Vĩnh Long: Trồng bông súng có tiền bỏ túi quanh năm
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Nhờ tận dụng diện tích mặt nước trống để trồng bông súng, đã giúp cho nhiều nông hộ có được thu nhập khá, cải thiện đời sống gia đình.
Tận dụng diện tích mặt nước, nhiều nông dân trồng bông súng kết hợp nuôi cá giúp gia tăng thu nhập.
Những năm gần đây, thương lái tìm đến các nhà vườn đặt mua bông súng. Việc tiêu thụ thuận lợi, bông súng trở thành mặt hàng nông sản bán chạy. Mỗi công bông súng cho thu hoạch quanh năm với khoảng 90-120 kg/ngày. Nhờ vậy, nông dân có tiền bỏ túi quanh năm.
Hiện, thương lái vào tận nơi mua bông súng với giá 2.000-2.500 đ/kg. Với mức giá này, nếu tự thu hái, người trồng bông súng có thể bỏ túi hơn 50 triệu đồng/công/năm.
Bông súng có thời gian thu hoạch dài khoảng 3-4 năm. Ngoài bán thân cây, người trồng bông súng còn có thể tận dụng lá bông súng và diện tích mặt nước để nuôi cá, giúp tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác.
Tin, ảnh: NGUYỄN XUÂN
Bến Tre: Tập trung phòng chống sâu đầu đen hại dừa
Nguồn tin: Báo Đồng Khởi
Hiện nay, sâu đầu đen (SĐĐ) gây hại dừa lan rộng các địa phương tại tỉnh Bến Tre, nhất là vùng chuyên trồng dừa khô nguyên liệu phục vụ chế biến. Hiện nông dân đang tập trung các giải pháp phòng chống SĐĐ hại dừa, giúp vườn dừa nhanh chóng phục hồi sau khi bị SĐĐ tấn công.
Nông dân phun xịt thuốc phòng trừ sâu đầu đen hại dừa.
Gây thiệt hại nặng diện tích dừa
Sau 2 tháng tập trung phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, vườn dừa khô nguyên liệu với diện tích hơn 1ha của bà Huỳnh Thị Bường, ấp Hòa Bình, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri dần phục hồi. Cây dừa bắt đầu ra lá non và không thấy có dấu hiệu bị SĐĐ tấn công. Bà Bường cho hay, khoảng 5 tháng trước vườn dừa của gia đình bị SĐĐ gây hại, bà mua thuốc để phun.
Bà Huỳnh Thị Bường chia sẻ, khi vườn dừa chưa bị SĐĐ thu hoạch hơn 1.000 trái, với thời điểm giá thấp (khoảng 4.000 đồng/trái), cho thu nhập 4 - 5 triệu đồng. Khoảng 3 - 4 tháng nay, năng suất dừa giảm từ từ, hiện tại tháng này thu hoạch chưa được 90 trái dừa, với giá cao hiện nay (9.000 đồng/trái) thu nhập chỉ 600 - 700 ngàn đồng. Theo bà Bường, bây giờ thấy đâm đọt non, nhưng để phục hồi đạt năng suất như trước đây phải mất 2 - 3 năm nữa. Hiện song song với việc chờ dừa phục hồi, bà Bường mua giống dừa trồng xen trong vườn. Nếu sau này dừa không phục hồi thì có cây dừa mới thay thế, vì dừa khô nguyên liệu trồng mất 4 năm mới cho trái.
Gần đó, vườn dừa khô nguyên liệu với diện tích gần 3.000m2 của ông Nguyễn Văn Dợt (65 tuổi, ấp Hòa Bình, xã Mỹ Hòa) cũng bị SĐĐ gây hại. Ông Dợt cho biết, SĐĐ ảnh hưởng vườn dừa 4 tháng nay, ông Dợt có thuê người phun xịt thuốc nhưng không hiệu quả. Sau đó, ông Dợt tự mua máy phun thuốc để về tự phun xịt. Hiện vườn dừa của ông Dợt không còn bị SĐĐ tấn công. Tuy nhiên thiệt hại khoảng 50%. Theo ông Dợt, SĐĐ ăn hết phần xanh của lá dừa, sau đó tàu dừa bị khô rụng xuống, trái bị rụng do dừa không còn lá để quang hợp nên năng suất giảm. Mỗi tháng, ông Dợt bán được hơn 250 trái, hiện nay giảm hơn 1 nửa. Bên cạnh đó, trái dừa bị xấu, không đạt chất lượng, nên thương lái thu mua giá giảm. Ông Dợt lo lắng, trước đây dừa cũng bị sâu hại (bọ dừa) tấn công, bọ dừa dễ trị, còn SĐĐ phun xịt 2 - 3 lần mới thấy giảm, không biết sau này có tái lại hay không. Hiện tại ông Dợt tổ chức phun định kỳ mỗi tháng 2 lần để phòng tránh SĐĐ.
Sau khi thấy khu vực bị ảnh hưởng SĐĐ, các hộ dân xung quanh tập trung phun xịt phòng ngừa SĐĐ. Anh Nguyễn Văn Minh, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm chia sẻ, cách vườn dừa gia đình hơn 2km có SĐĐ gây hại, nên anh Minh thuê nhân công để phun xịt phòng trừ, với giá nhân công thuê cao. Người dân mong muốn ngành chức năng có giải pháp sinh học thả ong ký sinh để người dân giảm chi phí phun thuốc, giảm nguy cơ ảnh hưởng môi trường do thuốc trừ sâu gây ra.
Các giải pháp phòng trừ
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện toàn tỉnh có hơn 630ha dừa nhiễm SĐĐ, hơn 93ha dừa bị đốn do bị SĐĐ gây hại. Trong 630ha nhiễm SĐĐ, diện tích nhiễm nhẹ hơn 309ha (tỷ lệ hại 10 - 20%), nhiễm trung bình 181ha và nhiễm nặng 140ha, có 8/9 huyện, thành phố bị SĐĐ gây hại, nhiều nhất là huyện Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Ba Tri...
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Võ Văn Nam cho biết: Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh phóng thích hơn 147 triệu ong ký sinh phòng trừ SĐĐ. Trong 2 năm (2022 - 2023), toàn tỉnh phóng thích hơn 419 triệu ong ký sinh. Ông Võ Văn Nam khuyến cáo, người dân cần tuân thủ đúng biện pháp quản lý tổng hợp SĐĐ hại dừa, chủ động thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm SĐĐ gây hại, cắt tỉa tàu lá hoặc lá chét bị sâu gây hại trên cây dừa và cây ký chủ phụ (cau, dừa nước, cọ, chuối...), tiêu hủy bằng cách đốt hoặc vùi xuống nước nhằm làm giảm mật số sâu hại.
Theo ông Võ Văn Nam, đây là biện pháp rất quan trọng, hiệu quả (diệt cả trứng, sâu non và nhộng), an toàn môi trường và cần phải thực hiện ngay khi phát hiện SĐĐ gây hại; bón phân cân đối, chia làm nhiều đợt bón giúp cây khỏe để nhanh phục hồi sau khi bị gây hại; không vận chuyển cây dừa giống, các cây ký chủ phụ và trái dừa bị nhiễm SĐĐ sang các vùng khác để hạn chế lây lan. Ngoài ra, khi phát hiện vườn dừa bị SĐĐ gây hại nặng, cần cắt tỉa tiêu hủy tàu lá/lá chét bị sâu hại trước khi phun thuốc bảo vệ thực vật, sau phun thuốc từ 2 tuần trở lên tiến hành phóng thích ong ký sinh và ngừng phun thuốc.
“Người dân không nên lạm dụng thuốc trừ sâu phòng trừ SĐĐ, vì khi phun thuốc trừ sâu sẽ diệt tất cả thiên địch xung quanh cây dừa, cây dừa không còn các loài thiên địch bảo vệ, rất dễ bị sâu, bệnh tấn công. Bên cạnh đó, phun thuốc trừ sâu quá nhiều ảnh hưởng đến môi trường, vật nuôi xung quanh vườn dừa cũng bị ảnh hưởng nên người dân cần thận trọng liều lượng sử dụng; nên sử dụng thuốc theo khuyến cáo của ngành chức năng”. (Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Võ Văn Nam)
Bài, ảnh: Phúc Hậu
Hiệu quả từ mô hình trồng dừa Mã Lai
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Nhờ ưu điểm dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, được thị trường ưa chuộng, nên gần đây, cây dừa Mã Lai đã được nhiều người dân ở huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) chọn trồng. Mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cho nhiều nông dân.
