát triển nông nghiệp xanh

Thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Nội phối hợp với các địa phương tích cực đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện nhiều mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ. Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng thành công nhiều mô hình khuyến nông, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho nông dân. Cụ thể, Trung tâm đã hỗ trợ thực hiện 20 mô hình khuyến nông, trong đó có 12 mô hình trong lĩnh vực trồng trọt, 4 mô hình chăn nuôi, 4 mô hình thủy sản; 2 dự án khuyến nông...

Các mô hình được chia thành 10 nhóm, tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm, như: Phát triển sản xuất rau, hoa, quả theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao, cấp giấy chứng nhận; phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; triển khai cơ giới hóa; nuôi thủy sản lồng bè...

Điểm nổi bật trong triển khai mô hình nông nghiệp xanh phải kể đến mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm quy mô 100ha. Hiệu quả kinh tế mô hình đem lại tăng khoảng 10%-20% so với phương pháp thông thường. Sản phẩm gạo đảm bảo an toàn, năng suất cao, được doanh nghiệp bao tiêu, giúp nông dân tăng thu nhập và ổn định đầu ra.

Về chăn nuôi, Trung tâm hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất chăn nuôi gia cầm gắn với tiêu thụ sản phẩm. Điển hình là mô hình chăn nuôi gà lông màu thương phẩm theo hướng VietGAP; mô hình chăn nuôi bò sinh sản năm 2023 - 2024; chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh, giảm tác động xấu đến môi trường... Trong nuôi trồng thủy sản, Trung tâm tập trung hỗ trợ nông dân nuôi theo hướng VietGAP.

Thành công từ các mô hình hợp tác, huyện Mê Linh duy trì, phát triển các vùng trồng trọt chuyên canh ổn định, quy mô từ 20ha/vùng trở lên, như sản xuất lúa chất lượng cao tại xã: Liên Mạc; cây ăn quả ở các xã: Chu Phan, Hoàng Kim...

Năm 2025, nhằm giúp người dân chủ động sản xuất, tăng tính kết nối, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, kinh doanh, Trung tâm phối hợp với các đơn vị tập huấn cho các cộng tác viên khuyến nông, nông dân, người sản xuất được tiếp cận, nắm bắt tiến bộ khoa học, nâng cao trình độ trong quản lý, sản xuất.

Để phát triển mô hình nông nghiệp xanh, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục rà soát, tổng hợp kết quả chương trình khuyến nông giai đoạn 2020-2025, nghiên cứu, tham mưu xây dựng dự thảo Chương trình khuyến nông giai đoạn 2026 - 2030 phù hợp định hướng phát triển nông nghiệp Thủ đô.

Trang Nguyễn

 

Bộ Nông nghiệp và Môi trường đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện mục tiêu không gây mất rừng

Trước yêu cầu cấp thiết về bảo vệ rừng và phát triển nông nghiệp bền vững, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cam kết đồng hành cùng địa phương, doanh nghiệp thực hiện mục tiêu phát triển không gây mất rừng, nhất là trong bối cảnh quy định mới của Liên minh châu Âu (EU) về chống mất rừng (EUDR) đã chính thức có hiệu lực.

 

Ba ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gồm: cà phê, cao su, gỗ hiện đang chịu tác động trực tiếp từ quy định mới của Liên minh châu Âu về chống mất rừng.

Dự án “Nông nghiệp bền vững vì hệ sinh thái rừng - Hợp phần tại Việt Nam” sẽ được triển khai tại hai tỉnh Sơn La và Gia Lai trong giai đoạn 2025-2028.

Dự án cũng chú trọng lồng ghép giới, hỗ trợ nhóm yếu thế và thúc đẩy sự tham gia bình đẳng trong chuỗi cung ứng.

ANH MINH-NGUYỄN THÚY

 

Giải pháp kép cho nông nghiệp bền vững và dinh dưỡng lành mạnh

Đậu nành được xem như một 'giải pháp kép' vừa chăm lo 'sức khỏe cho đất' vừa cung cấp nguồn dinh dưỡng cho con người.

Đậu nành được mệnh danh là "hạt vàng của thế kỷ 21" nhờ vai trò then chốt trong tái tạo tài nguyên đất và cung cấp nguồn dinh dưỡng chất lượng cao.

Giải pháp xanh ngay trong lòng đất

Điều đặc biệt của cây đậu nành không nằm ở những gì nhìn thấy trên mặt đất, mà ở chính bộ rễ - nơi diễn ra một cơ chế sinh học kỳ diệu. Nhờ cộng sinh với vi khuẩn Rhizobium japonicum tại các nốt sần, đậu nành có khả năng "tự sản xuất" lượng đạm tự nhiên đáng kể. Các nốt sần này hoạt động như là một “nhà máy sản xuất đạm tự nhiên” âm thầm dưới lòng đất, giúp cây hấp thụ nitơ từ không khí để chuyển hóa thành nitơ ở dạng dễ tiêu trong đất một cách tự nhiên.

Theo các nghiên cứu, một hecta đậu nành có thể cố định từ 94 - 168 kg nitơ/vụ (tương đương 200 - 400 kg urê), đáp ứng tới 74% nhu cầu đạm của cây trồng. Không chỉ vậy, nhờ giảm lượng phân bón hóa học cần sử dụng, canh tác đậu nành còn góp phần hạn chế phát thải khí nhà kính N₂O - loại khí có khả năng làm nóng toàn cầu mạnh gấp 300 lần CO₂.

Canh tác đậu nành giúp đất được “nghỉ ngơi” sau mỗi vụ mùa thu hoạch.

Đồng thời, sau thu hoạch, phần rễ thân lá của cây đậu nành tiếp tục phân hủy, bổ sung 40-200 kg hữu cơ, góp phần cải thiện sức khỏe đất, tăng khả năng giữ ẩm và kích thích sự phát triển của hệ vi sinh vật có lợi. Nhờ vậy, đất được “nghỉ ngơi” và phục hồi một cách tự nhiên sau mỗi vụ đậu nành, sẵn sàng cho các mùa vụ tiếp theo với năng suất cao hơn.

Đặc biệt, việc giảm phụ thuộc vào phân bón hóa học giúp nông dân tiết kiệm chi phí, khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai - nhất là tại các vùng canh tác đang chịu tác động của biến đổi khí hậu. Đậu nành còn góp phần cải tạo đất, từ đó nâng cao năng suất cho các cây trồng khác như lúa, ngô… trong mô hình canh tác luân canh bền vững.

Đạm thực vật lành mạnh cho sức khỏe

Cây đậu nành không chỉ là “nhà máy sản xuất đạm tự nhiên” cho đất, mà còn là “nhà máy sản xuất đạm tự nhiên” cho con người. Hạt đậu nành được xem là một trong số ít các loại hạt có thể cung cấp đầy đủ 9 loại axit amin thiết yếu mà cơ thể không thể tự tổng hợp. Với hàm lượng đạm dao động từ 36-40%, đậu nành vượt trội hơn hẳn so với hầu hết các loại ngũ cốc và hạt thực vật khác.

Trung bình, mỗi hecta đậu nành tại Tây Nguyên có thể thu hoạch hơn 3 tấn, tương đương với khoảng 1.200 kg đạm chất lượng cao - một con số ấn tượng nếu so sánh với các nguồn đạm khác.

Đậu nành – “Hạt vàng của thế kỷ 21”.

Tiến sĩ Mark Messina, Giám đốc Nghiên cứu Dinh dưỡng đậu nành của Viện Dinh dưỡng Đậu nành Toàn cầu (Hoa Kỳ), nhận định: “Đậu nành có hàm lượng đạm cao hơn, chất lượng hơn các loại đậu khác.” Đặc biệt, đạm từ đậu nành có giá trị sinh học cao, dễ tiêu hóa và hấp thu, phù hợp với mọi đối tượng, từ trẻ em đến người cao tuổi - là lựa chọn lý tưởng trong chế độ dinh dưỡng hiện đại và bền vững.

Vinasoy đồng hành cùng giá trị "kép" của cây đậu nành

Tại Việt Nam, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam - Vinasoy không chỉ là đơn vị dẫn đầu ngành hàng sữa đậu nành, mà còn là doanh nghiệp tiên phong trong việc nghiên cứu, chọn tạo và phát triển giống đậu nành phù hợp với điều kiện đất đai và khí hậu trong nước.

Thông qua Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành (VSAC), Vinasoy xây dựng và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ nông dân tại Miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng, từ cung cấp giống đậu nành chất lượng, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, đến bao tiêu sản phẩm ổn định.

“Mỗi hạt đậu nành là một hạt giống xanh - không chỉ tốt cho sức khỏe con người, mà còn nuôi dưỡng đất đai và bảo vệ môi trường. Đó là nền tảng cho chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững mà Vinasoy theo đuổi” - TS. Lê Hoàng Duy, Giám đốc Trung tâm VSAC - Vinasoy chia sẻ.

