Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 24 tháng 5 năm 2024

Trang chủ»Tin tức»Tổng hợp tin nông nghiệp ngày 24 tháng 5 năm 2024

 

Xoài Cam Lâm (Khánh Hòa): Đầu ra còn bấp bênh

 

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa

Tuy không còn cảnh giá xoài chạm đáy như năm ngoái, nhưng năm nay, năng suất xoài ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) chưa đạt như mong đợi. Mặt khác, người trồng xoài vẫn đang gặp khó khăn trong việc gia tăng giá trị, ổn định đầu ra cho loại nông sản này.

Xoài rải vụ, giá thay đổi liên tục

Gia đình bà Nguyễn Thị Đào (thôn Tân Sinh Tây, xã Cam Thành Bắc) chỉ có 70 cây xoài Úc trên diện tích 3 sào nhưng thu hoạch gần 1 tháng nay vẫn chưa xong. Lý do là xoài đến độ thu hoạch không đều, trái già trái non xen lẫn nhiều, không rộ như các năm trước nên thời gian thu hoạch dài hơn. Điều đáng nói, giá thu mua xoài thời gian qua liên tục thay đổi. “Cách đây nửa tháng, xoài Úc được mua với giá 15.000 đồng/kg, hiện nay giảm chỉ còn khoảng 9.000 đồng/kg” - bà Đào cho biết. Ông Lê Tùng, chồng bà Đào cho biết, năm nay, xoài không đạt năng suất nhưng giá bán tăng lên gấp đôi, gấp ba so với năm trước.

 

 

Vào vụ xoài, nông dân Cam Lâm đối diện với nhiều nỗi lo.

Theo những người trồng xoài ở Cam Lâm, giá xoài rất vô chừng. Chẳng hạn xoài Úc tại thời điểm đầu tháng 5, loại 1 được mua với giá 26.000 đồng/kg, loại 2 là 8.000 đồng/kg và loại 3 (xoài bia) 3.000 đồng/kg. Ngoài việc giá xoài của từng loại liên tục thay đổi, nay lên mai xuống, việc xác định tỷ lệ loại 1, loại 2, loại 3 cũng tùy thuộc vào thị trường. Khi thị trường cần nhiều hàng, tỷ lệ loại 1, 2 cao hơn, còn khi ế ẩm, các tỷ lệ này cũng thay đổi.

Ông Võ Tấn Thống - Giám đốc Hợp tác xã Cây ăn quả Cam Thành Bắc cho biết, gia đình ông có 6ha xoài, trong đó 4ha xoài Úc, còn lại là xoài cát Hòa Lộc, xoài Đài Loan. Năm nay, do tình hình thời tiết và mức độ chăm sóc của nông dân nên xoài ra hoa nhiều đợt, rải rác. Cảnh mua bán tại các vựa xoài cũng không quá tấp nập. Bình thường mỗi ngày, vựa thu mua hàng chục tấn, nhưng năm nay, mỗi ngày chỉ mua được 4 - 5 tấn. Ngoài ra, năng suất xoài năm nay cũng không đạt như mong đợi, 1ha xoài Úc hiện chỉ đạt khoảng 9 tấn/ha, bình thường đạt tới 15 - 17 tấn/ha. Vì vậy, dù giá mua xoài đạt 10.000 - 11.000 đồng/kg, gấp đôi so với năm trước, nhưng nhìn chung, thị trường tiêu thụ vẫn còn khá bấp bênh, thiếu ổn định.

Mong đầu ra ổn định hơn

Theo ông Đặng Chí Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm, trên địa bàn huyện có khoảng 7.000ha xoài, trong đó có 4.000ha xoài Úc, còn lại là xoài Canh nông, Hòa Lộc, Đài Loan, tứ quý. Ngoài ra, giống xoài Keitt đang được trồng thử nghiệm, mở rộng diện tích, bổ sung vào cơ cấu giống xoài trên địa bàn huyện. Những năm qua, xoài Cam Lâm chịu sức ép cạnh tranh về giá và chất lượng với một số vùng xoài trong nước và các nước lân cận. Do đó, nhiều thời điểm giá xoài giảm sâu dưới giá thành sản xuất, nông dân thua lỗ. Các loại sâu bệnh hại trên cây xoài như: Rầy, bọ trĩ, thán thư... cũng làm tăng chi phí sản xuất, giảm năng suất, chất lượng xoài, là rào cản để trái xoài Cam Lâm đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu, đặc biệt là đối với các thị trường khó tính.

Ông Võ Tấn Thống cho biết, Hợp tác xã Cây ăn quả Cam Thành Bắc có 23 thành viên, diện tích khoảng 70ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, được cấp mã số vùng trồng. Tuy nhiên đến nay, sản phẩm xoài của hợp tác xã vẫn chưa thể xuất khẩu chính ngạch sang các nước khác. Hợp tác xã mong muốn được Nhà nước hỗ trợ, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nhằm giúp ổn định đầu ra cho trái xoài.

Tương tự, ông Hồ Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc cho biết, thời gian qua, UBND huyện đã quan tâm mở nhiều lớp về ứng dụng khoa học công nghệ trong chăm sóc, thu hoạch xoài; nông dân cũng học hỏi, áp dụng, sản xuất ra xoài an toàn được chứng nhận, đã hình thành hợp tác xã để cùng nhau nâng cao quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Dẫu vậy, xoài trên địa bàn xã chủ yếu được bán trong nước. Mối liên kết giữa nông dân trồng xoài và hoạt động tiêu thụ vẫn chưa thực sự bền vững.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm, thời gian qua, UBND huyện đã triển khai nhiều giải pháp xây dựng, quảng bá thương hiệu xoài Cam Lâm; đồng thời hỗ trợ tiêu thụ xoài cho nông dân, như: Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận xoài Cam Lâm cho sản phẩm xoài tươi” được trồng và thu hoạch trên địa bàn huyện; phối hợp với các cơ quan liên quan cấp mã số vùng trồng xoài cho 5 địa phương có diện tích xoài lớn gồm: Cam Đức, Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc, Cam Hòa, Suối Tân nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Việc đẩy mạnh chế biến, gia tăng giá trị của trái xoài Cam Lâm như: Xoài sấy dẻo, mứt xoài, bánh xoài… cũng đã được triển khai và bước đầu cho ra thị trường sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn OCOP. Việc phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch trải nghiệm vườn xoài cũng được tích cực triển khai... Tuy nhiên, vườn xoài đẹp chỉ tập trung vào giữa tháng 4 đến đầu tháng 6 hàng năm; thời điểm khác, xoài hầu như không có trái. Do vậy, thời gian tới, UBND huyện khuyến khích mở rộng diện tích xoài liên kết khai thác du lịch, xử lý cho xoài ra hoa rải vụ và trái vụ để phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm trong khoảng thời gian dài hơn. Ngoài ra, các lớp đào tạo, hướng dẫn nông dân làm du lịch, chuyển đổi số trong nông nghiệp, kết hợp quảng bá du lịch vườn xoài gắn với tiêu thụ sản phẩm xoài thông qua các nền tảng trực tuyến, phát triển thương mại điện tử cũng đang được xây dựng và triển khai nhằm góp phần quảng bá, tiêu thụ xoài Cam Lâm được ổn định, bền vững hơn.

