Nguồn vốn đổi thay trên vùng đất khó
Ninh Sơn - vùng đất khô cằn nằm ở phía tây bắc Ninh Thuận, đang âm thầm chuyển mình bằng những mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Trên vùng đất từng quen với cây bắp, lúa khô hạn và chăn nuôi nhỏ lẻ, giờ đây đã xuất hiện những vườn lan, trại dưa lưới, nho và chanh… được canh tác theo hướng hiện đại, cho thu nhập cao. Song hành cùng sự chuyển mình đó là dòng vốn ngân hàng, đặc biệt từ Agribank Ninh Sơn, góp phần tạo nên những đổi thay tích cực trên vùng đất khó.
Ninh Sơn có hơn 24.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 102 ha ứng dụng công nghệ cao. Dù là địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư những mô hình sản xuất quy mô lớn, cho hiệu quả kinh tế vượt trội. Họ không còn đơn thuần làm nông như trước, mà từng bước trở thành những “nông dân công nghệ”, điều hành trang trại qua điện thoại, sử dụng phần mềm theo dõi cây trồng, tích hợp hệ thống tưới tự động, điều chỉnh phân bón bằng cảm biến...
Ông Hoàng Quang Siêu, Giám đốc Agribank Ninh Sơn cho biết: “Chúng tôi xác định đồng hành cùng người dân phát triển nông nghiệp công nghệ cao không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là trách nhiệm. Với vai trò là tổ chức tín dụng chủ lực tại địa phương, Agribank Ninh Sơn luôn nỗ lực tiếp vốn đúng lúc, đúng người, giúp bà con mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả”.
Việc phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi chi chí đầu tư ban đầu lớn.
Một trong những mô hình thành công điển hình là của gia đình chị Châu Hồng Trang. Chị Trang đã từng có kinh nghiệm trồng lan hồ điệp tại Lâm Đồng. Nhận thấy tiềm năng đất đai ở Ninh Sơn, chị Trang đã đầu tư 1.300m² nhà màng trồng hơn 30.000 cây lan, với tổng vốn hơn 3,5 tỷ đồng.
“Nếu không có vốn vay từ Agribank, tôi không thể mở rộng sản xuất được như hiện nay. Nhờ được tư vấn kỹ lưỡng và hỗ trợ kịp thời, tôi tự tin đầu tư công nghệ, tăng năng suất, kiểm soát chất lượng tốt và thu nhập cao hơn nhiều lần so với làm nông truyền thống”, chị Trang chia sẻ.
Tương tự, anh Đinh Công Vàng, chủ một trang trại dưa lưới ở xã Lương Sơn, hiện có 3 nhà lưới rộng hơn 7.000m². Nhờ khoản vay 1,7 tỷ đồng từ Agribank, anh đã đầu tư hệ thống điều hành thông minh, có thể kiểm soát tưới tiêu, bón phân, giám sát cây trồng chỉ bằng một chiếc điện thoại.
“Làm nông nghiệp công nghệ cao bắt buộc phải đầu tư bài bản, mà điều này không thể thực hiện nếu không có nguồn vốn phù hợp”, anh Vàng nói.
Vụ dưa gần nhất, sau khi trừ chi phí, anh lãi hơn 300 triệu đồng từ ba nhà lưới, một con số không dễ đạt được nếu chỉ canh tác truyền thống.
Mô hình vay vốn ngân hàng đầu tư trồng lan hồ điệp, ứng dụng công nghệ cao của chị Châu Hồng Trang ở Ninh Sơn.
Những vướng mắc cần tháo gỡ
Thực tế cho thấy, sự tiếp sức từ dòng vốn tín dụng ngân hàng chính là đòn bẩy giúp Ninh Sơn hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp giá trị cao như dưa lưới, nho, táo… góp phần chuyển đổi mô hình sản xuất từ tự cung tự cấp sang hướng hàng hóa. Bộ mặt nông thôn Ninh Sơn cũng theo đó dần khởi sắc, tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững.
Dù tiềm năng lớn, song phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Ninh Sơn cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước vẫn còn nhiều rào cản. Trên thực tế, chi phí đầu tư ban đầu quá cao là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều hộ nông dân và HTX còn e ngại chuyển đổi sản xuất. Việc xây dựng nhà lưới, lắp đặt hệ thống tưới tiêu thông minh, mua sắm thiết bị cảm biến, giống cây trồng chất lượng cao… đều cần nguồn lực lớn, trong khi phần lớn nông dân lại khó khăn về tài chính.
Mô hình trang trại trồng dưa lưới bằng công nghệ cao ở xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn.
Thêm vào đó, các quy định pháp lý liên quan đến thế chấp tài sản vay vốn vẫn còn bất cập. Nhiều hộ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp nên khó thực hiện thủ tục vay thế chấp. Bên cạnh đó, việc xác định dự án nông nghiệp có đủ điều kiện là “công nghệ cao” hay không vẫn còn lúng túng vì thiếu hướng dẫn thống nhất từ các cơ quan chuyên môn, khiến các TCTD cũng khó thẩm định và giải ngân.
Không chỉ vậy, rủi ro về thời tiết, dịch bệnh và biến động thị trường cũng là những mối lo thường trực. Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thường cho sản lượng lớn, nhưng đầu ra chưa ổn định, giá cả nhiều khi bấp bênh. Phần lớn sản phẩm mới dừng ở mức sơ chế, giá trị gia tăng thấp, chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế. Điều này, khiến nhiều hộ nông dân dù mạnh dạn đầu tư vẫn phải đối mặt với nguy cơ không thu hồi vốn...