“Cánh đồng đạm tự nhiên” tại Cư Jut, Tây Nguyên được Vinasoy lựa chọn phát triển vùng nguyên liệu trọng điểm.

Với định hướng phát triển bền vững, Vinasoy đã chủ động khôi phục và mở rộng vùng trồng đậu nành trong nước nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng, từ đó phát triển đa dạng các dòng sản phẩm sữa đậu nành thơm ngon, bổ dưỡng. Trong bối cảnh nông nghiệp Việt Nam đang dần chuyển mình theo hướng tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải khí nhà kính, cây đậu nành ngày càng thể hiện vai trò phù hợp trong mô hình canh tác luân canh bền vững.

Trên hành trình ấy, Vinasoy mong muốn tiếp tục là người bạn đồng hành tin cậy của bà con nông dân và người tiêu dùng - cùng nhau vun đắp một tương lai xanh, bắt đầu từ những thay đổi nhỏ và thiết thực mỗi ngày.

Hà An

 

'Đầu tàu' làm giàu ở Dầu Tiếng

Thời gian qua, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, đã triển khai nhiều chương trình và chính sách thiết thực nhằm giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt, huyện chú trọng triển khai các mô hình kinh tế tập thể như HTX chăn nuôi gia cầm, heo, bò, dê, nuôi ong, trồng cây ăn trái... làm 'đầu tàu' giúp người dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Và một hướng đi mới được huyện xác định cần triển khai quyết liệt là xây dựng nền nông nghiệp xanh.

Thực hiện định hướng này, huyện Dầu Tiếng đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Thành công ban đầu từ những mô hình “điểm” đã mang lại sức lan tỏa cao, tác động đến tư duy của người nông dân, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, từ đó mang lại thu nhập cao hơn trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Theo thống kê, đến nay, toàn huyện Dầu Tiếng có khoảng 900ha sản xuất nông nghiệp trang bị hệ thống tưới tiết kiệm, nhà lưới, nhà màng hiện đại, kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp. Việc ứng dụng công nghệ cao không chỉ giúp tăng năng suất, từ đó nâng cao đời sống nông dân, mà còn bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng thương hiệu nông sản sạch của địa phương.

Việc thực hiện chuyển đổi một phần diện tích cây cao su sang trồng cây ăn quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, với doanh thu bình quân từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm.

Những năm gần đây, ngoài cây cao su, huyện Dầu Tiếng đã đa dạng hóa cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đáng chú ý, việc thực hiện chuyển đổi một phần diện tích cây cao su sang trồng cây ăn quả đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, với doanh thu bình quân từ 1,3 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Các loại cây ăn quả như măng cụt, sầu riêng, cam, quýt, bưởi đã trở thành những cây trồng chủ lực của Dầu Tiếng.

Như mô hình trồng sầu riêng của anh Tô Văn Quốc, ở ấp Chợ, xã Thanh Tuyền là một điển hình trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Anh Quốc cũng là hộ tiên phong trồng cây sầu riêng lai ghép trên địa bàn xã. Anh bắt đầu trồng sầu riêng từ năm 2017. Nhờ kiên trì học hỏi kinh nghiệm và áp dụng đúng kỹ thuật bón phân, tưới nước, thụ phấn, tỉa cành tạo tán, phòng chống sâu hại nên vườn sầu riêng của anh phát triển tươi tốt, sản phẩm đạt chất lượng cao. Trung bình mỗi vụ, vườn sầu riêng nhà anh cho thu hoạch 22 tấn, sau khi trừ các khoản chi phí có lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/năm.

HTX Nông nghiệp - Dịch vụ - Thương mại Minh Hòa Phát (xã Minh Hòa) chuyên trồng bưởi da xanh, quýt đường và sầu riêng, là một trong những “lá cờ đầu” trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Sau vài năm đi vào hoạt động (thành lập năm 2017), HTX đã vươn mình trở thành một trong những HTX sản xuất cây ăn trái hàng đầu địa phương, với diện tích lên đến 150ha, lợi nhuận hàng năm khoảng 20 tỷ đồng.

HTX Minh Hòa Phát đã xây dựng phương án sản xuất trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP để tạo ra sản phẩm sạch, có thương hiệu và đáp ứng yêu cầu của thị trường. Sản phẩm của HTX có nguồn gốc, xuất xứ, có thương hiệu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Với khoảng 2.000 tấn/vụ, HTX trực tiếp đưa sản phẩm ra thị trường và phân phối đến các siêu thị, các chợ đầu mối… Doanh thu trung bình hàng năm của HTX đạt 60 tỷ đồng. Năm 2022, cả 3 sản phẩm của HTX là bưởi da xanh, cam và quýt đường đều được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Từ đó góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm, tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng lợi nhuận cho các thành viên của HTX.

Hiện nay, HTX đang thực hiện trồng cây có múi và một số loại cây ăn trái khác như sầu riêng, mít với công nghệ tưới nước, bón phân tự động. Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nên HTX đã giảm được chi phí lao động, bình quân cứ 2ha chỉ cần 1 lao động. Hiện, HTX có 70 lao động tại chỗ, mức lương trung bình từ 7 - 10 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây cao su sang cây có múi và tiết giảm chi phí lao động, thu nhập bình quân của HTX đạt từ 450-500 triệu đồng/ha/năm.

Với kinh nghiệm sản xuất trong nông nghiệp tích lũy được, ban lãnh đạo và các thành viên trong HTX xây dựng, điều hành, trao đổi kinh nghiệm và giúp đỡ nhau làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Nhân rộng mô hình HTX hiệu quả

Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho biết, địa phương đang khuyến khích, vận động nông dân phát triển các loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng ở địa phương. Trong thời gian tới, địa phương tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, mô hình liên kết giữa nông dân với HTX, với doanh nghiệp.

Nhiều HTX, tổ hợp tác trên địa bàn huyện Dầu Tiếng hoạt động hiệu quả, có hướng đi mới, phát triển ổn định.

Trên địa bàn huyện Dầu Tiếng hiện có 23 HTX, 90 tổ hợp tác, trong đó có nhiều HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, có hướng đi mới, phát triển ổn định.

HTX Ong mật Thảo Trinh (ấp Hòa Cường, xã Minh Hòa) là một điển hình, không chỉ nuôi ong lấy mật mà còn sản xuất sản phẩm mật ong đóng chai, xuất khẩu.

Giám đốc Phạm Thị Thảo chia sẻ, để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, HTX đã cải tiến cách nuôi và tạo ra sản phẩm mật ong hộp bánh tổ.

Hiện nay, HTX có hơn 600 thùng kế nuôi ong, sản lượng thu hoạch mỗi vụ hơn 20.000 hộp mật ong bánh tổ; sản phẩm được xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Ngoài xuất khẩu mật ong sang Hàn Quốc, HTX đã tạo nhiều kênh bán hàng thương mại điện tử, online, bán hàng trên Facebook.

Bên cạnh đó, HTX cũng cung cấp các loại thức ăn chăn nuôi ong mật. Mỗi năm, doanh thu của HTX đạt khoảng 45 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hàng tỷ đồng. HTX còn đang giải quyết việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương, thu nhập bình quân mỗi tháng 9 triệu đồng/người.

Đến nay, HTX đã đầu tư máy móc, thiết bị về lọc mật ong, hạ thủy phần... bảo đảm đạt tiêu chuẩn đóng chai theo quy định để tiêu thụ trên thị trường.

Đảm bảo an sinh xã hội

Theo thống kê từ UBND huyện Dầu Tiếng, trong quý I/2025, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đạt 806,595 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2024. Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, sinh thái; khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo hướng chuỗi, truy xuất được nguồn gốc nông sản; cùng với đó hỗ trợ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng thực hiện các dự án nông nghiệp công nghệ cao...

Để góp phần cùng với tỉnh hoàn thành mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm nay, huyện Dầu Tiếng tiếp tục thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và 3 chương trình đột phá của Huyện ủy: Phát triển đô thị; Phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn; Phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025.

Huyện Dầu Tiếng cũng đang phối hợp lập bản đồ nông hóa - thổ nhưỡng phục vụ sản xuất nông nghiệp; khẩn trương hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu huyện nông thôn mới nâng cao; tích cực triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)...

Hiện, huyện Dầu Tiếng đang tập trung phát triển 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Long Hòa với diện tích khoảng 1.105ha và tại xã Minh Tân với diện tích khoảng 1.103ha; đồng thời tăng cường phát triển vùng chuyên canh cây ăn trái có múi khu vực sông Sài Gòn, sông Thị Tính và các hồ, kênh, suối trên địa bàn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, qua đó tăng thu nhập cho người nông dân trong huyện. Huyện cũng định hướng phát triển vùng chăn nuôi tập trung ở xã Minh Thạnh với quy mô khoảng 860ha...