HỒNG ĐĂNG

 

Ninh Hải (Ninh Thuận): Chuyển đổi cây trồng tăng hiệu quả sản xuất

 

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận

Trước những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu (BĐKH), huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đã và đang chủ động triển khai thực hiện nhiều mô hình, giải pháp ứng phó, nhất là tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Qua đó góp phần khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nâng cao giá trị sản xuất và tăng thu nhập cho người dân địa phương .

Để phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với tình hình BĐKH, huyện Ninh Hải đã quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng giảm diện tích trồng lúa, hạn chế tối đa sản xuất lúa 3 vụ với những vùng, khu vực không thuận lợi cho cây lúa, chuyển sang các loại cây trồng khác hiệu quả hơn, trong đó chú trọng tăng nhanh các ngành hàng, các loại cây trồng có lợi thế so sánh và tính cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhằm phát triển nông nghiệp bền vững và tăng thu nhập cho người dân.

Ông Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Hải cho biết: Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi bền vững, góp phần mang lại nguồn kinh tế ổn định cho nông dân, huyện luôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn tìm tòi, sáng tạo tìm ra các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với xu thế phát triển của thị trường hiện nay. Theo Kế hoạch chuyển đổi vụ đông - xuân năm 2023-2024, toàn huyện chuyển đổi 24,5ha. Đến nay đã chuyển đổi 22,5ha, đạt 91,8 % kế hoạch. Trong đó, chuyển đổi trên đất lúa 7ha; chuyển đổi trên đất khác 15,5ha. Chủ yếu là các loại cây ăn trái như: Mít, xoài, táo, dưa hoàng kim, dưa hấu... mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cây trồng đã và đang mang lại hiệu quả khả quan, thu nhập và đời sống của người dân huyện Ninh Hải từng bước ổn định và ngày càng nâng lên.

Khoảng 5 năm nay, gia đình bà Võ Thị Lễ, ở thôn Khánh Phước, xã Nhơn Hải (Ninh Hải), đã chuyển đổi 2 sào đất trồng cỏ trước đây sang trồng táo, mỗi năm 2 vụ, năng suất trung bình đạt gần 4 tấn/vụ, cho thu nhập gần 100 triệu/năm. Bà Lễ cho hay: Trước đây gia đình tôi trồng cỏ cho gia súc ăn, nhưng năng suất thấp, quá trình làm đất và chăm sóc cỏ, tôi đều phải dùng máy bơm nước vào ruộng rất vất vả và mất nhiều công lao động. Sau khi được tuyên truyền chuyển đổi cây trồng phù hợp, tôi chuyển hẳn sang trồng táo và thấy hiệu quả đạt được gấp 3 lần so với trồng cỏ, sử dụng hệ thống tưới phun giúp tiết kiệm nước và công lao động, vòng thời gian thu hoạch táo kéo dài trên 10 năm, nên tôi thấy việc chuyển đổi cây trồng rất hợp lý và hiệu quả.

Tại xã Phương Hải, gia đình ông Nguyễn Văn Chục, thôn Phương Cựu 3, xã Phương Hải, cũng chuyển đổi hơn 4 sào đất lúa kém hiệu quả sang trồng dưa hấu, dưa hoàng kim, dưa leo cách đây vài năm và bước đầu mang lại hiệu quả. Ông Chục cho biết: Canh tác lúa của gia đình trước đây gặp không ít khó khăn do phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên, năm nào thời tiết thuận lợi thì sản xuất được 2 vụ, không thì chỉ một vụ. Năng suất lúa vụ nào cao nhất cũng chỉ được khoảng 8 tạ/sào. Để thích nghi với thời tiết nắng nóng tôi chọn trồng các loại dưa như: Dưa hoàng kim, dưa hấu, dưa leo và khổ qua. Sản lượng của các loại dưa cao hơn, như dưa hoàng kim đạt 2 tấn/sào, dưa hấu đạt 4 tấn/sào, lãi cũng cao gấp đôi trồng lúa, một năm thu hoạch được 2 vụ, trừ hết chi phí tôi thu được trên 100 triệu đồng/năm.

 

 

Ông Nguyễn Văn Chục, thôn Phương Cựu 3, xã Phương Hải (Ninh Hải) chăm sóc dưa hấu trên diện tích đất lúa chuyển đổi.

Cùng với bà Lễ, ông Chục, nhiều bà con nông dân trên địa bàn huyện Ninh Hải đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là những diện tích lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác như sáo tam phân, nha đam, mít, xoài... Theo ngành chức năng, quá trình chuyển đổi cây trồng cho thấy hiệu quả mang lại cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, góp phần nâng giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp trồng trọt.

Nhìn chung, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa ứng phó với BĐKH không những mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đây cũng được xem là giải pháp để người dân địa phương an tâm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, hướng đến sản xuất an toàn, bền vững trước thách thức của BĐKH trong tình hình hiện nay. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp địa phương thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần hoàn thành các tiêu chí trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất, nâng cao thu nhập bình quân đầu người. Thời gian tới, huyện Ninh Hải sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ, định hướng chuyển đổi cây trồng thích ứng với BĐKH, phát huy lợi thế của từng vùng, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị phát triển bền vững cho sản xuất nông nghiệp địa phương. Từ đó thực hiện tốt các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng huyện Ninh Hải đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao trong thời gian sớm nhất mà nghị quyết Đảng bộ huyện đã và đang chú trọng tập trung thực hiện trong suốt thời gian qua.

Hồng Nguyệt

 

Linh hoạt trong sản xuất

 

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Trên địa bàn tỉnh Bình Phước, các loại cây ăn trái ngày càng phong phú, đa dạng. Để tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư, linh hoạt, sáng tạo trong thực tế sản xuất.

Làm trái cây nghịch vụ

Gia đình anh Trần Tấn Phong ngụ ấp Chà Lon, xã Minh Đức, huyện Hớn Quản có 8 ha trồng cây ăn trái, gồm 2 ha sầu riêng và 6 ha chôm chôm Thái. Xuất thân là nông dân ở tỉnh Vĩnh Long, vùng đất chuyên trồng cây ăn trái nên anh Phong có nhiều kinh nghiệm trong trồng 2 loại cây này, trong đó kỹ thuật cho cây ra bông nghịch vụ là sở trường.

