‘Nâng tầm’ dưa lưới
Nguồn tin: Báo Hậu Giang
Trồng dưa lưới trong nhà màng kết hợp công nghệ tưới nhỏ giọt được xem là hướng đi đột phá của ngành chức năng và nông dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đây được kỳ vọng là mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.
Dự án “Xây dựng mô hình, chuyển giao công nghệ sản xuất dưa lưới trong nhà màng và chế biến đa dạng hóa sản phẩm từ trái dưa lưới tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang” bước đầu mang lại những tín hiệu khả quan cho nền nông nghiệp.
Áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp
Hiện nay, nhu cầu về sản phẩm sạch ngày càng được người tiêu dùng chú trọng nên việc xây dựng các mô hình sản xuất nông sản an toàn, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng đang được người nông dân quan tâm hưởng ứng. Theo đó, vào tháng 3-2022, Ban quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang (Ban) đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng mô hình, chuyển giao công nghệ sản xuất dưa lưới trong nhà màng và chế biến đa dạng hóa sản phẩm từ trái dưa lưới tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang” với quy mô sản xuất thử nghiệm 1.500m2 bao gồm tại Ban 500m2 và HTX dưa lưới Ngọc Thành 1000m2, dự án bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực và góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen, tập quán canh tác của nông dân từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch gắn với nhu cầu của thị trường.
Anh Trần Kỷ Nguyên, Chủ nhiệm dự án, chia sẻ: Trồng dưa lưới trong nhà màng kết hợp công nghệ tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm được nước tưới, ít sử dụng nhân công, có thể trồng quanh năm mà không sợ mưa hay yếu tố bất lợi của thời tiết. Trong đó, nhà màng giúp che chắn mưa, hạn chế côn trùng xâm nhập, hệ thống tưới nhỏ giọt không chỉ cung cấp nước một cách tiết kiệm cho cây mà cùng với công nghệ tưới nước và phân bón qua đường ống nhỏ giọt cung cấp đồng đều và chính xác lượng phân bón cho cây trồng.
Theo nhiều nghiên cứu, công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp với phân bón trong canh tác giúp tăng năng suất từ 10-40%, giảm chi phí công chăm sóc, tăng thu nhập từ 20-50%, đặc biệt là tiết kiệm nước tưới so với phương pháp truyền thống từ 20-40%. Trong quá trình canh tác dưa lưới, người trồng ít sử dụng hoặc thay thế thuốc hóa học thành thuốc sinh học và đạt chuẩn VietGAP nên sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.
Qua thời gian sản xuất thử nghiệm, dự án bước đầu đạt được mục tiêu đã đặt ra là năng suất thương phẩm tăng từ 10% (khoảng 0,2 tấn/1.000m2), sản phẩm dưa lưới đạt chứng nhận VietGAP, độ Brix trung bình đạt từ 13% trở lên, dưa phát triển đồng đều, khoảng 80% trái có khối lượng trung bình đạt từ 1,5kg; giá bán dao động từ 45.000-50.000 đồng/kg. Hiện nay, dự án đang được chuyển giao công nghệ sản xuất cho Hợp tác xã dưa lưới Ngọc Thành, ở ấp Phước Thạnh, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành.
Nhiều hướng đi mới
Bên cạnh việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, việc tạo ra nhiều hướng đi mới, chế biến đa dạng hóa sản phẩm từ trái dưa lưới là những gì mà các kỹ sư tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đang tìm tòi, nghiên cứu. Không chỉ dừng lại ở việc cung cấp dưa lưới tươi, dự án đã phát triển thêm nhiều sản phẩm chế biến từ dưa lưới như rượu vang dưa lưới và dưa lưới sấy dẻo.
Anh Trần Kỷ Nguyên, Chủ nhiệm dự án, cho biết: “Dưa lưới là loại trái cây có hương thơm, giòn, vị ngọt thanh mát, nếu chỉ dừng lại ở việc thưởng thức trái tươi thì chưa tận dụng hết tiềm năng của dưa lưới. Do đó, chúng tôi đã tiếp nhận và hoàn thiện quy trình chế biến dưa lưới sấy dẻo, thời điểm này đã tìm ra được nhiệt độ sấy và thời gian sấy phù hợp cho dưa lưới sau thu hoạch. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiếp nhận và hoàn thiện được quy trình chế biến rượu vang dưa lưới bằng việc tìm ra được loại men thích hợp cho lên men rượu, nhiệt độ ủ và hàm lượng đường bổ sung phù hợp”.
Đánh giá về đặc điểm ưu việt của những sản phẩm mới, ông Nguyễn Việt Triều, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, cho biết: Sản phẩm dưa lưới sấy dẻo vừa giữ được độ ngọt vừa phải, vẫn giữ được màu sắc và hương vị riêng biệt. Còn với sản phẩm rượu vang dưa lưới, hiện nay trên thị trường chưa có sản phẩm tương tự nên nếu thử nghiệm thành công sẽ mở ra một hướng đi mới đầy hứa hẹn. Qua quá trình thực hiện dự án, Ban chủ nhiệm đã có những dự định nghiên cứu thêm về quy trình sản xuất bột dưa lưới hòa tan, chiết xuất hương liệu dưa lưới nguyên chất từ dưa lưới tươi và làm kẹo dưa lưới.
Việc phát triển mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương. Đây được xem là hướng phát triển bền vững nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời giúp bà con nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.
Y.LINH
Triển vọng từ bưởi da xanh
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Khác với nhiều loại cây ăn trái mỗi năm cho thu hoạch một lần, bưởi da xanh cho thu hoạch quanh năm, giá cả dao động tùy từng thời điểm, giúp nông dân có thu nhập khá.
Gia đình chị Phạm Thị Hồng Thúy ở thôn 7, xã Long Bình, huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) có 3 ha bưởi da xanh đang cho thu hoạch. Vụ tết vừa qua, chị xuất bán khoảng 5 tấn bưởi, còn từ đầu năm đến nay, gia đình cũng thu hái liên tục, hết lứa này lại thu lứa khác.
Chị Phạm Thị Hồng Thúy (bìa trái) thu hoạch bưởi da xanh
Để có thu nhập ổn định, thường xuyên, gia đình chị cho cây ra trái tự nhiên bán quanh năm. Trung bình 10 ngày chị cắt 1 lứa trái chín, bán cho thương lái. Hiện đang vào mùa mưa, cây bưởi dễ phát sinh nhiều sâu bệnh hại như nấm kim, rệp sáp, bọ trĩ gây nứt vỏ, khô cây, rụng hoa và trái non, vì thế, chị thường xuyên thăm vườn để phòng trị kịp thời. “Trước đây khu vực này tôi trồng điều, 1 năm chỉ thu được 1 vụ, kinh tế gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Từ ngày chuyển qua trồng bưởi da xanh có thu hoạch quanh năm, kinh tế khá hơn, có điều kiện chăm lo gia đình và việc học hành của các con” - chị Thúy chia sẻ.
Bưởi da xanh đang là loại cây trồng cho thu nhập cao ở địa phương. Nông dân nắm vững kỹ thuật, chăm sóc vườn cây tốt là có thu nhập ổn định. Chỉ với 4 sào bưởi da xanh, mỗi năm gia đình anh Nguyễn Mạu Hùng ở thôn 7, xã Long Bình thu hơn 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Đất ít nên anh trồng mật độ cây dày hơn. Theo anh Hùng, trồng dày hơn trái tuy ít nhưng bù lại không bị nám vỏ, không gãy đổ, quan trọng là phải biết tỉa cành, tạo tán để tránh rầy, rệp gây hại; bón phân, tưới nước đầy đủ để cây sinh trưởng phát triển tốt, cho trái đều, đẹp. “Nếu để trái thu quanh năm thì chăm sóc cây, trái cần tỉ mỉ hơn, vì trên cùng một cây có nhiều lứa trái khác nhau. Bù lại, người trồng có thu nhập thường xuyên, ổn định” - anh Hùng chia sẻ.
Tổ hợp tác trồng cây ăn trái thôn 7, xã Long Bình có 14 thành viên, chủ yếu trồng bưởi và sầu riêng, trong đó có khoảng 25 ha bưởi da xanh. Các thành viên tổ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về phòng trừ sâu bệnh hại và tìm kiếm thị trường. Có sự liên kết chặt chẽ nên bưởi của thành viên làm ra luôn được tiêu thụ hết. Theo nhà vườn, chi phí đầu tư phân bón trong giai đoạn cây ra trái khá thấp, nên lợi nhuận người trồng thu được khá. Đặc biệt, những vườn bưởi được chăm sóc tốt, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để trồng theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ cho năng suất cao, bán được giá hơn.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng cây ăn trái xã Long Bình cho biết, so với các loại cây trồng khác thì bưởi da xanh dễ trồng, sản phẩm dễ tiêu thụ. Vì vậy, các thành viên tổ hợp tác ưu tiên phát triển loại cây ăn trái này.
Chị Hoàng Thị Ánh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Bình cho biết, đất ở địa phương rất phù hợp trồng cây ăn trái, trong đó có cây bưởi. Người dân trên địa bàn trồng bưởi nhiều nên việc tiêu thụ thuận lợi, thương lái vào tận vườn thu mua. “Nhiều hộ dân có kinh nghiệm ngoài chăm lo phát triển vườn bưởi gia đình, còn hướng dẫn nhiều người xung quanh cách trồng và chăm sóc bưởi da xanh. Đây là cây trồng được nhiều nông dân ở xã lựa chọn” - chị Ánh cho hay.
Bưởi da xanh đang được trồng nhiều ở Bình Phước. Hiện nhiều nông dân để cây ra trái thu hoạch quanh năm. Với cách làm này, người dân có thu nhập liên tục, ổn định cuộc sống.
Hiền Lương
Trồng dừa sáp cho hiệu quả kinh tế cao
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Dừa sáp là một loại trái cây đặc sản có nguồn gốc từ tỉnh Trà Vinh. Hiện nay, bằng các biện pháp nhân giống hiện đại, giống dừa này đã được trồng ở nhiều địa phương, trong đó có xã Nhơn Bình, huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long).
Với 300 gốc dừa, mỗi tháng ông Nguyễn Văn Kiệt, ngụ ấp Nhơn Ngãi, xã Nhơn Bình thu hoạch được 1.800 trái. Trong đó, mỗi gốc dừa cho từ 2-4 trái dừa sáp/tháng, giá bán dao động từng thời điểm từ 70.000-90.000 đ/trái; số còn lại bán dừa khô với giá dao động từ 60.000-90.000 đ/chục.
Tính chung, mỗi tháng dừa sáp cho thu nhập khoảng 6 triệu đồng, dừa khô 12 triệu đồng, trừ hết chi phí, ông Kiệt còn lời khoảng 220 triệu đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Văn Kiệt, trồng dừa chi phí không nhiều, ít tốn công chăm sóc, cho thu nhập cao hơn so với đầu tư các mô hình khác. Do vậy, ông đã mạnh dạn mở rộng diện tích canh tác từ vài chục gốc ban đầu đến nay tổng số dừa của gia đình lên đến 300 gốc… Nhờ trồng dừa mà kinh tế gia đình ông ngày càng phát triển ổn định.
Bên cạnh, ông Nguyễn Văn Kiệt còn tích cực hỗ trợ kinh nghiệm sản xuất, chia sẻ cây giống cho người dân địa phương, nhất là hội viên cựu chiến binh trong chi hội để cùng nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
MINH TRÚC (Trà Ôn)
Nông dân tiếc nuối vì bán 'lúa non'
Nguồn tin: Báo Long An
Khoảng 2 tuần trở lại đây, giá lúa đột ngột tăng cao, hiện ở mức từ 8.700-9.000 đồng/kg, nông dân phấn khởi thu hoạch lúa. Tuy nhiên, nhiều nông dân tiếc nuối vì đã nhuận tiền cọc bán lúa với mức giá thấp hơn giá hiện tại từ 1.000-1.500 đồng/kg.
Nông dân thu hoạch lúa Hè Thu 2024
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch 90.489ha lúa Hè Thu 2024, năng suất khô ước đạt 6,13 tấn/ha, sản lượng 555.093 tấn. Nông dân tại các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh đang tất bật thu hoạch.
Theo ghi nhận, giá lúa Hè Thu 2024 đang tăng mạnh khiến nông dân rất vui mừng, phấn khởi. Song, bên cạnh đó cũng có không ít nông dân tiếc nuối vì đã nhận tiền cọc với giá thấp.
Ông Nguyễn Văn Cương (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa) nhận cọc của thương lái từ khi 2ha lúa (giống OM18) của gia đình ông vừa được 60 ngày tuổi với giá 7.500 đồng/kg.
Hiện giá lúa OM18 đã tăng từ 1.200-1.500 đồng/kg so với thời điểm nhận cọc. Không chỉ có ông Cương mà nhiều nông dân trong khu vực cũng chung tình cảnh này.
Anh Nguyễn Thanh Hải (xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa) chia sẻ: “Lúc thương lái đưa ra mức giá 7.400 đồng/kg (lúa OM18) thì giá lúa ngoài thị trường chỉ từ 7.200-7.300 đồng/kg. Tôi và nhiều nông dân xung quanh thấy có lời nên đồng ý nhận cọc, đâu ai biết trước giá lúa sẽ tăng như thế này”.
Theo nhiều nông dân đang thu hoạch lúa, sau khi thỏa thuận, nhiều hộ được thương lái tăng giá thu mua lúa thêm 500 đồng/kg.
Bên cạnh đó, nông dân càng tiếc nuối hơn khi năng suất lúa vụ này đạt khá cao, hầu hết đều đạt hơn 6 tấn/ha (tăng từ 1-2 tấn so cùng kỳ các năm trước).
Chỉ khác nhau về thời điểm nhận tiền cọc mà hiện trên cùng 1 cánh đồng, giá lúa đã chênh lệch từ 1.000-1.500 đồng/kg. Theo đó, lợi nhuận cũng chênh lệch từ 8-13 triệu đồng/ha.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, sản xuất manh mún, nhỏ, lẻ đã đưa nông dân vào thế bị động. Việc mua bán "lúa non" hầu hết đều do thương lái và nông dân tự thỏa thuận.
Thời gian qua, không ít trường hợp thương lái và nông dân “bẻ kèo” khi giá lúa tăng hoặc giảm. Do đó, nông dân cần cân nhắc kỹ trước khi nhận tiền cọc để tránh thiệt thòi khi giá lúa biến động bất ngờ.
“Bẻ kèo” trong thu mua nông sản đã đặt ra yêu cầu về liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bảo đảm cân đối lợi ích giữa các bên. Nông dân cần liên kết sản xuất, tham gia hợp tác xã, ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản rõ ràng với doanh nghiệp để bảo đảm lợi ích lâu dài./.
Bùi Tùng
Giá khoai lang tím Nhật giảm
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Vĩnh Long, so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái, giá khoai lang tím Nhật đã giảm khá nhiều, do vụ Hè Thu đang trong kỳ thu hoạch, sản lượng khoai tương đối nhiều hơn trước và Trung Quốc cũng vào vụ thu hoạch.
Hiện tại huyện Bình Tân, giá khoai lang tím Nhật dao động từ 500.000-580.000 đ/tạ (1 tạ bằng 60kg), giảm từ 100.000-420.000 đ/tạ so với hồi tháng 7 và giảm từ 20.000-220.000 đ/tạ so với tháng cùng kỳ năm trước.
Một số loại khoai lang khác có giá tăng, giảm so với tháng 7, cụ thể: khoai trắng sữa giá 440.000 đ/tạ (tăng 90.000 đ/tạ so với tháng 7 nhưng giảm 30.000 đ/tạ so với tháng cùng kỳ năm trước), khoai bí đường 300.000 đ/tạ (ổn định so với tháng 7 và giảm 250.000 đ/tạ so với tháng cùng kỳ năm trước) và khoai trắng giấy 520.000 đ/tạ (tăng 170.000 đ/tạ so với tháng 7, nhưng giảm 330.000 đ/tạ so với tháng cùng kỳ năm 2023).
Trong vụ Hè Thu năm nay, toàn tỉnh chỉ trồng được 369,5ha khoai lang (giảm 50% so với vụ này năm trước), đến nay đã thu hoạch 340ha, sản lượng đạt 10.820 tấn (giảm 10.803 tấn so với cùng kỳ năm trước).
MỸ TRUNG
Tăng thu nhập từ trồng bắp biến đổi gen
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Bắp là cây trồng chủ lực của nhiều hộ nông dân, tuy nhiên tình trạng sâu bệnh, đặc biệt là sâu keo mùa thu liên tục phá hại làm sản lượng sụt giảm. Nhằm tuyển chọn giống năng suất cao và có khả năng kháng sâu keo tốt nhất, nông dân xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) đã chuyển đổi trồng giống bắp biến đổi gen, kết quả đáp ứng được 2 tiêu chí nêu trên.
Làm nông nghiệp lâu năm nên bà Trịnh Thị Bảy ở thôn 3, xã Đăng Hà hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc chọn giống để mang lại năng suất cao. Vì vậy, 2 năm trở lại đây, gia đình bà chọn trồng giống bắp biến đổi gen DK6919s. Đây là giống có khả năng kháng hiệu quả các loại sâu hại bắp thuộc bộ cánh vảy như: sâu keo mùa thu, sâu đục thân, sâu đục trái, sâu khoang. Thêm vào đó, giống có khả năng chịu được các loại thuốc trừ cỏ gốc glyphosate, vì thế có thể phun trùm lên cây bắp non, tiết kiệm công và chi phí làm cỏ. Hạt giống được xử lý bằng công nghệ Acceleron giúp kiểm soát hiệu quả sâu xám, giúp mầm khỏe, sinh trưởng và phát triển tốt ngay từ giai đoạn cây con.
Bà Bảy cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng điều và lúa nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Qua tìm hiểu, thấy hiệu quả kinh tế từ cây bắp nên gia đình đã chuyển đổi qua trồng bắp, sau một thời gian thì chọn bắp biến đổi gen DK6919s để canh tác. Trồng bắp biến đổi gen tương đối nhàn, chỉ cần xịt 1 lần thuốc diệt cỏ và bón phân là chờ đến ngày thu hoạch”.
Cũng theo bà Bảy, trồng bắp biến đổi gen DK6919s có thể giảm được gần 2 triệu đồng/ha phun thuốc cỏ nên lợi nhuận tăng thêm vài chục triệu đồng/ha. Chi phí đầu tư trồng giống bắp biến đổi gen DK6919s tăng không đáng kể so với trồng bắp thông thường, nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều. Đặc biệt, khi chuyển đổi trồng bắp trên đất lúa thường bị cỏ dại và lúa còn lại từ vụ trước mọc chen với bắp, nông dân mất rất nhiều công xử lý cỏ và lúa, nhưng nếu trồng giống bắp biến đổi gen DK6919s, chỉ cần xịt 1 lần thuốc trừ cỏ cho cả vụ. Giống bắp sinh trưởng ngắn ngày, có thể trồng trên đất ruộng khô hạn vẫn cho năng suất cao.
Với 1,5 ha bắp biến đổi gen, sau 3 tháng trồng, gia đình bà Bảy thu được 18 tấn bắp khô; giá bán 8.000 đồng/kg, thu về hơn 140 triệu đồng mỗi vụ. Bà Bảy cho biết, 1 năm gia đình bà trồng 3 vụ bắp, trong khi chi phí giống, công chăm sóc không nhiều. Do vậy, lợi nhuận từ trồng bắp biến đổi gen cao hơn so với giống bắp thông thường và các loại cây hoa màu khác.
Bà Trịnh Thị Bảy giới thiệu về vườn bắp biến đổi gen của gia đình
Theo bà Hồ Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đăng Hà, người dân trong xã sống chủ yếu bằng nghề nông, trong đó rất nhiều nông hộ đã chuyển đổi diện tích đất không phù hợp qua trồng bắp hoặc trồng 1 vụ lúa, 2 vụ bắp. Hiệu quả kinh tế từ cây bắp cao hơn cây lúa rất nhiều. Tuy nhiên, giống bắp biến đổi gen thì hiện nay mới chỉ có một số hộ dân trồng. Nếu hiệu quả đem lại cao và được các công ty cấp giống bao tiêu sản phẩm thì bà con có thể trồng bắp biến đổi gen để tăng thu nhập.
Đăng Hà là xã vùng sâu, vùng xa, người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước và các loại cây ngắn ngày. Do vậy, việc lựa chọn giống bắp biến đổi gen trồng thay thế các giống bắp cũ và lúa nước khi nắng hạn mang lại hiệu quả kinh tế cao đang là lựa chọn của các hộ nông dân trong xã.
Hiền Lương
Phát triển bền vững nông nghiệp hữu cơ
Nguồn tin: Báo Tây Ninh
Trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh Tây Ninh, ngành Nông nghiệp luôn được xác định là một trong những “trụ cột” quan trọng.
Hiện nay, tỉnh Tây Ninh định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị, chất lượng, hiệu quả; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường hướng đến xuất khẩu, nâng cao hiệu suất và lợi nhuận thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, góp phần làm thay đổi bộ mặt ngành nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững.
Nhiều kết quả nổi bật
Tây Ninh có nhiều lợi thế để tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đó là lợi thế về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị. Để đưa ra thị trường nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và định hướng xuất khẩu, ngành nông nghiệp tỉnh đang chuyển từ phát triển tập trung đơn ngành sang phát triển đa ngành, chuyển sản xuất từ đơn giá trị sang sản xuất tích hợp đa giá trị với mục tiêu lớn là hướng đến nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái.
Qua đó, phát huy tối đa lợi thế các sản phẩm chủ lực của tỉnh theo phương pháp đổi mới tư duy, đổi mới từ khâu quản lý sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; đổi mới từ tập trung phát triển sản lượng sang chú trọng chất lượng sản phẩm. Tất cả chung sức, đồng lòng vì ngành nông nghiệp xanh.
Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi khoảng 8.000 ha cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả, nâng luỹ kế tổng số diện tích cây trồng đã chuyển đổi toàn tỉnh đạt khoảng 41.000 ha, gia tăng giá trị sản phẩm thu được trên một héc-ta trồng trọt đạt 109 triệu đồng/năm.
Trong lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh, tiếp tục chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi công nghiệp, trang trại gắn với an toàn sinh học. Hiện nay, toàn tỉnh có 627 trại chăn nuôi gia súc, 107 trang trại chăn nuôi gia cầm, tăng 12,6% so với năm 2020 với quy mô chăn nuôi đạt trên 10 triệu con gia súc, gia cầm. Về thuỷ sản, tỉnh duy trì diện tích vùng nuôi 570 ha, sản lượng đạt trên 14.000 tấn thuỷ sản/năm.
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Tây Ninh đã triển khai thực hiện 39 mô hình khuyến nông với kinh phí 6,6 tỷ đồng. Thông qua các mô hình khuyến nông, tỉnh đã thực hiện chuyển giao các giải pháp về khoa học, công nghệ, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc Kipus cho 180 tổ chức, cá nhân với diện tích 805 ha (luỹ kế từ năm 2019 đến nay, hỗ trợ tổng diện tích hơn 1.700 ha cây ăn quả, cấp 50.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm).
Ông Lê Văn Sơn, ngụ ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, hiện có một vườn mãng cầu gần 7 năm tuổi, với diện tích 1,7 ha, được sản xuất theo hướng hữu cơ. Trong đó, ông Sơn đã sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc vi sinh vật để chăm sóc cho vườn cây, nhờ sử dụng các loại phân bón có nguồn gốc hữu cơ ngay từ khi xuống giống, nên vườn mãng cầu của gia đình ông luôn xanh tốt và ít bị sâu bệnh, năng suất mỗi đợt thu hoạch luôn đạt hơn 10 tấn/ha.
Ông Sơn cho biết: “Khi trồng cây con là tôi bắt đầu mình sử dụng dòng phân bón hữu cơ để cho cây phát triển được tốt hơn. Phân này có ưu điểm là những nấm vi sinh vật như nấm Trichoderma làm cho cây phát triển được tốt hơn, lá dày hơn, rễ phát triển cũng được nhiều hơn, ra được nhiều rễ trắng, nên cây phát triển được tốt hơn”.
Còn đối với gia đình ông Đặng Ngọc Thắng, ngụ tại xã Tân Hưng, hiện đang có hơn 80 ha đất trồng cây cao su tại xã Tân Hà, Tân Châu. Theo kinh nghiệm của ông Thắng, để cây cao su phát triển tốt, cho nhiều mủ, khai thác được lâu năm cần phải áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, bón phân và chọn được loại phân phù hợp. Ông đã lựa chọn sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh Tri-mix của Nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ Hi-Tech Organic.
Ông Thắng cho biết, trong những năm qua, ông thường xài Tri-mix, hợp chất ba màu, 20-20-15, 19-9-27. Tuỳ theo cây trồng mà có liều lượng thích hợp, nếu cây cạo, ông dùng loại nào kali nhiều, còn cây tơ ông sử dụng Tri-mix. Qua sử dụng ông thấy phân bón hữu cơ giúp cây sinh trưởng tốt, bền và cho năng suất cao.
Nỗ lực cho mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ
Trong giai đoạn 2020-2025, Tây Ninh định hướng và hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên một số đối tượng gồm: lúa, rau màu, cây ăn quả, bò, heo, dê, gà. Theo đó, nhiệm vụ được UBND tỉnh đề ra là xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực; phát triển đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất sản phẩm hữu cơ; nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp hữu cơ; đồng thời tăng cường chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm hữu cơ và phát triển các vật tư đầu vào phục vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Mô hình trồng mãng cầu theo hướng hữu cơ của ông Lê Văn Sơn.
Để hiện thực hoá mục tiêu phát triển nông nghiệp hữu cơ theo định hướng tại Nghị định số 109, ngày 29.8.2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1934, ngày 19.8.2020 về triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Đồng thời, tỉnh cũng đã ban hành 2 chính sách để hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, nguồn kinh phí thực hiện là nguồn vốn sự nghiệp từ ngân sách tỉnh. Hai chính sách này hiện đang phát huy hiệu quả khả quan, góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn với sức khoẻ con người, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, từng bước hướng tới nền nông nghiệp tuần hoàn và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, để phát triển nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, hữu cơ trên lĩnh vực trồng trọt, tỉnh cũng định hướng cho các trang trại, doanh nghiệp áp dụng các biện pháp công nghệ tái chế, xử lý các phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất.
Đồng thời xây dựng chính sách đặc thù khuyến khích phát triển kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi cho cả hộ nông dân và doanh nghiệp tham gia tái chế chất thải chăn nuôi; xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái trong trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng sản phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi và sử dụng hiệu quả các phụ phẩm chăn nuôi, cung cấp hữu cơ cho trồng trọt; áp dụng các kỹ thuật mới sản xuất phân bón từ phân và chất thải chăn nuôi, khí đốt từ hầm biogas, sử dụng làm nguyên vật liệu nuôi trồng đối tượng khác để khép kín tuần hoàn sản xuất; khuyến khích nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
Đẩy mạnh quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường, ưu tiên phát triển các mô hình chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi tuần hoàn, các mô hình liên kết hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị; xây dựng và nhân rộng các mô hình sử dụng thức ăn chăn nuôi phối trộn, sử dụng phế phẩm sinh học thay thế kháng sinh trong chăn nuôi.
Việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ sẽ giúp khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả và thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Vũ Nguyệt
Câu chuyện 100 năm của dừa sáp Trà Vinh
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Trà Vinh
Trà Vinh nổi tiếng là “thủ phủ dừa sáp” với hơn 1.100 ha dừa sáp, chủ yếu tập trung ở huyện Cầu Kè. Dừa sáp đã có mặt tại mảnh đất này từ trăm năm nay và mang lại nhiều giá trị văn hóa cũng như kinh tế cho người nông dân.
Không giống như các loại dừa bình thường, dừa sáp có lớp cơm dừa dày, mềm, dẻo, đặc quánh cùng với ít nước sệt, vị béo ngậy và có hương thơm rất đặc trưng. Lớp sáp trứ danh này chính là điểm có một không hai của dừa sáp.
Theo lời kể của người dân sống lâu năm tại địa phương, câu chuyện của trái dừa sáp bắt đầu từ năm 1924, sau khi hoàn thành khóa học tu tại Campuchia, hòa thượng Thạch Sô về chùa Botumsakor (Cầu Kè), mang theo hai cây dừa sáp về trồng. Đây cũng là lần đầu tiên mầm cây dừa sáp được trồng tại Việt Nam. Sau một thời gian, các phật tử biết đến đã truyền tai nhau và xin giống về trồng.
Ban đầu, cây dừa sáp chủ yếu được phật tử và vài hộ dân ở địa phương trồng ăn trong gia đình hoặc làm quà tặng. Nhờ hương vị độc đáo nên người dân truyền tai nhau. Đến nay, dừa sáp đã trở thành đặc sản nổi tiếng của huyện Cầu Kè.
Cây dừa sáp nguyên bản rất kén đất và khó trồng. Chỉ có thể ra trái sáp ở vùng đất Cầu Kè nhờ đặc tính khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp. Mỗi buồng dừa chỉ cho tỷ lệ trái sáp từ 20% - 30%. Chính vì vậy, dừa sáp Cầu Kè rất hút hàng, có giá cao.
Toàn huyện Cầu Kè hiện có hơn 2.000 hộ trồng dừa sáp với hơn 171.000 cây, diện tích trên 1.000 ha. Sản lượng dừa sáp trung bình hàng năm đạt trên 3 triệu trái. Với giá dừa sáp tại vườn hiện đang dao động từ 80 – 150.000 đồng/quả, có khi tăng đến 160 - 200.000 đồng/quả, giá trị kinh tế dừa sáp mang lại cho người nông dân là từ 350 - 400 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 8 lần so với trồng dừa thường.
Dừa sáp đã mang lại nguồn thu nhập bền vững cho nông dân
Những năm gần đây, đội ngũ nhà khoa học của Trường Đại học Trà Vinh đã nghiên cứu nhân giống dừa bằng công nghệ nuôi cấy phôi giúp nâng cao tỷ lệ trái sáp/buồng từ 70 – 90%. Những cây dừa sáp nuôi cấy phôi có khả năng thích nghi tốt với biến đổi khí hậu, nhất là có khả năng chịu phèn, chịu mặn, có thể trồng được ở nhiều vùng đất khác. Từ đó, mở ra nhiều hướng phát triển bền vững và đa dạng hơn cho trái dừa sáp. Tuy nhiên, diện tích dừa sáp nuôi cấy phôi phát triển nhanh chóng cũng khiến vùng dừa sáp truyền thống đặc sản của tỉnh Trà Vinh đứng trước nguy cơ bị thu hẹp.
Nhận định dừa sáp truyền thống là giống gen quý, UBND huyện Cầu Kè đang tập trung quy hoạch lại vùng chuyên trồng dừa sáp truyền thống, tập trung chủ yếu các xã Hòa Tân, Tam Ngãi, An Phú Tân, Phong Phú, Hòa Ân. Đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp người dân chuyển đổi từ đất vườn kém hiệu quả, đất giồng cát lên vườn trồng dừa sáp. Huyện cũng tích cực tuyên truyền người dân không chặt bỏ cây dừa sáp truyền thống, để gìn giữ và nhân rộng giống dừa sáp nguyên bản quý hiếm này.
Tại Chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị dừa tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2022 – 2025, UBND tỉnh Trà Vinh cũng đặt mục tiêu phát triển khoảng 550 ha dừa sáp đặc sản, tập trung trên địa bàn các huyện Cầu Kè, Càng Long, Tiểu Cần và Châu Thành, nhằm nâng cao giá trị trái dừa sáp cũng như chuỗi giá trị ngành hàng dừa của tỉnh.
Tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp phát triển vùng nguyên liệu dừa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ gắn với nhà máy chế biến của các doanh nghiệp và thị trường mục tiêu. Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm dừa sáp, hỗ trợ nông dân liên kết cùng doanh nghiệp để tiêu thụ nguyên liệu hoặc sản phẩm sơ chế.
UBND tỉnh cũng triển khai nhiệm vụ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu chứng nhận mang chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” cho “Dừa sáp Trà Vinh” và nhãn hiệu chứng nhận “Giống dừa sáp Trà Vinh”. Đây sẽ là cơ sở để nâng cao uy tín, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm dừa sáp Trà Vinh trên thị trường.
Đồng hành trong hành trình mang trái dừa sáp vươn xa hơn còn có Công ty TNHH Chế biến Dừa sáp Cầu Kè (Vicosap). Đây là đơn vị tiên phong đầu tư công nghệ máy móc để chế biến đa dạng, chuyên sâu các sản phẩm từ dừa sáp. Vicosap đã hợp tác với HTX dừa sáp Hoà Tân (huyện Cầu Kè) để xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, liên kết lâu dài để nâng cao giá trị cho trái dừa sáp.
Tháng 5/2023, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục “Đơn vị chế biến sâu trái dừa sáp thành hệ thống nhiều dòng sản phẩm nhất, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu” cho Vicosap.
Công ty đã có sản phẩm “dừa sáp sợi” được công nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia và nhiều sản phẩm chế biến từ dừa sáp đạt OCOP 4 sao như: dừa sáp sấy khô giòn tan, sữa chua dừa sáp, bánh Vicosap dừa sáp và chuối…
Hiện, Vicosap đang phối hợp với chính quyền địa phương, ngành chức năng và các hộ trồng dừa sáp truyền thống thực hiện dự án “Làng bảo tồn dừa sáp nguyên bản gắn phát triển dịch vụ - du lịch cộng đồng, cải thiện sinh kế đồng bào Khmer”. Dự án nhằm xây dựng và phát triển mô hình sản xuất - kinh doanh gắn kết với cộng đồng theo hướng đa dạng hóa giá trị từ dừa sáp, tạo thu nhập tăng thêm và sinh kế bền vững cho người nông dân; góp phần giữ gìn, bảo tồn nguồn giống dừa sáp nguyên bản.
Để tôn vinh, quảng bá thương hiệu, giá trị của trái dừa sáp, góp phần khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm đưa các sản phẩm chế biến từ dừa sáp ra thị trường thế giới, từ ngày 25/8 – 31/8/2024, tỉnh Trà Vinh lần đầu tiên tổ chức Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh. Lễ hội sẽ được tổ chức tại huyện Cầu Kè với nhiều hoạt động hấp dẫn.
Có thể nói, hành trình trái dừa sáp bén duyên với mảnh đất Trà Vinh đã trải qua 100 năm, trở thành chất liệu, câu chuyện văn hóa cần phải bảo tồn, lưu giữ. Câu chuyện sẽ còn được viết tiếp bởi sự nỗ lực của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nông dân để cùng mang dừa sáp vươn xa, để tán lá dừa mãi xanh và mang lại sinh kế bền vững.
Phương An
Thu nhập khá từ nuôi gà thả đồi
Nguồn tin: Báo Bình Định
Biết cách tận dụng điều kiện thuận lợi về đất đai và mạnh dạn áp dụng KHKT vào chăn nuôi, anh Nguyễn Thành Nam (1990, ở thôn Nam Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đã có nguồn thu nhập khá từ mô hình chăn nuôi gà thả đồi.
Chọn nuôi gà để phát triển kinh tế, nhưng việc chăn nuôi của gia đình anh Nam chỉ dừng lại ở mức nhỏ lẻ. Đến năm 2022, anh Nam đã đăng ký tham gia lớp học nghề nuôi, phòng trị bệnh cho gà do xã Tây Giang tổ chức và vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH huyện mở rộng thành mô hình chăn nuôi gà thả đồi bài bản.
Anh Nguyễn Thành Nam với mô hình chăn nuôi gà thả đồi mang lại thu nhập khá cho gia đình. Ảnh: ĐINH NGỌC
Trên diện tích đất gò đồi khoảng 2.000 m2, anh Nam xây dựng 2 khu chuồng nuôi và vây lưới chia thành hai 2 khu để tiện cho việc chăn nuôi theo lứa. Hơn 2 năm qua, mỗi năm anh nuôi khoảng 5 lứa gà, mỗi lứa khoảng 1.000 con. Anh Nam chia sẻ, anh mua gà giống từ công ty có uy tín, chọn giống gà có chất lượng thịt thơm ngon và thích hợp trong điều kiện thả vườn. Để gà phát triển tốt cần đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tuân thủ quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi; tiêm vắc xin phòng bệnh đúng chu kỳ...
Gà nuôi khoảng 4 tháng là có thể xuất bán, với trọng lượng từ 3 - 3,5 kg/con. Với mức giá từ 70.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.
Ngoài chăn nuôi gà, anh Nam kết hợp nuôi cá và làm dịch vụ câu cá thư giãn, góp thêm thu nhập cho gia đình.
Anh Trần Văn Nghĩa, Chủ tịch hội LHTN xã Tây Giang, cho biết, nhờ áp dụng kỹ thuật trong chăn nuôi, đàn gà của gia đình anh Nam phát triển tốt, ít dịch bệnh, cho chất lượng thịt thơm ngon. Gia đình anh bán gà trực tiếp cho các thương lái, đầu ra ổn định, thu nhập khá. Chúng tôi đã nhiều lần tổ chức tham quan tại mô hình của gia đình anh Nam để thanh niên và các hộ dân ở địa phương có thể học tập phát triển kinh tế.
ĐINH NGỌC
Mang Thít (Vĩnh Long): Phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, an toàn dịch bệnh
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Thời gian qua, tại huyện Mang Thít (Vĩnh Long), hoạt động chăn nuôi (CN) vừa phát triển theo quy mô lớn vừa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh (ATDB) trong CN, ngành nông nghiệp huyện tăng cường hướng dẫn người CN áp dụng các biện pháp CN an toàn sinh học, góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm và sức khỏe đàn vật nuôi, hướng đến phát triển ngành CN theo hướng an toàn, hiện đại.
Phong trào nuôi gia công phát triển về quy mô, số lượng và chất lượng.
Phát triển trang trại ứng dụng công nghệ hiện đại
Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Mang Thít, huyện có điều kiện thuận lợi phát triển hình thức CN trang trại. Tính đến tháng 7, toàn huyện có 138 trang trại CN, chiếm 15% tổng số trại toàn tỉnh, với 14 trại lớn, 56 trại vừa và 68 trại nhỏ (chiếm gần 78% trại lớn, 32% trại vừa của tỉnh).
Theo đó, đa số trang trại và hình thức CN của huyện chủ yếu là CN gia công có liên kết với 7 công ty gia công (CP, Japfa, Vietlight, Greenfeed, Tuấn Phát, Vietsun và CJ), đồng thời có 2 chuỗi liên kết CN heo, gà với 68/119 trại gia công (chiếm 57,14% toàn tỉnh).
Đối với hình thức liên kết trong CN, công ty sẽ thực hiện đầu tư, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, tư vấn về công nghệ, mô hình CN, con giống, thức ăn, thuốc, vaccine.
Sản phẩm CN được công ty bao tiêu, từ đó người CN có được lợi nhuận khá và ổn định. Còn chủ cơ sở đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân công lao động đáp ứng đủ các điều kiện về chuồng trại, điện, nước, bảo vệ môi trường trong CN.
Trong 238 trang trại CN gà của toàn tỉnh, thì huyện Mang Thít có 63 trang trại (chiếm 25,5%), trong đó có 70% các trang trại ứng dụng công nghệ hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn ATDB trên vật nuôi. Riêng tại xã An Phước đã có hơn 50% trang trại thực hiện tốt công tác ATDB.
Áp dụng CN an toàn khép kín gần 10 năm, chú Trần Hữu Nghĩa (ấp Phú Bình, xã An Phước, huyện Mang Thít) cho biết: “Trước đây tôi CN gà theo dạng chăn thả nên hao hụt nhiều.
Từ năm 2013 đến nay tôi đã chuyển sang nuôi gia công theo hình thức khép kín. Năm 2013, tôi nuôi 30.000 con, năm 2020 tăng lên 60.000 con, đến năm 2024 tăng lên 90.000 con.
Nhờ CN theo công nghệ chuồng gà lạnh, cho ăn uống bằng hệ thống tự động, giảm tỷ lệ hao hụt, nhân công.
Hơn hết là môi trường được sát khuẩn và khép kín giúp cho gà không bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài. Mỗi năm tôi nuôi 3 đợt, sau khi trừ hết chi phí còn lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/đợt nuôi”.
Theo Chi cục CN thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT), hiện toàn huyện Mang Thít có 50/138 trại đã ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi từ mô hình CN truyền thống sang mô hình trại lạnh khép kín, chiếm 36,23% số trại CN của huyện.
Bên cạnh đó, huyện đã cấp 78 giấy chứng nhận (11 giấy đủ điều kiện CN trang trại quy mô lớn; 50 giấy an toàn thực phẩm (45 trại gà và 5 trại heo), và 17 giấy công nhận ATDB với bệnh cúm gia cầm) chiếm 67,24% tổng số trại được cấp giấy chứng nhận trong toàn tỉnh.
Đa số các trang trại được cấp giấy chứng nhận chỉ thực hiện đối với các hình thức gia công.
Trong đó, hoạt động CN gà tại huyện vừa phát triển theo quy mô lớn vừa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại.
Tăng cường tuyên truyền, nhân rộng mô hình
Tuy nhiên, theo ngành thú ý, các trang trại tư nhân vẫn chủ yếu do người dân CN nhỏ lẻ nâng cao tổng đàn thành trang trại nên công tác quản lý và ứng dụng CN ở tất cả các khâu kiểm soát và phòng chống dịch bệnh còn hạn chế.
Cạnh đó, còn gặp khó khăn về xử lý môi trường trong CN. Chủ đầu tư, doanh nghiệp vẫn gặp khó khi thực hiện việc chuyển đổi đất đai trong xây dựng chuồng trại CN gia súc, gia cầm theo hướng lâu dài, bền vững, đây là rào cản rất lớn cho việc phát triển trang trại CN của tỉnh.
Ông Hồ Phước Dư- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Mang Thít, cho biết: Để góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất an toàn, bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, ngành nông nghiệp huyện Mang Thít đã vận động người CN ứng dụng các biện pháp kỹ thuật công nghệ cao, an toàn sinh học vào quá trình sản xuất.
Nhờ đó, giảm bớt sức lực, thời gian cho người CN, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát hiệu quả. Thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích phát triển CN công nghiệp và nuôi trang trại nhằm quản lý dịch bệnh có hiệu quả.
Ngoài 2 loại vật nuôi chính (gà, vịt), khuyến khích phát triển thêm các loại vật nuôi khác, có tiềm năng như chim bồ câu, ngỗng, vịt trời… Phấn đấu tổng đàn gia cầm tăng bình quân 4 %/năm.
Theo ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục CN thú y và Thủy sản, khó khăn hiện tại của người CN ở huyện Mang Thít là vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xác định đất CN hợp pháp, trong khi hồ sơ hướng dẫn thực hiện chuyển đổi theo quy định hiện nay vẫn chưa rõ ràng.
Kế đó là vấn đề về đảm bảo vệ sinh môi trường trong CN và vấn đề về giá cả không ổn định.
Người CN cũng cần quan tâm đến vấn đề dịch bệnh trong CN, đặc biệt là kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm, bởi vì các loại bệnh trên gà hiện nay có diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, gây chết nhiều và rất khó điều trị.
“Huyện Mang Thít cần phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở CN làm tốt hơn nữa công tác ATDB, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y, an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh vào quy trình CN.
Đặc biệt, việc tổ chức vệ sinh chuồng trại cần được thực hiện đều đặn, hạn chế tối đa người, phương tiện, vật nuôi bên ngoài ra vào trại, nếu có người ra vào thì phải thực hiện đúng theo quy định là thay đồ, phun thuốc sát trùng.
Từ đó, giúp giải quyết nguy cơ dịch bệnh trong CN, đảm bảo chất lượng sản phẩm, sức khỏe đàn vật nuôi”- ông Lê Thanh Tùng cho biết thêm.
Hiện nay toàn tỉnh có 116/920 trang trại được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện CN trang trại quy mô lớn, an toàn thực phẩm và ATDB. CN an toàn là giải pháp giúp nâng cao hiệu quả CN, đảm bảo sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, số trang trại được cấp chứng nhận CN an toàn trong tỉnh còn khá thấp. Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, thì ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích các hộ CN, doanh nghiệp, HTX cần chú trọng đầu tư, nhân rộng mô hình CN theo hướng an toàn, để nghề CN phát triển ổn định, bền vững.
Bài, ảnh: SONG THẢO
Vĩnh Long:Tăng cường quản lý nuôi vịt chạy đồng
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Sau khi thu hoạch lúa Hè Thu là thời điểm các đàn vịt chạy đồng được người chăn nuôi di chuyển đến các cánh đồng để tận dụng nguồn lúa rơi rụng và các sinh vật trên đồng ruộng nhằm giảm chi phí chăn nuôi. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, ngành chuyên môn và các địa phương cũng tăng cường quản lý các đàn vịt này.
Người chăn nuôi cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh cho đàn vịt chạy đồng.
Theo các hộ nuôi vịt chạy đồng, nuôi theo hình thức này mặc dù vất vả do phải di chuyển liên tục từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, bù lại chi phí sẽ giảm hơn nhiều so với nuôi nhốt.
Vì chỉ cần mua những ruộng đã thu hoạch lúa xong từ các hộ dân, tiếp theo là bơm nước lên và thả vịt vào ruộng, khi đó chúng sẽ tự tìm kiếm thức ăn trên đồng.
Có hơn 500 con vịt nuôi chạy đồng, chú Nguyễn Thanh Sơn (xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít) cho biết: “Tôi nuôi vịt chạy đồng gần 10 năm nay.
Nuôi vịt theo hình thức chạy đồng sẽ giảm được chi phí tiền đổ thức ăn cho vịt, bởi khi có đồng trống thì thả cho vịt tự kiếm nguồn thức ăn tự nhiên như lúa còn sót lại trên đồng, cua, ốc bươu vàng, các loại sâu bọ…
Tuy nhiên, hình thức nuôi này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro do phải di chuyển thường xuyên, liên tục qua nhiều cánh đồng ở các địa phương khác nhau, nên vịt chạy đồng thường dễ mắc bệnh, sức đề kháng cũng giảm.
Do đó, tôi luôn chủ động phòng chống dịch bệnh, nắm rõ quy định về thủ tục khi đưa đàn đi các tỉnh khác, chủ động tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi của mình đủ liều, đúng thời gian quy định”.
Nhiều năm nuôi vịt chạy đồng, anh Nguyễn Văn Sáng (xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn) cho biết: “Nếu so với nuôi nhốt thì chi phí nuôi vịt trong mùa chạy đồng giảm khoảng 1/3. Trong khi đó, sản lượng trứng lại cao hơn, trứng to và chất lượng nên bán được giá hơn.
Để bảo vệ đàn vịt, tôi cũng chủ động mua vaccine tiêm phòng cúm gia cầm (GC) đầy đủ cho đàn vịt”.
Theo ngành thú y, thời gian qua, các địa phương đã thực hiện tốt việc rà soát, tiêm phòng mới, tiêm phòng bổ sung vaccine phòng bệnh cúm GC cho đàn GC.
Đồng thời, hướng dẫn chủ chăn nuôi GC tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch.
Theo đó, các đàn vịt chạy đồng từ địa phương khác vào tỉnh cũng như các đàn vịt di chuyển trong tỉnh đều được kiểm tra thông tin đàn, giấy xác nhận đã tiêm phòng các loại dịch bệnh đặc biệt là vaccine cúm GC còn thời hạn miễn dịch.
Việc chăn thả tại địa phương cũng được đảm bảo vệ sinh môi trường. Để đảm bảo dịch bệnh trên các đàn GC, thời gian qua ngành chuyên môn và các địa phương cũng đã tăng cường công tác tiêu độc khử trùng các khu vực có nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Ông Lê Văn Năm- Trưởng Trạm Thú y huyện Trà Ôn, cho biết: Hiện số lượng vịt nuôi chạy đồng trên địa bàn huyện không còn nhiều do diện tích sản xuất lúa bị thu hẹp hơn trước.
Tuy nhiên, khi có đàn vịt chạy đồng, trạm cũng phối hợp cùng các cán bộ thú y tăng cường kiểm soát việc chăn nuôi vịt của người dân.
Đặc biệt, chú trọng đến các đàn vịt từ nơi khác di chuyển đến, đảm bảo tất cả đàn vịt này đều được tiêm phòng và nhốt cách ly đúng quy định khi nhập vào.
Trong khi đó, địa phương cũng đã tổ chức nhiều biện pháp nhằm giám sát hiệu quả đàn vịt chạy đồng bằng cách kiểm soát việc cho thuê đồng và theo dõi sổ nhập, xuất đàn vịt ra vào, hạn tiêm phòng vaccine.
Song song đó, ngoài việc kiểm soát chặt chẽ đàn vịt chạy đồng từ nơi khác đến, các địa phương trong tỉnh và ngành chức năng cũng theo dõi đàn GC trong tỉnh để tiêm phòng, không bỏ sót đối với GC hết thời hạn miễn dịch.
Đồng thời, phân công cán bộ thú y đến hộ chăn nuôi để tuyên truyền cách chăm sóc tốt đàn GC.
Theo Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh), từ đầu năm đến nay dịch bệnh trên đàn GC được kiểm soát tốt, trên địa bàn tỉnh phát hiện 1 ổ dịch cúm GC trên gà.
Sau khi phát hiện ngành phối hợp với địa phương dập dịch hiệu quả không để lây lan diện rộng. Thời gian tới, ngành thú y sẽ thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh, trong đó có bệnh cúm GC, tăng cường tuyên truyền cho người chăn nuôi về các biện pháp phòng chống dịch, định kỳ tiêu độc khử trùng, tiêm phòng cho đàn vật nuôi.
Song song đó, khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, cần chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để hạn chế rủi ro, đảm bảo hiệu quả sản xuất.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Hiếu Giang tổng hợp