Trong công tác giảm nghèo, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo tối thiểu 0,3% mỗi năm, hướng tới mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo dưới 1% vào cuối năm 2025. Mục tiêu của huyện là 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng về quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo. Những nỗ lực này thể hiện cam kết mạnh mẽ của huyện Dầu Tiếng trong việc cải thiện đời sống người dân và xây dựng một cộng đồng phát triển bền vững.

Minh Đức

 

Cầu Kè: Chủ động ứng phó với triều cường, hạn, mặn xâm nhập bảo vệ sản xuất nông nghiệp

Trong những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với cơn mưa đầu mùa đã làm cho một số đoạn đê bao ven Sông Hậu trên địa bàn các xã: Ninh Thới, Hòa Tân và An Phú Tân. Một số tuyến đê bao bị sạt lở, nước tràn ngập cục bộ, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân và cơ sở hạ tầng giao thông, công trình đê điều trên địa bàn.

Nạo vét kênh thủy lợi nội đồng trữ ngọt.

Đặc biệt là vào khoảng 18 giờ tối ngày 01/4, do ảnh hưởng của đợt triều cường đầu tháng 3 âm lịch dâng cao đã làm sạt lở cụt bộ và vỡ 10 đoạn, với chiều dài 130m trên tuyến đê bao Thâm Đưng đoạn đi qua địa bàn ấp Hội An và An Bình, xã Hòa Tân đã gây ngập úng cục bộ hơn 10ha diện tích vườn cây ăn trái, hoa màu, chuồng trại chăn nuôi nhà ở và khoảng 2.120 con cá các loại của 20 hộ dân trên địa bàn xung quanh.

Được biết tuyến đê bao Thâm Đưng có chiều dài trên 4.100m, bảo vệ hơn 100ha diện tích vườn cây ăn trái của 300 hộ dân trên địa bàn 02 ấp Hội An và An Bình, xã Hòa Tân. Ngay sau khi xảy ra sự cố, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Cầu Kè cùng với lãnh đạo các ngành có liên quan và lãnh đạo chính quyền địa phương đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo huy động lực lượng khắc phục kịp thời các đoạn đê bao bị vỡ ngay trong đêm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, bảo vệ tài sản của nhân dân trong khu vực

Qua kiểm tra, khảo sát của các ngành chuyên môn, hiện nay trên tuyến đê bao ven Sông Hậu qua địa bàn 03 xã Ninh Thới, Hòa Tân và An Phú Tân, có 04 đoạn có nguy cơ sạt lở rất nguy hiểm, với chiều dài 185m, có khả năng đe dọa đến toàn hệ thống đê bao trên tuyến đê bao ven Sông Hậu cần được nhanh chống khắc phục gia cố.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong khoảng từ tháng 02 đến cuối tháng 4/2025. Thời kỳ cao điểm xâm nhập mặn, có khả năng xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, nhất là tại khu vực ven biển, xâm nhập mặn sâu vào các cửa sông có thể ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.

Trước tình hình trên và để chủ động ứng phó với tình hình triều cường, mưa lũ dâng cao, hạn, mặn xâm nhập thích ứng với biến đổi khí hậu phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân, huyện Cầu Kè đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong như: tập trung triển khai Quyết định số 3054/QĐ-UBND, ngày 30/12/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021- 2025; Quyết định số 1259/QĐ-UBND, ngày 01/6/2021 của Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện Cầu Kè (giai đoạn 2021 - 2025).

Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn lập danh mục công trình trọng tâm, trọng điểm đưa vào kế hoạch nạo vét để đáp ứng yêu cầu sản xuất: tập trung nạo vét 43 kênh thủy lợi nội đồng trên địa bàn 09 xã (Hòa Tân, Ninh Thới, An Phú Tân, Tam Ngãi, Phong Phú, Thông Hòa, Châu Điền, Hòa Ân, Phong Thạnh), có tổng chiều dài 31.127m, ước khối lượng đào đắp 87.873m3; gia cố, khắc phục các đoạn sạt lở trên tuyến ven Sông Hậu thuộc địa bàn xã Ninh Thới, An Phú Tân, Hòa Tân, với chiều dài 150m; hỗ trợ thay mới 70 nắp cống, bọng; sửa chữa, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn các xã Châu Điền, Phong Thạnh, uớc tổng mức đầu tư trên 8,5 tỷ đồng, qua đó sẽ góp phần đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, ngăn mặn, trữ ngọt và ứng phó triều cường phục vụ cho 4.450ha diện tích sản xuất nông nghiệp, trong đó có 3.100 ha đất trồng lúa và 1.450ha vườn cây ăn trái của 4.686 hộ dân trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, huyện Cầu Kè đã đề xuất Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh triển khai thi công 05 công trình cống ngăn mặn ở cù lao Tân Qui, xã An Phú Tân, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 53 tỷ đồng. Các công trình trên đang triển khai thực hiện sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý II/2025 sẽ góp phần ngăn mặn, triều cường bảo vệ gần 700ha vườn cây ăn trái của nông dân ở địa phương.

Chỉ đạo Xí nghiệp Thủy nông huyện thực hiện quy trình, lịch trình vận hành đóng mở các cống đầu mối theo tình hình diễn biến thực tế của triều cường và độ mặn phục vụ tốt công tác ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn huyện; xây dựng lịch xuống giống đồng loạt hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, khô hạn và đảm bảo nước sản xuất; thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết, khí tượng, thủy văn, kiểm tra hệ thống thủy lợi, củng cố, nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng, đê bao, bờ bao, công tác chuẩn bị ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, tích trữ nước ngọt phục vụ sản xuất; xây dựng kế hoạch và thông báo rộng rãi cho người dân lịch vận hành các cống đầu mối, các trạm bơm trên địa bàn phục vụ sản xuất.

Bài, ảnh: NGUYỄN HỪNG

 

Xây dựng ít nhất 1 chuỗi liên kết cho ngành hàng chủ lực theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch Xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư tỉnh Đồng Tháp năm 2025 với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với tái cơ cấu kinh tế, hướng đến chuyển biến thực chất, rõ nét mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Đồng thời giúp các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân của tỉnh tổ chức, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư...

Huyện Châu Thành giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của địa phương tại Ngày hội “Hội quán Đất Sen hồng” lần thứ I

Trên tinh thần đó, kế hoạch đề ra mục tiêu phấn đấu năm 2025 xây dựng ít nhất 1 chuỗi liên kết cho ngành hàng chủ lực theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh. Đóng góp cho mục tiêu giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 2,4 tỷ USD (nếu không tính hàng hóa tạm nhập tái xuất, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 2,2 tỷ USD). Kêu gọi 1 - 2 doanh nghiệp đến tìm hiểu đầu tư trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải, sử dụng có hiệu quả các phế - phụ phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Phấn đấu có ít nhất 12 sản phẩm của tỉnh được hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường và tiêu thụ tại các quốc gia thuộc khu vực Châu Âu, Mỹ, Châu Á... Hỗ trợ ít nhất 25% sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được kết nối với các hệ thống phân phối, tiêu thụ trong và ngoài nước. Phấn đấu 100% sản phẩm OCOP của tỉnh được kinh doanh trên môi trường trực tuyến và có ít nhất 7 doanh nghiệp mới tham gia sàn thương mại điện tử uy tín trong và ngoài nước.

Đồng thời tiếp tục hỗ trợ một số sản phẩm OCOP của tỉnh (ưu tiên các sản phẩm OCOP 4 sao, tiềm năng 5 sao OCOP); sản phẩm làng nghề, làng nghề truyền thống ham gia Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP. Thực hiện 1 phiên thảo luận có liên quan trong khuôn khổ Diễn đàn kết nối các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Mặt khác, phối hợp tổ chức các chương trình xúc tiến du lịch, sản phẩm du lịch nông nghiệp, sản phẩm OCOP gắn với các sự kiện văn hóa, lễ hội, thể dục thể thao, hội nghị, hội chợ, hội thảo... đặc biệt là các hoạt động gắn với Lễ hội, sự kiện lớn trong tỉnh. Phấn đấu du lịch Đồng Tháp đón được 5 triệu lượt khách, trong đó có 60.000 khách quốc tế. Tổng thu du lịch đạt 2.416 tỷ đồng.

Phấn đấu có 25 doanh nghiệp đến tìm hiểu môi trường, chính sách đầu tư tỉnh Đồng Tháp (trong đó, có 2 nhà đầu tư FDI); tổ chức 1 cuộc gặp gỡ, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành ngoài tỉnh.