Mô hình trồng dừa Mã Lai đem lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Có gần 200 gốc dừa Mã Lai hơn 7 năm tuổi, ông Phạm Văn Mát (xã Tân An Hội, huyện Mang Thít) cho biết: “Trước đây tôi trồng một số loại cây khác nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế do đó tôi cải tạo 7 công vườn tạp để trồng dừa Mã Lai.
Tôi cũng tìm hiểu kỹ thuật trồng trọt từ bạn bè, tham quan một số mô hình trồng dừa hiệu quả, học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc cây dừa cho tốt.
Qua 7 năm, hiện dừa đã cho trái ổn định, mỗi tháng thu hoạch khoảng 3.000 trái. Tôi cũng có ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với thương lái với giá thu mua quanh năm là 55.000 đ/chục. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi còn lợi nhuận khá, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa”.
Tương tự, có 5 công trồng dừa Mã Lai được khoảng 7 năm, anh Nguyễn Hồng Dũng (TT Cái Nhum, huyện Mang Thít) cũng cho hay: Giống dừa này có đặc điểm trái nhỏ, bình quân khoảng 1,5-2 kg/trái, nước ngọt thanh và được thị trường ưa chuộng. Dừa trồng khoảng 3 năm tuổi là cho thu hoạch, 5 năm là cho trái ổn định.
Dừa cho năng suất rất cao, bình quân từ 15-20 trái/buồng, khoảng 20-25 ngày, mỗi cây dừa sẽ ra một buồng dừa mới, cho thu hoạch liên tục trong năm. Trồng dừa Mã Lai không chỉ nhẹ công chăm sóc, năng suất cao mà còn đem lại hiệu quả kinh tế. So với nhiều loại cây trồng khác thấy rất hiệu quả, có thu nhập ổn định quanh năm.
Theo nhiều người trồng dừa Mã Lai, giống dừa này khi được chăm sóc tốt sẽ cho lưỡi mèo (chuẩn bị cho trái) sau 2,5 năm trồng. Dừa này thuộc giống dừa lùn cao sản, phần thân cao vài gang tay đã có thể mang trái (tính chiều cao thân gỗ, không vuốt lá).
Nhiều trường hợp chỉ sau 20 tháng cây đã cho lưỡi mèo, tuy nhiên không nên để trái nhiều vì cây lúc này vẫn chưa đúng sức, dễ bị suy cây khi để cây mang trái. Do vậy, cần tối thiểu 2,5-3 năm hãy để cây mang trái. Có vậy mới đảm bảo được năng suất về lâu dài.
Theo Hội Nông dân xã Tân An Hội (huyện Mang Thít), thời gian qua, mô hình trồng dừa Mã Lai cũng đã phát triển tại địa phương. Hiện toàn xã có khoảng 10 hộ dân trồng loại dừa này với trên 10ha.
Xã cũng đã vận động, hỗ trợ hộ dân trồng dừa tham gia bán sản phẩm lên trang thương mại điện tử. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc liên kết sản xuất, sản xuất hữu cơ, vận động người dân chuyển đổi sang sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ, tham gia liên kết xây dựng mã số vùng trồng... Theo đó, đã có 2 hộ dân trồng dừa Mã Lai tham gia thực hiện mã số vùng trồng với diện tích 1,2ha.
Ông Nguyễn Trường Giang- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân An Hội, cho biết: Đây là một trong những mô hình chuyển đổi giống cây trồng hiệu quả, đem lại hiệu quả kinh tế khá cho nông dân.
Hội cũng đã giới thiệu đến nông dân trong xã để học tập, nhân rộng mô hình. Bên cạnh đó, qua tuyên truyền về lợi ích của việc thực hiện mã số vùng trồng dừa, nhiều nông dân cũng đã chủ động tham gia, nâng cao ý thức trong sản xuất hơn, như: thực hiện thống nhất quy trình sản xuất, ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác, quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu của nước nhập khẩu, tuân thủ đầy đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thời gian tới, địa phương tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về mã số vùng trồng, tiếp tục vận động các hộ trồng dừa tham gia thực hiện mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Theo khuyến cáo của ngành chức năng, để cây dừa Mã Lai cho năng suất cao và chất lượng thì nông dân cần lưu ý: chọn mua dừa giống ở nơi có uy tín, chất lượng, dừa giống không bị trầy xước và sâu bệnh; chọn vùng đất trồng phù hợp, giàu dinh dưỡng, khả năng thoát nước tốt, không bị ngập úng. Nên trồng dừa Mã Lai vào mùa mưa để tận dụng được nguồn nước tốt, giúp cây phát triển nhanh và năng suất cao. Trong quá trình trồng cần chăm sóc và kiểm tra sâu bệnh thường xuyên, có giải pháp khắc phục ngay từ đầu nếu có dấu hiệu sâu bệnh; bón phân theo định kỳ để dừa cho năng suất cao, tăng cao hiệu quả kinh tế.
Bài, ảnh: YẾN LY
Chanh Tàu trúng mùa, trúng giá, nông dân thu lãi cao
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Những ngày qua, thương lái thu mua chanh Tàu tại tỉnh Vĩnh Long với giá 8.000-10.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư và công chăm sóc, nông dân thu lãi khoảng 17 triệu đồng/công.
Hiện, các vườn trồng chanh Tàu đang vào vụ thu hoạch, bán với giá tương đối khá.
Các hộ nông dân trồng chanh Tàu cho biết, hiện đang vào vụ thu hoạch mùa thuận, nhưng giá chanh cao gần bằng vụ nghịch năm trước. Năm nay thời tiết thuận lợi, nên phần lớn diện tích trồng chanh Tàu cho năng suất cao, bình quân khoảng 4 tấn/công, cao hơn 0,3 tấn/công so vụ chanh năm trước. Nhờ năng suất cao và bán có giá nên nhà vườn trồng chanh Tàu thu được lợi nhuận cao.
Tin, ảnh: NGUYỄN XUÂN
Khánh Hoà: Làm giàu trên vùng đất Khánh Sơn
Nguồn tin: Báo Khánh Hoà
Đến lập nghiệp ở vùng đất Khánh Sơn từ năm 2007, bằng sự cần cù, nỗ lực vượt khó, đến nay, ông Nguyễn Ngọc Tháo (sinh năm 1964) - hội viên nông dân ở thôn Chi Chay (xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn) đã tạo dựng được vườn sầu riêng lên đến 24ha, trong đó có 14ha cho thu hoạch, doanh thu năm 2024 lên đến 16 tỷ đồng. Ông Tháo được bình chọn là 1 trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2024.
Lập nghiệp với cây sầu riêng
Ông Tháo chia sẻ, ông sinh ra ở vùng đất Nam Định, do kinh tế ở địa phương khó khăn nên gia đình ông đã đi kinh tế mới ở tỉnh Lâm Đồng. Năm 2007, trong một lần cùng bạn bè đến Khánh Sơn tham quan, tìm hiểu mô hình trồng cây sầu riêng, nhận thấy đây là vùng “đất lành, chim đậu”, ông đã quyết định tìm mua đất, chuyển đến Khánh Sơn sinh sống, lập nghiệp. Những ngày đầu trên vùng đất mới, gia đình ông đã trải qua không ít khó khăn khi đất đai thổ nhưỡng ở Khánh Sơn tuy phù hợp trồng cây ăn quả nhưng địa hình đồi dốc, trong khi đường giao thông còn nhỏ hẹp, việc vận chuyển cây giống, phân bón… để lập vườn gặp nhiều khó khăn; lúc ấy chưa có điện để bơm tưới, gia đình ông phải sử dụng máy nổ, bơm nhiều chặng mới đưa được nước đến với cây trồng…
Ban đầu, gia đình ông trồng 400 cây sầu riêng trên diện tích khoảng 2ha; do chưa có kinh nghiệm nên một số cây bị chết hoặc bị bệnh xì mủ; rồi những đợt sầu riêng đang giai đoạn ra hoa, kết trái thì bị rụng gần hết. Không nản lòng, ông tham gia các lớp tập huấn trồng và chăm sóc sầu riêng, tìm hiểu kinh nghiệm từ những người trồng hiệu quả. Kết hợp với thực tế trồng, chăm sóc sầu riêng của mình, ông đúc rút kinh nghiệm riêng, khắc phục dần những thất bại để hình thành được vườn sầu riêng cho năng suất cao. Nhờ trồng sầu riêng, gia đình ông đã có được cuộc sống ổn định, khấm khá hơn khi sản lượng sầu riêng, giá bán ngày càng tăng. Những vụ đầu tiên sản lượng còn thấp, chỉ khoảng 15 - 17 tấn, đến năm 2017 vườn sầu riêng của gia đình ông thu được 70 tấn, năm 2023 đạt 150 tấn. Vụ năm nay, 14ha sầu riêng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông thu được hơn 200 tấn, nhờ giá bán cao, hơn 80.000 đồng/kg nên doanh thu đạt đến hơn 16 tỷ đồng.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn sầu riêng xanh mướt mắt, được đầu tư bài bản với hệ thống tưới tiết kiệm dẫn đến từng gốc cây, được chăm sóc tốt…, ông Tháo chia sẻ bí quyết thành công của mình: “Cái chính là cần cù, chăm chỉ làm ăn, chịu khó học tập kinh nghiệm, nắm bắt được nhu cầu của thị trường để đầu tư cho đúng. Trong quá trình trồng sầu riêng, tôi đã đúc rút được kinh nghiệm, nắm bắt được kỹ thuật trong việc xử lý cho cây ra hoa, đậu trái, đây là yếu tố quan trọng giúp năng suất, sản lượng sầu riêng đạt cao”.