 

 

Vườn sầu riêng nghịch vụ của hộ anh Trần Tấn Phong ngụ ấp Chà Lon, xã Minh Đức, huyện Hớn Quản bán với giá 74.000/kg, thời điểm đầu tháng 4-2024

Anh Phong cho biết, để xử lý sầu riêng ra bông nghịch vụ, cần có các biện pháp gây ức chế, giảm sự sinh trưởng, phát triển của cây đến một thời điểm nhất định. Trong số các biện pháp, kỹ thuật siết nước giữ vai trò quan trọng. Toàn bộ khu vườn của anh Phong cạnh suối. Để việc tưới, tiêu, siết nước thuận lợi, anh trồng theo hàng, đắp đất cao thành liếp. Khoảng cách giữa hai hàng cây được thiết kế mương rộng khoảng 1m, độ sâu giảm dần theo chiều dài hàng cây từ 50cm-1,5m ra suối. Để siết nước, anh áp dụng phương pháp phủ bạt nông nghiệp từng hàng. Phương pháp này vừa hạn chế cỏ mọc, đồng thời khi có mưa, nước mưa sẽ trôi trên bạt xuống rãnh, không ngấm vào đất, rễ cây. Căn cứ thời điểm muốn cây ra bông sẽ cuốn bạt, tưới nước.

“Sầu riêng Thái rất nhạy cảm với nước. Trong điều kiện cây đang khô, “khát”, khi tưới nước sẽ kích hoạt toàn bộ hoạt động của bộ rễ, thúc đẩy sinh trưởng. Tuy nhiên, nếu dư nước thì cây sẽ ra đọt, thiếu nước cây không ra bông” - anh Phong chia sẻ.

Anh Phong cho biết thêm: Với phương pháp xử lý nghịch vụ, đầu tháng 4-2024, gia đình anh thu hoạch 5 tấn sầu riêng Ri6, thương lái mua tại vườn với giá 74.000 đồng/kg. Cuối tháng 4, đầu tháng 5-2024, anh tiếp tục thu khoảng 20 tấn sầu riêng monthoong, giá bán 70.000 đồng/kg. Đầu tháng 5-2024, trong khi đa số các vườn chôm chôm trong tỉnh còn trái non, nhưng 6 ha chôm chôm của gia đình anh đã chín đỏ vườn. Những ngày đầu mùa giá bán cao nhất đạt 50.000 đồng/kg, sau đó giảm dần còn 28.000 đồng/kg. 6 ha chôm chôm của gia đình anh đạt sản lượng khoảng 50 tấn. May mắn của gia đình có số lượng chôm chôm bán giá 50.000 đồng/kg chiếm khoảng 65%, nên doanh thu cả vụ đạt hơn 2 tỷ đồng.

Ông MAI NGỌC THOAN, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Minh Đức, huyện Hớn Quản: Sầu riêng và chôm chôm là loại cây trồng phổ biến trên địa bàn tỉnh. Phương pháp xử lý cho các loại cây ra bông nghịch vụ của hộ anh Phong đem lại nhiều lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, muốn thành công, người trồng phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, đặc biệt phải đầu tư bài bản trước khi trồng về hệ thống rãnh tưới, tiêu nước, trồng cây theo hàng lối… để khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật sẽ thuận lợi. Chúng tôi sẽ chỉ đạo hội nông dân, các đoàn thể chính trị của xã đẩy mạnh việc tham quan, học tập kinh nghiệm từ các nhà vườn để sản xuất đạt hiệu quả.

Thu hoạch quanh năm

Trồng dưa lưới là mô hình kinh tế phải đầu tư nhiều vốn để xây dựng hệ thống nhà lưới. Vì yêu thích sản xuất nông nghiệp nên từ năm 2020, gia đình anh Nguyễn Châu Toại, khu phố 3, phường Minh Hưng, thị xã Chơn Thành đã bỏ ra hơn 8 tỷ đồng để đầu tư 1,7 ha nhà màng trồng dưa lưới. Nếu thời tiết thuận lợi, không có dịch bệnh, bình quân mỗi năm gia đình anh trồng được 4 vụ, sản lượng khoảng 250-280 tấn trái thương phẩm/năm". Với tổng diện tích 1,7 ha, tôi chia làm 5 nhà màng, mỗi nhà màng canh tác độc lập 4 vụ khác nhau. Vì dưa có thời gian sinh trưởng khoảng 90 ngày nên để có dưa thu hoạch quanh năm, tôi chia thời gian trồng mỗi đợt cách nhau từ 15-20 ngày. Trong đó, ưu tiên trồng nhiều để có thu hoạch vào dịp lễ, tết, ngày rằm, mồng một” - anh Toại cho hay.

Để sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, anh Toại thuê 2 kỹ sư nông nghiệp hằng ngày chăm sóc vườn dưa. Đến kỳ thu hoạch, dưa được phân loại theo từng tiêu chuẩn để cung cấp ra thị trường. Anh Toại thông tin: “Dưa lưới của gia đình đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, tiêu chuẩn toàn cầu. Mặc dù giá bán khá cao từ 35-65 ngàn đồng/kg tùy loại, tuy nhiên, sản phẩm không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Mới đây, có 2 siêu thị đến thu mua, trong đó có siêu thị của Nhật Bản đề nghị gia đình ký kết hợp đồng cung cấp 10 tấn/tháng”.

Bà NGUYỄN THỊ HẬU, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Chơn Thành: Chơn Thành hiện có khoảng 5 ha trồng dưa lưới, gồm Hợp tác xã Nha Bích và các nông hộ. Với diện tích 1,7 ha, vườn dưa lưới của gia đình anh Toại có quy mô lớn nhất thị xã. Đây cũng là vườn đầu tiên tại Chơn Thành được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, có thể xuất khẩu tới các thị trường châu Âu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường cho hội viên nông dân tham quan, học tập áp dụng. Tuy nhiên, vì phải đầu tư kinh phí lớn, chúng tôi mong muốn Nhà nước quan tâm, có nguồn vốn ưu đãi để khuyến khích nông dân dám nghĩ, dám làm, thực hiện khát vọng làm giàu.

Quang Minh

 

Có gan làm giàu

 

Nguồn tin: Báo Cần Thơ

Năm 2017, chú Lê Văn Tài ở ấp Trường Thọ 2A, xã Trường Long, huyện Phong Ðiền (TP Cần Thơ) đưa ra quyết định táo bạo, chuyển đổi toàn bộ gần 4ha đất lúa sang trồng sầu riêng. Nhờ cần cù, ham học hỏi và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú Tài đã thành công từ mô hình trồng sầu riêng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, chú sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng và tạo công việc cho lao động nhàn rỗi ở địa phương…

 

 

Chú Lê Văn Tài gắn bó cùng cây sầu riêng 7 năm qua.

Thành tỈ phú nhờ dám nghĩ dám làm

Trước khi trồng sầu riêng, chú Tài theo truyền thống gia đình trồng lúa trên diện tích gần 4ha đất. Vốn tính cần cù cùng với kinh nghiệm của gia đình, quá trình canh tác lúa khá thuận lợi, mỗi vụ trồng lúa cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Song, nhận thấy tiềm năng từ cây sầu riêng, chú Tài quyết định tìm tòi học hỏi những kiến thức, kỹ thuật canh tác loại cây này. Trong đó, sầu riêng Ri6 có quả hình thoi, to và tròn, cuống dày, vỏ sầu riêng màu xanh trông đẹp mắt. Khi chín, Ri6 có mùi thơm rất nồng, đậm; phần cơm của Ri6 khá dày, hạt lại lép, vị béo vừa phải. Chính vì vậy, giống sầu riêng này được rất nhiều người ưa chuộng.

Sau khi tích cóp được vốn kiến thức về cách trồng, chăm sóc sầu riêng Ri6, năm 2017, chú Tài đã đi đến một quyết định được xem là táo bạo, đó là lên vườn trồng 540 gốc sầu riêng Ri6 cho toàn bộ diện tích đang trồng lúa. Gọi là táo bạo bởi thời điểm này, chú Tài là người đầu tiên trồng sầu riêng trên địa bàn xã Trường Long. Hơn nữa, sầu riêng là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, tuy nhiên lại khá khó trồng, song chú Tài không chuyển đổi từng phần mà quyết định một lần thay đổi toàn bộ từ lúa đang cho thu nhập ổn định sang trồng sầu riêng. Theo chú Tài, làm việc gì cũng cần có sự tập trung, dù khá mạo hiểm nhưng như vậy, chú mới có thể toàn tâm toàn ý để chăm sóc vườn sầu riêng mà không phân tâm đến việc khác.

Sau gần 4 năm miệt mài với vườn sầu riêng, chú Tài đã thu hoạch đợt trái đầu tiên. Song, vụ thu hoạch này lại không mấy thuận lợi khi rơi vào thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, dẫn đến tình hình tiêu thụ khó khăn, giá bán cũng không được cao. Trong đợt này, vườn sầu riêng thu hoạch được khoảng 22 tấn, bán với giá 20.000-30.000 đồng/kg. Nhớ lại thời điểm đó, chú Tài chia sẻ: “Tâm huyết và tất cả vốn liếng của gia đình trong 4 năm qua đều đổ dồn vào vườn sầu riêng, kết quả thu được không như kỳ vọng. Nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, nghĩ như vậy nên tôi giữ vững niềm tin tiếp tục chăm sóc vườn sầu riêng cho vụ mùa kế tiếp...”.

Từ vụ mùa thứ hai, sản lượng vườn sầu riêng của chú Tài bắt đầu tăng dần theo từng năm. Nhờ có kinh nghiệm chăm sóc, sầu riêng cho trái đẹp, chất lượng đồng đều, tạo được uy tín đối với đơn vị thu mua. Cứ gần đến thời điểm thu hoạch là có thương lái ở Tiền Giang liên hệ đặt cọc thu mua nên chú Tài không lo về vấn đề tiêu thụ. Ðể bảo đảm cho chất lượng sầu riêng, chú Tài tham gia canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Cùng đó, đầu tư hệ thống tưới nước tự động cho vườn sầu riêng...

Sẵn sàng sẻ chia

Tháng 4 đến tháng 6 hằng năm là thời điểm các nhà vườn trên địa bàn TP Cần Thơ bước vào thu hoạch rộ sầu riêng chính vụ. Nhưng vườn sầu riêng của chú Tài đã thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 3-2024, vừa trúng mùa vừa bán được giá. Chú Tài cho biết: Qua thời gian tìm tòi, nghiên cứu kỹ thuật xử lý ra trái sầu riêng sớm, năm nay, chú đã mạnh dạn thử nghiệm cho 240 gốc sầu riêng. Ðầu tháng 3, vườn thu hoạch hơn 30 tấn sầu riêng sớm, bán với giá 115.000 đồng/kg. Với 200 gốc còn lại, nhờ tiến hành tủ gốc cho sầu riêng bằng màng phủ giúp cây thoát nước tốt, không ứ đọng nước, nên cuối tháng 3 đã thu hoạch xong với sản lượng 40 tấn, giá bán 75.000 đồng/kg.

Theo ước tính của chú Tài, do thuê nhân công chăm sóc, chi phí đầu tư cho 1 cây sầu riêng khoảng 2 triệu đồng. Vụ sầu riêng năm nay chú Tài thu về lợi nhuận hơn 5 tỉ đồng. Trồng sầu riêng cho giá trị kinh tế cao nhưng quá trình chăm sóc cũng không đơn giản. Chú Tài cho biết thêm: Trồng sầu riêng thấy mê lắm mà cũng cực lắm, ngày nào cũng có chuyện làm. Hầu hết thời gian trong ngày, chú đều ở ngoài vườn theo dõi sát sao tình hình của cây. Chỉ cần thấy cây chớm có dấu hiệu “không khỏe” là kịp thời xử lý ngay, không để ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Ðể sầu riêng cho năng suất cao, chất lượng tốt, cây không bị suy kiệt làm ảnh hưởng đến các vụ tiếp theo phải nắm vững kỹ thuật canh tác như bón phân, tưới nước, thụ phấn, phòng chống sâu bệnh… Bên cạnh tìm tòi, học hỏi qua các hội thảo, tập huấn, thông tin trên báo đài… bản thân người làm vườn tích lũy kinh nghiệm từ thực tế để áp dụng vào vườn nhà một cách hợp lý, kinh tế nhất…

Sau bao năm miệt mài phấn đấu, chú Tài đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất, thửa ruộng của gia đình mình, lợi nhuận thu được hàng tỉ đồng mỗi năm. Cái hay là chú không “giấu nghề”, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm canh tác hiệu quả của mình cho bà con có nhu cầu trong quá trình trồng sầu riêng. Không chỉ vậy, chú Tài còn tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương có thu nhập ổn định.

Cô Bùi Thị Châm, Giám đốc Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Thọ 2A, xã Trường Long, huyện Phong Ðiền, cho biết: Anh Lê Văn Tài là người tiên phong trồng sầu riêng ở khu vực này. Nhờ tính chịu khó, ham học hỏi cùng với kinh nghiệm thực tế, anh Tài có kỹ thuật trồng sầu riêng tốt, luôn cho năng suất cao và bán được giá. Là thành viên của hợp tác xã, anh Tài tận tình chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng cho các thành viên khác và đạt hiệu quả cao. Vườn sầu riêng có diện tích khá lớn, tạo được việc làm cho khoảng 10 lao động ở địa phương trong các khâu chăm sóc sầu riêng với thu nhập từ 200.000-250.000 đồng/ngày. Ngoài ra, anh Tài cũng nhiệt tình tham gia đóng góp xây cầu, làm đường hay các hoạt động khác của địa phương…

Bài, ảnh: T. TRINH

 

Chuyện về lão nông làm đâu thắng đó

 

Nguồn tin: Báo Long An

Trong khi nhiều nông dân đang chật vật với điệp khúc "được mùa, rớt giá”, “được giá, thất mùa" thì ở ấp 5, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức, tỉnh Long An có lão nông biết "buông này bắt kia" và lần nào ông cũng thắng đậm. Bí quyết của ông đơn giản chỉ là "cái gì người ta trồng nhiều, nuôi nhiều thì mình không trồng, không nuôi nữa".

Đến xã Mỹ Yên, hỏi ông Trần Hữu Công (Chín Công) ai cũng biết, bởi ông vừa là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm, vừa là bí thư chi bộ gương mẫu. Dẫn chúng tôi ra chỗ trồng nấm, giở từng lớp rơm, ông hào hứng kể, đây là những bệ kịp ra chợ đêm nay, còn bên kia thì để ngày mai, ngày mốt. Do chất lượng tốt nên nấm ông trồng bao nhiêu thị trường tiêu thụ hết bấy nhiêu. Có đêm “trúng mùa, được giá”, tiền bán nấm đủ mua một chỉ vàng.

 

 

Nhờ chất lượng tốt nên nấm rơm do ông Trần Hữu Công (ấp 5, xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức) trồng được thị trường ưa chuộng

Để có nguồn nguyên liệu trồng nấm và cung cấp cho những hộ khác, ông đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy cuốn rơm loại hiện đại. Với chiếc máy này, ông thu mua rơm của nông dân trong vùng rồi bán lại cho các hộ trồng nấm, vừa có nguồn nguyên liệu cho gia đình.

Ban đầu, khi chuyển sang mô hình này, ông Chín Công vấp phải sự phản đối của người thân vì chưa biết hiệu quả sẽ như thế nào, nhưng người nông dân 60 tuổi ấy vẫn quyết tâm. Hiện tại, kho rơm nhà ông Công cung cấp đủ nguyên liệu cho cả vùng, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình ông. Để tránh nguy cơ cháy, ông trang bị hệ thống máy bơm, mô-tơ điện tại kho rơm.

Trước khi trồng nấm, ông Công từng nuôi bò, nuôi gà, trồng hoa màu và làm gì cũng thắng lớn. Do nắm bắt kỹ thuật, tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh cho đàn gà mà sau đợt dịch cúm gia cầm H5N1, thị trường gà, vịt khan hiếm, giá cao, ông lại có nguồn cung cấp khá lớn với hơn 10.000 con.

Khi người nuôi còn đang lo dịch bệnh có thể quay lại nên ngại tái đàn thì ông mạnh dạn đầu tư và thắng lớn. Cứ 1.000 con gà, ông cầm chắc lợi nhuận 20 triệu đồng, chưa kể tiền bán phân gà cũng mang lại cho ông nguồn thu rủng rỉnh. Đang đà thắng lớn thì ông dừng lại và chuyển sang nuôi bò trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Ông dừng lại bởi vì khi thấy ông nuôi gà hiệu quả, nhiều hộ làm theo khiến nguồn cung nhiều, tất nhiên giá sẽ giảm.

Ông Chín Công nói: "Làm gì cũng vậy, khi đạt đỉnh rồi thì sẽ xuống, vậy nên sau khi thành công với mô hình nuôi gà, tôi chuyển sang nuôi bò". Nhờ tư duy nhạy bén, khả năng dự đoán thị trường, ông Chín Công biết rút lui đúng lúc. Bằng chứng là khi nguồn cung vượt cầu, giá gà, vịt giảm làm ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của người nuôi.

Để có thành công như ngày nay, ông Chín Công cũng nhiều phen “năm đôn bảy đáo” chứ không phải chỉ nhờ “trời thương”. Khi nghe chỗ nào có mô hình hay, hiệu quả tốt, ông đều đến học hỏi. Ông còn tích cực tham gia các hội thảo về cây trồng, vật nuôi do địa phương tổ chức; đọc báo để có thêm tin tức về thị trường,...

Hiện tại, cơ sở của ông tạo việc làm cho nhiều lao động trong xóm và hỗ trợ kỹ thuật trồng nấm cho nhiều hộ trồng khác. Hộ nào gặp khó khăn, ông bán rơm với hình thức trả chậm, hỗ trợ kỹ thuật miễn phí. Ông Chín Công nhắn nhủ: “Tôi mong nông dân ai cũng thành công, nhưng để thành công phải biết nắm bắt thị trường và đừng chạy theo phong trào, số đông. Khi biết thị trường thay đổi, tôi đều báo cho mọi người biết để có sự chủ động trong sản xuất”.

Ở tuổi 60, sức khỏe có phần giảm sút nhưng nhiệt huyết trong ông Chín Công vẫn tràn trề. Ông đang có ý định cải tiến máy cuốn rơm hiện tại để có thể cắt luôn gốc rạ vì rạ làm nấm chất lượng sẽ tốt hơn. Phần rơm sau khi thu hoạch nấm thường bỏ đi, ông thí nghiệm ủ thành phân hữu cơ. Loại phân này đem trồng hoa thì hoa nở to, đẹp và lâu tàn.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Yên - Trần Văn Minh nhận xét: “Ông Trần Hữu Công rất năng nổ, tích cực học tập các mô hình ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới và thành công nhờ biết nắm bắt thị trường. Ngoài ra, ông còn rất tích cực tham gia các phong trào tại địa phương, tận tình giúp đỡ những hộ có hoàn cảnh khó khăn như tạo việc làm, hướng dẫn kinh nghiệm, kỹ thuật”.

Không dám nhận mình là người thành công, ông chỉ nói mình cố gắng hết sức. Sự cố gắng của ông là cả quá trình tìm tòi, sáng tạo, ứng dụng cái mới vào sản xuất và sự nhạy bén nắm bắt nhu cầu thị trường./.

Châu Thanh

 

Bà Rịa - Vũng Tàu: Mở rộng diện tích cà phê

 

Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu

Thời gian gần đây, thay vì chặt bỏ thì nhiều nông dân đã tái canh, mở rộng diện tích trồng cà phê.

 

 

Nông dân huyện Châu Đức chăm sóc cà phê.

Mở rộng diện tích

Giá cà phê hiện nay đã tăng gấp ba lần những năm trước, hiện dao động ở mức 100-105 ngàn đồng/kg. Nhiều nông dân đang có xu hướng tái canh vườn cà phê kém hiệu quả, tăng cường chăm sóc, mở rộng diện tích trồng với kỳ vọng giá bán giữ ở mức cao để thu lợi nhuận tốt.

Tranh thủ tưới nước cho 1ha cà phê được trồng mới cách đây 2 tháng, bà Cao Thị Ngọc Diệp, ấp Kim Bình, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, diện tích này vốn trồng hồ tiêu. Tuy nhiên, do cây hồ tiêu già cỗi, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên bà đã chuyển sang trồng cà phê.

“Tôi cũng đang tiếp tục trồng thêm 1ha cà phê nữa khi thấy loại cây trồng này cho năng suất, sản lượng khá bền vững, ít bị bệnh. Ngoài ra, hiện nay HTX Cacao Châu Đức cũng đang thực hiện mô hình liên kết sản xuất cà phê nên đầu ra ổn định, nông dân cũng yên tâm hơn”, bà Diệp nói.