Để đạt được các chỉ tiêu trên, kế hoạch đề ra một số nội dung thực hiện. Theo đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại các ngành hàng chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh thông qua việc tham gia các hội chợ triển lãm, chương trình liên kết, xúc tiến thương mại với các tỉnh, thành phố trong cả nước, trên nền tảng số để mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất quảng bá nhãn hiệu, thương hiệu, sản phẩm và xây dựng các điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm, bán hàng, kho trung chuyển hàng hóa ở ngoài tỉnh; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các thị trường trọng điểm nhằm lan tỏa thương hiệu du lịch “Đồng Tháp - Thuần khiết như hồn Sen”; tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm du lịch Đồng Tháp trên các nền tảng số; tăng cường quảng bá, giới thiệu ẩm thực “Sen Đồng Tháp”. Phối hợp với các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh xây dựng các tour du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch địa phương, đặc biệt là các sản phẩm mới, sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn.

Chủ động tìm kiếm, tiếp xúc các nhà đầu tư tiềm năng để thu hút đầu tư, doanh nghiệp đến tìm hiểu và xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Tham gia các sự kiện quốc gia, quốc tế trong nước và nước ngoài về xúc tiến đầu tư, gắn liền với xúc tiến du lịch và thương mại để tiếp xúc trực tiếp nhà đầu tư và quảng bá trực quan về hình ảnh, môi trường kinh doanh, đầu tư của tỉnh, trong đó chú trọng lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Y Du

 

Tiếp sức để nông dân bám đất, bám làng

Đề xuất tiếp tục kéo dài chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) được dư luận đồng tình ủng hộ. Chính sách này kỳ vọng tiếp tục là nguồn tài chính hỗ trợ trực tiếp cho nông dân và ngành nông nghiệp tiến gần hơn với nền nông nghiệp hiện đại.

Hỗ trợ tài chính trực tiếp cho nông dân

Tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền Thủ tướng trình Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế SDĐNN. Trước đó, chính sách miễn thuế SDĐNN đã được Nhà nước duy trì trong suốt 20 năm qua và sẽ hết hạn vào cuối năm 2025. Ở lần trình này, Chính phủ đề nghị kéo dài thực hiện chính sách này tới năm 2030, tức thêm 5 năm. Chính phủ cho rằng, việc miễn tiếp thuế SDĐNN thêm 5 năm giúp tạo việc làm cho khu vực nông thôn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế. Cùng với đó, chính sách này khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất quy mô lớn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa.

Thực tế, hiệu quả của chính sách đã được chứng minh trong 20 năm qua. Theo số liệu tổng kết của Bộ Tài chính cho thấy, trong 20 năm thực hiện chính sách miễn, giảm thuế SDĐNN, tổng số thuế SDĐNN miễn, giảm giai đoạn 2001 - 2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011 - 2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2021 - 2023 trung bình khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

Việc miễn tiếp thuế sử dụng đất nông nghiệp thêm 5 năm giúp người nông dân an tâm sản xuất. Ảnh: Hải Linh

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, nguồn thuế SDĐNN được miễn chính là nguồn đầu tư tài chính trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Qua đó giúp tạo công ăn việc làm cho người nông dân, cải thiện cuộc sống, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững. Chính sách này đã góp phần khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa. Từ đó, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nông dân, tạo việc làm cho khu vực nông thôn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Từ những kết quả đã đạt được, Bộ Tài chính cho rằng, việc tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN trong thời gian tới như quy định hiện hành là cần thiết, để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của đa số các chuyên gia, người dân. Bà Nguyễn Thị Hằng – một nông dân sống tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức cho biết, gia đình bà chủ yếu sống bằng làm ruộng, do đó cuộc sống còn rất nhiều khó khăn. Nếu tiếp tục được miễn thuế SDĐNN, sẽ giúp người dân bớt đi một phần khó khăn, có động lực để bám đất, bám làng.

Chia sẻ về sự cần thiết tiếp tục miễn thuế SDĐNN, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được cho rằng, thu nhập của người nông dân Việt Nam hiện nay đại đa số đều rất thấp. Chưa kể thiên tai, dịch bệnh, người dân có thể mất trắng cả vốn lẫn lời. Do đó, để giảm bớt khó khăn cho người dân, tạo động lực để DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phát triển thì cần tiếp tục miễn thuế SDĐNN. Ông Nguyễn Văn Được phân tích, tiền thuế SDĐNN cấu thành nên chi phí trong sản xuất nông, lâm nghiệp… Vì vậy, nếu miễn tiền thuế SDĐNN, có nghĩa là chi phí sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp được giảm đi. Từ đó sẽ hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích lũy nguồn tài chính cho khối sản xuất nông, lâm nghiệp. Điểm then chốt trong chính sách này không phải ở quy mô số tiền miễn thuế lớn hay nhỏ, mà nó thể hiện ở số lượng đối tượng được hưởng lợi rất đông, người dân được hưởng lợi một cách trực tiếp, không giống như các chính sách thuế gián thu khác như thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập, khẩu...” - ông Nguyễn Văn Được nêu ý kiến.

Thêm nguồn lực tái phục vụ sản xuất

Ở Việt Nam hiện nay, sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ hiện đại, tuy nhiên vẫn còn manh mún, áp dụng theo tập quán canh tác truyền thống, chưa được ứng dụng công nghệ theo chiều sâu, từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến đến khâu tiêu thụ. Vì vậy, mức thu nhập của người dân rất thấp, sản xuất phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao, chính sách miễn thuế là một trong những biện pháp hữu hiệu để hỗ trợ người dân, giúp họ giảm đi gánh nặng về tài chính đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Từ đó cải thiện thu nhập, có thêm nguồn lực tái phục vụ sản xuất. Đây cũng được xem là giải pháp quan trọng khuyến khích DN đầu tư vào ngành nông nghiệp, hướng tới một nền sản xuất hiện đại, quy mô lớn.

Thực tế trong giai đoạn vừa qua, ngày càng có nhiều DN, tập đoàn lớn chú trọng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Ngoài việc đầu tư quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động tại các vùng kinh tế có điều kiện khó khăn, các DN, tập đoàn kinh tế đã tăng cường áp dụng khoa học công nghệ và nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp còn khá khiêm tốn. Thống kê của Bộ NN&MT cho thấy, cả nước có trên 50.000 DN đầu tư vào nông nghiệp. Số DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 5,5% tổng số DN trên cả nước, trong đó có khoảng 96% là DN nhỏ và siêu nhỏ. So với tiềm năng và tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế, số lượng DN như hiện nay còn khá ít, quy mô của các DN nông nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Do đó, để góp phần đạt mục tiêu về số lượng DN hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đến năm 2030 và tăng tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 3%/năm, việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn thuế SDĐNN đối với các tổ chức trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp là một trong những giải pháp hỗ trợ hiệu quả.

Với hiệu quả mà chính sách miễn thuế SDĐNN mang lại trong suốt 20 năm qua, việc tiếp tục gia hạn chính sách này là cần thiết. Tuy nhiên, để chính sách phát huy hiệu quả, Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội cho rằng, việc miễn thuế SDĐNN một cách đại trà không tạo ra động lực cho việc sử dụng đất hiệu quả, tích tụ đất cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Do đó, đề nghị Chính phủ cân nhắc việc không miễn thuế SDĐNN đối với các trường hợp đất để hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích phục vụ cho nông nghiệp. Đồng thời, thực hiện đánh giá định kỳ về hiệu quả của chính sách miễn thuế SDĐNN từ các góc độ về tác động đến kinh tế nông nghiệp, đời sống nông dân và hiệu quả sử dụng đất.

Việc tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết năm 2030 sẽ không làm giảm thu, do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Với đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế SDĐNN như quy định hiện hành đến hết ngày 31/12/2030 thì số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Phương Nga

 

Xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm đất đai sau sắp xếp đơn vị hành chính

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các quận, huyện kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp chuyển đổi mục đích, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, ao hồ trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính.

Ngày 22/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ban hành Công điện về tăng cường công tác quản lý, xử lý tình trạng lấn chiếm đất đai, ao hồ, đồng ruộng trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính.

Công điện nêu rõ, thời gian qua, Hà Nội đã và đang tích cực triển khai sắp xếp đơn vị hành chính các cấp theo đúng tinh thần Kết luận số 126, 127, 128 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các nghị quyết liên quan. Tuy nhiên, theo phản ánh của dư luận và qua kiểm tra thực tế, nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng người dân, tổ chức lợi dụng thời điểm sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính để lấn chiếm đất đai, ao hồ, đồng ruộng, tự ý xây dựng công trình trái phép.

Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu lực quản lý Nhà nước, mà còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tranh chấp, khiếu kiện phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và gây bức xúc trong dư luận.

Hà Nội sẽ xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp, ao hồ. Ảnh: Trung Nguyên

Trước thực trạng trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm toàn diện trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, tạo điều kiện cho vi phạm phát sinh. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định, xử lý triệt để ngay từ đầu các trường hợp vi phạm.

Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao phối hợp UBND các quận, huyện rà soát, thống kê hiện trạng sử dụng đất, nhất là tại các khu vực đất công ích, đất nông nghiệp, ao hồ, đất chưa sử dụng có nguy cơ bị lấn chiếm; kiểm tra chuyên đề, xử lý nghiêm các trường hợp chuyển đổi mục đích, xây dựng trái phép và đề xuất phương án quản lý, khai thác hiệu quả, ngăn ngừa vi phạm tái diễn.

Đối với Sở Xây dựng, UBND TP Hà Nội yêu cầu chỉ đạo lực lượng Thanh tra xây dựng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý các trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất công hoặc đất bị lấn chiếm, đặc biệt tại các địa bàn mới sáp nhập.

Công an thành phố được giao nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng kiểm tra, cưỡng chế, xử lý vi phạm, bảo đảm an toàn, đúng quy định pháp luật; đồng thời chủ động đấu tranh với các hành vi tiếp tay, tổ chức chiếm dụng trái phép đất đai.

Trước đó, giữa tháng 4/2025, Báo Tin tức và Dân tộc phản ánh tình trạng người dân xã Tả Thanh Oai và xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) chở bùn, đất thải từ các dự án trên địa bàn thành phố về địa phương để san lấp ruộng, xây nhà xưởng kiên cố, kho bãi, sân chơi thể thao...

Theo UBND huyện Thanh Trì, người dân tranh thủ thông tin hợp nhất các xã để xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Một bộ phận cán bộ thời điểm này có tư tưởng buông xuôi. UBND huyện Thanh Trì đã liên tục có văn bản chấn chỉnh, đốc thúc các đơn vị liên quan thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ trong việc quản lý đất nông nghiệp và trật tự xây dựng.

Quang Phong-Trung Nguyên/Báo Tin tức và Dân tộc

 

Khởi động Dự án Nông nghiệp bền vững vì hệ sinh thái rừng

Ngày 22/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức họp khởi động Dự án Nông nghiệp bền vững vì hệ sinh thái rừng-hợp phần tại Việt Nam (SAFE), trong giai đoạn 2025-2028.

Khởi động Dự án Nông nghiệp bền vững vì hệ sinh thái rừng-hợp phần tại Việt Nam (SAFE), trong giai đoạn 2025-2028.

Hội thảo khởi động triển khai dự án là diễn đàn kết nối các bên liên quan trong chuỗi giá trị cà-phê để cùng chia sẻ tầm nhìn, định hướng hành động và xác lập cơ chế phối hợp trong giai đoạn tiếp theo. Dự án SAFE tại Việt Nam chính thức được triển khai tại hai tỉnh trọng điểm là Sơn La và Gia Lai.

Phát biểu tại sự kiện, ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), nhấn mạnh, Dự án SAFE tại Việt Nam hướng tới thúc đẩy quá trình chuyển đổi toàn diện chuỗi cung ứng cà-phê theo hướng hợp pháp, bền vững và không phá rừng. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của cà-phê Việt Nam trên thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Hiện nay, nhằm giải quyết tình trạng mất rừng và suy thoái rừng do chuỗi cung ứng sản xuất gây ra, EU đã ban hành Quy định chống mất rừng (EUDR), 3 ngành hàng xuất khẩu chủ lực chịu ảnh hưởng của quy định EUDR gồm cao-su, cà-phê và gỗ.

Dự án sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân thích ứng nhanh chóng, duy trì sản xuất ổn định và mở rộng thị phần tại thị trường châu Âu, thúc đẩy sản xuất bền vững, tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Qua đó thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp bền vững.

Cà-phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, lập kỷ lục về kim ngạch, với 5,6 tỷ USD năm 2024, trong đó EU là một trong những thị trường tiêu thụ cà-phê lớn nhất của Việt Nam.

Theo ông Phạm Ngọc Mậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cam kết sẽ đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức vượt qua thách thức EUDR, thực hiện mục tiêu phát triển không gây mất rừng trong kỷ nguyên xanh hóa thương mại toàn cầu.

Theo bà Kristina Buende, Trưởng ban Hợp tác của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, dự án SAFE tại Việt Nam nhằm hỗ trợ nông dân chuyển đổi theo hướng sản xuất bền vững, góp phần thể hiện trách nhiệm đối với khí hậu, đa dạng sinh học, cũng như bảo vệ quyền lợi và sinh kế của cộng đồng phụ thuộc vào rừng.

Đồng thời, dự án chú trọng lồng ghép giới và hỗ trợ các nhóm yếu thế trong tuân thủ các yêu cầu của EUDR, nhằm bảo đảm quá trình chuyển đổi công bằng, thúc đẩy sự tham gia bình đẳng và sinh kế bền vững trong chuỗi cung ứng cà-phê tại Việt Nam.

Dự án SAFE tại Việt Nam dự kiến sẽ hướng dẫn đào tạo kỹ thuật cho 8.000 nông hộ trồng cà-phê về sản xuất cà-phê bền vững, thích ứng biến đối khí hậu, bảo vệ rừng và quản lý truy xuất nguồn gốc. Phối hợp với Nhóm công tác chung EUDR cấp trung ương và địa phương để hỗ trợ triển khai kế hoạch hành động EUDR, thông qua các diễn đàn đối thoại và chia sẻ thông tin.

Ngoài ra, 3 tài liệu hướng dẫn tuân thủ EUDR (lồng ghép các yếu tố về giới và xã hội) được xây dựng và phổ biến cho các bên liên quan; 6 mô hình hợp tác công-tư hướng đến tuân thủ EUDR và kết nối thị trường xuất khẩu được hỗ trợ xây dựng và triển khai thực hiện; cập nhật nội dung liên quan đến tuân thủ EUDR trong tài liệu tập huấn cho giảng viên nguồn (ToT) và Tập huấn cho nông dân (ToF). Cán bộ kỹ thuật thuộc khối công-tư được nâng cao năng lực về sản xuất cà-phê bền vững kết hợp bảo vệ rừng và tuân thủ EUDR.

THANH TRÀ

 

Tam Đường: Linh hoạt trong công tác giảm nghèo

Nhờ tận dụng tốt chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Tam Đường đã linh hoạt lồng ghép các dự án, chương trình giảm nghèo đầu tư có hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp, giúp người dân từng bước thoát nghèo. Qua đó, tạo diện mạo mới cho các vùng nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân từng bước nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5%/năm.

Anh Nguyễn Văn Long ở bản Tiên Bình (thị trấn Tam Đường, huyện Tam Đường) phát triển chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa.

Anh Nguyễn Văn Long ở bản Tiên Bình (thị trấn Tam Đường) vươn lên từ phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp. Sau khi lập gia đình, năm 2018, anh được bố mẹ chia cho 5ha đất đồi cằn cỗi. Từ đôi bàn tay trắng, anh quyết định đầu tư chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình bền vững. Sau khi đi tham quan các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa, anh nhận thấy chăn nuôi trâu sinh sản là hướng đi mới nên mạnh dạn vay vốn đầu tư. Năm 2020, anh được tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng đầu tư xây dựng 2 khu chuồng trại, với tổng diện tích hơn 300m2 để chăn nuôi gia súc. Ngoài ra, anh còn cải tạo đất, trồng cây ăn quả, gồm: bưởi da xanh, cam, chanh, mít thái. Hiện, anh mua thêm đất, mở rộng lên 10ha cây ăn quả các loại bắt đầu cho thu hoạch. Mô hình kinh tế nông nghiệp của gia đình anh cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

 

Cây chè trên đất Tam Đường đang là cây trồng chủ lực đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân giảm nghèo bền vững. Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết số 01 về “Phát triển và thâm canh cây chè chất lượng cao, giai đoạn 2015-2020 và chăm sóc, phát triển ổn định vùng chè giai đoạn 2020-2025”. Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách hỗ trợ, giá trị kinh tế trong việc phát triển và thâm canh cây chè. Nhân dân đồng thuận, tích cực hưởng ứng việc mở rộng diện tích trồng chè tập trung tại các xã như: Bản Bo, Bản Giang, Bản Hon, Nà Tăm, Sơn Bình, Bình Lư, Thèn Sin… Toàn huyện có trên 2.332ha chè, với tổng sản lượng đạt trên 17.000 tấn mỗi năm. Từ trồng chè, bà con nâng cao thu nhập, gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa, ngô; nhiều gia đình thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm. Huyện đã xây dựng và được cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu “chè Tam Đường”, giá trị sản xuất chè đạt trên 120 tỷ đồng/năm, giá trị xuất khẩu đạt trên 60 tỷ đồng/năm.

Nông dân huyện Tam Đường thu hái chè búp.