Cần sự phối hợp giữa các bên liên quan để đẩy mạnh cho vay nông nghiệp công nghệ cao.
Để tháo gỡ những khó khăn này, theo các chuyên gia, cần một chiến lược tổng thể từ chính sách đến hạ tầng thị trường. Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về tài sản trên đất nông nghiệp, quy trình xác nhận dự án công nghệ cao, hỗ trợ tín dụng ưu đãi gắn với bảo hiểm nông nghiệp. Song song đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác quy hoạch, định hướng sản phẩm chủ lực, hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, từ đó mở rộng không gian phát triển cho nông nghiệp công nghệ cao.
Có thể nói, giấc mơ làm nông nghiệp kiểu mới khi áp dụng công nghệ cao đang dần hiện hữu ở những vùng đất khô hạn như ở Ninh Sơn, Ninh Thuận. Những cánh đồng công nghệ đang mở ra cơ hội làm giàu bền vững cho người dân. Để chuyển mình từ “vùng khó” thành “vùng giàu”, như ở Ninh Sơn không thể thiếu sự tiếp sức từ các TCTD và hơn cả là một cơ chế hỗ trợ toàn diện cho những người nông dân dám nghĩ, dám làm để vươn lên làm giàu.
Giấc mơ nông nghiệp bền vững giữa lòng hồ Thác Bà
Trên vùng đất nông nghiệp còn nhiều khó khăn của xã Tân Hương, huyện Yên Bình, một mô hình nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch nông nghiệp đang dần hình thành và mang đến hy vọng mới cho sản xuất nông nghiệp địa phương. Người đặt những viên gạch đầu tiên cho giấc mơ ấy là anh Tạ Hữu Tình – một người dám nghĩ, dám làm, kiên trì theo đuổi hướng đi mới.
Sinh ra và lớn lên tại vùng bưởi đặc sản Đại Minh (huyện Yên Bình), tuổi thơ gắn bó với những đảo hồ Thác Bà đã nuôi dưỡng trong anh Tình tình yêu thiên nhiên và khát vọng làm nông nghiệp sạch, bền vững. Năm 2023, anh bắt đầu hành trình học hỏi tại các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Sơn La – nơi đang phát triển mạnh các mô hình trồng cây ăn quả công nghệ cao và ân tượng với những giống cây mới như nho Hạ đen, nho Mẫu đơn, nho thân gỗ, Cherry Brazil, lựu đỏ Ấn Độ… Anh quyết định mang những giống cây ấy về chính quê hương mình để thử nghiệm.
Trên 4 đảo nhỏ, rộng 2,1 ha trên hồ Thác Bà (thuộc thôn Khe Gầy, xã Tân Hương, huyện Yên Bình), anh Tình đã trồng hơn 2.500 gốc nho Hạ đen, nho Mẫu đơn, 150 cây nho thân gỗ, 150 cây Cherry Brazil cùng nhiều loại cây ăn quả, hoa cảnh khác đã được trồng trong nhà kính, nhà màng. Mô hình được ap dụng đồng bộ công nghệ cao như hệ thống tưới nhỏ giọt tự động, bón phân hữu cơ sinh học, mô hình bước đầu cho tín hiệu tích cực: cây phát triển khỏe, một số giống đã cho quả sau 6 tháng trồng, đạt yêu cầu về màu sắc, kích thước và chất lượng.
Tuy chi phí đầu tư cao, khoảng 3 tỷ đồng cho mỗi hecta nhưng theo tính toán của anh Tình, chỉ sau 2 năm, với năng suất 16–18 tấn/ha và giá bán dao động 120.000–150.000 đồng/kg, mô hình hoàn toàn có thể hoàn vốn và sinh lời.
Không dừng lại ở sản xuất nông nghiệp, anh Tạ Hữu Tình định hướng mô hình trở thành điểm đến trải nghiệm gắn với du lịch sinh thái. Mỗi chùm nho chín không chỉ là thành quả lao động mà còn trở thành sản phẩm du lịch, góp phần tạo sinh kế mới cho người dân và thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ tại địa phương. Để mở rộng mô hình, anh đã đầu tư xây dựng nhà nghỉ cộng đồng đón khách tham quan, phát triển khuôn viên nghỉ dưỡng quy mô lớn khai thác tối đa lợi thế cảnh quan hồ Thác Bà. Đồng thời, anh phát triển thêm 20 lồng cá trắm, rô phi, cá ngạnh… nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch phục vụ du khách.
Anh Tạ Hữu Tình chăm sóc vườn nho trên đảo hồ Thác Bà.
Với kết quả khả quan từ mô hình trồng nho công nghệ cao kết hợp du lịch nông nghiệp, khu du lịch sinh thái "Tình Nghĩa” đang dần hình thành và trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm và học tập mô hình làm nông nghiệp trên đảo hồ Thác Bà. Với anh Tạ Hữu Tình, đây không chỉ là cách hiện thực hóa niềm đam mê nông nghiệp, mà còn là hướng đi thiết thực góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng bền vững.
Hành trình phía trước còn nhiều gian nan, đặc biệt là những nhưng với sự kiên trì và tư duy sáng tạo, anh Tạ Hữu Tình đang từng bước chứng minh rằng: nông nghiệp công nghệ cao hoàn toàn có thể bén rễ và sinh trái ngọt ngay trên những đảo nhỏ giữa lòng hồ Thác Bà. Mô hình không chỉ mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp, du lịch cộng đồng mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những người trẻ dám nghĩ, dám làm trên chính mảnh đất quê hương mình.
Phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, giá trị gia tăng cao
Ngành nông nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu đang ứng dụng công nghệ cao, từng bước hình thành nền nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại, giá trị cao, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.
Tại Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục đề ra mục tiêu đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập trên một đơn vị diện tích, đồng thời gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thu hoạch tôm nuôi công nghệ cao tại Hợp tác xã Chợ Bến, huyện Long Đất. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Bà Rịa – Vũng Tàu hiện đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Trong đó, nổi bật là các vùng nuôi tôm và trồng hồ tiêu công nghệ cao tại huyện Xuyên Mộc, vùng rau và chăn nuôi tại huyện Đất Đỏ và vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của tỉnh với quy mô 711ha tại huyện Châu Đức.
Các doanh nghiệp trong tỉnh tích cực liên kết với hợp tác xã và nông dân để sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng chủ lực như hồ tiêu, lúa, ca cao, rau, cây ăn quả… Tỉnh hiện có gần 16.000 ha diện tích trồng trọt sản xuất theo chuỗi, cùng với các mô hình chăn nuôi heo, gà, vịt và nuôi trồng thủy sản quy mô lớn.
Một trong những mô hình tiêu biểu là trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao của Công ty TNHH Trang Linh (huyện Xuyên Mộc). Đây là doanh nghiệp đầu tiên tại tỉnh được công nhận ứng dụng công nghệ cao vào năm 2023. Trang trại sử dụng quy trình nuôi khép kín, đệm lót sinh học kết hợp chuồng lạnh, hệ thống ăn uống tự động – giúp giảm chi phí, hạn chế dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Điểm nổi bật là toàn bộ lợn thịt nuôi tại đây không tiếp xúc với nước, nhờ đó không phát sinh nước thải, tiết kiệm điện nước và thuốc thú y. Sản phẩm thịt đạt tiêu chuẩn VietGAP, luôn có giá bán cao hơn thị trường từ 3.000 – 4.000 đồng/kg. Trang trại xuất chuồng khoảng 65.000 con/năm, doanh thu trên 300 tỷ đồng, lợi nhuận từ 18% – 25%.
Ngoài ra, Công ty TNHH Trang Linh còn đầu tư sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh với công suất 2.000 tấn/tháng, góp phần hoàn thiện mô hình nông nghiệp tuần hoàn bền vững.
Trang trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Trang Linh, huyện Xuyên Mộc. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Bà Rịa – Vũng Tàu có 527 cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm nước đến công nghệ thủy canh, aquaponics, cảm biến nhiệt độ, sử dụng năng lượng mặt trời… Nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư vào nông nghiệp tại địa phương như: Công ty TNHH Trang Linh (huyện Xuyên Mộc), Công ty Cổ phần chăn nuôi CP, Công ty TNHH nuôi trồng thủy sản Minh Phú – Lộc An (huyện Long Đất), Công ty TNHH Ngọc Tùng (thành phố Vũng Tàu)….
Từ những mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng ứng dụng công nghệ hiện đại, quy mô hàng hóa lớn… đã đem lại giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp của tỉnh tăng cao. Năm 2024, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh đạt hơn 48.725 tỷ đồng, tăng 4,5% so với năm 2023. Tăng trưởng bình quân ngành nông – lâm – thủy sản giai đoạn 2021 – 2025 dự kiến đạt 4,3%/năm.
Theo Quyết định số 600/QĐ-UBND (3/2023), tỉnh đặt mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ môi trường và gắn với phát triển nông thôn mới. Trọng tâm là phát triển các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh theo chuỗi giá trị và thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Trồng dưa lưới công nghệ cao doanh thu mỗi thành viên hợp tác xã lên tới hơn 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp thị trường và điều kiện khí hậu. Tỉnh chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, phổ biến mô hình trình diễn, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ngành chăn nuôi cũng được cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm, gia súc lớn và phát triển các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, quy mô lớn, công nghệ cao. Tỉnh phấn đấu nâng tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao lên 40% trong thời gian tới.
Với định hướng đúng đắn, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền và nỗ lực từ cộng đồng doanh nghiệp, ngành nông nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu đang từng bước khẳng định vai trò trụ cột trong nền kinh tế địa phương, đồng thời góp phần xây dựng nông thôn hiện đại, giàu đẹp và bền vững.
Nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm từ 1-7
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/2025/NĐ-CP ngày 16/6/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ, về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ.
Nghị định số 156/2025/NĐ-CP nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại từ 300 triệu đến 5 tỷ đồng. Nghị định có hiệu lực từ 1-7-2025.
Theo Ngân hàng Nhà nước các quy định sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 156/2025/NĐ-CP nhằm mục đích phù hợp với thực tế nhu cầu vốn cho sản xuất nông nghiệp hiện nay và tiếp tục phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống trong thời gian tới theo đúng chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần khơi thông nguồn lực hơn nữa cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đóng góp chung vào phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng tốc, bứt phá, về đích trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong thời gian tới.
Cụ thể, Nghị định sửa đổi khoản 2 Điều 9 để nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại để phù hợp với nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp của các khách hàng hiện nay.
Theo đó: Mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân, hộ gia đình được tăng từ mức 100-200 triệu đồng lên mức 300 triệu đồng. Mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với tổ hợp tác và hộ kinh doanh được tăng từ mức 300 triệu đồng lên mức 500 triệu đồng.
Mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với chủ trang trại được tăng từ mức 1-2 tỷ đồng lên mức 3 tỷ đồng. Mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được tăng từ mức 1-3 tỷ đồng lên mức 5 tỷ đồng.
Song song đó, Nghị định cũng sửa đổi một số quy định nhằm giảm thủ tục, tạo thuận lợi cho khách hàng khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng và bổ sung chính sách tín dụng khuyến khích nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàna
Cụ thể, bỏ nội dung liên quan đến yêu cầu nộp giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.
Đồng thời quy định khách hàng được vay không có tài sản bảo đảm và tổ chức tín dụng thỏa thuận (thay vì yêu cầu bắt buộc như quy định trước đây) về việc khách hàng nộp cho tổ chức tín dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của khách hàng trong thời gian vay không có tài sản bảo đảm tại tổ chức tín dụng.
Sửa đổi khoản 1 Điều 12, khoản 2, 3 Điều 13 quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ và trích lập dự phòng để xử lý rủi ro theo hướng giao NHNN quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP.
Đồng thời hướng dẫn về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với các khoản nợ được giữ nguyên nhóm nợ để phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và các quy định pháp luật có liên quan.
Sửa đổi khoản 2 Điều 25 theo hướng quy định trường hợp đồng thời có nhiều chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho khách hàng bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, khách hàng được lựa chọn thụ hưởng một chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Bổ sung chính sách tín dụng khuyến khích nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn được hưởng chính sách tín dụng tương tự như khách hàng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp (về mức cho vay không có tài sản bảo đảm, cơ chế xử lý rủi ro) để phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp theo các mô hình mới hiện nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ...
Phú Mỹ Fer-Right: Giải pháp phân bón thông minh cho nền nông nghiệp hiện đại và bền vững
Trong nỗ lực đồng hành cùng nhà nông vượt qua thách thức của biến đổi khí hậu và thoái hóa đất, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo - Phú Mỹ) đã triển khai hàng loạt giải pháp công nghệ như: đo dinh dưỡng đất thông minh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng RFID/QR code... nhằm tối ưu hiệu quả canh tác, bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị nông sản.
Kiểm soát chất lượng, bảo vệ môi trường
Là một trong những doanh nghiệp đầu ngành phân bón tại Việt Nam, trên hành trình chuyển đổi nông nghiệp theo hướng xanh và bền vững, Phú Mỹ không chỉ tập trung cải tiến chất lượng sản phẩm mà còn xây dựng chuỗi cung ứng trách nhiệm, khép kín và hiện đại. Từ sản xuất đến phân phối, mọi công đoạn đều được kiểm soát chặt chẽ, hướng đến mục tiêu đưa phân bón sạch, an toàn đến tận tay nhà nông.
Ứng dụng công nghệ RFID/QR code vào bao bì sản phẩm cho phép người dùng truy xuất thông tin về nguồn gốc và chất lượng phân bón chỉ bằng thao tác quét mã đơn giản.
Tại khâu sản xuất, Phú Mỹ ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra các sản phẩm phân bón, đặc biệt là phân bón NPK Phú Mỹ chất lượng cao, kiểm soát chặt chẽ hàm lượng kim loại nặng như Cadimi để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu. Đồng thời, đơn vị chủ động phát triển các dòng phân bón hữu cơ, sinh học thân thiện với môi trường nhằm cải tạo đất, giảm khí thải nhà kính và tái tạo tài nguyên canh tác lâu dài. Không dừng lại ở việc cung cấp sản phẩm, Phú Mỹ xây dựng triết lý sản xuất có trách nhiệm, tạo ra những sản phẩm an toàn cho đất, cho cây, cho người và hệ sinh thái.
Trước vấn nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nông và làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng với nhà sản xuất, Phú Mỹ ứng dụng công nghệ RFID/QR code (nhận dạng qua tần số vô tuyến và mã QR code) vào bao bì sản phẩm. Điều này cho phép người dùng truy xuất thông tin về nguồn gốc và chất lượng phân bón chỉ bằng thao tác quét mã đơn giản qua điện thoại thông minh. Thông qua đó, không chỉ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn tạo dựng lòng tin với nông dân, giúp họ yên tâm lựa chọn phân bón cho cây trồng.
Công nghệ đo dinh dưỡng đất thông minh
Một trong những giải pháp nổi bật thể hiện sự gắn kết giữa Phú Mỹ và nhà nông chính là chương trình đo dinh dưỡng đất thông minh, ứng dụng công nghệ tiên tiến giúp nông dân sử dụng phân bón hiệu quả, tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. Công nghệ sử dụng cảm biến hiện đại và chuyển dữ liệu về hệ thống phân tích dữ liệu thông minh để đánh giá chính xác hàm lượng dinh dưỡng trong đất, bao gồm ba nguyên tố đa lượng (NPK), độ pH đất, độ dẫn điện, nhiệt độ và độ ẩm đất. Dựa trên kết quả, hệ thống đưa ra khuyến nghị cụ thể về các loại phân bón, khối lượng và thời gian phân bón theo nguyên tắc “Fer-Right” - phân bón đúng loại, đúng lúc, đúng đối tượng, đúng thời tiết, đúng cách và cân đối dinh dưỡng. Ngoài ra, hệ thống còn tích hợp dữ liệu từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây trồng và đặc điểm đất đai từng vùng, đảm bảo tính chính xác cao.
Phú Mỹ triển khai đo dinh dưỡng đất thông minh, ứng dụng công nghệ tiên tiến
Khác với các chương trình nghiên cứu đất truyền thống vốn tốn thời gian và chi phí, giải pháp này được Phú Mỹ cung cấp miễn phí và linh hoạt. Thông qua thiết bị đo di động và ứng dụng phần mềm thông minh, bộ phận tư vấn của Phú Mỹ có thể kiểm tra đất tại vườn của nông dân và cho ra khuyến nghị phù hợp.
Tại Krông Pắc (tỉnh Đắk Lắk), chương trình được triển khai trên vườn sầu riêng và bước đầu cho kết quả khả quan. Sự chính xác, thuận tiện và kịp thời của giải pháp nhận được đánh giá cao từ người trồng và được kỳ vọng nhân rộng trong thời gian tới.
Từ nền tảng sản xuất hiện đại, hệ thống phân phối rộng khắp đến các giải pháp công nghệ gắn kết thực tiễn, Phú Mỹ đang góp phần quan trọng trong quá trình tái cấu trúc ngành nông nghiệp theo hướng thông minh và bền vững. Không chỉ là nhà sản xuất phân bón, Phú Mỹ đang dần khẳng định vai trò đồng hành cùng bà con nông dân Việt Nam trên con đường nâng cao giá trị cây trồng và bảo vệ tài nguyên đất đai.
Bằng những cam kết cụ thể và hành động thực chất, Phú Mỹ đang tạo ra sự khác biệt không chỉ trong sản phẩm, mà còn trong tư duy làm nông, vì một nền nông nghiệp phát triển hài hòa giữa con người - thiên nhiên và công nghệ.
Phương Ngân
Đồng Tháp quyết tâm tạo đột phá để phát triển kinh tế
Tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm của của Đồng Tháp ước đạt gần 7%, đây là mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Cùng với đó, thu hút đầu tư chuyển biến rõ nét, với nhiều dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và phát triển đô thị.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, trong những tháng đầu năm nông nghiệp của địa phương phát triển ổn định, cá tra, xoài, hoa kiểng tăng trưởng mạnh. Cùng với đó, địa phương đã thu hút 18 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 11.400 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 1 tỷ USD, tăng trên 18%, đạt 112% so với kế hoạch.
Thu hút đầu tư, tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai các dự án tại Đồng Tháp
Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch, trong 6 tháng cuối năm 2025, Đồng Tháp tiếp tục nỗ lực, tập trung quyết liệt các giải pháp để hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế, xã hội. Trong đó, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm từ 8% trở lên, riêng 6 tháng cuối năm đạt tối thiểu 9,3%, tạo đột phá về chất và lượng cho nền kinh tế địa phương.
Trong đó, tập trung thực hiện các đột phá chiến lược gồm hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển doanh nghiệp và đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, xây dựng Đảng. Cùng với đó, xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân. Đồng thời tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông cho phát triển; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là nông nghiệp, xuất khẩu, đặc biệt là khơi thông nguồn lực để thu hút đầu tư, tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn.
Trong những tháng đầu năm nông nghiệp của địa phương phát triển ổn định
Năm 2024 kinh tế của Đồng Tháp duy trì ổn định, tăng trưởng GRDP đạt 6,44%, quy mô kinh tế khi đạt mốc trên 122.700 tỷ đồng, xếp thứ 6 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đây cũng là năm ghi nhận kim ngạch xuất khẩu 2 ngành hàng chủ lực là gạo, thủy sản của Đồng Tháp đứng đầu cả nước.
Bảo vệ cây trồng trong mùa nắng nóng
Mùa hè năm nay thời tiết tại Thanh Hóa tiếp tục diễn biến phức tạp với nền nhiệt tăng cao kéo dài. Để bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong điều kiện thời tiết nắng nóng, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm thiểu thiệt hại, duy trì ổn định sản xuất và hạn chế tác động bất lợi của thời tiết cực đoan.
Người dân xã Yên Trung (Yên Định) ngắt lá già giảm bớt việc bốc hơi nước nhằm bảo vệ cây trồng tốt hơn trong mùa nắng nóng. Ảnh: Lê Hợi
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thanh Hóa, năm 2025 khu vực Bắc Trung bộ có khả năng xuất hiện nhiều đợt nắng nóng gay gắt kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8, nền nhiệt cao hơn trung bình nhiều năm. Thời gian nắng nóng xảy ra tập trung vào giữa trưa và đầu giờ chiều, khiến đất bị khô cằn, nước bốc hơi nhanh, làm giảm khả năng sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Cùng với đó, một số loại sâu bệnh phát sinh mạnh trong thời điểm giao mùa cũng là nguy cơ khiến nhiều diện tích cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không có biện pháp chủ động phòng tránh.
Trong vụ hè thu năm 2025, tỉnh Thanh Hóa dự kiến gieo trồng hơn 120.000ha cây trồng các loại, chủ yếu là lúa, ngô, mía, rau màu và cây ăn quả lâu năm. Để đảm bảo an toàn cho sản xuất trong điều kiện thời tiết bất lợi, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương rà soát, điều chỉnh cơ cấu cây trồng phù hợp với khả năng cấp nước, ưu tiên các giống ngắn ngày, chống chịu hạn tốt, có khả năng sinh trưởng trong điều kiện nắng nóng.
Người dân xã Quảng Hợp (Quảng Xương) sử dụng công nghệ phun tưới tự động cho cây trồng mùa nắng nóng.
Tại huyện Triệu Sơn - một trong những địa phương có diện tích cây trồng lớn của tỉnh, ngay từ đầu vụ huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn lựa chọn giống lúa có khả năng chống chịu hạn, sâu bệnh như giống QR1, Thiên Ưu 8, TBR225... Đồng thời, yêu cầu các HTX dịch vụ nông nghiệp tăng cường tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân, đặc biệt là các biện pháp canh tác tiết kiệm nước, giữ ẩm cho đất trong điều kiện nắng nóng kéo dài.
Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Dân Lý Bùi Văn Long cho biết: “Chúng tôi hướng dẫn bà con bón phân hợp lý, sử dụng rơm rạ phủ gốc, luân phiên tưới nước theo từng khu vực để đảm bảo tiết kiệm, đồng thời thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sâu bệnh sớm, phun thuốc đúng cách và đúng thời điểm nhằm giảm thiểu thiệt hại".
Không chỉ lúa và hoa màu, nhiều diện tích cây ăn quả lâu năm cũng đang đối mặt với áp lực từ thời tiết khắc nghiệt. Tại huyện Thọ Xuân, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ cây trồng như che phủ gốc bằng cỏ khô, lá cây để giữ độ ẩm; khuyến cáo người dân tưới nước vào sáng sớm hoặc chiều mát để hạn chế tình trạng sốc nhiệt cho cây; đồng thời tăng cường bón phân hữu cơ để giúp cây tăng sức đề kháng.
Ông Nguyễn Văn Hảo, chủ hộ trồng 5ha cam tại xã Xuân Hòa chia sẻ: “Mỗi ngày, chúng tôi chia ra tưới luân phiên từng khu vực bằng hệ thống tưới nhỏ giọt, đồng thời che phủ gốc cam bằng bạt chuyên dụng để giữ nước. Nhờ vậy, đến thời điểm này vườn cây vẫn giữ được tán xanh, quả phát triển đều, ít bị rụng".
Để hỗ trợ người dân ứng phó hiệu quả với nắng nóng, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật canh tác mùa khô, từ việc chọn giống, lịch gieo trồng phù hợp đến các biện pháp quản lý nước, phòng trừ sâu bệnh và tăng cường sử dụng vật tư nông nghiệp an toàn, hiệu quả. Đến tháng 6/2025 toàn tỉnh đã nạo vét, khơi thông hơn 1.500km kênh mương, tu sửa 68 trạm bơm và 22 hồ chứa nước phục vụ chống hạn. Chính quyền các địa phương đã thành lập các tổ giám sát nội đồng, chủ động điều phối nước tưới hợp lý theo từng vùng sản xuất. Nhiều địa phương như Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Yên Định còn triển khai mô hình tưới tiết kiệm kết hợp với hệ thống cảm biến độ ẩm để quản lý nước thông minh, giúp cây trồng phát triển tốt ngay cả trong điều kiện nắng hạn kéo dài.
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh mở hai ngành đào tạo liên trường mới về nông nghiệp số
Ngày 23/6, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (ĐHQGTPHCM) đã ký quyết định phê duyệt mở hai ngành đào tạo mới trình độ đại học là Công nghệ nông nghiệp số và Kinh doanh nông nghiệp số.
Đây là những ngành học liên ngành, liên trường, góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp hiện đại trong bối cảnh chuyển đổi số.
ĐHQGTPHCM mở hai ngành đào tạo liên trường mới về nông nghiệp số. Ảnh: ĐHQGTPHCM
Cụ thể, ngành Công nghệ nông nghiệp số (mã ngành 7620190) được phối hợp đào tạo giữa Trường Đại học An Giang và Trường Đại học Công nghệ Thông tin theo hình thức đào tạo chính quy, với thời gian đào tạo 4 năm. Chương trình bao gồm 136 tín chỉ (không bao gồm các học phần Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng - an ninh và Ngoại ngữ), được thiết kế phù hợp với khung trình độ quốc gia Việt Nam và các chuẩn mực đào tạo hiện hành.
Trong đó, Trường Đại học Công nghệ Thông tin đảm trách giảng dạy khoảng 27 tín chỉ, chiếm gần 20% chương trình. Sinh viên tốt nghiệp sẽ được cấp bằng Cử nhân Công nghệ nông nghiệp số. Chương trình đào tạo tập trung trang bị kiến thức về quản lý dữ liệu, điều khiển thiết bị tự động và kỹ thuật số ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên còn được đào tạo về đạo đức nghề nghiệp, khả năng thích ứng với môi trường làm việc đa dạng và năng lực khởi nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, giá trị gia tăng và đáp ứng yêu cầu thị trường.
Ngành Kinh doanh nông nghiệp số (mã ngành 7620191) do Trường Đại học An Giang chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Luật đào tạo. Đây là chương trình chính quy kéo dài 4 năm, gồm 136 tín chỉ (không bao gồm các học phần Giáo dục thể chất, Quốc phòng và tiếng Anh). Trong đó, Trường Đại học Kinh tế - Luật phụ trách 31 tín chỉ, chiếm 22,8% chương trình, tập trung vào các nội dung về quản trị, thương mại hóa và kinh doanh nông sản trên nền tảng công nghệ số.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh doanh nông nghiệp số sẽ được cấp bằng Cử nhân Kinh doanh nông nghiệp số, có khả năng làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức tư vấn hoặc tự khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp số hóa.
Chương trình hướng tới đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ chuyển đổi số ngành nông nghiệp, phù hợp với chiến lược chuyển đổi số quốc gia và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ngành học này được xây dựng trong khuôn khổ Dự án SAHED - tăng cường năng lực giáo dục đại học nông nghiệp tại ĐHQGHCM, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ. Đây là bước đi phù hợp với Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và định hướng phát triển bền vững ngành nông nghiệp.
Trước đó, ĐHQGTPHCM đã triển khai hai ngành liên trường là Kinh doanh thương mại Hàn Quốc (2024) và Kinh tế đất đai (2025). Việc tiếp tục mở ngành Kinh doanh nông nghiệp số và Công nghệ nông nghiệp số một lần nữa khẳng định chiến lược đẩy mạnh các chương trình đào tạo tích hợp liên ngành, liên trường nhằm phát huy hiệu quả và thế mạnh chuyên môn của các đơn vị trong hệ thống ĐHQGTPHCM.
Cấp, quản lý mã số vùng trồng để phát triển nông nghiệp bền vững và đẩy mạnh xuất khẩu
Đối với công tác kiểm tra, thẩm định và giám sát hồ sơ cơ sở xin cấp mã số vùng trồng mỗi năm khoảng 50 cơ sở được thẩm định. Đồng thời, kiểm tra và giám sát các cơ sở đã được cấp mã số vùng trồng từ năm 2022 đến hạn và cả các vùng đã được cấp mã số phục vụ xuất khẩu.
Hà Nội đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng để mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: Ánh Ngọc
Ngày 23-6, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 169/KH-UBND về việc cấp, quản lý mã số vùng trồng trên địa bàn thành phố Hà Nội Theo đó, kế hoạch nhằm khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp mã số theo quy định tại Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023 của HĐND thành phố; thực hiện quản lý vùng trồng đã được cấp mã số đúng quy định, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng vùng không nhiễm sinh vật gây hại, đáp ứng quy định kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.
Về công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn dự kiến tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý cấp xã, hợp tác xã… khoảng 40 lớp, mỗi xã 2-3 lớp vào năm 2026; hằng năm, tổ chức tập huấn về sản xuất an toàn, yêu cầu kỹ thuật, nhằm phục vụ cho công tác cấp, quản lý mã số vùng trồng cho các hộ nông dân trực tiếp tham gia sản xuất, trung bình 130 lớp/năm và tuyên truyền khoảng 5 chuyên đề trên báo và phát sóng trên đài phát thanh và truyền hình về sản xuất an toàn, yêu cầu kỹ thuật.
Đối với công tác kiểm tra, thẩm định và giám sát hồ sơ cơ sở xin cấp mã số vùng trồng mỗi năm khoảng 50 cơ sở được thẩm định. Đồng thời, kiểm tra và giám sát các cơ sở đã được cấp mã số vùng trồng từ năm 2022 đến hạn và cả các vùng đã được cấp mã số phục vụ xuất khẩu.
Thành phố cũng hỗ trợ theo quy định cho 50 mã số vùng trồng và thiết lập vùng không nhiễm sinh vật gây hại gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu, tập huấn cho nông dân trực tiếp sản xuất; lấy mẫu phân tích, kiểm nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...
Sở Nông nghiệp và Môi trường là đơn vị chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai hiệu quả kế hoạch. UBND các xã, phường có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu tập huấn, cấp mã số vùng trồng của các tổ chức cá nhân trên địa bàn, hướng dẫn lập hồ sơ, kiểm tra sử dụng mã số vùng trồng và phối hợp trong lựa chọn, thực hiện hình thành và duy trì, phát triển các vùng không nhiễm sinh vật gây hại gắn với mã số vùng trồng xuất khẩu. Cùng với đó, thực hiện tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại đẩy mạnh liên kết sản xuất hàng hóa, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) gắn với thị trường tiêu thụ ổn định.
Ngành Nông nghiệp phát huy hiệu quả Đề án một triệu héc-ta chuyên canh lúa
Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (Đề án) đang phát huy hiệu quả, mang lại những lợi ích về kinh tế và môi trường.
Sản xuất lúa gạo theo Đề án mang lại lợi ích về kinh tế và môi trường cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế sản xuất lúa gạo và có vai trò nòng cốt trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam.
Thực hiện Đề án, hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, thuận thiên, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, sau hơn một năm triển khai Đề án, thông qua các mô hình điểm cho thấy, nhiều mục tiêu của Đề án phát huy hiệu quả như chi phí sản xuất giảm, chất lượng gạo nâng cao, thu nhập của người dân được cải thiện và giảm đáng kể lượng phát thải khí nhà kính. Cụ thể, chi phí sản xuất giảm từ 8,2-24,2% do giảm 30-50% lượng giống, 1-4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, 30-40% lượng nước tưới và tiết kiệm từ 30-70 kg phân bón/ha; năng suất tăng 2,4-7%, giúp nâng cao thu nhập thêm 12-50% so với canh tác truyền thống. Đáng chú ý, mô hình góp phần giảm phát thải khí nhà kính trung bình từ 2-12 tấn CO2 tương đương/ha. Doanh nghiệp cam kết báo tiêu sản phẩm lúa với giá cao đã tạo động lực cho nông dân tham gia.