Hội viên nông dân tiêu biểu
Sau nhiều năm tích góp vốn, gần đây, gia đình ông Tháo đã mua thêm 10ha đất để xuống giống trồng sầu riêng, với tổng diện tích hiện có 24ha. Với mô hình trồng sầu riêng trên vườn đồi, gia đình ông đã tạo việc làm cho 20 lao động địa phương có thu nhập ổn định. Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nghèo làm công tại vườn của ông Tháo còn được ông giúp đỡ về vốn, kỹ thuật để phát triển cây sầu riêng trong vườn nhà. Không ít hội viên nông dân xã Sơn Trung và các xã lân cận xem vườn sầu riêng của gia đình ông Tháo là hình mẫu để học tập, áp dụng vào vườn của gia đình mình. Những ai tìm đến tham quan, học hỏi đều được ông Tháo nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm. Bên cạnh đó, ông Tháo còn đi đầu trong các phong trào của địa phương, nhất là việc ông hiến hàng ngàn mét vuông đất để làm đường phục vụ dân sinh tại xã.
Ông Trần Thanh Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Sơn cho biết: “Ông Tháo là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu của huyện trong phát triển kinh tế. Không những chịu khó sản xuất, ông còn giúp nhiều đồng bào dân tộc thiểu số nghèo có việc làm ổn định; tích cực hỗ trợ cây giống, phân bón cho các hộ thiếu vốn sản xuất và đi đầu trong các phong trào ở địa phương, nhất là xây dựng nông thôn mới… Với những kết quả đạt được, ông Nguyễn Ngọc Tháo đã được Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020; Hội Nông dân huyện tặng nhiều giấy khen cho cá nhân ông qua các hoạt động, phong trào của hội. Đặc biệt, ông Tháo đã được bình chọn là 1 trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2024”.
HẢI LĂNG
Ứng dụng hiệu quả máy bay không người lái trong canh tác lúa
Nguồn tin: Báo Sóc Trăng
Khoảng 5 năm trở lại đây, nông dân Sóc Trăng đã phần nào “giải phóng” được sức lao động, khi có nhiều loại máy móc thay thế. Trong các loại máy như: máy xới, máy sạ hàng, máy gặt đập liên hợp... thì thiết bị máy bay không người lái được xem là thiết bị hiện đại, vì ứng dụng công nghệ cao vào canh tác lúa. Bởi máy bay không người lái đã thay thế sức lao động của rất nhiều nông dân trong các khâu gieo sạ, bón phân, phun thuốc cho lúa.
Anh Hồ Thanh Nam, ấp Sóc Dong, xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) bên chiếc máy bay không người lái “3 trong 1”, gieo sạ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật của gia đình. Ảnh: THÚY LIỄU
Anh Hồ Thanh Nam, ấp Sóc Dong, xã Tân Hưng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) chia sẻ: “Kể từ ngày sắm được chiếc máy bay này, tôi thường xuyên được hộ dân thuê mướn phun thuốc, bón phân. Do máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật nhanh, nên nhiều nông dân rất thích, nhất là trong thời điểm mùa mưa. Nhiều diện tích lúa Hè - Thu năm 2024 đang trong giai đoạn sinh trưởng đẻ nhánh và làm đòng, cần phun thuốc nhanh và kịp thời tránh mưa”.
Anh Nam hiện có 20ha trồng lúa. Diện tích ruộng lớn nên mỗi lần đến gieo sạ, bón phân, phun thuốc cần rất nhiều nhân công lao động. Tuy nhiên, lao động nông thôn ngày càng khan hiếm và giá thuê lao động cao, tính ra giảm lợi nhuận đáng kể. Xuất phát từ nguyên nhân trên, anh Nam đã quyết định đầu tư chiếc máy bay không người lái “3 trong 1”: gieo sạ lúa, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật. Khi mua máy về, anh Nam đã “khởi động” máy cho gieo sạ hết diện tích 20ha, chỉ mất vài giờ đồng hồ đã xong. Sau khi đã gieo sạ xong ruộng nhà, anh Nam đem máy bay đi sạ thuê cho các hộ lân cận.
Là hộ dân “sắm” máy bay không người lái đầu tiên của xã, ông Lê Thanh Vũ, ấp Tân Lực, xã Tân Hưng bộc bạch: “Diện tích lúa của gia đình tôi là 20ha. Đến mùa vụ, tôi vô cùng vất vả đi tìm thuê lao động gieo sạ. Đến giai đoạn lúa phát triển cần phải bón phân, phun thuốc nhưng thuê lao động rất khó nên tôi rất trăn trở tìm giải pháp để không phải thuê lao động. Năm 2022, tôi biết đến chiếc máy bay không người lái chuyên dùng phun thuốc bảo vệ thực vật nên tôi mua về ngay. Máy phun thuốc nhanh, với 1ha lúa chỉ tốn 10 phút, giảm chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật lên đến 50% so phun thuốc bằng tay. Khi đã phun thuốc cho ruộng nhà xong, tôi đưa máy bay đi phun thuốc thuê cho hộ dân trên địa bàn toàn huyện. Trong vụ lúa Hè - Thu năm 2024, tôi mua thêm chiếc máy bay loại lớn làm được 3 việc: gieo sạ lúa, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật”.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hưng Phú, xã Tân Hưng Hồ Thanh Liêm cho biết: “Kể từ ngày đưa máy bay không người lái vào canh tác lúa trong cánh đồng của hợp tác xã đã giúp cho hàng trăm thành viên hợp tác xã giảm chi phí đầu tư mùa vụ và năng suất lúa tăng 10%. Đặc biệt là với loại máy bay không người lái “3 trong 1”, bao gồm: gieo sạ, phun thuốc, bón phân đã góp phần giảm lượng giống gieo sạ từ 20 - 30kg/ha; giảm tiền phun thuốc 70.000 đồng/ha/lần phun thuốc; giảm tiền bón phân 80.000 đồng/ha/lần bón. Hiện nay, trong hợp tác xã đã có 3 thành viên đầu tư máy bay không người lái để làm dịch vụ và đem về nguồn thu nhập từ hoạt động này khá tốt”.
“Số lượng máy bay không người lái trên địa bàn tỉnh có hơn 140 chiếc. Khi sử dụng máy bay phun thuốc phân bố đều khắp ruộng lúa, máy bay phun nhanh nên hạn chế rủi ro khi mưa đến làm trôi lượng thuốc đã phun trước đó. Đối với việc gieo sạ lúa bằng máy bay, lúa giống gieo sạ đồng đều trên khắp mặt ruộng, tương đương như lúa gieo sạ bằng máy sạ hàng, thời gian gieo sạ nhanh, giảm đáng kể chi phí nhân công lao động, giúp nông dân giải phóng sức lao động, giảm chi phí mùa vụ…”, đồng chí Trần Hoàng Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Sóc Trăng thông tin.
THÚY LIỄU
Sẵn sàng cho niên vụ mía đường mới
Nguồn tin: Báo Phú Yên
Kết thúc niên vụ sản xuất mía đường 2023-2024 với nhiều thách thức, ngành Mía đường Việt Nam tiếp tục nỗ lực khắc phục khó khăn, củng cố chuỗi liên kết, nâng cao hiệu quả sản xuất mía đường trong niên vụ 2024-2025.
Mía đường là ngành hàng quan trọng, tác động rất lớn đến phát triển KT-XH của đất nước. Niên vụ 2023-2024, tổng diện tích trồng mía của cả nước trên 174.000ha, năng suất mía bình quân toàn quốc là 67,7 tấn/ha.