Gia đình anh Lò Văn Sòi ở bản Nà Hiềng (xã Nà Tăm) trước đây thuộc diện hộ nghèo, năm 2017, anh mạnh dạn chuyển đổi diện tích nương, ruộng sang trồng, chăm sóc 1ha cây chè chất lượng cao kim tuyên. Từ đó, gia đình anh được huyện hỗ trợ giống, phân bón và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chè. Nhờ trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật, diện tích chè của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt, thu gần 1,5 tấn chè búp/lứa. 3 năm gần đây, gia đình anh vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Huyện Tam Đường đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chuyên canh 600ha lúa, trên 700ha cây mắc-ca; gần 400ha cây ăn quả ôn đới; 300ha dong riềng. Huyện thu hút 9 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã, 3 làng nghề thực hiện liên kết đầu tư trong nông nghiệp và xây dựng, phát huy hiệu quả nhãn hiệu sản phẩm “chè Tam Đường”, nhãn hiệu “miến dong Bình Lư”; duy trì phát triển 39 sản phẩm OCOP. Đến nay, thu nhập bình quân trên địa bàn huyện đạt 46 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 12,4%.

 Những kết quả này đã góp phần giúp huyện Tam Đường thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra, nhất là chỉ tiêu giảm nghèo bền vững. Qua đó, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân xây dựng quê hương Tam Đường ngày càng giàu đẹp.

Thu Minh 

 

Khởi nghiệp thành công với mô hình trồng dưa lưới Ichiba

Bước vào khu nhà lưới trồng dưa Ichiba của gia đình anh Nguyễn Văn Bách, sinh năm 1991, xóm Trại Mới, xã Phú Lạc (Đại Từ), chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi sự rộng lớn, quy củ. Xuất thân từ một gia đình nông dân, ngay từ nhỏ, anh Bách đã có niềm đam mê trong phát triển nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên, anh quyết định trở về quê hương, khởi nghiệp bằng mô hình trồng dưa lưới Ichiba.

Dưa lưới được anh Nguyễn Văn Bách mua hạt về gieo uơm tại vườn nhà.

Ban đầu, gia đình anh Bách thử nghiệm với một số mô hình nông nghiệp truyền thống, như trồng táo, chanh, chuối… nhưng không hiệu quả. Nhận thấy tầm quan trọng của việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, anh đã tìm hiểu và quyết định chọn mô hình trồng dưa lưới Ichiba.

Mô hình trồng dưa lưới Ichiba được anh Bách triển khai từ năm 2021, trên diện tích hơn 2.000m2. Anh cho biết: Đây là giống dưa có nguồn gốc từ Nhật Bản, nổi bật với vị ngọt, thanh mát và có độ tươi ngon cao, vượt trội so với nhiều loại dưa thông thường.

Một trong những đặc điểm quan trọng của dưa lưới Ichiba là thịt dưa rất mềm và mịn, không có hạt hoặc chỉ một ít hạt nhỏ ở trung tâm. Đặc tính này làm cho dưa Ichiba rất được ưa chuộng trong các bữa ăn nhẹ hoặc là món tráng miệng bổ dưỡng. Nếu được bảo quản đúng cách, dưa Ichiba có thể giữ được chất lượng từ 7-10 ngày.

Một trong những yếu tố quyết định giúp mô hình của anh Bách thành công là việc áp dụng kỹ thuật trồng dưa theo phương pháp nhà lưới. Phương pháp này giúp kiểm soát được các yếu tố như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, sâu bệnh và dinh dưỡng, từ đó giúp cây phát triển tốt và cho năng suất cao.

Anh Bách trồng dưa lưới Ichiba theo quy trình công nghệ cao, từ việc chọn giống, chăm sóc cây cho đến thu hoạch. Mỗi năm, anh trồng 2 vụ, mỗi vụ kéo dài khoảng hơn 3 tháng; sản lượng trung bình đạt khoảng 15 tấn, doanh thu hơn 600 triệu đồng/năm. Con số này có thể cao hơn nếu tính thêm các chi phí tiết kiệm trong quá trình sản xuất nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến. Điều này cho thấy mô hình trồng dưa lưới Ichiba không chỉ đem lại hiệu quả cao về mặt sản lượng mà còn giúp anh tăng trưởng doanh thu bền vững.

Thời điểm dưa vào vụ thu hoạch hoặc những công đoạn cần người chăm sóc, anh Nguyễn Văn Bách phải thuê thêm 5-6 lao động thời vụ.

Có thể khẳng định, thành công của anh Nguyễn Văn Bách không phải là sự may mắn mà là kết quả của quá trình lao động chăm chỉ, sáng tạo và dám thử thách bản thân.

Anh Bách cho biết: Tôi chọn giống dưa Ichiba nổi tiếng của Nhật Bản nhằm tạo ra sản phẩm khác biệt và có giá trị cao trên thị trường. Để cây trồng đạt hiệu quả cao, tôi đã học hỏi và áp dụng các phương pháp chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng của dưa một cách chặt chẽ.

Dù bước đầu mô hình đã cho kết quả tích cực, song anh Bách vẫn có chút lo lắng. Một trong những khó khăn lớn nhất anh gặp phải là duy trì chất lượng sản phẩm trong điều kiện thời tiết không ổn định. Có vụ, anh đã phải vứt bỏ số lượng lớn dưa do quả nhỏ, không đảm bảo về độ ngọt... Việc quản lý và kiểm soát môi trường trong nhà lưới đòi hỏi anh phải luôn cập nhật kiến thức và kỹ thuật mới để đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn.

Ngoài ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm cũng là một yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, với chất lượng sản phẩm vượt trội và thương hiệu dưa lưới Ichiba đã được người tiêu dùng công nhận, hiện nay, anh Bách vẫn ổn định đầu ra cho sản phẩm, đến vụ thu hoạch, thương lái đến tận vườn thu mua.

Anh Nguyễn Văn Bách là một tấm gương sáng về khởi nghiệp thành công từ nông nghiệp ở Phú Lạc. Mô hình của anh là minh chứng rõ ràng cho thấy việc kết hợp giữa kiến thức kinh tế và khoa học công nghệ có thể giúp nâng cao giá trị ngành Nông nghiệp, mở ra cơ hội mới cho những người trẻ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

Hải Đăng

 

Nghĩa Lộ 'chắp cánh' cho nông - đặc sản

Nhờ khai thác hiệu quả tiềm năng từ các sản phẩm đặc sản mang đậm dấu ấn của vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ (Yên Bái), lĩnh vực nông nghiệp của thị xã Nghĩa Lộ đã và đang phát triển theo hướng hàng hóa và thị trường. Qua đó, kiến tạo hướng đi bền vững cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Đoàn Thế Yêm, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ chăm sóc vườn cam của gia đình.

Trong bức tranh phát triển nông nghiệp đặc sản của thị xã Nghĩa Lộ, xã Nghĩa Lộ nổi lên như một điểm sáng. Với 65% hộ dân trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, xã đã chủ động quy hoạch lại sản xuất theo hướng hàng hóa, đặc biệt chú trọng vào các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và cây chè.

Bà Vũ Thị Thanh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộ, chia sẻ: "Để thay đổi thói quen canh tác truyền thống, nhỏ lẻ, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, quy hoạch lại sản xuất theo hướng hàng hóa, tập trung phát triển các loại cây ăn quả có thế mạnh như: cam, bưởi, nhãn, xoài, mận, thanh long và cây chè. Chúng tôi cũng khuyến khích người dân trồng mới, chuyển hóa các loại cây ăn quả theo hướng an toàn để tăng năng suất và tạo đầu ra ổn định”.

Hiện thực hóa mục tiêu này, xã đã thành lập 33 tổ hợp tác sản xuất nông sản sạch, an toàn với sự tham gia của 165 thành viên, tạo thành sức mạnh tập thể trong sản xuất và tiêu thụ. Nhờ đó, mỗi năm xã cung ứng ra thị trường trên 600 tấn hoa quả tươi, mang về doanh thu ấn tượng trên 12 tỷ đồng. Đáng chú ý, nhiều hộ gia đình đã có thu nhập từ 500 đến 800 triệu đồng mỗi năm nhờ trồng cây ăn quả, cho thấy hiệu quả kinh tế rõ rệt từ hướng đi này.

Bà Thanh cho biết thêm: "Chúng tôi cũng tập trung các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đồng thời thành lập các tổ liên kết để quảng bá và phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, giúp tăng nguồn thu ổn định cho người dân.”