Tại Hậu Giang, tỉnh đăng ký diện tích năm 2025 là 28.000ha và đến năm 2030 là 46.000ha. Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hậu Giang, vụ đông xuân 2024 - 2025, nhờ áp dụng công nghệ thiết bị bay không người lái trong bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, gieo sạ bằng máy cấy... đã giảm lượng giống 90 -100 kg/ha, 20-30% phân bón và 2 lần phun thuốc bảo vệ thực vật. Chi phí trong sản xuất giảm, lượng khí thải giảm từ 20-30% trong khi năng suất lúa tăng từ 5-10%, lợi nhuận đạt 48,5 triệu đồng/ha.
Hiệu quả trong triển khai Đề án đã giúp người nông dân gia tăng năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm được nâng lên. Môi trường đã được bảo vệ khi lương phát thải giảm... Thực tế triển khai mô hình tại địa phương cho thấy hiệu quả hơn nhiều so với canh tác truyền thống.
Đề án hướng tới mục tiêu năm 2030 diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt một triệu héc-ta. Canh tác giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/héc-ta, giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như "1 phải 5 giảm" (phải sử dụng giống lúa xác nhận; giảm giống, giảm nước, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm thất thoát sau thu hoạch), SRP (Sustainable Rice Platform - Nền tảng Lúa gạo Bền vững), tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.
Theo đó, 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích. Trên 1.000.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%. Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.
Ngoài ra, bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng. Giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.
Phát huy hiệu quả Đề án, các tỉnh, thành phố cần chủ động phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường rà soát các diện tích đủ tiêu chí để mở rộng trong giai đoạn 2026 - 2030. Xây dựng hệ thống MRV (Measurement, Reporting, and Verification - Đo lường, Báo cáo và Xác minh) làm cơ sở cấp tín chỉ các-bon cho các diện tích đã áp dụng quy trình canh tác lúa phát thải thấp, hướng tới thị trường tín chỉ các-bon trong và ngoài nước. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia Đề án ký kết hợp đồng liên kết với các hợp tác xã, hộ sản xuất để cung cấp đầu vào chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho hộ trồng lúa.
Cần hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm logistics ở các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, bảo đảm cung cấp tốt các dịch vụ kỹ thuật và bảo quản sau thu hoạch.
Song song với đó là xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường sản phẩm gạo chất lượng cao và phát thải thấp cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Có chính sách đủ mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu gạo phát thải thấp tại thị trường trong nước và quốc tế.
Nỗ lực vẽ lên bức tranh nông thôn mới
Những năm qua, việc triển khai các phong trào nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đã có tác động sâu rộng mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Ngày 22/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, nhấn mạnh vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng khẳng định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba trụ cột gắn bó chặt chẽ, giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước bền vững, hiện đại. Trong đó, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế, nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá về kết quả thực hiện, chia sẻ những cách làm, mô hình hay, sáng tạo, điển hình; tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích nổi bật; thảo luận định hướng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2026 - 2030
Đến nay, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu Quốc hội và Chính phủ giao. Trong 8 chỉ tiêu chủ yếu, có 5 chỉ tiêu đã hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra, thể hiện qua các chỉ số nổi bật như: 79% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 51% huyện đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ; 24 tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn; 12 tỉnh, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Năm 2024, thu nhập bình quân người dân nông thôn đạt 54 triệu đồng/người/năm, dự kiến năm 2025 chỉ số này sẽ khoảng 58 triệu đồng/người/năm.
Chương trình giảm nghèo bền vững cũng đã đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2024 là 1,93%, giảm 3,27% so cuối năm 2022, giảm bình quân 1,03%/năm (đạt mục tiêu giao giảm 1-1,5%/năm); tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng khó khăn là 35,20% (19/54 xã)/chỉ tiêu 30%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em dưới 16 tuổi, giảm còn 25,42%/chỉ tiêu dưới 34%. Đã triển khai trên 10.500 mô hình sinh kế/chỉ tiêu trên 1.000 mô hình (vượt xa mục tiêu). Hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho trên 134.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chỉ tiêu là tối thiểu 100.000 lao động.
Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Phong trào “Vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau” được phát động sâu rộng; đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều điển hình tiên tiến được ghi nhận, biểu dương.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tới 63 điểm cầu trên cả nước.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian tới, tiếp tục thực hiện 2 phong trào để xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; giảm nghèo toàn diện, bao trùm và bền vững.
Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền tập trung vào bốn nhiệm vụ: Hoàn thiện thể chế, chính sách phù hợp với đặc thù nông nghiệp, nông thôn; phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống; đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao tri thức cho nông dân; đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, đáp ứng nhu cầu người dân.
Đồng thời, Thủ tướng kêu gọi người nông dân tiên phong trong 4 lĩnh vực, đó là: Tiên phong thoát nghèo, thi đua làm giàu bằng bàn tay, khối óc; tiên phong xây dựng hình ảnh người nông dân văn minh, hiện đại; tiên phong sản xuất nông nghiệp xanh, tuần hoàn, bền vững và tiên phong trong chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp ủy đảng, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để triển khai hiệu quả 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng các huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và các huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.