Nông dân huyện Sơn Hòa được hướng dẫn phương pháp thu hoạch mía tại ruộng. Ảnh: KHANG ANH
Vượt khó khăn, tăng năng suất
Theo báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong niên vụ 2023-2024, ngành Mía đường Việt Nam đối mặt với nhiều vấn đề; trong đó có sự suy giảm của giá đường thế giới. Cụ thể, giá đường thô thế giới đạt mức cao nhất trong tháng 11/2023 với mức 28 USD cent/lb và sau đó giảm liên tục xuống mức 19 USD cent/lb. Ngoài ra, những hành vi gian lận khai báo xuất xứ, bán phá giá mặt hàng đường vào thị trường Việt Nam của các nước, sự bùng nổ nhập khẩu đường lỏng siro ngô HFCS vào nước ta với mức cao (năm 2023 là 231.000 tấn), cùng nhiều hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu đã được các cơ quan chức năng phát hiện tại hầu như tất cả tỉnh, thành trên cả nước... khiến thị trường đường luôn trong tình trạng thừa cung, đường sản xuất từ mía khó tiêu thụ, đe dọa sự tồn tại của chuỗi liên kết mía - đường.
Dù khó khăn, song ngành Mía đường Việt Nam cũng đã hoàn thành vụ ép mía 2023-2024 trong tháng 6/2024 với sản lượng mía ép đạt trên 11,2 triệu tấn, sản xuất trên 1,1 triệu tấn đường các loại. So với vụ ép 2022-2023, sản lượng mía ép trong vụ này tăng 117,9%, sản lượng đường tăng 118,4%; so với vụ ép 2020-2021, sản lượng mía ép tăng 166%, sản lượng đường tăng 161%. Số liệu này cho thấy, kể từ khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (từ năm 2021), ngành Mía đường nước ta ghi nhận sự hồi sinh, tăng trưởng đáng kể, với giá mua mía của nông dân liên tục được nâng lên và đạt mức 1,2-1,3 triệu đồng/tấn mía, năng suất đường cũng đạt mức tăng trưởng cao với mốc 6,79 tấn đường/ha, đưa ngành Mía đường Việt Nam lên vị trí số 1 về năng suất đường trong khu vực Đông Nam Á.
Tại Phú Yên, niên vụ 2023-2024 vừa qua, diện tích trồng mía toàn tỉnh là 26.192ha, năng suất mía thu hoạch đạt 65,63 tấn/ha, sản lượng trên 1,8 triệu tấn. Giá thu mua mía nguyên liệu tại ruộng của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam và Công ty CP Mía đường Tuy Hòa khoảng 1,33 triệu đồng/tấn đối với mía có chữ đường 10CCS. Các doanh nghiệp cũng thực hiện chính sách đầu tư cho nông dân trồng mía trong vùng nguyên liệu như hỗ trợ tu sửa, nâng cấp các tuyến giao thông nội đồng; hỗ trợ cước vận chuyển mía giống, mía nguyên liệu để nhập về nhà máy; hỗ trợ không hoàn lại khâu làm đất để trồng mới, trồng lại; đầu tư về giống, phân bón, mua máy bơm, thuốc trừ cỏ không tính lãi; hỗ trợ tiền cày đất, công chăm sóc. Đồng thời tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm mía cho nông dân; hỗ trợ triển khai chương trình cơ giới hóa khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch mía...
Bà Đặng Thị Thủy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Hiện Phú Yên có 18 công trình thủy lợi đưa vào sử dụng có khả năng tưới cho khoảng 3.581ha mía, chiếm khoảng 15% diện tích mía toàn tỉnh. Trong đó, vùng nguyên liệu của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam 8 công trình; vùng nguyên liệu của Công ty CP Mía đường Tuy Hòa 10 công trình. Các doanh nghiệp cũng đầu tư không tính lãi để đào các hồ nhỏ, giếng khoan, hỗ trợ mua máy bơm cho những nông dân có điều kiện tưới nước bổ sung cho mía trong những giai đoạn cần thiết chống hạn, góp phần tăng năng suất mía đạt từ 80 tấn/ha trở lên, nhất là những vùng đất thường xuyên xảy ra hạn hán kéo dài.
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Niên vụ 2024-2025 dự báo sẽ tiếp tục đưa ra nhiều thách thức đối với ngành đường trong nước khi phải đối phó với hiện tượng La Nina dự kiến bắt đầu có tác động trong niên vụ, giá vật tư nông nghiệp tăng, tình hình đường nhập lậu, gian lận thương mại đường nhập lậu, tình hình lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và thị trường đường bị thu hẹp do sự gia tăng nhập khẩu đường lỏng sirô ngô HFCS. Niên vụ 2024-2025, dự kiến cả nước có 25 nhà máy đường hoạt động, bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2023-2024, với tổng công suất thiết kế 124.000 tấn mía/ngày. Theo kế hoạch, trong niên vụ 2024-2025, diện tích mía thu hoạch tăng 107%, sản lượng mía chế biến tăng 105%, sản lượng đường tăng 105%.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay: Với những thách thức như giá đường quốc tế có nguy cơ tiếp tục giảm trong thời gian tới, thị trường đường còn nhiều rủi ro, bất ổn, xu hướng tiêu dùng của người dân cũng thay đổi, tình trạng đường nhập lậu vẫn xảy ra…, ngành Mía đường Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Hiệp hội Mía đường Việt Nam cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, hợp lý và tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật cũng như định hướng phát triển của Nhà nước. Hiệp hội đã đề xuất, kiến nghị các đơn vị liên quan tiếp tục củng cố chuỗi liên kết sản xuất mía đường, xây dựng thị trường lành mạnh, phòng chống hành vi gian lận thương mại đường, siết chặt quản lý truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường và có giải pháp ổn định vùng nguyên liệu mía.
Là nhà máy đường có quy mô lớn với sản lượng đường chế biến hằng năm khoảng 250.000 tấn, hiện nay, Nhà máy đường An Khê (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) đã xây dựng hệ thống chế biến đường kính trắng với công suất 18.000 tấn mía/ngày, dây chuyền sản xuất đường tinh luyện với công suất 1.000 tấn đường/ngày và xây dựng Nhà máy điện sinh khối An Khê với công suất 95MW phát lên hệ thống lưới điện quốc gia.
Theo ông Đặng Phú Quý, Phó Tổng giám đốc công ty, để cạnh tranh được với các nước trong khu vực, công ty đã đầu tư xây dựng Xí nghiệp cơ giới hóa nông nghiệp An Khê, Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng giống mía Gia Lai, 8 hệ thống máy thu hoạch mía hiện đại, 230 máy kéo các loại đáp ứng nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu mía An Khê cùng với trên 700 thiết bị, máy nông nghiệp phục vụ công tác phát triển toàn vùng nguyên liệu mía của An Khê. “Công ty còn có kế hoạch mở rộng, nâng công suất nhà máy và ngoài các sản phẩm đường kính trắng, đường tinh luyện, đường vàng có mặt trên thị trường hiện nay, nhà máy cũng sẽ đầu tư sản xuất, cho ra sản phẩm đường lỏng hoàn toàn mới trong thời gian tới”, ông Đặng Phú Quý cho biết.
Ông Thái Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Tuy Hòa chia sẻ: Những niên vụ vừa qua, công ty thu mua mía với giá tốt, cộng với các chính sách hỗ trợ nên nông dân có điều kiện phục hồi sản xuất. Công ty tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vùng nguyên liệu và hoạt động canh tác mía của nông dân; đầu tư, nâng cấp thiết bị, công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng đường... trong niên vụ mới 2024-2025. Chúng tôi mong muốn, các bộ, ngành, địa phương có biện pháp kiểm soát thị trường đường, tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại đường nhập lậu..., tạo công bằng, lành mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất đường trong nước phát triển.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đặng Thị Thủy: Các ngành chức năng của Phú Yên cần tiếp tục nỗ lực để xây dựng, triển khai chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn hay chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thường xuyên khảo nghiệm, du nhập và tuyển chọn các giống mía mới; thực hiện những mô hình trình diễn đầu tư thâm canh mía kết hợp cơ giới hóa khâu làm đất, trồng, bón phân, thu hoạch, tưới nước tiết kiệm… làm cơ sở để nhân rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất mía đường tại địa phương.
KHANG ANH
Thu hoạch lúa thu đông gặp khó vì thời tiết bất lợi
Nguồn tin: Báo Cần Thơ
Lúa thu đông 2024 trên địa bàn TP Cần Thơ đã bước vào thu hoạch nhưng do gặp phải thời tiết có mưa nhiều và thiếu máy gặt đập liên hợp (GĐLH) nên nông dân gặp khó trong thụ hoạch lúa và đã có tình trạng lúa chín không được thu hoạch kịp thời.
Ruộng lúa tại xã Đông Bình, huyện Thới Lai đã chín nhưng chưa được thu hoạch, nông dân phải gom lúa buộc lại thành từng chùm để bông lúa không bị ngập nước, tránh thiệt hại.
Những ngày qua, ảnh hưởng của bão số 3 và áp thấp nhiệt đới, mưa thường xuyên xuất hiện trên địa bàn TP Cần Thơ, kể cả vào các buổi trưa, gây nhiều khó khăn cho việc thu hoạch lúa. Bên cạnh đó, đồng ruộng bị ngập nước, một số trà lúa cũng bị mưa gió làm đổ ngã nên việc đưa máy GĐLH vào đồng ruộng gặp nhiều khó khăn và tốc độ thu hoạch chậm. Do số lượng máy GĐLH tại TP Cần Thơ còn hạn chế và thời điểm này lượng máy GĐLH từ các tỉnh đổ về thành phố làm dịch vụ thu hoạch lúa không nhiều nên tại một số nơi lúa đã chín nhưng chưa được thu hoạch kịp thời, nguy cơ dễ bị đổ ngã và hao hụt, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Giá thuê máy GĐLH ở một số nơi tăng 20.000-70.000 đồng/công, ở mức 330.000-400.000 đồng/công. Việc thu hoạch và tiêu thụ lúa của nhiều nông dân còn phụ thuộc vào thương lái, trong khi thương lái thường chủ động kết nối với các chủ máy GĐLH để quyết định ngày thu hoạch và thu mua lúa của nông dân.
Vụ thu đông 2024, TP Cần Thơ gieo trồng được 68.521ha lúa, đạt 108% so với kế hoạch, cao hơn 290ha so với cùng kỳ năm trước. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, hiện có hơn 1.600ha lúa đã được thu hoạch, năng suất ước đạt 5,3-5,4 tấn/ha. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu ngành Nông nghiệp các địa phương quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn nông dân gia cố bờ bao, vệ sinh hệ thống thủy lợi nội đồng và chuẩn bị phương tiện bơm nước, kịp thời ứng phó với thời tiết cực đoan. Chủ động kết nối, chuẩn bị đầy đủ máy móc, phương tiện phục vụ thu hoạch, vận chuyển, phơi sấy lúa trong thời gian thu hoạch lúa tập trung...
Tin, ảnh: KHÁNH TRUNG
Kiên Giang tổ chức Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024
Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang thông tin Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 tổ chức tại Kiên Giang từ ngày 26 đến ngày 30/9, với chủ đề: “Liên kết cùng phát triển – Kiên Giang 2024”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (bìa trái) tham quan sản phẩm OCOP nước mắm Khải Hoàn Phú Quốc tại Phú Quốc (tháng 3-2024).
Theo đó, diễn đàn có 320 gian hàng của các tổ chức, cá nhân tham gia, gồm: 40 gian hàng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 54 gian hàng của tỉnh Kiên Giang; 116 gian hàng của các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long và địa phương khác; 110 gian hàng khu vực thương mại.
Đến nay, có 33 tỉnh và các đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tham gia với 190/320 gian hàng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang dự kiến diễn đàn sẽ có có 600 đến 800 khách mời tham dự khai mạc và thu hút khoảng 7.000 đến 9.000 khách tham quan sự kiện.
Ngoài trưng bày giới thiệu sản phẩm, diễn đàn còn diễn ra các hoạt động như: Hội nghị kết nối giao thương sản phẩm OCOP vùng đồng bằng sông Cửu Long; hội thi OCOP các sản phẩm tiêu biểu vùng đồng bằng sông Cửu Long; triển lãm quy trình sản xuất nước mắm truyền thống Phú Quốc.
Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tỉnh Kiên Giang đang có 269 sản phẩm OCOP, trong đó: 6 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 36 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 227 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Hiện nay, tỉnh Kiên Giang và các chủ thể, hộ kinh doanh trong cả nước đang hướng đến sản xuất an toàn, xanh, sạch, có chỉ dẫn, truy xuất, nguồn gốc rõ ràng phục vụ người tiêu dùng./.
Như Ngọc
Kiên Giang có khoảng 95.114ha lúa ảnh hưởng lũ
Nguồn tin: Báo Kiên Giang
Ước tính tỉnh Kiên Giang có khoảng 95.114ha lúa thu đông năm 2024; 16.759ha diện tích cây ăn trái; 1.456,2ha hoa màu; 136.264ha tôm nước lợ nằm trong vùng ảnh hưởng lũ.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang sẽ vận hành các cống trên địa bàn tỉnh để điều tiết, thoát lũ, chống ngập úng.
Chiều 18-9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang tổ chức cuộc họp triển khai xây dựng và bổ sung phương án phòng, chống ảnh hưởng của ngập lũ nội đồng năm 2024 trên địa bàn các huyện vùng ảnh hưởng lũ.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, từ tháng 9-2024, mực nước các trạm nội đồng ở Kiên Giang có xu thế lên dần. Mực nước đỉnh lũ tại các khu vực nội đồng tỉnh Kiên Giang xuất hiện phổ biến vào cuối tháng 10 đến đầu tháng 11. Đỉnh lũ tại các trạm khu vực huyện Tân Hiệp, Hòn Đất có thể đạt mức xấp xỉ báo động 2, các trạm khu vực huyện Kiên Lương, Giang Thành ở mức thấp hơn báo động 1 khoảng 20-30cm...
Cảnh báo mực nước lên cao gây ngập úng các khu vực sản xuất ven các kênh Cái Sắn, Rạch Giá - Long Xuyên, Kiên Hải, Ba Thê, Mỹ Thái, Tri Tôn…
Ước tính tỉnh Kiên Giang có khoảng 95.114ha lúa thu đông năm 2024; 16.759ha diện tích cây ăn trái; 1.456,2ha hoa màu; 136.264ha tôm nước lợ nằm trong vùng ảnh hưởng lũ.
Để bảo vệ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang chỉ đạo Chi cục Thủy lợi vận hành hệ thống cống, hệ thống đê bao để kịp thời tiêu úng do mưa lớn kết hợp triều cường và tiêu thoát lũ; đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa các công trình thủy lợi, triển khai nạo vét các kênh, hạ lưu các cống bị bồi lắng để khai thông dòng chảy trong vùng Tứ giác Long Xuyên và đảm bảo vận hành tốt hệ thống lũ ra biển Tây.
UBND các huyện, thành phố rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao, khoanh vùng cụ thể các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của lũ nội đồng, đồng thời đánh giá khả năng chống lũ của từng tuyến đê bao, qua đó kịp thời tăng cường gia cố, tôn cao các đoạn đê bao, bờ bao thấp, yếu có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở trong mùa mưa lũ nhằm đảm bảo an toàn sản xuất.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hướng dẫn nông dân thực hiện sản xuất vụ hè thu và thu đông 2024 phù hợp tình hình nguồn nước, tuân thủ khuyến cáo của các cơ quan chức năng, đảm bảo tận dụng tốt lợi thế lũ mang lại. Phối hợp địa phương thường xuyên kiểm tra tình hình sản xuất trồng trọt tại các vùng ảnh hưởng lũ, tổ chức thu hoạch sớm các diện tích lúa có khả năng chịu ảnh hưởng của lũ để tránh bị thiệt hại...
Tin và ảnh: THÙY TRANG
Thoát nghèo, vươn lên làm giàu
Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế
Từ một hộ nông dân thuộc diện khó khăn, hộ nghèo, ông Trần Hưng Dũng ở tổ dân phố Giáp Thượng 1, phường Hương Văn (TX. Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã vươn lên ổn định cuộc sống, từng bước làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp, ông Dũng phát triển thêm mô hình chăn nuôi gia cầm
Một thời, đời sống của gia đình ông Trần Hưng Dũng cũng như nhiều hộ dân thuần nông ở phường Hương Văn luôn gặp nhiều khó khăn. Vườn tược khá rộng nhưng chưa biết trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế. Con cái càng lớn, điều kiện lo cho con ăn học trở thành gánh nặng đối với vợ chồng ông Dũng nên cái nghèo cứ đeo đẳng.
Trong lúc loay hoay tìm cách làm ăn phù hợp thì gia đình ông được hội nông dân các cấp quan tâm, động viên và chia sẻ cách làm nông nghiệp hiệu quả. Từ đó, một số cây trồng, vật nuôi bắt đầu định hình trong suy nghĩ, tư duy của ông Dũng.
Trước mắt, từ mảnh vườn rộng chừng 2.500m2, ông Dũng trồng 50 gốc chuối, 30 cây mít Thái Lan, 20 cây bưởi da xanh, tre lấy măng… Để cây trái mang lại hiệu quả cao nhất, ông kết hợp kinh nghiệm của “nhà nông” với tìm tòi trên sách báo, tham quan học tập quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây trồng từ nhiều nơi khác. Mồ hôi, công sức, sự cố gắng của ông đã bắt đầu cho “quả ngọt”. Những loại cây trồng có đầu ra ổn định, đem lại nguồn thu nhập bình quân cho gia đình ông mỗi tháng 10 triệu đồng.
Tận dụng vườn nhà và nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp tại chỗ, ông Dũng phát triển thêm mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trước khi chăn nuôi, vợ chồng ông đến các gia trại, trang trại để học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, phòng ngừa và xử lý dịch bệnh. Khi đã tự tin nắm vững các quy trình kỹ thuật, ông Dũng mạnh dạn đầu tư nuôi gà kiến thả vườn để lấy trứng, mỗi lứa khoảng 100 con. Tiếp đến, đàn lợn nuôi ban đầu chỉ vài chục lợn nái, lợn thịt thì đến nay đã tăng đàn lên 70-80 con mỗi lứa.
Ông Dũng chia sẻ, quá trình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, vợ chồng ông luôn có sự đồng hành, hỗ trợ tích cực từ các cấp hội nông dân, các ban ngành của địa phương. Khi gia đình cần vốn, kỹ thuật sản xuất đều được Hội Nông dân địa phương tạo điều kiện, tín chấp vay từ các kênh ưu đãi. Đặc biệt, thông qua phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” do các cấp hội phát động, gia đình ông được hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để vươn lên làm giàu.
Cùng với mô hình chăn nuôi, trồng trọt, người nông dân này còn có ý tưởng kết hợp kinh doanh lĩnh vực khác tìm cơ hội vươn lên làm giàu. Từ nguồn vốn tích lũy, cộng thêm nguồn vốn vay, ông Dũng mạnh dạn đầu tư thu mua lạc trên địa bàn, mua sắm máy lọc vỏ, ép dầu lạc và nhập sản phẩm cho các lò sản xuất kẹo mè xửng trên địa bàn toàn tỉnh. Vợ chồng ông Dũng còn mở hàng quán ăn uống, giải khát để có thêm nguồn thu nhập. Hiện tại, bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt và các loại dịch vụ kinh doanh ước đạt 1,4 tỷ đồng, lãi ròng 600 triệu đồng. Không những giúp đời sống, kinh tế gia đình ổn định, có phần khá giả hơn trước, mô hình sản xuất, kinh doanh của ông Dũng còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, đồng thời giúp đỡ cho 8 - 10 hội viên có việc làm theo mùa vụ...
Bài, ảnh: Hải Triều - Quốc Tuấn
Khởi nghiệp từ nuôi dúi mốc
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, thanh niên Nguyễn Thế Tâm, Chi đoàn thôn 4, xã Long Hà, huyện Phú Riềng (tỉnh Bình Phước) đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi dúi mốc còn mới lạ ở địa phương. 5 năm gắn bó với mô hình này đã mang lại cho gia đình anh thu nhập ổn định, mở ra hướng đi mới và tạo thành phong trào khởi nghiệp từ nuôi dúi mốc cho nhiều thanh niên địa phương.
DÁM NGHĨ, DÁM LÀM
Năm 2019, gắn bó nhiều năm với nghề cạo mủ cao su thu nhập ngày càng eo hẹp, anh Tâm trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế mới. Qua tìm hiểu và so sánh nhiều mô hình kinh tế khác nhau, nhận thấy nuôi dúi mốc phù hợp hoàn cảnh gia đình, điều kiện tự nhiên tại địa phương nên anh quyết tâm thực hiện. Anh bỏ ra số vốn đầu tư ban đầu khoảng 30 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 5 cặp giống về nuôi thử nghiệm.
Dù đã tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc từ lý thuyết đến tham khảo và học hỏi kinh nghiệm thực tế nhiều mô hình ở các tỉnh như Đắk Lắk, Lâm Đồng… nhưng khi nuôi thí điểm đợt đầu, anh Tâm thất bại. Mất số tiền đầu tư con giống ban đầu, anh không nản chí mà quyết tâm đầu tư đợt giống thứ hai với số lượng 10 cặp. Tích lũy kinh nghiệm từ lần thất bại trước và tìm ra nguyên nhân, anh điều chỉnh kỹ thuật chăm sóc, môi trường chăn nuôi phù hợp và đã thành công.
Anh Tâm chia sẻ: Đến năm thứ 2, tôi đã có kinh nghiệm hơn. Thành công lần này giúp tôi có thêm động lực, mạnh dạn đầu tư nhân đàn. Tôi xác định hướng phát triển là nuôi dúi mốc phục vụ cung cấp con giống và thương phẩm. 5 năm nay, sau mỗi lần xuất bán dúi mốc, tôi luôn duy trì và phát triển đàn với số lượng 100 cặp bố mẹ con giống, hơn 100 con dúi thương phẩm để cung cấp ra thị trường. Bình quân mỗi năm mô hình nuôi dúi mốc mang về cho gia đình tôi nguồn thu khoảng 300 triệu đồng.
Kỹ thuật chăm sóc đơn giản, chi phí nuôi thấp chính là ưu điểm lớn nhất của loại vật nuôi này. “Thức ăn của dúi mốc là cây tre, các loại cây họ tre, thức ăn bổ sung như bắp, cỏ voi. Tôi cho dúi ăn 3 loại thức ăn chính, gồm: tre, bắp kèm với mía để cấp nước cho dúi. Mới đây, tôi đã lắp đặt hệ thống vòi nước cho dúi uống. Nuôi dúi mốc không khó nhưng người nuôi phải đặc biệt chú ý nhiệt độ. Do cơ thể dúi nhiều lông, nếu vượt quá 35OC thì dúi mốc dễ bị sốc nhiệt. Vì vậy, ngoài đảm bảo thức ăn thì cần làm mát chuồng nuôi, giữ nhiệt độ phù hợp với thân nhiệt của dúi” - anh Tâm chia sẻ thêm về kỹ thuật chăm sóc dúi mốc.
Nuôi dúi mốc có đầu ra ổn định, đây là thực phẩm được thực khách ưa thích. Nuôi dúi vốn đầu tư không lớn, diện tích chuồng nuôi không cần quá rộng, thậm chí có thể tận dụng chuồng của vật nuôi khác đã bỏ trống.
LAN TỎA TINH THẦN KHỞI NGHIỆP
Từ thành công của thanh niên Nguyễn Thế Tâm đã truyền động lực khởi nghiệp cho nhiều đoàn viên thanh niên xã Long Hà. Có hướng khởi nghiệp và được hỗ trợ con giống ban đầu, kỹ thuật chăm sóc, xây dựng chuồng nuôi cũng như đầu ra sản phẩm, anh Nguyễn Trung Bình ở thôn 10, xã Long Hà quyết định đầu tư nuôi dúi mốc.
Hiện nay đàn dúi của gia đình anh Tâm luôn giữ số lượng khoảng 400 con
Khi được anh Tâm hướng dẫn, anh Bình đã tự xây dựng chuồng nuôi. Ban đầu anh đầu tư khoảng 100 con giống. Anh Bình cho biết: Tôi tận dụng nhà kho cũ của gia đình rồi dọn dẹp sạch sẽ, xử lý môi trường đảm bảo an toàn để làm chuồng nuôi dúi mốc. Kỹ thuật nuôi chủ yếu là chế độ ăn uống, nhiệt độ chuồng nuôi. Dúi ít mắc bệnh, đầu ra dễ và có giá trị kinh tế cao. Trong quá trình nuôi, tôi được anh Tâm và Đoàn thanh niên xã Long Hà hỗ trợ chuyển giao mô hình, kỹ thuật chăm sóc, con giống và đầu ra sản phẩm. Tôi sẽ cố gắng phát triển mô hình ngày càng hiệu quả.
Đoàn thanh niên xã Long Hà có 145 đoàn viên, có 5 mô hình nuôi dúi mốc được đầu tư bài bản đang phát huy hiệu quả kinh tế. Từ thành công của các mô hình đi trước đã tạo động lực cho nhiều thanh niên trong xã mạnh dạn khởi nghiệp phù hợp điều kiện gia đình.
Chị KIỀU THỊ THÚY PHƯƠNG, Phó Bí thư Đoàn xã Long Hà: Phong trào nuôi dúi trong thanh niên xã khởi phát cách đây 5 năm, bắt đầu từ đoàn viên Nguyễn Thế Tâm. Hiện mô hình của anh Tâm có số lượng đàn lớn, nhiều dòng sản phẩm để cung cấp ra thị trường mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Tâm rất tâm huyết với mô hình này và sẵn sàng hỗ trợ đoàn viên thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp từ kỹ thuật chăm sóc đến con giống, đầu ra.
Thành công từ mô hình nuôi dúi của anh Tâm và nhiều thanh niên khác trên địa bàn xã Long Hà đã khẳng định, thanh niên nông thôn hoàn toàn có thể lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Điều quan trọng nhất là tinh thần vượt khó vươn lên. Với tinh thần đó, nhiều năm nay, phong trào khởi nghiệp trong thanh niên xã Long Hà được nhiều đoàn viên thanh niên hưởng ứng. Hoạt động này đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua phát triển kinh tế, phát huy sức trẻ xây dựng, phát triển địa phương ngày càng giàu mạnh.
Ngọc Bích
Bến Cầu (Tây Ninh): Mô hình 'Nuôi dế khép kín, không ô nhiễm môi trường' phát huy hiệu quả
Nguồn tin: Báo Tây Ninh
Nghề “Nuôi dế thương phẩm” ở huyện Bến Cầu không mới, nhưng để mô hình này phát triển, không xảy ra dịch bệnh và có lợi nhuận cao thì ít người làm được.
Bắt đầu nuôi dế từ năm 2008 với 20 lồng, anh Võ Văn Tánh (ngụ ấp Bàu Tràm Lớn, xã Tiên Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh) đã có sáng kiến kỹ thuật trong thực hiện mô hình “Nuôi dế khép kín không ô nhiễm môi trường” mang lại thu nhập ổn định, ít có trường hợp dế bị dịch bệnh.
Đến nay, anh Tánh đã phát triển nuôi 87 lồng dế, chuồng trại nuôi được thiết kế an toàn với máy tôn cách nhiệt, có trang bị hệ thống phun nước khi thời tiết ở nhiệt độ cao; mỗi lồng nuôi có diện tích khoảng 3m2, được lót gạch men để dế không bò ra ngoài và bên trong chuồng có trang bị hệ thống máy phun sương nước cho dế uống.
Trong chăm sóc, quản lý dế, anh Tánh rất quan tâm về nguồn thức ăn. Ngoài cám công nghiệp và lá mì, vào những thời điểm thiếu lá mì, anh thay thế bằng cây lục bình vớt ở sông. Hiện gia đình anh Tánh thuê hẳn 2 ha đất trồng mì để tạo nguồn thức ăn cho dế; thường xuyên theo dõi điều chỉnh thức ăn, tránh trường hợp cho dế ăn cám công nghiệp quá dư thừa sẽ làm bẩn chuồng trại tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển, ảnh hưởng lãng phí, tăng giá thành khi chăn nuôi.
Các lao động giúp gia đình anh Tánh tạo ra sản phẩm dế thành phẩm đi tiêu thụ.
Bên cạnh đó, anh luôn chú trọng đến mật độ chăn nuôi dế cho phù hợp với diện tích lồng; ưu tiên lựa chọn con giống khoẻ, từ việc chọn dế bố mẹ đến kỹ thuật làm khai trứng cho dế đẻ và ấp trứng dế tự nở thành dế con.
Nghề “Nuôi dế khép kín, không ô nhiễm môi trường” của hộ anh Tánh thực sự có lãi và tìm được thị trường tiêu thụ. Năm 2016, anh Tánh đầu tư phát triển nghề nuôi dế và mua 1 chiếc xe ô tô tải, mỗi ngày vận chuyển khoảng 200kg dế đi Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Ngoài ra, anh Tánh còn hợp đồng với 16 hộ nuôi dế, với khoảng 250 chuồng nuôi, bao tiêu với giá 40.000 đồng/kg và mỗi tháng tiêu thụ khoảng 1 tấn dế thịt thương phẩm của các hộ nuôi. Gia đình anh Tánh có thu nhập bình quân khoảng 60 triệu đồng/tháng và đã tạo việc làm thường xuyên cho 39 lao động ở địa phương.
Quang Son
Để nghề nuôi ‘chim nhả vàng’ phát triển bền vững
Nguồn tin: Báo Vĩnh Long
Nghề nuôi chim yến một số nơi mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, không phải địa phương nào, vùng nào cũng có thể thực hiện được. Để phát triển bền vững nghề nuôi chim yến, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người nuôi chim yến trong việc tuân thủ các quy định, có quy hoạch các vùng nuôi, kèm theo là những giải pháp đồng bộ.
Hiệu quả kinh tế cao
Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh Vĩnh Long), nghề nuôi chim yến ở Vĩnh Long xuất phát muộn hơn so với các tỉnh, ghi nhận thời gian manh nha khoảng từ năm 2010.
Năm 2022, Vĩnh Long xếp thứ 34/42 tỉnh, thành phố về số lượng nhà yến- nhóm 10 tỉnh có số lượng nhà yến thấp nhất cả nước. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có hơn 150 nhà yến, sản lượng tổ yến khoảng 790 kg/năm.
Các cơ sở nuôi phân bố đều tại các địa phương trong tỉnh. Thị trường tiêu thụ tổ yến chủ yếu bán trực tiếp cho người tiêu dùng (chiếm 50%), phục vụ gia đình (22%), số còn lại bán cho thương lái (15%) và xuất ra ngoài tỉnh (13%).
Bắt đầu xây nhà nuôi chim yến từ 4 năm trước, chú Nguyễn Văn Nghé (xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít) cho biết: “Ban đầu tôi cũng chỉ muốn nuôi thử để có sản phẩm và có thu nhập. Nhưng sau khi thấy hiệu quả và tiềm năng lớn từ mô hình nuôi yến nên tôi mở thêm nhà yến.
Hiện tôi có 3 nhà yến, tôi cũng đã đăng ký sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ yến mang thương hiệu Út Nghé. Đến nay, đã có 4 sản phẩm từ yến sào thô, yến tinh chế và yến chưng chai, riêng sản phẩm yến chưng chai vừa đạt sản phẩm OCOP 3 sao”.
Theo nhiều người nuôi yến, tổ chim yến hay còn gọi là “lộc trời”, “chim nhả vàng”, đã mang lại cho người nuôi thu nhập cao. Song, trên thực tế, đây không phải là nghề “dễ ăn”. Bởi, để dụ yến vào nhà, cần phải nắm vững nhiều kỹ thuật, thiết kế nhà phải có gió, ánh sáng, đảm bảo vệ sinh chuồng trại…
Theo đánh giá của ngành chức năng, phần lớn các hộ nuôi chim yến đều tuân thủ quy định về vùng nuôi, về bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, do nghề nuôi yến trong tỉnh mới phát triển, còn mang tính chất tự phát.
Một số cơ sở còn gặp khó khăn trong việc mua bán, thương mại sản phẩm tổ yến, chưa có thị trường ổn định, đầu tư vào khâu chế biến sâu còn hạn chế, chủ yếu tiêu thụ dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu…
Đó là chưa kể, có tình trạng một số tổ chức, cá nhân đến các tỉnh tư vấn xây dựng nhà yến nhưng mục đích chính là thu tiền tư vấn, bán vật tư làm nhà yến mà không quan tâm đến việc xây nhà yến xong, yến có đến ở hay không. Việc này có thể gây thiệt hại rất lớn cho người dân và ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý ngành.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Thời gian qua, ngành chức năng cũng đã tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở pháp lý để hộ chăn nuôi yến hoạt động, đồng thời cũng quan tâm kiểm tra, nhắc nhở các chủ nhà nuôi yến đảm bảo tuân thủ các quy định trong hoạt động.
Song, để nghề nuôi chim yến phát triển bền vững, cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác quản lý nuôi chim yến, tăng cường kiểm soát, xử lý những vấn đề bất cập và khai thác hiệu quả nguồn lợi kinh tế này.
Nhằm trang bị kiến thức khoa học và thực tiễn giúp phát triển bền vững, tăng giá trị kinh tế cho nghề nuôi chim yến, Cục Chăn nuôi cũng đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật cơ bản về nuôi chim yến.
Để nghề nuôi chim yến phát triển bền vững, cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác quản lý nuôi chim yến.
Cụ thể, khi chọn vùng và vị trí xây nhà nuôi yến, ngoài việc phải tuân thủ các quy định pháp luật thì người nuôi cần khảo sát sự phân bố quần thể và tập tính sinh học chim yến.
Chọn những nơi phong phú nguồn thức ăn cho chim yến và môi trường tiểu khí hậu ôn hòa; nơi thuận lợi về giao thông, điện, nước; có không gian xung quanh đảm bảo vòng lượn cho chim bay, an toàn sinh học cho nhà yến và con người; nơi ít bị tác động tiếng ồn, mùi hôi, khói bụi, vật cản đường chim bay,...