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực trồng trọt, thị xã Nghĩa Lộ còn chú trọng đến lĩnh vực chế biến nông sản. Tại xã Nghĩa An, các sản phẩm như thịt trâu sấy và lợn sấy được chế biến theo phương pháp thủ công truyền thống, mang hương vị đặc trưng của vùng đất này, đã trở thành món đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Hiện tại, toàn xã có 5 hộ sản xuất các mặt hàng này với tổng sản lượng cung ứng ra thị trường hơn 10 tấn mỗi năm, góp phần tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Với những nỗ lực không ngừng, Nghĩa Lộ đã đạt được những kết quả nổi bật trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 10/10 xã của thị xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 27 thôn đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Song song với đó, Nghĩa Lộ còn có 24 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP với 21 sản phẩm đạt 3 sao và 3 sản phẩm đạt 4 sao, khẳng định chất lượng và thương hiệu nông sản địa phương. Nhờ những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế nông nghiệp, năm 2024, Nghĩa Lộ đã giảm 734 hộ nghèo, tương đương giảm 3,96% và giảm 189 hộ cận nghèo, vượt chỉ tiêu đề ra.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất, thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, bao gồm hỗ trợ kỹ thuật canh tác, khuyến khích ứng dụng công nghệ vào sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, đồng thời tăng cường liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua việc xây dựng chuỗi giá trị và ký kết hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp, siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Theo ông Vũ Đức Trung - Phó Chủ tịch UBND thị xã, chính quyền thị xã đã có nhiều chính sách hỗ trợ như liên kết tiêu thụ sản phẩm, xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã giúp người dân sản xuất theo chuỗi giá trị, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, siêu thị trong tỉnh và các địa phương lân cận... Ngoài ra, thị xã còn tích cực tổ chức các hội chợ, tham gia chương trình OCOP và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, kết nối với các kênh phân phối lớn. Đáng chú ý, vừa qua, Sở Công Thương Yên Bái đã tổ chức chương trình Ngày mua sắm trực tuyến và trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại Nghĩa Lộ, tạo cơ hội quảng bá rộng rãi các sản phẩm đặc sản của địa phương.

Hướng đến tương lai phát triển bền vững, Nghĩa Lộ đang xây dựng mô hình kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch trải nghiệm. Du khách khi đến với Nghĩa Lộ sẽ có cơ hội không chỉ thưởng thức các đặc sản mà còn được trực tiếp tham quan các trang trại, vườn cây ăn quả và trải nghiệm quy trình sản xuất nông sản. Ông Vũ Đức Trung cho biết thêm: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, thân thiện với môi trường, khai thác tối đa tiềm năng du lịch gắn liền với nông sản đặc sản, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm nông sản, đặc sản của Nghĩa Lộ vươn xa hơn nữa”.

Có thể thấy, với sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp và tinh thần nỗ lực của người dân, ngành nông nghiệp Nghĩa Lộ đang trên đà phát triển mạnh mẽ và vững chắc. Việc tập trung phát triển các sản phẩm nông sản đặc sản không chỉ mang lại những lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân mà còn góp phần nâng cao giá trị thương hiệu của địa phương, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong những năm tiếp theo.

Thị xã Nghĩa Lộ hiện có 24 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP với 21 sản phẩm đạt 3 sao và 3 sản phẩm đạt 4 sao, khẳng định chất lượng và thương hiệu nông sản địa phương. Thời gian tới, thị xã tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, thân thiện với môi trường; khai thác tối đa tiềm năng du lịch gắn liền với nông sản đặc sản.

Hùng Cường

 

Khoa học công nghệ mở đường cho nông sản Bắc Trung Bộ bứt phá

Trong bối cảnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp phải gắn với yêu cầu phát triển bền vững, nhiều địa phương khu vực Bắc Trung Bộ, đặc biệt là tỉnh Thanh Hóa, đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Đây được xem là hướng đi chiến lược, góp phần gia tăng giá trị nông sản và cải thiện thu nhập cho người dân.

Từ lâu, KH&CN thường bị xem là lĩnh vực xa rời thực tiễn sản xuất. Thế nhưng, tại Thanh Hóa, tư duy này đang dần thay đổi. Các nhiệm vụ KH&CN ngày càng bám sát nhu cầu thực tế của nông dân, được đặt hàng theo định hướng thị trường và triển khai bởi mạng lưới hợp tác chặt chẽ giữa trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và chính quyền.

Tiêu biểu là mô hình nuôi cá trắm đen, cá bống, cá chép V1 trong lồng theo chuỗi giá trị tại các hồ chứa thủy lợi. Dưới sự dẫn dắt của Trường Đại học Hồng Đức, mô hình này đã tận dụng hiệu quả diện tích mặt nước bỏ hoang, xây dựng quy trình nuôi trồng khép kín, đồng thời ứng dụng đồng bộ công nghệ trong kiểm soát dịch bệnh và chất lượng nước. Kết quả là sản lượng cá tăng vượt trội, tỷ lệ sống cao, thu nhập của người nuôi được cải thiện đáng kể.

Giống cá trắm đen thực hiện dự án được chọn từ cơ sở ươm giống có uy tín. Ảnh: D V

Các hộ tham gia vận chuyển giống cá trắm đen từ trên xe xuống khu vực ao nuôi

Một hướng đi khác là tận dụng phụ phẩm nông nghiệp. Thay vì đốt bỏ bã mía / nguồn thải khổng lồ sau mỗi vụ thu hoạch, đề tài nghiên cứu của địa phương đã biến phụ phẩm này thành nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi và phân hữu cơ sinh học. Nhờ đó, chi phí sản xuất giảm tới 15%, chất lượng đất cải thiện rõ rệt và ô nhiễm môi trường được kiểm soát tốt hơn. Mô hình đang được mở rộng tại các vùng trồng mía trọng điểm như Thạch Thành, Lang Chánh, Ngọc Lặc.

Từ năm 2018 đến nay, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã triển khai hàng chục quy trình kỹ thuật, tập trung vào chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, bảo quản sau thu hoạch và cơ giới hóa. Đến nay, tỉnh đã triển khai tới 83 đề tài nghiên cứu, đào tạo gắn với thực hành sản xuất tại địa phương.

Tất cả các kết quả trên khẳng định khi các đề tài KH&CN được “cắm rễ” tại đồng ruộng, gắn liền với điều kiện thổ nhưỡng và trình độ canh tác bản địa, chúng sẽ nhanh chóng tạo ra giá trị. Đặc biệt, sự tham gia chủ động của doanh nghiệp và người dân là thông qua các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác đã biến những kết quả nghiên cứu thành sản phẩm hàng hóa có sức cạnh tranh.

Một ví dụ sinh động là mô hình trồng ổi lê Quý Hương tại thị trấn Hà Long (huyện Hà Trung). Trên vùng đất từng trồng lúa, mía, dứa không hiệu quả, người dân đã chuyển đổi sang trồng giống ổi mới phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng. Kỹ thuật chăm sóc, bao quả, tỉa cành… đều được áp dụng nghiêm túc. Nhờ đó, sản lượng và chất lượng tăng rõ rệt, giá bán tại vườn đạt 10 - 20 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập 40 - 50 triệu đồng/năm cho nhiều hộ dân.

Ổi lê được trồng theo hướng VietGAP tại xã Hà Long

Tháng 11/2021, Hợp tác xã Dịch vụ thương mại Quý Hương được thành lập, phát triển từ tổ hợp tác trồng ổi VietGAP. Chỉ một năm sau, ổi lê Quý Hương đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao - một bước tiến lớn về thương hiệu nông sản địa phương.

Ổi lê là cây dễ trồng, cho hiệu quả kinh tế cao

Tuy nhiên, để KH&CN thực sự trở thành động lực trung tâm, vẫn còn không ít “nút thắt” cần tháo gỡ. Số lượng sản phẩm KH&CN được ứng dụng rộng rãi còn khiêm tốn; nhiều nghiên cứu chưa đi đến thương mại hóa do quy trình chưa phù hợp thực tiễn. Cơ giới hóa, chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch vẫn còn lạc hậu, phụ thuộc thiết bị nhập khẩu. Đặc biệt, mô hình liên kết "4 nhà" (nhà nước - nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học) vẫn chưa phát huy hết vai trò như kỳ vọng.

Trong giai đoạn 2025-2030, Thanh Hóa xác định KH&CN là khâu đột phá trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Giải pháp đặt ra là tăng ngân sách cho nghiên cứu ứng dụng gắn với thực tiễn; hỗ trợ triển khai sau nghiệm thu; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu - chuyển giao công nghệ; và đào tạo, thu hút đội ngũ trí thức trẻ về địa phương.

Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống đánh giá, theo dõi nghiêm túc, minh bạch để tránh tình trạng dàn trải, xa rời thực tế sản xuất. Việc mở rộng các mô hình canh tác công nghệ cao, phù hợp từng vùng sinh thái, kết hợp tuyên truyền - quảng bá thương hiệu sẽ giúp nâng tầm nông sản địa phương trên thị trường trong và ngoài nước.

Từ những chuyển động tích cực tại Bắc Trung Bộ, có thể thấy rằng chỉ khi KH&CN được ứng dụng sâu rộng và đồng bộ, nông nghiệp mới có thể cất cánh theo hướng hiện đại - hiệu quả - bền vững. Và chính người dân sẽ là những người đầu tiên được hưởng thành quả từ cuộc cách mạng này.