Còn ông Hồ Xuân Hương, ấp Sơn Lập, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức cũng vừa trồng mới hơn 6 sào cà phê. Theo ông Hương, so với các loại cây trồng khác, cây cà phê vẫn mang lại thu nhập ổn định nhất cho nông dân “Năm nay, giá cà phê tăng cao, đem lại lợi nhuận tốt, nên nông dân cũng rất phấn khởi”, ông Hương thông tin thêm.

Chú trọng chất lượng cây trồng

Là cây trồng chủ lực của tỉnh, tuy nhiên những năm qua do giá bấp bênh, diện tích cây cà phê cũng bị thu hẹp dần. Thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy đến đầu năm 2023 toàn tỉnh còn hơn 2.380ha, giảm gần 50% diện tích so với thời điểm năm 2018. Để phát triển bền vững cà phê, tỉnh đã triển khai thực hiện đề án tái canh cây trồng này giai đoạn 2021-2025, tập trung chủ yếu 2 huyện Xuyên Mộc và Châu Đức. Nhờ đó, cuối năm 2023, diện tích cây cà phê trên toàn tỉnh được nâng lên hơn 3.643ha.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, thực hiện đề án của tỉnh về tái canh cây cà phê, năm 2023 trên địa bàn huyện đã có hơn 200ha cà phê được trồng mới và dự kiến sẽ có thêm 200ha trong năm 2024 này.

Huyện Xuyên Mộc khuyến khích nông dân tái canh, trồng mới tại 3 xã giáp Đồng Nai là Hòa Hiệp, Bàu Lâm, Tân Lâm. Ông Nguyễn Quốc Đại, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Xuyên Mộc cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện còn khoảng 54ha cà phê, trong đó có 3ha trồng mới, chủ yếu tại xã Bàu Lâm.

“Ngành nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo bà con nông dân không tái canh cây cà phê ồ ạt, mà tập trung chăm sóc diện tích hiện hữu để nâng chất lượng”, ông Nguyễn Quốc Đại thông tin thêm.

Khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh cho thấy, nông dân chỉ nên tái canh cây cà phê trên những diện tích già cỗi, kém hiệu quả. Đặc biệt, không ồ ạt mở rộng diện tích mà nên chú trọng đầu tư nâng chất lượng, quan tâm đến việc liên kết tiêu thụ, chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ để tăng giá trị cho loại cây trồng này.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU - HỮU LIÊN

 

Hiệu quả từ hệ thống tưới phun sương bằng ống mềm

 

Nguồn tin:  Báo Sóc Trăng

Chi phí đầu tư thấp, độ bền cao, phun tưới đều, đặc biệt là tiết kiệm nước… Đó là những lý do mà nông dân trồng hoa màu trên địa bàn xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) áp dụng rộng rãi hệ thống tưới phun sương bằng ống mềm.

Nhờ được Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Xuyên hỗ trợ mô hình “Ứng dụng điều khiển hệ thống tưới phun sương bằng ống mềm - tích hợp bón phân, phun thuốc cho cây màu qua sim điện thoại”, công việc trồng màu của ông Chim Mạch ở ấp Đại Nghĩa Thắng, xã Đại Tâm mấy năm nay nhàn hơn hẳn. Thay vì phải kéo vòi nước tưới rau ngày 2 cữ sáng, chiều thì nay ông Mạch chỉ cần bật/tắt cầu dao là xong. Theo ông Mạch, ngoài hỗ trợ tưới phun sương, mô hình còn hỗ trợ luôn việc phun thuốc, bón phân rất tiện lợi, giúp ông tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí phân thuốc giảm gần 1 nửa, sản lượng rau màu thì tăng.

“Khi hoàn tất lắp đặt hệ thống phun sương bằng ống mềm và bộ điều khiển qua sim điện thoại (với chức năng nghe, gọi, nhắn tin, không cần điện thoại thông minh) chỉ cần 1 cú pháp tin nhắn, hệ thống tích hợp tưới phun sương, bón phân và phun thuốc sẽ vận hành đồng loạt” - ông Mạch thông tin.

Thấy mô hình “Ứng dụng điều khiển hệ thống tưới phun sương bằng ống mềm - tích hợp bón phân, phun thuốc cho cây màu qua sim điện thoại” hiệu quả, anh Tú ở ấp Tâm Lộc, xã Đại Tâm cũng áp dụng cho 5 công rẫy của gia đình. Anh Tú cho biết, anh đầu tư gần 10 triệu đồng để làm hệ thống tưới phun sương (gồm ống cứng dẫn nguồn nước chính từ sông, ao; ống mềm được kết nối vào ống cứng sau đó kéo song song với các dòng rau cải), sau hơn 3 năm sử dụng vẫn còn nguyên. Việc đầu tư hệ thống tưới phun sương bằng ống mềm, đã giúp anh Tú giảm được công lao động, thời gian tưới, rau cải phát triển đồng đều hơn vì hấp thụ được lượng nước như nhau.

 

 

Lãnh đạo HĐND tỉnh, các sở, ngành và lãnh đạo huyện Mỹ Xuyên tham quan mô hình tưới phun sương bằng ống mềm tại ấp Đại Thành, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: HOÀNG LAN

Còn anh Tha cùng ở ấp Tâm Lộc phấn khởi cho biết, từ khi sử dụng hệ thống tưới phun sương bằng ống mềm, anh không còn lo cảnh thiếu nước ngọt trong mùa nắng hạn và nhẹ công chăm sóc hơn rất nhiều. Trước đây mỗi lần tưới rẫy (sử dụng vòi sen kéo ống) phải cần ít nhất 2 người, tưới trong 1 tiếng thì bây giờ chỉ cần kéo cầu dao hoặc khởi động máy bơm. Đặc biệt, khi tưới phun sương giảm được 50% lượng nước tưới. Anh cho biết, tới đây sẽ nghiên cứu tích hợp luôn bón phân, phun thuốc để đảm bảo sức khỏe.

Theo đồng chí Trương Tấn Lâm - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Tâm, toàn xã có 298ha chuyên canh hoa màu, trong đó có 1,5ha ứng dụng mô hình “Ứng dụng điều khiển hệ thống tưới phun sương bằng ống mềm - tích hợp bón phân, phun thuốc cho cây màu qua sim điện thoại” do Trung tâm Khuyến nông huyện hỗ trợ. Chính hiệu quả của mô hình mà đến nay có đến 90% diện tích trồng màu của xã áp dụng hệ thống tưới phun sương bằng ống mềm (không tích hợp bón phân, phun thuốc). Qua đó, giúp nông dân tiết kiệm chi phí, nước tưới, công lao động nhưng lại gia tăng hiệu quả trong sản xuất. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục vận động nông dân nhân rộng mô hình này tích hợp phun thuốc, bón phân tự động, nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất.

HOÀNG LAN

 

Muối rớt giá thê thảm

 

Nguồn tin:  Bà Rịa - Vũng Tàu

Dù được mùa muối nhưng nhiều nông dân tại xã An Ngãi (huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn lo lắng bởi giá bán chỉ còn từ 800-900 đồng/kg, giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2023.

 

 

Nông dân An Ngãi tranh thủ thu hoạch muối trước khi vào mùa mưa 2024.

Đứng bên những ụ muối cả trăm tấn trên ruộng, ông Nguyễn Văn Gia, ở ấp An Thạnh, xã An Ngãi cho biết, năm nay thời tiết nắng nhiều nên muối đạt năng suất cao nhưng giá bán lại xuống thấp, người sản xuất lại rơi vào cảnh được mùa mất giá.

Theo ông Gia, hiện giá muối truyền thống và muối trải bạt tương đương nhau, khoảng từ 800-900 đồng/kg, giảm gần 1.000 đồng so với vụ muối năm 2023.

“Năm nay, gia đình tôi canh tác 10ha muối (chủ yếu là sản xuất trải bạt), thu hoạch khoảng 1.500 tấn. Đầu tháng 5/2024, tôi chỉ mới bán được 300 tấn, phần còn lại phải trữ vào kho và ủ để ngoài ruộng vì thương lại chưa thu mua”, ông Gia cho hay.

Giá bán rẻ, một số diêm dân đang thu hoạch muối, gặp cơn mưa đầu mùa thì họ bỏ luôn, vì tiền bán muối hạt không đủ tiền thuê công cào muối.

Theo UBND xã An Ngãi, tổng diện tích sản xuất muối niên vụ 2023 - 2024 là 270ha/157 hộ; trong đó diện tích muối trải bạt hơn 34ha/16 hộ. Tổng sản lượng muối năm nay đạt 19 ngàn tấn, tăng 6 ngàn tấn so với cùng kỳ năm 2023. Muối An Ngãi chủ yếu cung cấp cho các DN, thương lái thu mua từ các tỉnh.

“Để bà con yên tâm canh tác, hiện chúng tôi cùng với các ngành chức năng đang nỗ lực kêu gọi các DN, HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, để bà con nông dân yên tâm sản xuất. Đồng thời địa phương cũng đã rà soát nhu cầu hỗ trợ vật tư, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất muối trải bạt 16ha/ 7 hộ nông dân trên địa bàn xã, hướng đến sản xuất muối sạch, an toàn với người tiêu dùng”, Phó Chủ tịch UBND xã An Ngãi Lương Tuấn Hải cho hay.

Bài, ảnh: PHAN THẢO

 

Bến Tre: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong chăn nuôi

 

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Tỉnh Bến Tre hướng đến việc ứng dụng công nghệ sản xuất các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm, thức ăn bổ sung, phụ gia, đáp ứng khoảng 20 - 35% nhu cầu; khai thác hiệu quả nguồn phụ phẩm công - nông nghiệp - thủy sản, chế phẩm sinh học, thảo dược, hợp chất thiên nhiên an toàn và thân thiện môi trường.

 

 

Tổng đàn bò toàn tỉnh Bến Tre ước là 218.420 con

UBND tỉnh Bến Tre vừa ban hành Kế hoạch số 2454/KH-UBND Triển khai thực hiện Đề án Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, mục tiêu đặt ra là chọn tạo giống vật nuôi chủ lực công nghệ cao đáp ứng được 90% nhu cầu giống heo, 70 - 80% nhu cầu giống gia cầm, 50% nhu cầu giống thủy cầm, 80% giống bò thịt. Ứng dụng công nghệ sản xuất các loại nguyên liệu thức ăn giàu đạm, thức ăn bổ sung, phụ gia, đáp ứng khoảng 20 - 35% nhu cầu; khai thác hiệu quả nguồn phụ phẩm công - nông nghiệp - thủy sản, chế phẩm sinh học, thảo dược, hợp chất thiên nhiên an toàn và thân thiện môi trường.

Ứng dụng công nghệ sản xuất trang thiết bị chuồng trại đáp ứng 80% nhu cầu đảm bảo an toàn dịch bệnh hướng tới chăn nuôi bền vững. Chế biến các sản phẩm chăn nuôi như thịt, trứng, sữa, mật ong và các sản phẩm giết mổ: Đảm bảo 30 - 35% cơ sở chế biến thịt quy mô công nghiệp và 30% cơ sở chế biến trứng quy mô công nghiệp đạt trình độ công nghệ tiên tiến vào năm 2030, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong tỉnh và hướng tới xuất khẩu.

Kế hoạch đã xác định các nhiệm vụ ưu tiên như: Nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao đáp ứng cho tiêu dùng trong tỉnh và hướng đến xuất khẩu. Nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu công nghệ sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thức ăn bổ sung, phụ gia, phụ phẩm công – nông nghiệp và thủy sản, chế phẩm sinh học, thảo dược, hợp chất thiên nhiên an toàn và thân thiện môi trường. Nghiên cứu và ứng dụng các kết quả nghiên cứu chọn tạo, sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm vi sinh, vật liệu độn chuồng trong chăn nuôi. Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả giết mổ, chế biến và phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi.

UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng ứng dụng, nghiên cứu phát triển, triển khai các nội dung, nhiệm vụ của Đề án; tăng cường hỗ trợ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bí quyết và giải pháp công nghệ, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, thương hiệu các sản phẩm chăn nuôi chủ lực; tranh thủ nguồn kinh phí Trung ương để thực hiện các đề tài ứng dụng khoa học công nghệ lĩnh vực chăn nuôi.

Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 năm 2024 của tỉnh Bến Tre, tổng đàn bò toàn tỉnh ước là 218.420 con, giảm 4% so với cùng kỳ. Ước tính sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng trong tháng là 2.625 tấn, tăng 0,57% so cùng kỳ, lũy kế 4 tháng ước là 10.920 tấn, tăng 1,77% so cùng kỳ. Tại thời điểm báo cáo giá thịt bò hơi khoảng 82.000 đồng/kg, ổn định so với tháng trước.

Đàn lợn: Trong tháng giá thịt lợn hơi có xu hướng tăng nhẹ, giá thịt lợn hơi dao động 58.000 - 60.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với tháng trước, người nuôi khá phấn khởi. Tổng đàn lợn toàn tỉnh ước là 379.850 con, so cùng kỳ giảm 4,85%. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng trong tháng ước là 5.360 tấn, giảm 1,65% so với cùng kỳ; lũy kế 4 tháng ước 22.160 tấn, giảm 2,99% so cùng kỳ.

Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh ước là 6.170.000 con (không tính đàn chim cút, bồ câu), giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong tháng ước là 2.770 tấn, giảm 0,72%, lũy kế 4 tháng ước là 10.190, giảm 1,57% so với cùng kỳ.

Do thời tiết nắng nóng gay gắt cộng với tình trạng hạn mặn khác phức tạp, một số địa phương có nguồn nước chăn nuôi phần lớn bị nhiểm mặn nên vật nuôi rất dễ bị nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy. Một số bệnh thông thường vẫn có xuất hiện rải rác trên đàn vật nuôi như: Tụ huyết trùng, phó thương hàn, E.coli... Nhưng mức độ gây hại của các bệnh khá nhỏ, không có dấu hiệu lây lan và đa số được điều trị khỏi, tỉ lệ chết không cao.

NT

 

Tây Ninh công bố vùng an toàn dịch bệnh chăn nuôi

 

Nguồn tin: Báo Chính Phủ

Sáng 19/5, tại huyện Tân Châu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dự Lễ công nhận vùng an toàn dịch bệnh tỉnh Tây Ninh và công bố kế hoạch xuất khẩu sản phẩm gia cầm sang thị trường Halal.

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) là một trong những giải pháp quan trọng không chỉ nhằm phòng, chống dịch bệnh một cách chủ động mà còn giúp sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu của Việt Nam đáp ứng đòi hỏi về sự công khai, minh bạch về chuỗi sản xuất chăn nuôi từ con giống, thức ăn, phòng bệnh, sơ chế, chế biến… theo quy định tại các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Vùng ATDB là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất động vật, chế biến các sản phẩm từ động vật an tâm sản xuất, kinh doanh và cũng là nơi được các doanh nghiệp khác ưu tiên lựa chọn đầu tư, nhất là những nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao, có liên kết chuỗi và hướng đến xuất khẩu.

Theo quy định của Tổ chức Thú y Tiới (OIE), khi xuất khẩu động vật và các sản phẩm từ động vật, các trang trại chăn nuôi buộc phải tuân thủ các quy định, tiêu chí về vùng ATDB. Vì vậy muốn hướng tới xuất khẩu thì buộc phải tuân thủ các quy định này, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết.

Vùng ATDB đã được Bộ NN&PTNT và các tỉnh triển khai thực hiện trong nhiều năm qua. Đến nay, các sản phẩm thịt heo đã xuất sang các thị trường như: Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc); thịt gà đã xuất đi Nhật Bản.

Tính đến hết năm 2023, tổng đàn gia cầm của tỉnh Tây Ninh khoảng 10 triệu con, sản lượng thịt đạt 62.460 tấn. Cơ cấu chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 116 trang trại chăn nuôi gia cầm với tổng đàn khoảng 9 triệu con. Trong đó, có 81 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAHP; huyện Dương Minh Châu và 6 cơ sở cấp xã thuộc huyện Gò Dầu ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle trên gà; 71 cơ sở chăn nuôi khác được cấp giấy chứng nhận ATDB.

Tỉnh có 2 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi gồm: Công ty TNHH QL Vietnam Agroresources xuất khẩu trứng gà sang Hong Kong và Maldives; Công ty Vinamilk xuất khẩu sang 60 quốc gia, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, châu Đại Dương, các nước Đông Nam Á…

 

 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang xem sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường Halal - Ảnh: VGP/Hải Minh

Tỉnh Tây Ninh xác định việc xây dựng cơ sở, vùng ATDB là một nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi. Do vậy, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức lại các khâu sản xuất, đẩy mạnh xây dựng vùng chăn nuôi ATDB, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghệ tiên tiến, đa dạng hoá thị trường tiêu thụ, hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghệ cao.

Theo Tổng Giám đốc toàn cầu Tập đoàn Hoàng gia De Hues (Hà Lan) Gabor Fluit, muốn phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải có đất rộng; phải xây dựng được vùng ATDB; đồng thời phải có sự hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ông Gabor Fluit đánh giá Tây Ninh đáp ứng được các tiêu chí trên, đặc biệt ông rất ấn tượng với sự chào đón, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh trong việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Nếu làm tốt vùng ATDB, Việt Nam có thể xuất khẩu được thịt heo qua Nhật, Hàn Quốc, thậm chí có thể xuất khẩu ức gà sang châu Âu. Hiện giá trị ức gà châu Âu cao gấp 2-3 lần ở Việt Nam, ông Gabor Fluit nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng cũng đã dự Lễ công bố 7 dự án đầu tư trọng điểm trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2025-2030 và dự Lễ khánh thành khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN tại huyện Tân Châu.

Bảy dự án trọng điểm tổ hợp Khu nông nghiệp công nghệ cao DHN Tây Ninh do Tập đoàn Hùng Nhơn làm chủ đầu tư, gồm dự án Tổ hợp nhà máy chế biến thực phẩm DHP tại thị xã Trảng Bàng và 6 dự án nhà máy Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN tại huyện Tân Châu, với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Tây Ninh và 7 dự án trọng điểm chuỗi tổ hợp khu nông nghiệp công nghệ cao HDN Tây Ninh có thể coi là một mô hình mẫu trong lĩnh vực chăn nuôi.

Việc Tây Ninh thu hút được các nhà đầu tư chiến lược như Tập đoàn Hùng Nhơn, Tập đoàn De Hues, Công ty Vinamilk với các dự án định hướng hình thành chuỗi giá trị và liên kết với người dân sẽ là bước đột phát trong phát triển nông nghiệp của tỉnh thời gian tới; mở đường cho sự kết nối quốc tế và chinh phục các thị trường khắt khe, khó tính trên thế giới.

Trong ngành chăn nuôi, hiện Việt Nam đã tham gia đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu thịt gà sang Hàn Quốc, Nhật Bản; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa sang Trung Quốc; mật ong sang EU, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.

Năm 2023, tăng trưởng của ngành chăn nuôi Việt Nam ước đạt 5,72%, đóng góp trên 26% vào GDP nông nghiệp. Tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây./.

Hải Minh

 

Giá heo hơi tăng cao

 

Nguồn tin: Báo Bình Dương

Hiện giá heo hơi trê//n thị trường đang tăng lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2024 đến nay, dù thị trường đang ở giai đoạn tiêu thụ thấp điểm. Theo đó, giá heo hơi loại 1 hiện ở mức 68.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 65.000 đồng/kg, tăng mạnh so với mức khoảng 50.000 đồng/kg so với đầu năm 2024.

Hội Chăn nuôi Việt Nam nhận định nguyên nhân giá heo hơi hiện nay tăng do nguồn cung thiếu hụt sau đợt dịch tả heo châu Phi cuối năm 2023. Bên cạnh đó, còn có yếu tố về tâm lý khi một số nông hộ, trang trại kỳ vọng giá tiếp tục tăng nên có động thái ghim hàng tạo sự khan hiếm giả tạo, đẩy giá tăng cao thêm. Cũng theo dự báo, khi bước vào mùa hè, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm từ thịt sụt giảm có thể giúp giá heo hơi hạ nhiệt trong thời gian tới.

THANH HỒNG

 

Hiếu Giang tổng hợp

Chăm sóc khách hàng

(84-28) 37445447-(84-28) 3898 9090
Địa chỉ: 22-24 đường số 9, Phường An Phú, TP Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

FANPAGE FACEBOOK

Thông tin cần biết

backtop