Cần đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho sự sinh trưởng, sinh sản, phát triển đàn chim yến. Nên có vùng đệm giữa nhà nuôi chim yến với nơi sinh hoạt của con người hoặc các nguồn gây mất vệ sinh.
Phải đảm bảo an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh và nâng cao hiệu quả nuôi. Nhà yến xây xong cần làm vệ sinh sạch sẽ và xử lý các mùi hôi đặc biệt là mùi keo, mùi xi măng…
Tùy theo số lượng tổ mà có giải pháp khai thác phù hợp không ảnh hưởng đến sự phát triển quần thể chim yến. Ngoài ra, cần lưu ý về 18 chỉ tiêu yêu cầu về kỹ thuật tổ yến sau sơ chế và cần ghi nhật ký quản lý nhà yến, nhật ký thu hoạch tổ yến.
Để người dân tiếp cận các quy định chăn nuôi yến, ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản, cho biết: Đơn vị cũng đã có tổ chức hội nghị phổ biến quy định pháp luật về chăn nuôi chim yến, phổ biến đến với người chăn nuôi rằng nghề nuôi chim yến là nghề có điều kiện, quy định pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời, cần sản xuất sản phẩm yến hướng tới xuất khẩu chứ không dừng lại tiêu thụ tại chỗ. Theo đó, xuất khẩu phải tuân thủ các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn sinh học và đặc biệt là chất lượng tổ yến và các yêu cầu của Nghị định thư về các yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm nhập khẩu tổ yến, yêu cầu hàng hóa nhập khẩu…
Thời gian tới, ngành thú y sẽ tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc kê khai cơ sở nuôi chim yến, khuyến cáo hộ nuôi thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và chế biến các sản phẩm yến tại địa phương.
Trên cơ sở Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2020 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, khu vực không được phép chăn nuôi là các phường thuộc TP Vĩnh Long và TX Bình Minh; thị trấn các huyện Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn, Bình Tân và khu dân cư nằm trong khu trung tâm các xã. Vùng nuôi chim yến là khu vực nằm ngoài khu vực không được phép chăn nuôi.
Bài, ảnh: THẢO LY
Nuôi chim cút lấy trứng lộn
Nguồn tin: Báo Lâm Đồng
Khác với nhiều nông hộ nuôi chim cút lấy trứng thường, một gia đình ở xã Hòa Ninh, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) chọn con đường nuôi chim cút cho trứng lộn. Tuy quy trình sản xuất cần chú trọng nhiều kỹ thuật hơn nhưng cũng đem lại hiệu quả kinh tế xứng đáng.
Ông Đoàn Văn Đồng kiểm tra mẻ ấp
Gia đình ông Đoàn Văn Đồng, Thôn 6, xã Hòa Ninh, huyện Di Linh bắt đầu nuôi chim cút từ năm 2017. Ông Đoàn Văn Đồng cho biết: “Ban đầu, gia đình cũng nuôi gà, nuôi chim cút lấy trứng tươi, trong nghề chúng tôi gọi là trứng lạt. Sau đó, nhận thấy nhu cầu thị trường với trứng cút lộn, gia đình đã chuyển hướng sang nuôi cút ấp trứng lộn”. Hiện tại, gia đình ông Đoàn Văn Đồng đang nuôi 40 ngàn chim cút theo kĩ thuật nuôi và ấp trứng lộn.
Ông Đoàn Văn Đồng cho biết, khác với những hộ nuôi cút lấy trứng tươi, trứng lạt; trại nuôi chim cút làm trứng lộn phải có giống đực và cái. Hiện tỷ lệ của trại cút nhà ông đang là 1 trống - 4 mái. Cút đực và con cái được thả chung chuồng, với chế độ ăn giàu dinh dưỡng. Một ô chuồng, ông thả từ 45 - 50 con cút, trong đó có 5 cút đực, còn lại là cút cái. Theo ông Đồng, chu trình phát triển của cút rất nhanh, từ khi nhập về chỉ 21 ngày là sinh sản. Tuy nhiên, lứa trứng thời gian đầu chưa đủ thành thục để ấp thành trứng lộn. Trứng cút thời gian đầu được bán như trứng bình thường, sau 21 ngày đẻ, trứng mới đủ lớn để ấp thành trứng lộn.
Hiện tại, gia đình ông Đoàn Văn Đồng có 3 lò ấp, mỗi lần ấp được 20 ngàn trứng. Ông Đồng thông tin: “Trứng cút ấp nở ra con cút non là từ 17 - 21 ngày. Nhưng ấp để làm trứng lộn thì chỉ tám ngày là ra một mẻ thành phẩm. Trứng cút ấp 8 ngày là con trong trứng đạt độ vừa, thị trường ưa chuộng”. Điều ông Đoàn Văn Đồng chia sẻ đó là kĩ thuật nuôi cút lấy trứng lộn không khác nhiều so với nuôi cút lấy trứng tươi bình thường. Chủ yếu là cho ăn đủ, nước uống đủ và làm vệ sinh sạch sẽ hàng ngày. Tuy nhiên, loại cám dành cho cút nuôi làm trứng lộn phải là cám chuyên biệt. Vì vậy, trại cút của gia đình ông đã chọn hãng cám uy tín, cung cấp cám đạt chất lượng tốt. Anh Trần Bảo Long, cán bộ kĩ thuật Công ty Rico feet Đồng Nai, công ty chuyên cung cấp cám gia súc, gia cầm thông tin: “Dinh dưỡng cho cút nuôi lấy trứng lộn khá khác biệt so với các loại cám bình thường. Chúng tôi cung cấp cho trang trại của ông Đoàn Văn Đồng loại cám có dinh dưỡng phù hợp với cút nuôi chuyên biệt cũng như tư vấn kỹ thuật chăm sóc, vắc xin... cho cút. Cho ăn thức ăn đúng, chất lượng trứng mới đủ tốt, tỷ lệ ấp nở ra trứng lộn cao”.
Công đoạn ấp cũng là công đoạn đòi hỏi người nông dân phải chú ý. Trứng được đưa soi dưới đèn xem có trống hay không. Sau khi soi xong, trứng được đưa vào ấp. Sau tám ngày, mẻ ấp hoàn thành, tiếp tục soi trứng để loại những quả trứng bị hư hỏng. Chỉ có những quả trứng đạt chất lượng tốt mới được đưa ra thị trường. Vì vậy, nuôi cút để ấp trứng lộn tốn nhiều công lao động, ông Đồng chia sẻ.
“Nuôi cút làm trứng lộn thực ra hư hao khá lớn. Tuy nhiên, trứng hư được sử dụng để ủ phân hữu cơ cho kết quả rất tốt. Đây cũng là một nguồn phân giúp vườn cà phê của gia đình tôi xanh cây, dày trái, đất tơi xốp, giảm chi phí phân bón rất nhiều”, ông Đoàn Văn Đồng nhận xét. Hiện tại, giá trứng cút lộn được cung cấp với giá 100 trứng/ 65 ngàn đồng. Ngoài ra, gia đình còn thu được lượng phân cút rất lớn để cung ứng cho các nông hộ có nhu cầu. Ông Đồng cho biết, một tuần, trang trại thu được 5 tấn phân, giá 2 ngàn đồng/kg, là một nguồn thu ổn định cho gia đình. Ông Đoàn Văn Đồng cũng cho biết, trước khi nuôi cút làm trứng lộn, ông đã có hợp đồng thu mua trứng thường xuyên nên không lo ngại vấn đề đầu ra. Theo ông, nông dân trước khi chăn nuôi đều nên tìm kiếm đầu ra ổn định để đảm bảo an toàn.
Bà Nguyễn Thị Hải - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Ninh, huyện Di Linh nhận xét, mô hình nuôi chim cút lấy trứng lộn của nông dân Đoàn Văn Đồng là một mô hình kinh tế hiệu quả. Gia đình ông Đoàn Văn Đồng đã cung ứng ra thị trường một lượng trứng cút lộn, đồng thời cũng là nông hộ trồng cà phê cho năng suất cao. Ông Đồng đã triển khai ủ phân hữu cơ từ phân cút, trứng cút hỏng, là một mô hình xử lý môi trường xanh, định hướng canh tác cà phê, sầu riêng bền vững. Từ hiệu quả của mô hình ủ phân hữu cơ của gia đình ông Đoàn Văn Đồng, nông dân xung quanh cũng tăng cường ủ phân từ nguồn phân gia súc, gia cầm, phế phẩm nông nghiệp để bón cho cây trồng, giảm lượng phân hoá học, đồng thời xử lý môi trường an toàn.
DIỆP QUỲNH
Hiếu Giang tổng hợp