Bình Minh

 

Tránh nguy cơ xảy ra tai nạn điện trong sản xuất nông nghiệp, nhà máy

ĐTO - Nhằm nâng cao ý thức của người dân trong sử dụng điện an toàn, những năm qua, ngành Điện lực tỉnh thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền và hướng dẫn người dân tuân thủ các quy định về sử dụng điện an toàn, phòng, chống cháy nổ (PCCN), tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời kiến nghị các tổ chức, cá nhân khắc phục các tình trạng sử dụng điện trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp mất an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn điện. Tuy nhiên, vẫn còn những tai nạn điện đáng tiếc xảy ra trên địa bàn.

Nhân viên điện lực Châu Thành hướng dẫn ông Lê Hồng Đức các biện pháp an toàn tại trạm bơm điện phục vụ nuôi cá tra

Thời gian qua, tại các khu vực nông thôn, người dân tự thực hiện việc giăng mắc điện theo nhu cầu sử dụng, nhiều trường hợp gây mất an toàn. Trong đó, phần lớn các hộ dân chưa có kiến thức chuyên môn, lắp đặt thiết bị điện chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và an toàn theo quy định. Nhiều trường hợp sử dụng dây dẫn có tiết diện nhỏ, kém chất lượng gây quá tải, tróc vỏ làm chạm chập gây cháy nổ hoặc chạm vào các dây chằng kim loại, vách, mái nhà tôn gây tai nạn điện. Ngoài ra, dây dẫn điện còn giăng mắc lên cây xanh, để dưới đất, dưới nước hoặc giăng mắc lên các cây gỗ mục dễ xảy ra gãy, ngã đổ làm đứt dây dẫn điện gây tai nạn cũng là mối nguy hiểm luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn điện. Dù ngành Điện lực tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng điện an toàn, hiệu quả, nhưng trong năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 13 vụ tai nạn điện làm chết 14 người và bị thương 1 người. Nguyên nhân chủ yếu do không nối đất mô-tơ điện, vận hành lâu ngày bị chạm vỏ rò điện; kéo dây sau điện còn tạm bợ, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật an toàn điện.

Ông Lê Hồng Đức (ngụ ấp Tân Hòa, xã An Nhơn, huyện Châu Thành) chuyên nuôi cá tra, chia sẻ: “Trước đây, tôi cũng chủ quan trong việc giăng mắc điện phục vụ chăn nuôi cá, nhưng qua tuyên truyền, hướng dẫn của ngành điện, nhất là các cuộc trao đổi với nhân viên của Điện lực huyện Châu Thành, tôi nhận thấy rõ các nguy hiểm trong việc chủ quan trong sử dụng điện, không tuân thủ theo hướng dẫn của ngành điện. Giờ tôi đã đầu tư hệ thống điện an toàn, có lắp các thiết bị bảo vệ chạm chập rò điện, được đặt trong hộp bảo vệ... nên thấy yên tâm trong sử dụng điện phục vụ chăn nuôi. Tôi biết được việc kéo dây điện sau điện kế phục vụ cho ao cá đảm bảo an toàn là rất thiết thực, đặc biệt là lắp đặt thiết bị chống giật (loại ELCB) sau CB điện kế. Cùng với đó là việc sử dụng dây dẫn điện đúng chủng loại và phù hợp với công suất của thiết bị; dây dẫn phải được đi trên trụ và sứ cách điện; các mối nối phải được quấn băng keo cách điện và nối so le nhau; nối đất cả giàn sắt liên kết với mô-tơ bơm nước.

Tại Công ty TNHH Gạo Tân Hiệp Thành (Quốc lộ 80, ấp Thạnh Phú, xã Tân Bình, huyện Châu Thành), đơn vị thường xuyên hoạt động 24/24 giờ nên việc sử dụng điện an toàn luôn được công ty đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Thái Nhựt - Phó Giám đốc Công ty TNHH Gạo Tân Hiệp Thành cho biết, để PCCN cũng như tai nạn điện tại nhà máy, hàng năm, nhân viên Điện lực đều đến kiểm tra và hướng dẫn cách đi dây trong nhà máy trên sứ cách điện, bọc cách điện kín các mối nối, thay các cầu dao (CB) phù hợp công suất; không đi dây trên la-phông (dễ bị chuột cắn), không để dây điện chạm trực tiếp vào vật sắc nhọn, lắp tiếp đất các vỏ mô-tơ điện (băng chuyền máy chuốt gạo) đảm bảo an toàn trong vận hành; bố trí bao bì xa tủ bảng điện; trang bị đầu đủ các phương tiện chữa cháy. Công ty cũng thường xuyên nhắc nhở công nhân phải thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn điện khi vận hành hệ thống máy, thiết bị trong nhà máy, đề phòng xảy ra sự cố về điện.

Để đảm bảo an toàn trong sản xuất nông nghiệp cũng như sử dụng điện tại hộ gia đình, ông Phạm Minh Thành - Phó Giám đốc Điện lực Châu Thành khuyến cáo người dân khi kéo dây dẫn phía sau điện kế phải dùng dây dẫn có tiết diện phù hợp với công suất sử dụng, tối thiểu phải lớn hơn hoặc bằng 2.5mm², dây có vỏ cách điện tốt, mối nối dây dẫn phải được quấn băng keo cách điện, dây dẫn phải đi trên sứ cách điện và mắc lên cột được trồng chắc chắn, nếu đi dây trên trần nhà phải luồn trong ống chống cháy; chọn mua và sử dụng các mô-tơ điện có thương hiệu, chất lượng, thường xuyên kiểm tra để phát hiện, sửa chữa kịp thời các mô-tơ bị chạm điện ra vỏ; lắp đặt thêm cầu dao tự động chống điện giật (ELCB); phải cắt cầu dao hoặc CB (ngắt điện) và cử người trông coi khi sửa chữa điện phía sau điện kế. Đối với sử dụng điện trong nhà xưởng phải tuân thủ các quy định về an toàn PCCN.

Ngoài ra, khi dùng trụ đỡ dây điện phía sau điện kế phải chắc chắn, có thể sử dụng cột sắt, cây gỗ khô được xử lý mối mọt và đảm bảo độ cao từ 4m trở lên, đường kính cột khoảng 90mm; nếu đường dây điện vượt lộ giao thông phải sử dụng cột bê tông đảm bảo khoảng dây vượt lộ cao 6m.

TN

 

Indonesia áp dụng công nghệ tưới tiêu tiết kiệm nước cho lúa

Công nghệ tưới tiêu tiết kiệm nước cho lúa (IPHA) giúp tăng hiệu quả ngành nông nghiệp thông qua các phương pháp hiện đại; giúp giảm lượng nước tiêu thụ và cải thiện chất lượng, năng suất cây trồng.

Ảnh chụp trên cao tại Khu vực thủy lợi Rentang ở Tây Java, Indonesia. Nguồn: ANTARA News.

Bộ trưởng Công chính Indonesia Dody Hanggodo vừa chỉ thị cho tất cả các trạm thủy lợi triển khai công nghệ tưới tiêu tiết kiệm nước cho lúa (IPHA) nhằm tăng hiệu quả sử dụng nước và nâng cao năng suất, theo hãng thông tấn Indonesia Antara đưa tin ngày 21/4.

“Công nghệ này giúp tăng hiệu quả ngành nông nghiệp thông qua các phương pháp hiện đại. Nó không chỉ giúp giảm lượng nước tiêu thụ mà còn cải thiện chất lượng và năng suất cây trồng,” ông Hanggodo cho biết.

Cũng theo ông Hanggodo, IPHA sử dụng phương pháp tưới không liên tục, xen kẽ giữa các chu kỳ ướt và khô trên các cánh đồng lúa. Phương pháp này đã được chứng minh là tiết kiệm tới 30% nước và tăng năng suất lúa lên tới 169% so với các kỹ thuật tưới truyền thống.

Để hỗ trợ việc triển khai IPHA, Bộ Công chính đã phát triển một hệ thống quản lý nước kỹ thuật số để giúp nông dân và cán bộ thực địa lên lịch tưới tiêu, theo dõi lượng nước xả và nhận cảnh báo sớm về khả năng hạn hán.

“Công nghệ này cho phép quản lý nước chính xác và hiệu quả hơn,” Bộ trưởng Hanggodo cho biết thêm.

Khu vực thủy lợi Rentang, bao gồm các quận Indramayu, Cirebon và Majalengka, là một trong những vùng sản xuất lúa gạo chính của Indonesia đã áp dụng công nghệ IPHA.

Bộ trưởng Hanggodo cho rằng, thành công của IPHA chứng tỏ khả năng tự cung tự cấp lương thực, mang đến giải pháp phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp Indonesia. Thời gian tới, Bộ Công chính sẽ tiếp tục hợp tác với chính quyền các địa phương, các nhóm nông dân và các bên liên quan khác để đảm bảo IPHA được áp dụng thành công trên toàn quốc Indonesia.

Thạch Thu

 

Hiếu Giang tổng hợp

 

 

 

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop